Học tiếng Việt không khó cũng không dễ
Với câu hỏi: "Học tiếng Việt có khó không?", người nước ngoài học tiếng Việt thường được các sách học Tiếng Việt thực hành "mớm" cho câu trả lời: "Học tiếng Việt không khó cũng không dễ". Quả là như vậy! Chúng tôi muốn phân tích các đặc trưng ngôn ngữ Việt để lần lượt lý giải tại sao "Học tiếng Việt không khó" và "Học tiếng Việt cũng không dễ".
1. Những đặc trưng ngôn ngữ Việt khiến việc học tiếng Việt không khó
1.1. Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập không biến đổi hình thái.
Các ngôn ngữ trên thế giới được chia ra làm 4 kiểu loại hình: loại hình ngôn ngữ hòa kết (khuất chiết), loại hình chắp dính (niêm kết), loại hình hỗn nhập (đa tổng hợp) và loại hình ngôn ngữ đơn lập. Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Đặc điểm loại hình này thể hiện ở tất cả các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
1.1.1. Về ngữ âm:
1.1.1.1. Trong tiếng Việt, có một loại đơn vị xưa nay ta thường quen gọi là “tiếng”, “tiếng một” hay là “chữ”, ví dụ: đi, học, ăn, nói, và, nhưng, đã, đang, thiên, sơn, bất... Gọi loại đơn vị này là “tiếng” tức là căn cứ vào ngữ âm (mặt nghe được), gọi là “chữ” tức là căn cứ vào văn tự (mặt thấy được). Cái thấy được là ký hiệu để ghi lại cái nghe được.
a) Về phương diện phát âm của tiếng, mỗi tiếng bao giờ cũng phát ra bằng một hơi, tương ứng với một đợt căng cơ thịt bộ máy phát âm, tương ứng với một lần tăng - giảm độ vang, và mang một thanh điệu nhất định - “tiếng” tức là âm tiết.
b) Về mặt chữ viết, từ chữ Nôm trước kia cho đến chữ Quốc ngữ hiện nay, mỗi tiếng bao giờ cũng viết rời ra thành từng chữ một. Đối với người học tiếng Việt, khi đứng trước một câu văn hay câu thơ, muốn xác định có bao nhiêu tiếng là điều không khó. Sự tương ứng giữa tiếng và chữ khiến cho việc học tiếng Việt dễ dàng hơn.
c) Về phương diện âm vị học của tiếng, h ệ thống âm vị tiếng Việt phong phú và có tính cân đối, tạo ra tiềm năng to lớn của ngữ âm tiếng Việt trong việc thể hiện các đơn vị có nghĩa. Tiếng Việt có 5 hệ thống âm vị (chứ không phải là 2 như ngôn ngữ Ấn - Âu), tương ứng với 5 thành tố trong âm tiết tiếng Việt: âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và thanh điệu. Số lượng âm vị nhiều hơn không làm cho cấu trúc âm tiết tiếng Việt phức tạp hơn mà ngược lại, do vị trí và chức năng của các thành tố trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt mang tính ổn định cao, nên cấu trúc nội bộ của âm tiết tiếng Việt rất rõ ràng. Cấu trúc ổn định, rõ ràng này khiến cho việc dạy cho người học tiếng Việt tập đánh vần, ghép vần, nhận diện một âm tiết (tiếng) rất dễ dàng.
1.1.1.2. Đặc điểm cấu tạo ngữ âm của âm tiết tiếng Việt (tiếng) cũng là cơ sở để tạo nên nhạc điệu cho câu thơ, câu văn xuôi tiếng Việt. Khi tạo câu, tạo lời, người Việt rất chú ý đến sự hài hòa về ngữ âm, tạo nên một sự trầm bổng, nhịp nhàng. Sự phối hợp của âm đầu, vần và đặc biệt là thanh điệu của các âm tiết trong câu làm cho câu văn êm ái là một tác dụng quan trọng về hình thức của các thành tố trong âm tiết. Quan trọng hơn nữa là sự phối hợp ngữ âm (mà cụ thể là vần và nhịp) còn tạo nên một tác dụng nhất định về nghĩa trong một hoàn cảnh nhất định. Những nét đặc sắc về ngữ âm của tiếng Việt đã được người Việt không ngừng khai thác trong quá trình sử dụng. Nếu khai thác được mặt này, người học tiếng Việt có thể không chỉ nói đúng mà còn nói hay nữa.
1.1.2. Về từ vựng và ngữ pháp:
1.1.2.1. Đơn vị cơ sở để cấu tạo từ là hình vị. Trong các ngôn ngữ biến hình, hình vị có thể chia thành căn tố và phụ tố. Từ của tiếng Việt, trong cấu tạo, không có căn tố và phụ tố. Tài liệu vật chất trực tiếp hay là đơn vị cơ sở của cấu tạo từ Việt là tiếng, tức là những âm tiết được sử dụng trong thực tiễn ngôn ngữ Việt. Đối với người Việt, tiếng là đơn vị dễ nhận biết nhất.
- Tiếng là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất: âm tiết.
- Tiếng là đơn vị nhỏ nhất mang nghĩa: hình vị.
Tiếng là đơn vị hiển nhiên trong khi nói và viết (khi viết, người ta viết rời từng tiếng - chữ). So với từ, tiếng là đơn vị cơ bản hơn, tồn tại một cách thực hơn trong đầu óc người Việt. Về ngữ pháp, “tiếng” cũng được xem là đơn vị cơ sở của ngữ pháp học. “Tiếng” là điểm mốc đầu tiên từ đấy bắt đầu quá trình tổng hợp và là cái điểm mốc cuối cùng đến đấy chấm dứt quá trình phân tích của ngữ pháp học. Trong ngôn ngữ Việt, “tiếng” trùng với âm tiết, trùng với hình vị nên còn được gọi là hình tiết hay từ tố. So sánh với ngôn ngữ Ấn - Âu, đơn vị cơ sở của ngữ pháp học là: từ. Nó là cái đơn vị tự nhiên mà người bản ngữ dễ nhận thức được. Hình vị ở các ngôn ngữ đó, trái lại, là một loại đơn vị ẩn, chỉ những người có kiến thức ngữ văn nhất định mới có khả năng phát hiện ra bằng phương pháp phân tích từ về mặt ngữ pháp học.
1.1.2.2. Trong hoạt động ngôn ngữ tiếng Việt, từ không biến đổi hình thái, tức là chúng không đòi hỏi ở nhau sự hợp dạng như trong các ngôn ngữ hòa kết. So sánh: “Tôi yêu anh ấy” và“Anh ấy yêu tôi”.Các từ tôi, anh ấy làm chủ ngữ hay bổ ngữ đều không biến đổi hình thái; động từ cũng không biến đổi theo ngôi, số của chủ ngữ. Trong khi đó ở tiếng Anh thì phải có sự biến đổi: “I love him”. và “He loves me”.
1.1.2.3. Trong tiếng Việt, việc sắp xếp các từ theo một trật tự nhất định là cách chủ yếu để biểu thị các quan hệ cú pháp. Nhờ trật tự từ mà bản chất ngữ pháp của “tốt bụng” khác với “bụng tốt”, “chăm học” khác với “học chăm” ...; tổ hợp “Nam đang cười” khác với “đang cười Nam”. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã thành công khi sử dụng cách thay đổi trật tự từ như là một thủ pháp nghệ thuật:
“Người tôi yêu đã đi xa
Người yêu tôi lại ở nhà... chán không!”
Ở phạm vị câu, trật tự thuận: chủ ngữ đứng trước, vị ngữ đứng sau là trật tự phổ biến của kết cấu chủ vị trong câu tiếng Việt.
1.1.2.4. Do đặc điểm của loại hình ngôn ngữ đơn lập, khác với ngôn ngữ biến hình, khi xét từ tiếng Việt về mặt cấu tạo, cần thiết vạch ra sự đối lập giữa từ đơn tiết và từ đa tiết - căn cứ vào số lượng tiếng.
Trong khi phương thức cấu tạo từ chủ yếu trong ngôn ngữ Ấn Âu là phương thức phụ gia: phương thức gắn một phụ tố vào một căn tố hoặc một thân từ để tạo nên từ mới. Ví dụ: teach + er Þ teacher ; im + polite Þ impolite thì phương thức cấu tạo từ chủ yếu trong tiếng Việt là phương thức ghép và phương thức láy. Đây là những phương pháp rất dễ nhận diện. Có thể ghép tiếng với tiếng để tạo từ mới. Ví dụ: xe + đạp Þ xe đạp; nhà + cửa Þ nhà cửa ... Hay láy lại một bộ phận của tiếng để tạo từ mới. Ví dụ: sạch Þ sạch sẽ, nhỏ Þ nho nhỏ, mờ Þ lờ mờ ...
1.2. Chữ viết của tiếng Việt là thứ chữ ghi âm vị - loại hình chữ viết tiên tiến nhất trên thế giới.
Chữ viết là kí hiệu ghi lại ngôn ngữ. Ngôn ngữ có hai mặt: ngữ âm và ý nghĩa. Vì vậy, cũng có hai loại chữ viết khác nhau là chữ ghi ý và chữ ghi âm.
Chữ ghi ý là chữ viết cổ nhất của loài người. Chữ ghi ý là loại chữ viết mà mỗi một chữ biểu thị nội dung ý nghĩa của một từ. Trong loại chữ này, từ được biểu thị bằng một kí hiệu duy nhất không có liên quan gì đến những âm thanh cấu tạo nên từ. Nhược điểm cơ bản của chữ ghi ý là mỗi chữ biểu thị một từ trọn vẹn, cho nên số chữ sẽ phải rất nhiều.
Chữ ghi âm là loại chữ không biểu thị ý nghĩa của từ mà tái hiện chuỗi âm thanh nối tiếp ở trong từ. Chữ ghi âm cũng trải qua từng bước phát triển khác nhau. Thứ nhất là chữ ghi âm tiết - kiểu chữ mà mỗi kí hiệu biểu thị một âm tiết ở trong từ, ví dụ chữ Triều Tiên, chữ Nhật Bản hiện nay là chữ ghi âm tiết. So với chữ ghi ý, số lượng chữ ghi âm tiết ít hơn nhiều, nó tương ứng với số lượng âm tiết trong ngôn ngữ. Thứ hai là chữ ghi âm vị - thứ chữ gồm các con chữ ghi từng đơn vị ngữ âm nhỏ nhất, nghĩa là mỗi kí hiệu biểu thị một âm vị.
Chữ Việt Nam hiện nay - chữ Quốc ngữ - là hệ thống chữ viết ghi âm vị, xây dựng dựa trên cơ sở chữ cái Latinh. Giả sử không có thứ chữ ghi âm vị này thì việc học tiếng Việt, chữ Việt sẽ khó khăn gấp bội. Vẫn biết chữ Nôm đã có tác dụng tích cực đối với việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt, nó bảo vệ ngôn ngữ riêng của dân tộc ta, nó góp phần quyết định hình thành ngôn ngữ văn học, nó biểu hiện ý chí độc lập tự chủ của dân tộc... nhưng chữ Nôm có hạn chế như: cấu tạo rườm rà, rắc rối, cách viết không có qui định thống nhất.
Từ thế kỉ XX, chữ Quốc ngữ đã trở thành công cụ giao tiếp thuận lợi trong xã hội Việt Nam. Chữ Quốc ngữ đã góp phần làm cho tiếng Việt trở thành công cụ sắc bén trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, trong công cuộc xây dựng một xã hội văn minh. [7, tr.148]
Chữ Quốc ngữ tuân thủ các nguyên tắc ngữ âm học. Nó dùng một số kí hiệu nhất định mượn ở hệ thống chữ cái Latinh, có bổ sung một số dấu phụ để ghi các âm vị và thanh điệu tiếng Việt. So với chữ Nôm, một loại chữ ghi ý thì chữ Quốc ngữ đơn giản và tiện lợi hơn nhiều, đồng thời cũng là loại chữ tiến bộ nhất. Nó dễ học, dễ viết và có thể giúp người Việt dễ dàng tiếp thu các ngoại ngữ quan trọng cùng một hệ chữ Latinh.
2. Những đặc trưng ngôn ngữ Việt khiến việc học tiếng Việt cũng không dễ
2.1. Về ngữ âm, có một số đặc trưng ngữ âm tiếng Việt khiến việc học tiếng Việt là không dễ
2.1.1. Học phát âm:
Đối với người nước ngoài, cái khó nhất của việc học nói tiếng Việt là học phát âm đúng thanh điệu. Tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ có thanh điệu. Đối với người nói tiếng Anh, Pháp (các ngôn ngữ không thanh điệu), việc học thanh điệu tiếng Việt là rất khó nhưng ngay cả đối với người nói tiếng Trung Quốc, Lào (các ngôn ngữ có thanh điệu) thì việc nói đúng thanh điệu tiếng Việt cũng không dễ dàng. Lý do là tiếng Việt có đến 6 thanh điệu, trong khi tiếng Hán và Lào chỉ có 4 thanh và tính chất của các thanh điệu cũng không tương đương. Một sinh viên Lào nói với một bạn Việt Nam: “Hôm qua em bị ôm”. Người bạn hoảng hốt: “Em bị ôm ở đâu?”. Em sinh viên trả lời: ‘Dạ ở ký túc xá”. Người bạn hỏi: “Em đã báo bảo vệ chưa?”. Em sinh viên Lào trả lời: “Em đã đến bác sĩ rồi”. À, hoá ra em bị ốm chứ không phải bị ôm. Thanh điệu thật là quan trọng!
2.1.2. Cái khó thứ hai trên phương diện ngữ âm là việc ghi nhớ các yếu tố bất cập của chính tả tiếng Việt.
Tuy chữ Quốc ngữ là thuộc loại hình ngôn ngữ tiên tiến nhất hiện nay nhưng chúng ta cũng thấy rằng chữ Quốc ngữ là thứ chữ được đặt ra vào thời kì mà ngôn ngữ học chưa phát triển, đặc biệt là chưa có khoa âm vị học cho nên nó còn có một số điểm bất hợp lí. Cụ thể là:
- Không bảo đảm sự tương ứng một đối một giữa âm và chữ. Ví dụ: Âm vị / k / được ghi bằng một trong ba con chữ: c, k, q (cá, kể, quả); con chữ “g” lại dùng để ghi một trong hai âm vị / g , z / ( gà, gì, giếng ...)
- Có những nhóm hai ba con chữ dùng để ghi một âm vị đơn: gh, th, ph, ng, ngh...
Những nhược điểm này cũng ít nhiều gây khó khăn cho việc học tiếng Việt.
2.2. Về từ vựng, ngữ pháp:
2.2.1. Hiện tượng đồng âm trong tiếng Việt là khá phổ biến:
Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, không biến đổi hình thái. Số lượng vỏ âm thanh mà người Việt sử dụng làm vỏ ngữ âm cho hình vị tối đa chỉ có 4 vạn tiếng khác nhau [3, tr.46]. Vì thế, để khắc phục mâu thuẫn giữa cái hữu hạn của số lượng cái biểu hiện (vỏ ngữ âm của từ) và cái vô hạn của cái được biểu hiện (hiện thực khách quan cần phản ánh), việc xuất hiện từ đồng âm trong ngôn ngữ ngày càng nhiều là một hiện tượng tất yếu.
Ví dụ: lợi (có ích lợi - benefit) và lợi (lợi - alveolar)
Về mặt từ loại, nếu như ở ngôn ngữ Ấn Âu, người ta có thể dựa vào một vài dấu hiệu hình thức nào đó để ít nhiều đoán định từ loại của từ thì ở tiếng Việt không thể như vậy. Hiện tượng cấu tạo từ bằng phụ tố trong tiếng Việt hầu như không có. Các từ ở các tư cách từ loại khác nhau lại không có một số đặc điểm hình thức nhất định nào đó để nhận diện (như một số ngôn ngữ biến hình). Khi viết, người Việt lại viết rời từng âm tiết chứ không viết rời từng từ. Chính điều này khiến cho việc vạch ranh giới từ trên ngữ lưu là khó và việc xác định từ loại của từ phải dựa vào ngữ cảnh. Do đặc điểm của từ tiếng Việt là đơn lập, không biến hình nên để xác định tư cách từ loại của từ ta phải dựa vào ý nghĩa khái quát, khả năng kết hợp của từ trong ngữ và chức vụ cú pháp của từ trong câu.
Ví dụ: Phân biệt từ loại của các từ “cân” trong câu: “Con lấy cái cân để cân cho bố 2 cân thịt”
2.2.2. Hiện tượng các từ gần âm dễ nhầm lẫn trong tiếng Việt cũng khá phổ biến. Ví dụ như: bàng quan và bàng quang; cao tần và cao tầng; bàn bạc và bàng bạc;…
2.2.3. Hiện tượng các từ gần nghĩa, đồng nghĩa nhưng cách dùng khác nhau và không thể thay cho nhau trong mọi ngữ cảnh cũng khá phổ biến.
So sánh:
- đề bạt, đề cử, đề đạt, đề xuất, đề nghị;
- chủ tịch, chủ trì, chủ toạ, chủ nhiệm;
- hội đàm, hội nghị, hội thảo, toạ đàm;
Có những từ được xem là đồng nghĩa hoàn toàn nhưng thật ra vẫn khác nhau ít nhiều. Chẳng hạn, tìm và kiếm là hai từ đồng nghĩa nhưng khi kết hợp với bổ ngữ “chồng” thì nghĩa rất khác nhau. So sánh: tìm chồng (tìm người chồng của mình đi đâu chưa thấy về) và kiếm chồng (tìm một người nào khả dĩ làm chồng mình). Hoặc trường hợp quả, trái – tim cũng tương tự [8, tr.9].
2.3.1. Ngữ pháp Việt Nam là ngữ pháp tình cảm. Một nhà ngôn ngữ học đã nói: Nếu ngữ pháp châu Âu là ngữ pháp hình thức thì ngữ pháp tiếng Việt là ngữ pháp tình cảm. Người Việt dường như đã đem tình cảm vào một phạm trù lẽ ra không tình cảm!
Chuyện rằng có một người nước ngoài đến Đà Nẵng để học tiếng Việt, đi đâu anh cũng mang theo một cuốn sổ tay để học từ. Gặp một bác nông dân cầm 2 quả dứa, anh hỏi: “Thưa bác, quả này người Việt gọi là quả gì?”. Bác nông dân trả lời: “Người miền Bắc gọi là quả dứa, người miền Nam gọi là quả thơm”. Anh liền ghi vào sổ: quả dứa = quả thơm. Anh hỏi tiếp: “Thưa bác, bao nhiêu tiền một quả?”. Bác nông dân đáp: “Cái này người ta biếu tôi nên không biết giá bao nhiêu. Nhưng bây giờ đang mùa nên của này rẻ thúi thúi”. Anh được bác giải thích: rẻ thúi là rẻ thối, là rất rẻ và rẻ thúi thúi là đặc biệt rẻ! Anh lại ghi vào sổ. Tối hôm ấy, khi viết thư cho người yêu, anh tái bút: “Anh yêu em thúi thúi!”. Anh không biết rằng: rẻ thối là rẻ như của thối! Và người nước ngoài sẽ khó hiểu tại sao áo ấm và áo lạnh là hai từ đồng nghĩa trong khi lạnh và ấm là hai từ trái nghĩa. Họ sẽ ngạc nhiên và thú vị khi biết đó là hai cách tư duy khác nhau của người Việt: áo ấm là áo mặc để giữ ấm và áo lạnh là áo mặc để chống lạnh!
2.3.2. Sử dụng loại từ trong tiếng Việt
Học viên nước ngoài khi học tiếng Việt thường bị choáng ngợp trước số lượng khá phong phú các loại từ (danh từ chỉ loại trong tiếng Việt), bao gồm cả loại từ chuyên dụng và loại từ lâm thời: con, cái, chiếc, ngôi, hòn, tấm, bức, pho, quyển, cuốn, cây, quả, lá, ngọn, vị, thằng, đứa, gã, viên, ngài, ông, bà, cô, bác, anh, chị... Người Việt Nam thường sử dụng đúng một cách tự nhiên các từ này, nhưng sẽ cảm thấy lúng túng khi người nước ngoài đặt câu hỏi: khi nào ta dùng con, khi nào ta dùng cái; tại sao cũng đều chỉ bộ phận cơ thể người mà khi thì dùng cái (cái răng, cái miệng...), khi dùng bộ (bộ mặt, bộ lòng, bộ ngực...), khi dùng sợi (sợi tóc, sợi râu...), khi dùng lá (lá gan, lá phổi...); tại sao có thể nói cái răng, cái mặt, cái mũi, cái miệng, cái chân, cái tay, cái đầu... mà không thể nói cái tim và phải nói quả tim, trái tim, con tim... Giải thích như thế nào cho thuyết phục không phải chỉ là vấn đề của ngôn ngữ học mà còn là vấn đề của văn hóa học và vì thế cũng rất thú vị.
Việc sử dụng hai loại từ con và cái là một minh chứng. Có người cho rằng con được dùng trước danh từ chỉ động vật, cái được dùng trước danh từ chỉ bất động vật. Nhưng trong thực tế con lại kết hợp được với một số từ chỉ bất động vật. Ví dụ: con mắt, con tim, con đường, con dao, con sông, con kênh, con thuyền... Đây được xem là hiện tượng "dương hóa" trong ngôn ngữ. Mắt, tim, đường, dao, sông, thuyền... đều là bất động vật nhưng đều gắn với phạm trù động nên được xem là con. Ngược lại, có những từ chỉ động vật nhưng được gọi là cái, ví dụ: cái Cò, cái Kiến (con Ong, cái kiến), cái Tý... Đây chính là hiện tượng âm hóa trong ngôn ngữ. Bởi mọi sự đối đãi trong trời đất theo quan niệm của người Việt đều được quy về mô hình lưỡng phân là dương và âm, có âm thì có dương, có dương hóa thì có âm hóa. Đặc trưng văn hóa này đã "hắt bóng" vào ngôn ngữ, hay nói cách khác, ngôn ngữ là tấm gương phản ánh văn hóa.
Dương (+) | Âm (-) |
Động vật (con) | Bất động vật (cái) |
Động | Tĩnh |
Lớn | Nhỏ |
Nam | Nữ |
Mạnh | Yếu |
2.3.3.1. Người nước ngoài ở bước đầu học tiếng Việt thường dùng sai trật tự trong các cấu trúc câu có các từ bao giờ, khi nào, bao nhiêu:
Ví dụ 1: a) Bao nhiêu thì anh mua nó? (chưa mua) -> How much will you buy it?
b) Anh mua nó bao nhiêu? (mua rồi) -> How much did you buy it?
Ví dụ 2: a) Khi nào anh đến Đà Nẵng? (chưa đến) -> When will you go to Danang?
b) Anh đến Đà Nẵng khi nào? (đến rồi) -> When did you go to Danang?
Sinh viên nước ngoài cần được giáo viên nhắc nhở rằng: Khi hỏi về tương lai, các từ bao giờ, khi nào, bao nhiêu được đặt ở đầu câu; Khi hỏi về quá khứ, các từ bao giờ, khi nào, bao nhiêu được đặt ở cuối câu.
2.3.3.2. Sinh viên Lào khi học tiếng Việt thường sắp xếp trật tự từ sai trong các cụm danh từ. Bởi vì có sự khác nhau giữa hai ngôn ngữ: trật tự trong tiếng Việt là: Số từ + loại từ+ danh từ chỉ sự vật; trật tự trong tiếng Lào là: Danh từ chỉ sự vật+ số từ+loại từ. Ví dụ: Thay vì nói: Ba con gà, người Lào thường nói thành: Gà ba con (Cày xảm tô).
Quan sát, so sánh, nắm bắt được các qui tắc cấu trúc câu này, người học sẽ tránh được những lỗi sai về nghĩa.
Kết thúc vấn để: Trên đây là tản mạn một số đặc trưng ngôn ngữ Việt ảnh hưởng đến việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Người học và người giảng dạy đều cần chú ý đến những đặc trưng này để dạy và học tiếng Việt có hiệu quả cao nhất.
(MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ VIỆT ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC NHẬN THỨC TIẾNG VIỆT CỦA SINH VIÊN NƯỚC NGOÀI - TS. Trương Thị Diễm)
Tôi thích đọc lại các quyển vở những ngày đầu học tiếng Việt. Một phần để phân tích quá trình học tập, nhưng chủ yếu để đọc lại những bức xúc viết nguệch ngoạc bằng tiếng Anh dưới mỗi dòng ghi chép.
Rice is "cơm". Rice is "lúa". Rice is "gạo". Why can"t rice be rice? (Sao "cơm" không thể là "cơm" thôi?)
I is "tôi". I is "tớ". I is "em". You is "bạn". You is "ấy". You is "cô".
Bên dưới các đại từ nhân xưng này tôi không viết bức xúc tiếng Anh nào mà vẽ quái vật nhiều đầu giống trong các phim thần thoại Hy Lạp. Chặt một đầu (tức học thuộc một cách xưng hô) là 3 đầu kinh dị mọc lên; chém thịt, chém gió, quái vật mãi không chết.
Có nhiều lần tôi định bỏ cuộc, không học tiếng Việt nữa. Cuối năm 2004, tôi đã có hai năm kinh nghiệm làm việc ở Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã mang lại "đủ thứ" cho tôi rồi, tôi có thể xin việc ở nước khác hoặc đi học cao học lấy bằng thạc sĩ trước em gái. Nguyên nhân khiến tôi tiếp tục học (và đang viết bài này) là do một số thầy cô giáo dạy tiếng Việt, đặc biệt ở Khoa tiếng Việt, trường Xã hội Nhân văn, Hà Nội.
Tôi may mắn gặp được những thầy cô giáo tiếng Việt tốt nhất.
Khi nhắc đến hệ thống giáo dục ở Việt Nam, nhất là ở bậc đại học, báo chí thường thở dài. Nào là cơ sở vật chất, nào là chất lượng giáo viên, nào là phương pháp giảng dạy, nào là sự ảnh hưởng của Nho giáo, của triết học Mác Lênin, của hiện tượng El Nino và sao chổi Halley.
Sự thật là giáo viên nào yêu nghề và có chút hiểu biết về tâm lý con người đều có thể chuyển kiến thức từ đầu mình sang đầu khác, dù là những đầu ở đâu. Mọi thời đại, mọi đất nước, mọi văn hóa đã, đang và sẽ có giáo viên tốt. Đôi khi quan trọng nhất không phải mình học ở đâu mà mình có may mắn gặp được giáo viên tốt hay không.
Tôi gặp được thầy Sơn, thầy giáo cùng tuổi với tôi (ngựa), cùng loại xe (vespa), cùng số phận (ế). Kể cả thời gian học bên Canada tôi chưa gặp giáo viên dạy ngôn ngữ nào biết tạo không khí vui vẻ như thầy Sơn. Trong lớp học có cả sinh viên Mỹ, Canada, Australia, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên. Nhờ cách dạy sáng tạo và tương tác của thầy Sơn mà nhiều lần cả lớp cười phá lên, sinh viên quên hết mình là người ở đâu, sinh ra để giận ai; các bác Liên Hợp Quốc có thể học hỏi thầy Sơn nhiều thứ.
Tôi gặp được cô Chi, cô giáo thật sự yêu lịch sử Việt Nam. Cô kể về chuỵện quân Nguyên ba lần xâm lược Việt Nam (rồi ba lần thất bại) với sự nhiệt tình của một học sinh cấp 3 kể về chuyện hẹn hò bí mật của anh chàng đẹp trai nhất lớp. Còn có cô Thu, thầy Thi, thầy Phúc, thầy Nam… giáo viên là một danh từ số nhiều.
Ngoài các thầy cô giáo ở trường Xã hội Nhân văn, tôi còn gặp được cô Thanh, cô giáo dạy phát âm như dạy võ, các nguyên âm đôi và thanh điệu tiếng Việt bắt tôi phải nói đi nói lại không khác gì đấm hơi, đá gió. Và cô ấy rất đúng. Phát âm ngôn ngữ là võ thuật miệng lưỡi, không khác gì karate hay taekwondo. Có rất ít giáo viên dạy tiếng Việt hiểu được điều đó; thường họ chỉ dành một hai buổi dạy phát âm cơ bản rồi chuyển sang từ mới và luật ngữ pháp đơn giản. Như thế là sai. Giáo viên dạy từ mới mà sinh viên chưa biết phát âm "tương đối chuẩn" không khác gì nhà nhiếp ảnh chụp ảnh cưới mà chưa bỏ nắp máy ảnh. Nhờ đai đen do cô Thanh cấp nên tôi đã có thể đánh tiếng Việt ngoài đường mà không bị đường đánh lại.
Giáo viên đầu tiên dạy tiếng Việt cho tôi (mà không bị đuổi ngay hay chạy mất bút) là một sinh viên tên Hương. Hương đến nhà tôi một tuần ba lần, rất chăm chỉ và ngoan. Nhưng em Hương xinh quá, khó tập trung, thế là tôi đã phải tìm đến trường Xã hội Nhân văn, nơi có nhiều sinh viên học tiếng Việt. Nếu có cô giáo xinh đẹp như Hương thì sự mất tập trung ấy bị chia đều.
Cộng với các thầy cô giáo "đột phá", tôi từng có một số thầy cô giáo "đột vòm", cướp của tôi nhiều thời gian nhưng cũng để lại nhiều kỷ niệm rất vui.
Tôi có một ông thầy dạy ngôn ngữ, mỗi khi tiếp cận từ chuyên môn mới là thầy cầm bút viết tiếng Việt ở trên, tiếng Nga ở dưới. Thầy đã mất mấy chục năm học tiếng Nga, nhất quyết không bỏ phí thời gian đầu tư ấy. Nhưng cả lớp chỉ có một sinh viên Ukraina hay bỏ học, còn lại là sinh viên Canada, Nhật, Hàn... Mỗi khi xuất hiện các từ tiếng Nga trên bảng, thầy quay đầu nhìn lớp như muốn nói "rõ ràng chứ gì!" thì các sinh viên chúng tôi chỉ biết cười lịch sự. Tôi gọi thầy ấy là thầy Nga.
Tôi cũng từng có cô giáo dạy một chú người Bỉ cách phát âm tiếng Việt bằng hành động. Thấy chú ấy phát âm các dấu tiếng Việt khó quá, thế là cô bảo mỗi khi nói từ có dấu huyền là gật đầu xuống, dấu sắc là nâng đầu lên, dấu hỏi là xoay đầu một vòng như cầu thủ bóng đá ngoáy cổ khởi động trước khi hát bài quốc ca. Một cách dạy hiệu quả...quá. Sau mấy tháng, mỗi khi nói nhanh là chú ấy cứ lắc đầu lên xuống, trông như những mô hình cho các anh taxi hay để trên bảng đồng hồ!
Tôi có một ông thầy rất mê sử dụng tiếng Anh, mỗi lần dạy luật ngữ pháp mới là thầy giải thích kỹ càng bằng tiếng Anh rồi hỏi: "Thầy giải thích như thế có chuẩn không? Có gì chưa chuẩn em sửa giúp thầy nhé!". Xong mỗi buổi, thầy học nhiều từ tiếng Anh hơn tôi học từ tiếng Việt, cho dù tôi là người mất tiền đăng ký và thầy là người nhận lương của trường!
Tôi quan niệm rằng khi dạy tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài không nên dùng đến tiếng mẹ đẻ của sinh viên hay ngôn ngữ thứ ba. Kể cả với sinh viên mới học, giáo viên phải làm sao để họ nghĩ bằng tiếng Việt, phản xạ bằng tiếng Việt ngay từ bài học đầu tiên. Chỉ vào ngực mình, nói "tôi". Chỉ vào quả cam, nói "quả cam". Giả vờ đang ăn, nói "đang ăn". Tôi đang ăn quả cam. Đơn giản, chỉ cần chút khả năng diễn xuất, vẽ tranh, và quan trọng nhất là nỗ lực chuẩn bị. Từ một câu có thể dạy thêm hai câu nữa, rồi từ ba cầu đó có thể dạy thêm 9 câu nữa.
Còn các luật ngữ pháp thì…cứ dần dần mà phát huy.
Đấy mới là giáo viên dạy ngôn ngữ! Còn các thầy cô giáo nói X là Y trong tiếng Việt, hoặc Y là X trong tiếng Anh chỉ là nhà phiên dịch cao cấp.
Rất tiếc lúc ấy tiếng Việt của tôi chưa đủ để mô tả quan điểm trên. Ông thầy ấy càng sử dụng tiếng Anh, tôi càng bức xúc nhưng không biết tỏ ra như thế nào. Cuối cùng tôi không chịu được nữa và nói một cách lịch sự nhất có thể với vốn từ đã có:
"Em trân trọng yêu cầu thầy không được biết tiếng Anh".
(Các thầy dạy tiếng Việt của "Dâu Tây" - Joe)
(nguồn Cồ Việt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire