caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

vendredi 7 février 2014

MẤY BUỔI SÁNG XUÂN, TẢN MẠN XUÂN GIÁP NGỌ 2014‏, Hùng Bi

MẤY BUỔI SÁNG XUÂN


Tôi cứ nghĩ là phàm việc gì mới chớm thì hấp dẫn người ta hơn bởi khi đó ta tha hồ mường tượng sự việc theo ý mình. Giả như vừa chớm yêu, đóa hoa chớm nở hay khoảng thời gian chớm Tết…


Kể từ khi tôi có ý thức, cứ cho bắt đầu từ lúc cắp sách tới trường để học vỡ lòng đi, tính đến giờ đã hơn sáu mươi lần niềm háo hức trong những ngày chớm tết vẫn còn mới keng như lúc mới tập biết mặt chữ cái đến nay như chưa hề cũ đi bao giờ.


Đương nhiên là gần tết ai ai cũng bận rộn. Lo giải quyết cho xong những công việc còn tồn đọng trong năm cũ, lo dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, mua thức ăn dự trữ, bánh mứt và các thứ linh tinh khác để chuẩn bị đón mừng năm mới…Món tiền thưởng cuối năm cho phép người ta xài sang một chút. Không khí những ngày nầy thật nhộn nhịp rộn ràng và đầy niềm vui, lan tỏa trên gương mặt và cử chỉ tất cả mọi người chung quanh. Tôi thì lại kẹt chút chuyện nên quả tình không có cả thời gian cần thiết cho chuyện ăn ngủ hàng ngày nên những ngày chớm tết thì niềm háo hức chờ đón Nàng Xuân cũng quên biết tôi luôn!



Sáng ba mươi thì đường phố đã thưa thớt hẳn do hầu hết mọi người đã về quê sum họp gia đình trong những ngày đầu xuân. Tranh thủ chút thời gian trống ít ỏi sau một đêm gần như thức trắng, tôi đến quán cà phê vỉa hè quen thuộc kiếm tách cà phê nóng đầu ngày cho tỉnh táo. Mặt trời đã ló dạng phía đàng đông leo qua khỏi ngọn hàng cây phía xa xa. Nhưng tiết trời năm nay ở đây dường như lạnh hơn nhiều, màn sương mai vẫn còn mù mịt khói bay nên ông mặt trời chỉ như cái lòng đỏ trứng vịt muối (điều nầy hiếm thấy trong buổi bình minh mà thường chỉ có vào lúc hoàng hôn đã sậm màu) nên nhìn rất thú vị, nhưng không có thời gian thong thả để chiêm ngưỡng cho thỏa vì vẫn phải hoàn tất công việc còn lại một cách khẩn trương. Tôi đã quên hẳn cái thú vui đi chọn cho mình hai chậu cúc vàng mang về đặt hai bên cửa đón xuân, kế thừa từ Ba tôi như một cách tưởng niệm đơn sơ về sở thích của người trong những ngày đầu xuân.


Chiều ba mươi tết với những nỗ lực cuối cùng thì cũng hoàn tất được sản phẩm mà tôi ấp ủ bấy lâu nay. Nhưng than ôi! Chợ đời đã vãn…


Tôi dong xe ra đường để nhìn ngắm những tàn phai năm cũ còn rơi rớt lại. Ngang qua những chỗ bán hoa thấy còn lại cũng khá nhiều, nhưng phần lớn không được đẹp lắm nên khách hàng không chọn cũng phải. Những tay lái buôn giàu kinh nghiệm hẳn đã xử lý chúng từ chiều, chỉ còn lại bên vệ đường những khuôn mặt héo hon đen sạm dãi dầu mưa nắng của những nông dân tập tành buôn bán vì không muốn công sức của mình bị người khác chiếm đoạt một cách dễ dàng, ngồi chờ nhặt nhạnh những vận may nhỏ bé từ những người lao động có cùng số phận như họ đợi tới tối ba mươi đi mua rẻ những chậu hoa bị dạt để có cái mà vui mấy ngày xuân với thiên hạ. Họ ngồi đó giương đôi mắt vời vợi ngóng chờ những khuôn mặt no đủ thản nhiên phớt ngang qua mà rát ruột vì biết mấy đứa nhỏ đang trông ngóng mình từng phút ở nhà. Nhưng anh ơi! Cái gì cũng có cái giá của nó! Tôi chắc là thâm tâm anh đang nghĩ: Thôi! Năm tới chả thèm, cứ mặc cho bọn lái buôn xử sao thì xử cho khỏe!


Đêm ba mươi đường phố vắng tanh, chỉ còn tôi và đám lá vàng vừa rơi xuống bị những cơn gió lạnh cuối năm cuốn đi lông lốc. Tôi chợt nhớ tới câu hát mà cười một mình: “Anh đến thăm em đêm ba mươi, còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi…(vui cái khỉ gì đâu, sao tôi không thấy?) Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…(nàng nào tin vào cái bằng chứng đó thì thiệt là dại dột! Yêu chi một anh chàng nghèo kiết xác, chỉ có chiếc lá vàng làm bằng chứng mà còn phải đi xin xỏ mới có nữa đấy!). Con tuấn mã của tôi như được sổ chuồng, mặc sức bay lượn trên đường phố thênh thang như để bù lại cả năm dài bị gò bó trên mặt đường lúc nào cũng đông ken người xe.


Đi chán cũng phải về thôi. Rồi giao thừa cũng lặng lẽ trôi qua trong khói nhang trầm mặc cùng những lời khấn vái cầu xin một năm mới tốt lành theo phong tục của người Á Đông.


Sáng mùng một tết thì những con đường của Sàigòn-Chợ Lớn vắng ngắt thật sự, tịnh không một bóng người qua lại trừ mấy ông già ngồi lặng lẽ nhâm nhi ly “cà phê ghiền” không bỏ được ở những quán cóc vỉa hè. Chắc cũng như tôi thôi, năm mới chẳng thể làm lay động những tâm hồn già cỗi mỏi mệt vì thời gian. Tôi ra đường không phải để xuất hành hướng tốt lấy hên hay thưởng xuân chi cả mà cần phải đi thôi. Lại chúi đầu vào công việc vì một yêu cầu từ đêm ba mươi. Tôi lại không biết ngày đầu một năm đã trôi qua ngoài ngõ thế nào? Mây trắng có rủ nhau bay về hân hoan? Đàn én có chao liệng chào đón mùa xuân? Gió xuân có mơn man những đôi má hồng những thiếu nữ thanh xuân hồn đang thơm ngát?


Đã quá nửa đêm ngày mùng một mà việc vẫn chưa xong. Thôi cứ gác lại đó mai “về quê” thắp nhang cho Ông Bà Cha Mẹ cái đã. Quê ở đây không phải là quê nhà mà là nhà quê. Cuộc sống trôi nổi không cho phép tôi có thể nhang khói cho song thân hàng ngày nên đành phải giao phó cho cô em ở nhà quê lo liệu. Chí ít thì bổn phận con trai ngày đầu năm và đám giỗ tôi cũng phải về mà thắp lên nén nhang tưởng nhớ chớ!


Mất tới ba tiếng đồng hồ chạy xe nên phải đi cho sớm. Trời vẫn lạnh căm với những ngọn gió xuân thổi về se sắt. Quang cảnh chung quanh vẫn mờ ảo trong màn sương sớm như Đà Lạt,  khói sóng bốc lên từ mặt sông đầy như trộn lẫn với những hạt sương mai cho trở thành một thể đồng nhất trên sông Sàigòn.
 
Đến phà Cát Lái thì trời đã sáng hẳn với những tia nắng chiếu rọi qua rìa cánh mây thật đẹp! Muốn chụp tấm hình nhưng người xe trên phà đông quá nên không thể. Lúc nầy những ngọn gió xuân thổi tới chỉ đủ sức mơn man làn nước khe khẽ nên không có dịp nhìn thấy những giọt nắng chấp chới trên sông. Theo tôi, cảnh vật chung quanh trong sáng vui vẻ hay xám tối u buồn là đều do tâm thức của người cảm nhận. Với riêng tôi bây giờ thì chúng lướt qua một cách nhạt nhòa, không vui mà cũng chẳng buồn. Dấu hiệu của tuổi già mệt mỏi chăng?


Rừng cao su kéo dài ngút mắt hai bên vệ đường đã trở nên thưa thớt vì đang mùa thay lá. Những chiếc lá non màu đo đỏ chẳng mang lại chút ý niệm nào về nhành lộc biếc mùa xuân. Một nét chấm phá thú vị làm tôi nhớ lại khoảng đời trẻ thơ. Một chú bé con xúng xính trong bộ quần áo mới đang lom khom bên vệ đường rình bắt những con cào cào dành cho chú chim nhỏ thân yêu của mình. Tết thì tết với bao nhiêu điều hấp dẫn nhưng anh bạn chú vẫn phải ăn chứ! Trẻ con bây giờ thông minh hơn tôi ngày xưa nhiều, chúng biết lấy bao nylon cuộn miệng lại tạo thành một cái vợt mini để chụp những chú cào cào dễ dàng hơn là bắt bằng hai ngón tay. Tiếc cho những chú bé trai chưa từng có dịp trải qua cái thú chơi nầy.


Tập quán truyền thống của người Việt Nam trong mấy ngày đầu xuân vẫn được lập lại với hai chậu cúc hoặc vạn thọ vàng tươi đặt hai bên cửa như để khuyến dụ nàng xuân ghé lại nhà, nó làm sáng hẳn ngôi nhà trong nắng xuân tươi.


Cây mai vàng vốn phù hợp với phong thổ và thời tiết ấm áp ngày xuân của miền đất phương nam. Nhưng năm nay, tiết xuân không còn trong sáng như xưa nữa mà đột nhiên trở lạnh khiến những nụ hoa hình như bị “nín” lại. Ngang qua sân nhà ai suốt dọc đường đi hầu như chỉ có những cây mai giương cành khẳng khiu với vài cái hoa vàng nhỏ xíu rụt rè góp vui với thiên hạ. Niềm háo hức ngày xuân đã bị hụt hẫng một mảng lớn. Những vườn điều chừng như cố tỏa cho bằng hết cái hương thơm nồng nàn của mình để bù lại phần nào chút màu sắc nhạt phai của những cây mai. Đi dưới tán những cây điều cổ thụ ngát hương, bóng nắng xuyên qua cành lá nhảy nhót trên vai như cố nhảy một điệu pasodope sôi động giúp lôi kéo tôi trở lại nhịp điệu tưng bừng của ngày xuân.


Theo lời yêu cầu của các người bạn phương xa còn nặng lòng với quê hương, sáng mùng 3 tôi lò dò tới Vườn Ông Thượng để tập tành làm nhiếp ảnh gia cố mà chớp cho được vài cái hoa mai của Hội Hoa Xuân tết Giáp Ngọ để gởi tặng người xa.


Cũng tuân theo lời dặn là nên có mặt ở đó khoảng 8:30 sáng thì còn ít người đi tham quan và đã có nắng lên rồi cho dễ chụp, tuy tôi thừa biết tiết trời năm nay vào thời khắc đó thì còn mù mờ lắm. Đúng y như rằng, lúc chạy xe ra đường tới đó thì trời còn âm u và khá lạnh. Gởi xe rồi và mua vé vào cửa, quả thật người còn thưa thớt lắm bởi chẳng ai dại gì đi chơi khi trời chưa đủ ấm. Lần tới khu vực trưng bày các chậu mai bonsai tham dự triển lãm thì thiệt tình là các nghệ nhân quả có tay nghề cao nên đã chọn đúng thời điểm cho mai trổ bông đúng dịp. Đẹp lắm!


 
Nhưng ông trời cứ âm u mãi, không chịu hé một chút nắng nào nên khu vực trưng bày giống như nằm lọt dưới tán lá cây trong rừng sâu thì làm sao mà chụp hình? Đứng vẩn vơ chờ nắng hút tàn mấy điếu thuốc nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan hơn.


Càng ngày thì khách kéo tới càng đông, nhưng trời vẫn chưa chịu có nắng. Tôi chớp đại vài “pô” nhưng khi xem lại thì coi mòi không xong. Nếu để flash thì hình không ra gì.


Phụ nữ già trẻ sao mà đẹp đến thế trong mấy ngày tết! Đương nhiên là họ đã trang điểm kỹ hơn, chọn quần áo đẹp hơn đi đến đây để chụp hình kỷ niệm một-thời-son-sắt(?). Nhìn vẩn vơ một hồi tôi lại quên mất nhiệm vụ chính của mình mà cứ chăm chú vào đám hoa di động đang lượn lờ ngang qua. Nói phải tội chớ mấy khi có dịp được nhìn gần nhiều phụ nữ đẹp đến thế! Không nhìn thì…phí của giời! Có một “đấng phụ nữ” chắc cũng tầm U.50 cứ láng cháng gần chỗ tôi đứng đỏng đảnh đạo diễn để đứa con chụp hình cho mình, giọng nói cứ như một cô thiếu nữ đôi mươi đang làm dáng (tôi hồ nghi là nàng đang single quá, chắc là muốn bắn đi tín hiệu chi đây cho anh chàng chỉ đứng có một mình. Nhưng “qua” đang làm nhiệm vụ, không có hứng thú em ơi!)


Mà ông trời sáng nay cũng chơi khăm cứ không chịu nắng. Thôi đành phải cuốn gói hẹn ngày mai trở lại coi tình hình có khả quan hơn không? Mặt khác, tôi cũng muốn “bảo quản” cái mỏ mình trong mấy ngày xuân, không muốn bị cảnh “cái miệng ăn trầu, cái đầu xỉa thuốc”, chớ cứ đứng đó mà nhìn vợ con bồ bịch người ta một hồi thì đố khỏi tai họa không rơi xuống đầu mình.


Sáng mùng 4 tết, rút kinh nghiệm tôi đi trễ hơn để chờ nắng. Tới nơi khoảng 9:00. Bữa nay thì ông trời lại “chơi” tôi lần nữa.
 
Trời trong xanh từ sáng sớm, nắng xuân đã tràn ngập trên đầu cây ngọn cỏ làm không khí ấm áp hẳn lên. Lũ chim chóc và ong bướm đã trổi giọng tưng bừng bay lượn khi tôi tới đó. Và cũng hỡi ơi luôn khi khách tham quan đã ùn ùn kéo tới đầy kín khắp các lối đi. Trời sinh chi những người nữ phô diễn hết cái đẹp hình thể để tâm trí tôi phải khốn đốn thế ? Người đông vầy thế nầy thì làm sao có khoảng trống để chụp hình đây trời? Cứ đang nâng máy lên săm soi vật mẫu để chọn góc độ và ánh sáng thì thấy trong màn hình một cái đầu tổ chảng xuất hiện.
 

Những mái đầu xanh thì coi như tuổi trẻ họ vô tình đi, nhưng thi thoảng vẫn xuất hiện những mái tóc bạc để dài theo kiểu các nhà làm văn hóa ở đây hay rập khuôn làm tôi khựng lại rồi tự hỏi: “Thế cái dân tộc bốn ngàn năm văn hiến sáng nay đã biến đi đâu mất rồi để tôi cứ phải bắt gặp nhiều người mất lịch sự đến thế?”. Các gốc mai bonsai trưng bày được một vòng dây nylon trắng rào chắn tách biệt kèm theo tấm bảng “Không sờ vào hiện vật”, nhưng các nàng cứ leo qua để “tay vin cành lộc biếc” mà chụp hình, hết người nầy tới người kia nối tiếp nhau như trong một phòng chờ của bác sĩ khám bệnh. Đợi mãi không được đành chán nản lảng đi chỗ khác.
 
 
Khu vực Hoa Sứ quả thật là muôn hồng nghìn tía với nhiều giống lạ tôi chưa từng được thấy bao giờ. Nhưng thôi, đó không phải là nhiệm vụ của tôi hôm nay bèn lần ra phía cổng vào.
 

Một ban nhạc với các nhạc cụ dân tộc đang giúp vui bằng những làn điệu dân ca quen thuộc. Một phụ nữ tầm ngoài ba mươi bước lên cây đàn t’rưng đôi của tây nguyên chơi bản nhạc Sài gòn đẹp lắm! Sài gòn ơi…Sài gòn ơi…của nhạc sĩ Y Vân với sự phụ họa của ban nhạc rất sôi động làm không gian ngày xuân rộn rã hẳn lên.

 
Trở lại khu vực hoa mai coi có thu hoạch thêm được gì không? Lúc nầy tuổi già đã thấm mệt nên lòng hơi chùng xuống.
 
 
Nhìn những cánh mai vàng mỏng manh rơi dưới gốc, cánh cúc vàng rực rỡ trong nắng đã bắt đầu nhợt nhạt, hồ như trong tâm hồn tôi đã nghe được câu giã biệt thì thầm buồn bã trên bến chia ly: Xuân phai…

HÙNG BI

Xuân Giáp Ngọ 2014

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire