caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 23 janvier 2022

Trần Văn Lương giới thiệu bài thơ Dị Hương và mời nghe nhạc đọc thơ Thanh Hương.

 Kính gửi quý anh chị một bài thơ cận Tết của anh Trần Văn Lương.

Bốn mươi bảy năm qua đi, nhưng tình quê hương hãy còn đó, và mỗi năm khi mọi nơi tưng bừng chuẩn bị Tết thì vẫn có những tấm lòng không thấy mùa Xuân đâu cả.

Tuổi Xuân cũng theo thời gian ra đi, cái đẹp và hương hoa Tết còn đâu nữa mà chúng ta tìm thấy trong những câu thơ mà anh Lương đã gửi gắm trong bài thơ này.

Cám ơn anh Lương và kính chúc quý anh chị những ngày Xuân Này Nhớ Xuân Xưa.

Caroline Thanh Hương

tt tt 

 

Kính gửi quý anh chị con cóc cuối tuần.

Dạo:

       Mai đà đổi sắc thay hương,

Hận hòa lệ úa thành sương đêm buồn.

 

Cóc cuối tuần:

 

           

滿 ,

?

      ,
      .

               

 

 

Âm Hán Việt:

 

           Dị Hương

Hoàng mai phô sắc mãn Xuân cương,

Hà cố tùy phong tán dị hương?

Cô lữ dạ trường tư cố thổ,

Hận hòa lão lệ tố hàn sương.

          Trần Văn Lương

 

 

 

Dịch nghĩa:

 

          Mùi Hương Lạ 

Mai vàng khoe sắc đầy đất Xuân,

Sao lại đi theo gió để tỏa ra mùi hương khác lạ?

(Khiến) lữ khách cô độc đêm dài nhớ nhung quê cũ,

Nỗi hận pha với lệ già làm thành sương lạnh.

 

 

Phỏng dịch thơ:

 

         Mùi Hương Lạ

Mai khoe sắc đón Xuân về khắp ngõ,

Sao vội vàng theo gió đổi mùi hương?

Khách nhớ quê trăn trở suốt đêm trường,

Lệ uất hận thành sương khuya buốt lạnh.

                   Trần Văn Lương

                      Cali, 1/2022

 

 

Lời than của Phi Dã Thiền Sư:

     Than ôi, đám mai vàng vì đón gió mà đành

thay đổi mùi hương!

     Khiến dòng lệ nóng của kẻ tha phương biến

thành sương đêm lạnh.

     Biết làm sao bây giờ khi ngay cả hoa mai ngày

xưa đó cũng theo gió để bỏ đi mùi hương cũ?     

     Hỡi ơi!

Houston có gì lạ không em? Tác giả: Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn và mời xem hình ảnh và đời sống của người Mỹ, Việt tại nơi này.

tt

 Kính gửi quý anh chị bài được tiếp chuyển về một tiểu bang của nước Mỹ.

Cám ơn tác giả đã mang lại nhiều chi tiết hiểu biết về lịch sử và những tin tức  liên quan đến người Việt Nam.

Kính chúc quý anh chị luôn an vui và mạnh khỏe.

Sau khi tìm hiểu thêm về bài viết này, quý anh chịi có thể tìm đọc ng bài khác rất hay trong trang báo dưới đây:

Việt Báo

Caroline Thanh Hương

Houston có gì lạ không em?

Tác giả:

Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn

Bài số 3434-12-2894vb4123011

Tác giả đã góp một số bài viết đặc biệt về chuyện đời tị nạn, và đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Bút hiệu gồm 2 người: Minh-Đạo là một vị cao niên 86 tuối, viết lách cho... vui, trong khi Nguyễn Thạch Hãn, cư dân Houston, Texas sinh năm 1945, là một cựu sĩ quan Pháo Binh VNCH, hiện làm việc trong một công ty Energy tại thành phố Houston, đề tài của bài viết hôm nay. Ngoài chuyện hiện tại, còn thêm phần dở lại trang sử cũ, thời ông Houston còn là Tổng Thống nước Cộng Hoà Texas.

*

Mỗi năm cứ vào độ tháng tư tôi lại bùi ngùi nhớ về quê cũ, những ngày bỏ nước ra đi. Nứơc mắt cũng đã chảy ra nhiều, những giấc mơ hãi hùng vẫn chợt đến chợt đi, tỉnh dậy ngơ ngác một lúc mới nhớ ra mình đang nằm trên giường, chăn ấm nệm êm trên đất Hoa Kỳ tự do và thịnh vượng. Vùng đất ngọt ngào luôn nâng đỡ, che chở, nuôi dưỡng tôi như một người mẹ hiền. Ôi mừng hết lớn! Khi nghĩ đến quê hương vẫn là Việt Nam. Có ai đó, lạ mặt, hỏi tôi, bạn người nước nào? Từ đâu đến? câu trả lời vẫn là Việt Nam. Ôi cái nước Viêt Nam trong trí nhớ già nua của tôi, đọa đầy khốn khổ, chạy gạo ăn từng bữa, cả một mái nhà để chui ra chui vào cũng không có, bom đạn nổ ầm ỹ từng giờ, sống nay chết mai, anh em ly tán; Con cái, cha mẹ mong chờ biền biệt tháng ngày. Có lẽ đến đời cháu tôi, may ra chúng mới có thể tự nhiên trả lời “tôi là người Mỹ, đến từ Houston, Dallas, LA, NY ”

Ở đây, chẳng bao giờ tôi phải nghĩ đến cái ăn, cái mặc, phương tiện di chuyển, tối nay ngủ đâu, có gì ăn không nhỉ? Cả đến việc nhỏ nhặt tầm thường nhất, xin lỗi quý vị, như chạy quanh chạy quẩn đi tìm một chỗ làm công tác vệ sinh, tôi cũng chẳng phải lo. Nhưng tôi vẫn là ngươì Việt Nam da vàng mũ tẹt, nói tiếng Việt rành hơn tiếng Mỹ, chỉ biết lich sử Viêt Nam còn lich sử Mỹ thì mù tịt. Chính trường Mỹ thì càng không quan tâm tới. Vẫn nôn nao coi giải Túc Cầu Thế Giới, hơn là những môn thể thao của người Mỹ như foot ball, base ball, basket ball. Có ai trong sở hỏi: “Bạn cá ai sẽ thắng trong giải Super Bowl này?” -Super Bowl gì?. Hay người nào đó phang một câu “Anh chàng Yao Ming bị thương hoài chẳng làm nên trò trống gì!” - Yao Ming nào?, mặc xác hắn chứ!

Tại sao tôi chưa hội nhập được vào xã hội Hiệp Chủng Quốc này. Tôi vẫn chưa tan ra, hòa lẫn với các giống dân khác trong chiếc “The Melting Pot” vĩ đại này nhỉ?

Tôi đã sống hơn nửa đời người trong thành phố này, nhưng biết rất ít về nó. Một ngày nọ, người bạn thân từ hồi còn trai trẻ, lâu ngày không gặp, ca bản “Houston có gì lạ không em?” cho tôi nghe. Tôi chẳng thấy gì lạ cả, vẫn những cao ốc nhìn mỏi cổ, vẫn những xa lộ đầy ắp xe cộ chạy lên chạy xuống cả ngày lẫn đêm. Hình như thiên hạ chẳng biết làm gì cho hết giờ nên cứ lái xe ra xa lộ tiêu khiển, đốt săng chơi. Vẫn những ngày hè nóng nực chẳng khác gì Saigon, với những cơn mưa hạ xầm xập kéo đến rổi vội vã ra đi để lại bao nỗi tang thương trên hè phố! Mùa thu vẫn đến âm thầm nhẹ nhàng như cơn gió thổi sau vườn, lúc ra đi cũng chẳng hẹn trước, nhưng không quyên mang theo đám lá vàng xào xạc, chừa lại những hàng cây cao trơ trọi khẳng khiu chào đón gió “Đông Phong”. Tuyết ư? Hơn 30 năm tôi chỉ thoáng thấy mặt nàng một đôi lần, nàng e lệ đến gõ cửa một buổi sớm mai, hỏi thăm dăm ba câu rồi bye bye ra đi biền biệt! Vâng Houston của tôi chỉ có thế. À, còn nữa chứ, ai đó hay ca bản “Mãi Mãi Bên EM” của nhạc sỹ Từ Công Phụng:

“Đôi khi có những mùa giông bão qua đây,

Em thấy đời là những hư hao”

Vâng đôi khi cũng có bão tố như Cali có động đất nhưng không sao, ông Trời chỉ dọa hoảng vậy thôi, đâu có hư hao gì nhiều, nắm tay nhau, nhìn vào mắt nhau là thành phố lại hoàn toàn như cũ.

Hãy giả như một du khách nhìn từ ngoài vào, may ra có thể trả lời bạn tôi câu hỏi:

*Houston có gì lạ không em?

Cứ vậy đi, bạn già, hãy nói về Houston của tôi:

Houston là thành phố lớn thứ tư nước Mỹ và là thành phố lớn nhất của Texas với dân số khoảng 2 triệu sống trên một diện tích 1500 km2. Đất rộng người thưa nhân công Mễ đầy rẫy, cho nên nhà cửa rẻ rề, hai ba chục ngàn, bạn có thể mua được một chung cư đầy đủ tiện nghi, chỗ đậu xe rộng rãi. Nếu bạn muốn upgrade lên một chút, một hai trăm ngàn bạn có thể mua một gia cư hoành tráng, chẳng phải chung đụng với ai. Đánh lộn trong nhà hàng xóm cũng không ai biết. Nếu bạn muốn chơi sang, bỏ chừng vài trăm ngàn bạn có thể tậu một lâu đài có cả hồ tắm đàng hoàng của một ông hoàng Ả rập nào đó đang hồi xuống dốc (vì mấy vụ biểu tình, xuống đường), tha hồ hưởng nhàn.

Người Mễ chiếm tỷ lệ khá cao trong các sắc dân thiểu số, họ làm việc rất chịu khó. Những việc nặng nhọc như làm đường, xây cất cầu cống nhà cửa, toàn là nhân công Mễ, chẳng thấy người da màu hay Á châu nào làm cả, bởi vậy giá sinh hoạt rất thấp. Bạn cần sửa chữa nhà cửa hay chỉnh đốn vườn tược, chẳng khó khăn gì dể tìm kiếm một ông thợ người Mễ giúp cho một tay.

Houston được mệnh danh là “Thủ Đô của năng lượng trên toàn thế giới” bởi vì hầu hết các hãng xưởng kinh doanh liên quan đến dầu hỏa đều tập trung ở đây, gồm có kỹ nghệ khoan mỏ dầu, tìm kiếm mỏ dầu, chế tạo dụng cụ khoan dầu, xưởng lọc dầu, phó sản dầu hỏa, chuyên chở dầu bằng hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt khắp hang cùng ngõ hẻm, còn có những hãng chuyên môn thiết lập các bồn dầu khổng lồ để đầu cơ tích trữ và buôn bán dầu trên thị trường chứng khoán vậy mà chẳng có con ma nào bị đưa ra pháp trường cát như thời ông Kỳ làm Thủ Tướng!. Người Việt mình làm nghề hàn và tiện cho các hãng xưởng đó lương rất cao. Kỹ sư dầu hỏa, hóa học, điện tử, điện toán, luyện kim, cơ khí…tha hồ múa may quay cuồng! Ban đêm đi trên cầu cao bắc ngang Houston Ship Channel bạn nhìn về phía đông, sẽ ngạc nhiên thấy hai bên đèn điện sáng rực, còn hơn kinh đô ánh sáng Paris, đó là tụ điểm của những nhà máy lọc dầu hay chế biến phó sản của dầu hỏa . Houston có một trung tâm Y Tế (Texas Medical Center) lớn nhất thế giới rất nổi tiếng về giải phẫu Tim và tri bệnh Ung Thư. Các Ông Hoàng bà Chúa Ả Rập hay về đây để chữa trị. Bác sỹ, Y tá, chuyên viên Y Tế người Việt làm trong các nhà thương đó cũng nhiều. Houston còn có Jhonson Space Center, nơi điều khiển Phi Thuyền Con Thoi, Trạm Không Gian (Space Station), cũng như huấn luyện Phi Hành đoàn. Thập niên 80, khi chương trình phi thuyền Con Thoi đang phát triển mạnh, rất nhiều kỹ sư, chuyên gia gốc Việt đã đóng góp một phần đáng kể cho trung tâm này, lại có cả một ông Tiến Sỹ Phi Hành Gia người Việt nữa chứ làm tôi hãnh diện quá đi mất. Đi đâu cũng vỗ ngực “Tôi là người VietNam”.

Hải cảng Houston vẫn đứng đầu về số lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển và thứ nhì về tổng số hàng chuyên chở trên đất và trên biển. Houston cũng đứng hàng thứ nhì chỉ sau New York về số hãng được xếp vào bảng danh sách 500 hãng hàng đầu (Fortune 500) trong nước Mỹ. Tổng sản lượng của “Quốc Gia” Houston và vùng phụ cân lên đến 440 tỷ Mỹ kim, xếp hàng thứ 22 trên thế giới trong các nước kỹ nghệ gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp.... Thành phố được xếp hạng nhất về ba tiêu chuẩn “ Tiềm năng kinh tế, khả năng kiếm việc, và giá sinh hoạt”. Lợi tức trung bình cho (gia đình) là $40,443. Cho nên mặc dầu nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn nhưng tỷ lệ thất nghiệp tại Houston cũng thấp so với toàn quốc. Mới đây tờ báo nổi tiếng về kinh tế Forbes đưa ra danh sách “The best cities for jobs” theo thứ tự như sau:

Austin

New Orlean

Houston

San Antonio

Dallas

Trong 5 thành phố kể trên, Texas chiếm đến 4, Houston vẫn đứng hàng thứ 3 mấy năm liền.

Một điều đáng lưu ý, có lẽ phần đông cư dân Houston cũng không biết, Trung tâm thành phố có một hệ thống đường hầm, cỡ đường hầm Củ Chi, nối liền các cao ốc với nhau, dài khoảng 11 km, như một thành phố chìm sâu trong lòng đất. Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều quán ăn trong đó chẳng thiếu thứ gì, có cả quán ăn Việt bán phở và bún thịt nướng, ngoài ra còn có các tiệm tạp hóa, văn phòng Bác Sĩ, Nha Sĩ, tiệm hớt tóc, làm móng tay, nhà băng kể ra không hết.

Giống như hầu hết các thành phố khác, Houston có một số lượng trường Đại Học đáng kể, thu hút rất nhiều sinh viên ngoại quốc, kể cả Việt Nam, vì giá sinh hoạt rẻ, lệ phí không cao lắm.

Nếu quý vị đến Houston để du lịch, tôi xin đề nghị, ngoài khu thương mại Viêt Nam vòng quanh Đại Lộ Bellaire, Beechnut, nên thăm Trung Tâm Không Gian ở Clear Lake, khu giải trí kemah bên bờ vịnh Gaveston, Downtown Houston và Tunnel, Downtown aquadrium, Woodland Waterway, Houston museum of Fine Art, Houston Zoo. Leo lên xe điện, chạy một vòng qua Texas Medical Center.

*Houston sử lược

Thành phố này được đặt tên Houston để vinh danh vị Tổng Thống đầu tiên của Nước Công Hòa Texas. Tôi hỏng có nói lộn đâu nhé, nhắc lại, Tổng Thống đàng hoàng đó.

Tướng Sam Houston đã lãnh đạo thành công cuộc chiến giành độc lập của nước Cộng Hòa Texas khỏi bàn tay thống trị độc tài của Tổng Thống và Tướng Antonio López de Santa Anna xứ Mễ Tây Cơ, người đã tự ví mình như Napoleon của Pháp Quốc. Ông quyên rằng Hoàng Đế Napoleon cũng từng bị đánh bại và chết tủi nhục trong nhà tù! Khi ra trận Santa Anna ra lệnh tất cả tù binh đều phải xử tử lập tức, dù là hàng binh. Như vậy, dân quân nổi dậy tự hiểu rằng sẽ không có tù binh chiến tranh! Chỉ có tử chiến mà thôi!

Cuộc cách mạng giành độc lập của Texas

Trong những năm đầu sau khi nước Mễ Tây Cơ giành được độc lập từ người Tây Ban Nha, dân Hoa Kỳ đến lập nghiệp tại Texas rất nhiều. Tướng Santa Anna lên nắm quyền xứ Mễ, ông hủy bỏ hiến pháp dân chủ, giải tán quốc hội và chính quyền các tiểu bang, trở nên một Tổng Thống độc tài của xứ Mễ Tây Cơ. Quân đội và hành pháp đều do một mình ông nắm giữ. Khoảng đầu năm 1835 vùng đất Texas vẫn còn nằm trong vòng cai trị của chính quyền Mễ Tây Cơ. Cuộc cách mạng giành độc lập thật sự khởi đầu chỉ vài tháng sau đó. Trong vòng mấy tháng ngắn ngủi, Toàn quân Mễ trên đất Texas đã bị tiêu giệt hoặc đẩy lui về bên kia biên giới. Quân Texas chỉ là một đám quân ô hợp, vũ khí thô sơ, chưa có thống nhất chỉ huy và tiếp liệu. Chính quyền tạm thời vẫn chưa thành hình. Có một điều chúng ta phải cúi thấp đầu bái phục đó là lòng quyết chiến cho tới chết của đoàn quân Texas, tuyệt đối trung thành và vâng lời thượng cấp, không tranh giành địa vị hay quyền lợi, không tàn sát lẫn nhau, chỉ một lòng chống kẻ thù chung. Họ là những nông dân tự trang bị cho mình đạn dược, súng ống, lương thực, quần áo. Đó là truyền thống của cao bồi Texas còn lưu đến bây giờ. Chính quyền có thể cấm bài bạc, đĩ điếm nhưng cỡi ngựa mang súng là quyền tự do cá nhân đó.

Chuẩn bị phòng thủ

Đầu tiên, quân kháng chiến biến khu truyền giáo Alamo, hiện thời là vùng đất thuộc thành phố San Antonio, thành một pháo đài rộng khoảng 3 mẫu (3 acres) với 1320 feet (400 m) chu vi phòng thủ. Tường bao bọc dầy khoảng 2.75 feet, cao khỏang 9 -12 feet. Thành này vốn lập ra chỉ để phòng ngừa quân da đỏ với vũ khí là cung tên và búa rìu mà thôi, không phải để phòng thủ chống lại đội quân có đại bác như quân của Tướng Santa Anna.

Dân quân đặt 19 khẩu đại bác (tịch thu được trước đây của quân Mễ ) vòng theo bờ thành phòng thủ. Họ tin rằng có thể chống cự với một lực lượng đông gấp 10 lần. Lực lượng phòng thủ sơ khởi khoảng gần 100 người, lương thực chỉ đủ cung cấp cho 4 ngày, James C. Neill, vị chỉ huy tạm thời của thành, viết thư kêu cứu với chánh quyền lâm thời, nhưng chẳng ai giúp được gì. Neill bèn tiếp xúc với Sam Houston, một trong bốn vị tổng chỉ huy nghĩa quân để xin tiếp liêu, quần áo, và đạn dược. Tướng Houston tiên liệu rằng không thể nào giữ nổi thành nếu bi đại quân Mễ tấn công nên phái James Bowie dẫn theo 30 dân quân để phá hủy thành Alamo và di chuyển tất cả các khẩu đại bác đi. Không thể tìm được phương tiện chuyên chở đại bác, Neil và Bowie viết thơ thuyết phục chính quyền lâm thời rằng Alamo là cứ điểm quan trọng, đó là tiền đồn để ngăn ngừa quân Mễ. Tương lai của Texas đều phụ thuộc vào vùng đất này. Cuối thơ ông viết một câu rất hào hùng “Chúng tôi long trọng thề rằng thà chết ở chiến hào này chứ không giao thành cho địch!” Hai ông cũng xin cung cấp thêm người, tiền bạc, súng ống, đạn dược. Alamo được cung cấp thêm 30 người và một sỹ quan kỵ binh William B. Travis. Vaì ngày sau, một số quân nhỏ tình nguyên cũng nhập bọn. Ngày 11 tháng 2 năm 1836 Neil dời thành để đi vận động nhân lực và tiếp liệu, giao quyền chỉ huy cho Travis và Bowie.

Tử chiến thành Alamo

Trong khi thành Alamo, gặp đủ thứ khó khăn về nhân lực và tiếp liệu thì đại quân Mễ đang tiến về hướng Alamo bằng đường bộ. Sáng sớm ngày 23 tháng 2 năm 1836 Santa Anna chỉ còn cách thị trấn 1.5 dặm. Thành Alamo được báo động, Dân chúng di tản khỏi thi trấn, nhưng gia đình của dân quân thì dời vào trong thành. Quân Mễ có khoảng 1500 người sẵn sàng tham chiến, Tướng Santa Anna ra lệnh đặt đại pháo phía đông và nam và cách thành khoảng 1000 feet (300 m), đồng thời kéo cao ngọn “cờ máu”, đó là hiệu lệnh tàn sát không tha. Alamo trả lời bằng một viên đạn đại bác lớn nhất trong thành!

Mỗi đêm, quân mễ đều quấy rối bằng đại bác mục đích làm mệt mỏi đối phương. Trong tuần lễ đầu tiên vây hãm hơn 200 đạn rơi trong thành. Lúc đầu quân tử thủ cũng bắn trả lại, hầu hết dùng ngay trái đạn của địch quân để bắn trả, nhưng những ngày sau Travis ra lệnh không bắn trả dể tiết kiệm thuốc súng.

Ngày 24 tháng 2 Bowie bị bệnh nặng nằm liệt giường, Travis nắm toàn quyền chỉ huy phòng thủ.

Sáng hôm sau, khoảng 300 quân Mễ, lội qua sông ẩn trong những túp lều gần chân thành để tấn công. Quân trong thành phái người ra thiêu hủy những túp lều đó đồng thời bắn trả lại rất gắt. Sau 2 giờ tấn công, quân Mễ bi thiệt hại nhe và rút lui.

Ngày 3 tháng 3 quân Mễ được bổ xung thêm 1000 ngươì nữa. Ngày 4 tháng 3 một số nhỏ dân quân tăng viện phá vòng vây từ ngoài lọt vào trong thành.

Ngày 5 tháng 3, Travis tập họp quân thủ thành một lần cuối, thông báo cho toàn quân, sự thật là thành sẽ không thể nào giữ nổi vì lực lượng đôi bên quá chênh lệch, lại thiếu súng ống đạn dược, ngay cả lương thực, nếu ai muốn bỏ thành thì ông cho phép rời ngay, vẫn còn kịp. Mọi người đều đòng lòng tử thủ, chỉ trừ một người xin đươc ra đi.

10 giờ đêm ngày 5 tháng 3, đại pháo của quân Mễ ngưng bắn hoàn toàn. Tướng Santa Anna tiên đoán quân đồn trú sẽ rơi vào giấc ngủ say sau bao nhiêu đêm mệt mỏi vì tiếng đại bác. Nửa đêm quân Mễ lặng lẽ tiến gần về chân thành, 500 kỵ binh Mễ bao chung quanh thành ở vòng ngoài để bắt những lính đào ngũ của cả hai bên.

Khi còn cách chân thành vừa tầm súng, quân Mễ la to “Hoan Hô Santa Anna”. Tiếng la vang dội vào thành đánh thức quân trong thành vào vị trí chiến đấu, gia đình vợ con lính được đưa vào trong Nguyện Đường của thành để được an toàn hơn. Travis động viên dân quân bằng khẩu hiệu “Hỡi các chiến hữu, tụi Mễ đang tấn công chúng ta, Hãy tống chúng nó vào Địa Ngục, quyết không đầu hàng”

Quân trong thành không có đủ đạn đại pháo nên tọng bất cứ mảnh sắt nào vào trong họng súng kể cả bản lề cửa, đinh, móng ngựa…, những phát đại bác bắn ra như một phát đạn shotgun khổng lồ, vung vãi miểng ra khắp nơi làm thiệt hại không ít quân Mễ.

Travis bị tử trận ngay trong đợt tấn công đầu tiên. Mặc dầu không có người chỉ huy, quân Mễ vẫn không tiến vào được. Trong vòng 15 phút quân Mễ đã tấn công 3 đợt, mỗi đợt tấn công không lên đươc thành lại kéo ra để sắp xếp chuẩn bị cho đợt kế tiếp. Đợt tấn công cuối cùng quân Mễ dồn về phía bắc thành, nơi đó tường phòng thủ rất mỏng manh, dễ bị chọc thủng, Phía bắc rồi lần lượt phía nam và đông dều bi thất thủ. Quân Mẽ tràn vào thành như nước vỡ bờ. Quân trong thành rút về Nguyện Đường và những căn nhà gạch trong thành, từ đó chĩa súng bắn ra ngoài. Một số nhỏ dân quân không rút kịp bèn ẩn nấp trong giao thông hào giữa tường thành và sông San Antonio River, từ nơi đây có thể bắn trả quân kỵ binh Mễ lội qua sông để tấn công mặt phía tây. Với quân số gần 500 kỵ binh tràn qua, tất cả đám dân quân dưới giao thông hào đều tử trận. Một số nhỏ dân quân khác thoát ra ngoài thành về phía đồng cỏ phía đông nhưng bị kỵ binh Mễ đuổi theo giết sạch. Nhóm dân quân cuối cùng rút vào cố thủ trong các căn nhà gạch và Nguyện Đường. Quân Mễ bắn đại bác phá xập tường rồi tràn vào bên trong. Bowie bị giết trên giường bịnh. Những ngươì khác đều chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. 6:30 sáng, quân Mễ hoàn toàn làm chủ thành ALAMO, kiểm soát từng tử thi, ai còn cử động đều bị đâm chết. Trong những dân quân tử trận ngoài hai thủ lãnh như Travis và Bowie, Davy Crockett thủ lãnh một đám nhỏ dân quân tình nguyên là nổi tiếng hơn cả. Ông là dân biểu liên bang đại diện của tiểu bang Tennessee, vì bất đồng chính kiến với Tổng Thống Andrew Jackson nên đầu quân vào Texas để phòng thủ thành ALAMO. Ông đã giết chết it nhất 16 lính Mễ bằng dao găm trước khi bị đâm chết, trong khi con dao của chính ông còn cắm sâu trong một xác lính Mễ.

Hollywood đã làm rất nhiều phim về Davy Crockett như một người hùng, ngươì khai phá…của Hoa Kỳ.

Các sử gia ước lượng khoảng 400 - 600 quân Mễ tử thương và dân quân bị giết khoảng 182-257 người.

Những người không phải là dân quân đều được thả cho đi, trong đó có cả một nô lệ da đen của thủ lãnh Travis và rất nhiều thân nhân của nghĩa quân. Santa Anna cho mỗi phụ nữ một tấm mền và 2 đồng tiền Mễ bằng bạc (silver pesos) làm lộ phí, đồng thời nhắn tin rằng không ai có thể đánh bại đoàn quân viễn chinh của ông!

TEXAS tuyên bố độc lập

Trong khi thành ALAMO bị vây ngặt, các dân biểu họp đại hội và đồng thanh tuyên bố thành lập nước CỘNG HÒA TEXAS và chỉ định Sam Houston làm Tổng Tư Lệnh đoàn nghĩa quân khoảng 400 người! Còn đang chờ đợi để tới giải cứu thành Alamo, họ vẫn chưa biết rằng thành Alamo đã thất thủ. Chỉ vài giờ sau những người đươc thả ra từ Alamo đến báo tin, Tướng Sam Houston quyết định tất cả dân chúng, quân đội và chính phủ mới thành lập rút chạy về hướng đông. Mặc dầu thiệt hại nặng khi tấn công thành Alamo, quân Mễ vẫn đông hơn quân Texas gấp 6 lần!

Santa Anna nghĩ rằng, sự tàn sát thành Alamo sẽ làm khiếp đảm đám quân ô hợp và nhỏ bé của Sam Houston và trước sau gì cũng tan rã. Nhưng ông đã lầm vì quá tự tin và kiêu ngạo.

Thành Alamo bị tàn sát làm nổi lên hào khí khắp nơi, thanh niên ào ạt đầu quân dưới quyền Sam Houston. Nếu Santa Anna không quá đôc ác, chưa chắc Sam Houston đã có một số quân đông và lòng quyết chiến như vậy.

Trân chiến cuối cùng

Buổi chiều ngày 21 tháng 4 năm 1836, Sam Houston ra lệnh tấn công quân Mễ bên bờ sông San Jacinto, nằm ở phía đông của thành phố Houston bây giờ. Trân chiến chỉ kéo dài 18 phút ngắn ngủi, dân quân luôn hô to khẩu hiệu “trả thù cho thành Alamo!”. Quân Mễ thiệt hại khoảng 630 người và hơn 700 bị bắt làm tù binh, trong khi chỉ có 9 dân quân Texas bị tử trận.

Cuối cùng Santa Anna bỏ chạy và bị bắt làm tù binh ngày hôm sau đó. Sam Houston tha mạng cho ông tướng kiêm Tổng Thống Mễ Tây Cơ và buộc ông ta ký hòa ước trả độc lập cho nước Cộâng Hòa Texas. Sam Houston được bầu làm Tổng Thống đầu tiên. Sau khi Texas xin sát nhập vào hiệp chủng quốc Mỹ Châu (USA), Sam Houston được bàu làm Thượng Nghị sỹ, rồi Governor của TEXAS.

Cuộc đời của Sam Houston

Đó là một cuộc đời ngoại hạng, một tấm gương lớn cho nhiều người noi theo. Ông sinh ra ở tiểu bang Vỉginia nhưng lớn lên ở tiểu bang Tennessee. Sống ở nông trại và chơi rất thân với đám người da đỏ Cherokee. Khi cuộc chiến giữa Hoa kỳ và Anh Quốc lần thứ nhì bắt đàu, ông đầu quân làm binh nhì. Leo dần đến chức Trung Úy rồi giải ngũ đi học luật và hành nghề luật sư. Đắc cử dân biểu liên bang 2 lần đai diên cho tiểu bang Tennessee, sau đó dắc cử Thống Đốc Tennessee. Chưa hết nhiêm kỳ ông xin từ chức về sống với bộ lạc da đỏ Cherokee sau đó dọn về Texas cùng với một số bạn bè thân thiết. Được cử làm đại diện cho vùng Nacogdoches trong đại hội bàu chính phủ lâm thời của nước Cộng Hòa Texas.

Trong cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ ông rất chống đối việc rút Texas ra khỏi liên bang Hoa Kỳ, nhưng phải chiều theo đa số. Trong cuộc nội chiến Bắc - Nam, chính phủ phía Bắc yêu cầu ông gia nhập Bắc quân nhưng ông từ chối vì không muốn bàn tay mình nhuốm máu người miền nam. Cuối cùng ông về hưu và chết ở Huntsville, đó là một thành phố nhỏ phía bắc của Houston bây giờ.

Quý vị nào lái xe từ Dallas về Houston cũng nhìn thấy tượng một ông già chống gậy màu trắng khổng lồ bên xa lộ I45, đó đích thực là ông. Cuộc đời của ông cho chúng ta rất nhiều bài học. Ông là người sãn sàng chiến đấu cho quyền lợi chung của dân tộc, hy sinh quyền lợi riêng tư của mình vì đại cuộc, không tham quyền cố vị, không hãm hại người không đồng chí hướng với mình, biết rút lui khỏi quyền lực đúng lúc. Hãy nhìn lại bao nhiêu lãnh tụ trên thế giới, lấy danh nghĩa vì quốc gia, vì dân tộc, tranh giành quyền lực và mãi mãi bám lấy nó cho đến chết hay bi kẻ khác lật đổ. Thế gian này được mấy người như Ông Houston, nhất là vào thời mà sự tôn thờ chủ nghĩa cá nhân còn đang thịnh hành trên địa cầu! Tôi xin ngả nón nghiêng đầu kính phục và thắp một nén hương lòng cho ngài.

Những ngày gần đây, bao nhiêu cuộc cách mạng đã sảy ra trên thế giới nào là cách mạng Nhung, cách mạng Hoa Hồng, cách mạng Hoa Tulip…Tất cả cùng chung một mục đích lật đổ chế độ độc tài hại dân hại nước. Những kẻ cầm quyền đó chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư của chính họ mà thôi! Bao giờ đến cách mạng hoa Nhài hay Hoa Sen nhỉ?

Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn

tt

Huy Văn kính mời đọc bài viết kỷ niệm Chung Dòng Định Phận và xem chút hình ảnh về thành phố Đà Lạt ngày hôm nay.

 Thời gian qua rất mau và không chờ ai cả và kỷ niệm cũng dần nhạt phai.

Rất may mắn, chúng ta còn có những chứng nhân thời đại ghi lại đó đây qua một hồi tưởng, qua những bạn bè ở một đất nước ngày càng xa xôi.

Đất nước này trước đây là của những người miền Nam Việt Nam, sinh ra, lớn lên và  ̣đã trải qua quãng đời son trẻ và sau đó phục vụ cho đất nước của mình.

Hai mươi năm được hưởng chế độ tự do, nhân ái và bốn mươi bảy năm sau, họ vẫn chờ đợi một ngày nào đó tìm lại được mái nhà xưa và bạn bè một thủa của mình thì giờ đây, người còn, người mất, ai biết đâu mà tìm.

Kính mời quý anh chị đọc một bài kỹ của anh Huy Văn để tìm lại một chút gì đó, có thể mình chưa biết, chưa nghe thấy như tôi để nhớ về mảnh đất phương Nam thương nhớ.

Cám ơn anh Huy Văn đã gửi bài và nhiều bài thơ, văn khác của anh.

Kính chúc anh Huy Văn và quý anh chị một ngày chủ nhật bình an và vui, khỏe.

Caroline Thanh Hương 

 

 tt tt

 

Kèm theo đây có một youtube quay lại chút hình ảnh những đường phố Đà Lạt, nhưng đăy là người của thế hệ sau này, nên anh không hiểu biết nhiều để giới thiệu đến chúng ta rành mạch như người của đời trước một chín bảy lăm. Chúng ta nên coi để biết mà thôi vì hình ảnh những trường học hay cơ quan nhiều khi rất hạn chế, không được quay chụp như chúng ta muốn  được.

Cám ơn anh Youtuber.

CRTH

Kính chuyển
HV (HVC )

CHUNG DÒNG ĐỊNH PHẬN
1- Chung chuyến xe Lam
Hôm đó là ngày thứ Hai 15/11/1971, ngày khai giảng Niên Khóa 1971-1972 của Viện Đại Học Đà Lạt. Bến xe Lam phía sau rạp hát Hòa Bình tấp nập hơn bình thường. Những chuyến xe chạy về hướng Viện Đại Học chở toàn là trai tân, gái lịch, trẻ trung và rạng rỡ trong những bộ y phục rất hợp thời trang.  Tôi ngồi đối diện với một người có dáng dấp nghệ sĩ nhưng mang gương mặt "rất sữa" trên chuyến xe Lam chạy lên trường.

Anh chàng chào hết mọi người trên xe bằng những nụ cười thật tươi tắn như muốn khoe cả...chiếc răng khểnh. Với foulard choàng cổ, par dessus dài ngang gối; tập sách trên tay trái, dù đen bên tay phải, cộng thêm giọng nói mềm mại, ấm áp, "chàng" là một trong những gương mặt trẻ rất "à la mode" của ngày hôm đó.  

2- Chung một niềm đam mê
Vừa bầu xong Ban Đại Diện thì cuối tháng 12/1971, anh Chủ Tịch của Ban Đại Diện năm Nhập Môn Khóa 8 CTKD, quyết định tổ chức đêm Văn Nghệ gây quỹ, để in quyển Đặc San Xuân 1972. Đến lúc đó, tôi mới biết anh bạn có gương mặt trông khá "baby", với nụ cười thật hồn nhiên- đã từng đi chung chuyến Lam trong ngày đầu nhập học đó- có một giọng hát truyền cảm hết biết! Qua "Bao Giờ Biết Tương Tư"  và ngay lần đầu "thử giọng" khi họp mặt tại cơ ngơi của Ấn quán Sivida, là chàng đã chinh phục toàn ban văn nghệ.

Bạn hát rất thoải mái, tự nhiên, như kể lể, như trang trải tâm sự. " Tôi ghé răng cắn vào. Miếng môi ngọt đắng...". Âm thanh của hai chữ "ghé răng" phát ra rất nhẹ nhàng, từ tốn và lãng mạn, nhưng nghe mãnh liệt như muốn "nhai" cả trái tim của thính giả. Buổi văn nghệ trong đêm thứ Bảy 31/12/1971 đó, không chỉ có Bao Giờ Biết Tương Tư; mà còn có Qua Cơn Mê mà anh bạn- bây giờ mới biết tên là Nguyễn Duy Tân- phụ họa với nhóm Nữ, vốn là những gương mặt khả ái của năm Nhập Môn.

Qua hôm sau, bạn đã trở thành một gương mặt nổi bật, mang "dấu ấn" của một tài năng ca nhạc trong lòng những ai có cùng một sở thích văn nghệ. Không ngờ anh bạn đồng khóa này sẽ đồng hành với tôi và hàng chục ngàn người khác trong một định phận khắc nghiệt, chỉ cách sau một mùa trọ học với vỏn vẹn có 5 tháng nhộn nhịp trong giảng đường!" Trường xưa vắng ta mai ta lại về. Cùng theo lũ em học hành như xưa ...". Định phận éo le thật đáng buồn!

3- Chung hoàn cảnh, khác nỗi niềm.
Cuối tháng 3/1972, Hà Nội xua quân vào Quảng Trị, mở màn cho một trận chiến khốc liệt tại nhiều nơi trên khắp 4 vùng Chiến Thuật của toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 4/1972, sau khi Quốc Hội thông qua Luật Ủy Quyền do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đệ trình, thì tình trạng khẩn cấp được công bố và lệnh Tổng Động Viên được chính thức ban hành.

Mặc dù biết tương lai sẽ không một chút "sáng sủa", bạn vẫn tỉnh bơ cùng với ban Văn Nghệ Toàn Trường tập dượt ráo riết cho phần văn nghệ của "Ngày Đại Học", cũng là ngày "vui chơi thỏa thích" của toàn Viện Đại Học Đà Lạt. Đây là một sinh hoạt truyền thống, rập khuôn theo phong cách giáo dục của các Đại Học Âu- Mỹ.  Không kể một tuần tập hát, rồi buổi tổng dợt tại đại học xá Rạng Đông cho phần văn nghệ; tất cả các Phân Khoa đều rầm rộ chuẩn bị những đóng góp của riêng mình, nhằm tổ chức một ngày Hội Chợ trong phạm vi của toàn Viện Đại Học; với những hàng cà phê, kiosque bán quà lưu niệm, đặc biệt là các quán Nhạc bỏ túi khắp đó đây. 

Trong không khí sinh hoạt "có một không hai" của định chế giáo dục trên toàn miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, bạn trách nhẹ tôi:
- Sao không ghi tên tham gia lần này?
- Không đủ hứng để hát hò! Vã lại tui còn có lý do riêng...
- Tôi nghĩ khác! Vui trước cái đã! Tới đâu thì tới! Que sera sera!

Buổi văn nghệ tại khoảng sân trống trong khuôn viên của nhà nguyện Năng Tĩnh kết thúc vội vã, ngay sau khi bạn vừa hát xong bản Mộng Chiều Xuân. Cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống một cách ào ạt. " ... Lòng tha thiết buông theo tiếng đàn ...Mộng vàng phút tan theo gió chiều... " Lại thêm một dấu hiệu của ngày vui không trọn vẹn, bởi cơn mưa giông đến bất ngờ, đi cũng thật vội vã!

Mọi sinh hoạt vui chơi, giải trí đều đồng loạt chấm dứt. Lúc đó là đúng 17h của ngày thứ Sáu 21/4/1972. Từ ngày giờ này trở đi, bạn và tôi; cùng những người chung hoàn cảnh, chỉ còn đúng 3 tháng để " vui nguồn sống mơ...", trước khi dấn thân vào cuồng nộ và khói lửa của "... những ngày phong trần... !".

4- Chung thân phận
"Mùa Hè Đỏ Lửa"! Tổ Quốc Lâm Nguy! Lệnh Đôn Quân của Luật Tổng Động Viên lập tức được thực thi vào đầu tháng 5/1972. Bạn và tôi cùng những ai học trễ 1 năm, đều không còn hội đủ điều kiện để được hoãn dịch học vấn. Nha Động Viên ấn định chúng tôi phải trình diện nhập ngũ trong vòng 2 tháng. Thời hạn được cho là 3 ngày, từ 17/7/1972 đến 19/7/1972.

Sáng sớm ngày thứ Hai 17/7/1972, bạn đến nhà tôi. Cùng đi với bạn là một đồng môn học bên Văn Khoa, Nguyễn Ngọc Thưởng, cũng là hàng xóm của bạn trên Đà Lạt. "Xuống Sài Gòn mấy ngày nay rồi! Đi sớm cho khỏe. Chờ đến ngày sau cùng mới trình diện thì cũng vậy thôi!". Bạn vui vẻ nói khi chúng tôi "cụng" ly cà phê, trước khi bắt Taxi để qua Quân Vụ Thị Trấn bên đường Lê Văn Duyệt. Vài tiếng đồng hồ sau đó, chúng tôi có mặt trong Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ trên Hóc Môn, Gia Định.

Sau 3 lần được cấp phép về nhà chờ khóa học quân sự, giữa tháng 8 năm đó, chúng tôi có tên trong danh sách Tân Khóa Sinh ra Nha Trang thụ huấn quân sự tại quân trường Đồng Đế. Trường Bộ Binh Thủ Đức không đủ chỗ để đào tạo các "quan nhí" cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nên Trường Hạ Sĩ Quan tại Nha Trang phụ gánh trách nhiệm này, như đã làm hồi năm Mậu Thân 1968.

Gian khổ bắt đầu bằng mưa nắng quân trường và những màn huấn nhục trời ơi đất hỡi, nhưng bạn và tôi chấp nhận dấn thân. Bạn, trong dáng vóc "công tử và nụ cười thư sinh",  gồng mình "cõng" 2 quả đạn súng cối 60 ly. Còn tôi, nhờ vào "tinh thần Sắp Sẵn" của Hướng Đạo, đã tình nguyện từ Trung Đội 1 đổi qua Trung Đội 4 của bạn và của một đồng khóa 8 Chánh Trị Kinh Doanh gốc Đà Lạt, để "ôm" thùng đạn đại liên M60 mỗi khi ra sân, bãi.

Ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy- ngoài tôi ra- còn có một anh bạn "lì đòn" khác, Lâm Hoài Nam, cũng tình nguyện từ Trung Đội 3 qua vác đạn chung với 3 đứa chúng tôi...cho vui! Sau đó, mọi người đều hiểu ra; chúng tôi gom chung một chỗ, là vì cùng "gu" văn nghệ và có một mẫu số chung là thích "thả chân du tử la cà đó đây". Vui là chính, chuyện Lính tính sau! Thế là nhóm "Du Ca súng nặng" thành hình, gồm hai chàng Hướng Đạo Sài Gòn kết hợp với hai tâm hồn đồng điệu của Đà Lạt.

5- Chung lòng Khai Phá, hạp tánh phiêu lưu.
Vừa xong 8 tuần huấn nhục và cấp hiệu Alpha ( trông như hình "con cá" )  vừa được may lên cổ áo, thì cuối tháng 10/1972, chiến dịch giải thích Hòa Đàm Paris- nhằm ngăn chặn phía Cộng Sản lấn Đất, giành Dân- được Bộ Tổng Tham Mưu gấp rút ban hành. Toàn thể Sinh Viên Sĩ Quan từ các quân trường, được gởi đi tăng cường cho tất cả Tiểu Khu trên toàn quốc, để phụ với đơn vị địa phương thực hiện công tác có tính cách chiến lược này.

Đại Đội Khóa Sinh chúng tôi được phân phối về tỉnh Bình Thuận. Tại đây, chúng tôi phân nhóm rồi được đưa về các Quận, tức Chi Khu, để chung sức với lực lượng địa phương trong việc thi hành công tác chiến tranh chính trị, theo chiều hướng và tinh thần đã được Bộ Tổng Tham Mưu ấn định và giao phó trách nhiệm.

Nhóm "Du Ca súng nặng" chúng tôi, cùng với 16 đồng đội khác, tình nguyện về công tác tại quận Hòa Đa, nơi có xã Phan Rí Thành, là vùng đông dân nhứt của tỉnh Bình Thuận. Nơi này nổi tiếng với xã Phan Rí Cửa, một thời là thủ phủ tiên khởi của Bình Thuận ở thế kỷ 17, hiện nay là nơi sinh sống của đa số dân tộc Chàm tại miền duyên hải trung phần. Chọn đến công tác tại quận Hòa Đa không phải là tình cờ, mà do chúng tôi đã biết đến địa danh và hình ảnh, từng được Bộ Thông Tin của hai nền Cộng Hòa giới thiệu rất tận tình trên các bài viết hay phim thời sự nói về Du Lịch, Kinh Tế, Văn Hóa từ rất nhiều năm trước.

Hòa Đa, ngoài tính cách lịch sử gắn liền với Dân Tộc Chàm, còn nổi tiếng khắp vùng nhờ vườn táo tại xã Lâm Lộc. Ngoài ra còn có vùng biển Thượng Văn ( tên địa phương gọi là Duồng ), là một thắng cảnh đủ đẹp để thu hút ngành du lịch trong thời bình. Tên Thượng Văn là do Tổng Thống Ngô Đình Diệm đặt cho, khi ông đi kinh lý và tìm đất để đồng bào miền bắc vào định cư. Nằm cách Hòa Đa không xa, Phan Rí Cửa là một trong vài đơn vị hành chánh, tuy ở cấp Xã, nhưng trù phú nhứt của Việt Nam Cộng Hòa.

Cơ ngơi và sinh hoạt về mọi mặt tại Phan Rí Cửa có tầm cỡ của một thị trấn, với rạp hát, sân đá banh, sân Tennis, trường Trung Học Công Lập Đệ Nhứt Cấp, Bệnh Xá toàn khoa và một hệ thống ngư nghiệp hùng hậu với ghe, thuyền ngày đêm tấp nập. Còn hàng, quán thì không thua bất cứ nơi nào tại các tỉnh, thành của miền Nam Việt Nam.

Riêng các quán cà phê thì từ cảnh trí, âm nhạc và hương vị đều không kém Đa La trong Chợ Lớn, Thượng Uyển trên đường Trần Quốc Toản, hoặc Hương Xưa tại Gò Vấp. Cà phê nhạc là nơi "dưỡng quân" thường xuyên, mỗi khi chúng tôi đến công tác tại Phan Rí Cửa, đặc biệt là tại một quán khá trang nhã ở Xóm Cồn, nghe nói là của gia đình ông Dân Biểu đối lập họ Trương, biệt hiệu Trúc Viên.

Sẵn máu phiêu lưu, cộng với "gu" văn nghệ của cả nhóm công tác, nên chúng tôi đã có nhiều lần hát hò ngoài lộ thiên, trong hội trường, ngay mé biển, tại tất cả những nơi chúng tôi đi thuyết trình trong toàn quận, kể cả trong sân trường Trung Học Phan Rí Cửa. Trong những lần sinh hoạt, bất kể là vào ban ngày hay buổi tối này, bạn luôn là "ngôi sao" phụ diễn nổi bật nhứt.

Dường như Duy Tân sinh ra là để thẩm thấu vào âm nhạc, vào thiên nhiên, vì bạn rất thường lãng đãng trong cõi mịt mờ nào đó của mộng ảo. Đôi khi trầm ngâm, xa vắng, lắm lúc bạn lại cười đùa, nói và hát hò nhiều hơn ai hết. Bạn như bất cần đời, "bạo miệng" đấu hót về mọi thứ chuyện, nhưng khi cần trao đổi một cách nghiêm chỉnh thì rất sâu sắc trong nhận định, chững chạc trong lý luận, có khi lại khôi hài một cách ...rất "bình dân"!  Khó hiểu được bạn. Nhưng "Công Tử răng khểnh"  lại rất dễ gần gũi với anh em, đặc biệt là khi có cây đàn trên tay và một ly trà, hoặc cà phê ở ngay bên cạnh.

6- Chung "chuyến xe định mệnh"
Chuyến công tác Chiến Tranh Chính Trị đợt 1 của Sinh Viên Sĩ Quan- điều động từ các quân trường trên toàn quốc- chấm dứt từ giữa tháng 1/1973. Tại Phan Thiết, đại đội khóa sinh chúng tôi được gom về Tòa Hành Chánh tỉnh, để Phòng Chiến Tranh Chính Trị của Tiểu Khu tổng kết thành quả công tác và thết tiệc khoản đãi. Hai hôm sau, thứ Sáu 19/1/1973, chúng tôi được đoàn xe Quân Vận gồm 8 chiếc GMC, mỗi xe chở một toán công tác của một quận thuộc tỉnh Bình Thuận, đưa về Nha Trang.

Hai tháng trước đó, Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng cho L19 từ Phan Thiết đón chúng tôi, khi đoàn xe từ Đồng Đế vừa rời phần đất Ninh Thuận để vào địa phận của Tuy Phong, là quận cực bắc của tỉnh Bình Thuận. Bận về lần này, Đại Tá Nghĩa cũng cho L-19 lên bao vùng, giữ an ninh lộ trình và hộ tống chúng tôi qua những đoạn đường thường hay có Việt cộng lãng vãng.

Đoạn đường quốc lộ 1 chạy qua ngã ba đi Sông Mao, tức ngay Hương lộ 404, có một dốc khá cao tại ấp Lương Sơn thuộc xã Chợ Lầu. Đoạn này chạy sát sông Lũy. Tại đây, cây cối um tùm, địa thế rậm rạp, rất dễ bị phục kích, nhứt là khi xe cộ rề rề leo dốc. Đến đây thì không còn bao xa nữa sẽ đi ngang quận Hòa Đa. Vì vậy, chúng tôi đồng loạt đội bê rê màu xanh nước biển của Đồng Đế và ngồi xoay mặt nhìn ra hai bên đường. Mục đích là chờ tới khi xe chạy ngang qua Phan Rí Thành, thì mọi người sẽ vẫy tay từ giã dân chúng tại các quán xá trước cổng quận đường.

"Đầm Già" lượn sát đọt cây, đảo một vòng quan sát ven đồi bên kia bờ sông Lũy, rồi bay trở ra quốc lộ. Chiếc L-19 rú ga lấy cao độ, nhưng nghe như có tiếng "ho", rồi hai cụm khói đen phụt ra từ cánh quạt. GMC rị mọ leo lên dốc cao. Phi cơ đã chết máy nhưng đà lướt vẫn thật nhanh và cũng thật êm. Quân xa và máy bay "gặp" nhau trên đỉnh dốc. Cánh phi cơ "vớt đầu" vài bạn ngọt xớt như tiếng róc mía! Sau đó tiếng động khô khốc của cánh máy bay chạm vào cabin ngay sau lưng tài xế, làm mọi người giựt mình, thảng thốt.

L-19 lật ngửa, rớt nằm bên vệ đường. GMC đổ một đoạn dốc ngắn rồi mới dừng hẳn lại. Vì quay ra hai bên đường, nên lúc nghe tiếng va chạm, các bạn ngồi phía bên kia băng ghế đều quay nhìn về phía sau xe. Khi thấy máy bay lật ngửa là họ la toáng lên, rồi hối nhau lập tức nhảy xuống đường để chạy tới cấp cứu viên phi công và người quan sát viên. Họ không hề biết đã có 5 thân người bật ngửa, rồi ngã vào lòng xe, nơi ba lô và sac marin của cả toán ngổn ngang chất chồng. Trên đống lỉnh kỉnh đó, có tôi cùng một anh bạn ngồi dựa lưng vào cabin, quay mặt nhìn về phía sau xe suốt từ lúc khởi hành.

Định mệnh trớ trêu, mà Tạo Hóa cũng khéo léo làm sau khi cánh máy bay "vớt hụt" 2 chiếc bê rê đầu tiên, rồi mới "liếm đầu" của 5 bạn còn lại, trước khi máy bay va chạm với góc buồng lái! Tai nạn xảy ra như chỉ trong tích tắc. Khi tôi nhoài người đỡ Ngô Quốc Thắng, nạn nhân đầu tiên cũng là người bị thương nặng nhứt, thì cũng là lúc bạn Thắng đưa tay bụm trán theo một hành động phản xạ. Vầng trán rộng của bạn bấy giờ là một mớ bầy nhầy của lớp da, xương, mỡ dồn cục, kéo từ trái qua hết bên phải. Vết thương trắng hếu màu thịt mỡ!

Chỉ khi chậm miếng băng cá nhân lên đầu bạn thì máu mới rỉ ra, thấm đầy. Vết thương trên trán Nguyễn Duy Tân tuy ngắn hơn một chút nhưng cũng phải 6, 7 cm chiều ngang và đã ra máu khi tôi buộc băng cứu thương cho bạn.  Chỉ có một bạn Sinh Viên Sĩ Quan tên Võ Công Lý, là người duy nhứt đội nón sắt. Không thấy bạn Lý chảy máu, nhưng vì có một cục u; sưng to cỡ quả trứng bồ câu ở phía sau ót, sờ vào thì thấy căng cứng, nên chúng tôi để yên đó.

Hai nạn nhân còn lại thì được anh bạn có biệt danh là "bánh mì đường" ( do sáng nào cũng đi lãnh bánh mì và đường cát về phân phát cho cả đại đội khóa sinh ) và một người khác vừa chạy trở lại, phụ băng bó. Tất cả các nạn nhân trên xe đều mê man. Để chạy đua với thời gian, thay vì chờ xe cứu thương của Quân Y từ Sông Mao chạy ra, chúng tôi nhờ 2 chiếc xe đò lỡ ( loại Renault của Pháp ) chở gấp mọi người về Phan Rí Cửa, để trực thăng tải thương đưa về Quân Y  Viện Nguyễn Huệ tại Nha Trang.
 
Thứ Sáu 19/01/1973! Một ngày đẹp trời, nhưng lại là một ngày đẫm máu ngay trên chiếc GMC chở toán Hòa Đa chúng tôi về quân trường. Đoàn quân xa của Đại Đội 727 là chuyến sau cùng trở về Đồng Đế. Ba ngày sau, trong buổi họp tổng kết chiến dịch CTCT với đại diện của Quân Đoàn II và Quân Khu 2 tại rạp Tân Tân ngoài Nha Trang, chúng tôi được vị sĩ quan Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị của Quân Đoàn II cho biết Quân Cảnh Sông Mao kết luận tai nạn hy hữu tại xã Chợ Lầu, quận Hòa Đa, là tai nạn...giao thông vì đã xảy ra ngay trên Quốc Lộ 1!

Ngày 27/01/1973, Sinh Viên Sĩ Quan của Đồng Đế lại lên đường tham gia công tác CTCT đợt 2. Chúng tôi nhận tin bạn Lý đã qua đời ngay trong đêm trước khi mọi người rời quân trường. Các bạn khác, cùng với phi công và quan sát viên của chiếc L-19, đều trên đà bình phục. Bạn Lý yểu mạng chỉ vì ...đội nón sắt! Cánh máy bay -với tốc độ đang đà bay của phi cơ còn khá cao- đã vớt mạnh vào chiếc nón. Sức va chạm làm bạn Lý dập não, long óc. Khi bị đẩy bật ra phía sau, bạn lại bị thương thêm một lần nữa ngay tại tiểu não. Phía sau gáy của bạn Lý không biết đập vào đâu, nhưng lúc bạn được đưa lên xe đò, vết thương đã sưng to bằng ngón chân cái. Võ Công Lý ra đi trong hôn mê. Không một phút giây nào hồi tỉnh!

7- Chung lối dấn thân
Cuối tháng 3/1973, công tác CTCT nhằm giải thích Hiệp Định Paris và ngăn chặn phía CS giành Dân, chiếm Đất trên toàn quốc, đồng loạt chấm dứt. Sinh Viên Sĩ Quan được trả về quân trường để tiếp tục thụ huấn quân sự.  Trừ Võ Công Lý đã qua đời, tất cả nạn nhân khác của vụ "tai nạn giao thông" giữa L19 và xe GMC, đều hoàn toàn bình phục. Việc huấn luyện tại Đồng Đế được tiếp tục theo chương trình đã ấn định. Ngày 26/06/1973 Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có thêm khoảng 600 tân Chuẩn Úy (*).

Ngoài một số đã được các đơn vị thuộc các ngành chuyên môn "chấm" trước để đưa về phục vụ, những tân sĩ quan còn lại, hoặc tình nguyện về các binh chủng tổng trừ bị, hoặc chọn nơi phục vụ, bằng cách ghi tên vào bảng ghi danh sách của Sư Đoàn và Tiểu Khu của các Vùng Chiến Thuật. Duy Tân chọn Sư Đoàn 2BB là đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ tại hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi thuộc Quân Đoàn I & Quân Khu 1, gọi tóm tắt là Vùng 1 Chiến Thuật. Nhóm "Du Ca súng nặng" chính thức dấn thân vào lửa đạn ngay sau đó.

8- Chung mặt trận, cùng chiến tuyến
Tôi chọn về Biệt Động Quân, rồi tình nguyện phục vụ ngoài Quân Khu 1, sau đó được đưa về Tiểu Đoàn 37/ Liên Đoàn 12 BĐQ. Đây là đơn vị tổng trừ bị cho toàn Quân Khu 1, nên luôn có mặt tại những "điểm nóng" từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, tổng cộng 5 tỉnh địa đầu giới tuyến. Không ai nghĩ tôi có thể trở thành một người lính Biệt Động Quân. Cũng chẳng ai ngờ bạn Tân lại là trung đội trưởng trinh sát của một trung đoàn bộ binh.

Bạn về Trung Đoàn 5, Sư Đoàn 2 Bộ Binh, là đơn vị có trách nhiệm bảo vệ hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi. Đơn vị chúng tôi và trung đoàn của bạn hai lần hợp sức cự địch tại tỉnh Quảng Tín. Lần đầu là cuối tháng 5/1974. Lúc đó, Liên Đoàn 12 BĐQ chúng tôi đụng trận tại khu vực Suối Đá, để giải tỏa áp lực địch tại vòng đai phía Tây của Tam Kỳ và cho cả quận Tiên Phước. Đánh xong là chúng tôi rút ra, để đơn vị của bạn vào càn quét và thu lượm vũ khí.

Lần thứ nhì, là khi cùng chiến đấu quanh thị xã kiêm tỉnh lỵ Tam Kỳ, đầu tháng 3/1975. Biệt Động Quân và Sư Đoàn 2BB vào vùng giao tranh cùng một lúc, di tản chiến thuật cùng một lượt trong ngày 24-03-1975. Tôi theo Liên Đoàn 12 BĐQ ngược bắc, rút về Đà Nẵng. Bạn và phần lớn Trung Đoàn 5/SĐ 2BB vượt đường máu, xuôi nam, đi về hướng Quảng Ngãi để vào căn cứ Chu Lai, là nơi đặt bản doanh của Sư Đoàn. Chúng tôi bặt tin nhau kể từ ngày hôm đó.

9- Chung cảnh ngộ
Đổi đời! Chúng tôi "trả nợ quỷ thần" trong các trại lao động khổ sai được ngụy trang bằng mỹ từ..."cải tạo"! Sau đó phải chấp nhận sống kiếp "phó thường dân" trong một nhà tù bao la hơn, phức tạp và quy mô hơn những hàng rào có vọng canh của lán trại trên rừng núi Trường Sơn. Sau khi được phóng thích, bạn về sống với gia đình trên Đà Lạt. Tôi bám lấy Sài Gòn. Những kẻ bất phùng thời gượng vui từng ngày, sống kiếp "bảy chìm, ba nổi" qua tất cả những gì có thể làm được, hoặc có được.

Người cứ vậy mà sống. Đời cứ thế dần trôi. Ngày tái ngộ là một tối tháng 3 trong khung cảnh của mùa Xuân Đà Lạt năm 1982.Tôi lên thăm cao nguyên Lâm Viên lần đầu sau đúng 10 năm..."xuống núi"! Buổi hàn huyên là một tối "cụng ly" cà phê trong Thủy Tạ với vài bạn chung đại đội quân trường.  Vết thẹo trên trán không làm bạn già đi. Cuộc sống khó khăn không làm bạn nao núng. Giọng nói vẫn trau chuốt, nụ cười vẫn thản nhiên. Bạn vẫn pha trò theo kiểu "khôi hài đen", pha lẫn chút bất cần đời như dạo nào.

Có một kỷ niệm không thể quên trong những lần tôi và các bạn Đà Lạt gặp lại nhau từ 1982 đến 1986. Đó là lần vợ chồng Duy Tân đãi ăn  tại nhà vào một tối tháng 3/1983. Phong cách "sang cả" của vợ chồng "công tử răng khểnh" được thể hiện rõ nét qua việc thết đãi bạn bè món...cầy tơ  với dĩa to, chén nhỏ,  muỗng, nĩa, dao, bày biện đẹp mắt bên cạnh hồng nhung, cúc trắng và rượu dâu trên chiếc bàn ăn trải drap trắng muốt. Chứng tỏ Đời tuy xuống tận cùng bằng số, nhưng Người vẫn phóng khoáng và thoải mái trong mọi tình huống!

Trong khi nhiều bạn đồng cảnh ở Đà Lạt kiếm sống bằng "thể dục có trả lương" tại các công trường khai thác đá quanh khu vực thác Cam Ly; thì bạn tà tà  "góp bàn tay lao động" để nắn nót những mẫu hàng thủ công nghệ, đem bỏ mối cho các quầy, sạp, trong chợ Đà Lạt bán cho du khách nội địa mua làm quà lưu niệm. "Ai bảo đời tàn khi...xuống chó!? Lên voi có chắc đã thân vinh?!"

10- Chung phận lưu vong
Kẻ trước, người sau, chúng tôi lần lượt "đổi đời" thêm một lần nữa, khi chấp nhận xa quê hương. Chúng tôi thường gọi đùa nhau bằng câu "Bọn mình là dân Ô Đi E !" ( Air ), để phân biệt với  "Ô Đi Ghe" và "Ô Đi Bộ". Tức những người "trêu ngươi hà bá", khi vượt biển trên những chiếc thuyền con; hay liều mình trước họng súng của Khmer Đỏ, để lội bộ qua Campuchia, rồi vượt sông Mékong tới Thái Lan.  Bạn ở với thân phụ bên miền viễn tây khi mới qua Hoa Kỳ. Tôi được vợ chồng cô em kế bảo lãnh qua sống tại vùng đông bắc.

Bạn liên lạc ngay với tôi khi vừa đặt chân đến xứ sở tự do. Tuy không có điều kiện gặp nhau, nhưng thư từ và phone gọi thường xuyên. Cuộc sống tất bật vì cơm áo quả có nhiều chật vật, nhưng không làm bạn nao núng trong việc trau dồi thêm kiến thức âm nhạc. Bạn viết nhạc cho mình hát. Hát nhạc cho chính mình nghe, hoặc hát cho bạn bè nghe qua điện thoại. Bạn sáng tác thật hăng hái và đều đặn mặc dù sức khỏe ngày càng sa sút. Nhưng chỉ được vài năm thì bạn bặt tin!

11- Chung niềm hoài cảm, khác mối sầu đời
Mãi gần 10 năm sau, đầu mùa hè 2014, tôi mới nhận được tin của bạn. Bạn không nêu lý do vì sao cắt đứt mọi liên lạc, nhưng có cho biết là nhờ thường xuyên "lướt sóng trên mạng" nên đã đọc được những bài tôi viết về chiến trường xưa, đơn vị cũ, cùng những kỷ niệm về thời hội học trên Đà Lạt. Nhớ chuyện xưa và mong nhận tin tức của bạn bè, nên bạn gõ vài chữ cho tôi để nối lại "nhịp cầu tri âm".

Thì ra bạn rời Bolsa để về sống tại Missouri, một tiểu bang nổi tiếng trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, với những cuộc hành hương long trọng được tổ chức hàng năm. Trong Email đầu tiên sau 10 năm vắng bóng là câu: "Tao xin lỗi. Từ ngày đau ốm tới giờ tao rất ít liên lạc ". Hỏi mãi bạn mới cho biết là " Tao chỉ còn nửa lá phổi! Thêm lọc máu mỗi ngày một lần. Mỗi lần một tiếng! Tự làm lấy tại nhà!". Thương thay!

Lúc còn đi học và khi mới vào quân trường, thì chưa thấy dấu hiệu gì rõ nét. Nhưng sau ngày bị máy bay "vớt đầu" thì bạn có vẻ hơi...tưng tửng! Mấy chục năm sau, "phong thái" đó không thay đổi. Giờ lại lâm trọng bệnh nên bạn càng thêm "đau khổ" khi không còn sức ngồi lâu như trước. Từ đó bạn đâm ra lười gõ phím, bớt gọi phone, sau khi "phán" những câu...rất gọn mà như rất cay đắng! " Tao không chán đời! Vẫn nhớ tui bay lắm! Nhưng không muốn làm gì nữa! ...Lâu lâu text vài chữ, gọi nói vài câu. Thế cũng đủ rồi. Thông cảm nhé!" .

Trong năm 2014, có một bạn thuộc Khóa 8 Chánh Trị Kinh Doanh từ trong nước đặt may một chiếc áo khá đẹp, trên đó thêu phù hiệu của Viện Đại Học Đà Lạt và in tên của toàn thể các bạn đồng khóa. Áo được gởi đến mọi người, mọi nơi. Một kỷ niệm đẹp mang tính cách rất...Thụ Nhân của người bạn học cũ! Áo của Duy Tân được gởi đến tôi để chuyển lại cho bạn.

Đọc Email của bạn khi báo tin đã nhận được áo, tôi mơ hồ nhận thấy một thoáng nghẹn ngào khi bạn trang trải hạnh phúc vừa cảm nhận được. Trong đoản văn 18 chữ đã có 3 lần ...cám ơn! "Tao đã nhận được áo.  Đẹp lắm.  Cám ơn.  Xin chuyển lời cám ơn. "Thành thật cám ơn các bạn đã có lòng nhớ đến và gởi cho áo CTKD. Sẽ giữ kỹ làm kỷ niệm để nhớ đến một quãng đời mơ mộng vô tư". Chắc chắn phải là một xúc động mãnh liệt, nên câu văn mới có âm hưởng của tiếng nấc nghẹn, trong lúc bạn bồi hồi nhớ lại quá khứ vàng son của lứa tuổi xuân thì đầy "mơ mộng vô tư".

12- Chung dòng định phận
Nguyễn Duy Tân có nhiều Bạn, mà "Bè" thì cũng không ít! Nhưng từ khi lâm trọng bệnh, bạn "hà tiện" ngôn từ, hạn chế liên lạc. Có lẽ bạn muốn cho công bằng, nên không thiên vị ai. Họa hoằn lắm mới có một câu nhắn máy, một lời gọi thăm hoặc chúc lành vào những dịp đặc biệt. Tôi hoàn toàn thông cảm, mặc dù có lúc đã nghĩ là bạn chỉ ưu tiên cho những ...hồng nhan tri kỷ! Hơn 7 năm qua, hiếm khi tôi nhận được phone, lời nhắn, hay Email của bạn. Do đó, tin bạn qua đời đến với tôi thật bất ngờ.

Bạn và tôi, cùng những người chung hoàn cảnh tha hương, thoạt đầu đều cho rằng cuộc sống nơi quê người chỉ là tạm bợ. Ai cũng khắc khoải và trăn trở về một chuyến hồi hương. Nhưng từ lâu, đa số đã thấy đất nước ban đầu được gọi là tạm dung, đã trở thành quê hương thứ nhì, cũng là nơi gởi nắm xương tàn hoặc mớ bụi tro của "tấm thân tứ đại". Bạn về với Thiên Chúa trong mùa Lễ Tạ Ơn của một năm còn đầy biến động vì dịch bệnh. Tuy chung dòng định phận, nhưng tôi thì vẫn đang chờ một chuyến về nguồn.

Bạn đã vào thiên cổ, nhưng giọng hát tặng tri âm, cành hồng dâng tận tay tri kỷ và dáng vóc công tử; cũng như cung cách bất cần đời của một người lính trinh sát, vẫn là hình ảnh tồn đọng trong tâm khảm của Đồng Môn, Đồng Cảnh, Đổng Đội cùng "những người muôn năm cũ" của Khóa 8 CTKD còn ở nơi quê nhà, hoặc đã tản lạc khắp bốn phương trời.
HUỲNH VĂN CỦA
( Đế nhớ NGUYỄN DUY TÂN R.I.P )
Trong tổng số gần 600 Chuẩn Úy, mãn khóa ngày 26/6/1973, có 453 người thăng cấp đúng thời hạn ( nghị định ký và có hiệu lực ngày 23/8/1974.) Không có tên là những người đã hy sinh, hay giải ngũ vì thương tật, hoặc đặc cách tại mặt trận trước đó. Còn lại là những quân nhân bị hoãn thăng cấp. Trong số này có tác giả và 11 chuẩn úy, do Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai ( Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân ) ký phạt mỗi người 20 "củ" ( "Củ" =  ngày trọng cấm, tức ở tù trên giấy tờ!) kèm theo lệnh phạt là quyết định hoãn thăng cấp 1 tháng ( Tướng Giai ký hồi tháng 12/1973 ).