ĐĨA XÔI
ĐẬU XANH
Bút Xuân TRẦN ÐÌNH NGỌC
Chợ Chồm Hổm - như cái tên
người ta đặt cho nó - ở lề đường đông đảo nhộn nhịp xe cộ này bị công an phường
khóm theo lệnh trên dẹp đuổi miết mấy lần mà không được. Trước kia còn thời
Việt Nam Cộng Hòa, cái chợ này cũng họp lai rai nhưng người thưa thớt, lèo tèo,
khoảng dăm chục mỗi buổi sáng rồi đến trưa là tàn. Nhưng từ ngày Sàigòn sụp đổ,
người ở các nơi túa đến, chẳng ai bảo ai mà ngôi chợ cứ thế đông dần. Số người
họp từ một trăm, bây giờ người ta đã thấy cả mấy trăm. Lều vải khung tre che đỡ
làm cái mặt hàng, từ vài chục bây giờ đếm không xuể.
Nguyên do là vì những người
bị mất nhà, bị đuổi đi kinh tế mới, ở những vùng khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn
muối, nước phèn hoặc sình lầy, chỉ thấy trên trời dưới đất mà đất khô cằn,
không có nước, không nhà cửa, không dụng cụ, không gì ráo trọi thì làm sao sống
được, bèn lẳng lặng trốn về thành phố, sinh nhai ở ngôi chợ Chồm Hổm này cho
qua ngày đoạn tháng.
Người ta đặt cho chợ cái tên
đó vì chẳng có tên gì để gọi là một lẽ, lẽ thứ hai người buôn bán và khách đến
mua, đến ăn vài thứ quà vặt thường xuyên bán ở đây đều phải ngồi chồm hổm mà
bán, mà ăn, mà mua, nếu không đứng lom khom. Chợ họp bất hợp pháp ở ngay ngã ba
hai con đường, bị đuổi lên đuổi xuống, ai có gan rinh ghế dài, ghế ngắn ra cho
khách ngồi? Một tiếng la lớn “Công an tới, Công an tới!” là mọi người sợ xanh
máu mặt, cha con bà cháu quơ vội hàng hóa, rau trái thồn đại vào mấy cái
bao bố chạy thục mạng vô mấy con hẻm trốn chui trốn nhủi kẻo mất hết vốn liếng
lại đi ở tù, ở đó mà lỉnh kỉnh bày ghế dài, ghế ngắn cho sang.
Trước kia việc bố ráp có
thưa thưa nhưng từ ngày nghe đâu có chỉ thị tận ngoài Hà Nội, ra lệnh cho công
an địa phương phải “quét sạch” các thành phố, nhất là hai nơi Sàigòn và Hà Nội
để khỏi làm bẩn mắt khách du lịch nước ngoài hoặc những ngoại kiều “đông đô-la”
đến đầu tư hay những vịt kìu rửng mỡ du dâm du hí, về kiếm bồ nhí vốn rất sầm uất,
có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm chưa nước nào trên hành tinh này qua mặt được .
Xích lô đạp và xe ba bánh trước kia lởn vởn khắp nơi trên các nẻo đường để kiếm
ăn, bây giờ có lệnh cấm cả trăm con đường không được đạp xe vào. Lớ ngớ quên là
bữa đó cả gia đình cháo cũng không có mà húp.
Đạp xích lô, đạp xe ba bánh
là công việc nặng nề của đàn ông, của anh Chín, anh Năm đàn cò, anh Cần Lé chứ
chị Chín, từ ngày “giải phóng”, chị có gánh xôi chè coi ra cũng kiếm được bữa
rau bữa cháo cho đàn con sáu đứa, đứa lớn nhất, con Tiểng, hai mươi tuổi, phụ
mẹ nấu xôi, ninh chè thay vì được đi học ở trường như thời còn “ngụy”. Chị Chín
thường ngồi ở chợ Chồm Hổm từ sáng đến trưa, khoảng hai giờ chợ vãn khách thì
chị đi bán rong các hẻm hết gánh mới về. Có bữa quá ế vì trời mưa hoặc mát trời
chẳng hạn, chị Chín phải lần mò vào các nhà quen mời chào ăn dùm. Chị cầu bán
lấy vốn, kẻo chè xôi để lại bữa sau thì hư mà tối đó không có tiền mua gạo và
đậu.
Hồi đó anh Chín là trung sĩ
pháo binh, đơn vị cơ động nên anh đi khắp hai vùng III và IV chiến thuật. Anh
dẻo miệng, nhậm lẹ, ai nhờ gì cũng được và có số đào hoa nên đi đến đâu anh có
bồ ở đó, mặc dù cấp bậc chỉ là trung sĩ quèn. Hồi đóng ở Mỹ Tho có mấy tháng mà
anh tán ngay được chị Hợi, còn con gái mới chết chứ, gái quá lứa lỡ thời thì
đúng hơn, bạn bè anh mấy anh hạ sĩ, trung sĩ và cả thượng sĩ nữa biết được thèm
nhỏ nước miếng, ước ao cái địa vị của anh. Nhưng chị Chín được cái may không
biết, nếu chị biết, chắc chị phải nhảy xe đò xuống ngay Mỹ Tho rồi ra sao thì
ra.
Qua lâu rồi, hồi đó, anh
Chín nhớ mỗi tháng chỉ giữ lại đủ tiền ăn còn bao nhiêu nhờ ông Sĩ quan Tài
chánh đơn vị về Sàigòn trao cho chị Chín để chị lo đàn con. Chị Chín và mấy đứa
con được cấp nhà trong khu gia binh ở Hạnh Thông Tây Gò Vấp, chợ búa gần mà
trường học cho trẻ nhỏ cũng tiện. Với số lương trung sĩ của chồng, chị Chín
phải tần tiện khéo léo lắm mới đủ. Mỗi đầu tháng nhận tiền lương, chị ra ngay
chợ Xóm Mới kéo bao gạo trăm ký và vài tỉn nước mắm, vài ký đường cho chắc ăn.
Số tiền còn lại, chị để lai rai đi chợ mua rau cải và ít tôm cá rẻ tiền cho lũ
con. Thế là xong.
Đôi lúc chị cũng muốn tìm
cách buôn bán phụ chồng nhưng mấy đứa con còn nhỏ quá chị không nỡ bỏ liều
chúng ở nhà để ra cuối chợ đầu đường kiếm thêm chút đỉnh. Nhưng cũng chính vì
vậy mà chị có vẻ nhàn nhã thư thái như mấy bà vợ Sĩ quan trong đơn vị. Mỗi buổi
tối chị lại còn đến học một lớp Bình Dân Giáo Dục , tổ chức ngay trong trại gia
binh do Sĩ quan Tâm lý chiến Bộ Chỉ Huy Pháo Binh biệt phái phụ trách mà không
phải trả một phí khoản nào. Bút giấy, sách học nhà trường cũng cấp phát lại còn
khuyến khích vợ các cấp nên đến những lớp buổi tối như thế để bổ túc văn hóa.
Hồi lấy anh Chín, chị Chín đọc không thông, viết không thạo, ấy vậy mà chỉ sau
vài ba lớp, mỗi lớp bốn tháng, chị đọc báo suông sẻ, viết được lá thư có đầu có
đuôi và làm được những bài toán đố giản dị. Trông chị mỗi ngày mỗi phây phây ra
làm lần nào về phép thăm nhà, anh Chín cũng kêu lên: “Má bầy trẻ dạo này đỏ da
thắm thịt quá hén!” làm má chị hồng lên và y như rằng, chị lại cấn thai.
Chẳng bù cho bây giờ, “cách
mạng” lên nói là tranh đấu cho người nghèo nhưng chị Chín thấy gia đình chị cơ
cực hơn bao giờ. Có cả con Tiểng và hai đứa em nó phụ để xôi xôi, nấu chè, rửa
chén rửa muỗng, đãi đậu ngâm gạo rồi chị đi bán mà quần quật từ sáng đến
tối, không lúc nào ngơi nghỉ, có ngày thiếu cả bữa cơm trưa nhưng gánh chè xôi
của chị chỉ đủ phụ anh Chín đắp đổi qua ngày, ăn bữa nay lo bữa mai. Aáy là
phải kể hai vợ chồng cùng khoẻ, nếu một người bị bệnh nằm đó là lôi thôi to
ngay.
Thường thường, tối mịt chị
Chín mới về đến nhà. Nào đã xong, chị ăn quấy ăn quá với đàn con bữa cơm tối để
còn bắt tay nấu xôi chè cho ngày mai. Bữa ăn có khi có anh Chín, có khi không
vì anh Chín bắt được mối trễ, phải còng lưng đạp hoặc khiêng vác những đồ vật
nặng cho người ta, kiếm chút cháo cho vợ con rồi mới về nên nhiều đêm về tới
nhà anh mệt thở dốc. Con Tiểng dọn cơm ra cho anh, chỉ một mình anh ăn, chán
phèo! Càng chán khi anh thấy món ăn trên mâm cơm mỗi ngày mỗi đạm bạc thêm.
Trước kia khi còn là trung sĩ “nguỵ”, anh có bia “Quân Tiếp Vụ” uống dài dài,
nhâm nhi với mấy con khô mực hoặc miếng chả cá, hai ba thằng bạn dám làm cả két
mười hai chai luôn.
Thứ đó bây giờ đối với anh
Chin có vẻ quá xa tầm tay với. Những người có thân nhân ở nước ngoài thỉnh
thoảng gửi tiền về giúp đỡ thì may ra còn dám mơ ước, chứ anh Chín, xị đế pha
xá xị cũng chưa dám huống hồ là bia. Bia bây giờ dành cho những nhà giầu mới,
những “tư bản đỏ” như tiếng lóng của dân chúng gọi những cán bộ Cộng Sản giầu
có, nhất là những cán bộ mới từ Bắc vào Nam làm việc sau ngày 30-4-1975.
Trong những nhà giầu mới chị
Chín thường đến nài nỉ ăn dùm chè xôi những hôm chị ế có chị Viêm, vợ của anh
Trưởng đồn Công an Phường chị ở, Phường 4.
Vốn là một bần cố nhiều đời,
chữ nghĩa dốt đặc, Viêm được kết nạp vào Đảng Cộng Sản và được đề bạt nắm nhiều
chức vụ quan trọng từ cấp Huyện xuống cấp Xã ở miền Bắc là vì Viêm tuyệt đối
trung thành với Đảng, với cấp trên. Hồi cải cách ruộng đất, lúc Viêm mới khoảng
hơn hai mươi tuổi, Viêm đã cùng với mấy tên cuồng tín trong xã lôi cả cha mẹ,
họ hàng và những nông dân lương thiện ra đấu tố, ghép cho họ là địa chủ phản
động mặc dù những người này, kể cả cha mẹ y chưa từng bao giờ có lấy vài sào tư
điền. Sở dĩ y phải làm vậy vì đội của y nói cấp trên muốn kích thêm vài nấc để
có thêm nạn nhân trong những cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc cho đủ tiêu
chuẩn các bậc thầy Nga-Tàu đòi hỏi. Hàng vạn nông dân vô tội bị hàm oan, bị
chết, bị tù đày hoặc bị mất quyền công dân, tan cửa nát nhà, nhục nhã cay đắng.
Có nhiều cán bộ CS trung kiên đang làm việc thì mất chức, đi tù, có khi chết
nữa.
Từ khi được điều vào Nam,
nhìn thấy của cải trù phú của dân chúng ở miền Nam, vợ chồng tên Viêm loá mắt.
Chưa từng nhìn thấy những cái TV “chạy đầy đường”, cái tủ lạnh, máy lạnh, bếp
ga, nồi cơm điện và ngay cả những đồ dùng trong phòng vệ sinh ở trong Nam, vợ
chồng tên Viêm rất thích những món đồ dân dụng này, tìm mọi cách vơ hốt của cải
của lương dân được gán cho tội danh “tàn dư Mỹ - Nguỵ”, để gia đình y hưởng thụ
cho bõ những năm nằm rừng nằm rú, đói khổ, bệnh hoạn kinh hoàng ở biên giới Lào
- Việt.
Giầu xổi nên kênh kiệu mặc
dầu cái lốt quê mùa ít học không giấu nổi ai, mụ Viêm thường lên mặt kẻ cả với
dân chúng trong Phường mỗi khi người dân gặp mụ, nhất là khi có việc phải xin
xỏ ân huệ với chồng mụ.
Chị Chín biết thân biết phận
vợ lính “nguỵ” rã ngũ, chẳng dám chơi trèo mặc dù trong thâm tâm chị nghĩ, xưa
kia chị đâu có hơn tôi, ngay lúc này chồng chị hét ra lửa mửa ra khói, quyền
sinh sát trong phường một tay, ai không vừa lòng chồng chị thì chỉ có nước đi
tù hoặc bán xới đi nơi khác, nhưng con người chị đâu có hơn gì tôi? Chẳng qua
thời thế bắt phải thế. Nghĩ vậy nhưng chị Chín đâu dám nói ra cho ai hay. Thời
buổi này, chị phải dè mồm giữ miệng lắm lắm, chị dặn cả anh Chín, kẻo tai hoạ
đến không lường được.
Do ngẫu nhiên, căn nhà lụp
sụp của vợ chồng anh Chín lại ở gần xịt với căn nhà vợ chồng mụ Viêm, coi như
láng giềng, tuy hai cảnh sống hoàn toàn khác biệt. Nhà mụ Viêm đầy đủ, sang
trọng, dư thừa bao nhiêu thì nhà chị Chín thiếu thốn, nghèo xơ nghèo xác bấy
nhiêu.
Căn nhà mụ Viêm vốn trước
kia là của một ông Giáo sư Đại học chế độ Cộng Hòa miền Nam đã về hưu. Sau ngày
30-4-1975, gia đình ông vượt biển tìm tự do, Đảng tịch thu toàn bộ, nay cấp
phát cho gia đình thủ trưởng công an Viêm. Nói là căn nhà thì không đúng vì nó
là một biệt thự lầu, gần một chục phòng lớn nhỏ trên dưới, có nhà phụ cho
người làm, có ga-ra để xe, chung quanh đất rộng mênh mông rợp cây ăn trái.
Nhiều buổi tối đạp chiếc xích lô về, thấy nhà mụ Viêm đèn sáng rực, con cái
trửng giỡn, kẻ ăn người làm tấp nập, nhìn lại căn nhà lá tồi tàn, tối tăm, dơ
bẩn của mình, vợ con đang hì hục thổi xôi nấu chè đặng mai đi bán, anh Chín
thấy tủi thân. Dù trước kia ở khu gia binh nhưng anh Chín cảm thấy rất thoải
mái. Sự chênh lệch giữa kẻ giầu người nghèo, giữa Sĩ Quan và lính không đến nỗi
quá rõ ràng và phũ phàng như trong chế độ Cộng sản hiện tại.
Khoảng một năm trước ngày
Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, vợ chồng anh Chín góp nhóp và vay vỏ thêm bạn bè
mua được căn nhà này cho con cái và nhờ vậy, nay mới có chỗ đụt nắng, che mưa.
Sớm tối trông thấy nhau, hơn
nữa những đứa con vợ chồng mụ Viêm hay sang chơi với đám con chị Chín nên riết
rồi hai gia đình cũng thành khá thân. Chị Chín là người rất khéo, anh Chín lại
dẻo miệng và hết sức lễ độ nhún nhường vì vậy dù nghèo đói, dù đàn con không đủ
ăn, anh chị vẫn kiếm những món quà lớn nhỏ, khi thì cây thuốc lá Marlboro hay
Salem mà tên Viêm rất thích, khi vài ký đường trắng hay đĩa xôi, thố chè đặc
biệt đem sang biếu để gọi là lấy chỗ làm ăn đi lại. Vợ chồng tên Viêm như nắng
hạn gặp mưa rào, dù đã giầu có dư dả nhưng không từ chối một thứ gì, chẳng
riêng của anh chị Chín mà của bất cứ người dân nào trong Phường. Máu tham nhũng
đào khoét, coi của dân như của Đảng, coi của dân như của mình đã ăn sâu từ hơn
50 năm nay trong các thành phần “cách mạng” lớn nhỏ nên hễ có dịp là một điếu
thuốc từ bác phu xe ba bánh cũng không từ, tích luỹ làm giầu để trở thành những
tư bản đỏ. Một người bạn cùng quân ngũ với anh Chín ngày xưa, anh Phòng, thoát
được sang Gia Nã Đại năm 1975 cùng với gia đình, bây giờ làm ăn khá giả về thăm
Quê Hương, có tìm đến thăm vợ chồng anh Chín và tặng chút quà. Trong lúc chuyện
trò, Phòng bảo Chín:
“Tụi tao ở nước ngoài có tự
do dân chủ, đủ mọi thứ tự do và làm ăn cũng mát mặt thực nhưng không phải hái
ra tiền như bà con mình còn ở Việt Nam nghĩ đâu. Cuộc sống khó khăn chung cho
mọi người vì kinh tế trầm trệ toàn thế giới. Về đây một tháng đi khắp nơi, gặp
đủ thành phần, tao chỉ thấy các ông cán bộ bây giờ là sung sướng, giầu có thôi.
Bọn Việt Kiều như tao chắt bóp được dăm, ba ngàn mua vé máy bay về thăm quê
hương đã tưởng là sang lắm, nhưng khi gặp dân thương mãi thành phố và cán bộ,
thấy họ nói từng trăm ngàn, từng nửa triệu đô-la, từng mấy trăm đến ngàn cây
vàng chứ không phải cò con như rất đông Việt Kiều chỉ có cái mã bề ngoài.”
Anh Chín công nhận nhận xét
của bạn là đúng nhưng hoàn cảnh này, anh có cách gì làm khác hơn? Anh liên
tưởng đến sáu đứa con của anh, chúng cũng sẽ thất học, dốt nát và từ đó, kéo lê
một kiếp sống tối tăm mặc dù nếu được đối xử như con cán bộ, chúng sẽ học giỏi,
trở thành chuyên viên, bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, không thua gì con người ta.
Anh Chín còn đang ngậm ngùi
với thân phận bọt bèo của mình mà lẽ ra, nếu miền Nam không bị Cộng Sản cưỡng
chiếm, Đồng Minh không phản bội, mấy tên tướngnhư Kỳ, Khiêm...không chết nhát,
hữu danh vô thực, chỉ dao to búa lớn với dân chúng, với đàn em nhưng có biến là
ẵm bạc giông sớm… thì gia đình anh và bao nhiêu triệu người miền Nam đâu có khổ
sở như ngày nay.
Rít một hơi Salem, Phòng lại
tiếp:
“Tao thấy con cán bộ cao cấp
Việt Cộng đi du học nước ngoài cả đống rồi. Bọn đó sau này về nước lại nối tiếp
cha anh chúng đè đầu cưỡi cổ dân ta…”
Anh Chín xịt một tiếng, có
vẻ sợ hãi:
“Thôi Phòng ơi, tai vách
mạch rừng, nhà bên cạnh là nhà ông thủ trưởng công an phường, mày đến thăm tao
rồi mày đi, có chuyện gì tao đi tù ai nuôi vợ con tao?”
Phòng cười ngất:
“Ừ thôi, bỏ đi Tám! Chiều
nay tao lại đón đi nhậu với tao một bữa, mai tao trở về Canada nghe!”
Chiều hôm đó anh Chín đạp xe
về nhà hơi sớm hơn thường lệ, ăn mặc tươm tất ngồi chờ Phòng. Nói là tươm tất
cho sang, thực ra chỉ là bộ quần áo cũ mua ở chợ trời, giặt giũ đi trông còn
sạch sẽ, nhưng nếu cử động mạnh, không chừng nó sẽ bung ra. Đôi giầy bata thì
cũng quá cũ, nhưng thôi méo mó có hơn không, làm gì ra tiền để sắm bộ này, bộ
khác. Chẳng hơn nhiều người, đi ăn đám cưới mà còn xập xệ nữa thì sao? Mừng
được vài, ba chục ngàn tiền Sàigòn có giá trị khoảng vài đô-la là đã có vẻ hể
hả lắm trong khi mặc bộ đồ lớn nhưng nó đã cũ xì, cũ xịt, đưa ra chợ trời không
biết người ta có trả được dăm đô-la không?
Nhà nhà vừa lên đèn thì
Phòng đến cùng với hai người đàn ông trên hai chiếc xe gắn máy phân khối lớn nổ
ầm ầm nghe điếc tai. Phòng giới thiệu hai người bạn với Chín. Một tay còn khá
trẻ, khoảng ba mươi ngoài, tên Thế Ba Vì, xâm ở hai cánh tay và ở ngực, chiếc
áo cụt tay bỏ hai, ba nút trên cho thấy rõ. Thế Ba Vì tự nhận là từ dẫy núi Ba
Vì tới và xưa nay chưa từng biết ngán ai bao giờ, kể cả công an, cán bộ. Tay
kia cũng thuộc hạng dao búa tên Năm Sùi vì mặt mày y đầy mụn, sần sùi và đỏ ké
như mới “xỉn”. Sở dĩ Phòng quen với hai tay anh chị này là vì Phòng có người bạn
ở Canada là anh ruột của Thế Ba Vì. Hiển nhờ Phòng tìm đến địa chỉ của Thế Ba
Vì trao thư và chút tiền bạc. Hơn nữa, trong thời gian một tháng đi chơi ở Việt
Nam, Phòng muốn có “tà lọt” như các ông tướng ngày xưa, mỗi khi đi đâu có hộ
vệ, không sợ bọn băng đảng làm sảng bắt nạt, tiện gặp Thế Ba Vì, Phòng mặc cả
luôn nhưng Thế muốn lấy điểm với anh ruột, hứa đi khắp nơi hướng dẫn và bảo vệ
Phòng cho đến lúc Phòng lên máy bay trở lại Canada. Hôm Phòng ra Hà Nội rồi Hải
Phòng, Đồ Sơn, Chapa…Thế cùng đi với Phòng. Còn Năm Sùi vốn ở trong băng của
Thế, Thế rủ cùng đi chơi với Phòng tối nay cho vui, gọi là bữa tiệc tiễn biệt
Phòng.
Hai chiếc xe nổ đinh tai
nhức óc lao ra khỏi con hẻm nhắm hướng bờ sông Sàigòn. Cả bọn xuống một nhà
hàng nổi sang trọng đèn thắp sáng như sao sa, chuyên tiếp khách ngoại quốc và
Việt Kiều lắm bạc nhiều tiền. Cả chục nữ chiêu đãi viên trẻ đẹp, ăn mặc hở hang
khêu gợi lượn qua lượn lại, sẵn sàng phục vụ khách hết mình. Nhà hàng hai tầng,
có cả sàn nhảy và một ban nhạc hùng hậu. Gió từ mặt sông thổi lên mát rượi mặc
dù nhà hàng có sẵn máy điều hoà không khí cho những đêm nóng nực.
Vừa tới cửa, một anh bồi mặc
toàn đồ trắng đón bọn Phòng và đưa vào một cái bàn cạnh cửa sổ. Từ đây, khách
có thể quan sát cả hai phía sông Sàigòn. Những chiếc tầu, thuyền lớn nhỏ đi lại
khá nhiều với những đốm sáng là những chiếc đèn treo ở mũi hoặc lái.
Vừa ngồi xuống ghế, Phòng
kêu lên:
“Sàigòn ăn chơi thế này thì hơn
cả Canada, Mỹ, Pháp… Tao không về để đi chơi với tụi bay thì làm sao biết
được?”
Thế Ba Vì nhũn nhặn:
“ Anh Tư chưa biết hết những
chốn ăn chơi trong thành phố Sàigòn này đâu. Nhiều nơi loạn lắm anh Tư à. Có
gái, rượu, thuốc phiện, bài bạc nói tóm lại không thiếu cái gì kể cả nhất dạ đế
vương. Anh Tư còn ở lại đây ít bữa nữa, em sẽ dẫn đi thưởng thức cho biết.
Hai cô gái bưng rượu và mấy
món ăn chơi tới. Có Martini, Martel, ai muốn thứ nào tự rót lấy.
Phòng quay qua Chín:
“Sao mày ít lời vậy Chín.
Ngày xưa mày được tiếng là bẻo lẻo mồm miệng lắm kia mà.”
“Tao vẫn thế thôi, Phòng.
Mười mấy năm, mình già đi, mày không nhận ra sao?” Chín đáp xuôi, thật ra anh
nói dối bạn. Từ ngày 30-4 anh trở nên ít nói, đăm chiêu. Hoàn cảnh sống quá khó
khăn cơ cực như thế này làm sao mà vui được. Con chim bị nhốt trong lồng vẫn ăn
uống, hót nhảy chứ chưa chết nhưng thật sự nó không còn là con chim. Con chim
có tự do.
Phòng không hiểu hết được
những lo lắng của Chín. Phòng đến thăm, biết sơ qua cảnh sống của Chín rồi nay
mai Phòng trở lại Canada, nơi có cuộc sống yên vui, có công ăn việc làm, con
cái học hành đầy đủ. Làm sao Phòng hiểu hết được những uẩn khúc của Chín trong
cảnh sống quá nhiều khó khăn, tù túng.
Một người mù ôm cây đàn
guitare hát dạo, có con bé khoảng mười hai, mười ba cầm cái chậu đi theo xin
tiền làm ngắt câu chuyện. Phòng móc túi lấy ra vài ngàn tiền Việt bỏ vào cái
chậu vào bảo ông nhạc sĩ khỏi hát. Cả bọn lại cụng ly và đưa cay với nhiều
thích thú vì món ăn khá ngon, nhất là Thế Ba Vì và Năm Sùi.
Khách vào ngồi đã gần hết
các bàn, người Việt và người ngoại quốc, tiếng Anh, tiếng Tàu, tiếng Nhật,
tiếng Thái cứ loạn xà ngầu. Bỗng có một bọn năm tên khoảng từ hai mươi tuổi đến
ba mươi mấy nghênh ngang đi vào. Lúc ngang qua bàn của Phòng, chúng nhìn Thế Ba
Vì và Năm Sùi một cách khiêu khích. Một thằng trong bọn văng tục, chửi đổng:
“Đ.M. Anh chị ở đâu chứ anh
chị ở cái bờ sông Sàigòn này là chúng ông cắt gân. Đ.M. đồ anh chị dỏm!”
Năm Sùi toan đứng lên nhưng
Thế Ba Vì và Phòng cản lại. Thế Ba Vì bảo Năm Sùi:
“Mày cứ mặc nó. Bọn này tao
biết, chúng là đàn em tên Sáu Sì Dầu ở khu cầu ông Lãnh. Có anh Tư và anh Chín
đây, cứ nhịn chúng cho xong, chờ cơ hội khác lấy thẹo chúng!”
Phòng và Chín khen phải. Cả
bọn lại quay vào ăn uống tưng bừng, coi như không có gì xẩy ra. Bọn đến gây sự
không được bỏ đi. Món lẩu lươn và món ếch xào lăn rất bắt giọng, chai Martel
coi bộ đã cạn hai phần ba. Bữa tiệc coi như trọn vẹn với mấy em chiêu đãi trẻ
măng, mặt hoa da phấn, nước hoa thơm lừng, em mặc xường xám Thượng Hải, em đầm
đìa hở ngực, hở lưng, lại bá cổ ôm vai bọn Phòng:
“Đi đi anh, đi với em không?
Em hầu hạ hết mình.” Bọn Phòng ai cũng hiểu, đi là đi đâu rồi vì danh từ này
dùng rất thường. Hai cô gái dạn dĩ ôm Phòng và Chín hôn chun chút nhưng Phòng
gỡ tay ra:
“Để lúc khác đi các em, tụi
anh đang bận.”
“Phòng kế đây thôi, tiện
lắm.”
Thế Ba Vì thấy mấy em lằng
nhằng quá bèn trừng mắt: “Đã bảo bây giờ bận mà. Có biến đi không?”
Mấy em thấy Thế Ba Vì hung
tợn quá chưng hửng rút êm.
Phòng ra két trả tiền và để
lại “pourboire” hậu hĩ, xong cả bọn ra về. Lúc đó đã hơi khuya, người đến ăn đã
vãn. Khi cả bọn ra tới chỗ để xe Honda thì kìa, năm tên vừa nãy ở bãi đậu xe
lừng lững đi tới. Thằng lên tiếng chửi ở trong nhà hàng đi đầu, hai tay nó
khuỳnh ra, ngực ưỡn, mặc chiếc áo blouson xanh, thứ blue jeans nhập cảng từ Mỹ;
thằng mặc sơ mi đen đi bên cạnh, tối đêm vẫn còn đeo kiếng đen và ba thằng khác
đều hung tợn dữ dằn, đứng nhổ nước miếng tỏ vẻ khinh bỉ, trên tay chúng vẫn cầm
những điếu thuốc cháy dở. Tên blouson xanh hất hàm, trừng mắt nhìn Thế Ba Vì và
Năm Sùi:
“Đ.M. phải tụi bây là Thế Ba
Vì và Năm Cùi, tháng trước đánh thằng đàn em của tao lọi giò ở vũ trường Đ.T
phải không?”
Đã đến nước này đâu có lùi
được. Phòng và Chín chưa kịp nghĩ ra giải pháp thì Thế Ba Vì và Năm Sùi đã tiến
lên ba bước trong tư thế phòng thủ.
“Tụi bây muốn gì?” Thế Ba Vì
dõng dạc. Ba tên rút dao bấm ra, một tên cầm cái xích xe đạp, chỉ có một tên
tay không. Tên blouson xanh gầm gừ:
“Đ.M. nợ máu phải trả bằng
máu. Nếu chúng mày không bị ăn dao thì cũng phải què giò như thằng Quắn.”
Chúng xông vào bọn Phòng
đánh nhầu. Thằng đâm, thằng đá, thằng đấm loạn xà ngầu. Ngay cú đá đầu tiên Thế
Ba Vì đã cho một thằng té nhào nằm lồm cồm dưới đất. Thế hét lên:
“Anh Tư và anh Chín đứng
giang ra để tụi em giải quyết bọn này.”
Tiếng hét vừa xong thì Chín
bị một thằng nhảy tới đá ngay vào hạ bộ. Chín đau quá xanh mặt, té bật ngửa ra
sau. Liền đó thằng mặc blouson cũng bị Thế Ba Vì cho một đá nằm lăn kềnh và một
thằng khác bị Năm Sùi dùng chính cái xích của nó khóa hai tay lại và lên gối.
Phòng vốn khoẻ, thằng tay vo tính hạ Phòng bị Phòng bẻ tay và cho hai cú
đá lộn đi mấy vòng.
Bọn chúng thấy khó lòng ăn,
hơn nữa lại thấy địch cũng đã bị thiệt hại, Chín bị loại khỏi vòng chiến còn
Năm Sùi bị đâm một nhát trúng tay máu chảy đỏ lòm bèn hè nhau rút lui. Trận thử
sức giữa hai đám du đãng chỉ xảy ra mấy phút nhưng cả hai phía đều có người bị
thương.
Phòng chạy đến chỗ Chín đang
ngồi thở dốc:
“Nó đá vào đâu? Có đau
không?”
Chín nhăn nhó gật đầu chỉ
vào hạ bộ.
“Có chảy máu không?”
Chín lắc đầu. Nhìn mặt Chín,
cả bọn biết Chín rất đau, đau hơn cả vết thương của Năm Sùi. Thế Ba Vì lộn trở
lại nhà hàng xin băng để băng bó cho Năm Sùi. Vết thương hết chảy máu, chỗ bị
đâm không lấy gì làm nặng.
Thế Ba Vì nói với Phòng và
Chín:
“Tụi em rất ân hận. Không
ngờ bọn nó làm sảng. Để em sẽ rửa hận cho anh Chín.”
Chuyện xảy ra bất ngờ cho
gia đình Chín nhưng sáng hôm sau, Phòng vẫn phải lên máy bay trở lại Canada.
Hồi khuya về tới nhà, những
đứa con đã ngủ hết chỉ còn mình chị Chín đang canh xửng xôi. Chị thấy chồng đi
cà nhắc, bèn hỏi:
“Ba con Tiểng chân sao vậy?”
Anh Chín thở dài, mặt héo
queo:
“Tôi bị một thằng du đãng nó
đá tôi.”
Chị Chín sửng sốt, bất cứ
chuyện không may lớn nhỏ nào xảy ra cho gia đình cũng làm chị điên đầu. Cuộc
sống đã không đủ những tai hoạ khổ sở sao?
“Nó đá vào đâu?”
Anh Chín không nói, chỉ vào
hạ bộ.
“Trời đất ơi!” Chị Chín la
lên. “Có làm sao không? Có chảy máu không?”
Anh Chín lắc đầu:
“Nó không chảy máu nhưng nó
sưng to và đau lắm.”
“Đưa tôi coi coi. Anh tính
thoa cái gì? Lọ dầu Nhị Thiên Đường cũng hết rồi.”
Anh Chín nằm vật ra giường,
anh không nghĩ đến chỗ bị đau mà chỉ lởn vởn với ý nghĩ: “Mai làm sao chạy xe?”
Không chạy xe có nghĩa là gia đình anh đói. Và đến hôm nào nó mới hết sưng để
anh chạy xe? Mồ hôi anh rịn ra trên trán. Mặt anh dúm dó như cái bị rách.
“Thôi má bầy trẻ canh cho
xong xửng xôi rồi đi ngủ đi, mặc tôi. Vài bữa ắt khỏi.”
Nhưng vài bữa nó không khỏi.
Sau một ngày nằm nhà nóng lòng như lửa đốt, chỗ sưng chẳng những không xẹp mà
nó lại sưng hơn, mọng như cái gáo dừa. Nằm yên thì không đau nhưng đi lại bị cọ
thì đau buốt chịu không nổi. Anh Chín không muốn đến nhà thương vì nhà thương
mà không có tiền bạc, quà bánh thì nằm chết khô: không bác sĩ, y tá nào ngó tới,
ngay cả lao công. Thời đại này cái gì cũng tiền. Không tiền đừng hòng được phục
vụ.
Qua ngày thứ hai, buổi đó
chị Chín về sớm. Chợ Chồm Hổm bị càn quét do chính Thủ Trưởng Viêm và công an
bộ hạ. Chị Chín nhanh chân chạy được gánh xôi chè nhưng gánh còn nguyên, chị
mới bán được mươi ngàn đồng. Chị đi rong qua khu đường xe lửa bán nhưng bị buổi
mát trời ít người ăn. Cực chẳng đã chị phải gánh về.
“Má bầy trẻ về sớm vậy.” Anh
Chín nói vọng xuống bếp. Chị Chín tới giường chồng nằm:
“Hôm nay anh đỡ không? Công
an đuổi chợ, tôi chạy được gánh còn nhiều người bị tịch thu mất hết hàng hoá.”
Anh Chín thở dài sườn sượt.
Cứ thế này gia đình anh chết đói mất thôi. Không nhìn thấy một tia sáng nào cho
ngày mai, cho lũ con cả.
Chợt chị Chín nghĩ ra một
lời khuyên của chị Liết, bạn chị, hồi chiều. Chị bảo chồng:
“Anh có nhớ vợ chồng chị
Liết cùng dẫy trong khu gia binh với mình hồi xưa không?”
“Ừ, nhớ. Thì sao?”
“Hồi chiều tôi gặp chỉ, chỉ
hỏi thăm, tôi nói anh bị người ta đá vào hai hòn đó sưng lên như cái gáo dừa.
Chỉ nói thuốc gì thoa cũng không hết đâu vì hồi xưa ba chỉ đã bị khi thi đấu
với một võ sĩ khác. Chỉ nói má chỉ phải nấu xôi ủ vào khăn đem chườm vài lần
vào chỗ đau là nó xẹp.”
Đầu óc anh Chín loé ra một
tia sáng, nhưng anh ngần ngừ:
“Hay sẵn dịp hôm nay ế xôi,
má mày thử lấy chườm cho tôi coi. Nằm mãi tiền đâu sống?”
Chị Chín đã nghĩ đến điều đó
từ lúc chị Liết nói và càng muốn thử hơn trên đường gánh gần nửa xửng xôi về.
Chị đưa xôi xuống bếp nổi lửa hâm lại, xôi nóng bốc khói nghi ngút. Chị lấy cái
khăn mặt nhúng nước, vắt khô rồi đơm khoảng một chén xôi mỗi lần. Anh Chín tụt
quần ra và chị cứ thế chườm cho anh cho đến khi mẻ xôi nguội hết. Phần hạ bộ
của anh Chín bị xôi nóng đỏ mọng lên nhưng đến nửa đêm, nó đã có mòi xẹp xuống
và bớt đau.
“Xôi này giờ sao đây anh?”
Chị Chín vừa thu dọn vừa hỏi chồng.
Đổ đi cũng tiếc, cho con ăn
vào thì không nên, anh Chín chợt nghĩ đến vợ chồng con cái tên thủ trưởng Viêm.
Hẳn là thố xôi với thố chè đậu đen cũng được một việc. Chị Chín đích thân giở
xôi múc chè và đem sang.
Sáng hôm sau chưa đi làm
được mặc dù đã bớt nhiều, nằm trong nhà, anh Chín cười thầm khi nghe bà vợ ông
thủ trưởng nói với chị Chín qua hàng dậu:
“Xôi đậu xanh hôm qua chị
cho, chắc là chị bỏ nhiều nước cốt dừa, ăn béo ngậy đi thôi! Ông nhà tôi cứ
khen mãi!”
Bút Xuân
TRẦN ÐÌNH NGỌC
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire