caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 27 avril 2014

Suy ngẫm từ đồng tiền qúa nhiều số 0 của Việt Nam



Dưới con mắt nhiều người nước ngoài, đồng tiền một nước càng “được” đổi ra nhiều bản vị chừng nào thì nước ấy càng “bị” xem là còn… chậm tiến chừng nấy.


Khi được chuyển từ Canada về làm việc ở Philippines vào năm 1979, tôi mua một cổ phiếu thành viên của hội quán Manila Polo Club.
Rời Philippines hai năm sau để nhận chức vụ mới ở Singapore, mang bán cổ phiếu ấy thì những người bạn bản xứ đều xuýt xoa khen là tôi đã lời to vì được giá gấp đôi. Than ôi, lúc mua thì phải mang USD ra đổi thành peso với tỷ giá hối đoái 1 USD = 7 peso, nhưng đến khi bán thì đồng peso trượt giá thành 1 USD = 15 peso. Nếu tính bằng peso thì thật là lời gấp đôi, nhưng nếu đổi thành USD thì rõ ràng là mình lại bị lỗ.
Việc mua bán quốc tế hoặc phân tích các dự án đa quốc gia, do đó, buộc chúng ta phải xác định trước nhất rằng đâu là đồng tiền gốc (base currency). Nói chung người nước nào đều quen dùng tiền nước ấy, và trên bình diện công ty, tùy thuộc vào chủ nhân, sổ sách kế toán của công ty nằm ở nước nào thì khi tính toán, ta sẽ đặt căn bản trên đồng tiền nước ấy để xác định lời lỗ.
Doanh nhân Việt Nam ngày nay xông pha trận mạc quốc tế để làm ăn là chuyện thường như cơm bữa. Lạ đất, lạ người, lạ tiếng nói, lạ cơm nước, nay không còn là vấn đề, nhưng việc “lạ tiền” thì vẫn còn. Đến Hàn Quốc chẳng hạn, cam đoan rằng hễ nhìn một số tiền bằng won thì ai cũng lập tức tính nhẩm trong trí để xem số tiền ấy tương đương với bao nhiêu đồng Việt Nam hoặc bao nhiêu USD.
Đối với tài liệu, sổ sách tài chính thì ít ra chúng ta cũng có thì giờ chuẩn bị trước để chuyển thành tiền đồng hoặc USD cho dễ suy nghĩ và tính toán. Tuy nhiên, khi gặp bạn bè bản xứ, nghe họ thao thao bất tuyệt trình bày các dự án, kế hoạch… bằng đồng tiền của họ thì quả thật là mệt mỏi cho cái máy tính nhỏ bé trong đầu chúng ta.
Doanh nhân nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam ngược lại cũng gặp trở ngại với việc “lạ tiền” tương tự. Hễ mỗi lần nghe các bạn trong nước nhắc đến hết tỷ đồng này, đến chục tỷ đồng khác thì cái máy tính trong đầu họ cũng tự động chạy để chuyển đổi về “đồng tiền gốc”. Riêng tôi mỗi lần nhìn vào bảng báo cáo tài chính của các công ty trong nước thì trong trí lại vẳng lên âm điệu bài “Sóng về đâu” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “ Biển…số, biển …số đừng xô tôi…”.
Quả thật đồng tiền của mình sao mà có nhiều con số như thế. Quen tính toán bằng đồng USD nên hễ nhìn vào những con số ghi bằng tiền đồng thì cái máy tính trong đầu tôi nó chạy như thế này: Trước hết là phải vạch riêng 6 con số cuối ra để thấy cái chuỗi số này là… mấy triệu đồng tiền Việt đây nhỉ? À, ba mươi hai ngàn triệu đồng, hay ba mươi hai tỷ. Một tỷ đồng thì tương đương với khoảng 47.600 USD… Ủa, cái máy tính bỏ túi của mình ở đâu rồi kìa? Lại quên không mang theo rồi! Thôi tính cho tròn thì một tỷ đồng tương đương với 50.000 USD, nghĩa là mười tỷ thì bằng nửa triệu USD… Như vậy thì ba mươi hai tỷ đồng tương đương với ba chấm hai nhân với nửa triệu bằng 1 triệu 6 USD. Bớt đi một chút (vì 47.600 tính tròn là 50.000) thì cho là bằng 1 triệu rưỡi USD.
So với đồng tiền các nước, dường như việc chuyển đổi tiền Việt ra các loại ngoại tệ khác tương đối nhức đầu. Lý do chính là vì có lẽ đồng tiền Việt Nam có hơi nhiều các con số không “0” ở đằng sau. Với nền kinh tế Việt Nam trên đà tăng tốc, với sự thành hình của những tập đoàn công ty và ngân hàng lớn thì những con số này rồi đây lại sẽ còn dài hơn trước.
Trước hết thì cái “biển số” đó đã đưa đến một sự “lạm phát” về danh từ. Ngày nay, khi nói đến “đồng” thì dường như nó cùng nghĩa với “ngàn” và có người dùng “đồng” để viết tắt cho “ngàn đồng”. Danh hiệu “triệu phú” ngày nay đã mất giá, vì ngay việc trở thành “tỷ phú” (tiền đồng) cũng không còn là điều khó khăn như xưa. Ngày trước, tôi thường nghe nói rằng cứ một ngàn “tỷ” thì gọi là …"ức” (trillion), nhưng dường như trong nước hiện không dùng từ này mà vẫn gọi là “ngàn tỷ”. Tuy nhiên 1.000 tỷ đồng cũng chỉ hơn 47 triệu USD, một số tiền không lớn lắm trên thương trường quốc tế. Vậy thì sau “ngàn tỷ” rồi đây sẽ lại tiếp tục tiến đến “vạn tỷ”, “triệu tỷ” rồi đến ... "tỷ tỷ" chăng?
Tiền Việt Nam hiện chưa lưu hành ở ngoài nước, nhưng giả dụ hôm nay được xuất hiện bên cạnh đồng tiền các nước trong khu vực thì sao? Tại một quầy đổi tiền ở Singapore, ta sẽ thấy một bảng quy đổi tiền tệ đại khái như sau:
1 USD =
1,28USD Singapore
3,26Ringgit Malaysia
6,15Nhân dân tệ
7,75USD Hong Kong
30,09USD Đài Loan
32,14Baht Thái
44,86Peso Philippines
59,79Rupee Ấn Độ
1.053,40Won Hàn Quốc
11.309,01Rupiad Indonesia
21.080,22Đồng Việt Nam
Nhìn vào bảng trên, ta thấy dường như có một sự cách biệt giữa hai… xóm. “Xóm trên” gồm những nước mà 1 USD tương đương với ít con số bản vị tiền nội địa và “xóm dưới” gồm Indonesia và Việt Nam mà tỷ giá hối đoái tương đương với khoảng trên 10.000 bản vị. Dưới con mắt nhiều người nước ngoài, đồng tiền một nước càng “được” đổi ra nhiều bản vị chừng nào thì nước ấy càng “bị” xem là còn… chậm tiến chừng nấy. Muốn tiền mình lưu hành ở nước ngoài thì cũng như muốn “dọn nhà” đến ở gần bạn bè cho vui, thế nhưng không những phải chạy về “xóm dưới” sống cạnh người bạn Indonesia, mà lại còn ở tuốt cuối xóm thì cũng… hơi buồn.
Theo VNEXPRESS

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire