Tạp Ghi
Đạo Hiếu Với Con Người
* GS Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC
Sau ngày
30-4-1975, đàn chim Việt không còn cái may mắn “Việt điểu sào nam chi” được nữa
nên đã tung cánh đến bốn phương trời. Ở những nơi là quê hương thứ hai đó, đàn
chim Việt đã học hỏi được nhiều điều hay, lạ cũng như nhiều điều không hay. Ở
đây, chỉ xin nói về những cái hay. Cái dở - của mình và của người - xin sẽ nói sau.
Một trong những cái hay ở Hoa Kỳ hay ở Pháp là những xứ này đặt ra
“Ngày Từ Phụ” và “Ngày Hiền Mẫu” (Father’s Day, Mother’s Day hay Fête des
Pères, Fête des Mères).
Chẳng phải do sáng kiến của người Hoa
Kỳ, người Pháp hay người các nước khác mà người Việt chúng ta mới nhớ đến cha
mẹ chúng ta. Tộc Việt vốn là giống dân hữu thần, trọng lễ nghĩa, truyền thống
của dân tộc. Khi tam giáo (Phật, Khổng,
Lão) chưa du nhập Việt Nam thì người Việt đã biết kính thờ tổ tiên,
trọng kính cha mẹ, thương yêu anh, chị, em và hầu như mọi gia đình đều lập bài
vị ông bà, cha mẹ để thờ cúng. Những ngày giỗ kị thì thắp nhang, dâng hoa quả,
cơm nước đặt trên bàn thờ để mong ông bà, cha mẹ (nhũng người đã khuất) về
hưởng. Nhà nghèo nhất cũng có bát cơm trắng với quả trứng luộc dâng lên với tất
cả lòng thành. Tuy người đã khuất không hưởng được nhưng lễ nghi ấy lại cần
thiết để giáo hóa con trẻ để sau này chúng cũng nhớ đến ông bà, cha mẹ như vậy.
Tam giáo du nhập Việt Nam rất sớm, như
đạo Phật từ cuối thế kỉ thứ II, đạo Khổng kể từ Tích Quang (Thái thú Giao chỉ,
đời Hán Bình đế), Nhâm Diên (thái thú quận Cửu Chân từ năm 29 đến năm 33), Sĩ
Nhiếp (làm thái thú quận Giao Chỉ từ năm 187-226) lấy lễ nghĩa văn hóa dạy dân
ta thì đạo Hiếu lại càng được khuyến khích nhiều hơn. Tôi nhớ trong mấy cuốn
sách vỡ lòng về Nho giáo tôi đã học hồi năm, bảy tuổi, như Tam tự kinh, Minh
Tâm bảo giám chính văn, và sau này tại trường đại học Văn Khoa Sàigòn, cuốn Đại
học, thụ giáo LM Sàng Đình Nguyễn văn Thích, các sách đó bàng bạc toàn dạy về
chữ Hiếu, chữ Nghĩa, chữ Trung Tín.... Xin trưng dẫn vài câu:
Quân tử hữu bách sự, hiếu vi tiên.
Người quân tử có một trăm công việc để
làm, hiếu là ưu tiên.
Chẳng những quạt nồng ấp lạnh, phụng sự
cha mẹ mà khi có công việc phải đi xa cũng chớ nên khinh xuất bỏ cha mẹ ở nhà
một mình:
Phụ mẫu tại đường, bất khả viễn du.
Còn cha mẹ đấy, không nên đi chơi xa.
Chữ Hiếu trong kho tàng Ca dao, Tục ngữ
lại càng nhiều nữa và hầu như ai cũng thuộc nằm lòng đôi câu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như
nước trong nguồn chảy ra
Một lòng kính mẹ, thờ cha
Cho tròn chữ
hiếu mới là đạo con.
Công cha đức mẹ cao dày
Cưu
mang trứng nước những ngày ngây thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng
thành con phải biết thờ song thân
Ngó lên trời thấy cặp cu đang đá
Ngó ra ngoài biển thấy cặp cá đang đua
Ta về lập miếu thờ vua
Lập
trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.
Nho giáo không dạy kĩ thuật mà chỉ dạy lễ
nghĩa “tiên học lễ, hậu học văn”.
Hầu như câu nào trong Tứ thư (Đại học, Trung dung,
Luận ngữ, Mạnh tử) và Ngũ kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân thu) cũng dạy cách làm
người: đạo Hiếu kính và Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Chúng ta hãy đọc lại bài
“Thế nào là hiếu?” sau đây trích trong sách Luận ngữ:
Mạnh Ý tử
hỏi thờ đấng thân, thế nào gọi là hiếu? Đức Khổng tử nói rằng: “Thờ đấng thân
mà không ngang trái là hiếu.”
Thày Phàn Trì ngự xe cho đức Khổng, đức Khổng bảo cho
rằng:”Họ Mạnh Tôn hỏi ta điều hiếu, ta thưa rằng:”Không ngang trái.” Thày Phàn
Trì hỏi rằng:”Lời ấy là ý bảo thế nào?” Đức Khổng nói rằng:”Ta nói không ngang
trái là không ngang trái với lẽ phải. Người con thờ đấng thân, khi đấng thân
còn thì phụng dưỡng cho phải lễ; khi đấng thân mất thì tống táng cho phải lễ;
khi tế đấng thân thì tế cho phải lễ.”
Mạnh Vũ Bá hỏi điều hiếu. Đức khổng tử nói rằng:”Cha
mẹ chỉ chăm lo về tật bệnh người con.”
Thày Tử Du hỏi điều hiếu. Đức Khổng tử nói rằng:” Đời
nay chỉ bảo rằng nuôi được cha mẹ là hiếu. Nhưng suy đến loài hèn như khuyển
mã, cũng còn nuôi nó cả. Nếu nuôi cha mẹ mà chẳng kính thì có khác gì!”
Tử Hạ hỏi điều hiếu. Đức Khổng tử nói rằng:”Khi thờ
cha mẹ, khó nhất là nét mặt hòa vui. Nếu kẻ đệ tử chỉ biết phục dịch làm thay
việc khó nhọc cho phụ huynh và có rượu cơm mời ngài xơi, những điều ấy có kể là
hiếu đâu!”
(Nguyễn hữu Tiến và Nguyễn đôn
Phục dịch).
Chú thích: Phàn Trì, Tử Du, Tử Hạ: học trò Đức Khổng
tử. Mạnh Ý tử: quan đại phu nước Lỗ. Mạnh Vũ Bá: con Mạnh Ý tử.
Xem thế, vật chất cung phụng cha mẹ không quan trọng
bằng tấm lòng, bằng cái tinh thần. Cha mẹ con cái, có no ăn no, có đói ăn đói,
cùng nhau chia bùi sẻ ngọt, nét mặt, cử chỉ, lời ăn tiếng nói của con ôn tồn,
kính cẩn thì dù hoàn cảnh thiếu thốn, cha mẹ nào cũng vui lòng. Trái lại, thừa
mứa của cải, nuôi cha mẹ trong nhà nhưng đối xử như nuôi đầy tớ, dằn vặt, chì
chiết, đập nồi quăng rế, chửi chó mắng mèo thì đến cao lương mĩ vị hàng ngày,
giường êm nệm ấm ban đem cha mẹ cũng buồn tủi mà xin đi! Cái nét mặt đức Khổng
tử nói chính là cách đối xử, ăn ở vậy.
Đạo Phật cũng
hoằng dương đạo Hiếu. Chuyện kể rằng có một phụ nữ tuy không vào chùa xuống tóc
đi tu nhưng mộ đạo lắm, giữ mọi giới của nhà Phật.
Một bữa, chị thấy buồng chuối ngoài vườn
có vài nải chín vàng, trông tươi đẹp, ngon lành. Chị cắt cả buồng, để lại mấy
nải còn xanh, bỏ hai nải chín đẹp nhất vào trong cái rổ, lấy vỉ đậy lại rồi hối
hả đội lên chùa, hí hửng lễ Phật, nghĩ rằng ắt sẽ được nhiều phước.
Chị vào đến cổng chùa, sân chùa vắng ngắt vắng ngơ vì
là ngày thường, chị đi thẳng vào gian bếp, thấy chú tiểu đang đứng tưới cảnh
ngoài vườn, chị chào hỏi và mượn chú cái đĩa lớn. Đặt chuối vào đĩa, chị đưa
lên gian tam bảo, đặt đĩa chuối trước bàn thờ Phật, đốt thẻ hương, khấu đầu vái
lạy hết lòng cung kính rồi cắm hương vào bát, ra về.
Chị vừa ra tới sân thì gặp Hòa thượng
trụ trì. Rổ cắp ở tay, chị cúi đầu chào sư cụ. Sư cụ đã biết chị từ lâu nhưng
ngạc nhiên sao hôm nay ngày thường chị cũng lên chùa.
“Bạch hòa thượng.”
“Chào thí chủ. Thí chủ có việc gì lên
chùa hôm nay?” Sư cụ hỏi.
“Bạch hòa thượng, buồng chuối trong vườn
có nải chín đẹp và ngon lắm, con đưa lên cúng Phật.”
“Chị để chuối ở đâu rồi?”
“Thưa cụ, con đã thắp hương và cúng trên
bàn thờ Phật.”
“Đâu, chị chỉ cho tôi coi.”
Người đàn bà đi trước hướng dẫn sư cụ
vào trước bàn thờ Phật. Cây hương còn cháy và đĩa chuối vàng tươi vẫn y chỗ cũ.
Sư cụ bảo người đàn bà:
“Thí chủ có lòng đến lễ Phật, lại cúng
quải những thứ đặc sản của vườn nhà, một điều rất quí hóa. Ta có nghe, thí chủ
còn song thân phải phụng dưỡng, phải không?
“Bạch hòa thượng, phải.”
“ Vậy thí chủ đã dành nải nào dâng lên song thân thí
chủ chưa?”
Người đàn bà luống cuống vì câu hỏi. Còn
lại bốn nải nữa nhưng chị không định dành cho cha mẹ nải nào mà chỉ đợi phiên
chợ tới, đem ra bán. Chị trả lời cho qua:
“Dạ, thưa hòa thương, mấy nải kia còn
xanh, khi chín con sẽ dâng cha mẹ.”
“Không,” Giọng sư cụ ôn tồn nhưng nhìn
nét mặt luống cuống của người đàn bà, sư cụ đã đoán ra, hơn nữa lời đồn về chị
ta đối với cha mẹ không tốt đã vô tình đến tai sư cụ từ lâu nay, ” Thí chủ phải
dành những nải này cho cha mẹ thí chủ đã, những nải kia chín hãy đem cúng
dường. Nếu thí chủ không dâng cha mẹ trước thì Phật không nhận lễ vật của thí
chủ đâu.”
Nói xong, sư cụ cầm đĩa chuối trao cho
người đàn bà:
“Thí chủ hãy cầm về dâng lên cha mẹ. Cha
mẹ thí chủ chính là Phật sống tại gia của thí chủ đó.”
Người đàn bà mắc cở đỏ mặt, vái chào sư
cụ xong cắp rổ chuối đi một mạch.
Trong những kinh nhà Phật, Phật cũng
dạy:
Thiên chi cực mạc đại ư hiếu, ác chi
cực bất hiếu giả: Hiếu thảo là điều thiện to lớn nhất, bất hiếu là điều ác to
lớn nhất.
Thế nhược vô Phật, thiên sự phụ mẫu. Sự
phụ mẫu tức thị sự Phật. Người sinh ra đời không gặp Phật mà phụng thờ cha mẹ
thì cũng như thờ Phật.
Tu đâu bằng tu tại gia
Thờ cha kính mẹ
mới là chân tu.
Cách nay hơn bốn thế kỉ, Thiên Chúa giáo
từ phương Tây truyền vào Việt Nam qua các nhà truyền giáo Pháp, Tây ban Nha, Bồ
đào Nha, Ý đại lợi. Thiên chúa giáo hay Kitô giáo cũng dạy con người phải “thảo
kính cha mẹ.” Trong 10 điều răn của Thiên Chúa buộc giáo dân phải hết sức giữ
thì ba điều đầu nói về bổn phận của tín hữu đối với Thiên Chúa, đấng toàn năng
sinh ra vũ trụ vạn vật. Điều thứ 4 nói về bổn phận làm con đối với cha mẹ, đứng
trên các điều đối với người ta (từ 5-10) đủ biết bổn phận này quan trọng như
thế nào. Khi có dịp, các Linh mục trong các thánh lễ cũng giảng giải về điều
răn thứ 4 này một cách kĩ lưỡng để mọi giáo dân ý thức bổn phận làm con đối với
cha mẹ.
Trước kia việc thờ cúng ông bà, tổ tiên còn bị thắt
chặt vì nơi xuất phát đạo Thiên Chúa là Âu châu lại không có tục thờ cúng ông
bà, tổ tiên. Nhưng từ sau Công Đồng Vaticanô II, hội thánh Công giáo đã thích
nghi với những tập tục, thói quen thờ cúng ông bà tổ tiên của dân Á châu nên
nới rộng rất nhiều. Khi tôi còn bé, quan tài người chết mang vào nhà thờ làm lễ
không thể cùng đi với khung ảnh người quá cố, nhất là lại để khung ảnh ấy trên
cao nhìn xuống giống như bức ảnh một vị thánh. Hồi đó không cho thắp nhang
trong nhà thờ và dù là con cháu cũng không được lậy người đã quá cố. Ngày nay,
nhiều tập tục đã được dễ dàng.
Có một câu chuyện tôi nghe được khi còn
rất bé, nhớ đến ngày nay, xin kể hầu quí vị.
Thầy tôi có một người cháu, con bà chị
ruột, ở họ Thôn Đông, Trà Đoài, đã thụ phong Linh Mục từ khi tôi mới khoảng 10
tuổi. Hồi trước tôi không biết Ngài đi những giáo xứ nào nhưng sau này Ngài là
Bế trên dòng Trinh Vương, nhà dòng chính ở Bùi Môn. Một bữa Linh mục và ông bà
cố đến thăm thầy mẹ tôi vì thầy tôi mới từ Hà Nội về. Trong bữa cơm gia đình
thật vui vẻ, Linh Mục Trung hỏi thầy tôi:
“Thưa cậu, đã lâu con không được nghe
chuyện của cậu. Cậu ở Hà Nội về, có chuyện gì hay cậu kể cho cả nhà nghe cho vui.”
Sau khi kể một câu chuyện vui, thầy tôi
hỏi Linh mục:
“Bây giờ cậu hỏi Trung nhé. (Thày tôi
chỉ gọi tên, không gọi là cha). Nếu như có người vào xưng tội với Trung là anh
đó (hay chị đó) đã hỗn láo chửi cha mắng
mẹ, Trung có tha tội cho người ta không?”
Linh Mục Trung suy nghĩ một chút rồi
nói:
“Thưa cậu, con cũng tha cho họ với điều
kiện là họ phải về xin lỗi cha hoặc mẹ mà họ đã làm phiền lòng, lại cũng hứa
không tái phạm. Cũng tựa như khi người ta xưng tội lấy tiền bạc của cải của người khác thì phép công bằng đòi buộc họ
phải trả mới hết tội. Lấy tiền bạc hay lấy mất danh dự của người ta thì cũng
như nhau, một đàng vật chất, một đàng tinh thần, thưa cậu.”
Thầy tôi khen ngợi Linh mục Trung hết
mình. Ông rất hãnh diện có một ông Linh mục cháu giỏi giang đạo hanh như thế
(LM Trung đã qua đời khoảng 6 tháng nay, 2006) Những năm ở Sàigòn, vùng Hóc Môn
là khu cử tri của tôi khi tôi là Dân Biểu Hạ Viện. Đi hoạt động ở Hóc Môn rất
thường nên thỉnh thoảng tôi lại ghé vào thăm LM Trung. Khi gặp bữa, Ngài bảo:
”Hôm nay chú có bận đi đâu không?”
“Thưa anh, em được rảnh cho đến 2 giờ.”
“Vậy chú ở đây ăn cơm trưa với anh rồi hãy đi.”
Cơm nhà Dòng thanh đạm nhưng cái tình thì đầy ắp những
yêu thương và thanh tịnh như những bông huệ trắng tươi các Nữ tu trồng ở lối
vào Tu viện.
Nhờ vì thường
ghé, tôi quen các Nữ tu ở nhà Dòng rất nhiều. Tôi cũng nợ các Nữ tu nhiều vì
ngày bầu phiếu, tháng 8-1971, hơn 400 Nữ tu nhà dòng đã bỏ phiếu cho tôi. LM
Trung không xin phiếu cho tôi mà chỉ bảo:”Các chị coi tiểu sử của chú ấy, được
thì bó, không thì chọn người khác.” Sau khi đắc cử, tôi tới cám ơn ông anh Linh
mục và nhà Dòng. Nữ tu coi sóc nhà Dòng bảo tôi:”Chị em tôi đã lựa trong số 98
Ứng cử viên đơn vị (6 ghế)Tân Bình-Hóc Môn-Bình chánh này, sau cùng đồng ý dồn
phiếu cho “quan chú”. Hơn 400 Nữ tu đi bỏ hết, chúng tôi bỏ “độc phiếu” cho
quan chú chứ thực ra được phép bỏ tối đa 6 người.”
Tôi chỉ còn biết cám ơn nhà Dòng.
Linh Mục Trung đã làm cho dòng Trinh
Vương khởi thủy là một nhà dòng nhỏ sau ít năm đã thành một dòng lớn, rất đông
Nữ tu. (tôi không biết chính xác “sĩ” số). Nếu tôi không lầm, ở Hoa Kỳ cũng có
một Chi nhánh.
Trở lại với ngày “Từ Phụ” và ngày “Hiền Mẫu” ở Hoa Kỳ, tức vào khoảng giũa tháng 6 và tháng
5 dương lịch. Hầu như mọi gia đình ở Hoa Kỳ đã dùng hai ngày này để con cái nói
lên lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Đây là một tập tục tốt, nước Việt Nam cũng
nên đặt ra hai ngày đó, không phải để tiêu thụ hàng hóa nhưng để ôn lại đạo
Hiếu, đạo quan trọng nhất của con người trong khi tôn giáo là đạo với thần
linh, ai tin thì theo, ai không tin không có luật nào bắt buộc. Nhưng đạo Hiếu
là đạo bắt buộc vì không ai là không có cha mẹ. Người chỉ hơn thú vật ở chỗ
biết cha mẹ, thảo kính cha mẹ. Nếu không biết trọng kính cha mẹ tất nhiên những
hạng người đó đã tự đặt mình ngang với loài súc vật rồi. Ở thời đại chúng ta,
có thiếu gì những kẻ vì quyền lợi riêng tư, phe đảng, muốn ăn trên ngồi trốc,
hay lòng dạ độc ác đã nhẫn tâm hành hạ, đày đọa cha mẹ. Những kẻ ấy không thể
được dùng danh từ “người” vì chúng bất xứng, bôi nhọ con người.
Trong Kitô giáo, cứ sau lễ các Thánh
(Toussaint) vào tháng 11 là đến Lễ Cầu hồn. Mọi gia đình đi dự lễ cầu cho ông
bà, cha mẹ, xong ra nghĩa trang đặt vòng hoa tưởng niệm và cầu nguyện tại chỗ.
Thầy tôi dùng lễ này hoặc là trước Tết Nguyên Đán, cùng con cháu đi tảo mộ ông
bà, tức sửa sang phần mộ, đắp thêm đất hoặc xây gạch, chỉnh đốn bia mộ. Người
Việt mình có câu:”Sống vì mồ vì mả, không sống vì cả bát cơm” do đó mồ mả tiền
nhân rất quan trọng.
Sau bữa cơm đoàn tụ gia đình, khá giả thì giết gà giết
vịt, không thì mua thịt lợn ở chợ, người trưởng tộc hay anh cả nói về cha mẹ,
ông bà đã khuất cho cả gia tộc cùng nghe, kể những đức tính tốt, những tài
năng, thiên khiếu để khuyến khích các cháu chắt noi gương ông bà, làm rạng danh
cho gia tộc.
Phật giáo dùng ngày 15-7 âm lịch làm lễ
Vu Lan để nhớ đến công đức ông bà cha mẹ, đã khuất hay còn sinh tiền. Ngày Vu
Lan người ta nhắc đến chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ trong ngục a tì vì mẹ đã làm
điều ác bị đọa xuống đó. Lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên đã giúp mẹ sớm thoát
cảnh đọa đày.
Còn người Nhật có tập tục nhân ngày nhớ ơn cha mẹ, bạn
đi ra đường, nếu bạn trả lời thiếu nữ tiến đến trước bạn rằng cha mẹ bạn đã
khuất núi cả thì thiếu nữ sẽ cài lên ve áo bạn một bông hồng bạch. Trái lại, nếu
bạn còn cha hoặc mẹ, bạn sẽ được cài một bông hồng đỏ tượng trưng sự vui mừng,
trái với mầu trắng là mầu tang tóc, buồn tủi.
Trong cuộc đời viết văn, làm thơ, làm báo gần nửa thế
kỉ (từ 1958), tôi đọc được rất nhiều bài viết cảm động về mẹ nhưng rất ít về
bố. Tôi hiểu rằng đứa con bao giờ cũng gần gũi với mẹ hơn bố nhưng không lẽ nói
về mẹ mười bài, ta không có một bài cho bố ta sao? Có những nhà thơ, nếu gọi
được họ là nhà thơ, cả đời chỉ ca tụng ái tình và đàn bà. Người đàn bà kế là mẹ
mà chẳng bao giờ thấy họ “đụng đậy” đến những ông bố. Không lẽ họ không có bố?
Tôi yêu thương mẹ tôi thế nào thì tôi yêu thương bố tôi như thế. Ngoài ra, nếu
kể về phương diện tinh thần thì bố tôi khai tâm, chỉ bảo cho tôi nhiều hơn bởi
lẽ bố tôi học nhiều hơn mẹ tôi. Nếu bố tôi không cho tôi một hạt mầm để hợp với
cái trứng của mẹ tôi thì chắc chắn không có tôi. Hạt bụi là tôi khởi đầu từ bố
tôi.
Nhân tiện cũng xin đề cập, khi tôi còn nhỏ, theo tập
tục của những nhà Nho, bố tôi bảo con cái gọi bố tôi là thầy vì ngoài việc sinh
thành, thầy còn khai tâm mở trí cho mình. Chữ dùng khác là bố, hoàn toàn Việt
Nam, còn chữ “ba” nó lai căng từ tiếng Pháp “papa” đi với “maman” (má măng) mà
ta gọi tắt là “má”. Ba nên đi cặp với má, bố với mẹ, cho nó thuần túy Việt Nam.
Nên nhớ tiếng “ba” không có văn vẻ hơn tiếng “bố”. “Ba” đi với “mẹ”, nghe nửa
tây, nủa ta, nửa nạc nửa mỡ.Tuy nhiên, ai thích gọi sao tùy ý. Ta cũng nên
biết, con cái tộc Việt đã gọi “bố” từ thời Lạc long quân. “Bố ơi, sao bố không
về mà cứu chúng con?”Có một vị tướng tài là “Bố cái Đại vương” . Cái là mẹ.
Để kết thúc
bài Phiếm về đạo Hiếu nhân lễ Vu Lan, tôi xin sửa đổi đôi chút về câu ngụ ngôn
Pháp:”Hãy cho tôi biết anh (chị) giao du với ai, tôi sẽ nói anh (chị) là hạng
người nào.” thành ra:”Hãy cho tôi biết anh (chị) đối xử với cha mẹ ra sao, tôi
sẽ cho biết anh (chị) là hạng người nào.” Kẻ đã coi bố mẹ đẻ dứt ruột ra như
cục gạch thì những người khác, chúng coi ra cái gì!”
Để kết
luận, xin thân ái gửi đến quí bạn đọc bài thơ song ngữ:
NHỚ ƠN CHA MẸ
Thân, tâm con có
hôm nay
Nhờ ơn Cha Mẹ
những ngày xa xưa.
Lễ Vu Lan nhớ ơn Cha Mẹ
Bao công lao dưỡng dục sinh thành
Vì ai nên mới có mình ?
Trông nom, bú mớm hết tình với ta !
Thuở còn nhỏ cho ta đi học
Mong sau này ta được thành nhân
Làm vinh Quốc tổ, quốc dân
Làm vinh dòng giống con dân Lạc Hồng.
Khi khôn lớn gả
chồng, dựng vợ
Lo cho ta như đũa có đôi
Gia đình nề nếp,
mai rồi
Sinh con đẻ cháu đời đời truyền lưu.
Lúc về hưu người già khó tánh
Ta lựa lời hợp cảnh, hợp tình
Gửi thưa lễ phép phân minh
Sao cho xứng với tâm tình đạo con.
Chớ bao giờ dùng lời hỗn láo
Cũng chẳng nên cao ngạo ta đây
Dù ta tiếng Mỹ, tiếng Tây
Dù danh phận lớn ông này, bà kia.
Nên khuya sớm thần hôn định tỉnh
Ðạo làm con phải nhớ luôn luôn
Núi Thái Sơn - Nước trong nguồn
Làm con Ðạo Hiếu phải cho vuông tròn.
(Trích NHƯ ÁNG MÂY TRÔI)
GRATITUDE TOWARD
OUR PARENTS
We want to show our gratitude toward our parents
on the occasion of Vu Lan ceremony,
They did so much things for us:
giving birth, feeding and teaching.
Thanks to them, we are present in this world,
They also took care of us very carefully.
When we were young,
they sent us to
school,
They expected us to become good people,
And become good citizens
who made our ancestors,
countrymen and nation proud.
When we were growing up,
they were worried about our marriage.
Once we find our soul-mates,
matched like a couple of chopsticks,
we’ll start our families.
Soon there will follow grandchildren,
great grandchildren
down through the generations.
When our parents retire,
that’s the time they get older.
They become fastidious some times,
Therefore, we need to choose our words carefully
and with
courtesy.
In order to fulfill our duty as children.
Do not use any rude words,
or arrogance with our parents;
Though we’re able to speak English
or French fluently,
And have a high position in the society,
We need to speak humbly
and politely with our parents.
Moreover, we should visit our parents very often,
We always need to remember
to accomplish our duty
toward our
beloved parents.
Their merit is incomparable!
Little Saigon, CA Vu Lan Ceremony
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire