caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

lundi 22 juin 2015

Lê Xuân Nhuận viết về Ông Bà Ngô Đình Nhu Dưới Mắt Người Đời.

ÔNG BÀ NGÔ ĐÌNH NHU
DƯỚI MẮT NGƯỜI ĐỜI
http://lexuannhuan.tripod.com/NgoDinhNhu.html
Lê Xuân Nhuận
 
Ông Cố-Vấn Ngô Đình Nhu được nhiều người, đặc-biệt là các vị thân-Diệm hoặc hoài-Ngô, xem là nhân-vật có tài+trí và đức+hạnh tuyệt-vời, là sách-lược-gia, là kế-hoạch-gia, là kiến-trúc-sư của chế-độ Đệ-Nhất Cộng-Hoà. Ngay chính Tổng-Thống Ngô Đình Diệm cũng phải gồng mình bảo-vệ Ông Nhu (luôn cả Bà Nhu), với tư-cách quân-sư chính-trị và ở vị-trí cận-thần tâm-phúc, cho đến phút chót của cuộc đời mình, đủ thấy là ông Nhu, trên nhiều phương-diện, vượt trội ông Diệm rõ-ràng. Cụ-thể những gì gọi là sự-nghiệp để đời của nền Đệ-Nhất Cộng-Hoà, là các chủ-đề sau đây, mà phần lớn đều qua “bộ óc” của ông Ngô Đình Nhu:
- Chủ nghĩa Nhân Vị;
- Đảng Cần Lao;
- Chương Trình Ấp Chiến Lược...
Ta hãy dựa vào chính các tài-liệu lịch-sử với các nhân-chứng trong cuộc, để biết giá-trị thực-sự của các công-trình kể trên ra sao (xin xem các Mục liên-quan).
Ngoài ra, “trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”:
● Theo ông LÊ TÙNG MINH
(Nhà văn):
“... Giữa năm 1963, Phạm Ngọc Thảo được thăng cấp Đại tá, vì ‘có công trong công vụ xây dựng nông thôn’ (?) Kỳ thật, vì ông Ngô Đình Nhu muốn dùng Phạm Ngọc Thảo trong việc thực hiện ‘chiến dịch BRAVO I’. Bởi vì vào lúc đó, thông qua các nguồn tin của Tình báo Quốc ngoại, ông Ngô Đình Nhu đã được biết: Chính Phủ Kennedy (Hoa Kỳ) đang có ý định ‘thay ngựa giữa đường’ - Nghĩa là bỏ ông Diệm, đưa người khác lên thay để ‘chống Cộng hữu hiệu hơn’ (?) Thật ra, Mỹ nghi ngờ ông Diệm ‘muốn bắt tay với Hồ Chí Minh’. Do đó, ông Diệm đã tỏ ý không chấp nhận để cho quân đội Mỹ vào tham chiến ở Miền Nam Việt Nam (?) Cho nên, ông Nhu định ra tay trước bằng cách làm một cuộc chính biến gia đình. Theo dự định, kết quả của cuộc chính biến này là đưa ông Nhu lên thay ông Diệm. Nhưng, vì ông Diệm không đồng ý (!) Thế là, PNT mất cơ hội lập công để ‘trở thành vị tướng kế cận Tân tổng thống Ngô Đình Nhu’ (?)”
(Trích từ bài Từ PHẠM NGỌC THẢO Đến PHẠM XUÂN ẨN - Cùng Ôm Khối Hận Đời Mang Theo Xuống Tuyền Đài! - New England, USA - Ngày 20-02-2007)
Tức là Mượn Tay Cộng-Sản (Phạm Ngọc Thảo) để Giải-Quyết Tình-Hình Nội-Bộ Miền Nam (tranh-chấp giữa chế-độ Diệm và Phật-Giáo)
● Theo ông NGUYỄN HỮU HANH
(cựu Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam và Cố Vấn Kinh Tế Tài Chánh cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm):
... Tôi còn nhớ một hôm tôi được phó Đại sứ Mỹ Palmer mời cơm tối; khi tôi đến, tôi giật mình thấy ông bà Nhu ở đó, và khi vào bàn ăn, chỉ có mỗi hai ông bà Nhu thôi. Sau bữa cơm, khi đứng nói chuyện, tôi thấy bà Nhu ghé vào tai ông phó đại sứ nói nhỏ. Sau khi ông bà Nhu về – về trước chứng tỏ mình là thượng khách – ông phó đại sứ cho tôi hay, bà Nhu hỏi ông, tôi là ai mà được mời cùng bàn với bà. Ông nói tôi là Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia và là cố vấn của Tổng thống; bà hỏi ông tại sao lại mời một ông Tổng Giám đốc ngồi cùng bàn với bà. Ông hơi khó chịu, ông trả lời với bà rằng tuy tôi chỉ là Tổng Giám đốc, nhưng toà đại sứ Hoa Kỳ coi trọng hơn là các bộ trưởng. Có lẽ bà đã bực mình nên về sớm. Tuy tôi là bà con với bà, nhưng không bao giờ tôi nói ra, bà con với bà đối với tôi là một cái nhục...
Tôi từ chối không vào Đảng Cần lao của ông Nhu, tôi cũng không chịu bỏ ‘đạo’ Khổng của tôi, để vào đạo Thiên chúa như một số tướng lãnh và nhân viên chính phủ khác. Tôi cũng không phải chạy theo hầu đức cha Ngô Đình Thục, hay hàng năm ra Huế hầu’ cậu Cẩn, như một số các bộ trưởng, và tướng lãnh.
Tôi hoàn toàn độc lập, nên tôi chỉ làm việc theo công tâm của tôi, là phục vụ đất nước và dân chúng. Không ai bắt buộc tôi làm việc gì trái với lương tâm của tôi được. Vì vậy mà tôi đụng chạm rất nhiều với những người chạy theo nịnh bợ ông Diệm, ông bà Nhu, ông Thục, ông Cẩn...”
(Trích từ cuốn hồi-ký “Brushing the World Famous” [“Làm việc với các nhân vật danh tiếng thế giới”])
● Theo ông NGUYỄN ĐÌNH TUYẾN
(Tiến-Sĩ Văn-Chương & Báo-Chí, Giáo-Sư Đại-Học):
Ngày 7 tháng 6 năm 1963
Bà Ngô Đình Nhu, được mệnh danh là Đệ Nhất Phu Nhân của Việt Nam Cộng Hòa (vì ông Diệm không có vợ) tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã giúp đỡ Phật Giáo. Trong lúc đó Tổng Thống Diệm, dưới áp lực của Phụ Tá Đại Sứ William Trueheart, ra lệnh cho mở cuộc điều tra về biến cố Phật Giáo ở Huế.
Bà Ngô Đình Nhu là nhân vật được quốc tế lưu ý vì sắc đẹp và sức quyến rũ của bả. Nhưng bà không phải là một chính khách khi bà tuyên bố với ký giả Mỹ về các cuộc tự thiêu của Phật Giáo: ‘Hãy để cho họ barbeque (nướng thịt). Họ cứ nướng, và chúng ta vỗ tay.
Bà lập gia đình với ông Nhu năm 1944. Từ tháng 7-1954, bà là người đàn bà duy nhất trong Dinh Độc Lập và thân cận với Tổng Thống Diệm nhất. Đó chính là cái lý do đã khiến Tổng Thống Diệm không thể để ông bà Nhu đi ra ngoại quốc như Hoa Kỳ đã khuyến cáo.
Trong quá trình phục vụ công ích cho xã hội, bà tỏ ra kiêu căng, ‘nữ kê tác quái, tham nhũng và vô tình trước những nỗi đau khổ của dân tộc Việt Nam.
Năm 1963, sau khi Phật Giáo nổi loạn, bà Nhu đi chu du thế giới để ‘giải độc’, để bênh vực cho Tổng Thống Diệm và cho chồng bà là ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Bà đã được đón tiếp nồng hậu ở vài nơi. Thân phụ bà là ông Trần Văn Chương, Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ, đã tháp tùng bà trong chuyến công du đó trên đất Mỹ. Nhưng ông Trần Văn Chương đã chống lại Tổng Thống Diệm, cạo đầu và phản đối các lời tuyên bố của bà Nhu là con gái ông.
Trong lúc đó, Tổng Thống Diệm vẫn không nghe theo lời yêu cầu của Hoa Kỳ, xác nhận là biến cố ở Huế là do Cộng Sản gây ra.
Nhiều tu sĩ Phật Giáo sau đó đã tiếp tục tự thiêu. Và bà Ngô Đình Nhu đã nói với ký giả Mỹ: Nếu họ cần thêm diêm quẹt để nướng thêm thịt, tôi sẽ cung cấp cho. Đó chính là những lời tuyên bố thiếu khôn ngoan và tế nhị của một dân biểu kiêm ‘Đệ Nhất Phu Nhân.
Có thế nói là hơn bất cứ ai, bà Nhu phải góp phần chịu trách nhiệm to lớn về sự sụp đổ của Đệ Nhất Cộng Hòa, và thể chế ‘gia đình trị’ mà Hoa Kỳ với tư cách là một quốc gia dân chủ, luôn luôn tỏ ra chống đối.
Sau khi Tổng Thống Diệm và ông Nhu bị mưu sát, bà Nhu sống cuộc đời giàu sang của người góa phụ La Mã.
Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, hình ảnh của bà Nhu có lúc đã được dựng tượng (gọi là Hai Bà Trưng). Nhưng sau cuộc cách mạng 1-11-1963 dân chúng phá đổ ‘thần tượng’ này đã được xây với công phí quốc gia ở Bến Bạch Đằng.”
(Trích từ sách “Những Biến Cố Lớn Trong 30 Năm Chiến Tranh tại Việt Nam (1945-1975)” của Nguyễn Đình Tuyến [Đại Học Đông Nam, Houston, 1995] các trang 74-5)
● Theo ông HOÀNG DUY HÙNG
(luật sư, nhà báo, nhà văn):
... Ông Ngô Đình Nhu và vợ ông này là Trần Thị Lệ Xuân, đều là Dân-Biểu Quốc-Hội, nhưng ông Nhu không bao giờ tham-dự một buổi họp nào của Quốc-Hội! Mặc dù Nhu và vợ chỉ là cố-vấn trong chính-quyền Diệm, nhưng quyền-lực của họ đã vượt lên trên mọi người, chỉ trừ có Diệm mà thôi. Nhu và vợ gần giống như “thủ-tướng” trong chính-quyền Diệm. Nhu là một người thông-minh, song không thích-hợp trước công-chúng vì ông ấy nói-năng không lưu-loát. Cũng giống như Diệm, Nhu quá tự-tin, và nhiều người cho rằng đó là thói kiêu-ngạo. Trong lúc đó thì Bà Nhu là một phụ-nữ đầy tham-vọng, tuy nhiên, đối với nhiều người, bà ấy không có khả-năng giao-thiệp, khiến gây nên nhiều sự chống-đối nhằm vào chính-quyền Diệm. Vào ngày 13 tháng 12 năm 1957, Bà Nhu đề-xuất Luật Gia-Đình, cấm đa-thê. Luật này chọc tức nhiều chính-trị-gia và doanh-gia có quyền-thế. Dẫu dự-luật này là một vấn-đề gây tranh-cãi, Tổng-Thống Diệm đã chấp-thuận ký thành Luật trong năm 1959; đó là Luật số 1/59. Nhiều chính-trị-gia gọi nó là ‘Luật Bà Nhu’ thay vì Luật Gia-Đình. Bà Nhu cũng ra lệnh tạc và dựng hai bức tượng của hai nữ anh-hùng Việt-Nam, là Hai Bà Trưng, mà khuôn mặt thì giống Bà Nhu như đúc. Sau ngày Diệm bị ám-sát, dân-chúng đã kéo sập hai bức tượng ấy. Ngay chính thân-phụ của Bà Nhu là ông Trần Văn Chương cũng được bổ-nhiệm làm Đại-Sứ tại thủ-đô Hoa Thịnh Đốn, và thân-mẫu Bà Nhu là bà Chương cũng là Đại-Sứ tại Liên Hiệp Quốc. Cả hai đều không gắng sức biện-minh cho các biến-cố tại Nam Việt-Nam trước công-luận Hoa-Kỳ; và trong năm 1963, vì tin rằng họ có thể sẽ về nước, chồng làm ‘Tổng-Thống’, vợ làm ‘Thủ-Tướng’ nên cả hai đã công-khai chỉ-trích Diệm, Nhu, và phê-phán ngay cả con gái của họ là Lệ Xuân. Sự công-kích của họ thật-sự đã gây tổn-hại cho hình-ảnh của chính-quyền Diệm...”
(Trích và phỏng dịch từ bản thảo “A Common Quest For Vietnam's Future, a brief of Vietnam War, the First and Second Republic of Vietnam” [Cùng Tìm Tương Lai cho Việt Nam, tóm lược Chiến Tranh Việt Nam, hai nền Đệ-Nhất và Đệ-Nhị Cộng-Hòa] của Hoàng Duy Hùng)
● Theo Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC
(Giáo-Sư, cựu Dân Biệu VNCH):
Ngày 5-11-03, đài truyền hình Saigon T.V. cho đọc một lá thư của bà Ngô đình Nhu... chúng tôi thấy bà chưa học được sự hiểu biết và lòng khiêm nhường. Lẽ ra bà nên dành thì giờ để cám ơn các cấp trong GH Công giáo và toàn thể mọi người Việt Nam không phân biệt tôn giáo đã nhớ đến và cầu nguyện cho cụ Diệm và hai người em cụ. Trước ngày 1-11-63, bà là một trong những người làm cụ Diệm mang tiếng là “gia đình trị” và người ta ghét lây cụ. Trong bài ‘Công và Tội Ngô Ðình Diệm’ đăng trên Nguyệt báo Ðông Phương, Seattle, WA, tuỳ viên TT, cố Ðại Úy Ðỗ Thọ, cháu ruột của kẻ bội phản Ðỗ Mậu, (nguyên văn tựa đề) có viết: ‘Tôi thấy ở ông bà Ngô đình Nhu, Ðức Cha Thục, cậu Cẩn, cho đến mụ Luyến gia nhân là những hình ảnh ma quái chập chờn bên con người đạo đức không biết tiền bạc, trọng lễ hơn tài’ đã đủ nói lên những đau khổ của cụ Ngô...”
(Trích từ bài BỐN MƯƠI BA NĂMMIỀN NAM LẠC HƯỚNG” của Tran Dinh Ngoc phổ biến trên Net [HOATUDO] : Monday, November 24, 2008 8:36 PM From: "hatien" < vanctnguyen @yahoo.com>
● Theo nữ bác-sĩ Nguyễn Thị Thanh:

... “Đến tháng Sáu năm 2001, đi thăm bệnh cha linh hướng của tôi là Đức Hồng Y Nguyễn đình Thuận (1) tại La Mã trong hai tuần. ...
... Trong thời gian ở lại Rôma cho ĐHY uống thuốc, tôi có hỏi thăm ĐHY về gia đình bà Nhu. ĐHY nói với tôi rằng mấy đứa con bà Nhu trách bà đã phát ngôn bừa bãi gọi "Phật Giáo là một Hiệp hôi và phản loạn" mà gia đình tan nát, giòng họ Ngô Đình mang tiếng xấu nên chúng nó không sống chung với bà, đều ra sống riêng. Tôi nghe mà thất kinh, không ngờ con cái bà Nhu sáng suốt cũng có ý nghĩ như tôi, và chúng rất yêu mến gia đình giòng họ như vậy. Tôi có hỏi ĐHY có hay thăm bà Nhu không, và ngày ĐHY chịu chức Hồng Y (2), bà Nhu có đến dự không ? ĐHY nói rằng ngài không dám đến thăm bà Nhu, vì sợ bà Nhu sẽ họp hành tuyên bố nầy nọ với báo chí làm phiền cho ngài. Ngày Lễ Phong chức Hồng Y của ngài, bà Nhu đòi được ngồi ghế danh dự, ĐHY không chấp nhận, nên bà Nhu không đến dự...”
... (trích lời của Ông Ngô Đình Châu:) “Năm 1960 trong ngày lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng, được tổ chức tại Vườn Tao Đàn, tôi được lệnh theo bảo vệ và chụp hình lưu niệm. Tôi còn nhớ trong bài diễn văn hôm ấy Bà đọc có câu:
- "Chiếc áo không làm nên thày tu"
Và sau buổi lễ đó có Cha vô mách với Tổng Thống cho rằng Bà Nhu đã xúc phạm tới các Cha. Tổng Thống bèn cho kêu Bà Nhu qua để giải thích và bắt Bà Nhu phải xin lỗi các Cha , song Bà Nhu cứng đầu không chịu xin lỗi mà còn đứng giải thích cho đó là câu nói từ ngàn xưa, vả lại không phải chỉ các Cha mới là thày tu mà các Thượng tọa, Đại đức cũng là thày tu mà họ đâu có phản ứng và bắt bẻ gì ?
Tổng Thống bèn đuổi bà Nhu ra khỏi phòng, bà còn lỳ đứng nói với các Cha nữa, làm Tổng Thống giận lấy luôn chiếc gạt tàn thuốc lá liệng bà Nhu, may lúc đó có Trung úy Đức thuộc Binh chủng Thiết giáp, thường được gọi là Đức đen ( một trong những Tùy viên) giơ tay ra chộp được, lúc đó bà mới chịu lui ra khỏi phòng...” .
(Date: Thu, 26 Aug 2010 22:03:46–0700
- Subject: FW: Bà Ngô Đình Nhu - Ngô Đình Lệ Thủy
- From: BANCHAPHANH HOIAIHUUBIENHOA <aihuubienhoa@gmail.com>
- To: donghuongbhgroup@yahoo.com)
(1) Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã qua đời rồi mà còn bị Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh đổi tên thành ra Nguyễn Đình Thuận.
(2) Mãi đến năm 2001 (38 năm sau năm 1963) mà Bà Ngô Đình Nhu vẫn không thay đổi tính tình.
LÊ XUÂN NHUẬN
http://lexuannhuan.tripod.com/NgoDinhNhu.html

Những bài về Ngô Đình Diệm

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire