caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 2 juin 2019

Con Cò Thơ giới thiệu Ý Nghĩa Lương Duyên trong bộ Liêu Trai Chí Dị, thơ phỏng dịch từ bài Lương Tứ của Lý Thượng Ẩn.

Cách đây vài ngày, tôi có gửi đến quý anh chị bộ truỵên Quân Tử Chi Giao
trong chương trình đọc và nghe đọc truỵện hay.
Bộ truỵên này có khía cạnh khó được đa số quần chúng chấp nhận vì nó bày tỏ tình cảm chuyện như bài thơ Con Cò Thơ và bạn của Con Cò Thơ bàn bạc.
Vì vậy, những anh chị nào không thấy "choc" thì đọc bài Liêu Trai Chí Dị  hay Quân Tử Chi Giao để thấy tình cảm của những người đồng phái thật ly kỳ không thua gì những cặp đôi bình thường.
Xin nhắc lại, nếu quý anh chị không thích thì đừng mở đường dẫn.
Caroline Thanh Hương




LTCD thế kỷ 21 bài số 39.
Ý NGHĨ LƯƠNG DUYÊN 

Từ khi vợ qua đời 4 năm nay, cứ mỗi đầu mùa Đông (giỗ Cò bà), Con Cò lại mò vào Google tìm mấy bài thơ Đường dịch cho đỡ buồn. Bước sang tuổi 85, không thích dịch thêm nữa, bèn tìm trong đống thơ cũ xem có bài nào lãng mạn thì đọc chơi. Đọc tới Lý Thương Ẩn thì gặp bài Lương Tứ có vài câu làm mình thắc mắc. Suy nghĩ mãi vẫn chưa thông.
Tự nhiên muốn tham khảo Bồ Tùng Linh. Bèn vào thư phòng, đóng cửa lại, ngồi đọc câu thần chú: “Bồ Tủng Linh-Liêu Tiên-Liêu Trai Chí Dị / Bồ Tùng Linh-Liêu Tiên-Liêu Trai Chí Dị…
Bỗng thấy Bồ Tùng Linh hiện ra ngay trong thư phòng, cửa phòng vẫn còn đóng kín. (Xin mở một dấu ngoặc ở đây để lưu ý độc giả rằng Tiên, hoặc yêu tinh, có khả năng thâm nhập bất cứ nơi nào dù cửa đóng then cài, nhưng phải có hẹn trước hoặc phải được mời tới. Nếu xâm nhập gia cư bất hợp pháp thì sẽ tổn hại nhiều năm công lực).
- Có chuyện gì cần hỏi anh không? - Bồ Tùng Linh vồn vã hỏi.- Hay chỉ muốn gọi anh tới uống rượu?
- Cả hai việc. Thưa nhị ca.- Cò lễ phép thưa.- Trước tiên, em muốn tham khảo nhị ca về ẩn ý của một bài thơ. Nhân tiện tiếp nhị ca mấy ly rượu nhạt nhân ngày tết Âm Lịch sắp tới. Mời nhị ca ra phòng khách cho thoáng khí.
Cò đưa BTL ra phòng khách, mời ngồi trên sofa, rót hai ly whisky, ly đầy mời khách, ly vơi cho mình. Rồi đem computer ra mở bài Lương Tứ trước mặt họ Bồ. 
- Nhị ca có cần em dịch lời bàn của em ra tiếng Tàu không? Cò lưỡng lự hỏi.
- Khỏi cần.-  Bồ Tùng Linh đáp rất tự tin.-  Đã là Tiên thì biết hết mọi loại chữ trên thế gian này, thậm chí anh còn làm được cả thơ lục bát và song thất lục bát nữa.
Trong lúc họ Bồ đọc bài thơ thì Con Cò ra bếp đun nước pha trà. Xem chừng ông có vẻ nghĩ lung lắm, hết nheo mắt, vỗ trán, lại uống một hớp rượu. Sau cùng, thấy ông gật gù cái đầu.
- Em có lý khi nghi ngờ có đồng tính luyến ái trong câu thơ đầu và câu thơ chót.- Bồ Tùng Linh giải thích.- Hoàng Xuân Thảo, niên trưởng của em cũng có lý khi nghĩ rằng nghĩa của chữ khách trong câu đầu không rõ ràng (“người vừa đi khỏi với người ở Nam Lăng có thể là một người hay hai người khác nhau”). Cô Dominique Mỹ Lan cũng có lý khi nghĩ rằng người ở Nam Lăng có thể là Tống Hoa Dương, nhưng cô sinh vào giữa thế kỷ thứ 20 mà nói rằng không có đồng tính luyến ái ở thế kỷ thứ 9 thì suy tưởng của cô đi quá xa đấy. Cô Marine Thanh Vân thì cho anh biết thêm vài điều về đồng tính luyến ái ở Âu châu trong mấy thế kỷ trước. Từ mấy ngàn năm trước, đồng tính luyến ái là tội treo cổ. Vì thế cho nên tác giả của những bài thơ tả thứ tình này rất thận trọng, mình phải tinh ý lắm mới moi ra được thâm ý của họ.
- Trong đời, nhị ca đã từng thấy ai đồng tính luyến ái chưa?
- Anh đã thấy nhiều lắm, đủ mọi hạng người, từ thường dân tới quan nhân, từ chân quê tới thi hào. Nhưng họ kín đáo lắm, không ai, kể cả cha, mẹ, anh, chị, em, biết được. Ngày xưa, cũng có cả đàn bà đồng tính luyến ái nữa đấy! Cảnh này còn hiện hữu trong súc vật nữa! Em có bao giờ thấy hai con gà mái đạp nhau chưa? Nhan nhản ở thôn quê đó! Cò ơi!
- Lần trước nhị ca khuyên em không nên đả động đến đồng tính luyến ái. Sao hôm nay lại nói cả tới chuyện gà mái đạp nhau? -  Con Cò thắc mắc hỏi.
- Em khờ quá!- Bồ Tùng Linh mắng.-  Anh chỉ khuyên em đừng sáng tác loại thơ này nhưng em vẫn hoàn toàn tự do bình luận thơ đồng tính luyến ái của người khác. Hồi này, Thiên Đình cũng chịu ảnh hưởng của cái mà tụi Mỹ gọi là Liberal. Các Tiên, cả Tiên nam lẫn Tiên nữ, bình luận thơ đồng tính luyến ái tưới hạt sen. Từ hồi Obama bổ nhiệm một gã đồng tính luyến ái làm đại sứ Mỹ ở Việt Nam thì thơ loại này được xuất bản thả dàn trên Thiên Đình. Chỉ có tật “lại cái” là còn bị Nội Các Trời chống đối thôi!
- Vậy thì em không còn sợ cọp gì khi thả bài này xuống núi.- Cò hí hửng kết luận. 
- Chúc em thành công. Anh về nhé. Chào em.
- Chào nhị ca.

Nguyên tác     Dịch âm
涼思     Lương Tứ 
客去     Khách khứ ba bình hạm, 
蟬休露滿枝     Thiền hưu lộ mãn chi. 
永懷當此節     Vĩnh hoài đương thử tiết, 
倚立自移時     Ỷ lập tự di thì. 
北斗兼春遠      Bắc Đẩu kiêm xuân viễn, 
南陵寓使遲      Nam Lăng ngụ sứ trì. 
天涯占夢數     Thiên nhai chiêm mộng số, 
疑誤有新知      Nghi ngộ hữu tân tri.

Dịch thơ
Ý Nghĩ Lương Duyên
Khách vắng thuyền yên sóng
Ve im sương đầy cành
Nhớ hoài trong lúc ngóng
Đứng tựa chờ loanh quanh
Xuân xa như Bắc Đẩu
Nam Lăng chẳng tới nhanh!
Nơi xa xôi đoán mộng:
“Đằng ấy” có người tình?

Lời bàn của Con Cò
Dưới đây là tâm trạng của anh chàng này qua 8 câu thơ:
- Nằm trên thuyền im sóng mà vắng (đằng ấy) thì chịu sao nổi! 
- Sương xuống nặng ướt hết cây cành, con ve còn chết lặng huống chi là anh. 
- Càng ngóng trông càng nhớ (đằng ấy).
- Lên bến dựa lưng đủ mọi chỗ mà (đằng ấy) vẫn chưa tới cho nên nhớ triền miên. 
- Tình xuân sao xa lạ với anh thế. Xa như sao Bắc Đẩu vậy! 
- (Đằng ấy) đã tới Nam Lăng chưa?
- Ở chốn xa xôi mà chờ quá lâu thì sinh mơ mộng. 
- Anh đoán rằng (đằng ấy) đã có người tình mới!
Lý Thương Ẩn làm thơ tình lãng mạn thì không thua ai, hơn hẳn Lý Bạch ở điểm tha thiết và chân thành. 
Cò đã dịch nhiều thơ tình của họ Lý (và của nhiều thi hào khác) nhưng lần đầu tiên gặp một bài lạ như bài này.  
Xin bạo gan nói ở đây một nghi ngờ: phải chăng Lý Thương Ẩn đồng tính luyến aí? 
Ngay chữ đầu tiên của câu đầu (chữ khách) đã nêu một dấu hỏi: Tại sao không dùng chữ nàng mà lại dùng chữ khách? Còn lâu mới là tình bạn hoặc khách quen (cứ đọc kỹ toàn bài thì biết). Chữ khách ám chỉ người tình là đàn ông.
Câu chót tô đậm thêm nỗi nghi ngờ của Cò. Người phối ngẫu của anh chàng này có lẽ là một gã lưỡng tính (bisexual) cho nên chàng mới hờn ghen rằng: “Hay là đằng ấy đã có người tình mới rồi?”. 
Chỉ có trời mới biết rõ những mối tình đồng tính của thiên kỷ thứ nhất. Tchaikosky của Nga ở thế kỷ 19 mà còn bị ép buộc phải tự vẫn vì tội đồng tính luyến ái thì cũng nên dễ dãi cho Lý Thương Ẩn tại sao không dám nói rõ hơn.

Góp ý của Hoàng Xuân Thảo:  
"Trí tưởng tượng của Thày Cò rất phong phú, xin khâm phục. Phần tôi chưa rõ người khách vừa đi khỏi với người ở Nam Lăng có liên hệ gì với nhau không? Hay chỉ là một người? Ngoài ra chàng Lý cũng có nhiều mối tình lắm đấy và dây dưa tới cả một nữ đạo sĩ lẫn mấy cung phi nữa. Chàng còn là người chủ trương tự do luyến ái và muốn phá bỏ những ràng buộc của chế độ phong kiến”. 

Phản ứng của Dominique Quản Mỹ Lan:
Kính thưa thi nhân Bồ Tùng Bảo (em ruột ông Bồ Tùng Linh), đồng kính thư nhà thơ Hoàng Xuân Thảo,
Được thi nhân vời nên dù đang "long thể bất an" cũng phải “bò dậy từ long sàng” để xin thưa thốt vài lời rằng:
Theo ngu ý thì đồng tính luyến ái là bệnh thời đại (chắc bắt đầu với thế kỷ XIX, XX) chứ ngày xưa ai mà nghĩ tới cái của nợ này! Do đó ta cứ suy nghĩ hiền lành là Nghĩa Sơn thi hào nhà ta đang nằm khểnh trong thuyền mà nhớ nhung Tống Hoa Dương chăng? 
Vì khách đâu cứ là nam nhi mà vẫn có thể là nữ khách vậy.
Thời vãn Đường, cách nay đã 12 thế kỷ thì khó cho nhà em tưởng tượng ra một Xuân Diệu và Huy Cận như trước đây mà đã làm cho tiểu muội này bị choáng váng ghê gớm khi đọc Cát Bụi Chân Ai!
May mà Xuân Diệu tuy là bạn với Ông Cố Ngoại các cháu nhà này nhưng Ông Cụ có đời sống bình thường, có người yêu, có vợ con chứ không "lôi thôi" như Xuân Diệu. Đấy là giữa thế kỷ thứ XX chứ nói gì từ thế kỷ thứ IX!
Xin kính chào nhị vị và xin ngừng bút.
QML

Phản ứng của Marine Thanh Vân
Kính thưa các danh nhân,
Được Ông Cò cho tham dự trong cuộc bàn luận về văn thơ làm tại hạ quá khiếp sợ. Tài hèn trí mọn làm sao dám tỏ tường? Nhưng ÔC đã ‘bắt’ thì cũng liều vậy. 
Kính thưa:  ÔC quả thật có nhiều trí suy đoán như danh nhân Hoàng Xuân Thảo đã phê. Bài thơ của Lý Thương Ẩn không biết có ngụ ý viết cho người tình nam chăng? Nhưng suy nghĩ, nếu ngày nay đồng tính luyến ái không còn phải dấu diếm, thì tại sao hiện tượng này trong quá khứ xa xưa lại không thể có. Có chứ, vì thời nào cơ thể con người trời sinh cũng y như vậy, kích thích tố cũng hoạt động không khác, nên con người có thể đã có những đam mê, những dục vọng y như ngày nay. Nếu một người có khuynh hướng đồng tính thì người ấy sẽ thích đồng tính luyến ái, dù có muốn đàn áp ham muốn hay có muốn đè nén dục vọng ‘không bình thường’ của mình. 
Chị Mỹ Lan cho là căn bịnh này chỉ mới xuất hiện ở thế kỷ XIX, đúng vậy vì thời đó có các văn hào, các nghệ sĩ không ngần ngại tỏ cho mọi người biết niềm yêu thích của mình như George Sand (nhà văn nữ, lưỡng tính, người tình của nhạc sĩ dương cầm Chopin trẻ tuổi hơn bà), như nhà văn Colette sinh năm 1873 cũng thích cận kề với những người đẹp. Còn nhà vua nước Phổ (Đức quốc ngày nay) FRÉDÉRIC II (Frédéric le Grand) sinh năm 1712 là một vị vua tài giỏi nhưng đồng tính luyến ái, cưới vợ nhưng không chịu được sự hiện diện của phụ nữ nên gởi hoàng hậu đi xa và không bao giờ thăm viếng. Xa hơn nữa, Léonard de Vinci sinh năm 1452, không bao giờ thấy có bóng dáng đàn bà bên cạnh nhưng mê đắm 2 người học trò nam của ông, nhất là Salai mà Léonard đã nuôi nấng từ lúc 10 tuổi và dùng làm người mẫu trong vài bức tranh. Salai có nét đẹp thanh tú nhưng là một người dối trá, trộm cắp... nhưng Léonard vẫn chấp nhận vì đã ‘yêu’ Salai. Salai sống bên cạnh nhà danh họa như là người phụ tá trong 30 năm trường. 
Đấy là trường hợp của những người nổi tiếng được biết đến như đồng tính luyến ái. Vậy thì tại sao Lý Thường Ẩn không có thể là một thi sĩ đã yêu một người đồng giống? Ông Cò có lẽ có lý chăng ?
Kính trình những ý nghĩ nông cạn của tại hạ. Chúc quí danh nhân năm mới Kỷ Hợi sức khỏe, an vui. 
Thanh Vân
(Paris)

Phản ứng của Bát Sách
Anh Cò ơi, Bát Sách được cho vào danh sách để bình luận, nên rất "hồ hởi". Hình như đọc LTCD nhiều quá nên sống trong mơ và tưởng tượng hơi nhiều, bắt LTÂ đồng tính luyến ái thì tội cho thần tượng của Bát Sách lắm. Khách đâu chắc gì phải là đàn ông? LTÂ là tay chơi cầu ba cẳng, mê lung tung, theo giai thoại, thì chàng mê hai nàng, bị bắt làm cung nữ, nên mới thất tình, làm ra mấy bài Vô Đề vừa đau khổ, vừa lãng mạn cho hậu thế. Xin anh cứ tiếp tục tưởng tượng để bà con được theo gương.

Góp ý của Lộc Bắc :
Cách đây vài tháng, khi mới nhập băng của Con Cò, LB có ý nghĩ Con Cò mắc bệnh hoang tưởng kiêm ẩn ức dục vọng nhưng không bạo hành được nên trút hết mọi thứ vào thơ văn; Với thời gian thấy nhận xét của mình cũng có phần nào đúng, nhưng đây chỉ là chuyện “lồng đèn” Liêu Trai tân thời nên không có lý do gì để “phản biện”; đồng thời cũng phát hiện ra nhiều chuyện tưởng tượng của Con Cò rất đúng với thực tế bởi vì chính nó là thực tế bị ảo hóa đi, như bài Lương Tứ này cũa Lý Thương Ẩn là một!
Trước đây tôi đã từng đọc qua bài này vài lần, biết hay nhưng không tìm ra hay, lạ ở chỗ nào, nhờ Con Cò gợi ra, dẫn giải nên mới nhận ra những điều hay lạ. Đọc kỹ lại ý của toàn bài mới thấy khách ở nơi thật xa với tác giả (LT Ẩn) qua các cụm từ chân trời, xuân xa, Bắc đẩu, Nam Lăng đi đến một mình, như vậy phải là đàn ông, nhất đinh không thể là đàn bà được; Bạn bè đến thăm nhau lúc chia tay đi về thì chắc chắn sẽ nhớ nhung, nhớ lại những lúc sống cùng nhau, bù khú thơ văn, nhắc lại kỷ niệm xưa cũ, chuyện ấy là bình thường, nhưng ở bài này thì day dứt, đứng dựa chờ mong không biết bạn đã về Nam Lăng chưa mà chậm trễ chẳng có tin tức gì sốt cả; đến những chuyện này thì cũng có thể chấp nhận được vì ngày xưa họ thân thiết nhau lâu ngày với nhiều kỷ niệm; nhưng với câu chót tác giả “hờn”: “Hay người đã có bạn tình mới” thì rõ ra là Lý Thương Ẩn có điều gì bất thường. Chàng bị đồng tính luyến ái!
Tiến xa thêm một chút là ngày xưa cả ngàn năm trước có bệnh đồng tính luyến ái không? Tôi đồng ý với ý kiến của chị Thanh Vân xưa nay gì cũng vậy, không những con người mà hầu hết mọi động vật trong vấn đề tình cảm đực/cái bị chi phối một phần lớn bởi kích thích tố và chỉ một phần nhỏ do môi trường sống, giáo dục… (nói chung là ngoại cảnh tác động). Ngày xưa đọc truyện Tầu thấy miêu tả những chuyện những người cùng phái quan hệ tình dục, kể từ vua chúa đến hạng cùng đinh đều có, kể cả đồng tính nam lẫn đồng tính nữ. Đồng tính được gọi là kê gian. Nhà thơ Khuất Nguyên là người yêu của vua, trong Ly Tao ông tự nhận mình là Mỹ Nhân, từ thường dùng để chỉ người yêu là phụ nữ, và còn nhiều nhiều nữa, anh chị mở link sau sẽ biết được thêm nhiều chuyện:  https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%93ng_t%C3%ADnh_luy%E1%BA%BFn_%C3%A1i_%E1%BB%9F_Trung_Qu%E1%BB%91c
Ngày nay có vẻ như bệnh đồng tính luyến nhiều hơn ngày xưa; thực sự thì tỷ lệ so với dân số không thay đổi : ngày xưa không có phương tiện thống kê, hình phạt nghiêm khắc nên nhóm người này phải cố gắng che đậy; đạo Hồi trọng căn kết án tử hình, đạo thiên chúa nghiêm khắc cấm cản, nhưng Trung quốc và các nước châu á đồng văn thì tương đối cởi mở hơn, chỉ có đạo Khổng cho là không con trai nối dõi là tội bất hiếu, có con trai rồi tha hồ mà kê gian nếu biết kín đáo một chút! Ở Việt Nam, những người đồng tính chỉ bị dòm ngó, dè bỉu bằng những lời nói miệt thị mô tả những điều không hay của mối quan hệ cùng phái :
Đàn ông ngủ với đàn ông
Như gai với góc như chông với chà
Đàn ông ngủ với đàn bà
Như lụa như là, như gấm thêu hoa!
Trước năm 75 tôi biết rất ít người đồng tính, nhưng sau này tôi thấy trong các trại cải tạo và các nhà tù có rất nhiều người đồng tính cả nam lẫn nữ, có lẽ vì hoàn cảnh xã hội, môi trường sinh sống mà nhóm người này thấy không cần che dấu bản năng của mình, xả láng cuộc đời cho mọi người biết chơi!
LT Ẩn bị kết là đồng tính làm nhiều nguời thất vọng hoặc không tin có chuyện bi đát đó, thực tế còn tệ hơn nữa, ông ta luyến ái không những với phái nam, mà còn tằng tịu với nhiều phụ nữ khác kể cả các cung phi và một nữ đạo sĩ nữa. Một loại lưỡng tính luyến ái!
Quay về bài thơ. Nhiều người thấy câu 1 có chữ = ba = sóng và chữ = hạm nên dịch ngay là sóng nơi mạn thuyền. Nghĩa thực của chữ hạm với bộ mộc = hàng hiên, còn chữ ba = sóng là “sóng” trong lòng Lý Thương Ẩn!
Phỏng dịch bài Lương Tứ của Lý Thương Ẩn đúng theo thể ngũ ngôn bát cú và một bài phóng tác theo thể lục bát (dễ diễn tả, dễ hiểu):

Hờn thương…

1- phỏng dịch
Khách rời hiên sóng lặng
Ve bặt sương đầy cành
Thời tiết gây thương nhớ
Đứng chờ, tháng chậm nhanh
Xuân xa Bắc Đẩu khuất
Chậm đến Nam Lăng thành
Mộng đoán nơi xa tắp
Mới thêm được bạn tình!?

2- phóng tác
Khách về sóng lặng ngoài hiên
Ve im, sương lạnh đọng trên cây cành
Tiết trời gợi nhớ đoạn đành
Tựa chờ thời khắc trôi quanh miệt mài
Xuân xa Bắc Đẩu cõi ngoài
Nam Lăng chậm đến nhớ ai trăm chiều
Chân trời bói mộng thương yêu.
Mê say tình mới bỏ liều bạn xưa!?
Lộc Bắc

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire