Về Miền Đất Hứa Phần 1 / The Promised Land Section 1
(sách rút ngắn)
I. LỜI GIỚI THIỆU.
Đây là tác phẩm rút ngắn ra từ cuốn “Exodus”, tác giả Leon Uris. Tác phẩm này là một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời gian, đã được quay thành phim do tài tử Paul Newman đóng vai anh chàng “quyết tử” Dov Landau, và cô đào Ave Mary Saint đóng vai cô điều dưỡng viên Hoa Kỳ xinh đẹp. Câu chuyện là một biến cố quan trọng trong thế kỷ thứ 20. Sự hồi sinh của một quốc gia, dân tộc giữa lòng những kẻ thù truyền kiếp. Theo tác giả Leon Uris, Exodus là một phép lạ lớn nhất trong thời gian của chúng ta, câu chuyện của một dân tộc đã bị phân tán, đầy ải hai ngàn năm trước đây. Câu chuyện nói về sự sống còn của người Do Thái, ngoi lên sau hằng thế kỷ bị ngược đãi, khinh miệt, đầy đọa và tàn sát. Họ trở về xây dựng một mảnh đất nhỏ trù phú bằng tinh thần và bằng máu của họ. (vđh)
II. MARK PARKER, KITTY FREEMONT (Tháng 11 năm 1946).
Chiếc máy bay từ từ hạ cánh rồi chạy đến trước một tấm biển lớn “CHÚC MỪNG ĐẾN CYPRUS”. Mark Parker nhìn qua cửa sổ máy bay, ngắm cảnh đồi núi xung quanh, một tiếng đồ hồ nữa chàng sẽ đi xe qua một ngọn đèo đến thành phố Kyrenia.
- Ông có mang theo hàng cấm không? Một viên chức quan thuế hỏi Mark.
- Hai cân bạch phiến, một tập sách báo khiêu dâm.
Người Hoa Kỳ lúc nào cũng tiếu lâm. Chàng đưa mắt tìm kiếm cô bạn Kitty Freemont, chợt một người bước đến hỏi.
- Ông có phải Mark Parker không?
- Đích danh thủ phạm.
- Bà Kitty Freemont vừa gọi điện thoại, bận không thể ra đón ông được. Ông cứ đến khách sạn Dome ở Kyrenia. Bà ta đã đặt phòng cho ông.
- Cám ơn Thiên Thần. Tôi tìm xe taxi ở đâu?
- Tôi sẽ kiếm xe cho ông. Sẽ có ngay.
- Tôi có thể kiếm chỗ tiếp máu ở đây không?
- Có chứ! Quầy cà phê ở cuối hành lang.
Dựa lưng vào ghế xe taxi, Mark ôn lại những chuyện đã qua… Chàng lập gia đình với Ellen, ít lâu sau đám cưới của hai người bạn thân Tom và Kitty. Chuyện này do Kitty giới thiệu, đó cũng là lỗi lầm ngay từ giây phút đầu tiên. Hai vợ chồng Mark, Ellen sống với nhau không được lâu. Họ ly dị, Mark mừng rỡ vì chàng và Ellen chưa có đưá con nào.
Sau khi ly dị, Mark di chuyển về hướng đông, thay đổi công ăn việc làm liên tục. Đó là kết quả của một cựu sinh viên báo chí dốt nhất thế giới làm việc cho một tờ báo hạng bét trên thế giới. Thực ra không phải tại chàng bết hoặc không có khả năng, mà là chưa gặp thời. Mỗi tuần, Mark đều nhận được lá thư từ ông bạn thân Tom Freemont, bộc lộ tình thương yêu đối với cô vợ Kitty. Thỉnh thoảng chàng cũng nhận được lá thứ của Kitty, vẫn thông báo tin tức về cô bạn Ellen, vợ cũ của Mark, cho đến khi nàng tái giá.
Năm 1938, thế giới mở rộng cửa cho Mark Parker. Báo chí Hoa Kỳ cần một người làm việc tại Bá Linh, và bỗng dưng anh chàng ký giả du mục trở nên một thông tín viên quốc tế nổi tiếng. Công việc này đúng khả năng của Mark, nhờ tài đánh hơi được những chuyện lớn, sắp xẩy ra trên chính trường quốc tế. Chàng đi khắp nơi trên thế giới, thỉnh thoảng ghé “hậu cứ” ở Luân Đôn nghỉ ngơi, và đọc những lá thư của hai người bạn thâm giao Tom, Kitty Freemont đã đợi sẵn, khi chàng trở về.
Đầu năm 1942, Tom Freemont tình nguyện vào Thủy Quân Lục Chiến và tử trận trong trận đổ bộ Guadalcanal. Hai tháng sau, đưá con gái của hai người Sandra chết vì bệnh đậu mùa. Tin kinh hoàng xẩy đến cho hai người bạn năm xưa. Mark xin phép nghỉ khẩn cấp, bay về chốn cũ, nhưng Kitty Freemont đã biến mất. Chàng tìm kiếm khắp nơi cho đến khi hết hạn đi phép, phải qua lại Âu châu. Sau trận Đệ Nhị Thế Chiến, Mark trở về Hoa Kỳ, đi tìm Kitty, nhưng hoài công. Chiến tranh đã làm thay đổi tất cả.
Đến tháng Mười Một năm 1945, chàng lại qua Âu châu để tường trình về vụ án tội phạm chiến tranh ở Nuremburg. Rồi chuyện đã đến, Mark đang ngồi trong một quán rượu, nơi ký giả quốc tế thường tụ họp, bàn chuyện thời sự. Một ký giả kể lại câu chuyện về một người điều dưỡng Hoa Kỳ ở Salonika, chăm sóc trẻ em mồ côi Hy Lạp, như một phép nhiệm mầu. Người nữ điều dưỡng đó chính là Kitty Freemont. Mark vội lấy thêm tin tức và biết rằng Kitty đang nghỉ phép trên đảo Cyprus.
Chiếc taxi dừng lại trước cửa khách sạn, người bồi chạy ra lấy hành lý cho Mark đem vào bên trong. Mark Parker trả tiền taxi rồi bước vào, đến trước người thư ký, ông này đưa cho chàng một tờ giấy nhỏ. Bên trong nét chữ cô bạn gái năm xưa, đầy thương yêu “Anh Mark: Em bị kẹt công việc ở Famagusta đến chín giờ tối. Anh có bao giờ tha thứ cho em không? Rất mong chờ. Thương. Kitty”. Mark bảo nhân viên khách sạn “Tôi muốn ít cành hoa, một chai rượu Scotch và một xô đá”. Nhân viên khách sạn trả lời “Bà Freemont đã lo tất cả mọi chuyện”.
Trong khi Mark Parker chờ đợi gặp lại người xưa Kitty Freemont, hai người đàn ông khác cũng hẹn nhau tại một nơi khá xa, trong một cánh rừng trên đảo Cyprus. Bầu trời nhiều mây, trong bóng đêm, họ lặng lẽ nhìn xuống một vịnh nhỏ dưới chân đồi. Nơi gặp nhau là một căn nhà trắng nhỏ, bỏ hoang. Một người là nhân viên kiểm lâm Hy Lạp, anh ta có vẻ lo âu. Người kia vẫn bình tĩnh, thản nhiên như một bức tượng, nhìn xuống biển không chớp mắt. Tên người đàn ông đó là David Ben Ami, tiếng Do Thái có nghĩa là David, con của dân tộc.
Mây bắt đầu tan đi, ánh sáng chiếu xuống nước trong vịnh nhỏ, trên đồi, căn nhà trắng nhỏ. Ben Ami đứng bên cửa sổ, đó là một người đàn ông gầy, tuổi ngoài hai mươi. Đám mây khác lại kéo đến làm tắt đi những tia sáng. Người nhân viên kiểm lâm, lo âu nói khẽ “Anh chàng này trễ hẹn”. Ben Ami bỗng nói “Lắng nghe”.
Tiếng động cơ máy tầu từ từ nghe rõ dần từ dưới vịnh. David Ben Ami dùng ống nhòm cố gắng quan sát trong bóng đêm. Một tia chớp đèn pha qua căn nhà trắng, rồi lần thứ hai, lần thứ ba. David cùng với người nhân viên kiểm lâm ra khỏi căn nhà trắng chạy xuống sườn đồi. Ra đến bờ vịnh, chàng dùng đèn pin ra hiệu cho người trên tầu.
Tiếng máy tầu ngừng hẳn, một bóng đen nhẩy xuống bơi vào bờ. Ben Ami lên đạn khẩu tiểu liên Sten, đảo mắt xung quanh, cẩn thận coi chừng toán lính Ăng Lê đi tuần. Người bơi vào bờ lên tiếng gọi “David”, chàng ta nhanh nhẹn trả lời “Ari”, rồi tiếp theo “Đi ngã này, nhanh lên”.
Ba người đàn ông chạy băng qua căn nhà trắng đến một con đường đất, nơi có một chiếc xe chờ sẵn trong một bụi cây. Ben Ami cám ơn nhân viên kiểm lâm, rồi chiếc xe chạy về hướng làng Famagusta. Người đàn ông vừa bơi vào bờ tên Ari trông lớn con hơn Ben Ami nhiều, gương mặt nghiêm nghị, cứng rắn. Đó chính là Ari Ben Canaan, một điệp viên bí mật trong tổ chức Mossad Aliyah Bet (Sau này là cơ quan tình báo nổi tiếng Do Thái).
Có tiếng gõ cửa, Mark bước ra mở cửa. Trước mắt là Katherine (Kitty) Freemont. Nàng xinh đẹp hơn trong trí nhớ của chàng ta. Hai người lặng nhìn nhau trong giây lát. Mark nhìn khuôn mặt, đôi mắt của Kitty, nàng là một thiếu phụ yếu đuối qua những bất hạnh, đau đớn của cuộc đời. Họ ôm lấy nhau như những ngày xưa thân ái.
Sau bữa ăn tối, Mark và Kitty đi dạo dọc theo bờ biển ra đến ngọn hải đăng. Họ vẫn chưa tâm sự gì nhiều, đứng yên lặng nhìn tia sáng hướng dẫn tầu vào bến. Mark lên tiếng.
- Anh đã làm em không được vui khi đến đây. Mai anh sẽ rời xa hòn đảo này.
- Em không muốn anh đi. Kitty nhìn ra biển, bâng quơ trả lời. Bức điện tín của anh đem lại nhiều kỷ niệm đau thương mà em đã cố tình chôn sâu từ lâu.
- Tom đã chết được bốn năm rồi, em nên cho vào dĩ vãng, lo cho cuộc đời của mình.
- Em đã khóc nhiều cho Tom, chỉ biết anh bị trúng đạn, không kịp trối trăn một lời thương yêu cho vợ con.
- Thế còn bé Sandra, vì sao lại chết?
- Em không phải là Thượng Đế… Có lẽ không còn chỗ nào cho em dung thân.
Kitty muốn nói nhiều nữa, nàng ngập ngừng… “Sau đó bố mẹ đem em về nhà ở Vermont… Một đêm, em uống rượu say trong một quán rượu, trông thấy một anh chàng trẻ tuổi mặc quân phục xanh olive như Tom… Sáng hôm sau, thức dậy trong một khách sạn rẻ tiền, tồi tàn… không một mảnh vải che thân”. Mark không muốn nghe thêm, vội cắt ngang.
- Chuá ơi! Em nói ra chuyện đó để làm gì!
- Không! Em muốn nói tất cả những chuyện xẩy ra trong cuộc đời em…
- Kitty! Anh đi tìm em, để hy vọng giúp em.
Mark đưa Kitty trở về khách sạn. Họ vào trong quán rượu, nghe nhạc sống và khiêu vũ. Kitty nâng ly rượu “Uống cho Kitty… Bất cứ nơi nào chứa chấp nàng”. Mark nói “Thưa Bà. Bây giờ bà muốn làm gì, bắt đầu từ nơi chốn này”. Kitty trả lời.
- Chỉ có Thượng Đế mới biết. Em sẽ hết giao kèo làm việc ở Salonika, và đã có nhiều nơi hứa hẹn công việc làm tốt bên Âu châu.
- Chiến tranh tàn khốc, có quá nhiều trẻ em mồ côi.
- Đúng! Hôm qua họ mời em làm việc ngay trên đảo Cyprus này.
- Tại đây? Trên hòn đảo Cyprus này? Mark ngạc nhiên.
- Có vài trại tỵ nạn xung quanh Famagusta. Vài phụ nữ Hoa Kỳ liên lạc với em, nhờ trông coi trại tỵ nạn mới mở trên đường Larnaca. Cũng vì vậy em không thể ra đón anh ngoài phi trường.
- Em trả lời họ sao? Kitty càng nói, càng làm Mark ngạc nhiên.
- Em trả lời là không! Em không thích người Do Thái.
Mark ngồi yên lặng trầm ngâm. Chàng chỉ mong tìm cô bạn gái năm xưa, rồi đưa trở về Hoa Kỳ. Kitty thấy Mark ngồi yên, nàng đưa ngón tay trỏ lên đặt trên chóp mũi chàng.
- Cưng muốn biết lý do thứ hai mà không ra đón cưng được không?
- Em có vẻ bí mật, như điệp viên.
- Em cũng cảm thấy đúng vậy! Thưa ông Parker, tôi đi Famagusta tiễn chân một ông nhân tình… Một ông ra đi bằng tầu thủy, một ông đến bằng máy bay.
- Chuyện này tự em “khui” ra… Tên “mất dậy” đó là tay nào vậy?
- Ừ nhỉ! Vậy cưng có muốn em kể tiếp không?
- Ờ…Ờ!
- Đó là Đại Tá Howard Hillings, quân đội Ăng Lê.
- Có chuyện gì “bẩn thỉu” giữa hai người không?
- 100% không, nhưng đừng nói người ta “bẩn thỉu”. Ông ta rất lý tưởng, giúp đỡ thuốc men, chăn màn cho trại trẻ em mồ côi mà em trông nom. Ông ta có ý định cưới em, nhưng em vẫn còn thương Tom. Bây giờ ông ta đã lên đường qua Palestine.
III. CYPRUS.
Trên đường Arsinos ở Famagusta, đối diện với bức tường bao quanh thành phố cổ là một căn nhà lớn, sang trọng của Mandria, chủ nhân công ty vận chuyển (đường biển) Cyprus-Medierranean (Điạ Trung Hải) và những công ty thủy taxi trên những đảo nhỏ. Mandria và David Ben Ami lo âu, chờ cho Ari Ben Canaan thay bộ quân áo khô sau chuyến bơi vào bờ. Cả hai đều biết sự hiện diện của Ari bao hàm một điệp vụ quan trọng trong cơ quan Mossad Aliyah Bet. Chính sách người Ăng Lê giới hạn số người Do Thái di cư về Palestine. Hải Quân Hoàng Gia Anh được lệnh thi hành chính sách này, và nhiệm vụ của Mossad Aliyah Bet là đem lậu người Do Thái về Palestine dựng nước.
Ari hiên ra, đó là một người lớn con, cường tráng, cao hơn 6 bộ. Ari và Ben Ami là bạn thân, cùng nằm trong tổ chức bí mật, còn Mandria là người thông cảm, có cảm tình với dân Do Thái. Ari châm điếu thuốc lá và đi ngay vào vấn đề “Bộ chỉ huy gửi tôi sang đây để tổ chức một cuộc đào thoát khỏi các trại tỵ nạn tạm dung. Mục đích quá hiển nhiên. David có ý kiến gì không?”.
David Ben Ami đến từ kinh thành Jerusalem. Anh ta được đạo quân bí mật Do Thái Palmach gửi đến đảo Cyprus vài tháng trước cùng với một tá chiến sĩ khác. Họ bí mật xâm nhập vào các trại tỵ nạn Do Thái, tổ chức trường học, bệnh xá, và đền thờ Do Thái cho dân tỵ nạn. Họ xây thêm hệ thống làm vệ sinh doanh trại, công xưởng ngầm để làm việc. Mặc dầu mới 22 tuổi, David đã là xếp xòng đội quân bí mật Palmach trên đảo Cyprus.
- Anh muốn đưa bao nhiêu người đi trốn? David hỏi Ari.
- Khoảng 300, thêm bớt một chút.
David lắc đầu, “Chúng tôi có vài đường hầm dẫn ra biển, nhưng anh đã biết, chỉ những ai bơi giỏi mới trốn thoát. Thêm vào những toán binh sĩ Ăng Lê đi tuần, chỉ vài người… may ra. Ôâng bạn Mandria giúp chúng ta “đóng hộp” rồi chuyên chở ra biển nhưng cũng chỉ vài người. Ari, tôi không thấy có cách nào hơn, đem số 300 người ra khỏi trại tỵ nạn”. Khuôn mặt Ari lạnh như tiền, “Chúng ta sẽ tìm ra cách… Tuy nhiên mình chỉ có vài tuần lễ để làm “vố” này”. Mandria đứng lên, lắc đầu “Ông Ari Ben Canaan. Tối nay ông vừa bơi từ biển vào, chắc cũng đã biết. Ông nhờ bọn tôi làm điều không thể thực hiện được. Ari, chúng tôi có cảm tình với dân Do Thái… Cyprus là một hòn đảo xung quanh là nước, vả lại quân đội Ăng Lê đâu có ngồi chơi hoặc ngủ. Ngoài ra còn lớp hàng rào cao 10 bộ nữa…”.
Ari Ben Canaan đứng dậy, chàng cao lớn hơn cả hai người đàn ông kia. Bất chấp lời khuyên của Mandria, Ari ra lệnh và cũng để kết thúc “phiên họp”.
- Tôi cần bộ quân phục sĩ quan Ăng Lê, giấy tờ (giả) và một tài xế sáng mai. Ông bạn Mandria bắt đầu đi tìm dùm một chiếc tầu khoảng 100, 200 tấn. David, mình cần một tay làm giấy tờ giả.
- Mình có một đứa sống trong khu trẻ em, một họa sĩ rất giỏi, nhưng nó không chịu “hợp tác”.
- Tôi sẽ đi Caraolos ngày mai để gặp nó, nhân tiện quan sát trại tỵ nạn.
Mandria cảm thấy hứng khởi, phục Ari sát đất. Thực là một người đàn ông của hành động. “Tôi sẽ đi kiếm tầu. Cuộc chiến của các bạn là cuộc chiến của dân Cyprus”.
Chợt có tiếng còi hụ xe quân cảnh. Ba người đàn ông bước ra ban công nhìn xuống đường. Một xe quân cảnh dẫn đầu, theo sau là đoàn xe chở dân Do Thái bị bắt trên đường về cố hương. Quần áo họ tả tơi, lam lũ làm Mandria chẩy nước mắt. David nắm chặt hai bàn tay, nghiến răng, riêng Ari vẫn thản nhiên, gương mặt lạnh lùng, không thay đổi.
Đêm đó, Chuẩn Tướng Bruce Sutherland, chỉ huy trưởng quân đội Anh trên đảo Cyprus, dầy vò trong giấc ngủ. Mandria lo âu nhưng vẫn ngủ ngon. Mark Parker ngủ một giấc thoải mái của người đàn ông đã làm xong nhiệm vụ. Kitty Freemont ngủ một giấc an lành, nàng thiếu vắng trong nhiều năm. David Ben Ami ngủ giấc mơ màng đến cô bạn gái Jordana, do Ari đem tin lại. Ari Ben Canaan không ngủ, đó là chuyện xa xỉ nên để dành lúc khác, còn bây giờ, quá nhiều chuyện phải làm.
Trời vừa rạng đông, Ari đánh thức mọi người dậy. Sau bữa ăn sáng, họ lên chiếc xe của Mandria đi đến trại tỵ nạn ở Caraolos, nằm giữa Famagusta và thành phố cổ đổ nát Salamis. David dẫn Ari đi “cửa hậu” băng qua bãi đổ rác vào trong trại.
Trại tỵ nạn rộng lớn này trải dài nhiều dặm, chia ra làm nhiều khu vực. David dẫn Ari đi thăm từng khu một, thỉnh thoảng có những thanh, thiếu nữ tuổi 19, 20 chạy lại ôm choàng lấy “người hùng” Ari. Họ là quân Palmach bí mật xâm nhập vào trại trước đây, hỏi thăm Ari về gia đình, quê hương, bạn bè. Ari chỉ hứa sẽ triệu tập một buổi họp cho tất cả Palmach. Người Do Thái được gom lại từng nhóm thiểu số như gốc Pháp, gốc Tiệp Khắc, cả nhóm bảo thủ Do Thái Orthodox.
David vừa đi vừa than phiền với Ari, rằng người Ăng Lê đối xử tệ với dân Do Thái, trại tỵ nạn bẩn quá, thiếu thốn đủ mọi thứ, kể cả thực phẩm. Ari vẫn lặng lẽ điều ngiên hệ thống bố phòng, canh gác của trại, cách thức làm việc của binh sĩ người Anh. Đã gần hai tiếng đồng hồ trôi qua, Ari vẫn im lặng không nói một lời. David buột miệng hỏi “Ari. Anh nghĩ thế nào về trại tỵ nạn?”. Ari không trả lời thẳng “Còn khu nào nữa không?”. “Còn khu trẻ em”. “Vậy đưa tôi qua khu trẻ em”.
Cũng như các khu khác, Ari được chào đón bằng những vòng tay, nụ hôn từ các em nhỏ. Nhưng lần này chàng mỉm cười, ôm các em sát vào ngực. Ari gặp lại người bạn thân Joab Yarkoni, Moroccan Do Thái di cư về Palestine lúc còn nhỏ. Yarkoni cùng Ari đã thi hành nhiều công tác. Trong tổ chức Mossad Aliyah Bet, Yarkoni là chuyên viên về các sắc dân Ả Rập, và đã từng đem hàng trăm người Do Thái từ Iraq về Palestine. David Ben Ami trao trách nhiệm trong coi khu trẻ em cho Yarkoni vì khu này quan trọng nhất trong trại.
Joab Yarkoni đưa ông bạn Ari đi thăm khu vực tập trung trẻ em Do Thái, từ trẻ sơ sinh cho đến 17 tuổi. Gần hết các em sống sót qua các trại tập trung Quốc Xã, nhiều em lớn lên bên trong lớp hàng rào kẽm gai, chưa từng thấy được thế giới bên ngoài. Vì là nơi tập trung trẻ em, nên khu này có thêm trường học, nhà ăn, bệnh viện, sân chơi. Nhiều viên chức làm việc như bác sĩ, y tá, thầy giáo, và nhân viên xã hội, khu nàyï được tài trợ bởi người Hoa Kỳ gốc Do Thái.
Vì có nhiều viên chức ra vào, và sự canh gác lỏng lẻo. David và Joab lập bộ chỉ huy Palmach. Đến tối, sân chơi biến thành trường huấn luyện cho thanh thiếu niên, nam nữ. Họ được huấn luyện điạ dư, bản đồ vùng Palestine, nhận dạng vũ khí, và những bài học quân sự khác. Sau khi “tốt nghiệp”, các em sẽ được Palmach tìm cách đưa về lại vùng đất hứa Palestine.
Ari vào thăm một lớp học, ngụy trang cho bộ chỉ huy Palmach trong trại. Bên trong ngăn kéo bàn thầy giáo là máy truyền tin. Dưới đất là súng đạn dùng để huấn luyện. Phòng học này cũng là nơi làm giả mạo giấy tờ. Ari cầm một tờ căn cước giả lên coi thử.
- Yarkoni, anh làm việc cẩu thả. Tờ căn cước giả này không qua mặt được ai. Yarkoni gật đầu nhận lỗi. Ari tiếp tục.
- Trong những ngày sắp đến chúng ta cần gấp rút. David, anh nói là có một chuyên viên ở đây. Anh ta đâu rồi?
- Đúng. Đó là đứa trẻ người Do Thái Ba Lan tên là Dov Landau, nhưng nó không chiụ “hợp tác”. Joab thêm vào “Chúng tôi đã thuyết phục nó nhiều lần”.
- Dẫn tôi đi gặp nó ngay bây giờ. Ari ra lệnh cho hai người bạn Palmach.
Ari bảo David và Joab đứng đợi bên ngoài, một mình chàng bước vào lều. Bên trong, Ari nhìn thấy một thanh niên tóc vàng, gầy gò thiếu dinh dưỡng. Chàng thiếu niên nhìn Ari với cặp mắt chăm chú, đầy vẻ nghi ngờ. Cặp mắt đầy hận thù của những người đã trải qua những nỗi kinh hoàng trong các trại tập trung Quốc Xã. Ari lên tiếng.
- Em là Dov Landau. Em 17 tuổi gốc Ba Lan, sống sót qua các trại tập trung. Em rất giỏi trong việc làm giấy tờ, căn cước giả. Còn tôi là Ari Ben Canaan, làm việc cho Mossad Aliyah Bet. Anh chàng Dov quay mặt nhìn xuống đất, không trả lời.
- Dov. Tôi đến đây không phải để nài nỉ, xin xỏ, cũng không đến để đe doạ. Tôi đến đây vì nhiệm vụ… Dov Landau cắt ngang.
- Tôi muốn nói với ông một điều. Thưa ông Ari Ben Canaan, các ông chẳng tốt gì hơn bọn Đức Quốc Xã, bọn lính Ăng Lê. Các ông muốn chúng tôi về Palestine vì sợ bọn Ả Rập cắt đầu. Riêng tôi, khi về đến Palestine, tôi sẽ gia nhập tổ chức nào mà tôi có thể giết người. Ari vẫn không đổi sắc mặt.
- Tốt! Chúng ta đã hiểu nhau. Em không muốn tôi đến đây đưa em về cố hương Palestine. Tôi cũng không muốn người như em có mặt ở Palestine. Tuy nhiên chúng ta có một điểm chung. Cả hai chúng ta, em và tôi thuộc về quê hương Palestine chứ không phải nơi đây. Lần này Dov quay mặt lại, nhìn Ari với đôi mắt vẫn còn ngờ vực. Chàng nói tiếp.
- Hãy tiến thêm một bước. Em không thể nào về đến Palestine, bằng cách ngồi chơi ở đây mà không làm gì cả. Em giúp tôi, tôi sẽ giúp em, còn chuyện về đến Palestine, muốn làm gì thì làm. Đó là chuyện riêng của em.
Anh chàng thiếu niên Dov Landau chớp mắt. Ari nắm phần chủ động, nói tiếp.
- Đây là điểm chính của vấn đề. Tôi cần nhiều giấy tờ giả, các em khác không có khả năng như em. Em phải giúp chúng nó. Em có nhận lời làm việc với tôi không? Dov nhìn kỹ Ari, như tìm xem có điều gì bí ẩn bên trong.
- Tôi cần nghĩ lại chuyện này.
- Chắc chắn. Cứ nghĩ đi, em có 30 giây để suy nghĩ.
- Nếu tôi từ chối. Ông có đánh đập tôi không?
- Dov! Chúng ta cần nương tựa vào nhau. Để tôi nói rõ thêm, nếu em không giúp tôi, không giúp người Do Thái, tôi nghĩ rằng em sẽ là người cuối cùng ra khỏi trại tập trung này. Lúc đó em đã quá già, chưa chắc vác nổi quả bom để trả thù cho dân tộc chúng ta.
- Làm sao tôi có thể tin ông được.
- Tôi đã nói với em rằng tôi là người đem niềm tin đến.
Một nụ cười gượng trên gương mặt xanh xao của Dov Landau, chàng khẽ gật đầu.
- OK! Em sẽ nhận lệnh từ David Ben Ami hoặc Joab Yarkoni. Tôi không muốn em gây khó khăn cho họ. Có điều gì không vừa lòng, cho họ biết rằng muốn gặp tôi.
Ari bước ra khỏi lều, nói với hai người bạn đứng chờ bên ngoài. “Nó sẽ trình diện để làm việc trong vòng nửa tiếng đồng hồ”. Cả hai ngạc nhiên, há hốc miệng ra “Anh tuyên truyền những gì hay vậy”. Ari trả lời “Tâm lý trẻ em. Tôi muốn gặp hai bạn tối nay tại nhà Mandria, đừng quên đem theo Zev Gilboa. Cũng không cần phải tiễn tôi ra về, tôi đã rành đường đi nước bước”. Cả hai nhìn theo Ari bước đi nhanh qua bãi đổ rác, lòng thán phục.
Tối hôm đó trong phòng khách nhà Mandria, có mặt chủ nhà, David, Joab và Zev Gilboa. Cả bốn người đàn ông chờ Ari Ben Canaan. Nhân vật mới đến, Zev cũng là một Palmach ở Palestine, gốc nhà nông trong vùng Galilee. Cũng như Yarkoni, vừa mới hơn 20 tuổi, chàng để bộ ria thật rậm. Trong những chiến sĩ bí mật Palmach xâm nhập trại tỵ nạn Caraolos, Zev coi như xuất sắc nhất, được David trao cho trách nhiệm huấn luyện quân sự cho các thanh niên, thiếu nữ trong trại.
Thời gian chậm chạp trôi qua, ông chủ nhà Mandria bắt đầu lo âu “Tôi giao cho anh ta một xe taxi và một tài xế lúc ban chiều”. David trấn an “Đừng lo ông bạn Mandria, Ari có thể vắng mặt trong ba ngày. Anh ta có phương thức làm việc rất kỳ lạ mà bọn tôi đã quen”.
Đã quá nửa đêm, cả bọn dãn ra cho thoải mái và tiếng đồ sau đã ngủ say xưa. Đúng năm giờ sáng, Ari bước vào trong nhà, những lằn gân đỏ nổi lên trong mắt chàng, sau một đêm đi thám thính xung quanh đảo. Từ lúc xâm nhập Cyprus, Ari chỉ chợp mắt được một lúc. Ari ôm lấy người mới Zev Gilboa theo truyền thống Palmach, rồi bắt tay ngay vào việc, cũng không thèm xin lỗi hay cắt nghiã việc trễ hẹn đến tám tiếng đồng hồ.
- Ông Mandria đã tìm được chiếc tầu chưa?
Mandria vỗ tay vào trán, trả lời.
- Ông Ben Canaan. Ông vừa lên tới đảo chưa đầy 30 tiếng đồng hồ. Tôi không phải chủ công ty đóng tầu. Các văn phòng chuyên chở đường biển của tôi đã được thông báo tìm một chiếc tầu theo ý ông muốn. Khi nào có, tôi sẽ cho ông biết ngay.
Ari không để ý đến lời ca thán của Mandria, quay sang người khác.
- Zev. Có lẽ David đã cho bạn biết về mục đích của chúng ta.
Anh nông dân trong vùng Galilee (Zev) gật đầu. Ari nói tiếp.
- Ngay từ bay giờ, ba người làm việc với tôi. Phải tìm người khác thay thế các bạn trong trại tỵ nạn Caraolos. Joab, có bao nhiêu trẻ em khoẻ mạnh, tuổi từ mười đến mười bẩy?
- Ô! … Vào khoảng sáu, bẩy trăm em.
- Zev. Chọn ba trăm đứa khoẻ nhất và tập luyện thể dục cho chúng nó.
Anh chàng Zev lại gật đầu. Buổi họp kết thúc nhanh chóng. Ari đứng dậy nói với ông chủ nhà Mandria.
- Khoảng nửa tiếng đồng hồ nữa trời sẽ sáng, tôi cần một chiếc xe taxi khác và tài xế. Anh tài xế hôm qua đã quá mệt mỏi. Mandria trả lời.
- Để tôi lái xe đưa ông đi.
- Tốt! Mình sẽ ra đi khi trời vừa sáng. Xin lỗi tôi phải về phòng coi lại giấy tờ.
Nói xong, Ari biến mất cũng như lúc xuất hiện. Bốn người đàn ông còn lại bàn tán. Zev nói.
- Như vậy mình đưa 300 đứa trẻ đi trốn. Mandria trả lời.
- Có lẽ vậy. Ông ta (Ari) là một người lạ lùng, thật kỳ diệu. Hay là ông ta tin vào phép lạ… Ông ta bí mật quá. Chẳng tiết lộ gì thêm! David trả lời.
- Trái lại, Ari không tin ở phép lạ, nên mới làm việc quá sức như vậy. Theo tôi, còn có thêm điều gì nữa mà chúng ta chưa được biết…
Chương trình làm việc hàng ngày của Ari diễn ra như vậy. Ban ngày đi khắp nơi trên đảo, điều nghiên. Đến khuya mới về đến nhà, họp với các chiến sĩ nằm vùng Palmach, rồi vào phòng nghiên cứu thêm, hoạch địch cho chương trình làm việc ngày hôm sau.
Qua ngày thứ tư, kể từ khi Ari bơi vào bờ. Mandria nhận được cú điện thoại từ văn phòng công ty chuyển vận đường biển ở Larnaca, báo cho biết có chiếc tầu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, có kích thước trọng tải như mong muốn. Mandria lập tức lái xe đưa Ari đến trại Caraolos đón David cùng Joab, rồi cả bốn người đi Larnaca mua chiếc tầu. Zev được ở lại lo việc huấn luyện, chọn lựa 300 trẻ em khỏe mạnh.
Armatau dắt bốn người đàn ông rẽ vào một con đường xuống bến tầu. Anh chàng vừa đi vừa nói chuyện, rằng chiếc tầu đã được xem xét, rất tốt, đúng là nữ hoàng của biển cả. Họ ngừng lại trước một con tầu đóng bằng gỗ, cũ kỹ, lớp sơn tên con tầu cũng phai đi “Aphrodite” (Thần thoại Hy Lạp, tiếng Ý là Venus, Vệ Nữ). Ari lặng lẽ ngắm con tầu, tính toán, dài khoảng 150 bộ, trọng tải 200 tấn, được đóng trong vòng 45 năm. Joab bỗng dưng thắc mắc, lên tiếng.
- Ai là Aphrodite? David nhanh nhẩu trả lời ông bạn hiền.
- Aphrodite là nữ thần của tình yêu. Tiên nữ do sóng đưa đẩy trôi dạt vào bờ cách chỗ này vài dặm. Năm ngàn năm trước đây.
Ari quay mặt lại, nghiêm nghị hỏi “Armatau. Tôi chỉ cần một điều. Từ đây đến Palestine là 200 dặm. Chiếc tầu này có thể chạy một lần đến nơi được không. Được hay không?”. Armatau đưa hai tay lên trời trả lời “Tôi đã chạy chiếc tầu này hàng trăm lần từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Cyprus. Ông Mandria, chủ công ty chuyển vận đường biển biết rõ”. Mandria lên tiếng “Điều đó đúng. Chiếc tầu cũ nhưng tin cậy được”.
Khi mọi người kéo nhau xuống lòng tầu xem xét. Mandria quay lại nói với Ari.
- Armatau là người Thổ, nhưng tin tưởng được.
- Chiếc tầu này có thể chạy với tốc độ nào?
- Có lẽ khoảng 5 knots.
David cùng Joab xem xét chiếc tầu khoảng nửa tiếng đồng hồ, trở lên báo cáo cho Ari.
- Chiếc tầu cũ nhưng tôi tin sẽ chạy đến nơi đến chốn.
- David, gửi công điện cho Palestine tối nay, xin họ gửi gấp một thuyền trưởng và hai tài công để lái tầu.
- Ba người như vậy đủ sức lái con tầu không?
- Cả hai người (David, Joab) và Zev cùng đi với tôi, theo tầu về Palestine.
Ông lái tầu Armatau trố mắt ngạc nhiên về cách làm việc, ra lệnh như máy của Ari.
- David và Joab tìm phương tiện khác trở về Famagusta. Mandria phải đưa tôi đi Kyrenia có công chuyện khác.
- Kyrenia? Mandria phản đối thầm nghĩ, người đàn ông này chắc không biết mệt mỏi là gì! Kyrenia nằm phiá bên kia đảo Cyprus.
- Có chuyện gì vậy! Xe của ông hỏng máy?
- Không… Mình sẽ đi Kyrenia.
Ari cùng với Mandria bước ra xe, David nói với theo.
- Ari. Mình đặt tên chiếc tầu là gì. Ari quay lại.
- Anh là thi sĩ, cứ đặt cho nó một tên. Joab lên tiếng.
- Đặt tên cho nó là Bevin, tên Thủ Tướng Ăng Lê.
- Thôi cứ gọi nó là Exodus, một cuộc di cư vĩ đại phát nguồn từ tiếng Hy Lạp Exodos.
Đến Kyrenia, Mark cho chiếc xe mướn vào chỗ đậu, trước mắt họ là ngọn núi đá cao vài trăm bộ, trên đỉnh là lâu đài cổ, đổ nát St. Hilarion. Mark diù Kitty ra khỏi xe, hai người leo lên một dốc đá, ngồi xuống bên cạnh nhau, ngắm cảnh lâu đài, bầu trời, biển cả, núi đồi xung quanh. Mark nói khẽ “Khung cảnh đẹp thật”, nàng gật đầu tán đồng.
Đó là những ngày hạnh phúc cho cả hai người. Kitty dường như hồi xuân trở lại từ khi Mark Parker đến Cyprus. Kitty nói.
- Thật may quá, bỗng dưng Đại Tá Howard Hillings bị đổi đi Palestine, và bây giờ em hoàn toàn thuộc về anh. Anh ở đây được bao lâu, Mark?
- Vài tuần lễ, cho đến khi nào em còn cần anh.
- Em không bao giờ muốn mình phải xa nhau nữa.
- Em có biết rằng, mọi người trong khách sạn Dome đều biết chuyện hai đứa mình.
- Tốt! Em sẽ viết tấm biển treo trước cửa phòng “Tôi yêu Mark Parker điên cuồng”.
Khi Mark và Kitty trở về khách sạn Dome, Mandria cũng tìm chỗ đậu xe. Ari đi vòng quanh tìm bãi đáp cho chiếc tầu già nua Aphrodite (Exodus). Chàng nói Mandria quay về trước vì cần gặp một người bạn cũ ở khách sạn Dome, xong việc sẽ tìm phương tiện trở lại Famagusta sau. Khi Mandria nổ máy xe, Ari lên tiếng “Mandria. Tôi cám ơn ông đã nhiệt tâm”. Lần đầu tiên nghe tiếng cám ơn từ con người “Thép” làm Mandria cảm động.
Mark nhấp ly cà phê rồi đưa khăn lên thấm môi, chợt nhìn qua vai Kitty, chàng trông thấy một bóng người cao lớn, ghé tai nói với một người bồi bàn, anh ta chỉ tay về phiá bàn Mark và Kitty đang ngồi. Mark nhận ra Ari Ben Canaan đang bước lại chỗ chàng.
- Mark, anh nhìn gì chăm chú vậy. Bộ thấy ma hay sao? Kitty hỏi Mark.
- Ừ! Anh ta đây rồi. Mình sẽ có một buổi tối hứng thú.
Kitty quay lại trông thấy dáng dấp to lớn của Ari đã đến bên cạnh bàn. “Mark, ông bạn vẫn còn nhận ra tôi”. Nói xong Ari tự nhiên kéo ghế ngồi “Còn bà có phải là Kitty Freemont?”. Thái độ tự tin của Ari làm Kitty mất tự nhiên, trong khi đó Ari gọi người bồi bàn đến đem cho chàng miếng bánh sandwich. Để đánh tan bầu không khí yên lặng, Mark giới thiệu.
- Đây là Ari Ben Canaan, một người bạn quen biết đã lâu. Còn Ari có lẽ đã biết Kitty Freemont.
- Ari Ben Canaan. Tên gì lạ vậy! Kitty nói bâng quơ.
- Đó là tiếng Hebrew (cổ ngữ Do Thái) có nghiã là Sư Tử con của Canaan.
Sự hiện diện của Ari trên đảo Cyprus làm Mark Parker linh cảm sắp có chuyện gì to lớn sắp xẩy ra, vùng biển Điạ Trung Hải sắp dậy sóng. Người bồi bàn đem tới bàn điã bánh sandwich, Ari ăn vội vàng vì làm việc cả ngày, chưa ăn uống. Mark chờ cho ông bạn ăn xong để biết lý do sự có mặt của Ari trên đảo Cyprus. Đúng vậy! Ăn xong Ari vào đề ngay.
- Tôi có chuyện muốn nói với cả hai người.
- Ngay tại đây, giữa lòng quân đội Ăng Lê? Ari mỉm cười quay sang Kitty.
- Ông bạn Parker vẫn chưa nói gì về tôi. Thưa bà Freemont, “Công Ty” tôi làm việc được người Ăng Lê phóng đại, gọi là “Tổ chức ngầm dưới mặt đất”.
- Thôi lên phòng tôi nói chuyện kín đáo hơn. Mark Parker đề nghị.
Cả ba người lên phòng Mark, sau khi đóng cánh cửa lại, Ari bắt đầu ngay.
- Parker. Anh và tôi đang ở trong một tình huống mà phải làm điều có lợi cho nhau.
- Nói tiếp.
- Quý vị có quen thuộc với trại tỵ nạn ở Caraolos không?
Mark lẫn Kitty đều gật đầu.
- Tôi vừa thảo xong kế hoạch đưa 300 trẻ em đi trốn. Bọn tôi sẽ đưa các em đến đây, rồi lên một chiếc tầu đậu trong hải cảng Kyrenia.
- Bọn các anh đã đem lậu người Do Thái về Palestine từ nhiều năm nay. Chuyện này đâu có gì mới mẻ, Ben Canaan. Mark trả lời Ari.
- Nó sẽ là chuyện mới, nếu bạn làm cho nó mới. Anh còn nhớ vụ chiếc tầu “Miền Đất Hứa – Promised Land” của bọn tôi không?
- Chắc chắn.
- Người Ăng Lê sẽ vỡ mặt, nếu bọn tôi có thể làm cú này. Điều này sẽ làm chính quyền Anh thay đổi chính sách di trú trên mảnh đất Palestine.
- Tôi không chắc… Đồng ý các anh có thể đem trẻ em đi trốn, nhưng làm sao đưa họ về đến Palestine? Nếu may mắn, thoát được thì câu chuyện ở đâu ra?
- Đó mới là điểm chính. Tôi không dự định đi đâu xa hơn Kyrenia. Tôi không có ý định chạy trốn về Palestine.
Ngạc nhiên, Mark chồm về phiá trước lắng nghe Ari nói tiếp.
- Như thế này. Sau khi đem được 300 trẻ em thoát ra khỏi trại ở Caraolos, và đưa các em lên tầu ở Kyrenia. Hải quân Hoàng Gia Anh biết được sẽ ngăn cản chuyến đi về Palestine. Nếu lúc đó bài viết của anh về chuyện này đã nằm sẵn ở Paris hoặc ở New York. Từ giây phút các em lên tầu, bài viết của anh sẽ nổi tiếng, làm chấn động lương tâm thế giới.
Mark khẽ huýt sáo, thích thú. Thì ra thế. Là một đặc phái viên, Mark có nhiều cảm tình đối với dân tỵ nạn. Mark được biết trước câu chuyện để làm phóng sự, Ari được sự tuyên truyền của báo chí trên thế giới. Như Ari đã nói ngay từ lúc bước vào phòng, chuyện này có lợi cho cả đôi bên. Rồi Ari quay sang Kitty.
- Bà Freemont, tuần trước bà được mời làm việc chăm sóc trẻ em trong trại tỵ nạn ở Caraolos. Bà nghĩ sao về lời mời đó?
- Tôi đã quyết định, từ chối công việc đó.
- Bây giờ, bà có nghĩ lại không… Để giúp ông Mark Parker? Mark Parker chen vào.
- Ông bạn tính toán chuyện gì đối với Kitty?
- Trong trại những y tá, thầy giáo, nhân viên xã hội được đi lại tự do. Đặc biệt người Ăng Lê rất nể nang người Hoa Kỳ như bà Freemont.
- Ông bạn định xử dụng Kitty như một giao liên. Có đúng không?
- Gần đúng. Trong trại, bọn tôi làm giấy tờ giả để xử dụng bên ngoài. Kitty cắt ngang.
- Chờ chút! Xin lỗi đã phải nghe chuyện của hai ông. Tôi không nhận công việc ở Caraolos. Ông Ben Canaan, tôi không muốn dính líu đến kế hoạch của ông.
- Tôi nghĩ rằng bà là bạn của ông Parker…
- Đúng như vậy!
- Bà chưa hiểu, bây giờ là cuối năm 1946, Đệ Nhị Thế Chiến đã chấm dứt được gần hai năm mà vẫn còn nhiều người phải sống đằng sau lớp hàng rào kẽm gai, trong một điều kiện rất bết. Có nhiều trẻ em ở Caraolos chưa từng được thấy cảnh tự do ở ngoài đời bao giờ.
- Tôi hiểu. Chuyện Caraolos dính dáng tới vấn đề chính trị. Người Ăng Lê có lý do của họ. Tôi không theo phe nào.
- Thưa bà Freemont. Tôi đã là một Đại Úy trong quân đội Anh, được ân thưởng huy chương cao quý nhất của họ. Các bạn bè người Ăng Lê của tôi cũng không hiểu. Chuyện này không phải là chuyện chính trị, mà là chuyện nhân đạo.
- Tôi không tin lòng thành thực của ông. Tại sao ông liều mạng để lo cho sinh mạng của 300 đứa trẻ?
- Hầu hết chúng ta đều có lý do để mà sống. Tôi có lý tưởng cho cuộc đời và sống cho lý tưởng. Chiến đấu cho tự do.
- Ông rất thông minh. Tôi không mang theo một danh sách lý lẽ để tranh luận với ông.
- Tôi mong bà sẽ đến thăm trẻ em trong trại tỵ nạn ở Caraolos, và sẽ nghĩ lại.
IV. KAREN HANSEN CLEMENTS.
Kitty Freemont trình giấy ra vào cho người lính gác cổng trại tỵ nạn ở Caraolos, rồi đi đến khu tập trung trẻ em.
- Thưa bà có phải là Freemont?
Kitty ngước lên nhìn khuôn mặt người đàn ông trẻ, đang mỉm cười đưa tay ra dìu nàng. Nàng nghĩ thật nhanh, ít ra cũng có cảm tình, dễ thương hơn ông bạn gặp đêm qua (Ari). Chàng trai trẻ tự giới thiệu.
- Tên tôi là David Ben Ami. Ari nhờ tôi ra đón bà, và sẽ gặp chúng ta trong chốc lát.
- Ben Ami có nghiã gì vậy? Tôi bắt đầu tìm hiểu tên họ trong cổ ngữ Hebrew.
- Có nghiã là Con của Mọi Người. Chúng tôi mong bà tiếp tay trong “chiến dịch Gideon”.
- Chiến dịch Gideon?
- Vâng. Tôi đặt tên cho kế hoạch của Ari. Bà có nhớ quan tòa Gideon trong kinh thánh? Ông ta chọn lựa một nhóm 300 chiến sĩ để đánh nhau với quân Midianites. Chúng tôi cũng chọn 300 trẻ em để chống lại người Ăng Lê.
Sau một buổi tối bực mình, Kitty cảm thấy dễ chịu trước sự ăn nói nhẹ nhàng nơi chàng trai trẻ. Từ cuối khu vực trẻ em, bóng dáng to lớn của Ari hiện ra, đang bước tới để chào nàng. Kitty đã chuẩn bị “đối phó” với anh chàng khổng lồ Goliath này, đêm qua mới thử sức sơ sơ về trí thông minh.
Nhưng không như nàng dự đoán, Ari chỉ lặng lẽ đi theo, còn ông đàn em Ben Ami làm hướng đạo viên, vừa đi vừa nói chuyện cùng Kitty. Họ đi qua khu 57, giữa hai dẫy lều đầy những con người bẩn thỉu bên trong. David cắt nghĩa, vấn đề thiếu nước trầm trọng, việc tắm rửa không thể thực hiện được. Những người tỵ nạn Do Thái, những kẻ sống sót qua các trại tập trung Quốc Xã, gầy gò, khuôn mặt vẫn còn nét kinh hoàng, căm hờn, có lẽ họ vẫn còn bị bóng ma của trận Đệ Nhị Thế Chiến ám ảnh.
Lúc đó Kitty Freemont chỉ muốn ra về, những hình ảnh người Do Thái đằng sau lớp hàng rào kẽm gai đã xưa rồi. Toàn là những hình ảnh đau thương, bỗng dưng có tiếng cười phát ra từ một căn lều lớn gần đó. Kitty tò mò đến trước cửa lều nhìn vào quan sát. Bên trong là một thiếu nữ đang đọc truyện cho các em nhỏ khác. David nói “Cô em gái này đã làm một phép nhiệm mầu cho chúng tôi”.
Kitty bước hẳn vào bên trong lều. Cô thiếu nữ đang ngồi trên một thùng gỗ đọc truyện, ngồi dưới đất, xung quanh cô ta khoảng 20 trẻ em. Cả bọn trẻ con mở mắt tròn xoe nhìn Kitty và David bước vào. Cô thiếu nữ cũng đứng dậy, xoay người lại chào hai vị khách. Kitty và cô thiếu nữ nhìn nhau mặt đối mặt, dường như giữa hai người có điều gì gần gủi. Kitty nhìn đám trẻ con vẫn còn đang ngồi dưới đất. Tự ái nghề nghiệp, người thiếu nữ này quả là phép nhiệm mầu, không những là người nữ điều dưỡng như mình (Kitty) mà còn là người chị, người mẹ cho đám trẻ thơ mồ côi này nữa. Môi Kitty mấp máy muốn nói lên điều gì… cuối cùng nàng nói với David “Tôi muốn nói chuyện riêng với cô em gái này”. Ari vội bước vào trong lều ra lệnh cho David “Đem trẻ con qua lớp học, để cho bà Freemont nói chuyện”. Sau đó chàng mở to ngọn đèn dầu cho ánh sáng tỏa rộng hơn. Ari hỏi Kitty “Chắc cô em gái nhắc nhở bà về một người nào đó phải không?”. Khuôn mặt Kitty tái xanh, không biết trả lời sao thì Ari đã bước ra ngoài, khép cánh cửa lều lại.
Còn lại hai người, Kitty bước đến, hai tay nắm lấy hai bàn tay người thiếu nữ.
- Tôi tên là Kitty Freemont. Em biết nói tiếng Anh không?
- Dạ biết.
- Tôi là một nữ điều dưỡng, tên của em là gì?
- Em tên là Karen. Karen Hansen Clements.
- Năm nay, em bao nhiêu tuổi? Kitty nắm tay kéo Karen cùng ngồi xuống ghế bố.
- Em được mười sáu tuổi. Thưa bà Freemont.
- Xin gọi tôi là Kitty, nghe gần gủi hơn.
- Dạ vâng Kitty.
- Tôi được biết… nhiệm vụ của em là trông nom, săn sóc trẻ em. Em có thể kể cho tôi biết thêm về em không?
COLOGNE, ĐỨC QUỐC, 1938.
Cuộc sống rất tươi đẹp cho đứa con gái lên bẩy tuổi, có ông bố là một vị giáo sư đại học nổi tiếng. Giáo sư Johann Clements ở Cologne, Đức quốc rất cưng cô con gái đầu lòng, thường dắt con đi dạo chơi dọc theo bờ sông Rhine. Sướng nhất là lúc được bố cho đi sở thú, dắt thêm con chó Maximilian, hoặc bế theo em bé trai Hans, nhưng nó còn bé quá.
Mỗi Chủ Nhật, mọi người lên xe, trừ Maximilian phải ở lại trông nhà. Bố thường lái xe dọc theo bờ sông Rhine lên thăm Bà ở Bonn. Các cô chú cũng cho các anh chị em họ lên chơi. Như thường lệ, Bà đã làm sẵn một lô bánh cookies cho các cháu.
Johann Clements là một vị giáo sư khả kính và rất nổi tiếng. Mọi người trong viện đại học đều ngả nón, cúi đầu chào “Chào giáo sư”. Thỉnh thoảng, vào buổi tối có những vị giáo sư khác đưa vợ đến chơi, có khi 15, 20 sinh viên đến học trong phòng làm việc của ông ta. Hôm nào không có khách, là lúc gia đình quây quần bên lò sưởi. Được ngồi êm ấm trên đùi bố, nghe ông đọc truyện thần tiên.
Những năm 1937, 1938, nhiều chuyện khác thường bắt đầu xẩy ra mà đứa con gái lên bẩy chưa hiểu được. Nhiều người có vẻ sợ hãi, không dám nói to nơi công cộng như trong viện đại học. Một ngày Chủ Nhật không thể quên được nơi nhà Bà ở Bonn. Có mặt tất cả mọi người, ngay cả chú Ingo cũng đến từ Berlin. Tất cả trẻ con đều bị đuổi ra ngoài sân chơi, người lớn bàn chuyện gì bí mật trong phòng khách khoá trái cửa.
Trên đường lái xe về Cologne, cả bố lẫn mẹ đều không nói ra một lời. Về đến nhà, cả hai chị em bị bắt đi ngủ sớm. Bố mẹ vẫn còn tiếp tục bàn cãi. Đứng bên ngoài nghe lén, mẹ dường như quá lo lắng, bố vẫn điềm tĩnh như bao giờ.
- Johann, anh phải làm chuyện gì. Lần này có lẽ không thoát, em sợ dắt con đi ra đường.
- Có lẽ, đang mang bầu nên em quá lo lắng.
- Đã năm năm rồi, anh cứ nói tình hình sẽ sáng sủa hơn… Không khá hơn chút nào.
- Mình cứ ở trong viện đại học… sẽ được an toàn.
- Chuá ơi! Johann, đừng mơ sống trên thiên đàng. Các học trò đã không còn đến nữa, những người bạn đã sợ phải tiếp xúc với chúng ta.
- Cha, ông của anh đã sống trong căn nhà này, đã đi dạy trong viện đại học. Anh mong rằng Hans sẽ tiếp nối truyền thống của gia đình. Mọi chuyện… rồi sẽ qua.
NGÀY 19 THÁNG 11, 1938.
200 đền thờ Do Thái bị đốt phá. 200 chung cư người Do Thái bị phá. 8000 cửa tiệm Do Thái bị cướp phá. 50 người Do Thái bị giết. 3000 người Do Thái bị đánh đập tàn nhẫn. 20 ngàn người Do Thái bị bắt bớ.
Kể từ ngày này, người Do Thái bị cấm nghề tiểu công nghệ. Trẻ con Do Thái không được đi học trường công lập, vào công viên và những nơi công cộng. Dân Do Thái trên toàn nước Đức bị phạt 1 triệu 5 trăm ngàn đô la. Tất cả người Do Thái phải đeo băng vàng với ngôi sao David trên bắp tay.
Giáo sư Johann Clements không còn hy vọng nữa, tìm cách đưa vợ con qua sống nhờ những vị giáo sư đồng nghiệp bên Pháp. Bà vợ Miriam đã gần đến ngày sinh nở, không thể đi xa, nên phải qua Pháp trước, sau đó tiếp tục đi qua Anh hoặc Hoa Kỳ. Ông ta nghe nói đến vài tổ chức bí mật hoạt động ở Đức, đặc biệt đưa những khoa học gia ra khỏi nước Đức. Một trong những nhóm này do người Do Thái ở Palestine đảm trách, tên là Mossad Aliyah Bet.
Giáo sư Clements đã khuân đồ lên xe, chuẩn bị đưa vợ con qua Pháp, bỗng dưng bà vợ Miriam lên cơn đau bụng. Người Do Thái đã bị cấm đoán ở nhiều nơi công cộng, bệnh viện nên phải sinh con ở nhà. Cô bé lên bẩy, Karen có thêm một đứa em trai nữa. Kế hoạch đưa gia đình qua Pháp bị đình trệ, giáo sư Clements phát hoảng tìm đến điạ chỉ số 10 Meinekestrasse ở Berlin, trụ sở bí mật của Mossad Aliyah Bet.
Đúng hai giờ sáng, giáo sư Clements được dẫn vào văn phòng, gặp một người đàn ông còn rất trẻ, mệt mỏi. Đó chính là Ari Ben Canaan, trùm chi nhánh đưa người Do Thái ra khỏi Đức. Ari ngước nhìn vị giáo sư rồi nói.
- Chúng tôi sẽ lo đưa ông đi. Ông cứ đi về nhà nghỉ, bọn tôi sẽ liên lạc sau. Tôi cần giấy tờ giả passport, visa… Tôi phải trả tiền đúng người để làm việc. Phải đợi vài ngày mới xong.
- Không phải cho tôi. Tôi không đi được, nhà (vợ) tôi cũng vậy. Tôi có ba đứa con, ông phải đem chúng ra khỏi đây. Ari trợn mắt, hỏi ngược lại.
- Tôi phải đem chúng đi? Thưa giáo sư, ông là người quan trọng, tôi có thể lo cho ông, chứ không thể lo cho các con của ông.
- Ông phải lo! Ông phải lo! Giáo sư Johann Clements nói như van xin Ari.
Ari Ben Canaan nổi nóng, đập mạnh tay xuống bàn, chồm tới sát mặt vị giáo sư. “Ông có thấy bọn cướp của ngoài đường không? Ai cũng muốn chạy ra khỏi nước Đức. Trong năm năm trời, chúng tôi quỳ lậy, để ông rời khỏi nước Đức, ông không nghe. Bây giờ, nếu ông có ra khỏi nước Đức, bọn Ăng Lê cũng không cho ông về Palestine. Lúc nào ông cũng nói… là công dân Đức, họ không chạm tới gia đình ông… Tôi không biết phải làm gì để giúp ông”.
Nói xong, Ari ngồi phịch xuống ghế, nhắm mắt lại giây lát, rồi kéo trong ngăn kéo ra một chồng giấy tờ. Chàng lục qua chồng giấy, rồi nói với giáo sư Clements.
- Tôi xin được 400 tờ visa cho trẻ em rời khỏi Đức. Nhiều gia đình ở Đan Mạch nhận nuôi các em. Chúng tôi đã xếp đặt chuyến xe lửa. Tôi cho một đứa con của ông đi.
- Tôi… tôi có ba cháu…
- Tôi phải lo cho 10 ngàn đứa trẻ, và tôi không có phương tiện để chống lại hải quân Ăng Lê. Tôi đề nghị, nên cho đứa nào lớn nhất đi. Càng lớn càng dễ xoay sở. Chuyến tầu sẽ rời Đức tối mai, từ nhà ga ở Postdam.
Karen bế con búp bê, ngủ gà, ngủ gật trong khi chờ đợi chuyến xe lửa. Giáo sư Johann Clements quỳ gối dỗ dành đứa con gái, mà chốc nữa đây sẽ phải xa con mãi mãi.
- Karen, chuyến đi chơi này vui lắm con, cũng như lần cả nhà đi chơi công viên Baden-Baden.
- Nhưng con không muốn đi… Bố!
- Nhìn kìa, những đứa bé trạc tuổi cùng đi chơi với con… như vậy mới vui.
- Nhưng con không thích chúng nó. Con chỉ muốn có Bố, Mẹ, em Hans, con chó Maximilian. Con muốn chơi với em bé nữa. Karen bỗng òa lên khóc vì nhớ Mẹ.
- Nín đi con… Nín đi con… Con gái cưng của Bố.
Một phụ nữ vỗ vai Clements.
- Đã đến giờ khởi hành.
- Để tôi đưa cháu lên.
- Cha mẹ không được lên tầu! Tôi xin lỗi.
Giáo sư Clements hôn con thật nhanh, bế con gái đặt lên tầu, rồi đứng lui lại một bước. Ông cắn chặt chiếc tẩu thuốc pipe để khỏi bật khóc. Karen bỗng đưa cho ông con búp bê “Bố giữ con búp bê… Nó sẽ chăm sóc Bố”. Tiếng còi tầu hú lên, tiếng động cơ xe lửa chuyển bánh. Mắt vị giáo sư nhòa đi, ông không còn nhìn thấy đứa con gái thương yêu nữa.
Aage và Meta Hansen có một căn nhà xinh xắn nơi ngoại ô thành phố Aalborg. Thêm đứa con gái thì tuyệt quá vì họ không có con. Họ lớn tuổi hơn bố mẹ ruột Karen một chút, thương yêu, bảo vệ Karen như con đẻ từ lúc bế đứa bé gái còn ngủ vì chuyến đi, về nhà. Cặp vợ chồng tốt bụng thương người Aage, Meta Hansen đã chuẩn bị phòng sẵn cho Karen, đầy búp bê với đồ chơi.
Người Đan Mạch rất hiếu khách, trong tuần lễ kế tiếp, bạn bè, hàng xóm đến thăm đem theo quà tặng cho Karen, làm cha mẹ nuôi cũng hãnh diện. Ông bà ta rất cẩn thận, lo cho Karen từng tí một, viết thư cho gia đình Clements hỏi thăm và kể chuyện về Karen nữa. Đại ý, ai cũng thương Karen, cô giáo trong trường khen là học tiếng Đan Mạch nhanh chóng và có rất nhiều bạn trong trường, cũng như láng giềng.
Trận thế chiến xẩy ra như cơn lốc. Một hôm Aage kéo bà vợ Meta vào phòng, mặt tái xanh, ông ta nói với vợ về gia đình giáo sư Clements.
- Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế vừa báo tin cho anh biết rằng gia đình Clements đã biến mất, tìm không ra dấu vết. Cả gia đình… Anh đã tìm đủ mọi cách tìm kiếm họ…
- Anh nghĩ sao. Aage?
- Nghĩ thế nào nữa! Họ bị đưa vào các trại tập trung… Hoặc là, tệ hơn nữa.
- Chúa ơi!
May mắn thay, đứa trẻ khoảng bẩy tuổi dễ hội nhập vào cuộc sống mới, Karen từ từ quên đi hình ảnh gia đình xưa. Năm sau, Karen chỉ biết mình tên là Karen Hansen, và là người Đan Mạch.
to be continue ........
to be continue ........
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire