caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 25 septembre 2022

Chương trình đọc và nghe đọc truyện Chị Em Thù Hận của tác giả Janet Dailey.

Kính gửi quý anh chị một quyển sách tâm lý xã hội.

Đa số chúng ta thường hay đòi hỏi sự yêu thương tuyệt đối của một người nào đó và không bao giờ chịu chia sẻ tình cảmyêu thương đó với ai khác, dù chính bản thân chúng ta cũng có trăm ngả rẻ.

Hy vọng truyện  này có thể đem lại cho quý anh chị niềm vui sống với cái đủ trong tâm.

Cám ơn quý anh chị đã lưu bài trên net và Youtube.

Caroline Thanh Hương

  • Chị Em Thù Hận

    Tác giả:

    Trạng thái:

    Full
    1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
    Đánh giá: 6.3/10 từ 7 lượt
    Hai thiếu nữ xinh đẹp, giống hệt nhau như hai gọt nước đã bất ngờ gặp nhau bên mộ huyệt của người cha. Abbie Lawson, con của người vợ chính được nuôi dưỡng trong nhung lụa, xa hoa và Rachel Farr, con bà ngoại hôn - đứa con của tình yêu giữa Dear Lawson và Carline - một nữ họa sĩ bốc lửa, đã có một cuộc sống thanh bạch và cô đơn. Cái chết của người cha đã làm bùng nổ cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai chị em, mà sự được thua không gì hơn là tất cả những huy hoàng của miền Jexas: Các vùng giếng dầu, các trang trại nuôi ngựa giống Ả Rập và những người đàn ông đặc biệt khác thường đã yêu hai người phụ nữ này, lẽ ra phải là những người bạn tốt nhất.

    Thay vì vậy, họ lại kẹt vào một cuộc tranh chấp dai dẳng để chứng minh xem ai là kẻ được cha yêu thương nhiều nhất và là người được thừa hưởng di sản của cha.

    Sự phức tạp của mối liên hệ giữa hai chị em cùng cha khác mẹ đã mê hoặc người đọc... Tác giả đã xây dựng một cốt truyện có mục tiêu và đầy kịch tính... Độc giả sẽ thích thú cùng với tác giả đi đến hồi kết thúc.

    Cuốn tiểu thuyết Chị Em Thù Hận đã được tờ New York Times liệt vào bảng kê các tiểu thuyết bán chạy nhất trong 4 tháng liền năm 1988 tại Hoa Kỳ.

    Danh sách chương

  • Chương 25

Chương trình đọc và nghe đọc truyện hay Ma Nữ Của Laplace của tác giả Higashino Keigo.

Kính gửi quý anh chị một bộ truỵên của tác giả Higashino Keigo.

Quý anh chị nào mắt kém thì có thể nghe đọc sẽ dễ dàng hơn.

Cám ơn quý anh chị đã post bài và đọc bài trên Youtube.

Caroline Thanh Hương

  tt

Mời đọc một  lời bình luận về quyển sách này.

Reviewer: Điền Yên

Tôi khá phân vân trước khi đọc Ma nữ của Laplace vì cái đoạn giới thiệu ở bìa 4 sách. Cái gì mà cô gái biến mất, vòi rồng rồi thì tương lai nhân loại. Tôi đã tưởng tượng bối cảnh người ngoài hành tinh xâm chiếm trái đất không thì cũng là AI gì gì đó. Lẽ nào Keigo đã bay sang cả thể loại viễn tưởng? Đắn đo một hồi rồi tôi cũng quyết định đọc Ma nữ trước Trứng chim vì dàn trang nó đẹp hơn.

Vẫn như đa số tác phẩm khác, mở đầu truyện là màn giới thiệu một loạt nhân vật và một loạt câu chuyện tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau: một đạo diễn nổi tiếng đi nghỉ suối nước nóng cùng cô vợ trẻ đẹp bị chết vì nhiễm độc H2S, mặc dù cái chết hoàn toàn là do hiện tượng tự nhiên nhưng vẫn có quá nhiều điểm kỳ lạ nên theo thông lệ là sẽ có người nghi ngờ và kiên trì điều tra; một diễn viên vô danh cũng chết theo cách thức tương tự; một cô bé có mẹ bị chết vì vòi rồng; một cảnh vệ phải về vườn vì tăng axit uric máu bất ngờ nhận lời mời làm vệ sĩ cho một thiếu nữ… Các câu chuyện rời rạc dần được chắp nối vào nhau thành một bức tranh toàn cảnh thông qua điều tra của cảnh sát Nakaoka và giáo sư Aoe.

Rất nhiều người nói “nếu biết trước thế này thì tôi đã…” nhưng dự đoán được tương lai có phải điều may mắn không? “Con người mang trong mình ước mơ vì chưa biết tương lai sẽ ra sao”. Nếu không có ước mơ, chúng ta sống như chỉ chờ để chết. Thế nên nếu cho lựa chọn biết trước tương lai hoặc không, tôi sẽ chọn vế sau. Dù sao, hiện tại cũng là một món quà và vị lai là một điều bí mật.

Quay trở lại với Ma nữ của Laplace. Cội nguồn của tội ác trong tác phẩm đề cập tới một vấn đề gây tranh cãi: tội phạm có phải là bẩm sinh hay không, đặc biệt là những kẻ thái nhân cách. Có những giả thuyết cho rằng có những kẻ sinh ra đã có gen phạm tội, cấu tạo não của họ không có sự xót thương, đồng cảm nên giết chóc và hành hạ người khác với họ chẳng khác gì những việc làm bình thường như nấu ăn, xem phim. Sinh ra đã như vậy không phải lỗi của họ, vậy nếu họ phạm tội thì có bị trừng phạt không? Nếu phạm tội do bẩm sinh khuyết tật về não cũng trừng phạt thì những người đồng tính có bị trừng phạt vì “tội đồng tính” hay không, khi mà WHO đã coi đồng tính không phải bệnh mà là tự nhiên? Câu trả lời, dĩ nhiên không được tác giả đưa ra. Keigo luôn vô cùng khôn khéo trong việc đưa vấn đề cho độc giả còn mình chẳng bày tỏ gì. Kẻ thủ ác trong truyện người thì bị trừng phạt, người thì bỏ đi, một số người liên đới dù làm việc ác cũng vẫn sống nhơn nhơn. Cuộc sống luôn không công bằng và truyện của Keigo không cố gắng thay đổi điều ấy. Hầu hết bi kịch của loài người xuất phát từ lòng tham lam, sự ích kỷ, thói đố kị.
Bài học rút ra từ truyện này là nếu bạn muốn giết người mà không để lại bất kỳ dấu vết nào thì cách tốt nhất là lợi dụng thiên tai để người đó chết vì thiên tai, để làm được việc này thì hoặc bạn hên hoặc bạn có một trí tuệ siêu phàm, có thể căn cứ vào các dữ liệu trong quá khứ mà dự đoán tương lai.

Truyện rất cuốn hút, tình tiết lồng ghép luôn là thế mạnh vô địch của Keigo. Nhưng trong Ma nữ của Laplacd, tôi vẫn thấy thiêu thiếu điều gì đó khiến tôi không thể chấm cuốn này xuất sắc.

Chấm điểm: 8-/10

 

Ma Nữ Của Laplace

Ma Nữ Của Laplace

Tác giả:

Thể loại:

Linh Dị, Trinh Thám, Khác

Nguồn:

sưu tầm

Trạng thái:

Full
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Đánh giá: 9.2/10 từ 6 lượt
Tác giả: Higashino Keigo
Vương Hải Yến dịch

Giới thiệu:

Những hiện tượng dị thường xuất hiện quanh Madoka, một cô gái trẻ. Sau thời gian làm vệ sĩ cho cô, Takeo, một cựu cảnh sát, đã nhận thấy điều đó. Trong khi những nghi vấn của anh chưa có lời đáp, Madoka đột nhiên biến mất...

Cùng lúc đó, những vụ tử vong vì khí hydro sulfua xảy đến tại hai khu du lịch suối nóng cách xa nhau. Đến hiện trường điều tra, giáo sư chuyên ngành địa hóa học Aoe chạm trán một cô gái trẻ bí ẩn. Lần theo tung tích của cô, Aoe bắt gặp một thảm kịch kinh hoàng từ quá khứ, và sự tồn tại của một dự án tối mật có liên quan tới tương lai nhân loại...

"Một cuốn sách đáng kinh ngạc phá vỡ giá trị quan của tôi từ trước đến nay." - Horikita Maki, - nữ diễn viên chính phim Bạch Dạ Hành

Danh sách chương

 

Bước Chân Vô Định, thơ Trần Văn Lương và nghe nhạc việt Người Đi Ngoài Phố.

Kính gửi quý anh chị một bài thơ khác của anh Trần Văn Lương, Bước Chân Vô Định.

Hằng ngày chúng ta 

tt

Hằng ngày, trong dần dà hơn mấy chục năm nơi xứ người, có thể người quên nhiều hơn kẻ nhớ, tuỳ lứa tuổi mà chúng ta chấp nhận sống xa quê.

Đất mẹ, có khi không còn dịp để quay về, không phải vì không có cơ hội, nhưng tâm tưởng chúng ta có thể cho phép sự đổi thay của một chế độ không thích hạp với cuộc đời trước mà ta đã sinh ra và lớn lên.

Mang tâm sự nặng nề và lòng anh luôn tự hỏi ngày nào ta sẽ có một lối về.

Cám ơn anh Lương và kính chúc anh Lương và quý anh chị một ngày chủ nhật yên vui.

Caroline Thanh Hương

Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần.

  

Dạo:

    Quê người, bóng tối chìm sâu,

Bước chân vô định về đâu đêm này.

 

Cóc cuối tuần:

 

         Bước Chân Vô Định

 

     Lại khăn gói tìm thăm xứ lạ,

     Ham vui đành vất vả trôi lăn,

          Lạ nhà, lạ chiếu, lạ chăn,

Lạ phong cảnh, lạ miếng ăn, câu chào.

 

     Xưa gặp cảnh lao đao mất nước,

     May Trời cho đến được đất lành.

          Về già hai bữa cơm canh,

Bỗng dưng sinh tật, du hành tứ tung.

 

     Dân xứ lạ vô cùng tử tế,

     Vẫn không sao thay thế được người

          Cùng quê, cùng chốn chào đời,

Cùng chung gánh chịu một thời thương đau.

 

     Chiều hấp tấp chìm sau ngõ vắng,

     Thoáng ngần ngừ, vạt nắng trườn theo.

          Gió cùng lá úa trả treo,

Mặc bầy chim nhỏ nhì nhèo trên cây.

 

     Trong giây phút cuối ngày, có kẻ

     Thu mình ngồi lặng lẽ nghỉ ngơi.

          Sáng chiều bận bịu rong chơi,

Ơ hờ chẳng nghĩ đến thời xa xưa.

 

     Dù quá khứ sớm trưa nhắc nhở,

     Tuổi xa trời, ít nhớ nhiều quên.

          Bạn bè cũ được mấy tên,

Dần dà mất hết, bắt đền ai đây.

 

     Chân đói ngủ vẫn ngầy ngật bước,

     Ngỡ còn trên đất nước mình xưa,

          Mơ hồ nghe tiếng võng đưa,

Tưởng chừng thấy bóng cội dừa xa xa.

 

     Văng vẳng tiếng đàn ca vọng lại,

     Thoáng nghe lòng tê tái say mê,

          Nhưng ngay đó bỗng ê chề,

Tiếng ca nào phải tiếng quê hương mình!

 

     Hụt hẫng dứng lặng thinh buồn tủi,

     Rồi ngập ngừng lủi thủi bước đi.

          Côn trùng quanh gót tỉ ti,

Trên vai gió rối thầm thì thở than.

 

     Nỗi phiền muộn miên man thúc hối,

     Chân lơ ngơ rẽ lối không người.

          Dường nghe có tiếng à ơi,

Ngẩng nhìn chỉ thấy đầy trời sao giăng.

 

     Ngôi sao đó phải chăng là mẹ,

     Ngôi sao kìa có lẽ là cha,

          Chẳng nề đất lạ đường xa,

Thương con nên cố bôn ba đi tìm?

 

     Dòng máu nóng về tim vẫn chảy,

     Khối buồn này biết thảy về đâu.

          Trăng đeo đẳng mãi trên đầu,

Bước chân vô định lấm sầu thâu đêm.

                   Trần Văn Lương

                     Chile, 9/2022

 

Lê Xuân Nhuận và bài viết về NGƯỜI BẠN ĐỒNG-MINH & TÒA TỔNG-LÃNH-SỰ HOA-KÌ VÙNG I.

Kính gửi quý anh chị bài viết của tác giả Lê Xuân Nhuận và mời xem một phóng sự về chiến tranh Việt Nam.

Youtube này hạn chế một số khán thính giả nhạy cảm vì hình ảnh rất thương tâm, nên khi nhấn vào nút chạy, chúng ta cần đồng ý để xem phóng sự.

Chiến tranh Việt Nam là một đề tài với nhiều qun điểm khác nhau về sự ghi nhận của nó dưới ngòi bút của phe ta hay phe địch mà sự thật ngày hôm nay khó ai chối cãi được là ai thắng ai.

Cám ơn anh Lê Xuân Nhuận đã gửi đến chúng ta bài viết lịch sử mà anh là người đã từng tham gia vào thời chiến.

Đồng Minh, Otan hay Nato là gì, mời quý anh chị xem thêm ở phần cuối một Youtube với hình ảnh thay lời nói để hiểu thêm sức mạnh của nó,

Có lẽ trong chiến tranh mở màn ở Ukraine với Nga, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng về vai trò của Đồng Minh.

Caroline Thanh Hương 


 

 

  tt

NGƯỜI BẠN ĐỒNG-MINH &

TÒA TỔNG-LÃNH-SỰ HOA-KÌ VÙNG I

 

 

        TRONG suốt thời-gian từ Hiệp-Ðịnh Geneva 1954 đến Hiệp-Ðịnh Paris 1973, nhất là từ 1962 đến 1975, đã có khoảng vài chục người  làm (Sĩ-Quan Liên-Lạc, Cố-Vấn, Phối-Trí-Viên, rồi) Người Bạn Đồng-Minh cho tôi:  đa-số họ là viên-chức cơ-quan Tình-Báo Trung-Ương Hoa-Kì (CIA). 

        Mỗi người đều có những đặc-điểm nào đó, phần lớn là tốt, về mặt công-tác chung, hoặc về mặt quan-hệ hợp-tác giữa hai bên.


        Tôi biết rằng đa-số viên-chức tình-báo  đều mang tên giả; nhưng, người nào đã có một vai trò, một chỗ đứng, thì đều cần có một cái tên, để phân-biệt kẻ khác với mình.

        Tuy nhiên, người đã đẩy tôi vào một cuộc chiến-đấu gay-gắt, cùng một lúc với cả ba kẻ thù theo nguyên-tắc tình-báo ─ đối-phương, công-chúng, và đồng-nghiệp ─ lại là một trong các Người Bạn Ðồng-Minh hậu-chiến của tôi, trong một năm rưỡi tôi được Trung-Ương đưa trở về Miền Trung, cũng là giai-đoạn lịch-sử cuối-cùng của Việt-Nam Cộng-Hòa.  Dù sao, anh bạn này cũng đã ghi lại một dấu ấn sâu-đậm trong trí nhớ của tôi.

        Người đó là Đại-Tá Kenneth D. Ferguson.

*

        Món quà đầu tiên mà Ferguson tặng tôi là việc anh bí-mật điều-tra về liên-hệ gia-đình của tôi. (Xem bài “Thiếu-Tướng Nguyễn Khắc Bình”)

        Sau đó, anh cởi-mở và tận-tụy với tôi hơn bao giờ.  

        Nhưng cũng từ đó tôi phải khổ nhọc với công-vụ hơn bao giờ, vì phải đương-đầu nhiều hơn với cả khách ngoài ngành cũng như bạn trong nghề, trong lúc còn phải đối-phó với quân thù cả đằng trước mặt lẫn đằng sau lưng.

*

        Sau khi đã trắc-nghiệm cả về mặt liên-hệ gia-đình với cộng-sản lẫn về mặt công-tác tình-báo chuyên-môn, cũng như chính tôi tự chứng-tỏ kiến-thức, năng-lực, kinh-nghiệm và sáng-kiến của mình, đóng-góp hữu-hiệu trong công-cuộc chống-Cộng và Bình-Định & Phát-Triển chung, tôi thấy  Người Bạn Đồng-Minh và cả Tòa Tổng-Lãnh-Sự Hoa-Kì tại Vùng I đã hoàn-toàn tin-tưởng và triệt-để yểm-trợ tôi. 

 

       Ngoài những điểm tôi phản-đối họ (Xem bài “Tòa Tổng-Lãnh-Sự Mĩ”), tôi còn giúp họ một tay trong việc giản-tiện-hóa hoạt-động và cả bảo-vệ uy-tín cho chính họ nữa.

       

*

CHƯƠNG-TRÌNH ÁO XANH

 

        Từ năm 1974 qua đến tháng 3-1975, giai-đoạn cuối-cùng của Việt-Nam Cộng-Hòa, có nhiều tổ-chức tư-nhân Hoa-Kì, tôn-giáo và xã-hội, đã đến Miền Trung, đặc-biệt là Đà-Nẵng, trực-tiếp giúp-đỡ người dân địa-phương, từ các Tỉnh khác trốn chạy cộng-sản di-tản đến.  Nổi bật trong các nỗ-lực ấy là Chương-Trình “Áo Xanh”, tuyển-dụng người thất-nghiệp đi hốt rác, vét mương, sơn tường, trồng cây, v.v... tức là tạo ra việc làm, dù không cấp-thiết, để trả lương cho họ sống; cũng như phân-phát miễn-phí áo-quần, dụng-cụ, thuốc-men và thực-phẩm định-kỳ cho các gia-đình túng nghèo.

        Đương-nhiên  phải nhờ đến trung-gian là người Việt-Nam, nên sinh ra lạm-dụng, gian-lận, bè-phái, bất-công, bất-bình. 

 

        Có lần một nhóm cực-đoan đã tổ-chức một cuộc xuống-đường lớn, đông nghẹt trước cổng Tòa Tổng-Lãnh-Sự Hoa-Kì, vừa công-kích gắt-gao vừa đưa yêu-sách này kia. 

        Nhờ tôi biết trước nên một mặt chỉ-thị cho Đặc-Cảnh Đà-Nẵng thu-thập bằng-chứng chứng-tỏ là bọn phá-rối mượn cớ để sách-động đám đông ─ cũng như cả chục Liên-Minh, Mặt Trận, Lực-Lượng, Phong-Trào, Tổ-Chức, Tập-Hợp, Đảng, Phái, Hội, Đoàn, v.v... họp+hành liên-miên ─ chứ các nhân-vật từ-tâm cũng như đại-diện của Tòa TLS  thì chỉ có thiện-chí và vô-tư mà thôi; mặt khác tôi báo cho họ biết trước, nên khi Tòa TLS bị biểu-tình bao vây, phóng-viên các Hãng/Đài truyền-thông  phỏng-vấn, phát-ngôn-viên của Tòa đã trả lời trôi-chảy, không bị Cấp Trên hay độc/khán/thính-giả Radio/TV chê trách điều gì.

 

MANG VŨ-KHÍ VÀ LƯU-THÔNG BAN ÐÊM

 

        Tôi đã cấp “Giấy Giới-Thiệu” cho một số nhân-viên của Người Bạn Đồng-Minh, xem như phái-viên của Đặc-Cảnh, để họ đi tiếp-xúc với các đối-tượng của họ dễ-dàng hơn.

        Tôi đã xin Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng I cấp “Giấy Phép Mang Vũ-Khí” cho một số cộng-tác-viên của họ, để tự-vệ khi đi hoạt-động ở vùng nông-thôn.

        Tôi cũng đã liều-lĩnh xin Đại-Tá Lộc kí các “Giấy Phép Lưu-Thông Ban Đêm” cho một số xe-hơi của họ ─ mặc dù theo nguyên-tắc thì chỉ có Sĩ-Quan Quân-Trấn-Trưởng được Tư-Lệnh Quân-Khu ủy-nhiệm mới có quyền đó trong thời-gian thiết quân-luật hoặc trong giờ giới-nghiêm ban đêm.

        V.v...

 

XÂM-NHẬP VÀO NỘI-BỘ CỘNG-SẢN BA-LAN VÀ HUNG-GIA-LỢI

 

        Đáp lại, Người Bạn Đồng-Minh cũng đã dành nhiều ưu-tiên cho tôi trong các hoạt-động hằng ngày.

        Quan-trọng hơn hết là các công-tác của tôi, móc-nối, tuyển-mộ thành-viên cộng-sản Ba-Lan và Hung-Gia-Lợi trong Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát & Giám-Sát Ngưng Bắn (ICCS) làm nội-tuyến cho ta ─ không thuộc nhiệm-vụ của CSQG/CSĐB hay của bất-cứ cơ-quan tình-báo dân-sự hay quân-sự nào của VNCH, mà chỉ do cá-nhân tôi khởi-xướng ─ thực-hiện thành-công, và chuyển-giao cho Người Bạn Đồng-Minh tiếp-tục khai-dụng bên trong hàng-ngũ Đảng, Nhà Nước, và Bộ-Đội của họ sau khi họ về nước, nằm vùng cho Thế-Giới Tự-Do trong Khối Cộng-Sản Đông-Âu , mà kết-quả là Khối Cộng-Sản Đông-Âu tan-rã, góp phần đưa đến sự sụp đổ của cả toàn Khối Liên-Xô (Xem cuốn hồi-kí “Cảnh-Sát-Hóa” và cuốn Cộng-Sản Đông-Âu” của Lê Xuân Nhuận sắp ấn-hành).

 

        Họ trả tiền điện, tiền dùng điện-thoại Bưu-Điện, tiền xăng, và các chi-phí linh-tinh mà phía Việt-Nam không cung-ứng đủ cho tôi, nhất là chi-phí tình-báo.

        Họ thỏa-mãn ngay nhu-cầu của tôi di-chuyển bằng phi-cơ Air America, dù là vào ngày lễ nghỉ và chỉ sử-dụng một mình bất-cứ đi đâu và đi bao lâu (trả tiền phi-công rất cao); họ dành cho tôi quyền kí các phiếu trưng-vận phi-cơ Air Americacho bất-cứ người nào, được uu-tiên đáp các chuyến bay thường ngày.

        Và tôi được quyền sử-dụng Phòng Khách đặc-biệt tại trạm hàng-không; mỗi khi tôi đến là viên kĩ-sư Trưỏng Trạm người Phi-Luật-Tân giao ngay chìa-khóa vào phòng VIP cho tôi.

        Họ dành ưu-tiên một chỗ cho tống-thư-viên của tôi trên bất-cứ chuyến bay nào đi/về Sài-Gòn hay các Tỉnh trong Vùng.

        Họ giúp cho tôi bí-mật sử-dụng một số nhân-viên của Hãng-Thầu Mĩ (cung-cấp khách-sạn, tài-xế, lao-công, và các dịch-vụ ẩm-thực, vệ-sinh, v.v...) để làm tay-trong cho Ngành Đặc-Cảnh của tôi.

        Họ cũng tổ-chức những buổi tiệc-tùng chiêu-đãi hầu hết mọi giới tai-mắt tại địa-phương, nhưng cốt ý là để cho tôi có cơ-hội tiếp-xúc với các sĩ-quan cao-cấp Trưởng Phái-Đoàn trong Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát Và Giám-Sát Ngưng Bắn (ICCS), nhất là cộng-sản Ba-Lan và Hung-Gia-Lợi...

 

        Trước khi tôi đến làm Giám-Đốc Ngành Ðặc-Biệt Vùng I , chỉ có chưa đầy $4,000.00 chi-phí mà Người Bạn Đồng-Minh hết đòi biên-nhận lại hỏi chứng-từ.

        Với tôi, họ đã ứng trước một số tiền lón, bao giờ tiêu hết thì lại lấy thêm, tùy tôi quyết-định mỗi việc là bao nhiêu tiền. 

        Phụ-Tá cho tôi là Thiếu-Tá Ngô Phi Đạm [hiện ở Silver Spring, Maryland, USA]. 

        Tôi giao cho Đại-Úy Phạm Khả [hiện ở Bloomington, Illinois, USA], Chủ-Sự Phòng Điều-Hợp, kết-toán với Văn-Phòng NBĐM. 

        Mỗi tháng tôi tiêu trên $400,000.00, nhiều hơn trăm lần so với trước kia, chưa kể các khoản đặc-biệt.

        (Tất-nhiên các điệp-vụ của tôi đánh vào Ba LanHung Gia Lợi đã có kết-quả như-í nên họ mới chấp-nhận cho tôi tiêu tiền thả giàn như trên.)

        (Tôi có nhân dịp giúp cho một số anh+em hữu-công, mỗi người mỗi tháng từ $1,000.00 lên đến $10,000.00. 

        Nhưng tôi không lấy cho mình một xu nào.  Phạm Khả trả tiền thuê nhà cho tôi mỗi tháng $20,000.00, trong lúc Trưởng Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương, Chuẩn-Trướng Huỳnh Thới Tây, cho tôi mỗi tháng $20,000.00 để trả tiền thuê nhà ─ hẳn cũng là tiền lấy của NBĐM, nên tôi tự cho là đã có nhận $20,000.00 rồi ─ mặc dù lấy thêm tôi tin là họ vẫn sẽ sẵn lòng.)

*

NỖ-LỰC CUỐI-CÙNG

 

        Tiếp theo mấy Tỉnh ở Cao-Nguyên, tất cả các Tỉnh ở Vùng I cũng mất luôn. 

 

        Dân, chính, công, quân, từ các Tỉnh thất-thểu kéo về Thị-Xã Đà-Nẵng chật đường. 

        Nhũng kẻ có súng tha-hồ phá-phách, cướp của, hiếp-dâm, giết người.

        Số-phận của Quân-Khu I chỉ còn trông cậy vào tình-hình an-ninh trật-tự tại hậu-cứ duy-nhất này.

        Đối với tôi, vận-mệnh của bất-cứ yếu-điểm nào cũng tùy-thuộc vào quyết-định của Hoa-Kì.

        Liệu Hoa-Kì có cố-thủ, hay sẽ bỏ rơi Đà-Nẵng, và...?

*

        Như có linh-tính báo trước, tôi đã thực-hiện một chuyến đi quan-sát, chụp hình để làm kỉ-niệm, từ bên này sông Thạch-Hãn (sau khi đã mất từ sông Bến Hai vào đây) cho đến giáp ranh Sa-Huỳnh Bồng-Sơn (Quân-Khu I ─ Quân-Khu II), vừa kịp trước khi quân ta rút lui khỏi các nơi này.

        Tiếp đó, tôi cũng sợ, nếu mất Quân-Khu I thì tôi không còn có dịp gặp lại Người Bạn Đồng-Minh rất thân này của tôi, cho nên vào ngày 27-3-1975, tôi đã quyết-định gặp riêng, đề-cập với Người Bạn Đồng-Minh của mình một số vấn-đề thời-sự tế-nhị liên-quan đến chính-sách của Hoa-Kì về Việt-Nam


       
Như để tỏ ra là anh chỉ chú-trọng đến việc chống Cộng mà thôi, Ferguson mở đầu bằng lời khen tôi đã có sáng-kiến và đã thành-công trong việc móc-nối tuyển-dụng các thành-viên cao-cấp trong hai Phái-Đoàn Ba-Lan và Hung-Gia-Lợi làm nội-tuyến cho ta.

        Đó là những công-tác gián-điệp ở tầm-vóc quốc-tế (chỉ có tôi ở Vùng I đề-xướng và thực-hành.)

        Các mật-viên của tôi đã tiếp-tục cộng-tác với các chuyên-viên Hoa-Kì, và một số, về nước trước, đã bắt được liên-lạc và bắt đầu làm việc tại chỗ với các Trưởng Lưới tình-báo của Thế-Giới Tự Do.

 *

        Furguson chỉ là một cá-nhân, mà cá-nhân nào thì cũng có cả dở lẫn hay.  Anh lại là người , mà người  nào thì cũng có tự-do suy-nghĩ khác người. 

        Anh không đại-diện cho chính-quyền , nhưng anh hiển-nhiên có biết ít nhiều nhận-định kín-đáo trong nội-bộ người  về tình-thế nói chung và các nhân-vật lãnh-đạo nói riêng của nước Việt-Nam Cộng-Hòa này.

 

        Tôi đi ngay vào vấn-đề:

        − Anh với tôi đều làm chung một việc, gồm có hai phần − tình-báo và hành-động − nhắm chung vào một mục-tiêu; ấy là cộng-sản, kẻ thù chung.  Nhưng, thật ra, cả anh lẫn tôi đều có ít nhất là một mục-tiêu thứ hai, mà hai chúng ta giấu nhau; ấy là thành-phần thứ ba, đối-lập hoặc nằm ngoài thành-phần đương-quyền...

        Trong lúc Ferguson chưa kịp xác-nhận hay phủ-nhận, tôi nói thêm:

        − Về phía Việt-Nam thì anh biết rồi.  Chính-quyền xem như những kẻ đối-lập cũng là kẻ thù.  Ngành Đặc-Cảnh nhiều lúc đã bị sử-dụng để phục-vụ riêng cho những kẻ cầm quyền.  Do đó, ở phần hành-động, Ngành Đặc-Cảnh phải đứng về phía đương-quyền.  Các cơ-quan an-ninh tình-báo là công-cụ bảo-vệ chế-độ; mà chế-độ, theo họ, thì không phải là chính-thể hay hiến-pháp, mà là tập-đoàn tại-quyền.

        Nói chung là họ muốn mãi mãi được quyền lãnh-đạo quốc-dân.  Thế thì mục-đích đã khác đi rồi, nhất là khác với lập-trường của Hoa-Kì và các nước Tụ-Do.  Phải thế không, anh?


       
Bạn tôi gật đầu; tôi nói tiếp:

        − Còn người  thì vừa giúp các nhà đương-quyền chống Cộng, vừa tìm các tiềm-năng nhân-sự mới, để nếu cần thì thay-thế, hầu mỗi ngày mỗi có những nhà lãnh-đạo tài+đức hơn...

        Ferguson vói một tay vỗ lên và bóp nhẹ trên vai tôi.

 

        Hồi đó, không có người nào là không thấy được sự bấp-bênh của tình-hình.

        Đã chấm dứt chiến-tranh, đã có Ủy-Hội Quốc-Tế, nhưng cộng-sản lại đánh phá mạnh hơn; dân quê vẫn chết-chóc, đói-khổ; và Quân-Lực Quốc-Gia thì thiếu đạn+bom.

        Sản-lượng ít-oi; viện-trợ Mĩ nuôi sống Nền Cộng-Hòa thì đến nay đã giảm nhiều.  Đời sống khó-khăn; công-chức và quân-nhân không sống đủ với đồng lương.  Công-luận bị lèo-lái theo ý muốn của đối-lập nếu không là cộng-phỉ và cộng-nô.

        Giữa phản-chiến và phản-chính không có biên-cương. 

        Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu bị phần lớn báo-chí chỉ-trích, đa-số hội-đoàn phản-đối, và các phần-tử bất-mãn tẩy chay.  

        Người ta cũng quy-trách cho cả Hoa-Kì.

        Tôi kéo bàn tay của viên đại-tá CIA bạn tôi ra trước mắt, vuốt ngược những sợi lông dày và cứng trên mu:

        − Báo-chí Việt-Nam gọi người  là những “bàn tay lông-lá”.

        − Tôi biết.

 

        Chính-khách Ngô Đình Diệm là người đầu tiên mở trang sử chính-thức và công-khai quan-hệ với Hoa-Kì, nên tôi bắt đầu về  Ông Diệm trước.  Tôi hỏi thẳng:

        − Anh nghĩ thế nào về cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm?

        − Anh nói trước đi!

        Ferguson đẩy tôi đi trước.  Cũng như nhiều người  khác, anh muốn tỏ ra là mình không can-thiệp vào việc nội-bộ của nước người.  Tôi bèn dò í:

        − Hoa-Kì không muốn giết Diệm.  Nhưng điều chắc-chắn là Hoa-Kì không muốn chế-độ Diệm kèm thêm Nhu tồn-tại lâu hơn.  Kì-thị tôn-giáo là một trong nhiều nguyên-nhân, tuy chỉ nội một cái nguyên-nhân ấy cũng đã đủ sức thuyết-phục để Quân-Lực phải ra tay...

        − Còn những nguyên-nhân nào nữa?

        − Diệm đánh hỏng những giá-trị tinh-thần của  mà Hoa-Kì muốn Diệm là biểu-trưng...

        − Những giá-trị nào được xét ở đây?

        − Căn-bản là các quyền tự-do ghi trong Tu-Chính-Án số 1 của Hiến-Pháp Hoa-Kì―ngôn-luận, báo-chí, tín-ngưỡng, hội-họp ôn-hòa, đạo-đạt ý dân − mà Diệm khinh thường.  Diệm tự cho mình cao hơn Hiến-Pháp (“Đằng sau hiến-pháp, còn có tôi!”).

        − Gì nữa?

        − Diệm phá vỡ kế-hoạch của  thành-lập Liên-Bang Đông-Dương và Liên-Phòng Đông-Bắc Á-Châu.  Và Diệm hầu như suýt dâng nốt Miền Nam Việt-Nam cho cộng-sản:  Ổng mưu-toan thỏa-hiệp với Bắc-Việt, lúc ấy là một khối chính-trị và quân-sự to lớn, thống-nhất và ngoan-cường bội phần hơn Miền Nam, có thừa thủ-đoạn và khả-năng tiêu-diệt thành-phần Quốc-Gia.  Ổng muốn trở lại với Pháp; ổng muốn lạnh nhạt với , trong lúc đối-ngoại thì mọi việc đều nhờ  đỡ đầu, đối-nội thì nền kinh-tế còn phôi-thai, cả guồng máy chính-quyền, trị-an và quốc-phòng, v.v... đều sống nhờ vào viện-trợ của Hoa-...


       
− Anh nghĩ thế nào về cái chết của Diệm?

        − Ô hay, tôi định hỏi anh thì anh đã hỏi ngược lại tôi.

        Chúng tôi nhìn nhau rồi cả hai cùng cười.  Tôi nói:

        − Diệm tự giết mình!

 

        Ferguson trố mắt nhìn tôi xem tôi có nói đùa hay không.

        Tôi giải-thích thêm:

        − Về mặt sự-việc:  Cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, dù muốn dù không, cũng đã trở thành một con hổ dữ.  Hé một lời-nói, lộ một cử-chỉ mà vây-cánh ổng cho là phạm-thượng thì khó mà thoát khỏi bàn tay tàn-độc của thủ-hạ ổng.  Huống gì, lật đổ ổng, lùng rượt ổng, bắt trói ổng...  Tôi kính-trọng Diệm, tôi không tán-đồng việc giết Diệm, tôi phản-đối cách giết Diệm; nhưng tôi thông-cảm tình-cảnh của những kẻ đã cỡi lên đầu hổ rồi.  Giết hổ hay hổ giết mình.  Có thể xem như “tự-vệ” mà thôi.


       
− Còn mặt nào nữa?

        − Về mặt tinh-thần:

        “Thứ nhất:  Diệm chịu ảnh-hưởng Đạo Nho, muốn mình “tiết trực, tâm hư”.  Nhưng Đạo Nho lấy “trung-quân” làm trọng; mà Diệm thì không chịu làm một bề-tôi lương-đống, đã phản-bội Bảo Đại để lên làm Nguyên-Thủ Quốc-Gia, tức đã phạm tội bất-trung với vua.  Thế là Nho-Giáo không dung.

        “Thứ hai:  Diệm lật đổ Bảo Đại vì Bảo Đại bất-tài.  Điều đó đúng; tức Diệm thực-thi chủ-nghĩa duy-ích, một thứ đạo-đức mới.  Nhưng học-thuyết vị-lợi ấy chủ-trương nhân danh đa-số, để làm điều có ích lợi chung.  Trong lúc đó, áp-dụng chủ-nghĩa thực-dụng cho thiểu-số phe mình mà thôi, chính Diệm cũng đã biết trước là sẽ lâm-nguy.  Ổng nói: ‘Tôi chết thì trả thù cho tôi!’  Nếu chết tự-nhiên thì tại sao lại phải trả thù?  Và Diệm cũng đã nêu lên tiền-lệ:  mình truất ngôi người này được, thì kẻ khác cũng lại hất cẳng mình được, chứ sao!  Các tướng chỉ noi gương ổng mà thôi!  Đó là quy-luật sinh-tồn!  Thế là đạo-đức mới cũng quật lại ổng

        “Thứ ba:  Diệm là tín-đồ Đạo Kitô.  Theo Đạo ấy thì, “Satan là Chúa của đời này” (2 Cor 4:4). Chính “Đức Jesus cũng gọi Quỷ Satan là vua, chúa (kẻ thống-trị, bá-chủ) của thế-gian này” (John 12:31) và Thánh-Kinh xác-nhận “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỷ, đều nằm trong tay ma quỷ (cả thế-giới đều ở dưới quyền thống-trị của Quỷ-vương)” (1 John 5:19).  Với tư-cách chủ-nhân-ông của cả thế-giới loài người, “Satan đem Đức Jesus lên đỉnh núi cao, chỉ cho Ngài thấy các nước vinh-quang rực-rỡ khắp thế-giới, quyến-rũ Ngài rằng: Ngươi chỉ cần quỳ gối thờ lạy ta, là ta sẽ cho ngươi làm chủ tất cả thế-gian này!” (Matt 4:8,9).  Đức Jesus từ-chối; Ngài cầu-nguyện Đức Chúa Trời: “Con đã rao truyền lời Cha cho các tín-đồ, nên người đời thù ghét họ, vì họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian” (John 17:14).  Lời Đức Chúa Trời kể rằng: “Các vua thế-gian nổi dậy, các lãnh-tụ bàn nghị cùng nhau, âm-mưu đối đầu với Jehovah Đức Chúa Trời và nghịch với Đức Jesus là Đấng chịu xức dầu của Ngài” (Ps 2:2).  Do đó, Chúa dạy: “Chớ yêu thế-gian, cũng đừng yêu (quyền-hành, danh-vọng, lợi-lộcbất-cứ những gì thuộc về thế-gian” (1 John 2:15-17).  Thánh-Kinh giảng thêm: “Kết bạn với kẻ thù của Đức Chúa Trời tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời; kẻ thù đó là thế-gian” (Jas 4:4).  Ngay chính trong giới tín-đồ của mình, khi “Đức Jesus thấy họ sắp tạo áp-lực đưa Ngài lên làm vua, Ngài liền bỏ đi lên núi ở một mình” (John 6:15), không chịu làm vua ở thế-gian.  Nói chung, ngày nào mà Đấng Cứu-Thế chưa tái-lâm (chưa tận-thế), thì ngày đó “Cả thiên-hạ (toàn thể thế-giới loài người) còn bị Quỷ-vương hay Satan lừa dối, dỗ dành”(Rev 12:9), “làm mờ tối tâm trí (mù lòng)” (2 Cor 4:4), và “kẻ thù của Đức Chúa Trời” (Jas 4:4) là “các vua thế-gian” (Ps 2:2). 

        Tóm lại, tín-đồ Đạo Chúa là người không thuộc về thế-gian; mà Diệm làm Tổng-Thống tức là làm một vua ở thế-gian, dưới quyền của Quỷ Satan, và chống lại Đức Chúa Trời.  Hơn nữa, Đạo Chúa cấm đoán mọi Đạo khác, theo các Điều Răn thứ 1 và thứ 2 của Đức Chúa Trời:  “Các ngươi không được thờ thần nào khác, ngoài Ta; không được khắc hình tượng-trưng cho bất-cứ cái gì trên cõi đời này; không được thờ-phụng chúng” (Ex 20:3-5).  Thế mà Diệm còn tôn sùng giáo-lí Đức Khổng, dùng hình khóm trúc làm biểu-hiệu cho tinh-thần Nho-Giáo của mình, khắc vào ấn-tín của mình và của cả Quốc-Gia.  Thế là Thiên-Chúa-Giáo cũng không dung.  “Quân thù trồng rặt loại nho lấy giống từ vườn Sô Đôm với đất từ đồng Gô Mo; trái đắng và chua, làm thành rượu độc nọc rắn”.  Tất-nhiên Đức Chúa Trời phải “ganh tỵ” (Zec 1:14), vì Chúa là Chúa “phân bì” (De 32:16; PS 78:58), “động lòng ghen” (Zec 1:14), nên Chúa phải trừng-trị, phải trả thù:  “Báo thù là việc của ta, Ta làm cho chúng ngã nhào, tai-họa ào đến tức-thời” (Deut 32:32-35)...” 

 

        Ferguson ngẫm-nghĩ một lát rồi dò-dẫm hỏi tôi:

        − Chuyện đã qua rồi, phải không?

        − Cái đó còn tùy.  Nhưng có vài điều đáng nói:

        “Thứ nhất, Diệm phản Bảo Đại thì Diệm vẫn còn mắc nợ Bảo Đại, vì Bảo Đại dùng Diệm mà Diệm không giúp ích gì cho Bảo Đại; nhưng các Tướng lật Diệm thì Diệm vẫn còn mang ơn các Tướng, vì Diệm dùng các Tướng thì các Tướng đã liều thân xông pha trận-tiền, đánh dẹp các giáo-phái, bình-định xứ-sở, ổn-định tình-hình cho chế-độ Diệm vững an. 

        “Thứ hai, nếu Diệm có đức, có tài, thì đó là thuộc-tính của một người, không nhất-thiết có nghĩa là mọi người khác đều tầm-thường mọi mặt, và không phải bất-cứ đồ-đệ nào còn sót lại của Diệm cũng xứng-đáng lên làm lãnh-tụ quốc dân...”

        

        Nghĩ rằng chừng đó đã đủ, tôi hỏi qua chuyện mới:

        − Anh nghĩ thế nào về Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu?

        − Cũng xin nhường anh!   

        Thế là Ferguson lại đẩy tôi đi trước nữa. 

        Tôi thấy cần phải rào-đón phần mình trước tiên:

        Chắc anh đã biết là tôi đối-lập với Thiệu.  Nhưng tôi chỉ chống tính-cách quân-phiệt, tôi chỉ phản-đối việc quân-cách-hóa Chính-Quyền, nhất là với Cảnh-Lực; tôi đòi-hỏi thực-thi Kế-Hoạch Cảnh-Sát-Hóa, là một quốc-sách tối-thượng mà Hoa-Kì tặng cho để làm sách-lược hậu-chiến, nhưng Thiệu xếp bỏ không dùng.  Trong việc chống Thiệu, tôi khác người ta.

        − Người ta chống Thiệu thế nào?

 

        Tôi thấy là Ferguson đang “moi tin” tôi, nhưng tôi cũng thử dò đường:

        − “Lực-Lượng Hòa-Hợp Hòa-Giải Dân-Tộc” thì có đông-đảo quần-chúng, là giới Phật-tử chiếm trên chín mươi phần trăm dân-số, có sẵn ứng-viên lí-tưởng vào chức-vụ Tổng-Thống, là Dương Văn Minh.  Nếu là ứng-viên dân-sự thì khó lòng được lòng mọi Tướng, nhưng Minh là đại-tướng.  Minh hòa-hoãn với cộng-sản, và Hà-Nội đã bắn tiếng chỉ nói chuyện với Minh.  Đa-số đã chán chiến-tranh, lại ngán cộng-sản, nên đặt hi-vọng vào Minh.  Nhưng Lực-Lượng này không bạo-động, và chỉ chờ-đợi đến kì bầu-cử Tổng-Thống vào cuối năm nay mà thôi...

        − Anh cứ nói đi!           

 

        − “Đại-Việt Cách-Mạng Đảng” là một chính-đảng có nhiều đảng-viên nhất, lại được tổ-chức chặt-chẽ.  Họ có nhiều đảng-viên giữ các chức-vụ trọng-yếu trong Chính-Quyền.  Họ có thực-lực chính-trị.  Lãnh-tụ của Đảng là Hà Thúc Ký nặng ký hơn Thiệu trong cuộc chạy đua giành phiếu nay mai.  Tuy thế, có nhiều đảng-viên có thể bầu Minh.

        − Xin nói tiếp đi!

 

        − “Việt-Nam Quốc-Dân Đảng” là một chính-đảng kì-cựu, có thời mạnh hơn Việt-Minh tức Cộng-Sản Việt-Nam.  Sau này phân-hóa thành nhiều hệ-phái, phải đứng chung với “Đảng Dân-Chủ” của Thiệu trong một Liên-Minh.  Hiện Vũ Hồng Khanh, một lãnh-tụ chính-trị mà Hồ Chí Minh đã phải nài-nỉ mời đồng kí tên ngang hàng với mình trong bản thỏa-hiệp thành-lập chính-phủ Quốc+Cộng liên-hiệp vào năm 1946, đang nỗ-lực thống-nhất lại đảng này.  Mục đích của họ là phục-hồi uy-tín và địa-vị của Đảng cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài.  Họ không hoàn-toàn đồng-minh với Thiệu, nhưng nhiều đảng-viên cũng có thể chọn Minh.

        − Còn các tổ-chức khác nữa?

 

        − “Phong-Trào Quốc-Gia Cấp-Tiến” dựa vào các nhà khoa-bảng và giới học-thức trẻ.  Họ muốn cải-cách kinh-tế là huyết-mạch của quốc-dân, vì cho rằng nhà cầm quyền hầu như bất-chấp cán cân mậu-dịch và vấn-đề cung cầu...

        “Các đoàn-thể khác nói chung thì chỉ đưa ra một vài í-kiến mới, nhằm mục-đích trình-diện một vài nhân-vật tranh-đấu cấp địa-phương, nhắm ghế Quốc-Hội hoặc Hội-Đồng Tỉnh, Thị.

        “Một số phần-tử nặng tinh-thần dân-tộc thì cho là Thiệu quá lệ-thuộc Hoa-Kì.

        “Còn trên bình-diện cá-nhân thì phần đông chống Thiệu theo kiểu trưng-diện một món thời-trang, sợ không đối-lập thì bị xem là lỗi-thời!

 

        Ferguson cùng cười theo tôi.  

        Lát sau, anh dè dặt:

        − Nay Huế đã mất, nhưng những người liên-hệ với Huế thì vẫn còn.  Anh thấy hệ-lụy của nó đối với tình-hình mới tại các Tỉnh trong Nam sẽ như thế nào?

        Người Bạn của tôi nhắc đến những việc mà tôi cố ý hoặc bỏ qua hoặc dành nói sau.  Tôi phải nói luôn:

 

        − Đảng “Nhân-Xã”, tức Đảng “Cần-Lao Nhân-Vị” đổi mới, chỉ hoạt-động bên trong các giới tín-đồ Đạo Kitô và cựu cơ-sở Đảng Cần-Lao.  Bên ngoài, họ có “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng và Kiến-Tạo Hòa-Bình”.  Hòa-Bình thì chưa thấy có kế-hoạch khả-thi.  Tham-nhũng thì là cụ-thể, nhưng chưa phải là yếu-tố quyết-định hàng đầu.  Theo họ, lật đổ Ngô Đình Điệm mới là tội-phạm tối-trọng, bất-khả khoan-dung.  Họ đã bắt đầu bạo-động.  Mục-đích của họ là thay-thế Thiệu ngay, bằng một Tổng-Thống và Chính-Quyền rập khuôn Đệ-Nhất Cộng-Hòa.

        − Anh nghĩ thế nào?

 

        Tôi đáp:

        − Diệm nếu còn sống thì ổng cũng đã mãn các nhiệm-kì hiến-định từ lâu.  Người của thời này không thể giải-quyết việc của thời kia.  Không dưng mà các cộng-tác-viên ban đầu đã rời-bỏ, rồi các trí-thức chống-đối, rồi nhiều thành-viên nội-các từ-chức, rồi dân-chúng sôi-sục bất-bình, rồi chính người nhà mà cũng chia tay.  Quân-đội bắt đầu đảo-chính từ 1960, ném bom Dinh Tổng-Thống từ 1962...

        “Việc gì phải đến là cứ đến.

        Háo-hức dẹp một tảng đá cản đường, không ai ngờ trước sẽ gặp bãi lầy tiếp theo.  Nhưng hẳn không ai muốn cho tình-hình xấu đi...

        “Lịch-sử đã sang trang.  Vấn-đề bây giờ không phải là khóc mình, hận người, mà là làm sao để cải-thiện tình-hình.  Có ai xứng-đáng để lên thay Thiệu không, và, nếu thay Thiệu thì thay cách nào?”

 

        − Ý anh thế nào?

        − Trước hết, nói về người thay.  Tôi thấy là không, hoặc chưa, có ai có đủ điều-kiện để lên thay Thiệu.  Riêng đối với , nếu có thì tất Hoa-Kì đã bật đèn xanh cho xuất-hiện rồi!

        Ferguson cố gắng giữ nguyên nét mặt vô-tư.  Anh tiếp-tục hỏi tôi:

        − Còn về cách thay?

 

        Tổng-Thống là người lãnh-đạo toàn-dân.  Xuất-xứ có thể là bất-cứ đâu, nhưng đối-tượng phục-vụ không phải chỉ là một chính-đảng, một giáo-hội, một xã-giới, hay một gia-đình.  Về Thiệu, tôi đã suy-nghĩ về hai trường-hợp có thể xảy ra:  ông tự giải-quyết, hoặc bị giải-quyết.

        Tôi nói ngắn gọn:

        − Thiệu đang gặp nhiều khó-khăn:  Hoa-Kì rút ra, cộng-sản tiến vào, đối-lập lấn lên.  Lần đầu tiên người dân Việt-Nam được tự-do xúc-phạm một nguyên-thủ quốc-gia mà không sợ bị bắt nhốt, trả thù, như dưới thời Diệm.  Theo tôi, Thiệu không nên tham-quyền cố-vị.  Vì chống mình nên người ta chỉ nhắm vào việc thay mình.  Nếu mình bắn tiếng từ-chức thì tự-nhiên sẽ nổi lên tất cả các chuẩn-ứng-viên thay mình; dân-chúng sẽ so-sánh lựa-chọn giữa họ với mình; và người ta sẽ quay lại chống nhau, làm sáng tỏ ưu-khuyết-điểm của từng người; mình dựa vào đó mà tu-chính và quyết-định ở lại hay ra đi.

        “Nếu Thiệu từ-chức, hoặc ông bị mất trí hay mệnh-vong, thì cũng chỉ có Phó Tổng-Thống Trần Văn Hương lên thay, cho đến cuối năm nay [1975] mới hết nhiệm-kỳ.  Với Hương, có đạo-đức nhưng thiếu bản-lãnh, tình-hình sẽ như thế nào?

        Còn nếu muốn loại cả chế-độ Thiệu tức-thời thì chỉ có cách là đảo-chính quân-sự − một việc mà chắc hẳn đã có kẻ mưu toan nhưng không thuyết-phục được ai nên không xảy ra.  Nhưng nếu xảy ra thì Chính-Quyền cũng sẽ chỉ nằm trong tay các tướng: MinhKhiêmKỳ, v.v... hoặc người nào khác thì cũng thế thôi.  Có khuôn mặt nào nổi bật hơn đâu?  Kinh-nghiệm Cách-Mạng 1-11-1963:  thay-đổi toàn-diện thì tình-hình sẽ như thế nào?  Tóm lại, người ta mới nghĩ đến việc loại Thiệu, nhưng chưa nghĩ đến tình-hình hậu-Thiệu; hoặc cũng đã có nghĩ đến, nhưng không thực-tế, chỉ chủ-quan, cầu-may.  Thực-tế là đã có Việt-Nam-Hóa, không còn báo-cô Hoa-Kì như trước được nữa, mà quốc-dân thì chưa đủ sức tự-túc tự-tồn.  Giặc đã đến bên lưng, không còn thì-giờ để làm lại từ đầu...” 


       
Im lặng một lát, rồi Ferguson hỏi tôi mà tôi nghe như anh tự hỏi mình:

        − Không còn cách nào nữa ư?

        Tôi nói chậm-rãi:

        − Đáng lẽ đã có nhiều cách rồi!

        Bạn tôi nhướng mắt lên, đợi chờ.

 

        − Đệ-Nhất cũng như Đệ-Nhị Việt-Nam Cộng-Hòa chỉ thấy cái phần chiến-thuật chứ không thấy cái phần chiến-lược của các Kế-Hoạch mà Hoa-Kì đưa ra.  Ngoài ra, họ chỉ chú-trọng cái phần ưu mà không quan-tâm đến cái phần khuyết, ở cuối mỗi Kế-Hoạch đều có nêu lên. 

        “Hơn nữa, còn có hai nhược-điểm về phía Hoa-Kì.  Cố-Vấn  chỉ là cấp thừa-hành, đâu phải ai cũng hiểu được thâm-í khi soạn-thảo kế-hoạch của cấp Trung-Ương hay chiến-lược-gia; thế mà họ đã để cho Đồng-Minh Việt-Nam cứ xem Cố-Vấn  như thước ngọc khuôn vàng.  Trong lúc đó, các cấp Trung-Ương và ngoại-giao sành-sỏi của  thì cứ phép-tắc lễ-nghi; đáng lẽ phải nói huỵch-toạc ra như giữa các bên phối-tác với nhau, thì họ lại chỉ bóng-gió xa-xôi, mặc cho người nghe có thể không hiểu hoặc hiểu lầm.

        − Xin anh nói rõ hơn.

 

        − Diệm đã phá hỏng kế-hoạch của  nên mới hỏng bét.  Bây giờ Thiệu cũng bỏ lỡ kế-hoạch của  nên phải dở-dang.

        Anh muốn nói về “Cảnh-Sát-Hóa” và trước đó là “Liên-Bang Đông-Dương”, “Liên-Phòng Đông-Bắc Á-Châu”?

        − Vậy anh muốn tôi nói về vấn-đề gì khác nào?

        − Nếu còn vấn đề gì khác, sao không nói ra?

 

        Tôi ngưng một lát, rồi đánh bạo nói lên ý nghĩ của mình:

        − Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa quả thật thiện-chiến, tinh-thần rất cao, nhưng dù có được Hoa-Kì tiếp-tục viện-trợ và yểm-trợ thì cũng vẫn sẽ không bao giờ thắng được Cộng-Sản Việt-Nam!

 

        Ferguson không giấu nổi vẻ ngạc-nhiên.  Tôi giảng giải thêm:

        − Lính phải ngăn-chận kẻ thù đằng trước để che-chở dân đằng sau.  Đằng nầy: ở cấp Xã thì Nghĩa-Quân thu mình trong dăm ba chòi gác; ở cấp Quận thì Địa-Phương-Quân thủ thế trong khuôn-viên trụ-sở Chi-Khu; còn Chủ-Lực-Quân thì sau các cuộc hành-quân là rút về trại binh.  Cộng-sản chiếm được phần lớn không-gian và thời-gian, nhất là ban đêm, cô-lập lính trong đồn và chế-ngự dân bên ngoài.  Lính đã không bảo-vệ được dân thì thôi, làm sao mong dân phải làm khiên mộc bên ngoài bảo-vệ cho lính trong đồn?

 

        Người bạn của tôi ngẫm-nghĩ một lát rồi hỏi lại tôi:

        − Thế còn Cảnh-Lực, trong đó có Đặc-Cảnh của anh, thì sao ?

        Cảnh-Lực, với tổ-chức và điều-hành hiện nay, không giúp được gì đúng với mong đợi của mọi người.  Cảnh-Sát mới xuống đến Xã, các Xã “an-ninh” mà thôi, và chỉ là Cảnh-Sát Sắc-Phục, không làm điệp-báo, không lùng-diệt, và cũng không chống-cự nổi nếu bị đối-phương tấn-công.  Đặc-Cảnh thì chỉ có ở cấp Quận, và Ban Tác-Vụ chỉ có mấy người, làm sao nắm hết các Xã, các Thôn trong khắp khu-vực trách-nhiệm của mình, nhất là khi không có đủ phương-tiện để tổ-chức các đường dây, trong lúc đó thì cộng-sản cài cấy cơ-sở từ hạ-tầng tức cá-nhân, tổ tam-tam, lên Ấp, Thôn...

        Ferguson hỏi vặn tôi:

        − Nghe anh có vẻ bi-quan.  Thế tại sao hôm trước anh lại nài-ép tôi − và tôi đã nhiệt-thành giúp anh − bênh-vực Việt-Nam Cộng-Hòa trước phái-đoàn các Dân-Biểu và Thượng-Nghị-Sĩ Hoa-Kì khi họ đến tận chỗ quan-sát tình-hình tại Vùng I này?

        − Anh muốn tôi cứ để mặc cho chính-thể này suy sụp sao?

 

        Chừng thấy câu chuyện hơi găng, Ferguson liền đổi đề-tài:

        − Tôi thấy anh có nhiều hiểu-biết và nhận-định giá-trị hơn người.  Ước chi anh là Tổng-Thống của nước này!

 

        Dù anh nói thật hay nói mỉa tôi, tôi cũng không cần.  Tôi đã bốc đồng:

        − Tôi đợi thăng cấp vào ngày mồng 1 tháng 6 [1975] này, xong tôi ứng-cử vào Quốc-Hội.  Tôi vào một Khối hoặc một Ủy-Ban.   Tôi ra một tờ báo.  Tôi lập một hội-đoàn.  Và tôi ứng-cử Tổng-Thống Việt-Nam Cộng-Hòa.  Anh nghĩ sao?

        Ferguson trả lời:

        − Tại sao lại không?

 

        Tôi muốn nhân dịp dò-xét thái-độ của anh đối với mình:

        − Nhưng điều quan-trọng là anh có ủng-hộ tôi hay không?

        Người Bạn Đồng-Minh đưa ngay tay ra bắt tay tôi:

        − Tại sao lại không?

        Chúng tôi ôm nhau mà cười.

 

        Sau đó, trở lại với chủ-đích của mình, tôi nói:

        − Tôi đã đưa cho Watkins, viên-chức phụ-tá của anh (người này mới được bổ-nhiệm cách đây vài tuần ), một chiếc máy truyền-tin cầm tay, với tần-số và mật-hiệu liên-lạc với tôi 24/24 giờ.  Khi nào anh rời Đà-Nẵng thì anh hoặc anh ấy gọi tôi.

        − Watkins đã nói cho tôi biết rồi.

 

        Đề-cập đến sự-việc ấy, bỗng-nhiên tôi thấy nghẹn-ngào.

        Tôi rán hỏi thêm một câu:

        − Tóm lại, Hoa-Kì có bỏ Đà-Nẵng không? Và Hoa-Kì có bỏ Việt-Nam không?

        − Anh đã biết câu trả lời của tôi rồi!


       
Thật là một câu trả lời “khôn-ngoan”.

        Rốt cuộc, tôi vẫn chẳng biết Người Bạn Đồng-Minh Hoa-Kì Ferguson đã trả lời tôi như thế nào.

        Ngay đêm hôm ấy, Tòa Tổng Lãnh-Sự Hoa-Kì tại Vùng I bí-mật ra đi.

 

*

 

TÒA TỔNG-LÃNH-SỰ HOA-KÌ RÚT KHỎI MIỀN TRUNG

 

        Khoảng quá nửa đêm 27-3-1975, tôi được báo-cáo là các Thủy-Quân Lục-Chiến  canh gác Tòa Tổng-Lãnh-Sự Hoa-Kì tại Vùng I đã khóa cổng kỹ và rời khỏi trụ-sở ấy, sau khi đã chở ra khỏi nơi đó nhiều chuyến hàng đóng thùng, và từ giữa sân bên trong thì bốc lên trời một cột khói đen như ai đang đốt nhiều đồ vật gì.

        Tôi gọi điện-thoại đến đó, rồi đến tư-gia của các Người Bạn Ðồng-Minh và những viên-chức ngoại-giao Hoa-Kì mà tôi quen, thì hoặc đường dây bị hư, hoặc chuông có reo mà không có người trả lời.  Tôi dùng máy vô-tuyến gọi các Người Bạn Ðồng-Minh Ferguson và Watkins, nhưng cũng không liên-lạc được với ai.

*

        Mờ sáng hôm sau, 28-3-1975, dân-chúng bắt đầu vào “hôi của” tại tòa nhà vốn được gọi theo địa-chỉ là 52 Bạch-Ðằng.  Lúc đầu thì đồ ăn, đồ uống, vật-liệu văn-phòng, dụng-cụ linh-tinh; về sau thì bàn ghế tủ giường, trang-cụ, thiết-cụ, máy móc; cuối-cùng là các loại xe-hơi.

 

        Tôi chen lách đám đông vào được trong văn-phòng của Trạm Hàng-Không “Air America”.  Nơi đây đang chuẩn-bị đợt hành-khách và hành-lí cuối-cùng cho một số phi-cơ bán-phản-lực và trực-thăng.  Viên -sư Phi-Luật-Tân, Trưởng Trạm, tuy đang bận túi-bụi nhưng không quên trao ngay chiếc chìa-khóa vào phòng VIP cho tôi.  Anh tưởng, như những lần trước, tôi mà đến đây là chỉ để đưa hay đón các viên-chức quan-trọng mà thôi, vì lần nào tôi cũng mượn dùng phòng khách quan-nhân.  Khi chỉ còn lại mấy chiếc trực-thăng, anh chào từ-giã tôi, rồi cùng với các nhân-viên khác dùng bình-xịt xịt ra một thứ bọt trắng xóa, đẩy đám đông lui ra xa khỏi phi-cơ.  Xong họ bay lên, rời khỏi sân bay và trạm hàng-không đặc-biệt này, sau khi nói cho tôi biết là họ bay ra tàu-thủy đang đậu ngoài khơi.

        Thế là người  đã thật-sự bỏ Ðà-Nẵng, bỏ Miền Trung, bỏ Vùng Chiến-Tuyến này rồi.

*

        Ngày đó, 28-3-1975, từ trong trụ-sở của họ khói đen từ mấy thùng đốt hồ-sơ tài-liệu tiếp-tục bốc lên ngút trời.

        Tôi tiếp-tục tìm và gọi cho đến hôm sau vẫn không có vân mòng gì về Người Bạn Đồng-Minh.

 

        Và ngày 29-3-1975 được xem là ngày thất-thủ của thủ-phủ Miền Trung...

 

        (Trích "Biến-Loạn Miền Trung" trang 413-432)

        Một phần bài này đã có trong "Về Vùng Chiến-Tuyến" 1996)


LÊ XUÂN NHUẬN




--

tt