Những ai là dân miền nam, có từng làm công chức , ai muốn tìm hiểu thêm về cuộc sống thời ông bà chúng ta, nên đọc hay nghe lại bài viết của Vương Hồng Sển để tìm thấy lại đâu đó 1 chút ta, mình, hay những tên họ nghe đâu đó còn dư âm ...
Caroline Thanh Hương
Hơn nửa đời hư
Vương Hồng Sển
Xem nhanh:2: Kiếng họ Vương ở Sóc Trăng
I. Lai lịch
Họ Vương của chúng tôi, chỉ ở Sốc Trăng, vốn xuất thân từ tay trắng.
Xét cho kỹ, không làm gì có gia phả để lại. Sự ấy cũng dễ hiểu:
a) Ông tổ của chúng tôi, - chỉ biết được đến đời ông sơ, tức không hơn năm đời - từ Trung Quốc sang đất Miên rồi đất Việt một khi tách bước ra đi trên con đường vô định - nói ra không sợ xấu đã dấn thân trên đường lưu lạc, phiêu lưu, đi tha hương cầu thực, đi để tìm lẽ sống mà tại nơi nhau rúm không sao tìm thấy, nói thẳng ra, đi hoang làm vậy, thì cần gì đem theo gia phả? Giắt lưng cái tờ tộc phái ấy chỉ thêm bận chân vướng cẳng, ích gì? Và thương thay cho những người lang thang trên bước giang hồ,
b) Đến đời ông nội chúng tôi, sẵn tánh bần bạch kiêu nhân, dám đứng làm tùa-hia (đại ca) của chi nhánh Thiên Địa Hội tại Sốc Trăng, thì càng không nên cất giữ gia phả trong nhà. Nơi xứ lạ quê người, thù nhiều bạn ít, đã quyết chí chống triều đình Mãn Thanh, thì dẫu có bao nhiêu gia phả cũng phải thủ tiêu, để tránh liên luỵ gia đình thê tử.
c) Họ Vương, tiếng rằng sang, kêu lắm, giòn lấm, nhưng có giàu chăng là giàu hai chữ “thanh bần”. Từ ông sơ xuống đến ông cố, lang bạt kỳ hồ, làm miễn đủ ăn là đủ mừng, đèo bòng chi cái gia phả, chúng cười: “sang không phải chỗ”,
d) Thuở đó, trước đây một thế kỷ, sống trên đất lạ, vùng Sốc Trăng vừa mới phát, việc khai hoang chưa hoàn thành, ở chung đụng với người Miên người Thổ, họ quen dùng bùa ngải tà thuật, khi thư da trâu vô đầy bụng mà chết, khi trù ẻo dùng thiên linh cái bắt hồn, để tránh các tai hoạ dữ kia, muốn sống yên lành vô sự, tất nhiên phải giấu tên giấu họ, mai danh ẩn tích là hơn. Cho nên nói chung, tại Miền Nam chúng tôi không có tục lập gia phả, vì xét rằng tờ tộc phái có ghi tên họ năm sanh năm tử của ông bà để lại rủi lọt vào tay kẻ thù muốn hại mình thì quả là lợi ít hại nhiều, nên không lập. Tờ gia phả xét kỹ ra, chỉ dành cho các dòng họ lớn nào sống nơi thái bình yên định, không gặp cảnh loạn ly.
Tuy vậy không phải người miền Nam không biết quý trọng tổ tiên, duy không chép ra thành sách. Người tộc trưởng của một họ thường thuộc nằm lòng để truyền khẩu giữa con cháu hoặc kỹ hơn, dùng thẻ giữ kín ghi những ngày kỵ huý giỗ quải, và ít khi bằng lòng lấy ra cho người ngoại tộc xem.
Sau đây, tôi xin tóm tắt những gì tôi từng nghe phụ thân tôi thuật lại về chi họ Vương ớ Sốc Trăng, dòng ông Vương Thoại là ông cố của chúng tôi.
a) Kể về chi lớn, thì được biết vẫn ở tại Phước Kiến (Trung Hoa), và có thể nói, gồm trong mười lăm chữ: “Phước kiến tỉnh, Tuyền Châu phủ, Đồng Ân huyện, Lâm Mễ thôn, Quan Khảo lý”. Như vậy, không phải bất cứ người nào hễ sanh tại Phước Kiến và cùng một họ Vương là một dòng với chúng tôi. Phải sanh từ Lâm Mễ thôn, từ Quan Khảo lý mới đủ điều kiện.
Bây giờ thử hỏi: Một người như tôi, máu Hoa pha máu Việt đã bốn đời, không nói được tiếng Phước Kiến, giá thử có dịp qua bên ấy, vậy chớ có nhìn đồng tông đồng tánh với người bên ấy được chăng? Giấy tờ chứng minh không có, nói miệng tài ai tin vả lại nhìn bà con ở xa mút bên Tàu để làm gì? Khi đã xa cách nhau suốt nhiều đời, dẫu tình đậm cũng hoá lợt; thêm vấn đề ngôn ngữ bất đồng, phong tục cách ăn thói ở không giống, “y ăn xì-dầu, tôi húp nước mắm”, lại nữa tỉnh Phước Kiến là đất tiêm nhiễm lâu năm chủ nghĩa khác với tôi. Vương nầy Vương kia, tôi tưởng gặp nhau e không dám ngó ngay mặt chớ đừng nói chi chuyện bất tay nhau nhìn một họ một dòng. Gặp nhau, câu thi Học Lạc ngâm suông: “Hoá An-nam, lữ khách trú”... rồi huề. Không nói thêm được nửa lời.
Không phải cốt ý để khoe khoang, nhưng Ba tôi có thuật lại rằng xưa kia kiếng họ Vương ở Phước Kiến vốn có địa vị khá. Giữa triều Thanh đang thịnh cũng không bị bạc đãi. Một chi tiết nhỏ: Thuở ấy, cặp lồng đèn giấy treo trước cửa, được phép kẻ một chữ Vương duy nhất, thay vì các họ khác phải viết kèm chữ “phủ”, tỷ dụ Phạm phủ, Trần phủ, Quách phủ, v.v... Và đó là đặc ân dường như do bà Tây Thái Hậu ban ra, vì bà cho rằng hễ Vương thì ở phủ là cố nhiên, hà tất viết dư chữ “phủ”. Một giai thoại khác thuật luôn là cũng bà Tây Hậu khi sắp hạng những mười tám tỉnh dâng lễ khánh thọ cho bà, thì tỉnh Phước Kiến được sắp đứng đầu vì chữ “Phước” không thể sắp sau chữ khác.
Một đặc ân khác dành cho chi họ Vương quán ở Quan Khảo lý, là được dùng bốn chữ “Khai Mân đệ nhứt” là biển treo nhà, vì tương truyền họ nầy xưa kia có công khai phá mở mang đất Mân (Phước Kiến), biến hoang địa thành lương điền. Nói để nghe chơi chớ không dám vẽ viên nhiều, bằng sắc đâu có hòng chứng minh, khoác lác là tội. Không nên “thấy người sang, bắt quàng làm họ”,
b) Nay nói về chi thứ là chi xuất dương, vốn cùng một đầu ông sơ. Hiện biết có ba chi ở ba chỗ khác nhau: chi Nam Vang, chi Gia Định, chi Sốc Trăng. Nhưng đã tản lạc, chưa thấy ngày trùng phùng.
I) Ông sơ (?-?). Khuyết danh, khuyết ngày sanh, ngày tử. Giỗ chung với bà sơ, huý nhựt: ngày hai mươi lăm tháng chạp âm lịch. Theo Ba tôi kể lại, ban đầu ông sang ngụ đất Nam Vang, nhưng kể từ năm nào không rõ. Về sau, chi nầy tách ra một nhánh xuống định cư ở đất Gia Định. Hiện chi nầy ở đâu? Khi lên viếng Sài Gòn độ năm 1901, Ba tôi có gặp, hai đàng nhìn nhau mừng mừng tủi tủi rồi cũng chia tay từ đó rồi bặt vô âm tín, cũng không biết địa chỉ để liên lạc, nay kể như thất lạc, mất còn chẳng hay. Từ ngày tôi lên ở Gia Định, tôi cố gắng hỏi thăm nhưng chưa gặp một ai chỉ bảo.
Ông sơ chúng tôi ở Nam Vang một thời gian không biết bao nhiêu lâu, bỗng nhớ chén cơm lưu lạc động gót giang hồ, lại một gói một xách, một thân một mình, cất bước lên đường một phen nữa. Có lẽ nghe lời đồn đãi nên chuyến nầy, ông xuống Miền Ba Thắc (nay có miếu thờ ở Chợ Cũ Bãi Xàu), Thổ gọi Sroc Bassac, hoặc sroc khléang, là tên cũ xứ Sốc Trăng (nay là Khánh Hưng, Ba Xuyên). Thuở đó, vừa hơn một thế kỷ, vùng nầy là một đồng ruộng mênh mông, người thưa rừng nhiều, đất tốt “làm không hết” cá tôm, thịt rừng khỏi mua mạnh ai nấy bắt, đời sống dễ dãi như cảnh thiên đàng, khiến ông lưa gót lại đây, lập thêm một gia đình nữa với bà sơ chúng tôi. Ở như vậy bao lâu không biết, rồi đến lúc tuổi già sức yếu, biết đã gần ngày quay đầu về núi, ông bèn “qui cố hương” rồi mất luôn bên ấy. Có nên trách ông hai lần tạo lập gia đình rồi bỏ về chết ở bên Tàu không? Xin đáp rằng không. Ông vả chăng là người Phước Kiến. Tháp cánh bay xa để thử sức, khi sức kiệt thì bay về ổ cũ. “Phú quý không về làng thì khác nào áo gấm mặc đêm”. Người Âu khi xưa đĩ lập Tân thế giới cũng thế. Nếu đã trót để lại hai nơi hai giọt máu tươi, thì may thay trời sanh trời dưỡng, hai giọt ấy hoa đơm kết trái cháu chất nối dòng, bổn phận kẻ sau phải nhớ câu “mộc bổn thuý nguyên”.
Dẫu tôi quá hư, cũng không dám buộc tội ông, duy dám hỏi “Sao ông không nói cũng không để lại dấu tích nào?” Họ tên để khuyết, vậy xin giỗ ông chung với bà. Mộ ông ở bên Tàu, có còn hay đã san bằng lấy chỗ trồng rau cỏ? Mộ có người giữ gìn ấm cúng hay đã xiêu lạc mồ hoang? Ông hãy yên giấc ngàn thu. Tại Sốc Trăng, chúng tôi vẫn giữ nhang khói đều đều và giỗ quải không sơ sót.
Bà sơ (?-?) - Cũng không biết họ tên và không biết luôn năm sanh năm tử, duy nghe dặn lại ngày giỗ là ngày hai mươi lăm tháng chạp. Nhờ một chi tiết nhỏ có thể truy nguyên năm mất là Ba tôi có nói bà từ trần đúng năm ông nội chúng tôi được mười lăm tuổi đầu. Vả chăng ông nội tôi sanh năm 1848. Cộng thêm mười lăm năm nữa là năm 1863. Ba tôi kể lại lịch sử của bà chỉ có chạy giặc: hết giặc Thổ dậy đến giặc Tây qua lấy nước. Việc nầy trùng hợp, vì năm Tây xâm chiếm ba tỉnh Miền Tây đúng là năm 1862. Tội nghiệp bà chạy mãi thở chưa hết mệt, kế bà gặp một trận bão to bồi tiếp. Thân già sức mòn, tài nào chịu nổi? Phần thì lạnh, phần thì sợ, phần thiếu thuốc men, thiếu săn sóc, nên bà sơ chúng tôi tất hơi thở trong cảnh hãi hùng, duy bà khỏi thấy nước nhà mất độc lập, lọt vào tay Tây.
Chị em bà cả thảy bốn người: bà là chị cả, kế là mẹ vợ ông Châu Đức, kế nữa là mẹ ông Lưu Hỷ, và út chót là mẹ vợ xã Sức.
Con của Số là xã Kóln, người nầy có lập một gánh hát dù kê tức hát cải lương Khmer. Như vậy chi ngoại nầy có một nhánh trở về nguồn, trở lại Khmer. Đó là những gì Ba tôi thuật lại về bốn chị em của bà sơ chúng tôi, còn họ tên là gì, Ba tôi cũng không biết.
Nay mộ của bà vẫn nằm lên sở đất của mẹ vợ ông Châu Đức. Cuộc đất giồng (cương) nầy, Thổ gọi sốc Phno Tin, cách xa chợ Sốc Trăng độ bảy tám cây số ngàn. Phải chăng đây là vị trí xóm xưa bà ở? Phải chăng đây là quê ngoại của ông nội chúng tôi?
Năm trước đây, nhơn dịp lễ Thanh Minh, tôi có về tảo mộ thì thấy thì thấy cuộc đất nầy đã thay đổi chủ. Con cháu ông Châu Đức đã sang nhượng cho một Huê kiều tên là Xiều (Thiều). Ông nầy lập nơi đây một sanh phần vĩ đại, may sao ngôi mộ lúp xúp của bà sơ chúng tôi không án, nên được chủ đất mới để nằm yên chỗ cũ. Không như các mộ tổ tiên khác chôn nơi Trường đua, vốn là đất nghĩa địa thí, nhưng đến năm 1964, chánh quyền cần mở rộng sân phi trường và ra lịnh sung công, buộc lòng chúng tôi phải hốt cốt đem về đất nhà nơi miếng rẫy sau chùa bà Tu Định, đường cũ đi Bạc Liêu, an táng lại. Phen nầy cầu xin nằm đó được vĩnh viễn.
2) Ông cố (?-1882) - Huý là Thoại (Thuỵ), mất tại Sốc Trăng ngày mồng năm tháng mười năm Nhâm ngọ (1882). Vẫn không rõ nã ai sanh, chỉ biết khi mất tuổi xấp xỉ bảy mươi. Về dật sử của ông, vẫn không biết nhiều, chỉ biết khi ông biết mình sấp lìa đời, thì vì mộ cha ở bên Tàu nên ông cũng về Tàu chờ chết. Bao nhiêu của cải làm ra, ông chia lại mớ nhấm để bên nầy, còn tiền mặt dành dụm, (Ba tôi nói không nhiều chỉ độ vài ba ngàn), ông cố tôi ôm hết xuống thuyền trực chỉ cố hương. Khi về tới xứ sở, ông tìm nhà quen xin ở tạm và gởi trọn số tiền cho chủ nhà cất giữ. Tai hoạ đâu xảy đến thình lình. Có một đứa cháu họ gọi ông bằng bác, nó biết ông có tiền, nên mưu mẹo lòng tréo thế nào mà người chủ nhà đưa hết cho nó. Thế là ông đã bị cướp sạch tiền, rồi làm sao khi ông mất lấy gì làm ma chay tống táng? Người chủ nhà muốn cho êm chuyện và cũng động lòng trắc ẩn, thương người ngay mắc nạn, một phần lỗi tại mình nhẹ dạ, nên sau đó tặng lộ phí khuyên ông kíp trở về đất Nam, bề gì cũng còn con còn cháu.
Thuở ấy đi đường biển hết sức gian nan. Tàu sắt vững chãi chưa có. Từ Áo môn (Phước Kiến) muốn sang Nanh địa, chuyến đi chuyến về đều tuỳ mùa gió thuận. Mỗi lần vượt biển là vái van Trời Phật, chớ thuyền gỗ chạy buồm, mạng không quá ba phân, việc may rủi không sao lường trước. Xuống thuyền không ai dám nói một lời bất kính và luôn luôn lấy đức tin và tín ngưỡng làm sức mạnh chớ che. Tại nhà tôi hiện nay còn giữ hai vật kỷ niệm của ông, đó là một bức tượng Quan Đế vẽ thuỷ mặc, và một tượng Phật Quan âm ngự trên toà sen, tượng nầy vóc nhỏ bằng vỏ hộp quẹt diêm và làm bằng gỗ trầm đựng trong hộp trầm, tương truyền mỗi lần ông cố tôi về Tàu đều mang theo nơi cổ, qua tới xứ, tìm đến dòng suối Ô chúi (ô thuỷ) nhúng vào lấy hên (hưng) và quý trọng như báu vật độ mạng có nhiều phép lạ. Chuyến trở về Nam may quá được bình yên vô sự và khi thuyền cặp bến nơi Chợ Cũ Bãi Xàu, thì ông cố tôi gượng lên bờ vào xin ở đậu nơi nhà ông Xú Biển là một tay giàu có lớn, ở xóm (Phước Kiến). Xóm nầy con cháu lai khách vẫn còn ở đông đúc tuy không sum mậu bằng xưa, và bến đậu thuyền buồm nay còn gặp di tích, vì năm trước đây khi dỡ nhà bà ngoại tôi ở xóm nầy, khi đào xuống sâu còn gặp vô số đá cuội lót nền to bằng cái thúng cái cối và nguyên là đá khi xưa dùng để neo tàu buồm hoặc để dằn lườn cho dễ lướt sóng khi tàu chở quá nhẹ. Bà ngoại tôi mót lại dùng làm nền nhà thì vững chắc vô cùng. Ông nội chúng tôi được tin lật đật võng rước cố tôi về nhà, lúc ấy ở trên đất mướn, vị trí nay là góc đường Champeau cũ xóm nhà ông Xường Há đụng với dãy phố trệt của cha sở họ Sốc Trăng lúc ấy. Rước được ông cố tôi về, ông nội tôi đã lúng lại càng túng thêm; nhà sạch tiền, có bao nhiêu không đủ chạy thuốc chạy thầy cho cố tôi, đã vậy thêm ông nội tôi mang bịnh hút lớn. Nhưng Ba tôi kể lại á phiện hồi đó rẻ rề. Mỗi lần Ba tôi đi mua, một ngao lớn bằng vỏ sò đựng đầy thuốc. Ba tôi lắc chuyển vẫn không chảy giọt nào vì thuốc đặc sệt, thật ngon mà giá chỉ có mấy xu chưa đầy một cấc bạc (0$10), trong khi các tiên ông ngày nay mua lén mua lút một ký lô giá trên bạc triệu mà còn gặp thuốc pha thuốc lỏng. (Mua mắc mà còn bị ăn gian, thêm nguy hiểm vì lính bắt được thì thuốc tiền đều mất).
Khi ấy ông nội tôi nhớ lại có hùn với ông hương hào Thơ cả hai chung vốn lập một trại hàng, bán hòm (quan tài). Ông Thơ nầy sau khuất, người vợ tái giá trở nên bà chủ Hứ, vẫn làm chủ trại hàng Xóm Lò Heo ở mé kinh nhỏ sau nhà bà Phủ An. Lúc bé thơ khi còn ở Sốc Trăng tôi có đến xóm nầy và từng biết mặt cả hai bà (bà Phủ An và bà chủ Hứ). Vì nghèo quá không tiền mua thọ cho cha, nên ông nội tôi xin rã hùn, tội nghiệp, phần hùn chia vỏn vẹn được một cỗ quan tài kiểu mang cá gỗ danh mộc. Ông cố tôi hay được rất mừng lòng vì trước sau ông vẫn muốn được chôn theo nghi thức Trung Hoa. Tội nghiệp chút hy vọng nhỏ buổi đời tàn suýt tiêu theo mây khói, vì hòm đã hứa bán cho một hiệu buôn ở lối xóm, mua để dành cho người thân. May sao nhờ khéo nói, nên hiệu Đức Phong cho thỉnh về để mai táng ông cố chúng tôi.
Nhưng số ông còn lận đận chưa dứt. Tám mươi hai năm sau, năm 1964, nhà nước sung công đất chỗ ông nằm để nới rộng phi trường. Khi đào sâu xuống độ hai thước Tây, thì gặp nắp quan tài. Đồn rằng hòm danh mộc chịu nổi thiên niên, nhưng đây ván đã hư mục mỏng lần có chỗ đã lủng, có lẽ chỗ đó là dác chớ chỗ nào lõi thì còn lành lẽ, chẻ thử thì gỗ còn vàng lườm, đúng là huỳnh đàn hay sao đá mới bền và chịu đựng dường ấy. Than ôi! Ván hòm tuy còn, nhưng xương cốt đã mục nát từ bao giờ, tan rã chỉ còn lại trong hòm những cục đất màu đen đen. Khỉ lấy cốt phải cẩn thận từ chút, hối lượm thật kỹ những cục đất đen, được bao nhiêu dựng vào quách nhỏ bằng gỗ sao sơn lớp trong màu đỏ, rồi kính cẩn dời về an táng nơi đất mộ nhà. Ô hô! Thuở sanh tiền tranh danh đoạt lợi làm gì? Danh mà chi? Lợi mà chi? Khi nằm xuống, đất cục trở về đất cục.
Trước sau chưa đầy trăm năm! (Năm chôn 1882, năm lấy cốt 1964).
Bao nhiêu việc kể trên đây cho phép tôi nói gia đình chúng tôi buổi ban sơ rất là chật vật, hàn vi cơ cực đến thế là cùng, về Sốc Trăng, ông cố tôi hạ sanh được bốn người con, hai trai hai gái:
- Đầu lòng là bà Vương Thị Chỉ;
- Trưởng nam là ông nội tôi, ông Vương Biến;
- Thứ nam là Vương La, tên khác là Vương Bầu;
- Người gái út là bà Vương Thị Cuội (Vương Thị Quế).
Chi ông Vương La, con cháu còn đông, vẫn có nhà cửa nơi rẫy tổ phụ gần sở rẫy mộ của gia đình chúng tôi, nhưng thảy đều chuộng nghề nông và sinh sống hoàn toàn theo người Minh Hương, chuyên việc trồng cải trồng rau, không người nào theo nghề nghiên bút. Tuy hai chi không xích mích, nhưng chi ông Vương La ít lên xuống với chi chúng tôi: an phận thủ thường, cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở, sự lạnh lùng, nếu có, phát sanh có lẽ từ khi ông cố tôi nằm xuống mà chỉ có một mình chi lớn lo việc hiếu.
Ông Vương La sanh ông Vương Hứ và Hứ sanh cô Hai Chín.
Với bà kế thất, ông Vương La sanh hai gái: bà Vương Thị Xung ở Rạch Gỏi (Sốc Trăng) và bà Vương Thị Chìa, ở trên rẫy.
Ông Vương La được cố tôi cưng nhứt, cho đứng bộ làm chủ rẫy vườn, vì khen: “Biết chí thú làm ăn”, không như ông nội chúng tôi, tuy làm chủ lò thợ bạc, có vợ có con đàng hoàng, nhưng hút á phiến và ham mê cờ bạc”. Không dè khi ông cố tôi lâm chung, chính người con không tin cậy, “hút và cờ bạc” ấy, đứng ra chôn cất.
Và như vậy, khi gần nhắm mất, ông cố tôi còn vài việc chưa toại nguyện - Đứa cháu bên Tàu phản bội, cướp đoạt tiền ông, Đứa con vừa lòng bên nầy, vẫn biết ăn của mà không giữ tròn hiếu đạo.
Một niềm an ủi chót gần như bất ngờ, số ông không được chôn bên Tàu thế mà tốt phước, vì chôn ở đất Việt như vậy mà ấm cúng, còn chúng tôi giữ việc khói nhang.
Bà cố (?- 1875) - Bà có để tên lại: Diệp Thị Cạnh.
Bà mất trước ông, vào năm Ất Hợi (1875). Huý nhựt: mồng ba tháng chín. Năm Ất Hợi nhà họ Vương có lẽ dễ thở hơn trước, cho nên bà được chôn trong quan tài danh mộc kiểu mang cá. Mộ của bà khi còn nằm trên cuộc đất Trường Đua, tuy mộ bằng đất nhưng đắp núm thật cao và thật lớn. Mộ nầy hai lần bị đụng chạm:
1) Lần đầu, không rõ năm nào. Nguyên khi táng, vì tin lời thầy địa lý Tàu, nên chôn theo bốn góc hòm bốn cái hoả lò bằng đất, tin rằng nhờ sức nóng của “lửa”, con cháu sẽ phát đạt sớm. Sau đợi mãi không thấy hiệu nghiệm, trái lại thấy trong họ có nhiều nóng xót xào xáo, nên bổn tộc hội lại, và đồng ý cạy lấy bốn cái hoả lò ra. Cũng không dựng mộ bia nơi đầu mộ như trước nữa.
Đây cũng vì tin lời thầy địa lý bàn: “Đất Ba Thắc nguyên là phù sa nê địa không có chưn, vả chăng chôn đất núi thì nên dựng bia, còn nơi đây đất bùn, bia đá chỉ thêm nặng nề, con cháu bị đè nên chậm phát”. Cái bia đá ấy, sau có người tiếc, mót lại đem cắm bên mộ lân cận và đó là mộ của thân nhơn bà Ba Thọ. Năm 1964, mộ bia nầy ai dời đâu mất.
2) Lần hai và lần chót, xảy ra năm 1964, khi nới rộng phi trường. Vì mộ nằm bên trong vòng rào kẽm gai nên phải có lịnh quan mới được vào trong lấy cốt. Giá thử bình thường chúng tôi không bao giờ dám cải táng vì sợ “động mồ động mả, con cháu làm ăn không khá”. Nhưng đây là nhờ có lịnh của chánh phủ, nên không xảy ra việc gì. Cũng nhờ cải táng, chúng tôi tìm thấy hai di tích của bà cố. Một đàng khác nữa hai vật nầy chứng tỏ trong năm bà mất (1875), trong nhà đã thơi thới hơn lúc trước. Hai di vật ấy là:
- Một chiếc cà-rá “hồng mã não” đỏ au vì chôn lâu đời, trổ mặt nhựt” cũng gọi “cà-rá mặt yêu” thấy trên đầu quan tài chắc xưa đặt trong miệng.
- Một chiếc nhẫn thứ hai kiểu mặt võng, (cũng gọi miếng chả), cũng bằng mã não đỏ, thấy giữa quan tài, có lẽ xưa đeo trong tay, cả hai chiếc, vóc thật nhỏ, con cháu đeo thử không vừa, như vậy vóc bà ắt nhỏ thó lắm. Ván hòm còn thơm, gỗ còn vàng, nấp sụp xuống lưng chừng. Xương cốt biến thành đất đen y như nơi mộ ông cố. Từ ngày táng đến ngày di táng, đếm được 1964 -1875 = 89 năm.
3) Ông nội, ông Vương Biến (1848- 1895)
Sanh năm Mậu Thân (1848). (Tự Đức thứ I, Đạo Quang năm thứ 28);
Mất năm Ất Mùi (1895), (Thành Thái năm thứ 7, Quang Tự thứ 21).
Huý nhựt: mồng bốn tháng chín, giờ Dần.
Ông là người có bản lĩnh hơn hai ông trước.
Ông sơ, ông cố không để lại gì cho tôi thán tức. Trái lại tôi muốn noi gương ông nội chúng tôi, có nhiều nghệ sĩ tính, lịch duyệt và từng trải việc đời nhiều.
Cho đến năm hai mươi chín tuổi, ông chưa có một nghề tuỳ thân. Cha mẹ cho học chữ Hán với thầy Tàu. Ông nói được ba thứ tiếng: Tiếng Việt rành rẽ, tiếng Quảng Đông, Phước Kiến trôi chảy và ông nói được tiếng Miên dễ như là lặt rau với đủ mánh khóe cao thấp pha trò đủ giọng.
Ông có tánh ham vui ham chơi thật, nluưng ông cũng biết dùng nhiều thì giờ để đi đó đi đây; vô rừng đi săn, châu lưu giao thiệp, thâu nhận kiến thức mới lạ. Vì ham vui ông vướng nhiều tật; tật hút, tật cờ bạc, ông thạo đủ hốt me cờ đề bài bạc. Anh em bạn của ông rất nhiều và thảy đều có cảm tình tốt đối với ông. Trên bước giang hồ, ông quen với nhiều tay hảo hớn, trong số có đủ mặt người Tàu, người Minh Hương, người Nam, người Thổ. Trong số có một ông cũng gốc Minh Hương xuất thân đi bạn chèo chống ghe chài, sau có con ăn học thành tài, làm đến chức tri huyện kiêm học giả và đó là dòng ông Dực Văn Trần Quang Thuận. Ông Thuận là nội tổ của kép Hữu Phước.
Ông sơ ông cố chúng tôi đều ăn cơm Việt mà một lòng còn tưởng nhớ Tàu. Ông nội tôi thì nhớ Tàu bằng cách quyền chống lại chế độ đàn áp độc tài của nha Mãn Thanh”. Vì vậy ông làm tùa hia Thiên Địa Hội, tức thủ lĩnh của hội kín ấy. Nguyên hồi Tây mới qua, gọi là “đời đàng cựu”, tại Sốc Trăng, trong đám Minh Hương, có ba đảng Thiên Địa Hội:
1) Đảng ở Bố Thảo (Thuận Hoà) và đảng ở Bãi Xàu (Mỹ Xuyên) nhập một, xưng “Nghĩa Hữu đoàn”,
2) Đảng ở châu thành Sốc Trăng là “Nghĩa Hưng đoàn” do ông Trần Phước Hải làm tùa hia. Sau ông nầy ra giúp chánh phủ Pháp, lần lần lên đến cai tổng tổng Nhiêu Khánh, về già cáo lão, Tây phong hàm Tri phủ.
3) Một đảng nữa do Nghĩa Hưng đoàn tách ra xưng Lương Hữu Hội. Cầm đầu là hai ông: ông Ông Hưng Kỳ và ông Sếp (chef) Sầm. Sau hai ông đều ra mặt làm việc cho Tây, ông Kỳ làm đến cai tổng tổng Nhiêu Khánh, thế cho ông Phú Hải, và khi mất được thăng Tri huyện hàm, nên gọi ông Hàm Kỳ; ông Sầm ra làm hương quản làng sở tại là làng Khánh Hưng. Tây phong chức chrf de l police communale, nên cũng gọi ông Xệp Sầm Bởi đó, chức tùa hia hai người nhường lại cho ông nội tôi. Lúc khởi sự, Thiên Địa Hội là hội kín lập ra với mục đích xúm nhau lại quyên tiền gởi sang Tàu giúp việc lật đổ nhà Thanh, khôi phục nhà Minh. Nhưng về lâu, chủ nghĩa lệch lạc biến lần ra hội ái hữu Phục thiện, chuyên tế trợ anh em trong hội lúc hữu sự, để rồi suy đồi thêm một cấp nữa, trở nên “hội đánh lộn”, chuyên giành quyền cướp của hiếp đáp lẫn nhau, và lần hồi phe nầy tố cáo phe kia. Tây thừa dịp bắt hết, kẻ bị đày, người ngồi tù, thỏn mỏn Thiên Địa Hội tỉnh Sốc Trăng cũng như ở các tỉnh khác đều tàn lụi dần. (Nên nhớ năm Tân Hợi (1911) ông Tôn Dật Tiên nhờ có Thiên Địa Hội trợ lực, lật đổ được nhà Thanh, thế là các hội kín nầy đều không phải là vô ích).
Dấu tích của bước giang hồ, rày đây mai đó, ông nội tôi còn để lại cho tôi làm kỷ niệm và hiện giữ tại Gia Định, là một chiếc rương cốt gỗ không ngoài bọc da heo thuộc và sơn láng (laqué). Rương nầy dài độ hơn sáu tấc Tây (0,6 m), nắp cao độ mười lăm phân (0,15m), khi đặt xuống đất hay trên bộ ván, cái rương sẽ biến thành gối nằm và nhờ da có độn nỉ nên rất êm ái và khen ai khéo chế một vật dụng tuyệt diệu. Trong rương có chia làm hai từng: từng dưới đựng áo quần và đồ tế nhuyễn đi đường, từng trên có cái ngăn lấy ra được bằng gỗ thông vừa nhẹ vừa gọn, khi đi thì chứa cây dọc tẩu, bàn đèn, khi đình bộ bày ra, lấy ngăn làm mâm hút thì là tuyệt xảo. Hút xong thu xếp đồ “binh khí”, thu gọn vào rương, khoá lại, kê đầu trên nắp làm gối, thì bao nhiêu đạo chích trên thế gian đều trơ tay thua trí ông tiên ghiền. Rạng ngày, lấy cái khăn gọi “ịch bậu” (Khăn nầy còn dệt và còn bán ở Sài Gòn do Nam Vang đưa xuống) cột hai đầu khăn vào đầu rương có làm sẵn hai cái quai đồng chắc chắn, xỏ khăn lên vai thế là có cả một gia tài “lưu động” dẫu đi tới tận chân trời cũng không mỏi và không sợ mất. Cái khăn ấy vừa dùng để che thân khi tắm, để lau mặt lau mồ hôi, khi khác lấy che đầu, khi giắt tréo, khi đội trùm, khi chừa hai mối, vừa là ám hiệu của các nhóm Thiên Địa Hội, đố thám tử, đố lính kín luôn cả ông Trời, đố ai biết được. Một bả tiền để hốt me, một mâm hút lý tưởng, một vài bộ quần áo cần thiết vạn tuế người giang hồ lớp trước! Tiếc thay, rương nầy nay không thấy bán, gẫm ra tiện lợi vô song, tên rương là “hòm phù sẩu”, “Sẩu” ta đọc “thủ” là “tay”. “Phù” là nổi trên mặt nước, cũng như “phù gia phiếm trạch” là nhà nổi nhà bè. Phù thủ, đọc “phù sẩu” mới đúng điệu và đó là rương nhẹ xách trên tay, ôi tuyệt diệu thay cái rương da của nội tôi để lại.
Ông nội tôi có kể lại cho Ba tôi nghe nhiều dật sử về Thiên Địa Hội. (xin xem lại Sài Gòn năm xưa, trương 45). Tiện đây tôi tóm tắt cho những người không có sẵn bộ sách nầy dưới tay:
Theo ông nội tôi thuật, sự khai phá miền Nam, nhứt là vùng Hà Tiên, oái oăm thay, lại nhờ hai thú “tài và khí” trong tứ đổ trường.
Ông Mạc Cửu và đồng bọn, nhờ hút mà khỏi các bịnh do sơn lam chướng khí kết thành, tỷ như bịnh rét rừng, kiết lỵ và đi tiêu chảy... Các bịnh hiểm nghèo nầy ngày xưa đều trị bằng thuốc phiện. Rồi lại nhờ cờ bạc, hốt me để giải sầu mà Mạc Cửu và đồng bọn trở nên giàu có lớn. Các người bản xứ Thổ Miên lúc ấy, các chủ vườn tiêu vườn đậu khấu thua bài đều cố vườn bán ruộng cho ông Mạc Cửu. Đến khi ông trở nên chủ gần trọn vùng Hà Tiên. Mạc Cửu đâm ra sợ nạn quân Xiêm qua cướp đất của ông cho nên ông chạy ra Huế xin vua mình phong cho ông làm tổng binh trấn thủ Hà Tiên để ông đủ sức chống ngăn giặc Tiêm La. Việc nói nghe dễ quá, nhưng đúng sự thật hay không, tôi không đảm bảo.
Theo ông nội tôi, Tập Đình và Lý Tài (chương 345 Việt Nam Sử Lược- Trần Trọng Kim) đều là người trong Thiên Địa Hội, và duy Tàu Minh (Thiên Địa Hội) mới biết đủ mánh lới và trị được bọn Tàu Thanh là quân Mãn Châu, đái thù địch của di thần nhà Minh. Thành ngữ “giáo Tàu đâm Chệt” còn đó. Tôi viết ra như vầy là để nhớ ông nội chúng tôi, còn việc quân ta cả thắng quân Thanh dưới lá cờ vua Quang Trung, thì sử sách đa có ghi (Chuyện tôi kể đây chỉ là một chi tiết nhỏ không đủ làm hoen ố trận chiến công bất hủ kia. Năm hai mươi chín tuổi ông tôi còn lêu lổng. Năm ba mươi (tam thập nhi lập) ông tôi mới trụ thân và chọn nghề thợ bạc. Ông tôi học đủ các môn để sau truyền giáo lại Ba tôi. Nghĩ cũng nực cười cho cái nghề nầy, không biết đến chừng nào mới được gọi cho danh chánh ngôn thuận. Xưa kia thợ làm nhiều đồ nữ trang bằng bạc hơn làm bằng vàng, nên xưng khiêm tốn “thợ bạc”.
Ngày nay, hai giới thợ bạc và hát bội, đều ngán chữ “bạc” và chứ “bội” cho nên họ đổi lại: nói hát bộ thay vì “hát bội “, để tránh chữ “bội” và nói: “thợ kim hoàn” thay vì “thợ bạc” để tránh chữ “bạc”. Nhưng có tránh hẳn được không, vì tôi xin hỏi: “Hát nào lại không ra bộ? Và chỉ làm kim hoàn không thôi sao?”. Tuy vậy, nếu gọi “thợ vàng” thì nghe nó chướng tai.
Cái nghiệp hút và cờ bạc đã làm cho ông cố tôi giận, nhưng cho tôi minh oan: “Phải chăng đó là hai bức bình phong khéo che đậy những buổi tụ tập bất hợp pháp về Thiên Địa Hội?”.
Nhưng “chơi dao có ngày đứt tay”. Hút thuốc phiện không biết chán và cầm cây bài không biết mỏi, một ngày nào đó vướng lật không gỡ được, đến phải mê sa ghiền gập, cờ bạc không thôi, thì vừa có hại cho sức khỏe vừa có hại cho thân danh.
Có lẽ một phần nào vì hai nghiệp đó mà ông nội tôi tuổi không được thọ. Ông thi thố chưa hết tài năng thì đã vội tách đời ra đi. Việc nầy có ảnh hưởng nhiều đến đường học vấn của tôi. Năm 1923, Ba tôi được bốn mươi tám tuổi, tôi năm đó vừa thi đậu ra trường trung học. Ý còn muốn bay nhảy muốn ra Hà Nội học trường Cao đẳng, nhưng Ba tôi khuyên nghỉ học, “Vì mày có bằng thành chung cũng là đủ, còn Ba nay đã già và thầy số coi Ba không quá năm mươi”. Tôi vội vâng lời Ba tôi để được chữ Hiếu, thêm nữa tôi tự xét tôi đã cứng đầu sẵn không ra học Hà Nội không may bị đuổi về còn thêm dở dang, lại nữa một lẽ khó nói ra là tôi đã biết đòi vợ. Còn Ba tôi, ông thầy số nào đó nói trật lất, vì đến năm Canh Tý (1961), Ba tôi mới từ trần, lên đến thượng thọ, tám mươi sáu tuổi. Bây giờ, tôi học đâu chẳng tới đâu, thẹn mình “thiên bất đáo, địa bất chí”, không dám trách Ba tôi cho thôi học sớm chỉ giận muốn vợ sớm mới ra nỗi nầy. (Tôi đã nói tôi là thằng hư).
Năm Ất Vị (Mùi) (1895), ông nội tôi lâm bịnh rồi từ trần, tuổi vừa bốn mươi tám. Trong làng có ông hương sư Khoa, nổi tiếng là người hay chữ, vốn người đồng một hội và chơi nhau rất thân, khóc ông nội tôi bằng hai câu điếu:
“Lục bát xuân thu, nhẫn vi thiên địa khách,
Nhứt triệu huynh đệ, phân tác cổ kim nhân”.
Câu nầy ý vị, nói ra được ông tôi có chân trong hội kín “Thiên Địa”, vừa là một người Tàu lai (khách); một sớm anh em còn thấy nhau, đến chiều đã phân tách kẻ kim người cổ. Khéo nhứt là hai chữ “lục bát”, muốn hiểu 68 tuổi hoặc hiểu 48 (6x8) đều được. Cơ khổ! Lúc ông tôi mất, Ba tôi vừa hai mươi mối tuổi đầu, đơn chiếc thiệt thà, đang khóc cha nào biết ông văn sĩ Khoa (khuyết họ), muốn nói gì trong hai câu điếu? Ba tôi nghe lời cô bác và cứ theo tục lệ nên cước tuổi ông tôi thêm ba tuổi, thành ra trên tấm giá triệu viết “tử năn 51 tuổi” khiến ông hương sư cằn nhằn, câu đối mất hay.
Ông Khoa, tôi có biết mặt, vì năm 1913 khi mẹ tôi mất chính ông đến giúp việc tẩm liệm tôi còn nhớ cách ông đọc thần chú lúc đậy nắp quan tài, mỗi lần gõ búa lên đầu cây đinh đều có một câu chú riêng biệt. Đó là đúng theo sách Thọ Mai Gia Lế và những người như ông nay còn rất ít.
Ông nội tôi, theo tập tục cổ truyền và vì là con trưởng nam, nên lập gia đình rất sớm, - mười lăm tuổi cưới vợ, - mười chín tuổi sanh một gái đầu lòng, tên Điệp, (mất từ bé thơ).
Năm ông hai mươi mốt tuổi, sanh bà Hiếm (1869), tức tôi gọi “Cô Hai”, bà nầy mất năm Đinh Dậu (1897).
Qua hai mươi bảy tuổi, sanh Ba tôi là ông Vương Kim Hưng (1875).
Tám năm sau, năm Quí Mùi (1883), sanh bà Vương Thị Khốc Khía, (mất lúc được tám hay chín tuổi).
Ông nội tôi có một bà kế thất, không biết tên họ, sanh ra bà Vương Thị Chuội (1877). Bà nầy là em khác mẹ của Ba tôi nay còn con cháu ở Ngã Tư (Sốc Trăng), có một người trước đây làm nghề hớt tóc.
Ông nội tôi lấy giấy người Minh Hương để tránh khỏi đi lính cho chánh phủ Pháp, không như Ba tôi, lấy giấy thuế thân theo người bản xứ, nên sau khi bị phiền phức, mất vòng lao lý vì một tội không chánh đáng, tội đánh bạc thuộc về tiểu hình mà đời đó phải vào tù.
Ngoài chiếc hòm phù sẩu, ông tôi còn để lại cho tôi:
1) Một chiếc cà rá mã não kiểu “mặt chữ nhứt” (sau tôi làm bể);
2) Một đĩa sành Tam Thái, vẽ ba màu xanh đỏ hường, dáng như quạt xòe, nguyên là một bộ phận của bộ đĩa chín cánh sen dùng đựng mứt bánh, nghe nói trước kia của ông Bá Hộ Non (Trương Ngọc Loan) ở Vĩnh Long (số mục lục 22).
3) Một cái còi săn bằng sừng nai (số mục lục 22-bis)
4) Một cái rương thật lớn bằng gỗ cây dầu gió, mỗi lần mở nắp là hương thơm ngào ngạt, có cái ổ khoá và ống khoá thật to và thật mỹ thuật. Đây là rương làm ở Hạ Châu (Singapore) sau bị mối mọt ăn, nếu còn là một sưu tập phẩm có giá trị (rương Ăng-lê thế kỷ 19).
Ngoài ra có hai di vật thất lạc năm 1946 lúc tản cư vô Thạnh Thới An và đó là hai ống đót để hút thuốc làm bằng hai nanh heo rừng, ông tôi xoi lỗ và bịl vàng thật khéo. Hai ống đót nầy vì dùng lâu đời, nhựa thuốc làm cho nanh lên nước chỗ vàng chỗ thâm đen, trông rất đẹp. Nay ở đường Phạm Ngũ Lão trước chợ Bến Thành, thỉnh thoảng có thấy bán nhưng không khéo bằng. (Hỏi mấy người bán da thuộc gấu cọp, mật gấu, gân nai v.v.., có bán).
Hiện tôi có rất nhiều tật xấu, phải chăng tôi giống ông tôi. Duy ông nội tôi là người tài tử thêm có nghề vững chắc. Tôi trót nửa đời chỉ làm nghề thơ ký quét văn phòng, quả thật đồ hư.
Một điều nầy tôi nói ra chỉ cho khỏi có người phản đối, chê rằng bất thức thời vụ, cười còn luyến tiếc thứ đồ quốc cấm. Nhưng trong thâm tâm tôi còn tiếc mãi bộ bàn đèn của ông nội tôi. Bộ nầy gồm:
- Một mâm hút lớn bằng gỗ trắc quí, rất thanh nhã, và quả là một kỳ công khéo léo của một tay thợ mộc khuyết danh xưa. Da gỗ trơn tru, bóng ngời thấy mặt. Chạy chỉ ngay bon, ráp cạnh khít khao không hở một sợi tóc. Mâm hút nầy sau Ba tôi dùng làm trang thờ, gắn lên vách để thờ ông Tà. Ngày má tôi từ trần tất cả bàn thờ mâm hút đều bi hoả thiêu đốt luôn với ông Tà, như vậy gọi trừ tiệt dấu tích một dị đoan. Nhưng giả thử cái mâm nầy còn: tôi dùng làm mâm đựng vật dụng văn phòng chẳng là tuyệt thú. Xét lại ăn thua nơi mình biết dùng cho đúng chỗ chớ đâu phải vật đó là một di tích xấu nào.
- Một đèn đầu phộng, chụp bằng pha lê rất đẹp. Nếu còn, thì có đèn đọc sách nào “mát con mắt” bằng?
- Một ống hút lớn bằng cườm tay người lớn. Dọc tẩu nầy làm bằng tre Hạ Châu tuyệt đẹp, hai đầu có hai khúc ngà lên nước đỏ au. Nếu còn tôi không dùng làm ống hút nữa nhưng đề vào tủ quí thì đó là một sưu tập phẩm có giá trị. Không lẽ lính bài trừ ma uý vào nhà đành tịch thu vì ai ai cũng biết tôi là nhà chơi kỳ trân cổ ngoạn và nhà chơi sách hoàn toàn chưa phạm một lỗi nào.
Nhưng ngày ông nội tôi mất, Ba tôi đã ký thác đèn ống cho ông Trầm Chệ ở Nhu Gia, nay vẫn thành di vật của họ nầy. Khi tôi lớn khôn vẫn tiếc mãi hai vật ấy, nhưng Ba tôi nói: “Sợ để lại nhà, bị cám dỗ, rủi mầy lấy ra dùng thì tao biết làm sao?”. Âu cũng đành vâng lời Ba tôi, nhưng hư vẫn hoàn hư tôi không nằm nhà thì đi nằm chỗ khác. Vì tôi chưa chừa cái thú nằm nói chuyện liên miên cạnh bàn đèn, ai đốt ai phì phà mặc ai, tôi cứ chuyện đời xưa tôi kể.
Không cho dùng, không lẽ cấm luôn nhắc lại danh hiệu cũ? Ống hút có thú nào hơn ống làm bằng trúc Hạ Châu (như của ông nội tôi) cho dẫu bằng gỗ trầm, gỗ cây ớt hiểm cũng không bì. Ống bằng ngà voi, khéo chớ không thơm là hút không ngon. Nồi hút có hiệu “Đàm Nguyên Ký”, “Trúc Phong”, “Lương Hữu Hương” nay đã bị chẻ hoặc đốt cũng phải ghi lại cho biết, chớ không có tuyên truyền bại tục.
Bà nội của chúng tôi, Lâm Thị Xu (1849 - 1905). (Thọ năm mươi sáu tuổi)
Sanh năm Kỷ Dậu (1849), Tự Đức năm thứ 2, Đạo Quang năm thứ 29);
Tử: năm Ất Tỵ (1905). Thành Thái thứ 17, Quang Tự năm thứ 31.
Huý nhựt: mồng tám tháng tư, tử nhằm giờ Mão.
Ba tôi không nói bà sanh tại đâu, tổ tiên cha mẹ là ai, sinh tiền bà là người khiêm tốn, đến lúc nhắm mắt bà đi êm không để lại một kỷ niệm gì. Bà đáng là một người nhu thuận.
Tôi được biết mặt bà nội tôi. Bà người cao và ốm, nước da ngăm ngăm, ít nói ít cười, lạ một điều là tôi không thấy bà ra khỏi nhà và cũng không nhớ có bà con thân quyến của bà đến nhà thăm viếng. Bà tánh rất hiền, giỏi chiều nuông... Uổng thay tôi chỉ là một đứa trắc mất nết, ỷ cha mẹ cưng, mỗi lần bà đút cơm, tôi nhõng nhẽo đợi khi có tiếng ba tôi cằn nhằn tôi mới chịu ăn. Bà luôn luôn nhịn nhục: không trả lời, lòng thương cháu thật vô bờ bến. Hồi bà còn, bà ẵm tôi suốt ngày vì chỉ có tôi là cháu nội trai: cháu đích tôn để phò giá triệu.
Năm bà mất (1905) là năm buồn bã nhứt. Nhà vừa qua khỏi trận bão lớn năm Giáp Thìn (1904), buổi nhắm mắt, Ba tôi không thấy mặt mẹ, vì thân mắc trong vòng lao lý, ngày mãn hạn ra khỏi khám là ngày làm tuần thất thất (49 ngày) của bà nội tôi. Hỏi tội gì? Xin thưa chẳng qua tội cờ bạc, lẽ đáng phạt tiền vì thuộc tiểu hình chớ không đến nỗi phạt tù. Ôi khắc khe thay chế độ bản xứ của chánh phủ đô hộ Pháp (régime de l indigénat).
Tôi nay còn nhớ khi bị kẹt ở khám, má tôi làm cơm bưng rổ đem đón nơi chỗ tù đập đá lót đường ở khu Đá Hàn gần Sở vọng thoàn: Ba tôi áo xanh quần cụt khỏi gối, ăn cơm chan nước mắt, tôi cũng khóc theo.
Năm bà mất, tôi vừa bốn tuổi ta mà ba tuổi Tây, được mặc đồ tang, được đầu bịt bích cân, mũ bạc dây rơm, được phò gậy vong ngồi trên giá triệu buổi cất đám, lại tỏ ra hãnh diện. May có cậu ruột tôi theo giữ chừng nưng đỡ không thì đã té gãy cổ rồi đời. Nay tiếc thương thì bà đã không còn.
Cội của ba tôi, Cô Hai Vương Thị Hiếm (1869-1897), hường dương 27 tuổi.
Sanh năm Kỷ Tỵ (1869), mất năm Đinh Dậu (1897), huý nhật: 5 tháng 11 ta.
Cô Hai tôi là người có công nhiều nhứt đối với gia đình. Một mình quán xuyến, tảo tần thức khuya dậy sớm, cực nhọc vất vả không kể thân. Gái đầu lòng nên sớm phải đảm đương việc nhà.
Nhà không đủ tiền ăn, phải biện ra một nghề: sáng sớm cô tôi gánh một gánh rất nặng, nào bún, bánh hỏi, rau sống, thịt quay, bò nướng, rồi chạy bộ vô xóm Xoài Cả Nả (nay là làng Đại Tâm), bán nơi đông đảo, trường gà, chỗ quay số (một lối đánh bạc với con quay sáu mặt), sòng tứ sắc, v.v... Khi nào mỏi mệt, gánh không nổi, thì quá giang xe kiếng tức loại xe hai ngựa kéo: có thùng gỗ ngồi được bốn người, khi mưa gió có cánh cửa lộng kính che đỡ mưa nắng. Nhưng cô Hai tôi nào dám xa xỉ đồng tiền kiếm ra, và phần nhiều là chạy bộ, đi bộ cho thật mau để kịp bán cho khách cờ bạc đa số là cầu kỳ nóng tính. Xoài Cả Nả, tên gọi làm vậy vì xóm nầy khi xưa có trồng rất nhiều xoài và ai ai đến đây khi trở về nhà đều mang theo cả giỏ, cả nả xoài. Tiếng Thổ gọi làng nầy là Xài chụm (Xoai chrum) phiên âm ra Việt ngữ đời Minh Mạng là làng Tài Sum, về sau hai làng kế cận Tài Sum và Trà Tâm (Xà Tim) sát nhập lại và lấy lên mới là Đại Tâm như ngày nay đã biết.
Nhờ cô Hai tôi năng vô bán trong số nầy, dò la và xem ý tứ kỹ, nên về nhà trầm trồ với bà nội tôi về nhan sắc và nết na của mẹ tôi và muốn cưới cho ba tôi làm vợ. Ban đầu nghe cưới vợ trong số Thổ, Ba tôi có ý chê và tỏ vẻ không bằng lòng, nhưng khi thấy mặt mới là vui chịu. Thương thay, trong nhà vẫn không tiền, mảng nấn ná mà khi dâng sính lễ thì Cô Hai tôi đã ra người thân cổ.
Nếu không có Cô Hai tôi về Xoài Cả Ná thì làm sao Ba và má tôi nên duyên chồng vợ và làm sao sanh ra tôi? Ơn ấy, làm sao đứa cháu bất hiếu nầy dám quên. Hồn cô có linh xin phù hộ chúng tôi, việc hương hoả phụng tự, chúng tôi vẫn thờ Cô y như thờ cha mẹ. Buổi sanh tiền ba tôi ít nhắc bà con, duy đối với Cô Hai, Ba tôi thường ngày vẫn kể gương tốt cho con cháu nhớ, và căn dặn phải tôn thờ đồng một bực.
Cải táng năm 1964. Ở Miền Nam, không ai muốn dời chỗ mồ mả ông bà, vì tin rằng ông bà nằm ở đâu thì cứ để yên nơi đó, dời đi dỡ lại, xây mả vôi mả đá, nếu may vô sự thì không nói gì, bằng chẳng may xảy ra việc xui xéo “động mồ động mả”, sợ cho con cháu làm ăn không khá, hoặc sẽ ốm đau bịnh tật, hao tài táng mạng thì quả là không nên. Trừ phi có lệ người Tàu họ rất trọng câu “phú quý bật hườn, hương như y cẩm dạ hành”, cho nên dầu nghèo giàu gì họ vẫn có tục lấy cốt đem về Tàu an táng lại. Ngày nay lục địa Trung-hoa cấm nhập khẩu nên họ không làm theo ý muốn được, chớ trước đây, đối với người nghèo vô phương cải táng, họ vẫn giao cho mỗi bang trưởng có phận sự lấy cốt những mộ chôn trên năm năm, gửi hát cốt về Trung Hoa, bên ấy có đại diện Quáng Đông, Triều Châu, hoặc Phước Kiến v.v..., lãnh mớ xương khô ấy đưa về làng chôn cất lại tử tế, như vậy đặng cho ở bên nầy, các nghĩa địa mỗi bang sẽ có đủ đất và rộng chỗ chôn người lớp mới.
Ở Sốc Trăng năm 1964, có lịnh những mộ chôn nơi đất thí của làng tại vùng Trường Đua ngựa năm xưa, đều phải lấy cốt dời đi để đất nới rộng phi trường. Vì là việc công, cần thiết và không trì hoãn được, nên năm mộ của ông bà chúng tôi phải dời đi. Chúng tôi chọn ngày kiết nhựt là ngày hai mươi tháng tám Giáp Thìn (25-9-1964) lo việc cải táng. Em tôi sắm sẵn năm cái quách nhỏ đóng bầng gỗ sao chắc chắn, trong quách lót một lớp sơn dầu màu đỏ cho thêm bền, và đưa đến nơi một ông thầy tụng kinh siêu độ và dẫn phu đến đào mộ lây cốt.
Mộ ông cố chôn năm 1882, mộ bà cố chôn năm 1875, quan tài bằng danh mộc gỗ hòm còn chịu đựng. Ông nội tôi táng năm 1895 quan tài bằng gỗ vên vên nên đã mục nát thành đất. Bà nội tôi chôn hòm cây dầu (táng năm 1905) và hòm Cô Hai cũng bằng dầu (năm 1897) đều không còn chi cả. Trong bốn mộ chỉ thấy toàn là đất đen, duy nơi mộ Cô Hai còn thấy được chút ít xương nhỏ cỡ ngón tay út. Như vậy có thể kết luận đất ở Sốc Trăng ẩm thấp ướt át thêm có phèn nên gỗ hòm mau hư nát không được bền lâu như đất vùng Gia Định, Biên Hoà vốn là đất chưa núi.
Ông nội, bà nội, Cô Hai đều chôn hòm tạp chưn ngang đủ thấy chúng tôi trước vẫn nghèo (Xem thêm Sài Gòn năm xưa trang 175-178, cuộc lấy cốt ở Hoà Hưng năm 1953).
Họ Vương của chúng tôi, chỉ ở Sốc Trăng, vốn xuất thân từ tay trắng.
Xét cho kỹ, không làm gì có gia phả để lại. Sự ấy cũng dễ hiểu:
a) Ông tổ của chúng tôi, - chỉ biết được đến đời ông sơ, tức không hơn năm đời - từ Trung Quốc sang đất Miên rồi đất Việt một khi tách bước ra đi trên con đường vô định - nói ra không sợ xấu đã dấn thân trên đường lưu lạc, phiêu lưu, đi tha hương cầu thực, đi để tìm lẽ sống mà tại nơi nhau rúm không sao tìm thấy, nói thẳng ra, đi hoang làm vậy, thì cần gì đem theo gia phả? Giắt lưng cái tờ tộc phái ấy chỉ thêm bận chân vướng cẳng, ích gì? Và thương thay cho những người lang thang trên bước giang hồ,
b) Đến đời ông nội chúng tôi, sẵn tánh bần bạch kiêu nhân, dám đứng làm tùa-hia (đại ca) của chi nhánh Thiên Địa Hội tại Sốc Trăng, thì càng không nên cất giữ gia phả trong nhà. Nơi xứ lạ quê người, thù nhiều bạn ít, đã quyết chí chống triều đình Mãn Thanh, thì dẫu có bao nhiêu gia phả cũng phải thủ tiêu, để tránh liên luỵ gia đình thê tử.
c) Họ Vương, tiếng rằng sang, kêu lắm, giòn lấm, nhưng có giàu chăng là giàu hai chữ “thanh bần”. Từ ông sơ xuống đến ông cố, lang bạt kỳ hồ, làm miễn đủ ăn là đủ mừng, đèo bòng chi cái gia phả, chúng cười: “sang không phải chỗ”,
d) Thuở đó, trước đây một thế kỷ, sống trên đất lạ, vùng Sốc Trăng vừa mới phát, việc khai hoang chưa hoàn thành, ở chung đụng với người Miên người Thổ, họ quen dùng bùa ngải tà thuật, khi thư da trâu vô đầy bụng mà chết, khi trù ẻo dùng thiên linh cái bắt hồn, để tránh các tai hoạ dữ kia, muốn sống yên lành vô sự, tất nhiên phải giấu tên giấu họ, mai danh ẩn tích là hơn. Cho nên nói chung, tại Miền Nam chúng tôi không có tục lập gia phả, vì xét rằng tờ tộc phái có ghi tên họ năm sanh năm tử của ông bà để lại rủi lọt vào tay kẻ thù muốn hại mình thì quả là lợi ít hại nhiều, nên không lập. Tờ gia phả xét kỹ ra, chỉ dành cho các dòng họ lớn nào sống nơi thái bình yên định, không gặp cảnh loạn ly.
Tuy vậy không phải người miền Nam không biết quý trọng tổ tiên, duy không chép ra thành sách. Người tộc trưởng của một họ thường thuộc nằm lòng để truyền khẩu giữa con cháu hoặc kỹ hơn, dùng thẻ giữ kín ghi những ngày kỵ huý giỗ quải, và ít khi bằng lòng lấy ra cho người ngoại tộc xem.
Sau đây, tôi xin tóm tắt những gì tôi từng nghe phụ thân tôi thuật lại về chi họ Vương ớ Sốc Trăng, dòng ông Vương Thoại là ông cố của chúng tôi.
a) Kể về chi lớn, thì được biết vẫn ở tại Phước Kiến (Trung Hoa), và có thể nói, gồm trong mười lăm chữ: “Phước kiến tỉnh, Tuyền Châu phủ, Đồng Ân huyện, Lâm Mễ thôn, Quan Khảo lý”. Như vậy, không phải bất cứ người nào hễ sanh tại Phước Kiến và cùng một họ Vương là một dòng với chúng tôi. Phải sanh từ Lâm Mễ thôn, từ Quan Khảo lý mới đủ điều kiện.
Bây giờ thử hỏi: Một người như tôi, máu Hoa pha máu Việt đã bốn đời, không nói được tiếng Phước Kiến, giá thử có dịp qua bên ấy, vậy chớ có nhìn đồng tông đồng tánh với người bên ấy được chăng? Giấy tờ chứng minh không có, nói miệng tài ai tin vả lại nhìn bà con ở xa mút bên Tàu để làm gì? Khi đã xa cách nhau suốt nhiều đời, dẫu tình đậm cũng hoá lợt; thêm vấn đề ngôn ngữ bất đồng, phong tục cách ăn thói ở không giống, “y ăn xì-dầu, tôi húp nước mắm”, lại nữa tỉnh Phước Kiến là đất tiêm nhiễm lâu năm chủ nghĩa khác với tôi. Vương nầy Vương kia, tôi tưởng gặp nhau e không dám ngó ngay mặt chớ đừng nói chi chuyện bất tay nhau nhìn một họ một dòng. Gặp nhau, câu thi Học Lạc ngâm suông: “Hoá An-nam, lữ khách trú”... rồi huề. Không nói thêm được nửa lời.
Không phải cốt ý để khoe khoang, nhưng Ba tôi có thuật lại rằng xưa kia kiếng họ Vương ở Phước Kiến vốn có địa vị khá. Giữa triều Thanh đang thịnh cũng không bị bạc đãi. Một chi tiết nhỏ: Thuở ấy, cặp lồng đèn giấy treo trước cửa, được phép kẻ một chữ Vương duy nhất, thay vì các họ khác phải viết kèm chữ “phủ”, tỷ dụ Phạm phủ, Trần phủ, Quách phủ, v.v... Và đó là đặc ân dường như do bà Tây Thái Hậu ban ra, vì bà cho rằng hễ Vương thì ở phủ là cố nhiên, hà tất viết dư chữ “phủ”. Một giai thoại khác thuật luôn là cũng bà Tây Hậu khi sắp hạng những mười tám tỉnh dâng lễ khánh thọ cho bà, thì tỉnh Phước Kiến được sắp đứng đầu vì chữ “Phước” không thể sắp sau chữ khác.
Một đặc ân khác dành cho chi họ Vương quán ở Quan Khảo lý, là được dùng bốn chữ “Khai Mân đệ nhứt” là biển treo nhà, vì tương truyền họ nầy xưa kia có công khai phá mở mang đất Mân (Phước Kiến), biến hoang địa thành lương điền. Nói để nghe chơi chớ không dám vẽ viên nhiều, bằng sắc đâu có hòng chứng minh, khoác lác là tội. Không nên “thấy người sang, bắt quàng làm họ”,
b) Nay nói về chi thứ là chi xuất dương, vốn cùng một đầu ông sơ. Hiện biết có ba chi ở ba chỗ khác nhau: chi Nam Vang, chi Gia Định, chi Sốc Trăng. Nhưng đã tản lạc, chưa thấy ngày trùng phùng.
I) Ông sơ (?-?). Khuyết danh, khuyết ngày sanh, ngày tử. Giỗ chung với bà sơ, huý nhựt: ngày hai mươi lăm tháng chạp âm lịch. Theo Ba tôi kể lại, ban đầu ông sang ngụ đất Nam Vang, nhưng kể từ năm nào không rõ. Về sau, chi nầy tách ra một nhánh xuống định cư ở đất Gia Định. Hiện chi nầy ở đâu? Khi lên viếng Sài Gòn độ năm 1901, Ba tôi có gặp, hai đàng nhìn nhau mừng mừng tủi tủi rồi cũng chia tay từ đó rồi bặt vô âm tín, cũng không biết địa chỉ để liên lạc, nay kể như thất lạc, mất còn chẳng hay. Từ ngày tôi lên ở Gia Định, tôi cố gắng hỏi thăm nhưng chưa gặp một ai chỉ bảo.
Ông sơ chúng tôi ở Nam Vang một thời gian không biết bao nhiêu lâu, bỗng nhớ chén cơm lưu lạc động gót giang hồ, lại một gói một xách, một thân một mình, cất bước lên đường một phen nữa. Có lẽ nghe lời đồn đãi nên chuyến nầy, ông xuống Miền Ba Thắc (nay có miếu thờ ở Chợ Cũ Bãi Xàu), Thổ gọi Sroc Bassac, hoặc sroc khléang, là tên cũ xứ Sốc Trăng (nay là Khánh Hưng, Ba Xuyên). Thuở đó, vừa hơn một thế kỷ, vùng nầy là một đồng ruộng mênh mông, người thưa rừng nhiều, đất tốt “làm không hết” cá tôm, thịt rừng khỏi mua mạnh ai nấy bắt, đời sống dễ dãi như cảnh thiên đàng, khiến ông lưa gót lại đây, lập thêm một gia đình nữa với bà sơ chúng tôi. Ở như vậy bao lâu không biết, rồi đến lúc tuổi già sức yếu, biết đã gần ngày quay đầu về núi, ông bèn “qui cố hương” rồi mất luôn bên ấy. Có nên trách ông hai lần tạo lập gia đình rồi bỏ về chết ở bên Tàu không? Xin đáp rằng không. Ông vả chăng là người Phước Kiến. Tháp cánh bay xa để thử sức, khi sức kiệt thì bay về ổ cũ. “Phú quý không về làng thì khác nào áo gấm mặc đêm”. Người Âu khi xưa đĩ lập Tân thế giới cũng thế. Nếu đã trót để lại hai nơi hai giọt máu tươi, thì may thay trời sanh trời dưỡng, hai giọt ấy hoa đơm kết trái cháu chất nối dòng, bổn phận kẻ sau phải nhớ câu “mộc bổn thuý nguyên”.
Dẫu tôi quá hư, cũng không dám buộc tội ông, duy dám hỏi “Sao ông không nói cũng không để lại dấu tích nào?” Họ tên để khuyết, vậy xin giỗ ông chung với bà. Mộ ông ở bên Tàu, có còn hay đã san bằng lấy chỗ trồng rau cỏ? Mộ có người giữ gìn ấm cúng hay đã xiêu lạc mồ hoang? Ông hãy yên giấc ngàn thu. Tại Sốc Trăng, chúng tôi vẫn giữ nhang khói đều đều và giỗ quải không sơ sót.
Bà sơ (?-?) - Cũng không biết họ tên và không biết luôn năm sanh năm tử, duy nghe dặn lại ngày giỗ là ngày hai mươi lăm tháng chạp. Nhờ một chi tiết nhỏ có thể truy nguyên năm mất là Ba tôi có nói bà từ trần đúng năm ông nội chúng tôi được mười lăm tuổi đầu. Vả chăng ông nội tôi sanh năm 1848. Cộng thêm mười lăm năm nữa là năm 1863. Ba tôi kể lại lịch sử của bà chỉ có chạy giặc: hết giặc Thổ dậy đến giặc Tây qua lấy nước. Việc nầy trùng hợp, vì năm Tây xâm chiếm ba tỉnh Miền Tây đúng là năm 1862. Tội nghiệp bà chạy mãi thở chưa hết mệt, kế bà gặp một trận bão to bồi tiếp. Thân già sức mòn, tài nào chịu nổi? Phần thì lạnh, phần thì sợ, phần thiếu thuốc men, thiếu săn sóc, nên bà sơ chúng tôi tất hơi thở trong cảnh hãi hùng, duy bà khỏi thấy nước nhà mất độc lập, lọt vào tay Tây.
Chị em bà cả thảy bốn người: bà là chị cả, kế là mẹ vợ ông Châu Đức, kế nữa là mẹ ông Lưu Hỷ, và út chót là mẹ vợ xã Sức.
Con của Số là xã Kóln, người nầy có lập một gánh hát dù kê tức hát cải lương Khmer. Như vậy chi ngoại nầy có một nhánh trở về nguồn, trở lại Khmer. Đó là những gì Ba tôi thuật lại về bốn chị em của bà sơ chúng tôi, còn họ tên là gì, Ba tôi cũng không biết.
Nay mộ của bà vẫn nằm lên sở đất của mẹ vợ ông Châu Đức. Cuộc đất giồng (cương) nầy, Thổ gọi sốc Phno Tin, cách xa chợ Sốc Trăng độ bảy tám cây số ngàn. Phải chăng đây là vị trí xóm xưa bà ở? Phải chăng đây là quê ngoại của ông nội chúng tôi?
Năm trước đây, nhơn dịp lễ Thanh Minh, tôi có về tảo mộ thì thấy thì thấy cuộc đất nầy đã thay đổi chủ. Con cháu ông Châu Đức đã sang nhượng cho một Huê kiều tên là Xiều (Thiều). Ông nầy lập nơi đây một sanh phần vĩ đại, may sao ngôi mộ lúp xúp của bà sơ chúng tôi không án, nên được chủ đất mới để nằm yên chỗ cũ. Không như các mộ tổ tiên khác chôn nơi Trường đua, vốn là đất nghĩa địa thí, nhưng đến năm 1964, chánh quyền cần mở rộng sân phi trường và ra lịnh sung công, buộc lòng chúng tôi phải hốt cốt đem về đất nhà nơi miếng rẫy sau chùa bà Tu Định, đường cũ đi Bạc Liêu, an táng lại. Phen nầy cầu xin nằm đó được vĩnh viễn.
2) Ông cố (?-1882) - Huý là Thoại (Thuỵ), mất tại Sốc Trăng ngày mồng năm tháng mười năm Nhâm ngọ (1882). Vẫn không rõ nã ai sanh, chỉ biết khi mất tuổi xấp xỉ bảy mươi. Về dật sử của ông, vẫn không biết nhiều, chỉ biết khi ông biết mình sấp lìa đời, thì vì mộ cha ở bên Tàu nên ông cũng về Tàu chờ chết. Bao nhiêu của cải làm ra, ông chia lại mớ nhấm để bên nầy, còn tiền mặt dành dụm, (Ba tôi nói không nhiều chỉ độ vài ba ngàn), ông cố tôi ôm hết xuống thuyền trực chỉ cố hương. Khi về tới xứ sở, ông tìm nhà quen xin ở tạm và gởi trọn số tiền cho chủ nhà cất giữ. Tai hoạ đâu xảy đến thình lình. Có một đứa cháu họ gọi ông bằng bác, nó biết ông có tiền, nên mưu mẹo lòng tréo thế nào mà người chủ nhà đưa hết cho nó. Thế là ông đã bị cướp sạch tiền, rồi làm sao khi ông mất lấy gì làm ma chay tống táng? Người chủ nhà muốn cho êm chuyện và cũng động lòng trắc ẩn, thương người ngay mắc nạn, một phần lỗi tại mình nhẹ dạ, nên sau đó tặng lộ phí khuyên ông kíp trở về đất Nam, bề gì cũng còn con còn cháu.
Thuở ấy đi đường biển hết sức gian nan. Tàu sắt vững chãi chưa có. Từ Áo môn (Phước Kiến) muốn sang Nanh địa, chuyến đi chuyến về đều tuỳ mùa gió thuận. Mỗi lần vượt biển là vái van Trời Phật, chớ thuyền gỗ chạy buồm, mạng không quá ba phân, việc may rủi không sao lường trước. Xuống thuyền không ai dám nói một lời bất kính và luôn luôn lấy đức tin và tín ngưỡng làm sức mạnh chớ che. Tại nhà tôi hiện nay còn giữ hai vật kỷ niệm của ông, đó là một bức tượng Quan Đế vẽ thuỷ mặc, và một tượng Phật Quan âm ngự trên toà sen, tượng nầy vóc nhỏ bằng vỏ hộp quẹt diêm và làm bằng gỗ trầm đựng trong hộp trầm, tương truyền mỗi lần ông cố tôi về Tàu đều mang theo nơi cổ, qua tới xứ, tìm đến dòng suối Ô chúi (ô thuỷ) nhúng vào lấy hên (hưng) và quý trọng như báu vật độ mạng có nhiều phép lạ. Chuyến trở về Nam may quá được bình yên vô sự và khi thuyền cặp bến nơi Chợ Cũ Bãi Xàu, thì ông cố tôi gượng lên bờ vào xin ở đậu nơi nhà ông Xú Biển là một tay giàu có lớn, ở xóm (Phước Kiến). Xóm nầy con cháu lai khách vẫn còn ở đông đúc tuy không sum mậu bằng xưa, và bến đậu thuyền buồm nay còn gặp di tích, vì năm trước đây khi dỡ nhà bà ngoại tôi ở xóm nầy, khi đào xuống sâu còn gặp vô số đá cuội lót nền to bằng cái thúng cái cối và nguyên là đá khi xưa dùng để neo tàu buồm hoặc để dằn lườn cho dễ lướt sóng khi tàu chở quá nhẹ. Bà ngoại tôi mót lại dùng làm nền nhà thì vững chắc vô cùng. Ông nội chúng tôi được tin lật đật võng rước cố tôi về nhà, lúc ấy ở trên đất mướn, vị trí nay là góc đường Champeau cũ xóm nhà ông Xường Há đụng với dãy phố trệt của cha sở họ Sốc Trăng lúc ấy. Rước được ông cố tôi về, ông nội tôi đã lúng lại càng túng thêm; nhà sạch tiền, có bao nhiêu không đủ chạy thuốc chạy thầy cho cố tôi, đã vậy thêm ông nội tôi mang bịnh hút lớn. Nhưng Ba tôi kể lại á phiện hồi đó rẻ rề. Mỗi lần Ba tôi đi mua, một ngao lớn bằng vỏ sò đựng đầy thuốc. Ba tôi lắc chuyển vẫn không chảy giọt nào vì thuốc đặc sệt, thật ngon mà giá chỉ có mấy xu chưa đầy một cấc bạc (0$10), trong khi các tiên ông ngày nay mua lén mua lút một ký lô giá trên bạc triệu mà còn gặp thuốc pha thuốc lỏng. (Mua mắc mà còn bị ăn gian, thêm nguy hiểm vì lính bắt được thì thuốc tiền đều mất).
Khi ấy ông nội tôi nhớ lại có hùn với ông hương hào Thơ cả hai chung vốn lập một trại hàng, bán hòm (quan tài). Ông Thơ nầy sau khuất, người vợ tái giá trở nên bà chủ Hứ, vẫn làm chủ trại hàng Xóm Lò Heo ở mé kinh nhỏ sau nhà bà Phủ An. Lúc bé thơ khi còn ở Sốc Trăng tôi có đến xóm nầy và từng biết mặt cả hai bà (bà Phủ An và bà chủ Hứ). Vì nghèo quá không tiền mua thọ cho cha, nên ông nội tôi xin rã hùn, tội nghiệp, phần hùn chia vỏn vẹn được một cỗ quan tài kiểu mang cá gỗ danh mộc. Ông cố tôi hay được rất mừng lòng vì trước sau ông vẫn muốn được chôn theo nghi thức Trung Hoa. Tội nghiệp chút hy vọng nhỏ buổi đời tàn suýt tiêu theo mây khói, vì hòm đã hứa bán cho một hiệu buôn ở lối xóm, mua để dành cho người thân. May sao nhờ khéo nói, nên hiệu Đức Phong cho thỉnh về để mai táng ông cố chúng tôi.
Nhưng số ông còn lận đận chưa dứt. Tám mươi hai năm sau, năm 1964, nhà nước sung công đất chỗ ông nằm để nới rộng phi trường. Khi đào sâu xuống độ hai thước Tây, thì gặp nắp quan tài. Đồn rằng hòm danh mộc chịu nổi thiên niên, nhưng đây ván đã hư mục mỏng lần có chỗ đã lủng, có lẽ chỗ đó là dác chớ chỗ nào lõi thì còn lành lẽ, chẻ thử thì gỗ còn vàng lườm, đúng là huỳnh đàn hay sao đá mới bền và chịu đựng dường ấy. Than ôi! Ván hòm tuy còn, nhưng xương cốt đã mục nát từ bao giờ, tan rã chỉ còn lại trong hòm những cục đất màu đen đen. Khỉ lấy cốt phải cẩn thận từ chút, hối lượm thật kỹ những cục đất đen, được bao nhiêu dựng vào quách nhỏ bằng gỗ sao sơn lớp trong màu đỏ, rồi kính cẩn dời về an táng nơi đất mộ nhà. Ô hô! Thuở sanh tiền tranh danh đoạt lợi làm gì? Danh mà chi? Lợi mà chi? Khi nằm xuống, đất cục trở về đất cục.
Trước sau chưa đầy trăm năm! (Năm chôn 1882, năm lấy cốt 1964).
Bao nhiêu việc kể trên đây cho phép tôi nói gia đình chúng tôi buổi ban sơ rất là chật vật, hàn vi cơ cực đến thế là cùng, về Sốc Trăng, ông cố tôi hạ sanh được bốn người con, hai trai hai gái:
- Đầu lòng là bà Vương Thị Chỉ;
- Trưởng nam là ông nội tôi, ông Vương Biến;
- Thứ nam là Vương La, tên khác là Vương Bầu;
- Người gái út là bà Vương Thị Cuội (Vương Thị Quế).
Chi ông Vương La, con cháu còn đông, vẫn có nhà cửa nơi rẫy tổ phụ gần sở rẫy mộ của gia đình chúng tôi, nhưng thảy đều chuộng nghề nông và sinh sống hoàn toàn theo người Minh Hương, chuyên việc trồng cải trồng rau, không người nào theo nghề nghiên bút. Tuy hai chi không xích mích, nhưng chi ông Vương La ít lên xuống với chi chúng tôi: an phận thủ thường, cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở, sự lạnh lùng, nếu có, phát sanh có lẽ từ khi ông cố tôi nằm xuống mà chỉ có một mình chi lớn lo việc hiếu.
Ông Vương La sanh ông Vương Hứ và Hứ sanh cô Hai Chín.
Với bà kế thất, ông Vương La sanh hai gái: bà Vương Thị Xung ở Rạch Gỏi (Sốc Trăng) và bà Vương Thị Chìa, ở trên rẫy.
Ông Vương La được cố tôi cưng nhứt, cho đứng bộ làm chủ rẫy vườn, vì khen: “Biết chí thú làm ăn”, không như ông nội chúng tôi, tuy làm chủ lò thợ bạc, có vợ có con đàng hoàng, nhưng hút á phiến và ham mê cờ bạc”. Không dè khi ông cố tôi lâm chung, chính người con không tin cậy, “hút và cờ bạc” ấy, đứng ra chôn cất.
Và như vậy, khi gần nhắm mất, ông cố tôi còn vài việc chưa toại nguyện - Đứa cháu bên Tàu phản bội, cướp đoạt tiền ông, Đứa con vừa lòng bên nầy, vẫn biết ăn của mà không giữ tròn hiếu đạo.
Một niềm an ủi chót gần như bất ngờ, số ông không được chôn bên Tàu thế mà tốt phước, vì chôn ở đất Việt như vậy mà ấm cúng, còn chúng tôi giữ việc khói nhang.
Bà cố (?- 1875) - Bà có để tên lại: Diệp Thị Cạnh.
Bà mất trước ông, vào năm Ất Hợi (1875). Huý nhựt: mồng ba tháng chín. Năm Ất Hợi nhà họ Vương có lẽ dễ thở hơn trước, cho nên bà được chôn trong quan tài danh mộc kiểu mang cá. Mộ của bà khi còn nằm trên cuộc đất Trường Đua, tuy mộ bằng đất nhưng đắp núm thật cao và thật lớn. Mộ nầy hai lần bị đụng chạm:
1) Lần đầu, không rõ năm nào. Nguyên khi táng, vì tin lời thầy địa lý Tàu, nên chôn theo bốn góc hòm bốn cái hoả lò bằng đất, tin rằng nhờ sức nóng của “lửa”, con cháu sẽ phát đạt sớm. Sau đợi mãi không thấy hiệu nghiệm, trái lại thấy trong họ có nhiều nóng xót xào xáo, nên bổn tộc hội lại, và đồng ý cạy lấy bốn cái hoả lò ra. Cũng không dựng mộ bia nơi đầu mộ như trước nữa.
Đây cũng vì tin lời thầy địa lý bàn: “Đất Ba Thắc nguyên là phù sa nê địa không có chưn, vả chăng chôn đất núi thì nên dựng bia, còn nơi đây đất bùn, bia đá chỉ thêm nặng nề, con cháu bị đè nên chậm phát”. Cái bia đá ấy, sau có người tiếc, mót lại đem cắm bên mộ lân cận và đó là mộ của thân nhơn bà Ba Thọ. Năm 1964, mộ bia nầy ai dời đâu mất.
2) Lần hai và lần chót, xảy ra năm 1964, khi nới rộng phi trường. Vì mộ nằm bên trong vòng rào kẽm gai nên phải có lịnh quan mới được vào trong lấy cốt. Giá thử bình thường chúng tôi không bao giờ dám cải táng vì sợ “động mồ động mả, con cháu làm ăn không khá”. Nhưng đây là nhờ có lịnh của chánh phủ, nên không xảy ra việc gì. Cũng nhờ cải táng, chúng tôi tìm thấy hai di tích của bà cố. Một đàng khác nữa hai vật nầy chứng tỏ trong năm bà mất (1875), trong nhà đã thơi thới hơn lúc trước. Hai di vật ấy là:
- Một chiếc cà-rá “hồng mã não” đỏ au vì chôn lâu đời, trổ mặt nhựt” cũng gọi “cà-rá mặt yêu” thấy trên đầu quan tài chắc xưa đặt trong miệng.
- Một chiếc nhẫn thứ hai kiểu mặt võng, (cũng gọi miếng chả), cũng bằng mã não đỏ, thấy giữa quan tài, có lẽ xưa đeo trong tay, cả hai chiếc, vóc thật nhỏ, con cháu đeo thử không vừa, như vậy vóc bà ắt nhỏ thó lắm. Ván hòm còn thơm, gỗ còn vàng, nấp sụp xuống lưng chừng. Xương cốt biến thành đất đen y như nơi mộ ông cố. Từ ngày táng đến ngày di táng, đếm được 1964 -1875 = 89 năm.
3) Ông nội, ông Vương Biến (1848- 1895)
Sanh năm Mậu Thân (1848). (Tự Đức thứ I, Đạo Quang năm thứ 28);
Mất năm Ất Mùi (1895), (Thành Thái năm thứ 7, Quang Tự thứ 21).
Huý nhựt: mồng bốn tháng chín, giờ Dần.
Ông là người có bản lĩnh hơn hai ông trước.
Ông sơ, ông cố không để lại gì cho tôi thán tức. Trái lại tôi muốn noi gương ông nội chúng tôi, có nhiều nghệ sĩ tính, lịch duyệt và từng trải việc đời nhiều.
Cho đến năm hai mươi chín tuổi, ông chưa có một nghề tuỳ thân. Cha mẹ cho học chữ Hán với thầy Tàu. Ông nói được ba thứ tiếng: Tiếng Việt rành rẽ, tiếng Quảng Đông, Phước Kiến trôi chảy và ông nói được tiếng Miên dễ như là lặt rau với đủ mánh khóe cao thấp pha trò đủ giọng.
Ông có tánh ham vui ham chơi thật, nluưng ông cũng biết dùng nhiều thì giờ để đi đó đi đây; vô rừng đi săn, châu lưu giao thiệp, thâu nhận kiến thức mới lạ. Vì ham vui ông vướng nhiều tật; tật hút, tật cờ bạc, ông thạo đủ hốt me cờ đề bài bạc. Anh em bạn của ông rất nhiều và thảy đều có cảm tình tốt đối với ông. Trên bước giang hồ, ông quen với nhiều tay hảo hớn, trong số có đủ mặt người Tàu, người Minh Hương, người Nam, người Thổ. Trong số có một ông cũng gốc Minh Hương xuất thân đi bạn chèo chống ghe chài, sau có con ăn học thành tài, làm đến chức tri huyện kiêm học giả và đó là dòng ông Dực Văn Trần Quang Thuận. Ông Thuận là nội tổ của kép Hữu Phước.
Ông sơ ông cố chúng tôi đều ăn cơm Việt mà một lòng còn tưởng nhớ Tàu. Ông nội tôi thì nhớ Tàu bằng cách quyền chống lại chế độ đàn áp độc tài của nha Mãn Thanh”. Vì vậy ông làm tùa hia Thiên Địa Hội, tức thủ lĩnh của hội kín ấy. Nguyên hồi Tây mới qua, gọi là “đời đàng cựu”, tại Sốc Trăng, trong đám Minh Hương, có ba đảng Thiên Địa Hội:
1) Đảng ở Bố Thảo (Thuận Hoà) và đảng ở Bãi Xàu (Mỹ Xuyên) nhập một, xưng “Nghĩa Hữu đoàn”,
2) Đảng ở châu thành Sốc Trăng là “Nghĩa Hưng đoàn” do ông Trần Phước Hải làm tùa hia. Sau ông nầy ra giúp chánh phủ Pháp, lần lần lên đến cai tổng tổng Nhiêu Khánh, về già cáo lão, Tây phong hàm Tri phủ.
3) Một đảng nữa do Nghĩa Hưng đoàn tách ra xưng Lương Hữu Hội. Cầm đầu là hai ông: ông Ông Hưng Kỳ và ông Sếp (chef) Sầm. Sau hai ông đều ra mặt làm việc cho Tây, ông Kỳ làm đến cai tổng tổng Nhiêu Khánh, thế cho ông Phú Hải, và khi mất được thăng Tri huyện hàm, nên gọi ông Hàm Kỳ; ông Sầm ra làm hương quản làng sở tại là làng Khánh Hưng. Tây phong chức chrf de l police communale, nên cũng gọi ông Xệp Sầm Bởi đó, chức tùa hia hai người nhường lại cho ông nội tôi. Lúc khởi sự, Thiên Địa Hội là hội kín lập ra với mục đích xúm nhau lại quyên tiền gởi sang Tàu giúp việc lật đổ nhà Thanh, khôi phục nhà Minh. Nhưng về lâu, chủ nghĩa lệch lạc biến lần ra hội ái hữu Phục thiện, chuyên tế trợ anh em trong hội lúc hữu sự, để rồi suy đồi thêm một cấp nữa, trở nên “hội đánh lộn”, chuyên giành quyền cướp của hiếp đáp lẫn nhau, và lần hồi phe nầy tố cáo phe kia. Tây thừa dịp bắt hết, kẻ bị đày, người ngồi tù, thỏn mỏn Thiên Địa Hội tỉnh Sốc Trăng cũng như ở các tỉnh khác đều tàn lụi dần. (Nên nhớ năm Tân Hợi (1911) ông Tôn Dật Tiên nhờ có Thiên Địa Hội trợ lực, lật đổ được nhà Thanh, thế là các hội kín nầy đều không phải là vô ích).
Dấu tích của bước giang hồ, rày đây mai đó, ông nội tôi còn để lại cho tôi làm kỷ niệm và hiện giữ tại Gia Định, là một chiếc rương cốt gỗ không ngoài bọc da heo thuộc và sơn láng (laqué). Rương nầy dài độ hơn sáu tấc Tây (0,6 m), nắp cao độ mười lăm phân (0,15m), khi đặt xuống đất hay trên bộ ván, cái rương sẽ biến thành gối nằm và nhờ da có độn nỉ nên rất êm ái và khen ai khéo chế một vật dụng tuyệt diệu. Trong rương có chia làm hai từng: từng dưới đựng áo quần và đồ tế nhuyễn đi đường, từng trên có cái ngăn lấy ra được bằng gỗ thông vừa nhẹ vừa gọn, khi đi thì chứa cây dọc tẩu, bàn đèn, khi đình bộ bày ra, lấy ngăn làm mâm hút thì là tuyệt xảo. Hút xong thu xếp đồ “binh khí”, thu gọn vào rương, khoá lại, kê đầu trên nắp làm gối, thì bao nhiêu đạo chích trên thế gian đều trơ tay thua trí ông tiên ghiền. Rạng ngày, lấy cái khăn gọi “ịch bậu” (Khăn nầy còn dệt và còn bán ở Sài Gòn do Nam Vang đưa xuống) cột hai đầu khăn vào đầu rương có làm sẵn hai cái quai đồng chắc chắn, xỏ khăn lên vai thế là có cả một gia tài “lưu động” dẫu đi tới tận chân trời cũng không mỏi và không sợ mất. Cái khăn ấy vừa dùng để che thân khi tắm, để lau mặt lau mồ hôi, khi khác lấy che đầu, khi giắt tréo, khi đội trùm, khi chừa hai mối, vừa là ám hiệu của các nhóm Thiên Địa Hội, đố thám tử, đố lính kín luôn cả ông Trời, đố ai biết được. Một bả tiền để hốt me, một mâm hút lý tưởng, một vài bộ quần áo cần thiết vạn tuế người giang hồ lớp trước! Tiếc thay, rương nầy nay không thấy bán, gẫm ra tiện lợi vô song, tên rương là “hòm phù sẩu”, “Sẩu” ta đọc “thủ” là “tay”. “Phù” là nổi trên mặt nước, cũng như “phù gia phiếm trạch” là nhà nổi nhà bè. Phù thủ, đọc “phù sẩu” mới đúng điệu và đó là rương nhẹ xách trên tay, ôi tuyệt diệu thay cái rương da của nội tôi để lại.
Ông nội tôi có kể lại cho Ba tôi nghe nhiều dật sử về Thiên Địa Hội. (xin xem lại Sài Gòn năm xưa, trương 45). Tiện đây tôi tóm tắt cho những người không có sẵn bộ sách nầy dưới tay:
Theo ông nội tôi thuật, sự khai phá miền Nam, nhứt là vùng Hà Tiên, oái oăm thay, lại nhờ hai thú “tài và khí” trong tứ đổ trường.
Ông Mạc Cửu và đồng bọn, nhờ hút mà khỏi các bịnh do sơn lam chướng khí kết thành, tỷ như bịnh rét rừng, kiết lỵ và đi tiêu chảy... Các bịnh hiểm nghèo nầy ngày xưa đều trị bằng thuốc phiện. Rồi lại nhờ cờ bạc, hốt me để giải sầu mà Mạc Cửu và đồng bọn trở nên giàu có lớn. Các người bản xứ Thổ Miên lúc ấy, các chủ vườn tiêu vườn đậu khấu thua bài đều cố vườn bán ruộng cho ông Mạc Cửu. Đến khi ông trở nên chủ gần trọn vùng Hà Tiên. Mạc Cửu đâm ra sợ nạn quân Xiêm qua cướp đất của ông cho nên ông chạy ra Huế xin vua mình phong cho ông làm tổng binh trấn thủ Hà Tiên để ông đủ sức chống ngăn giặc Tiêm La. Việc nói nghe dễ quá, nhưng đúng sự thật hay không, tôi không đảm bảo.
Theo ông nội tôi, Tập Đình và Lý Tài (chương 345 Việt Nam Sử Lược- Trần Trọng Kim) đều là người trong Thiên Địa Hội, và duy Tàu Minh (Thiên Địa Hội) mới biết đủ mánh lới và trị được bọn Tàu Thanh là quân Mãn Châu, đái thù địch của di thần nhà Minh. Thành ngữ “giáo Tàu đâm Chệt” còn đó. Tôi viết ra như vầy là để nhớ ông nội chúng tôi, còn việc quân ta cả thắng quân Thanh dưới lá cờ vua Quang Trung, thì sử sách đa có ghi (Chuyện tôi kể đây chỉ là một chi tiết nhỏ không đủ làm hoen ố trận chiến công bất hủ kia. Năm hai mươi chín tuổi ông tôi còn lêu lổng. Năm ba mươi (tam thập nhi lập) ông tôi mới trụ thân và chọn nghề thợ bạc. Ông tôi học đủ các môn để sau truyền giáo lại Ba tôi. Nghĩ cũng nực cười cho cái nghề nầy, không biết đến chừng nào mới được gọi cho danh chánh ngôn thuận. Xưa kia thợ làm nhiều đồ nữ trang bằng bạc hơn làm bằng vàng, nên xưng khiêm tốn “thợ bạc”.
Ngày nay, hai giới thợ bạc và hát bội, đều ngán chữ “bạc” và chứ “bội” cho nên họ đổi lại: nói hát bộ thay vì “hát bội “, để tránh chữ “bội” và nói: “thợ kim hoàn” thay vì “thợ bạc” để tránh chữ “bạc”. Nhưng có tránh hẳn được không, vì tôi xin hỏi: “Hát nào lại không ra bộ? Và chỉ làm kim hoàn không thôi sao?”. Tuy vậy, nếu gọi “thợ vàng” thì nghe nó chướng tai.
Cái nghiệp hút và cờ bạc đã làm cho ông cố tôi giận, nhưng cho tôi minh oan: “Phải chăng đó là hai bức bình phong khéo che đậy những buổi tụ tập bất hợp pháp về Thiên Địa Hội?”.
Nhưng “chơi dao có ngày đứt tay”. Hút thuốc phiện không biết chán và cầm cây bài không biết mỏi, một ngày nào đó vướng lật không gỡ được, đến phải mê sa ghiền gập, cờ bạc không thôi, thì vừa có hại cho sức khỏe vừa có hại cho thân danh.
Có lẽ một phần nào vì hai nghiệp đó mà ông nội tôi tuổi không được thọ. Ông thi thố chưa hết tài năng thì đã vội tách đời ra đi. Việc nầy có ảnh hưởng nhiều đến đường học vấn của tôi. Năm 1923, Ba tôi được bốn mươi tám tuổi, tôi năm đó vừa thi đậu ra trường trung học. Ý còn muốn bay nhảy muốn ra Hà Nội học trường Cao đẳng, nhưng Ba tôi khuyên nghỉ học, “Vì mày có bằng thành chung cũng là đủ, còn Ba nay đã già và thầy số coi Ba không quá năm mươi”. Tôi vội vâng lời Ba tôi để được chữ Hiếu, thêm nữa tôi tự xét tôi đã cứng đầu sẵn không ra học Hà Nội không may bị đuổi về còn thêm dở dang, lại nữa một lẽ khó nói ra là tôi đã biết đòi vợ. Còn Ba tôi, ông thầy số nào đó nói trật lất, vì đến năm Canh Tý (1961), Ba tôi mới từ trần, lên đến thượng thọ, tám mươi sáu tuổi. Bây giờ, tôi học đâu chẳng tới đâu, thẹn mình “thiên bất đáo, địa bất chí”, không dám trách Ba tôi cho thôi học sớm chỉ giận muốn vợ sớm mới ra nỗi nầy. (Tôi đã nói tôi là thằng hư).
Năm Ất Vị (Mùi) (1895), ông nội tôi lâm bịnh rồi từ trần, tuổi vừa bốn mươi tám. Trong làng có ông hương sư Khoa, nổi tiếng là người hay chữ, vốn người đồng một hội và chơi nhau rất thân, khóc ông nội tôi bằng hai câu điếu:
“Lục bát xuân thu, nhẫn vi thiên địa khách,
Nhứt triệu huynh đệ, phân tác cổ kim nhân”.
Câu nầy ý vị, nói ra được ông tôi có chân trong hội kín “Thiên Địa”, vừa là một người Tàu lai (khách); một sớm anh em còn thấy nhau, đến chiều đã phân tách kẻ kim người cổ. Khéo nhứt là hai chữ “lục bát”, muốn hiểu 68 tuổi hoặc hiểu 48 (6x8) đều được. Cơ khổ! Lúc ông tôi mất, Ba tôi vừa hai mươi mối tuổi đầu, đơn chiếc thiệt thà, đang khóc cha nào biết ông văn sĩ Khoa (khuyết họ), muốn nói gì trong hai câu điếu? Ba tôi nghe lời cô bác và cứ theo tục lệ nên cước tuổi ông tôi thêm ba tuổi, thành ra trên tấm giá triệu viết “tử năn 51 tuổi” khiến ông hương sư cằn nhằn, câu đối mất hay.
Ông Khoa, tôi có biết mặt, vì năm 1913 khi mẹ tôi mất chính ông đến giúp việc tẩm liệm tôi còn nhớ cách ông đọc thần chú lúc đậy nắp quan tài, mỗi lần gõ búa lên đầu cây đinh đều có một câu chú riêng biệt. Đó là đúng theo sách Thọ Mai Gia Lế và những người như ông nay còn rất ít.
Ông nội tôi, theo tập tục cổ truyền và vì là con trưởng nam, nên lập gia đình rất sớm, - mười lăm tuổi cưới vợ, - mười chín tuổi sanh một gái đầu lòng, tên Điệp, (mất từ bé thơ).
Năm ông hai mươi mốt tuổi, sanh bà Hiếm (1869), tức tôi gọi “Cô Hai”, bà nầy mất năm Đinh Dậu (1897).
Qua hai mươi bảy tuổi, sanh Ba tôi là ông Vương Kim Hưng (1875).
Tám năm sau, năm Quí Mùi (1883), sanh bà Vương Thị Khốc Khía, (mất lúc được tám hay chín tuổi).
Ông nội tôi có một bà kế thất, không biết tên họ, sanh ra bà Vương Thị Chuội (1877). Bà nầy là em khác mẹ của Ba tôi nay còn con cháu ở Ngã Tư (Sốc Trăng), có một người trước đây làm nghề hớt tóc.
Ông nội tôi lấy giấy người Minh Hương để tránh khỏi đi lính cho chánh phủ Pháp, không như Ba tôi, lấy giấy thuế thân theo người bản xứ, nên sau khi bị phiền phức, mất vòng lao lý vì một tội không chánh đáng, tội đánh bạc thuộc về tiểu hình mà đời đó phải vào tù.
Ngoài chiếc hòm phù sẩu, ông tôi còn để lại cho tôi:
1) Một chiếc cà rá mã não kiểu “mặt chữ nhứt” (sau tôi làm bể);
2) Một đĩa sành Tam Thái, vẽ ba màu xanh đỏ hường, dáng như quạt xòe, nguyên là một bộ phận của bộ đĩa chín cánh sen dùng đựng mứt bánh, nghe nói trước kia của ông Bá Hộ Non (Trương Ngọc Loan) ở Vĩnh Long (số mục lục 22).
3) Một cái còi săn bằng sừng nai (số mục lục 22-bis)
4) Một cái rương thật lớn bằng gỗ cây dầu gió, mỗi lần mở nắp là hương thơm ngào ngạt, có cái ổ khoá và ống khoá thật to và thật mỹ thuật. Đây là rương làm ở Hạ Châu (Singapore) sau bị mối mọt ăn, nếu còn là một sưu tập phẩm có giá trị (rương Ăng-lê thế kỷ 19).
Ngoài ra có hai di vật thất lạc năm 1946 lúc tản cư vô Thạnh Thới An và đó là hai ống đót để hút thuốc làm bằng hai nanh heo rừng, ông tôi xoi lỗ và bịl vàng thật khéo. Hai ống đót nầy vì dùng lâu đời, nhựa thuốc làm cho nanh lên nước chỗ vàng chỗ thâm đen, trông rất đẹp. Nay ở đường Phạm Ngũ Lão trước chợ Bến Thành, thỉnh thoảng có thấy bán nhưng không khéo bằng. (Hỏi mấy người bán da thuộc gấu cọp, mật gấu, gân nai v.v.., có bán).
Hiện tôi có rất nhiều tật xấu, phải chăng tôi giống ông tôi. Duy ông nội tôi là người tài tử thêm có nghề vững chắc. Tôi trót nửa đời chỉ làm nghề thơ ký quét văn phòng, quả thật đồ hư.
Một điều nầy tôi nói ra chỉ cho khỏi có người phản đối, chê rằng bất thức thời vụ, cười còn luyến tiếc thứ đồ quốc cấm. Nhưng trong thâm tâm tôi còn tiếc mãi bộ bàn đèn của ông nội tôi. Bộ nầy gồm:
- Một mâm hút lớn bằng gỗ trắc quí, rất thanh nhã, và quả là một kỳ công khéo léo của một tay thợ mộc khuyết danh xưa. Da gỗ trơn tru, bóng ngời thấy mặt. Chạy chỉ ngay bon, ráp cạnh khít khao không hở một sợi tóc. Mâm hút nầy sau Ba tôi dùng làm trang thờ, gắn lên vách để thờ ông Tà. Ngày má tôi từ trần tất cả bàn thờ mâm hút đều bi hoả thiêu đốt luôn với ông Tà, như vậy gọi trừ tiệt dấu tích một dị đoan. Nhưng giả thử cái mâm nầy còn: tôi dùng làm mâm đựng vật dụng văn phòng chẳng là tuyệt thú. Xét lại ăn thua nơi mình biết dùng cho đúng chỗ chớ đâu phải vật đó là một di tích xấu nào.
- Một đèn đầu phộng, chụp bằng pha lê rất đẹp. Nếu còn, thì có đèn đọc sách nào “mát con mắt” bằng?
- Một ống hút lớn bằng cườm tay người lớn. Dọc tẩu nầy làm bằng tre Hạ Châu tuyệt đẹp, hai đầu có hai khúc ngà lên nước đỏ au. Nếu còn tôi không dùng làm ống hút nữa nhưng đề vào tủ quí thì đó là một sưu tập phẩm có giá trị. Không lẽ lính bài trừ ma uý vào nhà đành tịch thu vì ai ai cũng biết tôi là nhà chơi kỳ trân cổ ngoạn và nhà chơi sách hoàn toàn chưa phạm một lỗi nào.
Nhưng ngày ông nội tôi mất, Ba tôi đã ký thác đèn ống cho ông Trầm Chệ ở Nhu Gia, nay vẫn thành di vật của họ nầy. Khi tôi lớn khôn vẫn tiếc mãi hai vật ấy, nhưng Ba tôi nói: “Sợ để lại nhà, bị cám dỗ, rủi mầy lấy ra dùng thì tao biết làm sao?”. Âu cũng đành vâng lời Ba tôi, nhưng hư vẫn hoàn hư tôi không nằm nhà thì đi nằm chỗ khác. Vì tôi chưa chừa cái thú nằm nói chuyện liên miên cạnh bàn đèn, ai đốt ai phì phà mặc ai, tôi cứ chuyện đời xưa tôi kể.
Không cho dùng, không lẽ cấm luôn nhắc lại danh hiệu cũ? Ống hút có thú nào hơn ống làm bằng trúc Hạ Châu (như của ông nội tôi) cho dẫu bằng gỗ trầm, gỗ cây ớt hiểm cũng không bì. Ống bằng ngà voi, khéo chớ không thơm là hút không ngon. Nồi hút có hiệu “Đàm Nguyên Ký”, “Trúc Phong”, “Lương Hữu Hương” nay đã bị chẻ hoặc đốt cũng phải ghi lại cho biết, chớ không có tuyên truyền bại tục.
Bà nội của chúng tôi, Lâm Thị Xu (1849 - 1905). (Thọ năm mươi sáu tuổi)
Sanh năm Kỷ Dậu (1849), Tự Đức năm thứ 2, Đạo Quang năm thứ 29);
Tử: năm Ất Tỵ (1905). Thành Thái thứ 17, Quang Tự năm thứ 31.
Huý nhựt: mồng tám tháng tư, tử nhằm giờ Mão.
Ba tôi không nói bà sanh tại đâu, tổ tiên cha mẹ là ai, sinh tiền bà là người khiêm tốn, đến lúc nhắm mắt bà đi êm không để lại một kỷ niệm gì. Bà đáng là một người nhu thuận.
Tôi được biết mặt bà nội tôi. Bà người cao và ốm, nước da ngăm ngăm, ít nói ít cười, lạ một điều là tôi không thấy bà ra khỏi nhà và cũng không nhớ có bà con thân quyến của bà đến nhà thăm viếng. Bà tánh rất hiền, giỏi chiều nuông... Uổng thay tôi chỉ là một đứa trắc mất nết, ỷ cha mẹ cưng, mỗi lần bà đút cơm, tôi nhõng nhẽo đợi khi có tiếng ba tôi cằn nhằn tôi mới chịu ăn. Bà luôn luôn nhịn nhục: không trả lời, lòng thương cháu thật vô bờ bến. Hồi bà còn, bà ẵm tôi suốt ngày vì chỉ có tôi là cháu nội trai: cháu đích tôn để phò giá triệu.
Năm bà mất (1905) là năm buồn bã nhứt. Nhà vừa qua khỏi trận bão lớn năm Giáp Thìn (1904), buổi nhắm mắt, Ba tôi không thấy mặt mẹ, vì thân mắc trong vòng lao lý, ngày mãn hạn ra khỏi khám là ngày làm tuần thất thất (49 ngày) của bà nội tôi. Hỏi tội gì? Xin thưa chẳng qua tội cờ bạc, lẽ đáng phạt tiền vì thuộc tiểu hình chớ không đến nỗi phạt tù. Ôi khắc khe thay chế độ bản xứ của chánh phủ đô hộ Pháp (régime de l indigénat).
Tôi nay còn nhớ khi bị kẹt ở khám, má tôi làm cơm bưng rổ đem đón nơi chỗ tù đập đá lót đường ở khu Đá Hàn gần Sở vọng thoàn: Ba tôi áo xanh quần cụt khỏi gối, ăn cơm chan nước mắt, tôi cũng khóc theo.
Năm bà mất, tôi vừa bốn tuổi ta mà ba tuổi Tây, được mặc đồ tang, được đầu bịt bích cân, mũ bạc dây rơm, được phò gậy vong ngồi trên giá triệu buổi cất đám, lại tỏ ra hãnh diện. May có cậu ruột tôi theo giữ chừng nưng đỡ không thì đã té gãy cổ rồi đời. Nay tiếc thương thì bà đã không còn.
Cội của ba tôi, Cô Hai Vương Thị Hiếm (1869-1897), hường dương 27 tuổi.
Sanh năm Kỷ Tỵ (1869), mất năm Đinh Dậu (1897), huý nhật: 5 tháng 11 ta.
Cô Hai tôi là người có công nhiều nhứt đối với gia đình. Một mình quán xuyến, tảo tần thức khuya dậy sớm, cực nhọc vất vả không kể thân. Gái đầu lòng nên sớm phải đảm đương việc nhà.
Nhà không đủ tiền ăn, phải biện ra một nghề: sáng sớm cô tôi gánh một gánh rất nặng, nào bún, bánh hỏi, rau sống, thịt quay, bò nướng, rồi chạy bộ vô xóm Xoài Cả Nả (nay là làng Đại Tâm), bán nơi đông đảo, trường gà, chỗ quay số (một lối đánh bạc với con quay sáu mặt), sòng tứ sắc, v.v... Khi nào mỏi mệt, gánh không nổi, thì quá giang xe kiếng tức loại xe hai ngựa kéo: có thùng gỗ ngồi được bốn người, khi mưa gió có cánh cửa lộng kính che đỡ mưa nắng. Nhưng cô Hai tôi nào dám xa xỉ đồng tiền kiếm ra, và phần nhiều là chạy bộ, đi bộ cho thật mau để kịp bán cho khách cờ bạc đa số là cầu kỳ nóng tính. Xoài Cả Nả, tên gọi làm vậy vì xóm nầy khi xưa có trồng rất nhiều xoài và ai ai đến đây khi trở về nhà đều mang theo cả giỏ, cả nả xoài. Tiếng Thổ gọi làng nầy là Xài chụm (Xoai chrum) phiên âm ra Việt ngữ đời Minh Mạng là làng Tài Sum, về sau hai làng kế cận Tài Sum và Trà Tâm (Xà Tim) sát nhập lại và lấy lên mới là Đại Tâm như ngày nay đã biết.
Nhờ cô Hai tôi năng vô bán trong số nầy, dò la và xem ý tứ kỹ, nên về nhà trầm trồ với bà nội tôi về nhan sắc và nết na của mẹ tôi và muốn cưới cho ba tôi làm vợ. Ban đầu nghe cưới vợ trong số Thổ, Ba tôi có ý chê và tỏ vẻ không bằng lòng, nhưng khi thấy mặt mới là vui chịu. Thương thay, trong nhà vẫn không tiền, mảng nấn ná mà khi dâng sính lễ thì Cô Hai tôi đã ra người thân cổ.
Nếu không có Cô Hai tôi về Xoài Cả Ná thì làm sao Ba và má tôi nên duyên chồng vợ và làm sao sanh ra tôi? Ơn ấy, làm sao đứa cháu bất hiếu nầy dám quên. Hồn cô có linh xin phù hộ chúng tôi, việc hương hoả phụng tự, chúng tôi vẫn thờ Cô y như thờ cha mẹ. Buổi sanh tiền ba tôi ít nhắc bà con, duy đối với Cô Hai, Ba tôi thường ngày vẫn kể gương tốt cho con cháu nhớ, và căn dặn phải tôn thờ đồng một bực.
Cải táng năm 1964. Ở Miền Nam, không ai muốn dời chỗ mồ mả ông bà, vì tin rằng ông bà nằm ở đâu thì cứ để yên nơi đó, dời đi dỡ lại, xây mả vôi mả đá, nếu may vô sự thì không nói gì, bằng chẳng may xảy ra việc xui xéo “động mồ động mả”, sợ cho con cháu làm ăn không khá, hoặc sẽ ốm đau bịnh tật, hao tài táng mạng thì quả là không nên. Trừ phi có lệ người Tàu họ rất trọng câu “phú quý bật hườn, hương như y cẩm dạ hành”, cho nên dầu nghèo giàu gì họ vẫn có tục lấy cốt đem về Tàu an táng lại. Ngày nay lục địa Trung-hoa cấm nhập khẩu nên họ không làm theo ý muốn được, chớ trước đây, đối với người nghèo vô phương cải táng, họ vẫn giao cho mỗi bang trưởng có phận sự lấy cốt những mộ chôn trên năm năm, gửi hát cốt về Trung Hoa, bên ấy có đại diện Quáng Đông, Triều Châu, hoặc Phước Kiến v.v..., lãnh mớ xương khô ấy đưa về làng chôn cất lại tử tế, như vậy đặng cho ở bên nầy, các nghĩa địa mỗi bang sẽ có đủ đất và rộng chỗ chôn người lớp mới.
Ở Sốc Trăng năm 1964, có lịnh những mộ chôn nơi đất thí của làng tại vùng Trường Đua ngựa năm xưa, đều phải lấy cốt dời đi để đất nới rộng phi trường. Vì là việc công, cần thiết và không trì hoãn được, nên năm mộ của ông bà chúng tôi phải dời đi. Chúng tôi chọn ngày kiết nhựt là ngày hai mươi tháng tám Giáp Thìn (25-9-1964) lo việc cải táng. Em tôi sắm sẵn năm cái quách nhỏ đóng bầng gỗ sao chắc chắn, trong quách lót một lớp sơn dầu màu đỏ cho thêm bền, và đưa đến nơi một ông thầy tụng kinh siêu độ và dẫn phu đến đào mộ lây cốt.
Mộ ông cố chôn năm 1882, mộ bà cố chôn năm 1875, quan tài bằng danh mộc gỗ hòm còn chịu đựng. Ông nội tôi táng năm 1895 quan tài bằng gỗ vên vên nên đã mục nát thành đất. Bà nội tôi chôn hòm cây dầu (táng năm 1905) và hòm Cô Hai cũng bằng dầu (năm 1897) đều không còn chi cả. Trong bốn mộ chỉ thấy toàn là đất đen, duy nơi mộ Cô Hai còn thấy được chút ít xương nhỏ cỡ ngón tay út. Như vậy có thể kết luận đất ở Sốc Trăng ẩm thấp ướt át thêm có phèn nên gỗ hòm mau hư nát không được bền lâu như đất vùng Gia Định, Biên Hoà vốn là đất chưa núi.
Ông nội, bà nội, Cô Hai đều chôn hòm tạp chưn ngang đủ thấy chúng tôi trước vẫn nghèo (Xem thêm Sài Gòn năm xưa trang 175-178, cuộc lấy cốt ở Hoà Hưng năm 1953).
Nguồn: http://vnthuquan.org/
Nghe đọc audio book
http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/01/hon-nua-oi-hu-vuong-hong-sen.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire