Caroline Thanh Hương
Bài đã post
Đọc bài viết của Thụy Khê về Bình Nguyên Lộc và nghe đọc audio book truyện Lữ Đoàn Mông Đen.
Nhật Tiến Qua Nhà Phê Bình Văn Học Thụy Khuê
Nhật Tiến : (24.8.1936) Nhà văn Việt-nam, tên thật là Bùi Nhật Tiến, sinh tại Hà-nội trong một gia đình trung lưu. Cha là Bùi Văn Minh làm thư ký sở máy đèn và mẹ là Trần Thị Đức. Gia đình bẩy người con, hai người theo nghiệp văn là Nhật Tiến và Nhật Tuấn. Học tiểu học ở trường Sinh Từ, rồi trường Hàng Vôi và trung học ở Chu Văn An (sau đổi tên thành Nguyễn Trãi), Hà-nội.
Bắt đầu sáng tác từ những năm 50, cả thơ lẫn truyện, chép chung vào một tập Những bước đầu tiên của tôi, nay đã thất lạc. 1951, truyện ngắn đầu tiên “Chiếc nhẫn mặt ngọc” được đăng trên báo Giang Sơn (của Hoàng Cơ Bình). 1953 sáng tác nhiều hơn, phần lớn là kịch, đăng trên các báo Cải Tạo, Thời Tập, Chánh Đạo.
Nhật Tiến vào Nam năm 54 (em là Nhật Tuấn ở lại Bắc), cư ngụ tại Đà-lạt, chuyên viết kịch cho đài phát thanh Ngự Lâm Quân, rồi về Sài-gòn vừa viết văn, vừa dạy vật lý, hóa học tại các trường tư ở Sài-gòn như Xuân Thu, Bồ Đề, Hồng Lạc, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo…
Khi Trương Cam Vĩnh chuyển bản thảo tập truyện Những người áo trắng cho Nhất Linh, Nhất Linh rất thích, mời ngay Nhật Tiến cộng tác với Văn Hóa Ngày Nay từ số đầu, và những tác phẩm tiếp theo của Nhật Tiến : Những vì sao lạc, Thềm hoang, Mây Hoàng Hôn Ánh sáng công viên, đều do Phượng Giang, Đời Nay và Ngày Nay xuất bản. Ngoài Văn Hóa Ngày Nay, Nhật Tiến còn cộng tác đều đặn với Tân Phong, Văn, Bách Khoa, Văn Học, Đông Phương. Làm chủ biên nhà xuất bản Huyền Trân (1959-1975) và chủ bút tuần báo Thiếu Nhi (1971-1975).
Nhật Tiến kết hôn với Đỗ Phương Khanh, một cây bút cộng tác thường xuyên với tạp chí Tân Phong, Đông Phương và tuần báo Thiếu Nhi, tác giả tập truyện ngắn Hương Thu (Nxb. Huyền Trân, 1968)
Sau 1975, Nhật Tiến tiếp tục dạy lý hóa ở trường Hưng Đạo đến 1979. Tháng 8/1980 đến được Hoa Kỳ, định cư ở California, vẫn tiếp tục viết văn và theo học ngành điện toán, làm chuyên viên sửa chữa máy vi điện toán. 1998 nghỉ hưu. Hiện sống ở Santa Ana, California.
Tác phẩm đã in: Truyện dài: Những người áo trắng (Nxb. Huyền Trân, Sài-gòn, 1959), Những vì sao lạc (Nxb. Phượng Giang, 1960), Thềm hoang (Đời Nay,1961), Mây hoàng hôn (Phượng Giang,1962), Người kéo màn (tiểu thuyết kịch) (Huyền Trân, 1962), Chuyện bé Phượng (Đông Phương, 1964), Vách đá cheo leo (Đông Phương, 1965), Giấc ngủ chập chờn (Đông Phương, 1967), Quê nhà yêu dấu (Huyền Trân, 1970), ), Mồ hôi của đá (Tủ sách Cành Nam, Virginia, 1988).
Truyện ngắn: Ánh sáng công viên (Ngày Nay,1963), Giọt lệ đen (Huyền Trân,1968), Tặng phẩm của dòng sông (Huyển Trân 1972), Tiếng kèn (Văn Học, Hoa Kỳ, 1982), Một thời đang qua (Tủ sách Cành Nam, Virginia, 1985). Cánh cửa (Nxb. Thời Văn, California, 1990), Quê nhà quê người (viết chung với Nhật Tuấn) (Nxb Văn Học, 1994),
Nhật ký: Chim hót trong lồng (Huyền Trân, 1966). Bút ký: Tay ngọc (Huyền Trân, 1971).
Hồi ký: Thuở mơ làm văn sĩ (Huyền Trân-1973).
Truyện thiếu nhi: Đóa hồng gai (Tuổi Hoa 1970). Lá chúc thư (Huyền Trân, 1971), Đường lên núi Thiên Mã (Huyền Trân, 1972)
Truyện dịch: Thân phận dư thừa (The Unwanted của Kiên Nguyên) (Viet Tide LLC, 2002)
Nhật Tiến là một nhà văn tranh đấu, dùng văn chương để xoa dịu những bất công xã hội, những hận thù hờn oán trong con người. Ở Nhật Tiến, tuổi thơ khốn khổ, xã hội nghèo đói, quê hương chiến tranh và hòa hợp dân tộc là những đề tài chính.
Ngay từ những tác phẩm đầu tay Những người áo trắng, Những vì sao lạc, Nhật Tiến đã nghiêng mình xuống những số phận mồ côi, những đứa trẻ lạc loài. Khi chiến tranh lan rộng, ông viết về thảm cảnh của những đứa bé tàn tật, nạn nhân của bom đạn, về những gia đình ly tán, anh theo mặt trận, em đi lính cộng hòa… và sau này khi ra hải ngoại, ông tranh đấu cho con đường hòa hợp hòa giải dân tộc giữa người Việt trong và ngoài nước.
Nhật Tiến là một nhà văn hiện thực, hướng thượng. Cái đích mà ông muốn đạt tới là lòng nhân ái, tình tương trợ giữa người và người, ông muốn bào mòn những bất hạnh trong cuộc sống lầm than, xóa bỏ hận thù giữa hai chiến tuyến để tìm đến tình thương, tình người.
Trước 75, những tác phẩm của ông phần lớn là truyện dài. Sau 75, có thể vì điều kiện sinh sống ở hải ngoại, ông viết truyện ngắn nhiều hơn, nhưng cả hai thể loại đều có chất lượng ngang nhau, có cấu trúc chặt chẽ của một nhà văn chuyên nghiệp.
Những người áo trắng (1959), Những vì sao lạc (1960) viết về những số phận đau thương của những đứa trẻ mồ côi, bị bứt khỏi tổ ấm gia đình, đưa vào viện tế bần, vào trại trừng giới. Những người áo trắng mô tả chân dung những đứa bé trong trại mồ côi, Những vì sao lạc tìm căn nguyên nào đã đưa những đứa trẻ đến trộm cắp, tù tội. Và Thềm hoang (1962) Nhật Tiến tạo dựng bộ mặt xã hội khốn cùng của những người lao động lam lũ trong xóm Cỏ.
Tác phẩm Người kéo màn (1962), tiểu thuyết kịch, đứng riêng, Nhật Tiến đưa ra một thử nghiệm độc đáo: pha trộn sân khấu với cuộc đời. Những diễn viên và tác giả của một vở kịch đang được trình diễn, cùng sống một kịch bản thứ nhì, ngoài đời, như những gì đang diễn ra trên sân khấu, một cách đau đớn, sống động hơn. Sau đó Nhật Tiến tiếp tục hành trình đào sâu những bi đát của xã hội trong một thời gian nữa với các tác phẩm Ánh sáng công viên (1963), Chuyện bé Phượng (1964), Vách đá cheo leo (1965), Chim hót trong lồng (1966).
Ở thời điểm 67-68, chiến tranh lan rộng, Nhật Tiến đưa tác phẩm trực diện với chiến tranh trong Giấc ngủ chập chờn (1967), Giọt lệ đen (1968) và Quê nhà yêu dấu (1970). Dường như nghịch cảnh gia đình: nửa Nam, nửa Bắc, đã thúc đẩy Nhật Tiến đi sâu vào quê hương khói lửa, vào những vùng xôi đậu, với những người dân vật vã sống giữa hai lằn đạn: anh du kích, em dân vệ. Một quê hương nhàu nát với những sụp đổ ngay từ trong gia đình: hận thù và chia rẽ.
Ra hải ngoại, Nhật Tiến vẫn tiếp tục dùng tác phẩm để tranh đấu cho sự hòa hợp dân tộc sau chiến tranh. Tác phẩm của ông, dù viết về những mảnh đời sống trên quê hương hay hải ngoại, luôn luôn dấy lên một tình thương, tình người như sợi dây vô hình kéo con người xích lại gần nhau.
Thềm hoang là tác phẩm chủ yếu của Nhật Tiến, phô bày tất cả sở trường của tác giả. Trước tiên về ngôn ngữ đối thoại. Nhật Tiến bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình bằng kịch, cho nên đối thoại của ông rất sống động, nhất là ngôn ngữ của lớp người nghèo, giọng Nam, giọng Bắc. Toàn thể Thềm hoang được cấu trúc như một kịch bản dài mà chính ngôn ngữ tạo thành chân dung đặc thù của mỗi nhân vật trong xóm Cỏ nghèo nàn, nửa quê nửa tỉnh, bắc nam hòa hợp lam lũ sống chung trong một thời gian bất định. Trước 54? Sau 54? Ở gần Hà-nội hay gần Sài-gòn? Ở đâu mà ngôn ngữ bắc nam pha trộn tài tình như thế? Thềm hoang trùm lên toàn diện cái khổ của người Việt nằm chung trong xóm Cỏ, với bác Tốn mù sống bằng nghề xẩm tân thời, với thằng Ích ranh con, lõi đời, tinh mà láu, bác đờn, nó hát, với cô Huệ chanh chua, bán trôn nuôi miệng, với Dượng Tám thất nghiệp, say rượu, đánh bạc, đánh vợ, với Hai Hào ký cóp đạp xích lô chim cô Đào lẳng lơ con lão phó Ngữ sửng cồ, với bác Nhan gái lừng lững như hộ pháp bao che bác Nhan trai ốm o, liệt giường, với bà cụ Nết hóa dại vì không nuôi được cháu, phải thả chúng vào trại mồ côi, với cái Hòa bị mẹ đánh bỏ nhà đi ăn cắp, với lão Hối hôi hám như đống rác rong luôn luôn say khướt, với Năm Trà nổi cơn điên đốt nhà, đốt xóm, với… một thế giới nhùng nhằng, ngang phè, lẩm cẩm, vòng vo như những câu chuyện giữa bác Tốn và thằng Ích. Những bộ mặt ấy tạo nên một xã hội khốn cùng, có vẻ như họ thuộc vào thế giới quá khứ của một thời đã qua. Nhưng không, ngôn ngữ và hành động của họ rất sống động, rất hiện diện, họ nổ dòn trước mắt người đọc, họ sẵn sàng bước vào thiên niên kỷ thứ ba như những khuôn mặt điển hình nhất của thế giới thứ ba mà đau thương, bệnh tật và nghèo đói chưa bao giờ buông tha cho họ. Họ ở bước đường cùng. Họ đi vào cõi chết một cách vô tư, tự nhiên với sự yêu đời và lòng thương người, niềm tương trợ. Thềm hoang là kiệt tác của Nhật Tiến, ông đã vẽ được một xóm Cỏ với những bộ mặt khốn cùng từ già đến trẻ, tất cả đều lạc quan, yêu đời trong cuộc sống rất gần với cõi chết, mỗi người có một cá tính riêng nhưng có chung nhau một dấu ấn đặc biệt: tình nhân loại.
THỤY KHUÊ
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire