Đọc lại kỳ trước
Chương 24. Một Cái Nhìn Tổng Quát
Về Trại Tân Lập
Trại cải tạo Tân Lập nằm giữa một thung lũng bao quanh bởi rừng núi. Từ trại chúng tôi không thể nhìn thấy được đâu là chân trời. Con đường duy nhất dẫn đến trại là một con đường đất sét rộng khoảng bảy thước chạy từ Bến Ngọc, một cái bến mang tên của một ông cả trong vùng, người đã lập ra nó. Ai muốn đi đến trại từ Hà Nội thì phải đi xe lửa từ ga Ấm Thượng, rồi dùng một phương tiện duy nhất đến Bến Ngọc là chiếc đò dọc, một chiếc ghe nhỏ chèo bằng tay dọc theo nhánh của con sông Hồng, con sông lớn nhất miền Bắc. Từ Bến Ngọc đến trại thì chỉ có cách đi xe đạp hoặc đi bộ.
Có tất cả bảy phân trại thuộc trại cải tạo Tân Lập đặt tên là K, từ K1 đến K7. Phân trại mà chúng tôi được đưa đến là K5, cũng là bản doanh trung ương của bộ chỉ huy toàn trại. K1, K2 và K3 là ba phân trại lớn khác, các K khác nhỏ hơn. Từ Bến Ngọc vào thì K đầu tiên là K5; và K cuối cùng là K1 cách K5 khoảng mười lăm cây số về phía bắc. K3 cách K5 bởi một cái suối tên là A-Mai, đó là nguồn cung cấp nước cho toàn trại và cho nhân dân sống trong vùng. K2 nằm khoảng giửa K5 và K1, và K4 cách K5 khoảng mười cây số về phía tây. K6 và K7 là 2 trạm trung chuyển để nhận tiếp liệu cho toàn trại.
Con đường đất sét từ Bến Ngọc đến K5 xa khoảng mười lăm cây số đi qua một dốc cao tên là dốc Trinh. Cái dốc này khá cao và rất trơn trợt vào những ngày mưa. Con đường từ ngả rẽ vào trại K5 phải đi qua một cánh đồng có tên là cánh đồng Mua vì có nhiều cây Mua mọc ở đó. Mua là một loại cây họ với cây sim có hoa màu tím nhạt và trái màu xanh đen. Một chuồng bò nằm ở đầu khúc quanh ấy để làm cột mốc giữa đất của trại và những khu đồi và rừng cây gần đó. Khoảng cách từ khúc rẽ này đến trại khoảng tám trăm thước.
Kiến trúc của K5 trại cải tạo Tân Lập được chia ra làm hai phần: khu cơ quan và khu trại.
Khu cơ quan K5 cũng là bản doanh của trại. Nó gồm ba dãy nhà gạch để làm văn phòng nằm theo hình chữ U và bốn dãy nhà lá phía sau hai nhánh để làm nơi ở cho các cán bộ độc thân. Căn nhà gạch chính nằm ở đáy hình chử U của tổng thể là căn nhà khang trang nhất nằm trên nền cao. Đó là văn phòng của toàn trại và của trưởng K5. Hai căn nhà gạch kia là văn phòng của Ban giám thị và Hội Đồng cán bộ phụ trách K5. Bốn dãy nhà lá khác được xây dựng trong một khu riêng biệt dành cho các cán bộ có gia đình. Một nhà giữ trẻ dành cho con của các cán bộ nằm gần khu gia đình. Rải rác chung quanh khu trại là những nhà lá gọi là “nhà lô” được dùng làm địa điểm lao động cho trại viên và cũng là điểm canh gác trại vào ban đêm.
Khu trại giam là khu đất hình vuông mỗi cạnh khoảng năm trăm thước bao quanh bởi tường gạch cao khoảng ba thước với kẽm gai khoảng một thước rưỡi bên trên. Trừ mặt trước ra, hai bên tường rào là hào sâu đầy nước. Cổng chính là một cái nhà gạch hai tầng với hai trạm gác ở hai bên của cánh cổng rộng khoảng sáu thước. Tầng trên cổng gác là văn phòng của “cán bộ trực trại”. Có tất cả bốn khu trong trại giam tên là khu A, B, khu bệnh xá, và khu bếp cùng hội trường.
Đi vào trong trại, qua khỏi cánh cổng là một sân rộng khoảng một mẫu dùng làm khu quan sát và để làm khu tập họp trại viên đi lao động. Khu A ở phía góc phải gồm bốn dãy nhà gạch mái lợp lá cọ và bao quanh bởi một dãy phòng dùng làm phòng của “Ban thi đua”, phòng của “cán bộ quản giáo” và làm cái gọi là “phòng ăn” cho trại viên. Các nhà trong khu A được ngăn cách nhau bởi những bức tường gạch cao khoảng hai thước có gắn miểng chai bên trên. Mỗi bức tường có một cánh cửa nhỏ. Khu B ở phía cạnh trái của trại gồm hai dãy nhà không có rào quanh. Mỗi đầu nhà phía trái là một cái hồ xi măng hình chữ nhật cạnh mười và mười lăm thước sâu khoảng một thước rưỡi chứa nước để uống và để tắm rửa, nước này được bơm vào từ một máy bơm đặt ở gần suối. Mỗi nhà chia ra hai phòng giam mỗi phòng là sáu gian rộng năm thước, có hai gian làm kho chứa đồ ở hai đầu nhà và hai gian ở giữa làm nhà vệ sinh.
Phòng giam là căn phòng dài khoảng ba mươi thước rộng năm thước. Một cánh cửa gỗ ở cuối phòng có thể khóa bên ngoài bằng một thanh gỗ luồn qua những khoen sắt. Mười bốn khung cửa sổ có song sắt không có cánh cửa gồm sáu cái ở mỗi phía và hai cái ở một đầu, chúng được mở rộng quanh năm ngay cả trong mùa đông với mục đích dể kiểm soát bên trong.
Hai dãy sạp hai tầng được làm bằng khung sắt chử L lót ván để làm chổ ngủ cho trại viên. Ai ngủ phía trên thì phải leo lên bậc được làm bằng những thanh sắt ngắn hàn dính vào khung thẳng đứng. Kệ để đồ đạc cho trại viên được làm dọc theo tường phía trên cửa sổ ở tầng trên, còn trại viên nằm phía dưới thì để đồ đạc trong cái kệ ở trong nhà vệ sinh. Tầng dưới của sạp cao khỏi mặt nền khoảng sáu tấc, tầng trên khoảng hai thước, do đó người nằm tầng dưới không thể đứng thẳng người được trên sạp.
Lối đi rộng khoảng hai mét ở giửa hai dãy sạp dẫn vào nhà vệ sinh. Trần nhà làm bằng nan tre đan có đóng dây kẽm gai dấu bên trên. Chỉ có một bóng đèn nhỏ treo giữa phòng chiếu ánh sáng mờ về đêm, nhưng nó lại được thay bằng một ngọn đèn dầu sau khi điện cúp vào khoảng chín giờ tối. Ngọn đèn dầu này làm bằng một cái chai cắt ngang miệng với cái tim cắm thẳng vào dầu hôi.
Cái gọi là “nhà vệ sinh” cho trại viên trong phòng giam là một căn phòng rộng khoảng ba thước dài sáu thước với phía sau là nhà cầu và phía trước là kho chứa đồ. “Nhà cầu” là một lổ xí cao khoảng nửa thước với hai cái bàn ngồi hình bàn chân làm bằng xi măng ở hai bên một cái lổ nhỏ, phía dưới được đặt một cái thùng bằng gỗ. Phân tươi sẽ được lấy đi vào sáng hôm sau từ cái cửa nhỏ phía ngoài phòng giam và sẽ được làm phân bón được gọi là “phân bắc”! Đó là một loại nhà cầu phổ biến ở miền Bắc được gọi là “cầu ba ngăn”. Chổ chứa đồ đạc trại viên nằm bên dưới sạp nằm được đặt phía trước của nhà vệ sinh. Đó là một phòng nhỏ có ba cái kệ bốn ngăn đặt dọc theo tường. Cửa phòng vệ sinh không thể khép sát được, do đó căn phòng giam luôn luôn có mùi hôi thối.
Khu vực bệnh xá là một dãy nhà gạch dài khoảng ba mươi thước rộng sáu thước nằm trong một khu đất rào quanh bởi kẽm gai. Bên phải của cổng bệnh xá từ ngoài đi vào là một vườn trồng thuốc nam. Phía bên phải của bệnh xá là một cái ao nhỏ nuôi cá rô phi và một khu đất trồng rau muống, một loại rau thông dụng của người Việt, để “bồi dưởng” cho bệnh nhân. Phía mặt, gần khu A của trại là một hàng dậu cao bằng cây dâu tằm, một loại thuốc “an thần”. Không có bác sĩ hay y tá nào làm trong bệnh xá ngoài vài trại viên được ban giám thị tin tưởng cùng một cán bộ phụ trách, tất cả những người này đều không có một chút kiến thức gì về phòng bệnh và trị bệnh. Hầu hết thuốc men trong bệnh xá là những loại bột lá hay rể cây được vò viên nhỏ gọi là “thuốc dân tộc”.
Hội trường là kiến trúc lớn nhất trong trại rộng khoảng tám thước dài năm mươi thước trên một nền đất viền bằng gạch nằm thẳng đường nhìn ra cổng chánh của trại. Mái hội trường lợp bằng lá cọ và vách thì trét bằng đất trộn với rơm. Những khung cửa sổ làm bằng tre và một khung cổng chính ở đầu hội trường nằm song song với cổng chính của trại. Một cái bục có màn đỏ che ở một đầu hội trường chứng tỏ rằng hội trường này có mục đích để trình diễn văn nghệ, nhưng hội trường thì lại trống rỗng!
Khu vực nhà bếp nằm cạnh bên hội trường phía bên góc trái của trại gồm có hai dãy lều nằm thành hình chử L: Một dãy dùng làm nhà nấu nướng và một dãy ở cuối khu song song với hội trường làm nhà kho và nơi phát cơm cho trại viên. Khu nhà bếp được rào quanh bởi một vòng rào kẽm gai với một cánh cổng rộng phía trái để các người làm trong bếp ra vào và một cổng nhỏ phía phải dành cho trại viên đi vào lấy cơm hay nước uống. Nhà nấu bếp là một căn lều không có vách với sáu cái lò có những cái chảo to phía trên: ba cái để nấu thức ăn hay nước uống và ba cái để nấu cơm (hay đúng hơn là nấu khoai mì, bắp, hoặc bo bo). Một cái giếng duy nhất trong trại nằm gần nhà nấu được nhìn thấy rõ từ xa vì có một cái cần kéo nước dài làm đòn bẩy bằng tre cột một miếng sắt to ở một đầu còn đầu kia thì cột một sợi dây treo cái thùng để lấy nước. Vào mùa nắng, giếng rất sâu nhưng nước trong còn về mùa mưa thì nước lên tới miệng giếng nhưng rất đục. Nhưng chúng tôi cũng phải uống nước ấy mà thôi! Có một căn nhà lá nhỏ khác nằm trong khu bếp để nhốt trâu kéo xe cho nhà bếp, xe trâu là phương tiện di chuyển duy nhất của nhà bếp. Xe bò miền Nam khác với xe trâu của miền Bắc ở chổ xe bò miền Nam thì có bánh xe làm bằng gỗ niềng sắt còn xe trâu miền Bắc thì có bánh xe làm bằng vỏ xe hơi. Ngoài ra ở miền Bắc dùng trâu kéo xe chứ không dùng bò như miền Nam, do đó chúng tôi gọi nó là xe trâu.
Sau khi được tháo còng, chúng tôi xếp hàng đôi để đi vào trại. Họ không xét đồ đạc chúng tôi nữa, và chúng tôi được đưa thẳng vào khu A. Tôi thuộc đội đầu tiên, do đó vào phòng giam số 1 trong nhà đầu tiên ở khu này. Khi tôi vào đến thì đã nghe tiếng của Tuân gọi tới chỗ dành sẵn gần chỗ hắn nằm ở tầng trên trong góc phòng. Ở mỗi chỗ nằm có để sẵn một chiếc chiếu cói, một cái mùng vải, hai bộ đồng phục tù, và một cái nón cối bằng lá. Tuân, Hạnh, Lộc và tôi nằm gần nhau ở tầng sạp trên dành cho bốn trại viên, do đó chúng tôi dễ nói chuyện với nhau hơn vì không sợ bị người khác nghe thấy và báo cáo.
Việc đầu tiên tôi làm là đi tắm và giặt áo quần ở cái hồ ở phía đầu nhà. Tôi dùng cái gào bằng cao su cột bởi một sợi dây để kéo nước trong hồ lên. Sau khi tắm giặt xong, tôi cảm thấy hơi thoải mái hơn một chút bèn mặc thử bộ đồ tù vào. Chúng tôi nhìn nhau trông thật kỳ khôi! Cái kỳ cục nhất mà chúng tôi chưa từng thấy trong đời là cái nón cối bằng lá cọ. Chúng tôi bật cười với nhau khi nhìn nhau trong độ đồng phục tù này! Chúng tôi trông giống những người lao động trong những tấm hình chụp những công nhân ở Trung Cộng mà chúng tôi đã từng thấy trước đây. Màu xanh của bộ đồng phục gợi cho tôi nhớ mấy câu thơ của Tố Hữu, một thi sĩ của miền Bắc: “Rồi một hôm nào cởi áo xanh, hết cùm, hết xích, hết roi canh”. Cái áo xanh mà Tố Hữu nói đến là chiếc áo tù của thời Pháp thuộc, và nó đã được nhà nước Bắc Việt bắt chước lại. Nhưng điều khác nhau là chúng tôi không phải là “tù nhân” mà là “trại viên” của trại cải tạo! Tù nhân thì có án, còn chúng tôi thì không. Chúng tôi phải thực hiện cho được tiến bộ để được trở về với xã hội! Quả thật là một điều khôi hài khi bị giam mà không có án phạt.
Khoảng hai giờ chiều, vài phạm nhân hình sự mang phần ăn vào nhà ăn, và rồi cán bộ vào báo chúng tôi đi ăn cơm! Đó là một bửa ăn thịnh soạn nhất mà chúng tôi nhận được kể từ ngày vào trại: một nồi cơm, một tô lớn thịt trâu, một tô canh, và một tô thịt heo cho sáu trại viên. Có cái gì đó lẫn trong cơm mà chúng tôi chưa nhận ra được. Vài người nghĩ là một loại đậu, nhưng sau này chúng tôi biết được đó là bo bo, một loại thức ăn gia súc của người Ấn Độ. Thịt trâu là loại thịt rất dai mà chúng tôi ăn lần đầu. Ở miền Nam, dân chúng ít khi nào ăn thịt trâu, nhưng đối với dân miền Bắc thì thịt trâu là loại thịt thông dụng. Chúng tôi không thể nào ăn hết phần ăn này nên chúng tôi quyết định mang phần còn lại vào để dùng tiếp. Lúc đó còn quá sớm cho bữa ăn chiều nhưng lại quá trễ đối với bửa ăn trưa, do đó vài người vẫn chờ đợi bửa ăn chiều như thường lệ với mong mõi là sẽ có thêm bữa ăn thịnh soạn như vậy nữa. Vài người còn không mang phần ăn thừa vào và lại nói rằng họ sẽ được ăn như thế hàng ngày. Quả thật là một sự lạc quan tếu! Nhưng rồi không có bửa ăn chiều nào nửa hết. Chúng tôi bị nhốt vào phòng giam vào khoảng 6 giờ chiều, và tôi thì ngủ ngay sau khi đó vì quá mệt.
Ngày hôm sau, chúng tôi phải lên hội trường để nghe ông giám thị trưởng, “đồng chí Thùy” nói chuyện. Ông ta là một người hơi ốm và xanh, cao khoảng một thước sáu mươi hai. Cái áo sơ mi trắng bỏ ngoài quần vàng trông giống kiểu của một cán bộ cao cấp của VC. Bài nói chuyện của hắn ta rất trôi chảy như những diễn giả khác vì tất cả đều học cùng một bài! Thùy là sếp của toàn trại. Với cái nhìn đầu tiên, hắn trông rất dễ gây cảm tình, nhưng qua cách nói không hở răng, cười không hở môi, chúng tôi biết hắn ta là một người rất hiểm độc. Với giọng nói Nghệ tỉnh, quê hương của Hồ, rất khó nghe, hắn ta dùng rất nhiều thơ của Hồ Chí Minh để thêm vào bài nói chuyện. Nhưng tựu trung thì bài nói chuyện của Thùy là nói đến sự quan tâm của “Đảng và Nhà Nước” đối với việc cải tạo của những người có tội với nhân dân. Chúng tôi được đưa đến đây là để được gần với trung ương, có điều kiện thuận lợi hơn trong việc cải tạo. Chúng tôi sẽ có điều kiện để lao động và học tập! Và rồi để kết luận, hắn lại bảo rằng ai tiến bộ trước sẽ được về trước. Chúng tôi đã nghe nói đi nói lại điều này ở mọi trại cải tạo rồi, chẳng có gì mới mẻ cả!
Chương 25. Cuộc Tuyệt Thực
Ngày chúa nhật 24 tháng 7 năm 1977, những sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi diễn tiến như thường lệ sau khi cửa phòng giam được hai cán bộ đến mở ra, một cán bộ vũ trang và cán bộ trực trại. Trong lúc tôi cùng Tuân, Hạnh và Lộc đang ngồi uống trà tại chổ nằm thì nghe tiếng ồn ào ở ngoài sân. Một nhóm trại viên la hò cổ võ cho việc đánh nhau. Vài thanh niên trong nhóm “Phục Quốc” đánh Thượng, một trại viên thuộc nhóm “tình báo”. Chúng bảo rằng Thượng có thái độ rất là hèn hạ khi nói chuyện với cán bộ trực trại mà lại khoanh tay lại. Kết quả của trận đánh ấy là tay của Thượng bị gãy! Tôi thì không thấy thái độ của Thượng sáng nay ra thế nào, và cũng không biết Thượng có phải là ăn ten hay không dù anh ấy đã ở cùng trại với tôi ngay từ lúc đầu. Thượng không phải là bạn thân của tôi, và anh ta chỉ là một trại viên bình thường như nhiều trại viên khác chọn thái độ “nín thở qua sông” để sống trong trại. Nếu quả thật anh ta có khoanh tay khi nói chuyện với cán bộ trực trại thì tôi nghĩ đó cũng chỉ là một thói quen khi thời tiết miền bắc đang lạnh mà thôi. Những thanh niên “Phục Quốc” là những người yêu nước, tôi không phủ nhận điều này, nhưng họ còn quá trẻ để hiểu biết mọi việc. Sự chống đối VC lại đổ lên đầu của Thượng, đó là một điều rất bất công.
Các cán bộ và ban thi đua vào mang Thượng đi bệnh xá và đóng cửa ở các bức tường ngăn cách các nhà với nhau trong khu A. Trại viên bắt đầu tập họp trong các phòng giam, và tôi nghe giọng đồng ca bản nhạc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” vang lên từ nhà số 2, đó là bài ca tâm lý chiến thường được hát trong những dịp tranh đấu. Vài trại viên từ phòng 2 sang yêu cầu Uyển và Bình tham gia vào. Trong phòng 1 nơi tôi đang ở có khoảng một trăm trại viên chia làm hai đội: đội một và đội hai. Uyển, trại viên từ khu D của trại Thủ Đức làm đội trưởng đội 1 và Bình từ khu C của trại Thủ Đức là đội trưởng đội 2. Ngoại trừ những trại viên đang tắm giặt ở hồ nước, các trại viên còn lại trong phong đều tụ họp nhau và bắt đầu ca nhạc vàng và nhạc tranh đấu.
Khoảng mười giờ, bốn cán bộ vũ trang đi cùng cán bộ trực trại vào khu A để dẫn vài trại viên lên hội trường. Đó là những người đã đánh Thượng vào sáng nay như Tri, Long, Bình, Dũng, và vài người khác mà tôi không nhớ tên. Sau một lúc thì họ thả Long và Dũng về, số còn lại thì đưa đi K1 để biệt giam. Vài người sau này đã chết ở đó, số còn sống thì cũng rất tang thương.
Bửa ăn trưa được các phạm nhân hình sự mang đến phòng ăn như thường lệ, nhưng tôi nghe ai đó ra lệnh không được ăn. Tôi không biết ai đã ra lệnh này, và chẳng trại viên nào dám đi vào phòng ăn vì ai cũng sợ bị đánh như Thượng sáng này! Có lẽ đó là lần đầu tiên mà VC chứng kiến cảnh ấy trong trại. Những cán bộ vũ trang đi chung quanh khu A nhưng không vào trong. Cán bộ trực trại thì vào hỏi Uyển về tình hình đang diễn biến. Vài người lên tiếng yêu cầu thả những người bạn của họ trước khi họ ăn cơm. Cuộc tuyệt thực bắt đầu!
Bài ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” được lập đi lập lại nhiều lần và bắt nhịp bởi những tiếng vỗ tay tạo nên một nhịp điệu kích động. “Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người…Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian!” Cái không khí quen thuộc này tôi đã từng nhìn thấy trong những buổi xuống đường của sinh viên được giật dây bởi VC trước kia nay lại đang diễn ra trong một trại cải tạo của VC. Quả là gậy ông đập lưng ông! Ngay cả những bài như “Dậy Mà Đi” hoặc “Tự Nguyện” của VC cũng đã trở thành một vũ khí tranh đấu chống lại chúng. “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại, ai nên khôn mà không khốn một lần”, hoặc “Nếu là người, tôi xin chết cho quê hương”. Những lời ca này lại trở thành đúng lúc hơn lúc nào hết.
Tuân, Hạnh, Lộc và tôi ngồi tại chỗ của chúng tôi để uống trà tham gia cuộc tuyệt thực! Bữa ăn chiều không được mang vào và phần ăn trưa thì vẫn nằm nguyên trong nhà ăn. Vào khoảng 6 giờ chiều, cán bộ trực trại và cán bộ vũ trang vào điểm buồng giam như thường lệ. Chúng tôi không đứng ngoài sân để điểm mà ngồi tại chỗ để đếm số thứ tự. Nhạc vàng và nhạc tranh đấu lại được cất lên cho đến nửa đêm mặc dù đèn điện đã tắt sớm hơn mọi ngày. Chúng tôi thay phiên nhau hát. Tôi không thuộc nhiều nhạc, do đó tôi đã ca một bản nhạc tiền chiến tên là “Ghen”. Đó chỉ là bản tình ca. Khoảng nửa đêm, chúng tôi chui vào mùng ngủ vì muỗi quá nhiều. Tôi chìm vào giấc ngủ mệt mỏi với cái dạ dày trống rỗng.
Cuộc tuyệt thực bắt đầu một cách ồn ào và rồi chấm dứt trong lặng lẽ.
Cộng Sản đã cô lập chúng tôi mà không cần cấm đoán những gì mà chúng tôi muốn làm trong vòng rào khu A. Không có một hậu thuẫn nào để làm chổ dựa, không có một tổ chức nào để hướng dẩn, cuộc tranh đấu trông giống như một ngọn lửa nhỏ, bạo phát bạo tàn! Họ chẳng cần đàn áp cuộc chống đối; nó tự tàn lụi lấy. Tôi đã biết trước như vậy và đang chờ đợi những hành động trả đũa của VC tiếp theo sau.
Sáng hôm sau, cán bộ đến để điểm buồng, trại viên ra khỏi phòng giam, nhưng có thêm vài cán bộ vũ trang đi kèm với cán bộ trực trại. Không ai nhắc nhở gì đến cuộc tuyệt thực hôm trước có tiếp tục hay không. Một ngày không ăn và một đêm thức khuya đã khiến mọi người đều đói và mệt. Khi bữa ăn trưa được mang vào nhà ăn, mọi người đều đặt đồ đựng chung quanh và trại viên trực chia phần cho mỗi người như thường lệ. Cuộc tuyệt thực đã chấm dứt một cách dễ dàng giống như khi nó bắt đầu! Vài người cũng còn tụ tập để hát nhạc vàng, nhưng không còn quy tụ được đông như trước đó. Sau một đêm, tôi nghĩ chắc ai cũng nhận ra được tình trạng nguy hiểm của mình ở trong trại khi không có được một sự hậu thuẫn nào. VC chưa làm gì cả, nhưng tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra sau này đây. Tôi nghĩ chắc là họ không dễ dàng bỏ qua đâu. Có lẽ họ đã học được bài học diễn ra khi đưa những trại viên đánh Thượng đi, và họ đợi sự kiện lắng dịu lại.
Những trại viên nổi tiếng trong cuộc tuyệt thực đều bị trừng phạt về sau bằng cách này hay cách khác. Một số đã chết trong những phân trại khác và một số lại trở thành ăn- ten còn tồi tệ hơn những người khác !
Chương 26. Lao Động Là Vinh Quang
Cái gọi là “Bốn Tiêu Chuẩn Cải Tạo” gồm bốn điều quy định mà mọi trại viên phải thực hiện để được coi là có tiến bộ. Điều quan trọng nhất là nhận tội và khai báo tội lỗi của người khác mà mình biết dù họ đã bị bắt vào trong trại hay vẫn còn ở ngoài xã hội. Tôi không thể nhớ từng chữ của bản văn, nhưng tựu chung nội dung như sau:
1. Thành thật thú hết tội lỗi còn dấu diếm hay chưa nói hết. Thật thà tố cáo tội lỗi của đồng bọn và bọn phản cách mạng mà mình biết được dù chúng đã bị bắt vào trong trại hay còn ở ngoài xã hội.
2. Tích cực học tập cải tạo; có trách nhiệm giúp đở các trại viên khác trong việc cải tạo.
3. Chấp hành nội quy của trại. Không được có lời nói phản tuyên truyền hoặc hành động phá hoại.
4. Tự nguyện tự giác lao động, tích cực học tập cải tạo. Đề xuất được những sáng kiến tốt trong việc quản lý và giáo dục phạm nhân, đẩy mạnh sản xuất của trại.
Nội quy của trại gồm 36 điều chia làm 4 phần: phần tổng quát, kỷ luật về học tập, về nếp sống, và về lao động.
Mười chín điều về “kỷ luật lao động” và hai mươi điều về cái gọi là “nếp sống văn hóa mới” được phát triển một cách chi tiết từ bản nội quy.
Cái quan trọng nhất là bốn tiêu chuẩn cải tạo và nó được kẻ khắp mọi nơi trong trại. Các cán bộ cũng thường bảo rằng việc trở về xã hội của trại viên là tùy theo mức độ mà người ấy thực hiện được qua 4 tiêu chuẩn này. Điều đó đã khiến nhiều trại viên bị lẩn lộn giữa sự tiến bộ và sự tự trọng bởi vì nếu muốn làm theo những tiêu chuẩn ấy thì người trại viên phải làm những điều đi ngược lại quyền lợi của người khác. Quả là một chiến thuật nguy hiễm của VC để chia rẽ trại viên với nhau để điều hành trại! Trong hoàn cảnh ấy thì ai mà không muốn được ra khỏi trại? Trại viên không còn tin tưởng nhau, và điều này giúp Cộng Sản điều hành trại được dễ dàng hơn.
Vài ngày sau khi xảy ra vụ tuyệt thực, tình hình trong trại càng lúc càng lắng dịu hơn. Vào ngày thứ hai một tuần sau đó, một cán bộ vào phòng giam của chúng tôi gọi Uyển và Bình, hai đội trưởng trong phòng, cho mười trại viên đi với hắn để lấy “xe cải tiến” cho việc lao động vào hôm sau! Xe cải tiến là cái gì? Chúng tôi hỏi nhau.
Tôi theo nhóm để lấy xe cải tiến. Tên cán bộ giải thích rằng “xe cải tiến” là phương tiện để giải phóng đôi vai vì chúng ta dùng nó thay vì gánh nặng bằng vai. Thật là một cách giải thích kỳ khôi! Nhưng chúng tôi cũng không hiểu được cái từ “cải tiến” là thế nào. Cái gì đã cải tiến trong chiếc xe? Một cái máy gắn vào hay cái gì khác?
Chúng tôi, mười trại viên mặc bộ đồng phục tù với cái nón cối bằng lá cọ trông rất kỳ khôi đi theo tên cán bộ. Qua cổng trại, tên cán bộ bảo chúng tôi phải bỏ mũ nón ra; chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên. Không nói lời nào, nhưng trong thâm tâm chúng tôi cảm thấy tôi nghiệp cho cái thân của kẽ chiến bại.
Trời cuối tháng tư, thời tiết miền Bắc vẫn còn se lạnh. Chúng tôi đi trên con đường đất sét nhầy nhụa dọc theo bức tường gạch phía trước trại. Những hình vẽ một cách vụng về trên tường diễn tả các hoạt động của trại viên. Những bông hoa soan màu tím nhạt rụng đầy trên mặt đất, và những chồi non đang trồi ra khỏi cành cây trơ trụi. Dân chúng gọi đó là cây “sầu đông” vì đó là loại cây duy nhất ở miền Bắc bị rụng hết lá về mùa Đông.
Cái gọi là “xe cải tiến” là chiếc xe kéo có một cái thùng bằng gỗ dài khoảng một thước rưỡi rộng một thước và cao khoảng năm tấc với hai bánh xe bằng sắt bọc cao su gắn phía dưới. Hai càng xe bằng gỗ được gắn vào cái thùng ấy để kéo đi. Chúng tôi kéo năm cái xe trên con đường đất sét bên cạnh hàng rào trại nằm gần bên suối A-Mai đi từ bộ chỉ huy trại đến lò gạch.
Suối A-Mai lúc ấy đang cạn nước. Bờ suối chạy dài ra xa. A-Mai là con suối nhỏ chảy vào một nhánh của sông Hồng, do đó dòng suối cũng lên xuống theo sự lên xuống của dòng sông Hồng. Trong mùa mưa, nước sông Hồng lên rất cao, và đôi khi làm vỡ đê gây ngập lụt cho đồng bằng Bắc Việt. Tên cán bộ cho biết nước suối A-Mai từng lên tới tận con đường và chảy rất mạnh trong những ngày mưa lớn.
Phân trại K3 hiện ra ở phía xa xa bên kia bờ suối. Phương tiện duy nhất để đi từ K5 qua K3 là chiếc mảng tre do một phạm nhân lái. Một sợi dây cáp bằng thép nối liền hai cột xi măng ở hai bên bờ suối, và chiếc mảng được nối với sợi cáp bằng một cái ròng rọc. Người lái mảng chống sào để đưa chiếc mảng đi từ bờ này qua bờ kia. Có một con đường mòn từ con đường đất sét xuống tới bến mảng. Bên mặt của con đường đất sét, tôi nhìn thấy một vài cái nhà lá mà cán bộ cho biết đó là “nhà lô” cho những trại viên làm mộc. Cánh đồng phía sau trại hoàn toàn hoang vu với cỏ cao và bụi rậm.
Cách trại khoảng hơn một cây số, lò gạch vươn lên cao từ xa với tường bằng đất và mái lợp tôn rỉ. Khu đất quanh lò gạch bị đào bới trông giống như một thành phố cổ đang bị đào bới để tìm di tích. Một cái sân phẳng nằm bên cạnh dùng làm nơi đóng gạch.
Chúng tôi kéo xe vào trong một cái chòi bên cạnh lò gạch, nơi ở của cán bộ. Hắn ta nói với Uyển rằng ngày mai sẽ vào để dẩn đội đi lao động ngày đầu tiên và rồi hắn đưa chúng tôi về trại.
Đến gần suối chổ quẹo vào trại gần máy bơm nước, tên cán bộ bảo rằng để “bồi dưỡng” cho việc làm của chúng tôi, hắn cho phép chúng tôi được tắm giặt trong mười lăm phút. Chúng tôi chạy thẳng xuống suối, cởi quần áo và tắm giặt một cách vội vả. Lúc ấy đã gần trưa, nhưng cũng còn hơi lạnh. Chúng tôi phải mặc áo quần ướt đi về trại.
Không chỉ có chúng tôi, những người đi lãnh xe, mà tất cả mọi trại viên trong trại đều thắc mắc về chữ “cải tiến”. Khi nghe chúng tôi mô tả hình dạng của chiếc xe cải tiến, tất cả đều bật cười. Kể từ lúc ấy, hai từ “cải tiến” hay “cải thiện” đều trở thành một sự diễu cợt: xe cải tiến, thức ăn cải thiện, quần áo cải tiến, vân vân. Chúng tôi dùng từ “cải thiện linh tinh” để chỉ những người gặp cái gì thu nhặt cái đó, và nó đã trở nên một từ rất thông dụng trong trại cải tạo.
Trại viên sẵn sàng để đi lao động vào những ngày tiếp theo. Chúng tôi đã được cho biết rằng chúng tôi được “Đảng và Nhà Nước” đưa ra đây là để có điều kiện thuận tiện cho việc lao động cải tạo. Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi phải làm việc và làm việc cực nhọc.
Một thành ngữ tốt để thay cho “lao động cưởng bức”: “Lao động là vinh quang!” Cái thành ngữ này đã trở nên quá quen thuộc đối với mọi người trong nước kể từ ngày Cộng Sản vào. Không chỉ chúng tôi trong trại mới biết mà mọi người dân đều biết rằng “lao động là vinh quang”. Những người Cộng Sản bảo rằng thông qua quá trình lao động, nhân loại đã được phát triển từ vượn người để biến thành con người, và cũng thông qua lao động dân chúng sẽ cung cấp tài sản cho xã hội. Sự phát triển của xã hội tùy thuộc vào sự lao động của nhân dân, do đó mọi người trong xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa phải lao động cho chính mình và cho xã hội.
Trong cải tạo, lao động là thước đo sự tiến bộ của mỗi trại viên, họ bảo rằng đó là việc cải tạo thông qua lao động. Tôi nghĩ mọi thứ giải thích đều nhằm mục đích bắt buộc mọi người phải làm việc! Nhưng trong tình trạng ấy thì chúng tôi làm gì khác được ngoài việc phải làm những điều mà VC bảo chúng tôi làm? Chống lại lệnh chúng là chết sớm mà thôi. Cách duy nhất là phải chấp nhận hoàn cảnh để tìm cách sinh tồn. Mỗi khi tránh được việc lao động, chúng tôi thường đùa với nhau rằng “lao động là vinh quang, nhưng ở không là huy hoàng!”
Tiếng kẽng đánh thức chúng tôi dậy như thường lệ. Sau khi điểm số trại viên, cán bộ trực trại bảo chúng tôi cho người đi nhà bếp lảnh phần ăn sáng rồi chuẩn bị đi lao động. Đó là lần đầu chúng tôi lảnh phần ăn sáng ở trại Tân Lập, một muỗng canh (gọi là cái muôi) bo bo luộc rất khó nhai vì cái vỏ cứng của hạt bo bo. Ngoại trừ vài người thật sự bệnh và được bệnh xá cho phép nghỉ hay những người trực vệ sinh buồng, mọi người đều phải xếp hàng đi ra sân tập họp phía sau cổng trại. Đã có một hàng cọc với những bảng nhỏ đề tên đội cắm sẳn ở đó. Trại viên ngồi xổm thành hai hàng theo từng đội. Có cả hai đội của phạm nhân hình sự ngồi phía bên phải của bãi tập họp. Họ trông bẩn thỉu và ốm yếu với quần áo bạc màu và tả tơi. Nhìn họ rồi nghĩ lại mình, tôi bỗng rùng mình! Bộ đồ tù này có thể chịu đựng được bao lâu, và riêng tôi thì có thể chịu đựng được bao lâu trong hoàn cảnh này?
Một cán bộ mặc sắc phục với quân hàm thượng úy -ba sao với một gạch- tự giới thiệu là trại phó đặc trách K5 tên là Bảng sẽ có vài lời nhân buổi lao động đầu tiên của chúng tôi. Chẳng có gì mới! Chúng tôi, những tội phạm của Nhà Nước và Nhân dân phải cải tạo tội lỗi của chúng tôi. Đảng và Nhà Nước đưa chúng tôi đến trại này là để có điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo. Để được trở về với gia đình và xã hội, chúng tôi phải đạt được cái gọi là “tiến bộ”. Có ba điểm chính trong việc cải tạo để đạt được sự tiến bộ, đó là học tập, lao động và chấp hành nội quy của trại. Trong ba điều ấy thì lao động là điều quan trọng nhất. Chúng tôi phải cố gắng tối đa trong lao động vì lao động là thước đo mức độ tiến bộ của mỗi người! Giống như các cán bộ khác, Bảng lập lại những gì mà hắn đã được nhồi nhét vào đầu.
Bảng khoảng trung tuần bốn mươi, giọng nói Nam Định với chử “l” và “n” lẫn lộn với nhau chứng tỏ nguồn gốc bần nông của hắn, một giai cấp chính của VC. Tôi đã nghe nói rằng để được gia nhập Công An của Cộng Sản thì người nào cũng phải có ít nhất là ba đời thuộc giai cấp bần nông. Cộng Sản bảo rằng người trong giai cấp ấy không có gì phải mất ngoài cái quần đùi rách, khi chiến thắng thì họ sẽ được tất cả. Quả là một lý do vững chắc để gia nhập “Cách mạng”! Tiểu tư sản trí thức và tư sản là những giai cấp không trung thành với Đảng, chỉ có bần nông và công nhân là giai cấp trung thành nhất.
Nhiều cán bộ đi vào trại sau khi Bảng chấm dứt bài diễn văn. Họ là những “cán bộ quản giáo” hay còn gọi là “ban quản giáo” phụ trách các đội lao động.
Cán bộ trực trại gọi từng đội đi lao động. Đầu tiên là những đội hình sự và rồi đến phiên chúng tôi theo thứ tự từng đội từ 1 đến 8. Khi một đội được gọi đến, đội trưởng phải đứng lên và la lớn: “tất cả đứng dậy”, “bỏ mũ nón” và rồi “đứng nghiêm”. Khi đội đã đứng yên, đội trưởng quay lại đối diện với cán bộ trực trại và báo tổng số trại viên trong đội mình, số trại viên ốm bệnh, số ở trong trại với những lý do, và tổng số trại viên xuất trại đi lao động. Trại viên đi theo hàng đôi qua cổng trại với mũ nón cầm ngửa ra hai bên. Các trại viên phía bên phải cầm nón ở tay phải và bên trái cầm nón ở tay trái. Họ bảo rằng làm thế là để dễ quan sát coi có gì dấu trong nón hay không, nhưng tôi thì nghĩ họ muốn trại viên phải có thái độ phục tùng. Một hàng cán bộ vũ trang đợi chúng tôi bên ngoài trại. Cán bộ quản giáo đi cùng với trại viên còn hai cán bộ vũ trang -còn gọi là cán bộ bảo vệ- đi phía sau.
Trong những ngày đầu tiên này, chúng tôi được chia ra thành tám đội với những công việc làm như sau:
- Đội 1 và 2 gọi là đội gạch có nhiệm vụ làm gạch.
- Đội 3 gọi là đội rau xanh có nhiệm vụ trồng rau.
- Đội 4 gọi là đội xây dựng có nhiệm vụ sửa chữa nhà cho trại và cơ quan.
- Đội 5, 6, 7 và 8 gọi là các đội nông nghiệp có nhiệm vụ làm trên những cánh đồng quanh trại.
Ngoài các đội của chúng tôi còn có các tội nhân hình sự làm trong những đội như “đội chăn nuôi” chuyên nuôi heo, bò, gà vịt, đội “lâm sản” chuyên đi lấy củi, và đội “nhà bếp” chuyên nấu trong bếp. Một số phạm nhân hình sự khác thì làm trong những bộ phận lẻ gọi là “diện rộng”, đi lao động không có cán bộ đi kèm, và làm việc riêng cho các cán bộ hay cho cơ quan.
Chúng tôi im lặng bước đi trên con đường mà tôi đã đi ngày hôm qua để đến lò gạch. Chúng tôi thuộc đội 1, do đó đội chúng tôi là “đội gạch”. Có hai đội làm ở lò gạch là đội 1 chuẩn bị đất và đội 2 đóng gạch. Công việc của chúng tôi là đào đất, gánh nước từ suối lên đổ vào đất, quần trâu để nhào đất, và khiêng đất lên sân cho đội 2 đóng gạch.
Trong mùa nắng, đất sét trộn cát rất cứng. Để đào đất ấy, chúng tôi phải dùng cuốc và xà beng chứ không thể dùng xẻng. Đất được đào khu chung quanh và chuyển đến một cái hố nhỏ ở chính giữa bằng xe cải tiến. Việc nặng nhọc nhất là gánh nước từ suối lên, khoảng cách chừng năm trăm thước. Chúng tôi phải gánh đôi nước khoảng bốn mươi lít trên vai và đi trên một con đường gồ ghề. Cái lỗ để trộn đất sâu khoảng hai thước phía dưới mặt đất, chúng tôi phải làm những bậc thang để gánh nước xuống và khiêng đất lên cho đội 2. Vài trại viên đã đan những cái ky bằng tre cho hai người khiêng đất, đó là những thanh tre được đan vào nhau với hai đòn để cầm. Đội chúng tôi được chia làm ba tổ để thay phiên làm những việc như gánh nước, làm đất, và khiêng đất lên sân đóng. Thật là một công việc nặng nhọc nhất là dưới ánh nắng bởi vì nếu trời mưa thì không thể đóng gạch được.
Sau khi đất và nước đã đủ trong lỗ, hai trại viên dẫn hai con trâu vào để lùa chúng đi quanh lỗ đất ấy. Chân trâu đạp lên đất để trộn đất với nước cho đến khi đồng nhất. Nếu chỗ nào không được thì chúng tôi phải đạp cho đất được hoàn toàn. Họ gọi công việc này là “quầng trâu”.
Đống đất đã được nhào cho đồng nhất xong thì chúng tôi phải dùng cuốc xẻng để trộn lần cuối và đánh thành đống để chuẩn bị khiêng lên chổ đóng gạch. Công việc này được gọi là “lên quả”.
Khi vừa ra tới lò gạch thì tên cán bộ quản giáo bảo tôi chẻ lạt tre cho những người khác đan ky khiêng đất. Tôi không biết làm sao nên đã chẻ tre thành thanh thay vì thành sợi lạt. Tên cán bộ không nói gì với tôi mà bảo tôi đi làm đất thay vì chẻ lạt. Vào giờ trưa, hắn tập họp đội lại và đưa tôi ra làm một thí dụ điển hình về một người không hề biết lao động là gì mà trong chế độ cũ chỉ biết ăn bám vào công sức lao động của người khác! Tối hôm ấy trong phòng giam, chúng tôi phải họp để phê và tự phê, và rồi tôi lại được đưa ra để làm đề tài phê bình cho đến khi tôi phải nhận khuyết điểm. Cuối cùng thì tôi phải nói rằng tôi không hề biết gì về lao động tay chân bởi vì lúc nhỏ tôi chỉ đi học và khi lớn lên tôi chỉ làm việc trí óc chứ chưa hề làm việc tay chân. Tôi hứa sẽ cố gắng tích cực hơn trong thời gian tới để theo kịp những người khác. Kể từ hôm ấy trở đi, chúng tôi phải đi lao động từ sáng đến chiều và tối lại thì phải ngồi họp để kiểm điểm những việc làm trong ngày cho đến khi nghe tiếng kẽng đánh báo ngủ.
Đóng gạch cũng chẳng khỏe hơn làm đất. Chúng tôi phải ngồi xổm trên sân suốt ngày dưới ánh nắng. Đất mang lên sân được chất thành những đống nhỏ, người đóng gạch phải dùng cái khung bằng gỗ đè vào đống đất để lấy đất và đập xuống sân, kéo viên gạch sắp thành hàng và lấy cái khung ra để làm viên gạch khác. Điều này tưởng chừng như dễ dàng, nhưng dưới ánh nắng và suốt ngày phải ngồi xổm, bò từ nơi này đến nơi khác khiến mọi người đều bị đau lưng, đau hông, và đau vai. Thêm vào đó còn phải làm cho đủ tiêu chuẩn mà tiêu chuẩn ấy thì cứ tăng lên hàng ngày.
Giữa hai công việc đóng gạch và làm đất thì tôi chọn công việc sau mặc dù có nặng hơn nhưng tôi có thể di chuyển được chứ không phải ngồi xổm suốt ngày. Đội của chúng tôi và đội 2 thay phiên nhau làm hai việc này. May mắn cho tôi là tôi chỉ làm đội gạch khoảng một tháng thì được đổi sang đội làm mộc. Tôi không biết tôi có thể chịu đựng bao lâu nếu cứ ở đội làm gạch? Lao động quả thật là vinh quang, đặc biệt là lao động cưỡng bức! Trong trại, chúng tôi luôn luôn phải biết cái thành ngữ “tự nguyện và tự giác lao động”, nhưng nếu chúng tôi không tự nguyện thì họ buộc chúng tôi phải lao động hoặc là xử phạt chúng tôi bằng mọi cách!
( Hết chương 20 – 26 . Xin xem tiếp chương 27 – 33. )
Liên lạc tác giả KALE: thongtinlls3@gmail.com
Preview by Yahoo
|
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire