Đây là một bài viết vừa có giá trị lịch sử và vừa có công sưu tầm thật hiếm thấy.
Bài tuy rất dài, được trịch từ Thư Viện Hoa Sen, nhưng rất đáng đọc.
Cám ơn tác giả và người đã post.
Caroline Thanh Hương
Ngài Trần Nhân Tông:
Hữu cú vô cú,
Đằng khô thụ đảo.
Kỷ cá nạp tăng,
Chàng đầu hạp não.
Nguyễn Lương Vỵ dịch là:
Câu Có câu Không,
Cây ngã dây héo.
Mấy vị sư ông,
Đầu sưng óc méo.
Trong kho tàng thi ca cổ điển Việt Nam, Trần Nhân Tông là nhân vật lịch sử rất đặc biệt: Ngài không chỉ là một bậc minh quân lỗi lạc hiếm có, mà còn là một vị thiền sư đã liễu ngộ Phật pháp (được người đương thời tôn xưng là Điều Ngự Giác Hoàng hay Phật Hoàng, trở thành vị tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Phật giáo Việt Nam), đồng thời, cũng là một nhà thơ lớn của dân tộc.
Tác phẩm thơ của Trần Nhân Tông, trải qua nhiều thời kỳ loạn lạc chiến tranh đã bị thất tán khá nhiều. Đến nay, di sản thơ của Trần Nhân Tông đã được sưu tập và lưu giữ chỉ còn khoảng trên dưới 35 bài và một số câu thơ lẻ nằm rải rác ở các bài giảng, ngữ lục, phú... Tuy số lượng thơ còn lại khá khiêm tốn, nhưng giá trị về nội dung tư tưởng, nghệ thuật trong thơ Trần Nhân Tông được người đương thời, cũng như các thế hệ đời sau rất tâm đắc, ca ngợi và ngưỡng mộ.
Thơ của một vị vua anh minh, đởm lược và nhân hậu
Trước hết, với tư cách là vị vua của một nước nhỏ phương Nam, luôn bị áp lực đe dọa xâm lược của nước lớn láng giềng phương Bắc, vua Trần Nhân Tông đã nối nghiệp vua cha Trần Thánh Tông và là một vị vua anh minh, đởm lược, nhân hậu: Lên ngôi khi còn rất trẻ, chưa tròn 20 tuổi (1278), nhưng đã hai lần (1285, 1287) thống lĩnh toàn dân, toàn quân, đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược nước ta của quân Nguyên khi tuổi đời chưa đến 30 tuổi. Thật là một vị vua thiên tài kiệt xuất hiếm có.
Theo sử sách ghi lại, ngày 26 tháng chạp năm Giáp Thân (01.1285), quân Nguyên tấn công cửa ải Chi Lăng, Nội Bàng. Tướng Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) cho lui quân về Vạn Kiếp để tránh sức tiến quân ào ạt của 50 vạn quân Nguyên. Vua Trần Nhân Tông đã lập tức lên thuyền ra Hải Đông gặp tướng Trần Hưng Đạo. Nhà vua không kịp ăn trưa, mãi đến chiều, người lính hầu Trần Lai mới dâng cơm. Tướng Trần Hưng Đạo vâng lệnh vua, chọn những người khỏe mạnh và dũng cảm làm tiên phong, lên thuyền vượt biển vào Nam. Thế quân ta mạnh dần, vô cùng phấn chấn.
“Cối Kê cựu sự quân tu ký,Hoan Ái do tồn thập vạn binh.”
(Cối Kê chuyện cũ, ngươi nên nhớ,Hoan Ái vẫn còn mười vạn quân.)
Cũng theo sử sách ghi lại, vua Trần Nhân Tông đã viết hai câu thơ trên và cho gắn ở đuôi thuyền, nhằm hiệu triệu lòng tin tất thắng cho tất cả tướng sĩ.
Hai câu thơ ngắn, nhưng tỏ rõ một tầm nhìn chiến lược, một bản lĩnh lớn lao: Nhà vua liên hệ với tích “Cối Kê” thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu (lúc Việt Vương Câu Tiễn phải lui quân về Cối Kê để dưỡng quân đợi thời cơ, đánh bại được Ngô vương Phù Sai, lập nên nước Việt cường thịnh, bao gồm cả lãnh thổ nước Ngô) - với việc châu Hoan châu Ái (thuộc vùng Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh ngày nay) của nước Đại Việt lúc bấy giờ, vẫn còn ém giữ được 10 vạn quân, sẵn sàng chờ lệnh xung trận chiến đấu chống quân Nguyên trong thời điểm đó. Nhà vua đã tỏ rõ bản lĩnh đỡm lược của một vị vua trẻ đầy khí phách và tài năng thao lược.
Sau ngày toàn thắng quân Nguyên, khi đến viếng lăng mộ vua Trần Thái Tông (ông nội của vua Trần Nhân Tông), chứng kiến cảnh mấy con ngựa đá trước lăng của ông nội mình bị lấm bùn (do trước đây, bọn giặc Nguyên muốn đào lăng phá hủy nhưng không kịp), nhà vua xúc động nhớ lại cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ Nhất (1258) do vua Trần Thái Tông lãnh đạo, nên đã cảm khái viết hai câu thơ:
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,Sơn hà thiên cổ điện kim âu.”
(Đất nước hai lần lao ngựa đá,Núi sông ngàn thuở vững âu vàng.)
Chỉ cô đọng, ngắn gọn trong 2 câu thơ 7 chữ, nhưng mỗi chữ như vết khắc in sâu trong tâm tưởng nhà vua: Vừa bày tỏ lòng tri ân, hoài niệm người xưa, vừa là niềm cảm khái mang nét đẹp bi hùng và lòng tự hào, lòng tin son sắt của vị minh quân yêu nước yêu dân!
Cũng vậy, bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt “Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng” (Ngày Xuân Viếng Chiêu Lăng) cô đọng nhưng đong đầy cảm xúc:
“Tì hổ thiên môn túc,Y quan thất phẩm thông.Bạch đầu quân sĩ tại,Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.”
(Ngàn cửa, uy nghiêm lính,Bảy phẩm, chỉnh tề quan.Người lính bạc đầu nhắc,Chuyện Nguyên Phong còn vang.)
Chuyện Nguyên Phong là nhắc về niên hiệu Nguyên Phong thứ 7 của vua Trần Thái Tông: Ngày 17.01.1258, quân Nguyên tràn tới cánh đồng Bình Lệ (phía Nam Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ), vua Trần Thái Tông đã trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu chống giặc: “Vua tự làm tướng đốc chiến đi trước, xông pha tên đạn...” (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Đến ngày 29.01.1258, tức chỉ nửa tháng sau, vua Trần Thái Tông cùng thái tử Hoàng (vua Trần Thánh Tông sau nầy) đã phá tan quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu, chiếm lại Thăng Long, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ Nhất.
“Người lính bạc đầu” là nói về những người lính 27 năm về trước (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 1), nay đã là những ông già đầu bạc, ngồi ôn lại chuyện cũ với lòng tự hào và xúc động.
Mặc dù đã đánh thắng quân nhà Nguyên xâm lược, nhưng trong chính sách ngoại giao với đối phương, vua Trần Nhân Tông luôn giữ phong thái đĩnh đạc: Khiêm hạ nhưng không yếu hèn, ôn nhu nhưng dũng lược, khoan hòa nhưng vẫn kiên định vững vàng, khiến cho đối phương phải nể nang và tôn trọng.
Những bài thơ “Quỹ Trương Hiển Khanh Xuân Bính” (Tặng Bánh Ngày Xuân Cho Trương Hiển Khanh), “Tống Bắc Sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Mai” (Tiễn Sứ Phương Bắc Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Mai), “Tặng Bắc Sứ Lý Tư Diễn” (Tặng Sứ Phương Bắc Lý Tư Diễn), “Họa Kiều Nguyên Lãng Vận” (Họa Vần Thơ Của Kiều Nguyên Lãng), “Tống Bắc Sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng” (Tiễn Sứ Phương Bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng) đã minh chứng rõ ràng cho những điều vừa nêu trên.
Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Quỹ Trương Hiển Khanh Xuân Bính” (Tặng Bánh Ngày Xuân Cho Trương Hiển Khanh) được viết trong buổi tiệc chiêu đãi Trương Hiển Khanh (tức Trương Lập Đạo) sang sứ nước Đại Việt lần thứ hai, năm 1291. Nội dung bài thơ khá đơn giản: Miêu tả cảnh họp mặt vui vẻ với sứ thần phương Bắc giữa tiết hàn thực, mồng ba tháng Ba (tiết Thanh Minh), vào cuối mùa Xuân, không khí ấm áp trong lành, nhưng ngầm ý bày tỏ niềm tự hào về vẻ đẹp văn hóa vốn đã có lâu đời của nước Đại Việt. Vẻ đẹp tuy dân dã, dung dị trên mâm bánh trao tặng Trương Hiển Khanh, nhưng bài thơ hàm chứa niềm tự hào về tầng sâu văn hóa của một đất nước vốn đã có nền văn hiến lâu đời:
“Giá Chi vũ bãi, thí Xuân sam,Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,Tòng lai phong tục cựu An Nam.”
(Giá Chi múa xong, thử áo Xuân,Lại thêm hàn thực, tiết thanh nhuần.Bánh rau như ngọc hồng ăm ắp,Tục Việt xưa nay đẹp bội phần.)
Trong bài thơ họa đáp lại, ngỏ lời cảm tạ với vua Trần Nhân Tông, Trương Hiển Khanh đã viết một cách trân trọng, thủ lễ:
“An Nam tuy tiểu văn chương tại,Vị khả khinh đàm tỉnh để oa.”
(Nước An Nam tuy nhỏ nhưng đã có văn chương,Chưa thể nói một cách nông cạn, xem thường họ là ếch ngồi đáy giếng.)
Khi tiễn hai sứ phương Bắc là Lý Trọng Tân và Tiêu Phương Nhai về nước, vua Trần Nhân Tông đã viết bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Tống Bắc Sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai” để chia tay với tình cảm chân thành, nhưng vẫn bày tỏ mong ước bang giao giữa hai nước được ôn hòa, tôn trọng lẫn nhau và được gìn giữ lâu dài. Lời lẽ trong bài thơ khiêm hạ, nhưng cũng có ngụ ý nhắc nhở tế nhị với vương triều phương Bắc rằng: Không nên dấy lên cảnh đao binh xâm lược phương Nam nữa, để cho dân hai nước được an hưởng thái bình:
“Khảm khảm linh trì noãn tiễn diên,Xuân phong vô kế trụ quy tiên,Bất tri lưỡng điểm thiều tính phúc,Kỷ dạ quang mang chiếu Việt thiên.”
(Thăm thẳm Linh Trì, tiệc ấm đưa,Gió Xuân khôn giữ ngọn roi xưa.Chẳng hay phước báu, sao hai sứ,Chiếu sáng trời Nam được mấy khuya.)
Cũng vậy, năm 1288, quân nhà Nguyên bị quân nhà Trần đánh bại, Thoát Hoan phải theo đường tắt chạy trốn. Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ bị bắt. Sau đó, theo đối sách ngoại giao mềm mỏng, vua Trần Nhân Tông đã cử sứ sang vương triều Nguyên để “cống” và dâng biểu với lời lẽ khiêm hạ “xin lỗi”. Vì vậy, năm 1289, vua nhà Nguyên cử sứ Lý Tư Diễn sang nước ta, chiêu dụ bằng chiếu “tha tội”, phong tước cho vua nhà Trần như cũ. Đồng thời, yêu sách với vua nhà Trần trao trả các tướng đã bị bắt. Trong buổi tiệc chiêu đãi nầy, Lý Tư Diễn làm thơ, vua Trần Nhân Tông cũng đã viết bài thơ thất ngôn bát cú “Tặng Bắc Sứ Lý Tư Diễn” để họa lại:
“Vũ lộ uông dương phổ Hán ân,Phượng hàm đan chiếu xuất hồng vân.Thác khai địa giác giai hòa khí,Tịnh hiệp thiên hà tẩy chiến trần.Tận đạo tỉ thư thập hàng hạ,Thắng như cầm điện ngũ huyền huân.Càn khôn kiêm ái vô Nam Bắc,Hà hoạn vân lôi phục hữu truân.”
(Ơn Hán như mưa rưới khắp nơi,Chiếu son phượng ngậm, mây hồng phơi.Đất nước mở mang hòa khí hẵn,Thiên hà rửa sạch chiến tranh rồi.Mươi hàng chiếu chỉ đâu nhiều lắm,Năm dây đàn quí phải nhường thôi.Trời đất thương đều Nam với Bắc,Gian khó lo gì, sấm sét trôi.)
Lời lẽ trong bài thơ khá trân trọng, nhún nhường, “Tận đạo tỉ thư thập hàng hạ / Thắng như cầm điện ngũ huyền huân” (Mươi hàng chiếu chỉ đâu nhiều lắm / Năm dây đàn quí phải nhường thôi). “Mươi hàng chiếu chỉ” mà giá trị vẫn hơn “Năm dây đàn quí”, thể hiện cái ý khiêm hạ, “biết người biết mình”. Trân trọng, nhún nhường nhưng phong thái vẫn đĩnh đạc, đường hoàng với niềm tin: “Càn khôn kiêm ái vô Nam Bắc / Hà hoạn vân lôi phục hữu truân.” (Trời đất thương đều Nam với Bắc / Gian khó lo gì, sấm sét trôi).
Năm 1301, Kiều Nguyên Lãng (Kiều Công Lượng) là Thị lang bộ Lễ, nhân vật chủ chốt của đoàn sứ nhà Nguyên sang nước ta. Trong buổi tiệc chiêu đãi tiễn khách về nước, vua Trần Nhân Tông đã viết bài thơ thất ngôn bát cú “Họa Kiều Nguyên Lãng Vận” (Họa Vần Thơ Của Kiều Nguyên Lãng):
“Phiêu phiêu hành lý lĩnh vân nam,Xuân nhập mai hoa chỉ lưỡng tam.Nhất thị đồng nhân thiên tử đức.Sinh vô bổ thế trượng phu tàm.Mã đầu phong tuyết trùng hồi thủ,Nhãn để giang san thiểu trụ tham.Minh nhật Lô giang yên thủy khoát,Bồ đào nộn lục tẩy tâm đàm.”
(Như mây bay, nhẹ bước về Nam,Mùa Xuân, mai lác đác khoe mầm.Vua hiền đức lớn, thương trăm họ,Trai tài chí cả, nợ muôn dân.Tuyết rung đầu ngựa, niềm lưu luyến,Mắt chứa non sông, nhịp lắng thầm.Ngày mai sóng nước sông Lô tiễn,Bồ đào cạn chén ấm lòng trần.)
Sau khi bày tỏ ân tình với “thượng quốc”: “Nhất thị đồng nhân thiên tử đức / Sinh vô bổ thế trượng phu tàm” (Vua hiền đức lớn, thương trăm họ / Trai tài chí cả, nợ muôn dân) rồi cảm khái: “Mã đầu phong tuyết trùng hồi thủ / Nhãn để giang san thiểu trụ tham” (Tuyết rung đầu ngựa, còn lưu luyến / Mắt chứa non sông, nhịp lắng thầm), rồi bày tỏ mong ước, hy vọng: “Minh nhật Lô giang yên thuỷ khoát / Bồ đào nộn lục tẩy tâm đàm” (Ngày mai sóng nước sông Lô tiễn / Bồ đào cạn chén ấm lòng trần). Đúng là giọng thơ nghĩa khí đĩnh đạc của một bậc minh quân, giàu sức rung động, cảm hóa đối phương bằng chính tấm lòng nhân hậu của mình.
Trong dịp nầy, khi tiễn Ma Hợp và Kiều Nguyên Lãng về nước, vua Trần Nhân Tông đã viết thêm bài thơ thất ngôn bát cú “Tống Bắc Sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng” (Tiễn Sứ Phương Bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng) với lời chào tiễn biệt trân trọng và tình nghĩa, kèm theo lời nhắn nhủ, nhắc nhở tế nhị với vương triều phương Bắc về chiếu Trung Thống năm 1261 của Hốt Tất Liệt, vua nhà Nguyên, đại ý nói: “Các phong tục và mũ áo ban cho các quan, nước Đại Việt được theo lệ cũ của mình mà sử dụng.” (Ngoài ra, vua nhà Nguyên còn răn bảo các tướng phía quân Nguyên ở Vân Nam không được đem quân lấn chiếm, cướp bóc và quấy nhiễu vùng biên giới nước Đại Việt). Cuối bài thơ có đoạn:
“... Tiết lăng chướng vụ thân vô dạng,Tiên phất Xuân phong mã hữu tham.Đỉnh ngữ nguyện ôn Trung Thống chiếu,Miễn giao ưu quốc mỗi như đàm.”
(... Cờ tiết khí hung, người vững bước,Gió Xuân roi vút, ngựa ghìm chân.Trung Thống chiếu xưa, lời hệ trọng,Vận nước lo toan được bớt dần.)
Lời lẽ đoạn thơ trên rất ôn nhu, chân thành. Chiếu Trung Thống nhắc lại trong bài thơ còn được gọi là “đỉnh ngữ”(lời chuông vạc), nghĩa là lời hệ trọng của vua đã ban ra, phải vâng phục và làm theo. Vì vậy, lời nhắc nhở của vua Trần Nhân Tông thật thấu tình đạt lý, buộc đối phương phải suy nghĩ, nếu muốn việc bang giao giữa hai nước được duy trì tốt đẹp.
*
Năm 1290, vua Trần Nhân Tông đem quân đi đánh nước Lào, do vua Lào bội ước, nghe lời xúi giục của nhà Nguyên, tạo điều kiện cho quân nhà Nguyên tấn công nước ta từ phía Tây Nam. Bài thơ thất ngôn bát cú “Tây Chinh Đạo Trung” (Trên Đường Chinh Tây), nhà vua đã viết trên đường hành quân chinh phạt:
“Cẩm phàm khinh sấn lãng hoa khai,Bồng để yêm yêm thủ bất đài.Tam Giáp mộ vân vô nhạn đáo,Cửu Than minh nguyệt hữu long lai.Thê lương hành sắc thiêm cung mộng,Liêu loạn nhàn sầu đáo tửu bôi.Hán Vũ phiên chiêu cùng độc báng,Nam nhi đắc đắc nhược vi tai.”
(Thuyền gấm rượt nhau tung sóng hoa,Chẳng ngẩng đầu lên, mui ướt nhòa.Tam Giáp mây chiều, tin nhạn vắng,Cửu Than trăng sáng, bóng rồng sa.Hành cung nuối mộng thêm sầu nhớ,Chén rượu vơi sầu một bóng ta.Vua Hán đánh Phiên, đời chán ghét,Làm trai như vậy, đáng khen à?)
Bút pháp giản dị nhưng rất tài hoa, nhạy cảm, giàu sức liên tưởng khi tác giả nhìn phong cảnh hùng vĩ của thiên nhiên trên đường hành quân: “Tam Giáp mộ vân vô nhạn đáo / Cử Than minh nguyệt hữu long lai” (Tam Giáp mây chiều, tin nhạn vắng / Cửu Than trăng sáng, bóng rồng sa). Hai câu cuối của bài thơ, “Hán Vũ phiên chiêu cùng độc báng / Nam nhi đắc đắc nhược vi tai!” (Vua Hán đánh Phiên, đời chán ghét / Làm trai như vậy, đáng khen à?!) liên tưởng đến việc vua nhà Hán đánh nước Phiên ngày xưa để bày tỏ lòng mình rằng không muốn chuyện binh đao với nước Lào (chỉ là chuyện bất đắc dĩ), không muốn mang tiếng hiếu chiến như vua nhà Hán, cũng là xuất phát từ tấm lòng bi mẫn của một vị vua đầy lòng nhân hậu, không muốn dấy lên cảnh chiến tranh máu lửa, khiến cho hai dân tộc phải rơi vào cảnh tang thương, chết chóc.
Một thiền-sư-thi-sĩ thấu triệt Đời và Đạo
Trần Nhân Tông là một vị vua nổi tiếng “thân dân”. Ngài thấu hiểu tình cảnh đau thương, ly tán của muôn dân trong chiến tranh, nhất là thân phận của những người cô phụ ở hậu phương, khi người chồng phải ra chiến trường đánh giặc. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Khuê Oán” (Nỗi Oán Nơi Phòng Khuê), người đọc có cảm tưởng như có tiếng than thầm của người vợ đang sống trong cảnh cô quạnh, nhung nhớ, mong chờ:
“Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng,Hoàng ly bất ngữ oán đông phong.Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại,Hoa ảnh chi đầu tận hướng đông.”
(Ngủ dậy cuốn rèm, xem hồng rơi,Oanh không ca, oán gió Xuân thôi.Ngờ đâu chiều rụng lầu Tây đó,Bóng hoa vươn cánh hướng Đông rồi.)
Chẳng những có lòng nhân hậu với con người, vị thiền-sư-thi-sĩ còn có lòng thương cảm ngay cả với vật dụng gần gũi. Bài thơ tứ tuyệt “Trúc Nô Minh” (Bài Minh Trúc Nô) khắc ghi trong lòng hình ảnh chiếc gối tựa (hay chiếc gối kê tay) được đan bằng trúc, luôn ở bên cạnh mình một cách thân thiết như người bạn tâm giao:
“Ngạo tuyết tâm hư,Lăng sương tiết kính.Giả nhĩ vi nô,Khủng phi thiên tính.”
(Tuyết trải tâm không,Sương phơi đốt cứng.Làm tớ, cậy ông,Ngại tính chẳng khứng.)
Chiếc gối tựa (hay chiếc gối kê tay) nầy, ngày xưa thường được dùng vào mùa nóng, giúp cho dịu mát, thoải mái cơ thể. Trúc có bản chất “Tuyết trải tâm không”, “Sương phơi đốt cứng” còn hàm ý nói về tính khí cứng cỏi, trung kiên của con người. Với nhà Phật, đây cũng là biểu trưng cho hành giả đã đạt được bản tâm thanh tịnh, an nhiên, tự tại. Đây cũng là ẩn ý thâm diệu của bài thơ vậy.
*
Thơ viết về mùa Xuân của Trần Nhân Tông khá nhiều, đầy ắp cảm xúc, tinh tế, bén nhạy, tư tưởng sâu sắc, khoáng đạt.
“Xuân Hiểu” (Sớm Xuân), bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, với hình ảnh giản dị nhưng rất sinh động:
“Thụy khởi khải song phi,Bất tri Xuân dĩ quy.Nhất song bạch hồ điệp,Phách phách sấn hoa phi.”
(Ngủ dậy mở cửa trông,Nào hay Xuân mênh mông.Có một đôi bướm trắng,Vỗ vỗ cánh vờn bông.)
Hai câu thơ cuối, như một nét vẽ phác đơn giản nhưng rất sinh động: “Nhất song bạch hồ điệp / Phách phách sấn hoa phi” (Kìa một đôi bướm trắng / Vỗ vỗ cánh vờn bông). Màu trắng của đôi cánh bướm, hòa quyện vào âm thanh “phách phách” (vỗ vỗ), gợi tả một cách tài tình hình ảnh sinh động, giữa cảnh sắc mênh mông của mùa Xuân.
“Xuân Cảnh” (Cảnh Xuân), bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, với vài nét chấm phá như một họa sỹ tài hoa, nhưng đầy ấn tượng:
“Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,Họa đường thiềm ẩn mộ vân phi.Khách lai bất vấn nhân gian sự,Cộng ỷ lan can khán thúy vi.”
(Chim chậm lời ca, liễu nở đầy,Họa đường bóng lộng, mây chiều bay.Khách đến, chuyện đời không hỏi nữa,Cùng tựa lan can ngắm biếc ngày.)
Động và tĩnh quyện vào nhau cả âm vang và sắc màu, khiến cho cảnh Xuân đẹp một cách sinh động và lãng mạn, làm cho “Khách lai bất vấn nhân gian sự / Cộng ỷ lan can khán thúy vi” (Khách đến chuyện đời không hỏi nữa / Cùng tựa lan can ngắm biếc ngày). Trước cái đẹp của Cảnh Xuân, “khách đến” chỉ còn biết thinh lặng, thưởng thức, tận hưởng, nên “Chuyện đời không hỏi nữa” vì đã có cái đẹp của Cảnh Xuân nói hết rồi!
Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Nhị Nguyệt Thập Nhất Nhật Dạ” (Đêm Mười Một Tháng Hai) thể hiện sự mẫn cảm, tinh tế của một vị vua còn rất trẻ, tuy đang sống trong cung điện sang trọng, đài các, nhàn nhã, nhưng cảm xúc trước cảnh Xuân vẫn rất nồng nàn, đắm say, hòa nhập vào khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, với rung động đầy mỹ cảm, tinh tế của một thi nhân:
“Hoan bá kiêu sầu phong vị trường,Đào sinh, trúc đạm ổn long sàng.Nhất thiên như thủy, nguyệt như trú,Hoa ảnh mãn song, xuân mộng trường.”
(Chén rượu vơi sầu ấm mãi thôi,Giường rồng chiếu trúc khỏe thân rồi.Trời trong như nước, trăng ngời sáng,Hoa đầy song cửa, mộng Xuân dài.)
Bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt “Động Thiên Hồ Thượng”(Cảnh Trên Hồ Động Thiên), chỉ một vài nét phác đơn giản của hình ảnh “Hoa thảo giảm Xuân dung” (Hoa cỏ có vẻ giảm sút nét Xuân tươi), khiến cho “Thượng đế liên sầm tịch” (trời thương xót vẻ vắng lặng u tịch nơi nầy) rồi cảm ứng với không gian mênh mông: “Thái thanh thì nhất chung” (Thỉnh thoảng điểm một hồi chuông trên tầng biếc). Cảm xúc tinh nhạy trước cái đẹp vắng lặng, tĩnh mịch của ngoại cảnh đi vào tâm thức một cách trực tiếp, dậy lên một niềm rung động sâu xa:
“Động thiên hồ thượng cảnh,Hoa thảo giảm Xuân dung.Thượng đế liên sầm tịch,Thái thanh thì nhất chung.”
(Cảnh trên hồ Động Thiên,Dáng Xuân gầy hoa cỏ.Trời thương xót niềm riêng,Một hồi chuông xanh tỏ.)
“Xuân Vãn” (Chiều Xuân), bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, như một sự bày tỏ chân thành: Trải qua những chiêm nghiệm từ thời niên thiếu cho đến bây giờ, vị thiền-sư-thi-sĩ đã lĩnh hội được, đã thấy được một cách thấu đáo về lẽ Sắc-Không của cuộc đời huyễn ảo. Một khi đã tỏ ngộ, đã thấy rồi thì ung dung tự tại:
“Niên thiếu hà tằng liễu Sắc-Không,Nhất Xuân tâm sự bách hoa trung.Như kim khám phá đông hoàng diện,Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.”
(Thuở nhỏ chưa từng thấu Sắc-Không,Xuân tươi trăm đóa gửi chuyện lòng.Gương mặt chúa Xuân nay đã tỏ,Nệm cỏ ngồi xem rụng cánh hồng.)
Vẻ đẹp của hoa mai khoe sắc trong mùa Xuân, đã cho thi sĩ nhiều xúc cảm thâm trầm, sâu lắng trong bài thơ thất ngôn bát cú “Tảo Mai Kỳ Nhất” (Hoa Mai Sớm - Lần Một):
“Ngũ xuất viên ba kim niễn tu,San hô trầm ảnh hải lân phù.Cá tam đông bạch chi tiền diện,Tá nhất biện hương xuân thượng đầu.Cam lộ lưu phương si điệp tỉnh,Dạ quang như thủy khát cầm sầu.Hằng Nga nhược thức hoa giai xứQuế lãnh thiềm hàn chỉ ma hưu”
(Tròn xoe năm cánh, nhụy vàng phơi,Chìm bóng san hô, vảy cá trồi.Đông ba tháng lạnh, cành im trắng,Xuân một ngày hanh, nhánh ấm ngời.Sương ngọt mùi hương, lay bướm dậy,Đêm ngời ánh nước, khiến chim lơi.Hằng Nga nếu biết hoa mai đẹp,Bóng quế cung thiềm sẽ chán thôi.)
Tiếp theo, bài thơ thất ngôn bát cú “Tảo Mai Kỳ Nhị” (Hoa Mai Sớm - Lần Hai), cảm xúc càng sâu lắng hơn. Thiền-sư-thi-sĩ “lãn xuất môn” (lười ra khỏi cửa). Nhưng cửa ở đây, không còn là cửa trong cung son điện ngọc nữa, mà là cửa của một ngôi chùa ở Yên Tử, khi nhà-vua-thi-sĩ đã trở thành thiền-sư-thi-sĩ, an nhiên thanh tịnh, chiêm nghiệm lẽ Đạo và lẽ Đời:
“Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn,Đông phong tiên dĩ đáo cô côn [căn].Ảnh hoành thủy diện băng sơ bạn,Hoa áp chi đầu noãn vị phân.Thúy vũ ca trầm sơn điếm nguyệt,Hoạ long xuy thấp Ngọc Quan vân.Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,Giác hậu bất kham trì tặng quân.”
(Năm ngày sợ lạnh, biếng rời nhà,Gió Xuân vừa ghé gốc cây già.Mặt nước bóng chao, băng sớm lở,Cành hoa cánh ép, ấm chưa ra.Thúy Vũ chim vờn, trăng xóm núi,Họa Long sáo ướt, Ngọc Quan nhòa.Cành hoa lạc mộng người xưa gặp,Tỉnh giấc nên không tặng được mà.)
Tuy lấy cảm hứng từ 2 câu cuối của bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt “Tặng Phạm Diệp” của Lục Khải (nhà thơ cuối đời nhà Hán, nước Tàu): “Giang Nam hà sở hữu / Liêu tặng nhất chi Xuân” (Giang Nam chẳng có gì cả / Chỉ tặng bạn một cành Xuân) nhưng tác giả đã chuyển ý rất sáng tạo và rất đẹp, hợp với tâm cảnh của mình ở hai câu thơ cuối: “Nhất chi mê nhập cố nhân mộng / Giác hậu bất kham trì tặng quân” (Cành hoa lạc mộng người xưa gặp / Tỉnh giấc nên không tặng được mà).
“Đăng Bảo Đài Sơn” (Lên Núi Bảo Đài), bài thơ ngũ ngôn bát cú tuyệt bút nói về mùa Xuân. Có thể xem đây là bài thơ quí hiếm trong kho tàng thơ cổ điển Việt Nam. Ngôn ngữ thơ giản dị, nhưng dung hợp tài tình giữa cảnh và tâm, thấu đáo giữa thấy và nghe của một người đã thực chứng bản thể của cái-đang-là, cái mộng huyễn bào ảnh của vạn pháp, để rồi, trước phong cảnh của núi Bảo Đài, tác giả đã “Ỷ lan hoành ngọc địch / Minh nguyệt mãn hung khâm” (Tựa lan can nâng ngang chiếc sáo ngọc / Ánh trăng sáng chan hòa, đầy tràn trước ngực):
“Địa tịch đài du cổ,Thời lai Xuân vị thâm.Vân sơn tương viễn cận.Hoa kính bán tình âm.Vạn sự thủy lưu thủy,Bách niên tâm dữ [ngữ] tâm.Ỷ lan hoành ngọc địch,Minh nguyệt mãn hung khâm.”
(Đất vắng, lầu càng cũ,Xuân mới về chưa lâu.Mây núi gần xa tỏ,Ngõ hoa râm sáng màu.Vạn sự giòng nước cuốn,Trăm năm tấc lòng cầu.Tựa lan can nâng sáo,Ngực sáng ánh trăng cao.)
Hai bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Sơn Phòng Mạn Hứng Kỳ Nhất” (Mạn Hứng Tại Sơn Phòng - Lần Một) và “Sơn Phòng Mạn Hứng Kỳ Nhị” (Mạn Hứng Tại Sơn Phòng - Lần Hai) thấm đẫm hương vị thiền rất thanh thoát, tự tại:
“Thùy phọc cánh tương cầu giải thoát,Bất phàm hà tất mịch thần tiên.Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,Y cựu vân trang nhất tháp thiền.”
(Ai buộc gì đâu cầu giải thoát,Không phàm đừng nhọc kiếm thần tiên.Vượn nhàn ngựa mỏi thân già yếu,Vẫn một am mây một chiếu thiền.)
.
“Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,Nhất thanh đề điểu hựu Xuân tàn.”
(Phải quấy rụng cùng hoa buổi sáng,Lợi danh lạnh theo mưa ban đêm.Mưa tạnh hoa tàn, non vắng lặng,Một tiếng chim kêu, Xuân úa thêm.)
*
Thơ viết về mùa Thu của Trần Nhân Tông tuy ít hơn, nhưng thi tứ, thi cảnh trong từng bài thơ rất cô đọng và rất đẹp. Những bài thơ thất ngôn tứ tuyệt đạt tới mức u nhã, uyên mặc.
Bài thơ “Thiên Trường Vãn Vọng” (Dạo Ngắm Cảnh Chiều Ở Thiên Trường):
“Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,Bán vô, bán hữu tịch dương biên.Mục đồng địch lý quy ngưu tận,Bạch lộ song song phi hạ điền.”
(Trước thôn sau thôn, trời nhạt nhòa,Nửa không nửa có, bóng chiều tà.Mục đồng thổi sáo, trâu về hết,Cò trắng trên đồng, cánh nhẹ sa.)
Hình ảnh bóng chiều tà “bán vô bán hữu” (nửa không nửa có) và hình ảnh “Mục đồng địch lý quy ngưu tận / Bạch lộ song song phi hạ điền” (Mục đồng thổi sáo, trâu về hết / Cò trắng trên đồng, cánh nhẹ sa) vẽ lên một bức tranh tuyệt đẹp, có cả âm vang và sắc màu, tĩnh và động, thực và ảo của mùa Thu ở vùng nông thôn Việt Nam, vừa tĩnh mịch, vừa thanh thoát, giao cảm đồng điệu với tâm hồn của thi sĩ.
“Nguyệt”(Trăng), bài thơ tả một đêm trăng Thu, cũng là một bức tranh tuyệt đẹp, tứ thơ trầm mặc, thanh thoát:
“Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,Lộ trích Thu đình dạ khí hư.Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ,Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.”
(Đèn soi nửa bóng, sách đầy giườngSân Thu đêm thoáng, mát hơi sươngTỉnh giấc chày khua đâu đó vẳngTrăng trên bông quế ngát đưa hương).
Như bức tranh thủy mặc với những nét vẽ bảng lảng mênh mông, âm vang lắng trong sắc màu: “Chiếc cầu, có bóng in ngược xuống mặt nước, bắc ngang qua suối. Một vạt nắng chiều tỏa sáng bên ngoài ngấn nước. Ngàn núi tịch mịch yên lắng, những chiếc lá đỏ rơi. Áng mây ướt như giấc mộng đời, có tiếng chuông vang lên từ xa vọng lại.” Đó cũng là nội dung cô đọng trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Vũ Lâm Thu Vãn” (Chiều Thu Ở Làng Vũ Lâm) với bút lực tài hoa hiếm có, tác giả đã cho người đọc một cảm xúc thanh thoát diệu kỳ:
“Họa kiều đảo ảnh trám khê hoành,Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh.Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc,Thấp vân như mộng viễn chung thanh.”
(Ngược bóng, cầu ngang suối bắt qua,Ngấn nước chiều loang vạt nắng nhòa.Yên lắng non ngàn, rơi lá đỏ,Mây ướt mộng đời, chuông gióng xa.)
Nét sầu u tịch trong buổi chiều mùa Thu ở Lạng Châu với nét đẹp mênh mông diệu vợi trong bài thơ “Lạng Châu Vãn Cảnh” (Cảnh Chiều Ở Châu Lạng):
“Cổ tự thê lương Thu ái ngoại,Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá,Phong định vân nhàn hồng thụ sơ.”
(Chùa xưa sầu ngất, mây Thu nhuốm,Thuyền cá buồn tênh, chuông chiều rơi.Núi tạnh nước trong, âu trắng lượn,Gió lặng mây nhàn, lá đỏ phơi.)
Cám cảnh u tịch của mùa Thu để gửi gắm lòng mình, bài thơ “Đề Phổ Minh Tự Thủy Tạ” (Đề Thơ Ở Nhà Thủy Tạ Chùa Phổ Minh) toát lên vẻ đẹp thanh thoát lạ thường:
“Huân tận thiên đầu mãn tọa hương,Thủy lưu sơ khởi bất đa lương.Lão dong ảnh lý tăng quan bế,Đệ nhất thiền thanh Thu tứ trường.”
(Thơm ngát ngàn hương, tỏa khắp nhà,Dòng nước êm trôi, dịu mát qua.Dưới bóng đa già, chùa khép cửa,Ve rân một tiếng, tứ Thu xa.)
*
Bài thơ thất ngôn bát cú “Thiên Trường Phủ” (Phủ Thiên Trường), tác giả viết khi về thăm quê cha đất tổ (sau khi nhà Trần khởi nghiệp lên ngôi vua, đã xây một hành cung ở hương Tức Mạc, đến năm 1262 vua Trần Thánh Tông đổi tên là phủ Thiên Trường, hàng năm đều có tổ chức thăm viếng, cúng tế tổ tiên):
“Lục ám hồng hi bội tịch liêu,Tễ vân thôn vũ thổ hoa tiêu.Trai đường giảng hậu tăng quy viện,Giang quán canh sơ nguyệt thượng kiều.Tam thập tiên cung hoành dạ tháp,Bát thiên hương sát động xuân triều.Phổ Minh phong cảnh hồn như tạc,Phảng phất canh tường nhập mộng nhiêu.”
(Xanh thẫm hồng phai, đêm lắng yên,Tạnh mưa, mây sáng, đất khô liền.Trai đường sau hội, sư về nghỉ,Sông quán đầu canh, trăng mới lên.Ba chục cung tiên say giấc ngủ,Tám ngàn ngọn tháp ngát triều đêm.Phổ Minh cảnh vật như hôm trước,Mộng thấy vua cha chạnh nỗi niềm.)
Đoạn cuối của bài thơ bày tỏ niềm hồi nhớ vua cha Trần Thánh Tông rất cảm động: “Phổ Minh phong cảnh hồn như tạc / Phảng phất canh tường nhập mộng nhiêu.” (Phổ Minh cảnh vật như hôm trước / Mộng thấy vua cha chạnh nỗi niềm). “Canh tường,” 2 chữ trong câu cuối của bài thơ, tác giả mượn tích về lòng hiếu thảo của vua Thuấn đối với cha là vua Nghiêu để bày tỏ lòng mình: Trong sách Hậu Hán Thư (do Phạm Diệp biên soạn vào thế kỷ thứ 5, đời nhà Hán, nước Tàu) đã thuật lại chuyện khi vua Nghiêu mất, vua Thuấn tưởng nhớ luôn trong 3 năm. Vì thế, vua Thuấn lúc ngồi thì thấy bóng vua Nghiêu trên tường, lúc ăn thì thấy bóng vua Nghiêu trong bát canh.
“Thần quang tự liểu (yểu) hứng thiên u,Sanh thố phi ô thiên thượng du.Thập nhị lâu đài khai họa trục,Tam thiên thế giới nhập thi mâu.Tục đa biến thái vân thương cẩu,Tung bất tri niên tăng bạch đầu.Trừ khước chú hương tham Phật sự,Tá dư niệm liễu tổng hưu hưu.”
(Thần Quang yên lắng, hứng trong lòng,Ôm thỏ cưỡi quạ, bay chơi rong.Mười hai lầu mở khung tranh đẹp,Ba ngàn cõi đọng mắt thơ chong.Mây-chó thói đời xanh trắng đổi,Sư-tùng niềm nỗi tháng năm mong.Học Phật, dâng hương, chừng ấy việc,Lo toan buông hết, thế là xong.)
Hãy chú ý 2 cặp đối rất hay và rất đẹp trong bài thơ trên: "Thập nhị lâu đài khai họa trục / Tam thiên thế giới nhập thi mâu" (Mười hai lầu mở khung tranh đẹp / Ba ngàn cõi đọng mắt thơ chong) - "Tục đa biến thái vân thương cẩu / Tùng bất tri niên tăng bạch đầu" (Mây-chó thói đời xanh trắng đổi / Sư-tùng niềm nỗi tháng năm mong) với thi hứng tràn đầy, hình ảnh ẩn dụ thâm trầm, để rồi kết thúc bằng 2 câu thơ cuối rất tự tại, thanh thoát, buông xả: "Trừ khước chú hương tham Phật sự / Tá dư niệm hữu tả hưu hưu" (Học Phật, dâng hương, chừng ấy việc / Lo toan buông hết, thế là xong).
*
Trúc Lâm Đại Đầu Đà (vua Trần Nhân Tông) trọn đời luôn kính ngưỡng và tri ân người thầy của mình là Tuệ Trung Thượng Sĩ (Trần Tung, Trần Quốc Tung), thành viên trong hoàng tộc nhà Trần và cũng là một thiền sư trí huệ lỗi lạc. Ngay từ thời tuổi trẻ, Trần Nhân Tông đã được Tuệ Trung Thượng Sĩ giáo dục và truyền tâm ấn Phật pháp. Bài thơ “Tán Tuệ Trung Thượng Sĩ” (Ca Ngợi Tuệ Trung Thượng Sĩ) chỉ vắn tắt cô đọng trong 4 chữ 6 câu, nhưng thâu tóm được tinh túy cốt lõi về sự liễu ngộ Phật pháp của Tuệ Trung Thượng Sĩ:
“Vọng chi di cao,Toàn chi di kiên.Hốt nhiên tại hậu,Chiêm chi tại tiền.Phu thị chi vị,Thượng sĩ chi thiền.”
(Càng trông càng cao,Càng khoan càng cứng.Thình lình phía sau,Liền thấy phía trước.Thốt lên cho mau:Thiền của Thượng Sỹ.)
Phía dưới bài thơ, tác giả có ghi thêm: “Tự pháp đệ tử Trúc Lâm Đại Đầu Đà cẩn tán” (Học trò nối pháp là Trúc Lâm Đại Đầu Đà kính cẩn xưng tụng), chứng tỏ lòng kính ngưỡng và tri ân sâu nặng của vị tổ thứ Nhất dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đối với bậc Thầy của mình biết dường nào! Ngoài bài thơ cô đọng nầy, Trần Nhân Tông đã viết bài văn “Thượng Sĩ Hành Trạng” (Hành Trạng của Tuệ Trung Thượng Sĩ) thuật lại công lao tu tập hành trì và đắc pháp của vị ân sư.
Khi đọc xong bài thơ trên và bài văn “Thượng Sĩ Hành Trạng,” kẻ hậu bối nầy dâng trào cảm xúc, nên có viết bài thơ tán thán, kính ngưỡng tri ân, thay cho lời bình như sau:
“Càng trông lên càng thấy caoCàng khoan càng cứng trước sau hiện tiềnTuệ Trung Thượng Sỹ như nhiên”Chân tâm thấu suốt chân thiền diệu KhôngKhép hai bờ cỏ mơ mòngMở thiên thu hát thong dong chốn vềQua đi dứt tuyệt cuồng mêTri ân chánh pháp chở che kiếp người
Tri ân giọt lệ nụ cườiChân tâm diệu hữu trang đời nhẹ đưaDiệu âm hoa rụng sân chùaNhặt bông nắng lạ xin thưa: Đang-LàTriệu năm trong Cõi Người TaTỉ năm cũng vậy sát na sáng lừngGió đưa gió đẩy sáng trưngSương rung bắt nhịp tưng bừng hòa thanh
Tri ân tiền bối viên thànhCâu thơ tinh mật tinh anh tinh ròngCàng nghe càng thấm càng thôngBạn cùng cô quạnh để mong gặp mìnhTrông lên mây trắng như kinhThấy ra diệu nghĩa tận tình Như LaiHít sâu thở nhẹ một vài…Đếm thầm nghe rõ trong ngoài đang trôi…
(04.2015)
Đặt biệt nhất, “Hữu Cú Vô Cú” (Câu Có Câu Không), bài thi kệ có giá trị tư tưởng rất uyên áo thâm viễn, thể hiện sự liễu ngộ về Phật pháp của tác giả.
Bài thi kệ nầy, viết theo thể 4 chữ (4 câu cho mỗi đoạn, tổng cộng 9 đoạn, 36 câu). Đây là câu trả lời rất cô đọng, nhưng rất uyên áo thâm viễn của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông về “Có” và “Không”.
Theo sử sách ghi lại, trong một buổi giảng kinh tại chùa Sùng Nghiêm, tháng 12 năm Giáp Thìn (1304), khi có một tăng chúng hỏi:
“Hữu cú vô cú / Như đằng ỷ thụ / Như hà?”(Câu Có câu Không, như dây bìm bám cây. Ý là như thế nào?)
Câu hỏi trên, xuất phát từ tên một công án trong thiền tông “Sớ Sơn Hữu Cú Vô Cú”. Nội dung công án nầy nói về việc thiền sư Sớ Sơn Khuông Nhân cuối đời Đường, nước Tàu, tham yết thiền sư Trường Khánh Đại An tại Qui Sơn, Phúc Châu để tham học ngài Đại An câu “Hữu cú vô cú, như đằng ỷ thụ.” (Nguồn: Từ Điển Phật Quang).
Từ câu hỏi đó, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã trả lời bằng bài thi kệ “Hữu Cú Vô Cú” nầy:
“Hữu cú vô cú,Đằng khô thụ đảo.Kỷ cá nạp tăng,Chàng đầu hạp não.
Hữu cú vô cú,Thể lộ kim phong.Căng già sa số,Phạm đao thương phong.
Hữu cú vô cú,Lập tông lập chỉ.Đả ngõa toàn quy,Đăng sơn thiệp thủy.
Hữu cú vô cú,Phi hữu phi vô.Khắc chu cầu kiếm,Sách ký án đồ.
Hữu cú vô cú,Hỗ bất hồi hỗ.Lạp tuyết hài hoa,Thủ chu đãi thố.
Hữu cú vô cú,Tự cổ tự kim.Chấp chỉ vong nguyệt,Bình địa lục trầm.
Hữu cú vô cú,Như thị như thị.Bát tự đả khai,Toàn vô ba tị.
Hữu cú vô cú,Cố tả cố hữu.A thích thích địa,Náo quát quát địa.
Hữu cú vô cú,Điêu điêu đát đát.Tiệt đoạn cát đằng,Bỉ thử khoái hoạt.”
(Câu Có câu Không,Cây ngã dây héo.Mấy vị sư ông,Đầu sưng óc méo.
Câu Có câu Không,Gió thu phơi xác.Sông Hằng ngập cát,Cam chịu vết thương.
Câu Có câu Không,Dựng chỉ lập tông.Khoan rùa đập ngói,Lên núi lội sông.
Câu Có câu Không,Chẳng Không chẳng Có.Khắc thuyền mò gươm,So tranh tìm ngựa.
Câu Có câu Không,Chẳng qua chẳng lại.Nón tuyết giày bông,Ôm cây đợi thỏ.
Câu Có câu Không,Xưa nay vậy đó.Nhớ ngón quên trăng,Vùi thây đất nọ.
Câu Có Câu Không,Vậy đó vậy đó.Tám chữ mở tung,Còn gì để nói?!
Câu Có câu Không,Nhìn phải ngó trái.Lải nhải lằng nhằng,Om sòm tranh cãi.
Câu Có câu Không,Đau đau xót xót.Cắt dứt lòng thòng,Nầy kia thông suốt.)
Trước hết, Điều Ngự Giác Hoàng dành 20 câu thi kệ đầu (4 đoạn) để chỉ ra sự nguy hại của thái độ định kiến, chấp thủ đối với hai phạm trù Có và Không. Những định kiến, chấp thủ (cũng gọi là chấp thủ trong vô minh) do không thấu hiểu về bản-chất-như-thật-của-chính-nó, thì rất dễ gây nên những tác hại nguy hiểm giống như “chàng đầu hạp não” (đập đầu méo óc), “phạm đao thương phong” (phạm vào dao kiếm, bị thương vì mũi nhọn) hay phí công vô ích như “đả ngõa toàn quy” (khoan rùa đập ngói), “đăng sơn thiệp thủy” (lên núi lội sông), “khắc chu cầu kiếm” (khắc thuyền mò gươm), “sách ký án đồ” (so tranh tìm ngựa),”lạp tuyết hài hoa” (lấy tuyết làm nón, lấy bông làm giày), “thủ chu đãi thố” (ôm gốc cây đợi thỏ).
Nguyên nhân chính của việc định kiến, chấp thủ Có / Không này là không nhận rõ sự sanh khởi và đoạn diệt của tất cả các pháp là do Duyên Khởi (Nghĩa là: Do cái này Có nên cái kia Có / Do cái này Không nên cái kia Không / Do cái này Sinh nên cái kia Sinh / Do cái này Diệt nên cái kia Diệt - Kinh Phật Tự Thuyết). Trong kinh Trung Bộ, Đức Phật nói: “Ai thấy Duyên Khởi tức là thấy Pháp. Ai thấy Pháp tức thấy Như Lai.” Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật nói: “Tất cả Pháp lấy Tác Ý làm sanh khởi.”
Thật vậy, chúng ta sẽ không có bất cứ nhận thức hay cảm nhận nào về bất cứ Pháp gì nếu như trước đó, chúng ta không có sự hướng tâm hay Tác Ý tới Pháp đó. Nếu có Tác Ý, tức là ngay lúc đó, Ý tiếp xúc với Pháp, lập tức Ý khởi lên, sự phối hợp đó gọi là Xúc, nhân có Xúc cho nên có Cảm Thọ, nhân có Cảm Thọ nên có Ái Dục, nhân có Ái Dục nên có Chấp Thủ, nhân có Chấp Thủ nên có Hữu, nhân có Hữu nên có Sanh, nhân có Sanh nên có Già Chết, và toàn bộ Khổ Uẩn tập khởi. Khi Tâm không có Tác Ý, thì không có Tham-Sân-Si, tuyệt nhiên không có một vật nào xuất hiện (Bổn lai vô nhất vật - Câu cuối trong bài kệ đắc pháp của thiền sư Huệ Năng trong kinh Pháp Bảo Đàn). Đây là điều hết sức vi diệu mà chúng ta cần tỉnh thức suy nghiệm và hành trì tu tập mới có thể thấu hiểu được. Vì sao? Vì đức Thế Tôn là người chỉ nói lời chân chánh, không có vọng ngữ: “Như Lai là người nói sao làm vậy, làm sao nói vậy.” Khi đức Thế Tôn nói: “Tất cả Pháp lấy Tác Ý làm Sanh Khởi”, đó chính là nói đến sự vận hành của Tác Ý: Nghĩa là khi có Tác Ý xảy ra, thì các Pháp sẽ sanh khởi và đưa tới chấp Hữu, nếu chúng ta không đích thực tuệ tri. Điều này đúng với tất cả các Pháp.
8 câu thơ của 2 đoạn kế tiếp chính là tâm điểm, huyết mạch của bài thi kệ:
Hình ảnh có tính ẩn dụ trong câu “chấp chỉ vong nguyệt” (nhớ ngón tay mà quên trăng) xuất phát từ câu trả lời của đức Phật khi có người hỏi: “Giáo pháp của Ngài có phải là một học thuyết hay chủ thuyết chăng?” Câu trả lời của đức Thế Tôn đại ý rằng: “Giáo pháp của Như Lai là một phương tiện để đi vào thực-tại-hiện-tiền chứ không phải để miêu tả thực-tại-hiện-tiền”. Vì vậy,"Giáo pháp của Như Lai giống như ngón tay chỉ lên mặt trăng.” (kinh Viên Giác, chương Thanh Tịnh Tuệ). Như vậy, ngón tay là phương tiện, mặt trăng là mục đích. Mối quan hệ giữa phương tiện và mục đích tuy có tính biện chứng mật thiết, nhưng người hành trì tu tập cần hết sức cẩn trọng để khỏi rơi vào hai cực đoan, nhầm lẫn hay chấp thủ giữa phương tiện và mục đích. Vì vậy, Văn-Tư-Tu chính là phương tiện thiện xảo giúp cho người hành trì tu tập đạt được Giới-Định-Tuệ, nhằm thể nhập vào thể tánh của thực-tại-hiện-tiền, tức chân tánh. Nếu cứ “Chấp chỉ vong nguyệt” (Nhớ ngón tay mà quên trăng) thì tất yếu sẽ dẫn đến “Bình địa lục trầm” (Vùi thây đất nọ), tức là chìm đắm vào bi kịch trầm kha trong vô minh tự cổ chí kim của con người mà thôi. Định kiến, chấp thủ thì không bao giờ đi vào Trung Đạo để Kiến Tánh được. Đây cũng là lời cảnh báo rất hệ trọng về phương pháp hành trì tu tập.
“Bát tự đả khai” (Tám chữ tháo tung): Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, “Tám chữ” trong câu nầy, xuất phát từ câu trích trong kinh Niết Bàn: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc” (Sinh diệt nếu diệt rồi, thì tịch diệt là vui). Như vậy, khi đã thấu hiểu “Bát tự đả khai” (Tám chữ tháo tung) thì sẽ “Toàn vô ba tị” (Không còn gì để nói nữa!) Đến đây thì không còn chấp thủ gì với ngón tay (phương tiện) vì ngón tay đã chỉ đúng, đã giúp cho hành giả nhận ra mặt trăng (mục đích) rồi, thì hành giả cứ thong dong bước vào Trung Đạo, tự mình hành trì tu tập để đạt mục đích tối thượng là liễu ngộ chân tánh của vạn pháp!
8 câu thơ của 2 đoạn thi kệ cuối cùng, Điều Ngự Giác Hoàng còn khuyên hành giả phải dẹp đi những “A thích thích địa / Náo quát quát địa” (Lải nhải lằng nhằng / Om sòm tranh cãi) và phải “tiệt đoạn cát đằng” (dứt bỏ mọi việc rối rắm như dây bìm leo) thì mới vượt lên được và không còn kiến chấp, chấp thủ với hai khái niệm Có và Không, lúc đó mới thấu suốt được thực-tại-hiện-tiền của pháp giới Duyên Khởi, đạt được tự tại thanh tịnh, tức chân tánh của vạn pháp.
Có và Không cũng là câu hỏi lớn của nhân loại từ ngàn xưa của các nền triết học, tư tưởng lớn Đông Tây.
Như được biết, nền triết học Hy Lạp cổ đại, khởi đi từ Parmenides, triết gia thời tiền Socratic, đã sớm nhận ra: “Thinking and Being is the same” (Tư Duy và Hiện Hữu là một). Điều này có nghĩa là Hiện Hữu, tức phạm trù Có mang ý nghĩa rằng, nó chỉ Có trong tư duy, trong khái niệm mà thôi. Cho nên, Có, chỉ là một phạm trù quy ước. Cái Có này là vô thường, luôn luôn biến hoại đoạn diệt. Vì thế, Có, chỉ nên được thiết lập tạm thời để phơi bày đặc tính duyên khởi của nó, không nên chấp thủ, khẳng định nó. Ngược lại, trong khi nó đang-là, không cần thiết phải mang khái niệm Không để phá hủy cái đang-là của nó. Khi nào hết duyên, nó sẽ tự nhiên Không.
Lão Tử, nhà triết học Trung Quốc cổ đại, khi giải thích bản thể của vũ trụ, cũng đã nói trong Đạo Đức Kinh: “Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô” (Vạn vật trong thiên hạ đều sinh ra từ Hữu, Hữu sinh ra từ Vô).
Từ Đạo Hạnh, một thiền sư lỗi lạc của nước ta, đời nhà Lý, cũng đã có bài thi kệ “Hữu Không” rất uyên áo thâm viễn:
“Tác Hữu trần sa HữuVi Không nhất thiết KhôngHữu Không như thủy nguyệtVật trước Hữu Không Không.”
(Khởi niệm, tác ý Có thì từ hạt bụi đến hạt cát li ti cũng Có. Khởi niệm, tác ý Không thì cả vũ trụ này cũng Không. Cái Có cái Không kia cũng giống như ánh trăng trên mặt nước. Đừng chấp vào cái Không của Có-và-Không!” [Đừng lầm tưởng cho rằng cái Có cái Không ấy là không có]).
Thiền sư Huyền Quang, tổ thứ 3 của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử dịch:
(Có thì Có tự mảy mayKhông thì cả thế gian này cũng KhôngKìa xem bóng nguyệt lòng sôngAi hay Không-Có Có-Không là gì!)
Bài thi kệ của ngài Từ Đạo Hạnh cũng là ngụ ý cảnh báo chúng ta không nên chấp thủ vào Có và Không để thấu suốt chân tánh của vạn pháp.
Gần với chúng ta hơn, thế kỷ 15, câu “To be or not to be, that is question” (Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề), là câu hỏi lừng danh trong vở kịch “Hamlet” của William Shakespeare, nhà viết kịch, nhà tư tưởng vĩ đại của nước Anh. Đến thế kỷ 19, phạm trù về “Being” (Cái-đang-là, hữu thể, hiện thể, hiện tồn), là chủ đề chính về bản thể luận (ontology) của Martin Heidegger, nhà triết học lừng danh của nước Đức, chuyên nghiên cứu về Hữu thể và Thời Gian (Being and Time) cũng xuất phát từ câu hỏi lớn như trên. Với tác phẩm này, Heidegger tiếp tục tư duy theo chiều hướng của Parmenides, khảo sát Có (Being) trong mối liên hệ mật thiết với Dasein (Dasein, là thực tại Người được nhận diện qua hai đặc tính căn bản là một hiện hữu biết tư duy và có khả năng cảm xúc tồn tại trong một bối cảnh không gian và thời gian đang-là, tức là đang-đi-đến cái Không).
Như vậy, Có và Không chỉ là qui ước tạm thời về nhận thức, không phải là cái để ta kiến chấp, chấp thủ. Hiểu được như vậy thì mới có thể thoát ra khung cửa nhị nguyên Có và Không, để trực nhận về Cái-Đang-Là, về Thực-Tại-Hiện-Tiền của nguyên lý Duyên Khởi.
Thiết nghĩ, chỉ có thấm nhuần trí huệ của Phật pháp, cùng với nỗ lực tự tu, tự chứng, tự mình đoạn tận tất cả các kiến chấp, chấp thủ tiềm tàng ở nội tâm thì mới đạt được nhận thức viên mãn, siêu vượt lên Có và Không, thể nhập và liễu ngộ được chân tánh của vạn pháp, tức Phật tánh trong bản thân mình.
Tóm lại, bài thi kệ “Hữu Cú Vô Cú” của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, cách nay đã trên 700 năm, với ngôn ngữ diễn đạt giản dị như một bài đồng dao đầy Việt tính, nhưng đã chuyển tải những ẩn dụ hàm súc, thâm diệu của Phật pháp, giúp cho chúng ta biết cách buông bỏ những kiến chấp, chấp thủ về Có và Không, đạt tới chánh kiến viên mãn, thấu suốt Thực-Tại-Hiện-Tiền để tự mình quay về chân tâm, liễu ngộ Phật tánh. Thật là điều rất đáng kính ngưỡng và tri ân vậy.
*
Sách Thánh Đăng Ngữ Lục có ghi đại ý rằng: Tháng Mười năm Mậu Thân (1308), nhận được tin công chúa Thiên Thụy ốm nặng, Điều Ngự Giác Hoàng từ Yên Tử về thăm. Sau khi vấn an công chúa, Ngài lại quay trở về Yên Tử. Đi được nửa đường, Ngài nghỉ tại ngôi chùa làng ở hương Cổ Châu. Sáng hôm sau, trước khi lên đường, Ngài viết lên vách tường của ngôi chùa bài thơ “Đề Cổ Châu Hương Thôn Tự” (Đề Thơ Nơi Chùa Làng Cổ Châu):
“Thế số nhất tức mặc,Thời tình lưỡng hải ngân.Ma cung hồn quản thậm,Phật quốc bất thăng Xuân.”
(Số đời, một hơi thở,Tình người, đôi mắt thôi.Cung ma nhốt chặt hết,Xứ Phật rợp Xuân rồi.)
“Thế số nhất tức mặc” (số phận đời người giống như một hơi thở ra hít vào), thở ra mà không hít vào thì xem như một đời người sẽ kết thúc. Vì vậy, Sống-Chết mong manh như hơi thở mà thôi. “Thời tình” (tình của đời người) chỉ là “lưỡng hải ngân” (đôi mắt). Nếu thấy thấu suốt điều ấy thì sẽ liễu ngộ lẽ Sống-Chết, vượt thoát hết “ma cung” đã từng “hồn quản thậm” (hồn bị nhốt chặt, khóa chặt hết) mọi chúng sinh. Chỉ có liễu ngộ lẽ Sống-Chết được như vậy thì mới “Phật quốc bất thăng Xuân” (Xứ Phật tràn ngập màu Xuân khôn xiết kể) được.
Cũng vậy, khi mở đầu cho một bài giảng ở chùa Sùng Nghiêm bằng bài thi kệ 4 câu (trích trong sách Trần Nhân Tông Toàn Tập của giáo sư Lê Mạnh Thát, đặt tựa bài là “Thân Như”):
“Thân như hô hấp tỵ trung khí,Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân.Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú,Bất thị tầm thường không quá xuân.”
(Thân như hơi thở ra vào mũi,Đời tợ gió vờn mây đỉnh xa.Đỗ quyên xót tiếng trăng ngày sáng,Chớ lụy tầm ruồng xuân luống qua.)
Thiết nghĩ, đây cũng là sự chiêm nghiệm về Ngũ Uẩn Giai Không của Phật pháp. Phải thấu suốt bản chất mong manh, tạm bợ, vô thường, không thật của Năm Uẩn, để từ đó xa rời mọi kiến chấp, thủ chấp, sân hận, đố kỵ, tham luyến, nhằm đạt đến cảnh giới thanh tịnh, an lạc. Hai câu thi kệ cuối trong bài “Thân Như” nầy giống như lời cảnh báo, thức tỉnh: Hãy quay về chân tâm của chính bản thân mình mà tự thực nghiệm, thực chứng để thấu triệt, liễu ngộ Ngũ Uẩn Giai Không thì mới mong kiến tánh, giải thoát.
“Kệ Vân” là bài thi kệ nằm ở phần cuối cùng, kết thúc cho bài Phú bằng chữ Nôm của Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Cư Trần Lạc Đạo Phú” (Bài Phú Sống Với Đời Vui Với Đạo). Đây là một bài phú tuyệt hảo, tuệ giác thâm diệu, tóm thâu tinh túy cô đọng nhất tư tưởng “Cư Trần Lạc Đạo” của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Bài phú gồm có 10 hội, kết thúc bằng bài “Kệ Vân” (trích nguyên văn dưới đây), đã trở thành tư tưởng cốt yếu, là kim chỉ nam tu tập hành trì của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cho đến tận ngày nay. Đối với Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Phật pháp đã, đang và mãi mãi hiện diện trong cuộc đời nầy. Cuộc đời rất Thật mà cũng rất Ảo. Vì vậy, không có sự cách ly phân biệt giữa Đạo và Đời. Phật pháp nằm chính ngay trong lòng cuộc đời. Người tu tập hành trì Phật pháp phải thấu triệt tư tưởng đó, ung dung tự tại, để đạt đến “vô tâm đối cảnh,” giác ngộ chân tánh:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”
(Ở đời vui đạo, cứ tùy duyên,Đói phải ăn thôi, mệt ngủ liền.Của quí trong nhà, tìm đâu nữa,Vô tâm đối cảnh, hỏi chi thiền?)
Bài thi kệ “Thị Tịch”, cũng là bài thi kệ cuối cùng của Trần Nhân Tông. Trong sách Trần Nhân Tông Toàn Tập của giáo sư Lê Mạnh Thát có ghi, đại ý: “Ngày mồng một tháng 11.1308, vào lúc nửa đêm, sao mai sáng rực, Thượng hoàng hỏi Bảo Sát: “Lúc này mấy giờ rồi?”. Bảo Sát trả lời: “Giờ Tý”. Thượng Hoàng dùng tay mở cánh cửa sổ ra nhìn rồi nói: “Đây là giờ ta đi”. Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đâu?”. Thượng hoàng nói bài thi kệ sau đây:
“Nhất thiết pháp bất sinh,Nhất thiết pháp bất diệt.Nhược năng như thị giải,Chư Phật thường hiện tiền,Hà khứ lai chi hữu.”
(Hết thảy pháp không sinh,Hết thảy pháp không diệt.Nếu thấu suốt như vậy,Chư Phật luôn hiện tiền,Chốn nào đi đến nữa?!)”
“Không sinh không diệt, không đến không đi”. Đó cũng chính là Chân Không Diệu Hữu của vạn pháp. Trong khoảng không-thời-gian vô thỉ vô chung, mọi sự vật, về thực chất, là sự vận hành do Lý Duyên Khởi tác động, chuyển đổi, chuyển hóa từ một thể dạng nầy sang một thể dạng khác. Do chấp thủ, định kiến nên chúng ta không thấy ra dòng chảy bất tận của vạn pháp, rồi cho rằng cái nầy sinh, cái kia diệt, cái kia đến, cái nầy đi. Nếu thấy được “Nhất thiết pháp bất sinh / Nhất thiết pháp bất diệt” thì “Chư Phật thường hiện tiền”, “Chư Phật” cũng là Chân Như, Chân Tánh. Đây cũng chính là bài kệ đắc pháp thâm diệu của vị Phật hoàng vậy.
Lời Kết
Thơ Trần Nhân Tông, bắt nguồn từ Phước Duyên rất lớn và cũng là kết quả của nỗ lực bản thân hành trì tu tập của thiền-sư-thi-sĩ.
Trải qua quá trình Văn-Tư-Tu, thâm nhập Giới-Định-Tuệ một cách kiên trì, kham nhẫn ngay từ lúc còn rất trẻ cho đến cuối cuộc đời, ngài Điều Ngự Giác Hoàng đã liễu ngộ đươc lẽ Có-Không, Sinh-Tử, cảm nhận thấu đáo Ngũ Uẩn Giai Không nhờ cái thấy xuyên suốt Thực-Tại-Hiện-Tiền. Vì vậy, thơ Trần Nhân Tông không chỉ dừng lại ở giá trị nghệ thuật thi ca đơn thuần, mà đáng kể hơn là tầng sâu rộng hoằng viễn, uyên áo về tư tưởng của Phật pháp. Đặc biệt nhất là tư tưởng Cư Trần Lạc Đạo, cũng là linh hồn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, mà Điều Ngự Giác Hoàng là vị tổ sáng lập, dung hợp mật thiết giữa Đời và Đạo, vừa nhập thế tận hiến cho Nước cho Dân, vừa kiên trì kham nhẫn tu tập hành trì, liễu ngộ tâm Bát Nhã.
Đọc thơ Trần Nhân Tông, kẻ hậu bối nầy tự biết sức đọc, sức học, sức thấy, sức cảm thụ còn thô lậu nông cạn. Nhưng do lòng kính ngưỡng, quí trọng ngay từ thời trai trẻ đối với một vị minh quân đỡm lược hiếm có trong lịch sử dân tộc, một vị thiền-sư-thi-sĩ liễu ngộ thâm sâu hoằng viễn Phật pháp, nên bản thân đã tự nguyện dồn hết tâm lực tra cứu, nghiền ngẫm, lắng lòng vào thơ vào kệ, viết xuống những dòng cảm nhận chân thành nầy, kèm theo bài thơ cảm ứng dưới đây (viết từ tháng 07.2015) tạm gọi là bày tỏ lòng kính ngưỡng và tri ân sâu nặng đối với bậc tiền bối:
CẢM ỨNG THƠ TRẦN NHÂN TÔNG
1.
người lính già kể chuyện nguyên phongrù rì theo sắc nắng thương mong
đầu bạc bên chiêu lăng lặng lẽ
tình quê nợ nước vẫn chưa xong
2.
một hơi thở một đời thế thôigió cuốn đi thực mộng quên rồi
chùa làng lưu lại câu tâm bút
thơ bay đi theo mây rong chơi
3.
núi bảo đài thơm ngát ánh trăng
đời đang trôi như thầm nhủ rằng
năm tháng xa gần nâng sáo ngọc
nửa bóng râm và nửa tuyết băng
4.
mây giăng ảo diệu trên yên tửchuông chiều thở nhẹ quanh thiền tự
cánh hồng rụng nhớ cánh bướm bay
nệm cỏ sư ngồi tứ niệm xứ
5.
thị phi hoa rơi rụng buổi sánglợi danh lạnh theo mưa ban đêmbật một que diêm trong im vắng
rít điếu thuốc tàn chẳng nghĩ thêm
6.
xã tắc lưỡng hồi lao thạch mãsơn hà thiên cổ điện kim âuđời nay ngu ác đày dân khổ
trào đình hèn mạt sợ thằng tàu
7.
thơ là kệ hay kệ là thơ
hỏi làm chi xác chữ cứng đơ
thần hồn tạnh ráo sáng con mắt
pháp không sanh không diệt sang bờ
8.
tịch mịch rền câu có câu khôngthuở anh niên đội nắng băng đồng
trời chẳng nói và đất chẳng nói
nắng đầu xuân gọi nắng đầu đông
9.
tịch mịch vui trăng non vừa nhú
tịch mịch sầu vớt lên tuyệt cú
sông thu vừa hớp ngụm sương mai
trời thu vừa nở thêm một nụ.
Calif., Westminster, hoàn tất bản thảo vào mùa Thu 2016,
hiệu đính cuối tháng 12.2016
Nguyễn Lương Vỵ
Ghi chú:
1. Phần trích thơ Trần Nhân Tông: Chỉ trích phần phiên âm nguyên tác chữ Hán và phần phỏng dịch thơ Việt của người viết. Riêng 2 cặp thơ lẻ (còn gọi là phiến) ngôn ngữ và ý nghĩa khá rõ ràng, người viết dựa theo các bản dịch thơ trước đây.
2. Duyên khởi (縁 起, Pali: Paṭiccasamuppāda), cũng được gọi là Nhân Duyên Sinh (因 縁 生), và vì bao gồm 12 thành phần nên cũng có tên khác là Thập Nhị Nhân Duyên (十 二 因 縁). Duyên Khởi là một trong những giáo lý trọng yếu nhất của Phật pháp. Thuyết này chỉ rõ là mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm thành một vòng với mười hai yếu tố. Các yếu tố này làm các loài hữu hình cứ mãi vướng mắc trong Luân Hồi SinhTử. Theo kinh Duyên khởi, mười hai nhân duyên cụ thể như sau:
. Vô minh (無 明), sự không thấu hiểu Tứ Diệu Đế, không hiểu Khổ là tính chất căn bản của đời sống.
. Vô minh sinh Hành (行), hành động tạo Nghiệp. Hành động này có thể tốt, xấu hay trung tính. Hành có thể ở trong ba dạng: thân, khẩu và ý.
. Hành sinh Thức (識), làm nền tảng cho một đời sống tới. Thức này đi vào bụng mẹ. Thức lựa chọn cha mẹ đúng như Hành tốt xấu quy định.
. Thức sinh Danh Sắc (名 色), là toàn bộ tâm lý và vật lý của bào thai mới, do Ngũ Uẩn tạo thành.
. Danh sắc sinh Lục Căn (六根), là các giác quan, sáu căn (năm giác quan và khả năng suy nghĩ là sáu). Lục Căn bắt đầu tiếp xúc với bên ngoài gọi là Xúc (觸).
. Xúc sinh Thọ (受), là cảm nhận của con người với thế giới bên ngoài.
. Thọ sinh Ái (愛), tham ái, lòng ham muốn xuất phát từ vô minh.
. Ái sinh Thủ (取), còn gọi là Thủ Chấp, là điều cá nhân muốn chiếm lấy cho mình.
. Thủ dẫn đến Hữu (有), là toàn bộ những gì ta gọi là tồn tại, sự sống, thế giới.
. Hữu dẫn đến Sinh (生), là cuộc sống hàng ngày, bao gồm dục là tham ái và lòng ham muốn.
. Sinh dẫn đến Lão Tử (老 死), vì có Sinh nên có Già Chết.
3.“Tất Cả Pháp Lấy Tác Ý Làm Sanh Khởi”: Nguyên bản Pali của câu này là: “manasikārasambhavā sabbe dhammā”. Bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu là “All phenomena come into play through attention”. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là : “Tất cả Pháp lấy Tác Ý làm sanh khởi”.
4. Thiền sư Huệ Năng (638-713), là vị Tổ thứ sáu của Thiền tông nước Tàu, môn đệ của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Ngài là tác giả của tác phẩm chữ Hán duy nhất được gọi là “Kinh” (một từ thường được dùng để chỉ những lời dạy của đức Phật Thích Ca), đó là “Pháp Bảo Đàn Kinh,” có ý nghĩa rất sâu xa về thiền. Bài kệ đắc pháp của ngài Huệ Năng như sau: "Bồ đề bổn vô thụ, / Minh kính diệc phi đài. / Bổn lai vô nhất vật, / Hà xứ nhạ trần ai.” (Bồ đề vốn chẳng là cây, / Gương sáng cũng chẳng phải là đài. / Xưa nay không một vật nào cả, / Nơi nào dính bụi trần?).
5. Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116): Tục gọi là đức thánh Láng, là một thiền sư thời nhà Lý. Cuộc đời ông được ghi lại dưới nhiều màu sắc huyền thoại. Dân chúng lập đền thờ ông tại chùa Thiên Phúc (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội), tục gọi là chùa Thầy và chùa Láng, chùa Nền ở Hà Nội. Hàng năm, lễ hội chùa Thầy được mở vào ngày 7 tháng 3 âm lịch, tương truyền là ngày ông viên tịch.
6. Thiền sư Huyền Quang (1254-1334): Tên thật là Lý Đạo Tái, người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang. Nay là làng Vạn Tải, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ông học rất giỏi, đỗ cả thi Hương, thi Hội. Về sau, ông đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ (trạng nguyên) khoa thi khoảng năm 1272 hay 1274 và được bổ làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình nhà Trần, tiếp sứ Bắc triều, nổi tiếng văn thơ. Sau này, ông từ chức đi tu, theo Trần Nhân Tông lên Trúc Lâm. Là một Thiền sư Việt Nam, tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử. Ông là một nhà thơ lớn với nhiều bài thơ còn được lưu lại. Cùng với Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông và Pháp Loa, ông được xem là một Đại thiền sư của Việt Nam.
7. William Shakespeare (1564-1616): Là nhà thơ, nhà viết kịch người Anh, được coi là nhà thơ vĩ đại nhất của Anh và là nhà viết kịch đi trước thời đại. Ông cũng được vinh danh là nhà thơ tiêu biểu của nước Anh và là “Nhà thơ của Avon” (Avon là quê của Shakespeare, viết tắt của Stratford-upon-Avon). Những tác phẩm của ông, bao gồm cả những tác phẩm hợp tác, bao gồm 38 vở kịch,154 bản sonnet, 2 bản thơ tường thuật dài, và vài bài thơ ngắn. Những vở kịch của ông đã được dịch ra thành rất nhiều ngôn ngữ và được trình diễn nhiều hơn bất kì nhà viết kịch nào.
8. Martin Heiderger (1889-1976): Triết gia người Đức. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: "Hữu thể và Thời Gian," đây là tác phẩm đã đưa ông trở thành nhà triết học có tầm vóc lớn trong thế kỷ 20 và có ảnh hưởng sâu rộng cho đến ngày nay, được xuất bản năm 1927; “Kant và vấn đề siêu hình học”; “Nhập môn siêu hình học” (1935); “Học thuyết Platon về chân lý” (1942); “Bức thư về chủ nghĩa nhân bản” (1947); “Những con đường rừng” (1950); "Những bài thuyết trình và những bài viết" (1952); “Tư duy là gì” (1954); “Nietzsche” (1961) và một số tác phẩm chưa ấn hành.
Nguồn tham khảo chính: Thơ Văn Lý Trần, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1989) - Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông Toàn Tập, NXB TPHCM, 2000 - Nguyễn Huệ Chi, Văn Học Cổ Cận Đại Việt Nam, Từ Góc Nhìn Văn Hóa Đến Các Mã Nghệ Thuật, NXB Giáo Dục, 2013 - Các trang mạng wikipedia.org - thuvienhoasen.org - thivien.net.
Từ nhiều năm, qua những buổi gặp nhau nơi các tiệm cà phê vùng Quận Cam, những cuộc nói chuyện với thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ luôn luôn tạo cho tôi một cảm giác nhẹ nhàng, đạo vị. Có khi nói chuyện về một người bạn chung ở Việt Nam, có khi nói về những bản thảo Vỵ đang suy tính, đang viết, đang in hay sắp in. Tình thân không thuần túy là văn nghệ, vì có khi nói chuyện thơ ít, và nói chuyện đạo lại nhiều. Một trong những điểm chung giữa Nguyễn Lương Vỵ và người viết là cùng một tấm lòng kính ngưỡng Trần Nhân Tông -- một thiền sư, một nhà thơ, và là một nhà vua đã hai lần dẫn binh đẩy lui quân phương Bắc.
Tôi đã nghe Nguyễn Lương Vỵ nói từ nhiều năm nay về ước mơ dịch và viết về Trần Nhân Tông. Tôi đã đọc rải rác một số bài thơ dịch do Vỵ đưa lên một số trang web Phật học và văn nghệ trong khi làm công trình này. Ngôn ngữ của Vỵ chuyển ý của Ngài Trần Nhân Tông có khi rất dị thường.
Thí dụ, Nguyễn Lương Vỵ dịch là:
Câu Có câu Không,Cây ngã dây héo.Mấy vị sư ông,Đầu sưng óc méo.
Từ nguyên bản của Ngài Trần Nhân Tông:
Hữu cú vô cú,Đằng khô thụ đảo.Kỷ cá nạp tăng,Chàng đầu hạp não.
Tôi nghĩ, viết như thế và dịch như thế là hợp ý Thiền Tông. Bởi vì, bất cứ những gì qua nghĩ ngợi của bộ não đều cách xa đạo.
Đối với tôi, không có lời nào để nói đủ về Trần Nhân Tông, cho dù tôi đã viết cuốn "Tran Nhan Tong: The King who Founded a Zen School" -- trong đó dịch hầu hết tác phẩm của Ngài sang tiếng Anh. Nhưng để giữ được hồn thơ, để nêu lên sức công phá trong ngôn ngữ Thiền của Ngài Trần Nhân Tông, tôi không tìm được ngôn ngữ như Nguyễn Lương Vỵ.
Nếu chúng ta để ý, Ngài Trần Nhân Tông không khuyên chúng ta hãy ngồi thở, không khuyên chúng ta hãy tập Thiền Chỉ Quán, không dạy Tứ niệm xứ, và không nói bất kỳ một kỹ thuật luyện tâm nào -- Ngài chỉ nói pháp An Tâm.
Ngài Trần Nhân Tông đã để lại những bài thơ, và để lại những lời dạy qua đối thoại hoàn toàn đúng theo ý Đức Phật dạy trong Kinh Nhật Tụng Sơ Thời -- đó là những gì Kinh Tập trong Tiểu Bộ Kinh gọi đó là Chánh Pháp (Dhamma) mà chư tăng phải học thuộc, phải tụng hàng ngày trong những năm Đức Phật còn sinh tiền. Đó là khi Đức Phật yêu cầu nhà sư Sona, "Hãy tụng cho ta nghe Chánh Pháp," và nhà sư Sona đã vâng lời, đọc lên Kinh Nhật Tụng Sơ Thời đó (Responding, "As you say, lord," to the Blessed One, Ven. Soṇa chanted all sixteen parts of the Aṭṭhaka Vagga... Kinh Sona Sutta Ud 5.6).
Trong Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, Đức Phật dạy gì? Chỉ là không lập bất kỳ kiến chấp nào, dù Hữu hay Vô, dù Có hay Không. Đó là đường vào đạo, đó là pháp tức khắc xa lìa mọi chấp thủ, là pháp buông tất cả mọi vướng mắc. Trong dòng Tào Động, gọi đây là pháp của "đường chim bay" -- tức là, không có dấu vết nào để dò, và không để dấu vết nào để trần gian nhìn thấy.
Nguyễn Lương Vỵ có ghi lại một đoạn vấn đáp của Trần Nhân Tông trong một buổi giảng kinh tại chùa Sùng Nghiêm, tháng 12 năm Giáp Thìn (1304), khi có một tăng chúng hỏi:
"Hữu cú vô cú / Như đằng ỷ thụ / Như hà?" (Câu Có câu Không, như dây bìm bám cây. Ý là như thế nào?)
Trần Nhân Tông đáp, trích, qua bản dịch Nguyễn Lương Vỵ:
"Câu Có câu Không,Chẳng Không chẳng Có.Khắc thuyền mò gươm,So tranh tìm ngựa.
.
Câu Có câu Không,Chẳng qua chẳng lại.Nón tuyết giày bông,Ôm cây đợi thỏ." (ngưng trích)
Và rồi sau đó, thi sĩ họ Nguyễn dịch mấy câu thơ khác của Thiền sư họ Trần:
"Hết thảy pháp không sinh,Hết thảy pháp không diệt.Nếu thấu suốt như vậy,Chư Phật luôn hiện tiền,Chốn nào đi đến nữa?"
Có cách nào để vượt qua Có và Không? Có cách nào để thấy hết thảy pháp không sinh, không diệt?
Thưa rằng, có lời dạy như thế. Có dạy trong Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, và trong rất nhiều kinh khác -- nơi đây, chúng ta sẽ dẫn lại từ Kinh Hoa Nghiêm, và từ bài thơ "Guhatthaka-suttaniddeso: Upon the Tip of a Neddle" của Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất) trong luận thư Niddessa của Tạng Pali.
Chúng ta có thể lấy một thí dụ. Giả sử như chúng ta đang nghe một cô ca sĩ hát, trên sân khấu với trống, đàn, ánh sáng, và vân vân. Giải sử, chúng ta nghe cô hát câu “Tôi yêu tiếng nước tôi…” Chúng ta thấy riêng chữ “tiếng” là hợp âm mang giọng ca sĩ, cùng với tiếng đàn, tiếng trống. Tức là duyên khởi. Và trong tiếng đàn đệm đó cũng là từ nhiều duyên khởi: từ anh nhạc sĩ luyện đàn nhiều thập niên, là tiếng gỗ rừng thông, tiếng ván thông mang theo tiếng gió rừng cao nguyên, tiếng thợ mộc làm đàn. Rồi tiếng trống, tương tự… Tất cả cùng duyên khởi, theo một mô thức có thể mượn từ Khoa Khí Tượng Vật Lý: một tiếng vỗ cánh của con bươm bướm có thể sẽ dấy lên trận bão bên kia bờ đại dương.
Như thế, chúng ta thấy cả thế giới trùng trùng duyên khởi trước mắt. Chúng ta hễ mở lời, là tất cả các pháp trở thành quá khứ, vì hiện tại liên tục chảy xiết, không ngừng. Khi ngồi nghe và thấy cả pháp giới trùng trùng như thế, không có suy nghĩ hay nói gì được. Vì hễ nghĩ ngợi, là mất “cái hiện tiền” tức khắc, là tất cả chỉ còn là chạy theo cái vừa trôi qua.
Thấy cái khoảnh khắc trùng trùng duyên khởi đó là thấy Niết bàn tịch diệt, cho dù bên tai khoảnh khắc đó vẫn là tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng gió rừng cao nguyên, tiếng cưa gỗ rừng, tiếng thợ mộc mài gỗ, căng dây đàn… Tất cả nghĩ ngợi của ý thức trong khoảnh khắc đó sẽ im bặt.
Làm sao nói được là Có hay Không? Thấy Pháp Duyên Khởi qua Kinh Hoa Nghiêm, là ngôn ngữ sẽ im bặt, sẽ không còn chấp kiến gì nữa, nói gì là tham sân si hiện ra nổi trong không gian đó.
Tương tự, bài thơ “Guhatthaka-suttaniddeso” của Ngài Sariputta nói rằng tất cả những kinh nghiệm của chúng ta về thế giới này y hệt như điểm chạm đáy của hạt đậu nhỏ để trên đầu mũi kim. Nghĩa là, ý thức của chúng ta về cái hiện-tiền, về cái đang-là chỉ là chút xíu cực vi như hạt đậu chạm trên đầu mũi kim. Thời gian chảy xiết qua. Tất cả các pháp trong tâm, trong cảm thọ, và chung quanh ta đều là những khoảnh khắc cực vi trên đầu mũi kim, nơi đó không ai níu giữ được cái đang-là.
Hễ nghĩ tới cái gọi là hiện tại, tức thì niệm đó đã trở thành một pháp của quá khứ. Đó là chỗ các Thiền sư ưa nói: hễ mở miệng, là trễ rồi. Nơi đó, không còn thời gian nữa, và cũng không còn không gian nữa.
Vì bất kỳ ai thấy được cái kinh nghiệm thời gian chảy xiết như thế (như qua bài thơ của Ngài Sariputta), và bất kỳ ai thấy được cái không gian trùng trùng duyên khởi của Kinh Hoa Nghiêm là tức khắc tâm sẽ lặng lẽ, sẽ không thấy còn niệm Có hay niệm Không, sẽ không thấy cón niệm Sanh hay niệm Diệt… Chỉ có thể nói rằng, các pháp Như Thế là Như Thế. Đức Phật đã dạy như thế, rằng hãy để các pháp như thế là như thế, hãy thấy chỉ là cái được thấy, hãy nghe chỉ là cái được nghe…
Ngài Trần Nhân Tông đã nói rằng vướng vào Có với Không đều như vướng vào dây leo buộc người. Khi thấy các pháp bất sanh, các pháp bất diệt là xong, chẳng còn bận tâm.
Nguyễn Lương Vỵ đã để cho Kinh Phật và lời thơ Trần Nhân Tông ngấm vào thịt da xương tủy của anh, và rồi từng chữ của họ Nguyễn viết xuống đều mang sức nặng như núi đè lên giấy (như hai câu: Mấy vị sư ông, Đầu sưng óc méo…) nhưng cũng thơ của họ Nguyễn lại rất mực nhẹ nhàng bay bổng (như bốn câu: một hơi thở một đời thế thôi, gió cuốn đi thực mộng quên rồi, chùa làng lưu lại câu tâm bút, thơ bay đi theo mây rong chơi…).
Khi nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ viết xong các trang giấy này, chữ hốt nhiên trở thành những cánh chim bay rời trang giấy. Để biến vào thế giới duyên khởi trùng trùng của Kinh Hoa Nghiêm. Trân trọng chúc mừng.
GHI CHÚ: Bài này được dùng làm Lời Bạt cho tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông” – do thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ phỏng dịch và bình thơ, đang phát hành qua Amazon.com (tìm bằng cách gõ nhóm chữ “Vy Luong Nguyen” không cần dấu tiếng Việt).
Bài đọc thêm:
Đọc thơ Trần Nhân Tông