Đọc lại bài trước
http://catbuicarolineth.blogspot.fr/2014/01/nha-van-nhat-tien-nha-giao-mot-thoi_12.html
NHÀ GIÁO một thời nhếch nhác ( KỲ 8)
(tiếp theo)
NHÀ VĂN NHẬT TIẾN
Tửu đã đến từ xã hội ở miền Bắc, một nơi mà kiến thức của tôi đã
rất tù mù về những hoàn cảnh sống ở đó. Nếu không tù mù thì tôi đã chẳng
phải rất ngạc nhiên khi hỏi một bà chị họ rằng ở Hà Nội có còn xích lô
đạp không?
Bà chị cứ rũ ra cười khiến tôi đỏ mặt cãi lại :
- Đạp xích lô là cảnh người bóc lột người . Vậy thủ đô Hà Nội làm sao có cảnh ấy ?
Bà chị tôi ghé vào tai tôi thì thào :
- Cậu cứ nghe chúng nó nói thì cứ đổ thóc giống ra mà ăn !
Sự u mê này của tôi là hậu quả của những ngày tháng sau khi Sài Gòn
sụp đổ, bọn giáo viên chúng tôi đã bị nhồi sọ đủ thứ. Nào lý thuyết về
” Ba dòng thác cách mạng” do Tông bí thư Lê Duẩn đề ra: ” Dòng thác
cách mạng XHCN, dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc và dòng thác các
phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư
bản chủ nghĩa”. Nào công cuộc đấu tranh giai cấp xóa bỏ chế độ người
bóc lột người vì trong xã hội cũ quan hệ người với người là chó sói .
Nào chế độ ưu việt ở miền Bắc đã đưa nước Việt lên đỉnh cao trí tuệ
của loài người.. .vân vân . . .và vân vân.
Một đôi khi trong trường có người phàn nàn một điều thiếu sót chi đó thì cán bộ Chi đoàn đã giải thích ngay :
- Đó là hiện tượng, không phải bản chất. Bản chất cách mạng bao
giờ cũng ưu việt. Nhưng cũng đừng đòi hỏi cái gì cũng phải có ngay.Mình
đang còn ở thời kỳ quá độ tiến lên XHCN. Quá độ là qua đò, đang qua đò
thì chưa tới bến ngay được . . .phải từ từ. . . .các đồng chí ạ !
Giải thích như thế thì hết cãi ? Nhưng không cãi thì cũng không cỏ
nghĩa là đã đồng ý. Có điều ở thời buổi này ai mà dám nói ra sự không
đồng ý của mình. Tôi đã một lần dại dột phát biểu trong hội trường mà
sau này, mấy bạn đồng nghiệp thân thiết cứ cằn nhằn mãi :
- Cậu bạo gan như thế ích gì ! Coi chừng nửa đêm công an đến gõ cửa ?
Số là lần đó nhà nước tổ chức bầu cử Hội đồng Nhân Dân Thành Phố.
Tất cả quần chúng khắp mọi nơi đều phải học tập về ý nghĩa của cuộc bầu
cử này. Các giáo viên trường tôi cũng phải tập trung trong hội trường
để nghe thuyết trình viên giảng giải và giới thiệu thành phần ban tổ
chức bầu cử cũng như danh sách các ứng cử viên. Đến phần nêu thắc mắc,
tôi lên phát biểu :
Theo sự hiểu biết của tôi nếu đã là ứng cử viên thì không thể tham
gia tổ chức bầu cử. Điều đó đâu có khác gì vừa đi dự thi, vừa tổ chức
chấm thi. Nay tôi thấy trong danh sách ban Tổ chức Bầu cử lại có cả tên
của ứng cử viên. Vậy là thế nào ?
Hình như cả hội trường hôm đó đều xôn xao vì câu hỏi của tôi. Nhưng
vị thuyết trình viên, cũng là một đồng nghiệp Nhưng do Thành ủy gửi
xuống đã ôn tồn giải thích :
- Đây là sự ưu việt của chế độ ta, đồng chí ạ.
Người có khả năng, lại có tinh thần chí công vô tư thì dù tham
gia bất cứ công tác nào cũng đều là đóng góp cho sự nghiệp cách mạng cả.
Ta không nên lấy cái kinh nghiệm xấu xa của chế độ cũ để làm thước đo
cho những công tác cách mạng bây giờ.
Mấy hôm sau, thằng Tửu gặp tôi cũng cười hì hí:
- Em nghe chúng nó kể lại buổi học tập của các thầy cô trong hội
trường. Thầy không biết ở ngoài Bắc mọi người van bảo nhau khi đi họp
thì cứ ” Thứ nhất ngồi lì thứ nhì đồng ý” à ?
Tới lúc đó tôi chợt cảm thấy mình ước ao giá có được những kiến
thức dầy dạn y như nó để có thể ứng xừ hàng ngày trong thời buổi thật sự
đổi đời này. Ngẫm nghĩ ra, mấy cái công thức, mấy cái định lý mà tôi
đang dạy cho nó thật ra chỉ là cái thứ đồ trang trí đem vẽ lên một khuôn
mặt độc ác, dữ dằn. Rồi tôi tự hỏi là mình đang làm cái gì đây trong
đời sống này ?
Kể từ hôm đó, tôi để ý đến thằng Tửu nhiều hơn. Tôi thấy nó sinh
hoạt một cách hồn nhiên giữa đám học sinh cũ của ngôi trường này. Y phục
của nó cũng dần dà thay đổi. Bây giờ nó đã biết mặc quần bò và sơ mi
sọc bỏ áo ra ngoài quần. Nó biết hát cả những bàn nhạc vàng vốn bị cấm
tiệt trong thời buổi đó. Đã thế nó còn hát cả nhạc “chế ‘ nữa. Tôi cũng
đã được nghe bản nhạc chế này nhiều lần, và nếu chỉ do dân chúng Sài
Gòn hát lên thì là chuyện bình thường. Nhưng đằng này cái thứ nhạc chế
đó lại được cất lên từ chính miệng của thằng Tửu thì mới là. . . vui
và khiến cho mức độ hài hước của bản nhạc tăng lên rất nhiều. Giọng
của nó ôm ồm cất lên giữa những tiếng cời ngặt nghẽo của đám học sinh
cũ như sau :
- Từ ngày giải phóng vô đây Thầy bán nhà lầu
Tù ngày giải phóng vô đây Thầy bán xe hơi
Lâu lâu Thầy bán Honda
Lâu lâu Thầy bán giày da
Lâu lâu Thày bán cái quần xì…
Bài hát ấy tuy là giễu Nhưng thật đâu có sai. Tôi thì không có nhà
lầu, xe hơi, Honda để bán, nhưng đồ đạc trong nhà thì cứ lần lượt đội
nón ra đi. Không bán đồ đạc thì lấy tiền đâu đi chợ. Trong nhà tôi đã
bán nhiều thứ đến độ có một hôm anh công an khu vực tự tiện bước vào nhà
tôi nhìn quanh rồi cất tiếng hỏi :
- Ơ ? Cải kệ tủ trước kê ở đây bây giờ đâu rồi ?
Tôi còn đang ngớ ra nhìn và thấy quả nhiên cái kệ tủ đã biến đi đằng nào, thì nhà tôi đã trả lời thay :
- Bán rồi anh ơi ? Nhà hết tiền đong gạo !
Cái cảnh bán đồ đạc lấy tiền đong gạo này chẳng cứ riêng ở nhà tôi.
Một lần đến thăm một anh bạn đồng nghiệp dạy môn Hóa Học cùng trường,
tôi thấy phòng khách của anh trống huếch trống hoác. Bộ Salon vốn choán
gần hết chỗ nơi phòng ngoài đã tém dẹp đi từ lâu rồi còn chính anh thì
đang nằm bò nhoài người ra giữa sàn đá hoa để chấm điểm cho một đống
bài thi của học trò. Anh nhìn tôi cất giọng thiểu não :
- Còn cái giường kỷ niệm ngày cưới, chắc rồi cũng phải cho đi !
Tôi ngậm ngùi nói :
- Bọn chúng mình bao nhiêu năm chỉ quanh quẩn với cái bảng đen và
cục phấn trắng. Nếu vứt ra khỏi cổng trường thì chẳng biết xoay sở thế
nào để mà sống. Tại cái mặc cảm mô phạm nó bó riết lấy mình. Chẳng lẽ
bây giờ lại đi ra chợ trời, tay cầm mớ quần áo cũ, miệng rao “mua đi …mua đi… .rẻ rồi… rẻ rồi. . .”
Tôi bật cười :
- Rồi lại có một cô học trò xà lại nói : ” Thầy bớt cho em đi.Em đang học môn Hóa của thầy mà . “. Nghe vậy thầy có “bớt” không?
Anh bạn cũng phì cười :
- Tới nước đó thì vất mẹ nó áo đi, bỏ của chạy lấy người , chớ ở đó mà bớt !
Ôi ? Bọn nhà giáo chúng tôi trước đây chỉ toàn nói chuyện văn
chương chữ nghĩa với bài vở nơi nhà trường, thế mà mới chỉ không đầy vài
ba năm, bây giờ sao câu chuyện đã xoay thành những đề tài thàm hại như
thế ? ! !
MỘT THỜI . . .GIÁO ÁN !
Các giáo viên miền Nam nếu còn tiếp tục được giảng dạy trong nhà
trường XHCN thì không mấy ai là không ngán ngẩm về cái được gọi là giáo
án” vốn là một thứ bắt buộc mỗi người phải thực hiện cho từng giờ
giảng dạy.
Giáo án hiểu một cách nôm na là bài soạn của thầy, cô giáo trước
khi vào lớp. Dĩ nhiên, đã vào lớp thì phải soạn bài . Trước đây các
thầy, cô giáo đều cũng đã làm thế. Nhưng mỗi người có cung cách soạn
bài theo ý riêng của mình. Có người ghi chép vào sổ tay, có người chỉ
đọc tài liệu mà không ghi chép, lại cũng có người vì dạy đã lâu năm nêu
bài giảng nằm sẵn trong đầu, khi đến trường sẽ tùy theo tình hình lớp
học mà giảng dạy.
Nhưng dưới mái trường XHCN thì khác. Nó là một thứ pháp lệnh”. ai
cũng phải tuân theo chứ không thể “tùy tiện” như trước. Cho nên mỗi giáo
viên đều phải có một cuốn sổ gọi là Sổ Giáo án dùng để soạn bài và bài
soạn này phải được Ban Giám Hiệu kiểm tra đóng dấu rồi mới được phép đem
dùng. Đã thế, trong giờ học, cuốn sổ này lại phải đặt tại rìa bàn học ở
cuối lớp phía sát ngay hành lang để bất chợt Hiệu Trường hay Hiệu Phó
đi kiểm tra thì có thể mở ra đối chiếu xem thầy, cô giáo có theo đúng
tuần tự diễn tiến như đã ghi trong sổ hay không. Chính vì thế mà hầu
như giáo viên nào cũng đều coi “giáo án” là một cơn ác mộng.
Vậy giáo án gồm những nội dung gì để khiến thầy cô phải ngán ngẩm đến thế ?
(còn tiếp)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire