caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

vendredi 21 août 2015

Trần Văn Lương và bài thơ Chủ Nhật, Chiều Không Nắng, Không Mưa, tiếp nối thơ bạn hữu.


Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần.

Dạo:
    Chiều không nắng cũng không mưa,
Tha phương có kẻ tập chừa nhớ thương.


Cóc cuối tuần:

   Chủ Nhật
          Chiều Không Nắng
                            Không Mưa

Chiều nhếch nhác về bên ly rượu đắng,
Trời ỡm ờ, không nắng cũng không mưa.
Chặng cuối đời, vắng kẻ đón người đưa,
Lối quê cũ nhịp cầu chưa được nối.

Chiều Chủ nhật gió mềm tha cỏ rối,
Đường ít đèn, bóng tối thập thò sang.
Chim xa lỡ độ đàng,
Chết đói giữa mảnh vườn hoang tĩnh lặng.

Chiều không nắng, hồn không màng đợi nắng,
Trời không mưa, dạ chẳng muốn chờ mưa.
Gió qua thềm, lầm tưởng tiếng còi trưa,
Lòng chợt biết còn chưa nguôi kỷ niệm.

Giọt nước mắt giờ vô tình lỡ nếm,
Vẫn mặn chằng như nước biển ngày xưa.
Đã lâu rồi võng mẹ chẳng còn đưa,
Nhưng thương nhớ hoài dây dưa không dứt.

Quá khứ vỡ trên vết giày rạn nứt,
Hiện tại buồn ray rứt hóng tin rơi.
Ngẩng nhìn trời, chỉ thấy khắp nơi nơi,
Mây loang lổ như mảnh đời vụng vá.

Mang khối sầu đông đá,
Người đạp lá tìm quên.
Nỗi đau đớn không tên,
Theo năm tháng lại dấy lên cuồn cuộn.

Chúa rảnh rỗi từ trên cao nhìn xuống,
Cỏ đoạn trường từng luống trổ đầy bông.
Lá xanh kia vừa gửi xác bên dòng,
Thêm một kiếp trần ai không trọn số.

Người điên lần qua phố,
Không nắng chiều, bóng đổ về đâu.
Dĩ vãng đã nhạt màu,
Vẫn dai dẳng nuôi đóa sầu nở muộn.
                         x
                   x          x
Nơi đất khách, hoàng hôn đang chậm xuống,
Nhưng phút này, ở tận chốn xa xăm,
Chiếc xe tang trong nắng sớm buồn lăn,
Ai biết có một vành khăn vắng mặt.

Kinh cầu hồn réo rắt,
Héo hắt mắt người đưa.
Nghĩa địa nghèo, hàng bia mộ lưa thưa,
Chờ đón chuyến lữ hành vừa đến bến.

Từ ngày thôi chinh chiến,
Biết bao người đã vĩnh viễn xuôi tay,
Kẻ quê nhà, kẻ đáy biển vùi thây,
Từng tổ ấm phút giây đành tan nát.

Ngục tù chôn tiếng hát,
Chốn điện thờ, người cụng bát khua chuông.
Bầy thú dữ sổng chuồng,
Giày xéo mảnh đất buồn nay khác chủ.

Triệu triệu người mê ngủ,
Trầm mình trong lạc thú vui say.
Ngày ngày lo hưởng thụ, có nào hay,
Nước Việt chẳng còn trong tay dân Việt.
                        x
                   x          x
Ngày tháng cạn, máu lệ dần khô kiệt,
Cánh nhạn già sẽ gục chết tha phương,
Sẽ chẳng còn dịp trở lại quê hương,
Lang thang ngắm những con đường phượng nở.

Dòng nhạc cũ trào qua khung cửa mở,
Buồn như lời tiễn biệt thuở xa xưa.
Chủ Nhật chiều không nắng cũng không mưa,
Có kẻ cố bắt lòng chừa thương nhớ.
                    Trần Văn Lương
                       Cali, 8/2015





Thưa anh Lương,
Đọc bài thơ thật bùi ngùi của anh mà CR vừa post lên Blog xong thì không nghĩ lại gỏ tiếp bằng bài thơ viết trên máy bên dưới.
Dòng thơ của anh Lương lúc nào cũng u buồn như trời thu sắp vào đông.
Tâm tư người buồn thì cảnh nào có vui, nghe thật ngậm ngùi.

Nếu Còn Không Gian và Thời Gian.
Thời gian qua sao lại qua mau thế?
Cho đời người chưa  thức đã ngủ mê.
Cho tim mới háo hức chớ ê chề
Cuộc chiến cũ, mới không hề ngưng nghỉ.


Sao thế nhỉ, bao người trai, chiến sĩ
Ra sa trường, muốn da ngựa bọc thây.
Bao thế hệ dù khổ nhọc  đắng cay
Hàng hàng lớp lớp không bày cũng tiến.


Đời ông, cha, con đã từng dâng hiếng
Tổ quốc nào đã ghi nhớ công anh.
Goá phụ, con côi, nấm mộ đã xanh
Nghĩa tử, thiếu sinh quân có còn nhớ.


Đâu người Việt Nam anh hùng nòi giống
Có còn không, không gian và thời gian.
Làm ma trơi, quỷ dữ dù muộn màng
Con cháu của người Nam đừng quên nhé.


Thanh Hương



Xin mạn phép cụ đồ Lương  dùng hai câu dạo để nối điêu và dòng mua vui chốc lát :

Mau Mau Họp Hội Dziên Hồng

 Chiều không nắng cũng không mưa,
Tha phương có kẻ tập chừa nhớ thương.
Phải chăng đấy cụ đồ Lương
Vì không chịu nổi nên thường xót xa

Đau cái đau Việt tộc ta
Xong đành bất lực nói mà ai nghe
Toàn dân trên búa dưới
Nội thù ngoại địch kết bè tóm thâu

Ruộng vườn mất sạch còn đâu
Bao giờ mới cất nổi đầu ngửng lên ?
Cháu con Hưng Đạo nào hèn
Bình Nguyên Diệt Mãn bao phen tung hoành

Mau mau đoàn kết em anh
Hội Dziên Hồng họp quyết phanh thây Tàu

LTĐQB  


Kính gửi đến anh Lương bài họa, diễn tả bằng văn chương bình dân :


        Tình  đã  tàn  phai
Đã lắm lúc bên ly cà phê đắng
Nhìn ngoài, trời tắt nắng dội cơn mưa
Nghĩ lại xưa, chiếc thuyền mảnh mong, đưa
Về đậu bến tự do, vừa chắp nối

Trên mặt biển, sóng gào gây rắc rối
Biết lúc nào màn hấp hối sẽ sang
Mang hồn đi, loạng choạng đến Thiên đàng
Hóa vội kiếp lang thang tìm gió lặng

Trên đất người, tắm gội mình trong nắng
Mở lại trang sử liệu vắng bão mưa
Để tình thương tràn ngập những sáng, trưa
ChIều, tối, mà đưa câu tụng niệm

Cho những người còn nằm yên, chờ nếm
Cái bạo tàn, ác độc, đếm từ xưa
Tàn tạ thân theo ngọn cỏ gió đưa
Từ lũ cáo, manh tâm chưa hề dứt

Cho đến nay tình thương đà rạn nứt
Vụn vã như vứt bỏ, rã rời
Nhìn bản đồ, đã rách mướp khắp nơi
Không còn gì để uổng hơi chắp vá

Tài nguyên, với người dân, chỉ là sỏi đá
Vì đã đem dâng tướng tá, nào quên
Từ Trung Hoa sang đặt phố, đặt tên
Cho mạch huyết cứ tuôn lên từng cuộn

Trẻ ít học cho tinh thần đi xuống
Tối ngày chỉ có bác, luống cũng lông bông
Đảng là tên nước, Việt Nam bỏ dòng
Đảng mà mất, dân cõng chung mệnh số

Chiều hết nắng khi tà tà ra phố
Chốn ăn chơi lố nhố tận nơi đâu
Gái không nghề, được đầu tư làm mẫu
Trai thất nghiệp, đi ngầu ngẫu giải buồn

                           x
                       x       x

Tình thương đã, không còn nơi đáp xuống
Vội vã quay lưng về chốn ngàn năm
Nhớ những người đang đi chiếc xe lăn
Mà phải khóc vì không đành ngoảnh mặt

Tiếng gọi non sông vẫn còn ray rắt
Biết làm gì để tay bắt , mắt đưa
Khi đảng ôn, đảng bắt phải xin thưa
Tôn trọng đảng , mới dựa ơn vào bến

Hồi tưởng lại những ngày còn chinh chiến
Giặc giết dân chẳng khiến phút ngơi tay
Tết Mậu Thân, tập thể mộ đầy thây
Xương máu đổ, cửa nhà vầy, mục nát

Rồi khi chúng cất lên, cao tiếng hát
Nhào vào nhà hôi của, át tiếng chuông
Cả triệu quân nhân chúng nhốt vào chuồng
Thi hành lệnh đảng, luông tuồng làm chủ

Tiếp, mê hoặc cho dân tình yên ngủ
Hưởng tối ngày đầy đủ mọi men say
Gái gú, quốc sách hay thật là hay
Cho chìm đắm trong tay, danh nước việt

                           x
                      x        x

Bao chiến sĩ, chí anh hùng hào kiệt
Chạy thoát thân, danh liệt ở bốn phương
Có muốn trồi lên, cũng đã hết đường
Đâu có thể làm hoa hường bật nở

Dân Chủ, Tự Do, chiêu bài đã mở
Vẽ lại trò yên ổn thuở xa xưa
Còn đợi chờ ơn Thánh Đế móc mưa
Trăm triệu dân, xin đưa tên : Ghi nhớ


  
            Trần Trọng Thiện

 

Vĩnh Liêm hướng dẫn Cách Gieo Vần, Nguyên Tắc Đối và Luật Bằng Trắc của thơ Đường.

Kính gửi quý anh chị tài liệu để làm thơ Đường của tác giả Vĩnh Liêm.
Caroline Thanh Hương


Cách Gieo Vần, Nguyên Tắc Đối, và Luật Bằng Trắc

Vĩnh Liêm

Thơ Đường Luật còn có những tên gọi khác nhau như: Thơ Đường, Đường Thi, Thất Ngôn Bát CúThất Ngôn Bát Cú Đường Luật. Thơ Đường Luật có 2 loại: Tứ Tuyệt (tức mỗi câu có 7 chữ và mỗi bài có 4 câu) và Bát Cú (tức mỗi câu có 7 chữ và mỗi bài có 8 câu). Trong bài này, người viết chỉ lạm bàn tới thể Thất Ngôn Bát Cú mà thôi.

I. Cách Gieo Vần-Thơ Đường Luật có luật lệ nhất định của nó, bạn không thể biến chế một cách khác được. Cách gieo vần như sau:
- Suốt bài thơ chỉ gieo theo một vần mà thôi. Ví dụ: Vần ôi thì đi với ôi, vần ta thì đi với ta hoặc tà.
- Trong bài thơ có 5 vần được gieo ở cuối câu đầu (tức câu số 1) và ở cuối các câu chẵn (tức câu 2, 4, 6 và 8).
- Gieo vần thì phải hiệp vận (tức cho đúng vận của nó). Ví dụ: hòn, non, mòn, con... Nếu gieo vần mưa với mây thì bị lạc vận. Còn nếu gieo vần không hiệp với nhau thì gọi là cưỡng vận hay ép vận, chẳng hạn như: in với tiên.

II. Nguyên Tắc Đối-Các câu đối với nhau phải thật chỉnh, cả về ý, về tình, về thể loại từ ngữ, v.v... Thể loại từ ngữ tức tính từ phải đối với tính từ, danh từ phải đối với danh từ, động từ phải đối với động từ, v.v...
Trong bài thơ có 4 phần: Đề (gồm có Phá đề Thừa đề), Thực hoặc Trạng, Luận, và Kết.

1. Đề gồm có hai phần:
- Phá đề (câu thứ 1):
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
- Thừa đề (câu thứ 2):
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

2. Thực hoặc trạng (câu thứ 3 và câu thứ 4): Hai câu này phải đối với nhau.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Ghi chú: Lom khom đối với lác đác (trạng tự) và bằng đối với trắc. Tiều đối với chợ (danh từ) và bằng đối với trắc. Chú đối với nhà (danh từ) và trắc đối với bằng.

3. Luận (câu thứ 5 và câu thứ 6): Luận có nghĩa là luận bàn. Hai câu này bàn bạc
thêm về nội dung của bài thơ, về phong cảnh hay về tình cảm. Hai câu này phải đối với nhau.
Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia.

Ghi chú: Nhớ đối với thương (động từ) và trắc đối với bằng. Nước đối với nhà (danh từ) và trắc đối với bằng. Đau lòng đối với mỏi miệng (trạng từ) và bằng đối với trắc. Con quốc quốc đối với cái gia gia (danh từ) và trắc đối với bằng.

4. Kết (câu thứ 7 và câu thứ 8): Hai câu kết không nhất thiết phải đối nhau, nhưng phải giữ luật bằng trắc.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

(Bà Huyện Thanh Quan: Qua Đèo Ngang)
Ghi chú: Dừng chân là vần bằng đối với một mảnh là vần trắc; đứng lại là vần trắc đối với tình riêng là vần bằng; nước là vần trắc đối với ta là vần bằng.

III. Luật Bằng Trắc-Luật Bằng Trắc gồm có Thanh, Luật, và Niêm.

1. Thanh-Gồm có Thanh BằngThanh Trắc.
a. Thanh Bằng-là những tiếng hay chữ không có dấu (như: minh, lan, thanh, hoa...) và những tiếng hay chữ có dấu huyền (như: người, trời, tình...).
b. Thanh trắc-Là những tiếng hay chữ có dấu sắc ( '} dấu hỏi ( ?) dấu ngã ( ~} và dấu nặng ( .). Ví dụ: lá, bát, tưởng, đỉnh, mũ, cũ, tự, trọ ...

2. Luật-Thơ bát cú làm theo hai luật: Luật BằngLuật Trắc.
a. Luật Bằng-Chữ thứ hai ở câu đầu thuộc vần Bằng. Ví dụ:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
(1) Luật Bằng Vần Bằng-Cách dùng mẫu tự và viết tắt như sau: B là Bằng, T là Trắc và V là Vần. Luật Bằng Vần Bằng như sau:

1 B B T T T B B (V)
2. T T B B T T B (V)
3. T T B B B T T
4. B B T T T B B (V)
5. B B T T B B T
6. T T B B T T B (V)
7. T T B B B T
8. B B T T T B B (V)
Ví dụ:
hàng lấy sách cắp ra đây!
Xem thử truyện nào thú lại say.
Nữ bao xin xếp cả,
Phương hoa phỏng liệucòn hay...?
Tuyển phu mặc ý tìm cho kỹ,
Chinh phụ thế nào bán lấy may.
Kỳ ngộ bích câu xin tiện hỏi,
Giá tiền cả đó tính sao vay.

(Hồ Xuân Hương-Hỏi Cô Hàng Sách)

b. Luật Trắc-Chữ thứ hai ở câu đầu thuộc vần Trắc. Ví dụ:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

(1) Luật Trắc Vần Bằng-Luật Trắc Vần Bằng nhu sau:

1. T T B B T T B (V)
2. B B T T T B B (V)
3. B B T T B B T
4. T T B B T T B (V)
5. T T B B B T T
6. B B T T T B B (V)
7. B B T T B B T
8. T T B B T T B (V)

Ví dụ:
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì?
Thương chồng nên khóc tỉ ti.
Ngọt bùi, thiếp nhớ mùi cam thảo,
Cay đắng, chàng ơi, vị quế chi.
Thạch nhũ, trần , sao để lại,
Quy thân, liên nhục, tẩm mang đi.
Dao cầu, thiếp biết trao ai nhỉ?
Sinh , chàng ơi, tử tắc quy.

(Hồ Xuân Hương-Bà Lang Khóc Chồng)

Chú Thích: Những chữ có gạch ở dưới (chữ thứ 2, 4 và 6) đều phải theo đúng luật, còn những chữ khác (trừ chữ ở cuối câu) có thể không cần phải theo luật. Mẹo để nhớ:
Nhất (chữ thứ 1), tam (chữ thứ 3), ngũ (chữ thứ 5) bất luận
Nhị (chữ thứ 2), tứ (chữ thứ 4), lục (chữ thứ 6) phân minh
Nghĩa là chữ thứ nhất, thứ bathứ năm không kể (bất luận), tức không nhất thiết phải theo đúng luật; còn chữ thứ hai, thứ tưthứ sáu thì bắt buộc phải theo luật (phân minh). Nếu không theo luật thì gọi là thất luật.

3. Niêm-Những chữ phải đi cặp với nhau và dính với nhau.
Ví du:Luật Bằng Vần Bằng.
Câu 1 niêm với câu 8
1.B B T T T B B (V)
Câu 2 niêm với câu 3
2. T T B B T T B (V)
3. T T B B B T T
Câu 4 niêm với câu 5
4. B B T T T B B (V)
5. B B T T B B T
Câu 6 niêm với câu 7
6. T T B B T T B (V)
7. T T B B B T T
Câu 8 niêm với câu 1
8.B B T T T B B (V)

Ví dụ: Luật Trắc Vần Bằng.
Câu 1 niêm với câu 8
1. T T B B T T B (V)
Câu 2 niêm với câu 3
2. B B T T T B B (V)
3. B B T T B B T
Câu 4 niêm với câu 5
4. T T B B T T B (V)
5. T T B B B T T
Câu 6 niêm với câu 7
6. B B T T T B B (V)
7. B B T T B B T
Câu 8 niêm với câu 1
8. T T B B T T B (V)

Cũng có trường hợp nhà thơ làm sai luật, thay vì đang ở Luật Bằng thì lại đổi sang Luật Trắc. Vì Niêm không đi với nhau nên gọi là Thất Niêm.
Ví dụ: Dùng bài thơ Cảnh Làm Lẽ (Lấy Chồng Chung) của Hồ Xuân Hương (đúng niêm luật) để đổi sang thất niêm (xem chữ thứ 2 có gạch dưới):

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Năm thì mười họa, nên chăng chớ,
Một tháng đôi lần, có cũng không...
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.

Đổi thành thất niêm:

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng (thất niêm),
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.

Năm thì mười họa, nên chăng chớ,
Một tháng đôi lần, có cũng không...
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.

Chú ý: Dù chỉ đặt sai có một câu (câu thứ 3) nhưng bị thất niêm toàn bài thơ. Thế mới biết luật thơ Đường khắt khe biết dường nào!

Khi làm thơ Đường Luật thì phải giữ cho đúng niêm luật. Nếu không, dù bài thơ của bạn có nội dung hay mấy đi nữa thì cũng không thể chấp nhận được.

Vĩnh Liêm
(Đức Phố, 15 tháng 9 năm 2001)

jeudi 20 août 2015

Câu chuyện cũ về lúa Thần Nông và những bài thơ "Quê Ta, Quê Người", "Còn Đâu", thơ Thanh Hương và Đỗ Quý Bái, Thái Huy.



 Quê Ta, Quê Người.

Quê người cũng nóng cũng khô
Nhìn đồng cỏ cháy mà ngờ quê ta.
Quê mình cũng lúa gạo nhà
Ở đây thấy đó sao mà nhớ thương.
Ở đây không phải quê hương
Nhưng sao nhớ quá bờ mương thủa nào.

Thanh Hương



Cám ơn chị Thanh Hương đã khơi cảm hứng
Xin phụng họa cho vui :

Nhìn đồng cỏ cháy cây khô
Càng thêm tiếc nuối cơ đồ dân ta
Sản xuất thóc lúa chật nhà
Mà cam đói khát thực là thảm thương
Nơi đây rất ít đồng hương
Lấy ai vẽ cảnh ruộng nương thuở nào ?

Ma Nữ



Thật đúng là bài thơ xuất hồn đấy anh Đỗ Quý Bái.
Giang san tổ quốc, cả 1 cơ đồ mà người tài giỏi, hỏi đi đâu rồi.
Có cơ đồ, có nhân tài, có ruộng đồng, nhưng bây giờ đã bị truất đất, bị nợ ngân hàng, bị đầu độc đất đai và ngành nông nghiệp chắc nay mai không khai thác gì được nữa nếu môi trường cứ tiếp tục bị ô nhiểm hay thị trường bị phá giá.
Nhắc lại chuyện đồng quê, tôi chợt nhớ đến loại lúa thần nông, ngày trước, kính gửi vào đây, bài thơ làm vội trên máy và 2 bài sưu tầm nói về giống lúa này cho các anh chị nào đã quên hay chưa biết.
Caroline Thanh Hương


Còn Đâu.

Còn đâu hạt lúa thần nông
Còn đâu cái thuả ruộng đồng cò bay.
Còn đâu con gái, con trai
Câu hò câu đối chẳng ai hơn mình.

Còn đâu cây lúa thông minh
Giúp cho dân Việt mưu sinh thoát nghèo.
Vớt bèo nuôi cá, nuôi heo
"Cải Cách Ruộng Đất" người đều bân hoang.

Đêm về đốm lửa không tàn
Để ta giã gạo, mùa màng rất say.
Đã nhờ bao vạn bàn tay
Cho ta hạt giống,cho ngày ấm no.

Thanh Hương


ĐÃ TỪNG CÓ

Đã có thần giúp nhà nông
Đã gieo mạ quý khắp đồng chim bay
Đã khiến Lạc Việt gái trai
Đã được vui hát giữ hai lũ mình

Cũng nhờ khoa học văn minh
Giúp cho dân hết sợ kinh khó nghèo
Có ao cá có chuồng heo
Có nguồn an ủi vớt bèo khẩn hoang

Hàng đêm dù lửa đã tàn
Dưới trăng họp mặt ca đoàn vui say
Chen vai sát cánh góp tay
Đã có hạt ngọc tháng ngày cơm no

LTĐQB(Ma Nữ) phụng họa

__._,_.___


Chào quý vị Thái Huy góp vui

Quê Ta

Cảnh đẹp quê ta ruộng lúa vàng
Chiều về thơ thẩn dẫu trâu ngang
Câu hò điệu hát giao duyên thắm
Có nợ không đây lại gặp chàng.

Quê hương ta đó một trời thơ
Sông cửu,Hồng Hà,Hương Huế thơ
Nhịp sống trào dâng như biển sóng
Vậy mà nay mất nét ngây thơ.

Thái Huy



Kính chị Thanh Hương,

   Bài gửi muộn, thay lời bình :


    CÒN  ĐÂU 

Dân ta vốn dĩ nghiệp nông
Nhà : ao thả cá, đất trồng : cò bay
Ngày ra đồng lúa, gái trai
Tối về vui vẻ, hai thân thái hòa

Khi tòa ánh sáng văn minh
Tỏa lên, lại khiến nhà nông sinh nghèo
Muốn tăng thu nhập : nuôi heo
Muốn giầu : lên tỉnh, treo cầy, ruộng hoang

Kinh tế nông nghiệp đã tàn
Kinh tế thành thị mở màn mê say
Dân quê lên tỉnh chung tay
Dựng xây thành phố ngày ngày, mới no


      Trần Trọng Thiện 

Đọc thêm bài viết trên báo VN Net



LÚA THẦN NÔNG VÀ TRƯỜNG NLS CẦN THƠ
 Trần Đăng Hồng
Viện Đại Học Cần Thơ được chính thức thành lập năm 1966, và Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ là Viện Trưởng đầu tiên. Vì là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long trù phú, Viện ĐHCT phải có Đại Học Nông Nghiệp xứng danh với vị trí kinh tế nông nghiệp hàng đầu của đất nước. GS Phạm Hoàng Hộ tham khảo ý kiến với GS Tôn Thất Trình, bấy giờ là Giám Đốc Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Sài Gòn, và nhờ GS Trình giúp thực hiện một thí nghiệm lúa tại ĐH Cần Thơ.
Tôi vốn là sinh viên được GS Trình hướng dẩn luận án kỹ sư, và sau khi ra trường về dạy NLS Cần Thơ, tôi vẫn còn tiếp tục liên lạc với GS để học những kiến thức chuyên môn rất thâm uyên của Thầy. GS Trình giới thiệu tôi với GS Viện Trưởng Hộ và thuyết phục rằng tôi có khả năng làm thí nghiệm lúa cho ĐHCT.
Đó là năm 1966, ĐHCT khai giảng với 3 phân khoa chính là Khoa Học, Luật Khoa và Văn Khoa. Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Cần Thơ chưa có, chỉ mới bổ dụng 2 nhân viên đầu tiên là cụ Kỹ Sư Phan Lương Báu làm Giám Đốc, và kỹ sư trẻ Phạm Văn Kim làm phụ tá, để nghiên cứu việc thành lập trường. Trường chưa có cơ sở gì cả. Vì vậy, việc nghiên cứu thí nghiệm lúa phải mượn cơ sở của trường Trung Học NLS Cần Thơ. Như thế, một sự hợp tác được thành hình giữa các Trường Nông Nghiệp Sài Gòn, Viện Đại Học Cần Thơ và Trường NLS Cần Thơ.. Vốn là giáo sư của Trường NLS Cần Thơ, tôi được phép lấy cơ sở của NLS CT để làm thí nghiệm lúa cho Viện ĐHCT dưới sự yểm trợ chuyên môn của GS Trình.
GS Trình giao cho tôi hạt giống lúa IR8 mà GS vừa nhận được từ Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế (IRRI, International Rice Research Institute) ở Los Banos, Philippines, một số tài liệu rất mới, và sách chuyên khoa lúa để cho tôi đọc. GS cùng tôi hoạch định chương trình làm thí nghiệm với kỹ thuật mới, nói đúng hơn là làm trình diển giống mới với kỹ thuật mới. Đồng thời, GS Hộ chỉ thị xuống anh Pham Văn Kim phải yểm trợ tài chính dồi dào và mau lẹ khi tôi yêu cầu. Anh Phạm Văn Kim tuyển dụng cho tôi 2 nhân viên, cô Trần Thị Thịnh (Huấn sự nông chính) và một lao công thường trực là anh Trần Nhựt Tân để giúp tôi.
Cánh đồng thí nghiệm là khu đất trống, khoảng 1 ha, đầy lau sậy, bên cạnh lộ Cần Thơ - Long Xuyên, và lộ 20, nguyên là chổ cho đàn trâu Murat của trường gậm cỏ. Trong khu đất này có một sân bóng rổ, nền tráng xi măng.
Sau khi phát sạch lau sậy, các nhóm học viên NLS thực hành nông trại dùng máy cày, máy xới Kubota, cày xới nhuyển đất, rồi đấp bờ bao quanh. Bây giờ mới tới phần việc làm đám mạ, theo kỹ thuật mới. Các anh chị lớp huấn sự, kịểm sự góp phần vào việc này cùng với chị Thịnh, anh lao công Tân và tôi. Rồi tới ngày cấy, cũng áp dụng kỹ thuật mới, cấy lúa thẳng hàng, rất đẹp mắt. Chi Thịnh và anh Tân lúc nào cũng ở ngoài đồng từ sáng sớm đến chiều tối, và báo cáo cho tôi tức khắc những gì bất thường xảy ra. Nhờ chăm sóc kỹ, phân bón, thuốc trừ sâu đúng theo kỹ thuật mới, đám lúa IR8 tươi đẹp vô cùng, đánh vào mắt người qua lại trên hai con lộ sầm uất kế bên.
Khi lúa sắp trổ thì chuột trong khu gia cư chung quanh trường xuất hiện. Nhờ thủ tục nhanh chóng, Viện ĐHCT xuất tiền mua tôn kẻm bao chung quanh khu ruộng, và đánh bả mồi thuốc độc ở bên ngoài và bên trong tường tôn kẻm, nên không có một con chuột nào chui vào được khu ruộng mà còn sống sót. Đến lúc lúa chin, chim thành phố bay đến phá hại, chúng tôi phải treo khắp cánh đồng giấy màu vàng có ánh lấp lóe, vì chim sợ màu vàng, và đặt bù nhìn khắp cánh đồng. Anh Tân và chị Thịnh thay phiên trực ngoài ruộng.
Quang cảnh phấp phới giấy vàng trên cánh đồng lúa tốt xanh tươi và nặng triểu hạt vàng, gây chú ý của người qua lại. Nhiều người hiếu kỳ, kể cả nông dân và người ngoại quốc qua lại trên hai con lộ, dừng chân quan sát. Có người vào trường xin xem cánh đồng và hỏi thăm tên giống lúa, lúc đó còn mang tên xa lạ IR8.
Gần đến ngày gặt, tôi báo cáo lên GS Tôn Thất Trình ở Sài Gòn, cụ Giám Đốc Phan Lương Báu và GS Viện Trưởng Phạm Hoàng Hộ của ĐHCT. Các vị quyết định tổ chức một cuộc hôi thảo giới thiệu giống lúa mới tại hội trường NLS vào ngày thâu hoạch.
Sáng sớm hôm ấy, các phái đoàn của Nha Nông Nghiệp Sài Gòn, trường CĐNN Sài Gòn, cùng GS Tôn Thất Trình và một vị Giáo Sư về Lúa thuộc ĐH Davis, California, xuống Cần Thơ. Ty Nông Nghiệp Cần Thơ cùng mấy chục nông dân tiến bộ của tỉnh đến tham dự. Đăc biệt hơn nữa, viên Cố Vấn Nông Nghiệp Hoa Kỳ ở Miền Tây dùng trực thăng đưa một số nông dân ở các tỉnh lân cận đến quan sát và tham dự. Chúng tôi cho gặt một phần đám lúa, cân đo năng xuất, cho biết là năng xuất 5 tấn lúa/ha, phá kỷ lục về năng xuất vào thời đó (thời đó chỉ 3 tấn/ha). Cuộc hội thảo trở thành một đại hội trình diển giống lúa mới. GS Phạm Hoàng Hộ và GS Trình rất hài lòng với kết quả thí nghiệm này.
Chính nhờ kết quả trình diển thành công giống lúa IR8 đã biến đổi sự nghiệp của tôi. GS Viện Trưởng Phạm Hoàng Hộ tuyển dụng tôi vào làm ở Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Cần Thơ, lúc đó chỉ mới có 4 nhân viên là cụ Phan Lương Báu (Giám đốc), anh Phạm Văn Kim (phụ tá hành chánh, hiện nay PGS DHCT), anh Nguyễn Phi Long (phụ tá học vụ, nay là Hiệu Phó Đại Học Cửu Long, Vĩnh Long) và tôi (phụ trách thí nghiệm và nông trại). Vừa qua ĐHCT được một tháng, thì GS Tôn Thất Trình được mời ra làm Bộ Trưởng Bộ Canh Nông. GS Trình xin GS Hộ cho tôi được biệt phái qua Bộ Canh Nông để giúp GS một thời gian, và GS Trình giao tôi nhiệm vụ thiết lập Trung Tâm Quốc Gia Huấn Luyện Lúa Gạo tại Sài Gòn, với cơ sở thực hành ở Hiệp Hòa (Biên Hòa). Tháng 10/1967, GS Bộ Trưởng Tôn Thát Trình đặt tên giống lúa mới IR8 là Thần Nông 8. Với chức vụ Quản Đốc cho môt trung tâm huấn luyện mới thành lập, phải mất 3 tháng tôi mới mở được khóa huấn luyện đầu tiên giảng day canh tác lúa Thần Nông cho 30 vị Trưởng Ngành Túc Mể và Khuyến Nông trên toàn quốc. Cũng trong thời gian này, tôi được hân hạnh hướng dẩn vị nguyên thủ quốc gia (Tổng Thống) cấy lúa Thần Nông 8 trong một lể Hạ Điền (26/3/1968) tại nông xã kiểu mẩu Phước Thới, Long Xuyên. Nhờ công lao phát huy tiềm năng của lúa Thần Nông 8 tại trường NLS Cần Thơ, và huấn luyện chuyên viên ngành Túc Mể và Khuyến Nông của Bộ Canh Nông về kỹ thuật canh tác mới cho lúa Thần Nông, trước khi trở lại Viện Đại Học Cần Thơ, tôi được tưởng thưởng một Nông Nghiệp Bội Tinh. Có lẻ tôi là người trẻ nhất (lúc đó mới 27 tuổi) mà không phải nhân viên của Bộ Canh Nông lại được cái vinh dự này.


Photo

Hướng dẫn Tổng Thống cấy lúa Thần Nông 8 ở Long Xuyên
Tóm lại, chính nhờ mảnh đất của Trường NLS Cần Thơ, nhờ bàn tay lao động của các em học viên NLS, sư tận tụy của cô Trần Thị Thinh và anh lao công Trần Nhật Tân, sự yểm trợ nhanh chóng và hửu hiệu của anh Phạm Văn Kim và cụ Giám Đốc Phan Lương Báu, lòng ưu ái và khuyến khích của GS Viện Trưởng Phạm Hoàng Hộ và GS Tôn Thất Trình làm bực thang căn bản, vửng chắc, để từ đó tôi tiến lên sự nghiệp tốt đẹp hơn.
Tôi vô vàng ghi ơn các em học sinh NLS và các vị kể trên đã giúp tôi thành công trong thí nghiệm này.
Reading, 26/9/2008
Trần Đăng Hồng
 Bài này viết theo yêu cầu của Ban Biên Tập Đặc San "Trường Củ Tình Xưa" của lớp CT 1970-1973, NLS Cần Thơ.

 
Khóa huấn luyện canh tác lúa Thần Nông đầu tiên (9-20/4/1968) ở VN do tôi giảng dạy tại National Rice Production Training Centre do tôi vừa thành lập. Tôi đúng hàng đầu, thứ tư tính từ phía có hai chị.

Lời ước ở thế kỷ 21

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi, mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi, người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nghèo khó…
Nhạc sĩ của những tuyệt khúc đón xuân, Phạm Đình Chương, có tâm nguyện gì trong lời chúc Ly rượu mừng ấy? Đã 62 năm kể từ mùa xuân Nhâm Thìn ấy đến xuân Giáp Ngọ năm nay, ba giai tầng xã hội – gồm một giai cấp nông dân, một khối thương gia (kinh tế thị trường ban đầu) cùng một giai cấp công nhân – mà ông gửi lời chúc đến, đã chuyển biến, thăng hoa như thế nào? Có thể làm gì hơn không?
"Vui lúa thơm hơi, người thương gia lợi tức"
Năm 1952 ấy, chuyện nông dân thóc lúa đầy bồ không còn là một băn khoăn, mà là làm sao cho giá trị hàng hóa của gạo (xuất khẩu) cao hơn, nếu như có được những dòng lúa thơm ngon hơn. Xuân Giáp Ngọ này khi nghe lại “mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi”, ắt hẳn những ai quan tâm đến vấn đề phát triển nông thôn sẽ phải nhíu mày vì lời chúc “lúa thơm hơi” ấy của Phạm Đình Chương sao vẫn còn chưa thành sự thực.
công-nhân, nông-dân, lao-động, kiếm-tiền, thu-nhập, lương, thưởng, no-ấm, giàu có
Mong ước người nông dân no ấm, mùa màng bội thu
Vấn nạn cho gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2013 vẫn y hệt vấn nạn cho gạo xuất khẩu của Đông Dương hơn một thế kỷ trước. Năm 1918, Capus Guillaume, khi phân tích về gạo xuất khẩu của Đông Dương, đã từng viết: “Thương mại xuất khẩu gạo của Đông Dương từ lâu đã phải mất ăn đáng kể do yếu kém hơn so với các nước sản xuất những giống lúa gạo có giá cao hơn là Miến Điện, Mỹ, Ý, Nhật và Ấn Độ thuộc Hà Lan (Indonesia sau này - NV) cùng Ấn Độ thuộc Anh (tức Ấn Độ và Pakistan ngày nay – NV). Số thất thu này lên đến hàng triệu quan Pháp một năm, nhất là khi nay Đông Dương về mặt số lượng gạo xuất khẩu đứng thứ nhì trong số các nước sản xuất gạo, đạt 1,5 triệu tấn hàng năm, chỉ thua Miến Điện đứng thứ nhất.
Những nguyên nhân của sự thua kém này đã được biết đến từ lâu, ghi nhận từ cách đây hơn 50 năm và bị tố cáo không ngừng như là một trở ngại cho việc bước vào cạnh tranh thương mại mọi mặt với các đối thủ trong các thị trường phương Tây. Ngay từ năm 1867, gạo của xứ Nam Kỳ đem dự đấu xảo thế giới đã cho thấy chất lượng kém… Đến năm 1875, Giám đốc Sở nội vụ Nam Kỳ ghi nhận rằng loại nông sản hầu như là mặt hàng xuất khẩu duy nhất của chúng ta không còn có chỗ chen chân trừ phi chấp nhận giá thấp...".
Một thế kỷ sau, cũng vẫn tồn tại vấn nạn chất lượng gạo không sánh nổi các đối thủ truyền kiếp. Ai có thể làm gì hơn cho nông dân thoát khỏi cảnh “nghèo vẫn hoàn nghèo”? Câu trả lời xin nhường cho các nhà làm chính sách “phát triển nông thôn”.
Trong khi chờ đợi xin kể một câu chuyện. Khi bắt đầu biết ăn và đòi ăn, tôi đã nghe người ta gọi mãng cầu xiêm, vịt xiêm, dừa xiêm; nay già rồi, lại phải nghe xoài Thái, nhãn Thái, me Thái, boòng boong Thái, chôm chôm Thái, sầu riêng Thái… Và thú thiệt, trái cây của Thái bựu và ngon hơn của ta! Quái lạ, hết “xiêm” (Siam) nay là Thái! Tại sao giống má của ta cứ phải chào thua giống Thái ngay trên sân nhà vậy? Có công bằng không khi cứ bó tay để cho nông dân phải trồng những giống lúa giá bèo như IR50404 vì sợ thất mùa, vì năng suất cao… hay những giống cây ăn trái đèo đuột?
công-nhân, nông-dân, lao-động, kiếm-tiền, thu-nhập, lương, thưởng, no-ấm, giàu có
Gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước
Nếu người nông dân cứ chưa chịu nghe theo cái mới, thì đó không phải là lỗi của họ, lẽ ra các nhà hoạch định chính sách phát triển nông thôn phải cùng “sống chết” với nông dân mà lôi họ theo và các nhà giáo dục và đào tạo phải thiết kế một hệ thống trung học cộng đồng bên cạnh các lớp cấp 3 phổ thông trung học để đào tạo nền tảng nông nghiệp, theo đặc điểm trồng trọt, nuôi trồng từng vùng miền, như là một hệ cấp 3 chuyên ngành “kinh tế nông thôn” – một loại trường trung học chuyên nghiệp mới.
Nhìn lại câu chuyện trên về hạt gạo xuất khẩu hay bất cứ nông sản, thủy sản nào khác ở Việt Nam có thể thấy người nông dân, ngư dân trực tiếp sản xuất sao cứ chỉ “vỗ béo” các doanh nghiệp thu gom, xuất khẩu! Thị trường thế giới lên hay xuống, cũng chỉ nông, ngư dân lãnh đủ. Nếu không điều chỉnh được mối quan hệ này, e rằng đứt gãy xã hội sẽ ở đó. “Người thương gia lợi tức” mà “người nông dân không vui lúa thơm hơi”, thì rõ ràng là không ổn.
"Người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nghèo khó"
Lời chúc trong bài ca mừng xuân từ năm 1952 e rằng đến nay vẫn còn là điều ước đối với một số công nhân. Không lúc nào trong năm mà người lao động thắm thía sự chênh lệch xã hội bằng mỗi dịp Tết đến. Trước Tết vài tuần khi báo chí đăng tin về các khoản tiền thưởng “trên không trung” của một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, cũng là lúc mà người lao động cám cảnh thân phận mình nhất. Năm ngoái, ở TP.HCM, theo Sở Lao Động – Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết Nguyên Đán Qúy Tỵ cao nhất gần 540 triệu đồng, thấp nhất 373.000 đồng, cá biệt, có doanh nghiệp thưởng Tết bằng xe hơi…Tính ra chênh lệch giữa hai khoản tiền thưởng đối cực này là 1.447 lần! Đã thế, còn có những doanh nghiệp không thưởng, có doanh nghiệp cho gần 700 công nhân ngừng việc.
công-nhân, nông-dân, lao-động, kiếm-tiền, thu-nhập, lương, thưởng, no-ấm, giàu có
Mong người công nhân thoát ly đời gian khó
Chênh lệch thu nhập là một tất yếu khi mà nền kinh tế thế giới đã bước vào thời đại kỹ thuật số. Các cuộc cách mạng công nghiệp dựa trên các nguồn nhiên liệu đã thuộc về dĩ vãng: cuộc cách mạng thứ nhất (1770-1850) với than đá, mà dấu ấn quan trọng nhất là xe lửa - cuộc cách mạng thứ nhì (1850-1914) với dầu hỏa, điện, và xe hơi. Ngay cả khái niệm tập đoàn công nghiệp hùng mạnh trung tâm của thế kỷ 20 nay cũng ra người thiên cổ trước làn sóng “thế giới phẳng”. Có một giai đoạn, giữa kỹ sư và công nhân tính liên đới, gắn bó là rất cao: các kỹ sư cố gắng nâng cao tay nghề của các công nhân, giúp đỡ họ bằng các “câu lạc bộ chất lượng”.
Với “thế giới phẳng”, các tầng nấc của một tập đoàn công nghiệp trung tâm trước kia nay tan rã. Thay vì sản xuất từ A-Z, người ta sử dụng gia công bên ngoài cho những công đoạn không thiết yếu. Duy nhất còn tập trung là các kỹ sư trong các văn phòng nghiên cứu độc lập, mà ở đó chẳng có công nhân trực tiếp, thậm chí công việc phục vụ, bảo vệ thuê bên ngoài. Song song, cuộc cách mạng tài chính của những năm 1980 cũng đã làm thay đổi bộ mặt công ty. Nay không còn là lúc bảo vệ sự sống còn của người lao động mà là sự lời lãi của các cổ đông.
Daniel Cohen, một giáo sư kinh tế hàng đầu người Pháp, đã nhận xét: “Xã hội công nghiệp gắn bó một phương thức sản xuất với một phương thức bảo vệ. Qua đó, kết làm một bài toán kinh tế và bài toán xã hội. Xã hội “hậu công nghiệp” thì tách các vế đó ra. Xã hội hậu công nghiệp đó là xã hội dịch vụ”.
Tờ The Economist ngày 29/5/2005 loan báo số công việc làm trong ngành công nghiệp ở Mỹ nay chỉ còn không đầy 10% tổng số việc làm, và rằng tiếp sau Mỹ là Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức và Ý… Số liệu đó không gây sốc bằng lời bình luận kèm theo: “Sự sút giảm công ăn việc làm trong bất cứ lĩnh vực nào nghe qua cũng có vẻ như là một tin xấu. Song, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thì công việc làm bấy nhiêu là do nền kinh tế mạnh khỏe, chớ không đau ốm”.
Tờ báo này giải thích: “Sự suy giảm của lĩnh vực sản xuất công nghiệp không phải là do sự tràn ngập hàng hóa “made in China” trên các quầy siêu thị. Sản lượng công nghiệp ở Mỹ từ năm 1991 vẫn tăng đều đều 4% và Mỹ vẫn là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, sản xuất giá trị hàng hóa gần gấp đôi Trung Quốc…
công-nhân, nông-dân, lao-động, kiếm-tiền, thu-nhập, lương, thưởng, no-ấm, giàu có
Tổ chức Tết cho công nhân xa nhà
Đó là do các công ty của thế giới giàu có đã thay thế người lao động bằng những công nghiệp mới nhằm đẩy vọt năng suất và thay thế việc sản xuất các sản phẩm đòi hỏi nhiều lao động như hàng dệt may bằng các lĩnh vực kỹ thuật cao. Ngay trong nội bộ các xí nghiệp, các công việc ít kỹ thuật thì cứ thế mà đưa ra nước ngoài gia công. Trong khi R&D (nghiên cứu và phát triển), thiết kế và tiếp thị thì giữ chặt tại quê nhà”. Tờ báo này đặt câu hỏi: có phải do dịch vụ thì khó xuất khẩu mà Mỹ lại không sản xuất hàng hóa nên phải nhập siêu? Câu trả lời là nước Mỹ vẫn cứ đều đều xuất khẩu dịch vụ, sở dĩ nhập siêu là do dân Mỹ tiêu xài quá thôi!
Nay, thì sự phân công lao động trên không còn gây ngạc nhiên nữa. Ngạc nhiên nếu có chính là làm thế nào mà từ khi Việt Nam mở cửa vào đầu thập niên 1990 đến nay, vẫn chỉ phát triển được có mỗi lĩnh vực cung cấp lao động gia công giản đơn cho các nhà đầu tư.
Tháng 4 năm nay, BBC Lab UK công bố một kết quả nghiên cứu rộng rãi, theo đó, ở Anh hiện nay có bảy lớp xã hội, trong đó cao nhất là lớp tinh hoa ưu tú và chót hết là lớp vô sản có cuộc sống tạm bợ. Liên tưởng đến xứ mình, có thể thấy sự phân hóa xã hội qua thu nhập là tất yếu trong một nền kinh tế nông nghiệp “cổ truyền” với phương pháp và diện tích canh tác cùng một nền sản xuất gia công của hậu bán thế kỷ trước cộng sinh cùng một vài lĩnh vực dịch vụ đương thời mà tập trung chủ yếu ở một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Một vài lĩnh vực dịch vụ bung ra quá cỡ và “sống khỏe” (bằng những dịch vụ thiếu cân nhắc rủi ro, nên nay gãy đổ, tỷ như lĩnh vực ngân hàng, địa ốc và môi giới địa ốc)…., cùng một số lạm dụng trong một số tập đoàn quốc doanh lại càng làm cho sự phân hóa xã hội sâu sắc thêm.
Vấn đề đặt ra là làm sao tái cân bằng lực lượng lao động. Muốn thế phải xác định lại “xã hội công nghiệp” mà ta muốn tiến đến vào năm 2020 là như thế nào, gồm những lĩnh vực gì và ngành giáo dục đào tạo có thể được tham vấn gì trong đề án đó? Kinh nghiệm thất bại của năm lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn đã qua không chỉ trong thất bát mà trong cả việc cung ứng nhân lực cho các ngành công nghiệp đó đòi hỏi phải quan tâm hơn nữa đến lực lượng lao động cần thiết phải có. Bằng không, nếu cứ mãi ở chế độ gia công, e rằng sẽ có lúc không có cả hợp đồng gia công và cứ mãi ở giai đoạn mà kinh tế học gọi là “cất cánh kinh tế”.
Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới có tên “Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam” cho thấy người sử dụng lao động hiện nay đang tìm kiếm không chỉ là các kỹ năng nhận thức cơ bản, mà họ ngày càng quan tâm đến các kỹ năng như tư duy phê phán, làm việc nhóm và giao tiếp. Người sử dụng lao động nói rằng sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ra trường thường bị thiếu các kỹ năng này.
Chìa khóa của các vấn đề đó phần nào nằm trong tay Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mong là sang năm mới này không còn “ba chung” tuyển sinh nữa, nên có lẽ sẽ dành tài lực, trí lực mà tư duy thêm một chút cho bài toán nhân lực này.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn số xuân)