caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 13 mars 2021

Caroline Thanh Hương giới thiệu chương trình thơ, nhạc Huy Văn với bài Từ Vạn Dặm và Nhớ Quá Xuân Xưa.

 Kính gửi quý anh chị bài thơ và một bài viết của anh Huy Văn với một nỗi niềm mà ai trong chúng ta cũng thường mang nặng trong tâm tư.

Có lẽ ở vào tuổi nào đó, chúng ta chợt nhớ lại quá khứ xa, gần và từ đó cảm xúc mang lại cho chúng ta một vầng thơ khắc khoải mong cùng ai đó chia sẻ.

Cám ơn anh huy Văn đã gửi bài thơ, văn của anh sáng tác.

Caroline Thanh Hương

Kính chuyển
HV ( HVC )


TỪ VẠN DẶM
Gió ơi! Hãy căng buồm về bến cũ
Cho thuyền đời quay ngược chuyến viễn du
Một đại dương, đôi bờ nhớ mịt mù
Trăn trở mãi tháng ngày nơi biệt xứ.

Mưa ơi! Hãy đong giọt buồn cô lữ
Nhắn giùm ta lời hò hẹn trăm năm

Gửi về ai nỗi nhớ rất âm thầm
nương cánh gió rót sầu trong đêm tối.

Mây ơi! Hãy về che rừng, ôm núi
Khoác đài trang lên cánh áo mù sương
Dệt bâng khuâng trong diễm ảo vấn vương
Cho cổ tích vẽ tranh thơ huyền thoại.

Nắng ơi! Hãy nối biển trời quan tái
với sơn khê đang lạnh lẽo, sơ khai
Hãy soi đời trên từng bước tương lai
cho ánh sáng chiếu tối tăm cổ đại.


Trăng ơi! Trải màu tơ đêm khắc khoải
Bàng bạc treo thương nhớ, bắt nhịp cầu
Đông dõi bóng theo ngàn trùng hồ hải
Tây nghiêng sầu cho dài quá canh thâu!

Người ơi! Hãy hướng lòng từ vạn dặm
Thắp hương nguyền, mặc niệm mảnh non sông
Nhớ trời quê, lòng ly khách thầm mong
Ngày nắng ấm cho Xuân bừng sắc thắm.
HUY VĂN

 


tt
Kính chuyển.
Vị nào đã đọc rồi, xin mời đọc lại...cho vui!
HV (HVC )

NHỚ QUÁ XUÂN XƯA
Vừa từ Quế Sơn về đến hậu cứ thì Lính mới biết chuyện gì đã xảy ra! Tình hình Hoàng Sa đang căng thẳng. Hải quân của ta đang lâm trận cự địch. Lần này, địch là bọn giặc Tàu, những kẻ thù truyền kiếp! Cả hậu cứ xôn xao thấy rõ. Trong khi ban chỉ huy Tiểu Đoàn họp với các đại đội trưởng, thì Lính xớ rớ đó đây, tụm ba tụm bảy bàn tán, nghe ngóng tin tức trên đài phát thanh, hoặc dán mắt trông ra bên ngoài hàng rào, còn bên ngoài thì vợ con của họ lóng nhóng nhìn vào bên trong.
Trại gia binh chỉ cách chừng 50 thước mà không về "nhà" được! Tuy vậy, vẫn có những nụ cười tươi tắn, những câu bông đùa cố hữu của tuổi trẻ bất xá. "Một trăm em ơi! Chiều nay một trăm phần trăm!..." Ai đó đã cao hứng gào vài câu quen thuộc này trong tiếng tíu tít của mọi người. Một số khác thì thoải mái qua lại trong khuôn viên của sân cờ, bình thản nhìn hoạt cảnh "mặt mừng mà tay chưa được bắt" của hậu cứ.  Không có lời than vãn, vì gia đình binh sĩ đã quá quen với sinh hoạt của Quân Đội, còn người quân nhân thì lúc nào và ở đâu, cũng chấp nhận hoàn cảnh theo kiểu..."Lính mà em!"

Đến xế chiều mới có lệnh xả trại! Vậy là đơn vị có cơ hội dưỡng quân thoải mái trong tinh thần "vui xuân không quên nhiệm vụ". Vã lại, Tiểu Đoàn 37 BĐQ gồm đa số là cư dân Đà Nẵng và vùng phụ cận. Nếu như cần gom quân khẩn cấp thì sẽ không khó khăn gì cả. Lính cứ thế mà hớn hở vọt ra cổng. Các sĩ quan đại đội trưởng cũng đã có sẵn xe đậu trước văn phòng của đại đội mình. Mấy quan bàn qua, mời lại một hồi, thì đa số nhận lời của Đại Úy Vương để về nhà ông ở Hòa Mỹ. Nắng chiều đang đậm màu. Đã có thoáng lạnh trong gió nhưng lòng người thì ấm áp lạ lùng! Buổi họp mặt tại nhà ông Vương  rất thân mật và ấm cúng. Coi như đây cũng là dịp tôi làm quen với các đàn anh và với riêng gia đình ông Vương sau hơn một tháng đáo nhậm đơn vị.

Sau buổi tiệc tất niên thì Thiếu Úy Vũ Thành Công và tôi trở về hậu cứ. Những người còn lại được ông đại đội trưởng chịu chơi, có danh hiệu truyền tin là Vương Vũ, cho tài xế của mình chở vào Đà Nẵng để họ vui chơi qua đêm. Anh Công và tôi chia tay ngay tại cổng hậu cứ. Anh về trại gia binh, còn tôi vào văn phòng đại đội trải ghế bố, chuẩn bị cho đêm đầu tiên hưởng nhàn tại hậu cứ sau đúng một tháng lòng vòng hành quân tại Điện Bàn, Duy Xuyên và Quế Sơn.

Quyển Giờ Thứ 25 vừa được móc ra khỏi ba lô thì có người đến kề bên hỏi:
- Chuẩn úy không ra Đà Nẵng sao?!
- Tối rồi! Có ra đó cũng không biết đi đâu. Còn anh, sao vẫn ở đây?
Trung sĩ Diệp, tiểu đội trưởng khinh binh của Trung Đội 3 bước vào văn phòng, nhìn tôi cười:
- Nhà tôi ở ngoài Huế. Đường Trần Hưng Đạo. Xa quá!
Nhìn thấy quyển sách, Diệp nói tiếp:
- Nói thật chuẩn úy đừng giận. Ông giống nhà giáo, thậm chí rất giống thầy tu hơn là lính!
 Tôi gật đầu:
- Anh cũng không phải là người đầu tiên nói về tôi như vậy!
- Thêm dáng nghệ sĩ nữa! Nếu có cây đàn ghi ta thì...
Nghe nói tới cây đàn thì tôi ngắt lời Diệp:
- Tôi có ý tìm, nhưng không biết hỏi ai.
- Nếu chuẩn úy muốn chơi đàn thì để tôi đi mượn cho cho ông.

Nói xong, anh ta vọt ngay ra ngoài. Tôi nhìn bâng quơ ra sân cờ lúc này đang chìm trong bóng tối.Từ câu lạc bộ vọng ra tiếng cười đùa của những tay cá độ bi da. Thỉnh thoảng có vài tràng cười giòn dã từ các "sam" vọng lại. Mấy đứa "con bà phước" chắc đang đưa cay hay "múa quạt" ăn tiền không chừng. Tôi vừa đọc qua vài trang sách thì trung sĩ Diệp quay trở lại với cây ghi ta trên tay, theo sau anh là vài quân nhân tôi chưa quen biết.
Diệp giới thiệu tôi với họ, nhưng chưa hết câu thì đã có người xua tay:
- Tụi này biết rồi! Hôm ổng trình diện tiểu đoàn ở Phong Thử là đã có biệt danh "Chim Sâu...Nhỏ"!

 Sau câu nói là một tràng cười rôm rả. Rồi họ lần lượt xưng tên và cho biết là đang gom nhau tại nhà Trung Sĩ Chế Việt trong trại gia binh để vừa nhậu, vừa hát hò với nhau. Không có sự bỡ ngỡ vốn thường gặp phải trong những lần đầu người ta đến với nhau. Không có chuyện phân biệt quan với lính. Chúng tôi đều là những người trẻ cùng sở thích văn nghệ. Gặp nhau là ồn ào hẳn lên và không lâu sau đó thì văn phòng đại đội trở thành một sân khấu văn nghệ bỏ túi với đủ loại nhạc trên đời. Cho tới khi người thượng sĩ thường vụ tiểu đoàn vào tìm những anh em trực gác trong số "khán giả" ham vui, thì màn hát hò tùy hứng mới chịu kết thúc. Trung sĩ Diệp và các bạn mới quen kéo nhau xuống nhà Chế Việt, còn tôi trở về "Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh" để dỗ giấc qua đêm.
 
Chúa Nhựt 20-01-1974 ( 28 tháng chạp năm Giáp Dần )
Phố vào xuân rộn ràng với muôn màu, muôn vẻ, mặc dù Đà Nẵng và khắp nơi trên toàn quốc đều bàng hoàng để rồi phẫn nộ, khi nghe tin Hoàng Sa đã bị Trung Cộng chiếm đóng. Đài phát thanh liên tục đưa tin về trận hải chiến. Ngay  tại ngã ba Huế đã có mít tinh lên án hành động xâm lăng của giặc Tàu. Nhưng chiến tranh cũng phải tạm nhường chỗ cho nàng Xuân đang dần đến. Thành phố đang khởi sắc để chào mừng xuân mới nên không khí trở nên nhộn nhịp, rộn ràng trong mọi sinh hoạt.

Thêm một ngày xả trại và nhằm lúc mới lãnh lương nên Lính tha hồ bát phố. Giữa làn sóng người đang dồn dập bước, có tôi thả chân tư lự qua các ngã đường.
Người tấp nập qua lại mua sắm. Xe cộ chen chúc nhau nhả khói mù mịt. Cảnh hoạt náo của ngày vào xuân thì nơi nào cũng vậy. Vẫn là những bài nhạc không thể thiếu, được phát thanh liên tục và xen kẽ là những nhạc phẩm mang sắc thái đấu tranh, như để nhắc mọi người về phần đất của quê hương vừa rơi vào tay giặc. Một ngày thật bình yên với hạnh phúc đủ ấm lòng, khi tôi thả chân qua những con đường đã từng ghi dấu giày của mấy chục  " chuẩn úy sữa " chỉ mới một tháng trước đó.

Thì cũng chỉ lòng vòng tìm thăm bạn xưa của thời trọ học trên Đà Lạt để ôn lại những ngày vui trên ghế giảng đường, cùng những vụn vặt của thời sinh viên nhiều mơ mộng. Sau đó là thơ thẩn, la cà trên phố tết để dán mắt vào những cành mai đang hé nụ tại các nẻo đường có chợ hoa, nhâm nhi cà phê lộ thiên trước ty Thông Tin, rồi tạt vào quán sách Lan Dung ngay gần đó để vừa lục lạo sách mới, vừa nhớ lại lúc cùng các "quai chảo" lòng vòng phố phường Đà Nẵng hồi cuối năm vừa qua.

Tôi rời tiệm sách lúc nắng chiều nghiêng dài trên phố và trời cũng đang bắt đầu se lạnh. Đi đến xi nê Hùng Vương thì bên kia đường Nguyễn Thái Học có hai người đưa tay vẫy gọi. Thì ra là Hạ Sĩ I Kỉnh và Trung Sĩ Xê, hai người tôi mới quen hôm qua. Cả hai đều ở Đại Đội chỉ huy của tiểu đoàn và là nòng cốt của ban văn nghệ.
- Gặp chuẩn úy thật đúng lúc.
Trung Sĩ Xê mở lời khi tôi đến kề bên. Sau đó chúng tôi cùng hướng về bến xe Lam ở Chợ Cồn, vừa đi vừa nói chuyện. Họ cho biết là chiều mai tiểu đoàn làm lễ khao quân có văn nghệ mừng xuân để khoản đãi phái đoàn giáo chức và học sinh của trường Nữ Trung Học. Đây là đơn vị kết nghĩa của Tiểu Đoàn 37 BĐQ. Họ sẽ nhân dịp này trao quà xuân cho toàn đơn vị.
- Thiếu tá Gio muốn làm cho xôm tụ nên đã cho Trung Úy Đệ ra đây hỏi mượn ampli và nhạc cụ. Mọi thứ sẽ sẵn sàng vào sáng ngày mai.
Trung Sĩ Xê vừa nói xong, thì Kỉnh tiếp lời ngay:
- Chỉ có một ngày để chuẩn bị nên tụi em cũng đang lo dợt không kịp. Mình cần có một chương trình dài ít nhất là 45 phút. Anh Việt đang gom người. Mình sẽ dợt  tại nhà ảnh ngay khi tụi em về tới nơi. Chuẩn úy giúp một tay nghe!

Trên chuyến xe Lam từ chợ Cồn về tới Hòa Khánh là một màn tóm tắt về tình hình văn nghệ của tiểu đoàn 37 BĐQ trong thời gian qua và những gương mặt Lính hát cho Lính nghe còn lại trong đơn vị. Khi chúng tôi về đến trại gia binh thì đã có năm người ngồi sẵn trong nhà Trung sĩ Chế Việt. Họ đang tập hát bài Ly Rượu Mừng, một trong những bài không thể thiếu trong các chương trình văn nghệ mừng xuân. Qua lời giới thiệu thì tôi được biết có một lao công đào binh gốc công tử vùng Sài Gòn- Gia Định tên Hồ Huy Đăng. Tay này chơi ghi ta và chạy ngón solo rất ngọt. Ngoài ra còn có một "cảm tình viên" đặc biệt, cũng là một lao công đào binh. Anh này vốn là một tay ăn chơi hão hạng, cựu học sinh trường Jean Jacques Rousseau, cùng thời với Thanh Doãn, Elvis Phương. Anh tên là Nguyễn Văn Cường, đã từng giựt giải nhảy Bebop tại các vũ trường Sài Gòn mấy năm trước. Chỉ vì ham chơi, tác phong lè phè, thường xuyên bỏ trực gác, và nghe nói cũng vì cả gan vớt đẹp "em bé" của một sĩ quan cấp tá nào đó nên Tony Cường bị kỷ luật rồi bị "đì" ra tận Vùng I Chiến Thuật.

Như vậy là nhóm văn nghệ đã đủ tay cho một ban nhạc bốn người. Số còn lại, kể cả tôi, sẽ lo phần hát hò. Chương trình do Trung Sĩ Chế Việt đề nghị sẽ gồm có hai bài hợp ca để mở đầu và kết thúc. Phần giữa sẽ là hai bài đơn ca và một bài tam ca hoặc song ca. Mọi người không ai nói gì. Chế Việt lịch sự quay qua tôi:
- Chuẩn úy coi như đã là trưởng nhóm. Xin cho ý kiến.

Tôi nhìn quanh phòng rồi dán mắt vào hai cây đàn thùng và một dàn trống cũ kỹ, tả tơi, với mặt caisse claire và trống "tum" được bọc bằng nylon cắt từ poncho mà thấy tội nghiệp cho những người lính mê văn nghệ. Chưa biết phải nói gì thì Thông "cạo" người thợ hớt tóc của toàn đơn vị đã lên tiếng trước.
- Tui đề nghị Ly Rượu Mừng để dành cho phần kết thúc. Còn mình nên bắt đầu bằng một bài hùng ca mới xôm tụ! Anh em nghĩ sao?
- Ý kiến hay!
Tôi tiếp lời Thông rồi nói thêm:
- Hay là mở đầu bằng Hội Nghị Diên Hồng đi.
- Tôi đồng ý!  Chế Việt reo lên. Thằng Xê có giọng hay nhứt. Mày solo nghe!
- Không được đâu! Tui không thuộc bài. Chuẩn úy hát bài này mới phải. Nhưng phải có nhiều người phụ họa mới được. Chẳng hạn như các bô lão, đàn bà con nít, rồi lính mình, lính tàu...mệt lắm đó!
- Đúng đó! Hát thì dễ rồi. Nhạc cảnh mới khó tìm người theo ý tôi muốn.
- Không thể bỏ cơ hội này được. Chỉ cần chuẩn úy chỉ vẽ thì mình làm được thôi! Lính mà em!

Sau một hồi bàn bạc và với sự quyết tâm của đa số, anh em quyết định mở đầu phần văn nghệ bằng Hội Nghị Diên Hồng với nhân sự bao gồm vợ chồng bác Sáu thợ may ngoài Phú Lộc và vợ chồng ông thượng sĩ trưởng Trại Gia Binh trong vai bô lão, còn dân chúng- kể cả nhi đồng và trẻ em - thì gom các vợ con của lính. Trang phục cho họ thì..
- Dễ thôi! Chế Việt nói ngay. Có gì mặc nấy.  Đàn bà thì quần lãnh, áo bà ba càng cũ càng tốt. Đàn ông thì "bi da ma" ống cao ống thấp, áo thun vắt vai hay bỏ ngoài quần. Con nít thì...sao cũng được!
- Nhưng còn binh lính đôi bên và vũ khí thì sao? Hồ Huy Đăng buột miệng hỏi.
Tôi đáp ngay:
- Lính mình lúc thua trận thì ở trần, quần võ phục. Trong màn đánh đuổi quân địch thì mặc nguyên bộ võ phục. Lính tàu thì cũng mặc quần võ nhưng mang áo thun có vẽ chữ- chữ gì cũng được- từ đầu tới cuối. Vấn đề là làm sao có chừng ba, bốn cặp biết vài miếng võ nghệ và tìm võ phục ở đâu ra mà thôi.
- Chuyện này tôi lo được!
Một người nãy giờ im lặng chợt lên tiếng. Chế Việt quay sang tôi:
- Thằng này có một chấm "tay cong queo" đó chuẩn úy. Nó tên Thanh, biệt danh là Thanh "nổ" vì nó bắn M60 một tay như để vậy đó!
- Người và võ phục thì tui lo được, nhưng phải có vũ khí. Mã tấu kiếm đâu ra?!
- Chỉ cần kiếm gỗ và côn thôi. Tàu xài kiếm, phe ta dùng tre và tay không. Tôi nghĩ là võ sinh của anh dư sức đánh những đòn tự vệ phải không?
- Dễ ợt! Ngày mai mình nhờ trung úy Đệ nói với xưởng mộc làm cho vài cây kiếm, còn tre thì ra làng chài Phú Lộc xin vài nhánh. Thiếu cha gì, chuẩn úy!

Thứ Hai 21-01-1974 ( 29 tháng chạp năm Giáp Dần )
Cả đêm thiếu ngủ, hầu như thức trắng vẫn không làm anh em thấm mệt. Mọi người như lấy nguồn sinh lực từ ngoại cảnh vốn đã mang không khí Tết từ mấy hôm nay. Ngay sau khi nhận lệnh tu bổ doanh trại, căng dù, dựng bạt, sắp xếp vị trí để đặt bàn ghế tại sân cờ là nơi đãi tiệc khao quân và dựng ngay một sân khấu dã chiến, thì cả tiểu đoàn bắt tay vào việc một cách triệt để.
Riêng nhóm văn nghệ và những ai phụ giúp đều được miễn tạp dịch để chú tâm vào việc tập dợt. Nhạc cụ được trung úy Đệ cho xe chở về rất sớm. Mọi người ai nấy đều hớn hở ra mặt, nhứt là Hồ Huy Đăng vì anh chàng có cơ hội biểu diễn ngón đàn solo của mình . Nhưng khi nhìn bộ sậu của nhóm lo cho màn nhạc cảnh thì tôi đâm ra...hồi hộp cho màn trình diễn mà mình đảm trách. Bài hát và nhạc đệm cho Hội Nghị Diên Hồng tuy đã ổn nhưng người phụ diễn thì chỉ có vợ con trung sĩ Chế Việt còn nhóm võ thuật của Thanh " nổ " thì vẫn chưa thấy tăm hơi.
Nguyên ngày tôi ăn uống  không biết ngon, cứ hồi hộp lo lắng cho buổi văn nghệ nói chung và Hội Nghị Diên Hồng nói riêng. Mặc dù Thanh " nổ " giữ đúng lời hứa và mấy tay võ sinh đấm đá rất ngọt và mớ vũ khí trông cũng " ngon lành " lắm, nhưng tôi vẫn không yên lòng vì màn bô lão và nhân dân- kể cả nhi đồng do vợ chồng Chế Việt " mượn " của các gia đình trong trại gia binh- sao mà luộm thuộm quá chừng. Biết tôi thấp thỏm từng hồi, Hồ Huy Đăng và Chế Việt thay nhau cổ võ không ngừng.
- Ông cứ lo hát cho ngon lành là được rồi. Phần còn lại chỉ là chuyện nhỏ thôi.

Chế Việt dóc tổ! Tôi nhủ thầm như vậy, vì sẽ không ai chú tâm nghe hát khi có cảnh phụ diễn bao giờ.  Tính chất kích động của võ thuật và kịch tính của nhạc cảnh luôn là yếu tố lôi cuốn khán giả. Ban nhạc, bài hát và người trình bày sẽ trở thành thứ yếu trong toàn cảnh diễn. Thành công hay thất bại sẽ dựa vào sự diễn tả của những nhân vật góp phần minh họa. Thôi kệ! Tới đâu hay tới đó. Tôi tự an ủi mình là biết đâu tổ đải không chừng. Có lo quá cũng vậy thôi.

Rồi cũng tới lúc phải ra mắt mọi người bằng một chương trình văn nghệ mà tôi gọi là "Chúng Tôi hát cho Chúng Ta Nghe" với thành phần tham dự đều là quân nhân cơ hữu và người thân của họ. Ngay sau màn chào kính và câu giới thiệu là lính tráng vỗ tay, huýt sáo rân trời làm tôi hưng phấn hẳn lên.  Sau đó tiếng chiêng trống gõ liên hồi, át cả sự chộn rộn, ồn ào của khán giả nhà binh, nhờ đặt micro ngay chiếc loa để ampli tăng cường âm lượng tối đa.

Hiệu quả của tiếng động sân khấu thật ngoài ý muốn, vì khi tôi xướng câu " Toàn dân nghe chăng... " rồi chiêng trống lại giục giã ba hồi tiếp liên, thì khán giả im lặng gần như hoàn toàn. Cứ thế mà trống chiêng đổ dồn theo từng câu lĩnh xướng cho tới khi vào Tempo ở đoạn " Kìa vừng hồng...." mới rộ lên những tiếng vỗ tay, huýt sáo, xen lẫn tiếng cười giòn giã khi từ trong nhà ăn của tiểu đoàn, một đoàn bô lão, phụ nữ và nhi đồng trong y phục lem luốc, tả tơi, lê từng bước thất thểu lên sân khấu.

Trong khi đó thì dưới sân đất, ngay trước sân khấu là ba cặp võ sinh biểu diễn màn "phe ta lui quân, phe địch truy đuổi" và một lúc sau thì đổi lại là "địch chạy có cờ, ta rượt theo mệt nghỉ". Không cần nhìn xuống khán giả, chỉ cần nghe Lính khoái trá la hét tưng bừng, rồi khi thấy quan khách vỗ tay rôm rả là tôi biết Hội Nghị Diên Hồng đã chinh phục được khán giả "gà nhà". Có điều' mấy chàng võ sinh chắc là "phê" quá nên chặt qua, chém lại rất tận tình đến mức, sau khi quân Việt rượt giặc Tàu vào tận trong nhà ăn, thì bên trong tiếng chửi thề vang lên lồng lộng khiến Chế Việt và Thanh "nổ" phải chạy vào can gián, còn tôi thì ráng nói thật lớn vào micro để át tiếng cãi cọ từ đằng sau sân khấu vang vọng ra ngoài.

Chương trình văn nghệ mừng xuân nói chung là thành công ngoài dự tính. Phần lớn là nhờ nhạc cảnh có vẻ lạ mắt, nhờ chọn những bài hát quen thuộc và nổi tiếng như Đồn Vắng Chiều Xuân, Xuân Này Con Không Về mà Kỉnh và Xê đã trình bày thật điêu luyện và truyền cảm. Lần đầu tiên quân nhân tiểu đoàn 37 BĐQ có dịp nhìn bạn mình chơi nhạc sống hẳn hòi, nên ngay lúc giới thiệu thành phần ban văn nghệ, mà nhứt là ban nhạc, thì không khí đã bắt đầu sôi nổi hẳn lên để rồi sau đó là những tiếng la hét, vỗ tay tưng bừng của Lính mỗi khi nhìn thấy bạn đồng đội của mình bước ra sân khấu. Đầu xuôi, đuôi lọt. Chúng tôi đúng là được "tổ đãi" nên mọi chuyện đều suôn sẻ. Thiếu Tá Nguyễn Văn Gio hài lòng ra mặt. Ông đến ngay sân khấu bắt tay, khen chúng tôi "Làm được lắm!".

Trước khi cùng phái đoàn trường Nữ Trung Học Hồng Đức vào câu lạc bộ để dùng cơm chiều, vị tiểu đoàn trưởng kéo tôi ra riêng một góc rồi thân mật nói:
- Cả tháng nay tôi có nghe nói về chú. Bây giờ mới biết khả năng. Thôi, ráng đi nghe!
Như vậy, coi như tôi đã chính thức ra mắt đơn vị không phải nơi mặt trận mà là tại hậu phương, không bằng súng đạn, mà bằng một màn trình diễn văn nghệ dã chiến, với thời gian chuẩn bị và tập dợt không đến hai ngày. Tôi hiểu chữ "ráng" của thiếu tá Gio. Tôi biết mình còn phải chứng minh bản lãnh - không phải chỉ với đơn vị trưởng mà còn với đại đội và nhứt là trung đội của mình-  để được chấp nhận là một người Lính..."thứ thiệt"! Nhưng tôi cũng biết là sau đêm văn nghệ này, tôi đã để lại một dấu ấn dễ thương và thân tình nào đó trong lòng quân nhân các cấp của đơn vị. "Chim Sâu ...Nhỏ" đã cất cao giọng hát mừng xuân, một mùa xuân đã thành kỷ niệm ngàn đời không phai.
HUY VĂN

 

Những cách tự chữa bệnh cho mình mà bớt uống thuốc: Hé Lộ Cách Chữa Đau Thần Kinh Toạ - Đau Lưng - Thoái Hoá Đốt Sống - Hiệu Quả Bất Ngờ/ Bệnh Tiểu Đường hay Đái Tháo Đường Rất Dễ Chữa

Kính gửi quý anh chị hai bài về sức khỏe tự chữa cho bản thân mình mà bớt dùng thuốc.

Có sinh là có tử, nhưng muốn sống lâu và khỏe thì cách duy nhất để dưỡng già là phải sửa đổi cách ăn uống và cách thứ hai là tập thể dục, bấm huyệt khicần để gỉa uống thuốc, hiệu quả tuỳ người tin hay không.

Trước khi đưa lên blog hôm nay, tôi cũng thử theo hướng dẫn bài giảng trong Youtube dưới đây và thấy có tác dúng hay đối với tôi.

Youtube thứ nhì, người trong gia đình cũng cố gắng tấp theo và quả có ảnh hưởng tốt cho sức khỏe.

Quý anh chị có thể tiếp chuyển cho người thân quen để họ biết và tự massage để bớt những đau nhức và khó chịu thường gặp phải nhé.

Kính chúc quý anh chị luôn tươi vui dịp cuối đông và sắp vào mùa Xuân.

Caroline Thanh Hương


  

Co Bệnh Tiểu Đường hay Đái Tháo Đường Rất Dễ Chữa tt