caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 27 avril 2014

Bộ ảnh Tàn tích cổ của ngôi chùa lớn nhất thời Lý

Đăng ngày Thứ tư, 12 Tháng 3 2014 22:37
Các dấu tích còn lại đến ngày nay cho thấy ngôi chùa được mệnh danh là đại danh lam thời Lý được xây dựng trên quy mô rất lớn với mặt bằng rộng hơn 7.500m2.
Chùa Dạm nằm trên núi Lãm Sơn (ngày nay thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, là đại danh lam từ thời Lý với lịch sử gần 1.000 năm. Dù đã bị thời gian hủy hoại, nhưng những tàn tích còn được lưu giữ sau một thiên niên kỷ đã cho thấy quy mô to lớn và giá trị nghệ thuật của ngôi chùa xưa.

Về tổng thể, chùa Dạm được chia làm 4 cấp nền xây cao dần vươn lên theo độ cao sườn núi Lãm Sơn. Các cấp nền chùa đều có xếp đá chống xói lở, chân hơi choãi, chếch khoảng 70 độ và cao 5–6 m. Đá xếp đều khai thác tại chỗ, đẽo gọt vuông vắn như viên gạch dài rộng chừng 50 cm - 60 cm.

Cấp nền đầu tiên được người dân địa phương gọi là Bãi Hội.

Cấp nền thứ 2 là nền chùa chính. Đây cũng là nơi lưu giữ những di tích quan trọng nhất, mà nổi bật là cột đá chùa Dạm. Đây là một cột đá lớn nguyên khối được dựng trên bệ tròn cao 1m, đường kính khoảng 4,5m. Tổng chiều cao của cột đá là 5m.

Cấu trúc cột chia làm hai thớt khối. Khối gốc hình hộp vuông với cạnh 1,4 m và 1,6 m. Khối hình trụ đặt ở trên khối vuông, đường kính khoảng 1,3 m.

Đoạn dưới khối trụ tròn chạm nổi đôi rồng phong cách thời Lý với mào bốc lửa, bờm thành búi như cờ đuôi nheo bay lướt, thân tròn lẳn uốn khúc thoăn thoắt, chân chim năm móng.

Hai chân phía trước của rồng giơ cao nâng viên ngọc dưới cằm. Đầu rồng vươn cao chầu vào viên ngọc tỏa sáng, nổi bật giữa các hoa văn phụ hình hoa dây móc, tinh xảo.

Thân rồng to, mập uốn khúc quanh cột. Đuôi rồng ngoắc vào nhau.

Bệ cột được chạm hoa văn sóng nước đặc trưng thời Lý.

Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về ý nghĩa của cột đá chùa Dạm. Có nhà nghiên cứu cho rằng, những cột đá này là biểu tượng sinh thực khí Linga và Yoni đã được Việt hóa, mang mơ ước mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no thịnh trị.

Trên nền tầng thứ 2 còn có một nền móng tháp đá vuông, cạnh 7 m, cao 2 m, chạm hoa văn sóng nước thời Lý. Nền móng này mới được khai quật sau một thời gian dài nằm dưới gò đất. Ở đây có dựng một tấm bia trên lưng rùa. Thân bia cao 1,5 m, rộng 1 m. Cả hai mặt bia đều mòn mờ, chỉ còn đọc được hai chữ "Tín Thí" được khắc sâu ở mặt hậu.

Nền tầng thứ hai còn có giếng Bống, tương truyền cô Tấm trong truyện cổ dân gian Tấm Cám đã nuôi cá bống ở giếng này.

Trên cấp nền ba, các nhà khảo cổ đã khai quật gần 100m2, làm xuất lộ sáu trụ sỏi móng chịu lực của công trình cùng nhiều dấu vết kiến trúc xếp gạch thời Lê, các chân tảng đá thời Lý cùng nhiều hiện vật các thời đại có liên quan đến quá trình xây dựng và tu bổ chùa.

Tại cấp nền thứ tư, các chuyên gia đã tìm thấy dấu trụ sỏi cùng dải gạch bó nền, gạch lát nền, ngói mũi sen. Đặc biệt, cũng tại cấp nền này đã tìm được trụ sỏi hình tròn có đường kính lớn 1,7m cùng hệ thống trụ sỏi hình vuông.

Đường lên xuống mỗi cấp của chùa gồm 25 bậc đá.

Hàng chục chân cột bằng đá kích thước khoảng 0,75 m x 0,75 m chạm cánh sen xuất hiện rải rác trên các cấp nền.

Các dấu tích cho thấy ngôi chùa được xây dựng trên quy mô rất to lớn với mặt bằng rộng hơn 7.500m2. Theo sử sách, vào năm 1085, Nguyên phi nhà Lý Ỷ Lan khi dạo chơi Đại Lãm Sơn có ý định xây chùa. Năm 1086, triều đình nhà Lý ra lệnh xây dựng chùa. Sau mười năm xây dựng, năm 1097, chùa Dạm mới hoàn thành. Năm 1105, lại xây ba tháp đá…

Thời Trần, chùa vẫn được duy trì với 12 tòa nhà (nhị thập lâu đài) mang tên Thần Quang tự. Đến thời Lê, chùa được trùng tu quy mô lớn với trên 100 gian. Sau nhiều biến động lịch sử, chùa dần dần xuống cấp và vào những năm 1946-1947, khi quân đội thực dân Pháp về đây đóng bốt, nhân dân địa phương đã đốt chùa để tiêu thổ kháng chiến.

Hiện nay, việc bảo tồn và phục hồi chùa Dạm đang được đặt ra cấp bách

Theo KIẾN THỨC

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire