Những ngày cuối năm với guồng
quay tất bật và nhộn nhịp cho công việc khiến bạn bỗng dưng “thòm thèm”
một chuyến du hí ngắm cảnh biển thơ mộng cùng bạn bè người thân. Những
bữa ăn quây quần bên nhau vừa được thả sức với các món ngon từ hải sản
tươi sống vừa được đốt lửa hàn huyên những chuyện thường nhật đến khi
bình minh lên. Còn chần chờ gì hơn nữa cho một chuyến đi không thể lãng
mạn hơn cùng với 4 thiên đường hải sản gọi tên tuyệt nhất đất Việt dưới
đây!
1. Kiên Giang - Thiên đường cá
Sở hữu 4 thiên đường biển đảo
nổi tiếng trong mắt khách du lịch thập phương gồm Nam Du, Phú Quốc, Bà
Lụa và Hải Tặc, quả thật sẽ là thiếu sót nếu bỏ sót Kiên Giang khỏi danh
sách những thiên đường hải sản nhất định “phải” đến trong năm nay. Dừng
chân ở Kiên Giang, du khách ngoài ngắm cảnh biển trong lành thả hồn
mình cùng với những tiếng sóng biển rì rào và nếm vị mằn mặn của gió
biển còn được thưởng thức các loại hải sản tươi sống nơi đây.
Những sào phơi mực, cá nhìn đầy hấp dẫn
Đầu tiên là hòn đảo được ví
như viên ngọc thô của vùng đồng bằng sông Cửu Long - đảo ngọc Phú Quốc.
Đây cũng là quần đảo lớn nhất Việt Nam và là nơi tổ chức nhiều cuộc thi
sắc đẹp, các sự kiện văn hóa vui chơi giải trí của cả nước. Đến với Phú
Quốc, ngoài các điểm đến quen thuộc như dinh Cậu, bãi Sao, bãi Dài,...
hãy thử dừng chân ở làng chài cổ Hàm Ninh và thưởng thức món hải sản độc
đáo mang tên Nhum biển gai. Ngoài ra, còn có gỏi sứa, các loại cá nổi
bật có cá đục kho tiêu.
Cá sòng nướng đặc sản Phú Quốc .
Hay ăn ghẹ ở đảo Nam Du.
Điểm đến mang tên quần đảo Nam
Du và biển Hà Tiên cũng là địa danh khó bỏ lỡ với hình ảnh biển xanh
cát trắng gọi mời khách du lịch. Nằm cách đất liền khoảng 60km, thiên
đường biển mới ở Kiên Giang chắc hẳn sẽ làm hài lòng cả những “thượng
đế” khó tính nhất. Nam Du vẫn còn giữ được nét đẹp hoang sơ mộc mạc vốn
có với trên dưới 21 hòn đảo lớn nhỏ thỏa thích cho khách thập phương
khám phá và chinh phục. Ngoài ra còn có khu đảo Hải Tặc nằm ở huyện Hà
Tiên với hơn 16 hòn đảo, nằm cách đảo Phú Quốc tầm 40km.
Thưởng thức thế giới hải sản ven biển ở Hà Tiên - Ảnh: Almut Albrecht
2. Long Hải Vũng Tàu
Điểm dừng chân thứ hai là Long
Hải - Vũng Tàu, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh chỉ tầm chưa đầy 4
giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy. Vũng Tàu được lựa chọn là điểm nghỉ
dưỡng và vui chơi tin cậy vào những dịp cuối tuần hoặc lễ của người dân
Sài Gòn bởi vị trí địa lí thuận lợi cho việc di chuyển.
Những mẻ cá tươi rói vừa mới đánh bắt được ở Long Hải - Ảnh: John Milligan
Chợ Xóm Lưới Vũng Tàu
Ngắm biển từ trên cao
Ngoài
hoạt động vui chơi tắm biển tại bãi Trước và bãi Sau, du khách còn có
thể thỏa thích thưởng thức những hải sản tươi rói tại các quán cóc dọc
con đường Trần Phú. Nếu muốn mua về với số lượng lớn, hoặc mua thêm các
hải sản phơi/sấy khô, bạn có thể ghé qua các khu chợ như chợ xóm lưới ở
góc đường Phan Bội Châu giao với Nguyễn Công Trứ. Đây là nơi tập trung
nhiều vựa hải sản phong phú từ tôm, cá, mực, cua, ghẹ, bạch tuộc, cho
đến các loại nghêu sò ốc hến… với giá bình dân.
Bãi tắm tấp nập người cùng các quán cóc bán hải sản.
3. Hồ Tràm
Thêm một điểm đến thuộc địa
phận tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu được thường được dân phượt lựa chọn là nơi
“trốn” mình khỏi thành phố huyên náo để tụ họp cùng nhau thưởng thức
những món hải sản với giá cả bình dân nơi đây. Từ Vũng Tàu, không khó để
du khách đến với thiên đường hải sản tiếp theo Hồ Tràm chỉ với 30km lộ
trình. Hồ Tràm cũng được nhiều cặp đôi lựa chọn là nơi lưu giữ bộ ảnh
cưới của chuyện tình yêu lứa đôi mình bởi cảnh sắc đẹp mê mẩn mà vẫn giữ
được trọn nét hoang sơ vốn có.
Hoàng hôn buông màu quyến rũ ở Hồ Tràm - Ảnh: Bui Huu Toan
Thiên đường ăn vặt với các món hải sản bình dân.
Về các địa điểm thưởng thức
hải sản, du khách có thể tìm đến những khu chợ đêm hoặc chợ hải sản ven
biển Hồ Tràm - Hồ Cốc. Ngoài thưởng thức hải sản, trải nghiệm được ngồi
thuyền thúng lênh đênh giữa biển Hồ Tràm - Hồ Cốc ngắm bình minh lên và
hoàng hôn xuống cũng mang lại cho du khách cảm giác thư giãn yên bình.
Đây là điểm du lịch đặc biệt thích hợp cho những chuyến đi ngắn ngày để
sạc đầy pin cho những ngày bận rộn thường nhật.
Thiên đường hải sản giá rẻ Hồ Tràm - Ảnh: Khanh Tran
4. Miền Tây sông nước
Nói đến miền Tây Nam Bộ, người
ta thường nhớ về cảm giác được lênh đênh giữa một vùng sông nước hay
được thỏa thê thưởng thức các loại trái cây nhiệt đới vô cùng phong phú ở
những khu miệt vườn nơi đây. Bên cạnh những trải nghiệm tuyệt vời và
đáng nhớ ấy, ẩm thực miền Tây có lẽ là một nét văn hóa đẹp và mộc mạc
ghi sâu vào vị giác khách du lịch đến khó lòng quên. Những loại hải sản
có sẵn của vùng sông nước được người dân nơi đây chế biến đơn giản mà
vẫn tôn được vị ngon tươi sống và đặc trưng.
Cá lóc nướng đúng điệu miền Tây Nam Bộ - Ảnh: Dinh Bui Van
Phơi cá khô An Giang - Ảnh: Quoc Vu Nguyen
Có lẽ du khách nào đã một lần
thưởng thức cá lóc nướng trui, cá kèo kho bông điên điển, cá linh hay
đặc biệt hơn là chuột đồng nướng đều khó có thể quên được vị mằn mặn hòa
quyện với vị ngọt từ nước dừa và cay cay của ớt đã khiến tan chảy bao
tín đồ ẩm thực. Du khách đến đây còn có thể chiêm ngưỡng cảnh những khu
chợ nổi tưng bừng và nhộn nhịp như cả một khu phố lênh đênh trên mặt
nước như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, chợ nổi Cái Bè,...
Bình yên hoàng hôn buông bên làng chài Long Xuyên - Ảnh: Khang Duong
*
Đối với những bạn ở Sài Gòn, các bạn có thể du hí Cần Giờ trong ngày và
ăn hải sản tươi ngon ở đây. Từ Sài Gòn đi Cần Giờ chỉ mất 2 tiếng chạy
xe. Sau đó hãy ghé chợ hải sản Hải Dương để mua đồ hải sản tươi rẻ. Ở
đây có rất nhiều loại loại hải sản như cua, ghẹ, nghêu, sò huyết,.. Bạn
có thể đứng chờ quầy chế biến và làm tại chỗ rồi thưởng thức ngay. Giá
cả cũng khá mềm.
Bạn có thể thuê ghế 10k/ng để ngồi lại ăn uống, tắm biển và chơi đến chiều rồi về.
“Khi ta trẻ, ta có thể là bất
cứ ai”. Những ngày thanh xuân vai dài sức rộng, hãy thử một lần đặt chân
lên những miền đất mới, được trải nghiệm và thưởng thức cảnh vật, ẩm
thực ở nơi ấy để biết rằng dọc dài đất nước mình có nhiều nét rất đỗi
thân thương và mộc mạc đến vậy.
Mishie ( sưu tầm )
Nguồn My tour.
Doanh nghiệp hải sản lo khó xuất khẩu sang EU
Thuỳ Dung
Thứ Hai, 25/9/2017, 17:24 (GMT+7)
Hải sản khai thác trên biển - Ảnh: TL
(TBKTSG Online) - Các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản sang EU đang lo
lắng khi sắp tới phía EU có thể rút thẻ vàng đối với hải sản có nguồn
gốc từ Việt Nam. Khi đó, chi phí và thời gian xuất khẩu hải sản sang EU
sẽ rất lớn, giảm sức cạnh tranh của cả ngành hải sản trong nước.
Thông tin tại Hội nghị Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU
diễn ra ngày hôm nay (25-9) tại TPHCM cho biết, đoàn công tác của Tổng
vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của EU đã đưa ra 5 khuyến nghị sau đợt
đánh giá vào khoảng giữa tháng 5-2017 tại Việt Nam. Nếu Việt Nam không
khắc phục tốt và đầy đủ các yêu cầu của EU trước ngày 30-9 này thì khả
năng cao Việt Nam sẽ bị EU rút thẻ vàng (yellow card).
Bà Vũ Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Ủy ban Hải sản, Hiệp
hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, khối
lượng công việc phải làm rất lớn như phải sửa luật; quản lý hệ thống tàu
thuyền và đánh bắt cá; truy xuất nguồn gốc…..
Để làm việc này ở Việt Nam, theo bà Sắc là rất khó. Tàu thuyền nước
ngoài là tàu có mã lực lớn, máy định vị tốt nên quản lý dễ dàng hơn,
trong khi tàu thuyền của Việt Nam là tàu nhỏ, số lượng quá nhiều, để
định vị được không phải dễ dàng.
Bên cạnh đó, ngoài việc phải đầu tư phần cứng cho các con tàu đó thì
phải huấn luyện về phần mềm, tức đào tạo cho các chủ tàu hiểu biết và
nhận thức như thế nào là đánh bắt bất hợp pháp, như thế nào là được
quyền và không được quyền... “Cần nhiều thời gian để làm được việc này.
Nhưng đây cũng là lúc lập lại trật tự, xây dựng và củng cố hệ thống đánh
bắt cho chỉn chu hơn. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác", bà Sắc
nói.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, Phó tổng thư ký Vasep, việc nhận thẻ vàng của
EU có thể gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới việc xuất
khẩu hải sản sang EU; và sau đó sẽ ảnh hưởng tới thị trường trường Mỹ và
các thị trường có tiềm năng khác. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu các
mặt hàng hải sản của Việt Nam hàng năm với 1,9 đến 2,2 tỉ đô la Mỹ, EU
và Mỹ mỗi thị trường chiếm 16-17% với giá trị khoảng 350-400 triệu đô la
Mỹ/năm.
Ông Vũ Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu
Tre, đơn vị có tỷ lệ xuất khẩu sang EU chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch
của công ty cho biết, CJ Cầu Tre đã có khoảng 30 năm xuất khẩu sang thị
trường này nên đã quen với các quy định ngặt nghèo của EU. Tuy nhiên,
phía EU không chỉ đánh giá dựa trên một vài doanh nghiệp mà đánh giá
trên cả cộng đồng gồm nhiều doanh nghiệp nhỏ khác, nên nếu EU kiểm tra
những doanh nghiệp này và rút thẻ vàng thì sẽ ảnh hưởng chung tới toàn
bộ doanh nghiệp.
Ông Ngô Viết Hoài, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến xuất nhập
khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Baseafood tính toán nếu EU rút
thẻ vàng, tất cả container xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm tra mất khoảng
3-4 tuần. Như vậy sẽ có hai khả năng, nếu được thông quan thì doanh
nghiệp thiệt hại khoảng 600-700 euro/container chi phí neo đậu cảng, bến
bãi trong 4 tuần kiểm tra. Trong trường hợp không được thông quan và bị
trả về thì riêng tiền vận chuyển cho mỗi container đã mất 4.000 đến
5.000 euro, chưa tính tới thiệt hại hàng hóa. “Tăng chi phí quá lớn sẽ
khiến doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước khác
cùng xuất khẩu vào EU", ông Hoài nói.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(NN&PTNT) Vũ Văn Tám cho hay: “Khả năng EU rút thẻ vàng với chúng ta
là nhiều hơn”. Do đó, Vasep, các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý nhà
nước trước hết phải cùng nhau hành động để ngăn chặn việc EU rút thẻ
vàng với Việt Nam. Trong trường hợp EU rút thẻ vàng thật thì phải sớm
thoát ra và coi đây là cơ hội lập lại trật tự, tổ chức lại sản xuất để
xây dựng nghề cá có trách nhiệm.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp hải sản cam kết chỉ thu mua nguyên
liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng,
chỉ nhập khẩu hải sản khai thác hợp pháp; không thu mua hải sản của các
tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có
nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ cấm; nói
không với những loài hải sản quý hiếm, những sản phẩm đánh bắt có kích
cỡ nhỏ hơn quy định...
Có thể 100% hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm tra
Ngọc Hùng - Thuỳ Dung
Thứ Tư, 25/10/2017, 19:36 (GMT+7)
Khai thác hải sản tại biển Việt Nam - Ảnh: TL
(TBKTSG Online) - Tổng cục Thủy sản vừa nhận được quyết định của EU về
việc sẽ áp dụng thẻ vàng với hải sản của Việt Nam. Quyết định này, có
thể khiến 100% lô hàng hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU bị kiểm tra.
Tại buổi thông tin cho báo chí diễn ra chiều nay 25-10, bà Nguyễn Thị
Trang Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế,
Tổng cục Thủy sản cho hay, Ủy ban châu Âu áp dụng biện pháp thẻ vàng chỉ
với sản phẩm khai thác trên biển; không áp dụng cho sản phẩm thủy sản
từ nuôi trồng của Việt Nam. Trong thời gian này, hoạt động xuất khẩu hải
sản vẫn được diễn ra bình thường.
“Tuy nhiên, quyết định này sẽ làm tăng tuần suất kiểm tra hồ sơ nguồn
gốc hải sản nhập khẩu từ Việt Nam, có thể lên đến 100%. Điều này sẽ dẫn
đến thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho
đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU”, bà Trang
nói.
Bên cạnh đó, việc này cũng có khả năng gây tâm lý lo ngại đến các nhà
nhập khẩu ở các thị trường khác, đặc biệt là đối với các thị trường nhập
nguyên liệu của Việt Nam để tái xuất sang thị trường EU hoặc Mỹ và các
nước có quy định áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống khai thác IUU
(hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản
lý).
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu hải sản sang EU không đáng
kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tổng giá trị
xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường khoảng hơn 7 tỉ đô
la Mỹ. Trong đó, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng gần 2,2 tỉ đô la
Mỹ và xuất khẩu thủy sản sang EU chiếm khoảng 29,4% (tương đương khoảng
hơn 350 triệu đô la Mỹ).
Tại hội thảo cuối tháng 9 tại TPHCM, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy
sản cho hay, nếu EU rút thẻ vàng, tất cả container xuất khẩu sang EU đều
sẽ bị kiểm tra và sẽ mất khoảng 3-4 tuần. Như vậy sẽ có hai khả năng,
nếu được thông quan thì doanh nghiệp thiệt hại khoảng 600-700
euro/container chi phí neo đậu cảng, bến bãi trong 4 tuần kiểm tra.
Trong trường hợp không được thông quan và bị trả về thì riêng tiền vận
chuyển cho mỗi container đã mất 4.000-5.000 euro, chưa tính tới thiệt
hại hàng hóa.
Ngày 25-10, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã
có thông cáo báo chí cho rằng đây là một thách thức lớn đối với ngành
khai thác và chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bởi những hệ lụy có
thể xảy ra như uy tín và thương hiệu của ngành thủy sản Việt Nam bị ảnh
hưởng.
Theo Vasep, việc EU rút thẻ vàng đối với Việt Nam cũng là cơ hội để
ngành khai thác thủy sản Việt Nam đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại
sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát
triển bền vững.
6 tháng khắc phục
Theo quy định, sau khi xác định một quốc gia có xuất khẩu thủy sản vào
EU không đáp ứng được các yêu cầu của EU trong chống khai thác IUU, EU
có quyết định cảnh báo chính thức (biện pháp thẻ vàng). Thời gian cảnh
báo thẻ vàng là 6 tháng.
Sau 6 tháng (tức đến ngày 23-4-2018), có 3 khả năng xảy ra với Việt Nam.
Thứ nhất, nếu Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của EU
với các minh chứng cụ thể thì tình trạng cảnh báo thẻ vàng sẽ được dỡ bỏ
Thứ hai, nếu việc triển khai các quy định của EU về IUU có tiến bộ, EU có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu.
Trường hợp tồi tệ nhất, tức cảnh báo của EU không được thực hiện hoặc
triển khai không hiệu quả, EU sẽ ban hành biện pháp thẻ đỏ, cấm xuất
khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào thị trường EU.
Hiện nay, đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ bị EU áp dụng biện pháp phạt
thẻ, trong đó có 6 quốc gia bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ. Trong đó 10
nước được dỡ thẻ vàng, 3 nước đã được dỡ thẻ đỏ. Hầu hết các quốc gia và
vùng lãnh thổ được EU gỡ thẻ vàng trong khoảng thời gian từ 1 đến 2
năm. Tuy nhiên, Thái Lan đã 3 năm qua nhưng vẫn chưa được gỡ thẻ vàng.
Cũng tại buổi thông tin, ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng
Tổng cục Thủy sản cho biết, trong thời gian 6 tháng tới, Tổng cục Thủy
sản sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc
gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp
pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025.
Bên cạnh đó, ngay sau khi Luật Thủy sản sửa đổi được Quốc hội thông
qua, tổng cục sẽ khẩn trương xây dựng các văn bản dưới luật để có hiệu
lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Thủy sản sửa đổi nhằm đáp ứng
được khung pháp lý về quản lý nghề cá theo yêu cầu của EU.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire