caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

vendredi 11 avril 2014

BÀ CỐ, tác giả Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

BÀ CỐ
                                                                                            
 Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

 
     Chiến tranh vừa chấm dứt, Bến Hải hết còn là dòng sông ngăn cách. Dân miền Bắc ùn ùn kéo vô Nam đông như người ta đi trẩy hội. Từ cái phong trào vô Nam kiếm ăn của dân Bắc Kỳ, người miền Nam vốn có tính trào phúng, sáng tác ra được một câu vè châm biếm và cũng rất thực: Nam ra nhận họ, Bắc vô nhận hàng. Nói là Nam ra, nhưng thực tế, người Nam chẳng có ai ra Bắc làm gì, trừ ra đám tù cải tạo là quân, cán, chính VNCH bị cộng sản đưa ra nhốt ngoài đó.
 
     Mẹ con bà Chiến cũng dắt díu nhau xuôi theo dòng người vô Nam. Ba đứa con bà đã khôn lớn. Thằng Tiến, con trai cả đi bộ đội, bị thương, được phục viên. Cứ vài ba tuần mới thấy nó về nhà một lần, tụ tập bạn bè ăn nhậu, rồi lại đi biền biệt. Bà Chiến chẳng biết nó đi đâu. Bà có hỏi, nó trả lời cụt ngủn: đi làm ăn. Chỉ có thế. Đứa con gái út tên Lan, cũng gần như anh nó. Nó cũng đi, nhưng chỉ đi ban đêm. Ban ngày nó ở nhà. Công việc ở nhà duy nhất của nó là ngủ. Nó đúng là một chiếc đồng hồ người. Chiều nào cũng thế, nó ra khỏi nhà đúng vào lúc đèn đường vừa bật sáng, và trở về sáng hôm sau, khi người đưa thư đến gõ cửa từng nhà phải bỏ thư. Lúc này là bắt đầu giờ ngủ của nó. Hai đứa con này hầu như không ăn cơm ở nhà bao giờ, nên bà Chiến được rảnh rang việc bếp nước. Một mình bà ăn uống sao cũng được. Còn người con trai thứ hai là thầy Sáu Hóa, đã đi tu từ mấy năm nay, được Nhà Chung nuôi.

 
     Nhưng từ hơn tuần nay, bà Chiến trở nên bận rộn vì có thầy Sáu Hóa ở nhà. Trong thời gian chờ đợi để được thụ phong linh mục, đức giám mục địa phận cho thầy Sáu về nhà ở với gia đình. Vì thế, bà phải lo cơm nước, giặt giũ, và làm những công việc lặt vặt mỗi khi thầy Sáu cần. Việc thầy Sáu cần cấp bách bây giờ là, làm sao kiếm cho ra đủ số tiền mà mụ chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc đòi, để thông qua vấn đề cho phép thầy được chịu chức. Chuyện này mẹ con thầy đã bàn qua tính lại nhiều lần, nhưng chưa tìm ra được giải pháp. Bà Chiến nhất định thúc con phải gấp rút nghĩ cách tìm ra cho bằng được bà mới yên tâm.
 
     Lan đi cả đêm như thường lệ. Sáng nay không hiểu sao nó lại mò về sớm. Nó vừa thò đầu vào trong nhà, thì bà Chiến đã chộp lấy liền, hạch sách:
 
-  Bây giờ mới thấy mặt. Ngủ đâu? Sao dậy trễ thế?
 
-  Tại má thức sớm chứ đâu phải tại con dậy trễ.  - Con Lan trả lời mẹ.
 
     Thế là huề. Bà Chiến chẳng mấy khi giáp mặt con. Bà muốn kiếm dịp để dậy bảo con gái cho bớt tính phóng túng bừa bã đi, nhưng xem chừng bà đành phải chịu thua ngay hiệp đầu. Không đấu lại được con gái, bà kiếm cớ để đuổi nó đi:
 
-  Mày lên lầu kêu thầy Sáu xuống ăn sáng. Đồ ăn nguội hết rồi.
 
     Lan chạy lạch bạch lên lầu, chõ miệng vào phòng thầy Sáu Hóa, nói lớn:
 
-  Anh xuống ăn sáng, má mời anh kìa.
 
    Con Lan cố gằn giọng mấy tiếng “má mời anh”. Thầy Sáu Hóa hiểu ý, vội xuống liền và ngồi vào bàn ăn. Bà Chiến lại đem chuyện tiền bạc ra bàn. Bà hỏi thầy Sáu:
 
-  Việc này rồi thầy tính sao đây?
 
-  Tùy má thôi, chứ con biết tính sao bây giờ.  - Thầy Hóa trả lời mẹ.
 
-  Việc của thầy mà thầy bảo tùy má là tùy thế nào?
 
     Nghe giọng điệu giận hờn của mẹ, thầy Hóa đâm hoảng, đánh bạo thưa:
 
-  Thôi hay là con xin đức cha cho phép chờ, cho đến khi nào có tiền thì hãy chịu chức.
 
     Bà Chiến giận quá nhưng vẫn im lặng. Một lúc lâu sau, thầy Sáu lại rụt rè nêu sáng kiến mới với mẹ:
 
-  Hay mẹ cầm tạm căn nhà này đi, có được không?
 
     Ngược lại thì bây giờ người đâm hoảng lại chính là bà Chiến. Không phải bà không nghĩ đến giải pháp con bà vừa đề nghị, nhưng thực tế là, bà thấy việc này không thể được. Cầm nhà thì dễ rồi, nhưng lấy đâu ra để trả tiền lời hàng tháng cho ngân hàng. Ba tháng thôi không trả đủ thì ngôi biệt thự kể như mất đứt. Thầy Hóa không hiểu chuyện đời nên nói liều. Bà không trách. Nhưng còn ý kiến hoãn chịu chức, bà Chiến lo việc này mà hoãn thì công lao của bà không chừng sẽ đổ sông đổ biển hết. Trước hết là đối với thành ủy, quyền hành nằm trong tay nó. Nó tưởng mình dở trò gạt nó thì sức mấy nó để yên. Nó không cho chịu chức nữa thì làm gì được nó. Bà đã có kinh nghiệm đầy mình về tụi này rồi. Nó gạt người ta thì được, chứ không bao giờ chịu để người khác gạt mình.
 
     Còn một vấn đề nữa bà không thể không nghĩ tới. Tuy rằng chưa gởi thiệp mời chính thức, nhưng các chỗ quen biết xa gần, bà đã báo miệng trước cả rồi. Bây giờ biết ăn nói sao với người ta. Ai biết hoãn vì lý do gì. Rồi thì trăm điều, trăm chuyện người ta dựng đứng lên. Chuyện nào cũng như là thật cả. Tốt thì chẳng thấy, nhưng xấu thì chắc chắn không thiếu. Mặt mũi bà còn để vào đâu.
 
     Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là, bà Chiến sợ thầy Sáu nản chí phá ngang thì công của bà từ trước tới nay sẽ là công dã tràng. Trước kia bà đã từng nói với Hóa: Con là cái gậy chống của má lúc má về già. Trong ba đứa con của bà, Hóa là đứa bà tin tưởng nhất. Bà nhất định phải vạch cho nó một con đường đi, hướng dẫn nó, để sau này bà có thể nương nhờ vào nó. Thằng con lớn là Tiến có tài làm ra tiền, nhưng nó quá liều lĩnh, sống rất bạt mạng. Bao nhiêu lần bà Chiến suýt bị đứng tim vì hành động bán trời của thằng con này. Ngược lại, Lan con gái út của bà không làm ra được một đồng, một cắc, nhưng được cái xài tiền thì lại cực giỏi. Bọc tiền của bà cất giấu ở chỗ nào nó cũng mò ra để chôm chĩa. Không lấy hết, nhưng vài ba chục, một trăm thì thường xuyên. Hóa không thế, nó luôn luôn ở quanh quẩn bên cạnh mẹ, học không giỏi nhưng chịu khó. Đó là niềm hy vọng của bà Chiến.
 
     Bà Chiến bôn ba từ Bắc vô Nam cũng vì tương lai của con cái. Bí mật lớn của gia đình là ông Chiến, chồng bà, có một người em làm sĩ quan nhẩy dù của chế độ miền Nam. Ông Chiến là bộ đội phòng không bảo vệ Hànội, chết vì bom Mỹ. Trước khi chết, ông mới tiết lộ cho vợ biết. Vì thế ngay sau khi Saigon thất thủ, bà vội vàng dắt díu ba đứa con vô Saigon tìm em chồng. Trong cảnh hỗn loạn của tình hình lúc đó, bà không thể nào tìm lại được người em. Bà đành dắt con đến nhờ vả ông cha xứ của một họ đạo gần khu Bà Quẹo. Ông cha xứ cho bà một giải đất trống bên bờ một con rạch. Giáo dân trong họ đạo có lòng tốt, dựng lên cho mẹ con bà một mái tranh để che nắng che mưa. Bà chẳng có nghề ngỗng gì, nhưng được cái cần cù và chịu khó. Bà biến con rạch thành một khu trồng rau muống nước. Vào lúc mà rau muống và khoai mì là hai loại thực phẩm cao lương của mọi gia đình, thì bà Chiến đúng là nhà kinh doanh có tài tiếp cận thị trường.
 
     Sau ít năm cần cù, bà Chiến bỏ ống được một số vốn. Bà sang một miếng đất chó ỉa trên đường Trương Minh Giảng cũ, gần lăng Cha Cả. Chuyện này cũng phải nói là nhờ thằng Tiến con bà. Thằng Tiến lúc này đã đi bộ đội. Nó chỉ là tên lính quèn, nhưng nó dám liều. Tiến mang quân hàm đại úy, đeo lủng lẳng khẩu súng lục ngang hông, dẫn mẹ đến phường thương lượng chuyện sang đất. Trong lúc cả miền Nam còn đang hoảng hồn co cụm lại, bọn phường khóm người Nam, thấy ông đại úy Bắc Kỳ oai phong lẫm liệt đi cùng với bà mẹ thuộc diện gia đình liệt sĩ,  nói năng gì cũng phải làm theo răm rắp. Bà Chiến dúi cho bọn cách mạng 30 đó một cọc bạc giấy có in hình Hồ, nói là để đãi các chú “chính quyền cách mạng” uống cà phê. Bọn phường khóm cám ơn rối rít.
 
     Bà Chiến xây dựng được trên miếng đất hoang thành một ngôi biệt thự như hiện nay, cũng phải mất năm bẩy năm trời. Cọc sắt và xi-măng thì “đại úy” Tiến đem về. Nhân công thì vài ba thằng bạn công binh của Tiến rỉ rả làm từ từ. Vật liệu có đến đâu làm đến đó. Nhưng cũng có nhiều thứ vật liệu phải mua sắm, và đôi khi, phải cần nhiều nhân công biết việc. Lúc đó đòi hỏi bà Chiến phải có tiền. Cũng lại do sáng kiến liều mạng của thằng Tiến. Nó lại mang quân hàm đại úy với khẩu súng lục đeo ngang hông, bỏ túi theo tờ chứng từ làm chủ miếng đất do phường cấp, và bằng liệt sĩ, ra ngân hàng để vay tiền. Chuyện này cũng không mấy khó khăn. Nhà băng thấy có miếng giấy đất thế chấp, nên đồng chí Tiến mượn bao nhiêu cũng được. Việc hoàn trả cho ngân hàng thì đó là chuyện về sau.
 
     Từ khi thầy Hóa kiếm được một bà mẹ nuôi bên Mỹ đỡ đầu, thì bà Chiến khỏi lo đến chuyện tiền bạc với ngân hàng. Nhà cửa tuy bề thế đấy, nhưng thật sự bà không trông mong gì thằng Tiến và con Lan giữ được. Được ngày nào hay ngày đó thôi. Còn tương lai sau này của bà, bà Chiến đã tính rồi: phải cột chặt vào với người con trai thứ là thầy Hóa. Bà cố gắng cho Hóa ăn học. Bôn ba từ Bắc vô Nam dưới chế độ này, bà nghiệm ra được một điều là, không phải con dòng cháu giống trong đảng, thì không bao giờ ngóc đầu lên làm người được. Cho rằng Hóa có đậu bằng cấp cao đi chăng nữa, thì cũng chỉ làm đầy tớ cho thiên hạ. Mà ra trường đã dễ gì kiếm được việc làm. Vì thế bà cần tìm một lối thoát vững chắc cho mẹ con bà.
 
     Lối thoát đó là cho Hóa đi tu làm ông cha. Đối với bà, tại Việt Nam không có cái nghề nào nhàn hạ, vững chắc, và sướng cái thân cho bằng làm nghề ông cha xứ. Nếu làm được ông giám mục, hồng y thì dĩ nhiên, càng danh giá và càng ấm thân hơn nhiều. Trước mắt là con trai bà học lên đại học không phải lo. Phí tổn, tiền bạc đã có người cung cấp. Thời buổi này, cha mẹ lo cho con học mẫu giáo thôi cũng đã muốn khùng rồi, nói gì đến học lên đại học. Học xong làm ông cha trông coi một họ đạo, mọi việc chỉ cần đứng chỉ tay năm ngón. Ông cha sai bảo ai dám không nghe. Cả ngày chỉ có việc sáng dậy làm lễ. Ăn có người hầu. Mặc có người lo. Ở nhà cao cửa rộng. Đám cưới, đám ma, đám gì cũng có tiền, chưa kể đến quà cáp biếu xén của con chiên bổn đạo. Cần tiền, đi Mỹ một chuyến là xài mệt nghỉ. Nhu cầu linh mục thì nhiều mà số người tình nguyện ít, nên không bao giờ ông cha bị thất nghiệp. Cán bộ đảng có khi còn lo mất chức, chứ ông cha xứ thì không.
 
     Vấn đề kỷ luật trong Giáo Hội hiện nay xem ra cũng dễ dãi hơn trước kia nhiều. Ông cha có bồ có bịch không thiếu, thậm chí có cả vợ con đùm đề như cha Phan Khắc Từ cũng không thấy bề trên nào phiền trách. Trước kia thì chắc chắn là không được rồi. Nhưng thầy Sáu sau này làm ông cha, rủi có sai quấy gì, cũng không phải là điều đáng lo ngại quá đáng đối với bà Chiến. Làm ông cha xứ, điều đáng quan ngại nhất là cách thức phải đối phó với chính quyền để được sống yên ổn. Có nhiều linh mục ngoài Bắc cũng như trong Nam không biết sống thích ứng với thời cuộc, đi tù không có ngày về. Có vị chết trong tù. Bà chiến rất sợ chuyện đó sẽ xẩy đến cho con bà sau này. Nhưng được cái là bây giờ tình hình cũng đã thay đổi. Rất may mắn là nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội đã sáng suốt tìm ra, và chỉ dậy cách thức và con đường phải đi để được sống an toàn trong thời buổi khó khăn này.
 
     Sự chỉ dậy của đức cha địa phận và cả của cha xứ của bà rất thực tế và các ngài còn là mẫu mực để con chiên bổn đạo bắt chước. Chủ yếu là phải sống Phúc Âm ngay chính giữa lòng dân tộc mà không ở một chỗ nào khác. Điều này thì bà Chiến đã hiểu rõ. Ngay từ hồi còn ngồi bệt dưới đất học i-tờ ngoài Hànội, bà Chiến đã được học đảng là giai cấp công nhân, mà giai cấp công nhân là dân tộc Việt Nam, vậy đảng ta chính là dân tộc VN. Vì vậy sống trong lòng dân tộc có nghĩa là sống trong lòng bàn tay của đảng. Giản dị có vậy thôi. Cái thứ lý luận tam đoạn gian manh này ứng dụng vào thực hành là muốn cho được tốt đạo đẹp đời thì không gì hơn là thực hành lối sống đạo theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể là chỉ cần tuân theo mọi đường lối chính sách của đảng và nhà nước là xong. Không có gì rắc rối cả.
 
     Những hiểu biết trên bà Chiến đem ra truyền thụ dần dần cho con trai. Thầy Sáu Hóa luôn tỏ ra là người mau tiếp thu. Còn một điều bà để trong lòng mà không nói ra với con là sau này khi Hóa làm linh mục thì tất nhiên bà sẽ là bà cố, mẹ ông cha. Bà sẽ có địa vị trong cộng đoàn giáo xứ. Ông cha xứ cũng phải trọng nể bà. Giáo dân gặp bà cố ai nấy đều cung kính chào hỏi. Các buổi hội họp bà cố có chỗ ngồi đặc biệt. Tóm lại, bà sẽ không còn là người bị bỏ quên như trước đây nữa. Trường hợp bà theo con đến giáo xứ nào thì tất nhiên bà cố cũng được đối xử chẳng thua kém gì ông cha. Vấn đề nó là như thế. Nếu thầy Hóa mà làm hỏng việc này thì thật là uổng công cả đời của bà. Trong tình thế này, bà Chiến cảm thấy không thể nông nổi. Bà cần phải mền dẻo với con mới xong.  Bà nhỏ nhẹ giải thích với thầy Sáu:
 
-  Những sáng kiến của thầy má đều đã nghĩ tới, nhưng không được đâu. Thầy cứ thử nghĩ kỹ xem.
 
-  Vậy má tính sao xin cho con biết.  - Thầy Hóa xuống nước.
 
     Bà Chiến đã tính xong cả rồi, nhưng bà vẫn muốn thăm dò tình hình trước, bà nói:
 
-  Hay là thầy thử lại viết thư sang Mỹ xem.
 
     Thầy Hóa ái ngại trả lời mẹ:
 
-  Nhưng mà người ta mới gởi về cho con đây mà.
 
- Má biết thế. Má cũng thấy ngại lắm, nhưng hoàn cảnh đặc biệt chắc người ta cũng thông cảm. Thầy cứ viết thư thử coi, nói là lần cuối cùng và chỉ dám mượn đỡ thôi. Má sẽ trả. Má hứa với con, má không dám bắt con làm phiền người ta lần khác nữa đâu.
 
     Thầy Hóa không còn dám có ý kiến gì khác. Ăn sáng xong, thầy lên phòng viết thư, và bà Chiến đem ra bưu điện gởi đi ngay trong ngày. Ba ngày sau, cụ Nghị ở bên Mỹ nhận được thơ của thầy Hóa. Cụ cảm thấy lo lắng và thương thầy Hóa quá đỗi. May mà tiền cụ đã có sẵn. Cụ lật đật đi gởi về cho thầy Hóa liền.
 
* * *
 
     Sửa soạn xong, cụ Nghị bước ra khỏi phòng, rồi đi thẳng xuống bếp. Bếp núc vắng tanh. Cụ lẩm bẩm một mình: Quái lạ, nó đi đâu rồi, đang làm bếp đây mà? Cụ lại trở lên các phòng, dáo dác đi tìm, vừa đi vừa cằn nhằn: Thế này thì trễ mất thôi, không cần thì đâu người ta có nhờ đến. Vẫn không thấy ai, cụ hé mở cánh cửa, gọi với ra vườn sau:
 
-  Con Minh đâu, có ngoài ấy không?
 
     Có tiếng con gái vọng vào:
 
-  Vô liền. Vô liền.
 
     Minh trở vào, tay cầm mấy trái táo vừa mới hái. Cụ Nghị hối con:
 
-  Mày chở mẹ ra chợ một chút liền có được không?
 
-  Gì mà gấp thế?
 
-  Tao có chuyện cần.
 
- Mẹ mua sắm gì mà phải đi chợ? Cần gì nói con mua cho. Gìa rồi không ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, đi tới đi lui hoài chi cho mệt.
 
     Nói vậy thôi chứ Minh vẫn chiều ý mẹ. Nàng lấy tay vuốt qua lại mớ tóc, sửa sơ lại bộ đồ trên người, rồi dìu mẹ ra xe. Minh cẩn thận đặt mẹ ngồi lên ghế, cột giây seat-belt, đóng cửa lại, về ghế ngồi, rồi mở máy. Trước khi cho xe chạy, nàng hỏi mẹ:
 
-  Đi chợ nào đây?
 
-  Thì đi chợ Senter chứ còn chợ nào nữa.
 
     10 phút sau, hai mẹ con ra tới chợ. Cụ Nghị bảo con:
 
- Thả mẹ xuống đây rồi về nhà hay có đi đâu thì đi. Chừng nửa giờ sau trở lại đón mẹ được rồi.                                  
 
     Cụ Nghị chưa bao giờ đi chợ đi búa kiểu đó. Trước hành động khả nghi của me, Minh thắc mắc trong đầu, nhưng vẫn làm bộ như không nghi ngờ gì cả. Nàng ngừng xe trước cửa chợ. Đỡ mẹ xuống rồi lên xe phóng đi.
 
     Chạy xe vòng vòng chừng mươi phút, Minh quay trở lại chợ. Nàng đậu xe ở đàng xa rồi kiếm một chỗ khuất để quan sát. Một lúc sau nàng nhìn thấy mẹ. Cụ Nghị không từ trong chợ bước ra, mà từ một văn phòng chuyển tiền về Việt Nam ở gần đó. Minh vội vàng chạy đến đón đầu mẹ, cau mặt hỏi:
 
-  Mẹ đi đâu đây, sao nói đi chợ? 
 
     Cụ Nghị như đứa trẻ ăn vụng bị bắt tại trận, ú ớ trả lời:
 
-  Ờ thì tao đi chợ rồi ghé đây một chút hỏi thăm…..
 
- Thôi mẹ đừng nói dóc nữa. Mẹ lại gởi tiền về nữa phải không? Gởi cho ai? Bao nhiêu? Đưa receipt con coi.
 
     Mẹ nàng lúng túng ra mặt, không dám đưa tờ biên nhận cho con. Minh vẫn còn biết tế nhị, không muốn làm mất mặt mẹ giữa đám đông, nàng kéo mẹ ra xe, vừa đi nàng vừa hăm he:
 
-  Thôi lên xe, con sẽ nói chuyện với mẹ sau.                             
 
     Nói thế chứ trên đường về, Minh chẳng nói năng gì. Còn mẹ nàng thì ngồi im thin thít. Bầu không khí giữa hai mẹ con thật nặng nề.
 
     Mãi đến chiều, Đông, anh của Minh đi làm về. Khi có mặt cả ba mẹ con, nàng mới đem câu chuyện mẹ gởi tiền về Việt Nam ra nói. Trước mặt mẹ và anh trai, nàng nghẹn lời nói như muốn khóc:
 
- Con không thể chịu đựng nổi cái tình trạng này mãi được nữa. Mẹ thử suy nghĩ lại coi, mẹ làm như thế có đúng không. Con nói ra thì bảo con hẹp hòi, bất hiếu. Nhưng con hết chịu đựng nổi nữa rồi. 
 
     Đông không hiểu chuyện gì xẩy ra. Anh lo lắng hỏi em:
 
-  Có chuyện gì mà phải như thế? Chuyện gì?   
 
-  Chuyện gì thì anh hỏi mẹ đi.  - Minh hậm hực trả lời anh.                                                   
 
     Cụ Nghị đã tính giữ im lặng cho qua chuyện, nhưng rồi cụ cũng phải lên tiếng:
 
-  Có gì đâu, mẹ gởi về chút đỉnh ấy mà.           
 
- Mẹ lại gởi tiền nữa? Mẹ mới gởi hôm nào đây thôi. Hôm nay lại gởi nữa? - Đông hơi sẵng giọng với mẹ.
 
    Cụ Nghị cố lờ đi không đả động tới số tiền, mà từ tốn phân trần với các con:     
 
-  Mẹ đã nói rồi. Chút đỉnh thôi chứ có nhiều nhặn gì đâu. Chuyện chẳng có đáng gì. Thầy Sáu sắp chịu chức rồi, tốn phí đủ thứ. Thầy mồ côi mồ cút thấy cũng tội nghiệp. Mẹ không lo thì ai lo cho thầy? Giúp cho thầy là giúp cho Giáo Hội, giúp cho Chúa đấy. Người ta làm cha rồi người ta cầu nguyện cho, không ơn phước lắm sao? Các con phải suy nghĩ như thế chứ. Mẹ già rồi. Mẹ làm một chút công việc tích đức. Các con chiều mẹ một tí có được không?        
 
     Minh và Đông nghe mẹ xuống nước, cũng cảm thấy tội cho me, không muốn rầy rà gì thêm. Cụ Nghi chỉ nói bấy nhiêu rồi cụ đứng lên đi khỏi. Cụ vừa bước ra cửa thì một mảnh giấy nhỏ từ trên người cụ rớt xuống thảm mà cụ không biết. Minh với nhặt lên. Thì ra là cái receipt gởi tiền. Nàng liếc mắt ngó qua, rồi đưa cho anh. Đông cầm miếng giấy đọc. Anh thở dài, mặt hơi biến sắc. Biết Minh cũng đang bàng hoàng như mình, nhưng Đông làm bộ thản nhiên, vỗ vai cô em an ủi:
 
- Thôi chuyện đã rồi. Em cũng đừng làm khó gì mẹ nữa. Mẹ cũng đã già rồi. Mọi việc để anh lo. Cứ tin tưởng anh đi.
 
     Chuyện sóng gió trong gia đình cũng như cơn bão. Gió mưa ập đến cũng mau, rồi qua đi cũng lẹ. Ồn ào một lúc, rồi gia đình lại trở lại bình thường. Đông vẫn ngày ngày đi làm. Minh vừa đi học, vừa có bổn phận chăm sóc mẹ. Cụ Nghị hàng ngày đi nhà thờ đọc kinh, xem lễ. Ở nhà cụ làm công việc bếp núc, hoặc việc lặt vặt giúp con gái. Công việc của cụ quanh năm suốt tháng chỉ có thế. Cụ không phải lo nghĩ chuyện cơm áo như hồi còn ở Việt Nam, hay như những ngày đầu mới sang Mỹ. Cụ hàng ngày ăn với con, ở với con, mỗi bữa chỉ lưng chén cơm, thức ăn có gì ăn nấy, quần áo đồ dùng có thế nào mặc thế, nên chẳng tốn hao gì. Mỗi tháng Đông còn cho mẹ dăm ba trăm để cụ bỏ nhà thờ, hay giúp cho những vụ quyên góp của các cha, các sơ từ Việt Nam qua. Tiền đó còn dư ra cùng với tiền già trợ cấp hàng tháng, cụ gom lại để gởi về giúp cho thầy Sáu Hóa.
 
     Từ ngày còn ở Việt Nam và bây giờ sang đến Mỹ, mặc dù qua bao nhiêu sóng gió vùi dập, gia đình cụ Nghị sống rất bình thản và hạnh phúc. Tên Nghị thực ra không phải là tên của cụ, mà là chức vụ của cụ ông ngày trước, ông Trần Quyết làm nghị viên hội đồng tỉnh. Ông nghị viên mất chỉ ít lâu sau khi đi cải tạo về. Lúc đó Minh mới bắt đầu đi học. Đông học chưa hết cấp 3 thì phải bỏ học, bương chải với mẹ để sống. Gia đình cụ vì thế cũng được đi Mỹ theo diện HO. Sang đây, Đông vừa đi làm vừa học. Anh cũng đã đậu được cái bằng kỹ sư. Là một chuyên viên giỏi nên chưa bao giờ Đông thất nghiệp. Đồng lương kiếm được cũng tạm đầy đủ để có thể lo cho mẹ già và em gái đi học. Đã ngoài 40 rồi nhưng Đông chưa nói năng gì đến chuyện lập gia đình. Sự hy sinh bản thân của Đông là yếu tố chính giúp gia đình cụ Nghị sống thuận thảo, đùm bọc nhau. Người ngoài nhìn vào ai cũng khen.
 
     Từ ngày được một hội đoàn trong giáo xứ giới thiệu, cụ Nghị nhận đỡ đầu cho một chủng sinh ở Việt Nam mới được vào học đại chủng viện. Chủng sinh này tên Hóa. Thầy Sáu Hóa lúc này đã học xong thần học năm cuối cùng, và sắp được chịu chức linh mục. Cụ tỏ ra lo lắng và chăm sóc thầy Hóa, có lẽ còn hơn cả con ruột. Không mấy tháng cụ không gởi tiền về cho thầy. Cụ nói để thầy giúp đỡ và lo cho người nghèo. Lần đầu tiên viết thư sang cho cụ Nghị, thầy Hóa cho biết thầy là một thanh niên mồ côi không cha, không mẹ, cũng không có anh em. Thầy học giỏi lại có chí hướng đi tu, nên được cha xứ đỡ đầu và gởi vào chủng viện. Thỉnh thoảng thầy còn khoe với cụ, khi thì thành lập ca đoàn cho giáo xứ này, khi thì bảo trợ cho lớp mẫu giáo tình thương ở họ đạo nọ. Những lá thư như thế đều có tác dụng đánh mạnh vào lòng đạo đức, và từ tâm của cụ Nghị. Đôi khi nghe thầy Hóa phải lo những công việc to lớn và tốn kém, cụ còn quyên góp tiền bạc từ các bà trong giáo xứ mà cụ quen biết để gởi về cho thầy. Cụ nghĩ, dịp lễ thụ phong và lễ mở tay chắc thầy Hóa cũng phải tốn phí nhiều, nên cụ đã chuẩn bị tiền bạc từ lâu, và đã gởi về trước rồi. Nhưng đùng một cái cụ lại nhận được thư thầy cho biết, còn một chút ngăn trở ở trên ủy ban, nên thầy còn cần phải tốn phí thêm chút đỉnh nữa mới xong. Thầy nói không biết nhờ cậy ai ngoài mẹ cố ở bên này.
 
     Tiếng mẹ cố nghe nó thân thiết làm sao. Danh từ này thầy Hóa mới dùng để gọi cụ Nghị lúc gần đây, ngày thầy báo tin cho cụ thầy sắp được chịu chức linh mục. Cụ Nghị thấy mình sắp được làm mẹ ông cha, nên có vẻ hãnh diện với những người quen biết lắm. Cụ khoe với mọi người. Vì thế, tinh thần cụ có phần phấn chấn hơn trước. Sức khỏe cụ xem ra cũng dồi dào hơn. Số tiền cụ gởi về cho thầy Sáu lo chạy trên ủy ban là tiền cụ dành dụm kín đáo, có ý để đem về mừng cha Hóa ngày làm lễ mở tay, thấy thầy cần gấp nên cụ gởi về trước. Cụ nghĩ trong bụng cho thì bề nào cũng là cho, cho trước hay cho sau cũng thế. Người ta cần gấp mà. Cụ biết cụ gởi tiền cho thầy Sáu hoài, các con cụ xem ra không bằng lòng. Nếu Minh và Đông biết cụ gởi một món tiền lớn, chắc thế nào cũng có chuyện rắc rối. Mà quả thật đúng như vậy.
 
     Mười hai ngàn dollars từ Mỹ về đến Saigon, con đường dài nửa vòng trái đất mà chỉ mất không đến một ngày trời. Nó bay lẹ hơn máy bay phản lực. Người ta đem tiền đến trao tận nhà. Thầy Sáu Hóa nhận tiền trước mặt mẹ. Bà Chiến tức khắc phác họa một chương trình làm việc trong đầu, rồi nói với thầy Sáu:
 
-  Mọi sự Chúa lo liệu cả. Thầy Sáu cứ ở nhà nghỉ ngơi. Tôi đi lên hầu Đức Cha ngay, rồi ra thành ủy nữa là xong. Công việc của mình đúng như đã dự liệu. Cám ơn Chúa.                                
 
     Hôm nay bà Chiến ra ngoài ăn mặc tề chỉnh hơn mọi khi, có thể nói là sang trọng nữa. Bà tự nhủ: bề gì cũng sắp làm mẹ ông cha rồi. Bà cố lên hầu đức cha mà ăn mặc luộm thuộm quá coi sao được. Vả lại còn phải gặp phó bí thư thành ủy nữa, mẹ ông cha không tươm tất tụi nó khinh. Không để mất mặt như thế được. Bà tự tin vào lý luận của mình, và bước lên taxi đi lên hầu đức cha.
 
     2 giờ đúng. Đức cha vừa ngủ trưa dậy. Ngài còn đang dùng bữa Tea Ăng Lê ở phòng ăn thì cha thư ký bước vào trình:
 
-   Kính thưa Đức Cha có khách.
 
-   Bà cố Chiến hẳn?                                                 
 
-  Thưa vâng, Đức cha quả thánh đoán.                                  
 
-  Thần thánh gì, việc phải đến thì nó đến thôi. Cha nói với bà cố tôi ra liền.  
 
     Đức Cha cũng đang nóng lòng về chuyện thành ủy đòi làm tiền vụ truyền chức cho thầy Sáu Hóa. Ngài ăn vội vàng và đi ra. Bước vào phòng khách, đức cha cho bà Chiến hôn nhẫn xong, ngài tươi cười hỏi:
 
-   Thế nào bà cố, công việc đến đâu rồi?
 
     Được vị giám mục gọi là bà cố, bà Chiến thấy cảm thấy rất tự hào. Nhưng vẫn còn làm bộ e ngại, bà trả lời đức cha:
 
-  Kính thưa đức cha, thầy Sáu chưa được phong chức. Con đâu dám được đức cha phong chức sớm thế. 
 
     Đức cha cười hì hà, cố ý cho con chiên thấy sự đơn sơ thật thà của một người tu hành:
 
-   Trước sau gì cũng phải vậy thôi.                                      
 
-  Thân lậy Đức Cha, công việc con lo muốn hụt hơi luôn. Nhưng Chúa thương, mọi sự đều đã đâu vào đấy cả rồi, chỉ còn đợi lệnh Đức Cha ban nữa là xong.                                     
 
-  Ô hay sao lại đợi lệnh tôi? Việc đạo thì giám mục lo, còn việc nhà nước người ta tính thế nào thì gia đình cứ tùy đấy mà làm, thế nào được thì thôi chứ.      
 
-  Con sợ lỗi phép đạo nên con phải xin phép Đức Cha trước rồi mới dám làm. Đức Cha không cấm thì xin phép Đức Cha con đi lo ngay.
 
     Ở nhà thờ, bà Chiến nghe nhiều người xì xào chuyện bà định đút lót cán bộ để thầy Sáu Hóa được chịu chức. Nhiều người cho là có tội nên bà còn lo ngại. Vì thế cần phải có phép của đức cha thì bà mới yên tâm. Tuy đức cha không nói rõ ngài có cho phép hay không, nhưng bà chiến hiểu là ngài đã đồng ý. Bà chỉ cần có thế là yên trí để lo công việc. Bà cúi đầu chào đức cha rồi quay ngoắt bước ra, quên cả một lời cám ơn cho phải phép. Bà mừng rỡ bước ra khỏi phòng khách tòa giám mục, mặt tươi rói. Bà đi như bay ra ngoài đường, chạy xô ra giữa lộ để kêu taxi, nhiều xe cộ sợ đụng phải ngừng lại. Chiếc taxi trờ tới để tránh một tai nạn giao thông, bà lách qua, với tay mở cửa, nhẩy lên xe ngồi, ra lệnh cho tài xế:
 
-    Đi ủy ban.
 
     Anh tài xế không biết khách muốn đến ủy ban nào vì trong thành phố rộng lớn này có rất nhiều ủy ban. Hắn lại thấy bà Chiến ăn mặc sang trọng tưởng thuộc loại mệnh phụ phu nhân nên lễ phép hỏi.
 
-   Thưa bà ủy ban nào ạ?
 
     Bà Chiến chợt nhớ ra mình nói không rõ ý, liền cải chính:
 
-   Không, thành ủy.                                                                        
 
     Đi đường, chốc chốc bà lại dục tài xế chạy cho mau. Đến nơi bà móc trong bóp ra một nắm tiền. Bà chẳng thèm đếm, đưa cả cho tài xế. Anh tài xế mừng húm yên trí hôm nay vớ được khách sộp. Anh cầm nắm bạc chỉ liếc qua, chẳng cần kiểm lại, nở một nụ cười hóm hỉnh từ biệt bà khách quí:
 
-   Bà đi mạnh giỏi. Chúc bà may mắn.
 
     Bà Chiến đã ra vào hết ủy ban này đến ủy ban nọ từ Hànội vô đến đây, nên bà tự tin và xử sự mạnh dạn theo thói quen. Bà xuống xe và xăm xăm bước vào trụ sở như chỗ không người. Tên công an gác cổng chận bà lại,  hỏi:
 
-   Chị đi đâu?
 
     Bà hơi bất mãn vói tiếng “Chị” của tên công an. Nhưng cũng rất bình tĩnh, bà lên giọng lòe hắn, làm như mình là một nhân vật quan trọng:
 
-   Cho gặp đồng chí phó bí thư.
 
     Tên công an trố mắt nhìn người đàn bà ăn mặc sang trọng từ đầu đến chân để đánh giá theo nghiệp vụ của hắn. Công tác chuyên môn này kéo dài chỉ vỏn vẹn trong nháy mắt. Thấy không có gì khả nghi, hắn hất hàm một cái đúng điệu công an, hỏi bà Chiến những chi tiết cần thiết theo thủ tục xin tiếp xúc với thượng cấp của hắn, rồi mới báo cáo vô trong. Tùy theo từng loại vấn đề xin gặp, tên bí thư có thể không tiếp, có thể bắt chờ một vài tiếng đồng hồ, cũng có thể thoái thác bằng cách trả lời “đồng chí phó bí thư mắc họp, khi khác trở lại”. Tuy nhiên loại vấn đề như vấn đề của bà Chiến bao giờ cũng là ưu tiên số một. Bà mới chờ chừng vài phút thì đã có tiếng từ bên trong truyền ra qua chiếc máy intercom:
 
-   Cho người ta vào
 
     Một tên công an khác từ trong cổng gác bước ra, nói giọng khiêm tốn hơn với bà Chiến:
 
-   Mời chị đi theo tôi.
 
     Bà Chiến là dân Bắc Kỳ 75, nên đã quá quen thuộc với lối xưng hô và cung cách làm việc mang đặc tính công an này của tên lính. Bà lẳng lặng đi theo hắn.
 
     Chỗ này bà đã tới một lần rồi, nhưng hình như hôm nay đã khác, nó rộng lớn hơn và đẹp hơn. Lần trước là lần bà đi theo mụ chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc, người có trách nhiệm trực tiếp lo các vấn đề về tôn giáo của thành ủy. Cách đây hơn một tháng đích thân mụ dẫn bà Chiến lên gặp tên phó bí thư về vụ thầy Sáu Hóa chịu chức linh mục. Văn phòng thành ủy sau khi nhận được văn thư của tòa giám mục xin truyền chức linh mục cho thầy Sáu, đã làm việc với bên Mặt Trận, và chính mụ chủ tịch Mặt Trận đã dẫn bà Chiến lên gặp tên phó bí thư. Lý lịch thầy Sáu đã được mặt trận tìm hiểu cặn kẽ bên công an, và được mụ chủ tịch báo cáo với tên phó bí thư là đáng được chiếu cố. Báo cáo nhấn mạnh, bà Chiến thuộc thành phần gia đình liệt sĩ, chấp hành tốt mọi luật pháp và chính sách của nhà nước, có con đã thi hành xong nghĩa vụ quốc tế, và đã phục viên, vào Nam sinh sống theo chính sách “rải mạ” của đảng, đương sự đã được Mặt Trận xây dựng, và có nhiều biểu hiện tốt đối với đường lối và chính sách của đảng và nhà nước …..
 
     Các điều kiện về lý lịch kể như không có gì trở ngại. Còn lại là vấn đề chính sách nữa thôi. Mụ chủ tịch Mặt Trận (chứ không phải tên phó bí thư) là người trực tiếp thi hành chánh sách của đảng và nhà nước. Mụ yêu cầu bà Chiến ủng hộ quĩ kiến thiết tỉnh một số tiền tượng trưng nữa là xong. Mụ bảo đảm với bà như thế. Cái gía tượng trưng của mụ chủ tịch Mặt Trận là hai chục cây vàng hoặc mười ngàn dollars Mỹ. Việc thu tiền cho quĩ kiến thiết là trách nhiệm của bên Mặt Trận, và mụ chủ tịch có bổn phận thi hành. Ban bí thư thành ủy, vì cần giữ sự liêm khiết và tính trong sáng cho đảng, nên không dính dáng gì tới vấn đề tiền bạc. Nghĩ tới cảnh mấy hôm trước, con bà phải bóp bụng viết thư xin tiền người ta, bà Chiến năn nỉ xin bớt thì mụ nói tỉnh bơ:
 
-   Có vậy thôi mà còn bớt xén gì nữa. Diện chính sách mới được đảng chiếu cố đấy.
 
     Đã nói đến được đảng chiếu cố rồi thì bà Chiến đành phải chịu thua. Nhưng vẫn chưa hết, mụ chủ tịch Mặt Trận còn thòng thêm một câu làm bà muốn té ngửa:
 
-   Còn vấn đề bồi dưỡng thì chị cho thêm hai nghìn được rồi. Chỗ chị em đấy.
 
     Bà Chiến đã sống trong lòng chế độ từ ngày còn trong bụng mẹ, nên bà hiểu rõ thế nào là kiến thiết, và thế nào là bồi dưỡng của bọn cán bộ đảng viên. Nói huỵch toẹt ra, mười ngàn kiến thiết là để xây biệt thự cho tên phó bí thư ngoài Vũng Tầu. Còn hai ngàn bồi dưỡng là tiền cò của mụ Mặt Trận lo chạy việc. Chuyện rõ ràng như thế chẳng thế nào che mắt bà Chiến được. Nhưng bà vẫn phải nuốt giận vào sâu trong bụng, vì bà đang cần đến những tên này. Bà Chiến phải làm bộ tươi cười để tỏ ra mình thông suốt chính sách, đồng thời cũng cần phân trần rạch ròi cho mụ Mặt Trận biết, bà nói:
 
-  Tôi cũng biết các đồng chí trong ban bí thư rất cần tiền để xây dựng những công trình này nọ cho thành phố, và bà chủ tịch đi chỗ này chỗ nọ cho tôi cũng không phải là không tốn hao, nhưng thực tình mà nói, kiếm cho ra số tiền đó ngay cũng không phải dễ.
 
     Mụ Mặt Trận cũng không phải tay vừa. Mụ chận họng bà Chiến liền:     
 
-  Khó thì cũng có khó thật đấy, nhưng là khó với người ta kìa, còn với chị thì lại khác. Anh Hóa lên làm ông cha rồi đi Mỹ một chuyến thì lời gấp trăm gấp ngàn ngay thôi. Chị không thấy đấy, ông đức cha rồi các ông cha, ông nào đi Mỹ về mà không ôm về cả đống tiền dollars. Chị thấy có đi đâu mà thiệt. Tôi nói có đúng không?
 
     Mụ chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc đang đi guốc trong tim gan bà Chiến. Cách tính toán của mụ sao đúng y chang cách tính trong đầu người đàn bà sành sỏi này. Việc năn nỉ bọn cán bộ cũng là nói cho có nói để xoa dầu vào cái tính tự cao tự đại của chúng một phần. Phần khác là kiềm chế bớt máu tham lam vô độ của chúng. Thế thôi. Giá chúng ra giá gấp đôi gấp ba thì bà cũng phải chịu, chả làm thế nào được.
 
     Tới văn phòng thành ủy, tên công an mở cửa cho bà Chiến vô rồi đóng cửa lại. Tên phó bí thư chỉ bộ salon mời bà ngồi chờ. Chỉ một thoáng sau, cánh cửa lại xịch mở, và mụ chủ tịch Mặt Trận bước vô. Mụ vô đề liền, tỉnh bơ nói với bà Chiến một cách sống sượng:
 
-   Chị mang theo đủ chứ?
 
-   Vâng, mang đủ.
 
     Bà Chiến vừa trả lời vừa mở bóp lấy gói bạc ra, đặt lên bàn. Mụ chủ tịch Mặt Trận nhanh như cắt, nhoài người vồ lấy nhét vào bóp của mụ trước con mắt ngơ ngác của bà Chiến, khiến bà phải nhắc nhở mụ:
 
-   Xin bà kiểm lại xem có thiếu đủ gì không.
 
     Mụ nhoẻn miệng cười thật đểu cáng hỏi lai:
 
-   Chị dám thiếu sao? Tôi thừa biết là đủ rồi.             
 
     Bà Chiến coi như công việc đã xong xuôi, và không còn lý do gì để ngồi lại nữa. Bà toan đứng lên để ra về. Tên phó bí thư cảm thấy sượng sùng vì cái lối tiếp khách quá trơ trẽn của cán bộ thuộc quyền, hắn lên giọng vuốt ve và trấn an bà Chiến:
 
-  Chị Chiến lo công việc thật mau lẹ và chu đáo. Tôi biểu dương tinh thần hợp tác rất cao của chi. Chị cũng nên nhớ là gia đình chị là gia đình liệt sĩ, thuộc diện chính sách. Đảng và nhà nước ta luôn luôn tạo mọi điều kiện cho những người như mẹ con chị được thăng tiến trong đời sống xã hội. Đảng cũng biết chị mới vào Nam làm ăn. Cuộc sống vẫn còn có chỗ chưa được như mong muốn. Nhưng đây là tình hình chung. Trong lúc đất nước ta vẫn còn nghèo, nhân dân chưa được no ấm, thì mỗi người cũng cần phải ý thức điều đó, đóng góp một chút tùy theo hoàn cảnh vào công việc chung. Gia đình chị là gia đình liệt sĩ, thuộc diện chính sách, một chút đóng góp của chị chỉ là tối thiểu. Tôi tin là đảng và nhà nước nói chung, và chúng tôi ở đây nói riêng, sẽ đặc biệt chiếu cố đến hoàn cảnh của gia đình chị, nhất là anh Hóa sắp tiến thân lên một địa vị mới. Cho tôi và các đồng chí trong tỉnh ủy gởi lời chúc mừng đến tân linh mục. Chúng tôi chắc chắn sẽ còn có dịp gặp gỡ và làm việc với anh Hóa nhiều. Chị yên tâm.
 
     Mấy câu vuốt ve man trá nhưng cũng chứa đầy đe dọa của tên phó bí thư thành ủy vậy mà có phần nào tác dụng. Bà Chiến phải dằn sự uất nghẹn xuống. Bà cám ơn tên tỉnh ủy và mụ Mặt Trận rồi bước ra ngoài, tươi cười. Tên cán bộ hình như cảm thấy chưa yên tâm lắm, hắn còn nói với theo:
 
-   Chúng tôi cũng còn có một số việc phải trao đổi với tân linh mục nữa đấy.
 
* * *
 
     Mọi việc kể như đã xong xuôi cả. Bà Chiến yên tâm đi về lo lễ chịu chức của con trai.  
 
     Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến ngày như đã dự trù. Vấn đề đầu tiên còn lại là gởi thiệp mời. Gia đình chỉ mời những người trong bà con dòng họ hay làng xóm, còn các cấp trong chính quyền hay trong Giáo Hội là do tòa giám mục phụ trách mời. Riêng thầy Sáu Hóa còn phải nghĩ đến việc đối xử với bà mẹ cố ở bên Mỹ làm sao cho ổn thỏa. Đây không phải là vấn đề nhỏ. Cụ Nghị đã mấy lần hứa sẽ về Việt Nam tham dự lễ thụ phong và mở tay của thầy Sáu. Cụ nói thầy không còn cha mẹ anh em gì, mà cụ đã nhận thầy là nghĩa tử thì cụ phải về, và có mặt trong ngày đại hỉ của thầy cho có mẹ có con để thầy khỏi tủi. Thầy Sáu không thể không gởi thiệp sang cho cụ Nghị, nhưng vấn đề là chỉ báo tin thôi hay mời cụ về dự lễ? Thầy đã trót nói với cụ Nghị về hoàn cảnh gia đình của mình nên vấn đề mới trở nên rắc rối. Cuối cùng thì thầy Sáu quyết định chỉ báo tin. Còn chuyện mời thì thầy khôn khéo nói rằng, thầy rất muốn mời nhưng vì cụ đã già cả, việc đi lại khó khăn, nên thầy không dám bắt tội cụ phải vất vả vì mình. Thầy Sáu hứa sau này nhất định sẽ có cơ hội sang Mỹ viếng an mẹ cố.
 
     Cụ Nghị không được mời nên cụ thường tỏ ra buồn bực. Anh em Đông và Minh biết điều đó, nên cũng cảm thấy áy náy và bực bội. Hai anh em bàn nhau tìm cách nào để làm cho mẹ vui, đồng thời có thể giúp mẹ tìm hiểu cho rõ vấn đề mà cả hai lâu nay vẫn nghi hoặc. Đối với Đông thì đây là dịp may đã đến, anh có thể thực hiện lời đã hứa với em gái trước đây: mọi việc hãy để anh lo, cứ tin tưởng anh đi.
 
    Ngay chiều hôm đó, Đông liên lạc về Saigon với một người bạn thân để sắp xếp chuyến đi về Việt Nam cho mẹ. Anh kể cho bạn nghe tất cả mọi chi tiết của vấn đề, ý định của anh, lý do mẹ anh về, rồi bàn những việc cần làm và phải làm như thế nào. Tóm lại là một kế hoạch tỉ mỉ và chu đáo. Thỏa thuận với nhau xong, Đông chạy đi lấy hai cái vé máy bay cho mẹ và cho em.
 
     Chiều đi làm về, việc đầu tiên của Đông là gặp mẹ anh. Anh giơ hai chiếc vé máy bay ra trước mặt mẹ và khoe:
 
-   Có cái này cho mẹ này.
 
-   Cái gì vậy?  - Cụ Nghị hỏi.
 
-   Vé máy bay cho mẹ về Việt Nam đấy.
 
-   Mẹ đã nói mẹ không có về mà.
 
     Xem ra cụ Nghị cũng chẳng lấy làm vui, Đông cố ra sức giỗ ngọt và khuyên giải mẹ để bà cụ đừng làm hỏng kế hoạch của mình. Anh trấn an rằng mẹ đi với em Minh, chứ không phải đi một mình. Rằng anh đã sắp xếp chuyến đi cho mẹ đâu vào đấy cả rồi. Rằng mẹ về Saigon đã có người lo cho mẹ, vân vân và vân vân. Anh còn dèm pha với mẹ việc thầy Hóa không mời là việc thiếu cả tế nhị và lịch sự. Anh đồng ý với mẹ là không nên về, vì người ta ai cũng phải có tự ái. Tuy nhiên anh muốn mẹ về kỳ này là để mẹ đi chơi một chuyến. Anh lý luận rằng còn đi được thì nên đi, mai mốt dù mẹ có muốn đi cũng không còn sức khỏe mà đi nổi nữa. Đông còn đề nghị với mẹ, nếu muốn, mẹ anh cứ đến dự lễ của thầy Hóa, nhưng chỉ đi như tình cờ tham dự thôi, có gặp cũng không nên cho thầy Hóa biết mẹ là ai.
 
     Cụ Nghị nghe con trai thuyết một hồi xem chừng cũng đã mềm lòng. Cụ đứng dậy lẳng lặng đi vô phòng. Đông và Minh hiểu ý mẹ, hai anh em cứ tiến hành sắp xếp chuyến đi như đã dự trù.
 
     Đây là lần thứ hai cụ Nghị trở về thăm nhà. Nói là thăm nhà nhưng thực ra chẳng còn nhà đâu mà thăm. Gia đình, bà con cụ đã đi Mỹ hầu hết. Chỉ còn vài ba người ở lại nhưng đều là bà con xa. Mẹ con cụ về Saigon ở khách sạn như bạn của Đông đã sắp xếp. Những ngày đầu rảnh rỗi Minh đưa mẹ đi thăm bà con, bạn bè, rồi đi Nha Trang, Đà Lạt chơi. Đúng ngày cha Hóa ăn mừng mở tay, Minh đưa mẹ từ Vũng Tầu về Saigon, và đến thẳng nhà bà Chiến để chào mừng tân linh mục.
 
     Cha Hóa làm lễ mở tay tại một giáo xứ ngoại ô Saigon, vùng Bà Quẹo, nhưng tiệc mừng lại tổ chức tại tư gia bà cố Chiến trên đường Trương Minh Giảng. Minh cố ý đưa mẹ đến trễ. Tư gia là một biệt thự khá sang trọng có lầu. Chung quang khu nhà có tường xây bao bọc. Mặt trước là một dàn hoa bông giấy phủ kín bức tường làm cho căn nhà thêm quí phái và kín đáo. Qua một cái cổng sắt, Cụ Nghị và con gái được dẫn thẳng vô, đi qua một hành lang rợp bóng cây, tới một cái sân sau khá rộng. Tất cả đều láng xi măng sạch sẽ. Một chiếc màn dù căng phủ kín cái sân. Trong ngoài chỗ nào cũng giăng hoa kết đèn, giống như một đám cưới sang trọng. Cỗ bàn bầy la liệt ngoài trời. Khách khứa ngồi kín các bàn hầu như không còn chỗ trống. Phòng khách ở đàng sau trông ra cái sân này. Mẹ con cụ Nghị được dẫn vào phòng khách. Ở đây cũng bầy cỗ bàn, nhưng dành cho khách VIP. Thấy có khách vô, cha Hóa và bà cố ra tận cửa đón tiếp. Sau khi nghe cha Hóa tự giới thiệu và giới thiệu bà cố, Minh lanh miệng lên tiếng ngay vì sợ mẹ rủi ro làm bể chuyện. Nàng nói đại khái mẹ con nàng ở Mỹ về, tạm trú ở gần đây, nghe biết cha Hóa mới đựợc thụ phong nên tiện ghé chào mừng cha và thăm bà cố. Thấy khách là Việt kiều Mỹ, cha Hóa liền khoe cha cũng có bà cố nuôi ở bên Mỹ. Cha có mời mẹ nuôi về dự lễ, nhưng bà mắc bận không về được. Cha Hóa và bà cố nài nỉ mời khách ở lại dự tiệc, nhưng mẹ con cụ Nghị nhất định từ chối, lấy lý do còn nhiều nơi phải thăm, và nhiều chỗ phải đi nên không có thì giờ. Minh lấy trong bóp ra một phong bì trắng đã dán kỹ đưa cho cha Hóa, nàng nói chỉ là một chút quà mọn kính biếu cha để xin cha cầu nguyện cho, rồi xin phép đưa mẹ ra về liền. Cha Hóa và cả bà cố tiễn mẹ con cụ Nghị ra đến tận cổng.
 
     Ngồi trên taxi trở về khách sạn, cụ Nghị thở dài thậm thượt nói với con gái:
 
-   Về thôi.
 
-   Đang về mà mẹ.  - Minh không hiểu ý mẹ nên trả lời lạc đề.
 
-   Mẹ nói là về Mỹ kìa.
 
     Minh biết mẹ mình thất vọng lắm. Nàng ôn tồn vuốt ve mẹ:
 
-  Còn những tuần nữa mới có chuyến bay. Con sẽ cố gắng đổi chuyến bay sớm hơn, nhưng không biết có được không. Thôi mẹ đừng buồn. Mẹ thích đi chơi đâu con đưa mẹ đi. Con cũng không muốn ở lại đâu.
 
     Việc cụ nghị đòi tức tốc trở về Mỹ không làm cho Minh ngạc nhiên tí nào. Chính nàng cũng đang có tâm trạng như mẹ. Việc làm cho mẹ nàng khám phá ra được chân tướng của sự việc là mục đích của chuyến đi mà nàng đã đạt được. Nàng dự tính sẽ đổi chuyến bay để đưa mẹ trở về Mỹ càng sớm càng tốt. Gần về đến khách sạn, cụ Nghị vẫn cứ ngồi đăm chiêu ủ rũ. Minh sực nhớ lại vấn đề cái phong bì đưa mừng cho cha Hóa, nàng hỏi mẹ thăm dò:
 
-   Con biết mẹ đang nhớ đến cái phong bì mừng cho cha Hóa. Có phải không?
 
     Cụ Nghị vẫn ngồi lặng thinh, Minh nói thêm:
 
-  Mẹ bận tâm làm gì, chút quà nhỏ thôi mà, có gì đâu, mẹ biết không, để khỏi mất mặt với người ta thôi.
 
     Việc như thế mà cụ Nghị cũng không nhớ, và không nghĩ đến, cụ tự trách mình nhưng không nói ra. Thấy con gái biết xử sự, cụ cảm thấy yên ủi, cụ quay sang nhìn con gái với vẻ hài lòng. Minh cho rằng thế nào mẹ cũng nghĩ đến số tiền trong đó, nhưng nàng thì nghĩ khác. Nàng tưởng tượng tối nay khi cha Hóa mở phong bì ra, chắc sẽ phải chưng hửng và sượng sùng lắm. Quả thật, sự việc không ngoài tài đoán việc của Minh.
 
     Đến gần khuya cha Hóa mới hết khách. Cha mệt nhoài. Vì đãi ăn tại nhà mà chỗ tiếp khách lại chật chội, nên chủ nhà phải chia số khách mời thành nhiều đợt. Mãi đến mười giờ đêm, đợt khách cuối cùng mới ra về. Bà cố Chiến dục con đi nghỉ sớm để lấy lại sức. Cha Hoá nghe lời mẹ, uể oải bước ra cầu thang để lên lầu. Dưới nhà đã im hẳn tiếng ồn ào, thỉnh thoảng chỉ còn lại tiếng đũa chén va vào nhau do những người dọn dẹp vụng về làm kêu lách cách. Cha bước vào phòng đóng cửa lại. Bây giờ ngài mới nhớ đến chiếc phong bì mẹ con bà khách từ Mỹ về đưa mừng. Cha thọc tay vào túi. Chiếc phong bì vẫn còn nằm yên trong đó. Cha đã có kinh nghiệm và phân biệt rõ ràng các loại phong bì trong nước hay ngoại quốc. Các phong bì đưa mừng, nếu là phong bì Việt Nam, cha đưa hết cho bà cố, còn phong bì ngoại quốc, cha cẩn thận đút vào túi. Cha rút ra chiếc phong bì trắng tinh. Ngài mở thêm chiếc đèn bàn rồi đưa lên soi. Cha lấy cái kéo, từ từ cắt đứt một đầu, đưa hai ngón tay vào bên trong, rút tờ giấy ra coi. Cha ngạc nhiên đến sững sờ. Chỉ là một tờ giấy trắng. Cha vội vàng mở ra đọc:
 
Kính chúc cha sức khỏe và dồi dào ơn Thánh Chúa
để cha chu toàn sứ mệnh Chúa trao ban cho cha. 
Bà quả phụ Trần Quyết USA.
 
     Đúng là tên của mẹ cố ở bên Mỹ. Không thể nào nhầm lẫn được. Cha Hóa xám mặt, ngã người xuống ghế. Tờ giấy rơi xuống bàn. Cha mệt lả. Chân tay rã rời. Mắt nhắm nghiền. Đầu óc cha xoay tròn. Cha không còn biết cha đang nghĩ gì nữa. Vừa lúc đó, bà cố Chiến từ bên ngoài mở cửa bước vào. Thấy con có vẻ mệt mỏi thái quá, bà cố hỏi:
 
-   Cha mệt lắm hả? Con giọn giường cho cha đi nghỉ sớm nhá.
 
     Cha Hóa nói thều thào như người sắp chết:
 
-   Hỏng hết rồi.
 
-   Cái gì hỏng?  - Bà cố ngạc nhiên hỏi.
 
-   Bể hết trơn rồi. Mẹ cố ở bên Mỹ về.
 
     Bà cố chộp lấy tờ giấy trên bàn, mở banh ra đọc. Bà đã hiểu ra. Bất chợt, bà cố đùng đùng nạt ông cha con:
 
-  Tưởng gì. Có vậy thôi mà làm như chết đến nơi rồi. Còn tôi đây, cha không có gì phải lo.
 
-   Nhưng người ta ……..
 
-   Không có nhưng gì hết. Người đàn bà đó từ nay không còn cần thiết nữa.
 
     Bà cố Chiến nói xong giận dữ xô cửa bỏ ra ngoài. Cha Hoá vẫn ngồi bất động, ngả đầu trên lưng ghế, hai mắt vô hồn nhìn lên trần nhà. Gian phòng im lặng như tờ, chỉ còn nghe tiếng chiếc máy lạnh kêu xè xè đơn điệu.
 

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire