caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 1 avril 2014

Tự Ấn huyệt chữa bệnh, nhiều bài sưu tầm trên net

Tự Ấn huyệt chữa chứng mất ngủ (7)

(CXH.VN) Một trong những lợi ích và hiệu quả tuyệt vời nhất của khoa ấn huyệt là giúp mang lại cho chúng ta giấc ngủ dễ dàng.
Có những người phải dùng thuốc ngủ hằng đêm trong suốt 40 năm trời, nhưng chỉ sau 1 tuần lễ ấn huyệt đã tìm lại giấc ngủ, và sau 2 tháng ấn huyệt đều đặn, ngoài việc tìm lại giấc ngủ hằng đêm mà còn từ bỏ hẳn các loại thuốc an thần đã dùng trước đây.
Khi tiếp xúc với những người mất ngủ, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều có kèm chứng cổ gáy cứng đờ. Do vậy, khi ấn huyệt nên đặc biệt chú ý vùng cơ bắp cổ gáy, kể cả các bắp thịt ở vai và bụng.
Nếu bạn hoặc đối tượng của bạn khó ngủ thì việc ấn huyệt vào buổi chiều hay trước khi đi ngủ sẽ là một sự giúp đỡ thiết thực. Thời gian cần thiết để đạt đến kết quả mong muốn còn tuỳ thuộc tuổi tác, điều kiện thể chất và sinh hoạt tổng quát của từng người. Tất cả các yếu tố này bổ sung cho nhau nhưng một khi đã tìm lại được giấc ngủ thì bạn có thể ngăn ngừa sự tái phát bằng cách ấn huyệt 2 buổi trong 1 tuần lễ.

Trước khi ấn huyệt , bạn cần tắm với nước nóng cho cơ bắp được thư giãn và tạo điều kiện cho cơ thể vượt qua sự mất ngủ một cách dễ dàng hơn.
I. TỰ ẤN HUYỆT
ĐỂ CHỐNG LẠI SỰ MẤT NGỦ
Trên đầu
Ngồi ở cạnh giường để tự ấn huyệt. Đặt ngón tay trỏ, giữa và áp út của cả 2 bàn tay, đầu các ngón tay chạm trên đầu.
1.
Ấn mạnh. 3 giây. Nghỉ.
2.Ấn lại lần nữa trong 3 giây.
3.Lặp lại thêm 1 lần nữa.
Gáy (Ót)
Ngón trỏ, giữa của 2 bàn tay để sau đầu, trên lỗ khuyết của phần trên của ót, ngay dưới đáy sọ (hình 157).

1.Ấn mạnh (9kg). 3 giây. Nghỉ.
2.Ấn lại. Nghỉ.
3.Ấn lại lần nữa. Nghỉ.
4.Dời 2 bàn tay ra 2 bên, cách điểm thứ nhất độ 2 ngón tay (1 thốn rưởi) (hình 158). Ấn các ngón trỏ, giữa của 2 bàn tay cùng lúc (9kg) ở cả 2 điểm. Nghỉ.
5.Ấn lại 2 lần.
6.Kéo các ngón tay ra xa cách điểm số 2 khoảng 2 ngón tay (1 thốn rưởi), vẫn ở nền sọ. Ấn mạnh (9kg) cùng lúc. Nghỉ.
7.Ấn lại 2 lần.
Cơ cổ gáy
Đặt 3 ngón tay trỏ, giữa, áp út của 2 bàn tay trên 2 cơ bắp lớn chạy từ chỏm sọ đến vai. (hình 159).

1.
Ấn mạnh cùng lúc (9kg) cả 2 bên . 3 giây. Nghỉ.
2.Ấn lại. Nghỉ.
3.Ấn thêm lần nữa. Nghỉ.
4.Hạ thấp dọc theo cơ bắp, các ngón tay đè trên các đường gân cơ bắp. Ấn mạnh (9kg). 3 giây. Nghỉ.
5.Ấn lại 2 lần.
6.Tiếp tục ấn mạnh (9kg). 3 giây. Nghỉ 1 giây giữa 2 lần ấn. Điểm cuối cùng nằm dưới cơ bắp, phía trên bả vai (hình 160).
Vai
Tìm điểm cần ấn với các ngón tay của bàn tay trái ở phần trên của vai phải (hình 161). Điểm này nằm trong khoảng giữa chân ót và bờ vai, (điểm này rất nhạy cảm khi chạm vào).

1.
Ngón trỏ và giữa của bàn tay trái. Ấn mạnh. 3 giây. Nghỉ.
2.Ấn lại. Nghỉ.
3.Ấn lại lần nữa. Nghỉ.
4.Lặp lại tiến trình trên vai trái với các ngón trỏ và giữa của bàn tay phải.
Lưng trên
Bạn dùng tay trái choàng qua phía sau vai phải cho hết mức để tìm được điểm ấn . Bàn tay trái trên vai phải đến càng gần đốt sống càng tốt (hình 162). Dùng các ngón trỏ, giữa và áp út.
1.Ấn mạnh (9kg) với cả 3 ngón cùng lúc trên điểm số 1. 3 giây. Nghỉ.
2.Ấn lại. Nghỉ.
3.Ấn lại lần nữa. Nghỉ.
4.Di chuyển 2 ngón tay về phía vai, 3 ngón tay vẫn nằm trên điểm giữa cột sống và bả vai. Ấn mạnh (9kg) trên điểm số 2. 3 giây. Nghỉ.
5.Lặp lại 2 lần nữa. Nghỉ.
6.Kéo lên khoảng 2 ngón tay nữa. Ấn mạnh (9kg) liên tiếp 3 lần. 3 giây mỗi lần.
7.Kéo lên thêm 2 ngón nữa. Điểm cần ấn nằm ngay trên bả vai. Ấn mạnh 3 lần.
8.Sau đó đưa bàn tay phải của bạn trên vai trái càng thấp càng tốt đến gần cột sống và lập lại tiến trình trên cạnh trái cột sống.
Lưng dưới
Để các ngón trỏ, giữa và áp út trên thắt lưng, các bàn tay ở mỗi cạnh cột sống thắt lưng (hình 163). Ngón giữa của mỗi bàn tay cách đốt sống độ 2 ngón tay.

1.
Ấn vừa (7kg) bằng các ngón trỏ, giữa và áp út của 2 bàn tay cùng lúc. 3 giây. Nghỉ.
2.Ấn lại. Nghỉ.
3.Hạ thấp độ 2 ngón tay và ấn vừa trên phần lưng này. Nghỉ. Ấn lại và nghỉ.
4.Hạ xuống 2 ngón tay lần nữa, ngang tầm mông. Ấn vừa (7kg) cả 2 tay cùng lúc. Nghỉ và ấn lại như trên.
Lòng bàn chân
Đặt bàn chân phải trên đầu gối trái (hình 164). Trên lòng bàn chân có 4 điểm để bấm (hình 165). 3 điểm đầunằm trên đường chia đôi bàn chân giữa gót với ngón chân giữa. Điểm 4 nằm trên vòm gan bàn chân, gần cạnh góc gót chân (2,3,4).
Rồi đặt bàn chân trái trên đầu gối phải của bạn và lập lại tất cả tiến trình trên đây mà bạn sẽ làm lại 3 lần.
Bụng
Mặc dầu tất cả tiến trình tiếp theo đây đòi hỏi phải ngồi khi thực hiện nhưng bạn cũng có thể làm ở thế nằm (hình 166).

Các điểm ở bụng chạy dọc theo 5 đường đứng từ trên xuống dưới bụng, nối giữa bờ dưới của lồng ngực và nếp bẹn. Đường 1 chạy dọc xuống giữa bụng. Sau đó ở mỗi cạnh của đường 1 có 2 đường khác (hình 167). Cuối cùng 2 đườngchót nằm cạnh ngoài nữa. Bắt đầu bằng các điểm ở đường giữa trước khi qua đường 4 tiếp theo (hình 168).
1.Ấn ngón trỏ, giữa và áp út của2 bàn tay dưới xương ức, giữa lồng ngực. Ấn vừa (7kg). 3 giây. Nghỉ.
2.Hạ thấp độ 2 ngón tay và ấn lại. Nghỉ.
3.Tiếp tục hạ thấp trên cùng một đường với các điểm cách khoảng đều nhau 2 ngón tay và ấn vừa trên mỗi điểm cho đến xương mu.
4.Cách đường giữa độ 4 ngón tay, đặt 2 bàn tay dưới cạnh sườn thấp nhất, dùng 3 ngón (trỏ, giữa, áp út) ấn vừa. 3 giây. Nghỉ.
5.Hạ dọc theo đường số 2 này, mỗi lần cách khoảng 2 ngón tay. Ấn vừa trên từng điểm (7kg) cho đến nếp bẹn.
6.Cách 4 ngón tay với đường số 2 mà bạn vừa ấn, đặt 3 ngón tay của mỗi bàn tay. Ấn vừa (7kg). 3 giây.
7.Ấn bên trái cách đường giữa 4 ngón tay trên đường số 4. Để cách khoảng 2 ngón tay giữa các lần ấn giống như tiến trình trước đây.
8.Cách xa hơn 4 ngón tay về phía trái, lập lại tiến trình trên đường số 5.
9.Cuối cùng đặt lòng các bàn tay trên bụng của bạn. Với 2 lòng bàn tay xoa nhẹ và đè mạnh trên những vùng mà bạn cảm thấy cứng nhất đến khi chúng mềm mại trở lại.

MẶT TRƯỚC và BÊN CỦA vùng cổ
Sử dụng các ngón trỏ, giữa của cả 2 bàn tay cho các điểm trên cổ (hình 169). Các điểm trên hình vẽ chỉ có tính cách hướng dẫn tổng quát. Điểm quan trọng là ấn tất cả vùng (hình 170). Ấn 2 tay cùng một lúc.

Màng tang (thái dương)
Có 2 điểm ở mỗi bên đầu (hình 171). Ấn cùng lúc ở 2 bên với ngón giữa đè trên đầu ngón trỏ.

1.
Để các ngón tay trên 2 điểm nằm trên màng tang. Ấn vừa (7kg). 3 giây. Nghỉ.
2.Để 2 bàn tay trên điểm số 2, cách điểm số 1 độ1 ngón tay về phía cao hơn và 2 ngón về phía sau hơn. Ấn lại.
Lòng bàn tay
Bốn điểm nằm trên lòng bàn tay. Ba điểm đầu nằm trên một đường đi từ giữa cườm tay đến chân ngón giữa. Điểm thứ 4 nằm trên điểm giữa mô các ngón cái (hình 172).
1.Đặt ngón tay cái trái giữa cườm bàn tay phải. Các ngón còn lại ôm mu bàn tay. Ấn mạnh (9kg). 3 giây. Nghỉ.
2.Di chuyển ngón cái của bạn vào giữa lòng bàn tay phải và ấn mạnh lại. 3 giây. Nghỉ.
3.Ngón cái trái trên phần mềm trước ngón giữa. Ấn mạnh. Nghỉ.
4.Ấn trên điểm giữa mô ngón tay cái. Ấn mạnh (9kg).
5.Trở lại điểm ban đầu và thực hiện tất cả tiến trình trên lòng bàn tay phải.
6.Thực hiện lại toàn bộ tiến trình như thế trên bàn tay trái, 2 lần liên tiếp.
Mắt
Các điểm bao quanh mắt nằm trên mặt sau của các bờ trên và dưới của ổ mắt. Dùng ngón trỏ, giữa và áp út của bàn tay trái áp vào mắt trái và các ngón tay của bàn tay phải cho mắt phải (hình 173). Nếu mang kính sát tròng thì phải tháo ra.

1.Xoè các ngón tay ra và đặt mặt sau của bờ trên của ổ mắt. Ngón áp út của một bàn tay đặt gần mũi. Ấn bằng các đầu ngón tay trên xương của ổ mắt. Ấn nhẹ (4kg5). 3 giây. Nghỉ.
2.Các ngón tay hạ xuống dưới một chút, ấn nhẹ (800 – 1200g) bằng đầu các ngón tay trên mí mắt nhắm. 3 giây (hình 174). Nghỉ.
3.Hơi congón tay và đè trên mặt sau của bờ dưới ổ mắt dưới. Ấn nhẹ (4kg5). 3 giây.
4.Thực hiện lại tất cả tiến trình.
BÀI TẬP KẾT THÚC
Nằm ngửa, duỗi mạnh tay, chân và các ngón chân (hình 175). Hít vô nhè nhẹ bằng mũi. Để các cơ bắp thư giãn từ từ, thở ra bằng miệng. Lập lại 6 lần phần tập này.

Dư Quang Châu (Bộ môn Năng lượng Cảm xạ)

Xoa bóp bấm huyệt chữa mất ngủ


Tất cả những người bị mất ngủ cơ năng đều có một triệu chứng là cơ ở vùng cổ bị căng cứng, nên khi xoa bóp cần chú ý tới các cơ này. Ngoài ra còn tác động tới các cơ ở vai và bụng. Nên tiến hành xoa bóp vào buổi tối, khi sắp đi ngủ, bạn sẽ thấy có hiệu quả ngay. Tiếp tục xoa bóp vào ban đêm chừng nào chứng mất ngủ chưa bị loại trừ hẳn. Thời gian cần thiết để đạt đến hiệu quả phụ thuộc vào tuổi, vào điều kiện thể chất và vào việc mất ngủ đã lâu chưa, vào cách sống của bạn. Tất cả các yếu tố đó đều có tác động, nhưng một khi đã điều trị thắng lợi rồi để dự phòng tái phát, bạn nên tiến hành xoa bóp bấm huyệt một tuần 2 lần. Nếu trước khi làm, bạn có điều kiện tắm nước nóng cho cơ thể thư giãn thì hiệu lực chống mất ngủ của xoa bóp bấm huyệt còn mạnh hơn.
Cách tự xoa bóp bấm huyệt chống mất ngủ
Phần đỉnh đầu: Khi tự làm cho mình, bạn nên ngồi ở cạnh giường, đặt ngón trỏ, ngón giữa và ngón nhẫn của hai tay lên đỉnh đầu. Ấn mạnh làm 3 lần mỗi lần trong 3 giây.
Nền sọ: Ngón trỏ, ngón giữa và ngón nhẫn của hai tay đưa ra phía sau đầu, vào chỗ hơi lõm ở phía trên gáy, ngang dưới nền sọ. Ấn mạnh (lực 9kg), làm 3 lần liền. Dịch chuyển cách điểm cũ độ hai khoát ngón tay, sang hai bên phải và trái. Dùng ngón trỏ, ngón giữa và ngón nhẫn của hai tay ấn mạnh đồng thời cả hai bên.
Ấn tiếp hai lần nữa tại huyệt trên. Tiếp tục dịch chuyển hai tay cách huyệt cũ độ hai khoát ngón tay, ra phía ngoài, vẫn ở đường của nền sọ. ấn mạnh bằng cả 3 ngón (lực 9kg), ở cả hai bên phải và trái đồng thời. Ngừng. Tiếp tục bấm hai lần nữa ở huyệt nói trên, cường độ mạnh.
Cơ cổ: Đặt 3 ngón tay (trỏ, giữa, nhẫn) của tay trái lên phía trên gáy ở bên trái và 3 ngón tay ở bên phải, điểm tương đương. Ấn mạnh cả 3 huyệt trong 3 giây (9kg) làm 3 lần. Dịch chuyển xuống dưới hai khoát ngón tay dọc theo cơ. ấn mạnh (9kg) trong 3 giây, ấn 3 lần như vậy. Tiếp tục dịch chuyển xuống huyệt dưới theo cơ cổ, cách huyệt trên hai khoát ngón tay ấn mạnh (9kg) trong 3 giây. Ấn mỗi huyệt 3 lần. Những huyệt cuối cùng nằm ở cuối cơ, trên xương bả vai, ấn mạnh 3 lần.
Vai: Dùng ngón tay trái để tìm huyệt trên vai phải. Huyệt nằm ở giữa đường chiếu từ gáy ra bờ ngoài của vai, hơi dịch về phía sau của cơ vai. Khi nào bạn thấy huyệt nhạy cảm nhất đấy chính là huyệt cần tìm.
Dùng ngón trỏ và ngón giữa tay trái ấn mạnh trong 3 giây, ngừng. Làm 3 lần liền. Tiếp tục làm như vậy với vai trái. Dùng ngón trỏ và ngón giữa tay phải để bấm huyệt cho vai trái.
Phần trên lưng: Phần này đòi hỏi cánh tay đưa mạnh về phía sau. Có thể lần đầu bạn chưa đạt được, nhưng bạn đừng ngại. Khi tiến hành nhiều lần bạn sẽ thấy động tác tiến hành được dễ dàng.
Tay trái đưa ra sau vai phải, càng xuống dưới sâu càng tốt. Hãy dùng ngón trỏ, giữa và nhẫn để bấm. Ấn mạnh (9kg) trong 3 giây bằng cả 3 ngón tay đồng thời, làm 3 lần. Dịch chuyển lên trên khoảng hai khoát ngón tay. 3 ngón tay ở giữa khoảng sống lưng và bả vai. Ấn mạnh (9kg) trong 3 giây, làm 3 lần. Tiếp tục dịch chuyển lên trên khoảng hai khoát ngón tay ấn mạnh (9kg) trong 3 giây, ấn 3 lần như vậy trên huyệt đó. Tiếp tục dịch chuyển lên hai khoát ngón tay, ấn mạnh 3 lần, mỗi lần 3 giây. Tay phải đưa lên vai trái, càng xuống sâu càng tốt và tiếp tục bấm vào các huyệt như đã làm ở bên vai phải.
Phần dưới của lưng: Đưa 3 ngón tay xuống vùng thắt lưng, tay trái ở bên trái và tay phải ở bên phải. Ngón giữa ở cách đường giữa sống lưng khoảng hai khoát ngón tay. Ấn mức vừa phải (7kg) bằng cả 3 ngón và đồng thời cả hai bên trong 3 giây, làm 2 lần. Dịch chuyển ngón tay xuống thấp độ hai khoát ngón tay, ấn mức độ vừa làm hai lần. Dịch chuyển xuống hai khoát ngón tay nữa. Điểm này ở gần mông, ấn mức độ vừa bằng cả hai trong 3 giây đồng thời cả hai bên, làm hai lần.
Lòng bàn chân: Đặt mắt cá chân phải lên đầu gối trái, bấm các huyệt như hình vẽ. Bàn tay nắm lấy bàn chân, hai ngón cái kề ngau ở trước gót, ấn mạnh (9kg) trong 3 giây, ngừng. Đưa ngón cái đến điểm giữa nơi hẹp nhất của lòng bàn chân, ấn mạnh, ngừng. Đến huyệt thứ ba và bốn làm như trên, sau đó trở về huyệt thứ nhất lần lượt bấm hai lần nữa, tất cả 4 huyệt. Đặt bàn chân trái lên đầu gối phải và làm tương tự như chân phải, bấm 3 lần 4 huyệt.
Bụng: Những động tác trên bạn có thể làm ở tư thế nằm, nhưng đến bấm huyệt bụng bạn nên nằm. Chia bụng bắt đầu từ dưới lồng ngực đến bẹn làm 5 đường, từ đường giữa bụng hai bên hai đường. Ngón trỏ, nhẫn, giữa của 2 tay chụm vào nhau ở dưới xương ức, ấn vừa phải (7kg) trong 3 giây, ngừng. Dịch chuyển xuống dưới điểm nọ cách điểm kia độ hai khoát ngón tay, ấn vừa phải. Tiếp tục chuyển sang hai đường bên cạnh, làm như vậy cho đến hết đường cuối cùng. Để kết thúc, đặt lòng bàn tay vào bụng, ấn nhẹ nhàng lên bụng, nếu điểm nào thấy căng tức thì ấn vào nhiều hơn cho đến khi thấy mềm mại bình thường.
Phần trước và phần bên của cổ: dùng 3 ngón trỏ, giữa và nhẫn để ấn các huyệt vùng cổ, bằng cả hai tay đồng thời. Đặt cả 3 ngón trỏ, giữa và nhẫn của tay phải vào dưới hàm, ở bên phải của phía trên khí quản và những ngón tay trái đặt vào điểm tương tự ở bên trái. Ấn nhẹ trong hai giây, ấn vào cơ không ấn vào khí quản, ngừng. Dịch chuyển hai tay xuống phía dưới và tiếp tục ấn nhẹ cho đến huyệt cuối cùng ở nền cổ. Trở lại điểm xuất phát ở dưới hàm, nhưng hơi dịch ra phía ngoài. Ấn nhẹ hai bên đồng thời và dịch chuyển dần xuống phía dưới. Vừa ấn nhẹ và đi từ phía trên đến phía nền cổ, xa đường trước một chút về phía ngoài, cho đến khi bạn đã ấn xong các huyệt ở phía trước và phía bên của cổ.
Thái dương: Mỗi bên thái dương có hai huyệt để bấm. Dùng ngón trỏ và ngón giữa để ấn, đồng thời cả hai bên. Đặt ngón tay vào điểm ở hõm thái dương. Vị trí này cách đuôi mắt khoảng 2 khoát ngón tay và hơi cao hơn đuôi mắt. Ấn huyệt ở mức độ vừa phải (7kg) trong 3 giây, ngừng. Đưa tay dịch lên trên độ một khoát ngón tay và về phía sau độ hai khoát ngón tay, ấn mức độ vừa trong 3 giây.
Lòng bàn tay: Ở lòng bàn tay có 4 huyệt, 3 huyệt nằm trên đường trục từ giữa cổ tay đến ngón giữa, huyệt thứ 4 nằm giữa mô cái. Đặt ngón cái tay trái vào huyệt đầu tiên ở phần mềm gần sát cổ tay. Các ngón khác nắm lấy mu tay, ấn mạnh (9kg) trong 3 giây, ngừng. Cứ thế lần lượt ấn từng huyệt một theo trình tự và lực như trên sau đó trở lại bắt đầu từ đầu và làm 3 lần.
Mắt: Những huyệt bao quanh mắt đều nằm trên bờ trong của hố mắt, dùng ngón trỏ giữa và nhẫn tay trái cho mắt trái và 3 ngón như vậy của tay phải cho mắt phải. Những ngón tay hơi xòe ra đặt vào cạnh của bờ trong phía trên của hốc mắt. Ngón nhẫn càng gần phía mũi càng tốt. Ấn bằng đầu ngón tay lên xương của hố mắt, ấn nhẹ (4,5kg) trong 3 giây, ngừng. Mắt nhắm, ngón tay dịch xuống, ấn rất nhẹ (0,8-1,2kg) trong 3 giây, ngừng. Hơi cong ngón tay và ấn vào bờ trong của xương hố mắt phía dưới, ấn nhẹ (4,5kg) trong 3 giây. Sau đó làm lần thứ hai.
Những động tác kết thúc: Hãy nằm ngửa, dang tay lên phía đầu, chân và ngón chân duỗi ra, hít vào sâu qua đường mũi. Hãy để cho các cơ thư giãn từ từ, thở ra bằng miệng, làm 6 lần như vậy.
Theo (nguồn: SKDS)

Xoa bóp, bấm huyệt chữa mất ngủ, cải thiện tuần hoàn ...

Sử dụng đúng kỹ thuật, đúng chỉ định, xoa bóp bấm huyệt không chỉ giúp bạn khỏe khoắn, phòng bệnh tốt mà còn có tác dụng điều trị một số bệnh.
Khỏi bệnh nhờ xoa bóp bấm huyệt

Nhiều năm nay, mỗi khi “trái gió trở trời” chị Hương Giang (37 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội) lại thấy các khớp xương tê buồn như có kiến bò ở các khớp gối, cổ tay. Lâu dần sinh ra đau nhức rất khó chịu, có lúc chỉ vận động nhẹ các khớp xương đã phát ra tiếng kêu. 

Đặc biệt vào mùa đông, những cơn đau hành hạ chị thường xuyên hơn. Chị đã thử cả thuốc nam, thuốc tây đủ loại nhưng bệnh không có gì biến chuyển, thậm chí các khớp còn đau hơn. 

Tình cờ giới thiệu một danh y có chuyên môn trong lĩnh vực châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, chị Hương Giang quyết định theo để điều trị. Không ngờ trong thời gian ngắn, những cơn đau xương, nhức khớp cũng giảm hẳn.

Trị nhiều bệnh bằng xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp bấm huyệt không chỉ điều trị hiệu quả các bệnh cơ xương khớp mà còn có tác dụng với nhiều căn bệnh khác như đau cổ - vai - gáy, mất ngủ, đau nửa đầu, tê chân, táo bón...

Đối với bệnh đau nhức xương khớp, xoa bóp, bấm huyệt kết hợp với châm cứu là những kích thích vật lý tác động tại chỗ vào da, cơ, thần kinh, mạch máu có tác dụng tại chỗ là giảm đau, giãn cơ và lưu thông khí huyết.

Xoa bóp làm tăng tuần hoàn tại chỗ nên có tác dụng tăng cường dinh dưỡng, giảm đau, hạn chế quá trình thoái hóa của xương khớp. 

Đối với bệnh mất ngủ, y học cổ truyền định nghĩa, xoa bóp là những thủ thuật xoa nắn các mô của cơ thể một cách khoa học và hệ thống, tác động lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tuần hoàn tổng thể giúp giảm triệu chứng cứng cơ ở vùng cổ, cơ ở vai và bụng nên sẽ giúp bạn thoải mái hơn, thư giãn các cơ bắp nên dễ ngủ hơn.

Việc xoa bóp, bấm huyệt giúp thư giãn các cơ còn có tác dụng giảm tê cứng chân, tay, kích thích nhu động ruột đúng cách có tác dụng cải thiện tuần hoàn, tăng nhu động ruột nên hạn chế được tình trạng táo bón.

Tuy nhiên, xoa bóp tại đâu và bấm huyệt nào lại cần phải được thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ chứ không thể theo yêu cầu của bệnh nhân. Sau một lần xoa bóp, nếu hôm sau bệnh nhân thấy mệt mỏi nghĩa là phương pháp đó không hợp, cần điều chỉnh lại.

Xoa bóp, bấm huyệt phòng bệnh hiệu quả

Ứng dụng phương pháp xoa bóp bấm huyệt không chỉ điều trị hiệu quả nhiều bệnh mà còn có tác dụng phòng bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Toàn, Bệnh viện châm cứu Trung ương thì xoa bóp bấm huyệt là dùng bàn tay, ngón tay tác động trực tiếp vào da thịt, thần kinh, mạch máu, các cơ quan cảm thụ làm thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết.

Đối với mạch máu, việc xoa bóp làm giãn mạch máu, tăng tuần hoàn tại chỗ góp phần chống viêm, giảm phù nề, tăng cường trao đổi chất.

Đối với cơ xương khớp, xoa bóp làm giãn cơ, đặc biệt là những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó. Trong các bệnh khớp, gân, dây chằng bao giờ cũng có hiện tượng co cứng các nhóm cơ xung quanh khớp, từ đó gây đau, hạn chế vận động. Xoa bóp thường xuyên làm tăng tính linh hoạt của khớp và làm giảm khả năng bị chấn thương, cải thiện tư thế.

Ngoài ra, xoa bóp còn kích thích làm tăng miễn dịch và cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Xoa bóp tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các đáp ứng phản xạ thần kinh làm thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau, giãn cơ, điều hòa chức năng nội tạng, tăng cường nhu động của dạ dày, ruột, cải thiện chức năng tiêu hoá, tăng dinh dưỡng của da làm da bóng đẹp, có tác dụng tốt đối với chức năng bảo vệ của da.

Chính nhờ những tác dụng này của xoa bóp, bấm huyệt mà phương pháp chữa bệnh này cũng có tác dụng phòng bệnh. Tuy nhiên, nếu xoa bóp, bấm huyệt không đúng cách và không phù hợp với thể trạng từng người thì có thể còn gây bầm tím, thậm chí ê ẩm hơn hoặc nếu làm những động tác mạnh tác động vào phần xương, khớp thì có thể gây ra nhiều tác hại xấu, thậm chí liệt cột sống.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire