caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 24 novembre 2018

Nhật ký Biển Đông Hoàng Sa - Trường Sa hai mảnh Việt Nam trôi dạt trên biển Đông.

tt

Tiếp nối bài sưu tầm lần trước vềnhật ký Việt Trung của bác sĩ PNeis,

 NHẬT KÝ TRÊN BIÊN GIỚI VIỆT TRUNG CỦA BÁC SĨ P.NEIS năm 1885 đến 1887.

 lần này, mời quý anh chị đọc thêm tài liệu của anh Nguyễn Nhơn sưu tầm.
Cám ơn anh Nguyễn Nhơn và tác giả các bài viết.
Caroline Thanh Hương

Hoàng Sa - Trường Sa thuộc Chủ Quyền Bất Khả Tranh Cải của Việt Nam

Trích: " Paris: Tin vui cho Việt Nam: Lần đầu tiên từ lâu truyền thông Việt về Biển đảo HS/TS đươc công luận & báo chí Pháp và UNESCO tích cực ủng hộ chiếu tướng BK !! // Bưu Chính Pháp phát hành Bộ Tem cò Biển đảo VN // Pháp đang tăng cường ... " ( Thaison Nguyen )

Để đáp lời Giáo sư Thaison Nguyen, xin gởi lại một bản sưu khảo và một bài ca xác quyết: " Hoàng Sa - Trường Sa thuộc Chủ Quyền Bất khả Tranh cải của Việt Nam. "

Nhật ký Biển Đông Hoàng Sa - Trường Sa hai mảnh Việt Nam trôi dạt trên biển Đông



Lịch sử Hoàng Sa thời Chúa Nguyễn và Nhà Nguyễn
Bản đồ Đông Nam Á do người phương Tây vẽ năm 1606, Hoàng Sa (Pracel) được ghi thuộc Champa tại vị trí trong đất liền giữa Cinoa (Thuận Hóa) và Champa là Cofta de Pracel (bằng tiếng Latin).
Quần đảo Hoàng Sa (Paracel), với tên gọi "Baixos de Chapar ou de Pulls Scir", tức là Bãi cát Chămpa (bãi đá ngầm), nằm trong Vịnh Cochinchine (Golfe de la Cochin Chine), phần phía đông bắc của bản đồ khu vực Đông Nam Á do Jean-Baptiste Nolin (1657-1708) vẽ xong năm 1687.
Quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel) cùng với tên gọi "Baixos de Chapar de Pullo Scir", trong bản đồ của Joachim Ottens (1663 - 1719) vẽ xong năm 1710.
Bản đồ Đàng Ngoài Việt Nam (Ton Kin), Đàng Trong Việt Nam (Cochin Chin) cùng quần đảo Hoàng Sa (le Paracel) (có cùng một cách tô đường viền màu xanh dương nhạt), Lào(Laos), Trung Hoa (Chine) cùng đảo Hải Nam (Hainam I.), năm 1771. Trong bản đồ gốc cương vực Vương quốc Trung Hoa được giới hạn bằng đường viền màu vàng và không bao gồm quần đảo Hoàng Sa (le Paracel).
Bản đồ đường qua xứ Quảng Nam thời Lê trung hưng, theo Thiên Nam lộ đồ vẽ lại năm 1741(bản sao chép của Dumoutier). Bãi cát vàng (鐄葛?) trên bản đồ tức là Hoàng Sa
Hoàng Sa (phía dưới, bên trái, ghi là "Bãi Cát Vàng"), trong tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá biên soạn năm Chính Hòa thứ 7 (1686) đời Lê Hy Tông
Bản đồ Biển Đông của Robert Sayer (1725-1794), nhà xuất bản Luân đôn in năm 1791 ghi chú là: Paracel Bank (quần đảo Hoàng Sa) vẽ theo Dự thảo Hàng hải chỉ nam của xứ An Nam (Cochin China Đàng Trong) năm 1764.
Các quần đảo Hoàng Sa (黄沙) và Trường Sa (tức Vạn lý Trường Sa, 萬里長沙) được thể hiện trong Đại Nam nhất thống toàn đồ (năm 1834-1840).
Bản đồ Paracels Islands (Hoàng Sa) một phần của CochinChine (Vương quốc An Nam) năm 1827.
Quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ của Đức năm 1876 vẽ vùng Viễn Ấn Hinter-Indien với lời ghi rõ quần đảo thuộc xứ "Annam"
Châu bản triều Nguyễn (阮朝硃本) về việc xây đền thờ ở Hoàng Sa (黄沙寺) của đội Hoàng Sa do Phạm Văn Nguyên (笵文原) chỉ huy, (Văn bản soạn ngày 13 tháng 7 âm lịch năm Ất Mùi, Minh Mạng 16, tức ngày 5 tháng 9 năm 1835).
Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa (黄沙), ngày 13 tháng 7 năm Đinh Dậu niên hiệu Minh Mạng thứ 18 (ngày 13 tháng 8 năm 1837).
Những người đánh cá Việt Nam sống trên các đảo tuỳ theo mùa nhưng từ bao giờ thì không thể xác định được. Những người đánh cá từ các quốc gia láng giềng khác nhau thường xuyên lui tới đảo này trong hàng thế kỉ và những người đi biển có nguồn gốc ở xa hơn (người Ấn ĐộẢ Rập, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan) đã biết và nói về các đảo này từ lâu.[8]Trong số đó, có các nhà hàng hải Pháp xuống tàu từ cảng La Rochelle, ngày 7 tháng 3 năm 1568cùng với các nhà bác học dòng Tên đi Viễn Đông đã đến Hoàng Sa.[9]
Đầu thế kỉ 17: Chúa Nguyễn tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo, mỗi năm 8 tháng để khai thác các nguồn lợi: đánh cá, thâu lượm những tài nguyên của đảo và những hoá vật do lấy được từ những tàu đắm. Theo Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đônthì: "Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia phải đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngot. Trong đảo có bãi cát vàng dài, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy... Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhân giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu ([nước ngoài bị đắm vì bão]),... Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp,... Họ Nguyễn đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi,..., cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên,..., cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản... Hoàng Sa gần phủ Liêm Châu đảo Hải Nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền cá Bắc Quốc,...".[10]Lịch triều hiến chương loại chí viết: "Xã An Vĩnh, huyện Bình Dương ở gần biển. Ngoài biển, phía Đông Bắc có đảo [Hoàng Sa] nhiều núi linh tinh, đến hơn 130 ngọn núi. Đi từ núi [chính] ra biển ([tức sang các đảo khác]) ước trừng một vài ngày hoặc một vài trống canh. Trên núi có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước 30 dặm, bằng phẳng rộng rãi... Các đời chúa[Nguyễn] đặt đội Hoàng Sa 70 người, người làng An Vĩnh, thay phiên nhau đi lấy hải vật. Hàng năm, cứ đến tháng 3, khi nhận được lệnh sai đi, phải đem đủ 6 tháng lương, chở 5 chiếc thuyền nhỏ ra biển, 3 ngày 3 đêm mới đến đảo ấy ([tức Hoàng Sa])... Đến tháng 8 thì đội ấy lại về, vào cửa Yêu Môn (tức cửa Thuận An) đến thành Phú Xuân, đưa nộp."[11]
Năm 1686: (năm Chính Hòa thứ 7) Đỗ Bá Công biên soạn Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư trong Hồng Đức Bản Đồ hay Toản Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ Bản Đồ. Tấm bản đồ trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ được vẽ theo bút pháp đương thời với lời chú rất rõ ràng: "Giữa biển có một dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) dài tới 400 dặm… Họ Nguyễn mỗi năm và cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn…", còn bản đồ vẽ trong Toản Tập An Nam Lộ thì ghi chú rất rõ địa danh Bãi Cát Vàng trên biển khơi phía trước của những địa danh trên đất liền như các cửa biển Đại Chiêm, Sa Kỳ, Mỹ Á, phủ Quảng Nghĩa và các huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa.
Năm 1695: nhà sư Thích Đại Sán (1633- 1704, hiệu Thạch Liêm, quê ở tỉnh Giang TâyTàu, đến Phú Xuân theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu) đã nhắc đến địa danh "Vạn lí Trường Sa" ngoài Biển Đông (ám chỉ quần đảo Hoàng Sa[12][13]) trong quyển 3 của tập sách Hải ngoại kỉ sự. Trích một đoạn sách do Nguyễn Phương và Nguyễn Duy Bột (Viện đại học Huế - Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, 1963) dịch: "Khách có người bảo: mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng vào độ nửa tháng trước sau tiết lập thu; chừng ấy, gió tây nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng bốn năm ngày đêm có thể đến Hổ Môn. Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần nổi lên, nước chảy về hướng đông, sức gió nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về đông, lúc ấy sẽ khó giữ được sự ổn tiện vậy. Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ đông bắc qua tây nam; đống cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm vào ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là Vạn lí Trường Sa, mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa; Nếu thuyền bị trái gió trái nước tất vào, dầu không tan nát, cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tất vào. Mùa thu nước dòng cạn, chảy rút về hướng đông, bị một ngọn sóng đưa đi thuyền có thể trôi xa cả trăm dặm; sức gió chẳng mạnh, sợ có hiểm hoạ Trường Sa."[13][14]
Năm 1698: Quần đảo trở nên nổi tiếng trong các biên niên sử hàng hải với vụ đắm tàu Amphitrite dưới thời vua Louis XIV trong khi đi từ Pháp sang Tàu.[15]
Năm 1753: Có 10 người lính của Đội Bắc Hải đến quần đảo Trường Sa: 8 người xuống đảo, còn 2 người thì ở lại canh thuyền. Thình lình cơn bão tới và thuyền bị trôi dạt đến cảng Thanh Lan của Tàu. Chính quyền Trung Hoa cho điều tra, và khi biết các sự kiện, đã cho đưa 2 người lính Việt Nam về. Lê Quý Đôn viết: "Tôiđã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa nói rằng: năm Càn Long thứ 18 (1753), có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh tổng Cát Liềm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam, một ngày tháng 7 đến Vạn lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán...".[10][16]
Năm 1816: Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình.[17]
Hai trang sách Đại Nam Thực lục Chính biên (大南實錄), bằng chữ Hán do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, viết về việc Nhà Nguyễn Việt Nam chính thức xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa với tư cách là một quốc gia, gồm: 01 trang ở Đệ nhất kỷ quyển 52 và 01 trang ở Đệ nhị kỷ quyển 122.
Năm 1835: Vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiều nhiệm vụ hơn: khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi người Pháp vào Đông Dương.
Năm 1847-1848: Quản lý hành chính các đảo được duy trì nhằm giúp đỡ các cuộc hải trình và cũng để thu thuế ngư dân trong vùng.[18](*)
Lịch sử TRƯỜNG SA
Sự thay đổi nhận thức về các đảo và quần đảo trên biển Đông của Phương Tây (châu Âu) từ thế kỷ 18 sang thế kỷ 19 (1710-1794-1801-1826).
Bản sao bản đồ Biển Đông và vùng Đông Nam Á của Matteo Ricci, vẽ trong "Khôn dư vạn quốc toàn đồ" in tại Tàu năm 1602, về sau được người Nhật Bản ghi thêm dòng chú thích bằng chữ Hán "" (Vạn Lí Trường Sa).
Trên bản đồ thường ghi I de Pracell như bản đồ Bartholomen Velho (1560), bản đồ Fernao Vaz Dourado (1590), bản đồ Van Langren (1595)... Cho đến năm 1787-1788, đoàn khảo sát Kergariou Locmaria mới xác định rõ vị trí của quần đảo Paracel (chính xác là quần đảo Hoàng Sa hiện nay) và từ đó người phương Tây mới bắt đầu phân biệt quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc với một quần đảo khác ở phía nam, tức quần đảo Trường Sa.[40]
Tên gọi
Sang thế kỷ 18 thế kỷ 19 thì các nhà hàng hải châu Âu thỉnh thoảng đi ngang qua vùng Trường Sa. Đến năm 1791 thì Henry Spratly người Anh du hành qua quần đảo và đặt tên cho đá Vành Khăn là Mischief. Năm 1843 Richard Spratly đặt tên cho một số thực thể địa lý thuộc Trường Sa, trong đó có Spratly's Sandy Island cho đảo Trường Sa. Kể từ đó Spratly dần trở thành tên tiếng Anh của cả quần đảo.[41]
Đối với người Việt thì thời nhà Lê các hải đảo ngoài khơi phía đông được gọi chung là Đại Trường Sa đảo. Đến thời nhà Nguyễn triều vua Minh Mạng thì tên Vạn Lý Trường Sa (萬里長沙) xuất hiện trong bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ của Phan Huy Chú. Bản đồ này đặt nhóm Vạn Lý Trường Sa ở phía nam nhóm Hoàng Sa (黄沙). Về mặt địa lý thì cả hai nhóm đều được khoanh lại thành một quần đảo lớn nằm dọc bờ biển miền trung nước Đại Nam.[42](*)
HOÀNG SA – TRƯỜNG SA
Chủ quyền bất khả tranh cải của Việt Nam
SỰ THỰC VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TẠI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
Như trên đã trình bày, Tàu khi bắt đầu khảo sát Tây Sa vào năm 1909 đã cho rằng Tây Sa là vô chủ. Năm 1898, chính quyền Quảng Châu, Tàu đã trả lời các khiếu nại của Công sứ Anh ở Bắc Kinh về việc những người Tàu ở Hải Nam cướp phá các tàu Bellona của Đức (bị đắm năm 1895) và tàu Humeji- Maru của Nhật (bị đắm năm 1896) do Công ty Bảo hiểm người Anh bảo hiểm, rằng: “quần đảo Tây Sa là những ḥòn đảo bị bỏ rơi, chúng không phải sở hữu của cả Trung Hoa lẫn An Nam, cũng không sáp nhập về hành chánh vào bất kỳ quận nào của Hải Nam và không có nhà chức trách nào chịu trách nhiệm về cảnh sát của chúng”. [Monique Chemillier - Gendreau, sđd, p.158].
Đến khi Pháp bắt đầu đưa ra những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam, Trung Hoa hồi đó và Tàu bây giờ lại luôn luôn nói rằng Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa) đã thuộc về Tàu từ lâu, bất khả tranh nghị, khi thì nói từ đời Minh, khi thì nói từ đời Tống. Sự thực thế nào?
Sự thực là quần đảo Hoàng Sa không hề là vô chủ như luận điểm của chính quyền Tàu năm 1909: Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục qua các đời, từ đầu thời Chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn (từ vua Gia Long), Việt Nam có khoảng gần 30 tư liệu các loại, không ít ỏi như thư của Toàn Quyền Pasquier gửi cho Bộ Trưởng Bộ Thuộc địa ngày 18-10-1930, mà đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng.
Thời kỳ Đại Việt, từ thời kỳ Nam Bắc phân tranh và thời Tây Sơn, nguồn tư liệu về Hoàng Sa hầu như chỉ còn lại tư liệu của chính quyền họ Trịnh ở Bắc Hà, chủ yếu là “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”, “Toản tập An Nam lộ” trong sách “Thiên hạ bản đồ”, trong Hồng Đức bản đồ năm 1686 và Phủ biên tạp lục năm 1776 của Lê Quý Đôn.
Trong “Thiên Nam tứ Chí lộ đồ thư” hay “Toản tập An Nam lộ”, năm 1686 có bản đồ là tài liệu xưa nhất, ghi rõ hàng năm họ Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở bãi Cát Vàng. Còn tư liệu trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, năm 1776 là tài liệu cổ, mô tả kỹ càng nhất về Hoàng Sa, quyển 2 có hai đoạn văn đề cập đến việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải.
Sang thời kỳ triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1909, có rất nhiều tài liệu chính sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
- “Dư địa chí” trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821) và sách Hoàng Việt địa dư chí (1833). Nội dung về Hoàng Sa của hai cuốn sách trên có nhiều điểm tương tự như trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cuối thế kỷ XVIII.
- Đại Nam thực lục phần Tiền biên, Quyển 10 (soạn năm 1821, khắc in năm 1844) tiếp tục khẳng định việc xác lập chủ quyền của Đại Việt cũng bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.
- Đại Nam thực lục chính biên Đệ nhất kỷ (khắc in năm 1848); Đệ nhị kỷ (khắc in xong năm 1864); Đệ tam kỷ (khắc in xong năm 1879) có cả thảy 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Tài liệu rất quí giá, là châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX), hiện đang được lưu trữ tại kho lưu trữ trung ương 1 ở Hà Nội. Ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như Bộ Công, và các cơ quan khác hay những dụ của các nhà vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc… Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) có chỉ đình hoãn kỳ vãng thám, sau đó lại tiếp tục.
- Trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí (1882 soạn xong, 1910 soạn lại lần hai và khắc in) xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản…
Ngoài ra các bản đồ cổ của Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đều vẽ bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam.
Đặc biệt nhất sự kiện năm 1836 Vua Minh Mạng sai Suất đội thủy binh Phạm Hữu Nhật, người gốc đảo Lý Sơn chỉ huy thủy quân đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, sau đó thành lệ hàng năm. Đại Nam thực lục chính biênĐệ nhị kỷ, Quyển 165 cũng đã chép rất rõ từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu vua hàng năm cử người ra Hoàng Sa ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và còn cắm cột mốc, dựng bia. Châu bản tập tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng 17 (1836) với lời châu phê của vua Minh Mạng cũng đã nêu rất rõ: “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc“.
Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển 6 còn ghi rõ : “Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc. Mỗi bài gỗ dài 5 thước rộng 6 tấc và dày 1 tấc, mỗi bài khắc những chữ: “Minh Mạng thập thất niên Bính Thân thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương đồ chí thử hữu chí đẳng tư (tờ 25b)”.
(Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ).
Vì sự kiện trên đã thành lệ hàng năm, nên Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ(1851), Quyển 207, tờ 25b-26a và Quyển 221 đã chép lại việc dựng miếu, dựng bia đá, cắm cột mốc năm 1836 và lệ hàng năm phái biền binh thủy quân đi vãng thám, vẽ bản đồ…
Về những tư liệu của Tàu minh chứng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người ta thấy:
- Hải ngoại kỷ sựcủa Thích Đại Sán (người Tàu) năm 1696. Trong Quyển 3 của Hải ngoại kỷ sự đã nói đến Vạn Lý Trường Sa khẳng định Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.
- Các bản đồ cổ Tàu do chính người Tàu vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa không thuộc về Tàu.
Khảo sát tất cả bản đồ cổ của Tàu từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy tất cả bản đồ cổ nước Tàu do người Tàu vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực Nam của biên giới phía Nam của Tàu.
Sau khi Tàu dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1/1974, nhiều đoàn khảo cổ Tàu đến các đảo thuộc quần đảo này và “phát hiện” nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền Tàu, trái lại họ lại phát hiện ở mặt Bắc ngôi miếu “Hoàng Sa tự” ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boisée) bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam.
Về những tư liệu Phương Tây cũng xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
- Nhật Ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.
- Le Mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769 – 1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels.
- Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes của Giám mục Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng Hoàng đế Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816.
- An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838, phụ bản của cuốn từ điển La tinh – Annam, ghi rõ «Paracels seu Cát Vàng» với tọa độ rõ ràng như hiện nay chứ không phải như Tàu cho là ven bờ biển. («Seu» tiếng la tinh có nghĩa «hay là», Cát Vàng: chữ nôm, Hoàng Sa: chữ Hán).
- The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol VI đã đăng bài của Giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels.
- The Journal of the Geographycal Society of London (năm 1849) GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels.
Về sau Trung Hoa đưa ra những bằng chứng ngụy tạo nói ngược lại luận điệu ban đầu xem là đất vô chủ (1909) mà cho rằng Tây Sa đã thuộc Tàu từ lâu. Ngay tên Tây Sa và Nam Sa cũng mới đặt từ sau năm 1907, và Nam Sa lại bất nhất khi chỉ Trung Sa, khi chỉ Nam Sa ở vị trí hiện nay (Spratleys).
Sự thực chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa đã rõ ràng như trên. Khi bị Trung Hoa xâm phạm, vào thời điểm ban đầu, với tư cách là người đến xâm chiếm thuộc địa, người Pháp chưa hiểu hết lịch sử chủ quyền lãnh thổ Việt Nam nên có lúc đã không lên tiếng bảo vệ kịp thời. Tuy nhiên, không lâu sau đó, chính quyền thực dân Pháp đã có đủ thông tin và thay đổi quan điểm, bảo vệ chủ quyền cho Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Sự thực là bất cứ chính quyền nào, kể cả chính quyền thuộc địa chịu trách nhiệm về quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Nguyên nhân chủ yếu khiến cho Tàu tranh chấp chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa chính là Việt Nam đã bị Pháp đô hộ và chịu ảnh hưởng những biến động chính trị quốc tế cũng như quốc nội, nhất là từ thời chiến tranh lạnh và sau này và tham vọng bành trướng mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực.
Sự thực lịch sử về chủ quyền và những hoàn cảnh lịch sử dẫn đến sự tranh chấp cùng nguyên nhân xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đã quá rõ ràng, nên giải pháp phải là “cái gì của César phải trả lại cho César”.
Bất kỳ chính quyền nào cũng như bất cứ người Việt Nam nào, dù khác chính kiến đều coi trọng việc lấy lại Hoàng Sa về với Việt Nam và bảo toàn toàn vẹn Trường Sa. Lịch sử đã chứng minh dù có hàng ngàn năm bị lệ thuộc rồi cũng có ngày với sự kiên cường, bất khuất, cuộc đấu tranh sẽ thành công. Đối với các nước Asean, trên cơ sở Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, sẽ tương nhượng trong tinh thần hợp tác giữa các thành viên trong khối, đôi bên đều có lợi.
Việt Nam và Tàu núi liền núi, sông liền sông, đã có những bài học lịch sử quý giá. Việt Nam với truyền thống hàng ngàn năm luôn kiên quyết bảo vệ quyền độc lập tự chủ của mình, song luôn luôn tôn trọng nước đàn anh Tàu, luôn theo truyền thống làm “phên dậu của Tàu”, không bao giờ làm hại đến quyền lợi Tàu.
Bất cứ giải pháp nào dựa vào sức mạnh như người Nhật đánh chiếm bằng vũ lực Hoàng Sa, Trường Sa năm 1938, 1939 cũng như Tàu dùng võ lực năm 1974 chỉ mang tính nhất thời, không có giá trị pháp lý. Có đế quốc nào mạnh như đế quốc La Mã thời Cổ đại hay đế quốc Mông Cổ thời Trung đại, hay đế quốc Anh, Pháp thời cận đại, rồi có ngày cũng suy yếu, phải bỏ những lãnh thổ chiếm giữ bằng vũ lực.
Bất cứ giải pháp nào muốn vững bền phải dựa trên sự thực lịch sử, nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự trước tiên tại Hoàng Sa và Trường Sa từ lúc chưa có ai tranh chấp, và phải dựa vào trật tự thế giới hiện hành khi có Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945 và những Nghị quyết của Liên hiệp quốc sau đó, cùng với Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982.
Mọi người kể cả người Tàu phải thấy rõ sự thật lịch sử trên!
Việt Nam phải luôn luôn nhắc đi nhắc lại cho cả thế giới được biết rằng vụ Tàu dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988 là trái phép hoàn toàn, trái với Hiến chương và các nghị quyết của Liên hiệp quốc. Không thể để cho Tàu coi vụ chiếm đóng Hoàng Sa như đã xong. Khi nội lực Việt Nam chưa đủ mạnh thì dứt khoát không ký kết bất cứ một hiệp định nào gây sự thiệt hại cho Việt Nam.
Việc cần làm ngay là phải quảng bá rộng rãi lịch sử về chủ quyền của nhà nước Việt Nam đới với Hoàng Sa và Trường Sa, và xây dựng nội lực Việt Nam vững mạnh, đoàn kết hùng cường.
Cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa cho Việt Nam cũng như sự bảo toàn quần đảo Trường Sa là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định sẽ thành công cũng như Việt Nam đã từng giành được độc lập tự chủ dù bị phong kiến phương Bắc đô hộ hơn một ngàn năm.
Hàn Nguyên Nguyễn Nhã
* Tiến sĩ Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Sự thực lịch sử về chủ quyền và những hoàn cảnh lịch sử dẫn đến sự tranh chấp cùng nguyên nhân xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đã quá rõ ràng, nên giải pháp phải là “cái gì của César phải trả lại cho César”. Bất kỳ chính quyền nào cũng như bất cứ người Việt Nam nào, dù khác chính kiến, đều coi trọng việc lấy lại Hoàng Sa về với Việt Nam và bảo toàn toàn vẹn Trường Sa. Lịch sử đã chứng minh dù có hàng ngàn năm bị lệ thuộc rồi cũng có ngày với sự kiên cường, bất khuất, cuộc đấu tranh sẽ thành công.
T.S. Nguyễn Nhã


TRƯỜNG CA HOÀNG SA TRƯỜNG SA
Tôi, cán bộ Hành chánh Quốc gia
Được huấn luyện và phục vụ
Suốt hai nền Cộng Hòa
Cho đến ngày mất nước đi tù Việt cộng


Là người làm việc Hành chánh
Biết rất rõ có ba Sắc lịnh -Nghị định
Do Chánh phủ VNCH ban hành
Qui định địa giới hành chánh


HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
Là Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa


Hoàng Sa nằm trên vỉ tuyến
Ngang với Tỉnh Quảng Nam
Nên thuộc địa phận Tỉnh nầy
Chịu trách nhiệm quản trị


Trường Sa cùng vỉ tuyến Tỉnh Bà Rịa
Địa giới và quản trị HC thuộc Tỉnh nầy
Sau cải tổ Hành chánh
Trường Sa là Đặc Khu HC thuộc Tỉnh Gia Định


Trên đây là thể chế Hành chánh
Sau đây việc thi hành
Hoàng Sa do một Đại Đội Địa
Phương Quân trấn giữ


Từng định kỳ viên chức Hành chánh
Thuộc hai Tỉnh kể trên
Vẫn tháp tùng tàu HQ vận lương
Ra thị sát việc Hành chánh và dân tình


HAI ĐẶC KHU HÀNH CHÁNH
HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA


Có người bạn Hải quân kể cho nghe
Cảnh trí tuyệt đẹp trên hai Hải Đảo
Nhiều giống chim chóc lạ và đẹp
Bay lượn thong dong trên bầu trời Tự Do


Riêng tại Đảo lớn Hoàng Sa
Bãi phân chim rộng lớn và thật dày
Có thể lập nhà máy biến chế Phốt phát
Dân sở tại được thêm chút huê lợi


Việc Hành chánh, việc dân mới ổn định
Khinh tốc đỉnh Trung cộng đã ào tới
Ngày ngày biểu dương uy hiếp
Đại đội Địa Phương quân trú phòng


Bốn chiến hạm VNCH được phái tới
Tăng cường bảo vệ Hoàng Sa
Khinh tốc đỉnh Tàu cộng tối tân, hỏa lực mạnh
Đánh chìm ngay một chiến hạm ta


Hải quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà vị quốc vong thân
Binh sĩ thuộc quyền lớp tử vong, lớp bị bắt sống


Chánh phủ VNCH trong cơn bối rối
Liền phái ngay Ngoại trưởng Vương Văn Bắc
Sang Hoa Thạnh Đốn cầu viện
Chỉ nhủn nhặn cầu xin việc nhỏ xíu


Cấp cho ngay một phi đội phi cơ Phantom
Để Không Quân VN triệt hạ
Đám khinh tốc đỉnh phỉ Tàu
Câu phúc đáp thật là chua chát


Vũ khí, quân cụ được cấp cho đó
Là để chống Cộng sản Bắc Việt
Chớ đâu phải để chọc ghẹo NƯỚC LỚN TÀU
Thôi mau về tự lo liệu đi


Những ngày tù đày trên rừng núi Hoàng Liên
Những khi phẩn chí Hải quân Trung tá Phát (?)
Dùng tiếng Đức ngùng ngoằn kể
Đánh chác cái mẹ gì khi họ a tòng xếp đặt cả rồi


Đám Hải quân tụi tui bị bắt sống
Đem về ngay Thành Phố Thượng Hải
Cho tạm trú ngay Trường học sở tại
Sáng sớm phát mỗi đứa hai trăm NDT


Cho tự do ra ngoài phố cơm nước, tiêu xài
Chiều về, lục túi, tiền còn dư, lấy lại
Sáng mai lại phát hai trăm, xài tiếp
Cứ thong dong như vậy cho đến ngày


C130 Không lực Hoa Kỳ
Đáp xuống Thành Phố Thượng Hải
Rước “Quí vị Tù binh” về xứ
Chúc quí vị thượng lộ bình an


Sướng vậy, sao quan năm còn sạc tiếng Đức?
Là sĩ quan QLVNCH, biết rõ nước sắp mất rồi
Nhưng vì TỔ QUỐC-DANH DỰ-TRÁCH NHIỆM
Biết đánh chác cái mẹ gì nhưng vẫn đánh, thế thôi


Cậu tôi là chiến sĩ Liên Tôn Phục Quốc
Ngày nay không còn nữa
Thưở sanh tiền thường dặn cháu:
Mình là con dân đất nước,
Thấy “Việc Nghĩa” hết lòng làm
Nên hư, thành bại trời đất biết”


Ngày nay trước vận nước ngặt nghèo
Bên trong lũ quan lại VC hư hèn, nhu nhược
Bên ngoài Tàu phù lẫy lừng uy hiếp
Toàn dân khốn khổ biết tính lẽ nào?


Sách có chữ rằng:
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên
Nhưng lại cũng có câu rằng:
Tận nhân lực, tri thiên mạng


Nếu toàn dân đồng lòng, vùng lên lật đổ ách quỉ Cộng
Thành lập Chánh Phủ ĐOÀN KẾT QUỐC GIA
Trên dưới cùng một lòng theo truyền thống DIÊN HỒNG
Ắt có câu trả lời khẳng định: Hoàng Sa Trường Sa là của ai?
HAI MÃNH VIỆT NAM TRÔI GIẠT
NỔI CHÌM TRÊN BIỂN ĐÔNG LÀ
LÃNH THỔ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM


Nguyễn Nhơn

Luật quốc tế: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn”, bảo vệ biển đảo Việt Nam

Tạ Văn Tài
Ph.D., luật sư, Nguyên giảng viên Đại học Luật Harvard, Hoa Kỳ.
Vào thời đại xa xưa, mà Đại Việt còn là tiểu quốc đơn độc tại Đông Nam Á trước đại cường phía Bắc, sức mạnh quân sự thiên hẳn về cường quốc phương Bắc, nhưng tinh thần dân tộc kiên cường đã chiến thắng bọn xâm lược: vua quan và nhân dân Nhà Trần đã đại thắng, đẩy lui nhiều cuốc tấn công của quân Nguyên, Lê Thái Tổ và các sĩ phu giỏi như Nguyễn Trãi cùng quân sĩ đã trường kỳ kháng chiến chống quân Minh, kết thúc bằng Tuyên ngôn Độc lập vang dậy Bình Ngô đại cáo“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn / Lấy chí nhân mà thay cường bạo”.
Việt Nam cần sử dụng tối đa chính nghĩa Luật Quốc tế để bảo vệ quyền về biển đảo tại Biển Đông, y như Tuyên ngôn Bình Ngô đại cáo: Áp dụng gương sáng và bài học lịch sử đó cho sự bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay chống tham vọng Đại Hán của Trung Quốc – tức là nếu vận dụng sức mạnh chính nghĩa của luật pháp quốc tế và do đó, sẽ có thêm sự ủng hộ ngoại giao của thế giới, thì Việt Nam ngày nay, đang có nhiều cường quốc bạn trong nền ngoại giao đa phương và Việt Nam cũng từng là nước hội viên và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, lại được tuyệt đại đa số nhân dân trong nước và hải ngoại ủng hộ việc cương nghị với Đại Hán để bảo vệ chủ quyền biển đảo – thì chắc Việt Nam không thể bị thua thiệt, bị Trung Quốc lấn át được, cho dù Trung Quốc những năm gần đây cứ thỉnh thoảng lại có hành vi hung hãn như đâm vỡ ngư thuyền của dân chài Việt Nam, bắt giam họ mà đòi tiền chuộc, đem hạm đội tầu cá và hải giám của họ ào ạt vào Biển Đông, đem giàn khoan vào Thềm lục địa Việt Nam.
Lãnh đạo cao cấp có thể dùng ngôn ngữ ngoại giao, lịch sự để cố duy trì hòa bình hữu nghị, nhưng phải để cho các nhân viên ngoại giao cấp dưới và cố vấn luật pháp dùng những lý luận cương nghị nhất trong cuộc đấu tranh pháp luật, mà trên diễn đàn quốc tế bây giờ thường gọi là lawfare, như là khí giới quan trọng ngang hàng với chuẩn bị warfare/chiến tranh, nếu cần. Vì nếu có căn bản pháp luật vững chắc cho lập trường của mình, thì một quốc gia mới có thể tìm được các sự ủng hộ về mặt chính trị – ngoại giao của các nước bạn, tức là có nhiều sức mạnh mềm (soft power) để củng cố vị thế của mình, trước khi phải bất đắc dĩ dùng đến sức mạnh quân sự trong việc tự vệ đơn phương hay tập thể (defensive warfare, collective defense), theo đúng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đúng theo nguyên tắc exhaustion of peaceful remedies (Tận dụng các biện pháp hòa bình).
Xin đề nghị một chương trình hành động để Việt Nam bảo vệ chủ quyền đất đai (sovereignty on territories) của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi có biến cố quan trọng là Phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Luật Biển trong vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc, tuy Bản án phần lớn là đưa ra các kết luận về vùng biển (maritime areas), hơn là về điểm nước nào làm chủ vùng đất đai nào (sovereignty over territories, tức đảo, đá).
Trong những năm trước khi có Bản án 2016 của Tòa án Trọng tài Luật Biển trong vụ Phi kiện Trung Quốc, thì chúng tôi đã có những nỗ lực giúp cho quyền và lợi ích của Việt Nam trong những bài viết và phát biểu cho các Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Việt Nam, ở Quảng Ngãi 2013, ở Đà Nẵng 2014 (dịp Trung Quốc đem giàn khoan vô vùng biển Việt Nam), ở Nha Trang 2016, ở Harvard University nhiều lần, ở University of California, Berkeley 2014 và ở Yale University (phải nói, riêng Hội thảo chỗ này diễn ra năm 2017), và chúng tôi cũng có các dịp trả lời cho phỏng vấn tại Truyền hình Việt Nam VTV4 hay báo Quân đội Nhân dân hay Thời báo Kinh tế Sài Gòn trong các dịp các Hội thảo trên, hay trả lời phỏng vấn trên Radio Free Asia, Radio France Internationale, Voice of America. Ngoài ra, có hai lần Hội thảo Quốc tế về phân định biên giới vùng biển và kỹ thuật khoan dầu biển khơi tại Houston, năm 2010 và 2012, trong đó chúng tôi không đóng góp bài tham luận, nhưng có đứng lên chất vấn đại diện Sở Đại dương Trung Quốc và Công ty China National Offshore Oil Corporation về những phát biểu sai pháp luật quốc tế của họ.
Trong các dịp dự các Hội thảo Quốc tế hay trả lời phỏng vấn trên, chúng tôi đã cố gắng trình bày chi tiết, ít hay nhiều tùy dịp, là chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại phần lớn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (không phải là trên tất cả các đá, bãi ngầm) và các quyền chủ quyền (sovereign rights, về tài nguyên) đi liền với các vùng biển chung quanh chúng, mà luật quốc tế dành cho Việt Nam, thì được xây trên các căn bản chắc chắn của các chứng cớ sự kiện lịch sử và các nguyên tắc của quốc tế công pháp truyền thống và của luật quốc tế mới trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea, UNCLOS).
Ngoài các lời biện hộ cho Việt Nam dựa trên căn bản các sự kiện lịch sử và các luận cứ pháp luật, chúng tôi có nhắc đến một sự kiện được một luật sư lãnh đạo đòan luật sư của Phi Luật Tân tại Tòa Luật Biển là ông Francis Jardeleza, trong hai lần ông đến Harvard thuyết trình, có nói lại với tôi là Chính phủ Phi Luật Tân, năm 2014, có rủ Việt Nam, và Malaysia nữa, cùng nạp đơn kiện Trung Quốc, sau khi Phi đã nghĩ kỹ về giải pháp thương nghị để gỉảm thiểu sự lấn lướt trong 17 năm của Trung Quốc, mà Phi cố gắng mãi không xong, nhưng Việt Nam rút cục chỉ nạp một vài ý kiến dự sự để yêu cầu Tòa để ý đến quyền lợi của Việt Nam. Rút cục thì Phi Luật Tân đã thắng vẻ vang tại Tòa Luật Biển năm 2016 mà Việt Nam thì hụt mất một cơ hội để có một Bản án về quyền lợi của mình, trong đó mình đã tham gia với tư cách nguyên đơn. Còn nếu chỉ có một văn thư xin Tòa để ý cho mình, thì Việt Nam không có một Bản án thắng Trung Quốc mà từ đó trở đi có thể dán lên ngực đại diện Trung Quốc mỗi khi phải đương đầu với họ, với luật pháp quốc tế do tòa phán quyết, như một khí giới đại nghĩa thắng được sự hung tàn. Luận cứ luật pháp là sức mạnh của kẻ yếu về quân sự, cần vận dụng tối đa, ngoài sự vận dụng ngoại giao và ủng hộ của các cường quốc mạnh về quân sự. Chính cái thành ngữ tiếng Việt “đinh đóng cột” mà tôi đã nói trên radio trong câu “quyền lợi trong Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa của các nước cận duyên như Việt Nam đã được luật quốc tế minh định chắc chắn như ‘đinh đóng cột’”, đã được một ông Trung Quốc trong đài Á Châu Tự Do nhắc lại và nói là nghe tôi nói trong đài Á Châu Tự Do và muốn hỏi lại tôi điều này, điều kia về quan điểm về quyền lợi Việt Nam.
Vì những trải nghiệm trên, chúng tôi càng có xác tín là cần phải xây dựng trên cái đà chiến thắng của luật pháp quốc tế, tượng trưng bởi Bản án 2016 của Tòa Trọng tài trong vụ Phi kiện Trung Quốc, mà suy ra Việt Nam có thể dựa trên Bản án đó mà củng cố thêm quyền lợi và thế đứng chính nghĩa của mình ra sao.
Không thể có chỗ ở đây để nhắc lại tất cả các chi tiết về các luận cứ pháp lý, về chủ quyền đất đai (sovereignty over land features) và quyền chủ quyền trong các vùng biển (sovereign rights in the maritime zones, EEZ và Continental Shelf), mà chúng tôi đã đua ra trong các bài tham luận đóng góp cho các Hội thảo Quốc tế suốt từ 2010 cho đến 2017. Vì thế ở thời điểm 2018 này, chỉ xin đề nghị là chỉ xây đắp luận cứ pháp lý cho Việt Nam dựa trên biến cố trọng đại gần đây mà thôi, tức là Bản án Tòa Trọng tài 2016 trong vụ kiện Phi chống Trung Quốc.
Xin suy ra các hệ luận từ Bản án đó trong vụ Phi kiện Trung Quốc cho vấn đề chủ quyền đất đai của Việt Nam.
Đây là làm một việc mà đạo đức nghề nghiệp luật sư (code of professional ethics) khuyến khích như một sứ mạng: cố kéo dài luật pháp (extension of the law) để nhấn đến mức tối đa lợi ích của của người hay quốc gia mình biện hộ. Ngay cả nước ưa dọa dùng võ lực và cũng đã dùng võ lực là Trung Quốc cũng phải đồng ý, dù là đồng ý miễn cưỡng, với các nước Đông Nam Á là nên biến các quy tắc ứng xử nhiệm ý ở Biển Đông (Declaration of Conduct) thành một Bộ luật Ứng xử (Code of Conduct), với giá trị cưỡng hành để có chính nghĩa của luật pháp có hiệu lực bó buộc.
Bản án Trọng tài về việc Phi kiện Trung Quốc ngày 12 tháng 7, 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) là một Bản án tuyên phán về ý nghĩa luật pháp và không có hiệu lực cưỡng hành về mặt buộc một quốc gia phải hành động gì đó, nhưng Bản án không kháng cáo được mà là chung quyết và bó buộc các phe đương tụng về mặt thẩm quyền xét xử (compulsory jurisdiction) – dù Trung Quốc lờ Tòa án đi, mà chỉ làm một bài viết bên ngoài Tòa án, không xuất hiện mà nạp Tòa. Nó là một chiến thắng vẻ vang của Phi, mà các quốc gia có tình trạng tương tự như Phi được hưởng lợi về sự giải thích luật của Bản án, và là một sự thất bại ê chề của Trung Quốc trong tham vọng quá đáng xác nhận bừa chủ quyền trên một khoảng đại dương quá lớn trong Biển Nam Hải (South China Sea), gọi là vùng Đường 9 đoạn hay Đường lưỡi bò. Khi Tòa bàn về các vấn đề dưới ánh sáng của Công ước Luật biển (United Nations Convention on the Law of the Sea – UNCLOS) năm 1982, Bản án của Tòa không xét đến các lời yêu sách, xác nhận chủ quyền về đất đai (territorial sovereignty) về đá (rocks) và đảo (islands) có trong Hoàng Sa và Trường Sa, vì chuyện chủ quyền đất đai thuộc lãnh vực của Luật Quốc tế Truyền thống hay Tập tục (Traditional or Customary International Law) đã có từ 4 thế kỷ. Nhưng Bản án có ảnh hưởng gián tiếp tới việc định nghĩa đặc tính của các mỏm đất (land features) đó.
Vì thế, sau đây sẽ xin trình bày ảnh hưởng của Bản án đối với quyền lợi của Việt Nam trong Biển Nam Hải, về các mỏm đất trong Hoàng Sa và Trường Sa
I. Tóm lược nội dung Bản án Trọng tài mà phần lớn nói về vùng biển
Bản án ban cho Phi một chiến thắng pháp lý rõ rệt, dựa trên các quy tắc luật về vùng biển (maritime zones) trong UNCLOS: Trung Quốc không thể dùng Đường chữ U (Lưỡi bò) mà đòi chủ quyền lịch sử trên 80% diện tích Nam Hải, phải từ bỏ sự quấy phá như đã làm, mà phải tôn trọng quyền chủ quyền (sovereign rights) chuyên độc của Phi Luật Tân về tài nguyên cá, dầu khí, khoáng sản trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone) và Thềm lục địa (Continental Shelf) của Phi, và không được làm hại tới mức vô phương cứu chữa, như đã làm, gây ra cho sự toàn vẹn của môi sinh đại dương. Các điểm thắng lợi pháp lý này của Phi cũng có lợi cho các quốc gia cận duyên khác, như Việt Nam, mà họ không phải nạp đơn trong một vụ kiện mới nào, ví giải thích của Tòa là áp dụng cho mọi quốc gia trong UNCLOS.
Chúng tôi đã viết bài nhận định vế Bản án Tòa Trọng tài cho Hội thảo tại Nha Trang vào ngày 17 tháng 8, 2016, Hội thảo năm 2016 này là nỗ lưc của Việt Nam tiếp tục đẩy tiến thêm các kết quả của các Hội thảo tại Quảng Ngãi năm 2013 và Đà Nẵng năm 2014.
Vì thế trước hết, xin ghi lại vài đoạn của các tham luận cho hai Hội thảo trước 2013 và 2014, để cùng thấy rõ là may thay, các kết luận hay quan điểm đưa ra trong các bài tham luận 2013 và 2014 đó, đã được tuyên nhận trong Bản án Trọng tài năm 2016 về vụ Phi kiện Trung Quốc:
China cannot show any international law basis for this ridiculous claim [on maritimes zones in the U-Line] and has been self-contradictory at international conferences when providing various vague rationales for this claim: “historical circumference”or “adjacent waters”. But such sweeping and unfounded claims are clearly in violation of the other Southeast Asian coastal states’ claims on their own territorial seas of 12 miles, their exclusive economic zones and their continental shelves of 200 miles width measuring from the base line. In these maritime zones, the coastal states are protected in the exercise of their exclusive sovereign rights under the 1982 UN Convention on the Law of the Sea (UNCLOS), articles 56, 57, 76, and 77. These sovereign rights over natural resources are exclusive to the coastal states, which they can enjoy without being required to proclaim a claim to them, and they may construct artificial structures on rocks, whether submerged or not, into artificial islands, and carry out sea research, regulate protection of environment, provided that they respect the rights of other states to freedom of navigation or to laying of oil pipelines or cables. Other states than the coastal states cannot exploit natural resources in the EEZ and Continental Shelf of the coastal states without their explicit consent. UNCLOS has reserved these exclusive rights to coastal states as firmly as ‘nail hit into a wooden pole’ (as we say in the Vietnamese proverb: “chắc như đinh đóng cột”). The U-shaped line, which claims vast ocean areas for China, is unsupported by UNCLOS (article 89 says “No State may validly purport to subject any part of the high sea to its sovereignty”)’.
“Trung Quốc không đưa ra được căn bản luật quốc tế nào cho sự nhận vơ này [về Đường 9 đoạn chữ U], mà còn mơ hồ hay mâu thuẫn trong lúc biện giải tại các hội nghị quốc tế, khi thì nói đến “vòng cung lịch sử” (historical circumference), khi thì nói đến các “vùng biển lân cận” (adjacent waters) tính từ các đảo/đá của Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng các yêu sách quá đáng và vô căn cứ này trái với quyền của các quốc gia cận duyên Đông Nam Á (quanh Biển Đông) trong vùng lãnh hải (territorial sea) 12 hải lý và trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone, EEZ) cũng như ở Thềm lục địa (Continental Shelf, CS) tính từ Đường cơ sở ra 200 hải lý. Các quyền chủ quyền về tài nguyên, tài nguyên sinh vật như cá sống trong vùng nước 200 hải lý đó, cũng như tài nguyên vô sinh như dầu khí và khoáng chất dưới đáy biển, là các quyền chuyên độc hay dành riêng (exclusive rights) của các quốc gia cận duyên, mà họ được hưởng mà không cần ra tuyên bố xác lập (UNCLOS, các điều 56, 57, 76, 77). Các quốc gia cận duyên có quyền xây các kiến trúc nhân tạo trên các đá, dù nhô trên mặt nước biển hay ngầm, thành các đảo nhân tạo, thi hành nghiên cứu biển, qui định việc bảo vệ môi sinh, miễn là họ tôn trọng các quốc gia khác khi họ sử dụng quyền tự do lưu thông hải hành (freedom of navigation) hay đặt các ống dẫn dầu và cáp ngầm. Các quốc gia khác đó không có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên trong Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia cận duyên, nếu không có sự ưng thuận minh thị của các nước cận duyên. Thực là UNCLOS dành các quyền chuyên độc cho các nước cận duyên một cách chắc chắn như “đinh đóng cột”. “Đường 9 đoạn” yêu sách vùng biển rộng lớn cho Trung Quốc, là hoàn toàn trái với UNCLOS (Điều 89 của UNCLOS nói “yêu sách chủ quyền trên biển cả là vô giá trị”).
Sau sự phản đối của Trung Quốc về thẩm quyền bó buộc của Tòa Trọng tài khi vụ kiện được đệ nạp vào năm 2013 và về sự không công nhận phán quyết chung kết về các vấn đề nội dung vào tháng 7-8/2016, được nêu ra bởi nhiều cấp bậc Chính quyền Trung Quốc, từ Chủ tịch Tập, đến Ngoại trưởng, và Người phát ngôn, thì chính ra nước Tàu đã có thái độ trầm lặng đối với Bản án (vài học giả còn nói nên công nhận một vài khía cạn của Bản án) và hình như Trung Quốc không sẵn sàng thực thi các đe dọa như xây cất thêm ở Vùng Bãi cạn Scarborough hay các đá ngầm khác, hay lập Vùng Nhận dạng Phòng không (Air Defense Identification Zone-ADIZ) tại Biển Đông. Hình như Trung Quốc thiên về thương nghị, như chính Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ nói, và thiên về đấu tranh pháp lý: không còn nói tới rút lui khỏi UNCLOS, Tòa án Tối cao Trung Quốc đưa ra một quyết nghị chống lại Tòa ở Hague, tức là Trung Quốc thấy cuộc chiến tốt hơn là cuộc đấu pháp lý (lawfare).
Do đó, ta nên chú trọng đến các luận cứ pháp lý trong chương trình sau đây cho Việt Nam, dù ta thấy có thể phải có chiến lược khác nữa là các cường quốc có hải quân mạnh, như Mỹ, có thể giúp củng cố cho cuộc đấu pháp luật với vài sự đe dọa võ lực khả tín nào đó, như đưa hàng không mẫu hạm tới Biển Đông, gần các mẩu đất có tranh chấp.
II. Ảnh hưởng của Bản án 2016 đối với việc định nghĩa tình trạng pháp lý của các mẩu đất ở Trường Sa và có thể cả ở Hoàng Sa
Bản án ngày 12 tháng 7, 2016 giải thích như sau về đặc tính của các mẩu đất tại Trường Sa: tất cả các mẩu đất đó thì (a) hoặc là đá (rocks) (tức là thực thể nổi trên mặt nước lúc thủy triều lên cao, nhưng không phải là đảo theo định nghĩa của UNCLOS, tức là khi ở trong trạng thái thiên nhiên nguyên thủy, nó có nước ngọt và động, thực vật cho con người có thể sống trong một nền kinh tế tự chủ), (b) hoặc là các thực thể chỉ thấy nhô lên khi thủy triều xuống hoặc là chìm khi nước lên. Đá thì có lãnh hải 12 hải lý bao quanh, nhưng các thực thể chìm hay chỉ thấy lúc nước xuống thì không có lãnh hải đó. Đó là nguyên tắc luật pháp: “đất ngự trị biển”. Chắc hẳn định nghĩa pháp lý này của Tòa án cũng áp dụng cho các đá và đá chìm ở Hoàng Sa. Do đó chúng tôi đề nghị là Việt Nam nên khởi động một vụ kiện tại Tòa Trọng tài, y như vụ Phi Luật Tân, để xác lập tình trạng pháp lý của các thực thể ở Hoàng Sa – mà Việt Nam vẫn tuyên nhận chủ quyền, chống sự xâm lược của Trung Quóc đã từ nhiều năm, trong đa số các thực thể đó – đều là đá, chứ không phải là đảo.
Khi Tòa tuyên bố là không thực thể nào ở Trường Sa là có thể cho con người cư ngụ được trong trạng thái thiên nhiên, thì hệ luận là không thực thể nào là đảo theo định nghĩa trong UNCLOS, mà có thể hưởng được Vùng Kinh tế Đặc quyền (Exclusive Economic Zone, EEZ) có bề rộng 200 hải lý.
Lời giải thích, tuyên nhận này của Tòa có hậu quả là bác bỏ giá trị pháp lý, thực ra không có, của luận cứ Trung Quốc vẫn đưa ra để gây tranh chấp: đòì hỏi vô căn cứ pháp lý là có một vùng Thềm lục địa hay Vùng Kinh tế Đặc quyền rộng 200 hải lý tính từ Đường cơ sở của các mỏm đá, mà Trung Quốc tự định nghĩa là đảo.
Trong hai Hội thảo Quốc tế ở Quảng Ngãi, 2013 và Đà Nẵng, 2014, chúng tôi đã đưa ra trong các bài tham luận cái đề nghị giống như tuyên phán năm 2016 của Tòa Trọng tài, để tiến tới một giải pháp trong đó gỉam được tranh chấp do yêu sách đòi quá đáng một vùng biển rộng hơn là 12 hải lý của lãnh hải (territorial sea):
[For Paracels] We can ask the Arbitral Tribunal of the Law of the Sea to use the compulsory procedure to interpret and apply UNCLOS, (articles 186, 288) and to issue a declaratory judgment to the effect that all land features in Paracels, such as Tri Ton, or even Woody, do not satisfy the conditions for qualification as islands in accordance with article 121 of UNCLOS. Islands must, in their original state of nature, have adequate conditions for human habitation and self-sustaining economy (such as soft water, food raised or planted locally – if only coca-cola is available for drinking, as a Malaysian scholar joked, then it is not island). If not island, then a land feature can only be a reef or rock (article 121, section 3). If only a rock, it has no exclusive economic zone or continental shelf, but only the 12-mile territorial sea (article 121, section3). If island, the land feature would then have territorial sea, contiguous zone, exclusive economic zone, and continental shelf. In front of the Arbitral Tribunal of the Law of the Sea, Vietnam can sue under the compulsory procedure to drag China into the tribunal which would interpret and apply UNCLOS (articles 286, 288) and hear Vietnam’s presentation of historical evidence of many centuries on the necessity of Hoang Sa flottilla to bring soft water and food on its expeditions to Hoang Sa, and then to withdraw back to the mainland for not being able to live there all year round, in a self-sustaining economy. Therefor, at the present moment, China cannot ask for the status of island for any land feature in Paracels, despite its construction of artificial structures thereon, or for any recognition of exclusive economic zone and continental shelf emanating from any land feature in Paracels.
[Về Hoàng Sa] Việt Nam có thể xin Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật Biển, theo thẩm quyền bắt buộc về giải thích và áp dụng UNCLOS (điều 186, 288), ra một Bản án tuyên nhận (declaratory judgment) rằng tất cả các hòn như Tri Tôn hay ngay cả Phú Lâm tại Hoàng Sa, đều không hội đủ điều kiện để là đảo theo định nghĩa của Điều 121 của UNCLOS. Đảo phải là nơi mà trong trạng thái thiên nhiên nguyên thủy, có đủ điều kiện hỗ trợ cho đời sống con người và một nền kinh tế tự túc (như có nước ngọt, thực phẩm nuôi và trồng tại chỗ – nếu “chỉ có cocacola thay nước” như một học giả Malaysia nói đùa, thì không phải là đảo); không đủ điều kiện là đảo thì chỉ có thể là đá (reef, rock) theo khoản 3 của Điều 121. Và nếu là đá thì không có Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa ở chung quanh, mà chỉ có lãnh hải 12 hải lý (theo khoản 3, Điều 121). Còn nếu là đảo thì có các vùng nước chung quanh như lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải (Contiguous Zone), Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa giống như lục địa vậy. Trước Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật Biển, Việt Nam có thể theo thủ tục bắt buộc (compulsory procedure) để kéo Trung Quốc ra tòa, mà yêu cầu tòa dùng thẩm quyền giải thích và áp dụng UNCLOS (Điều 286 và Điều 288), để Việt Nam trình bày được chứng cứ lịch sử của nhiều thế kỷ về hoạt động của đội Hoàng Sa trước đây hàng năm đi ra quần đảo đều phải mang nước ngọt và thực phẩm đi theo, rồi không sống quanh năm trong một nền kinh tế tự túc được, và do đó, ngay bây giờ, Trung Quốc cũng không đòi quy chế đảo cho Hoàng Sa được, và cũng không đòi Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa 200 hải lý cho Hoàng Sa được. Và do đó, vào năm 2014, Giàn khoan HD-981 đã xâm phạm vào Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa của Việt Nam.
Chính những người Trung Quốc làm việc tại Hoàng Sa trong những năm gần đây cũng phải công nhận là Hoàng Sa không đủ nước ngọt do mưa cung cấp để con người có thể sống (nước giếng thì bị cứt chim làm độc và do đó không uống được), mà cũng không có đủ rau trái mà ăn, do đó phải ăn đồ hộp mang từ đất liền ra, và sau hết không có đất trồng trọt. Do đó, mỗi tháng, phải tiếp tế đồ ăn và nước uống từ lục địa (http://www.shtong.gov.cn/…/node839…/userobject1ai121797.html. (http://baike.baidu.com/view/28617.htm).
Mở rộng chiến thuật phản biện này sang các đá ở Trường Sa, mà minh chứng tất cả các hòn ở đó đều là đá trong trạng thái thiên nhiên trước khi xây các kiến trúc nhân tạo, thì có thể giảm thiểu nhiều sự tranh giành chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển Trường Sa, vì dù Trung Quốc có chiếm vài đá và đá ngầm, họ cũng không thể đòi gì rộng hơn 12 hải lý lãnh hải quanh các đá đó (đá ngầm cũng không tạo ra lãnh hải, có xây trên đó cũng không tạo thành đảo, và chỉ quốc gia cận duyên mới có quyền xây trên đá ngầm – Điều 60 UNCLOS), không thể đòi Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa xuất phát từ các hòn đá; và “Đường 9 đoạn” càng mất cơ sở là có hòn đất nào đó để bám vào.
III. Hệ luận của Bản án đối với chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Một khi đã mô tả các đặc tính vật lý của các đá, đá ngầm, hay đá nổi lên lúc thủy triều xuống và định nghĩa tình trạng pháp lý của các thực thể đất đai ở Hoàng Sa và Trường Sa, ta còn phải giải quyết vấn đề này, là quốc gia nào có chủ quyền lãnh thổ trên các thực thể đó. Vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên các thực thể đất đai trong hai quần đảo thì do Luật Quốc tế Cổ truyền hay Tục lệ quy định.
Trong hai Hội thảo Quốc tế trước đây, năm 2013 và 2014, chúng tôi đã bàn về vấn đề này như sau:
Claims of sovereignty over each land feature in the Paracels and Spratleys must be based on the customary/traditional/ classical rule of international law of the last 4 centuries on acquisition of territorial sovereignty over land: a government wishing to establish a sovereignty claim over a land area has to assert, after discovery or occupation, its intention to make such claim, and to continue administering such area in peace, and if such land area is taken over by another government through the use of force, it has to protest in order to prevent the new authority to acquire sovereignty by prescription, i.e. continuous and undisputed exercise of sovereignty.
The historical facts about Vietnam’s discovery and occupation of Paracels, and also an unspecified number of land features in Spratleys, dated back to centuries-old Vietnamese historical records, such as Phu Bien Tap Luc (Fronties Chronicles) of Lê Quí Đôn, while Chinese historical records did not mention Paracels or Spratleys but stopped at Hainan as the southernmost boundary of China; among these Chinese records is the detailed Kiangsi emperor map of 1717 compiled by the French Jesuits, a copy of which, drawn by J.B.Bourguignon, was recently donated by German Chancellor Merkel to Chinese President Xi Jin-ping. The Vietnamese historical records under the emperors and under the French colonial rule show Vietnam’s repeated assertions of sovereignty over and administration of both Paracels and Spratleys (which were named Hoang Sa and Truong Sa). Western travelers’ and Christian missionaries’ writings also confirmed them.
During the existence of the two Vietnams from 1954 to 1975, the role of asserting sovereignty over Paracels and Spratleys fell on the Republic of Vietnam – RVN – which was entrusted with the administration of Paracels and Spratleys, situated south of the partition line of 17th parallel, by the 1954 Geneva Accords, which was signed by a number of big powers, including by China, and by the Democratic Republic of Vietnam represented by Prime Minister Pham Van Dong himself.
But the most resounding assertion of Vietnam’s sovereignty over the Paracels was the valiant sea battle the RVN navy fought on January 19, 1974 with China’s navy which was sent to occupy Hoang Sa – for a long time occupied and administered by Vietnam – after China’s announcing sovereignty over Hoang Sa and Truong Sa on January 12 and the RVN protested on January 16 with a request for the United Nations Security Council to take action, which request was repeated on January 20, for UN Security Council to hold an emergency meeting. At the June 28, 1974 UN Conference on the Law of the Sea in Caracas, the RVN repeated its claim of sovereignty over the archipelagos and its protest against illegal occupation by China. On September 24, 1975, at talks with a Vietnamese delegation on visit to China, Vice-Premier Deng Xiao-ping admitted there was dispute between China and Vietnam on the archipelagos and suggested discussion to settle the problem.
Ever since the unification of the two Vietnams into one, many times the successor state of Socialist Republic of Vietnam has protested whenever there was an encroachment by China, by presenting historical evidence on the sovereignty of Vietnam over Paracels and many territories in Spratleys, in declarations or white papers, in the years of 1978, 1979, 1980, 1981, 1982, 1984, 1988 (protesting China’s declared incorporation of the archipelagos into Hainan), 1990, 1991, 1994 (protesting – not China’s territorial claim – rather China’s signing agreement with Crestone permitting the latter to survey in Vietnam’s continental shelf and exclusive economic zone), 2012 (protesting China’s overall plan for management of islands). There was also action in defense of Vietnam’s sovereignty in 1988 when in supplying the Vietnamese navymen standing in defense Vietnam-occupied Giac Ma in the Spratleys, Vietnam suffered 64 casualties. All these words and acts claiming and defending sovereignty make it impossible for China to erode Vietnam’s sovereignty by prescription.
During the crisis of the oil rig HD-981, from May to July 2014, Vietnam brought to the area surrounding the rig many fishery inspection vessels, the maritime police or coast guard, to demand withdrawal of the oil rig, so as to preserve sovereignty and sovereign rights. Vietnamese fishermen continued to fish in the proximity, despite the harassment of the Chinese vessels, keeping a safe distance to avoid armed clash, with the purposes of earning their livelihood and asserting national sovereignty in a self-controlled manner.
This maneuver to preserve Vietnamese sovereignty by words and deeds has kept intact the claim of Vietnam over Paracels and Spratleys and avoided its erosion”.
Sự xác lập chủ quyền đối với từng thực thể lãnh thổ trong Vùng Hoàng Sa và Trường Sa này phải dựa vào quy tắc thủ đắc chủ quyền lãnh thổ của Luật Quốc tế Truyền thống hay Thông lệ của 4 thế kỷ qua: một chính quyền của một quốc gia muốn xác lập chủ quyền trên một vùng đất đai thì phải tuyên bố ý định đó, sau khi khám phá hay chiếm hữu đất đai đó, và liên tục quản lý trong hòa bình, và nếu bị một chính quyền khác dùng võ lực chiếm mất, thì phải phản đối để không cho quyền lực mới đó thủ đắc chủ quyền bằng thời hạn tiêu diệt, nghĩa là có một thời gian mà chủ thể quyền lực mới thi hành chủ quyền liên tục mà không ai phản đối.
Các bằng chứng về các sự kiện lịch sử trong câu chuyện Việt Nam khám phá và chiếm ngụ Hoàng Sa, và một số thực thể đất đai ở Trường Sa, thì đã được ghi trong các tài liệu lịch sử Việt Nam có từ nhiều thế kỷ, nhu cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn. Trong khi đó thì tài liệu lịch sử Trung Quốc không nói tới Hoàng Sa và Trường Sa mà dừng lại ở Đảo Hải Nam là vùng đất Cực Nam của Trung Quốc; trong số tài liệu đó, phải kể Bản đồ Chi tiết năm 1717 đời Vua Khang Hy của Nhà Thanh, do các linh mục Dòng Tên Pháp sưu tập, mà một bản do J.B. Bourguignon vẽ đã được Thủ tướng Đức Merkel gần đây tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tài liệu lịch sử của Việt Nam thời các vua chúa và thời Pháp thuộc cho thấy Việt Nam liên tục xác lập chủ quyền và quản lý Hoàng Sa và Trường Sa. Các sách viết bởi các du khách Phương Tây và các nhà truyền đạo Thiên Chúa Giáo cũng xác nhận như thế.
Trong thời kỳ có hai nước Việt Nam, từ 1954 đến 1975, thì vai trò khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa rơi vào tay Việt Nam Cộng hòa, được trao nhiệm vự quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ở phía nam Vĩ tuyến 17, bởi Hiệp định Geneva 1954, Hiệp định này do các cường quốc trong đó có Trung Quốc, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (do Thủ tướng P. V. Đồng đại diện) ký.
Nhưng sự khẳng định mạnh mẽ nhất về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa là trận hải chiến can đảm mà các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành ngày 19 tháng 1, năm 1974 chống lại hải quân Trung Quốc được gửi tới chiếm Hoàng Sa – từ lâu do Việt Nam chiếm đóng và quản trị – trận này xảy ra sau khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa vào ngày 12 tháng 1 và Việt Nam Cộng hòa phản đối ngày 16 tháng 1 với lời yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc can thiệp, lời yêu cầu được nhắc lại ngày 20 tháng 1, mong Hội đồng họp khẩn. Đến khi Hội nghị Luật Biển của Liên Hiệp Quốc họp ở Caracas ngày 28 tháng 6, 1974, Việt Nam Cộng hòa nhắc lại lời xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo và lời phản đối Trung Quốc xâm chiếm bất hợp pháp. Ngày 24 tháng 9, 1975, khi một phái đoàn Việt Nam qua Trung Quốc, Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình công nhận là có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam về hai quần đảo và khuyên hai bên thương thảo để giải quyết vấn đề.
Sau khi thống nhất đất nước, CHXHCN Việt Nam, kế quyền Việt Nam Cộng hòa về các quần đảo, đã nhiều lần phản đối sự xâm chiếm của Trung Quốc. Liên tục nhiều năm, Việt Nam đã phản đối và đưa ra các chứng cứ lịch sử về chủ quyền, trong lời tuyên bố hay các Bạch thư (Sách trắng) vào các năm: 1978, 1979, 1980, 1981, 1982, 1984, 1988 (phản đối Trung Quốc tuyên bố sát nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào đảo Hải Nam), 1990, 1991, 1994 (phản đối Trung Quốc ký hợp đồng với hãng Crestone cho phép thăm dò trong Thềm lục địa và Vùng Kinh tế Đặc quyền của Việt Nam), 2012 (phản đối Trung Quốc đưa ra chương trình quản lý các đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa). Việt Nam cũng phải đổ máu bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma năm 1988 khi đem đồ tiếp tế đến cho các chiến sĩ bảo vệ hòn đá đó, mà Trung Quốc tàn sát 64 chiến sĩ hải quân khi họ đang lội nước ngang lưng. Trong vụ Giàn khoan HD-981 từ tháng 5/2014 đến tháng 7, Việt Nam đã đưa tàu kiểm ngư và tàu cảnh sát biển tới vùng biển nơi HD-981 đang hoạt động trái phép để bảo vệ chủ quyền và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục đánh cá ở gần đó, mặc dù bị các tàu Trung Quốc bao vây nhưng họ vẫn giữ một khoảng cách an toàn, hầu tránh xung đột võ trang, vừa để mưu sinh, vừa để bảo vệ chủ quyền với sự tự kiềm chế, mặc dù Trung Quốc rất hung hãn, dùng võ lực, đâm tàu Việt Nam và dùng súng nước tấn công tàu Việt Nam. Các lời phản đối và hành động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển Hoàng Sa trong vụ Giàn khoan HD-981 càng cho thấy chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vùng biển chung quanh luôn được duy trì, không hề bị xói mòn.
Về các mỏm đá nổi trên mặt nước khi thủy triều ở mức cao, mà Việt Nam đã quản lý trong thời gian lâu từ các năm 1975-76 theo Luật Quốc tế Truyền thống, trước khi có Công ước Luật biển 1982, dù rằng một số ở trong Thềm lục địa hay Vùng Đặc quyền Kinh tế của Phi Luật Tân, thì Việt Nam có thể xây trên các mỏm đá, vốn là vùng đất nổi trên mặt nước trong trạng thái thiên nhiên (chứ không chìm dưới mặt nước), và tình trạng pháp lý của chúng không có gì thay đổi, và do đó, Việt Nam tiếp tục có chủ quyền lãnh thổ đối với các đá này theo Luật Quốc tế Truyền thống – vì Phi Luật Tân, nước cận duyên gần nhất, theo UNCLOS, chỉ có quyền chủ quyền về tài nguyên (sovereign rights) trong Thềm lục địa và Vùng Kinh tế Đặc quyền, chứ không có chủ quyền lãnh thổ (sovereignty over land territories) ở các vùng biển đó.
Nhưng các thực thể chìm, hay chỉ nổi lên khi mức thủy triều xuống thấp, thì có tình trạng pháp lý khác: Việt Nam, và cả Trung Quốc, không thể xây cất các cấu trúc trên các thực thể đó ở trong Thềm lục địa 200 hải lý của Phi Luật Tân, vì các thực thể đó là một phần của đáy biển trong Thềm lục địa của Phi trong đó Phi có quyền chủ quyền về tài nguyên (nhưng Phi cũng không có chủ quyền lãnh thổ).
Nhưng liệu có cái biệt lệ nào cho nguyên tắc không có chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia đối với các đá chìm, mà một vài quốc gia có thể viện ra với lý do biệt lệ chủ quyền đó là quyền thủ đắc (acquired rights) trong quá khứ? Thí dụ: liệu Việt Nam có thể lý luận hay không như sau: Các thực thể ngầm mà Việt Nam đã chiếm ngụ từ các năm trước khi có UNCLOS, 1982, và quản lý liên tục và xây cất thêm cho chúng nổi trên mặt nước, mà không chìm nữa, từ các năm xa xưa đó cho đến năm có UNCLOS 1982, thì các thực thể đó có thể coi là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam, chiếu theo Luật Quốc tế Cổ truyền, hay không? vì UNCLOS không thể áp dụng hồi tố cho các quyền và tình trạng đã thủ đắc của Việt Nam? Các lãnh thổ nổi trên mặt nước đó của Việt Nam, có trước 1982, phải chăng phải có lãnh hải 12 hải lý?
Vấn đề sau chót là Vùng Nhận dạng Phòng không ADIZ. Quốc gia nào không có chủ quyền lãnh thổ trong một vùng đất nào đó, dù là đá, thì không có quyền pháp lý lập vùng ADIZ (Air Defense Identification Zone) ở trên cái vùng đất đó, theo Luật Liên Hiệp Quốc. Đó là lập luận mà các nước Đông Nam Á hay các quốc gia khác có thể đưa ra chống lại lời yêu sách cuả Trung Quốc đòi quyền lập ADIZ trong vùng Trường Sa.
IV. Kết luận
Hậu quả thực tế của Bản án Trọng tài có thể là Trung Quốc và các nước khác không có làm gì để thay đội nguyên trạng, như rút lui khỏi các mẩu đất đá họ đã chiếm ngụ hay chiếm thêm các thực thể khác, và cùng lắm là củng cố những gì họ đã chiếm bằng cách củng cố các cấu trúc trên đó. Trung Quốc không còn nhắc đên chủ quyền dựa trên Đường chữ U, và đang cần một thời gian để lấy lại thể diện, và hình như chỉ đặt hy vọng vào kế họach khác, là khi củng cố các thực thể đá họ đã chiếm, thì sẽ biến chúng thành đảo có 12 hải lý lãnh hải và có thể có 200 hải lý Vùng Đặc quyền Kinh tế. Hy vọng này cũng không có căn bản theo UNCLOS, vì phải là đảo trong trạng thái thiên nhiên nguyên thủy mới có vùng Thềm lục địa và Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý. Vì thế các nước khác cũng chẳng cần làm gì quá, mà làm mất mặt dân chúng Trung Quốc mà họ đang bị lãnh đạo khích động với chủ nghĩa quốc gia quá khích. Việc khuyến cáo chuẩn bị một vụ kiện của Việt Nam để xác lập tính cách đá, không phải là đảo, của các thực thể ở Hoàng Sa và Trường Sa, là cốt giảm căng thẳng, căng thẳng bắt nguồn từ khuynh hướng tham lam quá mức, trái luật quốc tế, về Thềm lục địa và Vùng Đặc quyền Kinh tế, và về các hệ luận về quyền khai thác tài nguyên cá, dầu khí, và khoáng sản cho mọi dân tộc quanh Biển Đông; và do đó Việt Nam có thể cắt nghĩa cho cộng đồng quốc tế là Việt Nam muốn đóng góp vào hòa bình trong khu vực Biển Đông.
Phải công nhận đã từ rất lâu, có lẽ từ 1988 khi chiếm Gạc Ma, Trung Quốc không chiếm thêm thực thể đá đất nào mới. Về phía các quốc gia khác có quyền lợi chống bá quyền Trung Quốc, thì trong hơn một năm nay, 2017-2018, Hoa Kỳ đã thực hiện, cùng với một số nước đồng minh như Anh, Úc, các vụ hải hành xác nhận tự do hàng hải (Freedom of navigation operations – FONOPS) đi sát vào các mỏm đá ở Trường Sa và Hoàng Sa. Ngay cả Pháp và Nhật cũng biểu lộ quyết tâm bảo vệ an ninh và quyền tự do hàng hải tại Biển Đông và sẵn sàng can thiệp chung khi tình thế đòi hỏi (Theo tin Nikkei trước khi lên đường sang Tokyo ngày 26/01/2018, Bộ trưởng Florence Parly của Pháp cho rằng Pháp-Nhật cần biểu lộ quyết tâm bảo vệ an ninh và quyền tự do hàng hải tại Biển Đông và sẵn sàng can thiệp chung khi tình thế đòi hỏi. Lên án chiến lược của Trung Quốc đặt quốc tế trước “chuyện đã rồi”, nữ Bộ trưởng Pháp cảnh cáo: Không phải cứ cắm cờ ở nơi nào đó, thì nơi đó đổi chủ).
Nhưng ta vẫn thấy có vài vụ Trung Quốc tiếp tục củng cố các cấu trúc trên vài thực thể đá đã chiếm, mà không gặp sự phản ứng thực tế nào như Bộ trưởng Ngoại giao Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mathis đã dọa, và Trung Quốc dùng đòn chiến tranh tâm lý chống Viêt Nam như yêu cầu hãng dầu REPSOL của Tây Ban Nha ngưng dùng giàn khoan để khai thác lô dầu 136/03 (ngưng vào giữa năm 2017) và lô 07/03 (ngưng vào tháng 3/2018) trong Thềm lục địa của Việt Nam. Muốn Trung Quốc nể vì, cần tránh dùng các hãng của nước nhỏ như Tây Ban Nha, mà cần bám chặt các hãng dầu của Mỹ, Ấn, Nhật, Úc, vì đằng sau các hãng dầu khí đó là có các cường quốc ngáo ộp đó, để gián chỉ – deter – Trung Quốc (Làm sao Tàu dám vượt mặt hải quân Mỹ mà phá giàn khoan có Mỹ đầu tư?).
Về việc bảo vệ dân chài Việt Nam, Hội Nghề Cá cũng phản đối và yêu cầu hải giám giúp đỡ hành nghề cá. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 22/03/2018 đã tuyên bố bác bỏ lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông mà Trung Quốc lại đơn phương ban hành, cho rằng quyết định đó vi phạm luật pháp quốc tế.
T.V.T.