Bánh Phu Thê – Hương vị của lễ cưới truyền thống Huế
Huế không phải là vùng đất duy nhất trên cả nước có bánh phu thê. Nhưng
khác với bánh phu thê ở nhiều vùng miền Bắc có hình tròn và được gói
trong giấy bóng kính trang kim màu vàng đỏ ăn hơi nhão và có vị của phẩm
màu, bánh phu thê của miền Nam lại là bánh đôi một vuông, một tròn rất
lớn, gói giấy trắng thắt nơ đỏ lộng lẫy.
Bánh phu thê của Huế lại được đặt trong những chiếc hộp lá dừa xanh và
mang một hương vị đặc biệt. Một trăm lẽ năm chiếc bánh phu thê như lời
cầu mong trăm năm hạnh phúc là lễ vật không thể thiếu được trong phong
tục cưới hỏi của người dân xứ Huế.
Chiếc bánh Phu thê bản thân nó cũng mang trong mình nhiều giai thoại
khác nhau nhưng tựu chung lại vẫn xoay quanh câu chuyện về nghĩa vợ
chồng. Điều này cũng dễ lí giải bởi hai chữ phu thê trong tiếng Hán có
nghĩa là "vợ chồng" và từ thực tế đây cũng là loại bánh thường được dùng
làm lễ vật trong cưới hỏi của người Việt Nam. Khác cả về hình thức lẫn
hương vị so với bánh phu thê của Hà Nội hay Đình Bảng - Quảng Ninh, bánh
phu thê Huế ( hay có người gọi chệch âm là suxê) lại được đóng khuôn
trong những chiếc hộp lá dừa xinh xắn, trang nhã. Cái sắc xanh biêng
biếc của lá dừa, cái trắng trong đến nõn nà của thân bánh, cái màu vàng
óng ả của nhân bánh bên trong hoà quyện vào nhau tạo nên một tác phẩm ẩm
thực của người phụ nữ Huế tài hoa, khéo léo.
Bánh Phu Thê – Hương vị của lễ cưới truyền thống Huế
Ảnh: Lao Động
|
Theo như người dân Huế thì bản thân chiếc bánh phu thê gồm có hai phần
tượng trưng cho âm và dương, vợ và chồng. Phần thân bánh trắng trong,
mịn màng tượng trưng cho âm (vợ) còn phần nắp bánh chỉn chu, vuông vắn
là tượng trưng cho dương (chồng). Về hình thức là vậy còn về nội dung
chiếc bánh phu thê đem đến cho ngươì thưởng thức những sắc thái , hương
vị riêng. Bánh được làm từ những thứ nguyên liệu rất quen thuộc nhưng
theo những người làm bánh lâu năm cho biết thì cần phải là thứ nguyên
liệu được chọn lựa kĩ mới có được những chiếc bánh đem lại cho người
thưởng thức cảm giác vừa giòn vừa dai của cái chất bột lọc đặc trưng của
Huế, cảm giác sần sật của những cọng dừa non, vừa có cái ngầy ngậy béo
của nhân đậu xanh, hương thơm dịu nhẹ của lá dứa và có cái vị ngọt thanh
mát của đường cát trắng.
Sau khi bánh được vào khuôn, cứ một lớp bột đã được giáo kĩ với đường
và dừa, một lớp đậu xanh và trên cùng lại một lớp bột như thế, bánh sẽ
được đem hấp chín. Đây cũng là công đoạn đòi hỏi người làm bánh phải chú
ý, không để bánh chín qua hay còn sống mà phải tính toán thời gian làm
sao để bánh vừa chín tới khi bột trong, nhìn thấy ẩn hiện lớp nhân màu
vàng mà không nhão nước, bánh vẫn có độ giòn là đạt. Sau khi hấp bánh
mới đậy khuôn bằng lá dừa lên trên để đảm bảo màu xanh của lá vẫn được
giữ nguyên.
Ngày nay khi đời sống người dân đã có nhiều thay đổi, các lễ vật ngày
cưới cũng vì thế mà thay đổi theo nhu cầu nhưng có lẽ một mâm quả bánh
phu thê với ý nghĩa của nó cũng không thể nào thiếu được. Tuy nhiên để
đáp ứng nhu cầu của khách, nhiều hiệu làm bánh đã thay đổi đôi chút về
kiểu dáng truyền thống của bánh như khuôn bánh đa dạng mẫu mã hơn, cách
trình bày có khác đi nhưng bánh vẫn luôn giữ được cái hương vị đặc trưng
vốn có của chiếc bánh mang nhiều ý nghĩa này.
Bánh phu thê Huế không chỉ có mặt trong các mâm quả cưới với ý nghĩa
kết duyên vợ chồng, trăm năm hạnh phúc mà còn là món quà mang đậm dấu ấn
phong tục cũng như bàn tay khéo léo của của người phụ nữ Huế đã đang và
sẽ tiếp tục theo chân nhiều du khách yêu thích hương vị ẩm thực của đất
cố đô.
Theo Hạnh Minh (TRT)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire