caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mardi 31 mars 2020

Ai còn nhớ  Ngõ Cư Xá  Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận.

Một thời đã qua, những kỷ niệm về những người Sài Gòn thủa nào đó rồi sẽ mai một với thời gian.
Bài viết dưới đây cho ai đã từng ở cùng con phố, nhớ về chốn cũ.
Ở đây, chúng ta chỉ là đọc lại chút tâm tư của người kể chuyện.
Caroline Thanh Hương






Ngõ Cư Xá  Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận
Tưởng nhớ Nữ ca sĩ Quỳnh Giao, nhớ Sài Gòn, đọc lại một bài viết.  DgN

..Năm mới lên mười lăm tuổi, người viết đã hát thay cho thân mẫu trong nhiều ban nhạc của các đài phát thanh ở Sài Gòn. Cũng thời gian đó, gia đình dọn từ căn nhà ở đường Phan Ðình Phùng nối dài - ngày xưa ta vẫn gọi là đường Richaud prolongé - đến ngôi nhà trong ngõ Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận.

Thật ra ngôi nhà nằm trên con đường Chi Lăng nhỏ hẹp, lại mang tên ngõ Chu Mạnh Trinh, vì tên của ngôi trường tiểu học tọa lạc ngoài đầu ngõ.

Không biết vì nguyên nhân gì mà ngõ Chu Mạnh Trinh được giới nghệ sĩ rủ nhau đến cư ngụ, trở thành con ngõ của giới nghệ sĩ. Một hành lang đông đúc và ấm cúng.

Con ngõ dài và được đặt tên theo thứ tự ABC. Ngõ đầu tiên là ngõ A và B là nơi gia đình Nguyễn Mạnh Côn ẩn cư. Cách đó vài căn là nhà của nhà thơ trữ tình Hoàng Anh Tuấn.

Ngõ D có nhà văn quân đội Văn Quang trụ ở đầu, đối diện với nhà của ông là bản doanh của hai chàng độc thân tại chỗ lúc bấy giờ, là danh ca Anh Ngọc và nhà văn Thanh Nam.

Ðoạn giữa ngõ D là nơi gia đình cặp nghệ si cải lương Năm Châu-Kim Cúc đóng đô một thời, sau đó trở thành nhà của cặp Minh Trang-Dương Thiệu Tước và bầy nhi đồng bảy đứa, trong đó có người viết bài, dĩ nhiên! Ðối diện nhà mình là nhà của gia đình nhà văn Duyên Anh.

Hằng ngày bảy đứa trẻ tập dượt piano và violon đến bể con ráy, ngoài những lúc chạy chơi đùa giỡn. Hàng xóm chắc cũng phiền lòng mà không phàn nàn được!
Ði sâu hơn, bên tay phải là ngõ F, có nhà của Hoàng Nguyên, tác giả những bài hát về hoa đào..

Bên trái là ngõ G, nơi gia đình nhạc sĩ Phạm Duy đóng đô. Cũng với bầy nhi đồng nghịch như giặc, gồm bốn đứa con trai (Quang, Minh, Hùng, Cường) kéo theo hai đứa con gái (Thái Hiền, Thái Thảo) phá phách, hàng xóm tối ngày khiếu nại vì không ngớt bị phiền nhiễu!

Sau này, cô Thái Hằng sinh thêm Thái Hạnh và Duy Ðức, nhưng hai đứa con út thì hiền và ít nghịch bằng các anh chị.

Mới đầu nhà chỉ có một từng. Có thêm con, nhạc sĩ Phạm Duy xây thêm hai từng, vừa rộng rãi, thoáng mát, mà lại có chỗ riêng để ông làm việc.

Thời gian này người viết độ 16, 17 tuổi, đang được mời hát cho ban Hoa Xuân của ông, thường đến để nghe những sáng tác viết chưa ráo mực, và hôm sau trình bày trên đài.

Nhiều lắm, làm sao nhớ hết, nhưng nhớ nhất là bài “Kỷ Niệm”, “Ngày Ðó Chúng Mình”, những bản “Tâm Ca”, hay “Tôi Ðang Mơ Giấc Mộng Dài”...

Ði sâu vào nữa có nhà của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, nhà của nhạc sĩ Lê Dinh, và nhà của Tuấn Khanh. Nhạc sĩ Tuấn Khanh rất thân với gia đình Phạm Duy.

Cô Thái Hằng xem người vợ của nhạc sĩ Tuấn Khanh như em ruột. Tuấn Khanh kém tuổi Phạm Duy đúng một con giáp.

Thời đó, ngoài tình hàng xóm, còn có tình đồng nghiệp. Hàng ngày chẳng thấy nhau ở đầu ngõ thì gặp nhau ở trên các đài phát thanh.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác rất sớm, từ khi còn ở Hà Nội.

Di cư vào Nam, ông tiếp tục sáng tác, và là công chức làm trong ban chương trình ở đài.  Ông có nhiều tài: sáng tác nhạc, đàn vĩ cầm và là một giọng hát vững vàng dưới trên Trần Ngọc.  Ông thu ngắn tên thật là Trần Trọng Ngọc thành nghệ danh trước máy vi âm.  Tuấn Khanh cộng tác với hầu hết các ban ở các đài phát thanh. Khi thì kéo violon, khi thì hát đơn ca, hoặc hợp ca, phụ họa. Vì giỏi nhạc, nhìn bài hát là xướng âm ra nên ông “bị” hát bè nhiều hơn là được hát giọng chính.

Ðây là sự thiệt thòi của nhiều ca sĩ giỏi nhạc. Như trường hợp Kim Tước, Châu Hà hát bè cho Mộc Lan, hay Thu Hà, Tuyết Hằng hát bè cho Hồng Vân.

Ông kể chuyện rằng khi còn ở Hà Nội, Tuấn Khanh đã dự thi tuyển lựa tài tử, và đứng hạng nhất cùng với Thanh Hằng.  Ông chủ trương đọc thật rõ lời khi hát, và rất hài lòng khi sáng tác của mình được ca sĩ hát lời thật rõ ràng. Những người hát rõ lời làm vừa lòng ông là hai nàng “Thanh”: Thái Thanh và Hà Thanh.

Về sở thích ấy, nhạc sĩ Vũ Thành lại rất khó tính với cường độ và cao độ. Ðược mời hát ban của ông, hầu hết các ca sĩ phải có giọng kim, hát véo von, chót vót, thà không rõ lời chứ không cắn chữ khi ngân (vibrer). Và nhất là không được “láy” bậy!

Vũ Thành hài lòng riêng với cách trình bày của Anh Ngọc và Kim Tước. Số người ông cho là “danh ca: chỉ đếm được trên đầu ngón tay của một bàn tay.

Nhạc sĩ Phạm Duy thuộc loại dễ tính. Ai hát cũng OK. Giọng Kim, giọng Thổ, “ca va tout!” Tuy nhiên, ông rất tinh tế khi nhận xét và sử dụng nghệ thuật trình bày của các ca sĩ.

Dĩ nhiên, Phạm Duy để Thái Thanh là người hát “Tình Ca” đầu tiên, mà cho đến giờ không còn ai hát như thế nữa.  Ông rất “tinh” khi lấy giọng Duy Khánh làm lữ khách trong trường ca “Con Ðường Cái Quan”, và cũng Duy Khánh hát “Một Bàn Tay” độc đáo vô cũng.

Ông cũng đã để Kim Tước hát “Còn Gì Nữa Ðâu” khi vừa ráo mực để trở thành một trong những ca khúc mang nét quý phái nhất của ông.

Và hân hạnh biết bao cho người viết khi 17 tuổi, hát “Kỷ Niệm” lần đầu... Ông bảo: “Kỷ niệm là phải trong sáng, đôn hậu... Phải ở cái tuổi còn thơ ngây...”

Miên man nhớ lại kỷ niệm, rồi nhớ có lần hỏi Tuấn Khanh về sáng tác đầu tiên của ông. Mới biết “Hoa Xoan Bên Thềm Cũ” là ông viết cho vị hôn thê, đem lại thành công tức thì.  Ca khúc được hát nhiều nhất trong các đại nhạc hội và là bài được thính giả yêu cầu nhiều nhất hồi đầu thập niên 60.

Sau thành công rực rỡ này, ông liên tiếp viết các tác phẩm cùng tiết điệu Boléro, có lời ca lành mạnh trong sáng với nội dung ca tụng tình người chiến sĩ và cô vợ hiền như “Một Sớm Anh Về”, “Chiều Biên Khu”, “Mùa Xuân Ðầu Tiên”... Bản chất giản dị và đôn hậu bàng bạc trong các sáng tác của ông.

Cũng như Minh Kỳ mà Quỳnh Giao đã viết một lần trước, Tuấn Khanh bắt được thị hiếu của thính giả rất nhanh nên khi tung ra các tác phẩm “Quán Nửa Khuya”, “Giọt Lệ Vu Quy” ông trở thành một tên tuổi quen thuộc hàng đầu. Sự thành công và cả sức mạnh đã giúp ông miệt mài sáng tác.

Có những tác phẩm viết cho quần chúng, những tác phẩm viết cho mình. Tuấn Khanh thành công về cả hai mặt tài chính và nghệ thuật.
Quỳnh Giao đặc biệt yêu thích các ca khúc nghệ thuật của ông trong “giai đoạn Chu Mạnh Trinh”, thời 1960, và chắc các thính giả khó tính cũng đồng ý.Ðó là “Chiếc Lá Cuối Cùng”, “Một Chiều Ðông”, “Mộng Ðêm Xuân”, “Ðồi Sim”, “Dưới Giàn Hoa Cũ”.

Còn một ca khúc rất đẹp, làm nhạc đề cuốn phim cùng tên là “Mưa Lạnh Hoàng Hôn” của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn. Ðã có lúc người viết bài muốn thu âm ca khúc này, mà tìm không đủ lời ca.

Nhạc thuật của Tuấn Khanh không quá cầu kỳ, nhưng vẫn bóng bảy, thanh nhã. Lời ca không sâu quá, dễ hiểu, nhưng vẫn tình tứ, mà không tầm thường.Lại nhắc đến kỷ niệm, năm 1975, người viết đi thoát và nghe tin nhiều nghệ sĩ còn kẹt lại, trong đó có nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Năm 1985, Quỳnh Giao từ Hoa Thịnh Ðốn về Nam Cali hát với Mai Hương một tuần lễ liền tại quán café LUP do lời mời của cặp Lê Uyên và Phương. Thật ngạc nhiên và sung sướng khi gặp lại ông, đã qua được bên này.

“Ðến để nghe cháu hát”, Tuấn Khanh nói như vậy, “chứ chú ít đi đâu lắm”.

Rồi đưa bài “Nỗi Niềm” ông mới sáng tác cho cô cháu xưa kia là hàng xóm. Trong bóng tối của phòng trà, người viết không đọc gì được.

Sáng sau cầm bài hát xem qua, và hát nhẩm theo, thì giật mình vì bài hát hay quá.

Nét nhạc sang trọng, uyển chuyển, bay bướm mà lời ca thì tình tứ, lãng mạn. Cuộc sống lây lất vất vả ở quê nhà không làm ông cạn nguồn sáng tác, mà trái lại.

Tối hôm ấy, Quỳnh Giao vừa đàn vừa hát “Nỗi Niềm” cho thính giả, và nhất cho tác giả thưởng thức, với tấm lòng ngưỡng mộ của mình. Giai đoạn này như một hồi sinh trong âm nhạc Tuấn Khanh.

Một loạt ca khúc bất hủ tung ra: “Nhạt Nhòa”, “Từ Ðó Khôn Nguôi”, “Tháng Chín Dòng Sông”, “Tại Vắng Anh”... đều là tuyệt phẩm.

Ðến một tuổi nào đó, người nghệ sĩ thường quay về cội nguồn đạo đức. Khi đã già Dương Thiệu Tước mới viết “Ơn Nghĩa Sinh Thành”, Phạm Duy mới viết mười bài “Ðạo Ca” , Vũ Thành mới viết “Thụy Khúc”, như để vỗ về giấc ngủ cuối...

Tuấn Khanh ở tuổi 70 đã viết đến 50 bài “Thiền Ca” phổ thơ của tu sĩ Tịnh Liên.

Bẩy mươi tuổi mà nguồn sáng tác còn mãnh liệt đáng nể.
Khi thấy Xuân về, chúng ta thường nhớ lại chuyện xưa. Ngõ Chu Mạnh Trinh vì vậy trở về cùng hoa xoan bên thềm cũ của Tuấn Khanh... những kỷ niệm khó quên của một thời đã qua.



“Gửi các bạn bài ‘CHUYỆN PHẠM DUY VÀ CHUYỆN TẾT Ở VN’ đọc cho vui ” – 
Văn Quang 
Chuyn Phm Duy và chuyn Tế VN
*
Viết thì thừa, không viết thì thiếu. Đó là chuyện nhạc sĩ Phạm Duy vừa ra đi và chuyện Tết nhất ở VN. Bởi cả hai thứ chuyện này đã có nhiều người tường thuật rồi. Bài nào cũng dài thoòng. Đọc trên net và được bạn bè “năm châu bốn biển” gửi cho, đọc mệt nghỉ. Ấy thế nhưng mấy ông viết chuyện hàng ngày hàng tuần, cộng tác thường xuyên với các báo đều… tự ý thức được phải “mùa nào thức nấy”. Những chuyện “đại sự” không thể bỏ qua. Thế nên tôi cũng có bổn phận phải hầu chuyện với bạn đọc về hai cái thứ chuyện “đại sự” này, chưa nói đến việc các ông chủ bút mấy tờ báo nhắc khéo: “Chắc kỳ sau anh viết bài về Tết VN nhỉ? Có ông hỏi khéo hơn “Ông Phạm Duy từ trần ở VN, trong tòa soạn, anh là người gần nhất, chắc anh biết nhiều”. Ông nào cũng đúng cả.
Tôi phân vân vì kỳ trước tôi đã hứa với độc giả sau bài “văn hóa hòa cả làng” sẽ bàn tiếp về các thứ văn hóa khác đang khiến dư luận nổi sóng. Nhưng có đến hai ông chủ bút nhắc khéo tôi về đề tài Tết và Phạm Duy nên tôi đành tạm ngưng chuyện văn hóa lại rồi ra giêng ngày rộng tháng dài tha hồ bàn chuyện văn hóa linh tinh. Xin nói “chuyện xưa” về anh Phạm Duy trước.
  • Phạm Duy –  Thái Hằng hàng xóm của tôi
Thưa bạn đọc, đó là tiêu đề trong một bài tôi viết trong tờ đặc san “Văn” xuất bản tại Cali vào năm 2002. Hồi đó anh Nguyễn Xuân Hoàng phụ trách tờ báo này. Anh ra số đặc biệt về Phạm Duy, hồi đó nhạc sĩ Phạm Duy còn ở Mỹ, chưa về “định cư” tại VN. Anh Nguyễn Xuân Hoàng gửi mail giục tôi viết bài về Phạm Duy. Lần thứ nhất tôi trả lời là “Có gì để viết về ông ấy đâu, nhiều người viết quá rồi, tôi không chen chân vào lãnh vực âm nhạc. Cái gì biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”. Nhưng hai lần sau, anh Hoàng nói là viết về bất cứ mặt nào cũng được, anh Hoàng “gáy” tôi: anh là hàng xóm của anh Phạm Duy mà. Tôi tóm được cái ý chính, một anh hàng xóm viết về anh hàng xóm, cũng được đấy chứ. Tôi bèn viết rất sơ lược về anh Phạm Duy, dồn tâm ý viết về chị Thài Hằng (chắc độc giả thừa biết đó là phu nhân Phạm Duy). Gia đình chúng tôi ở rất gần nhau trong cái cư xá gọi là Chu Mạnh Trinh, gần ngã tư Phú Nhuận. Thật ra cái ngõ đó không có tên, nó nằm ở số 215 đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu). Bởi ngõ nằm ngay sau trường học Chu Mạnh Trinh nên lâu ngày nó thành tên chứ có ai đặt tên cho cái ngõ đó đâu. Và một sự thật nữa là cái cư xá đó do ngân hàng xây dựng nên thoạt tiên người ta gọi là “Cư xá nhà băng”, mãi sau này nhiều gia đình thuộc giới văn nghệ Sài Gòn đến mua nhà ở nên người ta mới thay tên là cư xá Chu Mạnh Trinh cho khỏi lẫn với mấy cư xá nhà băng khác trong thành phố.
Sơ lược tôi còn nhớ những gia đình đã từng ở đó, sau này có thể đã dọn đi nơi khác. Từ ngoài đường lớn vào là nhà các ông Nguyễn Mạnh Côn, Năm Châu, Dương Thiệu Tước – Minh Trang- Quỳnh Giao, Phạm Duy, Đỗ Tiến Đức, Hoàng Anh Tuấn, Anh Ngọc, Mộc Lan, Hoàng Nguyên, Hồ Anh, Duyên Anh, , Thẩm Thúy Hằng, Trịnh Viết Thành, Linh Lan…
Nhà tôi ở ngay mặt đường ngõ vào, cách nhà anh Phạm Duy không quá 50m. Nhưng rất it khi sang nhà nhau. Lý do giản dị, tôi và Thanh Nam, Mai Thảo là bạn khá thân của anh Phạm Đình Chương. Sau “vụ Khánh Ngọc”, chúng tôi rất ít tiếp xúc với anh Phạm Duy. Suốt thời gian tôi làm ở Đài Phát Thanh Quân Đội, anh Phạm Duy có một chương trình nhạc trong Đài này, hàng tuần gặp nhau ở Đài, chúng tôi không có thì giờ nói chuyện nhiều. Ở đây tôi nhắc lại một đoạn trong bài tôi đã viết 10 năm trước:
Lần duy nhất sang nhà Phạm Duy
 “Tôi chỉ sang nhà anh duy nhất một lần vào cuối năm 1974, anh mua được mảnh đất khá rộng, bán căn nhà cũ cho ông Nguyễn Mạnh Côn. Anh dọn vào ở cuối ngõ, xây căn nhà mới khá lớn. Chị Thái Hắng đi qua nhà tôi, nhắc “Anh rủ bạn bè qua nhà tôi chơi. Nhà tôi đang làm một chỗ cho các anh chơi ở ngoài vườn, thơ mộng lắm”. Tôi sang nhà anh Phạm Duy khi khu vườn vừa được trang trí rầt hữu tình. Những hòn giả sơn, những hàng cây, bể nước lớn, những hòn đá tảng rải rác đây đó… Đúng là nơi dưỡng già thật tuyệt. Nhưng “cảnh quan” đó chưa hoàn chỉnh thì ngày 30-4-75 tới, anh phải rời xa. (Xin chú thích thêm là sau này khi anh về VN sống cũng không “đòi” lại được. Một lần tôi hỏi, anh chỉ nói “quên chuyện đó đi, ông ơi”. Coi như huề cả làng).
Tính cách của nữ danh ca Thái Hằng
“Tôi có nhận xét rất thành thật là nếu ở con người anh Phạm Duy, luôn luôn hiện diện hai chữ nghệ sĩ lớn như cây đại thụ thì ở chị Thái Hằng trong xóm tôi, chị là người rất bình dị. Chưa bao giờ chị chứng tỏ mình là “một cái gì”, ít ra cũng là vợ một nhạc sĩ có tên tuổi. Nói khác đi, chị không phải là bà Phạm Duy nổi tiếng và cũng chẳng phải là một nữ danh ca thượng thặng trong ban hợp ca Thăng Long. Gia đình chị là một gia đình nghệ sĩ danh tiếng với Phạm Đình Chương, Thái Thanh, Hoài Trung và những anh em như Phạm Đình Sĩ, Kiều Hạnh, Mai Hương…
Chị sống chan hòa như một người chị mẫu mực, hiền hậu. Đối với mọi  người trong xóm, chị sống hết sức bình dị, không se sua, không làm dáng. Mỗi buổi sáng, quần ta, áo cánh xách giỏ đi chợ như mọi bà nội trợ bình thường khác. Chị thân thiện chân thành chứ không phải sự “nhún mình” để che giấu một thứ hào quang sau gáy.
Suốt hơn 10 năm, sống gần gia đình chị, từ khi Duy Quang, Duy Cường, Duy Minh còn rất nhỏ cho tới khi các cháu lớn lên, tôi chưa hề thấy chị to tiếng với bất kỳ cháu nào và chị cũng chưa từng làm mất lòng ai trong xóm. Sự khoan hòa dung dị của chị có thể là một tấm gương lớn cho nữ giới.
Trong những ngày sau này, có vụ tai tiếng ở nước Mỹ giữa ông Clinton và cô thư ký nhà trắng, thái độ khôn ngoan của bà Hillary Rodham Clinton khiến nhiếu người nể phục. Khi có chuyện tình lỉnh kỉnh của anh Phạm Duy, các báo ở Sài Gòn khai thác tối đa. Thái độ điềm đạm của chị Thái Hằng còn đáng khâm phục hơn. Các phóng viên cố khai thác ở chị một vài chi tiết nhưng chị chỉ có một câu trả lời: “Tôi rất tin tưởng ở chồng tôi”. Thế là hết, chẳng anh nào khai thác được gi ở chị, nhờ vậy dư luận cũng xẹp dần. Sau này chị cũng không xuất hiện cùng chồng con ở những cuộc vui, những đại hội.
Cái bóng cực kỳ thầm lặng đó làm nên tính cách lớn của chị Thái Hằng. Từ trong đáy sâu tâm tư tôi, chị mãi mãi là một nữ nghệ sĩ rất xứng đáng được kính trọng”
Phạm Duy trên đường đến đoàn tụ cùng Thái Hằng
Thưa bạn đọc, đó là những gì tôi đã viết 10 năm trước. Và bây giờ, năm 2013, anh Phạm Duy từ trần, tôi cũng được một ông chủ báo nhắc: “Viết bài về Phạm Duy đi ông”. Tôi cũng trả lời như 10 năm trước: “Chẳng có gì để viết về ông ấy cả. Nhiều người viết quá rồi. Tôi chỉ xin nhắc đến chị Thái Hằng. Tôi nghĩ đó là một lẽ công bằng và ít người viết”.
Sau 1 ngày anh mất, sáng 28-1-2013 tôi và anh Nguyễn Quốc Thái cùng Quốc Anh, phóng viên báo Tuổi Trẻ, mang một trong những vòng hoa đầu tiên đến tiễn đưa anh. Một mái che như cái rạp dựng ngay trên ngõ, trước cửa ngôi nhà nhỏ của anh. Lúc đó tôi chỉ thấy vài người quen mặt như ông Nguyễn Ánh Chín, Phạm Thiên Thư, Lưu Trọng Văn, Nguyễn Thiện Cơ, Nguyễn Khắc Nhân, vợ chồng nữ ca sĩ Ánh Tuyết…
Sau lễ nhập quan vào 9g sáng, chúng tôi chia buồn cùng tang quyến, đứng trước bàn thờ thắp nén nhang vĩnh biệt anh. Riêng tôi, chỉ cầu xin anh trên đường đi gặp chị Thái Hằng mang tấm lòng kính trọng của người cùng xóm đến với chị, anh chị mãi mãi bên nhau như những ngày còn ở cư xá Chu Mạnh Trinh.
01-_Gia_dinh PD
Gia đình Phạm Duy – Thái Hằng khi còn ở cư xá Chu Mạnh Trinh.
.
02-_Ban_tho_Pham_Duy
Bàn thờ nhạc sĩ Phạm Duy sau lễ nhập quan
 .
  • Những ngày cận Tết
Sang đến chuyện Tết đang đến gần, trong những ngày này, bất cứ một gia đình nào ở VN cũng nói đến cái Tết đang gần kề, từ ông nhà giàu đến anh rách tả tơi cũng nói chuyện tết. Mỗi anh nói theo cách của mình. Anh nghèo càng nghèo, càng lo chạy tiền ăn Tết, thậm chí sợ tết. Anh giàu lại vẫn đi tậu những “đặc sản” tô điểm cho cái vẻ “đại gia” của mình. Tuy thế năm may nhiều đại gia vỡ mặt vì suy thoái, nhưng dù “vỡ mặt cũng còn cái mũi”, vẫn phài làm ra vẻ “đẳng cấp” để che cái túi rỗng. Ngoại trừ những ông “ xụm bà chè” không đứng dậy nổi vì bị con nợ đến tận nhà bao vây, có ông trốn luôn ngay từ đầu tháng chạp.
Nhưng nổi bật nhất là rất nhiều công nhân bị nợ lương từ 1 tháng đến vài tháng, suốt ngày long đong đi kiếm chủ công ty. Họ khổ hơn là những anh chị làm ở ngân hàng, ở những công ty xí nghiệp to đùng không được thưởng Tết hoặc không có lương tháng 13. Những khoản tiền này không có trong hợp đồng lao động và cũng không có trong luật nên các ông chủ toàn quyền quyết định. Cho nên có những công ty thưởng Tết “không giống ai”. Như công ty sản xuất hương, tặng công nhân mỗi người vài bó hương với lý luận nhà nào chẳng cần hương ngày Tết. Một công ty may ở Hà Nội, tặng nhân viên mỗi người 70 cái quần đùi (quần lót đàn ông) là thứ hàng bán ế. Thậm chí có công ty còn thưởng Tết cho nhân viên bằng…gạch xây dựng… Đúng là kiểu thưởng chỉ có ở VN.
Những cảnh chờ tàu xe từ “muôn năm cũ” vẫn tái diễn
Vế quê ăn tết luôn là mối lo của những anh chị công nhân từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam làm ăn. Dường như chẳng có mối bận tâm nào của người miền Nam ra Bắc kiếm ăn, con số này quá ít, hầu như chỉ có vài ông công chức, vài ông giám đốc gặp thời đang phất mới ra Bắc “lãnh nhiệm vụ” mà thôi. Còn hầu hết là những ông công chức bự từ miền Bắc vào miền Nam lãnh nhiệm vụ quan trọng. Những ông này ở đây lâu năm, có nhà cửa vợ con xe pháo đề huề nên đôi khi cũng chẳng cần “về quê ăn Tết” nữa. Mà có về thì máy bay đi cái vèo là tới. Lo gì cái vặt.
Với ngươi lao động, tình trạng vẫn như cũ bao năm rồi. Nhà tàu nói “cải tiến”, khách kêu “cải lùi”! Trong khi hai bên liên quan chính năm nào cũng như dàn trận đấu với nhau, “cò vé” ở giữa hưởng lợi lớn từ nguồn vô biên là túi tiền của khách.
Vài năm nay công nghệ thông tin lên ngôi nên vé tàu hòa được đặt qua mạng internet. Nhưng khách chờ dài người từ chập tối đến đêm, có người chờ 3 ngày liền mạch vẫn nghẽn đến “sập mạng”, không thể chen vào ghi tên được. Cái nền văn minh ấy coi như tắc tịt. Lại nhào đến nhà ga mua vé. Lại ngày đêm nằm vạ nằm vật chờ đợi mua được tấm vé. Nhưng ra chợ đen thì bao nhiêu cũng có, đi Đà Nẵng hay Hà Nội đều đầy đủ.
Có hàng ngàn lời kêu ca gửi đến các báo. Bạn chỉ cần đọc vài ý kiến của người đi mua vé tàu cũng đủ biết họ bị hành như thế nào:
– Bạn Thế: thepearltb@gmail.com muốn gào lên”  “Tức muốn chết! Ngồi đặt vé cả sáng không được, chạy ra ga Sài Gòn đã thấy 1 đám người kêu ơi ới: “Em ơi, vé về Tết không”. Sau đó là tiến hành giao dịch: 200k 1 vé hẹn vài hôm sẽ có vé. Và tổng thiệt hại cho 1 vé là 1triệu + 200k  nữa @@. Chả hiểu bao giờ mới được như các hãng hàng không nữa? Chung quy vẫn khổ dân!” –
– Bạn Mai Thùy Giang có địa chỉ giangthuy@gmail.com viết:
 “Không thể chấp nhận được cách làm việc của ngành Đường Sắt VN (ĐSVN). Đừng đổ lỗi cho nghẽn mạng mà hãy xem lại nội bộ ngành đường sắt như thế nào. Tôi nghĩ, mỗi một mùa Tết chắc mỗi nhân viên liên quan cũng kiếm được chiếc xe hơi nhờ ôm vé đẩy ra chợ đen và các đại lý… Vậy thì lấy đâu ra vé cho người dân mua nữa? Có ít thì chỉ một số người cực kỳ may mắn mới mua được vé giá gốc thôi…Thật buồn!”
– Bạn Hùng: vu.dinh.hung.234@gmail.com than thở: “Vậy mà năm nào các ông nhà tàu cũng kêu ầm lên: Chúng tôi đã cải thiện tốc độ đường truyền, mọi người có thể yên tâm… Năm nào cũng cải thiện, năm nào cũng nghẽn, vậy mà chả rút được tí kinh nghiệm nào thì chả hiểu các ông lập kế hoạch, vạch hướng đi thế nào nữa? Mà năm nào cũng tái diễn, sao không thấy mấy ông quản lý cấp trên nữa nói gì nhỉ? Hay cũng lại nói đã vạch kế hoạch rồi và phải làm từng bước một?” .
Quá nhiều lời thở than với bao giọt nước mắt ngắn dài, những giọt mồ hôi cay xé mắt…ẩn chứa trong đó. Vậy mà hình như chưa bao giờ động được tới con tim, khối óc của những ai có khả năng và cả trách nhiệm phải thay đổi tình thế?
Những người nông dân cần cù lo đói ngày Tết
Những năm gần đây, nền kinh tế suy thoái, đồng tiền trở nên mất giá, đồ ăn thức uống cái gì cũng cao nên việc bỏ tiền ra thuê người dọn nhà hay giúp việc những ngày cuối năm cũng không còn nhiều như trước. Nhiều khi người ta tự tay làm còn chỉ những việc quá khó nhọc hay cần thiết phải thuê thì người ta mới thuê.
Gần Tết, là lúc công việc đồng áng cũng khép lại, lao động tự do từ các huyện kéo lên thành phố càng đông, người thì đông việc thì ít, kéo theo mức giá trả cho nhân công cũng bèo bọt. Mỗi ngày chỉ khoảng 70 – 80.000đ VN, may mắn lắm cũng chỉ 100.000đ/ngày.
Nếu như những năm trước, gần Tết là dịp để người lao động tự do kiếm được “đồng ra đồng vào” hơn, công việc cũng nhiều hơn thì năm nay việc cũng ít mà giá trả cũng thấp, thành ra “nghề đứng đường đợi Tết” những ngày cuối năm lại càng trở nên ảm đạm. Trên những góc đường không khó để bắt gặp từng nhóm “cửu vạn” vật vờ, co ro chờ việc.
Anh Hải, một người lao động bốc vác tâm sự: “Vào thời điểm này các năm về trước, ngày nào tôi cũng có vài mối, không đi dọn nhà thì cũng bốc vác gì đó. Từ năm ngoái đến nay thì ít hẳn, chẳng có việc. Giờ đây kinh tế suy thoái, giá cả leo thang nên có sửa sang nhỏ hay dọn dẹp gì thì họ toàn làm lấy, cái gì vất vả lắm thì họ mới thuê. Ban ngày tôi cứ ra đây ngồi chán chê, rồi lại lang thang ra các ngã tư tìm việc mà cũng chẳng ai thuê, Tết nhất đến nơi rồi, ngồi không thế này như ngồi trên đống lửa. Cuối năm mà công việc còn không có thì ra giêng chỉ có mà đói”.
Chứng kiến những cảnh vật vờ, co ro trong giá lạnh của những người nông dân cần cù vào những ngày tháng cuối năm mới thấu hiểu phần nào sự khốn khổ của họ. Tết đang tới gần và cũng như hết thảy những người “tìm Tết” nơi đô thị vẫn đứng co ro tìm cái Tết đạm bạc nhất cũng không xong!
Dân nhà giáu vẫn chơi sang
Thế nhưng có một thành phần ngược hẳn. Thời kỳ bão giá có thể khiến bạn nghĩ rằng các đại gia sẽ “ngại” mở ví tiền sắm những món đồ chơi Tết đắt đỏ. Tuy nhiên, đến làng đào Nhật Tân, chợ hoa Quảng Bá của Hà Nội những ngày này, chứng kiến nhịp mua bán đào, lan giá “khủng” vô cùng sôi động, chắc chắn bạn sẽ hết hồn.
Vườn đào của ông Lê Hàm có khoảng 60 -70 gốc đào Thất Thốn. Năm nay, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng giá đào Thất thốn dường như vẫn chẳng hề bị tác động. Những cây thất Thốn nhỏ nhất cũng có giá trên dưới chục triệu đồng. Cây đào thất thốn đẹp nhất trong vườn nhà ông Lê Hàm đã được khách đặt giá 70 triệu đồng, chờ đến ngày Táo Quân tới chở về.
Theo chân một vài đại gia đi sắm đào ở Nhật Tân, có thể thấy giá của những gốc đào bích đẹp có thể được “hét” từ 18 -30 triệu đồng một cây. Giá thuê và mua chỉ chênh nhau khoảng 3 triệu đồng. Trong khi đó, giá của cành đào rừng “quý” nhất chợ Quảng Bá đang được ghi nhận ở mức 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, lan hồ điệp cũng rất bền, có thể chơi lâu tới hơn 2 tháng. Giá các loại lan hồ điệp từ 600 đến 800 ngàn đồng một cành, cao nhất có thể cán mốc 1,5 triệu đồng/cành.
Các cửa hàng hoa, siêu thị hoa ở Quảng An bày bán không ít những chậu lan hồ điệp có giá lên tới 20 triệu đồng, 28 triệu đồng, 35 triệu đồng, thậm chí là 65 triệu đồng!
Giá đắt như vậy nhưng có khách mua không? Một người bán lan ở chợ Quảng An cho biết đắt mấy cũng có khách mua, giá càng đắt, dân  chơi càng chứng tỏ mình là loại người nào nên thị trường hoa Tết sẽ càng sôi động trong một vài ngày tới. Bên cạnh lan hồ điệp, rất nhiều đại gia Hà Nội đã liên lạc tới hỏi và đặt cọc tiền mua các loại đia lan cao cấp như giống vàng Nhật, xanh Newzealand… Giá cả của mỗi chậu lan này cũng không thể dưới chục triệu đồng.
Thú chơi sang như Mỹ
Lì xì, mừng tuổi đã trở thành việc “không thể thiếu” vào dịp Tết. Cho nên không nhiều thì ít, cứ tết đến, hầu hết các ông các bà lại nhờ một số người quen “đổi” ít tiền mới để lì xì. Gần đây ở VN nhiều người, kể cả dân tiểu thương có cái thú chơi tiền lì xì là 2 đô la Mỹ. Ông Tứ, nhân viên của trang web liên quan đến đổi tiền cho biết đồng 1-2 USD được người dân dùng nhiều để lì xì trong dịp Tết nên có mức phí khá cao. Thậm chí để có được tờ tiền loại 2 USD in năm 1976, khách hàng phải mua với giá 160.000 đồng/tờ, hay phải mua với giá trên 450.000 đồng cho tờ in năm 1953. Tờ 2 USD in năm 1917 có giá 2 triệu đồng. Khách hàng mua số lượng nhiều mới có giá đó, còn mua ít giá còn cao hơn nữa.
Đợi cái hài kịch ông Táo để xả hơi
Ở đây tôi chỉ nêu vài hoàn cảnh trái ngược để bạn đọc có thể hình dung thấy những cảnh đời trái ngược tại VN hiện nay ra sao. Khoảng cách giữa giàu nghèo ngày càng lớn càng sâu, không thể nào san lấp được. Và tại sao lại có những người giàu khủng khiếp nhanh chóng đến thế và tầng lớp lao động, nông dân lại khôn khổ đến như vậy? Câu hỏi tưởng như rất khó trả lời mà thật ra rất dễ. Tại tham nhũng, quan liêu, xa xỉ công quỹ, pháp luật chưa nghiêm minh.
Khi tối viết bài này, sắp đến ngày 23 thàng chạp, theo tập tục VN là ngày ông Táo lên chầu trời để báo cáo về công việc dưới trần thế. Báo chí VN đang quảng bá rầm rộ cho vở “đại hài kịch táo quân” với những “danh hài” sẽ ra mắt khán giả, nhưng đối với tôi, chẳng có gì lạ, bởi đây chỉ là dịp quả bóng được xì hơi. Dù sao, cười được một tí cũng đỡ buồn!
Văn Quang – 01-2-2013

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire