caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 21 novembre 2021

Trần Văn Lương với Mông Lung Cõi Nhớ đối với Dậy Thì của Huy Văn và tiếng hát về Huế, thơ, nhạc đưa người về cõi thiên thai.

Kính gửi quý anh chị những bài thơ tình mông lung theo đàn anh thi sĩ Trần Văn Lương và Huy Văn.

Có phải ai cũng thích ngắm và ước mơ một người đẹp trong mơ khi hoa chỉ là nụ và khi vào tuổi trưởng thành thì mộng đã thành mơ chân trời mới.

   "Là kỷ niệm hay là ước vọng,

    Giờ chỉ còn ảo mộng tàn phai.

        Vật vờ chẳng biết nhớ ai,

Vẳng trong gió tiếng thở dài xót xa."

thơ Trần Văn Lương

Khi đặt bút làm thành thơ, thì bài đó cũng như mảnh giấy cho vào cái chai thả ra biển và chờ ai đó nhặt được và có cùng tâm niệm như mình hay đợi nghìn năm sau vẫn chờ, vẫn đợi.

" Làm bộ thất tình ngồi thả khói
Cà phê đen, đậm, uống không đường
Cây trồng bằng mắt ( không cần nói! )
Mái tóc sau quầy: thương quá thương!"

thơ Huy Văn

Mời quý anh chị cùng thưởng thức những thổn thức của thi sĩ thích thơ thẩn và nghe một giọng ca mong manh về Huế của Lyly.

Hy vọng trang Blog này mang đến những niềm vui nhỏ đến quý anh chị.

Caroline Thanh Hương

tt 

"Vào Thu" (năm 2021)

 

Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần.

 

Dạo:

  Thấy thiên hạ nhớ ào ào,

Cũng bày đặt nhớ, nhưng nào có ai.

 

Cóc cuối tuần:

 

        Mông Lung Cõi Nhớ

     

    Chiều thoi thóp trên bờ cát lở,

    Người nhìn trời chợt nhớ bâng quơ.

        Con sông dĩ vãng đục lờ,

Đường xưa trắc trở, gót mơ rã rời.

     

    Manh ký ức cuối đời dúm dó,

    Chuyện năm nào quả có thật không,

        Hay toàn tưởng tượng bông lông,

Thấy thiên hạ nhớ, cũng gồng gánh theo.

 

    Nhúm hoài niệm lèo tèo rời rạc,

    Đang nhọc nhằn lác đác hiện ra.

        Trải bao ngày tháng phôi pha,

Bóng người xưa tựa bóng ma chập chờn.

                          x

                      x      x

    Kìa đôi má hồng hơn nắng sớm,

    Hớp hồn trai mới chớm mười hai,

        Ra chơi trót lén nhìn ai,

Để rồi vô lớp cứ hoài vẩn vơ.

     

    Nọ ánh mắt tình cờ gặp phải,

    Ngờ đâu là lưỡi hái tình yêu,

        Vết thương rỉ máu sớm chiều,

Tuổi mười bốn đã lêu bêu trốn trường.

     

    Nhè nhẹ thoảng mùi hương hơi thở

    Từ môi người thiếu nữ mười lăm.

        Vô tình một tiếng hỏi thăm,

Con tim mười sáu trọn năm mơ màng.    

     

    Dáng e ấp dịu dàng khép kín,

    Khiến lòng trai mười chín vấn vương,

        Để rồi cách trở mười phương,

Người đây kẻ đó đoạn trường riêng hay.

     

    Làn tóc xoã vờn bay trong nắng,

    Tình hai mươi trĩu nặng bờ vai.

        Sáng chiều se sắt nhớ ai,

Đêm về chống mắt mệt nhoài ươm mơ.

     

    Bàn tay lướt hững hờ trên phím,

    Khúc tình buồn chết lịm hồn nhau.

        Kiếp này chẳng bén trầu cau,

Đành xin hẹn đến kiếp sau chực chờ.

                          x

                      x      x

    Những hình ảnh lờ mờ vặt vãnh,

    Được mày mò nhặt nhạnh khắp nơi,

        Phải chăng là chuyện vẽ vời,

Thoa son đánh phấn cho thời đã qua?

     

    Là kỷ niệm hay là ước vọng,

    Giờ chỉ còn ảo mộng tàn phai.

        Vật vờ chẳng biết nhớ ai,

Vẳng trong gió tiếng thở dài xót xa.

 

    Cây níu vạt nắng tà quyến luyến,

    Người cau mày xao xuyến ngẩn ngơ.

        Mơ hồ một thoáng trời thơ,

Mông lung cõi nhớ, bơ vơ giấc buồn.

                 Trần Văn Lương

                   Cali, 11/2021 



Nọ ánh mắt tình cờ gặp phải,

    Ngờ đâu là lưỡi hái tình yêu,

        Vết thương rỉ máu sớm chiều,

Tuổi mười bốn đã lêu bêu trốn trường.

     

    Nhè nhẹ thoảng mùi hương hơi thở

    Từ môi người thiếu nữ mười lăm.

        Vô tình một tiếng hỏi thăm,

Con tim mười sáu trọn năm mơ màng.


Đọc mấy câu trên đây của Sư huynh làm đàn em nhớ thời ...mới lớn!
Cũng tại cái tội theo mấy đàn anh Tân Định vào Thu Hương, hoặc cùng với bạn vào tận Đa La ( cạnh sân Cộng Hòa )  những năm 67, 68, 69... để vừa thả khói bên ly cà phê vừa ngắm mấy giò lan rừng ) cho nên đã phải ở lại lớp, rồi sau đó bị tướng Bùi Đình Đạm rượt vào Đồng Đế! Tuy vậy, vẫn nhớ vô cùng cái thuở tập tành làm người lớn đó! Nhân đây, kính gởi đến quý Anh Chị những vần điệu cũ để đọc...cho vui!
HUỲNH VĂN CỦA

"Chớm Nở "



DẬY THÌ
Làm bộ thất tình ngồi thả khói
Cà phê đen, đậm, uống không đường
Cây trồng bằng mắt ( không cần nói! )
Mái tóc sau quầy: thương quá thương!

Tập vở ghi đầy lời kim, cổ
Học hoài không thuộc những danh ngôn
Diễn tới diễn lui màn... đau khổ!
Thuốc đốt liền tay, mắt lạc hồn.

Cứ thế học đòi làm người lớn
Lê la quán xá để …ngồi đồng
Nghe nhạc, ngắm người, rồi… mơ mộng
Sáng, trưa, chiều, tối, cứ lông bông!

Hoa niên dù chỉ ôm mộng ảo
Vẫn rất hồn nhiên lứa dậy thì
Buồn, vui, lãng đãng, tim khờ khạo
Chưa yêu mà đã biết tình si.

Dù sao cũng một trời kỷ niệm
Gom vũ trụ trong giấc mộng đầy
Thời gian hằn nét trên màu tóc
Mỉm cười khi nhớ lúc thơ ngây.
HUY VĂN

5 commentaires:

  1. Cám ơn Th/U.
    Nhà thơ Biệt Động lãng mạn quá xá! 👍👏
    Phe ta ngày xưa ông nào cũng như ông nấy không ít thì nhiều cũng giống nhau, 😜😋
    đều bị phái đẹp hớp hồn cả! 😭😢
    L 🐸

    RépondreSupprimer
  2. Theo ý thô thiển của tôi, làm thơ đúng niêm luật rất khó. Tôi làm không được. Do đó tôi rất nể ai làm được. Tuy nhiên, nếu thơ dù không đúng niêm luật nhưng ý và lời đi với nhau cộng thêm có nhạc tính thì cũng thấy thán phục rồi. Hai bài thơ dưới đây có đủ ý, lời, và nhạc ăn khớp với nhau gây cho độc giả, ít nhất là tôi, một ấn tượng tốt về tác giả trong khả năng văn chương và bản chất nghệ sĩ lãng mạn.

    Tôi trộm nghĩ Nguyên Sa và Bùi Giáng làm thơ cũng phá niêm luật nhưng họ có nhiều bài thơ để đời vì có những ý khác lạ nhưng hiểu được và cách dùng chữ độc đáo cùng theo chất nhạc riêng biệt trong thơ của họ.

    Trong thi thơ Mỹ, cũng có niêm luật rõ ràng nhưng càng ngày ít thi sĩ theo niêm luật. Họ chỉ quan tâm đến ý và lời chỉ có ý nghĩa riêng tư do đối với họ và đối với một thiểu số “phê bình thơ”, và đôi khi lờ luôn nhạc tính. Vì thế, thơ trong văn chương hiện đại Mỹ không còn phổ thông vì ít độc giả thông cảm. Ngay cả thi sĩ Louise Glück đoạt giải Nobel năm 2020 cũng rất ít người đọc vì không cảm được.

    Nói một cách khác, thơ Mỹ hiện đại thiên về phái tự do và chả có niêm luật gì cả. Thỉnh thoảng có thi sĩ như Charles Bukowski và Jimmy Santiago Boca dù viết thơ tự do nhưng ý và lời không xa rời độc giả nên nỗi tiếng và được quần chúng ái mộ.

    Tôi thỉnh thoảng có làm thơ bằng tiếng Mỹ, không theo niêm luật, nhưng luôn có nhạc tính, ý và lời không có tính cách trừu tượng hoặc quá vè trơ trẽn và lố bịch của bọn bất tài về thi phú hoặc không có đủ khả năng diễn tả tư tưởng trôi chảy, lưu loát bằng văn xuôi mà bày đặt làm thơ bằng tiếng Mỹ.

    Wissai

    RépondreSupprimer
  3. Ce commentaire a été supprimé par l'auteur.

    RépondreSupprimer
  4. Huy Văn là ông Biệt Động Quân Huỳnh Văn Của.

    5 đoạn thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt tạo thành 1 bài Thơ Phân Đoạn "DẬY THÌ" của Huy Văn.

    Chữ cuối của các câu 1 đều là vần trắc vì là "thơ trốn vần" nhưng, may mắn là đoạn đầu đúng niêm luật. 4 đoạn sau thì...lộn tùng phèo.



    Hong PHAM'

    RépondreSupprimer
  5. 
    Ah. Xin lỗi ông Wissai, vì đáng lẽ đầu tiên tôi nên nói rằng, nhận xét của ông Wissai về hồn thơ và ý thơ của 2 bài thơ nầy rất hay là đúng, rồi mới nói về cái không đúng trong thơ Huy Văn...

    Chỉ vì thiếu cái đoạn đầu nầy mà làm phiền ông.

    Còn về thơ phá niêm thì nhiều vị bản lãnh họ "có thể" phá niêm - dù có một số người không đồng ý - nhưng phá niêm khác với bất niêm (vì không biết niêm luật...) cũng như những người biết đánh cờ tướng thì có người đánh giỏi, có người đánh dở, khác với người không biết đánh cờ...

    Vài hàng giải thích mong ông đừng phiền lòng.

    Trân trọng

    HP

    RépondreSupprimer