Xem một vài hiện
tượng thú vị trong tiếng Việt.
**********************************************************************
Trong
tiếng Việt, có những từ ngữ hoặc địa danh sử dụng hằng ngày mà nếu có người hỏi
tại sao nói thế và nguồn gốc của những từ ngữ ấy từ đâu thì chúng ta đành bó
tay; chẳng hạn câu hỏi trên trong một bài ca dao:
Nước không chưn sao kêu nước đứng?
Cá không giò sao gọi cá leo?
Ghe không tay sao kêu ghe vạch?
Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?...
1. Hiện
tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ.
Chúng
ta chỉ có thể giải đáp câu trên dựa vào cuốn Ðại Nam quốc âm tự
vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản cách đây trên 110 năm. Trong sách này, tác
giả ghi bánh vú bò và giải thích vì bánh đổ vào chén, trông giống như cái vú con bò. Về
sau rút gọn thành bánh bò. Ðây là hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ.
Các
từ sau đây cũng bị hiện tượng tỉnh lược chi phối: dầu con rái => dầu rái, nấm tai mèo => nấm mèo...
Ở
miền Bắc có một loài cá giống và to bằng cá chép, nhưng có đặc điểm là tươi rất
lâu tên là cá rói. Dù bị bắt ra khỏi nước từ sáng đến trưa cá vẫn còn tươi nên
có thành ngữ tươi như cá rói, về sau tỉnh lược
thành tươi rói.
Một
thành ngữ tương tự: ngay
như cây chò (một loại cây rừng thân rất
thẳng) => ngay chò (ở Nam bộ biến âm thành ngay
chừ).
Cầu
Kiệu ở TP.HCM được Trương Vĩnh Ký
ghi là cầu Xóm Kiệu (tức là xóm chuyên trồng kiệu), như vậy chữ Xóm ban đầu đã bị
giản lược.
2. Hiện
tượng mượn âm.
Một
từ khá phổ biến ở Nam bộ dùng để chỉ người phụ giúp tài xế lái xe đò trong công
việc bán vé, thu tiền, khiêng xách hành lý là lơ xe. Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp contrôleur, nghĩa là “người kiểm soát (vé)”.
Như vậy, từ một âm tiết vô nghĩa - leur, người Việt biến thành một từ có nghĩa.
Ở
miền Bắc, người ta thường dùng từ ngữ săm lốp để chỉ vỏ ruột xe đạp và xe
gắn máy. Lốp thì người miền Nam cũng dùng và những người biết tiếng Pháp đều biết nó bắt
nguồn từ enveloppe, nghĩa là “vỏ xe”. Còn săm ban đầu người miền Nam và nhất là những người không học tiếng Pháp không
hiểu nghĩa. Từ săm bắt nguồn từ ngữ chambre
à air “ruột xe”.
Tại
sao có từ bồ bịch, nghĩa là nhân tình? Nguyên trước
đây có một từ ghép bồ bịch, chỉ hai nông cụ. Bồ là dụng cụ đựng lúa, có
đáy; còn bịch cũng là nông cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn,
không đáy vì lấy nền nhà làm đáy. Do đó, ca dao VN có câu:
Bởi
anh chăm việc canh nông
Cho
nên mới có bồ trong bịch ngoài.
Trong
tiếng Việt trước đây có từ bầu (bạn), có biến âm
là bồ tương tự như đậu xanh - đỗ xanh,
thi đậu - thi đỗ... Vì từ bồ (bạn) đồng âm với từ bồ (cái bồ)
nên từ bồ bịch thứ hai (người yêu) ra đời. Chúng tôi gọi đây là hiện tượngmượn
âm.
Một
số trường hợp tương tự. Trái sầu
riêng có nguồn gốc từ Malaysia là đu-riêng. Ban
đầu (giữa thế kỷ 19) người Việt dùng cả hai từ, sau loại hẳn từ đu-riêng.
Huyện Kế Sách ở tỉnh Sóc Trăng gốc Khmer là Ksach, nghĩa là “cát”.
Vì gần âm với từ kế sách (phương kế, sách lược) nên Kế
Sách đã thay thế Ksach.
Nhà
thơ ngụ ngôn La Fontaine của Pháp đã được các trí thức VN khoác cho chiếc áo của Lữ Bố: Lã Phụng Tiên (họ Lữ cũng đọc Lã, Phụng
Tiên là tự của Lữ Bố).
Ðèo ở
phía bắc thành phố Nha Trang do kỹ sư
người Pháp Rury điều khiển
sửa sang nên Pháp dùng tên người này đặt cho đèo. Người Việt đã gọi là đèo Rù Rì.
3. Hiện
tượng biến âm.
Người
Nam bộ thường bảo trẻ con đi chỗ khác chơi, không được láng cháng trước mặt. Nhưng trong từ
điển của Huỳnh Tịnh Của đã nói ở trên ghi loán choán. Như vậy từ gốc
là choán, yếu tố láy là loán và nghĩa gốc của láng
cháng là “choán chỗ”. Ðây là hiện tượng biến âm.
Ở các
đô thị Nam bộ có loại xe
chuyên chở đồ đạc phục vụ xã hội mang tên ba gác. Nhiều người biết tiếng Pháp cũng
ngỡ ngàng khi biết nguồn gốc Pháp của từ này là bagage, nghĩa là “hành lý”.
4. Hiện
tượng láy nghĩa.
Bỏng trong
từ bé bỏng có nghĩa là “nhỏ”. Trong tập thơ cổ Thiên Nam ngữ
lục có câu thơ sử dụng từ bỏng với nghĩa này:
Trẻ
thơ bỏng dại thiếu người lo toan
Hai
từ bé và bỏng đồng nghĩa hay gần nghĩa kết hợp với nhau. Ðó là hiện tượng láy
nghĩa.
Nhiều
từ trong tiếng Việt bị chi phối bởi hiện tượng này: Việt + Việt: tìm kiếm,
chờ đợi, yêu thương; Việt + Pháp:canh gác
Biết
được nguồn gốc và ý nghĩa của nhiều từ tiếng Việt, ngoài cảm giác thú vị, ta
còn yêu thích tiếng mẹ đẻ hơn.
LÊ TRUNG HOA
.
Tiếng Trung hoa gồm nhiều thứ tiếng địa phương như (Hẹ / Quảng / Tiều ....) mà sau cùng có tiếng quốc ngữ (« quả dị » !) dùng để thống nhất ngôn ngữ.
RépondreSupprimerCòn tiếng Việt nam cũng thế.
Tuy vị thế lãnh thổ bé nhỏ hơn xứ Tàu, nhưng văn hoá vẫn dồi dào sau biết bao thời bị ngoại bang thống trị. Sau cùng, dù không có viện Hàn Lâm chính thức về văn hoá ngôn ngữ Việt nam, nhưng tóm lược thiết tưởng cần biết giữa tiếng hán-việt (chữ Hán đọc theo âm Việt) và tiếng nôm đôi.
Vì thế tiếng nôm đôi khi tách rồi sẽ phi nghĩa !
Thế cho nên một thí dụ điển hình khi muốn giải thích phần ý nghĩa hai chữ « bé-bỏng » (bé quá, còn trẻ quá) và nếu cố ý tách rời riêng biệt chữ « bé » ( nhỏ, mọn, vụn ) với « bỏng » (phỏng, nổ, nở tét ra) sẽ vô nghĩa như muốn xuyên tạc nền văn hoá chính tông Việt nam. - Trân trọng