Ý nghĩa sự sống và cái chết trong đời người có gì khác biệt nhau?
Có phải cuộc sống vui và có ý nghĩa thì đáng sống hay khi ta chết đi là ta chỉ thay đổi không gian và thời gian?
Khi nào ta mới là chính ta đây?
Mời các anh chị đọc bài trích từ Truyền Thông Communications và hãy suy nghiệm xem sự cống chết có gì hay, có gì khó và có gì để tham sống, sợ chết ?
Về Với Đạo
Nam Hoa Kinh - Trang Tử
Phóng Cuồng Ngâm - Trần Tung
Cùng trong mạch văn truyện trò với người quá cố, sách Nam Hoa Kinh, của
Trang Tử, chương XVII, tựa đề Chí Lạc, bản dịch của Nhượng Tống, chép
truyện sau đây:
Thầy Trang sang Sở, thấy cái đầu lâu rỗng, có hình trọc lốc, xâu bằng chiếc roi ngựa, nhân mà hỏi rằng:
- Kìa ngươi tham sống mất lẽ, mà đến nỗi này chăng? Hay ngươi có truyện
mất nước, có tội búa rìu mà đến nỗi này chăng? Hay ngươi có nết chẳng
hay, thẹn nỗi để xấu cho cha mẹ vợ con mà đến nỗi này chăng? Hay ngươi
chết đói chết rét mà đến nỗi này chăng? Hay vì xuân thu ngươi đã đáng
thế này chăng?
Nói thế rồi, với chiếc đầu lâu làm gối mà nằm. Nửa đêm đầu lâu hiện lên trong chiêm bao mà rằng:
- Lời ngươi nói giống như kẻ biện sĩ.. Phàm những truyện ngươi nói, đều
là lụy cho đời người. Chết thì không có những cái ấy. Ngươi muốn nghe
thuyết chết chăng?
Thầy Trang đáp:
- Phải!
Đầu lâu nói:
- Chết thì không vua ở trên, không tôi ở dưới. Cũng không có truyện bốn
mùa. Theo đó lấy trời Đất làm Xuân Thu. Dù cái sung sướng của kẻ ngoảnh
mặt sang Nam mà làm vua cũng không thể hơn được.
Thầy Trang không tin hỏi:
- Tôi sai thần Tư Mệnh lại làm sống lại hình người, cho ngươi nẩy ra
xương thịt da dẻ; trả lại cho cha mẹ, vợ con, làng xóm kẻ quen biết cho
ngươi, ngươi muốn thế chăng?
Đầu lâu cau mày, nhăn trán mà rằng:
- Tôi sao có thể bỏ cái sung sướng của ông vua quay mặt sang nam, mà lại chịu cái khó nhọc ở nhân gian.
Trang Tử tên là Trang Châu, theo truyền thuyết sống
trong thời Chiến Quốc, khoảng 369-289 trước Công Nguyên. Tư Mã Thiên
dành một chương trong sách Sử Ký viết về Trang Tử, nói rằng Trang Tử
người xứ Mông, nhưng không ghi là người nước nào. Sau này nhiều học giả
viết về Trang Tử, có người nói xứ Mông thuộc nước Lương, có người nói
thuộc nước Tống, cùng thời với Mạnh Tử, Huệ Tử tại Trung Quốc và với
Aristote, Zénon, Epicure tại Âu Châu.
Sự tích Trang Tử rất mơ hồ, chỉ biết là ông sống trong cảnh thanh bần,
gần như cơ hàn, nhưng luôn luôn thanh thản trong cảnh tiêu dao, không
chịu bó thân ra làm quan. Ông đánh bạn với Huệ Tử người nước Tống, dầu
tư tưởng hai người trái ngược nhau rất xa. Trang Tử để lại bộ Nam Hoa
Kinh gồm 33 thiên. Quách Tượng chia làm ba phần: nội thiên gồm 7 thiên,
ngoại thiên gồm 15 thiên và tạp thiên gồm 11 thiên. Căn cứ trên mạch văn
thì 7 nội thiên biểu thị những nét trọng yếu của học thuyết Trang Tử,
ngoại thiên và tạp thiên phần nhiều bàn rộng những vấn đề đã phô diễn
trong nội thiên. Nhiều người cho rằng ngoại thiên và tạp thiên do nhiều
người khác viết . Tuy nhiên cũng có nhiều đoạn có tư tưởng cùng văn
phong không kém gì nội thiên. Bản Nam Hoa
Kinh do Quách tượng để lại la bộ cổ nhất nay con sót lại.
Cái học của Trang Tử bắt nguồn từ sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Nhưng
cũng có nhiều điều khác biệt. Sách của Lão Tử phổ thông tại Trung Quốc
ngay từ thời Tiền Hán (206 TCN-9SCN) và sách của Trang Tử mãi tới đời
Hậu Hán (25-220) mới được phổ biến. Đến cuối đời Hán, học thuyết của Lão
Tử và Trang Tử gồm chung thành kinh sách Lão Trang. Người nay phân tách
thấy rằng sách của Lão Tử dành cho các nhà cầm quyền trị nước đương
thời với giải pháp vô vi , và sách của Trang Tử giúp con người thoát
khỏi truyện giàng buộc chốn nhân gian. Chỗ tương đồng giữa Lão và Trang
là cùng có nhiều điểm tương phản với những học thuyết đương thời.
Ngày nay, sách của Trang Tử không những vẫn là nguồn cảm hứng của văn
thi sĩ Đông Á mà còn là nguồn cảm hứng của giới văn nghệ sĩ Âu Mỹ trong
dòng văn học tục tiền tiến, muốn sáng tác ngoài lề lối phép tắc của
triết học, khoa học, xã hội cũng như tôn giáo. Cách thức đọc sách Trang
Tử vì thế thay đổi nhiều để hợp với ước mong kể trên.
Lời Trang Tử đối thoại với đầu lâu đối chiếu với bài văn tế của Nguyễn
Du và bài thơ của Tản Đà cho thấy là Trang Tử, quả như lời Lê Quý Đôn
viết trong Vân Đài Loại Ngữ , thực là ông tổ thi văn Đông Á.
Điểm đáng chú ý là kết luận của ba bản văn hướng theo ba ngả khác hẳn nhau.
Bắt đầu là kết luận của đoạn văn trò truyện với đầu lâu của Trang Tử.
Các nhà bình Nam Hoa Kinh danh tiếng như Quách Tượng thời thế kỷ IV cũng
như Tân Điền Tả Hữu Cát, Tsuda Saukichi, đời nay đều cho là truyện này
không phải do Trang Tử sáng tác, vì lẽ nội dung câu truyện xa lạ so với
toàn thể Nam Hoa Kinh. Ngoài ra trong đoạn cuối người viết sơ suất cho
chiếc đầu lâu xương khô còn cả lông mày đễ nheo mắt, cũng như còn lưỡi
để nói và còn khả năng hưởng thụ niềm vui của cái sống gắn liền với cái
chết.
Nhưng nếu để những nhận xét thực tế đó sang bên, như Trang Tử thường làm
trong việc sáng tác Nam Hoa Kinh, và chỉ đọc riêng câu truyện, người
đọc chợt thấy rằng chính mình mang suốt đời trên cổ chiếc đầu lâu của
mình. Chính mình nheo cặp lông mày, và chính mình đang sống lúc này và
vẫn mang theo cái chết bên mình. Như vậy người đọc tự giải thoát khỏi
giàng buộc của sách vở cổ kim bàn về Trang Tử .
Điều phê phán sách Trang Tử trên đây cũng hoàn tất một chức năng khác:
nhận xét căn cứ trên thực tế khiến người đọc nhận thấy mạch văn trong
truyện tách rời thực tế. Việc tách rời thực tế này phải chăng là ý muốn
của tác giả muốn nói với người đọc về những điều vượt ra ngoài thực
tại?
Quan điểm vui cái sống gắn liền với cái chết là điều Trang Tử nhiều lần
bàn tới. Ngoại thiên Chí Lạc chép truyên quen thuộc sau đây, thường gọi
là truyện Trang Tử gõ bồn:
Vợ thầy Trang chết. Thầy Huệ sang thăm, Thì thầy Trang ngồi xổm, gõ bồn mà hát. Thầy Huệ hỏi:
- Bác ở cùng người ta mãi đến lúc mình già, chết không khóc, cũng đủ rồi! Lại gõ bồn mà hát, chẳng cũng quá lắm sao?
Thầy Trang đáp:
- Không phải thế, riêng tôi đâu có thể không ngậm ngùi. Nhưng xét ban
đầu hắn vốn không có sống...Chẳng những không có sống, mà còn vốn không
có hình... Chẳng những không có hình, mà còn vốn không có khí. Lẫn ở
giữa khoảng lờ mờ, biến mà có khí. Khí biến mà có hình. Hình biến mà có
sống. Nay lại biến mà sang chết. Những cái đó cùng nhau làm Xuân, Thu,
Đông, Hạ, bốn mùa thường đi. Người đương nằm khểnh ngủ ở trong nhà lớn,
mà ta lu loa theo mà khóc lóc, tôi tự cho thế là chẳng hiểu về mệnh, cho
nên thôi.
Thiên XXII, Trí Bắc Du, chép:
Sống là bạn của chết. Chết là đầu của sống [...] Cái sống của người ta là
sự họp lại của khi. Họp lại thì là
sống. Tan ra thì là chết. Nếu sống chết là
bạn, ta lại lo gì
Như vậy theo quan điểm của Trang Tử thì sống chết cùng một thể, thế nên cứ vui sống cái sống gắn liền với cái chết.
Chiếc đầu lâu có cặp lông mày sống với trời đất, lấy trời đất làm Xuân
Thu, sung sướng như ông Vua trên ngai vàng. Đó là cái vui của đầu lâu
trong cuộc sống thực tại mà Trang Tử nhận ra. Đến đêm Trang Tử dùng đầu
lâu làm gối, niềm vui của đầu lâu truyền sang Trang Tử, tạo ra cuộc trò
truyện trong mơ giữa Trang Tử và đầu lâu. Cuộc trò truyện này là cuộc
trò truyện giữa cái ta của đầu lâu với niềm tư duy hóa cùng muôn vật của
Trang Tử. Cuộc đối thoại này cũng tương tự như cuộc đối thoại giừa Tử
Tự, Tử Dư, Tử Lai chép trong thiên VI, Đại Tông Sư trong nội thiên sách
Nam Hoa Kinh:
Ai có thể lấy "không" làm đầu, lấy
sống làm lưng, lấy chết làm xương cùng? Ai
biết sống chết, còn mất là một thì Ta sẽ
cùng họ là thể lấy
Bốn người nhìn nhau cười, không ai thấy nghịch trong lòng, đoạn cùng nhau đánh bạn.
Cuộc đối thoại này là cuộc độc thoại giữa tự ngã với tự ngã và cũng là sự cộng hưởng giữa
tự ngã với đại ngã.
Người người đêm đêm đi ngủ ai chẳng gối lên đầu lâu của mình. Cuộc đối
thoại giữa đầu lâu và Trang Tử như vậy thành cuộc đối thoại chung cho
mọi người với chính mình. Hình ảnh niềm vui của đầu lâu trong cuộc đối
thoại này tương đồng với cái vui làm bướm của Trang Châu.
Chiếc đầu lâu khô khốc và rỗng tuếch này có nhiều lý do khiến không có
ai đoạt nổi để đầu lâu vui làm đầu lâu. Vốn là cái đầu lâu lăn lóc bên
đường, nhưng khác với mọi chiếc đầu lâu vô chủ khác, chiếc đầu lâu này
là của riêng một người, chiếc đầu lâu này là đầu lâu của Ta. Nay đã khô
khốc, chiếc đầu lâu không còn sợ diều hâu, chó sói hay dòi bọ tới làm
rầy. Chiếc đầu lâu rỗng tuếch, không còn cách nào rỗng hơn được nữa.
Chiếc đầu lâu rỗng tuếch đó là cái Ta cùng kỳ lý.
Chiếc đầu lâu khô khốc, không còn thịt da, không
còn mạch máu, nên không còn già đi hơn được nữa, cái đầu lâu sống làm
đâu lâu trong cái chết, có cái niềm vui lấy trời đất làm Xuân Thu.
Lấy trời đất làm Xuân Thu này là lời dịch câu:
dĩ thiên địa vi Xuân Thu
Câu này dùng điệp ngữ quen thuộc: dĩ [a] vi [b], có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.
Trước hết, điệp ngữ này rất thông dụng trong thi văn Á Đông. Bài văn
quen thuộc dùng điệp ngữ này là Bài Tửu Đức Tụng của Lưu Linh, một trong
Trúc Lâm Thất Hiền, người đời Tấn, Trung Quốc. Lưu Linh mở đầu bài tụng
rượu này năm câu sau:
Hữu đại nhân tiên sinh
Dĩ thiên địa vi nhất triêu
[Dĩ] vạn kỳ vi tu du
[Dĩ] nhật nguyệt vi kinh dũ
[Dĩ] bát lưu vi đình cù ...
Trong sách Cổ Học Tinh Hoa, Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân dịch là:
Có một vị đại nhân
Lấy giời đất làm một buổi
Lấy muôn năm làm một chốc
Lấy mặt trời mặt trăng làm cửa ngõ
Lấy thiên hạ làm sân đường ....
Trong bài Côn Sơn Ca, Nguyễn Trãi cũng dùng điệp ngữ này trong hai câu mở đầu:
Côn Sơn hữu tuyền [...] ngô dĩ vi cầm huyền
Côn Sơn hữu thạch [...] ngô dĩ vi đạm tịch
dịch là:
Núi Hun có suối [...] ta nghe thay đàn huyền
Núi Hun có đá [...] ta lấy làm chiếu ngồi
Như vậy điệp ngữ dĩ [a] vi [b] hiểu là lấy [a] làm [b] hay là coi [a] như [b].
Watson dịch câu này thành:
Our springs and autumns are endless as heaven and earth.
Trên thực tế không thể lấy Trời Đất làm Xuân Thu
như lời đầu lâu được: trời đất là không gian, xuân thu là thời gian.
Nhưng lời đầu lâu nói không hẳn là sai vì trời đất thay đổi theo mùa,
khiến nhìn trời đất thay đổi có thể đoán được thời gian. Hiểu như vậy
thời cách vừa dịch vừa giảng của Watson, một dịch giả Nam Hoa Kinh và
nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc, không phải là sai.
Cách ghi thời gian như vậy là cách đám
người di tản vào Đào Nguyên tránh nạn Tần Thủy Hoàng ghi nhận thời gian
trong áng thơ Đào Nguyên Ký của Đào Tiềm, người nhà Tấn, Trung Quốc:
Thảo vinh thức tiết hòa
Mộc suy tri phong lệ
Tuy vô ký lịch chí
Tứ thời tự thành tuế
dịch là:
Cỏ tươi biết tiết tốt trời
Cây vàng biết gió đến hồi lạnh căm
Chẳng dùng lịch cũ ghi năm
Bốn mùa một tuổi chẳng nhầm chẳng sai
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Thọ Lượng Như Lai, Phật
thích Ca dùng hình ảnh không gian để biểu thị thời gian trải qua từ thuở
Phật chứng quả Vô Thượng Chánh Giác như sau:
Này, thiện nam tử, ta thành Phật đến nay đã lâu đến số
trăm ngàn vạn ức vô lượng vô biên kiếp rồi. Giả tỷ có người nghiền nát
vô số năm trăm ngàn vạn ức thế giới ba ngàn này thành hột bụi, giả tỷ
người ấy đi qua phương đông đặt một hột bụi ấy ở một nước, và cứ thế lần
lượt đặt phương đông tất cả hạt bụi trong khắp vô số trăm ngàn vạn ức
vô lượng vô biên nước. Này thiện nam tử, các ông nghĩ thế nào? Có ai suy
nghĩ, tính toán, ước lượng được con số của toàn thể thế giới ấy không ?
Bồ Tát Di Lặc cùng đại chúng bạch Phật rằng:
Thế Tôn, không ai tính biết số thế giới vô lượng vô biên ấy được [...]
Phật bèn nói với đại chúng Bồ Tát rằng:
Các thiện nam tử, này ta nói rõ cho các ông nghe. Những thế giới ấy mà
người kia đặt một hạt bụi, tất cả những hạt bụi ấy, mỗi hạt bụi ví như
một kiếp, ta thành Phật từ ấy đến nay còn nhiều hơn số trăm ngàn vạn ức
vô lượng vô biên ấỵ
Thiền sư Nhật bản Bạch Ẩn viết về thời gian đứng thẳng đơn giản như sau:
Mười phương thế giới thu vào một điểm hiện tiền; quá khứ hiện tại, vị lai tụ trong một niệm đương thời.
Có người hiểu lấy trời đất làm Xuân Thu
là coi không gian đồng nhất với thời gian. Wu Kuang Ming đưa ra hình ảnh
không gian bốn chiều của Einstein làm thí dụ cho mối tương quan giữa
trời đất và xuân thu của Trang Tử . Dầu ngày nay đã có nhiều phim ảnh
giải thích không gian bốn chiều này, nhưng cũng còn quá trừu tượng với
những người không có ý niệm về vật lý lý thuyết.
Đằng khác, theo ngôn ngữ giới nghiên cứu về tôn giáo, ý niệm thời gian
đứng thẳng, temps vertical, nối liền những hình ảnh đã xẩy ra trong quá
khứ với những hình ảnh sẽ tới trong tương lai tại hai địa điểm khác nhau
về cùng một thời điểm ở cùng một địa điểm . Đó là hình ảnh Biến Hình
trong Kinh Thánh, Luca 9:28-31:
28các ông Phêro, Gioan và Giacôbê.29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo người đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. 30Và
kià, có hai nhân vật đàm đạo với người, đó là ông Môsê và Êlia. 31Hai
vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn
thành tại Giêrusalem.
Hai ông Môsê và Êlia là những nhân chứng của Cựu
Ước, trước ngày chúa Giêsu đem ba môn đệ lên núi hàng ngàn năm. Câu
truyện trao đổi giữa hai nhân chứng Cựu Ước với Chúa Giêsu là truyện sẽ
xẩy ra trong tương lai tại thành Giêrusalem.
Như vậy, trong khoảng khắc tại núi Tabor, những hình ảnh hàng ngàn năm
trước,biểu thị bởi hình ảnh hai nhà tiên tri tại Ai Cập, liên kết cùng
với nhưng viễn ảnh sẽ xẩy trong tương lai tại Giêrusalem: thời gian và
không gian đồng nhất, đó là thời gian đứng thẳng. Thời gian dó ở ngoài
không gian thời gian khác biệt của chúng ta trên trái đất này.
Phải chăng thời gian đứng thẳng là thông số định nghiã vấn đề siêu hình
trong cả ba tôn giáo: Đạo Giáo, Phật giáo cũng như Công Giáo?
Trở về cái vui của đầu lâu trong cõi chết, trong truyện của Trang Tử.
Niềm vui này Trang Tử nhiều lần nhắc tới trong Nam Hoa Kinh, hoặc bằng
ngụ ngôn, hoặc bằng trùng ngôn hoặc bằng chí ngôn. Dụ ngôn thường được
nhắc nhở tới là truyện nàng Lệ Cơ trong thiên Tề Vật Luận mà Nguyễn Duy
Cần dịch như sau:
Lệ Cơ, con gái của một vị phong nhân xứ
Ngại, gả cho vua nước Tần. Khi về nhà
chồng, lụy ướt dầm bâu. Kịp khi đến hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm mùi sô
hoạn, rồi lại hối giọt lệ ngày xưa.
Rồi Trang Tử kết luận:
Ta biết đâu kẻ chết lại không hối hận vì mình đã mong được sống thêm?
Hiểu như vậy thì cái chết hiện hình trong chiếc đầu
lâu bên đường của cái sống. Cái chết kề bên như trời che như đất chở,
và hiện cái sống trải dài ngày này qua ngày khác, Xuân này sang Thu kia.
Như vậy cái sống của ta kề bên cái chết, và thế thì sao còn ham sống,
sao còn ghét chết?
Biết đâu chẳng đúng như lời đầu lâu nói với Trang Tử trong mộng:
chết còn vui sướng hơn sống nữa.
Thế là vượt ra ngoài câu truyện sống chết ngang nhau.
Tiếp đó Nam Hoa Kinh chép truyện thầy Liệt nói với đầu lâu:
Thầy Liệt đi chơi, ăn ở giữa đường, chợt thấy chiếc đầu lâu trăm tuổi, vạch cỏ bồng chỉ vào nó mà rằng:
- Chỉ tôi với bác là biết: ta chưa từng chết, chưa từng sống. Bác quả yên chăng? Tôi quả vui chăng?
Thế là quên hẳn cả cái sống cùng cái chết. Đó là về tới đạo. Đó là đạt được thuật
chí lạc.
Đạt được chí lạc, về tới Đạo và quên hẳn cái sống và cái chết là hình ảnh của Trần Tung trong bài ngâm sau đây:
Phóng Cuồng Ngâm
Thiên địa diếu vong hề hà mang mang
Trượng phu ưu du hề phương ngoại phương
Hoặc cao cao hề vân chi sơn
Hoặc thâm thân hề thủy chi dương
Cơ tắc xan hề hòa la phạn
Khốn tắc miên hề hà hữu hương
Hứng thời xuy hề vô khổng địch
Tĩnh xứ phần hề giải thoát hương
Quyện tiểu phại hề hoan hỉ địa
Khát bão xuyết hề tiêu dao thang
Quy Sơn tác lân hề mục thủy cổ
Tạ tam đồng chu hề ca Thương Lương
Phỏng Tào Khê hề ấp Lữ Thị
Yết thạch đầu hề sài Lão Bàng
Lạc ngô lạc hề Bố Đại lạc
Cuồng ngô cùng hề Phổ hóa cuồng
Đốt đốt phù vân hề phú qúy
Hu hu quá khích hề niên quang
Hồ vi hề quan đồ hiểm trở
Phả nại hề thế thai viêm lương
Thâm tắc lệ hề thiểm tắc yết
Dụng tắc hành hề xả tắc tàng
Phóng tứ đại hề mạc bả trọc
Liễu nhất sinh hề hưu bôn mang
Thích ngã nguyện hề đắc ngã sở
Sinh tử tương bức hề ư ngã hà phương.
dịch là:
Phóng Cuồng Ngâm
Ngắm nhìn trời đất hề sao thênh thang
Chống gậy ngao du hề phương ngoài phương
Hoặc vời vợi hề mây đầu non
Hoặc thăm thẳm hề nước ngàn trùng
Đói thì ăn hề hòa la phạn
Mệt thì ngủ hề hà hữu hương
Gặp hứng hề thổi sáo không lỗ
Chốn tĩnh hề đốt giải thoát hương
Mỏi ta nghỉ hề đất hoan hỉ
Khát ta uống hề tiêu dao thang
Cùng hội Quy Sơn hề chăn trâu nước
Cùng thuyền Tạ Tam hề hát khúc Thương Lương
Thăm Tào Khê hề lậy Lữ Thị
Viếng thạch đầu hề bạn Lão Bàng
Vui hề niềm vui Bố Đại vui
Cuồng hề cái cuồng Phổ Hóa cuồng
Hỡi ôi mây nổi hề cảnh phú qúy
Ô hô năm tháng hề ngựa qua song
Nói chi hiểm trở đường mây
Đà quen hề ấm lạnh thói thường
Nông thì vén hề sâu thì lội
Dùng thì làm hề xả thì tàng
Buông hình hài hề không nắm giữ
Rồi một đời hề chẳng đi Hoang
Thỏa nguyện ta hề đúng chỗ ta
Sống chết ép dồn hề ta đâu ngại ngùng.
Trần Tung (1230-1291) là con trưởng Trần Liễu, anh ruột Hưng Đạo
Vương Trần Quốc Tuấn. Khi ông qua đời, vua Trần Thánh Tông phong tước
cho ông là Hưng Niên Vương. Trong ba cuộc chinh chiến chống quân Nguyên,
ông đều góp công lớn. Khi giặc tan, ông không tham dự việc triều chính.
Ông theo học thiền sư Tiêu Dao cuối đời
nhà Lý, sau đó ông theo học thiền sư Tức Lự. Ông học Phật và học cả Lão,
nhưng suốt đời không xuất gia. Ông để lại bộ Thượng Sĩ Ngữ Lục.
Phóng Cuồng Ngâm là một trong những áng thơ đậm mầu Thiền và sắc Đạo.
Bốn câu mở đầu mở ra cảnh tiêu dao khoảng khoát mà người đọc thơ thường
gặp trong thơ Việt Âm. Từ câu thứ năm tới câu thứ mười sáu, mỗi câu
dường như một hình ảnh rút từ sách Nam Hoa Kinh hay từ kinh sách Thiền
Tông. Lần lượt thi liệu trong sáu câu đầu là những hoạt động thông
thường trong đời sống hàng ngày.
Đói ăn, khát uống, mệt ngủ, mỏi nghỉ, vui thổi sáo, tĩnh niệm hương. Nhưng
hòa la phạn chẳng phải là cơm mà là tiếng phiên âm chữ phạn pravarana, nghĩa là lời sám hối vào dịp cuối khóa hạ;
hà hữu hương chẳng phải câu hỏi làng nơi đâu mà là thuật ngữ Đạo học chỉ cõi Đạo;
hoan hỉ địa là chốn nào chẳng ai hay, vì đó là hạnh Bồ Tát cần đạt tới để lợi tha;
giải thoát hương, theo sách Lục Tổ Bảo Đàn là trạng huống tự tâm không vướng mắc bất kỳ nơi chốn nào, không niêm điều thiện không niệm điều ác;
sáo không lỗ chưa từng có ai được thưởng thức, bởi đó là hình ảnh rút từ thơ Ngu Tập gửi Trừng Trạm Đường:
Kỳ đáo Tây Trúc vô khổng địch
Xuy thành động địa thái bình ca.
dịch là:
Từ tới Tây Trúc sáo không lỗ
Khúc Thái Bình rung đất động trời.
Còn tiêu dao thang chẳng ai từng được uống, bởi tiêu dao là hình ảnh chữ tự do Trang Tử bàn tới trong chương mở đầu sách Nam Hoa Kinh.
Sáu câu tiếp theo, Trần Tung lần lượt nói tới truyện làm láng giềng với
Quy Sơn chăn trâu nước, chung thuyền cùng Tạ Tam hát khúc Thương Lương,
về chùa Tào Khê lậy Lục Tổ, tới Thạch đầu thăm Lão Bàng, vui niềm vui Bố
Đại, cuồng cái cuồng Phổ Hóa.
Thiền sư Quy Sơn, tên thật là Triệu Linh Hựu (771-853), thuộc thế hệ thứ
ba dòng Thiền Tông Tào Khê, cùng đồ đệ là Tuệ Tĩnh tức Ngưỡng Sơn lập
ra phái Quy Ngưỡng. Tào Khê là một địa danh thuộc Thiều Châu, có chuà
Bảo Lâm xây từ đời nhà Đường, nơi Lục Tổ Huệ Năng (?-713) người họ Lữ
đất Lĩnh Nam, được Ngũ Tổ Hoãng Nhẫn Trao y bát.
Tạ Tam là một nhân vật đến nay chưa ai rõ tông tích, Thương Lương là
tên một khúc sông Hán Thủy. Khúc Thương Lương chép trong sách Mạnh Tử,
thiên Ly Lâu, là một khúc hát có câu quen thuộc:
Nước Thương Lang trong ta giặt giải mũ.
Nước Thương Lang đục ta rửa chân.
Nên có thể nghĩ rằng Tạ Tam là người cùng hội cùng thuyền với Trần Tung trước cửa Khổng.
Bốn nhân vật Thạch Đầu, Lão Bàng, Bố Đại và Phổ Hóa, là bốn nhân vật
tiêu biểu cho những triết giả Phật học. Thạch Đầu là tên hiệu của thiền
sư Hy Thiên (700-790) dựng am trên núi Hành Sơn. Lão Bàng, tức cư sĩ
Bàng Uẩn , tác giả sách Đạo Nguyên vốn là nhà nho, sau theo học Phật.
Thoại kể rằng
khi ngộ đạo, Lão Bàng mang hết của cải ném xuống hồ Động Đình, có người
hỏi sao không mang của ra bố thí, thì Lão Bàng
trả lời: ta từng lụy về bố thí, nên nay
đem của mà dìm đi. Bố Đại là một
vị hòa thượng, hàng ngày mang túi vải đi hành
khất, rồi đem chia cho con trẻ. Phổ Hóa là
một thiền sư ngông cuồng cổ quái trong
Thiền Tông Trung Quốc. Hàng ngày sư ra chợ đánh
mõ rao: Sớm mai đánh mõ, đầu hôm đánh mõ.
Một hôm ông đánh mõ rao là mình sắp chết.
Thiền sư Lâm Tế đem cho một cỗ áo quan. Sư
đánh mõ mời làng xóm ra xem sư chết ở cửa
Đông. Nhưng sư không chết, hẹn tiếp hôm sau
ở cửa Tây, sư vẫn không chết, rồi cửa
Nam, tới cửa Bắc. Đúng ngày thứ tư, sư
đánh mõ, vào nằm trong áo quan, đậy nắp
lại. Thiên hạ tới mở nắp áo quan ra thì không
thấy sư đâu nữa, chỉ nghe tiếng mõ mỗi
lúc một xa
Điểm đáng chú ý là hành động của ba nhân vật nhắc trên đây biểu thị hình ảnh nhiều câu trong Nam Hoa Kinh.
Lão bàng không mang của ra bố thí mà mang dìm xuống hồ phải chăng là thuận với một câu trong chương Đại Tông Sư:
quên người để hòa theo Đạo riêng của mình.
Truyện Bố Đại đi hành khất rồi mang của Bố thí chia cho con nít là hành động biểu thị cho câu chép trong chương Ứng Đế Vương:
Nhận mọi thứ thụ lãnh từ trời mà chẳng giữ gì riêng cho mình.
Câu truyện cuồng của Phổ Hóa cũng nhắc lại một đoạn trong chương Đại Tông Sư:
Tưởng rằng sẽ hóa biết đâu rồi không hóa.
Tưởng là sẽ không hóa biết đâu là mình đã hóa ...Sắp đặt sẳn sàng rồi mà quên mất sự sinh hóa mới vào được cõi trời vắng lặng.
Hình ảnh này phải chăng có liên quan tới những triết thuyết bên trời
Tây, đứng trước cái chết, đẩy hiện tại vào quá khứ hay buộc hiện tại vào
tương lai, là điều để cho những nhà nghiên cứu triết học đối chiếu giải
đáp.
Trong mười câu cuối bài Phóng Cuồng Ngâm, Trần Tung luận giải về nghịch
lý khéo nuôi cái sống là khéo liệu lo cái chết mà Trang Tử nhiều lần đề
cập tới trong Nam Hoa Kinh. Trần Tung nhắc tới lời Trang Tử viết trong
chương Thu Thủy: cuộc sống muôn vật ngắn ngủi như bóng ngựa qua khe cửa.
Ý niệm coi hoạn đồ là hiểm trở là câu truyện Trang Tử từ chối ra làm
quan mà chỉ muốn sống kiếp rùa lê đuôi trong bùn bến sông Bộc. Hai câu
kế tiếp Trần Tung cho thấy nếp sống dửng dưng trước đổi thay thời thế.
Bốn câu kết luận bài ngâm là kinh nghiệm sống buông bỏ của Trần Tung:
chẳng nắm giữ cả hình hài ắt thỏa nguyện, không còn bị lẽ sống chết bức
bách.