caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

mercredi 12 février 2014

Truyện ngắn Bút Xuân Trần Đình Ngọc "Đốt Lò Hương Cũ"


Đốt Lò Hương Cũ
          
             * Bút Xuân Trần Ðình Ngọc

       
Bố tôi qua đời vì bệnh thương hàn sau cuộc Tổng khởi nghĩa của toàn dân ngày 19-8-1945 chỉ hai năm. Mẹ tôi không di cư vào Nam được là do lỗi anh trai tôi. Anh đang dự một khoá huấn luyện Sĩ quan của Quân đội Quốc gia Việt Nam (Quốc trưởng Bảo Đại) thì nổ ra vụ Hiệp định Genève 20-7-1954 ký kết giữa Pháp và Chính Phủ Việt Minh Cộng sản;  Pháp và người Quốc gia vào trong Nam để Pháp sẽ rút ra khỏi Việt Nam, Chính Phủ Cộng sản (tức Việt Minh) chiếm miền Bắc.
 Anh tôi vì còn vợ con ở quê, Trà Lũ, Nam định, anh đào ngũ trốn về làng. Lúc đó tôi đang ở Hà nội, tôi có dặn anh rằng anh về thu xếp sớm sớm đưa mẹ và gia đình anh chị cũng như gia đình các chị gái anh rể lên Hà Nội rồi cùng vào Nam vì không thể ở lại với Việt Minh Cộng Sản được dù phải bỏ lại tất cả nhà cửa, ruộng vườn gây dựng một đời người. Nhưng khi anh về tới quê, bọn du kích và cán bộ VM tại địa phương dò biết anh có ý định đem gia đình vào Nam nên chúng canh coi mẹ tôi và mọi người trong nhà rất cẩn mật, dù đi chợ, đi lễ nhà thờ chúng cũng cho người theo dõi, cuối cùng cả nhà không ai đi được. (Nếu tôi nóng lòng về đón mẹ thì cũng bị giữ lại, không đi được do chủ trương của VM là không muốn cho ai đi sợ mang tiếng với quốc tế).

 Mẹ, các anh,  các chị tôi và các cháu rất buồn rầu nhưng đành phải ở lại trong khi  ở Hà Nội, tôi mong mẹ và cả gia đình từng ngày từng giờ. Mấy chị gái và mấy anh rể cùng các con của họ là những người rất muốn di cư vào Nam  nhưng đều phải ở lại. Họ đã có khá nhiều  kinh nghiệm về cuộc sống quá gò bó với những người CS giữa thiên đàng Xã nghĩa. Họ muốn vào Nam làm lại cuộc đời nhất là lại cùng đi với tôi nhưng không sao được. Chín năm sống với VM (1945-1954) thiếu từ cái kim sợi chỉ, cây bút chì, bút mực, vài tờ giấy viết thư mà đi đã quá khổ không thể tiếp tục chịu thêm được nữa. Ấy là chưa nói một chế độ sắt máu coi con người như thú vật và chủ trương tam vô: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo.
Thành ra, ở trong Nam, cả gia đình tôi chỉ có tôi duy nhất, đơn thương độc mã, cu ky hai mươi mốt năm với tiểu gia đình của tôi  trên miền Nam thân yêu. 
         Tôi phải trở lại thời thơ ấu một chút trước khi làm người trưởng thành. Hầu như ai trong chúng ta cũng có nhiều kỷ niệm đẹp trong thời thơ ấu.
Quê hương tôi trong thời thơ ấu chính là những con đường làng đổ sạn, đổ xi-măng chạy xuyên qua nhiều thôn xóm, chợ búa, nhà thờ, đền chùa, trường học, đình miếu...
 Quê hương là mấy hồ sen bát ngát, về mùa hè,  sen nở trắng xóa hoặc hồng rực cả mặt hồ. Không có gì thú vị bằng ngồi ở một gốc cây nhìn hồ, hưởng làn gió mát ngát hương sen, thả một con diều cho nó lên tận không trung cao tít chỉ còn nhỏ như cái bàn tay, vọng xuống tiếng sáo thanh thoát du dương.
 Quê hương cũng là ngôi trường năm gian, mỗi gian một lớp, buổi trưa tan học lũ học trò còn rủ nhau xuống bơi lội ở cái hồ lớn ngay trước trường. Quê hương là giải lụa hồng buộc trong những cái nón bài thơ của các cô thôn nữ ngây thơ, duyên dáng, tà áo tứ thân nâu non cùng với thắt lưng mớ ba mớ bảy tung bay theo gió. Quê hương là bờ tre bụi trúc nhìn đâu cũng thấy, là chiếc thuyền nan bì bõm giữa sông tràn ngập ánh trăng rằm, là tiếng hò trai gái đối đáp trong những hội xuân, hội đình. Quê hương cũng là đàn trâu, nghé, đàn bò, bê chậm chạp bước về chuồng trong tiếng chuông ru hồn của ngôi chùa làng bên...Quê hương là hết thảy những hình ảnh, mầu sắc, thanh âm thân thương đó kết thành để mỗi khi nhớ lại, ta lại thấy lòng chùng xuống nhớ nhớ, thương thương!
         Sáu tuổi, tôi được thầy tôi dắt đến ngôi trường làng xin với thầy giáo là ông hương sư Thuận cho tôi vỡ lòng. Tôi không có những cảm xúc của nhà văn Thanh Tịnh, ngày đầu ông đi học. Mãi sau này thầy giáo Thuận mới cho tôi đọc bài “Hôm nay tôi đi học” của ông Thanh Tịnh, bài in trong  sách “Quốc văn Giáo khoa thư” lớp Đồng Ấu:
         “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường ngoằn ngoèo dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại nhiều lần, nhưng lần này tôi cảm tháy xa lạ vì chính lòng tôi đã có sự thay đổi: Hôm nay tôi đi học!”
         Nhà văn Thanh Tịnh đã viết như thế và tôi được học thuộc lòng để nhớ như thế. Nhưng cái cảm giác ông Thanh Tịnh có hôm đó, với tôi lại hơi khác. Mẹ ông dắt ông đi, còn tôi là thầy tôi. Một tuần trước, thầy đã nói mẹ tôi đi chợ mua cho tôi chiếc cặp bằng da bò mầu vàng. Cái cặp có vẻ hơi to với tôi nhưng mẹ nói, cái bé thì lại bé quá. Thầy tôi bảo con chịu khó cắp cái cặp này, ít nữa lên lớp trên sách vở nhiều sẽ vừa. Bây giờ mua cái nhỏ, ít nữa lại phải sắm cái khác. Tôi nghe lời thầy, đinh ninh một ngày nào đó cái cặp này sẽ ních chặt sách vở và dụng cụ học sinh như mấy anh lớn trong trường.
         Làng, tổng tôi, trẻ con rất đông. Ngay trong xóm Ðông là xóm tôi, trẻ con cả mấy chục đứa nhưng hầu như đến trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi nghĩ một phần vì làm nông, neo người, những cha mẹ buộc phải để con cái đi làm ruộng với mình để sinh sống. Sáu, bảy tuổi trở lên đã có thể đi chăn trâu, chăn bò, cắt cỏ, cắt rạ được rồi. Cho con đi học ắt phải mướn người, đã khó mướn lại tốn tiền. Phần khác, nhiều người chưa nhìn ra sự quan trọng của việc học. Họ nghĩ học để đọc được cái văn tự bán hay mua nhà, hay lá thư từ tỉnh gửi về, trát của quan... Thật ra, những thứ này chỉ cần nhờ một anh đọc mướn, trả ơn bằng nắm thuốc lào, vài quả dưa gang, dưa hồng cũng xong. Thành phần còn lại không thể cho con họ đi học vì nghèo.
         Tôi chỉ học ở trường làng được một niên khóa vì thầy tôi lúc đó đang sinh sống bằng nghề Ðông Y sĩ ở Hải phòng, muốn tôi ra đấy sống với thầy tôi. Lúc này tôi đã bảy tuổi, các anh chị tôi, người đã đi lấy chồng, lấy vợ ở riêng, người trọ học ở Hà Nội nên chỉ còn thầy mẹ và tôi ở trong căn nhà rộng thênh thang ở phố Cố Ðạo (Chavignon). Cũng có những tháng, mẹ tôi phải về quê để lo vụ gặt. Mẹ mướn người gặt và vò hoặc kéo đá , hong phơi thóc, đổ vào bồ vào cót xong xuôi mẹ mới trở ra Cảng với bố con tôi. Những ngày đó, tôi thường dậy sớm đun nước cho thầy tôi pha trà vì thầy tôi nghiện trà tầu đã nhiều năm, từ khi còn là thày khóa rắp ranh lều chõng đi thi Hương ở trường Nam (Nam định) hoặc trường Hà (Hà nội). Nhưng số thầy tôi lận đận, tốn bao nhiêu công học hành, dùi mài kinh sử mà chẳng được thi cho biết sức mình tới đâu. Năm thầy tôi lều chõng lên đường cũng là năm đầu người Pháp bỏ thi Hương tại Bắc Việt (1911-1912). Lúc đó thầy tôi hai mươi tuổi.
         Buổi sáng, thường tôi nghe thầy tôi lịch kịch là tôi cũng thức. Buổi tối thầy tôi bắt đi ngủ sớm nên sau một giấc dài, thật sâu, tôi nhỏm dậy dễ dàng.  Nếu tính ra cũng phải trên chín tiếng còn gì.
         Tôi rửa mặt, đánh răng xong đi nhóm cái bếp than nhỏ đã để trên một tấm ván bằng chiếc chiếu manh cho khỏi dơ nhà. Cho đỡ mỏi cẳng, tôi ngồi trên cái ghế đẩu nhỏ đóng bằng mấy miếng ván thông. Tôi đợi cho hết khói, lúc trong bếp chỉ còn ngọn lửa nhỏ len qua những cục than đen sì, tôi mới bắc cái ấm đồng lên.
 Ở thành phố, chúng tôi chỉ có nước máy, không có nước gì khác,  nên dù có muốn kiểu cách như nhà văn Nguyễn Tuân kể trong “Vang bóng một thời”,  lên ngôi chùa trên đồi cao mà xin nước giếng cũng không có. Vả lại, cầu kỳ và nhiêu khê quá, thì giờ đâu?
         Thầy tôi ngồi trên sập gụ bóng loáng, sửa soạn bộ đồ trà trong khi chờ nước.  Khi có tiếng reo nhỏ nhỏ, nước bắt đầu sủi tăm mắt cua, tôi cầm ấm rót cho thầy tôi một chén tống. Thầy tôi dùng nước đó tráng ấm và tách uống trà, mầu da chu. Chỉ mấy phút sau, nước trong ấm đồng reo to, gọi là sủi tăm mắt lá, tôi nhấc cái ấm đồng đặt lên cái đĩa gốm ngay trước mặt thầy tôi. Thầy tôi dùng nước đó pha trà. Nếu để lâu trên bếp, nước sôi sùng sục là nước sôi già, không pha trà được nữa.
         Trong giây lát, trà trong ấm đủ ngấm, thầy tôi rót trà ra cái chén tống, xong chuyên từ chén tống ra các chén quân. Ông nâng chén quân lên nhấp một hớp, đặt xuống và trao cho tôi một chén khác. Tôi giơ hai tay kính cẩn đỡ lấy và thong thả nhấp từng ngụm nhỏ trong khi vẫn đứng ở cạnh sập. Khi nào thầy tôi bảo:”Vũ ngồi xuống đó!” thì tôi mới ngồi ghé xuống phía đầu sập bên này.  Những khi mẹ tôi có mặt ở đó, mẹ tôi cũng cùng bố con tôi uống trà buổi sớm, nhưng phần đun nước bao giờ cũng dành cho tôi. Mẹ tôi ngồi phía bên này sập gụ, quay vào bộ đồ trà và bao giờ cũng hơi lùi xuống bên dưới thầy tôi nếu tính từ cái tủ chè để ở phía lưng thầy tôi.
         Thầy tôi vừa uống trà vừa chuyện trò với mẹ tôi. Thỉnh thoảng ông lại kéo cái điếu ống khảm xà cừ, cần là một gióng trúc dài, cong vút, đầu bịt bạc, bỏ một mồi thuốc vào nõ, dặt dặt đầu ngón tay giữa trên đó cho mồi thuốc nằm êm xuống, rồi vít cái cần trúc. Tôi đã sẵn sàng thanh đóm nứa lấy lửa từ cái bếp nhỏ và trao cho thầy tôi. Thầy tôi, một tay đặt ngọn lửa vào nõ, một tay giữ đầu cần trúc,  hơi ngửa người hút sòng sọc và nhả khói lên trần, thấy rõ vẻ sảng  khoái.
         Thầy tôi có hai bộ đồ trà. Bộ đồ trà dùng hằng ngày chỉ có một cái ấm, một chén tống và bốn chén quân khi chỉ có thầy mẹ tôi và tôi. Một bộ khác có hai ấm lớn hơn, hai chén tống và nhiều chén quân.
         Người Nhật gọi “trà đạo” có ý nghĩa dùng những buổi uống trà để thanh tẩy thân tâm, hướng nội, tìm ra một nhân sinh quan sâu sắc cho cuộc sống. Người Trung hoa cũng thịnh trà và các cụ Việt Nam chúng ta, các cụ nhà Nho khi xưa,  thường dùng những buổi uống trà mà luận bàn chính trị, lẽ tới lui, ứng xử, sự thành bại của các bậc anh hùng.
         Nếu thầy tôi uống một mình, thầy tôi dùng ấm độc ẩm. Khi có cả mẹ tôi, ấm song ẩm. Trên ba người, thầy tôi dùng ấm quần ẩm. Chén quân cũng tùy theo mùa mà thay đổi. Mùa hè, chén quân là những cái tách nhỏ, men trắng, vẽ hoa xanh lá cây hoặc xanh lơ, miệng hơi loe, ấm và chén tống, đĩa lót, cũng men trắng trang điểm giống như chén quân. Mùa đông, các thứ này thường là da chu hoặc mầu đậm, chén quân miệng chúm lại để giữ trà được nóng lâu.
         Sau tuần trà, tôi lấy cuốn tập do thầy tôi đóng cho bằng giấy bản mua trên các tiệm tạp hóa của Tàu, bìa bằng giấy bản bồi nhựa cậy đen nhánh, lỗ dùi tròn xuyên qua bìa và các tờ giấy để xỏ sợi giây se bằng giấy vào làm thành cuốn tập. Tôi trao cho thầy tôi để thầy viết lên đó vài câu “Tam tự kinh”, thầy tôi đọc trước cho tôi đọc theo vài, ba lần, xong thầy tôi vào phòng mặc quần áo tiếp khách để đón bệnh nhân đến xem mạch  hoặc xin thuốc từ 10 giờ sáng.
Thầy tôi làm việc từ giờ đó cho đến 1 giờ, có khi 2 giờ trưa, thầy tôi mới được nghỉ ăn trưa. Có khi thầy tôi phải đi thăm bệnh nhân tại nhà của họ vì họ bệnh quá không thể đến phòng mạch được, nhiều khi đến giờ ăn, gia đình bệnh nhân làm cơm mời thầy tôi nhưng  thầy tôi không ăn uống như vậy bao giờ. Ðói mấy ông cũng nhịn cho tới khi về nhà. Tuy nhiên, nếu gia đình bệnh nhân có việc hiếu hỉ mời thầy tôi thì thầy tôi luôn luôn chia vui sẻ buồn với họ và dù bận, ông cũng tìm cách đến với họ. Chính vì vậy mà trong những năm làm thuốc ở đây hay những nơi khác, thầy tôi được lòng quí mến cuả hầu hết mọi người.
         Mỗi buổi sáng, khi thầy tôi chuẩn bị đi tiếp khách thì tôi cũng chuẩn bị đến trường để theo học chương trình tiểu học. Mấy câu “Tam tự kinh” thầy tôi vừa cho, tôi sẽ thanh toán vào buổi tối sau khi cơm xong, cùng với những bài của nhà trường. Thành ra tôi có hai thầy giáo cùng lúc. Cô đầm Pháp ở trường dạy Pháp văn có Chính tả, Tập đọc, Tính đố, Khoa học thường thức, Sử, Địa, Bài học thuộc lòng, Chia động tự v.v...Thầy tôi dạy Hán văn và Việt ngữ, có thể dạy cho tôi đi thi Hương như thầy tôi cũng được.
Thơ Việt ngữ thầy tôi làm cả trăm bài, gửi đăng báo ở Sàigòn, Hà Nội. Cuốn Thơ đó đã thất lạc từ hồi chiến tranh.
Tôi nghĩ những gì tôi viết được ngày nay phần lớn do công sức thầy tôi chỉ bảo cho tôi từ thuở nhỏ. Và ngày nay tôi rất tin vào di truyền học (genealogy). Mẹ tôi ít học hơn thầy tôi nhiều nhưng mẹ tôi rất thông minh. Bà có trí nhớ siêu đẳng và lí luận rất thực tế. Con người tôi đã hấp thụ được cả hai cái tinh hoa của thầy và mẹ tôi.
      
Dạo đó,  ở Hải Phòng, mẹ tôi luôn luôn phải mướn  người làm, thường là một người đàn ông, và một người đàn bà, dưới sự sai phái của mẹ tôi để làm thuốc viên mà ta gọi là cao đan hoàn tán, phục vụ bệnh nhân. Người đàn ông đứng trên cái “tầu tán thuốc” nhiều giờ trong ngày để tán ra thành bột thật nhuyễn các vị thuốc thầy tôi đã bốc, người đàn bà ngào mật hoặc mật ong đun sôi, sau đó mẹ tôi trộn bột thuốc với mật đặt trong cối đá giã cho hợp chất dẻo và nhuyễn xong viên thành viên tùy theo to nhỏ, bỏ vào hộp riêng từng loại, đã dán nhãn.
         Nếu muốn bán nhiều hơn, mẹ tôi phải mướn thêm vài người nữa nhưng thầy tôi nói, chỉ làm vừa đủ sức, không tham lam làm chi. Thứ bảy, chủ nhật, hai người làm muốn về thăm gia đình thì mẹ tôi đảm đương việc bếp núc cho bố con tôi. Mỗi buổi trưa, cơm trưa xong, mẹ tôi nghỉ một giờ, mẹ tôi cũng bắt người làm phải nghỉ cho đến lúc mẹ tôi lại bắt tay vào việc.
Cả hai thầy mẹ tôi giống tính nhau ở chỗ thương người. Chính vì vậy những người đã làm cho thầy mẹ tôi đều muốn làm mãi, không muốn nghỉ.
         Tôi nhớ “vú già”, người đàn bà rất chân chất thật thà, quê ở Ðồ sơn, đã làm cho thày mẹ tôi được khoảng bốn năm.  Vú già năm đó khoảng gần 60 tuổi nhưng còn rất khoẻ, goá chồng nhiều năm, có hai con trai và hai con gái đều đã khôn lớn. Người con trai thứ,  năm đó cưới vợ, thầy mẹ tôi cho vú nghỉ 10 ngày có lương về Ðồ sơn lo đám cưới cho con. Ngày cưới, vú già nhờ thầy mẹ tôi đứng đại diện nhà trai để đáp lễ nhà gái. Thầy tôi sẵn sàng và đám cưới đã diễn ra  rất tốt đẹp.
         Trường tôi học rất gần với nhà tôi, ra khỏi nhà, quẹo tay trái đi một đoạn khoảng hơn nửa cây số là tới. Hồi khai tâm, tôi đã được vỡ lòng bằng vần Pháp ngữ ở làng quê. Ở ngôi trường này, giữa thành phố Hải phòng, trường dành cho cả con cái người Pháp và con cái người Việt nhưng hoàn toàn dạy chương trình Pháp. Tôi vào học lớp Dự bị (Préparatoire) ở đó, miễn phí vì là trường công lập. (Sau này, cũng có thời gian thầy tôi gửi tôi vào nội trú trường Saint Joseph thì phải đóng tiền ăn, ở và tiền học.)
Nơi trường này, hầu như 80% học sinh là Pháp hoặc người nước ngoài, quốc tịch  Pháp, một số là người Hoa, người Chà và (Ấn độ), cùng người Việt với tôi chẳng có bao nhiêu.
         Lúc đó là cuối thập niên 30 mà người Pháp đã chú ý “rao giảng” tiếng nước họ, văn hóa của họ mà họ tự hào là nhất nhì thế giới. Chẳng thế mà trong một bài tập đọc dạo đó, tôi còn nhớ, tác giả bài viết rất hãnh diện dân Pháp ăn bánh mì, còn người Á châu thì “phải” ăn gạo! Cách ăn mặc, tập tục, lễ tết, truyền thống, tóm lại là văn hóa nói chung họ cũng từng điểm phân tích là họ hơn hẳn người Á châu.
         Chỉ là trường tiểu học nhưng ngôi trường này rất đồ sộ, cao ba tầng, mỗi tầng cả chục lớp, phòng giáo viên, phòng hiệu trưởng, phòng tổng giám thị, giám thị, gác dan, nhà để xe vv... trông bên ngoài bề thế như một Ðại học Viêt Nam ỏ Sàigòn sau này.
         Lớp tôi học ở tầng giữa, khi chuông báo hiệu giờ học, chúng tôi đứng xếp hàng ở chỗ chỉ định, cô đầm trẻ măng chừng hơn hai chục tuổi là cô giáo của chúng tôi đứng ở đầu hàng bên tay trái. Mỗi buổi sáng, chúng tôi chào cờ trước khi vào lớp. Cột cờ cao ngay phía trước buộc sẵn một lá cờ tam tài, khi chuẩn bị, hai học sinh lớn, một nam, một nữ đứng kế cột cờ nhìn lại chúng tôi. Khi hàng ngũ đã chỉnh tề, các giáo viên và bà Hiệu trưởng cũng đã đứng xếp hàng, ông Tổng Giám thị đứng nghiêm hô:”Chào cờ” (Salut le drapeau!) và ông bắt giọng cho mọi người hát bài quốc ca Pháp:
“Allons enfants de la patrie le jour de gloire est arrivé...”
Trong lúc đó, một học sinh đỡ lá cờ, còn học sinh kia từ từ kéo cờ lên đỉnh cột cờ là vừa hát xong bài hát. Sau đó, thầy, cô giáo lớp nào dẫn học sinh lớp ấy vào lớp. Chương trình lớp tư - là lớp tôi học - dạo đó gồm có: Tập đọc, Chính tả, Văn phạm, Tập đặt câu, Tập chia động tự, Bài học thuộc lòng, Bài học thường thức về những vật xung quanh ta (Lecon de Choses), Bốn phép tính và tính đố giản dị... Ðã quá lâu nên tôi chỉ nhớ lõm bõm có thế.            
        Lớp tôi chỉ có hai  trò Việt, Nguyễn Kim Vân và tôi. Kim Vân ngồi bàn trước, tôi bàn sau tuy nhiên chúng tôi ít dám nói chuyện với nhau vì cô giáo rất nghiêm. Nói chuyện cô bắt được cô bắt quì cạnh bảng nhìn xuống dưới. Cô nhìn đồng hồ không sai một giây, quì 15 phút là y boong 15 phút, nửa giờ là đúng nửa giờ. Trường Pháp dạo đó cũng không cho đánh học sinh. Bắt quì, bắt đứng riêng vào khu “tội phạm” lúc chào cờ để cả trường thấy mặt cho xấu hổ, phê điểm xấu vv...và cuối cùng thì gọi phụ huynh học sinh đến: đuổi khỏi trường.
         Lớp tôi cũng còn một học sinh người Chà và ba học sinh Tàu, hai trai một gái.  Anh Chà “Hynos” - tên loại thuốc đánh răng có in hình anh Chà với hàm răng trắng nhởn sau này - có vẻ cô độc thật sự. Giờ ra chơi, hắn chỉ đứng lủi thủi một góc sân nhìn mọi người và quả như những gì tôi biết về những anh “Sét-ti” Chà zà sau này, cái đức tính tần tiện có lẽ Chà zà bắt nhất thế giới. Cả niên khóa, tôi chưa hề thấy anh Chà đồng song ăn một cục kẹo làm phép. Nước đá không mua dù trời nóng đổ mồ hôi, kẹo bột, kẹo gừng, một chinh 5 cái. Kẹo bạc hà, súc-cù-là chính gốc Paris, một xu một thỏi, rồi còn các thứ quà bánh khác: bánh mì jambon, bánh mì trứng chiên, croissant, cà-phê sữa, kem cây, các thứ trái cây vặt vãnh... bán đầy ở lối vào trường. Các giáo viên cũng là những khách hàng trung thành. Họ mua cà-phê, sữa, croissant ăn trong giờ ra chơi và lúc đó, thuốc lá chưa cấm ở những nơi công cộng nên đôi khi tôi phải vào gặp giáo viên hay bà Hiệu trưởng, tôi thấy phòng giáo viên khói thuốc bay mù mịt.
         Dĩ nhiên cả trường dùng tiếng Pháp để trao đổi, chuyện trò. Những người bán hàng cũng phải biết chút ít tiếng Pháp để thối tiền, hỏi han vài câu quen thuộc, giản dị.
         Từ nhà tôi đến trường phải đi qua nhà Kim Vân, đến nhà Kim Vân coi như đã được một nửa. Kim Vân là con thứ ba ông bà phán Quế, trên Kim Vân có hai anh Huy Phúc và Huy Phong, sau Kim Vân là cô con gái út, Ngân Hà. Ông phán Quế làm việc ở tòa Công sứ Pháp Hải phòng, hai ông bà và gia đình là bệnh nhân của thầy tôi từ hồi thầy tôi mới đến Phố Chavignon này mở phòng mạch Ðông Y.
         Mỗi buổi sáng, ra khỏi nhà đi được một quãng ngắn, từ đàng xa, tôi đã nhìn thấy cái áo đầm xanh đồng phục, áo sơ-mi trắng, mái tóc đen nhánh có cái nơ tím làm dáng và đôi giầy bata trắng quen thuộc. Ðó là cô bạn nhỏ xinh xắn của tôi, Kim Vân. Một tay buông thõng đu đưa theo nhịp chân, tay kia cắp chiếc cặp da, chưa đến gần mà tôi đã thấy nụ cười thật tươi trên đôi môi hồng.
         “Vân chờ Vũ lâu chưa?” Tôi mau mắn hỏi trước.
         “Năm phút. Vân mới ra đây thôi.”
         Chúng tôi song song bước. Hai bên đường, học sinh trai, gái đến trường như chúng tôi đông nườm nượp. Con trai như tôi thì áo sơ-mi trắng, dài tay mùa Đông, ngắn tay mùa hè; quần dài mầu tím than mùa Đông, quần soọc tím than mùa hè, chân đi săng-đan hoặc giầy bata, đầu trần hoặc có cái mũ vải khi quá nắng. Lúc đó tôi không đeo thắt lưng nhưng có giây bretelles đeo lên vai. Áo đầm con gái có khi cũng có giây đeo lên vai trông rất chân phương, con nít.
Tất cả học sinh đều đổ vào con đường Maréchal Joffre vì trường chúng tôi ở đó.
       Tôi với Kim Vân không học suốt với nhau những năm Tiểu học vì có năm thầy tôi bảo tôi về quê Trà Lũ sống với mẹ, tôi lại ghi danh học trường làng, trường Trà Bắc, rồi khi tôi trở ra Hải Phòng, lại gặp lại Vân. Nói làm sao cho hết niềm vui của Vân khi gặp lại tôi! Đã hơn nửa thế kỷ mà làm như hình dáng, khuôn mặt, giọng nói và nhất là đôi mắt đen láy, trong sáng của Vân vẫn y như ngày nào trước mắt, bên tai tôi.
Tôi còn có nhiều kỷ niệm với Vân, gặp lại Vân khi gia đình Vân đi tản cư, rồi về Hà Nội, tôi sẽ kể quí bạn nghe khi có dịp thuận tiện.
Một kỷ niệm tôi đã có với thầy tôi mà tôi nghĩ là quan trọng hơn hết đó là chỉ sau 19-8-1945 một, vài ngày (tôi không nhớ rõ) ông Hồ chí Minh từ Hà Nội xuống Cảng thăm đồng bào Cảng. Không nói ai cũng rõ ông được đón tiếp long trọng như thế nào bởi Việt Minh tuyên truyền ông Hồ là người anh hùng duy nhất đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp đem lại Độc lập cho nước Việt Nam mà người Việt mình lúc đó nghe hai tiếng Độc Lập thì như kẻ chết khát thấy mưa rào.
Buổi đón tiếp ông Hồ tại mặt tiền Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng rất đông, ước chừng cả trăm ngàn người. Thầy tôi cùng tôi đi coi vì tôi cứ nằn nì thầy đi chứ thầy không muốn đi. Sau khi ông Hồ đọc diễn văn, thầy tôi cùng tôi ra về trước mọi người vì thầy tôi và tôi chỉ đứng xa xa. Thầy tôi bảo tôi, điều mà tôi còn nhớ suốt đời và cũng chính vì những lời khuyên này mà tôi không bị mất cả cuộc đời như nhiều triệu người theo Việt Minh:
“Thầy biết ông Hồ chí Minh này khi thầy còn ở Côn Minh và Vân Nam bên Tàu. Ông này là một kẻ gian hùng, ác độc, giết người không gớm tay. Ông ta đã giết nhiều chiến sĩ Quốc gia, những người không cùng chính kiến với ông ta hoặc báo cho Pháp bắt những người này.. Được Cộng sản Quốc tế huấn luyện, ông ta và thuộc hạ rất khéo tuyên truyền khiến cả nước tin theo đi làm bia đỡ đạn cho Việt Minh. Nhưng sau này ông ta sẽ phản bội lời hứa, phản bội đồng bào, có thể ông ta sẽ bán nước cho ngoại bang nữa. Bây giờ hoan hô lắm, sau này càng đả đảo nhiều vì những điều ông ta hứa hẹn chỉ là bánh vẽ, bịp bợm nhân dân để củng cố địa vị của ông ta. Con chớ đi theo ông ta kẻo sau này ân hận. Con phải nhớ lời thầy!”
Tôi vâng dạ cho thầy tôi vui lòng nhưng trong thâm tâm tôi thắc mắc, sao một người anh hùng không vợ không con (như ời VM tuyên truyền), ăn uống đạm bạc rau giưa, lúc nào cũng thấy mặc chỉ một bộ đồ vàng kaki bốn túi, hút thuốc lá Cẩm Lệ, suốt đời hi sinh cho cách mạng mà lại có thể như lời thầy tôi nói?
Tôi biết thầy tôi xưa nay nói đâu trúng đó vì thầy tôi học và chiêm nghiệm nhiều, đã qua cả Tàu, Nhật trong phong trào Đông Du của cụ Phan bội Châu, thầy tôi cũng trọng sự công bình không phải tự nhiên thầy tôi đổ tiếng xấu cho ông Hồ đang khi gần như toàn dân coi ông ta như một ông thánh cứu nhân độ thế, mang lại vinh quang cho dân tộc.
Kể từ đó tôi luôn luôn ghi nhớ lời thầy tôi, tôi chiêm ngắm thời sự xem mọi sự có xẩy ra như lời thầy tôi nói với tôi năm 1945 không và cho tới nay thì mọi sự đã xẩy ra y như lời thầy tôi nói. Ông Hồ và thủ hạ của ông đã giết người như ngoé. Cả trực tiếp và gián tiếp, đảng VM đã giết hơn 10 triệu người Việt Nam, rất nhiều nhà trí thức tinh hoa của dân tộc un đúc lâu đời, Việt Minh làm tan hoang cả một đất nước tươi đẹp với truyền thống Văn hoá và Đạo lý ngàn đời. Nhưng cái tồi tệ nhất mà người Quốc gia mới biết ít năm nay thôi (Việt cộng cố giấu nhẹm) là cái Công hàm do Việt gian Phạm văn Đồng ký ngày 14-9-1958, Việt gian Hồ chí Minh ra lệnh cho Đồng ký để dâng biển và hai đảo Hoàng, Trường Sa cho kẻ thù truyền kiếp và cả ải Nam Quan, thác Bản Giốc cùng hàng chục nghìn km vuông!
Thầy tôi tiên tri đã quá đúng! Tôi xin lấy danh dự mà nói sự thực như thế trước linh vị thầy tôi!

   Bút Xuân Trần Đình Ngọc



        


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire