VÀO VÙNG BẮN GIẾT
Những đơn vị chính quy Bắc Việt và VC đã ung dung trên đất Lào và Miên,
tránh được những cuộc hành quân càn quét của QL/VNCH và Đồng Minh. Tuy
nhiên có một đơn vị đặc biệt vẫn bí mật xâm nhập qua Lào và Miên, dò
thám, tìm kiếm dấu vết của địch. Quân đội Bắc Việt, VC đã thiết lập
những căn cứ tiếp vận, hậu cần, bệnh viện, huấn luyện, và trạm dưỡng
quân trên đất Lào và Miên.
Đến năm 1970, ông Hoàng Sihanouk bị lật đổ, và nước Cambodia có vị thủ
tướng mới. Tình hình chính trị Cambodia thay đổi, quân lực VNCH và Hoa
Kỳ thảo kế hoạch đưa quân vào đất Miên. Trong khi đó, đơn vị MACV-SOG ra
lệnh cho cả ba bộ chỉ huy Bắc, Trung, Nam (CCN, CCC, CCS) đưa những
toán biệt kích xâm nhập vào đất Miên cũng như khu vực phía nam nước Lào
để dò thám, lấy tin tức cho bộ tư lệnh QL/VNCH và Đồng Minh soạn kế
hoạch tấn công.
Nhiều toán biệt kích SOG được đưa vào dò thám khu vực trong tỉnh
Ratanakiri, nơi phiá bắc Cambodia, giáp ranh với miền nam nước Lào. Vì
tình nghi quân đội Bắc Việt tập trung trong khu vực này. Ratanakiri là
vùng rừng núi, cây rối rất rậm rập, che chở các hoạt động của địch trên
mặt đất mà phi cơ thám thính không thể khám phá ra được.
Thả biệt kích xâm nhập cũng là một vấn đề cho các phi công trực thăng.
Vì rừng núi quá rập rạp, tìm một bãi đáp trực thăng khó khăn. Thường các
toán biệt kích phải leo xuống bằng thang dây qua qua những “lỗ hổng”
giữa một vùng “biển xanh” của lá cây. Hoặc trực thăng phải đáp trong
thung lũng chật hẹp, rất dễ bị phục kích.
Ba ngày sau khi Lon Nol lên cầm quyền, một hợp đoàn trực thăng “Bikini”
(danh hiệu của phi đoàn 170 trực thăng làm việc cho đơn vị SOG) dưới
quyền phi công trưởng, chuẩn úy James Lake đưa toán biệt kích
Pennsylvania xâm nhập tỉnh Ratanakiri. Toán biệt kích có nhiệm vụ dò
thám sự chuyển quân của quân đội Bắc Việt vào tỉnh Ratanakiri, để kiểm
soát khu vực này sau khi Thái Tử Sihanouk bị lật đổ. Toán biệt kích
Pennsylvania dưới quyền chỉ huy của trung úy Jerry Pool, toán phó trung
sĩ nhất John Boronski, trung sĩ Gary Harned (hiệu thính viên), và năm
biệt kích quân người Thượng.
Trong vòng một tiếng đồng hồ xâm nhập, toán biệt kích bị đơn vị “truy
lùng biệt kích”, truy kích để tiêu diệt. Toán biệt kích Pennsylvania
chạy về hướng tây nam nơi họ xâm nhập, băng qua những
khu rừng rậm rạp, núi dốc cao, đến độ gần như kiệt sức. Mỗi khi toán
biệt kích ngừng lại để nghỉ mệt, địch quân đuổi theo bén gót, và toán
biệt kích phải chạy sâu vào khu vực núi non để tránh phải chạm súng với
địch quân.
Đêm đầu tiên, họ được nghỉ ngơi lấy lại sức, vì trời tối địch quân
không dám đuổi theo, sợ rơi vào ổ phục kích. Nhưng trời vừa rạng sáng,
đơn vị “truy lùng biệt kích” bắt kịp và toán biệt kích phải tiếp tục
chạy tìm đường thoát. Qua đêm thứ hai, lính Bắc Việt càng gần toán biệt
kích hơn, dường như toán biệt kích không thể đánh lạc hướng địch quân
được. Qua ngày thứ ba, địch quân đem chó săn theo đi lùng toán biệt
kích.
Gần như kiệt sức, tuyệt vọng, Pool báo cáo về bộ chỉ huy Hành Quân
Prairie Fire yêu cầu triệt xuất. Toán biệt kích Pennsylvania phải bỏ dở
nhiệm vụ dò thám, nếu không sẽ bị giết hoặc bắt sống. Vả lại cả toán đã
kiệt sức mà vẫn không thoát được sự truy kích của địch. Báo cáo, yêu cầu
triệt xuất xong, toán biệt kích phải tiếp tục chạy leo lên một ngọn núi
kế tiếp.
Sáng ngày 24 tháng Ba năm 1970, phi hành đoàn bốn chiếc “slick”, phi
đoàn 170, cùng với phi hành đoàn bốn trực thăng võ trang AH-1G Cobras hộ
tống, vào trung tâm hành quân để được nghe thuyết trình về tình trạng
toán biẹt kích Pennsylvania. “Red Lead”, danh hiệu chiếc “slick” dẫn đầu
do chuẩn úy James E. Lake ngồi ghế phi công chính, phi công phụ là
Johnny Kemper. Lake đã ở Việt Nam được mười một tháng, thâm niên nhất
trong đám. Kemper cũng đã phục vụ lâu nhưng trong phi đoàn trực thăng võ
trang “Buccaneer”.
Đại úy Michael Davis O’Donnell, bay chiếc “slick” thứ ba “Red Three”.
Mặc dầu cấp bậc cao hơn nhưng ít kinh nghiệm hơn Lake, nên bay bên cánh
của hợp đoàn trực thăng. Trong đơn vị SOG, kinh nghiệm có nghiã là sự
sống chết của phi hành đoàn trực thăng và của toán biệt kích. Theo sự
đồng ý của mọi người, người có kinh nghiệm nhiều nhất sẽ chỉ huy, không
màng tới cấp bậc. Người phi công phụ, bay với O’Donnell là chuẩn úy John
C. “Hippie” Hoskin. Chiếc trực thăng mang số 68-15262, của đại úy
O’Donnell còn có hạ sĩ Rudy Becerra cơ khí và xạ thủ đại liên, hạ sĩ
Berman Ganoe. Cả hai đều có nhiều kinh nghiệm “vượt biên”.
Đơn vị SOG lúc nào cũng có nhiều toán biệt kích hoạt động trên đất Lào
và Miên, nhưng buổi thuyết trình ban sáng, tập trung vào tình trạng nguy
ngập của toán biệt kích Pennsylvania và cần được triệt xuất khẩn cấp.
Toán biệt kích đã báo hiệu “Prairie Fire” (Cánh đồng lửa, bốc cháy) để
yêu cầu triệt xuất. Khi nào toán biệt kích đã tìm ra bãi đáp, mấy chiếc
“slick” sẽ bay vào bốc toán biệt kích ra. Sau khi nghe thuyết trình
xong, hợp đoàn trực thăng “Bikini” được bốn chiếc “Panther”, trực thăng
võ trang Cobras thuộc phi đoàn 361 (cũng làm việc cho đơn vị SOG) hộ
tống bay lên căn cứ hành quân tiền phương Dak To đợi tín hiệu cấp cứu
của toán Pennsylvania.
Bay bao vùng cho toán biệt kích Pennsylvania có phi cơ thám thính
“Covey” FAC do đại úy Không Quân Melvin Irvin lái, có thượng sĩ Charles
Septer ngồi ghế sau. Thượng sĩ Septer cũng thuộc đơn vị SOG, liên lạc
thường xuyên với trung úy Pool, trưởng toán và trung sĩ Boronski hiệu
thính viên. Trung úy Pool cho biết, toán biệt kích phải chạy từ sáng đến
giờ và địch quân đuổi theo bén gót. Thượng sĩ Septer biết phải cứu toán
biệt kích, gọi một phi tuần khu trục A1 Skyraider lên thả bom, bắn hỏa
tiễn chặn toán quân truy kích Bắc Việt lại.
Hai chiếc khu trục nhào xuống thả bom Napalm làm toán quân Bắc Việt
chậm lại, tạo một khoảng cách cho toán biệt kích. Nhưng sau đó, lửa cháy
lan rộng ra cánh rừng, làn khói ngăn cản sự oanh kích và gây khó khăn
cho phi cơ quan sát. Rồi trung úy Pool báo cáo, toán biệt kích bị lửa
bao quanh và quân Bắc Việt cũng gần đó.
Trong thời gian hai chiếc Skyraider oanh kích, Septer lo chuyện “bốc”
toán biệt kích. Ông ta gọi cho Pool, bảo họ di chuyển đến một bãi đáp
gần nhất nơi hướng tây nam vị trí hiện tại của toán biệt kích, gần cuối
thung lũng hẹp với dốc đá dựng đứng, cheo leo. Trung úy Pool đáp nhận,
nhưng yêu cầu tiếp tục oanh kích để cầm chân địch quân và hy vọng toán
biệt kích Pennsylvania sẽ đến được bãi đáp khoảng 11:30 phút. Tiếp theo,
thượng sĩ Septer gọi về Dak To, yêu cầu hợp đoàn lên gấp và mấy chiếc
Cobra “Panther” sẽ vào bắn hỏa tiễn xung quanh bãi đáp.
Từ căn cứ hành quân Dak To, bốn chiếc “Panther” cất cánh, hai chiếc
“slick” do Lake dẫn đường và O’Donnell bay theo. Khoảng 20 phút sau, hợp
đoàn trực thăng đến vị trí toán biệt kích đang bị bao vây. Hai chiếc
Skyraider vẫn còn bay trên cao, phi cơ quan sát “Covey” cho mấy chiếc
Cobra biết vị trí của toán biệt kích và tọa độ lính Bắc Việt. Lập tức,
chiếc Cobra dẫn đầu nhào xuống bắn hỏa tiễn, đại liên minigun sáu nòng
xuống xung quanh vị trí toán biệt kích. mấy chiếc Cobra còn lại và hai
chiếc “slick” đợi cho toán Pennsylvamia di chuyển ra bãi đáp.
Chiếc Cobra dẫn đầu bắn hết hỏa tiễn và đạn đại liên nhanh chóng nên
phải bay về Dak To lấy thêm đạn dược, trang bị lại. Tình hình trên mặt
đất trở nên bết, trung úy Pool báo cáo đã phải nổ súng chiến đấu vì địch
quân bám theo rất sát. Trong tình thế hiện tại, và vị trí của toán biệt
kích, anh ta sẽ cho toán biệt kích “tuột dốc” xuống thung lũng rồi di
chuyển đến bãi đáp sau (không thể đi thẳng ra bãi đáp trực thăng).
Trên bầu trời, phi tuần trưởng Lake cho biết, anh ta chỉ còn hơn một
tiếng đồng hồ nhiên liệu, ra lệnh cho O’Donnel tiếp tục bao vùng, còn
anh ta bay về Dakto lấy thêm nhiên liệu và dắt hai chiếc “slick” còn ở
Dak To bay lên tiếp cứu.
Chiếc Cobra về đến Dak To, Lake và Kemper cho phi hành đoàn hai chiếc
“slick” biết tình trạng nguy ngập của toán biệt kích Pennsylvania, và họ
phải lên vùng gấp để đến phiên O’Donnell cùng mấy chiếc Cobra về lấy
thêm nhiên liệu.
Khoảng 45 phút sau ba chiếc “slick” cất cánh. Trên một chiếc “slick” có
chuẩn úy William H. Stepp, phi công phụ là chuẩn úy Alan Hoffman. Cả
hai đều “mới” trong đơn vị SOG, Hoffman mới qua Việt Nam. Trên đường đến
mục tiêu, họ nghe tình hình toán biệt kích Pennsylvania, qua những lời
đối thoại giữa chiếc “Covey” và trung úy Pool. Tình trạng toán biệt kích
càng lúc càng nguy kịch.
Trong thời gian Lake bay về Dak To, lính Bắc Việt tiến sát lại gần toán
biệt kích. Toán biệt kích Pennsylvania vừa chống trả vừa chạy băng qua
khu rừng rậm rạp về hướng bãi đáp. Mấy chiếc “slick” còn mười phút nữa
mới đến nơi. Toán biệt kích đã chạy đến bờ thung lũng và bắt đầu “đổ
dốc”. Không may cho Pool, bị ngã xái chân nơi mắt cá, anh ta báo cáo lên
chiếc “Covey”, địch quân đã đuổi kịp, và anh ta không thể chạy được
nữa. Gần như tuyệt vọng, Pool hỏi Septer, chiếc “slick” đâu rồi, và được
trả lời “đang trên đường tới”.
Pool nhìn lên trông thấy chiếc “slick” do O’Donnell lái đang bay vòng
trên bãi đáp. Pool nói “Tôi không thể đi được nữa. Anh không dám vào
‘bốc’ tôi, anh là ‘con gà chết’ Ngay bây giờ không còn thì giờ nữa”.
Phi đoàn “Bikini” 170 có một truyền thống rất đáng hãnh diện “Anh đưa
họ (biệt kích SOG) vào. Anh bốc họ ra”. Không do dự, đại úy O’Donnell
báo cho chiếc “Covey”, anh ta bay vào một mình để cứu toán biệt kích.
Lake nghe được trên hệ thống truyền tin ngăn lại, nói ráng chờ ít phút
nữa, anh ta sắp tới. O’Donnell trả lời, toán biệt kích Pennsylvania
không còn phút nào nữa.
Nói xong O’Donnel bay vào thung lũng, hạ thấp xuống, đợi toán biệt kích
chạy lại chiếc trực thăng. Từng phút một trôi qua dài như thế kỷ, Lake
đã đến mục tiêu đang bay vòng vòng trên đầu. Rồi chiếc trực thăng từ
dưới thung lũng bốc lên cao khoảng 200 bộ, O’Donnell báo cáo “Tôi đã
‘bốc’ được cả toán biệt kích tám người. Đang trên đường ra khỏi thung
lũng”. Trên không, Lake, Kemper và các phi công Cobra đều mừng rỡ. Bỗng
dưng, không có dấu hiệu báo trước, chiếc trực thăng của O’Donnell nổ
tung giữa trời, bốc cháy, với tốc độ bay vẫn còn, chiếc trực thăng rơi
xuống cánh rừng cách khoảng 300 thước.
Mọi người chứng kiến đều sửng sốt trong giây lất, đại úy Michael
Jimison “Panther 21” người lái chiếc Cobra bay theo O’Donnell vào thung
lũng lên tiếng, để ông ta bay vào quan sát cho rõ. Hai chiếc Cobra bay
vòng ra đầu thung lũng, hạ thấp cao độ rồi bay thật nhanh vào chỗ chiếc
“slick” bị rơi. Chợt tiếng đạn nổ vang dội cả khu vực thung lũng, chớp
lên những tia sáng từ loa che lửa, đạn lửa bay qua lại. Jimison báo cáo
không thấy gì dưới sàn thung lũng, và hỏa lực phòng không của địch rất
mạnh.
Rồi một tiếng nổ lớn phát ra từ chiếc trực thăng bị rơi, tiếp theo là
cuộn khói đen bốc lên, rồi lửa cháy lan ra xung quanh. Lake muốn bay vào
quan sát thêm lần nữa, ra lệnh cho hai chiếc “slick” vẫn giữ cao độ.
Lake bay vào cuộn khói đen, chiếc trực thăng của O’Donnell bị rơi nơi
cuối thung lũng, hai bên là vách đứng. Cũng như mấy chiếc Cobra, Lake
trông thấy đạn nổ xung quanh chiếc trực thăng. Lính bộ binh Bắc Việt bố
trí dọc theo hai bên vách núi, chỉ cần tiểu liên AK-47 có thể bắn rơi
phi cơ bay vào khu vực thung lũng, giữa hai vách núi.
Chiếc trực thăng lâm nạn đã nổ tung, bốc cháy dưới lòng thung lũng,
dưới những tàn cây rậm rạp, che khuất, không thể đáp trực thăng, và rất
nguy hiểm, khi bay vào thung lũng. Nhận định qua tình hình, biết cũng
chẳng làm được gì hơn, ra lệnh cho hợp đoàn trực thăng quay trở về căn
cứ hành quân tiền phương Dak To.
Đại úy O’Donnell, Hoskins, Becerra, Ganoe, và tất cả biệt kích quân
trong toán Pennsylvania được liệt kê “mất tích” (MIA). Hồ sơ trong quân
đội Hoa Kỳ, không thấy có một toán biệt kích nào khác được đưa trở vào
khu vực. Họ sẽ ngủ yên một thời gian lâu dài.
Ngày 16 tháng Mười Một năm 1993, một toán “Tìm Kiếm, Thâu Hồi” (JFA
94-2C) xác quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong vùng Đông Nam Á, đến khu vực
chiếc trực thăng của đại úy O’Donnell bị rơi. Toán tìm kiếm được trực
thăng đưa đến một ngọn đồi nhỏ cách thung lũng khoảng 500 thước, bắt đầu
lội bộ đi vào vị trí chiếc trực thăng. Khu vực rừng núi trên đất Miên
vẫn rậm rạp như muôn thuở, mỗi cây số đường núi rừng, đoàn người đi tìm
mất hai tiếng rưỡi đồng hồ. Toán người đi tìm lục soát xung quanh khu
vực nhưng tìm không ra xác trực thăng.
Qua ngày 18 tháng Giêng năm 1994, toán đi tìm phỏng vấn Lê Thanh Minh ở
Kontum. Ông Minh cho biết, trong tháng Tư năm 1993, khi đi tìm nhôm,
ông ta tìm thấy một xác trực thăng bị rơi ở bên Miên. Ông ta tìm thấy
xương người, ba tấm thẻ bài, hộp cứu thương (First Aid), và một ba lô.
Ông ta cũng nghe nói, có người bên Lào tìm được đồng hồ, nhẫn và một
khẩu súng CAR-15 (trang bị cho biệt kích). Ông ta nói thêm khu vực trực
thăng bị rơi trải rộng khoảng 100 thước, đuôi trực thăng gẫy lìa, có sơn
số “262”. Ông Minh trao lại cho toán người đi tìm hai thẻ bài của
Ganoe, và một của Hoskin, và mười lăm mẩu xương.
Đến tháng Giêng năm 1998, đoàn người đi tìm, quay trở lại khu vực chiếc
trực thăng bị rơi và họ thành công. Phần “còn lại” của tất cả mọi quân
nhân phi hành đoàn trực thăng và toán biệt kích Pennsylvania được thâu
hồi, cùng với vũ khí, thẻ bài, vật dụng cá nhân. Sau 29 năm ngủ yên
trong vùng rừng núi trên đất Miên, những quân nhân can đảm thuộc phi
đoàn trực thăng 170, cùng với toán biệt kích Pennsylvania đã trở về
trong danh dự.
Theo tài liệu:
Dallas, TX.
vđh
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire