caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

lundi 20 mai 2019

Con Cò Thơ với NHỮNG CON MA TRÊN CHUYẾN TẦU ĐI DẨY TRƯỜNG SƠN.

Kính mời quý anh chị nghe Con Cò Thơ thuật truyện Liêu Trai Chí Dị thế kỷ 21 với bài

NHỮNG CON MA 
TRÊN CHUYẾN TẦU ĐI DẨY TRƯỜNG SƠN

Dãy Trường Sơn

1547629778_998_truongson.jpg
 
Dãy núi Trường Sơn là dãy núi dài nhất Việt Nam và Lào, dài khoảng 1.100 km. Dải Trường Sơn kéo dài từ thượng nguồn sông Cả trên đất Lào giáp Nghệ An tới tận cực nam Trung Bộ. Nó bao gồm toàn bộ các dãy núi nhỏ hơn ở Bắc Trung Bộ và các khối núi, cao nguyên Nam Trung Bộ, xếp thành hình cánh cung lớn mà mặt lồi quay ra Biển Đông. Trường Sơn được chia thành Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, ngăn cách bởi đèo Hải Vân và núi Bạch Mã.



Kèm theo bài viết, Con Cò Thơ còn gửi theo những lời bàn của bạn hữu, mơ cũng như thật, hay chuyện thật cũng là mơ, nào ai biết được thật giả, giả thật?
Cám ơn Con Cò Thơ đã luôn chia sẻ nhiều bài viết về thơ Đường xưa.
Caroline Thanh Hương


Qúy anh chị thân mến
Con Cò soạn bài này từ tháng 2 để kỷ niệm ngày 30 tháng Tư năm nay, cho nên các bạn trong nhóm LTCD thế kỳ 21 đã có đủ thì giờ cung cấp những góp ý xuất sắc và thâm thúy. Lộc Bắc còn trổ tài phối hợp các ý kiến rồi lay out đẹp đẽ. Bài có một sắc thái đặc biệt: Thay vì tả thảm trạng xảy ra tại miền Nam vĩ tuyến 17 như người ta thường làm trong 43 năm trước, thì lại tả thảm trạng bi ai không kém, đã xảy ra ở Bác Bộ cho tới ngày 30 tháng Tư (ngày mà chính quyền XHCN Việt Nam ăn mừng chiến thắng). Mời qúy anh chí thưởng thức và chuyển tiếp. 
Con Cò



LTCD thế kỷ 21 Bài số 83.  NHỮNG CON MA 
TRÊN CHUYẾN TẦU ĐI DẨY TRƯỜNG SƠN
Đây là một chuyện tình điển hình (trong hàng vạn mối tình tương tự) của thế kỷ 20, xảy ra ở Bắc Bộ, trước năm 1975, giữa cô Thắm và cậu Tình.
Cô Thắm
Tháng Năm năm 1974, Cô Thắm vừa tròn 20 tuổi. Cô là cô giáo trường làng và đẹp nhất làng. Làng này thuộc tỉnh Ninh Bình, từ lâu nay được gọi bằng 3 chữ làng Góa Phụ bởi vì trong làng, ngoài những ông bà già trên 50 tuổi và những trẻ con dưới 15 tuổi thì toàn là đàn bà góa. Tính đến năm 1974, làng có trên 300 góa phụ từ tuổi 16 tới tuổi 49. Nghĩa là đã có trên 300 đàn ông (của làng này) trong tuổi từ 15 tới 49 chết non trong 20 năm nay. Họ đều chết sau khi đáp một chuyến tầu mà không ai trong làng biết nó khởi hành từ đâu và sẽ chấm dứt ở đâu. Họ chỉ biết mơ hồ rằng nó sẽ ngừng ở Dẫy Trường Sơn, cho nên họ đặt tên cho nó là Chuyến Tầu Đi Dẫy Trường Sơn.  Họ còn được dạy rằng, sau khi rời tầu, những trai trẻ này sẽ đi bộ vượt cả ngàn cây số vào giải phóng Nam Bộ. Lý do phải “giải phóng Nam Bộ” thì được tuyên truyền rằng người trong Nam Bộ đói lắm, đói hơn ở Bắc Bộ nhiều. Không có một hình ảnh nào chứng minh Nam Bộ đói. Cũng không có ai từ Nam Bộ về để mô tả cái đói ấy ra sao. Đối với nhân dân miền Bắc, con đường từ Bắc vô Nam là đường một chiều. Tuyệt đối không có người dân nào được gởi từ Nam ra Bắc để cho dân hỏi dò. Cán bộ chỉ giảng rằng người ngoài Bắc no hơn mà mỗi ngày chỉ có bữa cơm, bữa cháo thì ở trong Nam chắc đói kinh khủng!
Cậu Tình
Cậu Tình là người yêu cùa cô Thắm, cũng vừa 20 tuổi. Cậu là giáo viên làng bên cạnh và cũng đẹp nhất làng. Hai người yêu nhau từ khi học lớp 12 trường tỉnh. Cậu là phần tử ưu tú trong làng vì có gốc bần cố nông và đứng đầu lớp ở trường tỉnh cho nên đến bây giờ (ở tuổi 20) mới bị nhập ngũ.
Sơ lược cuộc tình 
Đêm nay là đêm thứ ba mươi hai (kể từ khi chàng nhập ngũ), Thắm chờ Tình trên gác xép mà không gặp. Trước khi Tình nhập ngũ thì cứ 3 ngày hai người lại gặp nhau một lần vào buổi tối. Mỗi khi đến kỳ hẹn, nàng thường đứng trên gác nhìn cái cầu gỗ bắc ngang con lạch ngăn hai làng. Chàng phải qua cái cầu này mới tới được nhà nàng. Mọi tối thì nàng chỉ chờ tới nửa đêm, nhưng tối nay, không hiểu vì sao, nàng chờ tới gần sáng. Mãi tới lúc trăng lưỡi liềm lặn sau núi, không còn ánh sáng để thấy cây cầu, nàng mới chịu rửa mặt sửa soạn đi dạy.
Hôm nay, ngày thứ 33, nàng nhận được thư chàng nói rằng đêm nay chàng sẽ dẫn cha mẹ tới xin cưới nàng. Trong thư còn nói rằng, kể từ ngày mai, chàng sẽ được nghỉ phép ba ngày trước khi lên Chuyến Tầu Đi Dẫy Trường Sơn. Ôi! Cái vui gặp mặt sau 32 ngày vắng bóng chỉ bù đắp được một phần nghìn cái buồn sắp vĩnh viễn mất chàng. Tuy nhiên, ở thời buổi này, được vui thì cứ vui vầy, ai mà biết được những ngày mai sau! Vả lại, toàn dân đều khốn khổ như nhau, đâu phải một mình ta. 
Thắm cũng được phép nghỉ 3 ngày để lo đám cưới. Nàng vội vã dọn dẹp nhà cửa, giặt bộ quần áo mới may năm ngoái và lau hộp phấn son mà nàng đã bỏ ra 3 tháng lương để sắm cách đây 4 tháng.
Đám cưới được cử hành rất đơn sơ trong buổi sáng hôm sau theo đúng thủ tục thời chiến, chỉ có trà nước và trầu cau, không có cỗ bàn. Vợ chồng mới cưới được dùng cái gác xép làm khách sạn hưởng 3 đêm trăng mật. Trong suốt 3 ngày 3 đêm này, ngoài thời giờ xuống bếp tắm rửa và ăn uống, Thắm và Tình không rời nhau, cũng không ra khỏi nhà, chỉ thắm tình trên gác. Ôm nhau khăng khít. Hôn nhau nồng nàn. Giao hoan liên miên. Chiến tranh dường như ở quá xa. Chết chóc dường như không hiện hữu. Quá khứ bỏ lại sau lưng. Tương lai không dám nghĩ tới. 
Đêm cuối cùng
Thời gian đi quá mau. Đêm thứ ba ập tới! Ngày mai Tình phải lên tầu! Hai người nhớ lại những Chuyến Tầu Đi Dẫy Trường Sơn đã thấy trước đây: Tầu đậu cách bìa làng 5 cây số trong nửa giờ. Trên tầu đầy nhóc thanh niên và thiếu nhi mặc quân phục. Vài chục thanh thiếu niên từ 15 tuổi trở lên thuộc mấy làng phụ cận, mặc quân phục màu xanh lá cây, đội nón cối, mang dép râu, xếp hàng đôi, đi diễn hành tới chỗ tầu đậu. Họ cười nửa miệng, đồng ca bài “Ra Đi Không Về”. Bài hát đại khái có những câu đã được sửa vài chữ cho hợp với hoàn cảnh: “Ra đi không về. Âm vang lời thề. Một đoàn chiến sĩ khăn gói đi theo hồn sông núi. Nơi đi xa xôi, nơi đi xa vời. Một đoàn chiến sĩ khăn gói đi tới nơi xa vời...”. Họ còn cười được bởi vì họ còn quá trẻ, không biết gian nguy, không nề vất vả, lại được nhồi sọ đầy đầu. Nhưng cha, mẹ, anh, chị, em của họ thì khóc, coi hôm tiễn đưa như ngày giỗ của họ. Trong suốt 20 năm vừa qua, dân làng chưa hề thấy ai trở về, kể cả những thương binh cụt chân, cụt tay. Trong 10 năm nay, từ lúc khôn lớn, Thắm và Tình đã từng chứng kiến cả trăm chuyến tầu như vậy. Ngày mai thì tới phiên Thắm tiễn Tình. Nước mắt bỗng trào ra như suối. Lại ôm nhau thâu đêm không ngủ. Lại cho nhau dăm phút giao hoan với hy vọng cấy được khối “Tình con” trong bụng của Thắm.
Giây phút chia ly
Tới rạng đông của ngày thứ tư, nàng hát cho chồng nghe bài “Biệt Ly” trong đó có mấy câu nàng đã cố tình sửa vài chữ: “Biệt ly. Nhớ nhung từ đây. Chiếc lá bay theo heo may. Chàng hề! Có hay? Biệt ly. Đứng trong hoàng hôn. Hồi còi tầu như xé nỗi lòng……. ... Mấy phút bên nhau rồi thôi. Bóng anh sống trong hồn tôi. Người về u buồn khắp trời. Người ra đi với ngàn nhớ mong...”. Rồi nàng lấy hộp phấn son ra. Hộp phấn son được dùng lần này là lần thứ hai trong đời, lần đầu là sáng tân hôn, cách đây 3 ngày. Nàng nói rằng nàng muốn trang điểm cho chồng ngắm lần đầu và cũng là lần cuối. Rồi nàng kết luận: “Em tô chân mày cho anh ngắm nhưng kỳ thật là tô đậm mối u sầu trong lòng em đó!”
Đoạn kết
Chín tháng sau khi tiễn chân chồng đi, vào cuối tháng Hai năm 1975, nàng sanh đứa con trai. Hai tháng sau đó, ngày 30 tháng Tư năm 1975, thì chiến tranh chấm dứt. Nhưng chồng nàng không bao giờ về. Nàng cũng không bao giờ nhận được xác chồng. 
43 năm sau, ngày 30 tháng 4 năm 2018, Nàng không hóa thành hòn vọng phu bế con ngóng chồng mà hóa thành bà lão góa bụa 64 tuổi ngồi bên đứa con trai 43 tuổi ngắm ảnh chồng!
Những con yêu tinh khát tình trong Tháng Tư Đen 
Tất cả những sinh linh (người, súc vật, hoa cỏ, thơ phú…) sau khi lìa đời mà còn luyến tiếc cuộc đời dang dở cũ, đều biến thành yêu tinh. Chúng chứa đầy uất hận nhưng không làm hại ai trong đời sau. Sự tồn tại của chúng trong văn chương sẽ làm cho độc gỉa của ngàn năm sau mủi lòng. Loại yêu tinh khát tình (như Thắm và Tình trong tháng Tư Đen) tiêu thụ nhiều nước mắt của độc giả nhất. Riêng cô Thắm, chịu khát tình trong mỗi ngày của cuộc sống thừa và ngàn năm sau khi chết, sẽ là con yêu tinh đau khổ nhất, cho nên sẽ linh thiêng nhất (linh thiêng hơn cả cậu Tình). Thắm sẽ trường sinh bất tử trong LTCD thế kỷ 21.
Chuyện Thắm chờ Tình từng đêm trước khi chàng nhập ngũ và chuyện nàng tô chân mày sáng hôm tiễn chàng lên Tầu Đi Dẫy Trường Sơn còn thê thảm gấp ngàn lần chuyện mà Lý Thương Ẩn tả trong hai bài Đại Tặng 1 & 2 cách đây 1200 năm. 
Nguyên tác    Dịch âm 
代贈其一    Đại Tặng kỳ 1 
樓上黃昏欲望休     Lâu thượng hoàng hôn dục vọng hưu, 
玉梯橫絕月如鉤     Ngọc thê hoành tuyệt nguyệt như câu. 
芭蕉未展丁香結     Ba tiêu vị triển đinh hương kết, 
同向東風各自愁     Đồng hướng đông phong các tự sầu.
Chú giải của Huỳnh Kim Giám
代贈其一 Đi Tng kỳ 1
- 欲望休=dục vọng hưu. Đa số bài dịch sang tiếng Việt hình như không để ý đến chữ =hưu. Vài người Tàu (trên mạng Bách Độ) hiểu hưu là nghỉ, nhưng hiểu như thế không có nghĩa gì cả!  còn có nghĩa là việc, hay tin lành, và tôi nghĩ câu đầu tả cảnh người con gái lên lầu để mong tin lành về người yêu.
- 玉梯=ngọc thê, dịch ra là cái lan can bằng ngọc, nhưng ngọc đâu mà có nhiều thế để làm lan can? Một nghĩa khác của ngọc thê là nơi Ngọc Hoàng Thượng Đế hay các bậc bất tử ở. Và 玉梯橫絕月如鉤 có thể hiểu là vành trăng lưỡi liềm cắt ngang đường lên trời, hay lên tiên.
- 月如鉤=nguyệt như câu. Trăng lưỡi liềm đầu tháng ở trên trời ban ngày nên không phải là trăng thấy chiều tối và nguyệt như câu này phải là trăng cuối tháng mọc từ quanh 3 giờ sáng. Chờ cho tới khi thấy trăng lưỡi liềm thì đêm đã gần tàn.
- 芭蕉...展丁=ba tiêu, đinh hương. Hết thứ cây để dùng tả cảnh hay sao mà dùng cây chuối? Chuối đầu xuân chồi (lá) non vừa nhú nhưng còn cuộn tròn và có thể là biểu tượng của dương vật phái nam, đối chiếu với hoa đinh hương tượng trưng cho phái nữ. Chữ =kết trong câu ba này khó hiểu; kết có nhiều nghĩa nhưng hình như chỉ nghĩa kết quả là dùng được! Xuân chưa đến với chàng nhưng đã gần tàn với nàng?!
Giám
Dịch nghĩa
Thay người viết thư tặng kỳ 1
- Câu 1: Buổi chiều lên lầu muốn chờ tin lành (người yêu)
- Câu 2: Vành trăng lưỡi liềm vắt ngang, chặn lối lên trời. Nghĩa của câu này hóc búa nhất. Có ít nhất 2 lối giải thích mà lối nào cũng có phần thuyết phục. Con Cò đồng ý với HKGiám rằng trăng lưỡi liềm ở ngang trời tức là lúc gần sáng của một đêm cuối tháng (đêm đầu tháng cũng có trăng lưỡi liềm nhưng không nhìn thấy vì nó ở trên trời lúc ban ngày). Trăng lưỡi liềm chặn ngang trời: có lẽ muốn nói rằng: gần hết đêm rồi mà chàng bị cản trở không tới được. (Lý Thương Ẩn thích dùng ngôn từ lắt léo, gây khó khăn cho những người mê thơ ông) 
- Câu 3: Đọt chuối non chưa mở nhưng đinh hương thì đã kết nụ. 
- Câu 4: Cùng ngóng trông gió xuân cùng tự phiền
Dịch thơ
Thay Người Viết Thư Tặng kỳ 1
Lên gác trông chàng mãi tới đêm
Tin chàng vẫn vắng nguyệt như liềm*
Chuối non chưa mở đinh hương nụ**
Cùng ngóng trông nhau*** cùng tự phiền
*Dịch thoát câu này (thay vì dịch ngôn từ của nguyên bản)
**Lá chuối non (ba tiêu) vẫn còn cuộn tròn chưa mở vì thời tiết chưa đủ ấm (xuân chưa đầm ấm). Con Cò vẫn chưa nắm vững LTÂ muốn nói gì với cụm từ đinh hương kết. Bèn dịch sát nguyên bản và hiểu đại cương rằng cái duyên chưa bén.
***Câu nguyên bản có nghĩa: cùng hướng về gió xuân cùng u buồn. Nhưng chiếu theo câu 3, thì câu này có thể dịch thoát là cùng ngóng trông nhau cùng tự phiền.
Lời bàn của Con Cò 
Bài thơ này là giọng điệu của một người con gái chờ một người tình từ xa hẹn tới, từ hoàng hôn tới gần sáng mà vẫn không thấy, trong lòng sầu muộn. Đại tặng nghĩa là đại diện cho người khác để viết tặng. 
- Câu 1, 2: (Con Cò phối hợp nghĩa của 2 câu nguyên bản thành 2 câu dịch này) Lên lầu ngóng chàng từ chiều đến lúc trăng lưỡi liềm vắt ngang trời, tức là lúc gần sáng của ngày cuối tháng (xin xem chú giải của Huỳnh Kim Giám).  Thế là đêm nay chàng vẫn không tới.
- Câu 3: Câu này tối nghĩa nhất. Huỳnh Kim Giám lục lọi trong internet giải nghĩa như trên nhưng Hoàng Xuân Thảo lại giải nghĩa khác hẳn. Con Cò bí quá, tham khảo Bồ Tùng Linh thì ông nói rằng: “Họ Lý hơn anh gần một ngàn tuổi, bài thơ làm khoảng 950 năm trước khi anh ra đời mà không để lại một chú thích nào, các thi hào đương thời mỗi người giải thích theo ý của họ. Anh nghĩ rằng dịch nước đôi như em là khôn ngoan lắm. 
- Câu 4: Đôi ta cùng ngóng gió đông (gió mùa xuân, nghĩa là cùng chờ nhau) và cùng tự phiền (mỗi người có mỗi nỗi phiền khi nghĩ về mùa xuân tức là nghĩ tới cái duyên của mình). Chữ đồng (cùng) có ý muốn nói rằng chàng cũng buồn phiền không đến được (vì có trở ngại) chứ không phải chàng lỗi hẹn. 
Nguyên tác    Dịch âm 
代贈其二    Đại Tặng kỳ 2 
東南日出照高樓     Đông nam nhật xuất chiếu cao lâu, 
樓上離人唱石州     Lâu thượng ly nhân xướng Thạch châu. 
總把春山掃眉黛     Tổng bả xuân sơn tảo mi đại, 
不知供得幾多愁      Bất tri cung đắc kỷ đa sầu. 
Chú giải: 
- Đông nam nhật xuất chiếu cao lâu:  Lấy ý từ bài "Mạch thượng tang" trong cổ nhạc phủ: "Nhật xuất đông nam ngung, Chiếu ngã Tần thị lâu" (Mặt trời mọc góc đông nam, chiếu vào lầu họ Tần). 
- Thạch châu: Tên một khúc hát cổ nhạc phủ, tả nỗi mong nhớ chồng đi lính thú của chinh phụ. Cả câu ý nói: người yêu sắp đi xa, cô gái hát khúc "Thạch châu từ" để gởi gắm tình ý với người yêu. 
- Xuân sơn tảo mi đại: Vẽ lông mày như nét núi mùa xuân. Sách "Tây kinh tạp ký" chép: "Nàng Trác Văn Quân xinh đẹp, lông mày mờ như nét núi xa trông".
Dịch thơ
Thay Người Viết Thơ Tặng kỳ 2
Đông nam* nắng sớm chiếu lầu cao,
Hát tiễn đưa chàng khúc Thạch Châu.
Vẽ lại mày xanh núi xuân thắm,
Chỉ là** tô đậm mối*** u sầu!
Con Cò & Hoàng Xuân Thảo
*Trước là cụm từ Vừng đông. HXT  đề nghị giữ nguyên không dịch; cụm từ Đông nam, vừa sát nghĩa vừa tránh điệp ý.
**Trước là cụm từ chính là, HXT chê hơi yếu, Cò thế bằng cụm từ chỉ là (mạnh hơn)
***HXT đề nghị thay từ mối u sầu bằng từ nét u sầu cho tự nhiên hơn. Cò không đồng ý: Nét u sầu là ngoại cảnh. Mối u sầu là nội tâm. Tô đậm mối u sầu trong lòng (thêm một chút trừu tượng sáng tạo).
Bài dịch, cuối cùng, mang tên 2 người dịch: Con Cò & Hoàng Xuân Thảo.
Cảm nghĩ của Bát Sách về lối chơi chữ theo kiểu chơi bóng chuyền của Con Cò & HXT: Bài này bàn luận nhiều, sửa tới lui, thật là hay, có mất ngủ cũng đáng. Bấy giờ, lúc Bát Sách viết mấy giòng này là 2g50 sáng.
Lời bàn của Con Cò
Một bài thơ tả phút chia ly siêu đẳng. Buổi sớm, lúc mặt trời vừa ló ở hướng đông nam, thiếp lên lầu hát tiễn chân chàng bài Thạch châu, một bài nhạc buồn, tả nỗi mong chồng nơi biên ải. Như thường lệ, thiếp vẽ lại mày xanh trước mặt chàng. Chàng ơi! thiếp vẽ mày ngài cho chàng nhìn lần chót trước giờ chia ly mà giống như thiếp đang tô đậm mối u sầu trong lòng thiếp đó!
Thê thảm quá rồi! Không muốn nói thêm lời nào nữa. Có lẽ vì vậy cho nên Lý Thương Ẩn không dùng tới bát cú mà chỉ dùng tứ tuyệt. Bài thơ 4 câu dùng 3 điển mà nghe như không có điển nào. Hay khỏi bàn. Cảm động không cùng!
Tái bút: Mỗi lần HXT nhào vô dịch chung với Cò thì bài thơ dịch có triển vọng trở thành toàn bích.
Góp ý của Bát Sách Nguyễn Thanh Bình
Thú thật với quí vị, Bát Sách chưa bao giờ đọc 2 bài thơ này, vì từ trước tới giờ chỉ đọc sách in, không đọc trên internet. Mới đọc phớt qua, thì quả tình chưa thấy gì xuất sắc, và cũng chưa thấy gì làm mình xúc động, nhưng nhờ lời bàn của anh Con Cò mà Bát Sách hiểu rõ hơn một chút, nếu sự giải thích của anh đúng là ý của Lý gửi gắm trong thơ. Bát Sách cũng thắc mắc về chữ hưu, nhưng nhờ anh Giám và ông Google, giảng chữ hưu là điều tốt lành thì câu thơ rất hợp lý. Trăng khuyết, gọi là trăng lưỡi liềm, mình còn gọi là câu liêm, một dụng cụ để cắt lúa. Lưỡi liềm đầu tháng thì thấy vào chiều và chập tối, lưỡi liềm cuối tháng thì thấy lúc gần sáng, vậy thì người đẹp trong thơ phải chờ tình nhân vào cuối tháng!
Chỉ vì 2 bài thơ này mà anh Con Cò hư cấu ra cuộc tình sầu đau, cuộc hôn nhân ngắn ngủi, và buổi chia tay cũng chính là vĩnh biệt của cặp Tình & Thắm: 300 người đi mà không có ai về, thì Thắm còn hy vọng gì có ngày cùng chồng tái ngộ!
Trong bài 2, Bát Sách thêm một chút về khúc Mạch Thượng Tang:  Đó là tích nàng La Phu, đã có chồng, nhưng đẹp và hát hay, nên bị Triệu Vương bắt về phủ. Nàng La Phu đánh đàn và ca khúc Mạch Thượng Tang, Triệu Vương cảm động mà tha về. Như vậy, nhắc đến khúc này là muốn nói lên lòng trung trinh của người phụ nữ.
Với chủ đề và truyện của anh Con Cò kỳ này, Bát Sách nhớ tới bài Tân Hôn Biệt của Đỗ Phủ, bèn tìm đọc lại, nhưng cũng như từ xưa tới nay, không tìm được điều gì mới lạ làm mình cảm động.
Như đã từng nói, Bát Sách học trường Việt, trong các tác phẩm phải học, như Kiều, Cung Oán… Bát Sách thích nhất là Chinh Phụ Ngâm, vì nguyên tác chữ Hán đã hay, bản dịch của bà Đoàn Thị  Điểm là một kiệt tác, vả lại, hồi đó chiến trường đang sôi động, hầu như gia đình nào cũng có một nàng chinh phụ chờ chồng, tác phẩm đã nói giùm nỗi lòng của những người vợ trẻ đó. Tôi xin dẫn vài câu làm thí dụ:
Mạch thượng tang, mạch thượng tang,
Thiếp ý quân tâm, thuỳ đoản trường.  (Nói đến lòng trung trinh, như đã đề cập ở trên)
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu,
Lòng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai.
Kỷ độ hoàng hôn thì,
Trùng hiên nhân độc lập,
Kỷ hồi minh nguyệt dạ
Đơn chẩm mấn tà khi.
Chiều hôm đứng lặng ngẩn ngơ.
Trăng khuya nương gối, bơ phờ tóc mai.
Nào có kém gì thơ của Lý?
Nguyễn Thanh Bình.
Góp ý của Đồ Cóc
Đầu quân sinh Bắc tử Nam
Chinh chiến hề! Tình lỡ hề!
Phận nước tình nhà mề vỡ như không!
Miền Nam giải phóng ghi công 
Lìa vợ mới cưới sâu nông tình đời...
Quả đầu khám phá định nơi
Tọa độ súng nổ mới lơi tay cò
Mục tiêu xác định khỏi mò
Cái lò cơ bẩm còn no đạn dòng
Những quả sau pháo thong dong
Tới khi xịt khói mới xong trận tình
Đồ Cóc
Góp ý của Lạc Thủy Đỗ Qúy Bái
Cò quăm nhắc nhở anh em 
Đồ Cóc, Lạc Thủy ngồi Im sao đành? 
Xin liều đáp lại thi huynh 
Viết cho câu truyện Thắm + Tình thêm duyên : 
LTCD Thế Kỷ Hăm Mốt 
Được anh Cò đột ngột bày ra 
Văn Tài bằng trắc coi "pha"
Thắm + Tình ba bữa gắng mà giao hoan 
Có hậu tính toán kĩ càng: 
Con trai nối giống đàng hoàng (*) thực hay
Lạc Thủy chịu phục tài thày!
Cò ui 
(*) Bài kỳ này anh còn trổ tài hùng biện lưu loát bằng văn xuôi  ca tụng bà tiết phụ Thắm có con đã 43 tuổi 
LTĐQB
Góp ý của Hoàng Xuân Thảo
GÓP Ý VỀ BÀI THƠ ĐẠI TẶNG KỲ I
Bài thơ Đại Tặng (Viết thay để tặng) của Lý Thương Ẩn là như sau:
Đại Tặng kỳ 1
樓上黃昏欲望休            Lâu thượng hoàng hôn dục vọng hưu,
玉梯橫絕月如鉤            Ngọc thê hoành tuyệt nguyệt như câu.
芭蕉未展丁香結            Ba tiêu vị triển đinh hương kết,
同向東風各自愁            Đồng hướng đông phong các tự sầu.
Nhiều nhà thơ đã dịch bài này và giải nghĩa như sau:
Trên lầu ngóng trông tới hoàng hôn mới thôi
Trăng móc câu cắt ngang thang lên trời
Nõn chuối chưa mở, hoa đinh hương đang kết nụ
Cùng hướng về gió xuân để tự chuốc sầu.
Hàm ý của bài thơ:
Đây là tình tự của một cô gái mới tuổi dậy thì được nhà thơ bày tỏ giúp tâm trạng của mình trong bốn câu thơ.
- Câu 1: Cô gái chiều chiều lên lầu ngóng bóng chàng cho tới khi nắng tàn mới thôi.
- Câu 2: Ngọc thê là thang lên trời. Cô gái trông thấy trăng lưỡi liềm đã xoay ngang như muốn cắt ngang đường lên trời, suy diễn ra là đêm đã gần tàn cô vẫn còn đó, lòng hướng về chàng cũng như bị trăng cắt đứt đoạn để tự chuốc thêm sầu.
- Câu 3: Đây là cái mấu chốt của bài thơ. Ba tiêu vị triển hay Nõn chuối trong các bài thơ về Ba tiêu hay Cây chuối thường tượng trưng cho một phong thư vì ngày xưa các thi nhân chuộng viết thư trên lá chuối như nhan đề bài thơ của Dương Duy Chính với nhan đề “Đề Ba tiêu Mỹ nhân đồ” nghĩa là Đề bức họa Mỹ nhân, viết trên tàu chuối.
Đề ba tiêu mỹ nhân đồ
Kế vân thiển lộ nguyệt nha loan,
Độc lập tây phong ý tự nhàn.
Thư phá lục tiêu song phượng vĩ,
Bất tuỳ hồng diệp đáo nhân gian.
Bản dịch của Nguyễn Khắc Phi
Tóc mây lộ hé, mày cong nhạt
Đối mặt gió thu, ý vẫn nhàn
Chuối quý mấy tàu xanh viết nát
Chẳng theo lá thắm xuống trần gian
Với nhiều nhà thơ, nõn chuối được suy diễn là tấm lòng của một cô gái và trong bài thơ này thì nõn chuối chưa mở ngụ ý một cô gái còn băng trinh. Còn hoa đinh hương vốn có mùi thơm sực nức và được coi như tượng trưng cho một mối tình đầu tiên, lãng mạn. Tóm lại câu 3 diễn tả tâm trạng một cô gái đang yêu với một cơ thể trong trắng và một tấm lòng thanh cao.
Câu 4: Cô gái tượng trưng bởi nõn chuối và hoa đinh hương hướng về gió xuân, gió xuân đây tượng trưng cho chàng nhưng “Thư thường tới, người  không thấy tới” nên càng ngóng trông chàng thì càng tự chuốc thêm sầu mà thôi.
Thơ dịch của Hoàng Xuân Thảo:
Trên gác ngóng trông tới nắng tàn
Trăng liềm trời thẳm vắt chia ngang
Đinh hương, nõn chuối còn phong kín
Cùng chuốc buồn khi ngóng gió xuân.
Hình tượng cây chuối trong thơ Đường
Cây chuối so với các loài hoa thì được tả tương đối rất ít trong thơ Đường có lẽ vì nó có tính cách dân dã, không có vẻ phong lưu, đài các như mai lan cúc trúc, tuy nhiên nếu đếm ra thì cũng có không dưới trăm bài mà sau đây là các bài tiêu biểu, trong đó có nói lên ý nghĩa của cây chuối, nhất là nõn chuối.
Theo Nguyễn Khắc Phi, “...Các nhà thơ đã quan sát kỹ từng bước quá trình phát triển của nó, từ khi còn là cái nõn nằm giữa thân cây (Tiêu tâm, Ba tiêu tâm, có khi được gọi là phương tâm, trung tâm), dẫu thân cây có bị chặt ngang, nõn vẫn cứ trồi lên, dẫu thân cây có bị thiêu đốt, phần nõn vẫn tươi sống (hỏa thiêu ba tiêu bất tử tâm), cho đến khi lá khô héo rồi vẫn bám chặt vào thân cây không chịu rơi xuống đất...”
Nõn chuối như vậy còn tượng trưng cho một mối tình trường cửu.
Cũng theo Nguyễn Khắc Phi, nõn chuối có hình tượng một phong thư được tạo dựng trong điển tích nhà sư Hoài Tố đời Đường (725-785) trồng chuối để lấy lá nõn viết thư như sau:
“...Theo Thanh dị lục thì Hoài Tố do “nhà nghèo, không có giấy viết bèn trồng hơn vạn gốc chuối để lấy lá thay giấy”. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng Hoài Tố làm như vậy chỉ là biểu thị tính chất thanh cao, không hùa theo thói tục mà thôi. Ý kiến sau hợp lý hơn vì đã nghèo không có giấy viết thì làm sao lại trồng được hơn vạn gốc chuối? Hoài Tố cùng với Trương Húc (người Tô Châu, Giang Tô) được xem là hai nhà thư pháp vào loại nổi tiếng nhất đời Đường. Quanh nhà Hoài Tố đầy chuối nên nhà ông ở được người đời gọi là “Lục thiên am” (Am trời xanh); cả hai ông đều thường vung bút viết sau lúc say, riêng Trương Húc lại còn hò hét đã rồi mới viết, nên người đời có câu: “điên Trương cuồng Tố”. Không lạ gì sự tích Hoài Tố đã để lại một dấu ấn khá đậm nét trong đời sống văn hóa tinh thần đối với hậu thế. Cơ sở thứ hai là hình dáng đặc thù của nõn chuối: thanh tao khêu gợi, đầy nữ tính, song chủ yếu là giống như một cuốn sách, một phong thư (ngày xưa) …”
Một bài thơ khác nhan đề “Vị triển ba tiêu” của Tiền Hử, cháu bốn đời của Tiền Khởi cũng lấy nõn chuối làm hình tượng cho một phong thư, HXT dịch:
Lãnh chúc vô yên lục lạp can                        Đuốc lạnh, nến xanh không bốc khói
Phương tâm do quyển khiếp xuân hàn        Lòng thơm sợ lạnh cuốn vo tròn
Nhất giam thư trát tàng hà sự                     Phong thư một bức việc chi dấu
Hội bị đông phong ám sách khan               Sợ gió xuân kia lén mở trông.

Trong bài thơ Nõn chuối vừa là một bức thư phong kín, vừa là một tâm tình thầm kín.
Từ bài Vị triển ba tiêu của Tiền Hử tới bài Cây chuối của Nguyễn Trãi


Cây Chuối
Nguyễn Trãi
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu? Gượng mở xem.
Ý nghĩa:
Câu 1: cây chuối tươi tốt gặp hơi xuân càng tươi tốt thêm.
Câu 2: Nõn đầy buồng một cách lạ lùng trong khi mùi chuối thơm thâu đêm.
Câu 3: Nõn chuối như một bức tình thư, như một tấm lòng còn phong kín
Câu 4: Gió hay chàng nơi đâu hãy nhè nhẹ tay mở xem.
Bài thơ Cây Chuối của Nguyễn Trãi có thể xem là một bài thơ đầy dục tính, khêu gợi tới mức tận cùng với lời lẽ rất thanh tao, dịu dàng, đáng coi như một tuyệt phẩm của thơ nôm.
Sau đây là lời bình ca Xuân Diệu:
“...Tôi muốn hiểu cả bài tứ tuyệt là một ngôi thứ nhất, phía sau cây ba tiêu là một giai nhân tự nói lấy cho mình, đầy phòng ngào ngạt thâu đêm, chẳng lẽ lại người nào cũng ngoài phòng nói điều ấy, phải là người ở trong phòng tự nói bức thư tình của lá: em còn e ấp cuộn lại, còn kín, một cái ghen tuông phóng nhụy, ngôi thứ hai là "gió", là đối tượng: anh, người mà em mong mỏi đang ở nơi đâu?
Gượng đây không phải là gượng gạo, mà là gượng nhẹ, khẽ khàng.” 
Góp ý của Đỗ Hữu Tước
Anh CÒ ơi,
Bài này anh có ý định post để kỷ niệm ngày 30/4 với dạng tiểu thuyết khiến ai nấy đều cảm thấy bùi ngùi. Những sĩ phu làm gì cũng khác "Thương nữ bất tri vong quốc hận"
Mặc dù tôi xa quê mẹ 45 năm rồi (đi tu nghiệp năm 74) nhưng cứ đến 30/4 lại cảm khái chi đâu! Tôi sẽ đi lạc đề, không bàn về thơ Lý Thương Ẩn mà tản mạn về ngày này-
Anh-học trò thầy Nghiêm Toản- và các huynh trưởng trong LTCD 21 đã xa Hà nội bao năm rồi? Có phải "Anh xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu"?
Câu chuyện hư cấu giữa cô Thắm và cậu Tình đã xẩy ra cho bao cặp tuổi trẻ trên thực tế trong cuộc chiến phi lý của xứ mình. Câu chuyện ở một làng Ninh Bình làm tôi nhớ lại bộ phim "Thương nhớ ở ai"-từ cuốn tiểu thuyết "Bến không Chồng" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh (Con thi sĩ Lưu Trọng Lư). Hồi tôi ở Long An cũng có một làng mà vào nhà nào cũng chỉ có phụ nữ và trẻ con. Không có đàn ông... chỉ có hình ảnh họ trên các bàn thờ! Đó là làng Lương Hoà-nổi tiếng về khóm ngon.
Cuộc tình Thắm-Tình làm sao có kết cuộc đẹp được khi đi dẫy Trường Sơn là đã "sinh bắc tử nam" rồi. Cuộc tình là một chia ly không hẹn. Tôi nhớ loáng thoáng một bài thơ miền bắc ta tìm thấy trong túi một bộ đội nói lên nỗi cay đắng của những cặp tình nhân như Thắm-Tình:
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh...
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc...
Hai ta ở hai đầu công tác...
Biết bao giờ cùng trở lại mái nhà xưa!
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như sao hôm sao mai không cùng ở.
Hai ta như tháng mười hồng, tháng năm nhãn.
Em theo chim em đi về tháng tám...
Bài thơ còn dài nhưng đoạn cuối xót xa lắm:
Một ngày kia anh trở lại nhà
Nghe mẹ nói Em có về Em hái ổi
Anh nhìn lên hàng cây gió thổi
Lá như môi thì thầm gọi em về...
Một ngày kia anh trở lại nhà
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn xuống giếng sâu trong vắt
Nước trong xanh in bóng hình anh!
Tôi không lan man về tình thời chinh chiến nữa...Nói về thế hệ chúng ta với 2 cuộc đổi đời: Năm 54 bỏ Bắc vào Nam... Năm 75 bỏ Nam sang Mỹ, Úc, Canada, châu Âu…
Hình như Bát Sách có đọc tôi nghe bài "Tặc Bình Hậu Tống Nhân Bắc Quy". của Tư Không Thự nói về đưa tiễn người Tống về bắc thời Nhạc Phi sau khi dẹp xong Hung nô
Thế loạn đồng nam khứ
Thời thanh độc bắc hoàn
Tha hương sinh bạch phát 
Cựu quốc kiến thanh sơn
Hiểu nguyệt quá tàn luỹ
Phồn tinh túc cố quan 
Hàn cầm dữ suy thảo
Xứ xứ bạn sầu nhan.
Dịch ý:
Chung bước đi nam trong lửa loạn
Thanh bình về bắc chỉ mình anh
Xa quê cho mái đầu thêm bạc
Nước cũ vời trông núi vẫn xanh
Luỹ nát trăng mờ chưa đủ sáng
Thành xưa sao tụ lại long lanh
Cỏ cây tan nát chim còn lạnh!
Nơi nơi gặp bạn nét buồn tanh(tênh)
Anh có nghĩ một ngày nào về Bắc, nhìn núi Ba Vì vẫn xanh mà đầu mình đã bạc…? Kiếp nhân sinh ngắn ngủi so với trường cửu thiên nhiên… đã thế còn 2 cuộc đổi đời!
Tôi lạc đề quá xa, xin ngưng ở đây
Đỗ Tước
Góp ý của Mõ
Kính quí hữu,
Bàn luận văn chương quá là thú vị.
Cám ơn thật nhiều các trưởng thượng.
Anh Gương Vàng trí tưởng tượng rất ư phong phú.
Cố vấn tối cao quả thực học lực thâm sâu khôn lường.
Đại ca "Lạc Nước" đúng là "đến quỉ cũng phải hãi kinh"!
Đại huynh Bát Sát "tuần chay nào cũng góp mặt" được cả!
Anh Cò giỏi chọn đề tài và cầm chịch cực kỳ khéo léo & tế nhị!
Bravo 3x ! Chapeau ! Je Vous adore ! I admire You! Ik bewonder U!
"Tuấn kiệt như sao buổi tối, nhân tài như lá mùa xuân", phục quốc mấy thuở!
Bát Sách nối lời Mõ và tâm sự với cố tri Tước
Đúng như Mõ Cường nói, chuyện thơ văn vui thật, nhưng làm cho Bát Sách bị thiếu ngủ trầm trọng, may là sáng không cần dậy sớm, còn được ngủ nướng….. Mấy ông đàn anh, đàn em gì của mình cũng đầy chữ nghĩa hết, viết lạng quạng, sợ lắm!
Kỳ này có anh bạn cũ lưu tồn là Đỗ Hữu Tước tham gia, Bát Sách vui lắm. Mình quen nhau gần 60 năm, lúc nào cũng phục tài thuộc thơ của bạn, bài thơ kỳ này là một chứng cớ. Bạn nhắc tới bài Tặc Bình Hậu Tống Nhân Bắc Quy làm tôi lại cảm khái như bao nhiêu năm trước. Ngày đó mình di cư vào nam, chỉ là Hương hận, năm 1975 mới là Quốc hận, và mơ tưởng một ngày hồi hương, trở về làng cũ. Bài thơ của Tư Không Thự chỉ có 8 câu, nhưng nó súc tích lắm, hai câu đầu đối rất chỉnh, khó mà dịch ra tiếng Việt. Trong bao nhiêu năm, Bát Sách loay hoay dịch mà không bao giờ vừa ý: Vì thích 2 câu 3 và 4, nên đành hy sinh câu 1 và 2, không sao nói được đồng nam khứ và độc bắc hoàn...
Loạn ly cất bước đăng trình,
Giặc yên về bắc một mình đớn đau,
Tha hương cho bạc mái đầu,
Quê xưa thấy núi vẫn mầu xanh xanh,
Sớm trăng qua luỹ tan tành,
Mấy vì sao núp trên thành ngày xưa,
Chim lạnh lẽo cỏ tiêu sơ,
Nơi nào cũng thấy ngẩn ngơ u sầu.
Anh Bảo chắc có dịch bài này rồi, xin gửi cho Bát Sách coi chơi.
Cũng xin nhắc Tước là chữ tống trong bài này là tiễn chứ không phải nước Tống đâu. (Nhà Hán mất, tam quốc, nhà Ngụy của họ Tào, nhà Tấn của họ Tư Mã, Ngũ Hồ loạn Hoa, Nam Bắc Triều, nhà Tuỳ của Dương Kiên, nhà Đường.. Trước nhà Đường, có nhà Tống thuộc Nam triều của Lưu Dụ, không phải nhà Tống của Triệu Khuông Dận sau này)
Bát Sách NT Bình.
Góp ý của Phí Minh Tâm
Dịch Thơ:
Đại Tặng kỳ 1
Hoàng hôn ngóng đợi chốn thư lầu
Thang ngọc gẫy ngang trăng móc câu
Ôm ấp đinh hương chuối chẳng nhú
Gió Xuân lạc hướng cũng buồn rầu.

Đại Tặng kỳ 2
Vành trời chiếu sáng nắng từ lâu
Khách tiễn ca vang khúc Thạch Châu
Vẽ đẹp núi Xuân mày sắc đậm
Nào hay lại được bấy nhiêu sầu.

Ghi chú:
Thơ của Lý Thương Ẩn có nhiều ẩn dụ và điển tích khó hiểu.
- đại tặng: lời một thiếu nữ, viết tâm tình của nàng trông nhớ tình nhân, gửi tặng chàng.
- hoàng hôn: chờ từ lúc hoàng hôn vì trai gái ít khi hẹn nhau ban ngày.
- dục vọng hưu: muốn trông ngóng tin vui
- ngọc thê: thang ngọc, cũng chỉ nhà ngọc, nhưng ở đây không nghĩa. Có thể là các từng mây từ thấp lên cao và bị liềm trăng cắt ngang. Muốn đến lầu với nàng, phải lên thang. Như một ẩn dụ, thang trống là người không đến, thang gẫy ngang là khó khăn trở ngại. Ngọc thê được sử dụng trong nhiều điển tích:
         Giang Yêm đời Nam Triều nhà Lương viết trong bài “Xướng Phụ Tự Bi Phú”“thanh đài tích hề ngân các sáp võng la sanh hề ngọc thê hư”.  Rêu xanh được tích lũy trong gian hàng bạc, và lưới được sinh ra trong thang ngọc.”
         Đỗ Mục trong bài “Quý Du”: “môn thông bích thụ khai kim tỏa, lâu đối thanh san ỷ ngọc thê”.  Cánh cửa được kết nối với cây và khóa vàng, và tòa nhà nằm trên bậc thang ngọc bích của Thanh Sơn.
- Đông phong: là gió Xuân thổi từ hướng Đông.
- đông nam nhật xuất: Lấy ý từ bài "Mạch thượng tang" trong cổ nhạc phủ: "Nhật xuất đông nam ngung hành 艷歌羅敷行” của Lục Ky đời Tây Tấn.
- thạch châu: Tên một khúc hát cổ nhạc phủ, tả nỗi mong nhớ chồng đi lính của chinh phụ.
- xuân sơn tảo mi: Vẽ lông mày như nét núi mùa xuân. Tương truyền: Nàng Trác Văn Quân xinh đẹp, lông mày như nét núi trông từ xa.  Tướng pháp gọi loại lông mày này là thanh tu mi từ tục ngữ:"Mi tự thanh sơn"
Hai bài thơ nói lên tâm trạng thiếu nữ ngóng chờ người yêu (có lẽ đã nhiều ngày qua) trên lầu cao nên có thể nhìn cảnh vật xung quanh, nhìn trời nhìn trăng mây… Gần đến sáng khi trăng đã khuyết tà, người yêu không thấy đâu. Lòng sầu muộn nhìn xuống vườn ví người yêu như đọt chuối non chưa nhú và ví mình như các nụ búp đinh hương. Cả hai kết quyện vào nhau, cùng buồn chịu đựng cái lạnh của gió Xuân.
Không thấy đâu nói về thời lúc của hai bài thơ.  Nhưng có lẽ nàng đã chờ đến sáng cho đến khi mặt trời mọc chiếu vào cao lầu. Nhìn và nghe khách biệt ly hát khúc Thạch Châu (một bản nhạc phủ không phải Thạch Châu Từ đời Bắc Tống).  Dù nàng có dùng phấn đen vẽ chân mày đẹp như núi Xuân, thì cũng không biết chỉ được thêm bấy nhiêu sầu muộn!
Xin nói thêm vể đinh hương:




 - đinh hương kết: nụ hoa tử đinh hương. Có một ý nghĩa gần như cố định với người Trung Hoa hợp với tâm sầu muộn của con người. Thơ thường sử dụng như một phép ẩn dụ cho ưu sầu kết đọng phức tạp mà không lý giải được. Nhiều thi nhân, ngoài Lý Thương Ẩn, dùng ẩn dụ này như :  Lý Cảnh (李璟): “thanh điểu bất truyện vân ngoại tín, đinh hương không kết vũ trung sầu”.  Ngưu Kiệu (): “ tự tòng nam phổ biệt, sầu kiến đinh hương kết”.  và
,               Thập niên vân ngoại túy trung thân
,               Ân cần giải khước đinh hương kết
,               Túng phóng phồn chi tán đản xuân
Góp ý của Lộc Bắc :
Hình như cho tới nay, bài này làm khó dễ Con Cò nhiều nhất về phần dịch nghĩa trước khi phỏng dịch; chuyện này do Con Cò chẻ sợi tóc làm tư, rồi bị lời bàn làm lung lạc thêm; nếu cứ thong dong như những bài trước thì kết cục cũng đâu đến nỗi tệ gì. Than ôi! 
Theo như lời hứa với Cò hôm nay LB xin góp hai mục:
1- Dịch hai bài thơ Đại Tặng 1 và 2 của Lý thương Ẩn.
Đại tặng kỳ 1
Chiều tà gác thượng đợi vui đêm
Thang rút treo ngang nguyệt lưỡi liềm
Đương nụ đinh hương, tàu chuối nõn
Gió xuân cùng hướng tự sầu thêm!
Đại tặng kỳ 2
Đông Nam trời rọi sáng lầu cao
Gác thượng biệt ly khúc Thạch Châu
Thường vẽ non xuân mi mắt đẹp 
Nào hay chỉ nhận biết bao sầu !!!
2- Lính Bắc vô Nam đâu phải 100% sinh Bắc tử Nam, một số không nhỏ tự nguyện ở lại để hưởng cuộc sống dễ thở nơi đất lành chim đậu, lấy vợ sinh con… Sau năm 75 lại được hưởng quyền cao, chức trọng; hưởng đất đai, nhà cửa cưỡng đoạt của người miền Nam bỏ xứ, bị tù đầy, kinh tế mới… Thanh niên miền Bắc thì như vậy; trong lúc thanh niên miền Nam chiến đấu để bảo vệ cho quốc gia mình thì khi “hòa bình” bị tủi nhục trăm chiều, một số rất đông bị chuyển ra Bắc trên các đoàn xe lửa như súc vật, ra đi mà chẳng thấy ngày về; mà có sống thì cũng chả biết sẽ về đâu, nhà cửa bị tịch thu, vợ con đi kinh tế mới, vượt biên sống chết chả biết ra sao… So với Tình, những thanh niên miền Nam cũng khổ đau đâu có thua gì!!!
Nhân đây phỏng dịch bài thơ Tặc Bình Hậu Tống Nhân Bắc Quy của Tư Không Thự.
Bình yên tiễn bạn ra Bắc
1.  Phỏng dịch
Loạn, xuống Nam quần tụ
Yên, về Bắc một thân
Quê người sinh bạc tóc
Nước cũ núi còn xanh
Trăng sớm qua tường lũy
Ngàn sao trú cổng thành
Cỏ thưa, chim giá lạnh
Khắp chốn mắt buồn tênh !!
2.  Phóng tác
Xuôi nam chạy giặc theo cha
Một mình ra Bắc hỏa xa chở tù
Nhét nhồi súc vật còn thua
Nhà tan, nước mất thân đưa chốn nào?
Nhà tranh ruộng nứt hanh hao
Dân tình sơ sác xiết bao u buồn
Hòa bình chỉ thấy đau thương
Người người tang tóc, quê hương điêu tàn!
Phỏng dịch bài xong, đau xót cách gì!
Bát Sách thêm chân cho Rắn
Anh Bảo ơi,
Không biết bài LTCD thế kỷ 21số 83 đã khoá sổ chưa? nhưng Bát Sách vừa nhớ tới một chuyện không cam tâm bỏ qua :
Hồi còn nhỏ BS ở hậu phương vì theo ông cụ đi kháng chiến (mà không phải Cộng Sản), được nghe một bài hát thời thượng, lời Việt, của ai không biết, chỉ còn nhớ mài mại tới giờ, không bảo đảm hoàn toàn đúng (đầu thập niên 50 BS cỡ 10, 11 tuổi)
Cơn gió buồn, chiều vàng hiu hắt,
Hai chúng ta ra tận bến tầu
Đưa tiễn chàng lòng tràn thương đau,
Xa cách ôi nhớ nhung hình nhau...
Nơi chốn xa, sa trường máu rơi,
Đâu biết sau còn níu áo ai?
Nghe tiếng vang ầm, tầu qua chiến binh rầm rập ra,
Biệt ly đôi ngả, chiều buồn lan khắp sông,
Bến xưa em còn  đứng trông,
Đau đớn thay lòng nhớ với mong.
Sau này coi CD của Đặng Lệ Quân, người  Đài Loan, tên kiểu Mỹ là Teresa Deng, mới biết bài hát này có tên Tầu là  "Hà nhật quân tái lai"(Ngày nào chàng trở lại).
Bát Sách lại coi phim Giòng Sông Ly Biệt, phóng tác truyện của Quỳnh Giao, kể về gia đình  Lục Chấn Hoa, 9 vợ:
- Bản cũ, do Tần Hán và Lưu Tuyết Hoa đóng, rất lảm nhảm, toàn chuyện cha con chị em đánh đập gấu ó nhau.
- Bản mới, gọi là Tân Giòng Sông Ly biệt, làm năm 2000-2001 cũng có những cảnh trong phim cũ nhưng ít hơn. Phim sau chủ ý nói lên sự khổ sở và nguy hiểm của chàng ký giả Hà Thư Hoàn (Cổ Cự Cơ) bị gọi nhập ngũ, chống Nhật, phải chia tay với người yêu là Lục Y Bình (Triệu Vy). Đoạn chót rất hay: Khi chiến tranh chấm dứt, nàng ngày nào cũng ra ga xe lửa để chờ người yêu, mà toàn thất vọng não nề. Khi chuyến tầu chót tới ga, nàng chờ hoài, đang định ra về vì đã hết người thì chàng mới lịch kịch chống nạng đi xuống. Hai người nhìn nhau bàng hoàng rồi chạy lại ôm nhau, cười mà nước mắt rơi tầm tã. Đoạn này vô cùng cảm động, coi xong còn nhớ hoài. Nhưng đó là tiểu thuyết. Ở ngoài đời cô Thắm không được may mắn như vậy mà sống đời góa bụa trên 40 năm.
Nguyễn Thanh Bình.

Mời đọc thêm
Phạm vi và phân vùng dải Trường Sơn
Thứ Năm, 01/10/2009 | 02:20:00 PM
Dải Trường Sơn dài 1100 km, là xương sống của bán đảo Đông Dương, là đường phân thủy giữa lưu vực sông Mekong và các sông đổ vào Biển Đông, kéo dài từ thượng nguồn sông Cả trên đất Lào đến giáp miền Đông Nam Bộ, gồm 2 vùng Nam và Bắc Trường Sơn phân cách bởi vùng chuyển tiếp Quảng Nam – Đà Nẵng.
 
Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt nam- VACNE
( Tham luận tại Hội Thảo Bảo vệ Đa dạng sinh học Trường Sơn lần thứ 2-2009)
******
 
 
Tên Trường Sơn có lẽ bắt đầu xuất hiện từ năm nước ta giành độc lập (1945) và được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; trước đó trong các văn liệu và báo chí, dãy núi này được gọi là dãy núi An Nam lấy theo tên cũ của nước ta.Các địa danh có chữ “trường” ở Huế không có chữ nào là “trường sơn”. Cũng không tìm thấy từ “Dải (hay dãy, hay rặng núi) Trường Sơn” trong Từ Điển Bách khoa của Việt nam dù mới xuất bản gần đây. Phạm vi của dải Trường sơn đến nay vẫn được hiểu khác nhau và việc phân vùng nhỏ hơn cũng chưa thống nhất. Bài báo phân tích các phương án xác định phạm vi và phân vùng địa sinh thái dãy Trường Sơn
Đồng danh: Dãy (Dải) Trường Sơn, rặng Trường Sơn, Truong Son Range, Annamese Range, Annamese Mountains, Annamese Cordillera, Annamite Mountains, Annamite Cordillera, Chaine Annamitique, Say Phou Loang (Phu Luông- Tiếng Lào)

1.    
Tên Trường Sơn có từ khi nào?
Thời Bắc thuộc, nhà Đường ở Trung Quốc đã đặt Việt Nam (tương ứng với khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay) là An Nam đô hộ phủ (679-757 và 766-866). Sau khi giành được độc lập, các triều vua Việt Nam thường phải nhận thụ phong của Trung Quốc, được gọi là An Nam quốc vương (kể từ năm 1164 trở đi).Từ đó người Trung Quốc thường gọi nước Việt Nam là An Nam, bất kể quốc hiệu là gì. Sau đó xuất hiện các cách gọi "người An Nam", "tiếng An Nam" dần dần được người châu Âu gọi theo [8].
Dải Trường Sơn – xương sống của bán đảo Đông dương vì thế được các văn liệu nước ngoài (Âu Mỹ) gọi theo tên nước ta trước đây là dãy núi An Nam (Annamese Range, Annamese Mountains, Annamese Cordillera, Annamite Mountains, Annamite Cordillera, Chaine Annamitique). Bên Lào, dãy Trường Sơn được gọi là Phou Loang (Phu Luông) [9,10,11,12].
Do thời kỳ Pháp thuộc bị coi là một giai đoạn ô nhục của dân tộc, nên người dân Việt Nam thường hiểu từ "Annam" theo một nghĩa tiêu cực, mang hàm ý miệt thị dân tộc và vì vậy không  sử dụng tên này kể từ khi giành độc lập năm 1945 [8].Có lẽ cũng bắt đầu từ năm này mà cái tên Trường Sơn xuất hiện để thay tên “Dãy núi An Nam” và vẫn chưa rõ ai là người đầu tiên sử dụng địa danh Trường Sơn. Năm 1953 Nhạc sỹ Phạm Duy viết ca khúc về Trường Sơn có lẽ là nhạc phẩm đầu tiên mang tên mới của dãy núi này. Trong thời kỳ chống Mỹ (1954-1975), tên Trường Sơn trở nên phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng một phần cũng nhờ những ca khúc kháng chiến bất diệt, đi sâu vào lòng người. Năm 1975, Địa danh dãy Trường Sơn xuất hiện trong một ấn phẩm khoa học của Giáo sư Lê Bá Thảo (Thiên nhiên Việt Nam, nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, 1975) [6], tuy nhiên trong ấn phẩm sau này của ông (Việt Nam- lãnh thổ và các vùng địa lý, nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2002) [7], tuy vẫn nói về dãy Trường Sơn nhưng ông lại dùng một phạm vi khác sẽ bàn trong mục 2 dưới đây.

2. Ranh giới phía bắc của dãy Trường Sơn
Là xương sống của bán đảo Đông Dương, dãy Trường Sơn quyết định hình dạng chữ S của bán đảo này, tạo thành đường chia nước giữa một bên là các sông nhỏ đổ về sông Mekong (phía tây) và một bên là các sông nhỏ đổ vào biến Đông (phía đông), vì vậy không khó để nhận diện hai phần Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Ở phần phía bắc, sống núi Trường Sơn gần trùng với biên giới Lào-Việt, ở phần phía nam, sống núi Trường Sơn uốn cong vế phía biển Đông và chạy sát biển tạo thành các dải núi Nam Trung bộ, nên có một phần khá rộng của sườn Tây Trường Sơn nằm trên lãnh thổ Việt Nam (Tây Nguyên). Tuy nhiên ranh giới phía bắc còn nhiều điểm bất nhất trong giới khoa học lẫn trên thông tin đại chúng.
Vườn Quốc GIa Pù Mát, Trường Sơn Bắc
Quan điểm cực đoan nhất ghép cả Tây Bắc Việt Nam vào Trường Sơn, nên Trường Sơn theo khái niệm này xuất phát từ tận cao nguyên Tây Tạng- Vân nam (Trung Quốc) [14, 15].Cách hiểu cực đoan này không được chấp nhận rộng rãi, không có cơ sở cả về lịch sử địa chất lẫn địa sinh thái, và không tôn trọng khái niệm “dãy Trường Sơn là đường chia nước giữa sông Mekong và biển Đông”
Lùi xa hơn về phía Nam chút ít, Lê Bá Thảo (2002) [7] coi ranh giới phia bắc của Trường Sơn là hữu ngạn sông Chu (Thanh Hóa) mà không đưa ra lời giải thích nào. Có lẽ do nhận thấy cấu trúc địa chất của “khối nâng Quỳ Châu” (Nam Thanh Hóa- Bắc Nghệ An) không giống cấu trúc địa chất Tây Bắc Việt nam nên ông đã ghép vùng Nam Thanh- Bắc Nghệ này vào Trường Sơn chăng?. Quan niệm này chỉ có duy nhất Lê Bá Thảo (2002) sử dụng.
Tất cả các văn liệu khác được thu thập, kể cả Lê Bá Thảo (1975)[2,3,5,6,8,10,11,12,15,16] đều coi Trường Sơn Bắc bắt đầu từ vùng sinh thủy của sông Cả trên cao nguyên Trấn Ninh (Lào) (xem bản đồ ). Do đó sông Cả (Nghệ An) được coi là ranh giới phía bắc của dãy Trường Sơn. Quan niệm này có lẽ hợp lý hơn cả về nhiều phương diện, mà quan trọng hơn cả là địa lý và sinh khí hậu. Dải núi khởi nguyên từ thượng nguồn sông Cả kéo về phía đông nam chính là đường chia nước (phân thủy) giữa sông Mekong và biển Đông và đồng thời tạo ra xương sống của bán đảo Đông Dương.. Phần bắc của dãy núi này (từ sông Cả đến Đèo Hải Vân) cũng tạo ra hiệu ứng phơn với hiện tượng gió Lào điển hình, và khác hẳn phần phía Nam bởi mùa đông lạnh, từ đó quyết định đến hệ động thực vật đặc thù của Bắc Trường Sơn.
2.     Ranh giới phía nam của dãy Trường Sơn
Rừng khộp,  Trường Sơn Nam
Về phía nam, dãy Trường Sơn kết thúc khi tiếp xúc với miền Đông Nam Bộ. Quan điểm này là thống nhất ở hầu hết các nhà nghiên cứu, kế thừa kết quả nghiên cứu trước đây của các nhà địa chất Pháp nghiên cứu về Địa chất Đông Dương như Saurin, E (1935) (Etude sur l'Indochine du Sud-Est. Bulletin du. Service Géologique de l'Indochine, v. 22) [16], hay Fromaget,J.(1941) (L’Indochine francaise, sa structure géologique, ses roches, ses mines et leur relation possible avec la tectonique. Bull. SGI, Hanoi) [13]. Tuy nhiên cũng cần nói rõ là vẫn có một số nhà nghiên cứu coi Trường Sơn nam chỉ là sườn Đông của Trường Sơn Nam, còn Tây Nguyên vốn là sườn tây của Trường Sơn Nam thì lại coi như một cấu trúc độc lập, không thuộc Trường Sơn Nam. Quan niệm này phổ biến trong giới địa chất, xuất phát từ cấu trúc Địa kiến tạo (Saurin,E. 1935,) [16].
3.     Ranh giới giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam
Có 2 quan điểm về ranh giới giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam: 1/ Các nhà địa chất Pháp như Saurin, E. hay Fromaget,J. như đã nói ở trên, cho rằng Trường Sơn Bắc kéo dài đến hết tỉnh Quảng Nam (dãy núi Ngọc Linh), và 2/ Trường Sơn Bắc và Nam được phân chia theo dải núi Bạch Mã, ranh giới giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Quan điểm thứ 2 được Lê Bá Thảo (1975, 2002) [6] đề xuất và phân tích rất cặn kẽ, sau đó được nhiều nghiên cứu khác sử dụng.
Thực ra về mặt địa lý và địa sinh thái thì vùng Quảng Nam-Đà Nẵng (nằm giữa hai ranh giới nói trên) có nhiều nét trung gian giữa hai phần Bắc và Nam của dải Trường Sơn. Khó có thể vạch ra một ranh giới rach ròi giữa 2 khu vực của một dải núi đồ sộ dài hàng ngàn kilomet chỉ bằng một vách núi của dãy Bạch Mã hay Ngọc Linh. Có lẽ cần coi Quảng Nam-Đà Nẵng là vùng đệm hay vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam thì hợp lý hơn: Quảng Nam-Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, giống Trường Sơn Nam ở chỗ chỉ có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của mùa đông lạnh miền Bắc. Mùa đông nhiệt độ vùng đồng bằng có thể xuống dưới 20oC. Độ ẩm trung bình trong khí đạt 84%. Lượng mưa trung bình cao đến 2000-2500mm, nhưng phân bố không đều theo thời gian và không gian, mưa ở miền núi nhiều hơn đồng bằng, mưa tập trung vào các tháng 9 - 12, chiếm 80% lượng mưa cả năm; mùa mưa trùng với mùa bão, nên các cơn bão đổ vào miền Trung thường gây ra lở đất, lũ quét ở các huyện trung du miền núi và gây ngập lũ ở các vùng ven sông.
Hệ thực vật Quảng Nam-Đà nẵng cũng mang tính chuyển tiếp giữa 2 phần Trường Sơn. Nghiên cứu trường hợp Bà Nà (Đà Nẵng) cho thấy:
Bà Nà nằm phía nam sông Cu Đê tách bạch hẳn ra khỏi khối núi Bạch Mã-Hải Vân. Nhiệt độ trên đỉnh ban ngày mát lạnh, thường 17 đến 22oC. Đặc biệt mây chỉ u ám vần vũ ở lân cận độ cao 1000 m nên đỉnh núi luôn quang đãng. Những cơn gió lạnh và khô, giống như gió heo may cuối thu ở xứ Bắc, luôn luôn ào ạt trên đỉnh núi làm cho mây mù ít khi tụ lại được. Về đêm, gió lạnh có thể làm nhiệt độ hạ xuống rất thấp.
Hệ động thực vật tự nhiên của Bà Nà được bảo tồn khá tốt từ độ cao khoảng 800 mét trở lên. Các nhà khoa học đã kiểm kê được ở Bà Nà 136 họ thực vật gồm 543 loài, trong đó một nửa là loài thảo dược và 256 loài động vật có cả các loài quý hiếm. Có thể coi Bà Nà là vườn cây thuốc hoặc thảo cầm viên tự nhiên. Rất nhiều loài thực vật cận nhiệt đới, thậm chí ôn đới đã được phát hiện, trong đó có thông 3 lá, dẻ gai, sồi ... Các loài thực vật khác nhau mọc chen chúc trong một khoảng không gian hẹp, hiếm thấy có bụi cây nào lại chỉ có 1 loài.
4.     Có Trung Trường Sơn không?
Cây bòn bon,  Quảng Nam -
Đà Nẵng
Khái niệm Trung Trường Sơn lần đầu và duy nhất được Bộ NN và PTNT nêu ra năm 2004 trong Chương trình Bảo tồn đa dạng sinh học Trung Trường Sơn nhằm đến việc tạo dựng nền móng cho bảo tồn lâu dài và loại bỏ những hiểm hoạ trước mắt đối với các sinh cảnh, loài có nguy cơ tuyệt chủng cao tại vùng này. Cục kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cùng Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tổ chức Hội thảo “Chương trình bảo tồn Trung Trường Sơn” tại Hội An (Quảng Nam) năm 2004. Theo khái niệm đưa ra trong hội thảo này, vùng sinh thái Trung Trường Sơn bao gồm các khối núi trung tâm dãy Trường Sơn thuộc 4 tỉnh Nam Lào và 7 tỉnh trung trung bộ: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình ĐỊnh, Gia Lai, Kon Tum có tổng diện tích 3,7 triệu ha với trên 2,38 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm tới gần 2,2 triệu ha, còn lại là rừng trồng, độ che phủ bình quân của vùng đạt 42,75%, 3.000 loài thực vật trong đó có 46 loài được ghi trong sách đỏ, 28 loài thú đặc hữu, gần 400 loài chim, 11 loài lưỡng cư bò sát...Mục tiêu đặt ra trong vòng 50 năm tới, đa dạng sinh học của khu vực Trung Trường Sơn sẽ được quản lý, bảo vệ và phục hồi bền vững. Theo đó 17 khu bảo tồn sẽ được thiết lập. Với 12 dự án bảo tồn ưu tiên cho toàn vùng sinh thái [1,4].
         Việc lấy 7 tỉnh từ Quảng Trị đến Kon Tum làm vùng Trung Trường Sơn có lẽ chỉ phản ánh mối quan tâm của Bộ NN và PTNT, mà không dựa trên bất cứ cơ sở địa lý hay địa sinh thái nào. Nếu thực sự có Trung Trường Sơn thì đó chỉ có thể là Quảng Nam-Đà Nẵng, vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Nam mà thôi.
5.     Đặc Trưng địa sinh thái của các phân vùng dãy Trường Sơn
Tổ hợp các yếu tố lịch sử địa chất, địa hình, khí hậu, quy mô  và cộng đồng bản địa của 2 vùng Trường Sơn Bắc và Nam quyết định đặc tính địa sinh thái của từng vùng. Đặc trưng này được trình bày vắn tắt trong bảng dưới đây. Vùng đệm giữa 2 vùng Nam Bắc Trường Sơn (Quảng nam-Đà Nẵng) có thể được coi là Trung Trường Sơn khi cần thiết, nhưng chỉ nên gọi là vùng đệm để đỡ nhầm lẫn.
TT
Phân vùng
Phạm vi
Đặc trưng Địa sinh thái
1
Trường Sơn Bắc
 
Từ thượng nguồn sông Cả đến sống núi Bạch Mã
 
VQG Pù Mát – Nghệ An
Đỉnh núi Trường Sơn Bắc trùng với biên giới Lào-Việt, nên trong lãnh thổ Việt nam chủ yếu chỉ là Trường Sơn Đông. Đoạn từ Vinh (Nghệ An) đến Tha Thiên - Huế bề ngang Trường Sơn Đông chỉ từ 40 km đến 60 km, chỗ hẹp nhất Đồng Hới (Quảng Bình) chỉ khoảng 37 km. Cao độ trung bình của Trường Sơn Bắc khoảng 2.000 m, thỉnh thoảng có những đỉnh cao trên 2.500 m. Các đỉnh núi cao nhất là: Phu/Pu Xai Lai Leng (biên giới Việt-Lào, Nghệ An) 2711 m, Phu/Pu Ma (Nghệ An) 2194 m, Phu/Pu Đen Đin (Nghệ An) 1540 m, Rào Cỏ (biên giới Việt-Lào, Hà Tĩnh) 2235 m, Động Ngài (Thừa Thiên-Huế) 1774 m, Bạch Mã (ranh giới Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng) 1444 m.Khối núi Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình cao tới 1178 m, có động Phong Nha được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.Các dãy núi con của Trường Sơn Bắc là: dãy Pu/Phu Lai Leng, dãy Giăng Màn, dãy Bạch Mã.
Trường Sơn Bắc là vương quốc của núi đá vôi với địa hình karst điển hình. Kẻ Bàng là khối đá vôi lớn nhất Đông Dương mà phần diện tích bên Việt nam đã đến 2000 km2.
 Mùa đông lạnh như xứ Bắc, nhiều bão lũ. Mùa hè có gió phơn khô nóng
Đặc trưng cho Trường Sơn Bắc là thảm rừng mưa nhiệt đới thường xanh. Các vùng rừng đai thấp phía Bắc huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), đầu nguồn sông Bồ, sông Hương của 2 huyện A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên Huế), hành lang Bà Nà-Hải Vân-Bạch Mã (thành phố Đà Nẵng vẫn còn gà lôi đặc hữu, sao la, mang lớn, bò rừng, thỏ vằn Trường Sơn, chà vá chân xám, trĩ sao.
 
 
 
2
Vùng chuyển tiếp
 
Quảng Nam-Đà Nẵng (từ sống  núi Bạch Mã đến sống núi Ngọc Linh)
Trái loòng boong (bòn bon), đặc sản Quảng Nam
Đỉnh Trường Sơn chạy theo biên giới Lào-Việt. Vùng chuyển tiếp khá hẹp theo chiều bắc-nam, chỉ trong phạm vi Quảng Nam-Đà Nẵng..
Cảnh quan đá vôi hiếm gặp ( gặp ở Ngũ Hành Sơn và An Điềm), cảnh quan núi đá hoa cương kiểu Trường Sơn Nam cũng chưa phổ biến.
Tuy không còn mùa đông lạnh và gió phơn như Trường Sơn Bắc nhưng nhiệt độ mùa đông thấp hơn Trường Sơn Nam, bão lũ và mưa nhiều.Bắt đầu phân dị hai mùa khô và mưa như Trường Sơn Nam nhưng chưa thực sự điển hình.
Giới động thực vật mang tính chuyển tiếp giữa 2 phần Nam-Bắc Trường Sơn), ), 5 huyện Hiên, Nam Giang, Phước Sơn, Quế Sơn, Trà My (Quảng Nam), lâm trường An Sơn, còn bảo tồn được voi,gà lôi đặc hữu, sao la, mang lớn, bò rừng, thỏ vằn Trường Sơn, chà vá chân xám, trĩ sao như ở Trường Sơn Bắc.
3
Trường Sơn Nam
 
Từ  sống núi Ngọc Linh (Kon tum-Quảng Ngãi) trở vào đến giáp miền Đông Nam Bộ.
 
Rừng khộp Đăk lăk
Đỉnh núi Trường Sơn nam uốn cong sát biển tạo ra 2 sườn Đông và Ttay khác hẳn nhau: sườn phía Đông của Trường Sơn Nam rất dốc, đặc trưng bởi các dãy núi An Khê, Chư Đju, Tây Khánh Hòa, Chư Yang Sin. Sườn của các dãy núi và khối núi này đổ dốc xuống các đồng bằng ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Các đỉnh núi của Trường Sơn Nam gồm: Ngọc Linh (2598 m) cao nhất Trường Sơn và hơn mười ngọn khác cao trên 1200 m cùng thuộc khối núi Ngọc Linh, Ngọc Krinh (2025 m), Kon Ka Kinh (1761 m), Vọng Phu (2051 m), Chư Yang Sin (2405 m), Bon Non (1692 m), Chư Braian (1865 m), M'non Lanlen (1623 m), M'non Pantar (1644 m), và nhiều đỉnh khác
Tây Nguyên. Với các cao nguyên basalt như Kontum, Gialai, Đăklăk, Đăk Nông, Lâm Đồng tạo thành sườn thoải phía Tây
Trường Sơn Nam lại là vương quốc của đá hoa cương với các sườn núi trơ trụi, đầy những tảng đá khổng lồ, hình tròn, tím xanh, nằm lô nhô, ngổn ngang từ chân đến đỉnh núi. Phân dị mùa khô mùa mưa điển hình làm xuất hiện một hệ sinh thái  rừng khộp đặc biệt và duy nhất ở Đông Nam Á, riêng Tây Nguyên diện tích rừng khộp tổng cộng đến 500.000 ngàn ha: .
Các vùng rừng núi và rừng pơ mu  quanh các khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh, Kon Cha Rang (Gia Lai), vùng rừng tự nhiên tại các huyện Đắk Tô, Kon Plong, Đắk Glei (Kon Tum), vẫn còn hổ Đông Dương, hươu vàng, mang Trường Sơn, vượn đen má hung, các loài chim cao nguyên Kon Tum
 
 


      

Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam.(Lê Bá Thảo, 1975, 1990), thực ra Trường Sơn Nam điển hình chỉ bắt đầu từ dãy núi Ngọc Linh
 
      Kết luận:
-          Dãy Trường Sơn kéo dài 1100 km từ thượng nguồn sông Cả, trong phạm vi cao nguyên Trấn Ninh (Lào) đến giáp miền Đông Nam Bộ, là đường chia nước giữa sông Mekong và Biển Đông, tạo ra xương sống của bán đảo Đông Dương.
-          Dãy Trường Sơn có thể được chia ra 2 vùng: Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, được phân chia bằng vùng chuyển tiếp Quảng Nam-Đà Nẵng. Một vách núi (Bạch Mã phía bắc hay Ngọc Linh phía nam) không đủ lớn để tách biệt 2 vùng Nam Bắc Trường Sơn.
-          Trên lãnh thổ Việt nam, Trường Sơn Bắc chủ yếu chỉ có sườn Đông vì sống núi Trường Sơn Bắc trùng hầu hết với biên giới Việt Lào, sống núi này uốn cong về phía biển ở Trường Sơn Nam nên tại đây có cả sườn Đông và sườn Tây. Sườn Đông rất dốc và hẹp trong khi sườn Tây thoải và rộng. Tây Nguyên chính là sườn Tây của Trường Sơn Nam. Tách Tây Nguyên khỏi Trường Sơn Nam là không hợp lý.
-          2 vùng Trường Sơn Bắc và Nam có đặc điểm địa sinh thái rất khác biệt, vì vậy Đa dạng sinh học và phương cách bảo tồn cũng khác biệt.

Tài liệu tham khảo
1.Bảo tồn động vật hoang dã tại vùng Trung Trường Sơn. http://tintuc.xalo.vn/20-895685023/bao_ton_dong_vat_hoang_da_tai_vung_trung_truong_son.html
4.12 dự án bảo tồn sinh thái Trung Trường Sơn http://www.nea.gov.vn/thongtinmt/noidung/gdt_15_5_03.htm
5.Ngũ Hành Sơn - Những quả trứng đá vôi lạc lõng trên Trường Sơn Nam
 http://www.danangpt.vnn.vn/danang/detail.php?id=35&a=93
6.Lê Bá Thảo. Thiên nhiên Việt Nam, nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, 1975, 1990
7.Lê Bá Thảo.Việt Nam- lãnh thổ và các vùng địa lý, nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2002
13.Fromaget,J. L’Indochine francaise, sa structure géologique, ses roches, ses mines et leur relation possible avec la tectonique. Bull. SGI, Hanoi.1941
15. Geography. Vietnam table of content.http://countrystudies.us/vietnam/33.htm
16.Saurin, E. Etude sur l'Indochine du Sud-Est. Bulletin du. Service Géologique de l'Indochine, v. 22.1935
 
 
                                              ************************
 
.
Xin kính chào tất cả quý vị xa gần,
.
Nhân dịp Quốc Hận 30 tháng Tư, các Hội Đoàn Quốc Gia tại Toronto (Canada) và vùng phụ cận đã cùng nhau thực hiện một "Tuyển Tập Tháng Tư Đen" gồm bài vở, thơ nhạc, hình ảnh để tưởng niệm 44 năm ngày Quốc Hận 30 Tháng 4, 1975-2019. 
.
Tuyển tập có 320 trang, phần tiếng Anh cho giới trẻ bắt đầu từ trang 280 tới trang 319. Xin quý phụ huynh chuyển cho các cháu đọc để hiểu về Black April của Việt Nam.
.
Xin bấm vào đây để xem cuốn báo với hình thức "E-Book".
.
Sau khi xem trang mục lục, nếu muốn vào đọc thẳng bài báo của tác giả nào, xin đánh máy số trang của bài đó chồng lên ô giữa màu trắng đang ghi số trang của e-book, không cần phải lật trang từ đầu đến cuối. Nếu ô quảng cáo hiện ra, xin bấm chữ X để tắt đi. Xin bấm vào ô vuông "full screen" để xem báo trang lớn, rõ.
.
Nếu muốn đọc bản rõ đẹp, xin bấm để tải xuống từ đường link này.
.
Quý vị cũng có thể mở bản PDF đính kèm để xem.
.
Chân thành cảm ơn,
.