caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 2 décembre 2018

Đọc Nịnh Hót Qua Văn Chương, Ngữ Học của Ngưới Lính già Oregon.

tt

Thứ ngôn ngữ của lính miền Nam Việt Nam có tính cách riêng của nó và theo năm tháng, ai quen nghe nhà binh kể chuyện thì không thể nào không thích đọc khi họ viết văn.
Chuyện có sao kể vậy, nghỉ sao viết vậy, mời quý anh chị đọc thứ chuyện này mới thấy nó gần gủi với chúng ta hơn.
Cám ơn tác giả bài viết và bài hát hay.
Caroline Thanh Hương
 Résultat de recherche d'images pour "người lính không bao giờ chết"


Nịnh hót qua văn chương, ngữ học
Ngưới Lính già Oregon

 Résultat de recherche d'images pour "nịnh hót"
Tặng bạn hiền Đàm Trung Pháp, giáo sư đại học, tiến sĩ Ngữ học Anh, TX, người đã gợi ý cho tại hạ viết bài này
1. Nịnh hót theo ngôn ngữ truyền thống:
Để nói về người, và việc, nịnh bợ, trong ngôn ngữ truyên thống, tiếng Việt có chữ thằng nịnh, sự xu nịnh. Tiếng Anh có flatterer, flattery, to flatter (bởi tiếng Anh Trung cổ, flateren, và tiếng Pháp cổ đại, flater, gốc germanique). Tiếng Pháp có flatteur, flatteuse, flatterie, flatter (bởi tiếng francique của người Francs cổ, xuất phát từ chữ flat, hay plat, có nghĩa lòng bàn tay, tức ve vuốt ai bằng lòng bàn tay). Tiếng Latin là adulari, dẫn tới động từ to adulate trong Anh ngữ và aduler trong Pháp ngữ, đều cùng nghĩa nịnh hót. Tự nó, nịnh là hành động xấu (nịnh thần, nịnh đầm) vì thiếu thành thật, để đạt mục đích nào đó, như quyền lợi, chức tước, hoặc tình cảm. Cũng như “thằng ăn cắp / ăn cướp / ma cô”, người ta gọi “thằng nịnh”, chứ không bao giờ “ông nịnh”. Trong những truyện Nôm nước ta, các tác giả, chẳng hạn Nguyễn Đình Chiểu của Lục Vân Tiên, bày tỏ sự khinh ghét những thằng nịnh và khuyên ta nên xa lánh chúng. Vào thời phong kiến, vua chúa nào nghe lời xu nịnh của quần thần đều bị thân bại danh liệt, và ví dụ thì vô số trong lịch sử. Thi sĩ Latin Ovide viết trong Les Héroïdes (10 BC): “Ne vous laissez pas séduire par les mensonges de la flatterie” (Đừng để bị quyến rũ bởi những lời láo khoét của sự xu nịnh). Trong phần đầu Inferno (Địa ngục, viết năm 1300) của tuyệt phẩm La Divina Commedia, thi hào Ý Dante Alighieri (1265-1321) được thi hào Latin Virgile (70-19 BC, tác giả thiên anh hùng ca L’Énéide) dẫn xuống thăm chín tầng Địa ngục. Tầng chót giam những đứa lừa thầy phản bạn –tội nặng nhất. Tầng 8, áp chót, chia thành mười bờ hào bằng đá có cầu thông nhau (bolgia), được canh giữ bởi Gyreon, quái vật có cánh, ba đầu và ba thân mình dính với nhau, nhốt những thằng nịnh hót, cùng với những tên mang tội lừa đảo, gian dối, dụ dỗ, ngụy cố vấn, gây chia rẽ, tham nhũng, coi tử vi, phù thủy, tiên tri giả… Tiện nhân nghĩ thằng đại nịnh thần Tố Hữu, đã làm thơ khóc thương tên tội đồ quốc tế Staline còn hơn cha nó, chắc cũng quanh quẩn ở tầng thứ 8 này.
2) Nịnh hót trong tiếng lóng Anh và Pháp:
Tiện nhân muốn gộp chung vào tiếng lóng (slang / argot) tiếng bình dân (popular / populaire), hay thô tục (vulgar / vulgaire), của Anh và Pháp ngữ. Quả vậy, người ta thấy có nhiều từ ngữ thuộc ba loại này, mà không tự điển nào (dám) ghi ra, hay ghi ra hết. Để sử dụng nhuần nhuyễn, cần sống chung đụng lâu dài và nghe người bản xứ nói chuyện với nhau, hoặc với mình. Hoặc đọc những tác phẩm đương thời, chẳng hạn của Pháp, gồm những nhân vật trẻ sử dụng ngôn từ hiện đại, đặc biệt ngôn ngữ đường phố của một Céline hay một Boris Vian. Tới đây, xin mở ngoặc lớn: ngoài tiếng lóng, trong báo chí và tiểu thuyết của Pháp bây giờ, có những câu văn Pháp lai căng với nhiều tiếng Anh được chêm vào nguyên con, không ngoặc kép, mà người ta gọi là “franglais”, khiến những ông Hàn Lâm Viện Pháp đã phải cau mày, phẫn nộ. Một ví dụ: “C’est un appartement de grand standing, avec parking” (Đó là một căn phòng loại sang có bãi đậu xe). Những chữ score, match, stress, cash, playback, self-service v.v... được “vô tư” dùng, tự nhiên như người Hà Nội. Còn những chữ bình dân, tục tĩu, hay “bựa”, thì vô kể. Đó là lẽ tự nhiên. Vì ngôn ngữ, cũng như tư duy, quan niệm đạo đức, hay dòng sông, luôn thay đổi theo thời gian, biến hóa không ngừng, có thế xã hội mới tiến bộ, xin các ông Hàn Lâm Tây đừng quá lo lắng, mà tổn thọ.
Ngoài ngôn ngữ chính thống, tiện nhân được đọc (trên Net, từ hàng trăm lời bình phẩm tiêu cực của độc giả Mỹ về tin tức liên quan đến cậu Obozo hay mợ Hilly, chẳng hạn), nghe (và học, từ miệng của anh hàng xóm Mỹ vui tính, vốn là cựu Trung úy Marine ở Đà Nẵng) những tiếng lóng thô tục trong Anh ngữ về “thằng nịnh”, và việc “nịnh hót”. Đó là ass-kisser (kiss = hôn), ass-licker (lick = liếm).
Chữ ass có nhiều nghĩa: (a) đen kịt: mông (buns, bottoms), hậu môn (asshole, anus), (b) đen vừa: con lừa (c) hơi bóng: bộ phận sinh dục nói chung, (d) và bóng lộn: một thằng ngu, stupid, hay bozo (dunce, fool, cf nickname Obozo). Phần nào giống như chữ Pháp con (đọc là “kông”,có nghĩa âm đạo, vagin, và thằng ngu), đối lại với zizi (dương vật). Dĩ nhiên, trong nội dung ”nịnh hót” và đi với “hôn / liếm”, chữ ass được hiểu theo nghĩa (a) và (c), và được dùng với “tần suất” tối đa, giống các chữ fucking, damn, shit được gắn thường trực trên môi người Mỹ (kể cả học sinh) hay những chữ cul, con, foutre, merde của Tây. Riết rồi chúng mất đi nghĩa đen hay bóng, để trở thành những tán thán từ dùng để xả xú báp khi cần. Chẳng hạn chữ merde: ở Pháp, ai chưa một lần gọi tên “yêu dấu” của nó thì chưa phải là Tây (chính cống), cũng giống trong thành ngữ quen thuộc: “Không ăn đậu không phải là Mễ, không đi trễ không phải là Việt Nam”.
Pháp ngữ cũng có tiếng lóng đồng nghĩa nịnh hót với assass-licker hay ass-kisser. Đó là cul lèche-cul. Hoặc lèche-bottes (liếm giày). Hoặc đơn giản hơn, khỏi cần đi với cul, là lèche trống trơn, chỉ sự liếm, tức sự nịnh hót (“faire de la lèche”),vàlécheur, léchard, thằng liếm, tức thằng nịnh (vừa phải). Còn việc / thằng nịnh một cách dữ dội, hạ tiện (flatter bassement), như Tố Hữu, thì có chữ flagorner và bà con của nó: flagornerie (sự), flagorneur (người) hay, dơ dáy hơn, pompe-anus (bơm-hậu môn, trong Việt ngữ cũng có câu: “đút ống đu đủ vào đ. bơm lên mây xanh”). Tiếng Pháp không có chữ tương đương ass-kisser, được đồng hóa với ass-licker. Trường hợp phải dịch “kiss my ass”, tiếng Pháp có: “Va te faire foutre” (Piss off! Fuck off! Stuff it!). Nhưng thôi, bấy nhiêu ví dụ, tiện nhân tưởng cũng đủ rồi.
3. Còn trong tiếng Việt ta?
Phong phú lắm chứ, không thua Anh ngữ và Pháp ngữ. Vài cách nói bình dân để chỉ việc / thằng xu nịnh: “tay sai”, “gia nô”, “khuyển mã”, “bợ đít”, “bưng bô”. Tuy nhiên, tay saigia nô thì thường quá, và không hoàn toàn đúng nghĩa nịnh hót, vì tớ nịnh chủ là điều đương nhiên, có khi bắt buộc, mất tính tự nguyện, mà tự nguyện là một trong những điều kiện và sắc thái của nịnh hót. Khuyển mã thì trong Kiều đã có hai câu thơ rất đài các: Tái sinh chưa dứt hương thề / Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai. Chữ bưng bô diễn tả sự việc cụ thể, nhưng không hẳn là xu nịnh, mà còn hàm ý một hành động tốt, tích cực, vào thời buổi này: giúp đỡ người già yếu, bệnh tật, như con cái đối với cha mẹ, hoặc y tá làm việc trong các nhà dưỡng lão. Bợ đít vẽ ra hình ảnh sống động, đập vào mắt, nhưng không hấp dẫn bằng lèche-cul, hay ass-lick, và đôi khi thấy tội nghiệp nếu chẳng may bợ phải cặp mông nặng quá tải.
Nhìn trước nhìn sau, tiện nhân chỉ thấy chữ Nâng Bi (viết hoa để tăng thêm phần long trọng) là chính xác, hoàn hảo nhất, thanh lịch và “chất lượng” nhất. Nói chung, tuyệt vời. Trên cả tuyệt vời. Qua mặt cả lèche-cul của Tây và ass-lick của Mỹ. Tiện nhân sẽ đi một đường bình giải sau về chữ quốc hồn quốc túy tuyệt cú mèo này.
4. Nguồn gốc của Nâng Bi:
Bây giờ, xin phép đi tra cứu “lý lịch trích ngang trích dọc” và “hộ khẩu” của chữ Nâng Bi. Hỏi một ông láng giềng gốc Cầu Kè, Trà Vinh, ông lắc đầu: “Tụi tui là dân miệt dzường hổng có nói nưng bi. Lần đầu tui mới nghe đó đa. Chữ này có dzẻ dzăng minh lắm đa!”. Hỏi một anh bạn Bắc kỳ, anh hớn hở, như người trúng mánh: “Có, có, hồi còn bé, ở ngoài Bắc, tôi có nghe nói chữ này chứ, nhưng không biết do ai đặt.” Đúng thế, không biết ai là cha đẻ của nó, nhưng vào cuối thập niên 60, tiện nhân được nghe từ miệng của bạn bè nhà binh và thấy nó xuất hiện trên tờ báo Sống của Chu Tử, hay Con Ong của Thương Sinh (Duyên Anh) –tác giả của những bài đả kích đám “dân biểu gia nô của tông tông”.
Lên Net, tiện nhân được đọc bài của một nhà học giả thật giải thích rằng nâng bi là do chữ lobby (vận động hành lang quốc hội) của Mỹ. Không đúng. Vì ngoài âm bi, hai chữ này chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau. Lobby chỉ một nhóm tư nhân không có mục đích nịnh hót ai, mà chỉ muốn đi đêm gây ảnh hưởng (influence) trên cơ quan lập pháp, về một đạo luật có lợi cho họ, để đổi lại một khoản đền ơn sòng phẳng nào đó. Nghĩa là một hình thức “hối lộ” kiểu Mỹ không hơn không kém, hợp pháp, công khai.
Một nhà nghiên cứu khác, có lẽ bị ám ảnh bởi chữ “bi”, đã không ngần ngại viết bài kể chuyện một anh cấp dưới chơi bi da với xếp lớn, cố thả cho xếp thắng bằng cách “nâng” các trái “bi” da cho ông ta. Nhưng “nâng” bằng cách nào? Chứng tỏ tác giả không rành chơi bi da, vì không ai nâng (như trong bóng chuyền, nâng banh cho đồng đội đập), nhưng cố tình đi đường cơ thế nào mà các trái bi được “gom / để / đặt” vào vị thế dễ dàng (như giò gà, hoặc sát lỗ) cho xếp thụt và ăn điểm ngon lành. Lại nữa, chơi bi da, xì phé, hay cờ tướng cốt để cho xếp mình thắng, trên thực tế chưa hẳn là nịnh hót, mà để lập công, lấy điểm –ba hành động khác biệt, độc lập với nhau...
Đi tìm trong kho tàng tục ngữ, ca dao VN, không thấy chữ Nâng Bi. Chỉ nghe trong ngôn ngữ dân gian, và qua những lần trà dư tửu hậu, rượu vào lời ra, câu nói sau đây liên quan đến nội dung nâng bi, mặc dù chứa đựnghình ảnh và hành vi rất khác nhau: “cầm c. cho chó đái” (nghe tục quá, nhưng cũng phải trích ra, xin lỗi quý vị, quý bạn, nhất là phái nữ). Nhân đó, tiện nhân lại nhớ đến câu chuyện ai kể lâu rồi. Một anh thư ký nọ mới được tuyển dụng, một hôm, thấy ông giám đốc đi vào toilet. Khi ông trở ra, anh đứng tại cửa văn phòng, cúi chào, và cất tiếng, xuýt xoa: “Dạ bẩm ngài giám đốc, ngài quá bận rộn, đa đoan công việc của sở cơ thế, mà ngài vẫn đích thân vào phòng vệ sinh để tiểu tiện ạ! Không ai bình dân hơn ngài ạ!”. Nịnh đến thế thì hết cỡ, Tố Hữu mà sống lại, chắc cũng phải khóc thét lên ạ!
5. Lời bàn Mao Tôn Cương về tuyệt ngữ Nâng Bi:
Trở lại chữ nâng bi vàý nghĩa, nội dung, hình thức toàn bích của nó. Bi ở đây là tiếng lóng cho (hai) quả tinh hoàn, còn gọi là ngọc hoàn, tức balls trong tiếng Anh và couilles hay roupes, roupettes của Pháp ngữ. Hai quả trứng này, hoặc, theo ngôn từ bình dân, hai trái lựu đạn (“trên răng dưới lựu đạn”), tức hai hòn bi (lớn, nhỏ còn tùy người đối diện), nếu lỡ bị đụng mạnh vào sẽ gây đau đớn tột cùng, tê tái, nhức nhối còn hơn bị bò đá –một “sự cố” mà bất cứ anh đàn ông nào, trong một lần nào đó trong đời, cũng đã kinh qua. Bởi thế các võ sĩ giác đấu (gladiator) La Mã phải giấu của nợ bằng một cái khố (giáp) kim loại. Bởi thế, mới có sự ví von: “đau như hoạn”. Bởi thế, mới có câu thơ của Xuân Diệu: Không gian như có dây tơ / Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu, trong câu thơ lãng mạn này, Xuân Diệu muốn ca tụng vẻ đẹp mỏng manh như tơ liễu của buổi chiều tà. Thấy hợp với đề tài, tiện nhân mạn phép mượn tạm để nhắc khéo quý ông (quý bà không có gì phải lo) về nỗi khổ thầm kín của đàn ông, mặc dù câu thơ chẳng dính líu gì đến bi, trứng hay lựu đạn.
Bởi mong manh, dễ vỡ, dễ đau, dễ thương như thế, bi mới phải được nâng chứ. Động từ này rất đắc địa, tuyệt chiêu. Khiến người ta nhớ thành ngữ: Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Hai chữ nânghứng, ở đây, có cùng nghĩa. Nhưng với bi, phải dùng nâng, không thể hứng, ngoại trừ Michael Jackson khi trình diễn thường hứng bi bằng một động táctưởng tượng (mà có người gọi là “bốc bi”, sai và kém tao nhã) ném vào mặt khán giả? Bởi bi cũng là trứng, nên động từ nâng hàm ý một sự “tiếp cận”, tức “giao lưu”, tức cầm trực tiếp đối tượng (bi, trứng) trong lòng bàn tay êm ái. Ngoài ra, theo định nghĩa tổng quát, nâng có nghĩa đưa lên cao một chút (lift up / soulever). Một cách nhẹ nhàng, như trong câu thơ của Thế Lữ: Cười nâng tà áo đưa lên gió / Em bảo: Hoa kia khóc hộ người. Một cách trân trọng, như cử chỉ của Kim Trọng đưa đàn cho Thúy Kiều: Hiên sau treo sẵn cầm trăng / Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày.
Khi đi với bi, nâng trở thành nâng niu (to caress, to pamper, to fondle / caresser, dorloter, cajoler, choyer). Nâng bi, bởi thế, được dịch là to caress the balls / caresser les couilles. Nghĩa là cầm lấy, mân mó, nâng niu, vuốt ve hai hòn bi của đối-tượng-nịnh một cách cụ thể, đê mê, âu yếm, với bàn tay đủ năm ngón kiêu sa.
6. Trường hợp tên Đại sứ Đại Cà Chớn Mỹ tại Việt Nam:
Ted Osius, tức Ozizi, vì muốn bảo vệ job, chứ không phải vì lý tưởng lý tiếc gì ráo trọi, đang muối mặt nịnh hót cực kỳ và bẩn thỉu lũ Việt Cộng, phản bội những cựu chiến binh và tử sĩ đồng hương của hắn đã tham chiến tại VN, và các quân dân đồng minh VNCH, bằng cách vinh danh bọn lính VC đánh thuê cho Liên Xô và Tàu Cộng, gọi chúng là “anh hùng”, ngày 27/7 vừa qua tại Hà Nội. Trước đó, Ozizi đã từ chối đứng bên lá Cờ Vàng yêu quý, thiêng liêng, cao cả của Cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn Hải Ngoại. Nhận thấy không ai có thể bơm, thổi, liếm VC một cách đắc lực, điệu nghệ, “ấn tượng” bằng Ozizi, tiện nhân muốn dành riêng cho hắn ta cái tước hiệu nâng bi –cực kỳ ấn tượng, cực kỳ vĩ đại, cực kỳ hoành tráng.
Trong cả hai nghĩa bóng và nghĩa đen.
Portland, ngày 3 tháng 9, 2015
NLGO

Món ăn Việt khó bỏ qua với 15 kiểu kho thịt heo khác nhau, tuỳ ý chọn lựa.

Món ăn Việt Nam khó bỏ qua được, đó là món thịt kho.
Có rất nhiều kiểu thịt được kho và tuỳ hương vị mỗi mùa mà món này được thêm với những củ hay thức ăn khác để không nhàm chán.
Kính gửi quý anh chị bài sưu tầm về món thịt kho Việt Nam.
Caroline Thanh Hương


Tổng hợp 15 cách kho thịt heo thơm ngon, phong vị món ăn gia đình Việt


Thịt kho là món ăn rất quen thuộc trong bữa cơm người Việt từ nông thôn đến thành thị. Nhưng mà kho mãi một kiểu thì chắc chắn là sẽ nhanh chán lắm. Vì  thế một chút biến tấu và thay đổi là các bạn sẽ có ngay một nồi thịt kho hương vị thơm ngon, mới lạ, hấp dẫn. Sau đây là tổng hợp 15 món thịt kho thơm ngon khó cưỡng với những nguyên liệu kết hợp đa dạng như trứng, dừa, chuối xanh… khiến cả nhà ăn hoài mà không thấy chán đâu nhé!
1.Thịt kho tàu truyền thống
Đây là món ăn được nhiều người yêu thích nhất, hương vị đậm đà, thịt mềm đánh bay nồi cơm trắng.

Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ: 500gr
– Trứng cút: 20 quả
– Nước mắm, tiêu, tỏi, ớt, đường, hạt nêm,
Cách làm:
– Rửa sạch thịt ba chỉ rồi thái thành các miếng hình chữ nhật vừa ăn rồi cho vào bát để ướp với nước mắm, hạt nêm, tiêu, tỏi băm và nước màu khoảng khoảng 1 tiếng để khi đun thịt sẽ đậm vị.
– Trứng cút đem luộc và bóc vỏ sạch.
– Cho thịt vào nồi đun cháy cạnh thì đổ nước dừa vào trên liwar vừa. Khi thấy nồi thịt kho sôi thì vặn nhỏ lửa và để liu riu.
– Nêm lại gia vị cho vừa ăn rồi đổ trứng cút vào kho cùng đến khi nước sốt gần cạn thì tắt bếp.
2.Thịt kho tiêu

Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ 500gr
– Hạt tiêu, đường, nước mắm, hạt nêm, gia vị
Cách làm:
– Mua thịt ba chỉ hoặc chọn thịt ở phần phía trên thăn có chút mỡ khi ăn sẽ không bị khô. Rửa sạch thịt dưới vòi nước rồi đem chần sơ qua nước sôi, vớt ra để ráo nước.
– Cho đường vào nồi để thắng đến khi có màu vàng cánh gián thì đổ thịt vào và đảo đều với phần tỏi đập dập.
– Rang thịt khi thấy đã săn và căng vàng thì cho gia vị bao gồm nước mắm, bột tiêu, đường, hạt nêm, dầu hào và đổ thêm chút nước lọc để tiếp tục kho.
– Đun trên lửa nhỏ khi thấy nước kho thịt chuyển sang dạng sệt thì tắt bếp. Rắc thêm chút hành thái nhỏ để tăng hương vị.
3.Thịt ba chỉ kho cá quả với chuối xanh

Nguyên liệu:
– 1 con cá (quả, trắm, chép, trôi… tùy ý)
– 4-5 quả chuối xanh, 1 củ riềng nhỏ, 1 nhánh gừng nhỏ, 2 củ hành khô, 2-3 quả ớt tươi (tuỳ độ cay)
– 200-300gr thịt ba chỉ
– Gia vị: hạt nêm, bột canh, mỡ nước hoặc dầu ăn, đường hoa mai vàng, bột nghệ, nước mắm ngon
Cách làm:
Bước 1: Thịt ba chỉ rửa sạch ( có thể chần qua nước sôi), cắt miếng vừa ăn.
Cá sau khi mua về đánh sạch vảy rồi chà qua muối cho khỏi nhớt. Làm sạch ruột cá, rửa sạch, cắt khúc vừa ăn.
Bước 2: Ướp thịt ba chỉ và cá với 3 muỗng cà phê bột canh, 2 muỗng cà phê bột nêm, chút hành, riềng băm nhỏ, chút bột nghệ, chút xíu nước mắm. Để cá và thịt ngấm gia vị trong 30p. Thỉnh thoảng đảo hoặc xóc cá lên.
Riềng, gừng cạo sạch vỏ, thái lát mỏng. Ớt để cả quả hoặc thái miếng nhỏ ( tuỳ độ cay mà điều chỉnh).
Chuối xanh rửa sạch, để cả vỏ xanh bên ngoài hoặc tước vỏ tuỳ sở thích, cắt khúc bổ đôi thành miếng vừa ăn.
Bước 3: Cách thắng đường: Cho ít dầu ăn vào chảo, thêm 3-4 muỗng canh đường hoa mai vàng vào, đường tan ngả sang màu vàng cánh gián thì tắt bếp. Thêm vào chút nước trắng sẽ thu được nước đường.
Bước 4: Chuẩn bị nồi đế dày, lớp đầu tiên xếp riềng, gừng xuống đáy, tiếp theo một lớp chuối xanh. Cá sau khi ngấm gia vị thì đặt từng miếng lên trên lớp chuối, xen kẽ là các miếng thịt ba chỉ. Lớp trên cùng xếp thêm một lớp chuối, đặt ớt lên trên (nếu thích ăn thêm riềng thì xếp thêm một ít lên trên nữa nhé), rưới vài thìa dầu ăn hoặc mỡ nước lên trên.
Đổ phần nước đường vừa thắng đều nồi cá, thêm nước cho xăm xắp đun sôi cá, hạ nhỏ lửa đun đến khi cạn nước. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng nhưng không được lật cá. Nếu chuối, thịt, cá chưa nhừ mà nồi cá đã cạn nước thì cho thêm chút nước nữa và đun nhỏ lửa đến khi các nguyên liệu mềm nhừ, cạn nước là được.
Khi cá gần được rưới thêm vài thìa mỡ nước hoặc dầu ăn lên trên để nồi cá được đẹp, bóng bẩy hơn. Tắt bếp để cá nguội, khi ăn bật bếp lại cho cá nóng và nước cạn hẳn là ngon.
4.Thịt kho ruốc sả kiểu Huế

Nguyên liệu:
– 400g thịt ba chỉ
– 3 thìa cà phê mắm ruốc Huế
– 3 đến 4 nhánh sả
– Đường, nước mắm, ớt nếu bạn ăn cay
– Dưa leo, hành khô.
Cách làm
Bước 1: Thịt ba chỉ rửa sạch, thái lát vừa ăn. Ướp thịt với chút muối, tiêu.Sả rửa sạch, thái nhỏ, sau đó xay hoặc dùng dao bằm nhuyễn.Mắm ruốc pha với nước lạnh, trộn đều cho mắm tan, lọc lại cho sạch cát.
Bước 2: Làm nóng dầu ăn, cho hành khô đã thái nhỏ vào phi vàng rồi tiếp tục đổ sả đã bằm nhuyễn vào, dùng đũa đảo đều để sả chín.
Nhanh tay đổ tiếp thịt ba chỉ vào, dùng đũa đảo đều, xào thịt với lửa lớn cho thịt săn lại.
Tiếp tục đổ nước mắm ruốc đã hòa tan với nước lạnh vào nồi thịt, đợi sôi bùng lên thì giảm lửa.
Đậy nắp nồi lại, đun liu riu.
Thỉnh thoảng mở nắp nồi ra đảo đều thịt, nêm chút xíu nước mắm, đường. Vì mắm ruốc đã mặn nên bạn không cần thêm nhiều muối. Nêm thịt hơi ngọt ngọt.
Khi thịt mềm, cạn bớt nước thì bạn tắt bếp, rắc ít hạt tiêu lên bề mặt thịt rồi lấy ra đĩa, ăn với cơm nóng rất ngon.
5.Thịt kho dứa (khóm)

Nguyên liệu:
– 500g thịt heo ba chỉ.
– 1 quả dứa chín ương.
–  3 củ hành khô.
–  Gia vị: nước hàng, hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu.
–  Ớt cay 1 quả.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu làm món thịt heo kho dứa.
– Thịt heo các bạn rửa sạch sau đó thái thành những miếng vuông vừa ăn.
–  Dứa các bạn gọt vỏ, cắt mắt dứa, sau đó thái những miếng vuông vừa ăn nhưng dày một chút.
–  Hành khô các bạn băm nhỏ.
–  Ớt bỏ hột thái nhỏ.
Bước 2:
– Đầu tiên các bạn tiến hành ướp thịt.
– Thịt heo các bạn cho ráo hết nước rồi cho vào một bát tô. Ướp thịt với các nguyên liệu sau: 3 muỗng nước hàng, 2 thìa cà phê hạt tiêu, 3 muỗng nước mắm, 2 thìa cà phê hạt nêm, ½ hành khô băm.
– Các bạn trộn thật đều các nguyên liệu để thịt heo được ngấm gia vị, ướp thịt 20 phút.
– Các bạn bắc một cái nồi lên bếp, cho một chút dầu ăn vô làm nóng. Sau đó, các bạn cho nốt chỗ hành khô còn lại vào phi thơm.
– Tiếp theo các bạn cho thịt heo vào đảo đều.
–  Khi các bạn thấy thịt săn lại thì các bạn cho thêm nước vào hầm nhừ thịt heo.
– Khi nước sôi các bạn đậy vung, cho thêm một ít ớt vào nữa, mở lửa liu riu.
– Tiếp theo, các bạn kiểm tra mực nước hầm thịt nếu nước đã cạn bớt thì các bạn cho dứa vào đun cùng.
– Các bạn kho dứa và thịt thêm 15 phút nữa, cho thêm ớt vào khuấy qua nhẹ tay và tắt bếp.
–  Múc thịt heo, dứa ra đĩa, tưới thêm nước dùng lên trên và ăn nóng với cơm.
6.Thịt kho củ cải

Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ
– Củ cải
– Gia vị: muối, nước mắm, đường, tiêu, tỏi, ớt, hạt nêm,
Cách làm:
– Thịt thái miếng ướp với nước mắm, đường, muối, bột ngọt, nước màu, hành băm trong khoảng 30 phút.
– Cho dầu vào nồi và phi hành tím cho thơm. Đổ thịt vào và rang đến khi săn lại thì cho củ cải vào để đảo cùng.
– Đổ thêm nước ướp và chút nước lọc vào nồi, đun trên lửa nhỏ.
– Khi thấy nồi thịt kho gần cạn nước thì nêm gia vị lại rồi tắt bếp.
7.Thịt kho dưa cải chua

Nguyên liệu:
– 300g thịt ba chỉ
– 250g dưa cải chua
– 2-3 thìa nước muối dưa
– 1 củ hành khô, nước màu dừa (nước hàng)
– Gia vị, nước mắm, tiêu, đường.
Cách làm:
Bước 1: Thịt ba chỉ rửa sạch, để ráo, thái miếng vừa ăn.
Bước 2: Hành khô bóc vỏ, rửa sạch, đập dập, bằm nhỏ. Sau đó ướp thịt ba chỉ với gia vị, tiêu, nước màu dừa, xíu đường, 2-3 thìa nước muối dưa và hành khô băm nhỏ ở trên để khoảng 15-20 phút.
Bước 3: Dưa cải chua rửa sơ, vắt nhẹ cho dưa ra bớt nước để khi kho dưa giòn hơn.
Bước 4: Cho thịt đã ướp ở trên vào nồi kho, đảo cho thịt săn lại. Thêm 1/2 chén nước sôi vào nồi, kho nhỏ lửa khoảng 10-15 phút. Sau đó cho dưa vào đảo đều, kho thêm khoảng 12-15 phút, thêm 1/2 thìa nước mắm ngon, đảo đều nêm nếm vừa ăn là được.
Tùy vào bạn muốn ăn thịt mềm hay không thì tăng giảm thời gian kho tuỳ ý nhưng dưa cải nên kho trong thời gian khoảng 15 phút để dưa ngấm gia vị và vẫn giữ được độ giòn.
Thịt ba chỉ dưa cải chua ăn với cơm trắng thực sự ngon đặc biệt trong những ngày trời trở lạnh như thế này.
8.Thịt kho quẹt với tôm khô

Nguyên liệu:
– 200 gam tôm khô
– 1 ít hạt tiêu bột
– 5 muỗng canh nước mắm
– 3 muỗng canh đường trắng
– 1 muỗng cà phê bột ngọt
– hành tím và hành lá
– 100 gam thịt lợn ba chỉ ( mỡ nhiều hơn nạc nhé)
Cách làm:
Bước 1: Đầu tiên, bạn ngâm tôm khô vào một tô hay nồi nước lạnh, khoảng  20 phút, cho tôm mềm ra. Còn 100 gam thịt lợn ba chỉ thì bạn thái hạt lựu ra nhé.
Bước 2: Bạn làm nóng chảo trên bếp lửa ở nhiệt độ vừa, sau đó cho thịt lợn vào phi, đến khi thịt có màu vàng và khô lại thành tóp mỡ là được nhé. Hành tím và hành lá bạn làm sạch rồi thái mỏng, bạn cũng nhớ là để riêng phần đầu hành và phần thân hành nhé.
Bước 3: Cho bát thịt lợn ra bát, chỉ để lại một ít trong chảo thôi, sau đó, cho hành tím và đầu hành lá vào, bạn phi thật thơm, không nên để lâu quá, sẽ cháy hành. Sau đó, bạn pha nước nắm kết hợp bột ngọt, đường, đổ vào chảo với tôm khô và hạt tiêu, bạn thêm phần hành lá xanh vào luôn nhé, để lửa ở nhiệt độ vừa phải cho đến khi thấy hỗn hợp sánh lại là được nhé.
9.Thịt kho măng

Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ: 350 g
– Măng tươi: 1 củ
– Hành hoa, Hành củ, Nước hàng
– Gia vị: dầu ăn, mắm ngon, bột nêm, súp, mì chính
Cách làm:
Bước 1:Thịt ba chỉ rửa sạch cắt miếng vừa ăn
Bước 2: Ướp thịt với hành củ băm nhỏ, măng cắt con trì.
Bước 3: Cho ½ thìa bột nêm, 2 thìa mắm ngon, ½ thìa súp, 1 thìa dầu ăn.
Bước 4: Phi thơm hành khô với một ít dầu ăn
Bước 5: Cho thịt măng vào đảo đều, ninh nhỏ lửa
Bước 6: Tiếp đến cho 2 thìa nước hàng vào và ½ bát nước sôi đun đến khi nước cạn.
Bước 7: Tắt bếp cho hành hoa vào, trút thịt măng ra bát dùng với cơm nóng.
10.Thịt kho khoai sọ

Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ
– Khoai sọ ta
– Dầu hào, hành tím, hoa hồi, gia vị, đường, nước mắm
– Hành hoa
Cách làm:
– Thịt thái miếng rồi ướp với dầu hào, đường, bột canh, hành tím, hoa hồi.
– Khoai sọ cạo vỏ, rửa sạch cắt thành 4 miếng.
– Cho thịt vào nồi rang cháy canh rồi đổ khoai sọ vào, thêm nước xâm xấp mặt và nấu ở lửa vừa. Khi đã sôi hẳn thì vặn nhỏ lửa.
– Kiểm tra thấy thịt và khoai đã mềm thì tắt bếp.
11.Khổ qua dồn thịt kho tiêu

Nguyên liệu:
– 2 trái khổ qua rừng,
– 50 gram thịt heo xay
– 3 tai nấm hương khô
– Gia vị thông thường, nước tương, tỏi ớt
Cách làm:
Khổ qua cắt khoanh bỏ ruột rửa sạch, để ráo nước.
Trộn nhân thịt và nấm hương ngâm nở cắt hạt lựu. Nêm muối tiêu đường
Nhồi nhân thịt vào khổ qua
Tiếp đó đem miếng khổ quan nhồi thịt hiên sơ các mặt cho săn
Thêm nước tương, tỏi phi, ớt trái, gia vị tiêu đường, 2 muỗng canh nước lọc, kho cho thấm khoảng 20ph lửa nhỏ. Cạn nước thì thêm nước từng muỗng.
Múc ra ăn với cơm nóng rất ngon!
12.Thịt kho đậu phụ

Nguyên liệu:
-1 miếng đậu hũ, khoảng 400 gam
-1 bó hẹ
-2 muỗng cà phê dầu thực vật
-1 tép tỏi
-1 khúc gừng khoảng 2,5 cm
-1 chén thịt heo băm nhuyễn, khoảng 200 gam
-1 muỗng cà phê nước lạnh
-Gia vị ướp thịt: 1 muỗng cà phê muối,m1 nhúm tiêu đen, ½ muỗng cà phê rượu Thiệu Hưng, 1 muỗng cà phê bột bắp
Cách làm:
Bước 1: Cho tất cả các nguyên liệu ướp thịt vào chén thịt heo, trộn đều và ướp trong 15 phút.
Bước 2: Bắc một chảo không dính lên bếp, cho dầu ăn vào chảo và chiên đậu hũ cho đến khi vỏ ngoài của đậu hũ chuyển sang màu nâu. Công đoạn này sẽ chiếm của bạn từ 5 – 10 phút. Trong quá trình chiên đậu, bạn hạ lửa thấp để lớp ngoài của miếng đậu hũ không bị khô và sạm. Lật trở miếng đậu thường xuyên để đậu hũ vàng đều. Vớt miếng đậu ra ngoài và giữ lại phần dầu ăn trong chảo.
Bước 3: Cho tỏi, gừng vào chảo và chiên một lúc để tỏi chuyển sang màu vàng nâu và có mùi thơm. Thêm thịt heo băm nhuyễn vào chảo và xào cho đến khi thịt heo chín đều.
Bước 4: Đổ đậu hũ vào chảo, thêm muối, nước tương và nước lạnh. Nấu sôi liu riu với lửa nhỏ trong khoảng 5 phút. Thêm lá hẹ vào để tạo mùi thơm cho món ăn. Xào thêm một lúc nữa để làm mềm lá hẹ. Tắt bếp.
Bước 5: Cho món ăn ra tổ, thưởng thức cùng với cơm ngay khi món ăn còn nóng.
13.Thịt kho trám

Nguyên liệu :
– Thịt ba chỉ: 300g
– Quả trám: 200g
– Gia vị: Nước mắm, hạt nêm, muối, đường, ớt, gừng tươi, hành khô, nước hàng.
Cách làm:
– Trám mua về rửa sạch, tách hạt, ngâm với nước. Trước tiên các bạn cần om trám, sử dụng nước ấm (3 phần nước sôi, 2 phần nước lạnh) đậy vung để om trá. Khoảng 30phút sau thì vớt trám ra tách đôi bỏ hạt.
– Thịt mua về rửa sạch, thái miếng vuông. Gừng tươi thái chỉ, hoặc thái lát mỏng đều được. Hành khô bằm nhỏ.
– Ướp gia vị thịt: ướp thịt với mắm, muối, đường, hành khô, nước hàng vừa đủ chừng 20 phút. Sau đó cho thịt vào rang xém cạnh.
– Tiếp đến bạn cho trám vào kho lẫn thịt, cho thêm chút xíu nước vào đun nhỏ lửa đến khi nước cạn đồng thời trám cũng ngấm gia vị.
– Để lửa liu riu 30 phút cho trám, thịt chín mềm. Nêm nếm lại lần cuối thấy vừa thì tắt bếp.
Chú ý: Trong lúc nấu không được đảo nhiều kẻo miếng trám bị nát mà chỉ cầm hai quai nồi sóc lên thôi.
14.Thịt kho nấm rơm

Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ: 300g
– Nấm rơm: 150g
– Hành củ, hành lá, ớt.
– Gia vị: Nước mắm, bột nêm, đường, nước màu dừa, tiêu, muối
Thực hiện:
Bước 1: Thịt ba chỉ rửa sạch với chút muối, để ráo, thái miếng nhỏ. Chú ý: Khi kho với nấm rơm thì các bạn thái thịt nhỏ hơn một chút so với các món kho khác.
Bước 2: Ướp thịt với hành củ bằm nhỏ, nước mắm, bột nêm, nước màu dừa (hoặc nước hàng), xíu đường để khoảng 15-20 phút cho thịt ngấm. Nếu không quen tỷ lệ các loại gia vị, bạn có thể sử dụng gói gia vị thịt kho mua sẵn.
Bước 3: Nấm rơm cắt bỏ chân, phần dập nát, rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo có thêm chút muối khoảng 30 phút cho nấm sạch, trắng.
Nếu không có nước vo gạo bạn sử dụng nước lã có thêm chút muối là được. Sau đó, vớt ra rổ, rửa lại với nước cho sạch, để ráo.
Bước 4: Bắc nồi lên bếp, cho thịt vào đảo cho săn.
Bước 5: Khi thịt săn, thêm chút nước sôi sao cho ngập mặt thịt, kho với lửa vừa đến khi nước gần cạn, thịt chín mềm.
Bước 6: Cho nấm rơm vào đảo kỹ, kho thêm khoảng 5-7 phút nữa. Nêm nếm cho vừa ăn. Tắt bếp, rắc chút hành lá xắt nhỏ, ớt xắt và xíu tiêu là được.
Món này ăn nóng cùng với cơm rất ngon.
15.Thịt kho dừa
Thịt kho dừa mặn ngọt hòa quyện lại với nhau giúp bữa cơm ngon miệng hơn.

Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ ngon
– Cùi dừa bánh tẻ không non không già
– Nước hàng, gia vị, hành khô, hạt nêm, nước mắm, hành lá
Cách làm:
– Thịt ba chỉ cắt miếng chì vừa ăn, đem ướp thịt với bột canh, hạt nêm, đường, hành tím băm nhỏ trong khoảng 30 phút
– Cùi dừa cắt thành các miếng nhỏ vừa ăn.
– Đặt nồi lên bếp, khi đã nóng thì cho 1 – 2 thìa đường vào đun cùng một chút nước để tạo nước màu đẹp.
– Đổ thịt đã ướp vào nồi đun trên lửa lớn, kho khoảng 15 phút thì cho dừa vào để kho cùng đến khi nước kho gần cạn.
– Nêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
Với 15 món thịt kho trên đây, hi vọng bữa cơm nhà bạn sẽ luôn ngon miệng và ấm cúng!
Tâm Bình (T/h)

Đọc và nghe đọc truỵên của Phạm Chính Đông.

Kính gửi quý anh chị nào thích nghe đọc truyện do Tám Tình Tang và Kim Oanh diển đọc.
Hai truỵên ngắn này của tác giả Phạm Chính Đông.
Bài viết nào cũng đầy ý nghĩa ẩn tình.
Cám ơn tác giả, quý anh chị đã đọc và post bài.
Caroline Thanh Hương
 Résultat de recherche d'images pour "sư tử nhà tôi"

Nhấn vào đường dẫn để nghe đọc truyện.
Hai truyện ngắn của tác giả Phạm Chính Đông - (Kim Oanh - Tám Tình Tang đọc)

 Hai Con Mèo
Sư tử nhà tôi

Tác giả Phạm Chinh Đông (nick bienhoaxalam)

Kim Oanh & Tám Tình Tang diễn đọc

link download

Bài viết.
 SƯ TỬ NHÀ TÔI
  
     Ở gần nhà tôi có một tay, tên Tân, mới qua Mỹ theo diện nhân viên sở Mỹ của vợ. Tình cờ một hôm, tôi đến thăm nhà người quen và gặp anh ở đó, thành ra hai bên quen nhau. Xứ lạ quê người có thêm một người đồng hương làm bạn cũng an ủi được nhiều.
     Bà vợ theo người chị học nghề móng tay, sáng đi tối về. Hai đứa con, thằng trai lớn đi học trung học gần đó, đứa em gái không chịu học nữa nên mẹ dắt theo học nghề luôn. Và Tân tạm thời đi rửa chén nhà hàng trong lúc chờ kết quả xin việc ở một hãng cưa. Cuộc sống của một nhà chân ướt như thế kể ra cũng tạm ổn lắm rồi.
    Vài lần Tân đến nhà tôi mượn điện thoại nói chuyện với người tình cũ ở Việt Nam. Hắn không dám dùng của nhà vì sợ vợ phát giác và cũng vì chưa biết cách xài thẻ điện thoại.
    Tôi hỏi:
    -Còn nợ nần nhau hay sao mà ăn vụng?
    Tân buồn bã:
    -Không có gì. Chỉ thương tiếc một cuộc tình dở dang.
    -Có chồng con chưa?
    -Chưa. Vì quyết chí ở vậy!
    Tôi kêu lên :
    -Vậy sao! Bây giờ tính sao?
    -Thỉnh thoảng gọi thăm an ủi. Thế thôi.
    Ít lâu sau, Tân đến nhà tôi thường hơn. Không hẳn để nhờ điện thoại mà để than thở mọi điều. Hắn nói bà vợ tệ bạc quá, không lo lắng cơm nước, nhà cửa gì cả, bắt hắn ngủ ở tầng hầm... Ít lâu sau nữa, hắn rầu rĩ cho hay, vợ hắn vừa tìm gặp lại anh chàng Mỹ trưởng phòng ngày xưa và họ thường đi ăn tối cuối tuần với nhau. Và ít lâu sau nữa, Tân không còn đến nhà tôi. Tôi gần như quên hắn. Cho đến một hôm tình cờ thấy hắn trong một cửa hàng. Tân có vẻ miễn cưỡng khi phải nói chuyện với vợ chồng tôi. Thiệt lạ!
    Cuối cùng, hắn nói:
   -Ly dị xong rồi! Chịu hết nổi!
   -Bây giờ làm gì, ở đâu?
   -Đi đi, về về Việt Nam mua bán máy cày.
   Tôi tưởng mình nghe không rõ:
   -Máy cày?
   Tân đầy vẻ tự tin:
   -Máy cày cũ. Mua bên này, đem về bán ở Việt Nam.
   Tôi không dám hỏi thêm. Dù sao, cũng đáng ca ngợi những nỗ lực làm ăn đó.
   Trước khi chia tay, Tân nói:
   -Chuyến rồi về bển mới quen một cô bác sĩ còn độc thân. Chắc cưới quá.
   -Còn cuộc tình dở dang thì sao?
   -Để an ủi vậy thôi!
   Từ đó, tôi không còn gặp Tân nữa. Không hiểu vì không có duyên hay cố tình lánh mặt nhau. Vài năm sau, trong một lễ hội tôn giáo đầu năm, vợ chồng tôi bất ngờ gặp lại vợ Tân và hai đứa con. Chị có giọng nói u buồn:
   -Có người vợ bịnh hoạn, không thể ăn ngủ với chồng, ảnh không thương mà cứ đòi ly dị thì cũng đành. Bây giờ, ham vợ trẻ, có địa vị nên rước bà bác sĩ qua. Ai dè, bác sĩ chê thợ máy, nói là trình độ chênh lệch không thể ý hợp tâm đầu, và đang chuẩn bị chia tay!
    Tôi thực sự ngao ngán chuyện đời.
-Chị có nghe chuyện máy cày của ảnh?
Chị mỉm cười, nụ cười không tròn:
-Không thấy máy cày mà chỉ thấy anh cày tay từ sáng đến chiều trong hãng
đồ sắt!
      Vừa êm êm chuyện ly dị của vợ chồng nhà Tân thì lại đến chuyện bỏ nhau của vợ chồng Minh, tên bạn cũ chí thân. Ngày đó, Minh là lính lác, trai tơ. Vợ Minh làm sở Mỹ, có đứa con lai đen, tóc quăn như ổ đĩa. Duyên nợ xui khiến nên Minh quyết chí lấy nàng làm vợ, bất kể sự chống đối quyết liệt của gia đình. Từ từ, đâu cũng vào đấy, hai người hạnh phúc bên nhau, tràn trề. Sanh thêm một mớ con chung, gái trai có đủ, một nhà an vui.
        Rồi nước mất. Minh là lính lác nên thoát cảnh lao tù cải tạo, ở nhà cùng vợ bươn chải nuôi con. Đến khi có chương trình tái định cư, gia đình Minh qua Mỹ với dạng con lai. Ai cũng nói hắn có số xuất ngoại! Nếu không hốt ổ kia, chắc gì Mỹ với mung!
       Cả hai đều đi làm, lao động chân tay, tiền lương vừa đủ. Không bao lâu, tụ năm tụ ba với những bà rửng mỡ, bà vợ nghe lời quyết chí vùng lên: không nấu cơm!
        Bà nói:
-Ông đi làm, tôi cũng đi làm. Vậy tại sao tôi phải quần quật trong bếp?
 Bà quên mất những ngày khốn khó ở quê nhà. Những buổi chiều cả hai tất tả trở về từ rẫy mì, chồng tắm rửa con cái, gánh nước đổ lu, vợ lúi húi nhúm lửa nấu nướng, để một lát sau đó, cả nhà quây quần bên mâm cơm canh đạm bạc nhưng vô cùng ngọt ngào tình yêu thương.
 Bây giờ bà lại mù quáng nghe lời mấy con mẹ no cơm nói ẩu. Ai nói đàn bà Mỹ không phải nấu nướng, không làm gì cả, mọi việc giao hết cho chồng? Tôi không bao giờ tin chuyện đó. Làm nghề lau dọn nhà cho Mỹ, ngày nào cũng quanh quẩn làm việc trong từng nhà, tôi chưa hề thấy bà Mỹ nào không nấu ăn, cũng chưa thấy ông Mỹ nào phải lo việc bếp núc.
 Bà Debbie, luật sư, cùng mở văn phòng luật làm việc chung với chồng ngay tại tư gia, buổi trưa dọn bữa ăn trưa đàng hoàng mời chồng, xế chiều lại bò xuống bếp nấu nướng lung tung. Có bữa không biết nấu món gì mà bả xắt củ hành tây gần đầy một thau nhỏ. Mùi hành nồng nặc khiến bà nước mắt nước mũi tèm lem và tôi lạng quạng gần đó cũng nhảy mũi gần chết! Tôi và bà nhìn nhau, cười vang, như người trong nhà.
 Bà Alison, văn sĩ, buổi sáng viết sách, buổi chiều nấu ăn. Mỗi lần làm việc ở nhà bà, tôi đều thấy giống như thế. Làm như đã có sẳn thời khóa biểu cho mọi sinh hoạt hằng ngày. Có lần, tôi thấy rõ ràng bả sơn lại vách và trần nhà. Tôi thực sự không thể ngờ. Trong đám chủ nhà của tôi, Alison là tay nấu ăn siêng năng nhất. Bả tự làm lấy bánh mì gì đó có nhân là nho khô. Bả nói, mỗi cuối tuần tôi đều làm bánh mì này để cả nhà ăn tối, có hai đứa con gái về nữa. Và bả nấu món này, món kia dựa theo cuốn sách gia chánh để sẳn trên quầy bếp.
     Bà Carole, chủ tiệm quần áo thời trang. Chồng, David, giám đốc một công ty nhập cảng gì đó. Thường lệ, những hôm tôi lau dọn, gia đình không có ai ở nhà. Tuy vậy, thỉnh thoảng cũng có những hôm có đủ hai vợ chồng. Những hôm ấy, bà lăng xăng làm đủ thứ, từ việc thu xếp lại cái garage, giặt đồ, sấy đồ rồi trải vải giường cho mấy đứa con đến việc nấu nướng, dọn bàn. Trong khi đó, ông chồng nằm dài coi phim truyền hình! Thiệt khỏe!
      Minh thương vợ, nghĩ rằng vì cuộc sống căng thẳng quá khiến nàng quay quắt nên cũng vui vẻ nấu nướng mặc dù không chuyên việc bếp núc này, như đa số đàn ông Việt Nam khác. Giỏi lắm cũng vài món canh vớ vẩn nào đó và chỉ một món kho cổ truyền từ thời Hồng Bàng! Vì thế, từ đó cãi nhau thường hơn. Ai cũng nuôi trong lòng một nhánh lửa. Và cuối cùng, cháy bùng. Ông bất mãn, nhậu nhẹt tối ngày. Lại thêm món đĩ điếm, trai gái. Bà trả đũa, đánh quần, đánh áo, cắt mắt, sửa mũi, xâm môi, chân mày. Lại thêm dấu đút tiền bạc gởi về cho gia đình ở quê nhà. Làm bao nhiêu chắc chỉ để trang trải những khoản này.
       Đến một lúc mới hay túng thiếu. Con cái lơ ngơ, láo ngáo. Con bé tóc quăn bỏ nhà đi mất. Từ đó, hai vợ chồng tiền ai nấy giữ, người lo tiền nhà, người lo tiền ăn, phòng ai nấy ngủ, chẳng ra làm sao. Rồi cuối cùng đưa nhau ký giấy ly dị trước toà, kết thúc chuyện tình 27 năm. Thiệt dễ dàng.
    Thấy người ta ly dị nhau dễ dàng quá, tôi chợt nghĩ đến cô vợ yêu quý của tôi. Ngày xưa mới quen nhau, nàng là một cô bé học trò, mềm như cuộn len. Gọi anh, xưng bé, nghe dễ thương làm sao. “...Bé kể chuyện này cho anh nghe... Sao anh không đến để bé chờ từ sáng tới giờ...”. Mê chết! Lớn hơn nàng 8 tuổi, trong tình yêu với nàng, tôi còn có trọn vẹn tình thương dành cho một đứa em. Thế nên ngoài nụ hôn môi yêu dấu còn có nụ hôn trên trán như một lời vỗ về. Rồi bé thành vợ của anh, và theo thời gian bé không còn là cuộn len mà thành vòng dây cáp! Bé la hét anh, bé nắm cổ áo anh, bé đấm ngực...của bé, bé xưng mày tao, bé nhào xuống đất nằm khóc kêu trời! Bé quá dữ nên tôi tặng cho nàng cái tên Chằn Lửa.  Tuy vậy, khi đã có 2 mặt con, một hôm tôi đang hì hục cưa đục những cây chà là mới đốn ở rừng về để làm khuôn bếp, Chằn Lửa đứng chàng ràng kế bên, chê khen đủ điều. Tôi nổi dóa, vụt cái cưa vào góc nhà và cầm luôn khúc chà là đang cưa...dớt vào chân của Chằn Lửa một cái. Vậy là Chằn Lửa trở thành... chằng thiệt! Tôi mất vía, chạy qua nhà người cậu vợ tỵ nạn hết một đêm. Đêm đó, nằm một mình, tôi mới biết mình lỗi. Ai biểu tôi có cái tật không bao giờ cưa được thẳng để bị vợ chê! Ai biểu tôi tự ái đến vậy! Ai biểu tôi dám đánh nàng bằng cây chà là, trong khi đánh bằng nhánh bông hồng còn chưa được phép nữa mà! Tôi hối hận không thể tả được. Sáng sớm hôm sau, tôi mò về nhà. Chằn Lửa đang rị mọ nấu nước pha trà như mọi khi. Hai người nhìn nhau, trân ra rồi...cười cái hì ! Chằn Lửa vén quần cho tôi thấy một vết bầm xanh trên bắp đùi. Tưởng nàng nặng nhẹ vài câu cho hả, ai dè Chằn Lửa nói với vẻ lo lắng:
    -Hồi hôm ngủ bạ có bị muỗi cắn nhiều không?
    Đời tôi chỉ có một điều may mắn là có một người vợ như nàng. Những năm tháng lê thê, tôi sa cơ trong trại tù cải tạo, nàng ở nhà dãi dầu nuôi con, chiu chắt thăm chồng. Khi về lại bên nhau, trong đói rách cùng quẫn, nàng vẫn miệt mài chia vai gánh khổ, không một tiếng than van.
    Nàng chỉ có một điều tuy đáng sợ nhưng rất đáng yêu: dữ tợn như chằn lửa! Một bà chằn lửa biết lo cho chồng từ miếng ăn, giấc ngủ, từ ăn mặc, tóc tai. Chằn Lửa lo riết biến tôi thành tên tù nhân. Một tên tù nhân diễm phúc. Mà tên tù nhân nào cũng không thể không bực mình. May mắn là quen dần đi nên thấy cũng không sao!
    Qua Mỹ, như những kẻ khố rách áo ôm khác, hai vợ chồng tôi đi làm mướn nuôi con. Ban đầu, mỗi người làm ở một hãng. Về sau, hãng xưởng khó khăn nên cùng nhau đi làm nghề lau dọn nhà. Mỗi ngày lau dọn nhà cho một gia đình người Mỹ. Nhà thì mỗi tuần một lần, nhà thì hai tuần một lần, thành ra khách hàng loanh quanh chỉ có khoảng 8 gia đình. Đa số chủ nhà đều không có mặt ở nhà. Dù là chủ cả, ông này bà kia, họ cũng phải tất bật sáng đi tối về chớ không có sung sướng như mình tưởng. Họ giao chìa khóa nhà cho chúng tôi để tự mở cửa vào làm việc và khóa cửa khi ra về.
    Trong đám chủ nhà chỉ có hai bà có vẻ hơi thảnh thơi một chút. Bà Alison và  bà Susan.
     Alison là một văn sĩ, chuyên viết loại khảo cứu. Alison nói, ông bà cụ có một cái apartment ở thủ đô Paris nên mỗi năm đều đưa con cháu về đó nghỉ hè. Hèn gì, Alison và bà mẹ mới viết chung được cuốn sách nói về Paris, tên là Paris Walk, đến nay đã tái bản đến lần thứ 7, lưu hành trên toàn cầu. Nghe bà kể chuyện, sách phát hành mỗi kỳ cả nửa triệu bản và số tiền nhuận bút khổng lồ, tôi mới thấy xót xa cho những văn sĩ Việt Nam chúng mình. Sách của văn nhân Việt Nam, tài sản tim óc vô giá của họ, phát hành nhiều lắm cũng không hơn 10 ngàn cuốn, đã vậy số người đọc cũng chẳng bao nhiêu thì làm sao khá giả cho được?
   Mới đây, cuốn sách này lại được phát hành dưới dạng sách nói (audio book), rất tiện cho những du khách vừa đi tham quan Paris, vừa nghe những điều chỉ dẫn cụ thể.
   Bố của bà là ông David S. Landes, nguyên giáo sư kinh tế học ưu tú của trường đại học Sorbonne (Pháp) và Havard (Mỹ). Để tiện việc ăn ở trong những ngày dạy học ở Sorbonne,  ông mua hẳn một căn chung cư sang trọng trong nội thành Paris. Hiện giờ, căn hộ đó vẫn còn. Gia đình con cháu nhà ổng nhờ vậy khỏi phải tốn tiền mướn khách sạn mỗi khi ghé Paris. Năm ngoái, đám láo nháo nhà tôi qua đó nghỉ hè cũng được ăn ké ở đó 2 ngày! Ai đời đi Pháp mà Chằn Lửa đem theo gạo và nồi cơm điện! Để rồi, trong lịch sử nhà họ Landes, chắc là lần đầu tiên, có đứa dám nấu cơm, nấu mì gói trong chung cư của họ!
   Ngoài ra, nhà họ Landes này có truyền thống khi con cái đến số tuổi nào đó, tôi không rõ lắm nhưng chắc là khoảng tuổi 12, 13, họ đưa sang Pháp ở hẳn 5, 6 tháng để học. Không biết học cái gì. Và cũng không biết việc học đang dở dang ở Mỹ phải giải quyết ra sao. Anh chị em cũng như con cháu bà Alison nhờ vậy rất giỏi Pháp Văn. Mới đây, vợ chồng bà Jane, chị của bà Alison, vì vợ chồng thằng con trai bận việc làm ăn nên đã đưa đứa cháu đích tôn qua Paris học và cùng ở lại với cháu suốt mấy tháng trời.
   Những cuốn sách nổi tiếng của ông là Revolution In Time, Dynasties, The Unbound Prometheus và The Wealth And Poverty Of Nations. Sinh viên Việt Nam trong nước, chắc phải biết đến The Wealth And Poverty Of Nations vì cuốn sách này đã được dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt với tựa đề là Sự Giàu Và Nghèo Của Các Dân Tộc. Rủi thay, năm 2010, ông bị tai biến mạch máu não cấp độ trung bình, đi đứng rất khó khăn, hiện đang dưỡng hưu ở thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts. Không biết ông còn đủ khả năng để lại cho đời thêm tác phẩm nào chăng?
      Hiện giờ, Alison vừa ký xong hợp đồng với nhà xuất bản gì đó để viết tiếp một cuốn khác cũng dính dáng đến Paris. Sách tham khảo bằng tiếng Pháp để đầy ngăn kệ.
     Ngày đầu tiên đến làm việc, Alison hỏi tôi:
   -Theo tôi biết, ngày xưa giáo dục Việt Nam theo chương trình Pháp. Vậy chú có biết tiếng Pháp không?
   Lúc ấy, tôi không hiểu tại sao bả lại hỏi như vậy. Tôi đáp thành thật:
-Tôi đã học Pháp văn suốt 7 năm trung học, đọc và viết chút đỉnh thì được nhưng nói chuyện thì không vì chẳng có ai để thực tập đối đáp. Đến gần xong trung học, theo thời thế, tôi đổi qua trau dồi tiếng Anh vốn là sinh ngữ phụ, và ở đại học, thường nghiên cứu qua sách Anh Mỹ. Suốt hai mươi mấy năm không coi ngó, bây giờ tôi quên hết rồi. Chỉ còn nhớ vài câu như là “mẹc xi bô cu (merci beaucoup, cảm ơn), côm măng tan lê vu (comment allez vous, anh, chị khỏe không)” vậy thôi!
 Bà Alison cười vui vẻ:
-Tưởng chú biết để tôi nói tiếng Pháp với chú cho vui ! Quanh đây chẳng có ai biết tiếng này. Bà vú của mấy đứa nhỏ nhà này là người gốc Pháp đấy. Thì ra là vậy. Và bả đã bị hớ!
 Alison không tất bật như những nhà khác. Nghề viết văn vốn tự do nhưng bà làm việc có giờ giấc đàng hoàng. Viết văn buổi sáng, nấu nướng buổi chiều. Ông chồng đi làm từ sáng sớm, chiều tối mới về. Hai cô con gái đi học ở xa, thỉnh thoảng về thăm. Alison ra vào như một cái bóng, âm thầm.
 Một bà khác cũng không tất bật lắm là bà Susan. Chồng bà là bác sĩ, trai gái, chơi bời quá sức nên hai người vừa ly dị nhau. Susan ở một mình trong căn nhà rộng thênh thang. Hai đứa con, một trai, một gái, đã ra trường, đứa làm ở New York, đứa làm ở quanh đây, thay phiên về thăm mẹ. Nếu theo cung cách Việt Nam, anh chàng con chưa có vợ đó chắc hẳn đã về ở hủ hỉ với mẹ rồi, chớ đâu phải đi mướn chung cư mà ở một mình như thế. Mỹ và ta có khá nhiều điều khác nhau.
 Bà Susan vốn làm nghề giáo nhưng chê lương ít, bỏ dạy đi làm kinh doanh. Mở công ty cho mướn xe dọn nhà gì đó. Được vài năm thì thua lỗ, xập tiệm. Bây giờ đang làm một chân thư ký lo việc sổ sách cho một cơ sở xuất bản báo chí gần nhà. Việc làm từ 12 giờ trưa tới 6 giờ chiều nên Susan có vẻ thong dong lắm. Buổi sáng đi bộ thể dục một vòng, tưới hoa, đọc báo, lai rai việc này việc kia đến gần giờ thì đi bộ tới sở làm. Thiệt khỏe. Thật ra, bả cố tình kiếm một việc làm bán thời gian như vậy. Không biết tại sao. Bả nói:
 -Tôi tìm trên mạng việc làm loại ít giờ như thế cả tháng mới gặp chỗ này. Hên gớm!
  Không hiểu lương hướng ra sao mà bả vẫn mướn chúng tôi lau dọn nhà hai tuần một lần. Có lẽ đã thành thói quen như lúc còn ở với chồng? Dù sao, trong đám chủ nhà, Susan là người bình dị nhất, cảm thông nhất và thích nói chuyện nhất. Bà nói bà không coi chúng tôi là những kẻ làm công mà là những người bạn, “những người tốt lành đầy kiên nhẫn và nghị lực, chỉ vì thời cuộc mà ra nông nỗi này”. Mỗi lần đến làm, ít nhất phải gần nửa tiếng để Susan kể cho chúng tôi nghe đủ mọi chuyện trên trời, dưới đất. Chỉ cái chuyện ông con đang cặp bồ với một cô bé nào đó mà lần nào bả cũng nói hoài. Lần này, bả cho hay tuần rồi con nhỏ đó nhân dịp đi Trung Quốc tuyển sinh cho trường đại học, nó kéo theo ông con của bà. Lần khác, bả rầu rĩ báo tin hai đứa quỷ đó đã chia tay vì giận hờn gì đó. Lần khác nữa, bả lại hớn hở cho biết hai đứa vừa trở lại với nhau và bả vái cho tụi nó mau làm đám cưới để bả có cháu bồng. Thì ra, làm cha mẹ, Mỹ hay Việt cũng không khác gì nhau.
     Ngoài chuyện ông con, Susan còn hằng ngàn chuyện khác, nghe mệt nghỉ! Một bữa, bà cầm cho coi một mớ chai lọ bằng thủy tinh và với giọng nghiêm trọng, bà kể:
     -Tuần trước, máy sưởi của nhà tôi bị hư, tôi phải kêu thợ tới sửa. Trong lúc dò theo đường ống dẫn hơi gas dưới tầng hầm, ổng phát hiện ra một con đường hầm từ dưới chân căn nhà này ăn luồn qua mấy căn bên kia. Từ khi dọn vào đến giờ, tôi không thấy vì nó khuất sau một tấm vách mỏng. Đường hầm này ổng nói hẹp và thấp lắm. Và ổng lượm được quanh đó những cái chai này.
    Tôi và Chằn Lửa còn đang ngạc nhiên, trầm trồ thì Susan nói tiếp:
    -Tôi đã hỏi thăm ông bạn đang làm việc ở cơ quan bảo tồn di tích. Ổng cho biết có thể chỗ này là nơi ngày xưa người ta tổ chức giấu những người nô lệ rồi từ từ tìm cách đưa họ đi trốn để lấy tiền. Chai lọ này chắc phải là của đám người đó. Nếu vậy, đây là đồ cổ từ thời nước Mỹ còn chế độ nô lệ, trước nội chiến Nam Bắc. Quý lắm đấy. Để coi, nếu phải, tôi sẽ cho chú một chai chưng chơi.
    Hết chuyện này qua chuyện khác, vui có, buồn có, bà Susan đối với chúng tôi thật sự không khác gì một người bạn. Thân thiết hơn nữa, một người trong nhà. Thời gian đầu mới vào nghề, không đủ nhà để làm cho giáp một tuần, chính Susan đã lăng xăng tìm giùm cho chúng tôi thêm bốn gia đình bạn bè của bà.
    Đến một hôm, Chằn Lửa bỗng dưng cay đắng:
    -Ánh mắt của bả phát sợ! Thấy biết liền là bả mê ông!
    Tôi choáng váng, hỏi lại:
    -Nói thiệt hay nói chơi?
    Vẻ mặt Chằn Lửa đanh lại như...chằn:
    -Ai ở không mà nói chơi!
    Tôi cười sằng sặc. Một bà Mỹ chủ nhà mê một tay lau dọn ốm nhách, đen thui như tôi đây sao?! Đúng là chuyện ngàn năm hi hửu. Nhưng vấn đề là tại sao bà vợ của tôi quyết đoán như vậy. Tôi chọc:
    -Bả nói với em hả?
    Chằn Lửa lồng lên :
    -Kinh nghiệm đàn bà, khỏi cần ai nói!
    Rồi Chằn kể lể lung tung. Nào là tại sao lần nào dặn việc, bả chỉ gọi một mình tôi lên lầu, chỉ này, chỉ kia, tại sao hôm đầu tiên làm việc cho bà Wendy, khi nói về bà láng giềng Susan, Wendy đã nói với tôi rằng "she said she loves you so much, nghĩa là con mẹ Susan yêu ông ... ". Hằng chục sự kiện vớ va vớ vẩn từ đời cố lũy đều được bươi ra để chứng minh rằng bà Susan yêu tôi! Tôi nhịn cười, chậm rãi giảng giải:
    -Việc cần dặn làm này kia là ở mấy phòng tắm, phòng ngủ trên lầu nên bả mới gọi lên mà chỉ. Em không rành tiếng Mỹ thì gọi em lên làm gì, hả Chằn của anh?! Còn cái vụ bà Wendy nói câu đó, chữ Love không có nghĩa là yêu đương đâu. Chỉ có nghĩa là thích, là thương mến (một tên lau nhà làm việc đàng hoàng) mà thôi.
     Chằn Lửa nhất định không tin. Nàng mỉa mai:
    -Love không phải là Yêu, vậy là gì đây?
     Tôi chịu hết nổi. Nổi nóng.
    -Khùng vừa thôi. Ngu vừa thôi. Về hỏi người ta câu đó thực nghĩa là gì hẳng nói. Nói bậy nói bạ, nó nghe được (?) nó đuổi thì trắng mắt cả lũ!
     Nghe tôi to tiếng, Chằn Lửa  nhào tới, nắm áo kéo tôi ngồi xuống, hét lên:
    -Đuổi thì đuổi. Nghỉ. Không làm nữa. Tui cấm ông không được làm cho con mẹ này nữa!
     Tôi muốn nổi điên lên. Tôi muốn tát cho nàng một cái. Tôi muốn chửi rủa thậm tệ cho hả lòng oan ức. Nhưng, ngay lúc tôi như ngọn lửa bắt đầu nổ bùng tới đâu thì tới, tôi chợt thấy hai giòng nước mắt của nàng chảy xuống nghẹn ngào. Và tôi đứng sững trong tận cùng xót đau. Tại sao lại khốn khổ như thế này? Đã vất vả thân phận làm mướn sao không thương yêu nhau hơn mà lại đánh, mắng nhau ngay trong nhà chủ! Đùm túm nhau qua đất nước giàu sang này, chúng tôi chẳng có ai người thân. Chúng tôi chỉ có chúng tôi, hai vợ chồng và hai đứa con, quây quần bên nhau, thế thôi. Chằn Lửa thường ngày hay nói lời mộc mạc: "chửi cha chửi mẹ nhau rồi cũng đem đổ vào nồi nấu ăn chung". Vậy thì tại sao không đem đổ vào nồi mà nấu cho rồi?
     Tôi nhìn vợ, xanh xao vì cơn bệnh chưa dứt, nỗi giận dữ tan biến ngay. Tôi lại nhớ đến hình ảnh nàng ngày xưa đã lặn lội thăm nuôi khi tôi đang lận đận trong lao tù cộng sản, đến những ngày tháng cơ cực tiếp nối khi trở về bên nhau, đến tình yêu chưa bao giờ phai nhạt, đến mối ưu ái, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho chồng. Nàng là một người đàn bà Việt Nam đích thực. Cho tôi được mãi mãi ca tụng nàng như vậy.
     Tôi dịu giọng, vỗ về:
     -Em không thích thì mình nghỉ. Chịu chưa?
     Chằn Lửa có vẻ ngạc nhiên và mừng rỡ (!):
     -Thiệt nghe! Nghỉ cho chắc ăn! Kiếm chỗ khác làm bù.
     Nghỉ cho chắc ăn? Hay là nghỉ cho mất một tháng hai trăm đồng bạc? Kiếm chỗ khác làm bù? Kiếm chỗ nào trong thời buổi gạo châu, củi quế này? Nếu dễ kiếm thì ngày nào Susan đã không đôn đáo khắp nơi! Tôi thực sự tiếc nuối nhưng biết làm sao bây giờ?!
     Chằn Lửa nói thật lòng:
     -Ngày nào còn gặp bả, em ăn ngủ không yên. Em chỉ muốn anh là của riêng em mà thôi. Của riêng em cho đến chết. Biết chưa?
     Thì ra, chỉ vì tình yêu nồng nàn quá nên Chằn Lửa trở thành ghen tương quá cỡ. Dù tuổi xanh không còn nữa, dù trí nhớ mỗi ngày hao mòn dần. Có phải trong hoàn cảnh cô thân xứ lạ, người đàn bà Việt Nam đích thực chỉ biết tìm mọi nương dựa, ủi an nơi người chồng của mình? Từ đó, bất cứ một sự giao thiệp nào của người chồng với phái nữ cũng là một cách bất an cho họ? Riết rồi trở thành Tào Thị mất búa, thấy ai cũng nghi là kẻ cắp.
     Người mình thường nói "ghen đến mang bịnh, ghen đến xanh xương..". Chằn  Lửa của tôi cứ bịnh rề rề hoài, có phải là vì ghen? Nhưng chắc chắn, xương của cô nàng không thể là màu trắng! Dù gì, tôi vẫn tạ ơn Chằng Lửa đã hết lòng yêu thương và chăm sóc tận tụy một tên đàn ông xấu xí như tôi.
      Tôi chợt nghĩ đến vợ chồng lão già Mẹn ở Camden, New Jersy.  Sau chuyến cùng về thăm quê nhà, bà vợ suốt ngày kêu trời, nói ổng núp lén lăng nhăng với một bà bên đó, để rồi trở qua bên này, ổng quyết chí ly dị bà. Thật ra, ông có lăng nhăng với ai đâu. Chỉ có cái tội là tình cờ gặp lại người tình thời tuổi trẻ ở cùng một làng, nay cũng đã là bà của một đám con cháu. Thăm hỏi nhau vài câu tình nghĩa bình thường mà thôi chớ có gì ghê gớm đâu. Chỉ có một cái tội tày đình, người tình cũ ấy là đàn bà góa chồng. Thế nên bà vợ mới lồng lộn la làng, tối ngày lảm nhảm những chuyện không đâu.
     Tôi lại nghĩ đến hôm trước, khi đến thăm anh chị Thiên. Tuy không quen, chẳng quen biết gì nhau, anh chị này đã tận tình giúp đỡ gia đình chúng tôi trong những ngày đầu tiên lơ ngơ, láo ngáo trên đất Mỹ. Từ đó, người dưng trở thành thân thuộc, thỉnh thoảng ghé nhà thăm nhau, uống một tách trà, ăn một bữa cơm, nhắc chuyện quê xưa.
    Hôm đó, khi vào nhà, chúng tôi thấy một chị mặt mày hốc hác đang ngồi ủ rũ trên ghế sofa. Xã giao vài câu, chị ấy ra về. Chị Thiên bây giờ mới nói:
   -Bà này đang thất tình đó!
   Và chị kể:
   - Nhà bà này ở gần đây. Hai vợ chồng làm ăn khá giả lắm. Năm trước, ông chồng về Việt Nam thăm bà mẹ bị bịnh nặng gì đó, rồi quen biết dây dưa với một cô ở đó. Rồi xào xáo trong nhà, rồi cãi cọ, đôi co. Rồi đưa nhau ra tòa ly dị, phân chia tài sản. Ông hỉ hả ôm hết tiền về Việt Nam sống với tình nhân. Bà nhớ thương ông, lờ quờ như con cua bịnh, ngày nào cũng đến đây nằm thở vắn thở dài. Bà nói, bây giờ ổng lấy ai thì cứ lấy, tôi chỉ xin được ở chung nhà để nhìn mặt ổng mỗi ngày là đủ rồi!
   Sau này, chị Thiên kể tiếp:
   -Sau thời gian chung sống với tình nhân, ông chồng mới bật ngửa ra cô gái kia đang là vợ của một tay mặt rằn nào đó ở miền Bắc và hằng tháng phải gởi tiền về cho hắn tiêu xài. Ông mất vía, nghỉ chơi, muốn trở về ao nhà nhưng chẳng biết làm sao, đành ở vậy chờ thời. Bà vợ hay tin, mừng rỡ chạy ngay về ở với ông. Tha hồ mà mỗi ngày nhìn mặt. Đâu lại vào đó, chỉ có điều cơ nghiệp chắt chiu bây giờ đã tan tành.     
     Sẳn mấy chuyện này của người ta, Chằn Lửa càng hăng say hài tội tôi. Nàng nói, thấy chưa, đàn ông mấy người ghê lắm, hở ra là theo gái liền. Nếu có về Việt Nam,  đừng có hòng léng phéng với mấy bà cũ, không yên thân với em đâu! Tôi vẫn nghĩ rằng mình chẳng có tội tình gì, chỉ luôn bị vu oan giá họa mà thôi. Mấy "bà cũ" của tôi đều đã yên phận chồng con hết rồi, đâu còn mối nào mà léng phéng, hử?! Cùng lắm, là có cái tội thời thanh xuân, trước khi lấy vợ, đã yêu thiết tha một cô tên Thúy Vân lúc đang học lính ở Đà Lạt, rồi vì hoàn cảnh phải đau đớn xa nhau, rồi trong suốt dãi thi ca, âm nhạc của tôi từ đó in đậm nét một loài Mây. Thế thôi. 
     Đứa con gái đang lòng vòng quanh đó cũng hùa vào:
    -Đúng rồi đó Má. Đừng để cho Ba lăng nhăng bậy bạ. Má đừng lo, nhất định, Ba mà về Việt Nam con cũng đi theo. Mỗi ngày Ba đi đâu, con theo đến đó. Vậy là hết cục cựa!
    Trời, trời! Kiểu đó thì hết cục cựa chớ còn gì nữa! Ủa, mà tôi có tính cục cựa gì đâu chớ? Con bé này thường ngày nghe nói giống cha mọi điều, sao hôm nay, bé lại giống mẹ như vầy!
    Thì ra, nhà tôi bây giờ có đến 2 chị sư tử, làng xóm ơi. Tôi sợ quá! Thiệt mà!