Thưa quý anh chị,
Chúng ta hình như ai cũng có những người "Boss" trong gia đinh và ngoài xã hội cả nhỉ? Mời quý anh chị đọc tâm tình của SL về những vị "boss" này cho vui nhé. Smile!
Những Người "Boss" Trong Cuộc Đời
Chúng ta có nhiều người “boss” trong cuộc đời của chúng ta. Cũng đôi khi chúng ta cũng được làm “boss” người khác ít nhất là “Boss” của một người. Smile!
Có những người “Boss” suốt đời ta thương yêu kính trọng, nhưng cũng có những người Boss khi thấy mặt Boss là ta muốn chạy te, hoặc giả vờ kính trọng nhưng thật ra ta thấy khó chịu, khổ sở trong lòng một ít. Bạn có đồng ý với nguời viết chăng?
Đối với người viết, trong cuộc đời của tôi, có hai người Boss mà suốt đời tôi thương yêu kính trọng, đó là cha mẹ tôi dù hai vị này không phải là người cao sang danh vọng, có chức quyền, địa vị cao trong xã hội.
Ba tôi chỉ là một người tầm thường trong thìên hạ, không có cấp bằng đại học như lủ con cháu chúng tôi sau này, nhưng là người rất có uy quyền đối với chúng tôi. Mẹ của tôi là người luôn luôn tuân phục mệnh lệnh của ông, huống chi là chúng tôi. Một quyết định của ba tôi đưa ra, chúng tôi thường tuân hành răm rắp, ngay cả quyết định “chọn rễ đông sàng” của ông vì chúng tôi được giáo dục trong khuông mẫu giáo dục xưa là “áo mặc sao qua khỏi đầu”, là “con cãi cha mẹ là con bất hiếu”, là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Về sau này, ba tôi có vẻ “cấp tiến” hơn vì ông chấp nhận cho các em của tôi sau được quyền chọn lựa chồng, lựa vợ theo ý cuả các đương sự, tuy có lẻ ông cũng không hài lòng cho lắm, nhưng” thời thế, thế thời phải thế”, ba tôi không chấp nhận cũng không được! Còn ở bên Mỷ hiện tại thì quý vị con cháu lại là những ông bà boss trong nhiều lảnh vực và “con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy” cho yên chuyện.
Ba tôi dạy con rất nghiêm khắc, nhất là với đám con gái chúng tôi. Buổi chiều chị tôi mới đứng nói chuyện với một cậu con trai trước nhà, thế là tối hôm đó, chị tôi phải bị đòn liền vì dám nói chuyện với trai?
Năm tôi 16 tuổi hay 18 gì đó, tôi cũng bị ăn chổi lông gà vì cái tội dám cho phép tiệm chụp ảnh ở gần nhà tôi được chưng hình của tôi trong tiệm hình. Hồi nhỏ, ngườì viết không đẹp lắm nhưng nhờ có khuông mặt trái soan, có đôi mắt đen to, có cái sóng mũi cao như đầm lai, có cái miệng móm cười rất tươi nên chụp hình rất “manger photo” (ăn ảnh). Bởi thế, tiệm chụp hình mới xin hình tôi chụp ở tiệm đó để chưng lên làm mẫu. Mấy bà hàng xón không hiểu “tốt bụng” hay “xấu bụng” bèn đi mét với ba tôi khi thấy hình tôi chưng trong tiệm. Thế là tối hôm đó, tôi bị ba tôi đánh cho một trận trên bộ ván gổ ở nhà bếp với cây chổi lông gà to tổ bố. Ông vừa nhịp nhịp cây chổi lông gà, vừa giảng “moral” là con gái phải thế này, thế nọ mới là con nhà lễ giáo! Nếu là ở Mỹ, con cái bị ba mẹ đánh đòn như thế, nhà hàng xóm, nếu thấy được, sẽ gọi phone số 911 để báo cáo ngay là cái chắc vì đã phạm tội “ngược đãi trẻ con”. Chua choa ơi! Sau trận đòn đó, tôi không dám chụp hình ở gần nhà nữa, mà phải đi chụp hinh ở những tiệm hình mà ba tôi quen biết hoặc đi chụp hình ở nơi xa để ông không biết.
Tuy ba tôi dạy con nghiêm khắc như thế nhưng ông lại thương yêu người viết hết mực. Mỗi lần tôi thi Trung học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài I, Tú Tài II, ba tôi thấy tôi ốm nhom ốm nhách mà phải thức khuya học bài, sợ không đủ sức rồi sẽ mang bịnh, ba tôi đã phải gọi y tá đến chích thuốc bổ B1, B12 cho tôi hằng ngày để tôi có đủ sức gạo bài. Mỗi lần tôi thi đậu là mỗi lần ba tôi đãi tiệc tưn g bừng ở quán thịt bò bảy món Ánh Hồng. Ba tôi mời hết thân nhân và bạn bè của tôi đến tham dự cho vui.
Tôi được thừa hưởng sở thích yêu văn thơ của ba tôi nên bây giờ tôi mới có thể viết văn làm thơ lai rai cho vui với đời một tí tị. Ba tôi là “ông Boss” quan trọng mà tôi suốt đời kính phục.
Khác hẵn với ba tôi, mẹ tôi là một “Bà Boss” hiền hòa, từ ái. Mẹ tôi không bao gìờ đánh đòn chúng tôi cả mà lại còn binh vực chúng tôi hết mình mỗi khi chúng tôi bị ba tôi đánh đòn. Mẹ tôi suốt cuộc đời sống nhẫn nhục, hy sinh cho chồng cho con và làm gương sáng về lòng nhân ái, thương yêu mọi người mọi vật. Chính mẹ tôi đã bảo chúng tôi phải đi xuống sông Cầu Kiệu đổ hết rổ nghêu ốc mà chúng tôi mua về để luộc ăn. Không bao giờ mẹ tôi giết gà vịt, cua cá còn sống ở nhà. Bà thường dạy chúng tôi không được sát sinh loài vật dù bé nhỏ như con kiến con trùng, phải biết làm việc lành tránh việc ác. Mỗi năm vào ngày Rằm Tháng Bảy Vu Lan, mẹ tôi nấu một nồi kiểm chay to tướng rồi múc biếu tặng hết bà con trong xóm hoặc tặng gạo cho những người nghèo ở chùa Giác Tâm gần nhà tôi. Mẹ tôi thường dẫn chúng tôi đi chùa lễ Phật nghe giảng kinh của các Thầy Thiện Hòa, Thiện Hoa, Huyền Vi v..v.. Mẹ tôi là đức Mẹ Maria hay là Quan Âm thị hiện đối với chúng tôi.
Chúng tôi may mắn được sống trong sự thương yêu và đạo đức của cha mẹ tôi. Chị em chúng tôi lúc nào cũng nhớ lời dạy bảo của ba mẹ tôi nên cố gắng tu tập làm việc thiện lành, tránh làm việc ác cho nên chúng tôi mới được hưởng phúc lành như ngày hôm nay. Cha mẹ tôi là hai người Boss mà suốt đời chúng tôi kính trọng, thương yêu là thế đó.
Khi ra đời làm việc, bạn và tôi sẽ phải gặp những ông Boss nơi sở làm. Chính những ông boss này đã làm bạn vui buồn không ít trong cuộc đời.
Khi vừa mới ra trường HVQGHC vào năm 1967, người viết mặc dầu học về ban kinh tế tài chính nhưng lại chọn Bộ Xã Hội để làm việc thay vì Bộ Kinh Tế hay Bộ Tài Chánh bởi vì người viết thích sinh hoạt trong lảnh vực xã hội.
Chàng (Nàng) tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” kia ra trường mới vừa 22 tuổi nên mang rất nhiều hoài bảo, giúp dân giúp nước với kiến thức học ở trường học. Nhưng khi ra đời đi làm, nàng mới biết rằng có những bài học mà chỉ có trường đời mới dạy cho mình phải xử thế như thế nào cho hợp lý hợp tình.
Vào thời điểm này chiến cuộc tại miền nam Việt Nam gia tăng nên Bộ Xã Hội phải tổ chức lại các Nha, Sở để đáp ứng với nhu cầu tình thế. Đứng đầu các nha sở quan trọng là những vị sĩ quan bên quân đội được biệt phái về làm Giám Đốc thay vì phải là những vị tốt nghiệp QGHC chuyên về hành chánh. Ông Boss trực tiếp của người viết là một vị Đại Tá, người miền Nam, tính tình rất nóng nảy, ưa la hét um sùm, đôi khi lại thích xổ Nho, nói tiếng Đức nữa chứ! Xin lỗi quý vị sĩ quan nhà binh nhé vì không phải vị sĩ quan quân đội người miền Nam nào cũng thế đâu. Nếu là người có tính khí nóng nảy thì dù anh là dân miền Bắc, miền Trung, miền Nam thì tính khí nóng nảy vẫn là nóng nảy, khác nhau ở chỗ là mức độ nóng nảy mà thôi. Smile!
Trong phạm vi khả năng, quyền hành và chức vụ của tôi ở cấp trung ương, tôi đã giải quyết nhanh chóng mọi yêu cầu giúp đỡ các nạn nhân chiến cuộc ở địa phương qua các tờ trình báo cáo của các trưởng ty xã hội địa phương để các nạn nhân sớm lảnh được tiền cứu trợ
Cộng tác với người viết là hai vị chủ sự người miền Bắc vào tuổi trung niên, ăn nói rất lịch sự, văn hoa trong khi người viết là một phụ nữ người miền Nam trẻ tuổi, 26 tuổi được bổ nhiệm vào chức vụ điều hành Sở Trợ Cấp gồm 2 phòng với hơn 20 nhân viên. Có lẻ nhờ sự thương yêu của các cộng sự viên của tôi mà mọi việc nơi sở của chúng tôi tiến hành rất tốt trong nhiệm vụ cứu trợ các nạn nhân chiến cuộc. Trong khi đó, bên cạnh tôi là Sở Công Tác lo về việc đìều hành và phân phối cán bộ đi đến công tác tại các địa điểm xãy ra pháo kích, tại nạn do chiến cuộc gây ra. Tôi thường nghe các cán bộ than phiền thường bị ông Giám Đốc nhà binh này chửi mắng um sùm, đôi khi còn chữi tiếng Đức nữa đấy! Trời đất! Rất có thể tôi là cấp chỉ huy phụ nữ nên chưa lần nào người viết được nghe những lời không đẹp từ ông Giám Đốc boss trực tiếp này. May quá!
Đôi khi tôi phải xin nghĩ phép một hai ngày vì bị bịnh. Khi đi làm lại, hai vị chủ sự của tôi đã báo cáo với tôi rằng họ đã bị ông Giám Đốc này kêu lên văn phòng xài xể và bị la hét um sùm với tiếng Đức trong thời gian tôi vắng mặt vì một lỗi lầm không quan trọng. Dĩ nhiên lúc đó người viết tức giận vô cùng vì nghĩ rằng ông giám đốc nhà binh này đã sỉ nhục hai vị chủ sự phòng của tôi cũng tức là sỉ nhục tôi luôn vì tôi là xếp của hai vị chủ sự này. Tôi không còn biết kiêng nể vị đại tá này nữa, nên tôi đã vào tận văn phòng vị giám đốc này đòi xin từ chức, nếu ông không xin lỗi tôi. Lúc đó đôi mắt phượng của tôi có lẻ đã trợn trừng lên không còn dịu hiền như thường ngày nữa nhỉ? Nội vụ được đưa lên ông Boss lớn hơn để giải quyết và cuối cùng vị boss giám đốc sĩ quan quân đội này phải xin lỗi người viết vì ông đã có nhiều thành tích chửi bới nhân viên, trong khi người viết lại được thượng cấp quý yêu vì đã làm việc rất tốt và có tác phong của một nhà hành chánh hơn. Sau đó chúng tôi đã cộng tác làm việc vui vẻ cho đến khi ông giám đóc nhà binh này trở về quân đội như cũ.
Rồi vận nước đổi thay, sau 1975 tôi lại được đi làm ở một xí nghịệp may gia công trong vòng hai năm với những ông boss mới, mà thật tình tôi không biết nói sao về tài năng lảnh đạo của quý vị boss này. Tôi phải “giả dạng tiều phu”, nín thở qua sông xem như không biết, không nghe, không nói gì hết trong thời gian tìm đường qua Mỹ để khỏi bị bực mình và khỏng còn phải sợ hãi mỗi ngày nữa.
Nói đến cái sợ, người viết nhớ đến mẫu chuyện thiền ngắn ngắn dưới đây trong khi tìm ý viết tiếp về các người boss khác để hầu quý độc giả đọc cho vui nhé.
Sợ nhất cái gì?
Chú tiểu hỏi hoà thượng:” Thưa sư phụ, người ta sợ nhất cái gì?”.
Thế con cho là cái gì? – Hoà thượng hỏi lại đồ đệ.
Có phải là sự cô độc không ạ?
Hoà thượng lắc đầu:” Không đúng!”.
Thế thì là sự hiểu nhầm chăng?
Cũng không đúng!
Là sự tuyệt vọng?
Không đúng!
…
Chú tiểu đưa ra liền mười mấy phương án, nhưng hoà thượng đều lắc đầu.
” Vậy thì sư phụ nói cho con xem, đó là cái gì?” – Chú tiểu chưa chịu thôi.
” Là chính con?”
- Chú tiểu ngẩng đầu, mở to mắt dường như hiểu nhưng cũng dường như chưa hiểu, chú nhìn thẳng vào sư phụ như xin điểm hoá.
” Đúng vậy!” – Hoà thượng cười nói – “Thực ra những điều con vừa nói như sự cô độc, sự hiểu lầm, sự tuyệt vọng…đều là cái bóng của thế giới nội tâm của con, đều là cảm giác mà tự con gây ra cho con thôi. Nếu con tự nghĩ là những cái này thật đáng sợ thì đúng là con tự đánh bại con. Còn nếu con nghĩ là chẳng có gì đáng sợ cả, ta có thể chiến thắng thì chẳng cái gì có thể áp đảo con. Bởi vì một người mà ngay cả bản thân mình cũng không sợ thì còn sợ cái gì nữa. Cái làm cho ta sợ không phải là những suy nghĩ mà là chính bản thân ta”.
( Nguồn: trích Truyện Thiền trong Old Cottage)
Như vậy “Ông Boss” đáng sợ nhất là chính là bản thân ta đấy, phải không Bạn?
Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Nguồn: tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi-MCTN221-ORTB621-4-12-14)
Mời quý bạn xem You Tube dưới đây cho vui nhé.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire