He Ain't Heavy, He's My Brother Lyrics
The road is long
With many a winding turns
That leads us to who knows where
Who knows where
But I'm strong
Strong enough to carry him
He ain't heavy, he's my brother
So on we go
His welfare is of my concern
No burden is he to bear
We'll get there
For I know
He would not encumber me
He ain't heavy, he's my brother
If I'm laden at all
I'm laden with sadness
That everyone's heart
Isn't filled with the gladness
Of love for one another
It's a long, long road
From which there is no return
While we're on the way to there
Why not share
And the load
Doesn't weigh me down at all
He ain't heavy he's my brother
He's my brother
He ain't heavy, he's my brother
He ain't heavy, he's my brother
Kính gửi quý anh chị bài viết của Văn Nguyên Dưỡng về Chiến Tranh Việt Nam, phần 2 từ 1945 đến 1975 và nghe nhạc thời chiến.
Caroline Thanh Hương
Đây là link với toàn bộ bài viết dưới dạng pdf.
xem thêm tại đây
CHIẾN TRANH VIỆT NAM 1945-1975
Bản thảo A by Văn Nguyên Dưỡng
Chiến Tranh Việt Nam (1945-1975) P2
Văn Nguyên Dưỡng
III. Cuộc Chiến Uỷ Nhiệm Có Từ Bao Giờ Ở Việt Nam?Đoạn dẫn sử trên đây cho thấy, cho đến ngày 9/3/1945, Nhật đã triệt tiêu chính quyền Pháp ở Đông Dương và vì sao chính quyền này bị Đồng Minh Anh–Hoa Kỳ cô lập. Các thế lực Cộng Sản Quốc tế, Cộng Sản Trung Hoa, Lực lượng Quốc Dân Đảng Trung Hoa, Lực lượng Hoàng gia Anh và Quân lực Hoa Kỳ chưa từng bước vào Việt Nam. Nhưng không lâu sau đó, tất cả đều đã trực tiếp hay gián tiếp vào và tạo nên một cuộc chiến mới không kém khốc liệt gây nên những hậu quả tang thương kéo dài trong nhiều thập niên sau đó. Riêng dân tộc Việt Nam thì cuộc chiến đó tạo ra vết thương trầm trọng trong lòng mọi người của nhiều thế hệ. Một vết thương không thể lành mà vẫn âm ỉ loang máu.
Cũng nhắc lại hôm sau ngày Nhật đảo chánh 9/3/45 Đại sứ Nhật vào triểu đình Huế diện kiến nhà Vua Bảo Đại. Ngày 11/3/1945, Nhà Vua triệu cuộc họp khẩn với Cơ Mật Viện. Triều đình Huế ra tuyên ngôn huỷ bỏ Hiệp ước Patenote 1884, và khôi phục chủ quyền Việt Nam. Học giả Trần Trọng Kim được mời lập nội các. Ngày 17/4/1945, nội các thành lập gồm những nhà trí thức yêu nước có thực tài. Nhiều sử gia cho rằng đây là nội các trí thức đầu tiên của một quốc gia thực hiện rõ nét những bước tiến dân chủ căn bản cho Việt Nam. Chính phủ Trần Trọng Kim quyết định những cải tổ quan trọng như: lập qui cho một nền hành chính chính xác, mẫu mực và áp dụng một nền giáo dục tiến bộ, khoa học, làm nền tảng cho tất cả các chính phủ Miền Nam sau này trong Đệ I và Đệ II Cộng Hoà. Đổi quốc hiệu là “Đế Quốc Việt Nam” gọi gọn là Việt Nam; tuy vẫn giữ bài “Đăng Đàn Cung” làm quốc ca, nhưng đổi quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ; sọc ở giữa khuyết một đoạn ngắn tạo cho ba sọc đó thành hình “quẻ ly” --phương Nam-- trong Bát Quái theo Kinh Dịch (ngày 2/6/1948, ở Hồng Kông, trước sự hiện diện của các nhân sĩ và trí thức mời Ông về chấp chánh, Cựu hoàng Bảo Đại vẽ nối đoạn gẫy ở sọc đỏ giữa thành ba sọc liền. Chính phủ QGVN cũng nghe theo lời khuyên của Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn chọn bài “Thanh niên Hành khúc” của Lưu Hữu Phước đổi tên thành “Quốc gia Hành khúc” làm quốc ca). Sau ngày 30/4/1975 người tị nạn cộng sản Việt Nam đưa quốc kỳ (bài quốc ca) theo khắp nơi trên thế giới với tình yêu vô bờ. Tiếc thay Chính phủ Trần Trọng Kim bị Nhật kềm chế, không có Bộ Quốc phòng, không lập quân đội, nên đánh mất thời cơ hưng quốc và kiến quốc trong tay những người Cộng sản. Nổ lực cứu đói cho miền Bắc mùa hè năm đó gặp trở ngại lớn lao là thiếu phương tiện chuyên chở gạo từ miền Nam ra Bắc; vả lại Nhật thu tóm hầu hết lúa gạo khắp các nơi, kể cả việc phá huỷ các cánh đồng lúa ở miền Bắc, lấy đất trồng loại cây đay.
Chỉ bốn tháng sau, ngày 6/8 và ngày 9/8/1945, Không lực Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử trên Hiroshima và Nagasaki. Ngày 10/8 Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Ở Việt Nam, ngày 14/8 quân Nhật bất động, chờ quân Đồng Minh vào giải giới. Ngày 17/8 nhân một cuộc biểu tình của Tổng hội Công chức và Giáo giới ở Nhà Hát lớn Hà Nội để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, các phần tử cộng sản (lúc đó gọi là Việt Minh) lợi dụng mang cờ đỏ sao vàng và tung hô khẩu hiệu, biến cuộc biểu tình đó thành cuộc biểu tình của Việt Minh. Chính quyền địa phương bất lực. Từ ngày 19/8 đến ngày 23/8/1945, Việt Minh cướp cơ sở hành chính của chính phủ, ở miền Bắc lẫn miền Nam. Sử ghi là “Việt Minh cướp Chính quyền”. Ngày 23/8 Chính phủ Trần Trọng Kim giải tán. Ngày 26/8 Hồ Chí Minh và đơn vị võ trang tuyên truyền của Võ Nguyên Giáp từ Tân Trào, Tuyên Quang, về Hà Nội. Ngày 28/8/1945, ở Huế, nhà Vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị với câu nói thực cảm động:“Trẫm để hạnh phúc của toàn dân trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.”(14) Ngày 2/9/1945, ở vườn hoa Ba Đình, Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập và trình diện “Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà”.Việt Minh nhanh chóng thành lập chính quyền ở khắp nơi, từ tỉnh thành đến huyện xã, với các “uỷ ban hành chính” và đơn vị “du kích”. Nhưng chưa đầy một tuần sau, nỗi lo sợ khủng khiếp bao trùm cả nước. Tao loạn bắt đầu. Những cuộc bắt bớ và xử tử công khai hay âm thầm các phần tử mà Việt Minh gọi là “Việt Gian” trở thành nỗi lo sợ lớn lao của của mọi gia đình từ thành thị tới thôn quê, từ Bắc chí Nam. Lúc bấy giờ người dân thường chỉ biết Việt Minh là cộng sản. Sự hiểu biết đơn giản này lại rất đúng. “Việt Minh” là tên gọi tắt của một tổ chức chính trị vũ trang “Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội” còn gọi là “Mặt trận Việt Minh” do đảng “Cộng Sản Đông Dương” thành lập ngày 19/5/1941. Đảng Cộng Sản Đông Dương lại do Hồ Chí Minh thành lập năm 1930. Vì vậy Việt Minh là thứ vũ khí lợi hại của CSVN, nói rõ hơn là của Hồ Chí Minh và tập đoàn lãnh đạo đảng CSĐD. Riêng ở Sài Gòn, Trần văn Giàu, một người cộng sản nổi tiếng, thành lập “Ủy ban Hành chánh Nam Bộ”.
Ở thời điểm đó, Quyết nghị Potsdam của Đồng Minh được thi hành. Ngày 18/8/1945, Quân đoàn Lư Hán của QDĐ/TH vào miền Bắc Việt Nam. Ngày 13/9/1945, Sư đoàn Gurka của Anh do Tướng Douglas Gracy chỉ huy vào miền Nam, có một đại đội nhảy dù Pháp vào theo. Tướng Gracey đóng quân ở Sài Gòn, ra lệnh mở cửa các trại giam thả tất cả người Pháp bị Nhật giam giữ và trang bị vũ khí cho họ. Như vậy, ở Sài Gòn Pháp đã có một lực lượng võ trang nhỏ. Ở các tỉnh, Việt Minh vẫn nắm chính quyền, tập du kích, tiếp tục bắt giữ và xữ tội “Việt Gian” và tổ chức “tuần lễ vàng” thu vàng bạc của thị dân để ủng hộ kháng chiến...
Trong giai đoạn này, từ tháng 8 đến tháng ̣9, năm 1945, Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ có những thay đổi sách lược quan trọng về cục diện thế giới: sau khi khối trục Đức-Ý-Nhật đầu hàng và tan rã... Liên Xô Nga để lộ rõ bộ mặt “Đế quốc Mới” bành trướng lãnh thổ rộng lớn, xâm chiếm các nước Đông Âu, đồng thời chủ trương xích hoá thế giới, do đó ở Âu Châu lẫn Á Châu, Anh và Hoa Kỳ cần sự hợp tác thực sự của Pháp để cùng ngăn chặn làn sóng đỏ QTCS đang lan tràn khắp nơi. Nên “Hiến Chương Đại Tây Dương” công bố ngày 14/8/1941 của Anh và Hoa Kỳ, trong đó điều khoản đầu tiên đề cập đến quyền tự trị của mọi dân tộc, tạm thời bị bỏ quên. Ngày 24/8/1945 Tổng thống Harry Truman thay đổi thái độ, đón tiếp de Gaulle ở Washington và hứa trong mọi trường hợp không chống lại chính quyền và quân đội Pháp trở lại Đông Dương. (15) Lúc đó, Thủ tướng của Anh quốc là Clement Attlee, đảng Lao Động (Labour Party), để cho Lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông tái lập chính quyền trên các thuộc địa cũ ở Viễn Đông. Hoa Kỳ trở lại Phi Luật Tân. Vì Hội nghị Potsdam đang được thực thi nên Anh và Hoa Kỳ ngầm giúp cho Pháp mang quân trở lại Việt Nam. Nếu Pháp đánh được cộng sản ở Việt Nam, chiếm lại được Đông Dương sẽ trở thành “lá chắn” cho Anh- Hoa Kỳ vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Quan niệm về “chiến tranh uỷ nhiệm” hình thành. “Đế quốc Mới Cộng Sản Quốc Tế (the New International Communist Empire) và “Thế giới Tư bản Tự do” (the Capitalist Free World) va chạm nhau về tư tưởng, về thể chế chính trị, về quyền lợi kinh tế và lãnh thổ, nên các quốc gia nhược tiểu sẽ là những vùng đất bị tranh chấp. Sách lược khôn ngoan nhất của cả hai khối là gầy dựng thế lực bản điạ đánh nhau thay họ. Ngay như Pháp, từng là thế lực hùng cường trước đó nhưng sau thế chiến đất nước bị tàn phá, nghèo, và yếu kém mà tham vọng lớn, nên cũng bị đưa vào thế bất khả từ. De Gaulle, vì cần tiền để tái thiết đất nước là nhất là để thực hiện lời tuyên bố của mình nên đã trở lại Đông Dương trong vai trò của một thế lực thực dân cũ vừa là một thế lực được uỷ nhiệm đánh thuê, hiểu ngầm là sách lược mới của Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ. Việt Nam chiếm vị trí chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á đã trở thành tiền đồn của Thế giới Tự do. Ngay khi Nhật đầu hàng, de Gaulle đã bổ nhậm Đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu làm Cao uỷ Đông Dương và Đại tướng Jacques Phillipe Leclerc de Hautecloque làm Tư lệnh Quân đoàn Viễn chinh Pháp (Corps Expéditionnaire Francais d’Extrême-Orient -CEFEO) vào Việt Nam trước tiên. Quân đoàn này được Tư lệnh Lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông, Đô đốc Sir Mountbatten, trang bị và giúp phương tiện chuyên chở đã đổ bộ tái chiếm Sài Gòn ngày 21/9/1945.
Thời điểm đó có những sự kiện đáng lưu ý: Ở miền Bắc, khi Hồ Chí Minh và đơn vị võ trang của Võ Nguyên Giáp về Hà Nội còn có đơn vị tình báo võ trang Hoa Kỳ, Toán “Deer Team” hay “Team OSS-202” (OSS: Office of Strategic Services, tiền thân của CIA --Central Intelligence Agency) do Thiếu tá Archimedes Patti chỉ huy, cùng vào theo. Ở miền Nam, ngày 4/9/1945, một đơn vị tình báo võ trang khác, Toán OSS-404 (OSS Team-404) nhảy dù vào vùng phụ cận Sài Gòn giải thoát hơn 200 binh sĩ Hoa Kỳ bị Nhật bắt làm tù binh trước đó. Một tuần sau, Thiếu tá Peter Dewey chỉ huy toán OSS này bị du kích Việt Minh phục kích giết chết. Tháng 12/1945, cả hai Toán OSS-202 ở Hà Nội và OSS-404 ở Sài Gòn đều rút khỏi Việt Nam. Từ đó, Hoa Kỳ không tiếp xúc với Chính phủ Hồ Chí Minh. Tất nhiên Archimedes Patti chỉ huy Toán OSS-202 --và các sĩ quan khác trong toán-- từng huấn luyện cho trung đội võ trang tuyền truyền đầu tiên của Võ Nguyên Giáp ở Pác Bó và từng sống chung với Hồ Chí Minh ở đó, hiểu rõ đơn vị Việt Minh này là cộng sản và Hồ Chí Minh là lãnh tụ cộng sản.
Bảy thập niên sau, trong một bài viết nhìn lại thời điểm đó, một tiến sỉ CSVN cho rằng đáng lẽ cuộc chiến Việt Nam “không thể có” vì nhiều lần Hồ Chí Minh gởi thơ và công hàm cho Tổng thống Truman tỏ thiện chí muốn “hợp tác toàn diện” với Hoa Kỳ, nhưng không được đáp ứng... Luận điểm chính là nếu Hoa Kỳ công nhận chính phủ Hồ Chí Minh, Pháp không thể trở lại Việt Nam, sẽ không có chiến tranh. Nhận định này non nớt. Ở thời điểm đó Đồng Minh Hoa Kỳ-Anh đang thành lập các khối liên minh quân sự –như khối Bắc Đại Tây Dương (NATO, North Atlantic Treaty Organization) để ngăn cản sự bành trướng của CSQT ở Âu châu thì làm sao công nhận và yểm trợ một nước cộng sản mới hình thành... dù bất cứ ở đâu. Vả lại, làm sao mà Truman và Attlee kềm chế nổi tham vọng của de Gaulle? Chiến tranh không thể tránh. Tốt hơn lợi dụng Pháp, cung cấp tài chính, quân bị và chiến cụ để Pháp đánh CSQT ở Đông Dương... làm lá chắn cho mình ở Đông Nam Á và Nam Thái Binh Dương là thượng sách.
IV. Lãnh Tụ Và Chế ĐộĐầu tháng ̣9/1945, Anh và Pháp ký hiệp ước song phương, Anh công nhận chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ và một số tỉnh ở nam Trung Kỳ nên khi Quân đoàn Viễn chinh Pháp đổ vào Sài Gòn, quân Anh rút đi trong tháng ̣đó.Chỉ hai ngày sau khi QĐVC của Leclerc vào Sài Gòn, Trần văn Giàu đổi tên “Uỷ ban Hành chánh Nam Bộ” thành “Uỷ ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ.” Bộ đội du kích của Nguyễn Bình, phụ tá của Giàu, đụng một vài trận nhỏ với quân Pháp trong thành phố Sài Gòn. Ngày 23/9/1945, Trần văn Giàu tuyến bố “tiêu thổ kháng chiến” và rút vào An Phú Đông, gầy dựng thêm lực lượng ̣đánh du kích chiến. Các “Uỷ ban Hành chánh Kháng chiến” ở các tỉnh, huyện theo gương. Nhiều nơi du kích Việt Minh đốt chợ búa, phố phường và nhà cửa dân chúng rồi rút vào vùng sâu hoang vắng --gọi là bưng biền. Sách lược này, Giàu rút kinh nghiệm từ quân đội CS Nga ở Đệ II Thế Chiến chống quân Đức. Ở trong Nam, thời kỳ đó có bài hát với câu mở đầu“Mùa Thu này, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...” kích động nhiều người yêu nước, nhất là thanh niên và học sinh, vào “bưng biền” kháng chiến cứu quốc. Chỉ ít lâu sau, đa số trốn chạy Việt Minh về với gia đình. Chiến tranh đã diễn ra ở miền Nam trước. Dân thường lo sợ bỏ thành thị, bỏ nhà cửa, tản cư... chạy giặc. Họ sợ Việt Minh lẫn Pháp. Đêm đêm thấp thỏm sợ du kích Việt Minh bắt cóc, ám sát hay cho “mò tôm --là thủ đoạn du kích giết người bằng cách trói tay chân nạn nhân buộc đá thả cho chìm xuống đáy sông, ngộp nước... chết dần. Ngày ngày thì trông chừng tin tức và tiếng... súng rồi chạy trốn. Tản cư, tản cư... dài dài trước những cuộc bố ráp của quân Pháp xuống các tỉnh, nhất là các tỉnh miền Tây, dân tản cư sợ nhất là bị Thổ cáp-duồn. Thổ gặp dân ở đâu chém đó bằng mã-tấu, bất kể già trẻ bé lớn. “Thổ” là lính của các đơn vị “partisans” người Miên ở các tỉnh miền tây Nam Kỳ, do Pháp thành lập. Chúng dẫn đường cho các đơn vị lính lê dương của Pháp – Légionnaires, đa số là lính Phi Châu-- hành quân, tiếng bình dân gọi là “đi ruồng” hay “đi bố ráp” sâu trong đồng quê, thôn xóm, làng mạc. Gia đình nào chạy không kịp thì đàn ông bị bắn hay chém chết, đàn bà con gái bị hảm hiếp tập thể, chết lên chết xuống; trẻ con bị... đập đầu, bẻ cổ giết chết. Khổ sở trăm bề. Dân tản cư rất sợ hai chữ-kép, một của Việt Minh là ”Việt-gian”; một của Thổ, lính Pháp, là “cáp-duồn” hay chặt đầu. Chữ nào cũng đem lại cái chết hãi hùng.
Quân đoàn Viễn chinh Pháp đánh chiếm các tỉnh miền Nam và tiến chiếm cao nguyên miền Trung. Pháp cũng đã thu phục được Cao Miên và Lào bằng thương lượng không tốn viên đạn nào. Đầu năm 1946, trong Nam, Cao uỷ Đông Dương d’Argenlieu thay đổi sách lược, kêu gọi dân chúng hồi cư, đồng thời ra nghị định cho Nam Kỳ thành lập “Chính Phủ Nam Kỳ Tự Trị”--CP/NKTT (République Autonome de Cochinchine). Từ khi ép buộc nhà Nguyễn ký Hoà ước Patenote năm 1884, thực dân Pháp vẫn coi Nam Kỳ là xứ tự trị. Đầu năm 1946, sau khi đạo quân viễn chinh trở lại Việt Nam, Pháp lập lại ý đồ cắt miền Nam trù phú ra khỏi Việt Nam. Trước hoàn cảnh ly loạn, chết chóc, phố thị tiêu điều, nhà trống người không, ruộng đồng hoang phế, có những nhà trí thức Nam Kỳ muốn đem lại sự bình yên cho xứ sở và quần chúng bằng giải pháp ôn hoà nên chấp nhận tham gia chính phủ tự trị rồi sẽ tiến dần đến những giải pháp khác. Nhân sĩ đầu tiên nhận lập nội các CP/NKTT là Bác sĩ Nguyễn văn Thinh, du học và tốt nghiệp ở Pháp. Nội các thành lập ngày 26/3/1946, Bác sĩ Thinh là thủ tướng với tám bộ trưởng, một thứ trưởng an ninh và công an Thủ đô Sài Gòn, và một cố vấn. Bên cạnh chính phủ là Hội Đồng Nam Kỳ lúc đó đã từ 12 lên đến 42 người. Bên trong hình như có sự hứa hẹn nào đó của Cao uỷ Pháp d’Argenlieu và Uỷ viên Công hoà Pháp ở Nam Kỳ Jean Cedile (“Commissaire République,” thay chức “Gouverneur”cũ --gọi là Thống đốc hay Thống sứ) với Bác sĩ Thinh. Một thời gian sau, biết mình bị lường gạt, bội tín, nhưng trước cường quyền thực dân, không thể làm được gì hơn cho đồng bào, ngày 10/11/1946 Bác sĩ Thinh tự vẫn chết. Phải chăng đây là trường hợp của một Phan Thanh Giản thứ hai? (16) Bác sĩ Lê văn Hoạch thay thể.
Trong thời gian đó, ở miền Bắc Việt Nam, từ khi Quân đoàn Lư Hán đổ vào, đã trở thành gánh nặng và sự lo lắng lớn lao cho Chính phủ VNDCCH của Hồ Chí Minh. Một là phải cung phụng lương thực cho đoàn quân 200,000 người rất phức tạp này. Sau khi bị nạn đói mùa hè năm 1945, trên 2,000,000 người chết, miền Bắc kiệt quệ. Hai là mối tâm hoạn của Hồ: lo sợ các đảng quốc gia Việt Nam từ Hoa Nam trở về, được QDĐ/TH yểm trợ, gầy dựng lực lượng sẽ gây nguy hiểm cho lực lượng Việt Minh và đảng Cộng Sản Đông Dương. Thực vậy,“Việt Nam Quốc Dân Đảng” (Việt Quốc) của Vũ Hồng Khanh và hai đảng quốc gia có uy tín khác là “Đại Việt Quốc Dân Đảng” của Trương Tử Anh và “Đại Việt Dân Chính Đảng”của Nguyễn Tường Tam, liên kết thành một mặt trận gọi là “Mặt Trận Quốc Dân Đảng Việt Nam” đã về miền Bắc Việt Nam đồng thời với “Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội” (Việt Cách) của Nguyễn Hải Thần. Một đảng quốc gia khác là “Đại Việt Duy Tân Cách Mệnh Đảng”của Lý Đông A thành lập cơ sở và lực lượng vũ trang ở Hà Nam, Nam Định và Hoà Bình. Việt Cách cũng thành lập những đơn vị đáng kể. Hồ Chí Minh và đảng CSĐD lo sợ nhất là Việt Quốc. Lực lượng của đảng này lên đến cấp sư đoàn chiếm căn cứ Lào Kay và Sa pa, kiểm soát hoàn toàn vùng biên giới Hoa–Việt trên Đường Thuộc địa # 4 từ Lai Châu, Lào Kay, Cao Bằng, Lạng Sơn và thành lập bảy “Khu Chiến” trong toàn quốc. (17) Trước tình thế đó, Hồ Chí Minh và đảng CSĐD cần thay đổi chiến lược. Nên, ngày 24/2/1945, khi Tướng Tiêu Văn đại diện của Tưởng Giới Thạch tổ chức cuộc họp tất cả các đảng phái quốc, cộng Việt Nam ở Sứ quán Trung Hoa tại Hà Nội, yêu cầu Hồ Chí Minh mở rộng chính phủ cộng sản và lập chính phủ liên hiệp có sự tham gia của các đảng phái quốc gia và giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương, Hồ Chí Minh nhượng bộ; tất nhiên, Hồ sợ áp lực của cánh quân Lư Hán. Ngày 2/3/1945, Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (CP/LHKC/VNDCCH) hình thành có sự tham gia của các lãnh tụ Nguyễn Hải Thần, Trương tử Anh, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tiến Hỹ, Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh... và các uỷ viên cấp cao các đảng quốc gia cũng được đưa vào Quốc Hội (70 ghế), vào Cố Vấn Đoàn, và vào Kháng Chiến Ủy Viên Hội... Một chánh phủ liên hiệp quốc cộng bấp bênh như con thuyền gỗ rách bươm khi vận nước tròng trành. Hồ Chí Minh ôm ấp âm mưu tiêu diệt các lãnh tụ quốc gia khi tạm thời chịu giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương (thực ra chỉ đổi tên thành “Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Marx”). Ở thời điểm đó các nhà lãnh tụ các đảng quốc gia thực tâm cộng tác với đảng cộng sản để cùng chung lo cho nền độc lâp nước nhà, chưa nhìn thấy rõ mục tiêu chính tiềm ẩn của CSĐD là đấu tranh bạo lực đoạt chính quyền mở rộng đế quốc mới CSQT và trung thành theo đuổi chủ nghĩa Mác-Lê.
Ở trong Nam, Tướng Leclerc Tư lệnh QĐVC Pháp sau khi chiếm được Nam Kỳ và cao nguyên miền Trung muốn mang quân ra miền Bắc. Từ bắc Vĩ tuyến 16 trở ra miền Bắc, thực tế là vùng xôi đậu quốc cộng dù Hồ Chí Minh lãnh đạo CP/LHKC/VNDCCH. Tướng Leclerc chỉ định Jean Sainteny (một sĩ quan tình báo lỗi lạc, từng chỉ huy Toán Tình báo M-5 hay Mission-5 của Pháp ở Hoa Nam, cũng từng quan hệ với Archimedes Patti chỉ huy Toán OSS-202 Hoa Kỳ và Hồ Chí Minh trong thời kỳ hoạt động ở Côn Minh đầu năm 1945, lúc đó Hồ Chí Minh có thể được cả hai sĩ quan tình báo này tuyển chọn, nhưng cuối cùng Hồ cộng tác với Patti, trở về biên giới, lập căn cứ Tân Trào và lập lưới tình báo ở Việt Nam thu thập tin tức quân Nhật cho Hoa Kỳ) thương lượng với Hồ về chuyện Pháp để cho “Việt Nam độc lập” ngược lại Chính phủ Liên Hiệp Việt Nam đồng ý để cho lực lượng Pháp ra miền Bắc thay thế lực lượng QDĐ/TH. Trước đó, ngày 28/2/1946, Pháp đã ký với Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tướng Giới Thạch Hiệp ước Trùng Khánh với hai điều khoản quan trọng: -Pháp trả lại các tô giới và nhượng địa trên lãnh thổ Trung Hoa và để cho Trung Hoa một số quyền lợi ở miền Bắc Việt Nam; - ngược lại, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc rút quân ra khỏi Bắc Việt Nam và đồng ý cho quân Pháp vào thay thế. Sainteny tạo một cơ hội bằng vàng cho Hồ Chí Minh thực hiện âm mưu tiêu diệt các đảng quốc gia. Hồ Chí Minh đồng ý đề nghị “độc lập”của Pháp và khuyến dụ Vũ Hồng Khanh, thủ lãnh VNQDĐ, cùng ký “Hiệp ước Sơ bộ” ngày 6/3/1946 với Jean Sainteny là người đại diện chính thức của Pháp. Văn bản dự thảo hiệp ước sơ bộ được chính Cao uỷ Đông Dương d’Argenlieu đọc từng chữ trước khi Sainteny ký với Hồ và Khanh. (18) Theo các điều khoản của hiệp ước, Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia độc lập trong Liên Bang Đông Dương; ngược lại Chính phủ LHKCVN để cho 15,000 quân Pháp thay thế 20 vạn quân của QDĐ/TH ở miền Bắc; thực hiện ngưng bắn ở miền Nam. Quan trọng nhất là hiệp định sơ bộ có hiệu lực thi hành ngay sau khi ký. Như vậy vấn đề “độc lập” của Viêt Nam còn phải bàn cãi thêm nhưng việc Pháp đem quân ra miền Bắc được thực hiện ngay trong ngày 6/3/1946. (19) Thực vậy, Leclerc chỉ định Tướng Jean Etienne Valluy đưa một cánh quân lớn của Quân Đoàn Viễn Chinh Pháp danh chính ngôn thuận đổ bộ lên Hải Phòng và tiến vể Hà Nội chờ quân của Lư Hán rút quân dần ra khỏi Bắc Việt. Trong khi đó thì Hồ Chí Minh cho thành lập phái đoàn của Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến đàm phán với phái đoàn Pháp ở Đà Lạt trong tháng 5/1946. Đây là phái đoàn liên hiệp duy nhất với thành phần chính gồm 12 đại biểu là những trí tuệ lớn Việt Nam thuở đó, do Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ LHKC/VNDCCH làm trưởng phái đoàn, Võ Nguyên Giáp làm phó. Ngoài ra còn có “Uỷ Ban Giám Định và Cố Vấn” gổm 12 nhà trí thức nữa tham vấn. Phái đoàn Pháp do André Max làm trưởng phái đoàn và 11 thành viên khác. Hội nghị diễn ra từ sáng ngày 19/4/1946 đến 11/5/1946, không đạt được một hiệp ước thoả đáng. Lý do dễ hiểu là Pháp chưa muốn trả độc lập cho Việt Nam, ngược lại chỉ muốn chiếm lại toàn bộ thuốc địa cũ của họ. Hội nghị kết thúc với quyết nghị Việt- Pháp sẽ đàm phán lại về độc lập của Việt Nam ở Fontainebleau Pháp, tháng 7/1946.
Lần này, Hồ Chí Minh chỉ định Phạm văn Đồng làm trưởng phái đoàn các thành viên cộng sản. Ngày 6/7/1946, Phái đoàn của Đồng sang Pháp. Hồ Chí Minh cùng đi chung. Hồ Chí Minh đi Pháp để làm gì? Phải chăng để lánh mặt sau khi ra mật lệnh cho thủ hạ tiêu diệt tất cả lãnh tụ và các đảng phái quốc gia --mối tâm hoạn của Hồ-- trong CP/LHKC. Trong số những lãnh tụ các đảng phái quốc gia có những vị mà Hồ mang ơn vì được họ che chở và cũng từng thực tâm chấp nhận để cho Hồ mang cả tổ chức theo về cộng tác với mục đích duy nhất là cùng nhau đánh thực dân thu hồi độc lập cho đất nước và dân tộc. Nhưng là lãnh tụ cộng sản được Đệ III CSQT đào tạo tại Mạc Tư Khoa, Hồ chỉ biết phục vụ cho “mặt trời lý tưởng” của ông là chủ nghĩa Công sản Mác-Lê. Dù phải thanh toán những ân nhân cũ, các lãnh tụ quốc gia thành tâm nhưng thiếu bản lĩnh, để độc quyền tiến hành sứ mệnh được các quan thầy giao phó là xích hóa đất nước, và “giải phóng giai cấp” trên quan điểm vô sản, Hồ cũng làm. Dân tộc là thứ yếu, tất nhiên Hồ phải dẹp sạch các trở lực cản ngăn bước tiến của mình. Giết lãnh tụ, tiêu diệt các đảng phái quốc gia từng bao dung Hồ khi còn trên đất Tàu từ thập niên trước, và hợp tác với Hồ trong chính phủ liên hiệp mới đó, ít ra Hồ Chí Minh không tự vấn và tự dối lương tâm: “thà phản bạn hơn là phản thầy”. Vả lại, những lãnh tụ các đảng phái quốc gia chỉ lo giành độc lập dân tộc đâu phải là bạn của Hổ Chí Minh và đảng CSĐD; họ là kẻ thù tư tưởng và giai cấp, cần thanh toán. Trong hơn hai tháng –từ tháng 7 đến tháng 9/1946-- Hổ Chí Minh lánh mặt ở Pháp thì ở Việt Nam, cuộc triệt hạ các đảng phái quốc gia đã diễn ra đẫm máu bởi các đệ tử của Hồ. Cuộc triệt hạ này đại qui mô, có kế hoạch và sự phối hợp của lực lượng viễn chinh Pháp. Ngoài Bắc, bộ đội Võ Nguyên Giáp phối hợp và dẫn đường cho lực lượng viễn chính Pháp hành quân phối hợp tiêu diệt hoàn toàn các căn cứ võ trang của các đảng phái khác ở khắp nơi – nhất là các căn cứ địa đóng quân của Việt Nam Quốc Dân Đảng trên Đường Thuộc địa # 4 ở biên giới Hoa-Việt, từ Lai Châu, Lào Kay qua Cao Bằng đến Lạng Sơn. Quân QDĐ/TH không can thiệp vì hiệp ước đã ký với Pháp tháng 2/1946. Trong nội thành Hà Nội, CSVN vu khống các đảng phái quốc gia đã lập kế hoạch phá hoại “cuộc diễn binh của lực lượng Pháp ở Hà Nội ngày lễ Độc Lập 14/7 của Pháp”, như vậy là phá hoại tình hữu nghị của Việt–Pháp và cuộc họp ở Fontainebleau. (20) Ngày 12/7/1946, Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Tổng bí thư đảng CSĐD và Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ CP/LHKC, ra lệnh cho các đơn vị công an Việt Minh tạo ra “Vụ án Ôn Như Hầu” đồng loạt tấn công các trụ sở công khai của các đảng quốc gia: trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh số 7, Đường Ôn Như Hầu; trụ sở Đại Việt Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh, số 132 Đường Duvigneau; trụ sở Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội của Nguyễn Hải Thần, số 80 Đường Quan Thánh. Các cuộc tấn công này Việt Minh triệt hạ hầu hết đảng viên trung ương của các đảng đó. Đặc biệt là các toán hành động của Việt Minh tấn công trụ sở của VNCMĐMH Đường Quan Thánh được chiến xa và đơn vị Pháp phối hợp yểm trợ mà các tài liệu CSVN gọi là “can thiêp”. Đồng thời các trụ sở của Đại Việt Dân Chính Đảng của Nguyễn Tường Tam và Đại Việt Quốc Gia Xã Hội Đảng của Nguyễn Xuân Tiếu cũng chịu chung số phận. Những thành phần của các đảng phái quốc gia công khai tham gia chính phủ liên hiệp, trong quốc hội và trong uỷ hội kháng chiến cũng bị Việt Minh thủ tiêu hay bắt giữ. Chính phủ LHKC tất nhiên bị CSVN đập nát từng mảnh. Thủ lãnh các đảng nổi tiếng như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyền Tường Tam chạy thoát được sang Trung Hoa. Trương Tử Anh mất tích, chắc chắn bị Việt Minh thủ tiêu. Ở vùng Hoà Bình và Ninh Bình, Đại Việt Duy Tân Cách Mệnh Đảng của Lý Đông A –hay Trần Khắc Tường-- cũng bị Viêt Minh đánh tan rã. Lý Đông A bị giết chết. Ở miền Trung,Trần Huy Liệu và Tố Hữu thủ tiêu hàng loạt lãnh tụ các đảng nói trên và những nhân vật quốc gia khác. Ở miền Nam, Trần văn Giàu hạ thủ những thủ lãnh trí thức Việt Nam nhóm Đệ IV Quốc tế Cộng sản –hay nhóm “Trotskyst” (những người CSVN theo Đệ IV Quốc tế của Leiba D. Trotsky, cánh tay mặt của Lenin, tranh chấp quyền bính với Staline, bị loại trừ, lưu vong và bị ám sát chết ở Mexico năm1940) như Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan văn Hùm, Dương Bạch Mai, kể cả Giáo chủ giáo phái Hoà Hảo là đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. (21)
Sau trận thanh toán thảm khốc này của Hồ Chí Minh và các lãnh tụ khác của CSVN, làn ranh quốc||cộng trở thành vết hằn sâu rộng của hận thù không bao giờ hàn gắn lại được nữa giữa những người Việt Nam thuở đó và của nhiều thế hệ kế tiếp. Đến khi đó, những lãnh tụ các đảng phái quốc gia sống sót đã nhìn rõ bản chất và hành động sắt máu của những lãnh tụ cộng sản. Chính CSVN đã đẩy những nhà cách mạng quốc gia chân chính đến cuối con đường thống nhất, vì họ hoàn toàn khác về tư tưởng chủ đạo, về lập trường chính trị, về khuynh hướng lập quyền và về hành động kiến tạo. Một bên dùng bạo lực đấu tranh đoạt chính quyền để thành lập thể chế toàn trị xã hội chủ nghĩa, kết thêm một mảng quan trọng cho mạng lưới cộng sản quốc tế to lớn hơn; họ mang thứ chủ nghĩa cộng sản tàn độc này nhồi nhét vào đầu những người thiếu tri thức thuở đó và vào đầu óc các thế hệ tương lai. Hành động đó ghê tởm gấp trăm lần tội cõng rắn cắn gà nhà. Một bên, vì nền độc lập quốc gia, vì muốn gieo mầm mống tự chủ với thể chế dân chủ rộng mở cho dân tộc phát triển, tôn trọng nhân quyền và quyền sinh sống tự do của con người, dù biết hay không biết bản chất lật lọng của người cộng sản, nhưng vì quá chân thật, quá thành tâm, nhất là thiếu bản lĩnh, mà lâm vào cảnh bị phản bội, bị tàn sát. Tất nhiên những nhà cách mạng quốc gia sống sót phải tìm con đường khác, những lãnh tụ khác có uy tín, tái lập đảng để tiếp tục công cuộc tranh đấu cho độc lập và tự do mà đồng bào mong mỏi.
Ngày 14/9/1945 sau khi Hội nghị Fontainebleau thất bại, Hồ Chí Minh ở nán lại Paris và nằn nì ký một tạm ước --không ra gì, chỉ làm lợi cho thực dân Pháp-- với Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet. Trở về Hà Nội trung tuần tháng 9/1946 sau khi các thuộc hạ từ Bắc chí Nam thanh toán gọn các đảng quốc gia, Hồ Chí Minh thành lập Chính Phủ Liên Hiệp Quốc Dân (?) ngày 3/11/1946. Về phía quân viễn chính Pháp, sau khi thiết lập hệ thống căn cứ trên Đường Thuộc địa # 4 biên giới, chiến hạm Pháp bất thần bắn phá cảng Hải Phòng ngày 23/11/1946, hơn 6,000 người chết. Trận chiến kéo vào Hà Nội. Đêm 19/12/1946, Việt Minh tấn công một vài địa điểm của Pháp ở Hà Nội. Sau đó Hồ Chí Minh và bộ đội Võ Nguyên Giáp rút lên biên giới Việt Bắc, tuyên bố trường kỳ kháng chiến. Chiến tranh Việt Nam bắt đầu.
Ở miền Nam, Thiếu tướng quân đội Pháp Nguyễn văn Xuân, Thủ tướng thứ ba của Chính Phủ Nam Kỳ Tự Trị, bay sang Hồng Kông ngày 19/12/1946 yết kiến Cựu hoàng Bảo Đại xác nhận ý định sát nhập Nam Kỳ vào một nước Việt Nam thống nhất và mời Cựu hoàng về nước chấp chánh. Lần đó Bảo Đại do dự vì biết rõ tham vọng của thực dân Pháp. Đầu năm 1946, Pháp thành lập những đơn vị Vệ Binh Nam Kỳ Tự Trị, cấp đại đội ở các tỉnh (ngày 9/6/1948 đổi tên thành Vệ Binh Nam Việt). Ngày 12/4/1947, thành lập Việt Binh Đoàn ở Trung Kỳ, và tháng 7/1948 thành lập Bảo Chính Đoàn ở Bắc Kỳ. Tất cả các đơn vị này do sĩ quan Pháp chỉ huy. Trong khi đó thì các nhân sĩ trí thức và các lãnh tụ cũ, mới, của các đảng quốc gia từng bị CSVN triệt hạ kết hợp lại trong “Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất” (MTQGTN –The National United Front) ở Nam Kinh và Sài Gòn. Các đảng quốc gia cũng tái lập và ngấm ngầm hoạt động ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam Việt Nam với những lãnh tụ trí thức mới. Tháng 3/1948, MTQGTN cử một phái đoàn gồm những nhân sĩ cách mạng như Ngô Đình Diệm, Phan Quang Đán, Nguyễn Tường Tam, Đinh Xuân Quảng, Trần văn Tuyên, Nguyễn văn Sâm sang Hồng Kông gặp và mời Cựu hoàng về nước lập chính phủ và đề xuất việc đàm phán với Pháp về độc lập và thống nhất Việt Nam. Cựu hoàng chấp nhận. Ngày 27/5/1948 Ông điện về Sài Gòn chỉ định Thiếu tướng Nguyễn văn Xuân làm Thủ tướng Chính Phủ Lâm Thời Quốc Gia Việt Nam và tiến hành việc đàm phán với Chính phủ Pháp. “Nam Kỳ Tự Trị” giải tán. Ngày 5/6/1948, Thủ tướng Nguyễn văn Xuân và Cao uỷ Đông Dương Emile Bollaert ký Thoả ước Vịnh Hạ Long về thống nhất và độc lập cho Việt Nam. Nhưng Pháp lần lữa mãi, nên cuộc tranh chấp của phía quốc gia tiếp tục. Mãi đến ngày 8/3/1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol mới chịu ký với Cựu hoàng Bảo Đại “Hiệp ước Elysée” gồm các điều khoản quan trọng là thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, trả lại quyền nội trị và ngoại giao cho Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Ngày 13/6/1949 Bảo Đại về nước với tư cách Quốc trưởng, thành lập Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam (l’État du Việt Nam) với chính mình là Thủ tướng. Ngày 29/1/1950, Quốc Hội Pháp chuẩn thuận Hiệp ước Elysée. Đến lúc đó, khối Đồng Minh Tự do cho rằng ‘Giải pháp Bảo Đại” là giải pháp chính trị cần thiết để chính danh giải quyết vấn nạn từ bấy lâu nay là nền “độc lập của Việt Nam” mà Hồ Chí Minh và Việt Minh nêu ra làm tiền đề cho cuộc chiến mà họ theo đuổi. Chỉ hơn một tuần sau, ngày 7/2/1950 Hoa Kỳ công nhận Quốc Gia Việt Nam và Chính phủ Bảo Đại, Anh và Úc tiếp theo, và sau đó hơn bốn mươi quốc gia trong khối Tự do.Việt Nam tuần tự trở thành thành viên của 37 tổ chức chuyên biệt của Liên Hiệp Quốc. Trước đó, ngày 14/1/1950 Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc, hay Trung Cộng, chính thức thừa nhận Chính phủ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà” của Việt Minh dưới sư lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Tiếp theo, ngày 31/1/1950 là Liên Xô; sau đó là các nước cộng sản khác.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire