Kính thưa qúy độc giả,
Một „modern“ mà các tác giả bây giờ hay thực hiện, là khắc cho mình một con dấu bằng tiếng Hán, rồi đóng lên trang trong sau khi ghi những lời thân tặng bằng mực đo đỏ, người không biết tiếng Hán thì „trầm trồ“ khen „triện“ của tác giả, còn người am tường chữ Nho thì sao?
TCDV may mắn được một nhà giáo thông thạo Hán Tự cộng tác từ trên 24 năm nay, đó là GS Minh Di, hiện sinh sống tại Châu Úc.
Hôm nay Anh Minh Di gởi đến Qúy vị một bài viết về việc xử dụng „triện son“, một mốt thời thượng mà chúng ta thường thấy các tác giả „đóng“ trên tác phẩm.
Bài viết khá dài, chúng tôi chia ra làm nhiều kỳ, như thường lệ, vị nào cần trọn bài, chúng tôi sẽ gởi đến hầu qúy vị.
Trân trọng,
Germany, 18.08.2011
Chủ Nhiệm TCDV,
Điều Hợp Viên Diễn Đàn Ngôn Ngữ Việt.
LÝ TRUNG TÍN
(Cho đăng lại lần thứ hai, ngày 05.6.2014)
------------------------------ ------------------------------ ------------------------------ -----------------
(chúng tôi vừa post kỳ 1, đã có nhiều độc giả yêu cầu Tòa Soạn gởi trọn bài, sau đây là thư của một trong các vị độc giả yêu thích VĂN HỌC - HỌC THUẬT…)
Kính Ông,
Đọc được một phần bài viết về "Triện Son" tôi
thích quá. Xin Ông cảm phiền gởi cho tôi xin toàn bài .
Chân-thành cảm ơn và kính chúc Ông nhiều thành-công tốt đẹp hơn nữa trong công việc phục-vụ văn-hoá nghệ-thuật.
Trân trọng,Tran Thế Khiem
Đọc được một phần bài viết về "Triện Son" tôi
thích quá. Xin Ông cảm phiền gởi cho tôi xin toàn bài .
Chân-thành cảm ơn và kính chúc Ông nhiều thành-công tốt đẹp hơn nữa trong công việc phục-vụ văn-hoá nghệ-thuật.
Trân trọng,Tran Thế Khiem
------------------------------ ------------------------------ -------------
Kính anh Lý Trung Tín,
Bài viết của tác giả Minh Di về con dấu, là biên khảo có giá trị. Trường hợp có thể, xin anh vui lòng cho tôi xin trọn bài để tôi có cơ hội học thêm và làm tài liệu tham khảo.
Xin anh chuyển lời tôi đến tác giả Minh Di với lòng cảm phục những bài biên khảo của ông ấy mà tôi có dịp đọc qua. Và xin gởi đến tác giả lời cám ơn chân thành nhất của tôi.
Tôi chân thành cám ơn anh đã chuyển bài.
Kính chúc sức khỏe anh cùng gia đình
Trọng kính
Thái Quốc Mưu
Atlanta, Georgia, USA.
------------------------------ -----------
Kính anh Lý Trung Tín,
Tôi xin gởi đến anh bài viết nhan định về em tôi, Kha Tiệm Ly. Xin anh tùy nghi!
Chú nầy trước 4/75 dạy Hán Việt ở một số trường Trung Học Sàigòn, Mỹ Tho, thế mà sau khi được tôi chuyển những bài viết của tác giả Minh Di, đọc, chú ấy rất thán phục.
Bài viết nầy tôi copy từ những trang trong nước. Trường hợp có thể, anh vào Google, gõ vào khung search: KHA TIỆM LY – HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC NỔI BẬT THỜI NAY, sẽ đọc được những trang đã đăng bài.
Trường hợp, anh có thể sử dụng những bài viết của chú ấy, xin anh cho tôi biết, tôi rất vui khi chuyển đến anh.
Kính chúc sức khỏe anh/gia đình
Thái Quốc Mưu
TB. Trường hợp có thể, xin anh, khi có thời gian, xin kể cho được biết về sinh hoạt chung ở Đức, đặc biệt về công đồng Việt, về sinh hoạt văn học, báo chí,… nha anh!
------------------------------ --------------------
Thư Tâm Điêu Long.
01 - 57 (61).
Có gì để mà nói.
Có lần ghé chơi nhà người quen, trong câu chuyện lan man...... từ trời xuống đất, từ đất lên trời, chẳng ra đầu cua tai nheo gì hết, người quen đưa tôi coi 1 lá thư của 1 tay Bác sĩ nọ ở Brisbane gởi trước đó vài ba ngày. Nội dung lá thư chẳng có gì đáng nói, đáng nói là ở cuối thư, kèm theo chữ ký, là 1 dấu triện đỏ chói khắc tên người gởi bằng Hán tự theo thể Chân thư.
Tôi cười, nói với người quen:
- Tay này có biết chữ Hán đâu mà bày đặt khắc con dấu kiểu này!
Người quen cười:
- Thế là ông không biết gì cả, bây giờ là cái mốt đấy ông ạ, ông nào bà nào cũng có 1 con cả!
Quả thế thực, nhìn quanh, ông nào, bà nào rồi cũng làm 1 con dấu đỏ chói, cứ chực dịp là lôi ra đóng lia và đóng lịa.
Dĩ nhiên, không chỉ những người biết chữ Hán mới được làm Dấu Triện chữ Hán, bất cứ ai cũng làm được. Có điều là trước khi tới chỗ làm con dấu mà phải đi kiếm từ điển Hán -Việt tra cho tỏ tên mình - mà đã chắc gì chữ mình tra đó rồi đích xác là chữ cha mẹ đặt cho vì rằng Hán tự có khá nhiều trường hợp 'đồng âm dị tứ’, hoặc nếu không thì cũng đi kiếm 1 người Việt Hoa nào đó để hỏi. Như vậy thì tội nghiệp quá!
Không như con dấu khắc chữ Việt, dấu triện của Trung Quốc không thuần là con dấu, mà còn là một nghệ thuật - mà nghệ thuật thì không phải bất cứ người nào cũng có thể thưởng thức, như... giản dị đi đặt làm một Dấu Triện như tay bác sĩ hợm hĩnh học đòi văn nhã kể trên đây, cũng như nhiều kẻ khác nữa, đã làm!
Nghề chơi cũng lắm công phu, huống chi đây lại là 'nghề học'! Và như trưởng giả học làm Sang có khi lại dễ, còn tự hồi nào tới giờ chưa từng vào vòng 'Chi, Hồ, Giả, Da’ bỗng đâu... nhảy vào mà mong người trong vòng nhìn mình như một kẻ đã từng ở chốn này thì có khác chi là đang mơ 1 giấc mơ của Nam Hoa Chân Nhân:
Hơn nữa, mỗi Nghệ thuật có một số đòi hỏi riêng của nó, nghệ thuật Triện Khắc đòi hỏi phải có một trình độ hiểu biết nhất định nào đó về Văn tự học Trung Quốc, nhất là văn tự Cổ, thứ văn tự thường được khắc trên dấu Ấn, 1 Chuyện mà không phải bất cứ ai, bất cứ người nào cũng có thể bỗng đâu học được trong 1 sớm 1 chiều.
Ở đất 'Vu xứ’ này bỗng đâu nảy ra những kẻ vốn liếng vốn chẳng có bao nhiêu, đi lượm đầu này 1 mớ, đi lặt đầu kia 1 mớ, để rồi ba hoa, khoác lác giảng giải chữ Hán loạn cào cào! Chẳng qua cũng vì háo danh, háo danh có ngày rồi bị người vạch mặt, cuối cùng chữ Danh đâu chẳng thấy chỉ thấy 1 chữ Nhục.
Và rồi:
Khải tự chẳng biết Khải,
Tần triện chẳng biết Tần.
Hành Thảo, cũng mù tịt,
Ấn chương mỗi khoe đần.
Kém Văn vẻ mà lại ưa ra vẻ Văn! Thói thường là thế!
Nhân đó mà tôi nói chuyện Ấn chương, Triện khắc.
(KỲ 7)
Trong “Họa Thiền Thất Tùy Bút” Đổng Kỳ Xương còn gọi tờ Thiếp “Lan Đình Tự” qua 2 tên nữa là “Hệ Thiếp”, “Hệ Tự”, căn cứ việc Vương Hi Chi hội họp bà con, bạn bè, và gia đình Lan Đình để làm lễ “Phất Hệ”.
Trong tập Tùy bút trên Đổng Kỳ Xương đã đề cập tờ Thiếp “Lan Đình” tất cả 15 lần:
~ Mục “Bình Thư pháp” 02 lần.
~ Mục “Bạt Tự Thư” 08 lần.
~ Mục “Bình Cổ Thiếp” 05 lần.
(Tham khảo:
Họa Thiền Thất Tùy Bút. Qu. I. Luận Thư pháp).
Về địa danh Lan Đình, Tiền Vịnh (1759 - 1844) viết:
~ Lan Đình tại Sơn Âm huyện Tây nam nhị thập thất lý. Kỳ địa tương truyền vị Việt vương Câu Tiễn chủng Lan xứ, nhân danh. Tấn Vương Hữu Quân “Khúc thủy Thi tự” tức vu thử tác dã. Do Lâu Công độ xả chu nhi đồ, ước hành ngũ, lục lý tức Thiên Chương tự, Đình tại tự Đông.
/ Lý Viên Tùng Thoại. Qu. XVIII. Cổ tích. Lan Đình /.
~ Lan Đình nằm về phía Tây nam huyện Sơn Âm 27 dặm. Đất này tương truyền là chỗ Việt vương Câu Tiễn trồng Lan, nhân đó mà có tên gọi này. Bài “Khúc thủy Thi tự” của Vương Hữu Quân thời Tấn chính là viết tại đây. Từ bến đò Lâu Công xuống thuyền đi bộ lối 5, 6 dặm tức tới chùa Thiên Chương. Đình ở phía Đông chùa.
Lan Đình, còn được gọi là Lan Chử, hoặc Lan Thượng Lý, là một cái Đình hiện nay ở cách huyện Thiệu Hưng 27 dặm (15.552 cây số) về phía Tây nam tỉnh Chiết Giang.
Khúc thủy Thi Tự Tiền Vịnh đề cập ở đây tức chỉ bài “Lan Đình Tập Tự”.
Khúc thủy có nghĩa là “khúc quanh của sông”.
Thời cổ khi hành lễ Phất Hệ người ta tụ tập tại 1 khúc quanh của giòng sông, đứng dàn thành 2 hàng, tay cầm một nhành Lan nhằm trừ điều bất tường, mỗi người thả ly rượu xuống nước cho trôi đi, ly tấp vào chỗ nào thì vớt lên uống - đây là điều Vương Hi Chi viết trong Bài “Lan Đình Tập Tự”:
~ Hựu hữu thanh lưu kích thoan ánh đới tả hữu, dẫn dĩ vi lưu thương khúc thủy.
~ Lại có giòng nước trong chảy xiết 2 bên, lấy đây làm khúc quanh thả rượu.
Ngày này, người ta lại xuống sông tắm để xả hết bụi bặm, dơ bẩn trên người, ý cũng là xả hết mọi điều bất tường ám trên người.
Phất nghĩa là tế lễ để giải điều xấu, ác; Hệ nghĩa là thanh khiết, sạch sẽ.
Tục này khởi đầu từ nước Trịnh (806 - 376 tr. Cn), thời Xuân Thu (770 - 403 tr. Cn), và được nhắc trong “Thi Kinh” qua bài thơ “Trăn Vĩ”, tên 2 con sông của nước Trịnh.
Lãnh thổ nước Trịnh vào buổi đầu ở phía Tây bắc Hoa huyện tỉnh Thiểm Tây, sau vì để tránh họa rợ Tây Nhung thường xâm nhiễu do đó mà vào năm 770 trước Công nguyên Chu Bình vương (? - 720 tr. Cn; tại vị: 770 - 720), dời Đô qua Lạc Ấp, nằm ở phía đông Kinh Đô cũ là Cảo Kinh, thì nước Trịnh cũng dời theo, tới một vùng trong khoảng phía Tây sông Tế, ở phía Đông sông Lạc, ở mạn Nam Hoàng Hà, ở phía Bắc sông Dĩnh, và định Đô ở Tân Trịnh, tức huyện Tân Trịnh tỉnh Hà Nam ngày nay.
Chữ Tỵ ở đây tức 1 trong 12 Địa Chi Tý, Sửu, Dần, Mão….
Theo học giả Tống Tường Phụng (1779 - 1860) đời Thanh (1644 -1911), thời cổ 2 chữ Tỵ và Dĩ đồng tự và đồng âm, nghĩa là viết đồng một chữ, đọc cùng một âm:
Chữ “DĨ” nghĩa là qua đi, đã (Như nói “dĩ vãng”). Qua đi ở đây ý nói trừ điều bất tường, làm cho tai họa qua đi.
Tống Tường Phụng có một Bài viết dài luận về ngày Thượng Tỵ 3 tháng 3 này, vì cũng khá dài nên không dẫn ra đây.
(Tham khảo:
Quá Đình Lục. Qu. XV. Tam nguyệt tam nhật).
Về Thư pháp, trước thời Đường tờ Thiếp “Lan Đình Tập Tự” vốn không được quí trọng là mấy, nhưng nó là vật gia truyền trong nhà Vương Hi Chi.
Truyền tới đời thứ 7 đến tay Vương Trí Vĩnh (? - ?), là một tỳ kheo. Trí Vĩnh xuất gia ở chùa Vĩnh Hân, thụ Pháp danh là Pháp Cực, tục thường gọi ông là Vĩnh Thiền Sư, hay Vĩnh Sư. Trí Vĩnh xây một căn gác riêng chỉ để cất giữ tấm Thiếp “Lan Đình”. Gác này rất cao, nằm ở phía sau Chùa Vân Môn, có tất cả 7 phòng. Khoảng đất ở mặt sau Gác toàn là trúc, trúc mọc lan tới tận đỉnh núi.
Sau đó, vào năm 621, không rõ tại sao Tờ Thiếp “Lan Đình Tập Tự” lại vào tay Đường Thái tông (599 - 649; tại vị: 627 - 649), lúc đó còn là Tần vương.
Có truyền thuyết ~ với nhiều chuyện thêu dệt vô lý, nói rằng ông vua này cho người lén tới ăn cắp.
Trước khi chết Thái tông di mệnh cho con là Cao tông (628 - 683; tại vị: 649 - 683) đem chôn tờ Thiếp “Lan Đình Tập Tự” theo ông ta ở Chiêu Lăng.
Tô Đông Pha trong bài “Tôn Tân Lão Cầu Mặc Diệu Đình Thi” có 2 câu nói về việc này như sau:
Lan Đình kiển chỉ nhập Chiêu Lăng,
Thế gian di tích do long đằng.
(Tham khảo:
Tô Thức Thi Tập Hợp Chú. Qu. VIII. Cổ Kim thể thi).
Vương Hi Chi còn tờ Thiếp “Nhạc Nghị Luận”, viết thể Chân thư - chân tích ngày nay đã không còn. Thư pháp gia Trữ Toại Lương (596 - 658) nhận định tờ Thiếp này là:
~ “Bút thế tinh diệu đạt trọn vẹn qui tắc của Khải thư”.
Vương Hi Chi có 7 người con, người nào cũng giỏi Thư pháp, nhưng chỉ có 5 người là được nêu tên trong Thư tịch Thư pháp:
~ Vương Ngưng Chi (? - 399).
~ Vương Huy Chi (? - ?).
~ Vương Tháo Chi (321 - 379).
~ Vương Hoán Chi (? - ?).
~ Vương Hiến Chi (344 - 386).
Những người kể trên người nào tiếng tăm cũng rất lớn trong lãnh vực Thư pháp nhất là Vương Hiến Chi.
Còn 2 người con nữa là Vương Huyền Chi và Vương Túc Chi vì không để lại Bút tích cho nên tên tuổi không được nêu trong Thư tịch Thư pháp.
Giới Thư pháp khi nói “Nhị Vương” là chỉ Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi, con út của Vương Hi Chi.
(3). Nam Bắc triều (420 - 589).
(a). Nam triều (420 - 589).
Tống (420 - 479), Tề (479 - 502), Lương (502 - 557), Trần (557 - 589).
Nam triều có 4 Thư pháp gia trứ danh.
+Tống triều có Dương Hân (370 - 442) tinh diệu Lệ thư, Hành thư.
Dương Hân học trực tiếp với Vương Hiến Chi. Về Thư pháp của Dương hân người đương thời có câu:
~ Mãi Vương đắc Dương, bất thất sở vọng.
~ Mua chữ của Vương (Hiến Chi) không được, nhưng lại được chữ của Dương (Hân) thì cũng không đến đỗi thất vọng!
+ Tề triều có Vương Tăng Kiền (426 - 485) Thư pháp cũng tinh diệu như Hiến Chi mà Tống Văn đế (407 - 453; tại vị: 424 - 453) cho là tài hoa và thanh nhã hơn Hiến Chi.
+ Lương triều có Tiêu Tử Vân (486 - 548) sở trường Thảo thư, Hành thư, Tiểu triện.
+ Trần triều có thiền sư Trí Vĩnh (? - ?), cháu 7 đời của Vương Hi Chi, thuộc giòng của Vương Huy Chi, sở trường Thảo thư, Lệ thư.
Nam triều lưu lại mấy ngàn Tự tích của các Thư pháp gia thì phần lớn là tác phẩm của 4 Thư pháp gia dẫn trên đây; và chỉ riêng thiền sư Trí Vĩnh không thôi cũng đã viết hơn 800 Bản “Thiên Tự Văn”, theo thể Chân Thảo.
Ngoài ra, ở thời Lương còn có Bài “Ế Hạc Minh” [Bài “Minh Chôn Cất Hạc”] được khắc trên vách đá “Ma Nhai” tại chân núi phía Tây của Tiêu Sơn vào năm 514, mà theo như truyền thuyết là của Y dược học gia, Thư pháp gia Hoằng Cảnh (452 - 536).
Chi tiết của tấm Bia “Ế Hạc Minh”:
~ Bài Minh chữ khắc từ trái qua phải, theo thể Khải thư, cộng tất cả 12 hàng, mỗi hàng khoảng 25 chữ.
~ Cao / Rộng = 8 thước / 7 thước 4 tấc (1.856 m / 1.7168 m).
1 xích pháp định thời Lương tính ra hệ thống SI = 23.20 cm = 0.2320 m.
Về sau vì núi lở Bia rơi xuống sông, bể làm 5 mảnh.
Mấy trăm năm sau, vào thời Bắc Tống (960 - 1127), người ta mò được 1 mảnh, và qua thời Nam Tống (1127 - 1279) thì mò được 4 mảnh còn lại.
~ Toàn bài “Ế Hạc Minh” trên Bia đá này hiện chỉ còn 88 chữ, bút pháp cứng cỏi, trong các nét cong, nét tròn tiềm ẩn vẻ cứng mạnh mà mỹ lệ, tự thành phong cách riêng, do 2 thể Triện, Lệ biến hóa mà thành.
Chân thư sắc nhọn, Lệ thư chẳng theo lối thường mà mỹ lệ, tự thành phong cách riêng, đây là nét chính trong Thư pháp của Đào Hoằng Cảnh.
(b). Bắc triều (386 - 581).
Thư tích của Thư pháp gia Bắc triều hầu như toàn bộ lưu lại trên những tấm BIA, trên những tấm MỘ CHÍ, trên những TƯỢNG Thích Ca, Di Đà, Quan Thế Âm… trên những vách đá núi, và trong hồ hết các trường hợp, danh tánh của Thư pháp gia không được lưu lại!
Trong số những Bia này thì “Ngụy Cố Duyện châu Thích Sử Trịnh Hi chi Bi”, thường được gọi giản lược là “Trịnh Văn Công Bi”, là tấm Bia trứ danh hơn hết!
Bia này phân 2 tấm Thượng / Hạ:
- Tấm Thượng được đặt tại ghềnh đá Núi Thiên Trụ - trong địa phận Cổ Quang Châu (nay là huyện Bình Độ, tỉnh Sơn Đông), chữ khắc hơi nhỏ.
- Tấm Hạ đặt ở phía Đông nam núi Vân Phong, ở huyện Dịch, cũng thuộc Sơn Đông.
Thượng Bi chữ khắc đã nhỏ lại đã mòn nhiều đa số chữ khó đọc, Hạ Bi chữ cỡ lớn và hồ như không bị hao mòn là mấy! Hiện nay chỉ có Bản mô phỏng, danh từ chuyên môn gọi là Thác bản, hay Tháp bản, của tấm Bia Hạ.
Bia này khắc thể Chân thư của Thư pháp gia Trịnh Đạo Chiêu (? - 515), con trai út của Trịnh Hi Chi (? - ?) triều Bắc Ngụy, nội dung ghi lại đức độ của cha mình.
Tấm “Hạ Bi” này gồm 51 hàng, mỗi hàng 29 chữ, cộng 1,479 chữ, thể vuông vắn, cỡ chữ khoảng 2 tấc (20 cm).
Là Chân thư nhưng bao hàm cái khí thế của Triện thư, đồng thời có cả cái phong vận mỹ lệ của Lệ thư, và cái phóng túng của Thảo thư, tự thành một phong cách riêng.
Nói chung Chân thư ở đây có nét mạnh mẽ thâm hậu, có cái khí thế bát ngát bao la, là bậc nhất trong Thư pháp, cũng là cái sắc nhọn trong Chân thư triều Bắc Ngụy.
Thư pháp gia Thanh triều nhận định: tấm Hạ Bi này không chỉ là kiệt tác đệ nhất của Bắc triều mà từ lúc có Chân thư đến nay rồi chỉ có một người mà thôi!
Và Thư tích của “Trịnh Văn Công Bi” và của Bài “Ế Hạc Minh”, qua sự nhận định của Thư pháp gia cổ kim, là kiệt tác của mọi thời về thể Chân thư!
Trịnh Thuật Tổ (? - ?), con Trịnh Đạo Chiêu, Thư pháp không khác cha là mấy, có khác là ở trình độ thành tựu không bằng.
Có người so sánh cha con Đạo Chiêu / Thuật Tổ với cha con Hi Chi / Hiến Chi, điều này chưa hẳn đã đúng, nhưng địa vị trọng yếu trong Thư pháp Bắc triều của hai cha con Trịnh Đạo Chiêu, Trịnh Thuật Tổ là điều không có gì phải tranh cãi!
(4). Tùy (589 - 618). Đường (618 - 907). Ngũ Đại (907 - 960).
Thư pháp 3 triều Tùy / Đường / Ngũ Đại có thể phân 3 giai đoạn.
(a). Từ Tùy triều tới sơ kỳ Đường triều.
Tuy chỉ có 29 năm ngắn nhưng Tùy triều lại là một thời kỳ quan yếu trong Thư pháp.
Kế thừa phong cách của các triều Tây / Đông Tấn, Nam Bắc triều Thư pháp Tùy triều đã phát triển thành nhiều sắc thái kỳ lạ để mở ra 1 cục diện mới, với những điều chỉnh ngả dần theo xu hướng qui phạm hóa Thư pháp dưới thời Đường tiếp sau đó.
Trong khoảng giữa 2 triều Tùy / Đường người học Thư pháp rất nhiều nhưng rồi chỉ có Đinh Đạo Hộ (? - ?) là nổi tiếng.
Tác phẩm bất hủ của ông là “Khải Pháp Hưng Quốc Tự Bi”.
Dưới Đường triều Thư học phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Về phương diện này triều đình đã lập chức “Thư học Bác sĩ” ở Quốc Tử Giám:
~ Thư học Bác sĩ nhị nhân, túng cửu phẩm hạ.
Thư học Bác sĩ chưởng giáo văn vũ quan bát phẩm dĩ hạ, cập thứ nhân tử chi vi sinh giả.
Dĩ “Thạch Kinh”, “Thuyết Văn”, “Tự Lâm” vi chuyên nghiệp, dư thư tự dịch kiêm tập chi. “Thạch Kinh” tam thể thư hạn tam niên nghiệp thành, “Thuyết Văn” nhị niên, “Tự Lâm” nhất niên.
/ Đường Lục Điển. Qu. XXI. Quốc Tử Giám /.
~ Thư học Bác sĩ 2 người, trật dưới phó cửu phẩm.
Thư học Bác sĩ chuyên việc giảng dạy các quan văn, võ từ bát phẩm trở xuống, và các học sinh con cái của thứ dân.
Về phương diện chuyên nghiệp, dạy các bộ “Thạch Kinh”, “Thuyết Văn”, “Tự Lâm”, các Sách về Thư pháp khác cũng học tập. 3 Thư thể của “Thạch Kinh” thời gian học 3 năm thì xong, Bộ “Thuyết Văn” học 2 năm, Bộ “Tự Lâm” học 1 năm.
[3 Thư thể chính thức thấy khắc trên Bia đá là Cổ văn, Triện thư, Lệ thư.
Từ Hán triều về sau các triều đều có khắc Kinh lên đá để ở nhà Thái học].
Sơ kỳ Đường triều có 4 Thư pháp gia lớn:
Âu Dương Tuân (557 - 641), Ngu Thế Nam (558 - 638), Trữ Toại Lương (596 - 658) và sau cùng là Tiết Tắc (649 - 713).
Giai đoạn này Khải thư (Chân thư) là giòng chính, và cả 4 Thư pháp gia kể trên đều sở trường Thư thể này, Thư pháp của 4 người được coi là tiêu chuẩn cho Chân thư.
Ngoài ra, lại có Tôn Quá Đình (648 - 703) cũng là Thư pháp gia nổi tiếng, tinh diệu các thể Chân, Hành, Thảo, nhất là thể Thảo thư. Ông soạn Cuốn “Thư Phổ” mà từ trước đến nay vẫn được coi là tác phẩm tiêu chuẩn về Thư pháp học.
(b). Thịnh Đường / Trung Đường.
Thư pháp gia tiêu biểu cho thời kỳ này có:
+ Lý Ung (675 - 747).
+ Trương Húc (675 - 750).
+ Nhan Chân Khanh (709 - 785).
+ Lý Dương Băng (722 - 789).
+ Hoài Tố (725 - 799).
Lý Ung học Hành thư theo Vương Hi Chi nhưng biến hóa thành phong cách riêng.
+ Trương Húc (675 - 750).
Trương Húc tinh diệu Chân thư, nhưng Thảo thư mới thực sự là tài kiệt xuất của ông.
Chữ Thảo của ông triền nhiễu bất tuyệt, thế “chạy” cực kỳ lạ, tự thành phong cách mới được Thư pháp gia tôn là “Thảo Thánh”.
Phong cách Thảo thư nói trên của Trương Húc được mệnh danh là “Cuồng Thảo”, hay là “Điên Thảo”; gọi thế là vì chữ ở đây vốn đã tháu tới cực độ, “thế chạy” lại như một kẻ điên cuồng. Trong thể Thảo thư đây là thứ khó đọc nhất!
Về Thảo thư một mặt Trương Húc học Kim Thảo từ Vương Hi Chi, Vương Hiến Chi, và mặt khác, kế thừa thể thức Cuồng Thảo của Trương Chi, để rồi sáng tạo một lối được gọi là “Nhất bút thư”, nhìn vào rất kỳ lạ, hiểm hóc.
Đề tựa cho Bài “Quan Công Tôn Đại Nương đệ tử Vũ kiếm khí Hành” của chính ông Đỗ Phủ (712 - 770) có đoạn, đoạn cuối, viết:
~ … Tích Ngô nhân Trương Húc thiện Thảo thư thư thiếp, sổ thường ư Nghiệp huyện kiến Công Tôn Đại Nương vũ Tây Hà Kiếm khí, tự thử Thảo thư trường tiến.
Dịch:
~ … Xưa kia, Trương Húc, người đất Ngô, có tài Thư pháp, viết Chữ Thảo đẹp, lúc ở Nghiệp huyện đã từng nhiều lần coi Công Tôn Đại Nương múa kiếm Tây Hà, từ đó mà Thảo thư tiến một bước dài.
Trương Húc nhìn khí thế và động tác múa kiếm của Công Tôn Đại Nương để từ đó mà vận dụng vào Thư pháp để viết Thảo thư, quán thông trên dưới, lưu chuyển quanh co biến hóa nhiều vẻ, thần kỳ không lường được để tạo thành nét độc đáo trong Thảo thư của ông!
Lý Triệu (? - ?) đời Đường (618 - 907) viết trong bộ “Quốc Sử Bổ”:
~ Trương Húc Thảo thư đắc bút pháp, hậu truyền Thôi Mạo, Nhan Chân Khanh.
Húc ngôn:
- Thủy ngô kiến Công chủ đảm phu tranh lộ nhi đắc Bút pháp chi ý; hậu kiến Công Tôn thị vũ kiếm khí nhi đắc kỳ thần!
Húc ẩm tửu triệp Thảo thư, huy bút nhi đại khiếu, dĩ đầu ẩn thủy mặc trung nhi thư chi, thiên hạ hô vi Trương điên. Tỉnh hậu tự thị dĩ vi thần dị, bất khả phục đắc!
Hậu bối ngôn Bút trát giả, Âu, Ngu, Trữ, Tiết hoặc hữu dị luận, chí Trương Trưởng sử vô gián ngôn nhĩ!
/ Quốc Sử Bổ. Qu. Thượng. Trương Húc. 13 /.
~ Trương Húc đạt được bút pháp (thượng thừa) của Thảo thư, về sau truyền thụ cho Thôi Mạo, Nhan Chân Khanh.
(Trương) Húc nói:
- Lúc đầu tôi coi “Công chúa cõng chồng dành đường” mà hiểu cái ý của Bút pháp; về sau coi Công Tôn Đại Nương múa kiếm mà đạt được cái thần diệu (của Bút pháp).
(Trương) Húc lúc uống rượu vào thì thường viết chữ Thảo, múa bút mà la lớn, lấy đầu nhúng vào mực mà viết, thiên hạ gọi ông là Trương điên. Tỉnh rượu ra tự coi lại cho là thần diệu lạ lùng, không thể viết lại được như vậy nữa!
Đời sau luận Thư pháp, về (các Thư pháp gia) Âu (Dương Tuân), Ngu (Thế Nam), Trữ (Toại Lương), Tiết (Tắc) hoặc còn có lời chê, còn như Trương Trưởng sử thì không có lời dị nghị nào!
[Phụ chú.
Tập “Quốc Sử Bổ” phân làm 3 Quyển Thượng. Trung. Hạ, ghi tất cả 309 điều - mỗi Quyển phân đều 103 điều. Tập Bút ký này không phân môn, biệt loại tự thuật, chỉ tùy tiện ghi chép những gì mà Sử sách đương thời không ghi chép, bao quát một số lãnh vực như về chế độ Khoa cử, Chức quan, Xã hội, Phong tục, và một vài sự kiện liên quan Phật giáo, như việc kiến lập “Ma Ni Tự”, việc Hòa thượng Giám Chân (688 - 763) Đông độ, một số giai thoại về một vài danh nhân như việc Lý Bạch say rượu nói Huyền tông bắt Cao Lực Sĩ cởi giày, việc Lục Vũ, tác giả “Trà Kinh”, bị bỏ tại bờ sông ở Cánh Lăng, được 1 nhà Sư đưa về nuôi, lúc trưởng thành bói Dịch được Quẻ Kiển biến Quẻ Tiệm, do đó đặt tên cho là Lục Vũ, sự tích Hàn Dũ hiếu kỳ cùng người lên tuyệt đỉnh Hoa Sơn, đến đỗi không trở xuống được, sợ quá viết thư trăn trối… đã được Lý Triệu ghi lại trong “Quốc Sử Bổ”].
Nhìn vào một bản Cuồng Thảo của Trương Húc người ta thấy muôn vẻ biến hóa:
Chữ nằm thì như “ngọa hổ” [cọp nằm], chữ vút lên thì như “long điều” [rồng nhảy], còn ngưng lặng như núi sừng sững, khuất khúc thì như suối chảy, có nhịp điệu, tiết tấu của Âm nhạc, có sự rung động của Thi ca, có cái sắc thái của Hội họa, có cái mềm mại của Vũ điệu. Vì thế cũng không lạ hậu thế luận Thư pháp đời Đường, với các Thư pháp gia Âu Dương Tuân, Ngu Thế Nam, Lục Giản Chi, Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền và Hoài Tố thì có khen, có chê, nhưng mỗi Trương Húc thì chỉ có tán thưởng mà không có một lời chê nào - đây là điều hầu như không có trong Lịch sử Nghệ thuật!
Bút tích truyền lại của Trương Húc, ngoài tờ Thiếp “Lang Quan Thạch Trụ Ký” viết thể Chân thư, còn lại đều là Thảo thư, gồm có:
~ “Tự Ngôn Thiếp”, “Đỗ Thống Thiếp”, “Thiên Tự Văn Đoạn Bi”, “Tửu Đức Tụng” và “Cổ Thi Tứ Thiếp”.
Bài “Quan Công Tôn Đại Nương đệ tử Vũ kiếm khí Hành”, 8 câu đầu:
Tích hữu giai nhân Công Tôn thị,
Nhất vũ kiếm khí động tứ phương.
Quan giả như sơn sắc tư táng,
Thiên địa vi chi cửu đê ngang.
Hoắc như Nghệ xạ cửu nhật lạc,
Kiểu như quần đế tham long tường.
Lai như lôi đình thu chấn nộ,
Bãi như giang hải ngưng thanh quang.
……………………
(Tham khảo:
Đỗ Thi Kính Thuyên. Qu. XVIII).
+ Lý Dương Băng (722 - 789).
Lý Dương Băng sinh trong gia đình danh môn vọng tộc, từ trẻ đã ra làm quan, từng giữ chức huyện lệnh các huyện Đương Đồ, Tấn Vân, tới độ trung niên, Tập hiền Học sĩ. Gần 60, hoạn lộ mệt mỏi, Lý Dương Băng mới dốc tâm học Thư pháp, luyện Triện thư tới độ nhập thất, có thể nói là trước không thấy ai, và sau cũng không có người nào!
Triện thư của ông có khí thế như long, như hổ, như gió thoảng, như mưa tuôn, bút lực sắc, mạnh, thần diệu hồ như theo một đường mà hồ như không đi được
+ Hoài Tố (725 - 799).
Hoài Tố tên Tự là Tàng Chân, là một tỳ kheo, xuất gia từ nhỏ, tên họ ngoài đời là Tiền. Người đời gọi ông là Sa môn Hoài Tố, Thích Hoài Tố, Tăng Hoài Tố, Tố Sư.
Thích Hoài Tố thuộc giòng môn nhân Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (600 - 664), là Tổ khai sáng Duy Thức Tông của Trung Quốc.
Ngoài giờ tụng Kinh, tập định (ngồi Thiền) Hoài Tố rất thích học tập Thư pháp, hết sức chịu khó học tập viết chữ. Ông viết rất nhiều, mà viết như vậy thì tốn rất nhiều giấy, mà Hoài Tố là một Sa môn nghèo tiền đâu thường có để mua giấy, cho nên, không có giấy ông viết trên mặt đất, viết trên các vật dụng trong nhà, thậm chí áo cà sa mới của mình ông cũng viết chữ rồi mới mặc. Kế đến, thấy lá chuối cũng viết chữ lên được cho nên Hoài Tố trồng rất nhiều chuối chung quanh chùa.
Hoài Tố làm một cái khay tròn bằng gỗ cây sơn, viết chữ lên đó, viết xong thì xóa, xóa rồi lại viết, cứ thế, trải nhiều năm tháng cái khay bị xóa tới xóa lui mòn tới lủng luôn!
Những bút ông viết đã cùn, viết hết được, thì chất đống đem chôn ở dưới chân núi, lập mộ bia ghi là “BÚT TRỦNG” (Mộ Bút).
Hoài Tố sở trường Thảo thư.
Trương Húc và Hoài Tố là 2 danh gia Thảo thư kiệt xuất thời Đường, căn cứ bút pháp người đương thời gọi Trương Húc là Điên Thảo, Hoài Tố là Cuồng Thảo.
Trương Húc và Hoài Tố đều được gọi là “Thảo Thánh”, và có khác là ở điểm:
Trương Húc viết Thảo thư, thích đường nét mập, lại điểm chút “Lệ ý” goi là “Thảo Lệ”.
Hoài Tố viết Thảo thư lại thích nét chữ ốm, điểm chút “Triện ý”, gọi là “Thảo Triện”.
Hoài Tố để lại rất nhiều tác phẩm, tiêu biểu có:
Thực ngư thiếp. Luận Thư thiếp. Khổ duân thiếp. Tự tự thiếp. Thánh mẫu thiếp.
Tàng Chân thiếp. Thiên tự văn....
Lý Bạch có bài “Thảo thư Ca hành” tán dương Thảo thư của Hoài Tố, trích một đoạn:
Thiếu niên thượng nhân hiệu Hoài Tố, (1).
Thảo thư thiên hạ xưng độc bộ. (2).
……………………………
Bát nguyệt, cửu nguyệt thiên khí lương, (5).
Tửu đồ từ khách mãn cao đường. (6).
Tiên ma tố quyên bài sổ sương, (7).
Tuyên Châu thạch nghiễn mặc sắc quang. (8).
Ngô sư túy hậu ỷ thằng sàng, (9).
Tu du tảo tận sổ thiên trương. (10).
Phiêu phong sậu vũ kinh táp táp, (11).
Lạc hoa phi tuyết hà mang mang. (12).
Khởi lai hướng bích bất đình thủ, (13).
Nhất hàng sổ tự đại như đấu. (14).
……………………………
[Câu (9) nói “túy hậu”, có lẽ nói “say chữ”, vì Hoài Tố là sa môn, không uống rượu.
Câu (13) “Khởi lai hướng bích bất đình thủ”, 2 chữ “Khởi lai” có bản chép “Khởi bút”].
(Tham khảo:
Lý Thái Bạch Toàn Tập. Qu. VIII. Cổ Cận thể thi).
Minh Di:
3 câu (11. 12. 13):
P hiêu phong sậu vũ kinh táp táp,
Lạc hoa phi tuyết hà mang mang.
Khởi lai hướng bích bất đình thủ......
Câu 1: Tả cái khí thế nhanh, gấp của Thảo thư, đặc tính của thư thể này - khí thế này chẳng khác một trận “mưa to gió lớn” (phiêu phong sậu vũ) - và thế nhanh, gấp này đã nói ở câu 10: “Tu du tảo tận sổ thiên trương” (Thoáng qua viết hết mấy ngàn trang).
Câu 2: Tả cái tư thái quyện vào nhau như hoa rơi, như tuyết đổ mờ mịt của Thảo thư.
Thảo thư, các nét chữ đã bị lược đi nhiều để viết cho nhanh, do đó, không nhận được nguyên dạng chữ; vừa nhanh lại vừa mơ hồ, các chữ lại quấn quít, níu lấy nhau, và 2 chữ “mang mang” ở đây chính là diễn tả cái khí thế, cái tư thái đó của Thảo thư.
Câu 3: Tả cái Bút lực sắc bén, hùng mạnh của Thư pháp gia, nhưng không vì vậy mà Bút thế bị khựng lại, mất đi cái thế trôi chảy, “bất đình thủ”, liên tục, liên miên.... phải có của Thảo thư.
Câu “Khởi lai hướng bích” ý nói bút lực của Hoài Tố vừa sắc vừa mạnh như rạch khắc xuống vách đá núi, không thực sự nói Hoài Tố viết chữ trên vách đá núi.
Có thể thấy rất rõ điều này qua 5 câu (từ câu 6 tới câu 10) của bài Thảo thư Ca hành:
Tửu đồ từ khách mãn cao đường,
Tiên ma tố quyên bài sổ sương.
Tuyên Châu thạch nghiễn mặc sắc quang,
Ngô sư túy hậu ỷ thằng sàng.
Tu du tảo tận sổ thiên trương.
[Phụ chú.
Tiên ma là giấy làm từ cây đay.
Thằng sàng là cái ghế xếp, không phải là loại giường (sàng) nào hết].
Thằng Sàng, hoặc còn gọi là Hồ Sàng, Giao Ỷ, Tiêu Dao Tọa và Thái Sư Ỷ.
Chú thích chữ “Thằng Sàng” Quí Diễn Lâm viết:
~ Thằng sàng: Nhất danh hồ sàng, nhất chủng khả dĩ chiết điệp đích khinh tiện tọa cụ.
Tấn Thư. Phật Đồ Trừng truyện:
~ Tọa thằng sàng, thiêu An Tức hương.
Trình Đại Xương “Diễn Phiền Lộ” quyển thập tứ vị:
~ Kim chi giao sàng thành bản tự Lỗ lai, thủy danh Hồ sàng. Hoàn Y há mã cứ Hồ sàng thủ địch tam lộng thị dã. Tùy dĩ Sấm hữu Hồ, cải danh Giao sàng”.
Đào Cốc “Thanh Dị Lục”. Trần Thiết môn:
~ Hồ sàng thi chuyển quan dĩ giao túc, xuyên tiện thao dĩ dung tọa, chuyển súc tu du, trọng bất sổ cân.
Dịch:
~ Thằng sàng, có tên nữa là Hồ sàng, là một thứ vật dụng để ngồi (tọa cụ) gọn nhẹ có thể xếp lại được.
Sách Tấn Thư. Phật Đồ Trừng truyện:
~ Ngồi ghế xếp, thắp hương An tức.
Sách “Diễn Phiền Lộ”, quyển 14, của Trình Đại Xương viết:
~ Hiện nay gọi là giao sàng, chính gốc từ xứ rợ nhập vào, lúc đầu gọi là Hồ sàng. Hoàn Y xuống ngựa, ngồi Hồ sàng thổi 3 khúc sáo chính là loại ghế này! Tùy triều vì trong lời Sấm nói đến rợ Hồ cho nên đổi gọi là Giao sàng”.
Sách “Thanh Dị Lục”. Trần Thiết môn” của Đào Cốc viết:
~ Hồ sàng có chỗ vặn để xếp chân ghế lại, xỏ giây tơ làm thành để ngồi cho thoải mái, ghế xếp lại rất nhanh, nặng không quá mấy cân.
(Tham khảo:
Đại Đường Tây Vực Ký. Qu. I. 34. Ca Tất Thí Quốc.
Tùy Cao tổ (541 - 604; tại vị: 581 - 604) vì kỵ những vật dụng có chữ “Hồ” cho nên hạ lệnh đổi tên gọi Hồ sàng thành Giao Sàng.
Đường Huyền tông (685 - 762; tại vị: 712 - 756) rất thích loại ghế xếp này, đi đâu cũng mang theo, và gọi loại ghế nằm rất thoải mái này là “Tiêu dao Tọa”.
Minh Di:
Bài “Thảo thư Ca hành” nói trên đây được Hồ Chấn Hanh (1569 - 1645) cuối đời Minh tập lục trong Tổng tập Đường thi “Đường Âm Thống Thiêm”.
Liền phía dưới tựa đề “Thảo thư Ca hành”, Hồ Chấn Hanh viết:
~ Dĩ hạ ngụy tác. Đông Pha vân:
- Cận kiến Tăng Tử Cố biên Lý Thái Bạch thi, hữu “Tặng Hoài Tố Thảo thư ca hành”, phản tiếu hĩ hồ?
Sổ thiên giai Quán Hưu dĩ hạ Từ cách. Tử Cố hiệu hữu thức giả, nãi thu thử, THÂM khả quái!
/ Đường Âm Thống Thiêm. Qu. CLXXI. Bính Thiêm 59.
~ Từ đây trở xuống là ngụy tác. (Tô) Đông Pha nói:
- Gần đây thấy phần thu thập thơ Lý Thái Bạch của Tăng Tử Cố có Bài “Tặng Hoài Tố Thảo thư Ca hành”, nghĩ có tức cười chăng?
Mấy bài [ở dưới Bài này] đều là phong cách thơ từ Quán Hưu trở về sau. Tử Cố được coi là người có kiến thức mà thu lục bài này, đáng lạ HẾT SỨC!
[Phụ chú.
Tăng Tử Cố tức Tăng Củng (1019 - 1079), một trong “Đường Tống bát đại gia”, 8 Văn hào Trung Hoa của mọi thời. Tử Cố là tên Tự của ông.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire