caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

samedi 23 septembre 2017

Nghe đọc truyện Nhã Ca.

Kính mời quý anh chị nghe đọc truyện Nhã Ca.Đây là những truyện viết có tích cách lịch sử và đồng thời cũng là chuyện của người thật, việc thật.
Những câu chuyện về xứ Huế và chuyện Sài Gòn xưa.
Chân thành cám ơn tác giả, quý anh chị đã post bài lưu lại trên net.
Caroline Thanh Hương



tt

Hoa Phuong Dung Do Nua Nha Ca (17).wma    2076 

“Giải Khăn Sô Cho Huế”, RFA phỏng vấn Nhã Ca

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Tết Mậu Tý năm nay vừa tròn 40 năm biến cố Mậu Thân. Trong nỗi buồn chung của dân tộc, từ những gia đình có người thân bị thảm sát cho đến những ai may mắn sống sót trong cơn địa chấn đó đều không nhiều thì ít cùng mang tâm trạng bâng khuâng ngậm ngùi mặc dù thời gian đã trôi qua gần phân nửa thế kỷ.
nha_ca_150.jpg
Tác giả Nhã Ca. Photo courtesy of viettribune.
Nhắc đến Tết Mậu Thân hầu như người Việt nào sống trong khoảng thời gian đó đều biết một cuốn sách của tác giả Nhã Ca mang tên Giải Khăn Sô Cho Huế, quyển sách là hình ảnh sống động miêu tả lại hầu như toàn cảnh của biến cố này vì tác giả của nó trực tiếp sống và bị cuốn theo dòng chảy của một cuộc thanh trừng đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Tác phẩm Giài Khăn Sô Cho Huế sẽ được nhà xuất bản Việt Báo tái bản trở lại trong dịp kỷ niệm 40 năm biến cố Mậu Thân, Mặc Lâm mời quý vị theo dõi buổi phỏng vấn đặc biệt với tác giả Nhã Ca trong chương trình văn học nghệ thuật tuần này để biết thêm những chi tiết liên quan đến vấn đề này.
Mặc Lâm: Thưa chị Nhã Ca, Tết Mậu Tý 2008 là đúng 40 năm biến cố Huế Tết Mậu Thân. Ðược biết nhân dịp này, lần đầu tiên tại hải ngoại, cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế đã được tác giả cho tái bản. Xin chị cho biết về lần tái bản này, cuốn sách mới có gì khác biệt với sách cũ.
Nhã Ca: Cám ơn anh Mặc Lâm và đài RFA đã có lòng nhớ Huế Tết Mậu Thân và hỏi thăm. Sách mới “Giải Khăn Sô Cho Huế” ấn bản đầu tiên tại hải ngoại do Việt Báo ấn hành, sách dầy 640 trang, khổ lớn, bìa cứng, sẽ được phát hành trong tháng 2-2008.
Như anh biết, sách cũ “Giải Khăn Sô Cho Huế” in lần đầu tại Việt Nam cuối năm 1969, là một... bút ký chạy loạn. Sách mới, ngoài bút ký cũ, còn in thêm đầy đủ tất cả chữ nghĩa Nhã Ca đã viết về biến cố Tết Mậu Thân tại Huế, gồm một truyện dài, thêm nhiều bút ký và truyện ngắn.
Mặc Lâm: Xin chị cho biết thêm chi tiết. Trong lần tái bản này, có thay đổi gì đáng phải bàn tới trong tác phẩm, hoặc có điều gì tác giả muốn gửi gấm?
Nhã Ca: Thưa anh, trong lời tựa nhỏ cho bản in lần đầu của “Giải Khăn Sô Cho Huế” tôi có viết là “Nhân ngày giỗ thứ hai của Huế Tết Mậu Thân sắp tới, xin coi cuốn sách này như một bó nhang đèn góp giỗ.” Tinh thần ấy không thay đổi.
Về chi tiết cuốn sách mới vừa được in lại, tôi có kể thêm chút chút trong ‘tựa nhỏ’ là:
“Tôi tin vào tương lai của Huế và tương lai Việt Nam, như tin vào những tình ca về lòng yêu thương và sự ăn ở tử tế giữa con người với nhau. Với lòng tin ấy, sau “Giải Khăn Sô Cho Huế” còn có thêm hai cuốn sách nhỏ viết về Tết Mậu Thân: “Tình Ca Cho Huế Ðổ Nát” là tập truyện viết về tình yêu và lòng thành của Huế trong đau thương, tang tóc. Tiếp đó là “Tình Ca Trong Lửa Ðỏ,” một truyện dài về tình yêu của cô gái Huế dành cho một chàng lính Bắc tử tế.
“Từ sau 1975, sách vở miền Nam bị đốt, và nhà văn đi tù. Cho tới nay, Huế không còn được phép chính thức có một ngày giỗ chung cùng hướng về những người chết tức tưởi hồi Tết Mậu Thân.
Vẫn với lòng tin xưa, đây là lần đầu cả ba cuốn sách về Huế Mậu Thân được gom lại làm một. Và sách “Giải Khăn Sô Cho Huế” thêm một lần in lại, như một bó nhang đèn góp giỗ. Góp cho ngày giỗ thứ 40 thầm lặng trong lòng Huế. Và góp cho một ngày giỗ tương lai tại quê hương, nơi từng biết thế nào là tình yêu thương, sự ăn ở tử tế, như từng biết thế nào là văn hoá, lịch sử.”
Thưa anh, đó là lời gửi gấm của người ‘góp giỗ’ khi ‘Giải Khăn Sô Cho Huế’ được in lại.
Mặc Lâm: Thưa chị, khoảng cách thời gian của ‘chữ nghĩa Nhã Ca’ viết về biến cố Tết Mậu Thân tại Huế đến nay đã là 40 năm. Xin chị nhìn lại vài thời điểm chính. Báo New York Times năm 1973 trong một bài về Nhã Ca có kể là ‘khi Giải Khăn Sô Cho Huế khởi sự đăng tải trên một nhật báo tại Saigon, đặc công Việt Cộng đã gửi thư đe dọa, buộc bà ta ngưng viết. Bà đã không nhượng bộ.’ Sự việc đã diễn tiến ra sao từ đó về sau?
Nhã Ca: Thưa anh, đúng như báo New York Times đã viết. Chắc anh còn nhớ thành tích của cái gọi là ‘biệt động thành’ của cộng sản tại Saigon. Họ đã bắn chết nhà báo Từ Chung khi anh là tổng thư ký nhật báo Chính Luận. Họ đã bắn bể mặt của nhà văn Chu Tử khi anh là chủ nhiệm nhật báo Sống. Và sau đó thì đến phiên tôi nhận thư đe doạ.
Chắc anh cũng nhớ, ngay sau ngày Saigon bị đổi tên đổi đời, có cuốn sách mang tên là ‘Biệt Kích Văn Hoá’ do các học giả, nhà văn cộng sản như Trần Văn Giàu, Lữ Phương, Vũ Hạnh... viết về 10 tác giả miền Nam. Trong sách này Nhã Ca là nữ biệt kích duy nhất, được xếp hạng thứ sáu. Những tác giả miền Nam khác là Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Nhất Hạnh, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến... Và sau đó, dĩ nhiên là ‘nữ biệt kích’ được vinh dự cùng các bạn văn đi tù...
Mặc Lâm: Vẫn báo New York Times, tháng 2 năm 1988, có đăng bài của nữ phái viên Barbara Crossette thăm Saigon viết là “Tết Mậu Thìn, 20 năm sau biến cố Tết Mậu Thân, Saigon cũ vẫn nhắc nhở đến Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca.. Tác giả sách này đã bị bắt sau khi cộng sản chiếm miền Nam cùng với chồng là thi sĩ Trần DạTừ. Cả hai đã bị nhốt nhiều năm như những tù nhân chính trị. Người chồng thì cho mãi đến nay hình như vẫn chưa được thả ra.” Chị có gặp bà Barbara?
Nhã Ca: Thưa anh, tôi chưa từng gặp bà Barbara. Thực sự thì vào thời điểm Barbara muốn thăm tôi tại Saigon vào Tết Mậu Thìn, tôi còn đang bận xách đồ đi thăm nuôi ông chồng vẫn còn đang ở tù.
Mặc Lâm: Bên cạnh những lời khen thường gặp chị có nhận được những băn khoăn hay nghi ngờ gì về mức khả tín mà độc giả đặt ra đối với tác phẩm? Có nhân vật “thật” nào trong “Giải khăn sô cho Huế” công khai chống đối hay đồng tình với những gì chị trình bày trong tác phẩm hay không? Nếu có chị có thể cho biết phản hồi của chị?
Nhã Ca: Cám ơn câu hỏi đặc biệt của anh. Như đã thưa với anh, “Giải Khăn Sô Cho Huế” chỉ là bút ký hoặc truyện ký của một người chạy loạn Tết Mậu Thân tại Huế, kể lại những điều mắt thấy tại nghe. Trong cảnh bom đạn, chết chóc, dù mắt chính mình có thấy vẫn không thể thấy hết mọi phía. Tai nghe là nghe người khác kể lại. Dù tai nghe mắt thấy, có sao viết vậy, hẳn nhiên cũng không khỏi thiếu sót hoặc sai sót. Ðiều quan trọng là tấm lòng. Chữ nghĩa đã viết là chuyện đã rồi, có sao để vậy. Tôi thật tình mong những thiếu sót sẽ dần được bổ túc, những sai sót sẽ dần được chỉ rõ.
Về “những nhân vật thật”, nêu đích danh chỉ có anh Lê Văn Hảo, thị trưởng Huế Mậu Thân do phía quân giải phóng cử ra. Anh Hảo nay đã tị nạn cộng sản tại Pháp, đã chính thức lên án việc quân giải phóng tàn sát dân Huế hồi Tết Mậu Thân. Nhân vật thứ hai trong sách mang tên Phủ là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nguyên Tổng Thư Ký Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Thành Phố Huế thời Tết Mậu Thân. Ðây là chức vụ “phụ trách công việc chính trị” có nghĩa là “xếp” của cả chức thị trưởng. Năm 1997, anh Tường đã đến Paris, lên tiếng trên đài RFI, nói về -xin trích nguyên văn: “nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Ðó là một sai lầm không thể nào biện bác được...” Anh cũng đã công khai “gửi lời cám ơn sự khách quan của chị Nhã Ca dành cho tôi” và nói nguyên văn rằng “Giải Khăn Sô Cho Huế đối với tôi, vẫn là một bút ký hay viết về Huế Mậu Thân; hàng chục năm qua đọc lại, tôi vẫn còn thấy quặn lòng.” Văn bản lời anh Tường trả lời cuộc phỏng vấn của chị Thụy Khuê đài RFI hiện còn lưu trên internet, ai cũng có thể đọc được. Nhân vật thứ ba trong sách có tên là Ðắc, theo lời kể mà tai tôi nghe, liên quan tới cái chết đau thương của người bạn tên là Mậu Tý. Nhà báo Nguyễn Ðắc Xuân, một phụ tá của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, có viết bài phản bác, nói là anh không hề liên quan.
Cả ba nhân vật kể trên, đều đã có lòng đích thân đến gặp tôi trước ngày chúng tôi rời Saigon sang Thụy Ðiển. Ðoạn kể lại những gặp gỡ này trong Hồi Ký Nhã Ca có được trích in trong sách mới Giải Khăn Sô Cho Huế.
Mặc Lâm: Cho tới nay, điều gì còn đậm lại rõ nét nhất nơi chị khi nhìn lại tác phẩm “Giải khăn sô cho Huế”. Xin nhắc câu đã hỏi, là chị có thể nói về sự “phản hồi” của chị, nếu có.
Nhã Ca: Về điều mà anh gọi là “còn đậm nét nhất” khi nhìn lại “Giải Khăn Sô Cho Huế”, tôi thấy đó là sự oan khiên nối dài chưa biết đến bao giờ. Hàng ngàn người chết oan cho tới nay không có được một lời xin lỗi, một ngày tưởng niệm. Cuộc đại tàn sát Tết Mậu Thân, ngày giỗ lớn nhất của Huế, thì được đánh trống thổi kèn như ngày hội chiến thắng. Phần oan khiên riêng của cuốn sách và tác giả thì đủ cảnh tức cười, sách bị những người cộng sản treo để “triển lãm tội ác”, tác giả đi tù.
Từ cảnh Huế Mậu Thân trong sách được viết lại thành chuyện phim Ðất Khổ, phim quay xong năm 1972 bị cấm chiếu ở Saigon vì tội phản chiến. Bốn mươi năm sau, mới đây thôi, tháng 5 năm 2007, cuốn phim được một hãng Mỹ khai thác làm DVD bán ngay tại Mỹ và dán cho nó cái bìa là... cờ đỏ sao vàng. Chi tiết chuyện oan khiên tức cười này báo Tết Việt Báo năm nay có đề cập.
Về điều anh gọi là “phản hồi”, tôi thấy chỉ có thể nói thế này: Bi hài kịch của thời đại chúng ta là sự ngộ nhận. Nó ở khắp nơi, phe này, phe kia, chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ, ông này, bà kia, tác giả, nhân vật... đâu đâu cũng có nó. Như dân tộc của mình, tất cả chúng ta, dù người bị giết hay kẻ giết người, đều chỉ là nạn nhân. Thuốc chữa sự ngộ nhận cho người hay cho chính mình, theo tôi, nên là sự hiểu biết và ăn ở tử tế, với cả người sống lẫn người chết.
Mặc Lâm: Cám ơn chị Nhã Ca.
tt

Ký Ức Việt Nam với bài viết Thời Thế Và Những Nỗi Niềm Qua Hồi Ký Của Nguyễn Liệu; Tập Hồi Ký “Đời Tôi” Do Tủ Sách Tiếng Quê Hương Ấn Hành.

Kính mời quý anh chị đọc bài viết về tác giả Nguyễn Liệu để hiểu lại chuyện xưa về đất nước Việt Nam trước năm 1975.
Caroline Thanh Hương

10/09/200800:00:00(Xem: 10629)
Thời Thế Và Những Nỗi Niềm Qua Hồi Ký Của Nguyễn Liệu; Tập Hồi Ký “Đời Tôi” Do Tủ Sách Tiếng Quê Hương Ấn Hành
Bìa sách và tác giả Nguyễn Liệu.
Tủ sách Tiếng Quê Hương đang phát hành tập hồi ký ĐỜI TÔI của Nguyễn Liệu, người bị Cộng Sản kết án tù tại Liên Khu V  từ khi 18 tuổi, sau đó lại bị chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà đày đi Côn Đảo cho tới cuối năm 1963. ĐỜI TÔI là những trang kể về thân phận một người luôn mong được phụng sự quê hương nhưng lại luôn trở thành nạn nhân lãnh chịu mọi tai hoạ, vì thế cũng có thể coi là thân phận chung của mọi người dân từng có mặt trên đất nước Việt Nam từ một thế kỷ qua. Sau đây là bài viết của Uyên Thao về tập hồi ký ĐỜI TÔI của Nguyễn Liệu. Một câu hỏi có thể được đặt ra: Nguyễn Liệu là ai"
Dù Nguyễn Liệu không là nhân vật chính trường trọng yếu, không nổi tiếng như nghệ sĩ ngôi sao, câu trả lời cũng khá dễ với người từng theo dõi thời cuộc Việt Nam trước 1975.
Nguyễn Liệu từng bị kết án lưu đày Côn Đảo bởi Toà Án Quân Sự Đặc Biệt của chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà, từng bất chấp khuôn phép hành xử thông thường khi đối đầu với Cộng Sản và tệ trạng tham nhũng dưới chế độ Đệ Nhị Cộng Hoà. Trong khoảng 10 năm kể từ 1960 khi chưa tới tuổi ba mươi, Nguyễn Liệu đã là đề tài của báo chí qua các hành vi tham gia đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm, ra lệnh xử bắn công khai cán bộ Cộng Sản, ngang nhiên chiếm toà tỉnh Quảng Ngãi bắt các viên chức cao cấp có hành vi tham nhũng ra cạo đầu cảnh cáo, đồng thời chỉ với hai bàn tay trắng đã tạo dựng Quảng Ngãi Nghĩa Thục, một cơ sở giáo dục miễn phí cho học sinh nghèo cuốn hút sự lưu tâm hưởng ứng khắp miền Nam và nhiều tổ chức quốc tế.
Năm 2000, khi vừa có mặt tại Mỹ và tham dự một buổi sinh hoạt cộng đồng tại đại học George Mason, tôi gặp một người bạn trẻ. Vừa bắt tay tôi, người bạn trẻ vừa tự giới thiệu bằng một câu thật lạ: “Anh không biết gì về em đâu, nhưng nếu không có những việc làm trước đây của các anh tại Việt Nam thì có lẽ không có em ngày hôm nay.”
Người bạn trẻ đó là nhà văn Trần Trung Đạo.
Trần Trung Đạo giải thích trước 1975, anh đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn của bản thân nhờ chương trình học bổng Hà Thúc Nhơn và Quảng Ngãi Nghĩa Thục. Tôi không rõ Trần Trung Đạo nhận sự giúp đỡ ra sao hay chỉ nhận từ đó một khích lệ tinh thần để tự vươn lên. Nhưng ngay lập tức, tôi bỗng nhớ tới Nguyễn Liệu qua những chìm nổi truân chuyên của rất nhiều người, từ bạn bè tới người xa lạ và cũng ngay lập tức, một câu hỏi quen thuộc hiện lên: Tất cả đã mong ước gì để bị xô chìm vào cảnh sống truân chuyên kia"
Cái tên Nguyễn Liệu gợi nhắc rất nhanh về một lớp người mà mọi mong ước an lành đã biến thành những ngọn lửa tự thiêu tàn khốc. Trong khoảnh khắc im lặng nhìn Trần Trung Đạo, tôi nghĩ một mong ước chung của tất cả không là gì khác ngoài sự hiện diện trên mảnh đất Việt Nam những con người như người bạn trẻ đang đứng trước tôi — một mong ước không mang tai hoạ nào về cho cuộc sống, ngược lại chỉ giúp cuộc sống có những bàn tay xây dựng, những con tim cháy bỏng nhiệt tình và những trí tuệ phân biệt chính xác nổi trắng, đen.
Mong ước không thành thực tế mà còn đưa nhiều thế hệ vào cảnh sống bị huỷ hoại. Tại sao"
Thắc mắc đã có từ lâu và gần như luôn gắn liền với những hình ảnh chết chóc, đạn bom.
Ký ức thiếu thời của tôi vẫn sống động hình ảnh một toán thanh niên với gậy dao chạy ngược chiều đám đông tị nạn lao về phía quân Pháp đang xuất hiện để tìm cách cản đường giúp dân chúng có thời gian chạy xa hơn vào một sớm mùa đông 1947. Tôi cũng chưa quên chuyện những người ôm bom ba càng trên đường số 5 cho thân xác nổ tan cùng trái bom để cản bánh xe tăng Pháp và một bài ca về hàng ngũ Bình Xuyên đang đối mặt với quân Pháp tại miền Nam sau ngày 23-9-1945 mà lớp tuổi chúng tôi từng gào trên các nẻo đường Hà Nội năm 1946.
Tới giờ này, lời ca còn đọng trong ký ức tôi:
Bình Xuyên, Bình Xuyên anh hùng muôn năm
Đoàn chiến sĩ máu sôi lòng hờn căm
Gươm vung lên máu trào, muôn đầu rơi sát khí
Ầm vang hét: Chốn sa trường không tiếc thân.
Cùng đi, cùng đi một lòng cùng tiến,
Thề quyết chiến đấu can trường vô biên
Sống thác nào cần chi, giết hết quân thù đi
Lừng tiếng khắp nơi quân Bình Xuyên.
Việt Nam, trời Việt miền Nam
Súng bao lần gầm vang,
Quân Bình Xuyên đi lên hiên ngang.
Cờ máu loè bay ánh sao quân Bình Xuyên
Nguyện đem máu đào dâng Việt Nam yêu dấu
Bốn phương cờ bay
Hồn nước đang hò reo ngàn khúc chiến thắng.
Quân Bình Xuyên, quân Bình Xuyên
Dòng máu anh dũng không hề nguôi
Hỡi ai nhớ chăng lời nguyền…
Thuở đó, âm vang tiếng súng Nam Bộ kháng chiến cùng những lời ca gần như luôn đặt Hà Nội vào mùa hội lên đường chiến đấu. Nét rạng rỡ trên gương mặt những người ra đi luôn rọi sáng hình ảnh trên đoạn đầu đài của người thanh niên 20 tuổi mang tên Phó Đức Chính mà tôi được nghe kể vào một đêm hè năm 1943 — đúng 13 năm sau ngày 13 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bị đưa ra pháp trường tại Yên Báy. Chuyện kể về ân huệ cuối cùng dành cho tử tội mà Phó Đức Chính xin được hưởng là bỏ tấm vải che mắt, nằm ngửa trên máy chém để nhìn lưỡi dao chạy thẳng xuống họng mình. Thái độ ngạo nghễ đón nhận cái chết tàn bạo nói lên trọn vẹn tầm mức vô bờ của tình yêu đất nước nơi con tim những con dân Việt Nam. Nhiều thế hệ đã coi mạng sống như mảnh lá khô, tự đi tìm cái chết trong tâm cảnh nhẹ nhàng mà những người từ các phương trời xa thẳm cũng không nén nổi cảm xúc nghẹn ngào khi ghi lại:
“Tôi nghĩ tới những tự vệ công giáo trẻ của Hố Nai, những thiếu niên 15, 16 tuổi chỉ với một khăn choàng cổ và hai quả lựu đạn vẫn đương đầu với các chiến xa cộng sản! Cùng lúc đó, dưới ánh sáng ở thánh đường, cha mẹ chúng quỳ gối cầu xin Chúa ban cho chúng đủ can đảm để không chùn bước trước cái chết… Ngày mai này, những em bé kia chắc chỉ còn là những xác chết không mồ mả, bỏ mặc làm mồi cho chuột bọ và lũ chó hoang giữa dấu tích điêu tàn của một thị trấn câm lặng và tang tóc.”
Đó là ý nghĩ của một nhà báo Pháp, Pierre Darcourt, vào đêm 28 tháng 4 năm 1975 khi từ Sài Gòn nhìn về phía Biên Hoà đang đỏ rực lửa dưới cơn mưa đạn pháo. Chiều hôm trước, Pierre Darcourt có mặt tại Hố Nai đã biến thành tuyến đầu sau trận Xuân Lộc và chứng kiến người dân tại đây chuẩn bị cho giờ phút đối mặt các đoàn chiến xa Cộng Sản trong cảnh tượng đó (1). Tôi luôn nhớ giây phút cuối cùng của Phó Đức Chính trên máy chém, luôn nhớ những cảnh chiến trường thấm đẫm nước mắt suốt cuộc chiến kéo dài tới ngày 30-4-1975 nhưng không tìm nổi mức hy sinh lớn lao nào, mức đau đớn cùng cực nào, mức cao cả tuyệt vời nào so ngang buổi nguyện cầu của người dân Hố Nai –– chỉ xin Chúa ban cho những đứa con giữa tuổi trẻ thơ của mình đủ can đảm bước thẳng tới cái chết.
Buổi nguyện cầu bi tráng trong cơn tuyệt vọng vì hơi thở sự sống chỉ còn thoi thóp ngay giữa cái chết cũng diễn tả mức vô lượng của nỗi khát khao được sống bằng quyết định lao vào chính cái chết. Cho nên, khi nhìn lại ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam, một sử gia đã thấy hiển hiện vết nhơ trong lịch sử nước Mỹ qua phát biểu đầy phẫn uất của một tướng lãnh Mỹ, thiếu tướng Vernon Walters: “Chúng ta đã để 39 triệu người rơi vào vòng nô lệ… Tại sao ngay từ đầu chúng ta không chỉ gửi đến đây những người đào mồ và họ có thể chôn sống miền Nam Việt Nam từ năm 1965, mồ yên mả đẹp. Lại rẻ hơn nữa…” (2)
Với riêng tôi, buổi nguyện cầu bi tráng đó đã khua động những âm vang ký ức từ nhiều năm trước.
Đầu năm 1955, khi theo đoàn quân tiếp thu từ Sa Huỳnh về thị xã Qui Nhơn, tôi đã lặng người trước cảnh một bà già từ đám đông bên đường vụt lao ra ôm một người lính, nói trong tiếng nấc: “Sao các con để mẹ chờ lâu quá vậy" Sao các con không về sớm hơn cho mọi người bớt cực"” Câu nói của bà già tả tơi, ràn rụa nước mắt, hai tay run run ôm cánh tay người lính hoàn toàn xa lạ như mũi tên bắn thẳng vào tim tôi. Tôi nghĩ ngay tới cảnh bão táp dập vùi khiến cuộc sống nơi đây chỉ còn là nỗi khát khao câm nín trong xót xa tủi nhục kéo dài gần như vô tận.
Đầu năm 1966, tôi cũng theo một đoàn quân khởi bước từ Sa Huỳnh. Khác với mười năm trước, lần này mỗi bước đi của chúng tôi đều chìm giữa lửa đạn mịt mù khiến nhiều người quanh tôi đã bị vứt lại cho các toán cứu thương hoặc chỉ còn là những cái xác bết máu. Tôi bị vứt lại tại Bồng Sơn không do bom đạn mà do ngất xỉu sau gần trọn bảy ngày đêm căng mắt giữa những trận đánh liên tục. Hình ảnh đầu tiên tôi nhận được là một gương mặt chan hoà nước mắt và câu nói nghẹn ngào: “Bao nhiêu ngày rồi lúc nào chúng tôi cũng cầu mong các anh sớm trở lại. Khổ cực quá, anh ơi!” Người nói là một thiếu phụ trong đám dân địa phương vừa giúp tôi tỉnh lại. Tôi ngỡ như đang nghe những lời từ mười năm trước và hình dung mức triền miên bão táp mà người dân nơi đây phải gánh.
Gần như tôi vụt quên hẳn cảnh ngổn ngang giữa trận đánh chưa tàn và sống lại mấy ngày trước với người sĩ quan trẻ chung phòng tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Quân Đoàn II. Tôi chỉ về phòng vào lúc khuya và luôn thấy anh tắt đèn, ngồi lặng trước cây nến leo lắt đặt trên chiếc bàn nhỏ kế đầu giường. Anh ngồi như thế hàng giờ rồi nằm xuống, không nói một lời.
Đêm cuối, trước khi tôi lên đường đi Sa Huỳnh, anh không thắp nến, bước tới ngồi xuống bên tôi và tự giới thiệu. Anh thua tôi mười tuổi, mang nửa dòng máu Việt Nam. Anh cho biết được nghe kể cha anh là người Pháp, nhưng anh chỉ thấy anh là người Việt Nam dù với mái tóc nâu nhạt và cặp mắt pha một chút màu xanh. Anh bị động viên vào Thủ Đức, sau khi ra trường đã có mặt liên tục ba năm tại vùng đất Cao Nguyên. Mấy tháng trước, anh bị thương trong một trận đánh tại Phù Ly, được rút về Quân Đoàn và đang đứng trước hai chọn lựa. Anh có thể giải ngũ hoặc muốn lưu ngũ sẽ được làm việc tại Ban 3 Quân Đoàn. Anh kể mấy ngày anh luôn ngồi với cây nến vì suốt ba năm qua vào mấy ngày đó đều có đồng đội của anh nằm xuống. Anh thắp nến ngồi nhớ về bạn và để mong những người bạn không may dù ở nơi nào vẫn thấy đồng đội không bao giờ quên sau khi họ ra đi mãi mãi. Cuối cùng, bằng giọng bình thản, anh chậm rãi nói:
- Tôi sẽ xin lưu ngũ để chuyển qua hiện dịch và xin trở về đơn vị chiến đấu chứ không ngồi ở Ban 3.
Trước cái nhìn thắc mắc của tôi, anh giải thích:
- Tôi đã có mặt nhiều nơi ở Pleiku, Phú Yên, Bình Định nên thấy rõ dân mình cay cực thế nào và đang trông chờ ra sao ở những người cầm súng. Đất nước này là quê của mẹ tôi nên tôi không thể quên những người là đồng bào của tôi. Vả lại, chắc chắn các đồng đội đã nằm xuống cũng không bao giờ muốn tôi bỏ dở công việc. Tôi quyết định rồi. Sáng mai tôi sẽ nộp đơn xin lưu ngũ và xin về bất kỳ đơn vị chiến đấu nào.
Tôi không biết gì về anh từ sau giây phút đó, ngoài một điều chắc chắn là anh có mặt tại một vùng ngập tràn khói lửa hoặc đã biến thành một xác chết bị bỏ làm mồi cho chuột bọ và lũ chó hoang như cách diễn tả của Pierre Darcourt. Nhưng ánh mắt nặng trĩu và giọng nói bình thản của anh đã in vào ký ức tôi bên nỗi đau nhức nhối tiếp tục vò xé cuộc sống của người dân.
*
Mảnh đất Việt Nam không thiếu những con tim sôi sục nhiệt tình, những ý chí sẵn sàng dâng hiến và mạng sống nhiều thế hệ con dân đã biến thành tro bụi, nhưng khắp nơi vẫn chỉ là nỗi khát khao được sống chứ chưa hề có cuộc sống. Tại sao"
Giải đáp được đồng tình hơn hết là Việt Nam do hoàn cảnh đặc thù đã vô phương thoát khỏi đoạn đường bi thương trong thế kỷ bi thương nhất của nhân loại là thế kỷ 20.
Ngay thuở mịt mù với nếp sống văn minh khoa học, Việt Nam đã phải đổ máu cho cuộc thế chiến 1914-1918 ở phương trời xa thẳm với ít nhất 100 ngàn con dân chiến đấu tại Âu Châu mà nhiều người không còn cơ hội trở về.(3) Nối tiếp là thế chiến 1939-1945 mà con em những người từng đổ máu 20 năm trước lại phải đối diện với họng súng Đức Quốc Xã để bảo vệ bờ cõi nước Pháp! Mảnh đất Việt Nam cũng không thoát hậu quả đạn bom nhắm vào quân đội Nhật tàn phá từ Nam ra Bắc mà người dân Hà Nội thuở đó khó quên trận mưa bom trút xuống khu Chợ Hàng Da huỷ diệt trong chớp mắt một đám người hoàn toàn xa lạ với cuộc tranh hùng quốc tế.
Thế chiến 1939-1945 còn biến ít nhất hai triệu người thành bầy ma đói vật vờ mang hình hài những túi da khô héo trước khi trút hơi thở tàn xót xa uất nghẹn trên mọi nẻo đường. Tôi không bao giờ xoá nổi cảm giác kinh hoàng do một xác người đổ xụm ngay trước mặt khi tôi vừa mở cửa vào một buổi sáng và những cỗ xe bò đầy ắp xác người kéo đi trên đường phố cùng hình ảnh những cặp mắt hõm sâu như hố thẳm, những thân hình chỉ còn là nắm xương dựa vào bờ vách hoặc gốc cây với hai cánh tay quắt queo vẫn vươn ra như cố cất lời van xin câm nín tuyệt vọng giữa cơn đau xé tận cùng.
Hình ảnh này là bức chân dung sống động và trọn vẹn về cảnh sống Việt Nam suốt thế kỷ qua.
Trong lời giải đáp, mấy tiếng hoàn cảnh đặc thù hàm nghĩa bất khả cưỡng của một tiểu nhược quốc trước các thế lực quốc tế, nhất là trước cuộc cờ lưỡng cực sau Đệ Nhị Thế Chiến đã biến Việt Nam thành trận địa của bốn cuộc chiến — 1945-1954 với Pháp, 1954-1975 giữa hai miền Nam - Bắc, 1976-1989 tại Campuchia và 1979 với Trung Quốc.
Cuộc chiến mở đầu ngày 23-9-1945 dù do tham vọng thực dân của Pháp vẫn thấp thoáng bóng dáng các thế lực quốc tế ở phía sau. Cho tới 1947, Mỹ luôn phản đối Pháp về chủ trương tái chiếm thuộc địa, nhưng một phần ngân quỹ Marshall cùng thiết bị quân sự Mỹ dành cho Âu Châu vẫn được Pháp sử dụng tại Việt Nam (4) và chính giới Pháp vẫn diễn tả cuộc chiến qua khía cạnh ý thức hệ (5).  Sau 1947, lập trường Mỹ nghiêng về phía bảo thủ do Pháp chấp nhận giải pháp Bảo Đại trong lúc tín hiệu cộng sản rõ hơn từ tập thể chỉ đạo kháng chiến Việt Nam, đặc biệt do sự kiện Cộng Sản nắm quyền tại Hoa Lục năm 1949.
Đầu năm 1950, tác động quốc tế hiển lộ khi Nga Xô, Trung Quốc thừa nhận chính phủ Hồ Chí Minh và Tây Phương thừa nhận chính phủ Bảo Đại, trong lúc quân Pháp còn hiện diện tại Việt Nam. Ngày 17-4-1950, quân uỷ trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc thành lập nhóm cố vấn quân sự đầu tiên gồm 79 cố vấn cùng một số trợ lý theo yêu cầu của Hồ Chí Minh đề nghị Trung Quốc gửi chuyên viên quân sự qua Việt Nam với tư cách cố vấn ở đại bản doanh và tư cách chỉ huy ở cấp trung đoàn, tiểu đoàn. Viên tướng 47 tuổi nổi danh của Trung Quốc lúc đó là Trần Canh có mặt tại Việt Nam ngày 7-7-1950 và mở ra chiến dịch biên giới Cao Bắc Lạng giữa tháng 9-1950 với chiến thuật “công đồn đả viện”.(6) Việc Trung Quốc trực tiếp tham gia cuộc chiến Việt Nam được xác định bằng chỉ thị ngày 14-3-1950 của Lưu Thiếu Kỳ gửi các cơ sở đảng Cộng Sản Trung Quốc: “Sau khi cách mạng chúng ta chiến thắng, việc giúp đỡ bằng mọi cách để các đảng Cộng Sản và nhân dân các quốc gia bị áp bức tại Á Châu giành thắng lợi là trách nhiệm quốc tế mà đảng Cộng Sản và nhân dân Trung Quốc không thể thoái thác.”(7)
Cụm từ “trách nhiệm quốc tế” hay“nghĩa vụ quốc tế” trong thế giới cộng sản chứa một ý nghĩa cụ thể là mọi đảng cộng sản đều phải chiến đấu chống khối Tây Phương trong sự tuyệt đối tuân thủ đường lối của khối Cộng Sản Quốc Tế do Nga Xô lãnh đạo.
Từ 1955 tới 1975, Việt Nam được Nga Xô, Trung Quốc và các quốc gia cộng sản khác viện trợ hơn 2 triệu 360 ngàn tấn hàng trong đó có hơn 1 triệu 860 ngàn tấn vũ khí gồm hơn 3 triệu 700 ngàn súng đủ loại, hơn 10 ngàn tên lửa và 458 máy bay chiến đấu.(8) Bản thống kê bỏ sót nhiều mặt như số liệu đạn dược, xe tăng, thiết giáp v.v… nhưng con số được nêu đã đủ chỉ tỏ tính quốc tế của cuộc chiến kéo dài trên đất nước Việt Nam sau 1945. Khó thể tin khối lượng súng đạn chiếm 90 phần trăm tổng số viện trợ đó chỉ do “sự ủng hộ chí nghĩa, chí tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em”.(9) Vả lại, Nga Xô, Trung Quốc luôn khẳng định cuộc chiến Việt Nam là một phần cuộc chiến chống đế quốc và Hồ Chí Minh luôn chỉ thị: “Chúng ta làm cách mạng đánh đế quốc thực dân tức là đánh tư bản chủ nghĩa… Cách mạng Việt Nam được cách mạng thế giới ủng hộ và góp phần vào cuộc cách mạng thế giới đó”. Thêm nữa, khó thể viện tính chí nghĩa, chí tình ủng hộ cho sự kiện 320 ngàn quân Trung Quốc có mặt tại Bắc Việt từ tháng 6-1965 và việc Trung Quốc xây hải cảng bí mật tại Hải Nam đặc trách đưa vũ khí vào miền Nam Việt Nam.(10) Sự kiện này chỉ khẳng định cuộc chiến Việt Nam không còn là cuộc chiến của người Việt Nam nữa, dù chỉ tắm máu người Việt Nam.
Tính quốc tế cũng hiển hiện trên trận tuyến đối đầu.
Từ 1947, áp lực chiến tranh lạnh dồn Pháp vào thế phải hạ giảm tham vọng tái chiếm thuộc địa nên giải pháp Bảo Đại hình thành với sự xuất hiện những người Việt Nam yêu nước không chấp nhận Cộng Sản bên cạnh người Pháp. Áp lực chiến tranh lạnh gia tăng do Cộng Sản nắm quyền tại Hoa Lục và sự ra đời của hiệp định Genève 1954 giúp vai trò của hàng ngũ yêu nước được thực sự khẳng định. Nhưng đây lại là thời điểm Hoa Thịnh Đốn nhìn miền Nam Việt Nam như một tiền đồn trọng yếu ngăn chặn Cộng Sản nên ngày 28-4-1956 — ngày người lính Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam — cũng là ngày miền Nam với tư cách một quốc gia độc lập đã tiếp nhận vai trò miễn cưỡng trước đó của Pháp trong chiến tranh lạnh. Nguy cơ Cộng Sản và hấp lực thuyết Domino khiến Mỹ coi Việt Nam là vấn đề của chính mình tới mức xuất hiện sự mô tả “biên giới Mỹ mở rộng tới Việt Nam.” Viện trợ kinh tế Mỹ trở thành đương nhiên cùng với việc Mỹ tích cực giúp miền Nam xây dựng một quân đội hùng mạnh. Chiến dịch khủng bố của Cộng Sản từ 1956 và chủ trương tấn công bằng vũ lực với việc quân đội miền Bắc xâm nhập miền Nam từ 1959 khiến tình hình nóng bỏng dẫn tới việc 400 cố vấn quân sự Mỹ có mặt tại Việt Nam năm 1961 với nhiệm vụ trực tiếp giúp về tổ chức và huấn luyện. Cuối cùng, mức quyết tâm của Mỹ trong mục tiêu duy trì miền Nam Việt Nam như một vùng đất hoàn toàn vắng bóng cộng sản được thể hiện bằng quyết định trực tiếp tham chiến từ đầu năm 1965.
Thuyết Domino trở thành lạc hậu vào bảy năm sau đó, khi Nga Xô tuy không bỏ giấc mơ nhuộm đỏ thế giới vẫn thấy cần sống chung với Tây Phương và Trung Quốc đã mở rộng vòng tay đón chào các nhà lãnh đạo Mỹ. Mức quyết tâm của Mỹ hết lý do tồn tại và cách thức tham chiến bất cập gây nhiều khó khăn nội tại khiến Mỹ có cái nhìn hoàn toàn mới: Dù Việt Nam rơi hẳn vào vòng tay cộng sản cũng chẳng nguy hại gì cho nước Mỹ nên Việt Nam không còn là vấn đề của Mỹ nữa. (11)
Tác động quốc tế về phía miền Nam tự nguyện triệt tiêu trong khi Nga Xô, Trung Quốc tăng gấp bội mức quân viện cho miền Bắc để dứt điểm cuộc chiến. Vỏn vẹn 2 năm từ sau hiệp định ngưng chiến Paris 1973 tới cuối 1974, Bắc Việt nhận 649 ngàn 245 tấn vũ khí — bằng 60 phần trăm mức vũ khí viện trợ 8 năm từ 1965 tới 1972 — còn Mỹ đi từ hạn chế đến ngưng hẳn viện trợ cho miền Nam Việt Nam.
Hồi kết của cuộc chiến không còn gây ngạc nhiên. Cộng Sản Việt Nam đã thắng do chủ trương hoà hoãn từng bị miệt thị là bợ đít — ass-kiss — Nga Xô, Trung Quốc của Henry Kissinger. Nhưng dù “sạch bóng kẻ thù” và đất nước hoàn toàn thống nhất, Việt Nam chưa thoát gọng kìm quốc tế mà thời điểm này là tác động từ Nga Xô và Trung Quốc. Chủ trương của Mỹ giúp Nga Xô, Trung Quốc trút được gánh nặng đối đầu với Tây Phương cũng lập tức đặt hai quốc gia này trước mục tiêu tranh giành vai trò lãnh đạo khối Cộng Sản từng dẫn tới xung đột võ trang từ đầu thập niên 1960. Trung Quốc luôn chủ trương khống chế các tiểu nhược quốc lân bang trong khi Nga Xô không chấp nhận bị hất chân khỏi Đông Nam Á. Việt Nam do quan hệ sẵn có với Nga Xô trở thành con cờ trong cuộc cờ quốc tế mới để gánh chịu thêm hai cuộc chiến — tiến quân vào Campuchia diệt tập đoàn Pol Pot sản phẩm của Bắc Kinh và bị Trung Quốc tấn công trừng phạt năm 1979.
Gánh nặng trên vai Việt Nam được gỡ bỏ năm 1986 khi Gorbachev hoà giải với Bắc Kinh và đưa ra khuyến cáo:“Vấn đề Campuchia cần được giải quyết giữa Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia xã hội chủ nghĩa”.(12)  Khuyến cáo của Gorbachev ngày 28-7-1986 tại Vladivostok khẳng định sự phủi tay của Nga Xô với Việt Nam, y hệt tuyên bố của tổng thống Mỹ Gerald Ford tháng 4-1975 là “hãy gạt vấn đề Việt Nam ra sau lưng”. Mỹ không còn nhớ những ngày tuyên dương nghĩa vụ bảo vệ nguyện vọng sống trong tự do của người dân miền Nam Việt Nam và Nga Xô cũng quên hẳn nghĩa vụ cách mạng quốc tế từng gắn Việt Nam vào cuộc chiến tiêu diệt tập đoàn Pol Pot.
Nhìn lại từ 1914 tới 1989 khi người lính Việt Nam cuối cùng rút khỏi Campuchia là hơn 7 thập kỷ người Việt Nam liên tục đổ máu cho các mục tiêu của ngoại bang. Hai cuộc thế chiến không dính tới Việt Nam nhưng con dân Việt Nam vẫn phải có mặt ngoài trận tuyến. Cuộc chiến kéo dài 30 năm từ 1945 tới 1975 chỉ nhắm ngăn chống ý đồ bành trướng giữa hai thế lực thù nghịch Tây Phương - Cộng Sản thì cuộc chiến Campuchia từ 1976 tới 1989 do mục tiêu củng cố thế đứng của Nga Xô - Trung Quốc tại Đông Nam Á. Các thế lực quốc tế phải chịu hao tốn các khối lượng tài lực vật lực khổng lồ nhưng tất cả đều đạt dự tính — dù ngoài mong mỏi vẫn do chủ động chọn lựa. Riêng đất nước Việt Nam biến thành chiến địa cho đạn bom tàn phá và dân tộc Việt Nam phải đem thân xác nhiều thế hệ con dân ra hứng chịu sức tàn phá của đạn bom chỉ nhận được sự dửng dưng từ mọi phía trước một tương lai mù mịt. Mạng sống người Việt Nam là vật hy sinh không tiếc xót cho các cuộc cờ và khi các cuộc cờ chấm dứt, thân phận dân tộc Việt Nam bị vứt bỏ như một mớ giẻ rách.
*
Giải đáp trên luôn bị phản bác bởi cả hai phía đối đầu tại Việt Nam. Sự phản bác không chỉ nhắm trình bày một quan điểm lịch sử mà khởi từ cách thúc đẩy hành động.
Sau khi nắm chính quyền, Hồ Chí Minh tuyên hứa chỉ có mục tiêu duy nhất là phụng sự dân tộc và long trọng công bố giải tán đảng Cộng Sản ngày 11-11-1945 để chứng minh giá trị trung thực của tuyên hứa trên. Tiếng súng đêm 19-12-1946 được gọi là “tiếng súng kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp.” Sau hiệp định Genève 1954, ngọn cờ dân tộc tiếp tục giương cao với mục tiêu “giải phóng miền Nam bị đế quốc Mỹ xâm chiếm” — dù chính quyền Hồ Chí Minh ký kết chấp nhận chia đôi đất nước. Vai trò Nga Xô, Trung Quốc luôn được diễn tả là do “nhiệt tâm hỗ trợ của những người bạn chí tình, chí nghĩa, yêu chuộng hoà bình giúp đỡ dân tộc Việt Nam giành lại cuộc sống tự do hạnh phúc trong độc lập.” Từ 1965, khi Mỹ thực sự tham chiến, ngọn cờ chống xâm lược càng được nêu cao, dù Mỹ luôn giới hạn sự hiện diện ở phía Nam vĩ tuyến 17 và các cuộc tấn công bằng không lực vào miền Bắc được định rõ mục tiêu là ngăn chặn việc xâm nhập binh lực vào miền Nam. Hơn 30 năm sau cuộc chiến, Việt Nam vẫn tuyên dương thành tích “chiến thắng xâm lược Mỹ để giải phóng miền Nam” và toàn bộ đau thương phải nhận lãnh là mức hy sinh cần thiết để đạt toàn nguyện vọng dân tộc. “Đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản — dù đảng tuyên bố giải tán từ cuối năm 1945 — đã qua giai đoạn lịch sử hào hùng với sứ mạng đập tan tham vọng của một đế quốc sừng sỏ muốn đặt ách thống trị lên đầu dân tộc Việt Nam.”
Cách diễn tả tương tự nhưng theo hướng trái ngược cũng hiện diện từ hàng ngũ quốc gia Việt Nam.Chưa đầy hai tháng sau ngày bùng nổ cuộc chiến 19-12-1946, đại diện các tổ chức không chấp nhận cộng sản lưu vong tại Trung Hoa kết hợp thành Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Toàn Quốc với 3 mục tiêu: tranh thủ độc lập, thống nhất quốc gia và thực thi chế độ tự do dân chủ. Sự việc diễn ra tại Nam Kinh ngày 17-2-1947 và Mặt Trận đề nghị cựu hoàng Bảo Đại đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Vận động ngoại giao sau đó dẫn đến bản Tuyên Ngôn Chung Pháp - Việt ngày 5-6-1948 khẳng định “Pháp long trọng công nhận nền độc lập của Việt Nam”.(13) 
Chính giới Pháp gồm cả cánh Tả và cánh Hữu đều không chấp nhận bản tuyên ngôn này.
Cánh Hữu nói Bảo Đại yêu sách nhiều hơn Hồ Chí Minh và Pháp phải nhượng bộ quá đáng như từ bỏ quyền sở hữu thuộc địa Nam Kỳ, đặt quyền lợi Pháp tại Đông Dương vào thế mất bảo đảm. Riêng cánh Tả đòi thương thuyết với Hồ Chí Minh, vì theo quan điểm của cánh Tả, Hồ Chí Minh là người tranh đấu cho dân tộc Việt Nam còn Bảo Đại chỉ là nhân vật ham hưởng thụ, nhất là đã giao Đông Dương cho Nhật.(14) Hơn một năm sau, chính quyền Pháp mới vượt qua sự chống đối để ký kết thoả ước Elysée ngày 21-6-1949 giữa tổng thống Pháp Vincent Auriol và Bảo Đại mở đường cho chính phủ Bảo Đại ra mắt ngày 1-7-1949 với tư cách đại diện một quốc gia độc lập là Quốc Gia Việt Nam.
Đầu năm 1950, chính phủ Bảo Đại được Mỹ, Anh, Thái Lan vv… công nhận, và là thành viên tại hội nghị Genève năm 1954 bên cạnh Anh, Mỹ, Pháp, Nga Xô, Trung Quốc và chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 6-6-1955, Phạm Văn Đồng tuyên bố sẵn sàng cùng chính phủ Ngô Đình Diệm chuẩn bị tổng tuyển cử thống nhất theo hiệp định Genève. Ngày 6-7-1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm nêu điều kiện cần thiết cho một cuộc tổng tuyển cử công bằng là miền Bắc phải tôn trọng tự do ngôn luận, đồng thời tuyên bố chính phủ do ông lãnh đạo đã từ chối ký vào bản hiệp định chia đôi đất nước nên không bị ràng buộc bởi điều khoản nào.
Tình hình diễn biến trớ trêu là miền Nam không ký hiệp định Genève 1954 nhưng trong hành động luôn tuân thủ quyết định chia đôi đất nước, còn miền Bắc từng ký hiệp định lại hành động như không có bản hiệp định. Chiến dịch đồng khởi năm 1956 với hoạt động ám sát, phá hoại do lực lượng cài đặt bí mật từ tháng 7-1954 đe doạ nặng nề đời sống miền Nam và cuộc chiến kết thúc bằng hiệp định Genève 1954 thực sự tái diễn từ 1959, khi miền Bắc đưa quân xâm nhập.
Trước quốc tế miền Bắc diễn tả là “dân chúng miền Nam đói khổ vì bị áp bức bóc lột đang nổi dậy chống tập đoàn ngụy quyền tay sai đế quốc để giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược Mỹ.” Ngược lại, miền Nam kết án tập đoàn lãnh đạo miền Bắc nối gót Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc làm công cụ cho Nga Xô, Trung Quốc theo đuổi tham vọng cộng sản hoá toàn cõi Việt Nam, gây chiến đặt miền Nam vào thế bắt buộc phải tự vệ. Miền Nam không chối bỏ vai trò của các quốc gia cùng chia xẻ gánh nặng chiến tranh nhưng khẳng định cuộc chiến nhắm bảo toàn đời sống an bình của miền Nam trước hiểm hoạ xâm lược cộng sản.
Bằng chứng được cả hai phía viện dẫn là vô tận hành vi tự nguyện dâng hiến của người dân từ khi nổ tiếng súng kháng Pháp tại Sài Gòn ngày 23-9-1945 tới khi cuộc chiến kết thúc ngày 30-4-1975 từng được không ít người trên thế giới ngưỡng mộ.(15) Không thể quên rằng phóng đại — thậm chí bịa đặt — vốn là công tác chủ yếu trong kế sách tuyên truyền Cộng Sản nhưng không thể phủ nhận quyết tâm phụng sự ý hướng chung của toàn dân nơi hầu hết những người thực sự đối đầu với súng đạn, dù ở chiến tuyến nào. Tuy nhiên thực tế sáng chói truyền thống yêu nước lại chỉ dẫn tới những dòng nước mắt tức tưởi trong tâm trạng bị lường gạt và phản bội. Đó là những dòng nước mắt của Dương Thu Hương khi đặt chân tới Sài Gòn năm 1975 để thấy cảnh tượng trước mắt hoàn toàn khác những điều từng nghe từ tuổi trẻ thơ, những dòng nước mắt của Vũ Cao Quận sau khi đi suốt một chặng đường dài máu lửa để chỉ thấy “thân phận dân tộc chẳng khác gì lũ chim cảnh được chuyển từ cái lồng sắt đen sì của chế độ thuộc địa sang cái lồng sơn son thiếp vàng lòe loẹt của chủ nghĩa xã hội”(16), những dòng nước mắt giữa mặt trận Bồng Sơn năm 1966 của người thiếu phụ quê mùa khát khao được sống hay những dòng nước mắt của người lính miền Nam, trung tá Trần Ngọc Tấn, hai mắt đỏ hoe ngày 28 tháng 4 tại Sài Gòn, vừa níu tôi vừa hỏi trong tiếng nấc: “Tại sao bản thân tôi, một thằng Trung Tá sẵn sàng cầm súng vẫn phải vứt súng, bỏ xe để tháo chạy”… Những dòng nước mắt đó có lẽ chan hoà trên khắp nước, bởi sau khi vắt kiệt máu để phụng sự công ích, mọi người đều thấy mình đang đối diện với một thực tế phũ phàng. Tại sao"
Phải chăng vì Việt Nam vô phương thoát cảnh bị chi phối và cuối cùng bị bỏ rơi tàn nhẫn bởi các thế lực quốc tế" Phải chăng các tập thể đấu tranh đã lạc đường vì tham vọng quyền lực" Phải chăng công lệ lịch sử luôn đặt người dân và các tập thể cầm quyền vào hai hướng ngược chiều nên người dân dù có vắt kiệt máu để phụng sự công ích thì cuối cùng vẫn phải ôm nỗi khát khao được sống thay vì được sống"
*
Trên thực tế, tác động quốc tế và truyền thống yêu nước của người dân đều hiện diện trong thời thế Việt Nam và là lực đẩy Việt Nam vào cảnh tương tàn không cho mục tiêu nào trong khát khao được sống của người dân. Truyền thống yêu nước đã hình thành và nuôi dưỡng mọi cuộc chiến trong khi diễn biến mọi cuộc chiến nằm gọn trong tay các thế lực quốc tế. Người dân Việt Nam với truyền thống yêu nước tự nguyện lao vào cuộc chiến nhưng quên hẳn kẻ thù mà mình đang cố tàn sát chỉ là người chung huyết mạch, chung nỗi khát khao. Với hàng ngũ cộng sản, cho tới đầu năm 1965, kẻ thù đế quốc Mỹ hoàn toàn vô hình trong mọi vụ ám sát, tấn công. Ngược lại, với hàng ngũ quốc gia tại miền Nam, kẻ thù Cộng Sản chỉ là hoả tiễn Sam, tiểu liên AK, chiến xa T.54 … Thực sự đối mặt với đạn bom dù ở chiến tuyến nào đều là người Việt Nam và đều mang niềm tin đang phụng sự dân tộc. Khi đạn bom ngưng tiếng, cơn mê sảng tàn sát biến thành cơn mê sảng tự hào để kéo dài cảnh phân tranh vô nghĩa và mục tiêu vun bồi cuộc sống người dân tiếp tục là một chiêu bài, không hơn không kém. Đoạn đường đầu rơi máu chảy tang tóc đau thương đã qua, nhưng tiếp nối chỉ là đoạn đường tê bại của cả con tim lẫn khối óc để hình thành một thời thế với đặc trưng nổi bật là vô cảm vì nhẫn tâm và mù loà vì xuẩn ngốc. Vì thế, cuộc chiến Việt Nam đã được coi là cuộc nội chiến bi thảm trong khung cảnh ý thức hệ.(17) Tính bi thảm không chỉ do nồi da xáo thịt như thời Trịnh - Nguyễn phân tranh mà bởi trí não tối tăm của người lao vào cuộc chiến nhưng không hề hay biết — hoặc biết hoàn toàn sai — về mục tiêu cuộc chiến. Vượt xa hơn, cuộc chiến còn đặt toàn thể dân tộc vào tình thế chia lìa chưa biết thuở nào hàn gắn nổi.
Dù có tổn thương lòng tự hào dân tộc cũng phải nhìn nhận chính bản sắc phân hoá và trình độ giới hạn đã khiến Việt Nam rơi vào vòng chi phối. Bởi sau đệ nhị thế chiến, Việt Nam không phải tiểu nhược quốc duy nhất chịu ảnh hưởng chiến tranh lạnh hay tiểu nhược quốc duy nhất đối đầu với thế lực thực dân. Nỗi bất hạnh không hoàn toàn khởi từ yếu tố khách quan mà phần quan trọng nằm ngay trong quyết định chủ quan giữa một tình thế đòi hỏi thận trọng cân nhắc.
Truyền thống yêu nước và trình độ giới hạn — hay thuộc tính nhẹ dạ" — đã giúp củng cố vị thế của đảng Cộng Sản vốn chỉ mượn mục tiêu giải phóng dân tộc làm chiêu bài để biến dân tộc thành công cụ. Kế tiếp, bản sắc phân hoá từ nếp sống xã thôn biệt lập lâu đời đã dễ dàng tạo tinh thần tự mãn tự tôn với thái độ cố chấp quyết liệt phủ nhận mọi dị thể bằng biện pháp tận diệt. Trắng đen, thật giả, phải trái, thiện ác, lợi hại… không là chuyện cần cân nhắc trước cơn thôi thúc nặng tính bản năng của yêu cầu tự mãn tự tôn u tối. Từ đây, việc nhúng tay vào máu đồng loại, tàn sát người cùng huyết mạch trở thành nhiệm vụ tất yếu để tạo thế độc tôn cho thứ chân lý của riêng mình và hậu quả tất yếu đã hình thành lực lượng chống đối không kém quyết liệt để sống còn.(18) Cuộc chiến tương tàn trở thành bất khả tránh.
Thực ra, từ hai thập kỷ trước khi thế giới bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh, cuộc chiến đã khởi nguồn do chủ trương độc chiếm chính trường của đảng Cộng Sản và phản ứng đối đầu của các tổ chức chống thực dân đương thời. Cho nên, dù không thể phủ nhận tác động quốc tế trong mọi cuộc chiến tại Việt Nam cũng không thể phủ nhận chính Việt Nam đã tạo cơ hội cho các thế lực quốc tế tranh hùng bằng xương máu người Việt Nam và tinh thần tự mãn tự tôn u tối còn đặt Việt Nam vào thế tình nguyện tiếp tục đóng vai công cụ hiến dâng xương máu (19), kéo dài tình trạng đối kháng giữa hàng ngũ dân tộc cho đến ngày giờ này,(20) khi chủ thuyết cộng sản đã được nhận diện là nguồn cỗi gây ra các tội ác cho nhân loại.
Khó thể tìm nổi diễn tả nào chính xác hơn hai tiếng bi thảm để nói về đoạn đường lịch sử Việt Nam từng trải nghiệm. Bi thảm không do nỗi đau thương phải nhận chịu mà do chính sự tự nguyện gieo rắc và nhận chịu mọi đau thương bằng thái độ tự hào ngay cả khi cầm dao chặt đầu một người cùng huyết mạch. Mọi kẻ thù ngoại bang chỉ là chiêu bài, là lý cớ thổi bùng ngọn lửa hận thù giữa con dân Việt Nam để lùa tất cả vào vòng tàn sát lẫn nhau không hề bận tâm về nguyên do thúc đẩy và mục tiêu nhắm tới. Ghê hãi chém giết chắc chắn luôn là tâm trạng chung của con người, nhưng với riêng người Việt Nam trên đoạn đường vừa qua, chém giết cũng là nguồn cung ứng những cảm xúc thoả mãn, những kích động kiêu hùng cuốn hút. Đây là điều được chứng minh bằng vô vàn hình trạng sinh hoạt từ nội dung các sáng tác nghệ thuật đến mọi tiêu hướng chính trị, xã hội luôn ngưỡng mộ tôn thờ hành vi nhúng tay vào máu đồng bào như công ơn lớn. Ánh sáng chỉ đạo cuộc sống được thắp lên bằng máu và chân lý cuối cùng phải đạt tới là tận diệt bất kỳ kẻ nào không tụng chung bản kinh cầu. Hai tiếng dân tộc được nhắc nhở nhiều hơn bất kỳ giai đoạn lịch sử nào cũng chỉ là chiêu bài, là lý cớ để xé nát tập thể dân tộc thành những nhóm tử thù không đội trời chung.
Người trên trận tuyến quốc gia tại miền Nam có thể biện minh bằng tính tự vệ để tồn tại và tính chính nghĩa vì chủ thuyết cộng sản đã hiện hình là một nguồn cỗi tội ác. Tuy nhiên thay cho sự toả rạng của thực tế sáng tỏ như ánh trăng rầm đó chỉ là nỗi tuyệt vọng của con tim nóng bỏng nhiệt tình giữa những nỗ lực vô bổ của trí não. Trước đòi hỏi của tình thế luôn nằm trong vòng chi phối mịt mù, gần như các tập thể nắm quyền chỉ đạo đều tuyệt đối tin tưởng tương lai đất nước hoà nhập hoàn toàn với ý hướng của các thế lực quốc tế và đều sẵn sàng tuân theo mọi dẫn dắt. Sự mù lòa không thể phủ nhận đó cùng với bản sắc phân hóa và tham vọng quyền uy khiến ánh sáng chính nghĩa tự vệ để tồn tại luôn bị đẩy qua bên lề cuộc sống.
Sẽ không lầm lẫn khi cho rằng suốt cuộc chiến khởi từ 1954, hàng ngũ quốc gia yêu nước tại miền Nam luôn nằm trong cảnh cố giành cơ hội để phụng sự chứ chưa hề được phụng sự. Những nỗ lực cao cả nhất đều không vươn tới tầm mức đóng góp cho hướng đi chung và cũng xẩy ra cảnh huống tương tự trận tuyến đối đầu là người trực tiếp tham gia cuộc chiến hoàn toàn mù mịt về mục tiêu cuộc chiến hoặc chỉ ngộ nhận mục tiêu cuộc chiến phù hợp với nguyện vọng chung của dân tộc. Cho nên thái độ trách cứ đồng minh phản bội dễ dàng che lấp thực tế là tình trạng u mê của chính bản thân đã đưa mình lạc hướng.
Nhưng trận tuyến quốc gia không gồm riêng người miền Nam từ chối cộng sản, bởi không ít người do thúc đẩy của lòng yêu nước đã đặt mình dưới sự chỉ đạo của cộng sản như Vũ Cao Quận, một đảng viên cộng sản có 38 tuổi đảng từng tâm sự:“Sự tự nguyện dấn thân của lũ chúng tôi vào cuộc chiến lâu dài của đất nước… là do lòng yêu nước từ ngàn xưa của tổ tiên truyền lại, nó ngấm vào máu thịt chúng tôi, chứ chủ nghĩa Mác-Lênin không hề can dự gì vào đấy cả.”(21) Sẽ không khó khăn nếu muốn nêu tên hàng loạt người cùng chung tâm sự với Vũ Cao Quận và không hề là nghi vấn khi xác định suốt cuộc chiến 30 năm trên cả hai trận tuyến tại Việt Nam đều hiện diện những người mang tâm nguyện vì dân vì nước. Tất cả đều thảm bại và đều không thể chối bỏ trách nhiệm đưa dân tộc xuống hố lầy tang tóc, đổ vỡ cùng cực dù hậu quả này mãi mãi nằm ngoài ý nghĩ của hết thẩy.
Sau ngày ngưng tiếng súng năm 1975 đã có không ít biện giải về nguyên do tạo nên hậu quả đau thương mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu. Người đối đầu với cộng sản nêu nguyên do là sự phản bội nhẫn tâm của đồng minh trắng trợn vứt bỏ mọi cam kết khiến kẻ ác đã thắng. Người trong hàng ngũ do cộng sản chỉ đạo oán trách sự suy thoái phẩm cách đạo đức và chao đảo về chỉ hướng đấu tranh của tập đoàn chỉ đạo khiến mục tiêu vì dân vì nước biến thành hại nước hại dân.
Mọi biện giải đều được dẫn chứng bằng nhiều thực tế không thể chối bỏ để xô gánh nặng trách nhiệm khỏi bờ vai những người có mặt suốt 30 năm trên các chiến hào. Nhưng dù gắn liền với thực tế tới mức nào, mọi biện giải cũng không xoá mờ nổi tính quyết định nằm trong chọn lựa tự nguyện của bản thân.
Lịch sử không thể hình thành bằng lý thuyết, không thể hình thành bằng tham vọng hay cao vọng nếu thiếu hành động của con người. Mọi lý thuyết, mọi mưu đồ sẽ mãi mãi nằm bên lề cuộc sống nếu con người không thể hiện thành thực tế. Ma quỷ dù thường trực vây quanh vẫn không lãnh thay trách nhiệm cho con người về việc đưa ma quỷ xâm nhập cuộc sống. Tất nhiên càng không thể oán trách ma quỷ đã xoay cuộc sống ngược chiều với nguyện ước của con người. Các tác động quốc tế và tập đoàn cộng sản chi phối mọi diễn biến tại Việt Nam không bao giờ phải gánh chịu hết trách nhiệm về sự hình thành định mệnh đau thương của dân tộc Việt Nam. Cũng không thể quy kết hoặc nguyền rủa các thế lực đó đã phản bội dân tộc Việt Nam –– vì hết thẩy đều không liên quan tới đất nước Việt Nam và đều có mục tiêu định sẵn với chủ tâm khai thác xương máu người Việt Nam để đạt mục tiêu theo đuổi. Trách nhiệm mãi mãi chỉ đè nặng trên vai những người Việt Nam đặt mình vào vòng chi phối của các thế lực đó.
Con dân Việt Nam đã tự bước vào nẻo cạm bẫy chông gai, đặc biệt là tiếp tay gây dựng đảng Cộng Sản với niềm tin tạo dựng một lực lượng đấu tranh vì nước vì dân, bất kể thế lực chỉ đạo phía sau là Đông Phương Cục của Đệ Tam Quốc Tế với huấn thị phải coi chủ nghĩa ái quốc và tinh thần dân tộc là các mối nguy cần quét sạch. (22) Thực tế đó không tàng ẩn mà hiển lộ từ giờ phút đầu đã khiến Phan Bội Châu lặng lẽ ngưng mọi giao dịch với đại diện Nga Xô tại Trung Quốc (23) và Phan Chu Trinh dứt bỏ quan hệ với người thanh niên do mình dìu dắt nâng đỡ nhiều năm tháng mà sau này mang tên Hồ Chí Minh. Tuy vậy, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn hình thành vì vẫn có sự tán trợ chân tình như Huỳnh Thúc Kháng từng bày tỏ: “Đã là người Việt Nam thì không ai thiếu lòng yêu nước, dù là người Cộng Sản.” Vào thời điểm 1945-1946, đảng cộng sản với quyền lực trong tay dồn sức triệt hạ các tổ chức yêu nước bằng mọi thủ đoạn khiến nguy cơ tan vỡ khối đoàn kết dân tộc là mối ưu tư của mọi người. Nhưng thay vì nhìn thẳng vào chủ trương đích thực của đảng Cộng Sản, nhiều người lại nghĩ tình trạng xung đột chỉ do các đòi hỏi quyền lợi phe phái. (24)
Nếu có thể ngẩng cao đầu tự hào về nhiệt tình yêu nước của mọi người thì cũng không thể chối bỏ vết đen u tối trong trí não của hết thẩy là sự mù loà đã đưa đất nước vào vòng tai hoạ. Nhận thức về thực tế này đã nẩy sinh một hối tiếc là thảm cảnh Việt Nam có thể không diễn ra nếu không có vết đen đó. Sẽ không có tình trạng phân ly dân tộc, không có điều kiện khai thác cho các thế lực quốc tế và chưa chắc đã bùng nổ cuộc chiến với Pháp ngày 19-12-1946 để mở ra nhiều cuộc chiến khác. Bởi không có vết đen đó, đảng Cộng Sản Việt Nam chưa chắc có mặt hoặc chỉ có mặt ở vị thế không đủ sức chi phối tình hình nên mọi diễn biến đã theo chiều hướng khác. Diễn biến đã có chỉ khởi nguồn từ chủ trương độc chiếm chính trường của đảng Cộng Sản. Để đạt toàn chủ trương đó, đảng Cộng Sản đã tàn sát những người yêu nước vào thời điểm 1945-1946, gieo rắc hận thù sâu sắc giữa tập đoàn dân tộc và cũng chính đảng Cộng Sản đã chủ động gây cuộc chiến tương tàn 1954-1975 với không biết bao nhiêu tang tóc bi thương cho đất nước. (25).
Đảng Cộng Sản không ngừng tuyên xưng công ơn giải phóng dân tộc, kết án Mỹ trút đạn bom tàn sát người Việt Nam, trút chất độc da cam gây di hại cho nhiều thế hệ vô tội…
Nhưng, hết thẩy tai hoạ đó có xẩy ra chăng nếu đảng Cộng Sản không đưa quân tấn công miền Nam"
Trên thực tế, miền Nam có bị Mỹ xâm lược áp chế tàn khốc đến mức phải hao tổn xương máu hàng triệu người để giải cứu không"
Ngót 200 triệu tấn đạn bom của Nga Xô, Trung Quốc đổ vào miền Nam phải chăng không huỷ hoại một mái nhà nào, một mảnh đất nào, không gây tổn thương, tang tóc nào cho người dân"
Như vậy, dân tộc được ban ơn hay ngược lại, chính dân tộc đã ban ơn bằng sự hy sinh xương máu cho đảng Cộng Sản thủ đắc quyền lực trên toàn cõi Việt Nam"
Khẳng định của sử gia Tưởng Vĩnh Kính về đích nhắm của Hồ Chí Minh (26) có thể coi là lời đáp chính xác nhất cho mọi câu hỏi trên. Độc lập, thống nhất, hạnh phúc tự do chỉ là các ngôn từ kích động người dân cống hiến xương máu mở đường cho đảng Cộng Sản bước lên địa vị độc tôn. Cho nên, thực tế hiện ra sau giờ hân hoan về đích với thắng lợi cuối cùng chỉ là thực tế phũ phàng hoàn toàn khác xa tâm nguyện của hết thẩy. Độc lập, thống nhất hoàn toàn mơ hồ trong cảnh huống đảng cầm quyền là chi thể của một thế lực quốc tế và tâm lý phân ly càng sâu đậm hơn giữa tập thể dân tộc. Hạnh phúc tự do cũng nằm trong cõi mịt mù. Chỉ một điều hiển nhiên là mọi hoạ hoạn trong đời sống Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 vẫn tồn tại với mức độ nặng nề gấp bội và đảng Cộng Sản trở thành chủ nhân đất nước, mặc sức coi nhân dân như cỏ rác không được quyền có ý kiến riêng –- bất kỳ ai dám suy nghĩ ngoài chỉ hướng đã vạch đều bị thẳng tay trừng trị.
Không nhìn thẳng vào thực tế này chỉ kéo dài ngộ nhận về tính chất cuộc hành trình lịch sử vừa qua và tiếp tục gia tăng mức bi thảm cho nhiều cuộc hành trình sẽ tới. Bởi, hậu quả tất yếu của sự trạng này chỉ tiếp tục củng cố vai trò chi phối của các thế lực phi dân tộc đồng thời duy trì vai trò công cụ lạc hướng của chính bản thân.
*
Trọn cuộc đời Nguyễn Liệu từ tuổi học trò là nỗ lực tránh xa các tác lực nhân danh vì nước vì dân.
Nhưng kết quả thực tế chỉ là trở thành kẻ phản động trước Toà Án Cộng Sản Liên Khu V, kẻ phản loạn trước Toà Án Quân Sự của Đệ Nhất Cộng Hoà... Những thời điểm thuận lợi nhất để lên tiếng cũng chỉ là tiếng kêu trên sa mạc như khi xúc tiến chiến dịch Về Làng… vì chưa bao giờ thoát khỏi thân phận chầu rìa bên chiếu bạc. Đây là thân phận chung của hết thẩy con dân Việt Nam nhận chân được bóng đêm mịt mù phủ trùm đất nước nhưng luôn phải sống bên lề mọi diễn biến trong khi nhận lãnh tất cả bão táp do các diễn biến mang lại. Cảnh sống bên lề này chưa ngưng trong khi những dấu hiệu bi thảm từng có tiếp tục hiển hiện.
Khó thể nghĩ khác rằng tình trạng u mê từ đầu thế kỷ 20 vẫn nguyên vẹn nơi trí não nhiều con dân Việt Nam với mức khô héo bi thảm của con tim qua những ý nghĩ sau: “Tôi thấy thật đáng thương cho một bộ phận người Việt Nam bị các thế lực bên ngoài dụ dỗ mà đi theo tiếng gọi của thức ăn Mỹ để làm mất thể diện của đất nước, vi phạm luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, bỏ nước ra đi, chết hàng trăm ngàn người chỉ để phục vụ cho chiến dịch tuyên truyền tâm lý chiến chống Việt Nam thời hậu chiến của những kẻ xâm lược thua trận tại Việt Nam. Những tấm bia tưởng niệm này cũng là những hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai ít học, thiếu hiểu biết chống lại tổ quốc, phục vụ cho việc tuyên truyền tâm lý chiến của họ. Nhà nước Việt Nam cũng nên dùng những cái bia kỷ niệm ô nhục này mà cảnh tỉnh một số phần tử chống phá tại Tây Nguyên ngày nay.”  Đó là phát biểu qua đài BBC của một người trẻ vào lúc tấm bia tưởng niệm những người vượt biên xấu số tại Indonesia bị đục bỏ theo yêu cầu của chính quyền Cộng Sản Việt Nam.
Thảm cảnh di cư của hơn một triệu người miền Bắc năm 1954-1955 và cuộc vượt biên sau 1975 của người dân Việt Nam là những trang sử nhức nhối về tình trạng đày đoạ con người khiến hầu khắp thế giới đều xúc động, bất bình. Cuộc vượt biên chưa hề có trong lịch sử nhân loại chính là tầm mức cực đại của buổi nguyện cầu cuối tháng 4-1975 của người dân Hố Nai xin Chúa phù trợ cho con em mình đủ đảm lược đối mặt với cái chết. Đó là chọn lựa cuối cùng để hy vọng gặp lại sự sống đã hoàn toàn vắng bóng tại quê hương. Người cộng sản do chỉ hướng phân lập điên loạn luôn ngụt lửa hận thù đốt thành tro bụi mọi xúc động, mọi tình nghĩa đồng bào, đồng loại có thể nhẫn tâm vô cảm và hả hê lăng mạ những người chết dập vùi trong đau đớn oan khiên. Nhưng, sẽ phải nghĩ sao về những người viện dẫn tình yêu nước, nghĩa đồng bào để bày tỏ niềm tự hào đang phất cao ngọn cờ chính nghĩa bằng các lời hằn học rủa xả người đã nằm xuống"
Quả là không thể tìm được diễn tả nào khác hơn hai tiếng bi thảm và cũng khó tránh hãi hùng khi nhìn về đoạn đường trước mắt. Vì tiếng súng đã ngưng nhưng cuộc tương tàn vẫn tiếp diễn do mức tối tăm trí não — hoặc do mức hèn nhát tồi tàn không dám thú nhận một thực tế đã hiển lộ" — để kéo dài thân phận tự hiến dâng cho cuồng vọng buộc con người hiền lương phải cúi đầu tôn xưng tội ác. Khó thể tránh nghĩ tới cảnh sống chan hoà nước mắt của người dân Tây Nguyên giữa giờ này vẫn phải xuyên rừng vượt núi, bất chấp thú dữ rắn độc chỉ để cố rời xa mảnh đất quê hương và cũng không dễ quên chuyện xảy ra với một em nhỏ đã được Trần Trung Đạo ghi lại thành thơ:
Bên bờ biển Palawan
Có một em bé gái
Tuổi mới chừng lên sáu lên năm
Đang ngồi đếm từng viên sỏi nhỏ
Và nói chuyện một mình
……………………………
Em chỉ ra ngoài Đông Hải mênh mông
Cho tất cả những câu hỏi khác
Mẹ em đâu"
- Ngủ ngoài biển cả
Em của em đâu"
- Sóng cuốn đi rồi
Chị của em đâu"
- Nghe chị thét trên mui
Ba em đâu" Em lắc đầu không nói
………
Lạ lùng thay một em bé mồ côi
Đã sống sót sau sáu tuần trên biển
Họ kể lại em từ đâu không biết
Cha mẹ em đã chết đói trên tàu
Chị của em hải tặc bắt đi đâu
Sóng cuốn mất đứa em trai một tuổi
………
Tôi nhớ lại nụ cười chịu đựng của Phan Nhự Thức và ánh mắt hiền hoà của Đynh Hoàng Sa năm 1987 khi tìm gặp tôi vừa trở lại cuộc sống Sài Gòn. Cả hai đều nói nhỏ như thì thầm: “Nguyễn Liệu thoát rồi!”  Đó là lời báo tin Nguyễn Liệu hoàn tất cuộc vượt biên.
Ý nghĩ nổi lên lúc đó vẫn nguyên vẹn trong trí tôi lúc này là cảm giác cay đắng cho thân phận chúng tôi và thân phận hết thẩy con dân Việt Nam suốt một thế kỷ qua. Bởi lối thoát cuối cùng để còn hơi thở chỉ là con đường từ bỏ quê cha đất tổ mà hết thẩy từng sẵn sàng vứt mạng sống để giữ gìn vun đắp.
Nhưng, hết thẩy có thực sự thoát không, sau khi vượt mọi sóng gió hiểm nghèo, vượt qua chính cái chết để đến được vùng đất lạ với những ngày tàn là cảnh sống tha hương" Hình ảnh em nhỏ trong thơ Trần Trung Đạo và những dòng cảm xúc nơi trang cuối hồi ức của Nguyễn Liệu chỉ đem lại cho tôi một lời phủ nhận.
Cuộc tương tàn do tham vọng điên loạn và mức u tối của trí não đã xô tất cả vào đoạn đường dài bi thảm chỉ có thể tránh xa bằng cái giá chia lìa với mọi thứ thân thương, kể cả mạng sống người thân. Đoạn đường đó đã qua nhưng cuộc tương tàn chưa hề chấm dứt để tránh những đoạn đường tương tự bởi sự tê liệt của con tim và khối óc vẫn kéo dài. Em nhỏ kia dù lớn lên với bất kỳ thành đạt nào trong cuộc sống có thể dứt nổi nỗi đau đã phủ xuống đời em từ tuổi ấu thơ" Và, người từng ước mong sớm dứt hết oan khiên cho người cùng huyết mạch có thực sự bình tâm trước viễn ảnh ngày cũ chưa rời khiến ước mong vẫn chỉ là ước mong" Tôi hiểu do đâu Nguyễn Liệu nâng niu những cảm xúc trong ngày người Đông Đức đập tan bức tường ô nhục Bá Linh. Cảm xúc không của riêng một người mang tên Nguyễn Liệu bày tỏ nỗi niềm còn ấp ủ tới giây phút cuối đời không của riêng một người Việt Nam ở chân trời nào.
Viễn ảnh đổi thay còn xa hút và hai tiếng thoát rồi chưa hề tìm được chỗ đứng.
Dù sống ở nơi đâu, giữa cảnh ngộ tốt lành nào, tâm não hết thẩy vẫn in hằn những vết thương nhức nhối và tâm nguyện chưa tròn. Cho nên trang cuối hồi ức của Nguyễn Liệu vẫn thấm đẫm nước mắt giữa cảnh bơ vơ sau những mất mát tận cùng từ ước mong tan vỡ đến khuất bóng bạn bè:
“Thôi, anh Thiều ạ, đêm nay tôi buồn quá.
Anh chết rồi. Chị Rô chết rồi. Tạ Ký chết rồi. Tôn Nghĩa chết rồi. Phan Nhự Thức chết rồi. Bùi Giáng chết rồi. Nghiêu Đề chết rồi. Đynh Hoàng Sa chết rồi…
Tôi không thể viết nữa.”
Virginia, May 20, 2008
 UYÊN THAO
–––
(*)  Tủ sách TIẾNG QUÊ HƯƠNG
P.O Box 4653 - Falls Church - VA 22044
CHÚ THÍCH:
(1) Pierre Darcourt — Vietnam, qu’as-tu fait de tes fils" * Việt Nam, Quê Mẹ Oan Khiên, Dương Hiếu Nghĩa dịch, Tiếng Quê Hương 2007. Vài cảnh chiến trường Việt Nam cuối tháng 4-1975 được Pierre Darcourt kể: “Đến Trảng Bom, lúc tôi rời đám dân lánh nạn mà không đủ can đảm nói với họ nửa lời thì một thiếu tá chỉ huy đơn vị Dù tưởng tôi là nhà báo Mỹ chụp cổ tôi và cho tôi một câu với giọng khinh bỉ: “Này! Anh Mỹ kia, ở chiến trường về, anh hãy viết rõ trong tờ báo của anh là lính Dù miền Nam chúng tôi không cần có đô la mới có đủ can đảm chết cho đất nước chúng tôi đâu nghen!” và ở ngay ngã tư Hồng Thập Tự - Lê Văn Duyệt Sài Gòn, “chỉ vỏn vẹn 4 anh lính Dù với súng liên thanh và súng không giật đã quyết chiến trong hơn 50 phút, bắn cháy nhiều quân xa cộng sản, rồi vì hết đạn, họ ra khoảng trống giữa đường, nắm vai nhau thành một vòng tròn, cho nổ một xâu lựu đạn để cùng tự sát ”.
(2) Larry Berman — No Peace, no honor * Không hoà bình, chẳng danh dự, Nguyễn Mạnh Hùng dịch, Viet Tide 2003.
(3) Stein Tonnesson ––  Hanoi’s long century * A companion to the Vietnam War, của Marilyn Young & Robert Buzzanco, Blackwell Publishing, 2002.
(4) Mark Atwood Lawrence –– Assuming the Burden: Europe and the American Commitment to War in Vietnam, California University, 2005.
(5) Ngày 14-4-1947, dân biểu Maurice Violette nói tại Quốc Hội: “Tinh thần quốc gia ở Việt Nam chỉ là phương tiện. Cứu cánh là thực dân Liên Xô.” —  Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1947-1954. Nxb Văn Hoá 1997.
(6) Trong báo cáo với Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 22-7-1950, Trần Canh ghi mục tiêu chiến dịch biên giới là “hủy diệt lực lượng cơ động của địch trên các chiến trường và chiếm một số đồn nhỏ, nhằm giành thắng lợi ban đầu để tích lũy kinh nghiệm và kích thích tinh thần binh sĩ. Sau khi giành thế chủ động hoàn toàn, ta có thể tiến dần tới các trận đánh quy mô lớn.” — Xin đọc China and the Vietnam Wars 1950-1975.
(7) Qiang Zhai — China and the Vietnam Wars 1950-1975, North Carolina University, 2000.
(8) Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước — Thắng lợi và bài học, Nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội 1996.
(9) Như chú thích (8).
(10) Vũ Thư Hiên — Đêm Giữa Ban Ngày, Nxb Văn Nghệ California 1997 & Eva-Maria Stolberg — America, the Vietnam War and the World, Cambridge University 2003.
(11) Tài liệu giải mật của Mỹ công bố ngày 25-7-2006 cho biết ngày 22-6-1972, Kissinger đến Bắc Kinh gặp Chu Ân Lai và đã nói với Chu Ân Lai: “Chúng tôi không nhắm tiêu diệt Hà Nội và ngay cả chuyện thắng Hà Nội, chúng tôi cũng không nghĩ đến. Nếu có thể sống với một chính phủ cộng sản ở Trung Quốc, thì chúng tôi cũng có thể chấp nhận một chính phủ cộng sản ở Đông Dương.”
(12) Hoàng Dung — Sau Bức Màn Đỏ, Tiếng Quê Hương 2007.
(13) Đại diện Pháp Bollaert cùng 8 đại diện Việt Nam họp trên chiến hạm Duguay – Trouin trong vịnh Hạ Long ngày 5-6-1948, ký bản tuyên ngôn 3 điều với điều 1 nguyên văn như sau: “La France reconnait solennement l’indépendance du Vietnam auquel il appartient de réaliser librement son unité. De son côté, le Vietnam proclame son adhésion à l’Union Francaise en qualité d’État associé à la France —  Pháp Quốc long trọng công nhận nền độc lập của Việt Nam, theo đó Việt Nam tự do thực hiện thống nhất lãnh thổ. Về phía mình, Việt Nam tuyên bố gia nhập Liên Hiệp Pháp với tư cách quốc gia hợp tác với Pháp.”
(14) Dân biểu J. Guillon mạt sát Bảo Đại là đày tớ Nhật (valet des Japonais), dân biểu Marc Dupuy kết án Bảo Đại giao Đông Dương cho Nhật, còn cựu thủ tướng Léon Blum phát biểu trên báo Le Populaire ngày 6-8-1947 “chỉ có Hồ Chí Minh mới xứng đáng đại diện cho dân chúng Việt Nam”. Chính Đạo — VN Niên Biểu 1947-1954, Văn Hoá 1997.
(15) Vietnam Will Win của Wilfred Burchett phát hành năm 1968 và tái bản nhiều lần với lời nhấn mạnh về nội dung là “ghi lại những thực tế chứng minh lý do dân chúng miền Nam Việt Nam chiến thắng đế quốc Mỹ và khiến lịch sử Việt Nam trở thành một phần lịch sử thời đại — … Why the people of South Vietnam have already defeat U.S imperialism …Vietnam have become a part of the history of our times”
(16) Vũ  Cao Quận —  Gửi Lại Trước Khi Về  Cõi, Tiếng Quê Hương 2006.
(17) L. Berman — No Peace, no honor * Không hoà bình, chẳng danh dự, Nguyễn Mạnh Hùng dịch, Viet Tide 2003.
(18) Bí thư của Bảo Đại là Phạm Văn Bính khi đại diện Việt Nam gặp tổng thống Vincent Auriol tại Paris cuối năm 1949 vào dịp vận động cho thỏa ước Elysée đã trả lời một câu hỏi của tổng thống Pháp: “Tổng thống hỏi tại sao Bảo Đại và tôi bỏ Hồ Chí Minh ư" Sự thật không phải Bảo Đại và tôi bỏ Hồ Chí Minh mà chính Hồ Chí Minh đã bỏ chúng tôi. Nếu Hồ Chí Minh không dùng chính sách đảng trị độc tài để cộng sản hóa toàn thể dân tộc Việt Nam thì tới bây giờ Bảo Đại vẫn còn là Cố Vấn Tối Cao của chánh phủ Hồ Chí Minh và tôi vẫn còn là một viên chức ngoại giao của Việt Nam. Chúng tôi không may có một ông chủ tịch đầy kinh nghiệm, đầy khôn ngoan, đầy tư cách lãnh đạo nhưng lại hoàn toàn nhuộm đỏ. Chúng tôi muốn sống trong tự do tín ngưỡng, tự do dân chủ nên chúng tôi phải ủng hộ một giải pháp quốc gia thuần tuý để chống lại nạn độc tài cộng sản” — Tuần báo Đời số 28, Sài Gòn 4-1970. 
(19) Tháng 8-1976, tại hội nghị các quốc gia không liên kết ở Tích Lan, Phạm Văn Đồng tuyên bố Việt Nam coi hết thẩy các quốc gia ASEAN lân bang như công cụ của đế quốc Mỹ và Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ nhân dân các quốc gia này đạt một nền “độc lập thật sự” — Hoàng Dung, Sau Bức Màn Đỏ, Tiếng Quê Hương 2007.
(20) Ngày 9-11-2004, qua đài BBC vẫn có những phát biểu về cuộc chiến Việt Nam tiêu biểu cho một não trạng tự hào u tối: “Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời là tất yếu của lịch sử. Trước khi Đảng Cộng Sản ra đời, đã có nhiều Đảng phái ra đời, nhưng có Đảng phái nào tập hợp nổi lực lượng để đấu tranh giành được độc lập cho dân tộc đâu…Còn sự nghèo đói và dốt nát là do mỗi người không tự cố gắng để vượt qua… Cuộc chiến Việt Nam là do Đảng Cộng Sản Việt Nam tiến hành nhằm chống lại Đế Quốc Mỹ muốn biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới… Đây là cuộc chiến của người Việt Nam chống chính quyền Mỹ.” và “Với chiêu bài "ánh sáng văn minh hiện đại cho một dân tộc nghèo", Mỹ dùng đôla, xe tăng, máy bay B52… mượn tay Ngô Đình Diệm đàn áp người dân nghèo, đem máy chém đi khắp nơi khủng bố tinh thần người dân chung dòng máu Việt Nam. Cho đến những tay sai sau này...đều chỉ vì túi riêng mà dựa vào thế lực ngoại bang hà hiếp người dân chung dòng máu Việt Nam. Ngày nay có những ngươ hưởng sự tự do của chính quyền hiện tại là Đảng Cộng Sản Việt Nam mang lại mà không biết lo báo đáp, chỉ biết nghĩ và đòi hỏi những lợi ích thấp hèn cá nhân …”
(21) Vũ Cao Quận — Gửi Lại Trước Khi Về  Cõi, Tiếng Quê Hương 2006.
(22) Nghị quyết đại hội V Đệ Tam Quốc Tế tháng 6-1924: “Điều mà chúng ta bắt buộc các đảng Cộng Sản phải làm là tìm cách vận dụng các phần tử dân tộc… Dĩ nhiên chúng ta không bao giờ chấp nhận các phần tử dân tộc … mà chỉ lợi dụng sự bất mãn của họ để phục vụ cuộc cách mạng vô sản”. Thực thi nghị quyết này, Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam do Hồ Chí Minh thành lập tại Quảng Châu đã nêu một tâm niệm cho các đoàn viên trên báo Thanh Niên số đề ngày 20-12-1926: “Dân tộc chỉ là màu sắc chứ không phải bản chất và chủ nghĩa ái quốc là một điều nguy hiểm”.
(23) Phan Bội Châu Niên Biểu — Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, Sài Gòn 1973.
(24) Võ Nguyên Giáp kể lại: “Tới Hà Nội gặp chúng tôi, cụ Huỳnh tỏ ra lo lắng về cái mà cụ gọi là tình hình “đảng tranh” hiện thời. Theo ý cụ thì Việt Minh, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội đều tranh đấu cho dân, các vị lãnh đạo đều là người yêu nước đã bôn ba hải ngoại, giờ phải đặt quyền lợi quốc gia lên trên, phải đoàn kết lại, không nên xung đột vì chuyện đảng phái.”— Võ Nguyên Giáp, Những Năm Tháng Không Thể Nào Quên, Nxb QĐND, Hà Nội 2001.
(25) Theo Stein Tonnesson, mức hy sinh nặng nhất về sinh mạng tại miền Bắc không do bom đạn của không lực Mỹ  mà do việc gửi quân vào Nam gần như không còn bao nhiêu người trở về. Stein Tonnesson còn cho rằng tác động chính từ các cuộc đánh bom của không lực Mỹ tại miền Bắc chỉ giúp cho nỗ lực của chính quyền miền Bắc động viên nhân dân hy sinh thêm. –– Stein Tonnesson, Hanoi’s long century — A companion to the Vietnam War, hợp tuyển của Marilyn Young & Robert Buzzanco, Blackwell Publishing, 2002.
(26) “Mối ưu tư của Hồ Chí Minh không phải là sớm khôi phục độc lập cho Việt Nam mà là bằng cách nào có thể giành đoạt và nắm chắc quyền lực tại Việt Nam”— Tưởng Vĩnh Kính, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc * Bản dịch của Thượng Huyền, Hoa Kỳ 1999.

Nguyễn Liệu giới thiệu truyện ngắn Con ​D​ao Con Chó.

Kính gửi quý anh chị một truyện ngặ́n của tác giả Nguyễn Liệu.
Qua truyện này, chúng ta có thể tìm lại được những hình ảnh cũ của từng khu vực của Sài Gòn trước năm 1975.
Caroline Thanh Hương

CON DAO CON CHÓ



linh
Truyện Ngắn
Tưởng nhớ cố thiếu tá quốc gia TRẦN HAI và anh em NGH ĨA QUÂN MỘ ĐỨC
Nguyễn Liệu
“ Họa, Mô Phật, chú về bao giờ ?” chị Hai thả con dao xắt chuối ngay giữa nhà, trố mắt nhìn tôi”. Tôi chưa biết trả lời sao. Chị nói liên tục gần như không cần câu trả lời. “ Cháu tưởng chú về Tam Kỳ không trở lại đây nữa, thấy chú đây cháu lại nhớ anh Hai” Chị dừng lại, nước mắt đầm đìa , đưa vạc áo lên lau mước mắt, chị nói tiếp : “ Chú ơi, anh Hai chết thê thảm lắm chú ơi”. Nói đến đây chị khóc thành tiếng. Tôi ngồi trên cái đòn đối diện chị phía bên kia cây chuối, nhìn ra cửa chính phía trước. Tôi cắn môi dưới để đè tiếng khóc. Ngày trước, nói ngày trước nhưng cách đây đúng 34 ngày, ngày đổi đời. Căn phòng này là phòng khách, giữa kê hai cái bàn dài ghép lại, hai bên ghế dựa, chen chúc với những chiếc ghế đẩu mặt tròn. Cách một cái màn, sát vách là bàn thờ sơ sài, ít khi thấy nhang khói. Gần như không sót một trưa chúa nhật nào không có bữa nhậu ở phòng này. Khách nhậu không cứ gì lính trong trung đội của chú Hai, có đủ thành phần, giáo viên công chức có, cả trưởng ty thanh niên, thuế vụ, nhất là các vua gà đá, các tay cờ bạc nổi tiếng trong vùng, đám sĩ quan trong chi khu, nhưng người lớn tuổi là tôi, tuy tửu lượng tôi bị chê trách chế nhạo hoài. Đám dân nhậu này rất hào sảng, vui vẻ, tất cả đều kính nể chú Hai.
Vóc người nhỏ thó nhưng rắn rỏi, cặp mắt to cân xứng với cặp lông mày rậm rạp, nước da đen cháy nắng, làm lộ hai hàm răng trắng thật trắng, và đều đặng. Chú ‘ chưởi thề’, luôn miệng. Ban đầu dân làng khó chịu, nhưng riết rồi cũng quen, đến nổi nghe chú nói chuyện thấy vui vui. Người ta kể hai chuyện giai thoại về chú. Đúng sáng mùng một Tết, các trung đội trưởng chào cờ đầu năm ở quận đường, chào xong chúc tụng gia đình vị thiếu tá đầu quận này. Chú bước vào phòng khách đông người lớn tiếng bô bô “Đụ má cây mai đẹp quá thiếu tá, cả ngày 30, tôi rông cùng núi ‘ đéo có cái con cặc gì hết’, toàn mai tứ quí đã tàn hết hoa”. Cả phòng khách bấm bụng nín cười. Thiếu tá kéo cái ghế mời chú Hai ngồi sát với vợ con nói chuyện vui vẻ. Chuyện thứ hai, chú lãnh lương trên đường về nhà, ghé nhà người lính của chú sát vệ đường. Vào nhà thấy ba đứa nhỏ sinh năm một, đứa lớn chừng 5 tuổi, tay ẵm em đang ngồi thổi lửa, nhưng lửa không cháy, thằng nhỏ vừa thổi vừa khóc, tro bay dính đầy mặt mấy em nó. Mẹ nó đang vội vã giã vài chén lúa để lấy gạo nấu cho các con đang đói khóc lệ nhệ. Chịu không nổi trước cảnh thê thảm của người mẹ và ba đứa bé, chú Hai miệng nói cà lăm, tay rút bóp túi sau : “ Chị.. chị ..chị….mua gạo nấu cho mấy thằng..thằng nhóc” chú để trọn cái bì thơ đựng tiền lương tiền phụ cấp mới lấy từ quận ra, trên cái đòn ghế cạnh bếp, rồi chú bước ra. Mẹ con gia đình người lính nhìn chú ngơ ngác, không hiểu gì hết. Chuyện thứ ba, mỗi lần chú xuất quân, thiếu tá quận trưởng gọi máy dặn kỹ phải giử sống địch, đưa về khai thác tin tức, tiểu khu luôn luôn chỉ thị điểm này, nhưng chú Hai không bao giờ nghe lời. Chú còn nói một câu rất hách, để đời : “Tui..tui..tui….không không quen giữ..giữ.. tù binh”. Về chú, nhiều người phục, nhiều người ghét, nên người ta thêm bớt nhiều chuyện có khi trái ngược nhau, chung qui người ta nể, và ớn sợ chú.
Chị lau khô nưóc mắt trên mặt, giật mình nói : “Để cháu nấu nước chú uống .” Tôi im lặng , khoát tay từ chối. Chị Hai lấy lại bình tỉnh, kể tiếp :
“Lúc này dễ rồi chú, những ngày các ổng mới vào kinh khủng lắm, cháu nghĩ anh Hai ảnh chết mà khỏe thân cho ảnh. Những ngày đầu cháu cũng muốn làm một muỗng Mi- tốc cho xong, nhưng nhìn ba đứa con còn nhỏ quá, không nỡ  đấy chú. Chiều hôm đó, cháu là người chạy sau cùng, cứ chờ ảnh về để ảnh ẵm bớt con cho cháu. Sau cùng cháu bỏ lại hết, chỉ đem theo hai lon sữa quân tiếp vụ, cõng một đứa, bế đứa nhỏ nhất, dắt đứa lớn nhất. Người ta chạy như kiến, cháu không thể theo người ta được, đành men theo mép lề đường. Pháo kích ầm ầm, kệ nó, cháu cứ đi. Đứa con lớn sợ quá nó khóc đòi cõng, cháu bực quá tát cho nó mấy tát, làm nó khóc rống lên không chịu đi nữa. Mới hết cánh đồng chừng ba cây số, mệt quá, khát nước quá, cháu chán nản, đành chịu chết, cháu quanh xuống đường ruộng về nhà bà ngoại sắp nhỏ.
Nhà bỏ cửa trống, không đèn lửa, không có ai trong nhà, mấy con chó hay sủa cắn bậy cũng đâu mất. Bỏ mấy đứa nhỏ ngoài sân, cháu chạy vào nhà, thì mới hay cha mẹ chị em cháu dọn sạch chạy từ hồi nào, chỉ còn bà ngoại cháu nằm rên hì hì trong buồng trong. Bà thở phì phào nói “ Nó đi hồi chiều, bà không chịu đi”…Cháu ở đó hai ngày ba đêm, không (đưa bàn tay ra đếm) tối hăm ba, ngày hăm bốn, tối hăm bốn, đúng hai đêm hai ngày. Thấy im lặng không có gì, cũng không còn nghe tiếng súng nữa, trực nhớ tối hôm chạy, quên lửng mấy con heo, không tháo chuồng thả nó, cũng không đổ nước cho nó uống cầm xác..cháu vội vã về. Ban đầu cháu định đi một mình, rồi trở lại, nhưng sợ sắp nhỏ dại ra ao sau vườn, nên cháu dẫn nó về, sau khi để tô cháo với cái muỗng trên đầu giường dặn bà cháu khi đói chờm múc ăn, rồi cháu sẽ trở lại gấp. Nghe nói về, mấy nhóc con mừng quá, nhất là thằng lớn reo lên, về gặp ba nó, sao ba nó mấy hôm nay không về nhà. Cháu nạt nó “ Câm cái miệng chó mầy lại, con nít biết gì mà nói” Thằng nhỏ bị la mếu máo chạy theo cháu.
Gần đến nhà, cháu thấy người ta láo nháo đông quá trước nhà cháu ngay ngã ba lên đồn Truông Dốc. Anh Hai cháu ảnh làm đại nhà ở lề đường ngay trước đường lên đồn, để ảnh chay lên chạy về cho gần. Chú biết ảnh mê đồn, thương đồn, hơn thương mẹ con cháu mà. Lại gần, thì ra lính lẫn lộn với dân, đang trói ba người đàn bà vào một đống, một người đang chắp tay lạy lia lịa. Vừa thấy cháu, trong đám đông la lớn “ Con mẹ ác ôn đây rồi, về đây đền tội.” Họ ùa đến cháu. hoảng hốt, không hiểu gì hết. Một người trạc năm mươi, mặt gằm gằm, không nói, đưa tay chỉ cháu, lập tức hai chú du kích dây đâu sẵn trong tay, trói chặt hai cánh tay cháu riết mạnh về phiá sau. Cháu như người chết, không biết gì nữa. Ba đứa con cháu nó khóc thét lên, ôm chầm hai ống quần cháu, đứa nhỏ đưa hai tay nhón người đòi bế. Người mặt gằm gằm đưa tay chỉ ba đứa nhỏ, một người lính bước tới, dừng lại, nghĩ gì.. rồi lại thôi. Cháu bớt hoảng hốt nhìn lại, thì ba người đàn bà bị trói đang khóc, đang chắp tay lạy kia, là thím Bảy Tình, bà Thiện mẹ thằng Chín Còi truyền tin, và vợ anh Năm trung liên, chồng con họ là lính của anh Hai. Họ kéo ba người một xâu đến gần cháu cột chung vào đầu mối dây, trói ké cháu. Biết chết đến nơi rồi, cháu lại bớt bối rối, hơi tĩnh lại, nhìn ba đứa con khiếp đảm đang quấn chặt hai chân cháu.
Tự nhiên đám đông tản ra, chừa chỗ cho ông chủ tịch xã bước vào. Trời ơi, chú biết không, ông già Năm Xùi làm chủ tịch. Ông già này nghèo lắm, chỉ có đứa con gái điên hay mặc quần áo rách tả tơi, đủ màu, ví trẻ con chạy cùng xóm, bị nghĩa quân bắn chết trong giờ giới nghiêm năm nọ. Ông làm giao thông xã, hay đi loa tin tức của làng. Anh Hai thường cho ổng các lon tiếp liệu ‘thịt ba lát’ quá hạng, ăn không hết, với thuốc Basto xanh quân tiếp vụ. Ông già này thường vào nhà cháu như người nhà, gặp gì ăn nấy. Thế mà theo cách mạng hồi nào không ai biết, nay làm tới chủ tịch xã. Thấy cháu ông ngó lơ chỗ khác. Ông có vẻ mệt mỏi, thiếu ngủ. Ông nói nhỏ gì với người chỉ huy trong đám, rồi hai người kéo ra ngoài xa nói chuyện. Một tia hi vọng lóe vào trong đầu cháu. Hai người chầm chậm đi trở vào, hình như có cái gì hơi làm khó nghĩ cho họ. Nhìn cặp mắt ông già thấy như có cái gì dấu kín sự thương hại lo lắng cho cháu. Chút hi vọng của cháu trong nháy mắt tan biến hết. Cháu sợ. Thật sự cháu sợ.
Trời ơi ! chú biết không. Ông già đứng trước mấy người chúng cháu nói lớn : “ Mọi người im lặng nghe tôi nói.” Chờ không có một tiếng ồn, chỉ còn nghe tiếng ho ho của các ông bà già ngồi lâu dưới nắng chiều oi bức. Ông lên giọng : “ Tôi mới vừa làm việc với đồng chí xã đội, nhất trí đưa mấy gia đình có nợ máu với nhân dân lên đồn Truông Dốc gỡ mìn của bọn ác ôn. Đây là một khoan hồng của chánh phủ Cách mạng, đạo đức của Hồ chủ tịch vĩ đại, đánh kẻ chạy đi, không đánh người trở lại. Nếu trong lúc công tác cách mạng này, người nào bị mìn chết hoặc bị thương, thì được Đảng, nhà nước vinh thăng là liệt sĩ, là gia đình liệt sĩ, có đầy đủ quyền lợi như những đồng chí liệt sĩ ngoài mặt trận.” Ông vừa dứt lời, mọi người vỗ tay như pháo nổ. Người xã đội trưởng vẫn im lặng, mặt gằm gằm. Hồn vía cháu lên mây. Mắt đổ đom đóm. Cây cối, nhà của, người chen chúc quay tròn chung quanh cháu, không thấy gì nữa. Một người nắm tay cháu kéo đi trước. Cháu đi như một khúc cây được người ta kéo đi, không còn ý thức gì nữa. Lên cao dần, gió man mát, cháu nhận định được cháu đi gỡ mìn, cháu đi chết. Chú ơi, tự nhiên cháu tỉnh hẳn. Không thấy con đâu, cháu quanh người trở lại, đám đông dừng từ hồi nào, có lẽ con cháu cũng đứng ở đó. Một thoáng nghĩ, con cháu được sống không bị chết chung với cháu.Cháu mừng hẳn. Nhưng cháu lại sợ, quá sợ, biết còn chừng vài bước nữa là vĩnh biệt con cháu, là cháu chết. Người run toàn thân. Mấy người bị trói đi theo cháu mặt xanh xám xịt như xác chết, run quá, như cái dây trói bị rung dựt. Thì ra ông xã đội và một du kích dắt chúng cháu lên gần cổng đồn cách chừng trăm thước. Họ dừng lại, chúng cháu dừng lại.
Đường lên đồn quen thuộc, vì nhiều lần cháu đem cơm cho chồng cháu trong những ngày giới nghiêm, những ngày Tết, chồng cháu túc trực đêm ngày tại đồn dù có lệnh đình chiến đôi bên. Cháu tin chắc chồng cháu đã chạy thoát, và sau này sẽ tìm cách gặp lại các con cháu và nuôi dưỡng dạy bảo chúng nó. Nghĩ đến đó, cháu hơi yên tâm. Tự nhiên trong người lạnh quá cháu run lập cập. Cháu xác định cháu còn giây lác trên cõi đời này. Chú ơi, cháu khóc, cháu tiếc quá, chưa sống bao nhiêu, bây giờ phải chết trong khi chưa tới số phải chết. Chết trong lúc khỏe mạnh, trong lúc thèm sống, trong lúc đang thương yêu chồng con dạt dào. Cháu nghĩ đến cha mẹ cháu, đến bà ngoại mà cháu đã bỏ bà nằm chết trong tẻ lạnh, đơn côi.
Tiếng nói chắc nịch chậm rãi của ông xã đội làm cháu trở lại thực tại. Ông đưa tận tay cháu một cái kiềm loại kiềm bấm kẽm gai và bảo : “Chị đi thẳng vào đồn. Đến cổng đồn cẩn thận bọn chúng gài mìn và lựu đạn. Khi cắt khóa vào cổng chị phải quan sát kỹ, sơ hở là chết. Tôi biết bọn ác ôn này gài mìn giỏi lắm, ác lắm. Nếu thấy cái dây gì nghi ngờ chị nhẹ nhàng cắt đứt. Khi chị vào được trong sân đồn, chị khuyên chồng chị đầu hàng nhân dân, đầu hàng cách mạng, sẽ được khoan hồng như tất cả bọn nguy quân ngụy quyền khác. Chị hiểu chưa, nhớ chưa. Nếu chồng chị ngoan cố, chúng tôi, nhân dân không tha thứ, và quân đội nhân dân sẽ tiêu diệt.” Cháu hơi hoàn hồn vì biết không phải gỡ mìn cả bãi mìn, mà chỉ gỡ mìn ở cổng đồn, và chính là làm bia đi trước để chồng cháu tử thủ đồn khỏi bắn ra, hoặc cháu làm bia đở đạn cho quân cách mạng đang bao vây chung quanh đồn. Tuy hiểu vậy, cháu vẫn run sợ. Nói xong dặn lại lần nữa, rồi ông xã đội cùng người lính du kích mở dây trói chúng cháu, bỏ chúng cháu, đi trở lại. Thì ra chồng cháu không chạy trốn, quyết ở lại tử thủ. Chắc chắn chồng cháu sẽ nghe cháu để bắt đầu làm lại cuộc đời, có chồng có vợ, có cha có con, sống an phận như những bà con xóm làng ở nông thôn.
Bổng tiếng loa bốn phía réo lên xé tan không khí im lặng rùng rợn, chết chóc. Tiếng loa kêu gọi chồng cháu đầu hàng, để được khoan hồng. Tiếng loa báo cho những người tử thủ trong đồn biết, bốn người đàn bà sắp vào đồn là vợ của trung đội trưởng ngụy quân, và vợ đám ngụy quân còn ngoan cố ở trong đồn. Nếu không bỏ súng đầu hàng, thì quân đội nhân dân không tha thứ, và sẽ san bằng, biến thành mồ chôn đám ngụy quân ngoan cố, và vợ con gia đình có nợ máu. Loa gọi lung tung, làm cháu hoảng hốt lo lắng, đừng bày những nghĩa quân trong đồn nhất là chồng cháu nổi nóng nổ súng thì hết cứu chữa. Cháu hồi họp quá. Đang bước từng bước chậm để kéo dài những phút chót của cuộc đời, cháu lại vội vã đi nhanh hơn, nhưng mấy người sau cháu như họ đã chết hồi nào chỉ còn các xác không hồn lê theo cháu. Thật tội nghiệp cho họ, chú ơi, cháu muốn bảo họ nằm xuống ở lại, một mình cháu hi sinh vào cũng đủ, nhưng hình như họ không hiểu gì hết, và họ vẫn theo cháu đi.
Đến cổng một thước tây, cháu đứng lại quan sát. Cháu nín thở trừng mắt quan sát rất cẩn thận, không thấy một cái gì khả nghi, không một sợi dây, không một dấu đất mới lấp . Hai cánh cửa làm bằng kẽm gai buộc chặc bằng cái xích sắt, khóa bằng một cái khóa lớn bên trong. Ban đầu định cắt ống khóa, nhưng không dám chờm vào trong, cháu lại định bấm kẽm gai, chun vào, nhưng cũng thấy trở ngại, nó sẽ rung cánh cửa và biết đâu nó động nó nổ thì xong đời. Miệng vừa nói ‘ nằm xuống!’ như một lệnh, tay cháu chận đầu ba người theo cháu nằm xuống để cháu cắt kẽm gai. Ba người nằm rặp mặt úp sát đất. Chú ơi, cháu vừa đưa cái kiềm vào sợi kẽm gai ngoài cùng, tay run quá, cháu bấm không được. Cái kiềm tuột tay rớt xuống đất, cháu nhắm mắt, nằm xuống, hứng tiếng nổ, nhưng không thấy gì hết, cháu ngóc đầu lên, trời ơi ,chú ơi, cháu thấy cái cửa nhỏ một bên vừa đủ một người đi qua bỏ trống, không khép cánh, hình như có ai ra vào quên đóng cửa nhỏ bên hông. Cháu mừng quá, không lượm cái kiềm, cháu chạy đại qua cái cửa bỏ ngỏ này vào trong, an toàn.
Cháu lại dừng lại, sợ bên trong bắn ra. Dừng lại la lớn : “ Anh Hai, em đây, em Huyền đây, đừng bắn, em đây, em Huyền đây.. la lớn, hét lớn, không thấy động tỉnh gì hết. Cháu vừa vào vừa la lớn mắt đăm đăm lên chòi gát cao, nơi đặt trung liên, không thấy bóng dáng gì hết. Tất cả im lặng một cách rợn người. Lá cờ vàng ba sọc vẫn phất phới trên chót đỉnh. Nhìn xuống bồn cột cờ, trời ơi, từ xa cháu đã nhận dạng anh Hai đang nằm. Như điên như dại, cháu chạy ùa tới la lớn anh Hai anh Hai ! Chú ơi !, thì ra anh Hai chết từ hồi nào, chú ơi ! đầu vẫn đội nón lưởi trai ngã quẹo qua một bên, cả thân người nằm cong queo trên bục cấp bồn chân trụ cờ. Khẩu súng lục rớt sát bên ngực, máu từ ngực chảy ra đã đông cứng màu thẩm đen. Cháu ngã người lên xác anh Hai bất tỉnh . Mấy bà chạy sau cháu đở cháu dậy, nói cho cháu biết anh Hai đã chết rồi. Cháu hoàn hồn, bảo mấy bà chạy ra ngoài tin cho mấy người ngoài đồn biết trong đồn không còn ai chỉ có xác chết anh Hai. Họ đi ra lâu lắm, không thấy động tỉnh gì. Thì ra anh Hai tự tử bắn vào tim toát một lổ lớn xuyên qua lưng máu chảy nhuợm đỏ xẩm vạt áo trước, súng rớt bên cạnh, kiến bu đầy người mà cháu không biết. Mắt anh như không khép kín lại được, da anh xám như chì. Cháu rút cái ví ở túi quần sau , một cái dao xếp trong túi quần dưới ống chân. Lính bên ngoài thận trọng tiến vào, súng lăm lăm lục soát quanh đồn, một số bao vây xác chết anh Hai. Một người lính dựt cái ví và con dao trong tay cháu, rồi bỏ con dao lại, lấy cái ví, nói với cháu để điều tra.”… Kể đến đây chị như kiệt sức, không còn nói được nữa, úp mặt vào hai bàn tay khóc nức nở.
Tôi an ủi chị. Hai chân tê cứng, tôi gắng đứng dậy vào bàn thờ thắp cây nhang. Không thấy ảnh anh Hai tôi hỏi nho nhỏ : “ Không có ảnh trên bàn thờ” Chị nín khóc : “ Không có, mấy ngày vắng nhà, họ dọn sạch, không còn cái chén ăn cơm, không còn cái gáo múc nước. Hôm chạy cháu bỏ lại hết, chỉ lo ba đứa nhỏ thôi, khi về còn cái nhà trống. Thấy cái dao con chó đặt trên cái dĩa trên bàn thờ, tôi nhè nhẹ cầm lên, nước mắt tôi tuôn chảy, tôi khóc. Chị liền nói : “ Chú là người thân nhất, người chết sống với chồng cháu, nên chú giữ lấy con dao, kỷ niệm duy nhất của anh Hai. Ở đây nhà có ba đứa nhỏ cháu sợ nó lấy chơi bậy bạ rồi bỏ mất,hoặc nguy hại cho nó. Chú giữ giùm cho cháu đi. Chú là người đáng giữ kỷ niệm của anh Hai. Tôi cẩn thận bọc con dao trong túi quần, rồi lặng lẽ ra về. Chiều xuống, yên lặng, nặng nề như thường lệ, không có gì đổi thay.
Từng bước chầm chậm, thẫn thờ theo con đường mòn về nhà cũ. Một vài người ngoài đồng về trễ dáng đi nặng nề mệt mỏi. Tôi men theo đường ruộng đi tắt về nhà tôi ở cách xa con lộ chìm khuất trong hàng tre xanh đen của buổi chiều mặt trời vừa tắt. Bước vào sân nhà tôi không ngạc nhiên vì chị Huyền vợ anh Hai cho biết gia đình tôi đã về Tam Kỳ, quê ngoại. Tôi lặng lẽ vòng cửa sau vào nhà. Trong nhà chỉ còn cái bàn thờ cha tôi, một ít đồ lặt vặt dưới bếp. Cái vò nước uống, đầy nước. Cái gáo dừa úp trên miệng vò.Tôi ực ực một hơi mấy gáo nước mát lạnh. Bụng no cứng. Tỉnh táo hẳn.
Ngồi trên chiếc đòn ghế dựa lưng vào vách ở nhà bếp tôi cảm thấy dễ chịu qua một ngày uể oải. Cấn cấn ở túi quần tôi móc lấy con dao của anh Hai. Tôi bổng cười lên tiếng, nước mắt tôi lại tuông ra, “Được, Được !, xứng đáng là anh Hai, xứng đáng là anh Hai, người hùng Truông Dốc, người hùng nghĩa quân, ngưòi hùng quốc gia.” 
Có lần anh Hai tâm sự với tôi anh quí con dao này hơn bất cứ thứ gì trên cõi đời này. Anh bảo nó đã cứu mạng anh biết bao nhiêu lần trên cuộc sống bụi, hư hõng của anh lúc còn nhỏ, lúc ở cầu Muối, ở cầu Ông Lãnh Sài gòn. Anh bảo anh gốc người Núi Sập,Châu Đốc. Năm anh mười tuổi. Trong một đêm tối trời, nửa đêm, người ta ào ào vào nhà cha mẹ anh giết sạch cả nhà. Cha mẹ anh bị chặt đầu trước sân. Con em kế anh bị đâm lòi ruột vứt xuống ruộng trước nhà. Anh may mắn tối đó ở nhà ông Bác bên cạnh nghe cải lương khuya quá, ở lại ngủ, không về, nên còn sống sót. Ông bác không muốn anh ở quê nhà thù oán, nên đưa anh lên Sài gòn ở mướn giúp việc nhà cho người bạn ở kho Năm, Khánh hội. Anh nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ em, khóc suốt ngày, không chịu làm việc. Bà chủ la rầy không có kết quả, nổi giận bà đánh cho mấy tát tai. Tức quá, anh hết khóc, ăn cắp cái đồng hồ đeo tay của bà chủ và con dao xếp lưỡi, hiệu con chó, cán mở ra xếp vào, có cả cái lò xo xoắn mở nút chai. Bỏ nhà ra đi, nhập bọn con nít ăn xin ở chợ cầu ông Lãnh. Anh cho biết anh ốm gầy, đen thui, nhưng rất khỏe. Bọn ăn mày lớn tuổi hơn, nạt nộ ăn hiếp anh, không ngần ngại anh đâm cho một lưởi dao thấu bụng. Rút dao, lau máu, dấu trong quần chạy trốn lên chợ cầu Kho, an toàn. Ở đây anh nhập bọn chú sáu Lỳ đi ăn xin ăn cắp, chiều về đóng “ tiền xế” cho chú. Hơn một tháng anh bực bội quá tiền kiếm cả ngày không đủ cúng lên cho Sáu Lỳ. Vô cớ, đang vui vẻ trước sáu Lỳ cùng đồng bọn, anh rút dao nhanh như chớp, đâm túi bụi vào bụng tay trùm anh chị này. Tướng dềnh dàng to lớn sáu Lỳ không kịp la lên một tiếng, ngã quị như cây chuối bị đốn, máu chảy đầy chợ. Bọn ăn mày cút mất dạng. Khi cảnh sát đến thì Sáu Lỳ còn là cái xác không hồn. Người trong chợ vui mừng đỡ được cái nạn cướp bóc, cảnh sát nhẹ người khỏi cần điều tra. Nhưng anh Hai lại trốn về lại cầu ông Lãnh. Bọn du côn cầu ông Lãnh lại tôn anh làm đại ca, lúc ấy anh mới có mười lăm tuổi. Anh cho tôi biết sở dĩ có nhiều thằng gan lì khỏe hơn anh nhưng vẫn bị anh đâm, vì thấy một tên bụi đời nào có vẻ nghênh nghênh trước mặt anh là anh đâm liền không cần nguyên cớ. Anh nói “Đụ đụ mẹ nó nghinh nghinh là …là..tui..tui cho một nhác dao ngay, rồi chạy, cảnh sát…đéo ..đéo.. làm cái cái con cặc gì”. Anh còn cho biết mỗi lần đâm được tên nào, rồi bỏ tẩu, khi bình tỉnh lại, anh liền khắc một vạch sâu vào cán dao con chó này. Anh đưa tôi xem cán dao của anh khắc ngang dọc đếm không xuể. Đó là thành tích giang hồ của anh, sau khi gia đình bị thảm sát.
Năm 17 tuổi, anh tình nguyện đi lính biệt động quân. Anh kể cho tôi nghe đêm anh từ giả bạn bè, có cả bạn gái giang hồ, tại chợ Cầu Muối đường Nguyễn thái Học Sài gòn. Anh gọi là “đêm Tắm rượu”, thật là hào hùng, như những vị anh hùng trong Thủy Hử. Anh rất khoái trá khi kể cho bạn bè nghe những chuyện trên và nhất là cái đêm tắm rượu mà anh nghĩ rằng không bao giờ có thể có lại.
Khi anh kể cho tôi nghe những trận đánh của anh khi anh ở biệt động quân và anh chỉ những vết sẹo trong người anh, tôi mới thấy rằng những thành tích chiến trận của tôi mà lâu nay tôi và bạn bè tôi tự hào, không thấm vào đâu. Anh nói với tôi, và tôi cũng chứng kiến nhiều trận có tôi tham dự khi tôi về làm trung phó của anh. Rất ngạo mạn anh bảo : “ Thằng Hai này, suốt đời binh nghiệp, ra trận chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nằm.” Quả như vậy nên nhiều người bảo anh có bùa ngải, tôi không tin. Vì điểm can trường liều lĩnh chưa ai có, nên cấp trên rất cưng chiều anh, nhất là các vị quận trưởng luôn o bế và gần như dành cho anh một qui lệ riêng.
Tuần lễ cuối cùng, trung đội tôi đào ngũ hết 5 người. Bọn nó trốn cùng với gia đình di tản trước. Anh nổi điên bảo tôi đi kiếm bọn nó về cho anh bắn treo xác lên cột cờ để cảnh cáo bọn hèn nhác trốn không dám chiến đấu. Anh gầm thét như con hổ đói, làm chúng tôi sợ sợ anh làm ẩu. Tôi luôn an ủi xoa dịu anh, nhưng gần như không hiệu quả. Một hôm thằng Hưng, hỗn danh là “ Năm trung liên” nhớn nháo vừa bước vào đồn nói đài Hoa Kỳ mới nói quân đội quốc gia rút lui, Quảng trị bỏ ngỏ, và người ta tiên đoán tổng thống Nguyễn văn Thiệu, đại tướng Trần thiện Khiêm chuẩn bị chở vàng đi trốn ra nước ngoài. Vừa nghe thằng Hưng nói tôi liền chận nó lại, bảo đừng vào trong và câm miệng đừng phát ngôn bừa bãi, nhưng trễ quá rồi, anh Hai nhào tới đánh túi bụi thằng Hưng, rút súng lục định bắn tôi nhào tới ôm chặt anh Hai, tôi vật với anh một hồi, anh em đuổi thằng Năm trung liên ra ngoài và xúm nhau năn nĩ anh Hai bảo nó nói bậy không có việc đó. Anh Hai nói phun nước bọt cà lăm cà lặp : “ Tui…tui..bắn bể óc thằng chó ..chó..chó nào nói xấu quân..quân…đội đội đội, thằng chó chó nào nói xấu tổng thống.. thống..” Tôi đi dặn từng người một, không được nói tin tức, dù nghe trong ra di- ô trước chú Hai. Nếu không theo lời tôi, bị chú bắn chết rán chịu. Chú đã từng bắn chết nhiều người rồi, mới tình nghi là địch, chú bắn ngay, không cần xem lại. Từ hôm đó , bọn chúng không đứa nào dám lảng vảng trước mặt chú Hai, như con cọp điên.
Ngày 23, ngày định mệnh, ngày cuối cùng, trên đồn Truông Dốc còn có tôi và chú Hai. Tôi nghe thầm thầm trong radio, đài BBC, đài VOA, tôi biết chắc tình thế quá nguy ngập. Quảng trị thất thủ. Huế thất thủ. Đà nẳng di tản. Nhất là lời tường thuật về sự tháo chạy của quân đoàn II, Pleiku, còn hơn sự tháo chạy của quân Đức quốc xã mặt trận Tây Âu, khi Hitler đã tự tử. Tôi định khuyên chú Hai nên rút lui để tránh sự tàn sát của địch, nhưng không thể mở miệng vì trước cặp mắt đỏ như máu của chú và tay lăm le khẩu súng Col 12. Tôi sợ, thật sự tôi nể sợ chú, như nể sợ một vị anh hùng ở phút thác loạn. Mấy lần định nói, nhưng lại thôi, vì tôi nghĩ một băng 6 viên đạn Col đỏ chói sẽ xé nát đầu tôi, trước khi đồn thất thủ.
Bổng chú kêu tên tôi, rồi chú ra bồn trụ cờ, ngồi ở bậc trên cùng. Tôi theo chú . Chú bảo, lần này chú nói rất chậm không cà lăm. Lần đầu tiên tôi nghe chú nói không cà lăm cà lặp. “ Chia tay chú, chú về đi, ra cổng khép kỹ, gài cho tôi mấy quả lựu đạn. Nhớ nhé, nhớ gài lựu đạn, chào chú”. Tôi quá bất ngờ, sửng sốt như bị thôi miên, tôi không nói được một tiếng nào ở giờ phút khủng khiếp ấy.  Như cái máy, tôi ra cổng trước, khoá kỹ. Tôi dừng một lát. Trăng mờ mờ trong mây. Dưới xa, dưới lộ xa đoàn người di tản khi chiều còn tiếp tục. Tôi bất tuân lệnh . Tôi không gài lựu đạn, nghĩ rằng, biết đâu để cửa an toàn cho chú chạy khi cần trong đêm nay. Có lẽ rối trí tôi quên khép cánh cửa nhỏ bên hông, vì tôi không trở lại nữa.
Tiếng máy bay trực thăng bay rất thấp. Trên trời, lệnh của đại tá tỉnh trưởng nghe rõ mồn một, “ Tôi, đại tá tỉnh trưởng ra lệnh cho các quận trưởng, các trưởng đơn vị quân đội, tự động di tản cùng với đồng bào, không chờ lệnh thượng cấp nữa.” Có lẽ lúc đó là giờ phút bi thảm tuyệt vọng nhất của vị anh hùng Trần Hai, kết thúc cuộc đời ngang dọc sau khi nghe lệnh từ không gian tỏa xuống.
Nguyễn Liệu


Bài của Nguyễn Liệu về “cái bằng tiến sĩ”

Năm 1976, chấm dứt chiến tranh, bác sĩ Tôn thất Tùng, một bác sĩ giỏi, học tại Pháp, kẹt trong kháng chiến, rồi phải phục vụ cho Việt cộng, đã mạnh dạn viết bài báo đề nghị bác sĩ Việt cộng được đào tạo trong chiến tranh, phải thi và học lại. Nếu không học lại hoặc học mà thi không đậu, thì không cho hành nghề vì không đủ tiêu chuẩn của một bác sĩ.
Tôn thất Tùng, một đảng viên cộng sản, cũng phải đợi gần 80 tuổi mới liều mạng nói một sự thật mà đã cắn răng chịu đựng gần hết cuộc đời… Bởi vì chính ông đã chứng kiến đã đào tạo những đảng viên trung kiên, dốt nát trong 6 tháng trở thành bác sĩ y khoa, đáng lẽ phải đào tạo từ 6 năm đến 15 năm sau khi tốt nghiệp trung học.
Tại sao không gọi y tá mà phải gọi bác sĩ. Đó là đặc điểm của ….

Dốt nhất, nghèo nhất, ít suy nghĩ nhất, ngu nhất, là những yếu tố căn bản của đảng viên trung kiên cộng sản.
Mac và Engels quan niệm, con người ngu nhất, nghèo nhất là con người trung thành nhất. Giai cấp bần cố nông, công nhân thấp nhất, là giai cấp tiên phong của đảng cộng sản, ngoài ra là những giai cấp phản động, muốn dùng chúng phải cải tạo chúng theo giai cấp tiên phong.
Từ ngày có đảng cộng sản Việt Nam, người có học bị xem là kẻ thiếu trung thành, kẻ phản bội, cho nên lãnh tụ Mao trạch Đông quá mặc cảm dốt nát đã nói thẳng thừng “Trí thức không bằng cục phân”. Câu nói đó trở thành một nguyên lý cho đám cán bộ lãnh đạo cộng sản. Câu nói của Mao trạch Đông đó làm cho người lãnh đạo cộng sản tự tin rằng mình có giá trị, có bản lĩnh, có đạo đức cách mạng vô sản, vì mình không phải là trí thức, tức mình hơn cục phân. Nhiều lần tôi đã nói, nếu Hồ chí Minh là một trí thức như cụ Phan châu Trinh, như Nguyễn thế Truyền,… thì không bao giờ được làm bí thư của đảng cộng sản Đông dương. Thiếu bằng cấp, dốt nát, là một lợi khí tốt để cho Hồ chí Minh bước lên nấc thang lãnh đạo đảng cộng sản.
Tôi, người viết bài này, đã chứng kiến trước mặt, cái cảnh thê thảm của người lỡ có bằng cấp, muốn được đảng tin không biết làm sao xóa bỏ cái lỡ hiểu biết của mình. Cố nhiên họ một mặt không dám đọc sách, nhất là sách ngoại ngữ, vì giai cấp bần cố nông, bọn ăn mày ăn xin ngoài chợ, không làm chuyện đó. Hình thức thì có phần dễ, họ ăn mặc rách rưới, để thân thể cho dơ dáy, ngồi cạnh họ phải có mùi hôi của dân lao động chân chấm tay bùn. Ngôn ngữ rất khó, họ sợ hai chữ lãng mạn của lớp tiểu tư sản. Ví dụ họ không dám nói “ trăng đẹp, hoa hồng đẹp, Tây Thi đẹp …” mà thường nói cho nhiều người nghe “ đống rơm của bác đẹp quá, các luống cày đẹp quá, hố ủ phân tuyệt đẹp. Bác (Hồ chí Minh )cầm cây cuốc đẹp quá, chú Đồng nhỗ cỏ đẹp quá…chị nuôi bản lĩnh quá, đẹp quá, chị du kích đứng gác đẹp quá v.v…Bởi vậy Chế Lan Viên mới viết “ Một lỗ hầm chông đẹp hơn vạn đoá hoa hồng”, Tế Hanh viết “ Năm nay anh trồng cây bưởi góc nhà”. Tôi chắc chắn trên 100% những người có học, không cần nhiều, cỡ lớp đệ tứ niên ngày xưa trở lên, nếu kẹt trong chế độ cộng sản từ 1945 đến 1975 đều ít nhiều phải đóng kịch như thế ( Các thầy Hoàng Tuỵ, Lê trí Viễn, Nguyễn thiện Tụng, Phan Thao ( con cụ Phan Khôi) Trần tế Hanh……đã qua thời kỳ cố lột xác như thế. Nếu không lột xác thì không được vào đảng)
Sau năm 1975, hết chiến tranh, cộng sản về thành, nhất là thành phố Sài gòn. Đám cán bộ trung cấp và cao cấp từ Bắc vào, từ núi xuống, từ bưng biền ra, chới với trước nép sống có văn hóa của người dân miền Nam, chế độ cũ.Sự ngớ ngẩn dốt nát lố bịch của đám cán bộ đó đã làm cho dân chúng miền Nam khinh khi, và đã có nhiều chuyện tiếu lâm ngày nay vẫn còn truyền.
Từ chỗ học tập làm cho giống lớp bần cố nông để vào đảng, nay cũng những cán bộ đó học tập làm cho giống lớp tiểu tư sản, lớp có tiền, lớp trí thức…
Bắt chước cách ăn mặc của lớp tiểu tư sản thì dễ, chỉ cần trước hết, liệng ném cái nón cối, bỏ hẳn đôi dép đế xe hơi gọi là đôi dép bác Hồ (đế xe hơi làm đôi dép nguyên là của cu li kéo xe, người đổ thùng cầu tiêu,… họ quá nghèo, không có tiền mua đôi giày, nên lượm đế xe hơi bỏ làm giầy, và những người này là trung kiên của đảng cộng sản, là cán bộ lãnh đạo đảng cộng sản sau đó. Cụ Hồ bắt chước họ, cho giống họ, nên dùng đôi dép đó chứ Hồ chí Minh không sáng chế ra đôi dép đó, thế mà gọi là dép bác Hồ bác cũng nhận bừa, không cần đính chính, đó cũng là tính chất của…).
Họ, cán bộ cộng sản, xa lánh ngay lớp bần cố nông nghèo đói… Ngày trước cán bộ cộng sản nếu kể lai lịch cha mẹ ông bà có người đói, người làm mướn, người ăn xin ăn mày, thậm chí có người chết đói, thì họ rất hãnh diện vì họ thuộc thành phần tốt nhất, vô sản nhất, lành mạnh nhất, trung kiên nhất. Ngày đó nếu cán bộ nào có cha mẹ, bà con, ông bà, là người khoa bảng, làm quan, thì xem như kẻ phản bội.
Bởi vậy dù cố gắng tới mức nào, Phạm Tuyên con quan thượng thư Phạm Quỳnh, Bùi Tín con cụ thượng thư Bùi bằng Đoàn, Hoàng Tụy con cháu tướng Hoàng Diệu , nhiều lắm là làm nhạc sĩ , làm báo, làm giáo sư khoa học, không bao giờ được vào hàng ngũ cán trung kiên của đảng.
Từ ngày họ bắt chước người tiểu tư sản người trí thức thì họ cố tập cho ra lớp người này. Về ăn mặc, nói năng, kiểu cách ăn chơi, tiêu tiền, lễ nghi v…v.. dù sao cũng dễ bắt chước nhất là bắt chước sự ăn chơi sa đọa thì rất dễ. Nhưng bắt chước có trình độ hiểu biết thì thật là khó, gần như vô vọng.
Để khắc phụ sự khó khăn đó, đảng chủ trương cho học tại chức, học không cần đến trường, học không cần đọc sách, học không cần làm bài, và một năm có thể ghi danh vài ba lớp. Phải cần 12 năm để học hết trung học, đảng cho học hai năm hết trung học. Bằng cử nhân bằng tiến sĩ cũng vậy cũng học tại chức.
Phe chiến thắng mà bị dân chúng chê dốt, đó là điều đau khổ nhất của Việt cộng. Đó là lý do bằng tiến sĩ mọc lên như nấm. Thêm vào đó, phong trào thi đua tham nhũng phát triển mạnh. ‘Ngành ngành tham nhũng, người người tham nhũng’, thì bằng cấp không cần ghi danh chờ thời gian nữa, mà có ngay, nếu có số tiền qui định.
Cán bộ cộng sản, nhà cửa có rồi, xe cộ có rồi, tỳ thiếp có rồi, bỏ nón cối, bỏ áo lãnh tụ, bỏ đôi dép Bác Hồ, ăn mặc kiểu tân tiến, kiểu Mỹ, tiệc tùng, uống rượu, cà phê, uống trà, nhảy đầm, theo kiểu bọn quí phái phong kiến ngày xưa….Nhưng còn thiếu trình độ học vấn để nông dân, dân lao động không khinh bỉ “dốt mà làm sang” nên phải có mảnh bằng. Đã mua thì chịu tốn mua thứ cao nhất tốt nhất, và do đó bằng tiến sĩ đảng bán đắt như tôm tươi.

Một đề nghị thực tế..
Tôi hoàn toàn đồng ý với đảng cộng sản ồ ạt sản xuất bằng cấp để đánh tan thành kiến “cộng sản là bần cố nông”.
Trước năm 1954, dân chúng ở Quảng ngãi có ý khinh thường đám cán bộ đảng thường nói “ bọn bcn, tức bọn bần cố nông”. Không riêng gì ở Việt nam ở Cuba, Bắc Hàn ngày nay tiến sĩ bác sĩ đầy đường đầy sá, không làm gì cho hết. Bởi vì học rút ngắn thời gian, hạ thấp chương trình, và ưu tiên cho đảng viên không có thì giờ đi học và không biết chữ, hoặc biết sơ sơ, nhưng cần có bằng tiến sĩ.
Để khỏi gây tác hại cho dân chúng, tôi đề nghị, đảng không nên khuyến khích đảng viên cán bộ đảng nhận bằng tiến sĩ về y học, khoa học. Vì hai loại này có thể đưa đến chỗ giết người vì không thực học.
Tôi còn nhớ rất rõ năm 1984, ra khỏi tù tôi về Saigon. Con tôi bị sốt tôi nghi là sốt xuất huyết tôi đem vào bịnh viện nhi đồng. Theo lời khuyên chân thành và khẩn cấp của dân chúng, tôi thức trắng đêm bên giường bịnh, để canh chừng bác sĩ. Lúc đó bịnh viện Sài gòn có hai loại bác sĩ, một loại của chế độ cũ còn lại, một loại tập kết mới về, loại bác sĩ Tùng đã cảnh báo cho dân chúng biết. Tôi canh chừng nếu bác sĩ tập kết về khám bịnh hoặc chích thuốc cho con tôi, thì lập tức tôi cản không cho, và tôi cũng canh chừng nếu đứa nhỏ không sống được tôi phải bảo vệ xác chết của nó cho được toàn vẹn, đó là lời khuyên của đồng bào miền Nam.
Cấp bằng tiến sĩ không gây tác hại cho dân chúng, nên chọn những loại như văn chương nghệ thuật, phong tục, v..v… càng viễn vông càng mơ hồ càng tốt. Tôi rất phục <mime-attachment.gif> TÔ HUY RỨA, TIẾN SĨ DỐT NHẤT Ở VIỆT NAMbiết thân phận mình nên không chọn tiến sĩ y khoa hay tiến sĩ cầu cống, cũng không chọn tiến sĩ kinh tế, tiến sĩ luật, tiến sĩ giáo dục … vì những thứ này dễ lòi đuôi chuột khi đụng đến thực tế. Ông chọn tiến sĩ “ xây dựng đảng”, không làm hại người nào.
Đảng nên xem bằng tiến sĩ như phẩm hàm cửu phẩm bát phẩm ngày xưa triều đình cho các viên chức đúng tiêu chuẩn. Những chức này không làm hại người nào, chỉ để gọi danh xưng mà thôi. Người ta thường gọi tiến sĩ về ngành gì ví dụ ông Nguyễn văn A tiến sĩ kinh tế, ông Nguyễn văn B tiến sĩ toán học v..v….
Những tiến sĩ này vô hại nên phát cho đảng viên:
· Tiến sĩ văn chương thơ Bác,
· Tiến sĩ ca dao kháng chiến,
· Tiến sĩ mưa phùn gió Bấc,
· Tiến sĩ cá thài bai,
· Tiến sĩ buổi chiều vàng,
· Tiến sĩ đồng lúa chín…..
Tôi ví dụ như vậy để các ông tiến sĩ không làm cho dân chúng lo lắng. Bởi vậy khi tôi nghe đảng ra quyết tâm phấn đấu trong 10 năm nữa sẽ đào tạo 20 ngàn tiến sĩ, tôi tin tưởng việc này đảng làm được và làm hơn có thể đưa lên gấp 10 tức 200 ngàn tiến sĩ.
Nguyễn Liệu