Một trong nhiều nền tảng khởi đầu cho hành trình
hơn 4.000 năm văn hiến của dân tộc Việt, chính là văn hóa Phùng Nguyên,
mà trong đó những hiện vật khai quật được từ các di chỉ, đặc biệt là
ngọc đá, khiến người ta phải ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp diệu kỳ qua tài nghệ
chế tác đá của người Phùng Nguyên xưa.
Vòng đeo được chế tác với kỹ thuật khoan lỗ và các đường cắt hình học mang tính thẩm mỹ cao.
Ông Hoàng Xuân
Chinh, GS-TS, nguyên Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, một trong những
nhà khảo cổ khai quật văn hóa Phùng Nguyên ở những năm 60 của thế kỷ
XX, nhớ lại: “Khi khai quật các di chỉ Phùng Nguyên, hiện vật gốm được
phát hiện nhiều nhất, sau đó là đá công cụ và đá trang sức. Tôi cho
rằng gốm và đá trang sức Phùng Nguyên đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật ở
mọi thời đại”.
Đã qua hơn 4.000 năm, các hiện vật lưu lại từ văn
hóa Phùng Nguyên không nhiều, với các nhà sưu tầm cổ ngoạn trên khắp
Việt Nam và cả thế giới, văn hóa Phùng Nguyên luôn là đề tài bàn luận
thú vị. Mà trước mỗi thông tin, mỗi hiện vật ngọc đá gặp được liên quan
đến văn hóa Phùng Nguyên, cứ như một chuyến hành trình ngược thời gian
tìm về huyền thoại của những cư dân Việt cổ thời kỳ tiền dựng nước.
Bình minh của lịch sử
Di tích Phùng Nguyên tình cờ được phát hiện vào năm
1959 khi thi công một công trình thủy lợi trên địa bàn xã Kim Kệ, huyện
Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Kể từ cuộc khai quật đầu tiên 1959 trở về sau,
đã có hơn 60 di tích thuộc văn hóa Phùng Nguyên được phát hiện trên
vùng đồng bằng sông Hồng và hơn phân nửa trong số ấy đã được khai quật.
Các nhà khảo cổ học xác định niên đại văn hóa Phùng Nguyên vào khoảng
cuối thời kỳ đồ đá mới, đầu thời kỳ đồ đồng, cách nay 4.000 năm đến
3.500 năm.
Văn hóa Phùng Nguyên phân bố dọc theo vùng đồng bằng
trung du, nơi hợp lưu các dòng sông Thao, sông Lô, sông Đà, sông Hồng,
sông Đáy… thuộc các tỉnh, thành Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh…
Nhiều cuộc khai quật với số lượng hiện vật thu được rất đa dạng về chất
liệu như gốm, đá công cụ, vũ khí, đá trang sức… là một tiền đề để
ngành khảo cổ học Việt Nam ở những năm 60 có thêm nhiều phát hiện mới
với các di chỉ nối sau văn hóa Phùng Nguyên như văn hóa Đồng Đậu, Gò
Mun, tiếp đến là Đông Sơn.
Sự liền mạch trong xâu chuỗi các nền văn hóa từ
Phùng Nguyên đến Đông Sơn thông qua hiện vật khai quật, đã chứng minh
được sự hình thành phát triển của các bộ lạc thuộc chủ nhân văn hóa
Phùng Nguyên gắn liền với sự phát triển nền văn minh sông Hồng, cũng
như minh chứng rằng các bộ lạc thuộc văn hóa Phùng Nguyên chính là một
trong những hạt nhân đầu tiên khởi hình nên nhà nước Văn Lang - Âu Lạc
của các đời vua Hùng, được ví như ánh bình minh trong lịch sử hình
thành và phát triển của dân tộc Việt.
Vẻ đẹp trang sức
|
Trong số hiện vật khai quật từ các di chỉ, khu mộ
táng, xưởng sản xuất… thuộc văn hóa Phùng Nguyên, thống kê có đến 92% số
lượng hiện vật chế tác bằng đá, minh chứng đây là chất liệu chủ đạo
gắn liền với đời sống của các bộ tộc người Phùng Nguyên xưa.
Trong đó, đá trang sức là mảng quan trọng, thể hiện
sự tài hoa trong tính toán, chế tác, định hình nên một loại hình nghệ
thuật độc đáo, mang đặc trưng rất riêng của văn hóa Phùng Nguyên, khác
biệt hẳn với các nền văn hóa khác.
Con số hiện vật đá trang sức trong các lần khai quật
được GS-TS Hoàng Xuân Chinh cụ thể rằng: “Trong di chỉ Phùng Nguyên
chúng tôi thu được 540 mảnh vòng, 9 khuyên tai, 34 hạt chuỗi và 5 đồ
trang sức khác”. Đây chỉ là con số khiêm tốn trong tổng số rất nhiều
hiện vật trang sức phát hiện được gắn liền với văn hóa Phùng Nguyên.
Dựa trên các hiện vật khảo cổ và từ các nhà sưu tầm ở Việt Nam, hầu hết
đồ trang sức dùng chất liệu đá bán quý như thạch anh, ngọc lam, ngọc
thạch, ngọc bích… và có điểm chung là được chế tác với kỹ thuật cực kỳ
tinh xảo.
Trang sức Phùng Nguyên có kiểu dáng đa dạng, gồm
chuỗi hạt, vòng đeo tay, khuyên tai, mặt ngọc… Trong các lần khai quật
nhiều di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên, khảo cổ Việt Nam đã xác định
được những công xưởng chế tác trang sức như ở Tràng Kênh, Gò Chè, Bãi
Tự… với các hiện vật tìm được là mũi khoan, đá mài, bàn mài… để tạo nên
các hiện vật được mài chuốt cầu kỳ, khoan cắt, tạo hình tinh tế bằng
những đường cong hình học, những lối khoan tách lõi, khoan hai đầu được
ứng dụng khéo léo lên mặt đá hình thành nên những tác phẩm nữ trang mà
với khoa học kỹ thuật ngày nay cũng không dễ thực hiện được.
Dựa trên các hiện vật ngọc đá Phùng Nguyên, có thể
thấy việc chế tác tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng các cuộc
khai quật tại mỗi di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên đều gặp hàng trăm
mảnh vòng đeo trang sức khác nhau, chứng tỏ rằng ở giai đoạn này con
người đã biết chú trọng làm đẹp cho bản thân, điều này gợi về một thời
kỳ thịnh vượng, nông nghiệp phát triển. Khi vụ mùa đến, người thợ thủ
công chế tác nữ trang cũng tham gia sản xuất nông nghiệp. Khi vụ mùa
kết thúc, lương thực dư thừa, đủ nuôi sống sung túc nhà nông và người
thợ thủ công ở lúc nông nhàn, nên họ an tâm chế tác các vật phẩm trang
sức quý giá.
Biểu trưng quyền lực
Cuộc sống con người thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên vẫn
dựa theo xã hội công xã nguyên thủy. Nhưng thông qua các hiện vật ngọc
đá Phùng Nguyên, chúng ta hiểu họ đã biết định hình cái đẹp ở một
trình độ nhất định, có hiểu biết khoa học, kỹ thuật, kết hợp cơ khí
trong chế tác như việc tạo mũi khoan, dùi đục, khoan tách lõi các hạt
hình ống dài, kỹ thuật khoan đối xứng, mài dũa theo hình khối. Những kỹ
thuật này đòi hỏi phải có bàn xoay, đặt mũi khoan hoặc bàn mài cố định
và di chuyển miếng đá ngọc để tạo hình với tính chính xác cao, việc
chế tác này đòi hỏi người thợ thủ công phải có sự am hiểu về hình học,
toán học, mới có thể ứng dụng vào chế tác đồ trang sức, tạo nên vẻ đẹp
hoàn hảo của ngọc đá Phùng Nguyên.
Trong số trang sức tìm được thuộc văn hóa Phùng
Nguyên, có một số tượng người được chế tác làm vật đeo, với các chi
tiết thể hiện rõ nét các bộ phận sinh thực khí nam và nữ, biểu trưng
của tín ngưỡng phồn thực thường gặp trong xã hội nguyên thủy. Có nhiều
thuyết lý giải về các hiện vật này, nhưng đa số đều có chung nhận định,
đây là những hiện vật biểu trưng cho một tư duy tôn giáo nhất định,
một khởi đầu của tôn giáo nguyên thủy.
Người Phùng Nguyên là cư dân nông nghiệp, chịu ảnh
hưởng của thiên nhiên, của thần đá, thần mặt trời, sấm chớp, nên tôn
thờ thiên nhiên, lấy vật tổ là các biểu tượng để thờ cúng chứ trong xã
hội lúc này chưa biết thờ các nhân vật cụ thể. Do vậy việc phát hiện
qua đá có kích thước nhỏ, hay nha chương (ya zhoang) ở di chỉ Xóm Rền
và Phùng Nguyên, được các nhà khảo cổ xác định đây vừa là một loại vũ
khí, nhưng cũng là biểu trưng quyền lực, lễ khí của người Phùng Nguyên
xưa.
GS-TS Hoàng Xuân Chinh nhận định: “Các nha chương
tìm được thuộc văn hóa Phùng Nguyên giống với nha chương được phát hiện
ở nhiều di chỉ ở Trung Quốc như Thạch Mão (Thiểm Tây), Nhị Lý Đầu, Nhị
Lý Cương (Hà Nam), Tam Tỉnh Đôi (Tứ Xuyên), Thạch Lô (Phúc Kiến)… Nha
chương được xác định có từ thời nhà Thương và tồn tại cả trong thời kỳ
Chiến quốc”.
Việc khai quật, khám phá và giới thiệu nét đẹp tạo
hình cùng chất liệu độc đáo, đặc trưng rất riêng trong các thể loại
ngọc đá thuộc văn hóa Phùng Nguyên đã trở thành niềm tự hào của nền
khảo cổ học Việt Nam. Với riêng những người đam mê cổ ngoạn, việc tìm
gặp, hoặc có cơ duyên sở hữu được một trong những hiện vật ngọc đá
Phùng Nguyên hẳn là niềm vinh dự, bởi độ quý hiếm của ngọc đá Phùng
Nguyên cùng vẻ đẹp huyền thoại của nó khiến các hiện vật này không dễ
săn tìm được trên thị trường.
Đã qua hơn 4.000 năm, vẻ đẹp của ngọc đá Phùng
Nguyên cho đến nay vẫn không lỗi thời, mai một, mà trái lại khiến hậu
thế phải nghiêng mình trước bàn tay tạo tác tài hoa của người thợ thủ
công Phùng Nguyên - những cư dân nguyên thủy, khởi nguồn cho sự hình
thành và phát triển các nền văn hóa trên đất Việt hôm nay.
Cổ vật Phùng Nguyên – Văn hoá đồ đá
Thú chơi đồ cổ có từ lâu đời, làm
say mê, vui buồn bao lớp người giàu sang, quyền quý cũng như dân thường
nơi thôn dã. Báu vật – những đồ cổ quý hiếm mang giá trị lịch sử, văn
hóa, kinh tế – được giữ gìn bảo quản từ thế hệ trước sang thế hệ sau.
Phùng Nguyên- mảnh đất phù sa ven
bờ sông Thao với những đồi cây rậm rạp của vùng trung du, mà dấu vết
còn lại là những rừng Quần, rừng Ma Sặc, rừng Giõ… cùng những lớp đá
cuội dày đặc trầm tích của những dòng sông cổ.
Văn hóa Phùng Nguyên có hơn 60 di
chỉ phân bố trong một phạm vi rộng khắp đồng bằng Bắc Bộ, chủ yếu là
dọc theo lưu vực các con sông lớn chảy từ phía Bắc xuống sông Hồng, sông
Đà. Ở văn hóa này, các loại hình di tích rất đa dạng, từ di chỉ cư trú,
mộ táng đến các di chỉ xưởng sản xuất công cụ lao động và đồ trang sức.
Nhiều loại nguyên liệu đá được sử dụng như đá bazan, Diabazan, Spilite…
nhưng phổ biến và đặc trưng hơn cả vẫn là đồ ngọc Nephrite và Jadiete.
Theo nhiều tài liệu của các nhà khảo cổ học, thì người Phùng Nguyên cũng
sử dụng hỗn hợp cả hai loại đá này trong cùng mục đích chung là chế tạo
công cụ lao động, vũ khí, đồ trang sức.
Đồ đá ở đây, không những nhiều về
số lượng, mà còn phong phú về loại hình. Đặc điểm của đồ đá Phùng
Nguyên là được chế tạo với một trình độ kỹ thuật cao, đồ đá sản xuất ra
được mài nhẵn bóng, hình dáng cân đối đều đặn, có góc vuông cạnh thẳng
hoặc tròn trặn duyên dáng. Kích thước nhỏ nhắn là một đặc điểm nổi bật
của đồ đá Phùng Nguyên so với các nơi khác. Ở Phùng Nguyên, số lượng rìu
to lớn không nhiều. Nhiều chiếc rìu nhỏ đến mức khiến người ta nghi ngờ
khả năng sử dụng thực tế của chúng, có những chiếc dài không quá 2cm.
Vũ khí săn bắn ở Phùng Nguyên tuy có, song cũng hiếm. Những mũi tên hình
lá hẹp dài có cán hoặc không, những mũi tên dẹt hình tam giác, cùng
những mũi tên hình ba cạnh mang dáng dấp đặc trưng riêng biệt .
Các loại vòng trang sức cũng là
một trong những đặc điểm của đồ đá Phùng Nguyên. Vòng ở đây không những
nhiều về số lượng, mà kiểu dáng cũng muôn hình muôn vẻ. Phần lớn những
vật đeo này được chế tạo từ những mẩu đá ngọc còn thừa trong các chế tác
khác chứng tỏ sự sáng tạo của con người trong văn hóa này. Hạt chuỗi
được người Phùng Nguyên sử dụng là những hạt chuỗi hình ống, nhiều chiếc
có chiều dài tới 8-9cm nhưng lỗ khoan rất nhỏ. Nhiều hạt được mài vắt
chéo ở hai đầu như thể đó là vật chủ trong một chuỗi hạt của người Tràng
Kênh. Ngoài ra, hạt chuỗi dạng hạt cườm mỏng cũng rất phổ biến. Về mặt
cắt ngang vòng, có đủ loại: Hình vuông, tròn, bán nguyệt, tam giác, chữ
nhật, hình thang, và có thêm gờ nổi. Về màu sắc thì từ trắng ngà, tím
nhạt đến gan gà, xám xanh, đủ loại. Kiểu loại tuy nhiều, song trong đó,
vòng mặt cắt hình chữ nhật dẹt chiếm số lượng nhiều hơn cả. Có tới 424
mảnh vòng loại này trong tổng số 540 mảnh vòng thu lượm được. Nếu cho
rằng, loại vòng bản rộng có gờ nổi tiêu biểu cho trình độ cao của kỹ
thuật đồ đá Phùng Nguyên, thì cũng có thể nói, sự phong phú loại vòng
mặt cắt ngang hình chữ nhật dẹt là một đặc điểm của vòng trang sức Phùng
Nguyên. Trong các giai đoạn sau, loại vòng này giảm dần và gần như mất
hẳn, mà xuất hiện các loại vòng lớn có mặt cắt ngang hình bán nguyệt
hoặc gần tam giác.
Ở Phùng Nguyên, bên cạnh hàng
trăm bàn mài hình lòng chảo, bàn mài rãnh hình lòng máng hay vạch sâu
hình chữ V, còn phát hiện được loại bàn dập có rãnh nhỏ song song ở hai
mặt. Hiện vật này, tuy công dụng chưa được xác định, song rõ ràng, nó là
một di vật độc đáo của di chỉ Phùng Nguyên cùng những di chỉ đồng loại
mà ở các di chỉ có niên đại sớm hay muộn hơn, cũng như ở những văn hóa
cùng thời khác trên nước ta, chưa hề phát hiện được.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire