CHƯƠNG MỘT
Vụ án mạng có nhiều người đàn bà tới làm chứng. Đàn bà trẻ, già,
đẹp, xấu, mập bự, gầy ốm...Đủ loại, đủ hạng. Trong số những người đàn bà đẹp,
thanh lịch đến làm chứng Tôn Thất Ái Xuân là người đẹp nhất. Đôi chân của nàng
là bộ phận đẹp nhất trong thân thể gợi cảm của nàng. Ái Xuân thường bận y phuc
phụ nữ Tây phương - nôm na là mặc đầm - và đôi chân, bộ giò của nàng khi nàng
mặc váy đầm làm cho bọn đàn ông phải thất sắc. Phụ nữ Việt mà bận đồ đầm sang,
đẹp đến như Ái Xuân là nhất nhì Sàigòn đẹp lắm Sàigòn ơi...
Nhìn
ngắm Ái Xuân trong bộ đồ đầm người ta thường yên trí nàng là người từng sống
nhiều năm ở Pháp - khi nói đến Pháp, người ta nói đến Paris, tất nhiên - nhiều
người chẳng biết gì về đời tư của Ái Xuân cho rằng nàng là người sống từ nhỏ
trên đất Pháp. Nhưng thực ra Ái Xuân mới chỉ được sống có sáu tháng ở Pháp. Đó
là thời gian nàng đi theo cô em gái tỉ phú của nàng. Chuyến đi tháp tùng có
nhiều buồn hơn vui. Song giá trị con người của Ái Xuân không phải là những bộ y
phục đẹp nàng khoác lên thân thể tuyệt diệu của nàng,
Chỉ cần nhìn
thoáng qua Ái Xuân người ta - ngay cả những người năng khiếu nhận xét yếu nhất,
cũng biết nàng không phải là người đàn bà tầm thường. Nàng có dáng vẻ, thái độ
của một thiếu phụ thật giầu tiền, sang trọng, lịch sự, học thức. Nàng là bông
hoa tô điểm cho cuộc đời, là người thiếu phụ đa tình, quyến rũ và chỉ cần nhìn
đôi mắt long lanh như nước hồ thu của nàng người ta cũng biết nàng là người đàn
bà đã qua nhiều cuộc tình trong đời.
Ái Xuân biết nàng đẹp, biết
nàng được đàn ông thèm muốn, khao khát, ao ước, mơ màng được gần, được yêu nàng.
Nhưng nàng không vì cái biết đó mà kiêu căng, hợm hĩnh, và do hợm hĩnh mà trở
thành đáng ghét như đa số những cô gái trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm sống. Phụ nữ
đẹp mà kiêu căng, nét mặt lúc nào cũng khinh khỉnh như muốn nói vào mặt mọi
người : "..Không đáng được lọt vào mắt xanh của tui. Còn lâu mới được tui để
ý..Đi chỗ khác chơi.." là một điều dại dột, một sai lầm đáng tiếc. Ái Xuân không
phạm vào sai lầm đó.
Với nhà chức trách, tức là với các nhân viên Ty
Cảnh sát điều tra về vụ án mạng, Ái Xuân khai nàng tên là Tôn thất Ái Xuân, nàng
đến Đàlạt không phải là để nghỉ mát. Đàlạt là thành phố nàng thường sống. Mỗi
năm nàng sống sáu tháng ở Sàigòn, sáu tháng ở Đàlạt. Tuy vậy lần này nàng về
Đàlạt vì một việc đặc biệt : đó là việc đợi Tòa Án làm nốt những thủ tục cuối
cùng cho nàng ly dị với bác sĩ Vincent Trần văn Đẩu, chồng nàng.
Bác
sĩ Vincent Trần văn Đẩu thường được các ông bạn, thân cũng như sơ, gọi là Vanh
Xăng Đẩu hay Đẩu Vanh Xăng - Vingt Cents Đẩu, Đẩu Vingt Cents - tức Đẩu Hai Cắc,
Đẩu Hai Mươi Xu - Tên gọi đùa rỡn nhưng gây đau đớn, bợ bội cho đương sự và
cho những người thân của đương sự, tuy là tên gọi đùa nhưng lại có khá nhiều sự
thực. Giá trị con người của Đốc-tơ Đẩu không đến nỗi chỉ là hai mươi xu, tức hai
cắc; nó đắt hơn thế nhưng không đắt hơn bao nhiêu. Vincent Đẩu cũng bực bội vì
cái tên Đẩu Vanh Xăng nhưng đương sự cũng không bất mãn bằøng Ái Liên, người vợ
đẹp, sang của Y.
Tôn Thất Ái Xuân khai về vụ án mạng : nàng về Đàlạt
đợi tòa tuyên án ly dị, trong thời gian chờ đợi nàng gần như ở ẩn để tránh phải
gập mặt ông chồng. Vincent Đẩu là đàn ông nhưng lại có tính nết của đàn bà, con
gái. Đẩu yếu đuối về tình cảm, không quyết đoán, thiếu tự ái và tự trọng, nhất
là trong việc đối xử với người vợ trẻ, đẹp, sang, học thức, đa tình. Vincent Đẩu
không bao giờ cho là mình bị vợ chán ghét. Cho đến giờ này khi tòa sắp cho hai
người ly dị, Đẩu vẫn tin Ái Xuân chỉ vì giận Y ham chơi hơn làm việc, Y có số
đào hoa được nhiều đàn bà yêu mê và vì Y chăm chỉ, sốt sắng đáp ứng những cuộc
tình ngoại gia đạo ấy nên vợ Y mới nạp đơn xin ly dị. Vincent Đẩu vẫn khơi khơi
tin rằng việc Ái Xuân đòi ly dị chỉ là hành động cảnh cáo, nếu được gần nàng Y
sẽ thuyết phục được nàng bỏ ý định ly dị. Vợ chồng sống ly thân đã ba năm nhưng
Vincent Đẩu vẫn tự coi Y là người có vợ. Mỗi lần có dịp Đẩu vẫn nói nhiều, thật
nhiều, để thuyết phục Ái Xuân trở lại mái ấm gia đình. tức là trở lại sống đời
vợ chồng với Y. Đọc những sách báo ngoại quốc giảng về tâm lý phụ nữ Đẩu thấy
người Phú Lang Sa dậy nhau rằng đàn bà nhiều khi xúc động, tha thứ, quên đi tội
lỗi hoặc quên hờn giận khi họ thấy đàn ông khóc, và đàn ông khi nào cần khóc cứ
khóc; nước mắt nhiều khi làm được nhiều việc lời nói không làm được. Nên mỗi
lần, đây là những lần Đẩu gập vợ, Đẩu khóc nức nở, khóc nỉ non, khóc nghẹn ngào,
khóc sụt sùi, khóc thút thít, khóc hu hu, khóc như mưa như gió; nước mắt Đẩu
tuôn ra thật nhiều; trong đó có cả nước mũi.
Khác với lời đoan quyết
của những tay tổ sư tâm lý Phú Lang Sa, Ái Xuân không xúc động mảy may trước số
nước mắt, nước mũi hơi nhiều của người đàn ông mà càng ngày nàng càng thấy không
xứng đáng làm chồng nàng. Đúng ra phải nói là người đàn ông nàng không yêu,
không thương. Phải chứng kiến và chịu đựng những màn khóc thảm của Vincent Đẩu
nàng chỉ thấy bực bội, thấy lố bịch và thấy hối hận vì đã để cho Đẩu gập nàng.
Để tránh gập Đẩu lần này về Đàlạt chờ án ly dị nàng không ngụ ở khách sạn lớn -
nếu nàng ngụ ở khách sạn, Vincent Đẩu cũng về ngụ ở khách sạn ấy, và nửa đêm, gà
gáy..lúc nào Y cũng có thể mò đến gõ cửa phòng nàng, lúc nào Y cũng có thể quấy
rầy nàng bằng điện thoại. Làm sao nàng chịu nổi. Vì vậy lần này nàng đến ở nhà
bà Tá.
Bà Tá không phải là bà vợ góa của một ông Thiếu tá, Trung tá
hay Đại tá nào - một ông sĩ quan cấp Tá đã hy sinh vì nước hoặc đã giã từ võ khí
và binh nghiệp để về nơi yên nghỉ ngàn đời - bà Tá trước đây hai mươi mấy mùa lá
đổ làm vợ một ông tên là Tá nên bà được người đời gọi là bà Tá. Vì người đời có
thói quen gọi ngắn gọn cho được việc : Ông Tướng, bà Tướng, ông Tá, bà Tá, ông
Tỉnh, bà Tỉnh, ông Quận, bà Quận, bà Tá được người đời cho là ông chồng bà thời
sinh tiền là Thiếu tá, Trung tá chi đó trong quân đội. Bà Tá không cải chính sự
sai lầm này. Nhiều lần Tình, cô con gái duy nhất của bà Tá, nghe bà mẹ nói đến
ông bố bằng giọng nói và vẻ mặt trang trọng : " Ông Tá nhà tôi mà còn sống thì
năm nay..,không có cổ cánh gì, không công lao trận mạc gì..ít nhất ổng cũng là
Đại tá.." Nhiều lần khác Tình nghe mẹ nàng đoan quyết là nếu còn sống năm nay
ông Tá phải là Trung tướng và chắc chắn là đời sống của bà không đến nỗi phải
khổ sở như thế này. Hơn ai hết Tình biết ông thân sinh của nàng tên cúng cơm là
Tá, không ở trong quân ngũ ngày nào. Còn về nghề nghiệp của ông thì nàng không
biết chắc. Dường như ông Tá làm khá nhiều nghề : thợ may Tây, buôn hàng chuyến
Hà nội- Sàigòn, thư ký đồn điền cao su, có người còn nói có thời ông làm thợ hớt
tóc.
Trong thời gian mấy năm gần đây, kể từ ngày bà Tá nghiện rượu
nặng - bà uốâng rượu lâu rồi nhưng bà chỉ nghiện nặng khoảng mấy năm gần đây -
trên cõi đời này chỉ còn một mình Tình biết ông thân của nàng tên là Tá. Đây là
trường hợp " lộng giả thành chân " rất thường thấy xẩy ra với những người nghiện
rượu và thần kinh bất ổn, bà Tá thoạt đầu nói ông chồng bà là Thiếu tá để đùa
chơi, và để rồi sau đó bà yên trí ông chồng bà là sĩ quan thật.
Trở
lại với Tôn Thất Ái Xuân và lý do nàng đến ở nhà bà Tá. Nhà này không phải là
khách sạn theo đúng nghĩa khách sạn nhưng vẫn tiếp khách trọ như khách sạn. Nói
đúng ra nhà này là một tiểu khách sạn hành nghề theo lối thủ công nghiệp, gia
đình, khách toàn là người quen hoặc do khách cũ giới thiệu khách mới. Đúng hơn
đó là một nhà trọ, lương thiện, chỉ tiếp được ít người vì không có nhiều phòng.
Và đặc biệt là không nhận khách mướn giờ, không nhận những cặp nam nữ đến mướn
phòng một đêm, nói là để ngủ nhưng thực sự là để làm với nhau những việc cần
dùng đến cái giường, cần nằm nhưng không phải để ngủ.
Nhà bà Tá là
một vi-la có lầu, có vuờn hoa, cây cảnh, có lối sỏi đi trong vườn khá rộng. Ba
căn phòng trên lầu được chuyển hóa thành ba phòng trọ có tạm đủ tiện nghi, tức
là phòng nào cũng có đèn điện, nước máy, cầu tiêu, nhà tắm riêng. Đặc biệt Đàlạt
quanh năm mát mẻ nên không cần có quạt máy hay máy lạnh. Khách trọ không cần
phải cầm khăn mặt, bàn chải đánh răng có thuốc đánh răng bơm sẵn, hộp sà-bông,
đứng chờ nhau trước cửa phòng toa-lét chung và chửi thầm nhau mỗi buổi sáng.
Cô Lê thị Xuân Tình, cô con gái của bà quả phụ Lê văn Tá, nhũ danh
Đào thị Hường, cũng là một người chứng quan trọng trong cuộc điều tra vụ án mạng
này.
Câu chuyện khởi đầu vào một buổi chiều ngày Thứ Năm trong tuần
- Ái Xuân nhớ rõ chiều đó là chiều ngày thứ năm vì hai ngày sau là sáng ngày Thứ
Bẩy, và sáng ngày Thứ Bẩy là ngày nàng cùng luật sư ra tòa để nghe tuyên án - và
buổi tối ngày Thứ Năm đó là ngày Ái Xuân rời nhà bà Tá để vể ngụ ở khách sạn.
Lý do Ái Xuân rời nhà bà Tá, tức là nàng không còn phải tránh mặt
Vincent Trần văn Đẩu, chồng nàng, người chồng khóc mếu, bệu nhệch của nàng, sẽ
được nói đến trong những hồi sau.
Ái Xuân rời nhà bà Tá lúc 5 giờ
chiều, nàng đến mướn phòng trong khách sạn Palace. Lúc 11 giờ đêm ấy nàng trở
lại nhà bà Tá.
11 giờ đêm Ái Xuân trở lại nhà bà Tá để làm gì ?
Nàng trở lại đó để lấy cái sắc tay, cái sắc dẹp như quyển sách, nàng
bỏ quên trong ngăn kéo bàn ngủ trong căn phòng nàng ngụ trên lầu nhà bà Tá.
°
Chiều ngày Thứ Năm ấy Ái Xuân ra khỏi nhà bà
Tá lúc 5 giờ. Vào lúc 4 giờ hai cái va-ly và hộp đựng đồ trang điểm - hộp đồ
trang điểm vuông vức của phụ nữ Tây phương trông giống như cái hòm đựng đồ nghề
của những anh thợ cạo rong ở những tỉnh nhỏ Bắc kỳ ngày xưa. Ngày xưa đây là
những năm trước 1945 - đã sẵn sàng chờ theo nữ chủ nhân của chúng ra khỏi nhà.
Ái Xuân, sau khi xếp đồ vào va-ly, nằm nghỉ vài phút trên giường.
Đó
là lúc bà Tá trở dậy sau giấc ngủ trưa đầy mộng mị làm đầu óc bà nặng như đá.
Trưa nào bà cũng uống rượu và trưa nào bà cũng ngủ. Uống say, bà ta cần ngủ và
ngủ dậy bà cần uống cho say. Những ngày sống của người đàn bà nhiều tật xấu này
cứ trôi đều như thế: rượu rồi ngủ, ngủ rồi rượu. Bà ta ăn ít và gần như không
cần ăn cũng sống.
Bà Tá cần rượu nhất, nhì đến bạn. Bạn để được nói
chuyện tục, để chửi thề không khác gì bọn đàn ông lỗ mãng. Bạn của bà là một
người đàn bà cũng đặc dị không kém. Bà Tá vẫn gọi bà này là " Người đẹp ", đôi
khi là " Người đẹp nhất cõi đời này.."
" Người đẹp " bạn thân của bà
Tá là một bà Me Tây. Mạc Ta là tên nàng. Bà Tá năm mươi, Mạc Ta mới khoảng ba
muơi sáu, ba mươi bẩy tuổi. Bước vào chốn giang hồ từ những năm mười sáu, mười
bẩy tuổi nên tuy chưa nhiều tuổi Mạc Ta là người biết khá nhiều về tình dục và
đàn ông. Mạc Ta mới thật là bà Tá ; ông chồng Tây của nàng nguyên là một vị
Cô-lô-nền trong quân đội Viễn Chinh Pháp Hải ngoại, tên tắt của lực lượng này là
I.F.O.M = Infanterie Francaise d'Outre Mer. Ông Cô-lô-nền đã rời Đông Dương để
trở về mẫu quốc năm 1954. Bà Me Tây Mạc Ta Hoa lưu luyến quê hương, tổ quốc,
nhất định không đi theo ông chồng. Có lẽ vì buồn nhớ đất Đông Dương, vì phải xa
người vợ Việt, tức là xa Mạc Ta, vì thiếu thuốc phiện, về Pháp được hơn một năm
ông Cô-lô-nền lăn cổ ra chết. Trong di chúc của người quân nhân già Phú Lang Sa
giầu tình cảm và đèo bòng vợ nọ, con kia có khoản cho Mạc Ta thừa hưởng một số
tài sản. Tuy phần gia sản này chẳng có gì lớn lắm song việc chia chác cũng gây
phiền nhiễu cho những người con của ông Cô-lô-nền - Ông góa vợ từ trước khi sang
Đông Dương - Đám con ông nhờ luật sư dàn xếp với Mạc Ta. Mạc Ta bằng lòng ngay
khi luật sư đại diện thân chủ đề nghị nàng được quyền thừa hưởng hai căn nhà của
ông Cô lô nền, một nhà ở Sàigòn, một nhà ở Đàlạt vàø đưa ngay cho nàng một khoản
tiền mặt.
Bà Tá thường nói:
- Mấy cha Ba Tầu nói :.."
Phiện nhị, tửu tam, trà độc ẩm.." Đúng không chê vào đâu được. Hút thuốc phiện
phải có hai người, và chỉ hai người thôi, ba người là thừa một. Uống rượu phải
có ba người mới vui. Còn anh uống trà, trà Tầu, trà Ta, trà Tây, cà phe gì cũng
vậy, là cu li nhất, uống một mình cũng được. Nhưng uống rượu phải có ba người.
Mạc Ta ơi..Moa với toa uống rượu với nhau đây là ba người. toa có biết tại sao
chỉ có đằng ấy mí tớ thôi mà tớ lại nói là ba người không ? Hề..Hề..Vì một mình
toa bằng hai người khác. Một mình Sê Ri bằng hai thằng đàn ông. Hơn ấy. Một mình
Sê Ri bằng năm thằng đàn ông. Nhưng mìnnh cứ cho là bằng hai đi. Sê Ri đấu hót
bằng hai thằng đực. Ngồi với Sê Ri tuy chỉ có một mà vẫn là hai người...
Đến lúc này chúng ta đã có thừa lịch sự để gọi nữ nhân vật quả phụ
Lê văn Tá, nhũ danh Đào thị Hường, bằng cái tên hợp nhất với đương sự là Mụ. Mụ
Tá và Mạc Ta khi nói chuyện với nhau dùng rất nhiều tiếng lóng của dân du đãng,
dân bụi đời. Hai người ăn nói ngổ ngáo, thô tục không khác gì bọn bợm nhậu đàn
ông.
Và trong lúc Mụ Tá vừa ngủ trưa trở dậy, ngồi uống cà phê, hút
thuốc lá, ngáp, chờ Sê Ri Mạc Ta sang nhà, thì Tình - người thiếu nữ được mẹ đăt
cho cái tên gợi cảm là Xuân Tình nhưng cuộc đời cho đến lúc này lại nhẵn thín
chẳng có qua một xu teng tình ái nào cả, đang có chuyện khổ tâm: nhà trọ chỉ có
mỗi một bà khách mà bà này lại bất mãn bỏ đi ở nơi khác. Tình mới thực là chủ
nhân nhà trọ không tên này. Nàng lo buồn vì nàng phải làm sao kiếm ra đủ tiền
cho hai mẹ con nàng sống - nặng nhất là khoản tiền rượu của bà mẹ nàng - mà nhà
thì càng ngày càng ít khách đến ở. Cứ tình trạng này kéo dài thì đến tiền ăn của
hai mẹ con nàng cũng không lo nổi, đừng nói đến những khoản tiền chi cho Cognac
với Martell.
Mạc Ta sống trong căn nhà cũng làm theo kiểu vi-la ngay
đàng sau nhà của Mụ Tá. Cái gọi là vi-la của Mạc Ta, theo đúng kiểu vi-la
cô-lô-nhần, có bốn phòng : phòng khách, phòng ăn, hai phòng ngủ. Đi qua sân tới
nhà bếp. Vì ít khi nấu ăn, nhà bếp của Mạc Ta gần như bỏ hoang, chuột tự do làm
ổ. Mạc Ta sưả một căn phòng nhỏ ngay trên nhà làm gian bếp. Án mạng xẩy ra trong
căn phòng nhỏ đươc dùng làm bếp đó.
Mạc Ta sống một mình với một cặp
chó Nhật. Hai con chó thật hỗn và mất dậy. Một chị người làm hai ngày mới tới
dọn dẹp, quét nhà, nấu ăn, giặt rũ một lần. Mạc Ta trả công người làm khá cao
nhưng không chị người làm nào hầu được nàng lâu. Nguyên nhân là Mạc Ta sống quá
bê bối và những người đàn bà nghèo nhưng lương thiện đến làm cho MaÏc Ta đều
không muốn bị mang tiếng. Mạc Ta sống một mình nhưng nhà nàng lại có nhiều đàn
ông ra vào.
Mạc Ta đa dâm chứ không phải đa tình. Gần bốn mươi tuổi
và từ năm mười lăm tuổi đến giờ nàng đã gần không biết bao nhiêu người đàn ông,
sự đòi hỏi dục tình của thân xác nàng vẫn không suy giảm. Mụ Tá chỉ cần rượu và
chỉ có rượu thôi, Mạc Ta cần rượu và cần cả đàn ông khỏe mạnh.
°
Tầng dưới của vi-la cũng có bốn phòng như trên lầu. Mụ Tá chiếm
một phòng, Tình một phòng. Phòng ngoài là phòng khách và phòng ăn. Bàn ăn để đó
nhưng hai mẹ con ít khi ngồi ăn chung với nhau.
Tình đi đi, lại lại
ở dưới chân cầu thang. Nàng muốn đi lên lầu thuyết phục bà khách trọ lịch sự ở
lại nhưng nàng ngần ngại vì chuyện phải hạ mình năn nỉ. Hai nữa nàng thấy bà
khách tuy sang nhưng vẫn có cái vẻ gì đó làm cho nàng không có cảm tình. Tuy
không biết gì về đời tư của Tôn thất Ái Xuân, Tình cảm thấy cái đời tư ấy chẳng
có gì là cao đẹp. Nhưng khách trọ là khách trọ, Tình chỉ không ưa những bà khách
đem đàn ông về nhà, những ông khách gần nửa đêm mới đến hoặc quá nửa đêm mới về.
Tình thấy bà khách tên là Ái Xuân sống kín đáo và lặng lẽ. Từ ngày tới đây Tình
không thấy bà ta có khách đàn ông. Tình, với tư cách chủ nhà trọ, không có quyền
lãnh đạm với bà khách tốt như bà khách Ái Xuân.
Sau một hồi do dự
Tình lên lầu, nhưng tới trước cửa phòng Ái Xuân nàng lại ngần ngại không muốn gõ
cửa.
Đúng lúc ấy cửa phòng mở, bà khách sang hiện ra.
Ái
Xuân là người đàn bà đẹp.
Người đàn bà đẹp không chỉ đẹp trong một
lúc nhất định nào đó, người đàn bà đẹp là lúc nào cũng đẹp, càng nhìn càng thấy
đẹp. Ái Xuân thuộc loại đàn bà siêu đẹp đó. Nhìn nàng lúc nào người ta cũng thấy
nàng đẹp nhất. Thời gian đối với Ái Xuân chỉ có hiện tại. Người ta không thể
nhìn nàng mà đoán biết được nàng bao nhiêu tuổi. Người tinh tế lắm cũng chỉ có
thể đoán nàng trạc ba mươi.
Ái Xuân không cố ý dấu tuổi tác của
nàng. Nhưng từ lâu rồi nàng đã thấy trên cõi đời này chỉ có những em nữ sinh,
tức những em thiếu nữ, những bà già không còn hy vọng gì ở tình yêu, và những
chị đàn bà ngu ngốc, đần độn là hay nói thật, hay để đàn ông biết số tuổi thật
của mình.
Nàng có khuôn mặt trái soan, đôi mắt mầu nâu hạt giẻ, mũi
nàng hơi cao như mũi đầm lai mà nàng lại không phải là đầm lai. Da nàng trắng,
má và môi nàng hồng mà không cần đến mỹ phẩm. Khuôn mặt nàng, toàn thân nàng có
cái vẻ sang thiên phú, cái vẻ đẹp trời cho này không một mệnh phụ phu nhân hay
bà vợ một nhà tỉ phú nào có thể nhờ tay người giúp, nhờ học tập, nhờ bắt chước
mà có.
Nhưng vẻ đẹp nhất của Ái Xuân, cái quí nhất của nàng là cái
vẻ bàng bạc như có hào quang tỏa sáng, như da thịt nàng có rắc một làn phấn mịn
làm bằng chất bạch kim. Đó là chưa kể nàng còn đẹp thêm, còn quyến rũ nhiều hơn
nhờ những bộ y phục thật sang, thật hợp với nàng, những bộ y phục mà chỉ có
khiếu thẩm mỹ tuyệt vời của nàng mới có thể giúp cho nàng có.
Ngay
lúc này, khi Xuân Tình gập nàng ở cửa phòng, Ái Xuân bận chiếc kimono lụa hồng.
Nàng bận kimono đẹp hơn cả đào xi-nê Nhật Bổn chính cống.
- Cô Tình.
Tôi đang cần gập cô..Mời cô vào...
Nghe Xuân Tình nói lí nhí về
chuyện đi, ở, Ái Xuân nói:
- Lỗi tại cô. Cô còn nói chi nữa...
Vừa nói ra câu đó Ái Xuân cảm thấy hối ngay.
Nàng đã
từng chỉ huy bọn gia nhân, đầy tớ trong nhà, nàng đã từng đối phó với những ông
giám đốc ngân hàng, những ông quản đốc công xưởng, những ông chủ sở cũng như với
những anh bồi khách sạn lưu manh, những anh quản lý nhà hàng - thường được gọi
bằng cái tên Mét Đ'ôten - và kinh nghiệm cho nàng biết người đàn bà thông minh
không nên bao giờ nói ra những lời trách cứ người khác. Nàng không hề đọc sách
Minh Tâm Bảo Giám nên nàng không biết rằng các ông quân Tử Tầu ngày xưa có lời
dậy người đời là chỉ nên biết những cái tốt của người và quên đi những cái xấu,
cái lỗi của người; lời dậy ấy, truyền qua cả mấy ngàn năm đến nay vẫn còn được
ghi trong sách vở - Ái Xuân tự nhiên biết nàng nên làm như thế.
Xuân
Tình hai mươi bốn tuổi - con gái thời nay hai mươi bốn tuổi bắt đầu bị coi là lỡ
thời, ế chồng - Nàng có mái tóc dầy, mượt như nhung, tấm thân tượng thần Vệ nữ.
Nàng đẹp nhưng Tình không biết là mình đẹp, nàng che dấu tấm thân tượng đá nữ
thần trong những bộ y phục bà già - không những chỉ bà già suông mà còn là bà
già giết giặc - nàng không biết trang điểm. Bộ ngực nở, đúng ra đôi vú căng,
săn, của Xuân Tình chan chứa tình xuân - có thể ví với ngực hai cô đào Sophia
Loren, Gina Lollobrigida thời hai cô đào điện ảnh này đang cực thịnh phong độ -
nhưng những chiếc áo dài nàng bận đều không có eo, tức là không có " co " - áo
dài của nàng từ trên xuống dưới, từ trước tới sau, cứ đuồn đuỗn và cứ thẳng tuồn
tuột. Trong nhà Tình bận những chiếc áo cánh, áo bà ba, áo sơ mi, áo len quá
rộng. Bộ ngực của nàng không bao giờ có dịp biểu diễn sự nổi bật của nó.
Tình đứng bên cạnh bàn, nàng di động ngón tay có cái móng tay trắng,
rất sạch, trên tấm khăn trải bàn trắng tinh.
Ái Xuân không nghe rõ
tiếng nói cấm cẳn và lí nhí của Tình :
- Má tôi...tôi nưã..rất buồn
khi thấy bà đi...
Ái Xuân mỉm cười với hình nàng trong tấm kiến,
nàng cầm chiếc bàn chải lên chải nhẹ mái tóc.
Như chưa hết hy vọng
giữ được bà khách ở lại, Tình nói tiếp:
- Thưa...nếu bà có điều gì
không được vừa ý..
Câu nói đứa quãng của Tình cho Ái Xuân biết Tình
muốn nói :" Nếu có điều gì không được vừa ý xin bà cho biết. Chúng tôi sửa
đổi..Bà sẽ hài lòng nếu bà ở lại.." Nàng cắt đứt niềm hy vọng mong manh của Tình
bằng câu:
- Có gì không vừa ý đâu cô.
Nói là không có gì
nhưng ngay sau đó Ái Xuân nói một câu dài về nguyên nhân làm nàng không thể ở
lại nhà Xuân Tình :
- Cô Tình à..Khi tới đây tôi có nói với cô lđây
không phải là lần thứ nhất tôi đến Đàlạt; tôi có nhiều chỗ ở rất tốt trong thành
phố này. Tôi cũng nói là tôi tới ở đây vì một lý do riêng, trừ em gái tôi, tôi
không muốn ai biết tôi ở đây. Nhưng hôm qua có người gọi điện thoại đến hỏi có
tôi ở đây không - chẳng cần phải dấu cô, tôi chắc cô đã biết người hỏi là ai rồi
- bà mẹ cô trả lời có tôi ở đây, dù tôi đã dặn là đừng nói.
Ái Xuân
đứng dậy, nàng mỉm cười và giọng nàng diu dàng hơn:
- Tôi cũng rất
buồn vì không có dịp ở lại đây lâu hơn...
Và nàng đổi giọng:
- Cô cho tôi thanh toán tiền.
Ái Xuân quay mặt nhìn vào
tấm kiến, Xuân Tình không còn biết nói gì ngoài câu:
- Thưa bà vâng.
- Tôi đi ngay chiều nay.
- Vâng.
Lúc này là
4 giờ 30 chiều. Giờ Đàlạt sương mù.
°
Ái Xuân bỏ
quên chiếc sắc tay bằng kim khí dẹp như quyển sách của nàng trong ngăn kéo bàn
ngủ.
Khi đi xuống thang lầu Ái Xuân nghe tiếng giầy cao gót lách
cách bên dưới. Không cần nhìn mặt nàng biết người đàn bà đi đôi giày cao gót này
là ai.
Ngay hôm mới tới Ái Xuân đã gập người đàn bà này. Và vừa thấy
mặt chị ta nàng đã ghét cay, ghét đắng. Mạc Ta Hoa, như đã nói, là người đàn bà
dâm đãng ra mặt. Mạc Ta Hoa còn thuộc loại đàn bà không chịu già.
Năm năm trước, khi trên giải đất thường được gọi văn huê là " giải
đất hình chữ S " - một tên khác là Indochine, tức Đông Dương, một tên khác nữa
là Indochine Francaise, tức Đông Pháp - còn có sự hiện diện khá đông của những
ông sĩ quan quân đội Phú Lang Sa, những ông Cập-pi-ten, Com-măng-đăng, Cô-lô-nền
đội mũ képi, mang lon vạch trắng, vạch vàng trên cầu vai áo; trong số có nhiều
ông thích hút thuốc phiện, đánh bạc ở những sòng Kim Chung, Đại Thế Giới và lấy
vợ người bản xứ, Mạc Ta Hoa là một bà me Tây.
Bẩy tám năm trước Mạc
Ta Hoa còn là Me Tây, nhưng thực ra nàng đã là Me Tây từ lâu lắm. Ông chồng
người Pháp đầu tiên của nàng là một ông Át-dzuy-đằng - tiếng Việt là Thượng sĩ,
tên nôm là Quản - nàng lấy ông Quản Tây năm nàng mười bẩy tuổi. Nàng biết đàn
ông, tức nàng mất trinh, năm nàng mười lăm. Nếu nàng có mặt ở Hà nội ba mươi sáu
phố phường khi ông Vũ Trọng Phụng còn sống chắc hình ảnh nàng đã được ông nhà
văn làm cho bất tử trong tác phẩm Kỹ Nghệ Lấy Tây.
Khi chuyện này
xẩy ra Mạc Ta Hoa trạc từ ba mươi nhăm đến bốn mươi tuổi. Nàng có dáng người hơi
cao, loại đàn bà mình dây và trường túc. Mạc Ta vẫn tự giới thiệu và tự khoe
người mình dây, trường túc như nàng là người làm tình không biết mệt; riêng
nàng, nàng chưa bao giờ gập đối thủ làm nàng phải đầu hàng. Đặc biệt nàng hay
nói câu :" Lẳng lơ cũng chẳng có mòn..."
Mạc Ta đi vào phòng bà Tá.
Cặp chó Nhật lon xon đi quanh chân nàng. Cặp chó này xứng đáng là cặp chó hỗn
nhất thế giới. Tên tuổi, hình ảnh chúng lẽ ra phải được có trong Sách Kỷ Lục
Guinness.
Một con cẩu trong hai con cẩu hỗn này chạy quẩn quanh chân
Ái Xuân. Như mừng rỡ nó chồm lên cắn yêu vào gấu váy đầm của nàng. Kết quả là
mũi giày trắng của người thiếu phụ bi vấy bẩn vì vết chân con chó vừa chạy qua
vườn cây ướt nước mưa đêm qua. Xuân Tình chạy tới đuổi chó:
- Thưa
bà..có sao không ạ ?
- Bẩn chút, cô Tình à. Nhưng không sao...
Tuy nói vậy nhưng trong lòng Ái Xuân rủa thầm cho con chó hỗn bị xe
ô tô cán cho lòi phèo.
- Bà có còn bỏ quên gì không ạ ?
- Cám ơn cô. Chắc không có gì. Chào cô nhé..
Ái Xuân vào
xe. Lúc đó là năm giờ chiều, nàng chưa biết là nàng có bỏ quên một vật trong nhà
này.
Bà khách quý, đã quý lại còn là bà khách duy nhất trong lúc
này, đi mất, Xuân Tình buồn rầu quay vào nhà. Nàng nghe tiếng cười the thé của
Mạc Ta hợp ca, đồng ca, hòa ca với giọng cười khê nồng, khê nặc của mẹ nàng từ
nhà trong vang ra.
Sự hòa tấu của hai giọng cười ghê rợn đó làm cho
Xuân Tình phải nhăn mặt như nàng Tây Thi, thôn Trữ La, nhăn mặt khi đau bụng.
°
Khi ở bên nhau bà Tá và Mạc Ta gợi cho người ta nhớ
đến hai anh hề Laurel và Hardy của điện ảnh Hollywood. Hai anh Mập, Ốm. Bà Tá là
anh Mập Hardy, Mạc Ta là anh Ốm Laurel.
Càng có tuổi, càng nằm nhiều
và uống rượu nhiều bà Tá lại càng mập phì. Mặt vuông, mũi huyếch, miệng rộng,
môi dày, mắt ốc, lông mày rậm, nước da tai tái, mai mái, giọng nói ồ ề, uôm uôm
như giọng đàn ông. Đó là những nét đặc biệt trên diện mạo của bà Tá.
Những lúc say rượu, mặt cúi xuống, đôi bờ vai đô vật nhô lên, đầu đu
đưa qua lại, cổ họng thốt ra những tiếng khặc khừ, bà Tá như con trâu lên cơn
điên:
- Mạc Ta..Em...Cưng...Lại đây ví qua...lại đây mà...
Nếu có người lạ đi qua vườn, nghe được câu trên chắc chắn phải yên
trí là trong phòng đang có gã đàn ông thô tục và ả đàn bà dâm đãng.
- Đem lại đây cho qua..Đi..Coi nào..Le lên..Qua biểu hổng nghe qua
uýnh à..
Mạc Ta Hoa ngồi vắt vẻo trên tay vịn của chiếc ghế bành kê
bên cửa sổ, tay cầm chai rượu của bà Tá. Bà này kêu gọi nàng đem chai rượu trở
lại.
- Qua biểu hổng nghe qua đè xuống qua uýnh ạ...
-
Làm chi dũ dzậy?- Mạc Ta dẩu môi kiểu ngây thơ cụ - Có rượu một mình ôm lấy uống
hết à. Cho người ta uống mí chứ..
-..Ừa..Cho chứ. Đem lại đây...Qua
ví em cùng uống...
Vừa mập vừa lùn bà Tá có đôi chân yếu sịu, đi
đứng khó khăn. Bà ta vốn lười đi, lười cả ngồi, trừ khi bị bắt buộc phải ngồi để
uống rượu, để ăn, hay để đánh bài. Viêc đứng lên đi vài bước đến chỗ Mạc Ta là
việc làm bà Tá không hề nghĩ tới, bà đành ngồi đó dùng miệng lưỡi chiêu hồi Mạc
Ta.
- Đổ hết mẹ nó đi cho dzồi..
Mạc Ta làm bộ đổ rượu
trong chai ra vuờn.
Bà Tá đập tay xuống bàn.
Rầm..! Mấy
cái ly trên bàn thi nhau nhẩy đầm và toan rủ nhau lăn xuống sàn.
Mạc
Ta vội đưa trả chai rượu. Nàng đặt lại mấy cái ly, giọng trách yêu:
- Làm gì dzữ dzậy ?? Cậu thô tục quá. Nhiều lúc mình cứ ngỡ cậu là
đàn ông.
Cả hai người đền trên dưới bốn mươi tuổi, họ vẫn xưng hô
với nhau cậu, cậu, tớ, tớ, mình, mình... loạn xị.
- Qua mà là đàn
ông hả ?? Qua mà là đàn ông thì cưng chết ví qua lâu dzồi...
Đôi bạn
đi vào cuộc đấu hót chớt nhả đầy những hiểu ngầm:
- Cậu là đàn ông
thì cậu làm gì mình ??
- Làm gì hả ? Muốn biết làm gì lại đây qua
làm cho biết liền một khi..
Xuân Tình định vào phòng nhưng nghe
tiếng hai người nhả nhớt với nhau nàng dừng lại ở cửa phòng:
-
Má...Má lại say rồi hả ?
Tình thảng thốt hỏi, bà Tá trả lời tỉnh
queo:
- Say thì chưa say... Tui mới sương sương..thui.
-
Mới giờ này mà má đã..
- Đã làm sao ? Bộ cô muốn giờ này tui tập
sì-po hay ra hồ câu cá ??
- Má làm ồân ào quá đi..
Mạc
Ta nhí nhảnh :
- Xin lỗi nghe cưng...
- Dì Mạc Ta...Hai
con chó của Dì phá quá. Tôi đã nhiều lần xin..Dì sang chơi Dì đừng cho hai con
chó của Dì sang theo..
- Bạc-đồng...Bạc-đồng Sê ri..Ếch-kiu-zơ..Moa
có muốn cho chúng nó đi theo đâu, nhưng chúng nó cứ đi theo, moa làm sao được.
Mình có tự do của mình, chó nó cũng có tự do của nó chứ..
Nhún vai
như đầm, Mạc Ta nói với bà Tá:
- Như là bọn đàn ông chúng mê mình,
chúng theo mình, chúng hầu hạ mình..Chúng nó tự nguyện.. Mình đâu có quyền không
cho chúng nó hầu hạ. Phải hôn, Sê-ri ?
Bà Tá khoát tay làm một cử
chỉ bất cần đời:
- Ối chào..Nói ví nó làm chi, Mạc Ta. Chúng mình
dành thì giờ hưởng thụ những lạc thú ở đời. Khoái hơn..
Và, như một
gã lính Lê-dương chính hiệu, như anh Tây say, mụ tung bàn tay có những ngón tay
chuối mắn múp míp ra nắm lấy cổ tay Mạc Ta, kéo Mạc Ta ngã vào lòng mụ:
- Sê-ri...Chúng ta bụa..Chúng ta được sinh ra đời để bụa, để hưởng
thụ...Vi-vờ la boát-sông...Vi-vờ la-mua...
Mạc Ta lặp lại :" Vi-vờ
la boát-sông..Vi-vờ la-mua.." rồi rót rươu vào ly cho mụ Tá.
Xuân
Tình nhăn mặt. Tuy đã quen thuộc với cảnh hai người đàn bà này níu kéo, ôm ấp,
hôn hít, vuốt ve nhau, nàng vẫn thấy ghê rợn mỗi lần phải chứng kiến. Nàng nói
sau khi cố nén tiếng thở dài:
- Không có tôi..không biết bây giờ má
ra sao..
Mụ Tá trề môi:
- Nàm thao cũng chẳng nàm thao.
Lếu có sế lào cũng chẳng nàm chi.. Nàm chi cũng chẳng nàm chi..Lếu có kí rì cũng
chẳng nàm thao...Cô đừng có kể công nuôi dưỡng tôi..Cha mẹ nuôi con bằng trời,
bằng biển. Con nuôi cha mẹ, con kể từng ngày..Rõ chán..
- Tôi phải
lo cho má đủ thứ. Không có tôi giờ này Má ở trong viện dưỡng lão..
Rất hùng hồn mụ Tá ngắt lời Tình:
- Ở trong viện dưỡng
lão, viện mồ côi, hay xách bị đi cốc ở Chợ Cũ, hay là nhắm mắt nhẩy từ trên cầu
Bình Lợi xuống sông cũng là xong một kiếp. Nhẹ nhàng..Kệ mẹ tôi. Ai khiến cô lo
cho tôi..
Mạc Ta xen vào:
- Nhờ công lao nuôi dưỡng của
chị bà mẹ chị được hưởng những gì sung sướng hơn người nào ? Kể dùm...
Tình nghiêm mặt:
- Xin lỗi Dì...Nếu tôi nhớ không lầm
thì đã hơn một lần tôi yêu cầu Dì đừng chen vào chuyện mẹ con tôi..
Mạc Ta nghiêng người đưa cặp vú vào tận mặt mụ Tá:
-
Sê-ri ơi..Con gái mình ăn nói văn huê bỏ mẹ..Đã..nhớ không lầm..nại còn..hơn một
nần...Phọt-mi-đáp...
Mụ Tá vỗ bộp bộp lên mông Mạc Ta, mụ hộc lên
nhhư hóa dại:
- Cô-táp..Lúc-ki...
Nhẫn nại một cách siêu
việt, Tình vẫn dịu giọng :
- Tôi lo nhưng má không chịu để tôi lo,
má cứ phá tôi..
Mụ Tá ngửng mặt lên, sừng sộ :
-..Tôi
phá ký gì cô?? Hỉ..?..Hỉ?? Phá ký gì ? Cô làm ký gì mà tui phá ??
-
Cả tháng nay nhà ta vắng khách..Có mỗi một bà..Bà ấy muốn ở yên..Tôi đã dăn đi
dặn lại má là má không được nói với bất cứ ai là có bà ấy ở đây..Ông chồng bà ấy
hỏi má nói ngay là có...
Mụ Tá khoát tay làm một cử chỉ biểu lộ sự
khinh thị:
- Ồ..Cô ả đó trốn chồng đến ở nhà mình..Quí hóa gì. Muốn
đi, cho đi luôn. Nó trốn chồng nó mình có trốn chồng nó đâu mà mình phải nói
dối. Đứa nào đến ở nhà này phải là đứa đàng hoàng. Trốn tránh là gian, trốn
tránh là hèn..Mèo mả gà đồng..Trốn chúa, lộn chồng...Không khá được...
Mạc Ta phụ họa:
-Vòa-là...Vòa-là.. Sê-ri phát ngôn nghe
rất được. Bồng...Bồng...Gút..Gút..Tốt...Tốt...
Mụ Tá thở dài:
- Mí lỵ...thằng cha tô-lô-phôn đến hỏi có cái giọng nói dễ thương
quá đi...Êm như nhung, dịu như lụa Hà Đông bên hông Hà Nội..Giọng nói của lúy
gợi cho moa nhớ người đàn ông yêu moa ngày xưa khi moa đang thời xuân sắc..Người
rất bảnh...rất...rất..hào hoa..Nếu biết rằng tôi đã có chồng..Chời ơi..Người ấy
có buồn không..
Đang ngâm Thơ TTKH kiểu Tao Đàn, Mụ đột ngột đổi
"tông", tàn nhẫn nói với cô con gái:
- Thằng cha có giọng nói đễ
thương ấy hổng có phải là ông bố cù lần của cô đâu. Đừng tưởng bở!
Tình lặng người. Làn môi nàng run run chứng tỏ nàng bị xúc động
nặng, nàng bị xúc phạm, nàng tủi thân nhưng nàng không nói được nên lời. Nàng
thấy rõ hai người đàn bà này, một người là bà mẹ ruột của nàng, đã sa đọa cả thể
xác và tâm hồn. Không thể nói chuyện phải trái với họ. Lần nào nói chuyện phải
trái hay cãi lý với họ nàng cũng thua. Họ xử dụng một thứ võ công quái dị hóa
giải hết những lý lẽ đứng đắn của nàng.
Nhìn cô con giận đến xanh
mặt mụ Tá thương hại :
- Tình con...
Mụ dịu giọng :
- Năm nay con đã hăm ba, hăm bốn rồi..Con cần..cần..Con có biết con
cần gì không? Con cần có thằng đàn ông thương yêu con, thằng đàn ông khỏe mạnh,
thằng đàn ông biết cách làm cho đàn bà thung thướng..
Mạc Ta vỗ vỗ
lên bờ vai nữ đô vật của mụ Tá:
- Sê-ri chẳng nên nặng lời với con
bé quá. Nó còn trẻ, nó đâu có sống như mình, làm sao nó hiểu đời được như mình..
Mụ Tá đột nhiên nức lên:
- Vì nó không biết nên mình
phải bảo cho nó biết..Nhưng nó ngu ngốc, nó cứng đầu, nó không chịu nghe theo
lời khuyên của mình...
Rồi mụ thổn thức, bộ ngực có hai bầu vú bự
như hai cái giỏ đựng bình nước trà của mụ nhấp nhổm lên xuống:
- Moa
rất buồn..Moa buồn lắm..Sao con gái moa nó không giống moa chút síu nào? Moa chỉ
có mình nó là con mà nó lại không giống moa. Không biết nó giống ai. Nếu moa là
đàn ông.., là bố nó, moa đã nghi nó không phải con moa. Nhưng chính moa đẻ nó
ra, nó không phải là con moa thì nó còn là con ai nữa..Nhưng tại sao con moa đẻ
ra mà nó lại không giống moa?? Tại sao ? Tại sao ? Sê ri ???
Mạc Ta
vỗ về:
- Đừng nói dzậy chứ! Sao nó lại không giống toa? Nó có nhiều
cái giống toa lắm đí chứ. Nó giống toa nhất ở điểm nó đẹp. Nó cũng đẹp như toa
vậy. Nhìn nó bi giờ moa biết ngày xưa toa bằng tuổi nó toa cũng đẹp như nó...
Câu bốc thơm không có qua một tí síu cái gọi là cơ sở thực tế nào cả
của Mạc Ta có hiệu lực làm cho mụ Tá đổi sầu làm vui ngay lập tức:
-
Nó đẹp, phải hông toa? Trông nó tình lắm, đĩ lắm đí chứ? Con gái moa mà toa..Con
nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh..
Mụ gật gù tự đắc:
- Mẹ nào, con nấy..Thật không sai..Chỉ tiếc nó chưa biết tình yêu là
gì...
"Tình yêu" được người đàn bà dị tướng này nói là "đàn ông".
Mạc Ta tiếp lời:
- Toa nói đúng. Nó chưa biết đàn ông, nhưng chưa
biết không phải là sẽ không bao giờ biết.
Mạc Ta lên giọng
phi-lô-dzốp:
- Quân tử Phú-lang-sa đã nói về bọn đàn ông :" Không
tên nào tránh khỏi cái chết cũng như không tên nào thoát khỏi đàn bà.." Bọn đàn
bà mình cũng vậy: chẳng có con nào thoát khỏi đàn ông. Sê-ri à...Sê-ri đừng có
buồn. Rồi con mình nó sẽ biết đàn ông. Khi đó nó sẽ thông cảm chúng mình. Nó sẽ
thấy chúng mình sống là đúng.
Mụ Tá nhìn cô con gái bằng cặp mắt
nghi ngớ:
- Đàn ông thì thiếu gì. Tại nó không chịu biết. Moa nghi
hay là...nó có cái gì...
Hai bàn tay mụ đưa lên vẽ vòng trong không
khí để diễn tả hình dáng thân thể người đàn bà:
- Nó có cái
gì...trong người nó không giống như bọn mình ? Tại sao moa mí toa thích...mà nó
lại không thích ?? Nó gần hai mươi nhăm rồi. Khỏe mạnh chứ có đau yếu, bệnh tật
gì đâu. Sao nó dửng dừng dưng với tình yêu? Moa ví toa hả..Mười sáu tuổi mình đã
quá xá quà xa dzồi...
Mạc Ta búng hai ngón tay vào nhau làm phát ra
những tiếng tách, tách, đính chính :
- Toa se-szăng, moa
keng-dzăng...Moa keng-dzăng sơn-lơ-măng..
Quên sự có mặt của Xuân
Tình, người con gái chưa biết gì về Tình Yêu - Tình Yêu viết hoa - và đàn ông -
đàn ông viết chữ thường - hai người đàn bà có cuộc đời nặng những dục tình đi
vào cuộc tự nhận ai là người biết đàn ông trước.
Cho đến lúc Mạc Ta
sửa soạn ra về. Mụ Tá níu lại:
- Về làm gì sớm thế ? Mới có sáu giờ.
Đã đến giờ đi ngủ đâu ?
- Nói vậy là toa hơi quê đấy, Sê-ri ạ... -
Mạc Ta đứng trước gương, đưa cây son lên môi - Tại sao lại cứ phải chờ đến khuya
mới ngủ ? Mình là người văn minh, mình thích ăn lúc nào là mình ăn, mình muốn
ngủ lúc nào là mình ngủ. Việc gì cứ phải theo đúng giờ giấc.
Mụ Tá
cười hì hì:
- Pạc-đông..Moa muốn nói là lên giường nằm...
- A..Nếu là lên giường thì lại càng không có giờù giấc gì cả..Muốn
lúc nào là a-lê-hấp..lên giường tú-đờ-suýt...
Đôi mắt đục ngầu vì
rượu của mụ Tá sáng lên:
- Với người tình chứ ?
Mạc Ta
nhún vai như đầm chính cống:
- Tự nhiên...Còn phải hỏi..Toa biết
đấy..Moa rất kỵ lên giường một mình.
Mụ Tá bỗng cất tiếng gọi:
- Ê...Toa...Mạc Ta...
Mạc Ta ngừng tay, quay lại;
- Qua, Sê-ri?
- Cậu vẫn không chịu kể cho tớ nghe..
- Kể chuyện gì mí được chứ ?
- Chuyện thằng tình nhân
mới nhất của cậu.
- À...Chuyện đó hả ? Dễ thôi. Để hôm nào rảnh, có
hứng, mình kể cho nghe. Cũng khá ly kỳ. Đặc biệt thằng này nó có cái mùi, mùi da
thịt đàn ông, hay lắm, lạ lắm, Sê-ri ạ. Mùi da thịt không phải thơm, cũng không
phải hôi. Kỳ lắm. Rất ếch-xít-tê...Ếch-xít-tê tiếng Việt nam là gì nhỉ ?
Mụ Tá lên giọng đàn chị:
- Ếch-xít-tê là kít thít..
- Vòa-là..Xe xà...Cái mùi kít thít lạ lắm cưa...
Mạc Ta
xách ví, cầm cây dù. Hai con chó biết chủ sắp ra khỏi nhà, xô nhau chạy ra vườn,
sủa loạn.
- Chàng được lắm. Moa dám nói bịt mắt toa lại, cho toa
ngồi gần lúy, chỉ cần toa ngửi cái mùi người của lúy thôi, toa biết là lúy ngay.
Như bịt mắt toa mà cho toa ngửi rượu toa biết là rượu gì dzậy. Song...Lúy có cái
tật là dza-lu quá. Dza-lu là..là..ghen ? Ừa...Ghen quá. Lúy ghen quá đi. Đàn ông
yêu mình mà ghen thì cũng tốt nhưng ghen quá, ghen bậy bạ thì không nên. Ghen mà
bắt mình phải dành độc quyền cho một mình lúy thì lại càng không nên. Moa phải
trừng phạt lúy về cái tội ghen nhảm đó. Tối nay..Moa cho lúy một bài học..Moa đi
với Tô-ni tối nay...
Mụ Tá trề môi:
- Moa không ưa thằng
Tô-ni. Nó không được đểu lắm mà nó cứ làm như nó là thằng đểu nhất cõi đời
này...
- Đừng nói dzậy, Sê-ri! Làm sao toa biết là nó không đểu ?
Trong phòng chỉ còn hai mẹ con. Trời Đàlạt mùa nào cũng tối sớm. Chỉ
có ngọn đèn trên bàn ngủ bên giường Mụ Tá được bật, ánh sáng vàng vọt của bóng
đèn làm cho gian phòng thêm ảm đạm. Không khí ngột ngạt, nặng nề. Tình đứng bặm
môi bên cửa sổ nhìn ra vườn, Mụ Tá ngồi gù lưng, hai bờ vai nhô lên, trước chai
rượu. Hai mẹ con vẫn giận hờn nhau.
Tình cũng tính đi ra khỏi căn
phòng nặng mùi rượu, mùi khói thuốc lá, mùi phấn son, nàng cay đắng:
- Không biết tôi còn phải chịu đựng má đến bao giờ ? Đến ngày tôi
chết ?
Mệt nhọc và vất vả Mụ Tá ngửng đầu lên :
- Cô
tưởng sống với cô tôi sung sướng lắm ư? Cô là đứa con gái bất thường. Cô không
biết thế nào là sống. Cô không biết đời sống có những gì vui thú, những gì đáng
hưởng. Cô sống không biết tình yêu. Cô không hiểu tôi...
Xuân Tình
ngán đến hơn mang tai. Bà mẹ rượu chè be bét của nàng lại giở những luận điệu cũ
xì ra để nói. Và mỗi lần thấy bà mẹ nói những lời vô nghĩa như vậy Tình lại im
lặng đi ra chỗ khác.
Lúc đó là 5 giờ 30. Trời đã hết sáng và trời
sắp tối.
Đọc tiếp theo tại đây
Dữ Hơn Rắn Độc |
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire