THAY LỜI TỰA
Tháng 6 năm 1975 - một tháng sau ngày bộ đội cộng sản tràn ngập miền Nam tự do - những quân nhân công chức của Việt Nam Cộng Hòa nghe Đài Phát thanh lần lượt loan báo các lệnh gọi trình diện "học tập cải tạo". Đó là các thông cáo ngày 10-6, ngày 11-6, và ngày 20-6, ký tên Ủy Ban Quân Quản Thành phố Saigon - Gia Định. Ngoài sự chỉ định rõ ràng những địa điểm và ngày giờ trình diện, còn có lời yêu cầu những người đi học tập cải tạo phải "đem theo đầy đủ giấy, bút, quần áo, mùng mền, vật dụng cá nhân, đồ ăn hoặc tiền bạc để dùng trong mười ngày, kể từ ngày tập trung trình diện" (thông cáo ngày 20-6). Riêng đối với các sĩ quan cao cấp trong quân đội và cảnh sát, các Dân biểu và Thượng nghị sĩ, các lãnh tụ đảng phái "phản động" tại miền Nam, thì được lệnh "đem theo đầy đủ giấy, bút, quần áo, mùng mền, vật dụng cá nhân, đồ ăn hoặc tiền bạc để dùng trong một tháng kể từ ngày học tập đầu tiên" (thông cáo ngày 11-6).
Bản tường trình tháng 4 năm 1983 của Ginetta Sagan và Stephen Denney (Aurora Foundation), căn cứ trên những kết quả điều tra và phỏng vấn, đã cho biết: "Rất ít, nếu có, người đi học tập cải tạo được thả về sau thời hạn mười ngày hay một tháng... Trong số hơn một triệu người đã đi vào các trại học tập cải tạo (trên 150 trại rải rác khắp nước Việt Nam) thì có khoảng 500.000 người được trả tự do trong vòng ba tháng; 200.000 người đã ở trong trại từ hai năm đến bốn năm; 240.000 người đã phải chịu đựng ít nhất năm năm trong cảnh tù đày; và cho đến nay (4-1983) vẫn còn ít nhất là 60.000 người đang bị giam giữ...".
Chúng ta thông cảm cho sự ngập ngừng, dè dặt của Sagan và Denney khi đưa ra những con số thống kê về tù cải tạo. Những con số ấy chỉ gợi lên được một ý niệm, chứ không thể có được giá trị dữ kiện. Làm sao đòi hỏi số thống kê chính xác về những nạn nhân của một chế độ mà sự dối trá vốn được coi là nguyên tắc chỉ đạo căn bản?
Phần tường trình về "học tập cải tạo" chiếm 26 trang trong bản tường trình của Aurora Foundation, nhằm minh chứng một trong những hiện tượng vi phạm nhân quyền trầm trọng đang xảy ra tại Việt Nam, trong khoảng thời gian từ 30-4-1975 đến 30-4-1983. Thật ra, trước đó, miền Bắc suốt hai mươi mốt năm sống dưới chế độ Cộng Sản đã không được biết đến nhân quyền là gì. Nếu nói về văn kiện chính thức, thì chế độ "học tập cải tạo" đã được ban hành do Nghị quyết số 49 (ngày 20-6-1961) và Thông cáo số 121 (ngày 8-9-1961). Sự ban hành ấy có nghĩa là: mọi thành phần bị coi như đối nghịch, phản động, đã từng (hoặc đang) ở trong các nhà tù thì nay đều bị Đảng và Nhà nước "gom" lại trong một loại nhà tù mới, tổ chức quy mô hơn, theo đúng khuôn mẫu của các nước Cộng Sản đàn anh. Loại nhà tù này đặc sắc hơn những nhà tù bình thường khác ở chỗ nó có thể thỏa mãn cùng một lúc nhiều mục tiêu. Thí dụ mục tiêu an ninh (giam giữ vô hạn định những thành phần nguy hiểm mà khỏi phải mất công thực hiện các thủ tục pháp lý, đồng thời luôn luôn giữ được sự chủ động kiểm soát khối lượng tù nhân tùy theo tình hình an ninh nội chính); mục tiêu chính trị (có điều kiện thuận lợi để thực hiện chương trình tẩy não và nhồi sọ tư tưởng Cộng Sản, mặt khác tạo không khí thường xuyên khủng bố tinh thần nhân dân bằng hình thức đe dọa gián tiếp, nhờ đó dễ dàng tiến hành các kế hoạch chính trị); mục tiêu kinh tế (xử dụng không công một khối nhân lực đáng kể trong những công tác kiến thiết, sản xuất, và phục vụ bộ máy lãnh đạo; đồng thời tránh được trách nhiệm phối trí khối nhân lực này vào một guồng máy kinh tế vốn đang lâm vào cảnh khiếm dụng) v.v...
Chế độ "học tập cải tạo" được mở rộng ngay sau khi miền Nam bị cưỡng chiếm, dĩ nhiên vẫn với sự áp dụng những phương pháp quản lý cũ, và vẫn nhắm vào những mục tiêu cũ, nhưng đặc biệt có phần khắc nghiệt và tàn nhẫn hơn trong cung cách quản lý. Nguyên nhân có thể là vì lòng căm thù (pha lẫn mặc cảm) đối với thành phần tù nhân mới. Nguyên nhân cũng có thể là vì sự suy đồi trầm trọng trong tình hình chính trị và kinh tế sau khi hoàn thành cuộc cưỡng chiếm đã khiến cho điều kiện ăn ở của tù nhân trong các trại học tập trở thành tồi tệ vượt ngoài sức tưởng tượng, thí dụ khẩu phần thường lệ của tù nhân cùng với những thực phẩm do thân nhân tiếp tế đã bị cắt xén hoặc tước đoạt nhằm cung ứng bù đắp cho chính những cán bộ quản giáo. Tính chất phi nhân của chế độ "học tập cải tạo", thể hiện qua những sự thật khủng khiếp, chỉ từ sau ngày miền Nam bị nhuộm đỏ mới bắt đầu được phanh phui trước dư luận thế giới. Và được phanh phui bởi nguồn tài liệu đắt giá: tiếng nói của những người đã sống sót và đã vượt thoát, sau khi trở về từ các "trại học tập".
ĐẠI HỌC MÁU là một trong những tiếng nói đó. Không phải là tiếng nói đầu tiên, và chắc chắn cũng không phải là tiếng nói sau cùng. 822 trang sách, chia thành 70 chương, chỉ là lời tường trình của một chứng nhân về những điều mắt thấy tai nghe trong 4 "trại học tập": Trảng Lớn, An Dưỡng, Suối Máu và Hàm Tân. Đó là những nơi mà Hà Thúc Sinh, một sĩ quan thuộc binh chủng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, đã sống từ ngày 26-6-1975 đến ngày 9-2-1980, nghĩa là trong 4 năm 7 tháng 14 ngày.
Tháng 11-1980, Hà Thúc Sinh bắt đầu viết ĐẠI HỌC MÁU tại đảo Pulau Bidong, mảnh đất tự do đầu tiên mà anh đặt chân tới sau khi vượt thoát khỏi Việt Nam. Bản thảo được hoàn tất vào tháng 12-1984 tại San Diego (California), mảnh đất tự do thứ hai của anh. Viết ĐẠI HỌC MÁU, Hà Thúc Sinh chẳng qua chỉ làm tiếp công việc đã từng được làm bởi nhiều người khác (và hẳn còn đang được tiếp tục làm bởi nhiều người khác nữa). Đó là nói lên tiếng nói của sự thật, cái sự thật bi thảm và kinh tởm về chế độ "học tập cải tạo" của Cộng Sản, cái sự thật mà cho đến giờ phút này vẫn còn hoặc chưa được biết tới đầy đủ, hoặc bị cố tình tảng lờ, cố tình phủ nhận, bởi những con người may mắn của một thế giới tự do nhất định không chịu tỉnh ngủ.
Nghĩ cho cùng, tiếng nói của sự thật vốn không phải là thứ tiếng nói êm tai, dễ nghe. Và người ta có lẽ thích nhìn văn chương như cánh cửa mở ra một thế giới bình an, hạnh phúc, hơn là một thế giới đày đọa, khốn cùng. Tiếc thay, trên mặt địa cầu hiện nay có những bức màn sắt được dựng lên để chận bít tất cả mọi cửa ngõ dẫn đến bình an và hạnh phúc. Ngày nào những bức màn sắt đó chưa sụp đổ, ngày đó văn chương còn phải tiếp tục đóng vai trò của những viên đạn xuyên phá, của những hồi chuông cảnh tỉnh và báo động.
Trong một bản "nhạc tù" viết tại trại Hàm Tân năm 1980, Hà Thúc Sinh đã tự nhủ rằng, nếu còn sống mà trở về, anh sẽ chỉ xin được làm "một đời thằng mõ không công". Anh đã sống sót, đã trở về. Và anh đang làm đúng cái công việc mà khi ở trong tù anh ước nguyện. Làm thay cho những người bạn đã không được may mắn sống sót để trở về cùng anh. Làm thay cho những người bạn mà anh chỉ biết cầu nguyện rằng đến giờ này vẫn còn sống sót để sẽ có ngày trở về. Đồng thời, cũng làm thay luôn cho những người tuy đã may mắn sống sốt trở về, nhưng khi may mắn thêm lần nữa là thoát thân được đến vùng tự do thì lại đổi tính đổi nết, trở thành nhân từ và đãng trí.
Tám trăm trang ĐẠI HỌC MÁU được kết thúc bằng một hoạt cảnh xảy ra bên một con suối trong trại Hàm Tân, khi tác giả cùng mấy anh em bạn tù vừa được "lệnh tạm tha", hí hửng đi tắm rửa, bị một tên an ninh vòng đai trông thấy, quát hỏi:
" - Mấy thằng tù kia, đội nào nhà nào mà giờ này còn tắm ở đây?
" - Báo cáo cán bộ, tụi tôi được thả rồi, được tự do rồi.
"Tên công an thứ hai nghe vậy vội chen vào:
" - Này, ăn nói với cán bộ mà vô phép thế đấy phỏng? Mày tưởng thế là mày tự do đấy phỏng?"
Hà Thúc Sinh kết thúc bản tường trình ở đấy: câu hỏi chót đã không được trả lời. Nhưng đã được ghi lại nguyên văn để gửi đến chúng ta.
Thỉnh thoảng người Cộng Sản lại buột miệng hỏi một câu, mà ít ai chịu để ý nghe. Nếu để ý nghe, thế giới tự do hẳn đã đỡ tốn rất nhiều thời giờ, bút giấy và xương máu
NXB Nhân Văn 3-1985
QUYỂN SÁCH NÀY...
Quyển sách này không thể là một tác phẩm tiểu thuyết văn chương, cũng không thể nằm trong hình thức một hồi ký chính trị hoặc một bút ký lao tù. Quyển sách này, thực tế, chỉ có thể được coi như một đống quặng mỏ, được khai quật và còn giữ nguyên hình thái chân thực của nó. Hoặc có thể nói một cách khác, bảy mươi chương sách này có thể xem như bảy mươi tấm ảnh, được chụp liên tục và được rửa ra bởi một phó nháy may mắn và có tính tiếc của, nháy được bảy mươi hoàn cảnh buồn nhưng có ý nghĩa trong đời tù cải tạo dưới chế độ cộng sản. Hoặc có thể nói một cách khác hơn nữa, quyển sách này là bản phúc trình của một người lính VNCH bị bỏ rơi, bị ở tù cộng sản, rồi thoát được ra ngoài, ngồi viết lại để kính gửi tới những ai còn thương yêu và còn quan tâm đến nước Việt Nam và con người Việt Nam còn ở lại...
Quặng mỏ, những tấm ảnh chụp vội và chụp tham, hay bản phúc trình được thảo bởi một anh lính quèn, bản chất của nó thực khó tránh khỏi hai yếu tố chính thô và thực! Đồng lúc, mục đích của nó cũng không có gì khác hơn là ước ao sẽ được sử dụng như một thứ nguyên liệu cho một công trình biến hóa có ích lợi.
Tác giả có nhiều hoài vọng, phải nói thật như thế, nhưng hoài vọng lớn nhất vẫn là mong sao mớ quặng mỏ này sẽ giúp cho một guồng máy chống cộng nào đó chạy thêm một vòng xích, một sử gia nào đó có thêm một chứng từ về cơn đau ốm quê hương, hoặc một người Việt Nam lưu lạc nào đó tìm được một quyết định: Phải cứu lấy người ở nhà!...
Hà Thúc Sinh
Hoa Kỳ 12-84.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire