caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 16 juillet 2022

Đọc bài Hương Kiều loan phỏng vấn giáo sư Nguyễn Xuân Vinh và nghe Phạm Anh Dũng hát thơ phổ nhạc của ông.

Kính gửi quý anh chị bài Hương Kiều Loan phỏng vấn giáo sư Nguyễn Xuân Vinh hai mươi mốt năm về trước để có thêm chi tiết về tiểu sử của ông.

Cám ơn Hoàng Dung và mời quý anh chị nghe nhạc Phạm Anh dũng cùng chủ đề về ông Nguyễn Xuân Vinh.

Caroline Thanh Hương

 

  tt 

 

Phỏng Vấn

Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh

Hương Kiều Loan Thực Hiện


 

GSVinh.jpg (22809 bytes)

Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh

 

 Để đánh dấu 25 năm di cư, nhóm New Horizon/Chân Trời Mới gồm có một số sinh viên và chuyên gia trẻ Việt Nam, với sự bảo trợ của Asian American Studies Center tại UCLA, đã xuất bản một tập sách gần 200 trang đề là ‘‘25 Vietnamese Americans in 25 Years, 1975-2000’’

để giới thiệu 25 nhân vật Việt Nam đã có những thành tích xuất sắc trong những lãnh vực chuyên môn của mình trong những năm qua và đã có những đóng góp đặc biệt trong công cuộc chung xây dựng một cộng đồng người Việt thịnh vượng ở hải ngoại. Trong cuốn sách trình bầy rất mỹ thuật người đọc đưọc thấy những tên tuổi đã làm vẻ vang cho người Việt ở Hoa Kỳ như:

Giáo sư Đinh Đồng Phụng Việt của Trường Luật Khoa ở Đại Học Georgetown, người vừa được Tổng Thống Geoge W. Bush bổ nhiệm làm Phụ Táù Bộ Trưởng Tư Pháp.

Nhà đạo diễn Tony Bùi với cuốn phim tuyệt tác ‘‘Three Seasons’’ đã được nhiều giải thưởng cao quý ở Hội Mùa Điện Ảnh Sundance năm 1999.

Phi hành gia không gian, tiến sĩ Trịnh Hữu Châu là người đã bay trên phi thuyền con thoi Columbia của Hoa Kỳ.

Cầu thủ bóng bầu dục Nguyễn Đạt là người Việt đầu tiên đã được tuyển vào hội nhà nghề Dallas Cowboys chơi môn thể thao này.

Bác sĩ giáo sư y khoa Nghiêm Đạo Đại là người đã sáng chế ra những y thuật giải phẫu tân kỳ để ghép tụy tạng.

Học giả Huỳnh Sanh Thông là người đã được giải thưởng bác học John D. and Catherine T. MacArthur qua công trình giới thiệu những thơ văn cổ điển tuyệt tác của Việt Nam tới độc giả Anh ngữ.

Nhóm New Horizon đã dựa vào một danh sách 150 người được đề nghị để lựa chọn ra 25 nhân vật được coi như là những người làm gương mẫu cho thế hệ sau để giới thiệu thành tích trong cuốn sách.

Một trong những người được coi như là những tấm gương sáng cho giới trẻ đó là giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, người đã thành danh từ hồi còn ở trong nước . Ông là một thiên tài đa dạng và có thể nói là một trong những người VN kiệt xuất của nửa hậu thế kỷ 20 và sang đầu thế kỷ 21 . Là một sinh viên giã từ nghiên bút theo việc đao cung khi nghe tiếng gọi của sơn hà trong cơn nguy biến, thời Đệ Nhất Cộng Hoà ông đã từng giữ chức vụ Tư Lệnh Không Quân. Nhưng binh nghiệp chỉ mang lại tên tuổi cho ông trong quân đội mà ông được người đời biết đến qua tài văn chương xuất chúng đã giúp ông tạo dựng được tác phẩm ‘‘Đời Phi Công’’ là một áng văn trác tuyệt đã thi vị hoá nghiệp dĩ của những người hàng ngày trải cuộc đời bay trên mây trời để lo tròn nhiệm vụ trấn không cho non sông. Ông lại còn là một nhà khoa học và giáo dục và trong phạm vi này công nghiệp của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, kể từ ngày ông giã từ binh nghiệp để trong hơn ba mươi năm giảng dậy và nghiên cứu về toán học không gian ở nhiều đại học tại Hoa Kỳ và các nước tiền tiến trên thế giới, đã ghi thêm sự đóng góp quan trọng của người Việt Nam trong giai đoạn tiến triển vuợt bực về sự thám hiểm không gian của loài người trong thế kỷ vừa qua.

 Qua bài phỏng vấn này Hương Kiều Loan được hân hạnh giới thiệu tới độc giả Hồn Quê thêm nhiều chi tiết về tài năng toàn diện của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh.

 

oOo 

 

Hương Kiều Loan (HKL): Trước đây HKL đã được gặp giáo sư hai lần và cũng đã có nhiều lần nói chuyện với giáo sư qua điện thoại và HKL nhận xét thấy giáo sư ít nói về mình . Lần này HKL hy vọng giáo sư sẽ giãi bầy tâm sự hơn và kể nhiều về cuộc đời phong phú và đầy thi vị cuả mình để độc giả biết rõ về những đóng góp của giáo sư cho khoa học, dân tộc và nhân loại .

GS Nguyễn Xuân Vinh (GS NXV): Đó chỉ là một thói quen của nghề nghiệp . Về toán học, muốn chứng minh một định đề người ta chỉ được dùng một số tối thiểu dữ kiện. Là phi công khi bay trên mây trời, sự liên lạc vô tuyến cũng cần phải ngắn gọn. Tuy vậy những thông tin bao giờ cũng phải chính xác. Vì vậy tuy quen nói vắn tắt tôi cũng sẽ trả lời thật đầy đủ những câu hỏi của Kiều Loan.

 HKL: Mới đây HKL được coi một CD Rom nói về giáo sư của Hội Khuyến Học ở Saint Louis trong đó có nói là giáo sư mang nặng ba nghiệp dĩ là Nghiệp Bay, Nghiệp Văn và Nghiệp Giá . Vậy HKL xin bắt đầu hỏi là vì sao mà giáo sư lại chọn vào Không quân để vương lấy nghiệp bay?

 

xemquadiacauvoiTuongMy.jpg (93537 bytes)

Thăm viếng Bộ Tư Lệnh Không Quân

Hoa Kỳ Thái Bình Dương ở Honolulu (1962)

 

GS NXV : Tôi vào trong lớp những học sinh chuyên khoa , sinh viên đại học và công chức có khả năng văn hoá được gọi động viên năm 1951 để theo học Khoá I, những Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định và Thủ Đức . Lúc đó tôi đã học được phần đầu của văn bằng cử nhân toán học và ước nguyện của tôi là trở thành một toán gia vì Việt Nam có rất ít người trong ngành này. Lúc sắp ra trường ở Thủ Đức như là một sĩ quan công binh thì tôi được biết là sẽ phải ở trong quân đội một thời gian bất định. Vì vậy tôi xin thi kỳ tuyển sinh viên theo học Trường Sĩ Quan Không Quân ở Salon de Provence bên Pháp để có dịp ra nước ngoài học hỏi thêm. Sau ba năm ở Pháp và ở Maroc, 1952-1955, tôi được huấn luyện thành một sĩ quan phi công, có bằng lái phi cơ hai động cơ và thẻ trắng (carte blanche) để bay trời mù theo đúng tiêu chuẩn của Không Quân Pháp . Cũng trong thời gian ở Pháp, tôi hoàn tất chương trình cử nhân toán ở Đại học Marseille và cũng có thêm văn bằng cao học để chuẩn bị thi tiến sĩ toán học.

HKL : Hương Kiều Loan được biết là sau này giáo sư cũng có bằng tiến sĩ quốc gia toán học. Như vậy giáo sư cũng thi ở Đại học Marseille, và như thế vào năm nào?

GS NXV : Không, sự việc không giản dị như vậy đâu Kiều Loan. Như tất cả những người cùng lứa tuổi, chúng tôi lớn lên ở trong thời loạn và sự học luôn luôn bị gián đoạn, không thể nào xếp đặt chương trình theo như ý của mình. Khi tôi thi xong chứng chỉ cao học về Hình Học Cao Cấp ở Đại Học Marseille là nơi gần Trường Không Quân ở Salon de Provence thì tôi được gửi đi Avord, thuộc hạt Cher, để hoàn tất phần phi huấn. Nơi đây chỉ cách Paris có hai giờ đi xe lửa nên tôi xin chuyển hồ sơ về Đại Học Paris để ghi danh học chương trình tiến sĩ quốc gia toán học. Lúc đó là vào năm 1954. Năm sau đó tôi học xong chương trình sĩ quan phi công và phải trở về Việt Nam để phục vụ trong quân đội quốc gia. Phải đợi cho đến năm 1972 tôi mới có dịp trở lại Đại Học Paris để nộp luận án tiến sĩ quốc gia về môn toán học.

 HKL : Đạt được trình độ tiến sĩ quốc gia toán học ở Đại Học Sorbonne tại Pháp quốc là một điều khó khăn vô cùng và HKL sẽ trở lại để hỏi thêm giáo sư về điều nà . Để hỏi tiếp về nghiệp bay và cũng để chuyển sang những câu hỏi về nghiệp văn của giáo sư, xin người phi công và cũng là nhà văn Toàn Phong cho biết chút ít về tác phẩm Đời Phi Công, cuốn truyện mà HKL còn nhớ vào những năm cuả thuở trung học ngày xưa, không một cô nũ sinh Trưng Vương naò lại không biết đến cuốn truyện đó. Thưa giáo sư tác phẩm ‘‘Đời Phi Công’’đã được thai nghén trong trường hợp nào ạ?. Theo HKL nghĩ thì thật là một sự đặc biệt mà tác phẩm đầu tay của một nhà văn trẻ lại được chọn để trao Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc cùng năm với những nhà văn đàn anh đã thành danh từ nhiều năm trước như các ông Vũ Khắc Khoan và Võ Phiến.

GS NXV : Đời Phi Công là một tuyển tập những bức thư của một phi công viết cho một thiếu nữ còn đang là sinh viên ở đại học để kể cho nàng nghe cuộc đời của những người hàng ngày bay trên gió mây trời .Tôi bắt đầu viết vào năm 1959 và đăng mỗi tuần một kỳ, vào ngày thứ Hai, trên báo Tự Do là một nhật báo có nhiều độc giả trên toàn quốc. GS Văn Khoa Phạm Việt Tuyền là chủ nhiệm.

Giới trẻ thời đó hay đón đọc vì ai có một chút mơ mộng cũng có thể tưởng tượng được rằng nếu sau này trở thành phi công thì mình cũng có thể là người viết những bức thư tâm tình đầy thi vị như thế này.

Những bài viết này cũng không phải là những bài đầu tiên tôi đăng báo vì trước đó gần mười năm tôi cũng đã là một thành viên trong nhóm Thế Kỷ và cũng đã viết nhiều truyện ngắn tình cảm cho nguyệt san này. Cuốn sách đầu tay của tôi là cuốn ‘‘Gương Danh Tướng’’, là một tập sách nhỏ chưa đến 100 trang , do Nha Chiến Tranh Tâm Lý thuộc Bộ Quốc Phòng in ra vào năm 1956. Tuy sách in ra tới mười ngàn cuốn nhưng dạo đó tôi đang làm phụ tá tùy viên quân lực tại Sứ quán Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn, nên chỉ nhận được mươi cuốn và đem tặng ngay các thân hữu nên không còn giữ được một bản nào.

 

Tôi viết cuốn ‘‘Gương Danh Tướng’’khi mới còn đang là một đại úy để nêu lên những đức tính cần phải có của những người lãnh đạo trong quân đội. Cũng nhằm mục đích nêu lên tình người và tình yêu tổ quốc và không gian của những người nặng nghiệp bay mà sau này tôi viết cuốn ‘‘Đời Phi Công’’. Nhờ sự phổ biến sâu rộng của cuốn sách này mà giới thanh niên và sinh viên hiểu biết thêm về Không Quân Việt Nam và chúng tôi đã tuyển mộ được nhiều thanh niên ưu tú để gửi sang theo học những khóa huấn luyện bay những phi cơ tối tân của Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ.

 

VisitingUSAFBase.jpg (87309 bytes)

                             Thăm viếng Không Quân Hoa Kỳ (1960)

 

HKL: Thưa giáo sư, không những Không Quân Việt Nam đã tuyển được nhiều thanh niên ưu tú vào nghiệp bay này, mà... rất nhiều nữ sinh thuở đó đã mơ có người tình là một chàng không quân haò hoa đó a. Trở lại câu chuyện về văn chương, nghe nói khi ở trong nhóm Thế Kỷ giáo sư có quen biết với nữ sĩ Tương Phố và được bà viết tặng một bài thơ đã đăng trên báo. Giáo sư có thể kể lại cho độc giả nghe một vài kỷ niệm với vị nữ lưu tiền bối đáng kính này không?

GS NXV : Nhóm Thế Kỷ có những người như các anh Bùi Xuân Uyên, Viên Phong, Triều Đẩu, Trúc Sĩ, Phạm Khanh, Tạ Tỵ, Trọng Bình..., toàn là những người có uy tín trên văn đàn và là công hay tư chức có địa vị trong xã hội . Bà Tương Phố chỉ gửi bài tới toà soạn chứ không đi họp đều như chúng tôi, mỗi tuần một lần ở quán cà phê Tùng Lâm trên bờ hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội. Thỉnh thoảng các anh lại tổ chức đi ăn nhưng tôi khi đó ít tuổi nhất và còn là một sinh viên nên không phải đóng góp gì.

Bà Tương Phố hay dịch Đường Thi nên khi nào được đọc một bài dịch đặc sắc tôi lại viết cho bà để góp ý . Cũng vì vậy mà bà có cảm tình đặc biệt với tôi và khi được tin tôi nhận được giấy động viên phải lên đường nhập ngũ bà viết một bài thơ tặng với ý khuyên nhủ là những người thật có tài năng thì không cần phải ra binh đao trận mạc mà cũng có thể đưa lại thái bình cho sơn hà, xã tắc.

Có một điều đặc biệt là vào dịp đó có một nghệ sĩ , danh thủ điêu khắc Trung Hoa sang mở triển lãm ở Hà Nội. Ông ta có tài khắc tranh và chữ nhỏ li ti trên những miếng ngà, phải soi kính hiển vi mới đọc được . Bài thơ của nữ sĩ Tương Phố làm theo thể thất ngôn dài 16 câu được ông khắc trên một miếng ngà to bằng ngón tay cái và gắn trên một tấm sơn mài đen để treo trên tường.

Mãi năm sau tôi có dịp lại thăm bà ở Nha Trang khi đó ở cùng với người con trai lớn là giáo sư Thái Văn Châu, cũng là một bạn đồng nghiệp dậy toán nhưng lớn tuổi hơn tôi, và được bà cho coi bảo vật đó. Bà Tương Phố là một nữ sĩ được nhiều người mến mộ . Bà có cho tôi coi một cuốn sổ lưu niệm có bút ký của nhiều danh nhân Âu và Á và bảo tôi ghi lại vài dòng. Tôi nhớ là có viết hai câu thơ

‘‘Người là danh sĩ đế đô,

Còn tôi nặng kiếp sông hồ phải mang’’.

 

Câu viết ngày xưa không ngờ nay lại tả đúng cuộc đời của mình vì mấy năm sau , tôi lên đường du học ở Hoa Kỳ và từ đó đến nay sống cuộc đời xa quê hương triền miên , là khách thăm viếng của nhiều nước trên thế giới.

 

TourofUSAF.jpg (88116 bytes)

Duyệt toán dàn chào danh dự ở March AFB, CA (1960)

 

HKL : Trong trường hợp nào mà giáo sư lại rời chức Tư Lệnh Không Quân để du học. Nếu theo đúng nghĩa là khách sông hồ thì giáo sư đã tới thăm những nước nào? Tự mình đi du lịch hay được mời thăm viếng ạ?

GS NXV :Tôi được bổ nhiệm vào chức vụ Tham Mưu Trưởng Không Quân Việt Nam vào cuối năm 1957 và sang tháng Hai năm 1958 được giao chức vụ Tư Lệnh Không Quân. Cho đến tháng Tám năm 1962, khi tôi lên đường du học ở Hoa Kỳ thì tổng cộng khoảng thời gian mang trọng trách cũng là gần 5 năm trời, một thời gian có thể nói là lâu hơn thời gian trung bình bổ nhiệm 4 năm của các Tư Lệnh Quân Chủng các nước văn minh trên thế giới.

Tôi quan niệm nhận chức vụ chỉ huy không phải là có được quyền hành mà là mang lấy trách nhiệm. Vì vậy tôi tự chọn lấy một nhiệm kỳ và xin với Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà cho được đi nước ngoài học hỏi thêm sau khi được Không Quân Hoa Kỳ cấp cho một học bổng đặc biệt để theo học chương trình tiến sĩ.

Từ nhiều năm qua, là giáo sư đại học tại Hoa Kỳ , hàng năm tôi thường tham dự và được mời thuyết trình tại những Hội nghị về hàng không và không gian quốc tế (International Congress of Astronautics), luân phiên được tổ chức mỗi năm tại một nước khác nhau.

Tôi đã dự họp ở hầu hết các nước có chương trình không gian ở Âu châu như Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hoà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hung Gia Lợi và Do Thái. Niên học 1974-1975 tôi được mời sang làm khảo cứu và dậy học ở Pháp. Ngoài ra có một lần tôi được mời làm tổng thư ký cho một khóa hội thảo về Cơ Học Phi Hành Không Gian do cơ quan NATO tổ chức ở Lục Xâm Bảo.

Ở Mỹ châu tôi cũng đã được mời thuyết trình ở Gia Nã Đại và Ba Tây, và tất nhiên ở nhiều đại học khác trên Hoa Kỳ.

Ở Á châu thì tôi đã tới thuyết trình hay giảng dậy những khoá ngắn ở nhiều đại học hay cơ quan chính phủ ở những nuớc Nhật Bản, Trung Hoa Quốc Gia ở Đài Loan, và Đại Hàn còn ở Úc châu thì tôi đã tới dự Hội nghị không gian họp ở Melbourne năm 1998 và nhân dịp đó được Đại Học Queensland mời lên thuyết trình ở Brisbane.

Có những nước khác ở Âu châu và Bắc Phi châu tôi không kể ra đây nhưng cũng đã có dịp tới theo bước chân giang hồ khi còn là một sinh viên ở Pháp . Trong thời gian làm Tư Lệnh Không Quân ở Việt Nam tôi cũng đã được mời đi nhiều nước ở Đông Nam Á và hai lần du hành sang Hoa Kỳ để thăm viếng nhiều căn cứ không quân bạn có liên hệ kỹ thuật với không quân mình.

 

HostingLBJ.jpg (45780 bytes)

    Tiếp đón Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson tại Việt Nam (1961)

 

HKL : Như thế thì có thể nói là giáo sư đã tới thăm viếng và thuyết trình ở nhiều trung tâm khoa học hay đại học danh tiếng trên thế giới. Nhưng ngoại trừ nước Hung Gia Lợi, mà Hương Kiều Loan nghĩ là giáo sư đã tới thủ đô Budapest ở bên giòng sông xanh Danube, không thấy giáo sư nói gì đến những nước ở bên kia bức màn sắt.

GS NXV : Tôi nghĩ là Kiều Loan muốn nhắc tới những nước còn theo chế độ cộng sản như nước Nga và Trung cộng . Những nước này cũng là hội viên của tổ chức không gian quốc tế với danh xưng là International Federation of Astronautics (viết tắt là IAF), và như vậy họ cũng có năm đứng ra tổ chức Hội nghị.

Tôi nhớ là có một lần tổ chức ở Bắc Kinh , và một năm khác hội nghị tổ chức ở thành phố Bangalore ở Ấn Độ. Hai lần ấy tôi không tham dự vì không có những chuyến bay tiện lợi đi từ Detroit là phi trường phát xuất từ Michigan là nơi tôi dậy học.

Hội nghị quốc tế thường tổ chức vào tháng Mười mỗi năm, và nếu lịch trình kể cả những ngày họp và những ngày đi đường mà kéo dài quá mười hôm thì rất khó cho tôi thu xếp công việc với sinh viên vì môn tôi dậy không có người thay thế.

Tôi cũng nhận được thư mời sang dậy những khoá ngắn ở Hoa Lục, đúng ra là một thư mời của Viện Bách Khoa Miền Tây ở Tây An và một thư mời của Viện Khảo Cứu Hàng Không, thuộc Trường Đại Học Nam Kinh. Trên nguyên tắc tôi đã nhận lời mời nhưng chưa có dịp thuận tiện để sửa soạn lịch trình thăm viếng.

Ngoài ra tôi cũng có mấy bài khảo cứu được dịch ra Nga ngữ và đăng trên báo khoa học ở nước Nga khi còn là Liên Sô. Tôi cũng có cộng tác với giáo sư viện sĩ V. A. Yaroshevskii thuộc Central Aerohydrodynamic Institute (viết tắt theo tiếng Nga là TsAGI), là viện khảo cứu về khí động lực học quan trọng nhất ở Moscow, trong một bài viết về lý thuyết thu hồi vệ tinh và phi thuyền không gian vào bầu khí quyển của trái đất và các hành tinh đã đăng trên báo kỹ thuật ở Nga.

Một khoa học gia khác là tiến sĩ A. Filatyev cũng thuộc viện này, sau khi nghe một bài thuyết trình của tôi tại Hội nghị không gian họp năm 1994 ở Juresalem, Do Thái, cũng đã thu xếp để giáo sư viện sĩ German Ị Zagainov là Tổng Giám Đốc của viện mời tôi sang thăm viếng để có dịp gặp gỡ và thảo luận về cơ học không gian vói các giáo sư và nghiên cứu gia của những viện TsAGI, Moscow Institute of Physics and Technlogy (MPhTI) và Moscow Aviation Institute (MAI) là những trung tâm giáo dục và kỹ thuật hàng không và không gian hàng đầu ở nước Nga.

Thư mời gửi cuối năm 1994, và tôi cũng đã nhận lời trên nguyên tắc. Cho tới nay, bước sang năm 2002, lời mời có thể mất thời gian tính và ban giám đốc có thể thay đổi, nhưng điều này thật không quan trọng. Tài liệu khoa học về hàng không và không gian tôi đã viết cũng được biết đến nhiều ở Đông Âu. Nối lại nhịp cầu để sang thăm viếng những trung tâm khảo cứu về khoa học không gian ở những nước này thật cũng dễ dàng. Còn đi như là du khách thì chọn dịp nào cũng được.

 

battayTuongGioiThach.jpg (66529 bytes)

          Yết kiến Tổng Thống Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan  (1961)

 

HKL : Theo trong phiếu tiểu sử thì giáo sư là người đầu tiên được cấp văn bằng tiến sĩ khoa học hàng không và không gian của Đại Học Colorado. Tại sao giáo sư lại chọn ngành này mà không học tiếp về toán học và tại sao giáo sư lại chọn Đại Học Colorado thay vì tới những đại học khác có tiếng tăm hơn như Đại Học Harvard?

GS NXV: Tình thực mà nói, nếu được chọn trường thì dạo đó tôi muốn tới Đại Học Paris để hoàn tất luận án tiến sĩ toán học đã bỏ dở nhiều năm vì công vụ. Nhưng tôi cần có học bổng toàn phần trong nhiều năm cho một ngân sách về tiền ăn ở, tiền sách vở và tiền học cùng những chi phí cần thiết cho một sinh viên bậc cao học như để tham dự những khoá hội thảo chuyên môn và điều này chỉ có Không Quân Hoa Kỳ mới có thể chu toàn được.

Ngân sách huấn luyện của họ cũng chịu sự kiểm soát của Quốc Hội nên họ chỉ có thể ghi học bổng cho tôi để theo học ngành hàng không và không gian mà thôi chứ không thể nào chứng minh sự cấp học bổng cho một sĩ quan đồng minh để theo học chương trình tiến sĩ về toán học được.

Mặt khác, các sĩ quan Hoa Kỳ được cử đi học thêm những văn bằng cao học thường được gửi tới những Đại Học công vì những nơi đó đã có sẵn Trung Tâm Huấn Luyện Sĩ Quan Trừ Bị (gọi tắt là ROTC) để lo việc hành chánh. Một lý do nữa để tôi chọn Đại Học Colorado là nơi đó gần Căn Cứ không Quân Lowry ở thành phố Denver là nơi tôi có thể tới để bay duy trì khả năng, và cũng gần Trường Sĩ Quan Không Quân ở Colorado Springs là nơi có nhiều sĩ quan cán bộ có trình độ tiến sĩ để trao đổi kinh nghiệm.

Colorado là một miền cao nguyên, có núi non hùng vĩ, rất hợp với bản tính trầm lặng của tôi . Phân Khoa Hàng Không và Không Gian ở Đại Học Colorado đã có từ lâu, nhưng chuyên nhiều về kỹ thuật và môn khí động học.

Làm khảo cứu thực nghiệm về những môn này đòi hỏi nhiều dụng cụ tốn kém và chuyên viên trợ giúp nên trước tôi chưa có sinh viên nào đạt được trình độ tiến sĩ . Cùng với năm tôi tới thì Đại Học Colorado mời được nhà bác học người Đức là tiến sĩ Adolf Busemann là người được mệnh danh là cha đẻ của phi cơ cánh suôi, cũng là đồng nghiệp nhưng lớn tuổi hơn của tiến sĩ Wernher von Braun ở Trung Tâm Hõa Tiễn Peenemunde trong Thế Chiến II, và hai khoa học gia trẻ vừa tốt nghiệp tiến sĩ tại California Institute of Technology là Đại Học nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ về kỹ thuật hàng không và không gian.

Một trong hai vị ấy là tiến sĩ C. Forbes Dewey, đã cùng với giáo sư Adolf Busemann nhận bảo trợ luận án cho tôi và sau hơn hai năm làm việc không ngừng nghỉ tôi đã hoàn tất công trình nghiên cứu và trở thành người đầu tiên được cấp văn bằng tiến sĩ về môn Khoa Học Hàng Không và Không Gian của Đại Học Colorado . Sự kiện lịch sử này đã được ghi trong cuốn sách ‘‘Proud Past, Bright Future’’ xuất bản năm 1966 nói về lịch sử của Trường Kỹ Thuật của Đại Học Colorado. Trường này, vì toạ lạc ở tỉnh Boulder là nơi có National Bureau of Standards (viết tắt là NBS) và National Center for Atmospheric Research (viết tắt là NCAR) là hai Trung Tâm nghiên cứu khoa học quan trọng của Chính Phủ Liên Bang, nên cũng thu hút được nhiều nhân tài về khoa học cho ban giảng huấn. Năm 2001 giải Nobel về vật lý học cũng về tay một khoa học gia của NBS và một giáo sư của Đại Học Colorado.

 

HKL : Sau khi tốt nghiệp, giáo sư đã được mời ở lại trong ban giảng huấn ở Đại Học Colorado. Trong trường hợp nào giáo sư lại tới Đại Học Michigan?

GS NXV : Trong thời gian là sinh viên tiến sĩ ở Colorado, tôi được mời dậy một khoá về môn cơ học. Những bài giảng của tôi in ra để phát cho sinh viên đã được giáo sư Ẹ V. Laitone, lúc đó là chủ nhiệm phân khoa hàng không ở Đại Học California ở Berkeley, trong một kỳ tới Colorado để thanh tra mỗi ngũ niên và chuẩn định trường kỹ thuật, chú ý tới vì ông cho là những tài liệu có giá trị có thể in thành sách được.

Ông mời tôi tới hỏi chuyện và ngỏ ý muốn mời tôi dậy ở Berkeley như là một giảng sư (Lecturer), và cũng hứa với tôi là khi nào có ghế giảng huấn chính thức ông sẽ đề nghị cho tôi vào ngạch giáo sư.

Làm lecturer thì mỗi năm lại phải có giấy bổ nhiệm lại nên tôi nhận lời mời của Đại Học Colorado làm assistant professor vì như thế ít ra cũng được hạn kỳ ba năm để cho mình có thời gian chứng tỏ tài năng.

Theo luật lệ thì sau ba năm, nếu người giáo sư trẻ phát triển điều hòa thì được bổ nhiệm thêm ba năm nữa trước khi có hội đồng duyệt xét cả ba phương diện về dậy học, khảo cứu và phục vụ để quyết định sự thăng cấp lên associate professor.

Nếu được thăng cấp thì sự bổ nhiệm lần tới sẽ thành vĩnh viễn. Bằng không thì mình bắt buộc phải nghỉ việc sau khi được gia hạn thêm một năm. Trong trường hợp của tôi thì chưa hết hạn ba năm tôi đã được Đại Học Michigan, là một đại học rất có tiếng tăm trong và ngoài nước mời tới làm associate professor .

Tới đó chỉ bốn năm sau, nghĩa là vào năm 1972 tôi đã được thăng cấp giáo sư thực thụ (professor) là ngạch cuối cùng trong ngành giảng huấn . Sự thăng cấp như vậy có thể gọi là rất nhanh chóng. Để đáp tạ sự tri ngộ của giáo sư Laitone, trước khi đi Michigan , vào năm 1967 tôi cũng đã tới Berkeley để dậy một khoá học trong dịp hè . Sau đó tôi vẫ giữ liên lạc với ông và chúng tôi đã viết chung với nhau mấy bài khảo cứu.

 

HKL : Hương Kiều Loan tuy cũng ở trong ngành giáo dục nhưng không rành rẽ cho lắm về sự thăng thưởng ở bậc đại học. Giáo sư có thể cho độc giả biết vì sao lại được thăng cấp nhanh chóng như vậy không?

GS NXV : Cuối năm 1998 khi tôi quyết định về hưu để chuyển hướng hoạt động nhiều hơn về văn hoá thì Hội Đồng Nhiếp Chính (Board of Regents) tại Đại Học Michigan đã đồng thanh chấp thuận một bản tuyên dương công nghiệp giáo dục và khoa học của tôi và trong đó có ghi rõ những kỳ thăng cấp . Nếu ai đọc thì cũng thấy rằng đó là một tiến trình kỷ lục tại một trong những đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ. Nhưng để đạt được như vậy tôi đã cố gắng hoạt động không ngừng nghỉ trên cả hai phương diện giáo dục và khảo cứu . Tôi là một trong số rất ít người được tặng cả hai giải xuất sắc về giáo dục và xuất sắc về khảo cứu của Trường Kỹ Thuật ở Đại Học Michigan. Mỗi lần được đề nghị thăng cấp là phải có một hội đồng gồm bốn vị giáo sư thâm niên hơn và khi lập hồ sơ họ lấy cả ý kiến của những nhà giáo dục và khoa học gia ở các đại học khác và trong kỹ nghệ nữa. Sau khi lấy đầy đủ mọi giữ kiện, ba thành viên trong hội đồng sẽ viết phúc trình về ba phương diện giáo dục, khảo cứu và phục vụ của ứng viên và đưa ra toàn thể phân khoa gồm những giáo sư có thâm niên hơn để lấy biểu quyết trước khi chuyển đề nghị thăng cấp lên ông khoa trưởng và ủy ban thường vụ khoa. Sự chấp thuận của ủy ban này được coi như là chung kết tuy rằng nghị định thăng cấp bao giờ cũng phải do ông viện trưởng đại học đưa ra hội đồng nhiếp chính để lấy chấp thuận . Hồ sơ đề nghị để được cấp giải giáo dục xuất sắc hay khảo cứu xuất sắc cũng làm như vậy, nhưng quyết định là do hội đồng khoa.

Những lề luật về thăng cấp hay tưởng thưởng như vậy rất là dân chủ ; những người được lựa chọn bao giờ cũng xứng đáng vì đã được sự tín nhiệm của các bạn đồng nghiệp. Mặt khác ở cạnh ông khoa trưởng có hội đồng thường vụ do các giáo sư bầu ra và ở cạnh ông viện trưởng có hội đồng nhiếp chính do dân chúng bầu ra. Những quyết định quan trọng phải qua những hội đồng này chấp thuận. Vì vậy dù có sự nâng đỡ đặc biệt của ông chủ nhiệm phân khoa hay ông khoa trưởng chăng nữa mà tự mình không chứng tỏ được tài năng thì cũng không đứng vững lâu được trong ngành giáo dục ở bậc đại học.

 

HKL : Giáo sư là một khoa học gia đã hoạt động trong ngành hàng không và không gian hơn ba mươi năm và đã được mời giảng dậy tại nhiều đại học trên thế giới. Hương Kiều Loan được đọc một bài của Thiện Nhân Nguyễn Khánh Do, là một nhà văn và cũng là một giáo sư toán, trong đó nói rằng giáo sư đã viết được hai cuốn sách và hơn tám mươi bài khảo cứu về toán học và khoa học không gian cùng đào tạo được nhiều sinh viên tiến sĩ trên thế giới . Nhân dịp này giáo sư có thể kể cho độc giả biết đã đóng góp được những gì cho cơ quan không gian Hoa Kỳ ? HKL cũng xin hỏi thêm là trong những sáng tác về khoa học, điều gì giáo sư cho là quan trọng nhất .

GS NXV : Bài viết của giáo sư Nguyễn Khánh Do được đăng trên cuốn‘‘Theo Ánh Tinh Cầu’’là cuốn truyện ký sự của tôi xuất bản năm 1991 . Theo bài giới thiệu thì tôi đã viết ra hai cuốn sách về khoa học không gian với những tựa đề là ‘‘Hypersonic and Planetary Entry Flight Mechanics’’ và ‘‘Optimal Trajectories in Atmospheric Flight’’. Những cuốn sách này giờ đã bán hết. Năm 1993 tôi có viết thêm cuốn sách với tựa đề laø ‘‘Flight Mechanics of High-Performance Aircraft’’. Cuốn sách này do nhà xuất bản Đại Học Cambridge ở Anh Quốc xuất bản và sau khi in ra đã được nồng nhiệt đón nhận và năm 1995 nhà xuất bản lại cho ra ấn phẩm với bià mỏng để làm sách giáo khoa .

Trong những năm qua , khi tiếp súc với giới trẻ ở khắp năm châu, tôi thường được hỏi là tôi đã cộng tác thế nào với Nha Quản Trị Hàng Không và Không Gian Quốc Gia (National Aeronautics and Space Administration , gọi tắt là NASA ) , và trong quãng đời làm công tác khoa học , sáng tác nào đã làm tôi thích thú nhất. Trong giòng họ tôi, có rất ít người ra làm quan và , trong các tổ tiên , những người đỗ đạt dù có xuất chính rồi ít lâu sau cũng cáo quan về nhà dậy học . Cũng vì vậy mà từ khi ra trường tôi đã đi theo những bước chân của các bậc tiền nhân mà chọn con đường giáo dục. Trải hương thơm theo gió , tôi muốn hoàn trả lại bốn phương những gì tôi đã thâu thập được trong cuộc đời tầm học , và như thế dậy học và viết những tài liệu khảo cứu là con đường hữu hiệu nhất để thực hiện điều này.

Một khi đã quyết tâm theo ngành giáo dục và khảo cứu, tôi cũng phải hành xử theo như các bạn đồng nghiệp khác để được ở cùng một bình diện với họ. Ở các đại học có một thành ngữ mà ai cũng ghi nhớ là ‘‘Publish or Perish’’ có nghiã là không công bố được trên sách báo chuyên môn những sáng tác hay những kết quả khảo cứu của mình thì sẽ bại liệt .

Tuy chính thức là ở trong ban giảng huấn nhưng trên thực tế các giáo sư được đánh giá qua những kết quả khảo cứu, được thể hiện bằng những bài đăng trên những báo chuyên khoa, những cuốn sách đã xuất bản, và những lần được mời đi thuyết trình ở các đại học trong và ngoài nước hay ở những hội nghị tầm vóc quốc gia và quốc tế.

Muốn làm khảo cứu, tìm ra những điều mới lạ, ở một thời đại văn minh tuyệt đỉnh, ai cũng cần có một ngân khoản, thường thì do một cơ quan quốc gia, hay một xí nghiệp đài thọ, và muốn xin được những tài trợ này giáo sư phải sẵn có một uy tín trong lãnh vực của mình, nghiã là đã phải có một số những bài khảo luận đăng trên sách báo  và muốn viết được những bài này lại cần phải có những phuơng tiện để làm khảo cứu nghiã là phải có ngân sách để quản lý. Trong cái vòng lẩn quẩn đó, nhiều người không tìm ra đầu mối bắt đầu từ đâu, và đã phải giải nghệ, nghiã là đi tìm cách tiến thân theo con đường khác.

Tôi cũng đã trải qua những năm thử thách đó trong xã hội rất mực cạnh tranh ở Hoa Kỳ, và trong phần vụ nghiên cứu cũng đã xin được những ngân khoản khảo cứu của các cơ quan chính phủ và kỹ nghệ tư. Những kết quả khảo cứu, hoặc được đăng trên các nguyệt san khoa học và kỹ thuật như những bài khảo luận, hay dưới hình thức những bản báo cáo chuyên ngành, đều được phổ biến qua các thư viện chuyên môn trên toàn thế giới. Một số những báo cáo chuyên môn tôi viết ra, hoặc đứng tên một mình, hoặc làm chung với các bạn đồng nghiệp hay các môn sinh , đã được Không Quân Hoa Kỳ (USAF) , hay NASA là những cơ quan đã trợ cấp ngân khoản, in ra như là nhũng tài liệu chuyên môn (technical document hay technical report).

Những tài liệu này đều có thể tìm được ở các thư viện , hay gửi mua ở Clearinghouse for Federal Scientific and Technical Information địa chỉ gửi về là Springfield, Virginia 22151.

Ngoài ra một số những sinh viên tiến sĩ do tôi đào tạo ỏ Đại học Michigan, nếu không đi theo đường giáo dục cũng làm việc cho kỹ nghệ và cũng có những người làm việc trong những phòng khảo cứu của Không Quân Hoa Kỳ (USAF) hay cơ quan NASA . Một trong những người ấy là tiến sĩ Jennie R. Johannessen, một nữ chuyên gia rất xuất sắc làm việc cho cơ quan Jet Propulsion Laboratory thuộc Đại Học Caltech ở Pasadena, California, là trung tâm điều khiển vệ tinh thám sát Thái Dương Hệ. Bà đã là người quản nhiệm nhóm tính qũy đạo cho vệ tinh nhân tạo Galileo bay lên thám hiểm Mộc Tinh.

 

Trở lại câu hỏi là tôi thấy thích thú nhất về sáng tác nào thì thật khó trả lời vì trong khi làm về khoa học tôi để chen vào một chút văn nghệ tính , và giống như một họa sĩ vẽ tranh , tôi không hay sao lại một tác phẩm nào đã thực hiện trước đây. Vì vậy khi đọc lại bất kỳ bài viết nào đã đăng , mỗi bài có một vẻ đẹp khác nhau làm tôi vẫn thấy hào hứng như lần đầu tiên tìm ra được phương pháp giải bài toán này còn ở trong vòng bí hiểm.

Tháng Tám năm 1994, tại hội nghị thường niên toàn quốc về cơ học không gian của American Institute of Aeronautics and Astronautics họp ở Scottsdale thuộc tiểu bang Arizona , ở bữa tiệc chính có vào khoảng một ngàn kỹ sư và khoa học gia danh tiếng tham dự, tôi được mời lĩnh giải Mechanics and Control of Flight cho năm ấy .

Ngoài bằng tưởng lục và một nút tròn để đeo vào ve áo, tôi được ông Chủ Tịch đương nhiệm của Viện choàng vào cổ tấm huy chương vàng danh dự . Ở một mặt tấm huy chương có khắc hình chiếc phi cơ cánh đôi của hai anh em ông Wright chế tạo và vết chân đầu tiên của phi hành gia Neil Armstrong in trên mặt trăng, những hình vẽ biểu dương cho sự phát triển khoa học hàng không và không gian Hoa Kỳ trong thế kỷ XX. Ở mặt bên kia có khắc tên tôi và hàng chữ tuyên dương ‘‘For outstanding contributions to the mathematical theory of optimal control, applied to the flight mechanics of aerospace vehicles in the atmosphere and in space’’.

Được tặng giải này trước hết phải có những đồng nghiệp đề nghị, và sau đó được một ủy ban chọn lựa và vì mỗi năm chỉ chọn một người nên cái hy vọng nhận đưọc huy chương này thật không bao giờ đến vói ý tưởng tôi.

 

1994MechanicsandControlofFl.jpg (42408 bytes)

                          Nhận Giải Mechanics and Control of Flight

          của American Institute of Aeronautics and Astronautics (1994)

 

HKL : Giáo sư đã ở trong ngành giáo dục một thời gian lâu dài, học sinh theo học có thể tới một vài ngàn người và số sinh viên tiến sĩ được giáo sư đào tạo cũng không phải là ít. Họ là những người ở những quốc gia nào và trong số những người ấy có nhiều người là sinh viên Việt Nam hay không?

GS NXV : Sự ước lượng của Kiều Loan cũng khá đúng . Phân khoa hàng không và không gian ở Đại Học Michigan là một phân khoa lớn, có một lịch sử lâu dài. Lấy một vài thí dụ là cả ba phi hành gia của chuyến bay Apollo 15 lên mặt trăng, là những đại tá không quân David R. Scott, James B. Irwin và Alfred M. Worden đều là cựu sinh viên của Michigan . Kỹ sư Clarence L. (Kelly) Johnson là người đã vẽ những kiểu phi cơ F-104 Starfighter , và U-2 danh tiếng của Hãng Lockheed, ông đã tốt nghiệp kỹ sư hàng không ở Michigan năm 1932, và được bằng cao học năm 1933. Trong những năm tôi dậy ở đây tính trung bình thì năm nào cũng có vào khoảng từ 50 tới 60 sinh viên tốt nghiệp cấp kỹ sư, và cũng có vài chục người được cấp bằng cao học. Như vậy trừ những năm tôi được nghỉ để đi làm giáo sư thỉnh giảng ở những nước khác số lượng sinh viên đã theo học những lớp tôi dậy cũng có thể lên tới gần hai ngàn người . Dĩ nhiên là phần đông những sinh viên là người Mỹ nhưng ở bậc cao học cũng có tới một phần tư là những sinh viên tới từ các nước khác, thường thì là từ những nước ở Á châu nhưng cũng có một số sinh viên tới từ Âu châu .

Cũng vì thành phần sinh viên có tính cách quốc tế như vậy mà trong phân khoa của tôi các giáo sư hay được mời tới thăm viếng và giảng dậy ở các đại học khác trên thế giới. Riêng tôi, ngoài sự được mời đi giảng dậy ở nước ngoài như đã nói ở trên, vì những sách chuyên khoa của tôi được dùng ở nhiều nơi nên đôi khi tôi được mời chấm luận án tiến sĩ ở những đại học khác. Lấy một vài tỷ dụ là tôi đã được mời cho ý kiến về những luận án tiến sĩ nộp tại Đại Học Princeton ở Hoa Kỳ, Đại Học McGill ở Montréal, Gia Nã Đại, và Viện Khoa Học Ấn Độ ở Bangalore. Cuối năm 1997 tôi được mời sang Pháp để dự trong ban giám khảo chấm thi tiến sĩ toán học cho một sinh viên ở Institut National Polytechnique de Toulouse.

Tôi không nhớ hết được tên những sinh viên người Việt ở trình độ kỹ sư đã học ở phân khoa của tôi nhưng tôi nghĩ là vào khoảng mười người trong đó cũng có vài chị. Tôi nhớ có cháu Nguyễn thị Hà, vì là con một người bạn, ra trường đã lâu và làm cho Hãng Boeing ở Seattle, và được trọng dụng. Được cấp bằng tiến sĩ có anh Brian Nguyễn, nhưng anh theo học một giáo sư khác không cùng môn với tôi . Một sinh viên khác cũng rất xuất sắc là chị Nguyễn Khánh Lưu, nhưng sau khi được bằng cao học thì đuợc cấp học bổng để làm luận án tiến sĩ ở Đại Học Colorado. Nay Khánh Lưu làm việc cho Không Quân Hoa Kỳ và rất chăm về khảo cứu nên tôi cũng hay gặp lại ở những hội nghị hàng năm.

Những sinh viên Việt Nam theo học ở Michigan về kỹ thuật thường học những môn dễ kiếm việc như cơ khí hay điện tử, và nhiều người đã đạt được học vị tiến sĩ. Trường y khoa của đại học cũng được xếp hạng trong mười trường đứng đầu ở Hoa Kỳ nên năm nào cũng có một vài anh chị tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Những môn khoa học khác như vật lý hay hóa học đều có người Việt theo học tới tột cùng.

Nói chung thì thế hệ thứ hai của những người Việt di cư, nghĩa là những con em của chúng ta hiện nay đang ở lớp tuổi thanh niên, các anh chị đều có những thành quả xuất sắc ở học đường và sau khi ra đời đã có những tiến bộ đáng kể trong xã hội. Riêng trong những ngành y, nha, dược và nhãn khoa thì, so với thành phần dân số, tỷ lệ tốt nghiệp khá cao đối với các sắc tộc khác.

 

dungvoicacDaiTuongPhap.jpg (29099 bytes)

                   Thăm Đại Tướng Guéguen là bạn học đồng khoá

                    ở Bộ Tư Lệnh Phòng Không Pháp (1989)

 

HKL : Theo trong bài giới thiệu của nhóm New Horizon thì trong gia đình của giáo sư các cháu đều học thành tà. Vậy có em nào theo gót của giáo sư và trở thành khoa học gia hay không? Còn về tiếng Việt, HKL chắc giáo sư cũng lưu tâm đến sự hướng dẫn con em hướng về cội nguồn và tìm đọc những tác phẩm trác tuyệt trong văn học nước nhà.

GS NXV :Tôi đã đi nói chuyện ở nhiều nơi và lúc nào cũng lưu ý giới trẻ Việt trân qúy ngôn ngữ của nòi giống , như những người Do Thái và những người Hoa, dù trải qua hàng mấy mươi thế kỷ sống rải rác khắp nơi trên thế giới mà họ vẫn giữ được tiếng nói và chữ viết truyền đời .Vì vậy tôi luôn luôn nhắc nhở con cái phải trau dồi tiếng Việt để ít ra là cũng nói được lưu loát khi giao thiệp với người đồng hương.

Ở Đại Học Michigan tôi đã cùng với các sinh viên và phụ huynh vận động cho tiếng Việt được giảng dậy như là một sinh ngữ và từ mười năm nay những lớp học ấy do một cô giáo phụ trách lúc nào cũng thu hút được một số đông sinh viên Việt và Mỹ theo học. Còn về sự lựa chọn ngành học tôi để các cháu trong gia đình tự tìm lấy môn nào thích hợp với năng khiếu của riêng mình để theo đưổi. Cháu trai lớn của chúng tôi là một chuyên gia về văn chương miền Nam của Hoa Kỳ. Cháu trai thứ hai là một bác sĩ y khoa. Tiếp theo chúng tôi có một cháu gái tốt nghiệp về quản trị và kinh doanh và cháu trai út sau khi có bằng kỹ sư điện tử thì học thêm bằng cao học về tài chánh ở Đại Học Chicago vì theo cháu đó là khuynh hướng của lớp trẻ Âu Mỹ bây giờ .

 

HKL : Bây giờ HKL xin hỏi giáo sư một câu chót . Qua những bài báo đã viết về Nguyễn Xuân Vinh như là một khoa học gia , Hương Kiều Loan được biết là giáo sư đã được bầu vào Hàn Lâm Viện Không Gian Pháp Quốc và Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế. Xin giáo sư cho biết là muốn là hội viên thì phải làm đơn xin gia nhập, hay là phải có người tiến cử , và sự chọn lựa như thế nào? Có phải vì giáo sư đã có bằng tiến sĩ toán ở Pháp mà được mời gia nhập Hàn Lâm Viện hay không?

GS NXV : Tôi là một hội viên ngoại quốc của Viện Hàn Lâm Quốc Gia Hàng Không và Không Gian (Académie Nationale de l’Air et de l’Espace) của nước Pháp.Viện này mới được thành lập năm 1983 dưới sự bảo trợ của bốn vị Tổng Trưởng Quốc Phòng, Kỹ Nghệ và Khảo Cứu, Quốc Gia Giáo Dục và Giao Thông.

Như tất cả các viện hàn lâm khác, số hội viên rất giới hạn và theo quy chế khi thành lập chỉ dự trù có sáu mươi hội viên người Pháp và ba mươi hội viên ngoại quốc mà thôi. Ông chủ tịch viện viết thư chính thức mời hội viên mới sau khi vị này đã được ba hội viên đề nghị và được toàn thể hội đồng họp những khoá tam cá nguyệt bỏ phiếu bầu mỗi khi có ghế trống.

Tôi là người Á châu đầu tiên được bầu vào ngày 15/05/1984 và người thứ hai là tiến sĩ kỹ sư Bacharuddin Habibie được bầu ngày 18/04/1985 . Về sau ông trở thành Tổng Thống của Nam Dương sau nhiệm kỳ của ông Suharto.

Những hội viên Pháp được bầu vào đều là những ngôi sao sáng trong các ngành kỹ nghệ, giáo dục và khảo cứu liên hệ đến hàng không và không gian, nhưng cũng có những chính trị gia tên tuổi như cố thủ tướng Michel Debré, ông cũng là viện sĩ Hàn Lâm Viện Pháp (Académie Francaise ) là viện văn chương uy tín nhất chỉ gồm có bốn mươi vị được gọi là những ông hàn bất tử.

Ngoài ra viện cũng có những nhà văn tên tuổi như Pierre Clostermann, tác giả cuốn sách nổi tiếng ‘‘Feux du Ciel’’viết về những kỷ niệm không chiến và Albert Ducrocq là một tác giả viết rất phong phú về khoa học. Họ đều là những người xưa nay tôi hâm mộ, và nay được là bạn đồng viện của những bậc tài danh ấy tôi lại thấy mình càng phải cố gắng hơn nữa.

Nhiều hội viên là những giáo sư đại học có tên tuổi ở Pháp, nên tước vị tiến sĩ quốc gia không phải là yếu tố quan trọng trong hồ sơ của ứng viên.

Viện Hàn Lâm Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) thì rộng lớn hơn vì bao trùm vào khoảng saú mươi nước, và trụ sở đặt ở Paris. Những nước lớn như Hoa Kỳ thì có đông đại diện, tới vào khoảng gần một trăm người, còn những nước nhỏ như Thụy Sĩ thì chỉ có một vài người được bầu vào. Hồ sơ đề nghị cũng phải có ba người ký tên và mỗi năm viện đưa ra một danh sách các ứng viên có đủ điều kiện để các hội viên từ các nước gửi phiếu bầu qua đường bưu điện. Vì số ghế trống mỗi năm chỉ vào khoảng một phần ba số ứng viên nên có nhiều người có thành tích lỗi lạc được đề nghị mà vẫn bị lọt sổ mấy năm liền.Viện có một nguyệt san khoa học tên là ‘‘Acta Astronautica ’’và tôi đã được đề cử làm phụ tá chủ bút chuyên về cơ học vũ trụ (Astrodynamics) trong khoảng thời gian từ 1979 đến 1999 khi tôi nghỉ hưu.

 

Excelence2000award.jpg (30415 bytes)

                  Nhận lời chúc mừng của ứng cử viên Phó tổng thống

                         Hoa Kỳ Jack Kemp trong lễ phát giải

                Excellence 2000 Award ở Hoa Thịnh Đốn (1996)

 

 

HKL : Từ nhiều năm nay giáo sư hằng lưu tâm tới tương lai của giới trẻ Việt ở hải ngoại, và cuộc đời của giáo sư cũng là một trong những gương sáng cho thế hệ tương lai noi theo. HKL được biết là Hội Khuyến Học ở Saint Louis, Missouri cũng đã đặt ra một giải thưởng hàng năm lấy tên là giải thưởng Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh. Để kết luận xin giáo sư ngỏ đôi lời với độc giả về kỳ vọng giáo sư đặt vào thế hệ trẻ tương lai của đất nước.

 

GS NXV : Thế hệ chúng tôi được lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước nên không được may mắn như các bạn trẻ bây giờ . Các bạn hiện nay như những bông hoa tươi thắm được nở rộ trên xứ người với muôn vẻ đẹp . Tôi mong mỏi các bạn biết đến công ơn của cha mẹ, đã vượt qua bao nhiêu khó khăn và trở ngại để tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự thành công của các bạn. Đối với các bạn, sự thành công của cá nhân mình là điều đáng qúy, nhưng biết hướng về cội nguồn, nghe lời chỉ dậy của cha mẹ, gìn giữ được những nét hay vẻ đẹp để tiếng nói, chữ viết và văn hóa của dân tộc được truyền đời mới là điều làm ta hãnh diện . Vòng giây giữa các thế hệ phải được nối tiếp. Khối người Việt ly hương phải được kết hợp lại thành một tập thể quốc gia , để tranh đãu cho tự do và dân chủ được thực hiện trên quê hương xưa và trong thế kỷ này các bạn sẽ là những người lãnh đạo . Đó là điều tôi kỳ vọng nơi các bạn.

 

HKL : Xin cám ơn giáo sư đã dành cho buổi phỏngvấn này. HKL xin thay mặt ban biên tập kính chúc giáo sư và gia đình một năm mới an khang thịnh vuợng.

 

HKLoanDec15_2001b.jpg (36188 bytes)

Hương Kiều Loan
December 15, 2001
photo by D.T. Phong



                                                                                       

 

 

 

 

 

 

 

 
Toàn Phong- Nguyễn Xuân Vinh

Bài này viết về hai bài thơ do người viết phổ nhạc vào thơ Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh.
Nội dung cũng có kể, nhưng không có chi tiết gì vì không được biết, ngoại trừ links nghe xem video, các bài thơ phổ nhạc khác của ông và thêm các bài nhạc viết theo cảm tác về những sách ông viết.

NHẠC PHỔ THƠ NGUYỄN XUÂN VINH

Trước hết mời đọc một đoạn văn trong bài văn Tình Toán Học của giáo sư đại tá Nguyễn Xuân Vinh tức nhà văn Toàn Phong, tác giả Đời Phi Công:
“Tôi không nhớ là đã mê Toán Học, mà người ta đã gọi là Nữ Hoàng của các môn Khoa Học, từ bao giờ nhưng có thể gọi là đó là mối tình đầu của tôi, và để rồi trọn đời vương lụy, như trong một bài thơ của tôi đã được phổ nhạc:
Gặp em, vương mối tình đầu
Gặp em, chuốc lấy muộn sầu
Để rồi một kiếp thương nhau
Giận hờn trong trái tim đau…”

http://www.anhduong.net/LinhTinh/June06/TinhToanHoc-nxv.htm

Bài thơ của Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh viết lên 4 câu trên đây tên là Nhớ Tiếc
“Mối tình đầu” mà hình như GS Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh cho là Toán Học có lẽ không phải là …Toán Học.
Vì rất giản dị, Toán Học làm gì có chuyện “Chiều nào dìu em vào mộng”, “Người đi tóc thương mùi nhớ” hay “Em nay về tay người khác” …

Bài thơ được phổ nhạc cùng tên Nhớ Tiếc (thơ Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh, nhạc Phạm Anh Dũng) Mỹ Dung hát, Quang Đạt hòa âm:
https://www.youtube.com/watch?v=taHu5bsY3bU

Một bài thơ phổ nhạc khác của Toàn Phong là Chân Dung (thơ Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh, nhạc Phạm Anh Dũng) Quang Minh hát, Quang Đạt hòa âm, Hoàng Khai Nhan video:
https://www.youtube.com/watch?v=ftV0uByFslU

Một bài thơ của Nguyễn Xuân Vinh được nhiều người phổ nhạc nhất là Mắt Biếc Hồ Thu.
Võ Tá Hân phổ nhạc, Ngọc Quy hát: https://www.youtube.com/watch?v=19afOE_yqF8
Vũ Thư Nguyên phổ nhạc, Quỳnh Lan hát: https://www.youtube.com/watch?v=zfBlJJoBNA8
Nguyễn Vinh phổ nhạc, Đình Nguyễn hát: https://www.youtube.com/watch?v=1-eOL23rJvI

NHẠC PHẨM VIẾT THEO CẢM TÁC VỚI CÁC SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN XUÂN VINH

Hai bài hát sau đây viết dựa theo cảm tác với các sách cùng tên của Toàn Phong:
Đời Phi Công (Lê Tín Hương) của Toàn Phong do Anh Dũng hát: https://www.youtube.com/watch?v=CX4Hz_WPR8E
Tìm Nhau Từ Thuở (Khê Kinh Kha) Diệu Hiền hát: https://www.youtube.com/watch?v=hjRFUca1HPg

NGUYỄN XUÂN VINH @ wikipediahttps://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Xu%C3%A2n_Vinh

 

Mời nhớ lại chuyện xưa với hai tác giả rần Văn Lương qua bài thơ Giọt Sầu Rơi và bài viết 50 NĂM THÓANG VỘI TRONG NGÀY của tác giả Huy Văn.

tt

 Kính gửi quý anh chị bài thơ của anh Trần Văn Lương và bài viết của anh Huy Văn.

Đọc để nhớ lại chuyện đau buồn cá nhân và vận nước Việt Nam Cộng Hòa, hai mươi năm có được sự tự do, dân chủ mà mãi đến bây giờ đất nước này vẫn chưa được lòng tin của dân.

Cám ơn anh Huy Văn và anh Trần Văn Lương.

Kính chúc hai anh và quý anh chị một cuối tuần an vui.

Caroline Thanh Hương 

 


 

Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần.

Dạo:

    Xa nhau đã quá nửa đời,

Xác xơ ngõ nhớ, tả tơi lối về.

 

Cóc cuối tuần:

 

    Giọt Sầu Rơi

 

Mon men về chốn cũ,

Ủ rũ bước đường xưa,

Dường nghe lại tiếng mưa,

Buổi dây dưa lần cuối.

                x

            x      x

Anh ngập ngừng bối rối,

Chẳng biết nói một câu.

Mưa khẽ rắc lên đầu

Từng giọt sầu tơi tả.

 

Tình mình sao ẻo lả,

Tựa lá níu cành cây,

Anh biết chắc rồi đây,

Lá có ngày xa cội.

 

Lạnh lùng em rẽ lối,

Anh tiếc nuối nhìn theo.

Mưa dai dẳng mè nheo,

Gió trả treo hờn giỗi.

 

Anh lần men ruộng tối,

Ếch nhái lội qua bùn.

Bầy dế nhỏ sợ run,

Ùn ùn chun gốc rạ.

 

Lối quen về bỗng lạ,

Mưa rỉ rả lay nhay.

Chợt nhớ quá những ngày,

Cùng kề vai cắp sách.

 

Em có gì phiền trách,

Hay ấm ách trong lòng,

Mà tách bến xa sông

Không một dòng từ tạ.

 

Bao năm trời ròng rã,

Anh rốt đã nhận ra

Mình chẳng khác sân ga,

Em dừng qua ít bữa.

 

Tình dù nung mấy lửa,

Vẫn mỏng tựa son môi.

Những lời nói ỉ ôi

Đã vèo trôi theo gió.

 

Tim em không cửa ngõ,

Anh biết gõ vào đâu.

Mình cách trở dòng sâu,

Nhịp cầu ngang chẳng có.

                x

            x      x

Đêm về trên lối nhỏ,

Người bỏ ngủ lang thang.

Trăm thương nhớ muộn màng

Khẽ khàng quay trở lại.

 

Mưa lần theo lải nhải,

Nào có phải mùa Ngâu,

Sao tấu mãi cung sầu,

Trên mái đầu bạc phếch?

       Trần Văn Lương

          Cali, 6/2022

 

 KheSanh

 

Kính chuyển
Để kính nhớ những Niên Trưởng, Huynh Trưởng và Chiến Hữu đã và vừa mới "lìa đàn".
HV (HVC )

                                   50 NĂM THÓANG VỘI TRONG NGÀY


Chúa Nhựt 11-07-2010.
9H00- Vừa bừng mắt dậy đã biết trễ giờ hành lễ tại Tượng Đài Chiến Binh Việt Mỹ. Liếc sơ qua cell phone thì thấy có message. Lại Trần Phan Kiệt và Nguyễn Thành Út thay nhau nhắn tìm và Út thì thay mặt một số bạn khóa 8 CTKD nhắn tôi ra cà phê Factory. Bạn hẹn gặp lúc 10H00! Giờ chính thức khai mạc Đại Hội kỷ niệm 50 năm ngày thành lập binh chủng Biệt Động Quân!

Một bên là Đồng Môn thời Đại Học và Quân Trường, bên kia là Chiến Hữu và Đồng Đội thời trận mạc. Tả hữu bình bình. Biết làm sao đây!? Vợ thấy chồng khó xử bèn "phán" một câu thoải mái "Anh còn mấy tiếng để họp hành rồi còn cả buổi tối nữa! Coi như  nguyên ngày dành cho Biệt Động Quân. Vậy chia bớt cho Đà Lạt và Đồng Đế chừng nửa tiếng thì cũng đâu có sao! Mấy "ông Cọp" sẽ thông cảm thôi!" Vợ nói thật có tình, có lý!

Nhưng nửa giờ chỉ đủ để cho Vợ chào hỏi bạn xưa của chồng và để vài người của khóa 8 CTKD đã từng gặp 6 năm trước là Vũ Mạnh Hải, Ngọc Trọng và Lê Văn Chánh xem coi "con gái rượu" của chàng Nhí "cận" nhà ta đã lớn tới đâu. Xong thủ tục là vợ chở con rút trước. Nàng có hẹn với bạn sau hơn "15 năm rồi không gặp...". Mà cũng không cần ngồi lâu! Có lý do chánh đáng để rút sớm, vì bà con đang chờ xem trực tiếp trận tranh vô địch túc cầu thế giới giữa Hòa Lan và Tây Ban Nha, tổ chức tại Nam Phi. 

Rốt cuộc Vũ Mạnh Hải phải đưa tôi qua khu vực của Tượng Đài và sau đó phải mất cả hơn mười phút để tìm kiếm Hội Trường. Bãi đậu xe của Wesminster Convention Center rộng mênh mông. Xe cộ đậu khá nhiều nhưng vì phòng họp của BĐQ thì nằm trong khu vực dành cho giới...bô lão, nên phải mất thêm một khoảng thời gian nữa để ...hỏi thăm khách vãng lai. Cuối cùng cũng nhận ra cái "băng rôn" chào mừng quan khách. Nhìn lại đồng hồ thì đã đúng 11 giờ!

Không nhận ra ai quen trong số vài Mũ Nâu đang thả khói trong sân, nên tôi bước thẳng vào phòng họp. May quá! Hàng ghế sau cùng vẫn còn vài chỗ trống. Mọi người đang say sưa theo dõi phần báo cáo về chương trình Huynh Đệ Chi Binh của Niên Trưởng Nguyễn Minh Chánh nên không ai chú ý tới tôi.

Người đầu tiên nhận ra tôi là "Phóng Viên Tập San Mũ Nâu " Văn Hữu Hà, aka "Bà Ngoại Nhí". Anh Hà xẹt đầu này, phóng qua đầu nọ, lăng xăng bấm máy lia lịa và không quên "chộ " cho tôi một tấm. Lâu lắm mới có dịp nhìn thấy màu nón và màu chinh y quen thuộc tập họp khá đông như vậy. Vẫn còn phong độ như xưa, mặc dù ai nấy đều mang màu sương tuyết trên mái tóc.

Quét mắt một vòng để tìm những gương mặt đã có ảnh trên các Tập San BĐQ, nên tôi cũng dễ dàng nhận diện những Niên Trưởng và Huynh Trưởng vốn là cộng tác viên thường trực. Chỉ có những vị Niên Trưởng đã trọng tuổi thì phải chờ đến khi anh Trần Tiễn San xướng danh, hay khi các vị đó lên bục diễn thuyết thì mới rõ họ tên.

Nhưng không cần ai giới thiệu cũng nhận ra được "Thiên Lôi" Nguyễn Thế Đỉnh nhờ mái tóc màu...bông gòn của anh. Những Mũ Nâu khác thì phải chờ đến khi  tạm ngưng cuộc họp mới có dịp tay bắt, mặt mừng. Từ những vị mới quen cho tới những người đã quen ( nhưng chưa diện kiến ), ai nấy đều nồng nàn và thân mật như đã biết nhau từ thuở nào.

Những gương mặt trong nhóm " Nhí " thì khỏi nói! Cọp Phúc, Cọp "Canađiên" Lê Minh Tuấn, "Bà Ngoại " Văn Hữu Hà, và đặc biệt là "Bombier" 52 Nguyễn Quốc Khuê ( chữ Bombier do tôi chế ra từ Bombardier ) gặp tôi là choàng vai bá cổ, hỏi han và kể lể đủ mọi chuyện trên đời. Vui và ...ồn ào như pháo Tết!

Những cái siết tay không muốn rời của anh Phan Thành Đông, nụ cười phúc hậu của anh Học, giọng nói rặt miền Nam và rổn rảng của anh Chánh, gương mặt bô trai và vóc dáng cao ráo, trắng trẻo của một "Nhí" tên Phương ( Tiểu Đoàn 92 BĐQ ) Bộ ria " Clark Gable " của anh San, đôi mắt ( còn lá gì nhỏ, dài và sắc gọn hơn lá tre không nhỉ!? A! phải rồi ! ) lá.... rau răm của anh Đỗ Mạnh Trường, cùng gương mặt còn hằn nét uy dũng của Niên Trưởng Tử Thần là những hình ảnh  thân tình, nồng hậu đủ để gọi là kỷ niệm của một ngày vui trong tình Huynh Đệ Chi Binh thời...biệt xứ!

Tử Thần! Một trong những Mũ Nâu có nhiều huyền thoại nhứt của Binh Chủng Biệt Động Quân- người chỉ huy tác chiến đầu tiên mà các Chiến Hữu Khóa 57 Rừng Núi Sình Lầy và tôi đã trình diện tại Ba Chúc- trước khi nhập trận Núi Dài ( Thất Sơn, Châu Đốc ) tháng 10/1973! 

Tử Thần của gần 40 năm sau đã trở thành một ông lão chậm chạp về nhiều mặt, nhưng nét tinh anh và vẽ  kiên nghị vẫn còn đó, khi vui vẻ ngồi tiếp chuyện với một đàn em lạ hoắc. Khoảng hơn nửa tiếng ăn trưa tuy không đủ để tâm tình, nhưng những câu chuyện về thời lửa khói cùng những buồn vui theo hưng phế của thời cuộc mà Niên Trưởng Thiệt đã kể cho nghe, cũng đủ để đàn em tép riu mê mẩn không rời.

Sau đó thì toàn bộ đám "Nhí" đã không bỏ lỡ cơ hội chụp chung với Tử Thần vài tấm ảnh lưu niệm trong những tiếng cười giòn giã thật tươi vui. Cám ơn Anh, người đã góp phần mang lại chiến thắng Núi Dài và làm rạng danh BĐQ vùng 4 tháng 10/1973, trước khi ra nắm Liên Đoàn 15 Biệt Động Quân và làm bạn với sơn lam chướng khí của dãy Trường Sơn ngoài Quân Khu I!

Buổi hội thảo tưởng như lắng đọng sau khi mọi đề tài quan trọng đã được bàn qua, nhưng lại khởi sắc bất chợt khi anh San kêu gọi đóng góp tài chánh tại chỗ nhằm chi tiêu vào việc mướn người quay Video cho toàn Đại Hội. Lại một màn hô hào, mời gọi rất vui nhộn của Thiên Nga Trần Tiễn San cùng những màn  "rút kiếm" thật ngoạn mục của các Mũ Nâu mạnh thường quân ( trong đó có "Cọp Nhí" Lê Hữu Phúc ) để bỏ vào nón những tờ giấy bạc có kèm theo hai con số...Zéro tròn trịa!

 

Sau đó là một màn hào hứng vài phút trước lúc bế mạc phần hội thảo, khi NT Trần Tiễn San mấy lần nhấn mạnh câu nói "Tổng Hội ưu tiên dành cho Washington DC, Virginia, Maryland, và vùng phụ cận vinh dự tổ chức Đại Hội BĐQ năm 2011" Cách nhấn câu, nhả chữ của Thiên Nga Trần Tiễn San có cái gì đó thật mềm mại, duyên dáng một cách ân cần mà cũng thật cương quyết và nghiêm trọng, đồng thời cũng nghe như nửa mời mọc, nửa như... ra lệnh! ( Nếu không muốn nói là vừa khuyến khích lại vừa...đặt để ) Dĩ nhiên Cọp Lê Hữu Phúc hớn hở nhận lời ngay lập tức, vì từ lâu anh bạn "journeyman" này cũng đã có ý định "gọi đàn" để thành lập một "thành lũy" của Biệt Động Quân ngay tại Thủ Đô của toàn nước Mỹ.

Lại một màn niềm nở chào hỏi nhau ngay sau khi tan họp. Lại những nụ cười sảng khoái, xen kẽ với  những câu chuyện về mọi thứ trên đời và tất nhiên sau câu từ giả, là lời hứa hẹn gặp lại trong dạ tiệc vài tiếng sau đó. Cứ tưởng mọi người đã ra về từ lâu, nhưng trong bãi đậu vẫn còn một chiếc xe đã nổ máy và nằm im tại chỗ vì chủ nhân vừa thoáng thấy người bạn "Nhí" mới quen, đang lững thững tìm nơi đứng chờ  "nội tướng" đem xe tới đón.

Tình vốn đã đẹp ngay khi gặp nhau tận mặt, Nghĩa càng thêm thắm khi người bạn Võ Bị khóa 27 Lê Minh Tuấn tắt máy, ra khỏi xe, kéo chiến hữu của mình tìm một bóng mát gần đó để ngồi hàn huyên tiếp trong khi chờ đợi "chauffeur" của chàng "Cọp cận". Qủa là một tấm chân tình và một kỷ niệm khó quên!

18H15. Đi sớm nên đến đúng giờ, nhưng vì khu vực đậu xe trước nhà hàng Mon Chéri đã không còn chỗ trống nên “ tài xế “ phải vòng tuốt qua phía bên kia Plaza mới có chỗ đậu xe ngon lành. Tội nghiệp cho bà dì! ( theo vợ chồng cô cháu chỉ để gặp bạn cũ là một Niên Trưởng Thủy Quân Lục Chiến xuất thân Khóa 5  Thủ Đức ) Tay yếu, chân rung, cây gậy trên tay bà bỗng nặng nề chưa từng thấy! Phải chộp đại một chiếc xe đẩy hàng shopping để từng bước thâu ngắn đoạn đường gần trăm thước.

Khi chúng tôi vào bên trong nhà hàng, thì phải len lỏi qua các dãy bàn ghế đặt sát nhau mới tới được bàn số 14. Nơi đó đã có sẵn anh chị “Nato“ Lê Thanh Tùng, Huynh Trưởng “bà con xa lắc xa lơ“ Huỳnh Lập Quốc ( vẫn độc thân…tại chỗ! ) và một Niên Trưởng Khóa 10 Võ Bị Đà Lạt ( sau này mới biết là Trung Tá Bút ) cùng gia đình, một chị bạn ( kiêm tài xế) và người thân của ông.

Quan khách đã ngồi kín chỗ. Vừa chào hỏi những vị ngồi chung bàn xong là Mũ Nâu Phan Thành Đông đã xẹt tới ngay bên cạnh, vừa bắt tay tôi, vừa nói: “…Bản mặt tui ở đây ai cũng biết cả rồi, nên phiền ông qua phía bên kia cho họ phỏng vấn một chút.” Tưởng gì! Chỉ là chuyện nhỏ thôi!

Cuộc phỏng vấn ngắn gọn vừa thực hiện xong thì ban Tổ Chức tuyên bố bắt đầu buổi dạ tiệc. Vẫn là những nghi thức thường thấy ở khắp mọi nơi. Khởi đầu là phần chào Quốc Kỳ Mỹ-Việt và Mặc Niệm Tử Sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến. Nỗi ngậm ngùi chưa kịp lắng, thì ngay sau đó nghi thức Truy Điệu Anh Linh Tử Sĩ của chiến binh Việt- Mỹ do toán cố vấn đến từ Arizona đã làm bầu không khí đang bồi hồi càng thêm phần trang trọng.

Đến lúc này quan khách mới để ý nhìn kỹ dãy bàn phủ khăn trắng, cùng với cách bày biện lạ mắt nhưng thâm sâu trong ý nghĩa. Đôi đũa nằm trên chén, đặt cạnh chiếc dĩa với muỗng, nĩa nằm sát bên, thêm một cánh hoa hồng và chiếc ly không ngay cạnh đó. Sáu bộ chén đĩa, muỗng...tượng trưng cho các Quân Chủng của hai Quốc Gia. Hai ngọn nến đỏ nằm ngay ngắn ngay giữa dãy bàn là tượng đài thu gọn, để chiêu niệm những chiến sĩ quốc gia và đồng minh đã hy sinh. 

Phần chiêu niệm được thực hiện thật trịnh trọng và vô cùng ý nghĩa. Đêm nay anh linh của những người Linh đã từng chiến đấu cạnh bên nhau để bảo vệ tiền đồn chống cộng thuở xưa, chắc chắn sẽ từ cõi phiêu diêu trở về đây thượng hưởng. Một sự lắng đọng đến ngậm ngùi khi tiếng chuông chiêu hồn được gõ lên từng chập, kèm với lời hô đồng loạt  Remember! ( Hãy nhớ! ). Sự trang trọng được thể hiện đến tuyệt vời trong từng động tác nâng đũa mời ăn, nâng ly mời rượu, nâng hoa để thiên thu thắm đượm tình chiến hữu, cùng với những động tác chào tay và xưng danh của toán Cố Vấn quân sự.

Sau cùng,  nghi thức thắp nến chiều hồn cũng được thực hiện một cách đơn giản nhưng đầy ý nghĩa bởi người Trưởng Toán Cố Vấn và một Niên Trưởng Biệt Động Quân trong sự tĩnh lặng tuyệt đối.  Toàn buổi chiêu niệm nói chung, là  hình ảnh đẹp bao gồm rất nhiều biểu tượng dễ thương, để nói lên sự sát cánh chen vai và một khối tình chung giữa hai dân tộc trong việc chống giữ thành lũy tự do trong thế kỷ trước.

Dẫu không cùng ngôn ngữ hay nòi giống

Vẫn gần nhau vì lý tưởng nhân sinh

Chung thiên cổ nối lòng qua vạn dặm

Chiêu hồn nhau trong ngàn nỗi ân tình.

Hai dòng máu nhuộm thắm nguồn chân lý

Trời Tự Do ôm mảnh đất Cộng Hòa

Bàn tay nối đôi bến bờ Việt- Mỹ

Tranh Tiên Rồng vẽ bằng nét Cờ Hoa.

Cảm xúc bất chợt được tôi ghi vội ngay khi lòng còn đang ngầy ngật vì những hình ảnh thật ấm lòng. Cứ thế mà lâng lâng với thoáng hạnh phúc khi tay bắt mặt mừng với những đồng đội, chiến hữu và bạn bè sau gần 40 năm chia cách. Trong thoáng chốc, màu nắng Nha Trang, màu trời Đà Lạt, khói sương Dục Mỹ cùng lửa đạn của Nông Sơn, Tiên Phước, Mộ Đức, Núi Dài, Điện Bàn, Phong Thử và cả Pleiku, Bình Định lần lượt lướt qua thật nhanh trong những câu chuyện hàn huyên vội vã.

Sự hưng phấn len vào trong tiếng nhạc, thẩm thấu vào lời ca để "Áo Lụa Hà Đông" không ươm nắng Sài Gòn hay che nghiêng Thê Húc, mà gọi hồn tôi bâng khuâng trên từng cung bậc trầm bổng. Một hạnh phúc trọn vẹn khi đứng chung sân khấu với người bạn nhạc sĩ có biệt danh "Mười Ngón Tay Vàng ", đúng 35 năm rồi mới gặp lại nhau!

Cám ơn một ngày toàn hảo với những thân tình cũ, mới, rất nồng nàn! Nồng nàn đến mức tiếng chửi thề cũng nghe thật...êm tai làm sao!  Cám ơn những xúc động chân thành đã và đang gặm nhấm trong tôi với cường độ đủ để làm tôi bồi hồi đến...mất ngủ. Cám ơn màu hoa rừng trên các chinh y đã làm mọi người sống lại thuở hoa niên mặc dù ai nấy đã điểm sương trên tóc. Còn hạnh phúc nào hơn khi  tìm lại chính mình cho dù 50 năm đã thoáng vội trong ngày!

HUY VĂN ( HVC )

( Để nhớ Nam Cali và Chúa Nhựt 11-07-2010 )