caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 3 septembre 2020

Bài thơ độc đáo của thi sĩ Trần Văn Lương, Huy Văn và tùy bút Caroline Thanh Hương.

Kính gửi quý anh chị bài thơ Tôi Viếng Tang Tôi của thi sĩ Trần Văn Lương.

Nếu quý anh chị nào muốn tìm cảm xúc mạnh, có thể vào đây để đọc và suy ngẫm.

Kèm theo bài thơ này có phần bình của anh Huy Văn và một chút tuỳ bút của tôi viết sau khi đọc bài thơ độc đáo này của anh Lương.

Nhớ lại mình có làm một show nhạc cho một bài hát, nhạc và lời của anh Phạm Mỹ Lộc, phần bè của anh Phạm Đức Nghĩa, mời quý anh chị cùng thưởng thức với chủ đề tâm linh này.

Caroline Thanh Hương

tt


Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần.

Dạo:
    Nhìn quan tài dạ nao nao,
Hồn đây xác đấy cái nào là tôi?


Cóc cuối tuần:

   Tôi Viếng Tang Tôi

   (Cuối tuần vừa qua chúng tôi có dịp đi dự mấy
    đám tang. Nhìn quan tài của người quá cố, lòng
    lẩn thẩn tự hỏi rằng nếu chính mình đang nằm
    trong mấy tấm ván đó thì mình sẽ có cảm nghĩ  
    gì. Xin được ghi lại vài ý tưởng vớ vẩn lúc ấy)

Tôi ghé nhà quàn viếng xác tôi,
Nhìn quan tài mở, dạ bồi hồi,
Cánh bèo theo sóng đời xuôi ngược,
Đã đến cuối dòng nước nổi trôi.

Khói trắng từng hồi lặng lẽ loang,
Nỗi đau ly biệt đọng đôi hàng,
Khăn tang gói ghém câu từ giã,
Tơi tả lòng nhau phút trễ tràng.

Nhịp nhàng ánh nến khẽ khàng lay,
Tiếng tụng kinh cùng gió thoảng bay,
Tiễn kẻ xuôi tay rời bến khổ,
Mịt mù thiên cổ dấu chim bay.

Ngật ngầy ngắm nghía xác thân tôi,
Đời sống cuối cùng chỉ thế thôi.
Mấy chục năm trời cơn gió thoảng,
Lối trần thoáng chốc đã xa xôi.

Một xác thân thôi, mấy cảnh đời,
Phải chăng vì số mệnh đùa chơi.
Từ nôi tre đến quan tài gỗ,
Chỉ thấy toàn gian khổ kiếp người.

Thế rồi tất cả chẳng còn chi,
Bươn chải ngược xuôi để được gì.
Tử biệt sinh ly thời khắc đến,
Nào ai tránh được chuyến đò đi!
                       x
                  x        x
Xác đó khác gì chiếc áo tơi,
Bấy lâu mưa nắng rách bươm rồi,
Đến giờ vất bỏ thôi đừng tiếc,
Níu giữ chi oan nghiệt một đời. 

Tôi nhủ thầm tôi chớ vấn vương,
Trước khi phải cất bước lên đường,
Thong dong tìm đến phương trời mới,
Hãy cố quên đi cõi đoạn trường.

Nán lại lang thang với mọi người,
Bùi ngùi thăm hỏi đến từng nơi.
Nhưng rồi vẫn thế, sau như trước,
Chẳng được ai lên tiếng trả lời.

Ai ai cũng chỉ ngó quan tài,
Không thấy thằng tôi đứng sát vai,
Đang rót vào tai câu cảm tạ,
Trước khi từ giã hẳn trần ai.
                       x
                  x        x
Người bảo: "Tôi là thân xác tôi", (*)
Thì xin người hãy đến nhìn coi,
Xác tôi lạnh ngắt nằm ngay đó,
Nào có khác gì khúc gỗ phơi.

Mảnh hồn vừa nghĩ ngợi lôi thôi,
Vừa ngắm xác thân đã tách rời,
Vớ vẩn chán chê rồi ấm ức:
Cái nào mới đích thực là tôi?
            Trần Văn Lương
               Cali, 9/2020

Ghi chú:
(*) Je suis mon corps: đây là một vấn đề đã được
các triết gia Tây phương bàn đến, trong số đó có
nhiều vị rất nổi tiếng như Merleau-Ponty, Spinoza,
Nietzsche...

Sau đây là bài bình của anh Huy Văn

...Mảnh hồn vừa nghĩ ngợi lôi thôi,

Vừa ngắm xác thân đã tách rời,
Vớ vẩn chán chê rồi ấm ức:
Cái nào mới đích thực là tôi?


Tuyệt vời thay cho câu hỏi cuối bài thơ! Nó chẳng khác gì lúc soi gương mà lòng thấy ngẩn ngơ khi người ta ( đôi khi ) nhìn vào rồi tự thắc mắc "là mình đó sao?!". Chỉ một bài thơ và bằng 4 câu cuối với câu hỏi mà tác giả ( TRẦN VĂN LƯƠNG ) đã gợi cho bạn thơ cùng độc giả thấy một ý niệm về sự hiện hữu của chính mình. Không chỉ như vậy! Tác giả còn tóm gọn quan điểm của Spinoza và Nietzsche là những ông "Tổ" hiện sinh chuyên đi tìm Thượng Đế để bác bỏ Ngài, đồng thời Nhà thơ còn gói ghém những "Hoài Nghi" của Descartes và Kant trong khái niệm Thượng Đế và Con Người khi họ đề cập tới lãnh vực Siêu Hình Học. Nói cách khác, cái Tôi của Linh Hồn đã nhìn thấy cái " Tôi chật chội" của Thân Xác khi tách khỏi mớ vật thể đang nằm im chờ mục rửa! Một bên là chủ động ( Linh Hồn ) còn bên kia là thụ động ( Thể Xác ) Hai bản thể nhưng lại là Một trong sự Đồng Nhứt của "cái gọi là" Con Người. Tác giả TRẦN VĂN LƯƠNG có một "ấm ức" cũng phải vì có lẽ anh cũng đã thấy cái TA hướng thượng ( nhẹ tênh ) đang nhìn cái TÔI "đáng ghét" ( nặng nề ) dưới kia. Câu hỏi ngầm của chính tác giả có lẽ là " Tai sao bấy lâu nay TA lại phải giam thân trong sự tù túng của cái TÔI đó nhỉ? " Trả lời anh:- Đó là ý muốn của Thượng Đế.
Vậy nếu người nào tìm được câu trả lời cho câu hỏi của anh LƯƠNG ( tức là đã thoát ra khỏi sự đóng khung đó ) đã có thể cười với Nietzsche mà  "phán" rằng: "Nếu không có Thượng Đế thì Thượng Đế chính là...TA!"
HUỲNH VĂN CỦA


Kính chào anh Lương, anh Huy Văn và quý anh chị.

Lần đọc bài thơ này của anh Lương, tôi thấy thật buồn cười với đúng nghĩa của nó.
Buồn, nhưng phải bật cười vì nếu chúng ta chưa thấy quan tài thì chưa đỗ lệ.

Thường thì chúng ta hay khóc cho những người vừa nằm xuống mà luôn quên khóc cho người còn ở lại cũng cô đơn, lạc lõng hơn bao giờ hết.

Đọc bài viết ĐỂ LẠI HẾT CHO CON, Thic´h Tánh tuệ
tôi mới thấy ông bà cha mẹ mình thường quan niệm sai về cái để lại cho con và luôn làm cho con cái cảm thấy khó chịu khi quên không nói thẳng, không nói thật và hay nói vòng vo thì chẳng có ai mất thì giờ hối hận chuyện gì đã qua.Tôi thích nhất là mấy câu thơ dưới đây của anh Lương

"Xác đó khác gì chiếc áo tơi,
Bấy lâu mưa nắng rách bươm rồi,
Đến giờ vất bỏ thôi đừng tiếc,
Níu giữ chi oan nghiệt một đời." 
Thơ Trần Văn Lương
Exactly, có ai có cái xác không hư hao nhan sắc bao giờ đâu.
Những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của một đời để tạo nên vật chất, sự nghiệp hay thành công gì chăng nữa, thì khi nằm xuống cũng chỉ là cái xác bệnh hoạn, không hồn.
Chuyện quan trọng nhất mà chúng ta quên nghỉ đến là trong cuộc đời của mình, có ai biết lúc nào mình hạnh phúc nhất chưa, mình đã làm gì cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và cho tổ quốc chưa?
Nếu chúng ta đã làm được đầy đủ bổn phận của con người rồi, thì chúng ta cũng phải vẫy tay chào để chừa chỗ cho người khác tiến lên làm những việc mới mẻ hơn.
Đây là lúc chúng ta được yên nghỉ và dù cái xác đó không còn gì để tiếc nuối thì ít nhất linh hồn của xác đó đã về chốn bình yên.
 Caroline Thanh Hương
03 tháng 9 năm 2020