caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 12 décembre 2013

Ðĩa Tóp Mỡ* Truyện ngắn Bút Xuân TRẦN ÐÌNH NGỌC


Truyện ngắn                                                   
                            
 
                                Ðĩa Tóp Mỡ

                                                
                                       * Bút Xuân TRẦN ÐÌNH NGỌC
 
        Phùng chậm rãi bước trên hè phố Sàigòn. Mười năm qua, từ ngày Phùng đi trình diện để vào trại tù cải tạo - số phận hẩm hiu của hơn một triệu quân, cán, chính miền Nam Việt Nam từ ngày 30-4-1975 -  hết Phan đăng Lưu đến Long Thành, đến Bù gia Mập, Nam Hà, Quảng trị và nhiều trại khác Phùng nhớ không xuể, để cuối cùng, sau gần 10 năm lại trở về Bù gia Mập và bây giờ được tha, Sàigòn dưới mắt Phùng đã có nhiều thay đổi. Những nhà hai, ba tầng lầu mới tinh nhan nhản mọc lên, những con phố lạ xưa kia không có, những tên đường được thay bằng tên mới ...tất cả nhìn Phùng với cái nhìn vô cùng xa lạ.
        
Phùng dừng lại tần ngần nhìn những căn nhà mới, những căn nhà xưa kia miền Nam chưa mất vào tay Việt cộng, Phùng vẫn thầm mơ ước. Bây giờ, Phùng nghĩ, chủ nhân những căn nhà này không ai khác hơn là những cán bộ Cộng sản, đa phần từ miền Bắc vào Nam sau ngày Sàigòn thất thủ 30-4-1975. Miền đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa Ðông Nam Á, chắc chắn sẽ thu hút những con người vốn sống trong thiếu thốn, kiệt quệ từ cả thế kỷ qua.  Chiến tranh 30 năm, họ có dư súng đạn từ Nga Sô, Trung Cộng, Tiệp Khắc, Ðông Ðức...gửi tới cho họ đi chém giết mỏi tay, không hề nghĩ đến tình đồng bào máu đỏ da vàng cùng chung một Tổ quốc, một tổ tiên.  Nhưng ngược lại, họ không đủ cơm ăn, ngay cả khoai sắn, bobo qua ngày, nói gì những xa hoa, hưởng thụ. Và bây giờ có cơ hội hưởng thụ, không bao giờ họ để lỡ dịp may. 
 
Phùng vừa đi vừa lan man nghĩ đến cuộc tấn công tết Mậu Thân (1968). Dù điên  cuồng tàn sát dã man trên 7 ngàn đồng bào Huế theo lệnh “bác Hồ” và cả chục ngàn khác khắp miền Nam (tài liệu Sứ quán Hoa Kỳ Sàigòn), gần trăm ngàn cán binh Cộng Sản  và thanh thiếu niên theo Cộng Sản ở miền Nam cũng bị quân lực VNCH phản công đánh giết tơi bời. Như hai thằng cháu con người anh họ Phùng, thằng La và thằng Liệt, tuổi mới 15 và 16, cùng với đám bạn hữu, có thằng chỉ mới 12 hay 13, xung phong đi đầu tiến chiếm các mục tiêu của  binh sĩ VNCH, bị bắn chết, thây ngả như rạ. Ðám cán bộ  gốc Bắc la hò phía sau khi thấy “không nuốt nổi” nên đã rút lui an toàn. Còn bây giờ, những người này là chủ nhân ông cả miền Nam trù phú, thóc nhiều tiền lắm, chất xám cũng nhiều, hơn hẳn hai miền Bắc và Trung.  Sở dĩ chất xám trội phát vì trong 21 năm, từ 1954 đến 1975, nền giáo dục Nam Việt nam đã được sửa dổi và cải thiện rất nhiều. Chương trình Pháp - Việt khập khiễng xưa kia đã bị bãi bỏ hẳn để nhường chỗ cho một chương  trình hướng về đất nước Việt, người Việt, chữ Việt, để ươm trồng những mầm non nhiều hi vọng cho tương lai.
        
Lan man nghĩ, Phùng đã về đến đầu đường Bà Hạt, chỉ còn một khoảng ngắn nữa là đến nhà. Phùng thấy phập phồng trong dạ, nỗi mừng gặp lại vợ con làm đôi chân Phùng quýnh quíu bước không muốn vững. Bộ quần áo tồi tàn trên người, râu tóc đâm tua tủa, đoạn tre già làm gậy chống đi cho vững và cái túi đeo trên vai trong đựng dúm thuốc vấn, cái bàn chải đánh răng và giấy tờ tuỳ thân, Phùng ngó lại mình thấy ngượng ngùng khi mang hình ảnh tàn tạ thế này gặp vợ con. Nhưng liền đó anh lại nghĩ, đây là quốc nạn, đâu chỉ riêng mình anh chịu. Có những người bạn đồng tù không còn được trở về trông thấy gia đình như anh thì sao? Họ đã chết trong tù vì không chịu nổi đói khát, bệnh hoạn và lao động nhọc nhằn, như hai người cùng phòng với anh, Thể và Xước. Còn Tiết ở phòng bên thì bị đánh đập và nhốt trong cô-nếch đến chết vì dám vượt ngục cùng với mấy anh khác. Bỗng nhiên Phùng thở dài. Nỗi ngao ngán hình như không bao giờ rời khỏi tâm trí anh.
        
Phùng nhìn số nhà trên mỗi tấm vách. Kia, số 187A/124, căn nhà của người em vợ có nhã ý cho vợ con Phùng tá túc từ vài năm nay. Nhà của Phùng, ở mặt đường Trần quốc Toản, đã bị tịch thu ngay từ cuối năm 1975 vì Phùng bị ghép vào tội “nguỵ ác ôn” có nợ máu với nhân dân. Phùng nguyên là Ðại Úy Cảnh Sát trưởng Bót Bà Hạt trước 30-4-1975.
        
Phùng vừa ló dầu vào cái cửa khép hờ đã nhìn thấy ba đứa con. Thằng Phụng lớn thế này rồi sao ? Hai đứa em nó, con Phương và con Mai cũng lớn. Hồi Phùng đi trình diện, thằng Phụng mới bảy tuổi, con Phương và con Mai mới năm và bốn. Chục năm rồi còn gì?
         Ba đứa trẻ đã nhận ra Phùng. Chúng la lớn và chạy ra ôm lấy Phùng:
         “Ba đã về ! Ba đã về ! Ba ngồi xuống đây đi ba !”
         Ðứa đỡ cây gậy, đứa đỡ cái túi vải, Phùng ngồi xuống ghế:
         “Má tụi con đi đâu ?”
         Con Phương nhanh nhẩu:
         “Má đi chợ bán hàng đấy ba.”
         “Mấy giờ má con về ?”
         Thằng Phụng nói hớt:
         “Thường thì gần tối má mới về nhưng hôm nay có ba về, để con ra báo cho má về sớm.”
       
 Nói rồi nó mở cửa chạy đi. Hai đứa con gái lấy nước và khăn mặt cho Phùng rửa mặt. Phùng cảm thấy một niềm an ủi lớn lao và đỡ mệt như vừa được uống một liều thuốc bổ.
         “Chú dì Tân đâu con ?” Phùng hỏi con Phương.
         “Chú sửa xe ở đầu đường, còn dì cũng bán ở chợ như má.”
         “Chị Phượng đâu ?”
         “Chị đi làm, ba. Chị làm ở hợp tác xã đan len.”
         “Ở mãi đâu hả con ?”
         “Ðâu ở Xóm Củi, Chợ lớn ấy ba.”
         “Chị đi bằng gì tới đó ?”
         “Chị có cái xe đạp. Con rót nước trà ba uống nhé ?”
         “Ừ, cho ba một ly.”
         Phùng ngồi ở bàn, vừa uống nước vừa nhìn căn nhà. Bề ngang không được 3m, bề dài chỉ khoảng 9m, còn hơn 1m là vừa bếp vừa cầu tiêu, nhà tắm, vừa chỗ rửa chén. Ba cái giường kê một dẫy dài. Vợ chồng Tân ở trong cùng, giữa là mấy đứa trẻ nằm chung với nhau, ở ngoài cùng là vợ Phùng. Trẻ con, người lớn cứ liệu mà nằm với nhau sao cho thích hợp. Ở Sàigòn bây giờ nhà cửa đắt như vàng, có được chỗ ở tàm tạm thế này là may rồi. Vợ chồng Tân rất thương chị và các cháu nên mới nhường cơm sẻ áo chứ phải người khác, họ cho thuê vài giường tháng tháng cũng có món tiền khá.
        
Ngồi chờ vợ về, Phùng hỏi hai đứa con gái về việc học hành của chúng. Mai nói:
         “Tụi con chỉ được học đến hết lớp 9 là may rồi. Con cái Ngụy không được học cấp  3 và Ðại học. Thi vào Ðại học, người ta lấy tiêu chuẩn thành phần kỹ lắm.”
         “Thế tụi con định làm gì ?”
         “Tụi con định xin vào hợp tác xã đan len như chị Phượng nhưng không biết có được không ?”
       
 Phùng và hai đứa con nói đến đó thì Liên cũng về tới. Thằng Phụng gánh gánh hàng cho má. Ðó là hai cái vại, một bên giưa nén, một bên cà pháo muối bằng mắm nêm. Thoạt nhìn Liên, Phùng suýt nhận không ra. Người vợ đẹp đẽ, hồng hào, khoẻ mạnh ngày xưa đã biến mất. Trước mắt chàng bây giờ là một người đàn bà già dặn, nhuốm nhiều nét ưu tư, phong trần, bộ quần áo tầm thường mặc trên người làm tăng vẻ nghèo nàn nhưng vẫn còn phảng phất những nét đẹp quí phái khi trước với đôi mắt tinh anh và nụ cười rất có duyên. Liên nhìn chồng ứa nước mắt. Nàng  tiến lại gần chồng và hai người ôm nhau khóc. Nhưng chỉ mấy chục giây, Liên lấy tay áo quệt nước mắt và đẩy Phùng ra.
         “Khóc không tốt. Tai vách mạch rừng. Anh ngồi nghỉ đi để em làm cơm anh ăn. Nhưng anh đã đi khai báo phường, khóm chưa ?”
         “Anh mới về được hơn giờ đồng hồ, đâu đã biết chỗ nào mà khai với báo !”
         Liên quay bảo con:
         “Mai đưa ba tới Phường để ba khai.”
         Do kinh nghiệm từ những lần trước, con bé  lại ngăn kéo lục đủ giấy tờ xong mới dẫn ba nó đi. Kể không xa gì nhưng đi bộ tới trụ sở Phường 11 cũng phải hơn 15 phút. Khi Phùng vào đến bàn giấy thì đã có hai, ba người ngồi chờ ông chủ tịch Phường và ông Công an Phường. Nhưng họ không có mặt, chỉ có một anh ngồi làm giấy tờ, bảo Phùng ngồi đợi. Cả giờ đồng hồ sau, ông chủ tịch Phường mới về nhưng chưa kịp nói gì thì ông ta đã xua như xua tà:”Tôi đang có công việc khẩn cấp, không thể tiếp các anh, các chị được. Về đi, mai tới !” Cha con Phùng và mấy người kia phải bước ra.”Thì đành vậy.” Phùng thở dài, “đồng bào vô tội” còn bị đối xử như thế huống hồ mình, một thằng tù bị quản chế.”
         “Sao ba con mày đi lâu thế ?” Liên ở trong bếp hỏi vọng lên con Mai.
         “Ông chủ tịch Phường đuổi về, nói mai hãy đến, má.”
         “Tụi bay xuống sắp cơm ba ăn !”
       
 Cả nhà quây quần quanh cái bàn và 4 cái ghế đóng bằng ván thùng, tác phẩm đầu tay thợ mộc của Tân. Rau cải bắp luộc, nước dầm cà chua, một đĩa giưa nén. Có cơm ăn cho no với vài món tạp nhạp đó cũng quí rồi chẳng hơn nhiều gia đình không kiếm được bấy nhiêu để ăn mỗi ngày trong lúc quá khó khăn này.
       
 Mấy đứa nhỏ, chắc là Liên đã dặn chúng ở dưới bếp, không đứa nào tơ hào đến một cái đĩa nhỏ để phía Phùng. Ðó là một đĩa tóp mỡ chưa rán kỹ lắm, cố ý để lại những miếng mỡ còn trắng tươi và mập mạp, mọng những nước chứ không phải những miếng tóp mỡ như thường lệ: vàng đậm muốn gần cháy, xác, bã, và khô cong, nghĩa là nước mỡ đã bị vắt ra hết. Thứ tóp mỡ đó trẻ con cũng thích ăn, nhất là trộn chung với một chút nước mắm, một chút đường, ăn với cơm nóng bốc hơi hay với mảnh bánh đa dòn tan, cứ là ngon hết ý.
 
Nhưng tóp mỡ rán nhội nhội  như nói trên lại còn ngon gấp bội. Cắn miếng mỡ cảm ngay thấy nước mỡ còn phinh phính bên trong ứa ra chân răng , những cái chân răng vốn khô hạn chất béo lâu ngày, và nó với một miếng cơm trắng, ôi cha là ngon, và con tì con vị dường như nhảy nhổm lên ở trong bụng. Tóp mỡ thế mới đúng nghĩa tóp mỡ, và ngày hôm nay, để mừng chồng được tha về, Liên đã cố mua một miếng mỡ vai, bên ngoài có da, thái hơi dầy và chiên sơ lên  gạn bớt nước mỡ ra, sau đó mới cho chút đường, chút hành hoa, chút nước mắm.
        
“Anh ăn đi ! Món này dành phần anh đó !” Liên cầm đôi đũa chỉ vào đĩa tóp mỡ bên phía Phùng. Phùng nhìn thấy đĩa thịt mỡ mắt sáng lên từ lúc vợ con sắp ra bàn. Mùi thơm mấy nhát hành rán già như trêu ngươi đôi lỗ mũi làm Phùng cứ nuốt nước miếng ừng ực. Từ ngày vào trại tù, duy nhất Tết năm rồi được hai miếng mỡ lợn mỏng tanh, dài hơn hai đốt ngón tay, miệng thằng nào to thì bỏ vào nó lạc đâu mất tiêu, bọn Phùng thường nói đùa với nhau những lúc được chuyện trò cho bớt khổ. Khu nhà bếp ở đây có một anh chặt thịt gà thật giỏi. Một con gà vừa vừa, anh ta có thể chặt chia thành 300, 400 miếng như không mà thịt gà không vụn, không nát. Anh ta nói chỉ cần con dao hơi nặng và thật sắc là ăn tiền. Bởi vậy, thái thịt lợn mỏng và đều như thế, đâu có gì là khó?
        
Phùng đẩy đĩa tóp mỡ ra giữa bàn, trong lòng chợt nhớ Dần, một anh tù cùng trại, đã có lần xin nhà bếp một lon gô mỡ nước và uống một hơi sạch. Phùng bảo vợ con:
         “ Em và các con ăn mỗi người một miếng cho vui.”
         “Không, anh ăn đi,” Liên nhìn Phùng,”Mới về cực khổ thiếu thốn thì ăn cho lại sức. Mẹ con em cũng mới ăn tóp mỡ hôm qua !”
       
 Liên phải nói dối để Phùng ăn chứ có mấy khi Liên dám mua mỡ lợn rán lên cho con ăn. Giưa nén, cà muối, rau luộc, xì dầu, nước mắm, cơm không độn ngô khoai được ăn no là sang lắm rồi. Mười năm Phùng đi tù, ngay ngày Tết Nguyên đán nhiều năm cũng không có miếng thịt bởi thịt đắt quá. Tiền mua nửa kí thịt heo có thể mua được vài chục lít gạo thì ăn làm chi cho phí? Hàng thịt chỉ nguyên thấy vợ cán bộ mua, người dân Nam phải quay về với giưa cải và những con cá, tép vụn vợ cán bộ không bao giờ ngó. Nhiều lúc Liên nghĩ, nếu gọi cách mạng là đổi đời thì cái chuyện mua bán đổi đời này chính là một cuộc cách mạng và không cần nhìn ở đâu xa, nhà khảo sát chỉ nhìn ngay ở chợ là thấy cái hố giầu nghèo sâu sắc do cách mạng đẻ ra.
 
Dù Phùng gắp cho vợ con người một miếng, nhưng không ai ăn, thảy đều bỏ trở lại đĩa. Phùng thấy ép không được, phải gắp một miếng. Chao, sao nó ngon ! Mới cắn nhẹ vào cái thân dòn dòn, mềm mềm, nước mỡ bùi béo thơm tho đã rịn ra thấm chân răng. Phùng bẻ một miếng bánh đa cho vào miệng nhai chung với tóp mỡ. Bánh dòn tan, những hạt vừng đen lấm tấm trên cái bánh làm bùi và hấp dẫn thêm. Phùng vừa nhai vừa nghĩ từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, Phùng chưa ăn món nào ngon như món tóp mỡ hôm nay. Ðường và nước mắm Liên nêm thật vừa, không ngọt quá, không lợ quá, không nhạt quá, không mặn quá. Phùng vừa nhai vừa nghĩ đến câu chuyện trạng Quiỳnh hầm đá cho vua ăn mà tự nhiên bật cười. Liên thấy chồng vui cũng vui:
         “ Anh có gì thích thú ?”
         Phùng nuốt xong miếng cơm:
         “ Anh đang nghĩ đến chuyện trạng Quỳnh hầm đá. Má con em cũng phải thưởng thức một tí tóp mỡ chứ ?”
        
Nhưng mấy đứa trẻ ăn nhanh đã đứng lên, cầm luôn mỗi đứa cái chén và đôi đũa của nó xuống chậu rửa bát, chỉ còn Phùng  và Liên. Liên gắp thêm tóp mỡ vào bát Phùng:
         “ Em tính cố bớt ra mua một chai la-de để anh uống cho vui nhưng ngại có đứa nó thấy rồi nó lại đưa ra tổ học tập kiểm thảo, rằng tiền ở đâu mà anh mới về đã đi mua la-de.”
         Phùng thương vợ nhiều hơn:
         “ Thôi em ! Ðược thế này cũng là mừng lắm rồi. Từ ngày vào trại tù cải tạo, có bao giờ anh được ăn cơm không và ăn no như thế này. Em lo cho anh và các con nhiều quá, em bệnh quị xuống đó thì lại khổ cả nhà. Vả lại, như em nói đó, tai vách mạch rừng, ăn uống một chút không bõ bị phê bình kiểm thảo. Cứ bình bình lại hơn.”
(còn tiếp)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
Trích từ Tập Truyện “Tình Mẹ Con” 17 truyện, 360 trang xb Đông A 2009 tại Hoa Kỳ. Mời tìm đọc tập thơ Đạo “SAU GIỜ KINH CHIỀU”
Tiệm sách  Tú Quỳnh, Bolsa 714-531-4284. 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire