Kính thưa Độc giả các Diễn Đàn,
Kính thưa qúy vị thích làm thơ,
Bài “Đường thi, Một vài...” của anh Minh Di biên soạn, Tạp Chí Dân Văn cho đăng tải, để, trước hết gởi đến qúy độc giả bốn phương, và riêng tặng qúy vị thích làm thơ, đâu đó đăng tải trên báo in, trên các Diễn Đàn...
Ngược giòng Lịch Sử, chúng ta đã xử dụng tiếng Hán làm ngôn ngữ chung cho cả nước, bao nhiêu “trước tác” của cha ông viết bằng Hán văn, chữ Nho chỉ được ngưng không dùng nữa mới đây thôi...
Nếu nghiên cứu về văn học nước nhà là phải bao gồm các tác phẩm viết bằng tiếng Hán, phải thông thạo Hán Tự. Bản “BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO” nổi tiếng của Nguyễn Trãi viết bằng ngôn ngữ nào?
Trong “luật chơi”, nhất là về lĩnh vực “Thơ văn” mà luật của thể THƠ ĐƯỜNG là khó nhất đối với các thi nhân, ông cha ta ngày trước lại rất ưa chuộng thể thơ này, thường dùng để “đối ẩm” với nhau.
Bài viết này khá dài, TCDV chia ra thành nhiều kỳ, như thường lệ, qúy vị nào cần trọn bài, xin liên lạc với TCDV, chúng tôi sẽ gởi đến hầu qúy vị.
Trân trọng.
Germany, 01.05.2014
(Ngày này 34 năm trước, 01.05.1980, cả gia đình chúng tôi được con tàu CAP ANAMUR của Đức vớt ngoài biển Đông khi đi tìm Tự Do, thoát khỏi chế độ độc tài, dã man của bọn CSVN)
- Điều Hợp Viên DĐ Ngôn Ngữ Việt,- Chủ Nhiệm TCDV.
LÝ TRUNG TÍN
------------------------------
Đường thi, Một vài...
01 – 72 (78).
(KỲ 4)
+ Tây giang. Nghĩa là Sông lớn từ phía Tây chảy tới, nhưng tiếng này cũng được dùng để phiếm chỉ Đại giang - tức Trường giang, giòng sông lớn nhất Trung Quốc.
Sách “Trang Tử” viết:
~ Trang Chu gia bần, cố hành thải túc ư Giám Hà Hầu, Giám Hà Hầu viết:
- Nặc, ngã tương đắc ấp kim, tương thải tử tam bách kim, khả hồ?
Trang Chu phẫn nhiên tác sắc viết:
- Chu tạc lai, hữu trung đạo nhi hô giả, Chu cố thị, xa triệt trung hữu phụ ngư yên, Chu vấn chi viết:
- Phụ ngư lai, tử hà vi giả gia?
Đối viết:
- Ngã Đông hải chi ba thần dã, quân khởi hữu đấu thăng chi thủy nhi hoạt ngã tai?
Chu viết:
~ Nặc, ngã thả Nam du Ngô, Việt chi vương, kích Tây giang chi thủy nhi nghinh tử, khả hồ?
Phụ ngư phẫn nhiên tác sắc viết:
- Ngô thất ngã thường dữ, ngã vô sở xử, ngô đắc thăng đấu chi thủy nhiên hoạt nhĩ, quân nãi ngôn thử, tằng bất như tảo sách ngã ư khô ngư chi tứ!
~ Trang Chu nhà nghèo cho nên đi mượn thóc nơi Giám Hà Hầu, Giám Hà Hầu nói:
- Được, chờ tôi thu được tiền trong ấp tôi sẽ cho ông mượn 300 tiền vàng, được không?
Trang Chu sa sầm nét mặt nói:
- Hôm qua (Trang) Chu tôi đi tới đây giữa đường nghe có tiếng kêu, Chu tôi day lại nhìn thì thấy trong lõm của dấu bánh xe có con cá chép vàng, Chu tôi hỏi:
- Này cá chép, ngươi làm sao vậy?
Cá trả lời:
- Tôi là bề tôi làm sóng của biển Đông, ông có 1 đấu hay 1 thăng nước nào cứu tôi không?
Chu tôi nói:
- Được, bây giờ (ngươi chờ) ta đi qua phía Nam gặp Vua các đất Ngô, Việt để ngăn nước sông chảy về Tây (cho chảy tới đây) đón ngươi (về Biển Đông), có được chăng?
Cá chép sa sầm nét mặt nói:
- Tôi mất CÁI thường cùng ở với tôi, tôi mất đi chỗ ở, có được 1 thăng hoặc 1 đấu nước là tôi sống rồi, (bây giờ) ông lại nói như vậy thì chi bằng ông sớm tới kiếm tôi ở tiệm cá khô!
[Phụ chú.
+ Thải túc ư Giám Hà Hầu, chữ Thải có nghĩa là mượn mà phải trả một phân lời nào đó].
Vương Kỳ chú thích bài thơ “Dạ bạc Ngưu Chử hoài cổ” như sau:
~ Thái Bạch “Ngưu Chử Tây giang dạ” chi thiên giai văn tòng, tự thuận, âm vận khinh tương, bát cú giai vô đối ngẫu.
Triệu Hoạn Quang viết:
– Luật bất thủ Đối, như Lý Bạch “NGƯU CHỬ TÂY GIANG DẠ” vân vân, Mạnh Hạo Nhiên “Quải tịch Đông nam vọng” vân vân, nhị thi vô nhất cú chúc Đối nhi điệu tắc vô nhất tự bất Luật, cố điệu Luật tắc Luật, chúc đối phi Luật dã!.....
Dương Dụng Tu vân:
- Ngũ ngôn luật bát cú bất đối, Thái Bạch, Hạo Nhiên hữu chi, nãi thị bình trắc ổn niêm Cổ thi dã.
Dương mậu dĩ Đối vi Luật, dịch thiển chi hồ quan Luật hĩ!
Cổ thi tại cách dữ ý nghĩa, Luật thi tại điệu dữ thanh vận, như tất thủ đối tắc Lục triều toàn đối giả, chính tự đa dã, hà bất tức hô Luật thi hồ?
Luật thi chi danh khởi ư Đường, Luật thi chi pháp nghiêm ư Đường, vị khởi vị nghiêm ngẫu nhiên tác đối, tác giả, quan giả thận vật dĩ thử trì tâm, phương năng đắc nhất ĐẠI tác dụng chi chỉ.
Vương Nguyễn Đình viết:
- Thử thi Sắc, Tướng câu không, chính như linh dương quải giốc, vô tích khả cầu, Họa gia sở vị “dật phẩm” giả dã!
~ Bài “Ngưu Chử Tây giang dạ” của Thái Bạch văn từ êm xuôi, âm vận du dương, cả 8 câu không có câu đối nào.
Triệu Hoạn Quang nói:
- Luật thi không có câu Đối, như bài “NGƯU CHỬ TÂY GIANG DẠ.....” của Lý Bạch, bài “Quải tịch Đông nam vọng.....” của Mạnh Hạo Nhiên, 2 bài thơ không có 1 Câu đối nào nhưng nói về (thanh) điệu thì không 1 chữ nào mà không hợp Luật, do đó (thanh) điệu hợp Luật thì đây là Luật, câu đối không phải là (cái làm nên) Luật....
Dương Dụng Tu nói:
- Ngũ ngôn bát cú Luật thi mà không có đối, Thái Bạch, Hạo Nhiên có, đây là Cổ thi có niêm bằng trắc ổn thỏa.
Dương (Dụng Tu) đã sai lầm khi cho rằng đối ngẫu là Luật (của Luật thi), đây cũng là nhận định thiển cận trong quan niệm về Luật thi!
Cổ thi (cốt lõi) là ở cách và ý nghĩa, Luật thi (cốt lõi) ở điệu và thanh vận, nếu như cứ lấy đối là Luật thì (thơ) thời Lục triều (có những bài) toàn đối cũng nhiều, thế thì tại sao không gọi đây là Luật thi?
Danh xưng “Luật thi” khởi đi từ thời Đường, những qui định về Luật thi nghiêm nhặt ở thời Đường, lúc chưa bắt đầu, chưa nghiêm nhặt ngẫu nhiên mà làm câu đối trong thơ thì tác giả, thì độc giả cần thận trọng, đừng chấp chặt việc này trong ý nghĩ, có như vậy mới hiểu được ý hướng trong hành vi của một THỜI ĐẠI.
Vương Nguyễn Đình nói:
- Bài thơ này Sắc, Tướng đều Không, chính như dê núi móc sừng cành cây, không có dấu để có thể lần tìm được, như điều Họa gia gọi là “dật phẩm”!
(Minh Di:
Dương Dụng Tu tức Dương Thận (1488 - 1559), Văn học gia triều Minh, Dụng Tu là tên Tự của ông. Lời bình của Dương Thận dẫn ở đoạn trên ghi trong tập:
Thăng Am Thi Thoại (升菴詩話). Qu. II. Ngũ ngôn Luật bát cú bất đối.
Câu “Ngũ ngôn Luật bát cú bất đối, Thái Bạch, Hạo Nhiên hữu chi” ở đoạn trên đã trích dẫn thiếu chữ “tập” sau 2 chữ “Hạo Nhiên”. “Tập” đây tức “Thi tập”.
LỤC TRIỀU là danh xưng chỉ 6 triều đại cùng định ĐÔ tại cùng 1 địa phương, hoặc cùng ở một khoảng không gian nào đó.
Lục Triều phân Nam Lục Triều và Bắc Lục Triều.
1). Ngô (222 - 280). Đông Tấn (317 - 420).
Tống (420 - 479). Tề (479 - 502). Lương (502 - 557). Trần (557 - 589).
6 triều trên đây đều định ĐÔ tại Kiến Khang nên được gọi là LỤC TRIỀU.
Kiến Khang tức Thị xã Nam Kinh hiện nay.
Đây là “Nam Lục triều”, vì Kiến Khang ở bên đây Trường giang, tức ở mạn Nam Sông.
2). Ngụy (220 - 265). Tây Tấn (265 - 317). Hậu Ngụy - còn gọi Bắc Ngụy (386 - 534).
Bắc Tề (550 - 577). Bắc Chu (557 - 581). Tùy (581 - 618).
6 triều đại kể trên đều kiến lập Kinh Đô ở phương Bắc Trung Quốc, vì vậy cũng được gọi là Lục Triều. Đây là “Bắc Lục Triều”, vì 6 triều đại này ở mạn bên kia Trường Giang.
Sau này, khi nói “Văn học Lục triều”, “Thư pháp Lục triều”…... thì tất cả những điều này kiêm chỉ Nam Lục Triều lẫn Bắc Lục Triều.
Vương Nguyễn Đình, tức Vương Sĩ Trinh (1634 - 1711); Nguyễn Đình là tên Hiệu. Ông còn có Biệt hiệu là Ngư Dương, và Học giới, Thi giới thường gọi ông qua Biệt hiệu này.
Vương Ngư Dương ngoài là một học giả còn là một thi nhân thanh danh rất lớn, đứng đầu Thi đàn đương thời suốt mấy chục năm lúc ông tại thế).
Câu “linh dương quải giốc” là một Câu rất thường thấy trong các “Ngữ Lục” Thiền tông, ý nói không tìm cầu, câu chấp vào ngôn ngữ văn tự để đạt giác ngộ.
Tóm lại về trường hợp “vô đối” trong Luật thi.
Tập “Thương Lương Thi Thoại” nói:
~ Hữu Luật thi triệt thủ vĩ bất đối giả.
~ Có Luật thi từ đầu tới đuôi không có câu đối nào.
Chú thích câu trên, Quách Thiệu Ngu viết:
~ Mạo Xuân Vinh “Thậm Nguyên Thi Thuyết”, Quyển nhất:
- Luật thi hữu toàn thủ câu đối giả - Lão Đỗ đa thử thể; hữu toàn thủ câu bất đối giả - Thái Bạch đa thử thể.
Giai thuộc biến cách, hoặc gián xuất nhi dụng chi.
~ Mạo Xuân Vinh, “Thậm Nguyên Thi Thuyết”, Quyển I:
LUẬT THI có toàn bài các câu đều đối – Đỗ Phủ có nhiều Bài thơ làm theo Thể này; có toàn bài không đối – Thái Bạch có nhiều Bài thơ làm theo Thể này.
Tất cả (những Bài này) đều là biến cách, có người thỉnh thoảng cũng dùng thể này.
Với 2 câu “Dư dịch năng cao vịnh, Tư nhân bất khả văn” Lý Bạch ý nói rằng thơ của mình cũng rất hay (cao vịnh) nhưng lúc này không có người nghe, thưởng thức.
Tổng kết về Đối.
Lược một vài điểm về đối trong Luật thi.
(1). Đối Câu.
(a). Số lượng câu Đối.
Trong một bài Bát cú, 8 câu, theo qui định ban đầu của Luật thi, có 2 cặp đối là các cặp 3 / 4 và 5 / 6.
Sau đó, các tác gia lớn như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên…. đã biến qui định này để rồi một bài Luật thi có thể không có một câu đối nào hết, như các bài:
~ “Chu trung hiểu vọng” của Mạnh Hạo Nhiên.
~ “Dạ bạc Ngưu Chử hoài cổ” của Lý Bạch.
Có thể có 3 câu đối, như bài “Ký Bùi Ngộ viên ngoại” của Trịnh Cốc.
Có thể toàn bài thơ đều đối, tức có 4 cặp đối, như bài “Đăng cao” của Đỗ Phủ.
(b). Vị trí câu đối.
Câu đối theo qui định Luật thi là 2 cặp: câu 3 / 4 và 5 / 6.
Thế nhưng với thể thức “Thiển đối”, còn gọi “Cách cú đối”, vị trí các cặp đối có thể là: ~ Cặp 1 / 3 và 2 / 4.
Như bài “Ký Bùi Ngộ viên ngoại” (Toàn Đường Thi. Qu. DCCLXXVI) của Trịnh Cốc.
~ Cặp 3 / 4 và 7 / 8 – chẳng hạn 2 bài Luật thi của Đỗ Phủ:
~ “Lạp nhật” (Đỗ Thi Kính Thuyên. Qu. IV).
~ “Văn quan quân thu Hà Nam Hà Bắc” (Đỗ Thi Kính Thuyên. Qu. IX).
(2). Đối Chữ.
Đối ở đây chỉ là một vài chữ đối nhau, hoặc nằm trong một câu, hoặc ở 2 câu.
(a). Đối chữ dựa trên Văn tự học.
Thể thức này hoặc mượn chữ Giá tá của Văn tự học, hoặc mượn chữ đồng âm.
Chỉ có thể thức Tá đối, hoặc còn gọi là Giả đối.
(b). Vị trí của chữ đối trong câu.
Gồm có Đương cú đối – hay Tựu đối, các chữ đối trong cùng một câu, Tha đối – hay Giao cổ đối, các chữ ở 2 câu liền nhau.
Chữ là thành phần của Câu, đối câu là nói tổng quát, đối chữ là nói chi tiết.
Thơ là Nhạc, là điệu, là thanh vận, do đó, dầu đối Chữ, dầu đối Câu thì Đối Thanh, tức đối bình / trắc vẫn bao quát hết.
Về cặp đối trong thơ, Hồ Chấn Hanh viết:
~ Phàm thi đối hạ cú bất phương thắng thượng cú, cổ nhân sở vân ngâm vịnh tư vị lưu ư hạ cú, thị dã.
/ Đường Âm Quí Thiêm. Qu. IV. Pháp vi 3 /.
~ Nói chung trong thi đối câu dưới (nếu) có hay hơn câu trên cũng không sao, cổ nhân nói ý vị của ngâm vịnh rơi vào câu dưới là vậy.
[Minh Di:
Trong cặp đối, câu trên luôn luôn tận cùng với 1 chữ thanh trắc, câu dưới bao giờ cũng tận cùng với 1 chữ thanh bằng, do đó câu dứt nhưng dư âm chưa dứt....
Nếu như câu dưới tận cùng với thanh trắc âm hưởng rồi tắt ngang, khựng lại /.
Đây là bản chất tự nhiên của âm thanh khiến nên như vậy!
Không phải chỉ trong Thơ mới có Đối mà trong văn cũng có Đối, như trong thể Phú, và trong thể văn gọi là Biền văn (駢文)....
Ngoài ra, người Trung Hoa rất ưa làm câu đối, trong sinh hoạt xã hội, có dịp nào là họ làm câu đối, trong những việc, như đám cưới, đám ma, buôn bán.... ở mọi nơi, mọi chỗ như trà đình, tửu quán, đình đài, lâu các........ Trường hợp lâu các như 3 ngôi lầu được mệnh danh là “Giang Nam Tam Đại Danh Lâu” (3 ngôi lầu lớn nổi tiếng ở Giang Nam) Hoàng Hạc Lâu [Hồ Bắc], Nhạc Dương Lâu [Hồ Nam], Đằng vương Các [Giang Tây] là những thí dụ rõ nhất.
Có một số người sưu tập Câu đối rồi tự ấn hành, hoặc được người khác in.
Chẳng hạn cuốn Doanh Liên Tùng Thoại đời Thanh gồm 5 tập:
Doanh Liên Tùng Thoại. Doanh Liên Tục Thoại. Doanh Liên Tam Thoại.
Lương Chương Cự (1775 - 1849) sưu tập.
Doanh Liên Tứ Thoại.
Lương Cung Thần (Thìn) (? - ?) sưu tập
Doanh Liên Tân Thoại.
Chu Ứng Hạo (? - ?) sưu tập.
[Trung Hoa Thư Cục (TQ). 1987 / Sơ].
Cũng có một số cuốn sưu tập Câu đối của những người bây giờ, như:
Tôn Bảo Long, Cổ Kim Đối Liên Tùng Đàm.
[Giang Tô Cổ Tịch Xuất Bản Xã, 1984 / Khuyết].
Phạm Thúc Hàn, Trung Quốc Đích Đối Liên.
[Tân Thời Đại Xuất Bản Xã (ĐL) / Không ghi năm xuất bản].
Có những câu đối có tác giả, rồi lại có những câu đối không biết của ai – trong số này có những câu hay, như Lương Thiệu Nhâm (? - ?) đời Thanh ghi lại 1 câu đối trong tập Tùy bút của ông:
~ Hựu đại đạo biên Trà đình nhất đối vân:
Tứ Đại giai không, tọa phiến khắc, vô phân nhĩ ngã,
Lưỡng đầu thị lộ, khế nhất trản, các tự Đông Tây.
~ Và ở một Quán Trà bên đường lớn có một câu đối:
Bốn Đại đều không, nán phút chốc, không phân khách, chủ,
Hai đầu cũng lộ, uống một chén, tự rẽ Đông, Tây.
[III]. LUẬT THI (律詩).
Luật thi đã chớm từ buổi đầu triều Đường (618 - 907), thời kỳ Sơ Đường, trong khoảng các Niên hiệu Trinh Quan (627 - 649) – Vĩnh Huy (650 - 655) trở đi.
Thời kỳ này đã có thể thấy trong thơ của những thi nhân Lư Chiếu Lân [630 - ~ 695] - Lạc Tân Vương [~ 640 - ~ 684] - Vương Bột [647 - 675] - Dương Quýnh [650 - 693 ®] một khuynh hướng đi dần tới sự thành lập những qui luật về thanh vận.
Và rồi trong thời kỳ này Thẩm Thuyên Kỳ [~ 656 - ~ 716], Tống Chi Vấn [~ 656 - 712] là 2 thi nhân đầu tiên lập nên nền tảng của Luật thi.
Tới kỳ Thịnh Đường, trong 2 Niên hiệu Khai Nguyên (713 - 741), Thiên Bảo (742 - 756) Luật thi đã hoàn chỉnh.
Thời kỳ Trung Đường, các Niên hiệu Đại Lịch (766 - 779) – Trinh Nguyên (785 - 805).
Thời kỳ Vãn Đường, các Niên hiệu Nguyên Hòa (806 - 820) – Khai Thành (836 - 840).
Ở đây tôi không nói về Luật thi, bằng bằng, trắc trắc.... cái Luật mà bất cứ người nào làm thơ Đường luật cũng có thể biết được, cũng có thể dễ dàng tìm đọc được trong các sách giáo khoa trước đây. Luật này rồi chỉ là căn bản để làm thơ Đường luật, mà không phải là tất cả.
Luật thi đã chớm từ Sử gia Thẩm Ước (441 - 513) thời Lương (502 - 557).
Về thi ca Thẩm Ước có khuynh hướng “cách luật hóa” thơ, đưa ra thuyết “Tứ thanh” và nêu lên các vấn đề như “bát bệnh”, “song thanh điệp ngữ”.... trong thi ca.
Thế nhưng, thuyết của Thẩm Ước cũng chưa hoàn chỉnh.
Tới sơ kỳ Đường triều thì Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn chính thức lập nền tảng cho Luật thi, để cách luật hoàn bị ở kỳ Thịnh Đường.
Luật thi thành từ những thi nhân lớn như Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn nhưng cũng chính những thi nhân lớn như Vương Duy, Đỗ Phủ.... đã ít nhiều thay đổi nó ở một số phương diện, và sự thay đổi nào cũng có qui luật của nó, không có thay đổi vô qui củ.
Đọc thơ của Vương Duy, Đỗ Phủ.... nếu nhận xét chúng ta sẽ nhận ra được qui củ của những thay đổi đó.
Những thay đổi này chủ yếu được thể hiện qua 3 phương diện:
(1). Thay đổi về Thanh luật.
Tức thay đổi về Niêm luật bình, trắc của thơ.
(2). Thay đổi về bố cục.
Thay đổi về đối ngẫu trong thơ, về cả 2 mặt lượng và vị của các đối liên (cặp đối).
Số lượng cặp đối ngẫu, với sự thay đổi này, rồi bất định, không nhất thiết là 2 cặp trong một bài Bát cú, mà có thể:
(a). Không có câu đối nào.
(b). Có thể là 2 câu, thế nhưng vị trí của đối liên không nhất thiết là cặp 3 / 4 và 5 / 6 như lệ thường, như trường hợp “Thiển đối” – hoặc còn gọi là “Cách cú đối”.
(c). Có thể là 3 cặp đối, hoặc toàn đối với 4 cặp đối – như bài “Đăng cao” của Đỗ Phủ.
(3). Thay đổi số câu của bài thơ.
Tức “Tiểu luật thi”, với bài thơ chỉ có 6 câu.
Tác gia, học giả các thời đã tự thuật rất nhiều, luận không ít về những Bài thơ biến thể đề cập ở đây – nhờ đó mà chúng ta rõ được những nguyên tắc, những Thể lệ, các thi nhân lớn đã vận dụng khi thay đổi những qui định của Luật thi.
Và cũng cần thêm ở đây là, những bài thơ biến thể này cũng đã được thi nhân, học giả các thời xếp vào thể Luật thi. Các bài như “Đăng cao”, “Mộ qui” của Đỗ Phủ, cũng như các bài “Chu trung hiểu vọng” của Mạnh Hạo Nhiên, “Dạ bạc Ngưu Chử hoài cổ”… của Lý Bạch dầu rằng “phá thể” thế nhưng trong những tuyển tập bình Đường thi của các học giả như Vương Phu Chi (1619 - 1692) trong tập “Đường thi Bình Tuyển” - và như thi nhân Thẩm Đức Tiềm (1673 - 1769) trong “Đường thi Biệt Tài Tập”……, đều được xếp vào mục những bài Luật thi.
Sau đây là những nguyên tắc, những Thể lệ đó.
(1). Thay đổi về Thanh luật.
(a). Thất ngôn bát cú biến thể.
Chiết yêu thể (折腰體). Áo thể thi (拗體詩).
Về loại “Thất ngôn biến thể” này, Hồ Tử (? - ?) thời Nam Tống (1127 - 1279) viết:
~ Điều Khê Ngư Ẩn viết:
Luật thi chi tác, dụng tự bình, trắc, thế cố hữu định thể, chúng cộng thủ chi. Nhiên bất nhược thời dụng “Biến thể”, như Binh chi xuất kỳ, biến hóa vô cùng, dĩ kinh thế hãi mục. Như Lão Đỗ thi vân:
Trúc lý hành trù tẩy ngọc bàn / Hoa biên lập mã tốc kim an.
Phi quan sứ giả trưng cầu cấp / Tự thức tướng quân lễ số khoan.
Bách niên địa tịch sài môn huỷnh / Ngũ nguyệt giang thâm thảo các hàn.
Khán lộng ngư chu di bạch nhật / Lão nông hà hữu khánh giao hoan. (*).
Thử Thất ngôn Luật thi chi biến thể dã!
~ Điều Khê Ngư Ẩn nói:
Sáng tác Luật thi thì việc dùng chữ bằng, chữ trắc người ta vốn có thể lệ nhất định, mọi người đều tuân theo. Thế nhưng, chẳng bằng đôi lúc dùng “Biến thể”, cũng như trong Binh pháp dùng kỳ binh (chế ngự đối phương), biến hóa không cùng, làm cho người phải kinh ngạc, lạ lùng. Như thơ của Lão Đỗ viết:
Trúc lý hành trù tẩy ngọc bàn / Hoa biên lập mã tốc kim an.
Phi quan sứ giả trưng cầu cấp / Tự thức tướng quân lễ số khoan.
Bách niên địa tịch sài môn huỷnh / Ngũ nguyệt giang thâm thảo các hàn.
Khán lộng ngư chu di bạch nhật / Lão nông hà hữu khánh giao hoan.
Đây là biến thể của Thất ngôn Luật thi.
[Minh Di.
(*). Nghiêm Công Trọng uổng giá thảo đường, kiêm huề tửu soạn, đắc Hàn tự.
Nghiêm công tức Nghiêm Vũ (726 - 765), từng là Tiết Độ Sứ ở Đông Xuyên, thuộc Đạo Kiếm Nam. [Đạo là đơn vị địa khu Hành chánh cao nhất thời Đường, như Tỉnh sau đó]. Năm 759, Đỗ Phủ vào làm việc trong trướng của Nghiêm Vũ.
Làm Luật thi hẳn ai cũng biết câu 5, câu 6 thất niêm. Các chữ thất niêm ghi màu đỏ.
Trong tập “Thương Lương Thi Thoại” Nghiêm Vũ (? - ?) đời Nam Tống (1127 - 1279) gọi loại Luật thi biến thể này là “Bát cú Chiết yêu”.
(Tham khảo:
Thương Lương Thi Thoại. Thi thể. 5)].
Sau đây là một bài Luật thi làm theo “Áo thể” của Đỗ Phủ.
Mộ qui (暮歸).
Sương hoàng bích ngô bạch hạc thê,
Thành thượng kích thác phục ô đề.
Khách tử nhập môn nguyệt kiểu kiểu,
Thùy gia đảo luyện phong thê thê.
Nam độ Quế thủy khuyết chu tập,
Bắc qui Tần xuyên đa cổ bề.
Niên quá bán bách bất xứng ý,
Minh nhật khán vân hoàn trượng lê.
[Đỗ Thi Kính Thuyên. Qu. XIX.
Đường Thi Biệt Tài Tập. Qu. XIV. Thất ngôn Luật thi].
[Chú thích.
Đây là một bài Luật thi làm theo Áo thể thi (拗體詩), lại xen lẫn Cổ thi.
Dương Luân (? - ?) đời Thanh (1644 - 1911) nói về thể cách của Bài “Mộ qui” như sau:
~ Thân Phù Minh viết: - Tác Áo thể thi tu hữu sơ tà chi trí, bất sam bất lý, như: “Khách tử nhập môn”, “nguyệt kiểu kiểu”, cập lạc nhật cánh kiến ngư tiều nhân, thoại xuất thiên nhiên, dục bất áo bất đắc.
Nhi thử nhất thủ Luật trung đới Cổ, khuynh cơ thác lạc, vưu vi nhập hóa.
~ Thân Phù Minh nói: - Làm thơ theo thể thức áo thể thì phải có cái ý vị trong việc sắp xếp cảnh chiều tà, không câu nệ tiểu tiết, như cảnh: “Khách tử nhập môn”, “Nguyệt kiểu kiểu”, và (những cảnh như) mặt trời lặn ngư phủ, tiều phu (trở về), với lời lẽ tự nhiên, những cảnh như vậy, không vận dụng thể áo giản không được.
Và bài thơ này trong Luật thi có lẫn Cổ thi, giao nhau siêu xuất, biến hóa tới cực độ.
Ở phía trên bài “Mộ qui” - ở phần lề trang, trong cuốn “Đỗ Thi Kính Thuyên”, Dương Luân dẫn lời Lư Đức Thủy nhận định về bài “Mộ qui” như sau:
~ Toàn thủ kiểu tú, vô nhất điểm bi sầu nhục khí, độc khứ như Trúc chi nhạc phủ, thất ngôn Luật trung tản tiên dã!
~ Toàn bài cao khiết, đẹp đẽ, không có điểm nào rầu rĩ, ham muốn, đọc lên nghe như (một) bài nhạc phủ Trúc chi từ, như bậc tiên nhàn nhã trong một bài Luật thi thất ngôn.
(Khi chú thích 1 câu văn, 1 câu thơ, hay 1 chữ.... người ta thường đặt những ghi chú này ở phần gọi là “cước chú”, ở cuối trang, nằm dưới một lằn kẻ phân cách. (cước = chân).
Người Trung Hoa lại có lối đặt những chú thích về một câu văn, một câu thơ.... ở phần trên đầu trang sách, tức ngược lại với lối gọi là “cước chú” nói trên).
Quách Mậu Tinh (? - ?) thời Nam Tống (960 - 1279) viết về xuất xứ điệu Trúc chi từ trong tác phẩm nghiên cứu Nhạc phủ trứ danh “Nhạc Phủ Thi Tập” (樂府詩集) như sau:
~ Trúc chi bản xuất ư Ba Du. Đường Trinh Nguyên trung, Lưu Vũ Tích tại Nguyên, Tương dĩ lý ca bỉ lậu, nãi y Tao nhân “Cửu Ca” tác “Trúc Chi” tân từ cửu chương, giáo lý trung nhi ca chi, do thị thịnh ư Trinh Nguyên, Nguyên Hòa chi gian.
Lưu Vũ Tích viết:
- Trúc chi, Ba Du dã, Ba nhi liên ca, xuy đoản địch, kích cổ dĩ phó tiết – Ca giả dương mế huy vũ, kỳ âm hiệp hoàng chung vũ, mạt như Ngô thanh hàm tư uyển chuyển, hữu Kỳ, Bộc chi diệm yên.
/ Nhạc Phủ Thi Tập. Qu.LXXXI. Cận đại Khúc từ 3. Trúc chi /.
~ Điệu Trúc chi vốn xuất từ điệu (múa) Ba Du. Trong khoảng Niên hiệu Trinh Nguyên, Lưu Vũ Tích ở vùng Nguyên, Tương, thấy ca khúc ở thôn xóm quê mùa, thô lậu, bởi vậy y theo điệu “Cửu Ca” của thi nhân Sở Từ mà chế điệu mới “Trúc chi” gồm 9 bài, dạy con nít trong làng ca, từ đó điệu mới này thịnh hành trong khoảng Niên hiệu Trinh Nguyên, Nguyên Hòa.
Lưu Vũ Tích nói:
- Điệu Trúc chi là điệu Ba Du, trẻ nít vùng Ba Thục nối nhau ca, thổi sáo ngắn, đánh trống đệm theo – kẻ hát phất tay áo, ngẩng mặt mà múa, giai điệu là cung VŨ, luật Hoàng Chung đoạn cuối như âm điệu của đất Ngô, ý tứ uyển chuyển, có vẻ diễm lệ của ca khúc các vùng sông Kỳ, sông Bộc.
Ba Du là điệu múa do Hán Cao tổ (256 - 195 tr. Cn; tại vị: 202 - 195) sai người chế tác.
Nguyên, Tương là tên 2 con sông ở tỉnh Hồ Nam. Cung VŨ tương đương cung fa của âm nhạc Tây phương. Sông Kỳ ở phía Bắc, sông Bộc ở phía Tây bắc tỉnh Hà Nam.
+ “Nhạc Phủ Thi Tập” nói Lưu Vũ Tích có 9 bài Trúc chi từ. “Văn tập” của Lưu Vũ Tích có 9 bài Trúc chi từ, trong khi tập “Toàn Đường Ngũ Đại Từ” (全唐五代詞) dẫn tất cả 10 bài.
3 bài Trúc chi từ của Lưu Vũ Tích:
Bạch Đế thành đầu xuân thảo sinh,
Bạch Diêm sơn hạ Thục giang thanh.
Nam nhân thượng lai ca nhất khúc,
Bắc nhân mạc thượng động hương tình.
(Lưu Tân Khách Văn Tập. Qu. XXVII. Nhạc phủ - Hạ. Kỳ nhất).
Cù Đường tào tào thập nhị than,
Thử trung đạo lộ cổ lai nan.
Trướng hận nhân tâm bất như thủy,
Đẳng nhàn bình địa khởi ba lan.
(Lưu Tân Khách Văn Tập. Qu. XXVII. Nhạc phủ - Hạ. Kỳ thất).
Dương liễu thanh thanh giang thủy bình,
Văn lang giang thượng xướng ca thanh.
Đông biên nhật xuất Tây biên vũ,
Đạo thị vô tình (晴) hoàn hữu tình (晴)? *
(Toàn Đường Ngũ Đại Từ. Qu. I. Chính biên. Đường từ).
Nghe chàng trên sóng tiếng ca vang.
Nói ấy trời quang hay chẳng quang? (Minh Di).
* Chữ 晴 ở đây có nghĩa là trời quang mây tạnh, đã hết mưa.
Cuốn “Điều Khê Ngư Ẩn Tùng Thoại. Hậu Tập” (Qu. XII. Lưu Mộng Đắc) vốn ghi là 情, có nghĩa là tình cảm, và câu “vô tình hoàn hữu tình” ghi là “vô tình dã hữu tình”.
Ấn bản hiện nay đã điều chỉnh lại chữ “tình” (晴) đúng nhưng câu này vẫn để chữ “dã” – có nghĩa là “hoặc là”.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire