caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 12 juin 2022

Thơ đau buồn tuyệt vọng với bài Lệ Châu của Thanh Thanh và bài Vẫn Tìm Em của anh Huy Văn, và nghe nhạc Khúc Tình Ca Trên Cát, thơ Trần Văn Lương.

tt

 Chuyện tình nào của thời xuân xanh cũng mang nhiều nỗi niềm thương nhớ.

Mời quý anh chị cùng thưởng thức những chuyện tình thơ, văn qua ba thi sĩ Thanh Thanh, Trần Văn Lương và Huy Văn.

"Vẫn cặm cụi trên cát viết tình ca trên cát", có lẽ là anh Lương đã diển tả đúng nhất. 

Cám ơn quý đàn anh thi sĩ đa tài đã đóng góp cho chúng ta những bài thơ, nhạc hay, nhưng cũng mong quý anh cũng nên trân quý sức khỏe của mình, vì ai đi rồi thì cho đi luôn cho đỡ bận tâm.

Hạnh phúc bây giờ là chính lúc này với gia đình mà chúng ta đang gánh vác và chút niềm vui cuối đời bên con cháu.

Caroline Thanh Hương

Riêng thơ Thanh Thanh thì khó mà không đổ lệ, mời quý anh chị đọc bài

            LỆ-CHÂU

Đã  mấy  thu  rồi,  hả  bể dâu ?
Những hình bóng cũ nay về đâu ?
Có  ai  đốt  lại  lò  hương  ấy
Mà nhớ vô cùng, hỡi Lệ-Châu !

Ta nhớ em như nhớ tháng ba*:
Ngày giờ có đó, nghĩ không ra!
Chính ta chẳng hiểu mơ hay tỉnh;
Ta  ở  đây  mà  nhớ  chính  ta!

(*) 29/03/1975: Đà Nẵng (thủ-phủ Miền Trung) thất-thủ.

Ta  nhớ  ta  là  một  tiếng  im,
Con thuyền không bến, máu không tim,
Không hoa cho một làn hương quyện,
Không tổ nương nhờ một cánh chim!

Ta có đầu ta – một thánh-thư:
Biết đường, đâu ngại ngã ba, tư!
Lòng ta có lửa mà không bếp,
Như thiếu trùng-dương cho hải-ngư!

Thiếu một thần-giao, một cảm-thông;
Đời không tri-kỷ, không tâm-đồng;
Bơ-vơ như trận kình+nghê-chiến:
Biển cả tung-hoành một lão-ông!

Rồi bỗng đâu đây giữa gió khơi
Có em bỗng gọi, có ta "ơi!"
Thuyền như nhắm bến, chim tìm tổ,
Đêm muốn hừng đông, hận muốn vơi ...

Em đến – gần mà như muôn trùng,
Không tên, không lấy cả hình-dung...
Nhưng em đã đến, bằng xương thịt,
Đã  sưởi  lòng  ta ...  ấm  lạ-lùng!

Em  có  là  tiên... hay  là... ma
Thì  em  cũng  đã  có  yêu  ta!
Tình em là một nguồn thi-hứng:
Bút rỉ mười năm... lại nở hoa!

Em đã theo ta mỗi bước chân,
Hòa trong hơi thở, nhập trong gân!
Có em là bạn... nên từ đó
Ta có niềm vui tự bản-thân...

Nhưng, bỗng tư bề nổi bão đêm:
Kình-ngư còn lại bộ xương lem!
Đất thành hoang đảo! dân thành rợ!
Ngư-phủ vào tù, lạc dấu em...

Nỗi nước khôn khuây, lại nỗi nhà,
Nỗi mình khắc-khoải một mình ta!
Bao nhiêu kỷ-niệm vào tro bụi
Như những kê vàng, quá-khứ xa ...

Ôi! Những ngày xanh, những ước mơ
Tan như ảo-ảnh mống trời mưa!
Thời-gian liệm lấp vào quên-lãng
Những mộng vàng son hóa mộng hờ!

Rồi có hôm nào như hôm nay:
Gió nào gợn sóng, lá nào bay ...
Cho ta gợi lại trong tâm-tưởng
Một thoáng ân-tình, thoáng rượu say ...

                       Trại Kho Đạn (Đà Nẵng), 1980-81

                               THANH-THANH

 

Và sau đây, mời quý anh chị đọc thơ anh Huy Văn, cũng viết về nỗi yhương nhớ... "ai" khôn nguôi

 

Kính chuyển

HV (HVC )

 

VẪN TÌM EM

50 năm! Đã bao mùa tâm động

Nhớ quá con đường khép lá mưa tuôn!

Đồi, núi quạnh hiu. Thông trỗi phiên buồn

khi gió chướng gom mây che lối mộng.

 

Nụ tình xanh của mùa hè dậy sóng

chưa đơm bông đã trầm mặc bể dâu

Tôi và Em như Ô Thước mùa ngâu

Đôi bờ nhớ trải...xa lơ, xa lắc.

 

Trong nghiệt ngã, tai ương, đầy nước mắt

Tôi khốn cùng, Em chịu cảnh lao đao

Lất lây mong Thu héo lối vàng sao

chờ con nước đưa thuyền về bến cũ.

 

50 năm! Hơn nửa đời lữ thứ

Bao nổi, chìm, dù nhân ảnh mong manh

và hoàng hôn đang thay nắng trên cành

kỷ niệm vẫn đẹp hoài theo năm tháng.

 

Tôi vẫn tìm Em trong tận cùng phiêu lãng

Hãy đợi thêm một mùa nắng trong lành

Tôi sẽ về vun xới lại mầm xanh

và nói những lời yêu chưa kịp ngỏ.

 

Mình xa nhau khi Hè nung lửa đỏ

Đã 50 năm! Tuy góc bể, chân trời

Tình trao Em vẫn đẹp. Dấu yêu ơi!

Ngày mai sẽ rạng ngời mùa hạnh ngộ.

HUY VĂN

( Để nhớ "Mùa Hè Đỏ Lửa" 1972 )

Nghe đọc truyện ĐẶC BIỆT NGUY HIỂM của tác giả Nguyễn Như Phong với mc Đình Duy.

Kính mời quý anh chị nghe truyện tâm lý xã hội thời đại mới qua giọng đọc mc Đình Duy.

Truyện có hai mươi chín tập rất hồi họp và nơi đây, tác giả đã cho chúng ta biết một phần bề trái của xã hội Việt Nam.

Nhờ đó, mà chúng ta có thể hiểu tại sao có những người làm việc trong chính quyền, lãnh lương công chức mà giàu như thành phần mà trước năm một chín bảy mươi lăm, họ gọi là tư sản mại bản và cần cải tạo.

Đầy tớ nhân dân, bây giờ được và phát phong bì lót đường từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài.

Rất nhiều truyện viết của nhiều tác giả khác nhau mà người dân Việt Nam, trong và ngoài nước, có thể hiểu thấu nỗi thống khổ của những người làm ăn lương thiện thì không thể nào sống bình yên nếu không có những tay bảo kê và cho vay nặng lãi.

Hy vọng là trên những đất nước tự do, không có chuyện lót đường như ở Việt Nam...

Cám ơn các tác giả những truyện viết này và mc Đình Duy đã diển tả những đối thoại rất sát với các nhân vật trong truyện.

Caroline Thanh Hương

  tt

Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị dưới ngòi bút của Con Cò Thơ có gì lạ.

Kính gửi quý anh chị bài Tỳ Bà Hành qua sự nghiên cứu và dịch thơ Bạch Cư Dị của nhóm bạn thơ của Con Cò Thơ.

Những loại thơ cổ này rất hay, thâm thuý vì thơ chữ Hán thì rất xúc tích từ âm, từ, cho nên thơ có dịch hay đến đâu, cũng chỉ có thể là những bài thơ khác cùng ý với bản chính.

Cám ơn thư ký Lộc Bắc đã tuyển chọn một trong những bài nghiên cứu của Con Cò Thơ gửi đến tôi và tôi xin được lưu lại thêm trong Blog này để quý anh chị nào muốn tham khảo cũng có cùng cảm hứng với những thi sĩ đi trước, đời trước.

Caroline Thanh Hương

  tt

 

Nhân dịp cuối tuần mời quý vị đọc bài mới LTCD thế kỷ 21, bài số 85b_Tỳ Bà Hành (trích), Bạch Cư Dị.

 

Để dễ đọc và có đủ hình ảnh xin mời quý vị download file Word đính kèm.

 

Chúc lành

 

Thư ký

Lộc Bắc

 

 

 


 

 

Hốt văn thủy thượng tỳ bà thanh - Chợt nghe sóng vọng tiếng tỳ bà (HXT)

 

 

LTCD thế kỷ 21 bài số 85b

ÂM-THANH-CỦA-TĨNH-LẶNG (The Sound of Silence)

 

Lời phi lộ 

Bạch Cư Dị (772 - 846) và Paul Simon (thế kỷ 20-21) chia âm thanh làm hai loại: 

1/ Âm-thanh-của-rung-động: Là âm thanh thông thường, nghe được bằng tai và thu được trong đĩa nhựa hoặc băng nhựa. Loại âm thanh này truyền đi trong không gian và năng lượng của chúng có thể đo lường được bằng những con số chính xác.

2/ Âm-thanh-của-tĩnh-lặng: Là âm thanh vô lượng (không có chất lượng), không nghe được bằng tai, không thu được vào băng nhựa và không truyền đi trong không gian; năng lượng của nó không đo được bằng máy, chỉ đoán được bằng trí tưởng tượng của con người. Mà trí tưởng tượng của con người thì bất định (thay đổi tùy theo mỗi người; và còn tùy theo tâm trạng của người đó nữa) cho nên người ta nghĩ rằng âm-thanh-của-tĩnh-lặng chỉ có thể nghe được bằng tâm-linh mà thôi. 

Với khái niệm đó, kỳ này diễn đàn LTCD thế kỷ 21 muốn bàn với các bạn về âm-thanh-của-tĩnh-lặng dựa trên một đoạn trích trong bài thơ Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị và bài hát The Sound of Silence của Paul Simon. 

 

1/ 琵琶行  Tì Bà Hành (trích) 

Nguyên tác      Dịch âm

……….

大弦嘈嘈如急雨       Đại huyền tào tào như cấp vũ (câu 23) 

小弦切切如私語       Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ 

嘈嘈切切錯雜彈       Tào tào thiết thiết thác tạp đàn 

大珠小珠落玉盤        Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn 

閒關鶯語花底滑        Nhàn quan oanh ngữ hoa để hoạt 

幽咽流景水下灘        U-yết tuyền lưu thủy hạ than (câu 28)

水泉冷澀弦凝        Thủy tuyền lãnh sáp huyền ngưng tuyệt 

絕不通聲漸歇        Ngưng tuyệt bất thông thanh tiệm yết 

別有幽愁暗恨生        Biệt hữu u sầu ám hận sinh 

此時無聲勝有聲        Thử thời vô thanh thắng hữu thanh  (câu 32) 

銀瓶乍破水漿迸        Ngân bình sạ phá thủy tương bính

鐵騎突出刀鎗鳴        Thiết kỵ đột xuất đao thương minh

曲終收撥當心畫        Khúc trung thâu bát đương tâm hoạch 

四弦一聲如裂帛        Tứ huyền nhất thanh như liệt bạch. /….. (câu 36) 

 

Chú giải

嘈嘈Tào tào: tiếng gấp rút ồn ào. 

切切Thiết thiết: tiếng nhỏ bé chậm rãi. 

大珠小珠Đại châu tiểu châu: hạt minh châu lớn nhỏ, ở đây ví tiếng đàn nhuần nhã, tròn trịa. 

閒關Nhàn quan: ý nói tiếng ríu rít của chim oanh. 

鶯語 oanh ngữ: chim oanh hót. 

花底滑 hoa để hoạt: dưới đáy hoa tươi. ÔC dịch là trên cành lan

Than: cái ghềnh.  

銀瓶乍破 Ngân bình sạ phá: Bình bạc bị vỡ bất ngờ. 

 bính: tung tóe. 

收撥 thâu bát: thu lại, vuốt lại. 

當心畫 đương tâm hoạch: vạch, chia, cắt lòng dân, trong câu này muốn nói tới cái động tác đánh cùng một lúc xuống giữa những dây đàn

如裂帛 như liệt bạch: như xé lụa. 

 

Dịch thơ

Khúc Ca Tỳ- Bà (Trích)

……….

Dây to sầm sập mưa rào (câu 23) 

Nỉ non dây nhỏ thì thào niềm riêng 

Đang nỉ non hòa thêm sầm sập 

Như hạt châu rơi ngập mâm vàng 

Như oanh ríu rít cành lan 

Như ghềnh đá chảy suối tràn dòng xuôi (câu 28) 

Suối ngưng đọng đàn chơi ngừng bặt 

Đàn nghỉ ngơi tiếng nhạc cũng im 

Nỗi niềm u uất vươn lên 

Âm vang so với im lìm còn thua (câu 32) 

Bình bạc bể nước khua lai láng 

Vó câu dòn sang sảng gươm đao 

Bốn dây móng phẩy mạnh vào 

Tiếng như xé lụa. Dạt dào. Đàn xong…. (Câu 36) 

Li bàn của Con Cò 

Sau khi tả âm thanh thông thường của tiếng đàn tỳ bà bằng 6 câu tuyệt kỹ (từ câu 23 tới câu 28) nói rằng dây to thì phát ra những tiếng mau sầm sập như tiếng mưa rào, dây nhỏ thì nỉ non như tiếng thì thào của người yêu; có tiếng cao sang như hạt châu rớt trên mâm vàng; có tiếng ríu rít như chim oanh hót trên cành hoa; có tiếng trong trẻo như suối chảy trên ghềnh đá……, BCD bắt đầu tả tới âm-thanh-của-tĩnh-lặng bằng 8 câu kế tiếp (từ câu 29 đến câu 36); ông nhấn mạnh cho thấy cái âm thanh kỳ dị này bằng câu thứ 32:  Thử thời vô thanh thắng hữu thanh… lúc này âm-thanh-hư-không hay hơn âm-thanh-thành-tiếng (câu này ÔC dịch làÂm vang so với im lìm còn thua…..).   

Tóm lại, bắt đầu từ câu 32 này ta thấy hàm chứa hai ý rất phức tạp: Nỗi buồn tẻ của người nữ nghệ sĩ cô đơn lúc tuổi già và nỗi tức tưởi của ông quan trong triều bị biếm vì tâu lời chính trực (có nghĩa là tới giây phút tĩnh lặng ngay sau khi nghệ nhân vửa phẩy móng đàn vào cả 4 dây đàn thì thính gỉa tưởng tượng như có tiếng nước chảy lai láng từ cái bình bạc bể và tiếng xé lụa dạt dào…..). 

Chưa thấy thi sĩ nào tả tiếng đàn tượng hình như BCD (lời bình luận của cá nhân ÔC).

2/ The Sound of Silence (Paul Simon)

(Clic vào link màu xanh dưới đây để nghe bài hát The Sound of Silence) 

BẢN XEM TRƯỚC BẢN XEM TRƯỚC3:11Simon & Garfunkel - The Sound Of Silence (Lyrics)YouTube · Young Pilgrim Music18 thg 5, 2020 …..

 

Lời của bài hát The Sound of Silence

Xin chào Bóng-tối, bạn cũ của tôi. 
Hello darkness, my old friend 

Tôi lại đến để nói chuyện với bạn,
I've come to talk with you again 

Bởi vì một tầm nhìn thoáng qua đang len lỏi vào tôi,
Because a vision softly creeping 

Và để lại hạt giống của nó trong tôi khi tôi đang ngủ, 
Left its seeds while I was sleeping 

Và cái hạt giống này đã nẩy mầm trong não tôi. 
And the vision that was planted in my brain 

Nó vẫn còn đấy, 
Still remains 

Trong âm-thanh-của-tĩnh-lặng. 
Within the sound of silence

Trong những giấc mơ không yên, tôi bước đi một mình,
In restless dreams, I walked alone 

(trên) Những con đường nhỏ hẹp lát đá cuội,
Narrow streets of cobblestone 

'Bỏ qua vầng hào quang của một ngọn đèn đường,
'Neath the halo of a street lamp 

Tôi xoay cổ áo của mình vì lạnh và ẩm.
I turned my collar to the cold and damp 

Khi mắt tôi bị ánh sáng đèn neon làn lóa; 
When my eyes were stabbed by the flash of a neon light 

Anh sáng (neon đó) chia tách đêm 
That split the night 

Và (đưa tôi) chạm vào âm-thanh-của-tĩnh-lặng. 
And touched the sound of silence 

Và trong ánh sáng trần trụi, tôi thấy 
And in the naked light, I saw 

Mười nghìn người, có thể nhiều hơn: 
Ten thousand people, maybe more 

Người ta nói chuyện mà không mở miệng,
People talking without speaking.  

Người ta nghe thấy mà không lắng tai,
People hearing without listening 

Người ta viết bài hát mà chưa bao giờ chia sẻ âm thanh. 
People writing songs that voices never shared 

Và không ai dám 
And no one dared 

Làm phiền cái âm-thanh-của-tĩnh-lặng
Disturb the sound of silence

“Đồ ngu" tôi tự nghĩ, “Mi không biết rằng
"Fools" said I, "You do not know 

Im lặng như một căn bệnh ung thư phát triển. 
Silence like a cancer grows 

Hãy nghe những lời tôi nói (kể như) tôi có thể dạy bạn, 
Hear my words that I might teach you 

Hãy nắm lấy cổ tay của tôi để tôi có thể tiếp cận với bạn "
Take my arms that I might reach you" 

Nhưng lời nói của tôi, như hạt-mưa-trầm-lặng đang rơi
But my words, like silent raindrops fell 

Và vang vọng trong cái giếng-trầm-lặng
And echoed in the wells of silence 

Và mọi người cúi đầu và cầu nguyện
And the people bowed and prayed 

Với thần-neon mà họ đã tạo ra  
To the neon god they made 

Và dấu hiệu cảnh báo của nó lóe lên
And the sign flashed out its warning 

Như những từ ngữ mà nó hình thành 
In the words that it was forming 

Sau đó, dấu hiệu cho biết, "Những lời về các nhà tiên tri được viết trên các bức tường tàu điện ngầm 
Then the sign said, "The words on the prophets are written on the subway walls 

Trong hành lang ký túc xá " 
In tenement halls" 

Và thì thầm vào tai với âm-thanh-của-tĩnh-lặng
And whispered in the sound of silence

(Con Cò phỏng dịch)

Lời bàn của Con Cò 

Paul Simon coi bóng-tối như một người bạn đồng sàng (cùng giường); mỗi đêm nó cy vào đầu ông những giấc mộng không yên. Trong mơ ông thường thấy mình đi trên con đường nhỏ hẹp lởm chởm những đá sỏi; gặp hàng vạn người miệng mấp máy mà nói không ra lời; dường như họ đang hát một bài mà tuy ông không lắng nghe nhưng lời ca cứ rót vào đầu ông. Bài hát có nhiều lời lắm, lời nhiều như những hạt-mưa-câm rơi xuống cái giếng-tĩnh-lặng. Họ (bằng body language) giảng cho ông rằng họ muốn dùng âm-thanh-của-tĩnh-lặng để hát tặng ông một bài-hát-tĩnh-lặng bởi vì họ không dám làm náo động cái  không-gian-tĩnh-lặng! 

Paul Simon dùng âm-thanh-rung-động để tả âm thanh-tĩnh-lặng! Chỉ có Trời mới hiểu những gì ông muốn nói mà chưa nói ra. Con Cò kết nghĩa huynh đệ với Bồ Tùng Linh đã gần 4 năm, đã học được phép cách-sơn-thính-thanh mà vẫn như vịt nghe sấm; chỉ hiểu sơ sơ rằng có lẽ Paul đang có một niềm u uẩn thầm kín trong lòng (Tâm sự của BCD trong bài Tỳ Bà Hành thì Hắn thấu triệt). 

 

Trích góp ý của cố thi sĩ Hoàng Xuân Thảo trong bài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị. : 

Tôi xin giới thiệu bản dịch Tỳ Bà Hành, Bạch Cư Dị của BS Nguyễn Văn Bảo, bút hiệu Con Cò. BS Bảo rất mãn nguyện với bài thơ dịch Tỳ Bà Hành này và nêu ra những chỗ đắc ý mà tôi thấy rất xác đáng; còn BS Nguyễn Thượng Vũ đã hạ bút là bài thơ dịch hay không kém gì những bài từng được công nhận là tuyệt tác. Phần tôi rất thích thú, xem đi đọc lại nhiều lần, khi so sánh với nguyên bản, lúc đối chiếu với các bản dịch khác và rất khâm phục thi tài của người bạn tuy chỉ mới kiến kỳ danh, bất kiến kỳ hình nhưng kiến thi như kiến nhân, đồng thời cũng nhận thấy nhận định của BS Vũ là rất chuẩn xác. (xx bản dịch toàn bài trong phần phụ bản. Thư ký LB)

Hoàng ngọc Khôi


 

Góp ý của Yên Nhiên :

 

Tiếng đàn tranh trong đêm

Tóc xõa nghiêng nghiêng ẩn mặt hoa

Dây hồng áo tím dưới trăng ngà

Cung đàn khoan nhặt tơ lòng đó

Âm vỡ tan rồi tình xót xa

Yên Nhiên

 

Góp ý của Mỹ Ngọc :

Bài 85b ÔC nói về ÂM THANH CỦA TĨNH LẶNG, và trích đoạn 14 câu để dịch, MN cũng chỉ phỏng dịch 14 câu thôi (từ câu 23 đến câu 36).

KHÚC CA TỲ BÀ.

…….

Dây to tựa ào ào mưa đổ,  (câu 23)

Dây bé như nho nhỏ thì thào.

Đang nỉ non bỗng ồn ào,

Hạt châu to nhỏ rơi cao khay ngà.

Tựa oanh hót dưới hoa ríu rít,

Nghẹn ngào như suối nghẹt ghềnh trên.

Như giòng nghẹt, nhạc ngưng liền,

Đàn ngừng nhạc cũng lặng yên như tờ.

Dường như có sầu lo tình hận.

Không tiếng đàn hơn hẳn có đàn.

Như bình bạc vỡ nước tràn,

Gươm đao xô xát cả đoàn vó câu.

Khúc nhạc hết phẩy mau vuốt lẹ,

Bốn dây buông tiếng xé lụa tơ.  (câu 36)

..................

Mỹ Ngọc phỏng dịch.

Jun.6/2022.

 

Góp ý của Bát Sách :

Kỳ này ÔC đưa ra một đề tài đặc biệt “Sound of Silence “ Âm Thanh Tĩnh Lặng làm BS chới với, vì bắt góp ý liền. BS vốn rất sợ mấy bài dài, may là ÔC chỉ trích một đoạn ngắn, nhưng thấy các tiền bối, các đàn anh dịch hay quá, mình không có chỗ chen chân nên phải nói vòng vo, cà kê cho vừa ý đàn chủ.

Đàn Tỳ Bà có từ đời Tần, Hán, thùng đàn hình trái lê, có 4 hoặc 5 dây, Đến đời nhà Tấn, Nguyễn Hàm trong Trúc Lâm Thất Hiền chế ra loại đàn có 4 dây, nhưng thùng đàn hình tròn, gọi là Nguyễn Cầm. Người Hoa cũng gọi đàn tỳ bà là Hồ Cầm.

Cụ Tiên Điền Nguyễn Du, khi sáng tác Kiều, cụ cho Kiều gẩy đàn 8 lần.

Theo Trần Văn Khê, khi Kiều gẩy đàn cho Kim Trọng nghe thì:

Hiên sau treo sẵn cầm trăng.

Vội vàng sinh đã tay dâng ngang mày.

Cầm trăng đây không phải Nguyệt cầm mà là cái thùng đàn tròn như mặt trăng. Trong Kiều còn có “ Bốn dây như khóc như than “ và “Nghề riêng ăn đứt Hồ Cầm một chương “ .Vậy thì Hồ Cầm, có 4 dây, thùng đàn tròn, chính là cây Nguyễn Cầm.

Đoạn tả đàn này dài lắm, BS chọn mấy câu mà Nguyễn Du lấy ý ở trong Tỳ Bà Hành:

Khúc đâu Hán Sở chiến trường,

Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau,

 **

Trong như tiếng hạc bay qua,

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời,

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Ngoài ra, Nguyễn Du còn lấy ý ở nhiều bài thơ Đường khác, như Cẩm Sắt của Lý Thương Ẩn.

BS ngừng ở đây, nếu viết tiếp thì lạc đề.

Nếu đọc câu 36 của Tỳ Bà Hành,” Tứ huyền nhất thanh như liệt bạch” thì biết cây đàn của nàng nghệ sĩ có 4 giây, nhưng không biết thùng đàn hình trái lê hay hình tròn, vì lúc đó vừa có Ngũ Huyền Tỳ Bà, Tứ Huyền Tỳ Bà và Nguyễn Cầm.

Vì ÔC đắc ý với Âm Thanh Tĩnh Lặng, nên BS chỉ dịch 4 câu thôi, 29, 30, 31 và 32, vì những câu khác cụ Tiên Điền đã dịch rồi.

Suối ngừng, đàn cũng ngừng theo,

Đàn ngừng, tiếng nhạc thanh tao cũng ngừng,

Tiễn bạn hiền,hận sầu dâng,

Lặng thầm đã thắng thanh âm rộn ràng.

Bát Sách.

(ngày 06 tháng 06 năm 2022)

Tái bút:

·         Bài hát của Paul Simon thì BS không hiểu ông ta muốn nói gì dù đã cố gắng nghe và đọc lời tới 3 lần.

·         Ngay cả câu thơ số 32 của Bạch Cư Dị, BS cũng thấy rất khó hiểu. Nếu trong cảnh bên trời lận đận, được người đồng cảnh dùng nhạc nói lên tâm sự của mình thì phải lắng nghe, thấy tiếng nhạc như thấm vào hồn, và khi nhạc dứt thì bàng hoàng, ngơ ngẩn, luyến tiếc,chứ sao tĩnh lặng lại hơn được âm thanh? Nếu bị bắt buộc phải nghe một bài diễn văn vừa dài vừa dở, một cuộc tranh luận vô ích, một bản nhạc không ra gì, những chuyện diễu vô duyên, hay những lời cằn nhằn trách móc của ai đó…. thì mới đúng là tĩnh lặng hơn hẳn âm thanh. ÔC hiểu câu thơ và viết lời bàn theo ý của mình, nhưng BS chỉ dịch đúng câu thơ thôi, mà vẫn ấm ức, vì không hiểu rõ ẩn ý của tác giả.

@ ỐC trả lời Bát Sách :

Phần BS tả cây đàn tỳ bà: xuất sắc và chi tiết, chính ỐC cũng không biết cho tới khi nghe BS kể. 

Phần tái bút: Lúc đàn ngừng thì có tiếng đàn đâu mà nghe; lúc đó BCD mới tự nghe lòng mình và cảm thương cho cái thân bị biếm. Nói cách khác, khi nghệ nhân tấu nhạc thì mải thưởng thức tiếng đàn siêu việt của nàng gảy; tới khi nàng ngừng thì mới có thì giờ nghĩ tới thân phận mình. Giản dị thế thôi; ỐC luôn luôn tìm đường dễ dãi nhất để đi, còn đường khó thì để cho người khác đi.

 


Góp ý của Lộc Bắc :

 

Phỏng dịch (trích đoạn) bài Tỳ Bà Hảnh từ câu 23 đến câu 36

Ào ào dây lớn mưa chiều

Nỉ non dây nhỏ riêng điều héo hon

 

Tiếng rào rào, nỉ non lẫn lộn

Châu nhỏ to rắc chốn ngọc bàn

Trong hoa oanh hót đùa vang

Ngập ngừng suối nước chảy tràn bãi khe

 

Suối đóng băng, đàn nghe ngưng bặt

Việc không thông đàn thoắt lặng im

Sầu riêng u uẩn trong tim

Vô thanh vượt trội thanh âm rộn ràng

 

Nước tung tóe vỡ tan bình bạc

Như kỵ binh dáo mác sáng ngời

Khúc xong vuốt giữa đàn, thôi

Bốn dây lụa xé vang trời một phen!

Lộc Bắc

 


PHỤ BẢN :

A  Tì Bà Hành của Con Cò :  Xin đọc trong File word.

 

B-   Tỳ Bà Hành của Hoàng Xuân Thảo: xin đọc trong file word

Và đây là bài viết của anh Hoàng Xuân Thảo về bài Tỳ Bà Hành.

Cách đây có lẽ khoảng ba năm, tình cờ một hôm đọc trên diễn đàn y khoa được đọc bài của Nguyễn Thượng Vũ giới thiệu bài dịch Tỳ Bà Hành cuả Con Cò Nguyễn Văn Bảo thế là tôi liên lạc với BS Bảo và hai người nối nhịp cầu thơ Đường từ đó cho tới nay, hễ ai dịch bài thơ nào thì lạị gửi cho người kia xem để góp ý rất là thú vị, tuy dịch xong là để đấy mà thôi chứ chưa có ý định gửi đăng ở đâu cả. Tôi được đọc bài dịch Tỳ Bà Hành của anh Bảo, nhớ lại thời xưa rất thích bài này qua lời giảng của các thầy học từ Trung học tới Đại học. Được BS Bảo khuyến khích tôi cũng liều dịch thử sau đó gửi cho anh Bảo cùng Lai Mạnh Cường, Huỳnh Minh Giám, Hà Ngọc Thuần được các vị này phê bình và bổ khuyết cuối cùng hoàn thành được bản dịch gửi các bạn đọc hôm nay. Bài thơ dịch này thật ra là một bài dịch tập thể với sự góp ý chung cuả tất cả các bằng hữu tôi kể trên. Đặc biệt là bài dịch vẫn giữ nguyên thể thơ cổ phong thất ngôn và giữ nguyên vị trí các vần bằng trắc cuối mỗi câu. Xin mời...