THỜI GIANG HỒ NGANG DỌC
nguồn Một Thời Saigon
GIANG HỒ NAM BẮC
PHÂN TRANH !!!
“Đại hội giang hồ Trà Bắc tại Sài Gòn lần
thứ I” có hai kẻ ngoại đạo được xem là “mối”, được xếp ngồi chiếu trên.
Người thứ nhất là C. “cận”, một tay đang tập tễnh văn chương từng can
tội cướp có vũ trang và vài ba… trọng tội khác cho nên phải ăn cơm tù 17
năm. Từng ngồi mòn vẹt cả nền xi măng của Trại giam Nam Hà, C. “cận”
được nhiều dân chơi phía Bắc nhẵn mặt. Qua gã, tác giả bài viết này đã
tò mò ghé đến Trà Bắc và vô tình được mời làm “mối” thứ hai.
Ba đêm sau, nhà thơ Đặng Vương Hưng, biên
tập viên NXB.CAND cũng “can đảm” ngồi sau xe đạp để chúng tôi chở đến
ngồi bệt giữa lề đường Phạm Hồng Thái, quận I uống chè chén, ăn kẹo lạc,
hóng chuyện giang hồ. Nếu tôi nhớ không lầm thì đêm đó, nhà thơ đã ngồi
cùng chiếu với Thắng Tài Dậu và T. “cá”, nhưng đôi bên đều hoàn toàn
không biết nhau. Bảo là “cũng khá thú vị”, nhưng riêng khoản thuốc lào,
ông nhà thơ trắng trẻo thư sinh cứ chối đây đẩy.
Ba tuần sau, C. “cận” đem chuyện giang hồ
Trà Bắc huỵch toẹt thành một bài báo khá sinh động in trên tờ Tiền
Phong, ký một cái tên lạ hoắc. Bị nhắn hỏi, dù nhuận bút đã nhận đủ, C.
“cận” vẫn chối phắt quyền tác giả. Lò Trà Bắc sôi sùng sục. Vì chỉ duy
nhất chúng tôi là người lạ tham gia đêm “đại hội ngồi bệt” cho nên những
thằng mặt rô xứ đó cứ gọi là sôi máu lên, quyết tìm cho ra “gã mối cà
chớn” là tôi để “dạy cho một bài học lễ độ” hay nói chính xác là để “bằm
cho vịt ăn”.
Vụ việc chỉ được xếp êm, khi có sự dàn
hoà của Lâm chín ngón, lúc này đã là một ông chủ quán thịt chó trên
đường 3/2, Q.10 và là một người chúng tôi quen biết.
Lê Ngọc Lâm sinh năm 1945, Công giáo toàn
tòng, 9 tuổi theo Chúa vào Nam, lớn lên từ cô nhi viện và các trại dành
cho trẻ bụi đời. Ngoài chuyện đâm chết 2 “cao thủ” khác trong tù mà
chúng tôi đã đề cập, Lâm chín ngón còn nổi tiếng vì đã từng cùng với Đại
Cathay, Của “Gia Định” và Ngọc “heo”, đầu têu vụ bạo loạn của 800 tù
thường phạm, đốt cháy Trại giam Chí Hoà vào đêm 25/8/1966. Tiếng tăm đủ
để đám Trà Bắc nghiễm nhiên xem gã như một “tiền bối” giang hồ.
Bốn năm sau nữa, đến lượt Lâm… thọ nạn.
Khoảng 8h tối 14/7/1999, Lâm chở vợ và con trai 6 tuổi đi ăn tối tại
quán Lồi trên đường Cư xá Bắc Hải, Q.10. Một thanh niên không rõ mặt đã
bất ngờ lao tới hắt nguyên một ca acid sunfuric và tót lên yên sau một
xe máy đang chờ sẵn phóng vút đi. Lâm chín ngón hét lên một tiếng và lăn
ra lề đường quằn quại. Qua nhiều lần phẫu thuật, khuôn mặt Lâm vẫn bị
biến dạng khủng khiếp: hai tai rụng, mũi rụng, cằm dính vào ngực, hai mí
mắt chảy ra và dính vào nhau, bịt kín hai hốc mắt, ấn ngón tay vào là
có hai dòng nước đục như nước gạo rỉ ra.
Lê Ngọc Lâm và gia đình đã tuyệt đối
không tố cáo với Công an, không nghĩ tới chuyện trả thù, chỉ nhất mực
xem đó là nghiệp chướng, tìm nơi khuất nẻo để thuê nhà cho Lâm lánh mặt.
Lâm sợ phát hiện ra chỗ ở của anh ta, đám sát thủ lại mò đến. Phải
nhiều lần thuyết phục, chi L., vợ Lâm mới đồng ý và dẫn đường chúng tôi
đến thăm Lâm.
Nhờ sự quen biết và gửi gắm của nhà báo
Vũ Cao, đồng nghiệp của chúng tôi ở tờ ANTG, nguyên là một bác sĩ, Lê
Ngọc Lâm đã được bác sĩ Nguyễn Văn Tráng, Trưởng khoa Mắt bệnh viện Chợ
Rẫy giúp mổ tái tạo lại hai hốc mắt. Ca mổ miễn phí. Bác sĩ Tráng đã bảo
: “Cứ xem như chúng tôi tặng anh một cơ hội, để may ra còn có thể nhìn
lại được cuộc đời”. Tất nhiên, vết thương quá nặng nên “cơ hội” của Lâm rất thấp, thị lực mỗi bên mắt chỉ còn lại 2/10.
Giữa tháng 12/2001, khi vụ Năm Cam nổ ra,
vụ việc mới có cơ hội được làm sáng tỏ. Năm 1988, sau hơn 22 năm tù
tội, Lâm chín ngón được tự do. Năm Cam đến tận nhà hỏi thăm, cho tiền,
cư xử với Lâm khá biết điều. Năm Cam còn yêu cầu Mười đen, chủ một cửa
hàng bán đồ điện – điện tử ở khu Huỳnh Thúc Kháng, quận 1 phải nhường
cho Lâm một phần hùn trị giá 2 lượng vàng. Gọi là hùn nhưng Lâm không
phải góp vốn, chỉ đều đặn nhận tiền lãi. Sau vài tháng, Lâm đòi Mười đen
nâng… tỷ lệ lãi và đập phá tanh bành cửa tiệm khi bị từ chối. Điên
tiết, Nghĩa, con trai Mười đen (sau này bị tử hình vì tội giết người) đã
vác dao ra quyết trừng trị “thằng giang hồ già bố láo”. Nếu Năm Cam
không xuất hiện, can ngăn đúng lúc, giữa Lâm chín ngón và Nghĩa đã xảy
ra một cuộc song đấu kẻ mất người còn. Bí quá, Năm Cam đành “khuyên bảo”
Mười đen (thực ra là buộc phải làm theo): “Thôi, anh Lâm đã không đồng ý
hùn nữa thì đem trả 2 cây vàng vốn lại cho ảnh” !
Có vốn, Lâm tham gia buôn bán ở chợ tân
dược quận 10. Được ít lâu, thấy Mười đen mở tiệm mới, làm ăn khá, Lâm
lại mò đến đòi “góp vốn”. Lại suýt chém nhau, Năm Cam lại đứng ra dàn
xếp. Không chút biết điều, Lâm vẫn chửi Năm Cam sa sả, cố tình gây sự.
Cuối năm 1998, Lâm tổ chức tiệc ở một nhà
hàng trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 mời một loạt giang hồ có máu mặt.
Năm Cam đến dự. Giang hồ các bàn đều đứng dậy cầm ly đến ra mắt, chúc
tụng, một điều anh Năm, hai điều anh Năm, quên béng mất “chủ nhân ông”
bữa tiệc là Lâm chín ngón. Ngứa mắt, Lâm xô tới, chỉ mặt Năm Cam gầm lên
: “Thằng Năm Cam này chỉ là đồ gá bạc nhãi nhép. Tao coi nó không là
cái đinh gì. Đứa nào bợ đỡ với thằng già chó này, đừng coi tao là đàn
anh nữa”.
Mặt tái như đít nhái, giận run người,
nhưng chưa phải lúc, Năm Cam vẫn ngọt nhạt: “Anh Lâm say quá rồi, mấy em
đưa ảnh về nghỉ. Anh Năm cũng say rồi, anh Năm đi trước”.
Hai tuần sau, theo sự chỉ đạo của Năm
Cam, một sòng bạc “quen biết” ở Q.10 đã quên mất “nghĩa vụ nhường nhịn”,
lột sạch của Lâm 1 cây vàng, 17 triệu đồng và 1 chiếc xe máy. Tưởng hổ
dữ còn uy, Lâm đã đến tận nhà Năm Cam đòi lại. Câu trả lời là lời tuyên
chiến : “Cờ gian bạc lận, dám chơi dám chịu, tiền đâu tôi “đền” cho anh
Lâm mãi được !”. Hung hăng, Lâm chín ngón định “dạy cho thằng Năm một
bài học” ngay tại chỗ. Nhưng mấy tên đàn em đi theo, vừa nhác thấy Năm
Cam, Châu Phát Lai Em, Thọ “đại uý” bước ra, đã co cẳng chạy mất. Quay
qua quay lại thấy chỉ có một mình. Lâm chín ngón đành đứng chửi một hồi
rồi bỏ đi.
Tối
11/7/1999, Dung “Hà” và Quân “béo” (Nguyễn Duy Quân) được Năm Cam triệu
đến nhà riêng ở số 107/38 Trương Định, quận 3, yêu cầu “giải quyết” Lâm
chín ngón. Ý kiến “tạt acid có tác dụng dằn mặt khủng khiếp hơn” do
Dung “Hà” đưa ra được Năm Cam “duyệt”. Cháu gọi Năm Cam bằng cậu là Thọ
“đại uý” (Nguyễn Văn Thọ) đã hai lần phải xách bình đi mua acid, vì lần
đầu Dung “Hà” chê “loãng, không đạt yêu cầu”. Sau đó, chính Thọ lại phải
đưa đường cho hai sát thủ lên quận 10 để nhận mặt Lâm Chín Ngón.
Ba ngày sau, tay anh chị Ba-ke lừng lẫy
một thời đã vĩnh viễn thành người tàn phế. Sau phiên toà xử vụ Năm Cam,
Lâm chín ngón phát lộ dấu hiệu tâm thần, kết thúc bằng cái chết bi thảm,
chúng tôi không tiện đề cập.
Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, giang
hồ Trà Bắc bắt đầu rùng rùng kéo nhau vào Nam, hoà nhập rất nhanh nhưng
dứt khoát không… hoà tan. Mốt thời thượng của đám “cu lịch và quý – sờ –
tộc” (dân chơi, con nhà giàu mới lớn) ở Sài Gòn lúc đó là “đầu Ta-bu,
xế Su – rít, đít jean – tua”, nghĩa là tóc cắt kiểu Ta-bu, không có tóc
mai, giống như cái mũ nồi chụp lên cái đầu cạo trắng, đi xe Suzuki
Crystal loại 2 thì, ống “pô” vểnh ngược, có tốc độ đề – pa từ 0
-100km/h, tôi không nhớ mất mấy giây nhưng cực nhanh, lại nhẹ, dễ luồn
lách, dễ đánh võng trên đường phố để trốn chạy nếu bị truy đuổi và mặc
quần jean xé ống lua tua như tấm giẻ chùi nhà…
Đám Nhikolai (còn trẻ) từ ngoài Bắc “hành
phương Nam” cười ruồi, chê là nửa mùa. Chúng tụ lại với nhau khoe áo
Nato, áo bay bằng da láng, giày Côsưghin cao cổ và cắt tóc kiểu ca-rê 3
phân. Tuy bảo là “ăn Bắc mặc Nam” nhưng dường như đã có giai đoạn, phục
trang của giang hồ Trà Bắc đã khiến giang hồ Sài Gòn phải thầm ghen tỵ
và… bắt chước.
Được những cuộc đối đầu ngang nhiên của
Lâm chín ngón với Năm Cam cổ xuý, không ít tay Trà Bắc “mới lớn” tỏ ra
coi thường cả hệ thống giang hồ Sài Gòn lẫn ông trùm của chúng. “Thằng
nhãi ranh” đầu tiên dám giỡn mặt chính là Cường “híp”, tên thật là Trần
Ngọc Cường, sinh năm 1968 tại Hải Dương, nhưng hộ khẩu thường trú lại
nằm trên đường Lương Khánh Thiện, Hải Phòng.
Theo gia đình chuyển vào sinh sống ở
đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, Cường “híp” nhanh chóng liên kết với Ngọc
“đói”, một giang hồ quận 3 dữ dằn, ngoi lên xây dựng cho mình một lãnh
địa ở khu vực Chợ Đũi, tổ chức cờ bạc, bán lẻ ma tuý và giành quyền bảo
kê một số quán bar, vũ trường khu vực quận 3 và quận 1. Năm 1995, Năm
Cam phải đi cải tạo, Cường “híp” lại bắt tay với Bình “kiểm” hình thành
nên một băng nhóm giang hồ Trà Bắc cực mạnh.
Để dạy dỗ, Năm Cam đã ra lệnh cho đàn em
quậy nát trường gà và sòng bạc của Cường “híp” ở khu vực Cống Bà Xếp
(đường Trần Văn Đang, sau ga Hoà Hưng), sau đó báo cho Công an truy
quét. Đám hảo thủ Ba-ke trẻ tuổi đàn em của Cường đang bảo kê ở quận 3,
quận 1 đã liên tục bị những Châu “râu”, Bình “đen” (em trai võ sư Nguyễn
Văn Vạn đã bị án tử hình), Luông “điếc”, Dũng “lỳ” (con trai cặp quái
kiệt Luông “điếc”, Hà “trề”), Nghĩa con trai Mười đen bất ngờ tập kích,
đánh chém tơi bời.
Cường
“híp” ra lệnh cho đàn em lót ổ, chém Mười đen, đập nát bảng hiệu một số
cơ sở kinh doanh của tay này để trả đũa. Điên ruột, Năm Cam hạ lệnh
quy tụ khoảng 60 sát thủ định tổ chức đập phá, sau đó đốt nhà hàng
karaoke G.Đ. nổi tiếng ở quận 3 nhằm triệt phá nơi Cường chọn làm đất
cung cấp ma tuý cho dân chơi Sài Gòn. Chưa kịp ra tay, một sự cố khác
lại xảy ra.
Cận Noel 1998, có 4 tay chơi Ba-ke trẻ
tuổi tham gia đánh bạc tại sòng của Năm Cam trên đường Tôn Đản, quận 4.
Sau chỉ hơn 1 giờ, mỗi tay chơi đều thua khoảng vài chục triệu đồng,
nhẵn túi. Tiễn khách, nhà cái nhã nhặn đưa 200.000 đồng để “các đàn anh
đi ăn cháo vịt”.
Một trong 4 con bạc hất hàm: “Lấy ra đây
mỗi người 1 triệu, không bố mày đốt mẹ cái sòng bây giờ”. Lập tức, một
dàn mã tấu xuất hiện, gí ngang cổ cả 4 tay chơi. Có vẻ cũng khá “biết
nhau”, các tay mã tấu chỉ vung lên thị oai đủ đe dọa để vứt 4 thằng
ngang ngược ra đường nhưng không chém. Lời cảnh cáo là : “Cầm lấy tiền
rồi biến. Ăn khuya mà đòi mỗi thằng 1 triệu, tụi bay định cướp à ? Lầm
chỗ rồi !”. Vứt tung 4 tờ 50.000 đồng màu xanh, một thằng khách thủng
thẳng : “Định cướp, chỗ này ra bã lâu rồi. Bố mày không lầm đâu. Về bảo
thằng trùm già của chúng mày cứ chờ đấy”.
Một tuần sau, một xe cá mập (Toyota Hiace
loại 16 chỗ) lại đỗ xịch đúng giờ tại sòng bạc cũ. Những tay mã tấu lại
chạy rùng rùng, vây lấy đám khách vừa xuất hiện. Chưa kịp vung mã tấu,
đám cô hồn sòng bạc đã líu ríu úp mặt vào tường. Có tới 4 khẩu súng, 2
quả lựu đạn bất ngờ xuất hiện để thiết lập trật tự. Gom tất cả tiền bạc
trong sới vun thành một đống, tên Trà Bắc bị xô ra hôm nào ung dung móc
bật lửa đốt thuốc và… đốt luôn đống tiền. Chờ cháy sạch, gã mới thủng
thẳng: “Nhớ nhé, chúng ông không cần cướp. Chỉ “vui” thì “chơi”, thế
thôi”.
Cùng thời điểm, ở một sòng bạc khác của
Năm Cam tại cầu Hang (Biên Hoà), kịch bản tương tự cũng diễn ra. Một
trong số những khách không mời, trước khi rút lui trong yên lặng còn dặn
lại: “Anh Cường “híp” có lời chia buồn với anh Năm, nhờ… các em chuyển
giúp!”.
Lời cảnh cáo quả nhiên có tác dụng. Năm
Cam thừa biết bọn nhóc rắn mặt sẽ không ngần ngại chơi hàng nóng. Và
chơi bạo. Thắng thua với chúng chắc chắn không lợi lộc gì. Ngay lập tức,
lệnh đốt quán, chém giang hồ Trà Bắc đi lẻ được thu hồi và bãi bỏ.
Chiến lược của Năm Cam chuyển hướng từ đối đầu, trừng trị sang bắt tay
giảng hoà và hợp tác với Trà Bắc, thế lực giang hồ mới đang ngóc lên và
khẳng định vị trí ở Sài Gòn. (theo Hồng Lam/CAND)
VÌ SAO LÂM CHÍN NGÓN
MẤT MỘT NGÓN TAY ?
Ỷ vào binh hùng tướng mạnh, vả lại quyền
lợi quá lớn, Tín Mã Nàm gạt phăng đề nghị “hợp tác làm ăn” của Đại
Cathay. Và thế là trận chiến giữa hai băng nhóm giang hồ lớn nhất miền
Nam bắt đầu…
Tính dằn mặt đối thủ, ai dè gặp thứ
thiệt, đám thực khách không còn cách nào khác hơn là chấp nhận xuống
nước. Trời không chịu đất, đất đành chịu trời chớ sao. Tên hớt tóc ngắn,
hình như cầm đầu bọn, lên tiếng :
- Thấy anh nãy giờ tôi nghĩ không phải thứ mới vào nghề chưa có số má gì. Anh nói thật cho tụi tôi biết anh là ai ?
Lâm thở dài :
- Từ lâu lắm tôi đã cố quên tên của mình.
Nay các bạn hỏi tôi cũng xin nói thiệt. Cách nay hơn mười năm tôi cũng
tạm gọi là có chút danh vọng. Anh em trong giới giang hồ khi ấy quen gọi
tôi là Lâm Chín ngón.
Cả bốn tên đều bất giác đứng bật dậy, gã tóc ngắn hỏi :
- Anh là Lâm Chín ngón ? Đâu, anh cho xem bàn tay trái thử coi.
Nãy giờ, khi thử sức Lâm đều dùng tay
phải nên chưa ai thấy bàn tay trái của anh ta. Khi Lâm vừa xoè bàn tay
trái với bốn ngón ra thì cả bốn đứa đưa cả hai tay ôm vai anh ta, đứa
cầm tay lắc lấy lắc để, đứa chắp hai tay xá :
- Xin lỗi đại ca, xin lỗi. Nãy giờ tụi em
không biết lỡ xúc phạm đến đại ca. Anh em trong nhà cả, đại ca không
nói sớm. Đâu, chủ quán đâu ?
Thì nãy giờ chủ quán nấp ngay sau cánh cửa chớ đâu. Vừa nghe gọi chủ quán bước vô phòng… Tên hớt tóc ngắn bảo :
- Đưa hóa đơn tính tiền coi !
Chủ quán đã lấy lại bình tĩnh :
- Dạ khi nãy đưa rồi mà.
Tên râu quai nón cúi xuống gầm bàn lượm tờ giấy lên, đọc :
- Một triệu bốn trăm năm mươi ngàn. Tưởng nhiều, nhiêu đó nhằm gì !
Gã móc túi lấy ra chiếc khăn, mở ra, bỗng
gói vội lại, kêu “Lộn rồi !”. Nhưng Lâm đã kịp nhìn thấy một đống nhẫn,
dây chuyền, đồng hồ… trong khăn, đoán chừng bọn này vừa “ăn hàng” về,
vô quán ăn mừng. Gã móc túi bên kia, phen này thì đúng là một bọc tiền.
Tên hớt tóc ngắn giọng xởi lởi :
Thấy tình hình đã lắng dịu, “phe mình”
thắng thế, mấy em gái bia ôm thập thò ngoài cửa phòng, chỉ chờ cơ hội là
ăn theo, nhanh nhẹn bước vô. Một tên khác bảo :
- “Bo” mỗi em một trăm ngàn chịu không ?
Thì mấy em chịu quá đi chớ ! Tiền bạc xong xuôi, tên hớt tóc ngắn thân mật bắt tay Lâm Chín ngón :
- Tụi em khi nãy không biết, lỡ đắc tội,
đại ca bỏ qua cho. Khi nào có dịp ra Hải Phòng, đến bến Sáu Kho, đại ca
cứ hỏi Thành bớp là ai cũng biết, tụi em xin tiếp đón trọng thể.
Kể xong câu chuyện, Lâm Chín ngón thở dài
tâm sự : “Anh ạ, từ sau tối hôm ấy, em nghĩ cái mạng mình sống chết bất
cứ lúc nào nếu còn theo cái nghề bảo kê ấy, mà chết lãng xẹt. Nên em
quyết bỏ bằng được”.
Tại sao Lâm mất một ngón tay ?
Trước khi kể tiếp, xin vắn tắt nói về biệt danh Lâm Chín ngón.
Hầu như ai cũng biết bốn tay “đại cao thủ võ lâm” đã thành danh trên chốn giang hồ Sài Gòn khoảng 50 năm về trước : Đại, Tỳ, Cái, Thế.
Đại Cathay đã đi vào “lịch sử dân chơi” với nhiều huyền thoại pha lẫn thực tế, kể cả cái chết bí ẩn của anh ta.
Tỳ vốn là võ sư, tên thật Huỳnh Tỳ,
trước hùng cứ tại Olympic đường Hồng Thập Tự. Sau 1975, Tỳ vào chùa
thắp nhang thề từ bỏ chốn giang hồ, về nhà làm nghề mua bán.
Cái họ Wòng vốn gốc là dân Nùng. Thế tên thật Lâm Thế,
thường gọi Ba Thế. Khi ấy Cái và Thế cùng nhau coi khu vực từ Lê Lai
dọc qua ngã tư Quốc tế đến khu Dân Sinh (Wòng Cái chết trong thùng xe
bánh mì sau bệnh viện Sài Gòn vì bị ma túy hành hạ trong đêm Noel 1978.
Còn Ba Thế tập hợp số đàn em còn rơi rớt lại tính “cướp cú chót” vào
thời gian gần Tết trung thu năm 1976, nhưng vụ cướp không thành và Ba
Thế bị bắt, số phận sau ra sao không rõ).
Vào thời điểm 1964, Đại Cathay tính “bành
trướng lãnh thổ” sang khu Đại Thế Giới ở Chợ Lớn; cả Tỳ, Cái, Thế đều
đã quy phục Đại Cathay.
Đại Thế Giới nằm ngay tại ngã ba Trần
Hưng Đạo – Nguyễn Hoàng (nay là Trần Phú) khi ấy nằm dưới quyền Tín Mã
Nàm, vốn đã nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, qua giữa thập niên 1960 lại
càng mở mang phát triển hơn.
Tiền bạc vô như nước, đương nhiên bọn
đứng “mặt rô” phải đông. Dưới trướng Tín Mã Nàm là một dọc các “cao
thủ”, với cánh tay phải là Xú Bá Xứng chuyên coi về tài chánh, cờ bạc;
về đâm thuê chém mướn phải kể đến Bắc Kỳ chảy và Cọp chảy đứng đầu băng
bảo kê. Nhất là Bắc Kỳ chảy vốn là dân gốc người Nùng từ Móng Cái di cư
vào đầu quân cho Tín Mã Nàm.
Ỷ vào binh hùng tướng mạnh, vả lại quyền
lợi quá lớn, Tín Mã Nàm gạt phăng đề nghị “hợp tác làm ăn” của Đại
Cathay. Và thế là trận chiến giữa 2 băng nhóm giang hồ lớn nhất miền Nam
bắt đầu…
Đại Cathay lập tức triệu tập binh tướng,
lên kế hoạch tập kích. Ba Thế mới về đầu quân cho Đại Cathay chưa bao
lâu, chưa lập được chiến công hiển hách nào, hăng hái :
- Để thằng Bắc Kỳ chảy cho tôi !
Tuy là một trong “tứ đại cao thủ” nhưng
Ba Thế trắng trẻo, đẹp trai, từng được hề Ba Hội đoàn Kim Chung đặt biệt
danh “bạch diện thư sinh”, nên Đại Cathay ngần ngại :
- Thằng Nùng đó ghê lắm. Bọn Nùng di cư toàn đi lính nhảy dù và thiết giáp… Thôi được, thằng Lâm phải theo sát hỗ trợ cho Thế !
Thế là một sáng kia, hai xe hơi du lịch
và mấy chục xe gắn máy hiệu Goebel, Push, Brumi, Ishia (hồi ấy chưa có
xe gắn máy Nhật, mà chỉ toàn xe hiệu Sach của Đức) chở đôi phóng như
bay, bất ngờ đồng loạt thắng lại trước khu Đại Thế Giới. Các thanh niên
trên xe nhào xuống, kẻ rút đao, kiếm, người móc côn, lưỡi lê, ào vô các
tiệm quán bên đường, cứ nhè các thanh niên đang ngồi uống cà-phê hay ăn
hủ tíu mà đâm, chém tới tấp, bất
kể đó có phải đám lâu la của Tín Mã Nàm hay không. Sau một lúc ngỡ
ngàng, nhóm thanh niên này lập tức trấn tĩnh lại, hò hét lấy khí thế,
chạy vô phía trong quán, cũng lấy dao, kiếm, côn nhị khúc…. cất giấu
sẵn, múa may đánh trả không chút sợ hãi.
Trong lúc hai bên giáp chiến, Ba Thế đảo
mắt tìm Bắc Kỳ chảy. Vừa nhận ra đối thủ, Ba Thế cầm đao xộc thẳng tới
trước mặt Bắc Kỳ chảy, quát lớn :
- Mày ngon đấu tay đôi với tao !
Bắc Kỳ chảy hừ một tiếng, vung thanh mã
tấu bén ngót xông lại đón đường đao của Ba Thế. Qua lại được vài hiệp,
đám giang hồ Sài Gòn do Lâm dẫn đầu ùa tới khiến Bắc Kỳ chảy không dám
tham chiến, vội bỏ chạy.
Đang hăng, Ba Thế rượt đối thủ bén gót.
Hình như đã có chủ ý, Bắc Kỳ chảy chạy tọt vào rạp hát Hào Huê (nằm trên
đường Trần Phú, gần góc đường Trần Hưng Đạo). Đời nào để con mồi thoát
thân, Ba Thế lao theo. Ai ngờ hắn vừa lọt vô rạp hát thì nghe đánh rầm ở
phía sau : Hai tên đàn em Bắc Kỳ chảy phục sẵn ngay tại phía trong cửa
rạp hát đã kéo cửa sắt, khiến cả bọn lâu la của Ba Thế rớt lại phía
ngoài cửa ! Thấy đối thủ đã sa bẫy, Bắc Kỳ chảy vung thanh mã, cười gằn :
- Phen này nị chết nhen con !
Hai tay đàn em của gã người Nùng rút côn
nhị khúc, đứa cầm kiếm lăm lăm, sấn tới. Ba Thế hốt hoảng lượng định
tình thế, áp sát lưng vô tường làm điểm tựa, xuống tấn, cầm ngang đao
thủ thế, chân không ngừng di chuyển dần lại phía cửa sắt…
Phía ngoài, Lâm đuổi tới rạp Hào Huê,
nhưng cánh cửa sắt đã khép lại, chỉ thấy phía trong Ba Thế một chống ba,
tính mạng mong manh như ngàn cân treo sợi tóc. Lâm nhanh trí, lấy đầu
nhọn con dao phở mà hắn dùng làm vũ khí lách vô dưới khe hở chốt cửa,
khẽ nâng lên.
“Tách” một tiếng, chốt đã nâng lên, Lâm
vừa đưa tay trái kéo cửa sắt mở ra thì nghe sau gáy lạnh buốt : Một nhát
kiếm đã chém trúng sau đầu. Lại nghe tiếng quát phía sau, mũi con dao
phở trong tay phải Lâm lúc này vẫn còn dính trong kẹt cửa sắt không thể
nào rút ra kịp để quài lại đón đòn tấn công, Lâm đành liều mình, vung
tay trái lên che ót. Lưỡi kiếm bén ngót lần này tiện đứt lìa ngón tay
cái của Lâm.
Lâm mang biệt danh Lâm Chín ngón kể từ đó.
Bên trong rạp Hào Huê, Ba Thế không bỏ lỡ
cơ hội, nhanh chóng thoát ra ngoài, vừa kịp lúc đám giang hồ Sài Gòn
hàng chục người xông tới tiếp cứu khiến nhóm Chợ Lớn phải tháo lui, tẩu
tán vào các hang cùng ngõ hẻm và các nhà, quán quen thuộc, trong phút
chốc biến mất sạch !
Hoàng Nguyễn post (tổng hợp)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire