Kính mời quý anh chị đọc hay đọc lại truyện viết của Tràm Cà Mau, Nửa Cuốn Sách Cuội.
Truyện của Tràm Cà Mau thường có cái mốc gắn liền với những sự kiện lịch sử, nhân vật chính luôn mang một giấc mơ và một lý tưởng sống mà ông hay đưa ra cho người đọc suy ngẫm làm sao để có hạnh phúc trong thế giới đầy buồn lo, ưu phiền và áp bức khó khăn...
Cám ơn tác giả và người đọc đã gửi bài lên internet.
Caroline Thanh Hương
tt
Nửa cuốn sách cuội
Tràm Cà Mau
Họ cũng không ngờ, cái viên gạch là sinh mạng họ, đem ra để xây nhà tù, giam hãm, nhốt những kẻ hiền lương vào trong đó.
1. Đi tìm Lý tưởng
Cầm tờ lịch ghi ngày 5 tháng 5 năm 1960 trong tay, An nhìn Tâm và hỏi:
“Hôm nay bạn đúng mười chín tuổi, con đường học vấn của tương lai còn xa hun hút. Bạn muốn kê vai chống đỡ trời. Phải tự liệu sức mình trước, rồi mới dự phóng cho mộng tưởng mai sau. Bạn thử tự nhìn lại mà xem. Thân thể bạn xanh xao yếu đuối, xem bộ trói gà không chặt. Lá gan bạn cũng không lớn bao nhiêu, cứ thấy con gái là run sợ xanh mặt, ăn nói lắp bắp, bọn chúng có ăn thịt bạn đâu mà sợ đến thế? Hiểu biết và sức học của bạn, thì cũng mới qua khỏi trung học, chưa ra cơm ra khoai gì cả. Thế mà bạn cứ tự dằn vặt tâm trí làm chi. Bạn chưa làm được việc gì to tát, thì cũng bình thường mà thôi. Bạn mơ mộng chuyện đội đá vá trời, muốn thay đổi cục diện cả thế giới? Khổ chưa?”
Tâm liếc qua An, rồi ấp úng nói:
“Xưa nay các bậc anh hùng, ban đầu có ai ra gì đâu? Cả cái ông Hitler đã chọc trời khuấy động địa cầu, ban đầu cũng chỉ là một gã thợ sơn quèn, ốm yếu, đi lính thì mới có là hạ sĩ quan, học hành cũng chẳng là bao. Vua Tàu dựng nên nhà Minh ngày xưa, là một kẻ chăn trâu thất học. Và ông Mao Trạch Đông ngày nay, thời gian học hành gom lại cũng chỉ được mấy năm lẻ mà thôi…”
An cắt ngang lới bạn:
“Bởi thế nên gây khổ đau cho nhân loại, làm chết chóc hàng trăm triệu người, và cả nhiều tỉ người quằn quại trong gông cùm áp bức. Bạn muốn gì? Muốn tên tuổi bạn được lừng lẫy, không lý gì đến khổ đau của người khác?”
Tâm đỏ mặt trả lời:
“Không, không phải. Tôi chỉ muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp. công bằng tuyệt đối . Không có người bóc lột người. Ai ai cũng đều được sung sướng, ấm no, hạnh phúc.”
An cười đáp lời bạn:
“Tuyệt đối công bằng? Ngay cả trên thiên đường cũng chưa có. Thượng Đế thì ngồi chểm chệ thoải mái trên ngai vàng, tiên nữ mặt đẹp như ngọc cũng ôm ống nhổ đứng hầu cho rã lưng ra. Ông thánh còn phải làm nghề gác cửa. Mình ở trong thế gian nầy, thì phải chấp nhận cái tương đối để vui sống. Đòi hỏi cái tuyệt đối chỉ tổ làm khổ bản thân, bất mãn. Thời nào cũng có nhiều kẽ nghĩ là họ sinh lầm thế kỷ. Làm chi có tuyệt đối trên cõi đời trần tục khốn khổ nầy. Bạn có biết không, khi một người Ả Rập dệt được một tấm thảm mà không có một sơ sót nào, thì họ dùng dao cắt một sợi chỉ trên thảm, để cho nó mất cái hoàn hảo, vì sợ đụng chạm đến Thượng Đế, vì chưa chắc ngài đã được hoàn hảo. Bây giờ, giả sử bạn được nắm hết quyền hành trên toàn cõi đất nước nầy, liệu bạn có thực hiện được bao nhiêu phần trăm những điều bạn mơ ước cho xã hội?”
Tâm tần ngần ấp úng:
“Ít nhất cũng xóa bỏ được tất cả mọi bất công hiện tại. Bạn thử nhìn qua bên kia vĩ truyến 17, ở miền Bắc họ xây dựng một xã hội tốt đẹp, công bằng và no ấm hơn. Không có áp bức, khủng bố.”
An nóng cả mặt, nói lớn:
“Ai bảo với bạn như thế? Bạn đã sống trong xã hội đó chưa mà cho là công bằng, no ấm hạnh phúc? Bạn có nghe và biết những đấu tố giết người oan uổng trong cuộc cải cách ruộng đất, đàn áp và khủng bố nhóm nhân văn giai phẩm …”
Tâm khoát tay và cắt ngang lời nói của An:
“Toàn cả những tuyên truyền ấu trỉ, lếu láo, trẻ con nghe cũng không tin được. Trên đời nầy, làm chi có chuyện con cái đấu tố cha mẹ, văn nghệ sĩ bị đàn áp vì vài ba bài văn, bài thơ.”
Tâm rút trong hộc bàn mấy cuốn sách viết về lý thuyết cộng sản đưa cho An xem. Tâm gật gù:
By
Book : V.I. Lenin (1870-1924); scan/photo: Tim Davenport – Published in
1909 by the Zveno Publishing House, Moscow.; Digitized by Tim Davenport
for Wikipedia, no copyright claimed., PD-US, https://en.wikipedia.org/w/
“Tôi cho bạn mượn về đọc. Bạn sẽ thấy, càng nghiền ngẫm, càng thấm thía và muốn dấn thân ngay. Tôi ước mơ được đem tâm huyết, đem tuồi trẻ hiến dâng cho lý tưởng cao đẹp, phục vụ cho công bằng, bác ái. Xây dựng cho đất nước mau chóng được rạng rỡ hơn.”
An biết không thuyết phục được bạn, và hiểu rằng, khi tuổi trẻ say mê lý tưởng, thì còn hơn say mê tình yêu. Yêu là mù quáng, không mù quáng thì không yêu. Kẻ say mê lý tưởng, còn mù quáng gấp nhiều lần hơn. Nếu được chết cho lý tưởng, họ cũng sẵn sàng và cam lòng. An nói:
“Tôi có đọc sơ về lý thuyết cộng sản. Thấy mê lắm. Nhưng thực tế thì khác hẳn. Tôi có một người bà con, nay cụ đã hơn 95 tuổi. Cụ từng học hành, lớn lên và sinh sống tại nước Nga từ thời Nga Hoàng, thời cách mạng 1917, và cả thời trước sau đệ nhị thế chiến. Cụ biết rõ ràng cái thiên đường mơ ước của bạn. Nếu bạn muốn, tôi sẽ dẫn bạn đi thăm và thỉnh ý cụ. Sau đó, may ra bạn được sáng suốt hơn trong việc đi tìm lý tưởng cho tương lai.”
An và Tâm lặn lội đi tìm thăm cụ Long. Từ miền Trung lấy xe lửa về Nam, chuyển xe đò xuống miệt Long Xuyên, rồi chèo ghe nhỏ qua sông lạch, vào đến quận lỵ xa xôi vắng vẻ, đi bộ thêm vài cây số đường thì đến nhà ông cụ.
Tâm được dẫn vào bái kiến cụ Long, một ông già gầy gò, ngồi co ro nửa thức nữa ngủ. Râu cụ lưa thưa, tóc có nhiều cộng còn đen, hai hàm răng phía trước gần như nguyên vẹn, đóng bợn nâu vàng. Nhìn thấy dáng dấp bên ngoài của cụ, không có vẻ gì là tiên phong đạo cốt như Tâm đã vẽ vời trong trí, Tâm cũng hơi thất vọng trong lòng. Tự nhiên, niềm trân trọng trong lòng cũng hao hớt rất nhiều. Cái náo nức đi tìm lời khuyên dạy vàng ngọc cũng nguội bớt .
Trong một buổi mạn đàm uống trà, ăn bánh ngọt. Tâm do dự thưa:
“Cháu nghe nói nói cụ đã từng mòn gót chân phiêu lảng khắp năm châu bốn biển. Đã từng gặp gỡ và là bằng hữu của những nhân vật làm nên lịch sử hiện đại. Xin cụ vui lòng cho cháu biết cơ duyên nào đưa đẩy bước chân của cụ đi xa quê hương vạn dặm, đi ra xứ người trong một thời gian dài như vậy không?”
Cụ già Long khoát tay, lắc đầu nói:
“Thôi, thôi, đừng nhắc những chuyện xa xôi đó nữa, không ích lợi gì, thêm bận lòng già. Nay ta cũng đã 95 tuổi, thời gian còn thấy bóng mặt trời không lâu nữa. Ta muốn vùi chôn quá khứ. Nhiều lúc ta cũng mãi ân hận không nguôi, có lẽ ta cũng đã góp phần không ít, làm đau khổ di lụy đến hàng trăm triệu sinh linh trên thế giới nầy.”
Tâm nghĩ là ông già đã lẫn, nói chuyện mê sảng trong khi thức. Con người tầm thường như ông, làm sao mà di lụy đến hàng trăm triệu sinh linh được. Tâm nói:
“Thưa cụ, làm sao mà cụ lại lưu lạc trôi dạt qua tận nước Nga xa xôi lạnh lẽo đó. Khi ra khỏi nước, cụ đã bao nhiêu tuổi? Ở bên Nga, cụ đã làm gì?”
2. Tâm sự tuổi già
Cụ Long nhìn Tâm với ánh mắt thương xót mà nói:
“Tôi nghe cháu An nói anh đang đi tìm lý tưởng, và muốn chết cho lý tưởng anh đang tôn thờ. Đáng ra tôi im lặng, nhưng phải nói để anh biết, và sáng suốt hơn, khỏi đi lạc đường, nguy hiểm lắm. Tôi ra khỏi nước do một sự tình cờ. Nguyên ông cụ thân sinh tôi làm quan võ dưới triều vua Tự Đức, bị hàm oan phải bỏ xứ ra đi. Khi đó tôi vừa 15 tuổi, nhưng đã làu thông kinh sử, đang chuẩn bị về kinh đô tham dự kỳ thi hội. Sợ bị bắt tội, ông cụ tôi hốt cả kho đụn công khố, lấy tiền vàng trả cho chủ tàu Hòa Lan, đem vợ con đi ra khỏi xứ, khi đó chưa biết đi đến đâu. Trên tàu, nhờ có võ nghệ, ông cụ tôi đã khóa tay, và giựt được con dao của một người say rượu, cứu mạng và bảo vệ cho một thương gia người Nga khỏi bị thương tích. Ông nầy có cơ sở kinh doanh tại thành phố Saint Petersburg. Vị thương gia người Nga nầy đề nghị cho cụ tôi hợp tác kinh doanh, trông nom một cửa hàng tạp hóa tại thành phố ông ở. Nhờ có đem theo nhiều vàng ngọc, của cải nên chẳng bao lâu, ông cụ tôi đã làm chủ riêng được một cơ sở kinh doanh tại Kazan. Cụ làm ăn rất mau phát đạt nhờ cần cù, chăm chỉ, lương thiện, nên có được uy tín. Sau đó, bắt chước đám Do Thái, mở thêm tiệm cho vay, cầm đồ. Dân nghèo địa phương kháo nhau về nơi cho vay không cắt cổ quá đáng, không bóc lột như các nơi khác.”
Cụ Long ho một hồi dài, nước bọt phun ra bay trong nắng. Cụ tiếp:
“Chính nơi đây, nhiều nhà cách mạng Nga khi còn long đong, hàn vi đói rách, đã là thân chủ trung thành của tiệm cầm đồ. Có khi vay non tiền lương để vợ con bớt nheo nhóc đói khát, dài cổ trông chờ bánh mì hẩm nguội. Cũng tại đây, mà tôi quen ông Vladimir Ulianov, tức ông Lê Nin. Một hôm ông đến cầm đồ, và nhận ra tôi là bạn chung trường tại đại học Kazan, tôi học trên ông hai lớp ở phân khoa Luật học. Dạo đó vào khoảng năm 1887, khi đó tôi đã 22 tuổi, và ở nước Nga đã được bảy năm. Khi đã nhận ra bạn chung trường, chung khoa, tôi thường cho ông nầy mượn chút tiền lẽ, mà ít khi thấy ông thanh toán lại sòng phẳng. Nhưng tôi không cần đòi nợ, vì tiền do cha mẹ làm ra, không phải là mồ hôi nước mắt của riêng mình nên không tiếc. Giao tình giữa tôi và ông ấy từ đó mà thân thiết hơn.”
Cụ Long mơ màng, đưa tay vuốt mặt, rồi nói:
“Bẵng đi một thời gian chừng hơn một năm, tôi mới gặp lại ông Vladimir nầy, trông bộ gầy gò xơ xác. Đói. Ông cho biết đã bị đuổi học, và bị phát lưu đến miền Kokushino. Ông hỏi mượn tiền, và đưa một cuốn sách cũ nát làm của thế chấp. Được biết cuốn sách nầy là vật gia bảo truyền đời từ hơn nhiều ngàn năm. Không biết ông nầy có thấy tôi là người sang nên bắt quàng làm họ hay không. Ông nói rằng, tổ tiên bốn đời trước của ông cũng là người Việt, họ phò tá một vị vua mất ngôi chạy sang Tàu. Mưu sự không thành, rồi trôi dạt lên miền Ngoại Mông, Tây Bá Lợi Á, cuối cùng qua Nga lập nghiệp, lấy vợ bản xứ, sinh con đẻ cái. Ông Vladimir cho biết tên Việt của ông là Lê Ninh. Tổ tiên nguyên họ khác, nhưng vì có công giúp vua Lê Lợi khởi nghĩa, nên được đặc ân đổi thành họ Lê. Tôi nghĩ là ông nầy túng bấn, muốn mượn tiền, nên bày đặt câu chuyện làm quà mua vui. Nhưng có điều khó hiểu, là làm sao ông nầy biết được một phần của lịch sử nước Việt mình mà nói như thật. Khi mở lớp da bao bên ngoài cuốn sách, thì tôi giật mình vì thấy mấy giòng chữ Nôm ghi:
“Đừng mở và đọc tập sách nầy, vì có thể gây đại họa cho bách tính.” Sách đã cháy xém nhiều nơi. Bên trên cuốn sách, cũng có một câu phiên dịch bằng tiếng Nga, với ý nghĩa tương tự. Sau nầy truy cứu, tôi mới biết đây là nửa cuốn sách còn lại của ông Cuội trong truyện cổ tích, khi bà vợ Cuội đem sách nói dối ra đốt. Ông Cuội về kịp dập tắt, còn lại nửa cuốn.”
Tâm nháy mắt nhìn An, nghi ngờ lời nói của cụ Long là chuyện tếu của ông già lẩm cẩm. Cụ Long vẫn bình tỉnh kể tiếp:
“Tôi bằng lòng cho ông Vladimir mượn tiền, nhưng không giữ cuốn sách lại. Thấy tôi đọc được phần chữ Nôm bên ngoài, ông Vladimir hớn hở muốn biết nội dung của cuốn sách gia bảo truyền đời. Tôi cũng tò mò, dở ra xem, thì thấy sách nguyên thủy viết bằng loại chữ loăng quăng như dun bò, loại chữ viết của dân Việt trước thời kỳ Bắc thuộc, nay đã bị bỏ quên. Nhưng bên cạnh có chua bằng chữ Nôm, chữ li ti rất nhỏ. Có nơi nét đã nhòe, nếu không vững về Hán tự, thì khó mà đọc được. Tôi phiên dịch cho ông nghe vài đoạn, ông thích thú la hoảng lên như bắt được vàng. Thế là từ đó, ông cứ quấy rầy tôi mãi, đến nhờ tôi phiên dịch từng trang, và cẩn thận, trân trọng ghi chú vào cuốn sách riêng của ông. Tôi cũng khá bực mình, vì nội dung cuốn sách toàn những mánh khóe nói dối, lừa gạt, gian xảo. Thế mà ông Lê Ninh mê say như tìm được chân lý chói lòa. Bây giờ tôi cứ gọi ông Lê cho tiện, không Vladimir, Vladi-miếc gì nữa. Tôi cũng tức cười vì cái câu ghi ngoài cuốn sách, mánh khóe nói dối bịp thiên hạ, thì làm sao mà gây đại họa cho bách tính được?”
Tâm ngắt lời cụ Long:
“Thưa cụ, cụ kể chuyện đùa cho vui, hay là chuyện thật?”
Cụ Long nhíu mày nói:
“Anh nói gì? Đùa hay thật? Các anh biết, trên đời nầy, có những chuyện thật như đùa, và có những chuyện đùa như thật. Cái ông Lê nầy khá thông minh và láu lỉnh, là một người đầy tham vọng, mưu mô. Vì bị đuổi học, nên ông mượn tôi mớ sách vở, tài liệu cũ của trường Luật mà tự học, và nhờ tôi cho đề thi cũ, nhiều đề đã làm sẵn như bài tủ, mà thi đậu như thí sinh tự do. Khi tôi chuyển về Saint Petersburg làm việc cho một văn phòng luật sư, thì ông Lê xin đi theo. Tôi cho ông làm trợ tá pháp lý. Chuyên thu thập tài liệu, tin tức lặt vặt, như đánh ghen, tranh chấp hàng rào, đất đai, của cải nho nhỏ, mà ngày nay báo chí thường gọi là tin xe cán chó.”
Cụ Long im lặng một hồi, nhấp ngụm trà, cười ranh mảnh mà nói:
“Sau nầy các anh có gia đình, đừng có lăng nhăng, léng phéng thêm bà nầy, cô kia mà khổ. Chúng nó đeo dai như đỉa, gỡ không ra đâu. Dạo ấy, tôi có một người bạn gái đeo riết, đó là nàng Na-Đê. Cô ta hiền lành, dễ thương và rất lý tưởng. Dù tôi đã có vợ và hai con, nhưng cũng không gỡ ra được mối oan tình nầy. May mắn cho tôi, ông Lê thầm yêu cô nầy mê mệt. Chúng tôi ba bốn người thường cùng uống cà phê bên vỉa hè và kháo chuyện trời đất. Tôi tìm cách gán cô Na Đê qua cho ông Lê, và hai người dính nhau. Tôi thường mời cả hai đi ăn chung, và giúp đỡ tiền bạc, vật chất cho họ. Thoát ra khỏi sức bám của cô nầy, tôi mừng lắm. Khoảng cuối năm 1895 ông Lê lại bị bắt, và sau đó bị đưa đi đày tận miền đông bắc buốt giá của nước Nga. Sau ba năm đi đày về, ông Lê viết được nhiều cuốn sách, đem cho tôi xem thử. Đọc xong, tôi ngẩn ngơ, vì nội dung sách ông viết, đậm đặc ý tưởng trong nửa cuốn sách Cuội mà tôi đã dịch cho ông ghi lại. Tôi bảo ông nên đem đốt hết đi, đừng nên phổ biến những tư tưởng dóc lác nầy, làm hư cái chân thiện của loài người. Ông không giận tôi, mà còn cười, cái cười đểu lắm. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái nụ cười đểu giả đó.”
Xoa hai tay vào nhau cho nóng, rồi cụ Long vuốt mặt, trầm giọng xuống, cụ nói:
“Tôi vẫn ngấm ngầm giúp đỡ tài chánh cho hai vợ chồng ông. Dù sao, bà Lê cũng là bạn cũ thân thiết của tôi. Sau nầy, ông Lê viết thêm được nhiều tập sách khác nữa. Nội dung cũng không ra ngoài nữa cuốn sách Cuội mà ông có. Nghĩa là bịp, bịp bợm. Ông uốn nắn cái duy vật biện chứng của ông Mác, một thứ triết lý không tưởng, ác độc, và nhuần nhuyển kết hợp với tư tưởng ông Cuội để làm căn bản cho những sách của ông viết, và những điều ông nói. Phần tôi, làm ăn càng ngày càng khấm khá. Còn ông Lê cứ bị truy lùng, và phiêu dạt nay đây, mai đó, khi ra ngoại quốc, khi lẻn về nước Nga. Tôi thường an ủi bà Na-Đê, vợ ông, vì số phận bà hẩm hiu. Đừng nghĩ là tôi có tò te với bà nầy vì tình cũ không rũ cũng tới. Nhưng tôi đã nhiễm luân lý Khổng Mạnh, nên không làm điều thất thố với vợ bạn được. Thế giới chiến tranh lần thứ nhất bùng nổ, tình hình nước Nga dạo ấy rối ren khủng khiếp. Thực phẩm khan hiếm, đã lạnh mà còn đói nữa, khổ lắm. Lòng dân như một nồi nước sôi bí hơi căng cứng, chờ dịp bùng nổ. Ông Lê biết vậy, và nói với tôi: “Cứ la toáng lên, hứa hẹn đại rằng, sẽ có công ăn việc làm, có bánh mì ăn, áo mặc, công bằng, hạnh phúc, sung sướng. Sẽ có đủ thứ, thì thợ thuyền, dân nghèo ùn ùn chạy theo. Thanh niên mới lớn, lòng đầy lý tưởng bác ái, nhân đạo, nghe được những điều đó, thì mê tơi củ kiệu. Có chết cho lý tưởng, cũng hãnh diện, cam lòng”. Nhiều người cho tôi biết rằng, nước Đức đã tài trợ, cung cấp phương tiện, đưa ông Lê về để quấy động làm suy yếu nước Nga. Ông Lê cũng biết vậy, nhưng cơ hội đến, thì cứ nắm bắt và lợi dụng. Ông Lê cũng cất dấu bớt một số tiền lớn làm của riêng, nên sau nầy tôi cũng không cần giúp đở thêm cho bà Na-Đê nữa.”
An rót thêm trà vào chén cho cụ Long, cụ tiếp:
“Thỉnh thoảng ông Lê cũng có mời tôi tham gia các buổi họp kín trong nội bộ của đảng ông. Ông muốn quyến dụ tôi. Tôi đi họp vì tò mò, chứ tôi vốn không ưa chuyện chính trị. Có lẽ vì tôi chịu chi tiền, mua bánh trái, trà nước cho các buổi họp thêm phần hấp dẫn, và có lẽ nhờ có ăn uống chút chút, mà thu hút được đông đảo các đồng chí của ông hơn. Sau buổi họp, tôi thường đi uống cà phê với họ. Do đó mà tôi quen biết nhiều với các tay gộc trong nhóm cầm quyền nước Nga sau nầy. Các tay gộc nầy, sau khi nắm được chính quyền, xâu xé tranh dành nhau dữ dội. Đa số bị giết chết vì nội bộ thanh toán, một số nhỏ chạy thoát ra ngoại quốc ẩn mình, thế mà cũng bị truy lùng tận diệt. Sau khi hoàng gia Nga bị xử bắn, ông Lê nắm được chính quyền và lên làm lãnh tụ, ông cho thanh toán và khủng bố dữ dội. Nước Nga bao trùm trong sợ hãi. Tịch thu tài sản của người giàu. Nhà cửa bị sung công cho dân nghèo chia nhau trú ngụ. Bọn đồ điếu tha hồ tung hoành, tác oai tác quái. Trí thức bị trù dập, bắt bớ, tù đày. Nạn đói còn khủng khiếp hơn trước thời chiến tranh. Sau đó, lương thực được phân phối theo khẩu phần, thành ra ai cũng đói cả.”
Ngưng nói, cụ Long nhìn về phía xa xăm thở dài:
“Trong lúc cả nước đều khốn khó, vì đói khát, khủng bố, lo lắng, bắt bớ, tù đày, thì gia đình tôi vẫn sung túc, nguyên vẹn, nhà cửa không bị tịch thu, trưng dụng, của cải không hề bị đụng chạm mảy may. Bởi tôi đã có quen biết, ân nghĩa nhiều với các Ủy Viên trong toàn Bộ Chính Trị đang cầm quyền. Có mấy ông đảng ủy địa phương không biết cái thế của tôi, đòi tịch thu nhà cửa, của cải, tài sản. Mấy ông nầy đều bị bắt, và đưa đi đày ở miền Tây Bá Lợi Á cả. Tôi không biết họ bị đi đày, tưởng đâu họ chỉ bị chuyển công tác qua vùng khác mà thôi.”
Tâm ngần ngại hỏi:
“Thế thì trong chế độ đó, cũng còn có thế thần, quen biết nữa sao?”
Cụ Long cười:
“Đâu mà không có thế thần. Trong chế độ nầy, bè phái và thế thần còn hơn ở xứ nào cả. Khi nước Nga chìm đắm trong sợ hãi, ngột ngạt, khủng bố trắng, khủng bố đen, một hôm tôi hẹn gặp ông Lê, hai người nằm chung giường, gác chân lên nhau mà tâm sự chuyện đời đến khuya. Tôi nói cho ông biết tình hình thực sự trong xã hội, vì e rằng, ông ở chức vụ cao, nghe báo cáo sai không đi sát thực tế. Thì ra ông biết rõ hết. Tôi hỏi ông: “Tại sao không đoàn kết toàn xã hội mà xây dựng đất nước, bày ra làm chi phân chia và đấu tranh giai cấp, lấy thợ thuyền làm chủ và lảnh đạo”. Ông cười và bảo rằng: “Anh mới biết một, mà không biết hai. Vì thợ thuyền đa số đều ngu dốt, cho một chút quyền hành, thỏa mãn cái thèm khát thấp hèn trong lòng họ, thì bảo gì, cũng nghe theo, nói gì cũng tin tưởng. Hăng hái làm theo mệnh lệnh. Có thế mới củng cố được địa vị của tôi và đảng tôi.”
Tôi hỏi ông:
“Chính sách khủng bố, thanh toán, có nên chấm dứt sớm, để cho nhân dân bớt sợ hãi, bớt lo lắng mà yên lòng làm ăn không?”
Ông cười lớn, vỗ vai tôi, nói rằng:
“Thế thì anh chưa hiểu được cái ý nghĩa của mấy chữ ‘bạo lực cách mạng’ do tôi bày ra. Phải khủng bố, và khủng bố nhiều hơn nữa, càng nhiều càng tốt, khủng bố cho đến khi dân chúng sợ hãi cực độ, hoàn toàn mềm nhủn ra, không còn một sức đối kháng nào, thì đảng, và chính quyền cùng địa vị của tôi thêm bền vững, chắc chắn.”
Tôi hỏi thêm:
“Liệu các chính sách kinh tế, xã hội của ông có cơ may nào đem no ấm hạnh phúc cho dân chúng như ông đã từng hứa hẹn, lặp đi lặp lại thường ngày hay không?”
Ông đáp:
“Hứa hẹn thì cứ hứa hẹn, dân chúng có ấm no hạnh phúc hay không thì mặc họ. Dân càng đói, càng dễ trị. Cứ nắm chặt cái bao tử dân, cho ăn lưng lửng bụng, thì mọi người đều khuất phục, vì họ sợ mất cái phần ăn ít oi kia đi, khổ lắm. Mình cứ hứa hẹn tương lai cho họ nghe sướng lỗ tai là đủ. Chứ cho dân ăn no, thì cũng dễ sinh ra loạn lạc.”
Tôi nghe mà buồn và thở dài. Ông nói rằng:
“Lòng dạ anh còn yếu đuối như đàn bà.” Tôi hỏi thêm: “Tại sao nhiểu người bị thanh toán, bị đi đày oan ức tội nghiệp”.
Ông cười:
“Muốn được yên ổn, thì hy sinh chừng bấy nhiêu triệu người, cũng chẳng đáng là bao”.
Tôi đem điều lo lắng nhất trong lòng ra tâm sự cùng ông:
“Nhiều năm qua, nhân tâm suy đồi lắm. Con người cứ lấy dối trá ra mà cư xử nhau, nhà nước cũng nói toàn điều không thật. Đó là điều nguy hại cho nhiều thế hệ mai sau.”
Ông Lê vùng dậy bật đèn lên, lấy cuốn sổ tay cũ kỹ trên kệ, phất phất trước mặt tôi, và hỏi có nhớ cuốn nầy không? Ông cười toe toét thỏa mãn lắm. Tôi nhận ra đó là cuốn sách ghi lời dịch của tôi từ nửa cuốn sách Cuội. Ông Lê nói lớn thêm rằng:
“Tôi sẽ thống trị thế giới nhờ cuốn sổ tay nầy.”
Lenin — M. I. Ulyanova (1878–1937) khi đã già yếu. Ảnh được chụp vào ngày 28 tháng 8 năm 1923. Published Projector (Spotlight) issue 15 dated 15 Sep 1923.
Ngừng lại một lúc, cụ Long lom khom đi ra vườn sau, vạch quần vung vãi nước vào bụi chuối. Cụ trở lại và nói tiếp:
“Mấy năm sau, ông Lê bị tai biến mạch máu não, nửa người tê liệt, nằm trên ghế dựa, méo mồm, tay chân co quắp, thế mà vẫn hung hăng con bọ xít. Bà Nê-Đa vợ ông, tận tâm, không quản ngại mệt nhọc, chăm sóc ngày đêm. Ông vẫn đưa mệnh lệnh, vẫn thanh toán người nầy, cất nhắc người kia qua trung gian của ông Stalin. Đáng ra trong tình trạng bệnh hoạn đó, con người phải biết cái lẽ sai đúng của trời đất mà tỉnh ngộ, thôi làm điều ác. Tôi có đến thăm ông Lê mấy lần, miệng ông chảy dãi lòng thòng, nói ngọng, khó khăn, thế mà vẫn còn nhắc đến chuyện ngày xưa những khi cùng đi đến chỗ yêu hoa mua dục. Khi đó, mắt ông ấy rực sáng lên khoái trá.”
Thở một hơi dài, cụ Long nói:
“Người ta xầm xì rằng, hôm đó bà vợ ông Lê có công chuyện đi vắng. Ông Stalin vào trình báo công việc, thấy ông Lê đang há hốc miệng nằm ngáy, cuốn sổ tay rơi nằm trên sàn nhà. Ông Stalin mở sổ ra xem, càng xem ông càng hớn hở. Rồi động tâm cơ, ông Stalin dấu cuốn sổ vào túi áo vét, và lấy chiếc gối đè ghịt lên mặt ông Lê. Ông Lê vùng vẫy yếu ớt, giẫy giẫy chân tay, vãi phân, vãi tiểu ra cả quần mà băng hà. Đồng chí gái phục vụ thấy được, nhưng không dám nói ra vì sợ mất mạng. Dạo đó vào mùa xuân năm 1924, ông Lê được 54 tuổi, và tôi xấp xỉ tuổi sáu mươi. Ông Stalin chớp được bản dịch sơ lược nửa cuốn sách Cuội từ ông Lê, và đem ra thi hành triệt để. Quyền hành càng vững chắc hơn bao giờ cả. Ông phát huy tối đa lý thuyết Cuội, và đem truyền bá đi khắp năm châu bốn biển. Nhiều tỉ người mê sảng trong dối gian, láo khoét mà rất nhiều khi chính ngay bản thân họ, cũng không biết là họ đang nói dối hay nói thật.”
Mặt Tâm nhăn nhó khó chịu khi nghe đến đây, Tâm mím môi lắc đầu, không muốn tin. Cụ Long tiếp:
“Bạn bè cũ của tôi trong Bộ Chính Trị, thuộc giới cầm quyền, bị thanh toán, bị hành quyết dần dần, ông nào trước khi chết cũng có bản tự khai, thú tội là phản cách mạng, là tay sai tư bản đế quốc. Dù tôi cũng có quen biết, có chút ân tình với ông Stalin, vì đã che dấu, cho ông trú ngụ, cơm ăn, áo mặc vào thời kỳ ông vừa vượt ngục trốn trại tù khổ sai từ Silberia về. Và cả về sau, khi ông còn vất vưởng không nhà, thỉnh thoảng cũng dúi cho một ít tiền còm mua bánh mì ăn qua bữa. Nhưng tôi cũng ngán và sợ tiếp xúc với ông. Ông nầy như con thú ác hiểm. Những người có ân nghĩa với ông trước đây đều bị thanh toán, dứt đẹp. Ngay cả những vị trong Chính Trị Bộ được ông mời ăn cơm thân mật, buổi tối khi ra về, cũng hồi hộp không biết sẽ được về đâu, ra nghĩa địa hay đi đày Silberia, hay được thực sự về nhà với vợ con. Chỉ khi đóng cửa nhà, mới hú hồn mừng rỡ. Đó, tôi không ngại sao được. Tôi nghĩ, càng thu mình lại, càng lu mờ càng tốt. Thời gian nầy, tôi rất muốn di cư ra khỏi nước Nga, mà sợ, không dám xin đi.”
An châm thuốc cho cụ Long hút, phà khói trắng, cụ nói:
“Một lần tình cờ gặp ông Stalin, tôi hỏi:
“Bao giờ thì nước Mỹ trở thành cộng sản?”
Ông lắc đầu nói:
“Không bao giờ cả, bởi Mỹ mà thành cộng sản thì ai bán lúa mì cho chúng ta ăn. Vì khi đó thì Mỹ cũng đói dài dài, đói rã họng, đói cả nước.”
Có lần gặp một ủy viên trong bộ chính trị, tôi dò ý, muốn nhờ ông nầy vận động cho tôi được đi ra khỏi nước Nga. Tôi thăm dò và hỏi ông:
“Tại sao có nhiều người muốn đi ra khỏi xứ nầy, và làm sao mà họ xin đi được, ai là cấp thẩm quyền chấp thuận cho họ được ra đi?”
Ông trả lời rằng:
“Những người không muốn sống trong xã hội chủ nghĩa nữa, thì cần gởi họ đi lao động ở miền Silberia cho họ biết giá trị của đời sống hiện nay. Trong xã hội chủ nghĩa có bảy điều siêu việt, mà các xứ tư bản không thể có được. Thứ nhất, tất cả mọi công dân đều có công ăn việc làm. Thứ hai là có công việc làm, nhưng ai cũng không cần làm việc chi cả. Thứ ba, dù không ai làm việc cả, nhưng tất cả mọi kế hoạch đều đạt được chỉ tiêu mỹ mãn. Thứ tư, dù mọi chỉ tiêu đều đạt, nhưng hàng hóa tiêu dùng vẫn thiếu hụt. Thứ năm, dù hàng hóa thiếu hụt nhưng mọi người vẫn có đủ mọi thứ. Thứ sáu, dù đã có đủ mọi thứ, mà tất cả mọi người đều cứ ‘thuổng’ thêm của công. Thứ bảy, dù mọi người đều ‘thuổng’ của công, nhưng không có báo cáo bị mất gì cả.”
Ông ấy tiếp lời:
“Nếu không là xã hội chủ nghĩa, thì làm sao có được những điều ưu việt như thế”(*). Nghe được vậy, tôi cũng lặng người mà thôi. Tôi cũng có gặp gỡ một số người Việt Nam đi qua Nga Sô để huấn luyện nghề cộng sản. Tôi gọi là nghề, vì theo cộng sản là một cách kiếm ăn mà khỏi lao động cực nhọc. Những người nầy, họ có nghe đến tôi, và tìm gặp. Họ là những người như ông Phú, ông Thành, cô Khai, tôi đều có đãi ăn vài ba lần, và lâu lâu cũng có giúp đỡ một ít tiền bạc, hoặc một cái vé xe lửa đi đường xa. Tôi cũng có khuyên họ rằng, sau nầy nếu có thành công trong việc tranh đoạt chính quyền, cũng nên lấy nhân ái làm gốc, đừng khủng bố, áp bức kềm kẹp nhân dân trong gọng kềm chuyên chính, đừng làm suy đồi xã hội bởi lý thuyết dối trá ông Cuội. Than ôi, lời khuyên của tôi cũng chẳng khác chi nước xối đầu vịt. Nhưng tôi phải nói, phải dặn dò, dù biết trước mười mươi rằng, sau nầy họ không nghe, không làm theo.”
Cụ Long ngáp dài lia lịa, lắc đầu và nói:
“Tôi cũng có gặp và quen biết nhiều cả với ông Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch nhà nước Trung Hoa khi qua Nga học nghề cộng sản. Những khi cho ông ăn, tôi cũng có nhắn nhủ ông nầy nhiều lần về đạo làm người, lòng nhân ái. Bên ngoài, thì ông nầy lể phép, dễ thương, nhưng làm sao mà đọc được lòng người.”
Tâm và An đưa mắt nhìn nhau và mĩm cười. Cụ Long không để ý, tiếp lời:
Ấn bản tiếng Anh đầu tiên của “Chủ nghĩa Cộng sản ‘cánh tả'” của Lenin do Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản “Cánh tả” công bố cho các đại biểu tham dự Đại hội Thế giới lần thứ 2. Original in Tim Davenport collection, scanned by me for Wikipedia, no copyright claimed.
“Sau khi thế giới đại chiến lần thứ hai chấm dứt, nhiều quốc gia Âu Châu trở thành cộng sản, và sống trong tai họa tầy đình của sự hà khắc, áp bức ngu xuẩn đó. Và về sau, ở bên Trung Hoa, ông Mao, ông Lưu, cũng vớ được vài trang bản sao sách Cuội học được từ đàn anh Liên Xô, mà nắm được chính quyền trong tay vào năm 1949. Cả gần một nửa nhân loại trên hành tinh nầy chịu áp bức, đày đọa, hăm dọa ngày đêm, từ tinh thần đến vật chất. Tôi cảm thấy có phần trách nhiệm, tội lỗi đã gây ra khi dịch nửa cuốn sách Cuội cho ông Lê ghi chép lại. Bởi thế cho nên tôi sợ chết, vì chết sẽ bị về địa ngục hành hình. Tôi rán sống, rán kéo dài ngày đi đền tội ác đã gây ra. Tội của tôi, tuy gián tiếp, nhưng cũng có thể nặng hơn tội các ông lãnh tụ trực tiếp vấy máu trên tay. Nhiều năm tôi ân hận, mất ngủ, và thương xót nhiều ngàn triệu người đang bị chủ thuyết Cuội xéo dày.”
3. Đoạn kết
Cụ Long nghỉ một lát, chiêu thêm hớp trà , rồi từ tốn nói tiếp:
“Này anh bạn. Khi tuổi còn trẻ, thì có một lý tưởng là tốt. Không có lý tưởng thì như con thuyền không lái, lênh đênh, bơ vơ không biết về bến bờ nào. Cứ mơ mộng đi, mộng to, mộng nhỏ, mộng nào cũng tốt cả. Có lý tưởng, để đem mộng vào thực, và đem thực vào mộng. Nhưng đa số những người nuôi mộng, phải cố gắng, đấu tranh cực lực với ngoại cảnh, với bản thân, và sau khi mộng đã thành, thì họ cảm thấy hụt hẩng, như không có gì cả, như phí phạm cả một đời để được cái ‘không’, mà phải hy sinh toàn thể năng lực, xương máu, và thời gian sống của đời người. Bởi vậy, có nhiều kẻ xem những người trẻ có lý tưởng là một lũ ngu ngơ, dại khờ. Và vì ngu ngơ, khờ dại nên rất dễ bị lợi dụng, bị cho ăn phân gà mà cứ vênh mặt lên hãnh diện. Đã có rất nhiều người trẻ chết cho lý tưởng, chết vì lý tưởng, và sung sướng đem mạng mình ra để làm một viên gạch xây dựng lý tưởng. Họ cũng không ngờ, cái viên gạch là sinh mạng họ, đem ra để xây nhà tù, giam hãm, nhốt những kẻ hiền lương vào trong đó. Hoặc cái lý tưởng đó, quay lại gây nên khổ đau cho nhân quần xã hội. Người lớn tuổi mà còn hăng say lý tưởng, thì có thể xem như một kẻ gàn, cứng đầu, khó thỏa hiệp. Không có chi khủng khiếp và đau buồn hơn khi người ta biết đã chọn lầm lý tưởng.”
Nghe cụ Long kể chuyện, Tâm chán nản trong lòng, nghĩ rằng, có lẽ ông già đã hóa khùng, lẩm cẩm, kể chuyện hoang đường, không tưởng.
Mấy năm sau, chiến tranh lan tràn khắp đất nước, bom đạn, chết chóc. Tâm được “tổ chức” giao phó trách nhiệm làm công tác trí vận tại tại nội thành Sài Gòn. Tâm hăng say hoạt động trong bí mật, không quản ngại nguy hiểm khó khăn, mơ một ngày tươi sáng, toàn dân được sống trong công bằng, no ấm và hạnh phúc hơn.
Năm 1975, chiến tranh chấm dứt. Tâm được cử đi thăm trái tim tổ quốc Hà Nội. Được sống trong thiên đàng xã hội chủ nghĩa mà bao năm nay anh hằng mơ ước. Tâm đã thấy rõ sự thực, anh tìm về mộ cụ Long, thắp hương và nước mắt dầm dề, lòng tràn đầy ân hận. Mấy năm sau, Tâm đã cùng An ra khơi đi tìm tự do. Trước khi nhắm mắt lìa đời vì đói và khát trên biển, Tâm đã nói cùng An:
“Tôi tưởng nữa cuốn sách Cuội là chuyện hoang đường, không ngờ có thật.”
Copyright © 2006-2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
(*) Truyện tiếu lâm Ba lan