caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 1 janvier 2022

Nghe nhạc thiếu niên rồi buồn vui với bài thơ Chờ của anh Huy Văn và thơ Tết Tây Cảm Khái, bài khai bút đầu năm của anh Trần Văn Lương.

Kính gửi quý anh chị ngày đầu năm hai bài thơ của hai tác giả trong groupe của chúng tôi.

Thi sĩ Trần Văn Lương khác với mọi khi, năm nay anh gửi cho chúng ta một bài thơ vui với những vần , đọc là đã muốn bật cười.

thơ anh Huy Văn sẽ gợi nhớ và mang chúng ta tìm lại một chút gì xa xôi và hy vọng chương trình thơ, nhạc với những ca sĩ tuy còn nhỏ tuổi hát rất pro so với tuổ của các em.

Cám ơn tất cả quý anh chị đã đóng góp bài viết, bài chuyển, Blog, nhạc muôn màu, hình ảnh Youtube thật đẹp cho groupe Hương Xuân và Cát Bụi.

Kính chúc quý anh chị một năm mới sức khỏe và vạn sự như ý.

Caroline Thanh Hương

Mùng một Tết Tây, xin kính chúc quý anh chị một năm 2022 Dương Lịch an khang thịnh vượng và được mọi sự như ý.

 

          Khai Bút  

Đầu Năm 2022 Dương Lịch.

 

  Tết Tây Cảm Khái

 

Hăm Mốt kia vừa xéo,

Hăm Hai đà léo nhéo.

Xác to béo rạc rài,

Tâm dạn dày lươn lẹo.

Vận nước khéo thương đau, 

Lòng người mau bạc bẽo.

Đến sòng, kéo máy chơi,

Cháy túi, ngồi tru tréo.

      Trần Văn Lương      

       Cali, 1/1/2022



Kính chuyển
HV (HVC )

CHỜ
Vòng thời gian đang khép dần nhật nguyệt
Hồn chơi vơi qua vạn dặm trời mây
Đông lê thê buông giá lạnh phương này
gợi lòng nhớ phố phường xưa chung bước.

47 năm! Trên đôi bờ Ô Thước
là bóng quê nương đầu gió, chân mây
Gót viễn du tản lạc đến nơi này
nên sông núi mù tăm từ mấy độ.

Ngày cuối tháng, cuối năm! Từ viễn phố
hồn vọng ngân từng giai điệu thầm thì
Thời gian như lắng đọng với tà huy
cho Việt điểu ngậm ngùi khi lẻ bạn.

Vẫn là nỗi quan hoài qua năm tháng
thêm từng ngày trăn trở với đa đoan
Đêm rưng rưng chờ tháng lụn, năm tàn
để hy vọng chuyển mình thay áo mới.

Thuyền viễn xứ bao năm xa bến đợi
mãi về xuôi theo chớp bể, mây ngàn
Đợi chờ mùa sao rụng, đón trời quang
thấy đặc quánh một màu đen tang hải!

Đời vô lượng. Người dật dờ, khắc khoải
quanh quẩn trong lốc xoáy của trần ai
Ngày, tháng, năm, cứ thế lướt miệt mài
Mùa hạnh ngộ chờ thêm bao lâu nữa?!
HUY VĂN



 


 

jeudi 30 décembre 2021

Nguyễn Hữu Khiêm kể chuyện mùa dịch vật và con đường trở lại tên Pasteur của thời Sài Gòn xưa.

tt

 Kính mời quý anh chị đọc bài viết  rất buồn cười của tác giả Nguyễn Hữu Khiêm.

Con đường mang tên rất quen thời Sài Gòn cho đến một ngày nó bị mất tên và cái tên mới lại bị đi vòng một trăm tám chục độ để về chốn cũ...

Phải biết cái gì thuộc về ai thì cũng phải trả lại cho người đó đừng hòng mà thấy tiện rồi lấy luôn.

Caroline Thanh Huong



Kể chuyện mùa dịch vật.
 
Phần hai: Mỗi ngày chỉ năm nghìn!
Một ông chúa đảo tuyên bố trên báo đài rằng; mỗi ngày chỉ tiêu hết cở là một đồng Mỹ kim, dạ kính thưa ông một đồng Mỹ kim quy ra tiền có in hình cụ Hồ xứ Việt ta là hơn hai hai nghìn, không hề hút sách, rượu bia, gái gú… dân ta một người mỗi ngày tiêu bao nhiêu đó liệu được có mấy người?!
Nhớ đâu năm một chín chín mốt, nhà nước phục hồi tên đường Pasteur, Pasteur có lẽ là cái tên đã quá quen thuộc với người dân Sài Gòn. Con đường được đặt theo tên của Louis Pasteur (1822 - 1895), một bác sĩ vĩ đại người Pháp. Ông là cha đẻ của ngành nghiên cứu vi sinh vật học, là người đã sáng chế ra thuốc kháng sinh đầu tiên trên thế giới. Viện Pasteur cũng được thành lập dựa trên ý tưởng của ông. Với những đóng góp to lớn, chẳng ngạc nhiên khi có khá nhiều con đường, địa danh của Việt Nam mang tên ông, như đường Pasteur ở Đà Lạt, vườn hoa Pasteur ở Hà Nội...
Đường Pasteur cũng là một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn, được thành lập từ năm 1865. Thời kỳ đó, bến Chương Dương còn là một con rạch, với 2 con đường Olivier và Pellerin. Khi con kênh bị vùi, đường Olivier mất theo. Đến năm 1955, con đường được đổi tên thành đường Pasteur, vì trên con đường này có Viện Pasteur Sài Gòn được thành lập từ năm 1891. Năm 1976, không biết mấy ông ngứa ngứa sao đó mà lại đem bà Nguyễn Thị Minh Khai đè lên mặt ông Pasteur, Viện Pasteur đổi tên thành Viện Dịch tễ học. Đến năm 1991 nghe đâu ở cái xứ sở thực dân cũ không chấp nhận tiếp tục tài trợ cho cái Viện dịch tễ dịch vật chi đó, để phục hồi tên con đường và Viện Pasteur mấy ông văn hoá văn xã phải mần cái tờ trình xin ý kiến Hội đồng nhân dân thành phố. Nhớ đâu báo Sài Gòn giải phóng lúc đó có bài viết như vầy: Tờ trình đề nghị khiêng bà Nguyễn Thị Minh Khai ra nửa đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, chỗ Lê Văn Tám chuẩn bị tẩm xăng làm đuốc sống, tức là chỗ cầu Thị Nghè cho có chị có em, đặt lại tên đường tên viện là Bác Tơ. Trình tới trình lui, mấy ông mấy bà Hội đồng thay nhau hạch hỏi Bác Tơ này có công lao chi mà đặt tên đường, bí quá mấy cha văn hoá nói đại theo kiểu miền nam là Bác Ba Tơ vốn mần nghề bác sỹ, trong công cuộc trường kỳ kháng chiến đã nhiều lần lén lấy thuốc kháng sinh từ Viện dịch vật, vượt sông Sài Gòn qua Thủ Thiêm chữa thương và trị bệnh sốt rét cho bộ đội ta nhiều lắm... Nói đại nói dóc nhưng mà cám ơn thiệt, Sài Gòn còn cái đường tên thiệt là Bác ba sờ tơ!
Lại nói, hồi xưa sáng đến trường mấy thằng hay đi bộ từ Ký túc xá 129A Nguyễn Huệ đến 196 Pasteur, đi từ hướng Nhà thờ Đức bà đến Hồ con rùa, theo con đường Duy Tân cây dài bóng mát (lại nói trật: đường Phạm Ngọc Thạch) quẹo trái, chỗ cái tháp nước có Bà bán xôi bên hè đường, xôi bày ra dĩa có dăm ba hột nếp cùng mấy ít hạt gọi là Xôi đậu phộng, mỗi thằng hai dĩa mới được nửa bụng muốn no phải là bốn, mà thường là ăn thiếu...
Còn nhớ cái hồi ở Xưởng thiết kế Xây lắp Nội thương sáu ba Võ Văn Tần, mấy thằng tre trẻ không nhà không cửa như mấy thằng tôi, đi làm rồi ở lại xưởng thì không nói gì, lại có ông Thầy Quyện có nhà có cửa có vợ có con chiều về tối lại sáu ba Võ Văn Tần ngồi ngủ gật, hỏi sao thế này? Thầy Quyện thật thà bảo rằng mỗi ngày có mỗi năm nghìn nên mà tối ngủ ở nhà lỡ "ti toe tí" chắc hư cả ngày hôm sau, chỉ có là ngủ gật!?
Vậy là đi theo ông thầy Quyện mấy ngày, mỗi ngày là năm nghìn, gần cuối cái đường Bác Tơ quẹo phải là đường Trần Quốc Toản phía bên trái có cái bờ tường, sau bờ tường có cái căn tin, cơm trắng ăn no đủ, thức ăn bao gồm giống thời KTX Nguyễn Huệ, một nghìn rưởi một người, có hôm tôi mời ông Thầy Quyện một ly trà đá năm trăm đồng, ông Thầy lại bảo là phí phạm quá...
Ngồi cộng hết lại: buổi sáng một ổ bánh mì chan nước tương ngọt (không giải thích) một nghìn, cơm trưa một nghìn năm trăm đồng, cơm chiều một nghìn rưởi cộng lại là bốn nghìn, không uống trà đá hai lần là còn dư một nghìn: Thầy là Thầy lừa đảo một ngày chỉ có bốn nghìn vậy một nghìn để đâu, ông Thầy nheo nheo mắt, kính xệ xệ bảo rằng, lâu lâu cũng phải đi bơm bánh xe, hôm rồi gặp thằng đểu bơm hai bánh nó tính hai nghìn!
Bó tay ông thầy Tiến sỹ...

Chương trình đọc và nghe đọc truyện hay với truyện ký Người Của Giang Hồ, thời Sài Gòn xưa đến nay, không nên bỏ qua.

tt

 Có những người làm nên lịch sử, không phải vì họ lương thiện hay anh hùng hơn ai hết mà vì thế cuộc đưa đẩy và những nhân vật như truyện ký dưới đây, có thể quý anh chị đã có lần gặp mặt hay nghe nói đến ở những năm trước một chín bảy lăm, nhưng chúng ta thường bỏ qua tai...

Chỉ có giới làm ăn người Hoa hay những người bần cùng hoặc những người trong thành phần bài trừ du đãng Sài Gòn có biết tiếng, nhưng nay, người còn, người mất và bài ký này viết lại cho chúng ta  biết thêm chuyện một thời đã qua.

Cuối năm, nghe chuyện cũ mới thấy rằng không phải ai cũng may mắn trong một kiếp con người và dù người giàu nứt vách hay kẻ bần cùng cũng cùng bước qua chuyện đổi đời mà không ai ngờ trước được.

Tôi không biết thực hư trong bài ký được post tai đây, nếu có sự đụng chạm nào hay có nhân chứng khác thì xin vui lòng cho biết thêm sự thật nếu có.

Cám ơn tác giả, người post bài, người đọc truỵên.

Kính chúc quý anh chị một mùa lễ vui vẻ, mạnh khỏe và vạn sự như ý.

Caroline Thanh Hương


Đề từ về một thế giới của tội ác và sự hỗn loạn

Bạn đọc thân mến!

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có bạn đọc nào đó đón nhận cuốn sách này - không như mong muốn của tác giả - với một thái độ thờ ơ, thậm chí là xa lánh. Cũng phải thôi, đa phần độc giả đều là những người lương thiện - như tôi, như bạn - khó có thể bắt họ phải cảm thấy “say mê” khi mà suốt hàng trăm trang sách, những khuôn mặt hiện ra đều là biểu tượng của cái ác, sự điên rồ, liều lĩnh, những hành động được mô tả đều là tội lỗi, gắn liền với những chết chóc, thù hằn và được thể hiện bằng những cuộc tranh giành, đâm chém, thanh trừng lẫn nhau một cách tàn bạo. Tuy nhiên, đó là điều không thể tránh khỏi chứ hoàn toàn không phải là mục đích của tác giả khi đặt bút viết cuốn sách này.

Loài người, trong đó có xã hội mà chúng ta đang sống, tiến dần về phía tương lai văn minh và phát triển với niềm tin “nhân chi sơ tính bản thiện” thì đồng thời loài người cũng phải oằn lưng gánh trĩu và luôn phập phù, cảnh giác với dục vọng “nhân chi sơ tính bản ác”, cố nhiên, cũng nảy sinh trong một bộ phận khác của đời sống xã hội. Cho dù chúng ta ghê sợ, xa lánh và luôn tìm cách chống lại thì cũng phải thừa nhận: cái ác luôn tồn tại, loại trừ hay chối bỏ nó hoàn toàn chỉ là một ước mơ đẹp đẽ nhưng hết sức ngây thơ. Để phấn đấu cho điều đó, không còn cách nào khác, việc đầu tiên là phải nhận diện được cái ác, hiểu về nó một cách tường tận và không ảo tưởng.

Thoạt kỳ thủy, hai tiếng “giang hồ” được dùng để định danh một lớp người phiêu bạt, lấy việc hành hiệp trượng nghĩa, giúp kẻ yếu người cô giành lại sự công bằng làm mục đích; lấy phô diễn tài năng, hơn thua cao thấp - chủ yếu về sức mạnh võ nghệ - làm niềm vui... Với ý nghĩa đó, “giang hồ” được nhìn nhận như một lối sống, một loại tính cách, đẹp và mã thượng. Tuy nhiên, cái đẹp ấy chỉ còn tồn tại trong sách kiếm hiệp đa phần là hư cấu. Theo thời gian, hai tiếng “giang hồ” đã biến chất, tha hóa hẳn. Đến nay, nó chỉ còn lại như một khái niệm về tội lỗi và cái ác, “giang hồ” được hiểu như từ định danh về một thế giới gồm toàn những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, kết bè kết đảng và thủ lợi bằng con đường phạm pháp.

Nhưng, việc phân tích các khái niệm không phải là trách nhiệm của chúng tôi. Đó là công việc của các nhà xã hội học. Với cuốn sách này, chúng tôi chỉ muốn khắc họa lại một cách chính xác những khuôn mặt cộm cán nhất của giang hồ miền Nam trong thế kỷ XX. Để bạn đọc tiện theo dõi và nhận diện rõ nét quá trình tha hóa của thế giới giang hồ, những khuôn mặt trong sách được sắp đặt theo đúng trình tự thời gian mà họ sống. Bắt đầu từ Sơn Vương Trương Văn Thoại từ những năm 1930, “người của giang hồ” dù sao vẫn còn giữ được những nét mã thượng, mục đích giang hồ còn đôi chút hướng thượng và trọng nghĩa, ít nhiều vẫn phảng phất đôi nét Từ Hải, Robin Hood - người của tự do. Trượt dài đến “thời hai tay ba đao” của những năm 60-70, “giang hồ” đã hoàn toàn biến chất, trở thành một thế giới ngự trị đầy rẫy những cái ác, ác từ suy nghĩ đến hành động, với những Đại Cathay, Sơn Đảo, Lâm Chín ngón, Điền Khắc Kim, Năm Vĩnh v.v... Từ xuất phát điểm là bạn của dân nghèo, giang hồ đã trở thành tai họa, nỗi ám ảnh đầy đe dọa của lương dân. Yếu tố vụ lợi đã làm tha hóa toàn bộ bản chất của một lớp người. Đến những Năm Cam, Hải “bánh”... cuối thế kỷ XX thì giang hồ đích thị chỉ còn lại những bộ mặt quỷ dữ. Đó là tập hợp những tên tội phạm, những kẻ đâm thuê chém mướn. Dù vậy, giới giang hồ vẫn có những đặc trưng riêng, luật lệ riêng. Khi nói đến giang hồ là nói đến những tên tội phạm - điều đó đúng, nhưng một tên cướp giật, một tên tội phạm móc túi, trộm vặt mà gọi là giang hồ thì chắc chắn là sai.

Cho dù qua mỗi thời kỳ, giới giang hồ mang một đặc điểm hoàn toàn khác nhau thì thế giới ấy vẫn chưa bao giờ biến mất hay đứt đoạn. Sơn Đảo của thời hỗn loạn thập niên 60-70 từng gặp gỡ, bái phục và là một bản sao không hoàn chỉnh của Sơn Vương - rất ngạo thế khinh đời thập niên 1930; Năm Cam, Hải “bánh” hung thần cuối thế kỷ chỉ là một  thứ “âm binh mất ma” học nghề từ những dân chơi trước giải phóng như Đại Cathay, Sơn Đảo và từng cạnh tranh với những đàn em của tên hung thần lề phố này như Huỳnh Tỳ, Lâm Chín ngón... Theo nghĩa đó, cái ác là một khối u ác tính di căn trong đời sống xã hội.

Nhấn vào đường link của tưạ bài viết để đọc hết truỵên.