Tên thật của Tùng Giang là Phạm Văn Lượng sinh ngày 17 tháng 11 năm 1940 tại Cambodia rồi theo gia đình về sinh sống và lớn lên tại Nha Trang. Người mẹ là một kịch sĩ cải lương mang tên Ba Được nên không gì lạ khi Tùng GIang mang nặng máu văn nghệ trong người.
DUYÊN VĂN NGHỆ
Năm 1956, thiếu niên 15 tuổi Tùng Giang là trưởng ban văn nghệ trường trung học Võ Tánh Nha Trang. Anh đánh trống kiêm quản thủ nhạc cụ của nhà trường. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lúc đó, từ Sàigòn bay ra Nha Trang tổ chức Ðại Nhạc Hội “Thùy Dương”, mang theo các nghệ sĩ lừng danh như Hồng Phúc, Thúy Nga, Thanh Thoại, Thùy Hương, Hoàng Thi Thao, Nghiêm Phú Phi… Tại đây, nhạc sĩ họ Hoàng biết được trường Võ Tánh có một bộ trống “xịn” và qua môi giới của một giáo sư bạn, ông tới nơi với ý định mượn bộ trống tăng cường cho đại nhạc hội. Từ duyên cớ trên, ông bầu họ Hoàng gặp chú bé Tùng Giang 15 tuổi đang chơi trống một cách say xưa. Với con mắt nhà nghề, nhìn cách “khua” trống của Tùng, ông nhận ra ngay một tài năng thời kỳ trứng ấp. Nên thay vì chỉ mượn trống, ông mời luôn “trống sĩ” Tùng Giang đến thao diễn.
Lần đầu tiên giáp kiến với các nghệ sĩ tay tổ của Sàigòn, lại được mời chơi chung, Tùng Giang rét quá, ngẩng người bối rối tới không dám cười và hỏi lại nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: “Chơi hay thiệt vậy anh?” Là một nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm, nhạc sĩ họ Hoàng cười thay cho câu trả lời. Bấy giờ Tùng Giang mới dám hé môi đáp lễ. Anh Hoàng Thi Thơ kể: “Nụ cười đó mang đầy tính chinh phục, chứa một cá biệt độc đáo, tới độ, nếu che hết khuôn mặt hắn, chỉ chừa nụ cười cũng biết hắn là ai”.
LẦN ÐẦU QUEN VỚI LỬA
Tối đó, trước một rừng khán giả địa phương, bên cạnh những bậc thầy âm nhạc, đáng lẽ chú bé Tùng Giang phải khớp, nhưng Tùng Giang kể: “Tôi bậm môi cho lên tinh thần và chơi trong sự kích thích tột độ. Cuối cùng là những tràng pháo tay, những reo hò tán thưởng của khán giả, nên tôi biết mình đã thành công”. Chia sẻ hạnh phúc này với Tùng Giang là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, ông vừa khám phá ra một tài năng tí hon tỉnh lẻ. Do đó, ông ngỏ ý muốn nhận Tùng Giang như học trò, và hy vọng được hướng dẫn thêm, để đưa Tùng Giang vào nghiệp cầm ca. Tùng Giang tâm tình: “Lúc đó mình đang có hai ba cô bồ nhí, mà đứa nào cũng ngon cơm, cũng thích mình hết, bỏ đi uổng quá, hơn nữa, ông già mình, cũng chưa muốn cho mình sớm bỏ học, thiệt là tấn thối lưỡng nan. Tuy nhiên địa chỉ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đưa lúc nào mình cũng cất kỹ trong bóp.
Ngày tháng trôi qua, bất cứ thú vui nào, dường như cũng nhạt phai, chỉ riêng có máu say mê văn nghệ, mỗi ngày mỗi sôi sục hơn và Tùng Giang, vào một đêm mùa thu, quyết định trốn nhà, leo lên chuyến xe lửa Nha Trang-Sàigòn đi tìm sự nghiệp. Duyên văn nghệ một lần nữa đến với Tùng Giang. Ðó là, ở ngay chuyến xe lửa xuôi Nam, Tùng Giang gặp được đoàn kịch Tân Dân Nam với Lam Phương, Lê Duyên, Phùng Trọng, Túy Phượng, Tùng Lâm, Túy Hoa trên đường lưu diễn trở về. Sau khi trắc nghiệm khả năng, thương quý tính giang hồ, Tùng Giang được Ban Tân Dân Nam nhận vào nhóm và Túy Phượng trở thành người chị đỡ đầu của Tùng Giang, mặc dù hai người suýt soát tuổi nhau. Với ban Tân Dân Nam, Tùng Giang xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu Nam Quang qua vở kịch “tình chị”, đóng vai em Túy Phượng. “Thằng nhỏ run quá,” Tùng Giang kể: “Bởi lần đầu trên sân khấu to tổ bố, khán giả đông nghẹt, lại diễn chung với toàn tài danh gạo cội của Sàigòn…” Ðôi mắt Tùng Giang bỗng như mơ màng về thuở đầu đời diễn kịch của mình. Anh xuống giọng trầm: “Nhưng cũng nhờ cái run đó, đúng với vai kịch nên khán giả hoan hô quá chừng”. Và Túy Phương cũng như toàn ban Tân Dân Nam bắt đầu “cưng” Tùng Giang hơn. Cưng tới độ, đích thân Túy Phượng đưa Tùng Giang về Nha Trang và xin phép gia đình cho nhận Tùng Giang làm em nuôi. Tùng Giang kể thêm: “Mình thích chị Túy Phượng lắm. Lúc đó, chị nổi tiếng là nữ hoàng twist, chị đẹp lộng lẫy, mắt to hột nhãn. Là người Miền Nam, Túy Phượng rất tự nhiên, chị thường xoa đầu mình, đôi khi bóp vai, có lúc bóp cổ, mình rùng mình, khoái tỉ tê rồi tự hỏi, không biết người chị nuôi có phê như mình hay không?” Tùng Giang rất thích tâm sự với bạn bè về những nuông chìu mà Túy Phượng dành cho. Anh cũng cảm thấy ngoài tính bao che cho một “cậu em” dễ thương, Túy Phượng hình như còn gởi gấm nơi đó một cái gì thân ái khác. Rời xa Túy Phượng sau hai năm ở với Tân Dân Nam, là do Anh Lân, dượng của Túy Phượng, thấy hai người khắng khít quá, ông không bằng lòng.
CON ÐƯỜNG SỰ NGHIỆP
Không được cạnh kề Túy Phượng, nhưng những kỷ niệm dấu ái đầu đời vẫn đeo đẳng chàng, cuốn quấn chàng như cây cành, sông nước. Những ngày tiếp đó, trên bước đường giang hồ, Tùng Giang lọt vào mắt nhà nghề của điện ảnh gia Thái Thúc Nha, Giám đốc phim trường Alpha. Anh được giới thiệu vào học nghề chuyển âm và ráp nối phim. Thông minh và yêu nghề, không bao lâu Tùng Giang trở thành một chuyên viên âm thanh điện ảnh hữu hạng. Cho tới khi Sư phụ Tư Chơi biết Tùng Giang vẫn còn đam mê đánh trống, ông gởi Tùng cho danh trống Huỳnh Háo huấn luyện. Như rồng gặp mây, Tùng Giang càng ngày càng điêu luyện và sắc xảo hơn. Từ đó, bước chân giang hồ văn nghệ Tùng Giang càng lúc càng mở rộng. Tùng Giang chơi cho Lệ Uyên, Lệ Mai và làm bạn với Khánh Ly đang hát cho Ðồng Khánh. Cùng với sự nghiệp ca nhạc, bạn bè ai cũng “ớn” Giang về mặt ái tình. Bồ bịch, người đẹp đến với chàng như tiếng trống khua. Con đường sự nghiệp đang thênh thang tới vầng hồng nghệ thuật, biến cố 30 tháng 4,1975 xảy đến. Nhờ chơi cho club Mỹ, Tùng Giang sớm thoát thân ra hải ngoại và định cư tại Hoa Kỳ.
Là nhạc sĩ tị nạn Việt Nam đầu tiên có phòng thu âm loại “xịn” nằm trên đường Garden Grove, tiểu bang California, cùng với tài năng sẵn có, đáng lẽ Tùng Giang phải hưởng thành công về mọi mặt. Nhưng bạn bè thân thiết Tùng cho biết, Tùng Giang là người có tài có tật. Anh mải mê chơi đùa quên cả tương lai, nhất là bệnh ghiền “bắt bướm hái hoa”. Dần dần, nghề của anh trở thành lỗi thời. Khi tuổi đời cao thêm, anh nhụt dần đi ý chí. Trở về Việt Nam, không được trọng dụng. Thể chất suy yếu, tinh thần bạc nhược, bệnh tật từ lâu phục kích trổi dậy. Tùng Giang hiện nay như một người ngồi ngoài ghềnh đá, đợi chờ một chuyến đi không một bạn đồng hành.
Với cái số luôn may mắn từ đào hoa đến nghề nghiệp cộng thêm tài năng, mức độ sáng kiến dồi giàu nên chẳng bao lâu Tùng Giang đã lên được đến đỉnh vinh quang cùng thời với những nhạc sĩ trẻ sáng tác khác của thế hệ trước 1975 như Nguyễn Trung Cang, Quốc Dũng, Lê Hựu Hà, Đức Huy.
Có thể nói thành công lớn lao để đời của Tùng Giang là những cuốn băng ‘Nhạc Trẻ Tùng Giang’ xuất hiện vào những năm đầu của thập niên 70. Theo chân Jo Marcel, Tùng Giang đã cho ra đời một loạt những băng nhạc nói trên, trong đó tôi thích nhất là cuốn “Nhạc Trẻ Tùng Giang 2”.
Các nhạc phẩm tiêu biểu: Anh Đã Quên Mùa Thu, Biết Đến Thuở Nảo, Biển Vắng, Người Tình Người Đẹp Xinh Xinh, Tôi Với Trời Bơ Vơ.

Nguồn: Tổng Hợp