ĐỖ QUYÊN phỏng vấn NHẬT TIẾN
về cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở
Trên Quê Hương
Đỗ Quyên tên thật là Đỗ Ngọc Thủy,
sinh tại Hà Nội (1955), tốt nghiệp (1977) và giảng dạy (1977-1988) ngành Vật Lý
hạt nhân, trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Hiện định cư tại Canada. Sáng tác chính : Thơ,
Truyện, Tiểu luận,
Phỏng vấn: Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương:
ĐỖ QUYÊN: - Sau này, sau 30-4-1975 và khi ra hải
ngoại, rồi qua những lần về Việt Nam, anh thấy biến cố Nhân Văn-Giai
Phẩm ra sao?
NHẬT TIẾN : Tôi chưa hề được
gặp bất cứ nhà văn, nhà thơ nào liên hệ đến vụ Nhân Văn Giai Phẩm dù đã trở về
Hà Nội đôi lần trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, cảm nhận của tôi là có vẻ như
mọi người ở cả hai phía (đàn áp và đã bị đàn áp) đều muốn coi biến cố ấy như
một trang bi thảm đã lật qua, và không muốn nhắc lại. Một phần là vì nó đã trôi
vào khá xa trong quá khứ, một phần khác,
tình hình đất nước trong hoàn cảnh mới đã đặt ra nhiều vấn đề rộng lớn hơn, sâu
xa hơn, tâm thức của con người hiện nay cũng khác biệt hơn so với cái tâm thức
của thời kỳ mà các nhà văn trong Nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm đã từng sống.
+ ĐQ: Ở trên đã nói đến cuốn
Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương như là các anh muốn tái thực hiện cuốn Trăm Hoa
Đua Nở Trên Đất Bắc của học giả Hoàng Văn Chí. Anh có sự so sánh gì giữa “những
cây bút phản kháng ở quê nhà (1986-1989)” với biến cố Nhân Văn-Giai Phẩm?
+ NT: Về nội dung sáng tác của
người cầm bút trong cả hai hoàn cảnh dĩ nhiên có nhiều điểm tương đồng: cả hai
đợt đều biểu lộ cái khát vọng tự do của người cầm bút, đều đấu tranh cho sự tự
do sáng tạo nhằm phục vụ cho những giá trị chân chính của con người.
Tuy nhiên, nếu cần so sánh thì ta cũng có thể thấy rõ có một sự khác biệt
sâu xa: đó là những cây bút tham gia cao trào văn nghệ phản kháng (1986-1989)
có tính chất đa dạng và rộng rãi hơn nhiều so với Nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm hồi
cuối thập niên 50. Hơn nữa, mục tiêu phản kháng và cường độ phản kháng của cao
trào này cũng sâu xa hơn, mạnh mẽ hơn,
và tính chất biểu lộ sự đồng tình của giới độc giả quần chúng cũng sôi nổi và
rộng rãi hơn nhờ ảnh hưởng đến từ các biến cố trọng đại bên ngoài và chính sách
cởi mở của Tổng Bí thư thời đó là Nguyễn Văn Linh.
Nhưng đấu tranh với một chính quyền còn đang ở thế mạnh, lại có cả một bề
dầy những kinh nghiệm lọc lõi về phương cách đàn áp và khống chế con người, thì
thành quả và số phận của cao trào này sau đó ra sao, ai cũng đã nhìn thấy. Nó
đã xẹp đi như một quả bóng xì hơi, số
ngòi bút vẫn còn tiếp tục một cách quyết liệt con đường đã lựa
chọn bây giờ chỉ còn là con số rất nhỏ
nhoi, và đáng buồn hơn, lại có cả những ngòi bút từng tham gia cao trào ấy nay
đã quay 180 độ để ngồi xổm lên chính những điều mà mình đã từng viết ra.
Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng rằng sở dĩ có những hiện tượng đáng buồn như
vậy không phải vì mọi người đã nhận ra sự sai trái của mình trong nhận
thức mà chính vì sự sinh tồn của mỗi cá nhân trong mỗi hoàn cảnh
riêng biệt. Nghĩa là tôi vẫn tin tưởng rằng khát vọng tự do cầm bút không bao
giờ nguội tắt trong tâm tưởng của mỗi người dù hiện nay họ đang lựa chọn đất
đứng nào. Phải trực diện đời sống thực tế ở trong nước thì mới có thể cảm thông
với nhận định này. Không nên chỉ cứ ở xa mà kêu gào người khác đóng vai anh
hùng.
Xu hướng thời đại vẫn đang lừng lững tiến lên, sự phát triển của kỹ thuật
tin học không ngừng chiếm lĩnh các địa bàn trong mọi sinh hoạt của đất nước,
tất cả sẽ tạo điều kiện cho những người khát khao tự do, dân chủ, đặc biệt là
những người cầm bút sẽ có cơ hội viết lên trang sử mới đẹp đẽ hơn của dân tộc
trước bình minh của Thế kỷ 21.
+ ĐQ: Tôi nghĩ, ít nhất cũng là qua các sự kiện
nhìn thấy, nghe thấy thì “cao trào văn nghệ phản kháng (1986-1989)” có bề rộng,
lan tỏa xa mà không sâu nặng, không cam go như thời Nhân Văn-Giai Phẩm. Nói theo
ngôn ngữ nhà binh mà trong nước ưa xài là “có diện mà không có điểm”.
+ NT: Nêu vấn đề Diện và Điểm,
như anh nói, là nhận diện cao trào văn nghệ phản kháng như một cuộc đấu tranh
có tổ chức, có đường lối chỉ đạo rõ rệt và có sách lược đã được nghiên cứu kỹ
luỡng. Tôi cho rằng nếu xét như thế là đã bỏ qua vấn đề bản chất “lề mề” của
văn nghệ sĩ. Không hiểu có phải tôi đã chủ quan khi nêu nhận định này không,
nhưng theo tôi, người văn nghệ sĩ thường đa dạng trong cung cách ứng xử cũng
như trong sự lựa chọn đề tài sáng tác cho mình. Cái gì thích, cái gì gây xúc
động, gây rung cảm cho mình thì mình viết. Họ không quen đứng trong một hàng
ngũ để sáng tác hay viết lách theo nhu cầu đánh giá của hàng ngũ ấy. Có thể vì
thế mà họ không phân biệt rạch ròi, hoặc ngay cả sự không thích phân biệt rạch
ròi, đâu là diện, đâu là điểm để đưa cao trào tới những thành quả cụ thể.
Còn về những hệ lụy đến với những người tham gia cao trào không sâu nặng,
không cam go như hồi Nhân Văn-Giai Phẩm thì hoàn toàn đúng, nhưng cũng có thể
vì thế giới ngày nay đã có quá nhiều đổi thay so với gần 50 năm trước, dân
chúng Việt Nam cũng không còn là những con cừu ngoan ngoãn như xưa, nhà nước dù
muốn cũng không thể, không dám áp dụng chính sách đàn áp quyết liệt, thẳng tay
như hồi trước. Xin hỏi anh, vào thời điểm 1986-1989, có một nhân vật văn hóa,
văn nghệ nào ở Việt Nam
mà dám muối mặt đứng ra làm một thứ Tố Hữu của những thập niên 50 hay không?
+ ĐQ: Những anh chị em ra đi từ miền Bắc sinh sống,
làm việc và tỵ nạn ở các nước Âu châu đón nhận cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê
Hương với một sự xúc động và thán phục. Cuốn mà tôi được gửi tặng ngày 3-12-1991 từ anh Lê Bửu
Tấn, bạn bè tôi chuyền tay nhau đến mức nó sờn cong như thường thấy ở một cuốn
chưởng Kim Dung! Mười năm đã qua, cho thấy giá trị hiếm có của cuốn sách trong
vô vàn các sách báo hải ngoại. Theo tôi, hình như đây là cuốn sách duy nhất quy
tụ được hầu hết các cây bút có khuynh hướng khác nhau của những người viết hải
ngoại? Xin cho biết Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương được thực hiện về bài vở, về
in ấn, phát hành như thế nào? Anh có những công việc gì trong đó và xin nói vài
lời về bài viết “Nhà văn Nguyên Ngọc: suy nghĩ và hành động trong cao trào phản
kháng” có trong cuốn sách?
+ NT: Tôi thật bất ngờ khi được anh cho biết cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở
Trên Quê Hương đã được tiếp đón nồng hậu đến như thế ở bên trời Âu, thế mà
trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ nó chỉ mang lại nhiều hệ lụy trong khi thành quả
thì không có bao nhiêu, mặc dù tôi vẫn tự hào là đã được đóng góp một phần nhỏ
nhoi trong việc hình thành cuốn sách ấy.
Đúng như anh nhận xét, đây là một cuốn sách hiếm hoi ở hải ngoại quy tụ được
hầu hết các cây bút có khuynh hướng khác
nhau ở hải ngoại.
Theo nhận xét của tôi và nhiều anh chị em khác, thì đây cũng là một lần
duy nhất tính cho đến nay, đã có một nhóm như thế ngồi lại được với nhau, sôi
nổi, nhiệt tình và đầy thiện chí để làm đến nơi đến chốn một công trình kể từ
lúc khởi sự cho đến khi hoàn tất. Ngoại trừ những người ở quá xa, phần còn lại
khoảng trên dưới 20 người, chúng tôi đã làm việc ròng rã suốt một năm trời,
tuần lễ nào cũng họp mặt để thảo luận,
để trao đổi tin tức, để thu góp tài liệu, để phân công làm việc, để giải quyết
mọi vấn đề xoay quanh cái chủ đề lớn khi đó: Cao trào văn chương phản kháng ở
trong nước. Cuối cùng thì chúng tôi cũng hoàn tất được việc biên soạn và ấn
loát được một cuốn sách khá đồ sộ, dầy tới 800 trang khổ lớn, bao gồm bài vở và
tài liệu của 27 tác giả ngoài nước đọc và viết về 79 tác giả ở trong nưóc. Công
lao lớn nhất phải dành cho những người đã bỏ ra rất nhiều thì giờ, tiền bạc và
tim óc cho công trình này như các anh Trần Vịnh, Đỗ Hữu Tài, Thân Trọng Mẫn,
Nguyễn Quốc Trung, Lê Bửu Tấn, Nguyễn Bá Tùng, Trương Đình Luân, Hoàng Sử Mai
và một vài anh em khác nữa.
Sau khi cuốn sách được in ra, chúng tôi còn phân công với nhau đi tổ chức
ra mắt ở vài nơi như Portland (Oregon),
Houston (Texas)
và Washington DC. Tôi và anh Đỗ Thái Nhiên nhận lãnh nhiệm
vụ ra mắt cuốn sách ở Portland State University
thuộc thành phố Portland, tiểu bang Oregon với sự hợp tác tận tình của các anh chị em
thuộc Hội Sinh Viên Việt Nam ở
đó. Cả hai chúng tôi thay nhau thuyết
trình về những vấn đề xoay quanh Cao trào Văn chương Phản kháng ở Việt Nam và
trả lời những thắc mắc do cử tọa nêu ra. Nhìn chung thì có sôi nổi nhưng không
có vấn đề gì đáng tiếc xẩy ra.
Điều bất ngờ là sau này, chính anh Đỗ Thái Nhiên đã thay đổi lập trường
chính trị và là một trong những người phê phán tôi bền bỉ và mạnh mẽ nhất. Dẫu sao thì tôi cũng cám ơn anh ấy ở
chỗ đã chịu khó đọc những tác phẩm hay bài viết của tôi và trình bày những cái
nhìn khác biệt với cái nhìn vốn có của tôi bằng một giọng văn nhã nhặn, không
phải là thứ văn chương chợ búa mà một số người khác đã dành cho tôi trên mặt
báo.
Trở lại với cuốn sách kể trên, như anh đã hỏi, tôi nhận sự phân công của
anh chị em trong nhóm biên soạn để viết
về tác giả Nguyên Ngọc, nguyên bí thư Đảng đoàn Ban thường vụ Hội Nhà văn Việt
Nam kiêm Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Thực ra tôi không được quen biết hay tiếp
xúc với nhà văn này trong những năm tôi chưa ra khỏi nước (1975-1979). Tuy
nhiên, những văn liệu mà chúng tôi có về Nguyên Ngọc thì khá phong phú, nên tôi
đã viết bài “Nhà văn Nguyên Ngọc, những suy nghĩ và hành động trong Cao trào
văn Nghệ phản kháng” chủ yếu là qua việc
nghiên cứu những văn liệu này.
+ ĐQ: Nếu có ý cho rằng vấn đề của Nhân Văn-Giai
Phẩm khởi thủy từ một vài đề nghị có tính “góp ý thành thực để xây dựng Đảng”
(đại để như: “Bây giờ không còn ở chiến khu nữa, mà đã hòa bình rồi, văn nghệ
sỹ vẫn dưới sự lãnh đạo của Đảng nhưng Đảng cần cho anh em tự do trong sáng
tác”, v.v...), gửi trực tiếp tới tướng Nguyễn Chí Thanh lúc đó nắm Tổng cục
chính trị QĐNDVN, của một số anh em nhà văn quân đội mà Trần Dần đại diện; Sau
do bị “nâng quan điểm” nên mới thành lớn chuyện và thành cái gọi là “vụ án” có
tính “phản kháng văn nghệ” như đã xảy ra. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
+ NT: Tôi không đồng ý với
nhận định này vì như thế vừa đánh giá quá thấp khát vọng tự do của anh chị em
văn nghệ sĩ (mà đa số không ở trong quân đội, không là cấp dưới của tướng
Nguyễn Chí Thanh để phải gửi kiến nghị), vừa bỏ qua những biến động trong tình
hình thế giới vào thời điểm đó.
Theo nhận định của cụ Hoàng Văn Chí thì có nhiều nguyên nhân cả về phương
diện khách quan ngoài nưóc lẫn chủ quan trong nước. Xin tóm tắt như sau:
- Nguyên nhân khách quan: bao gồm những biến cố chấn động thế giới như
việc hạ bệ Staline do Krushchev khơi mào trong Hội nghị lần thứ 20 của Đảng CS
Liên Xô vào tháng 2-1956, như chủ trương “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh
minh” do Lục Định Nhất, Cục trưởng Cục Tuyên Huấn của Đảng CS Trung Quốc đưa ra
vào tháng 5-1956, như các cuộc nổi dậy ở Poznan (Ba Lan) tháng 6-1956, ở
Budapest (Hung gia lợi) tháng 10-1956.
-Nguyên nhân chủ quan: Phải kể đến tâm trạng của giới trí thức, văn nghệ
sĩ trước tình cảnh: “báo chí, sách vở xuất bản ở Hà Nội sau ngày tiếp thu vẫn
đầy rẫy những bài ca tụng Đảng, Bác, những bài kêu gọi nông dân đứng dậy tàn
sát địa chủ, phản động, lưng chừng”. Đời sống vật chất của họ cũng cực kỳ thấp
kém, hoàn toàn chênh lệch so với các cán bộ văn hóa cấp cao như Nguyễn Công
Hoan, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu... và những kẻ “bận đồ lớn, đi dự hội nghị, ăn
uống ngồm ngoàm”. Rồi những biến động to lớn trong nưóc cũng xẩy ra trong thời
kỳ đó như vụ nông dân ở xã Quỳnh Lưu nổi loạn, vụ thanh niên và công nhân “miền Nam tập kết” đập phá trụ sở đồn công an
ở Bờ Hồ và nhất là vụ sửa sai trong cuộc cải cách ruộng đất khiến nhà nước phải
thả 12 ngàn đảng viên bị cầm tù vì tố điêu, tố sai, dẫn tới việc Trường Chinh,
Hồ Viết Thắng bị mất chức.
Trong bối cảnh ấy, giới cầm bút không thể lặng lẽ ngồi yên. Sau cùng,
không thể không nói tới những vị lớn tuổi trong hàng ngũ trí thức, văn nghệ sĩ
còn mang nhiều tính chất của kẻ sĩ như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Thụy
An, và đặc biệt là nhà nho đầy tiết tháo Phan Khôi. Không lẽ những tên tuổi như
thế mà lại chỉ biết đóng góp phần tâm huyết của mình sau khi Trần Dần, đại diện
các nhà văn quân đội gửi “vài đề nghị có tính cách xây dựng Đảng” lên tướng
Nguyễn Chí Thanh?
+ ĐQ: Tôi có coi một số các bài nhận định của giới
phê bình trong nước (cả loại bài viết có tính “văn công” , cả loại bài viết có
tính độc lập) về văn học và sách báo hải ngoại (mà một số báo hải ngoại in
lại), nhưng như không thấy có đánh giá nào về “sự kiện” cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở
Trên Quê Hương; Khi anh về nước, anh có thấy giới văn nghệ trong nước biết về
cuốn này không? Nếu không, thì với anh em văn nghệ trong nước, ta làm một việc
gần như “ném đá xem tăm”! Uổng quá anh à?
+ NT: Cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở
Trên Quê Hương sau khi được phát hành, tuy hầu như không có một bài điểm sách
nào nhắc nhở đến (hoặc giả nếu có thì tôi cũng không được đọc), nhưng tự nó đã
dấy lên trên mặt các báo chí hải ngoại những loạt bài nhận định và phê phán
trên chủ đề “Có hay không có một cao trào văn chương phản kháng ở quê nhà?” Hầu
hết các bài viết mà tôi được đọc thì đều nghiêng về lập luận: đó là những chống
đối giả, phản kháng giả, là những nắp xì hơi của chính quyền. Cũng như số phận
của cuốn sách bị giàng dây kéo lê trên mặt đường Bolsa, những cây viết trong
nước được nhắc đến trong cao trào phản kháng thì lại bị đem ra nhục mạ cách này
hay cách khác, nhưng hằn học nhất phải kể tới sự kiện Dương Thu Hương được gọi
là “Con Việt Cộng Cái” (chữ của N.V.N) hoặc “Con Việt Cộng” (N.V.C).
Trong khi đó, về phía trong nước thì tiếc thay, hầu như không mấy ai biết
tới sự hiện diện của cuốn sách này, kể cả giới làm văn hóa, văn nghệ! Đúng là
“uổng quá anh à”, như anh nói, nhưng không bao giờ chúng tôi tiếc xót công
trình của mình đã thực hiện. Cuốn sách đã đóng đúng vai trò của nó trong thời
điểm ấy, và chúng tôi không có cao vọng gặt hái được cái gì nhiều hơn.
******
(còn tiếp)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire