Kính mời quý anh chị đọc và suy ngẫm về bài thơ Chân Gỉa của anh Trần Văn Lương để nghiệm sự giống nhau giữa hai hình ảnh, người trong gương và bộ mặt của ai đó sau cái gương kia.
Nếu hình ảnh tươi đẹp trong gương là hình ảnh thật không sửa đổi và hình ảnh đó có biểu hiện được đúng người, đúng cảnh thì sự trùng hợp đó đưa đến nghi vấn ai thật, ai giả.
Cám ơn anh Lương và kính chúc anh Lương và quý anh chị một ngày vui, mạnh.
Caroline Thanh Hương
Kính gửi quý anh chị con cóc cuối tuần.
Dạo:
Nhìn gương ta lại thấy ta,
Băn khoăn tự hỏi ai là thật đây!
Cóc cuối tuần:
真 假
偶 見 鏡 中 人,
十 分 像 我 身.
茫 然 心 苦 慮,
誰 假 與 誰 真?
陳 文 良
Âm Hán Việt:
Chân Giả
Ngẫu kiến kính trung nhân,
Thập phần tượng ngã thân.
Mang nhiên tâm khổ lự,
Thùy giả dữ thùy chân?
Trần Văn Lương
Dịch nghĩa:
Thật Giả
Tình cờ thấy người trong gương,
Hoàn toàn giống mình.
Lòng mờ mịt buồn rầu lo nghĩ,
Ai là thật và ai là giả?
Phỏng dịch thơ:
Thật Giả
Trong gương hiện lão già,
Chẳng lẽ chính là ta.
Ai thật và ai giả,
Ải này há dễ qua?
Trần Văn Lương
Cali, 7/2021
Lời than của Phi Dã Thiền Sư:
Trước gương người nhăn mặt nhíu mày,
trong gương người cũng nhíu mày nhăn mặt.
Thử nói xem, đó là người đứng trước gương
nhìn người ở trong gương, hay là người ở trong
gương nhìn người đứng trước gương?
Nếu không có người đứng trước gương
thì chẳng có người ở trong gương.
Và nếu không có người ở trong gương
thì cũng chẳng có người đứng trước gương.
Thế thì cả hai đều thật ư? Cả hai đều giả ư?
Hay là một thật, một giả? Nếu thế thì ai thật, ai giả?
Làm sao phân biện đây?
Tuy nhiên, thật cũng thế, mà giả cũng thế!
So đo mãi thì đến ngày nào mới minh bạch được. (*)
Than ôi, lại vướng vào khẩu nghiệp!
Lão tăng tội lỗi!
Ghi chú:
(*) Tín Tâm Minh của tam tổ Tăng Xán:
Âm:
"
Chí đạo vô nan,
Duy hiềm giản trạch,
Đãn mạc tắng ái,
Đỗng nhiên minh bạch.
...
"
Nghĩa:
Đạo lớn không có gì khó,
Miễn đừng so đo chọn lựa,
Chỉ cần không yêu ghét,
Thì tự nhiên sáng rõ.