Caroline Thanh Hương
Kính gửi quý anh chị câu chuyện
Làm sao để chôn hai chế độ?
Làm
sao để chôn hai chế độ? Là câu hỏi đươc trả lời trong bài viết mới nhất
của tác giả, 40 năm sau khi một chế độ đã bị chôn. Trần Thiện Phi Hùng
là tác giả có tên trong danh sách nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2013. Tác
giả cho biết ông nguyên là lính Hải Quân VNCH; tự lái tầu vượt biển năm
1982, hiện định cư tại Úc. Thư kèm bài, ông viết “Tôi vào lính năm 18
tuổi. 12 năm 4 tháng làm lính. 35 năm chưa về lại VN. Không biết, không
hiểu, nên không dùng được từ ngữ mới sau 75. Hơn nửa thế kỷ mới viết
lại, nên sai nhiều chính tả mong ban biên tập sửa cho. Chuyện cải tạo
Vườn Đào và người tù về sớm nhất có thật 100% là tôi. Phi Hùng.
"Tượng nào cao bằng tựơng Trần Hưng Đạo
Lính nào xạo cho bằng lính Hải Quân".
Tôi sáu năm làm lính, thêm sáu năm làm quan, binh chủng Hải Quân. Xạo là chuyện đương nhiên.
Xứ
VNCH ta, Bộ Binh, Không Quân chỉ có 4 vùng chiến thuật nhưng Hải Quân
có vùng 5 Duyên Hải; Phú Quốc, Côn Sơn. Như nhiều chàng lính biển khác,
tôi có thừa tài xạo. Xạo như thật. Xạo với gái bán bar, xạo cả với
thượng cấp, nhưng không dám xạo với gái nhà lành, vì tôi rất sợ vướng nợ
giai nhân rồi dính lưới hôn nhơn. Đời lính biển đầy những chuyến hải
hành dài cả tháng mà có vợ thì xác suất nuôi con của thiên hạ rất cao.
Thôi thì cứ xạo với mấy em bán bar, mấy cô chịu chơi cho đời vui cái đã rồi tính.
Cùng dòng họ Trần Thiện như tôi, có một ông Đại Tướng, 2 ông Đại Tá, mấy chục ông tá, ông uý.
Ông
bà nội tôi là loại điền chủ sau khi đã bị chánh phủ VNCH mua lại bởi
luật người cày có ruộng; vẫn còn 100 mẫu để canh tác và 15 mẫu ruộng
hương hỏa. Cha tôi là một triệu phú có đủ thứ, villas, nhà lầu 4 tầng
với mấy chục phòng cho Mỹ mướn rồi sáu bẩy căn phố. Tôi thằng con trưởng
nam, vậy mà không được ai nuôi cho ăn học. Ngay khi biết mình 18 tuổi,
tôi tự nguyện vào lính hải quân dù chưa nhận được lược giải cá nhân.
Làm
lính chưa đầy 6 năm tôi mang lon Thượng sĩ, năm chưa tròn 24 tuổi; đi
đâu cũng bị quân cảnh xét giấy tờ coi có mang lon giả hay không. Tôi chỉ
mong hết 5 năm để giải ngũ, nhưng rồi chiến cuộc leo thang nên bị lệnh
lưu ngũ. Sau đó, tôi đi học làm quan, thăng cấp từ chuẩn úy lên trung úy
thì tự động.
Dù
làm lính hay làm quan, tất ba gai không bỏ. Gái đến cầu tàu rủ rê đi
chơi thì dù đang gác cũng đem súng giao cho sĩ quan trực và bỏ đi chơi 5
ngày sau mới về; vì đi 6 ngày bị cho là đào ngũ nên chiều ngày thứ 5 là
tôi về trình diện và vui vẻ nói lý do là "Tại gái xuống tận cầu tàu rũ
đi chơi" và vui vẻ đi tù.
Từ
đầu tháng Tư 1975, ngay khi thấy chộn rộn, nhiều người tìm đường ra đi,
tôi đã chọn đã chọn ở lại. Là sĩ quan hải quân, tôi mà muốn ra đi thì
tàu nào cũng lên đi được hết. Tàu nào cũng có bạn cùng khóa lính hay
khóa quan hay cùng đơn vị khi xưa; Hơn nữa, nơi tôi phục vụ là Trường
Chiến hạm của Bộ Tư Lệnh Hạm Đội, chuyên huấn luyện tác chiến và thanh
tra các chiến hạm của hải quân nên gần như quen biết rất nhiều. Những
thường dân mang cả gia đình đứng lớ ngớ trước Hải Quân Công Xưởng muốn
vào phía trong để xuống tàu mà không vào được tôi còn dẫn giùm vào. Tôi
xa mẹ từ thuở nhỏ nay chỉ muốn được sống bên mẹ của tôi mà thôi. Tôi tự
tin là dù hoàn cảnh nào, mình cũng có thể xoay trở để sống còn.
Chiều
30 tháng Tư, lần đầu tiên tôi đến nhà ba tôi. Đứng trên sân thượng của
building 4 tầng trên đường Chi Lăng, nhìn những chiếc T. 54 của Quân Bắc
Việt từ bệnh viện ung thư và tòa hành chánh tỉnh Gia Định quẹo qua
đường Chi Lăng ngang bót Hàng Keo qua trước nhà ba của tôi để tiến về
Dinh Độc Lập. Tôi rơi nước mắt. "Thế là hết; Tôi thua trận; Tôi bị mất
Nước!"
Tôi
rời bỏ Biên Hòa về quê mẹ nhưng bị truy tìm nên phải về quê của Ông
Ngoại và 15 ngày sau mới trình diện ở Quận Chợ Gạo. Hai tháng sau khi
trình diện, tôi được đưa đến tập trung ở Đình xã Tân Lý Tây. Ngôi đình
nầy được cho là linh thiêng vì không bị dấu vết của bom đạn. Ở đây chúng
tôi phải khai lý lịch chừng chục lần trong 2 tháng. Ngay lần khai đầu
tiên, tôi hiểu ngay đây là lúc phải xài tài ba xạo. Mấy ông họ hàng Trần
Thiện theo phe quốc gia không dính gì đến tôi. Bố mẹ, chú bác anh em
nhà tôi đều theo kháng chiến, có cả lô tử sĩ. Nhiều lúc đang ngủ bị dựng
dậy bắt khai lý lịch vì lệnh trên bắt khai lại. Lý lịch của tôi là lý
lịch xạo thì làm sao nhớ mà khai cho đúng y như nhau nên phải chép thật
nhỏ giấu vào trong bâu áo. Mỗi lần khai là lần lấy ra xào lại.
Sau
đợt lý lịch, một ngày Thứ Bảy gần tối, cả bọn trình diện được lùa lên
một đoàn xe GMC và xe hàng loại chở heo đến. Lệnh chỉ ngắn gọn, "chuyển
trại", không cho biết sẽ đi đâu. Xe chạy về hướng Cai Lậy, một bên lộ là
con kinh. Một tên trên xe nói tới Mỹ Phước Tây rồi.
Mỹ Phước Tây cái tên nầy nghe quen quá. Tôi cố moi trí nhớ. Phải rồi, đây vùng nằm giữa Đồng Tháp Mười, trên đường đi Mộc Hóa.
Qua
Mỹ Phước Tây chừng 2 hay 3 km, xe dừng lại. Cán bộ coi tù cho biết đây
là Trại Cải tạo Vườn Đào. Tên Vườn Đào là vì ngày xưa có người lập vườn
trồng đào lộn hột nhưng rồi bỏ hoang. Trên chục dãy nhà lá dài hàng mấy
chục thước. Vào trại, tôi được một số trại viên cũ cho biết họ bị bắt
trước ngày 30 tháng 4 và đưa về đây, lùa đi đốn cây làm nhà cho trại.
Chúng tôi được chia ra 25 người vô một tổ. Trải nylon quấn mền ngủ qua
đêm vì quá tối không thể tìm cách giăng mùng.
Trại
cải tạo Vườn Đào đúng là cái trại tù không giống bất cứ nơi đâu. Trong
trại không ai nhìn ra tôi. Tôi nhận ra một Thiếu úy ngày xưa ở quân
trường Nha Trang tôi làm Đại đội trưởng của hắn nhưng nay nhìn tôi hắn
ta ngó lơ. Thế cũng là tốt.
Thời
mới đến trại Vườn Đào, tôi nhờ được Mẹ lên thăm vừa tiếp tế vừa dúi
tiền cho, nên ăn no xài bảnh. Nhưng những ngày tù “huy hoàng” cũng tới
lúc kết thúc. Đổi tiền. 22 tây tháng Chín, 1975, tôi còn trên 100 ngàn,
phải chia cho bạn bè đổi dùm. Cán bộ đưa cho mấy đồng còn bao nhiêu giữ
lại. Vậy là hết thời vung vít.
Trong
trại, ngoài màn lao động còn đủ kiểu họp hành, bắt viết đủ thứ “tự
khai” rồi “thu hoạch.” Anh nào bị gọi lên “làm việc” là có chuyện vì bị
báo cáo gì đó. Tự biết mình khai lý lịch xạo, muốn yên tôi đóng luôn vai
dữ, sẵn sàng đập lộn. Hăm he và thừa cơ đánh vào chỗ yếu của thiên hạ
là cách sống còn mà trường đời dạy tôi. Nhược điểm là thằng nào cũng
muốn được thả về sớm. Tôi thì tuyên bố tao không cần ra sớm. Tiền bạc mẹ
và em của tao đủ sống nhiều năm nữa; Tao không cần ra sớm vì tao biết
không thể nào ra sớm; Thằng nào cà chớn tao đập để cùng nhau ở trại tù
muôn năm cho vui.
Đòn
phép này có vẻ hữu hiệu, vậy mà yên được ít lâu, rồi cũng có ngày tôi
bị gọi đi trình diện “làm việc”. Chắc là bị báo cáo gì đây. Trước khi
đi, tôi còn hâm he:
- Tao mà bị gì thì thằng nào báo cáo nên trốn đi chứ không thì đừng trách tao nặng tay.
Người
chờ “làm việc” với tôi không phải tay cán bộ coi an ninh trại mà là một
Trung Úy cán bộ người Miền Nam nằm vùng Đồng Tháp Mười. Ngay khi gặp
mặt, anh ta tự xưng là “chính trị viên” và trấn an tôi ngay:
- Tôi gọi anh lên chỉ để nói chuyện chơi cho biết thôi, không có gì quan trọng.
Sau đó, tôi còn được mời ngồi, rồi chính viên trung uý cán bộ này đưa thuốc lá của anh ta ra mời hút.
- Tôi vừa đọc xong mấy bài thu hoạch của anh. Anh là văn sĩ à?
À
thì ra anh ta thích đọc “văn xạo" của tôi. Trong tự khai rồi thu hoạch
của tôi, mẹ tôi từng là cán bộ huyện Giồng Trơm tỉnh Bến Tre từ thời
Thanh Niên Tiền Phong chống Pháp và cha tôi thì thời đầu kháng chiến
từng là đồng chí của tướng Trần văn Trà. (Thực sự thì Ba tôi có một thời
tham gia kháng chiến, biết Trần văn Trà trước khi ông rời khỏi chiến
khu về thành) Chuyện trò lan man, anh ta còn hỏi làm sao bài tôi viết đề
cập tới nhiều người chính anh ta cũng chưa biết.
Sau
hơn tiếng đồng hồ được mời trà mời thuốc, trước khi ra về, viên Trung
Uý còn bảo tôi cứ về trại an tâm tin tưởng cách mạng luôn có tình có lý.
Được thả về trại bình an, bạn tù vây quanh thăm hỏi việc gì vậy, tôi
trả lời:
-
Trung Úy Chính Trị Viên (thay vì nói là cán bộ) kêu tao lên hút thuốc
nói chuyện chơi và khen bài viết của tao có thể xuất bản thành sách cải
tạo!
Tù
cải tạo được cán bộ gọi lên nói chuyện chơi mà không có gì hết thì đúng
là “đáng ngờ." Saù đó tôi thật là thoải mái dễ sống, không tên nào dám
báo cáo gì hết.
Một
hôm, vừa cơm trưa xong tôi bị kêu lên gặp cán bộ. Vẫn viên trung uý
chính trị viên lần trước, nhưng lần này anh ta không ngồi văn phòng mà
đứng sẵn trên bậc thềm khu cơ quan đón tôi. Sau màn chào hỏi, anh ta vui
vẻ dẫn tôi lại văn phòng thuộc khu của trưởng trại, bảo tôi chờ phía
ngoài. Anh ta vào phòng một lát rồi đi ra, bảo tôi bảo “Hôm nay anh sẽ
làm việc với đồng chí bí thư, tôi sẽ gặp anh sau.“ Nói xong, viên trung
uý ra dấu cho tôi đi tới phía văn phòng cửa mở sẵn rồi bỏ đi. Tôi đứng
lại tần ngần bên cửa, đang tự hỏi không hiểu chuyện gì thì từ trong
phòng, một giọng nữ miền nam vang ra:
- Anh vô đi.
Giọng
nói có vẻ lạ. Tôi bước vào phòng. Không thấy ai. Bàn làm việc ghế ngồi
bỏ trống. Vẫn cái giọng nữ ấy vang lên phía sau tôi.
- Anh ngó lui coi. Tôi ở đây.
Giọng
nói vang lên ngay bên cửa, nơi tôi vừa bước qua. Không phải khăn rằn.
Cũng không bà ba đen. Một cô mặc áo sơ mi trắng ngắn tay bó sát chưa quá
ba mươi tuổi đứng khoanh tay bên cửa. Cô ta nhìn thẳng vào mặt tôi:
- Anh không nhớ tôi đâu nhưng tôi biết anh. Tôi biết anh đánh lộn trong trại. Tôi biết anh khai lý lịch xạo.
A,
phút nguy hiểm đã tới. Thì ra cái người mà viên trung uý gọi là “đồng
chí bí thư” là cô này. Phải coi cô ta là thứ người gì rồi mới liệu đường
mà thoát hiểm. Ai đây? Động nào, bar nào. Có phải mấy cô tôi từng gặp ở
làng Cam Ranh hay ở bến bờ nào đây?
- Anh đang cố nhớ mà không thể nhớ ra. Tôi không ở những nơi mà anh đang nghĩ đâu. Anh cứ nhìn tôi coi có nhớ gì không?
Cô
ta vẫn đứng yên bên cửa, vẫn khoanh tay nhìn tôi và như đọc được ý nghĩ
trong đầu tôi. Có vẻ thấy tôi giống như con nai vàng ngơ ngác giữa trời
mùa đông, cô ta nhắc lại điều vừa nói:
-
Anh đừng cố tìm tôi trong những chỗ anh thường lui tới. Tôi không phải
loại đó. Thong thả, tôi sẽ nhắc cho anh nhớ. Chúng ta chỉ gặp nhau một
lần.
Biết tôi không thể nhớ ra gì hơn. Cô ta tiếp tục:
-
Có lẽ chưa đầy 30 phút. Nhưng tôi biết về anh. Tôi đã coi tất cả hồ sơ
của anh. Bao năm qua, tôi vẫn quyết phải tìm cho ra anh. Đầu tháng Năm,
sau khi ổn định tình hình; tôi lên Sài Gòn vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Giấy
tờ hồ sơ của hải quân còn đầy đủ cả. Một người của chúng tôi nằm vùng ở
phòng tổng quản trị đưa cho tôi danh sách những người trình diện; còn
anh ta thì tìm giúp tôi danh sách các quân nhân hải quân trước 75. Có ba
người trùng tên anh, tất cả đều là sĩ quan. Một Trung tá là người Bắc
di cư; một Trung úy người Nam và một thiếu úy người miền Trung. Tôi biết
anh người Nam. Trong danh sách sĩ quan hải quân trình diện, tôi tìm
thấy tên anh, một Trung úy người Nam, địa chỉ Tân Vạn Biên Hòa. Tôi lên
ngay Biên Hòa thì công an xã cho biết anh bỏ cây xăng trốn đi đâu không
biết. Anh đâu có trốn khỏi tay tôi.
À,
đúng là một tay nguy hiểm. Không hiểu mình gây thù chuốc oán gì mà bị
săn lùng tới mức này. Chắc phải giả ngây giả dại mới qua khỏi ải này,
tôi nghĩ. Cô ta nói tiếp:
-
Tôi biết anh đã trình diện. Sau khi có lệnh tập trung cải tạo tôi tìm
hầu hết các trại cải tạo miền Tây và đến Mỹ Tho nầy thì thấy tên anh; Lý
lịch anh khai ở trại này toàn là thứ ba xạo, đúng chưa? Con trai độc
nhất trong nhà như anh thì đào đâu ra mà có anh ruột là Thương Uý tập
kết tử trận ở Cà Mau. Anh muốn tôi kể thêm nữa không?
- Cô... Cán bộ. Cô...
Thấy “con mồi” đứng lơ ngơ chịu trận, cô ta có vẻ hài lòng, thong thả rời chỗ đứng về lại bàn rồi bảo tôi:
-Trong
trại này anh còn dám đánh lộn rồi còn tuyên bố chẳng cần được thả sớm.
Anh “chì” lắm ma, sao nay ú ớ vậy. Thôi, ngồi xuống đi. Bây giờ chú ý
nghe tôi nhắc. Anh nhớ Năm Căn không? Nhớ đi...
- Năm Căn Cà Mau?
-
Còn Năm Căn nào nữa. Ngày ấy anh chỉ là một anh thuỷ thủ quèn mà làm
tàng... Nhớ đi. Ráng coi. Tôi nhắc thêm nghe. Thấy trên cánh tay bọn tôi
có bốn dấu xâm, anh ba hoa giảng lung tung rồi bảo chúng tôi đi đi, mau
mau về nhà lo làm ăn mà kiếm tấm chồng...
À
á. Năm Căn. Bốn vết xâm. Tôi bắt đầu nhớ. Chuyện đã mưới mấy năm trước,
hồi tôi mới vào lính. Sau 2 tháng được huấn luyện quân sự ở Nha Trang,
tôi xuống chiếc tàu Há Mồm ( HQ. 500) làm thủy thủ tập sự và được tham
dự "Chiến dịch Sống Tình Thương" ở quận Năm Căn, tỉnh Cà Mau; Đây là nơi
mà khi tàu ủi bãi, có mấy đứa con nít đến, dơ tay gõ vào thành tàu rồi
la lên “bằng sắt thiệt tụi bây ơi"; Chúng tôi thấy lạ kỳ nên hỏi vậy chớ
các em nghĩ tàu làm bằng gì. Bọn nhỏ nói các ảnh nói tàu làm bằng cạc
tông.
Cũng
trong chiến dịch này, có bữa địa phương quân đưa xuống tàu chúng tôi ba
nữ giao liên gửi cho hải quân giữ chờ hải thuyền đến chở giao về tỉnh
Cà Mau. Chiến dịch chấm dứt, tàu tôi được lệnh phải đi công tác khẩn
chuyển quân ra miền Trung. Chỉ huy tàu bảo ba cô giao liên chỉ là bọn
con nít, chẳng biết gì, cho lệnh phóng thích luôn. Tôi đang phiên gác
với một ông Trung sĩ nên được lệnh xuống phòng tạm trú dẫn ba cô lên bờ
thả cho đi. Đúng là cả ba đều con nít, hai cô 15 tuổi, cô lớn chắc cũng
chỉ 16, 17 tuổi. Thấy trên cánh tay các cô có 4 dấu xâm, tôi nói:
"
Các cô có biết 4 dấu chấm xâm trên cánh tay ý nghĩa là gì không? Sinh
Bắc Tử Nam là để cho người miền Bắc vượt tuyến vào Nam thề chiến đấu cho
đến chết vì Bác vì Đảng. Các cô sinh ở miền Nam không lẽ Sinh Nam Tử
Bắc hay Sinh Nam Tử Nam thì chống lại với người Miền Bắc hay sao? Về xóa
hết đi lo làm ăn kiếm tấm chồng mà sống cho bình thường. Chuyện đánh
nhau là chuyện của đàn ông, con trai đừng xía vào cho khổ thân.”
Không lẽ chỉ nói chừng đó mà thành mối hận để bay giờ phải trả. Thấy tôi nín thinh, cô cán bộ áo trắng nhắc tiếp:
“Anh
nhớ thêm đi. Lúc anh bảo ba cô đi đi, tôi không chịu đi mà đòi anh đem
giao chúng tôi cho tỉnh Cà Mau. Anh hỏi tại sao thả mà không chịu đi mà
đòi giao cho tỉnh. Tôi nói chứ không phải thả đi để các anh bắn từ phía
sau lưng hay sao? Anh phá ra cười rồi hỏi ai bảo các cô vậy? Tôi nói
nghe các anh lớn nói. Anh hỏi lại nếu thả để bắn sau lưng thì còn ai
sống mà kể lại cho các anh lớn biết. Rồi anh tiếp là chẳng những hải
quân mà tất cả các binh chủng khác cũng không có binh chủng nào thả
người rồi bắn sau lưng. Anh còn nói bắt người thì phải đưa ra tòa xét
xử, nếu có tội thì phạt tù chỉ khi nào giết nhiều người, làm hại nhiều
người thì mới bị kết tội tử hình công khai chứ không bao giờ bắn sau
lưng cả. Anh nhớ ra chưa?
Thấy giọng cô ta bỗng như dịu lại, không có vẻ gì là hằn thù, tôi làm bộ như vừa chợt nhớ ra và kêu:
- A...A... Cô có thể cười cho tôi coi không?
- Có lẽ anh đang nhớ ra rồi; vì ngày đó anh có khen tôi cười có hai núm đồng tiền nên dễ kiếm chồng lắm.
Cô ta nhìn thẳng vào mặt tôi và cười. Hai núm đồng tiền, bên phải sâu hơn bên trái.
-
Đúng rồi. Đúng cái mặt cười năm xưa. Tôi nhớ sau khi tôi khen cô bé còn
nguýt tôi một cái thật dài. Tôi nhớ hoài cái nguýt dài ấy.
- Ở đó mà cô bé, cô bé....
Tức thì thêm một cái nguýt dài trên mặt cô cán bộ. Đôi má núm đồng tiền bỗng như linh động hơn.
Sau cái cười và cái nguýt dài của cô cán bộ áo trắng, tôi cảm thấy nhẹ người.
- Anh nhìn lại coi. Hơn 12 năm rồi. Đâu còn con bé nào ở đây.
Đến lượt tôi cũng nhìn thẳng vào mắt cô ta và cười. Câu chuyện từ lúc này bắt đầu thấy dễ chịu. Tôi nói:
-
Sau khi đưa các cô tới gần cái chợ nhỏ bên sông, thấy chỗ an toàn, tôi
mới bảo các cô đi đi. Khi các cô đi qua khu chợ, tôi còn đi theo một
đoạn canh chừng. Không thấy cô ngó lui.
-
Tôi không ngó lui nhưng biết anh đi theo. Chắc anh không thể ngờ là khi
về nhà rồi, ngay ngày hôm sau tôi còn trở lại khu bến sông ấy, nhưng
tàu của anh đã đi rồi.
- Tôi có nghe viên trung uý vừa rồi gọi cô là đồng chí bí thư. Chắc cô đã là đảng viên lâu năm.
-
Vậy là anh đã nghe. Đúng là tôi đã 12 tuổi đảng. Ngay khi trở về, tôi
được kết nạp đảng. Sau đó được chuyển về làm công tác nội thành, theo
dõi thầy cô và hiệu đoàn học sinh trường trung học Cà Mau nên tôi học
thi lại Tú tài 1 và năm 65, tôi đậu luôn Tú Tài 2. Sau đó ít lâu, tôi
chuyển về công tác nằm vùng tại đại học Long Xuyên cho tới ngày giải
phóng. Anh không biết là bao năm qua, tôi vẫn tin là sẽ có ngày tôi gặp
lại anh...
Tôi nói:
-
Thì chúng ta đang gặp nhau ở đây. Hôm nay tôi đã là người tù. Cô là
người thắng trận. Ngày ấy, thấy trên cánh tay các cô có mấy vết xâm, tôi
lỡ nói mấy câu gì đó. Mong cô không để tâm.
-
Anh khỏi cần phải mong. Mấy câu anh nói ngày ấy tôi không bao giờ quên.
Hôm nay tôi cố ý mang áo sơ mi ngắn tay để anh thấy trên tay tôi không
còn vết xâm nữa. Tôi đã xoá bỏ chúng từ lâu. Anh thấy chưa, không còn
dấu vết hay để thẹo gì cả.
Cô ta vừa nói vừa đưa cánh tay ra. Thấy tôi im lặng, cô ta nói luôn:
-
Anh không cần phải sợ tôi. Hơn 12 năm trước, khi trở lại bến sông ở Năm
Căn tìm anh, tôi chỉ muốn anh biết là tôi cám ơn anh. Hôm nay cũng vậy.
Trước đây, khi bắt đầu đi tìm tung tích anh, tôi chỉ mong một lần gặp
lại coi anh sống ra sao, vợ con dùm đề thế nào. Khi coi hồ sơ, tôi đến
địa chỉ ghi trong lý lịch thì ra là nhà của ông ngoại anh chứ không phải
nhà của mẹ anh. Tôi hỏi địa chỉ và đến thăm mẹ anh ở xóm Tân Vạn. Chính
bà than phiền với tôi là cho đến nay anh vẫn còn độc thân. Nhìn hình
trong nhà, tôi nhận ra anh ngay. Bao năm qua, tôi không thể quên ánh mắt
tinh nghịch nụ cười nửa miệng của anh. Mẹ anh kể là mấy cô bạn anh toàn
là gái giang hồ, bán bar. Anh sợ lập gia đình nên không dám quen gái
nhà lành. Mẹ anh nói có lần bà bảo anh cưới cô giáo nhà bên cạnh nhưng
anh nói không muốn có vợ vì sợ phải nuôi con thiên hạ. Anh biết vì sao
mẹ anh kể tôi nghe mọi chuyện về anh không?
- Vì cô hỏi thì bà kể. Mấy chuyện đó có gì đâu mà mẹ tôi phải dấu.
-
Không phải vì tôi hỏi mà mẹ anh rất thương tôi, tự bà kể ra. Bà muốn
tôi phải biết tất cả về anh. Tại sao anh biết không? Tại tôi nói với mẹ
anh rằng tôi là người anh thương. Anh đã tính đưa tôi về ra mắt mẹ nhưng
chưa kịp làm. Tôi không chỉ nói mà còn ở lại với mẹ anh hai ngày hai
đêm. Bà nói với tôi không sót điều gì, từ ba anh tới bà con chú bác dòng
họ. Mẹ anh còn nói bà thiệt mừng khi thấy tôi tự đến ra mắt bà. Hôm nay
gặp lại anh, chúng ta không có nhiều thì giờ để vòng vo nên tôi phải
nói luôn với anh chuyện này. Tôi thật lòng muốn làm bạn với anh.
Một cô cán bộ 12 tuổi đảng muốn làm bạn với tôi. Chuyện thật khó tin. Tôi nói:
- Cám ơn cô nhưng tôi chỉ là một tên tù không biết ngày nào về, làm sao có thể là bạn của cô được.
- Ngày xưa anh từng mang tôi ra khỏi nhà tù, lần này, đến phiên tôi sẽ cứu anh ra khỏi nơi này.
Chuyện
tưởng như đùa nhưng cô ta nói nghe chắc như ăn bắp. Tôi từng nghe
chuyện lý lịch với phía cộng sản là sinh tử. Có nhiều cán bộ cao cấp tập
kết ra Bắc nay thấy con cháu đi tù cải tạo mà ngó lơ, không ai dám dỡn
mặt với kỷ luật đảng. Tại sao cô cán bộ này dám nói ra miệng là sẽ ra
tay cứu mình. Cô ta là thứ bí thư gì vậy. Âm mưu gì đây mà cô ta phải
tìm đến ở với mẹ tôi mấy ngày đêm để nắm hết lý lịch bí ẩn của tôi. Mẹ
tôi vốn cả tin. Chưa bao giờ tôi mang bất cứ cô nào về nhà ra mắt mẹ.
Nay thấy một cô gái có vẻ con nhà lành dễ thương tới xưng là người tình
của thằng con, bảo sao bà ta không tin ngay mà thương. Nhưng tôi đâu có
khờ như bà mẹ mình được. Tôi nói:
-
Cô đã biết hết lý lịch thật của tôi. Tất cả rồi sẽ bị phanh phui, chắc
tôi sẽ khó sống. Cô tuy có 12 tuổi đảng nhưng dính đến tôi sẽ có ngày
liên lụy. Xin cô tha cho tôi.
Cô ta cười to và nói:
- Anh khỏi lo dùm tôi. Tôi đã hứa là sẽ làm. Anh cứ sống bình thường như mọi người trong trại là được rồi.
Cô ta đưa cho tôi một túi quà và nói:
-
Đây là quà của riêng tôi biếu anh. Mẹ anh cũng muốn gửi quà nhưng tôi
nói bà cứ giữ đó. Tháng tới tôi sẽ đưa bà lên thăm anh. Thôi, anh về đi.
Trưởng Trại có lẽ sắp trở lại.
Tôi
nhận gói quà, chào cô ta ra về mà gần như người mất hồn. Về tới trại
giam, tôi chỉ trả lời qua loa trước những lời dò hỏi của bạn tù.
Đúng
như lời hẹn, tháng sau cô ta đi cùng với mẹ tôi lên thăm. Không phải
thăm riêng mà bình thường như bao người cải tạo khác. Cùng gặp một lúc
tại nhà thăm nuôi, chỉ 15 phút. Mọi lời lẽ tù nói với người thăm gặp
phải diễn ra trước mặt viên cán bộ phụ trách. Từ đó, cô ta tiếp tục đi
cùng mẹ tôi đến thăm tôi hàng tháng. Chẳng thể nói gì, tôi đành phó mặt
cho số mệnh. Thấy cô cán bộ 12 tuổi đảng đóng vai phó thường dân ngồi
cười cười bên bà mẹ thăm nuôi, tôi nổi tánh lì, trò chuyện tự nhiên, đôi
khi còn chọc cười như ngày xưa ở các bars hay động. Tôi còn gì để mất?
Cô ta muốn gì ở tôi? Tôi có gì để mà lợi dụng? Thôi thì phó mặc cho số
phận.
Tháng
Một năm 1976, một buổi chiều vừa ăn cơm xong, sắp tới giờ điểm danh vô
chuồng, bỗng có cán bộ cầm danh sách đến gọi đúng tên tôi bảo thu dọn
gọn lẹ đồ đạc cá nhân mang theo ra điểm danh.
Bất
ngờ gọi tên lúc chiều tối hẳn không phải lệnh tha. Thu dọn đồ đạc mang
theo kiểu này chỉ có thể là chuyện trại. Nơi tập họp điểm danh là sân
trại. Số tù được gọi ra điểm danh có hai mươi mấy mạng, trong số này có
anh chỉ còn một chân. Một cán bộ trẻ mang lon thiếu uý dẫn chúng tôi đi
ra cổng. Không thấy xe cộ gì. Cả bọn cuộc bộ, không thấy có quản chế
súng ống kèm sát như khi đi lao động. Một tên đánh bạo hỏi:
- Chúng tôi đi đâu đây cán bộ?
- Đi tới nơi làm lệnh tha.
- Tha về hả cán bộ?
- Bộ tha rồi không về ở lại ăn hại à?
Cả bọn nửa tin nửa ngờ; Trời bắt đầu tối. Thả vào giờ nầy, xe cộ đâu mà về?
Cả
bọn được dẫn ra đến nhà thăm nuôi. Đèn được thắp sáng. Có viên trung uý
xưng là chánh trị viên tôi từng gặp đợi sẵn. Thấy tôi trong đoàn người,
anh ta cười ra vẻ “hồ hởi” bảo hôm nay anh sẽ thấy cách mạng luôn có
tình có lý. Các anh tập trung lại bàn thăm nuôi khai lại địa chỉ và
người nhà cho chính xác một lần, sau đó sẽ nghe đồng chí trại trưởng tới
nói chuyện.
Cừng nửa giờ sau, Đại Úy Trưởng Trại ra tuyên bố:
-
Các anh thuộc diện gia đình cách mạng được bảo lãnh cho về; Kể từ giờ
phút nầy tuyệt đối không được liên lạc với những người trong trại; Từ
đêm nay các anh ăn ngủ tạm tại nhà thăm nuôi này. Cán bộ sẽ phát mền
chiếu v, gạo và lương thực để các anh tự nấu nướng. Ngày mai sẽ làm thủ
tục nhận lại đồ ký gởi và lệnh tha. Sau đó chờ liên lạc, gặp gỡ thân
nhân bảo lãnh và làm lễ ra trại. Trong mấy bữa chờ làm lễ, các anh tuyệt
đối không được liên lạc với các trại viên cũ.
Hôm
sau, cả bọn được tập trung lên cơ quan nhận lệnh tha, tiền và đồ dùng
ký gửi. Riêng phần tôi, kiểm lại thấy còn vài trăm bạc mới. Ba ngày sau,
đã thấy đoàn người thân nhân trong đó có bà mẹ tôi có mặt tại nhà thăm
nuôi. Hai mươi mấy tên tù được tha, kể cả tôi, hầu hết đều do mẹ là
người bảo lãnh.
Cán
bộ ra đưa cho một số tiền để mua thức ăn làm bữa tiệc chia tay. Một bà
mẹ đến từ Cao Lãnh nghe nói trước là chủ nhập cảng các loại máy ghe tàu,
“xung phong” nhận sẽ “ủng hộ” thêm tiền chợ và còn tình nguyện lãnh đi
chợ dùm. Bà ta hỏi có thể cho một hay hai người đi theo mang phụ thức
ăn. Cán bộ nói:
- Bây giờ thì các anh có thể đi tự do; muốn mấy người theo cũng được.
Thế
là khu chợ gần Trại Cải Tạo Vườn Đào được một buổi chợ trúng mối. Heo,
gà, vịt, tôm càng, cá... rau cải mua nguyên thúng, nguyên sàn, hỏi giá
bao nhiêu là mua bấy nhiêu khỏi cần trả giá; tiền chợ được bà chủ Cao
Lãnh xuất hầu bao, mớ tiền chợ ít ỏi do trại phát có lẽ được bà mẹ nầy
cất riêng để làm kỷ niệm ngày con được ra tù.
Tiệc
chia tay thức ăn ê hề nào gỏi, nào ca ri, cá hấp, tôm càng nướng, thịt
heo, gà, vịt luộc. Thế rồi tiệc cũng bế mạt. Thức ăn gần như còn nguyên
vì ai cũng chỉ nếm cho có vị và cán bộ cũng không dám ăn bửa tiệc giá
đáng mấy chục lần số tiền cho để làm tiệc. Mấy Bà xin đem thức ăn cho
mấy người trong trại thì cán bộ không cho bảo phải đem chôn hết.
Ra
khỏi trại mọi người đứng chờ đón xe Mộc Hóa để về Cai Lậy. Từ phía hàng
rào trại, thấy lố nhố người đứng trông ra. Tôi quay lui, cũng không dám
nhìn lâu không còn nhận được dáng của đứa nào!.
Tôi nói với Má:
- Mình đi lần, bao giờ có xe thì đón. Chứ đứng đây chờ nhìn vào các bạn trong kia nhìn ra, con thấy bất an!
Tôi và má Tôi đi lần dọc theo lộ. Tất cả gần như thấy vậy cũng đi theo.
*
Là người tù trại Vườn Đào được về sớm, tôi biết thân ở yên với mẹ già. Chòm xóm không thấy làm khó dễ.
Sau
khi được trao trả quyền công dân, tôi còn được cử ông Nông Hội Ấp đề
nghị tôi làm trung đội trưởng lao động ấp; mọi người vỗ tay tán thành.
Thế là từ đó ai thấy tôi đến nhà là biết bị gọi đi lao động không công
cho XHCN, nào đào kinh, lấp kinh, rồi nước đọng cây trái bị úng nước,
ruộng lúa bị ngập nước không rút kịp lâu ngày cây cối chết, lại phải đi
phá đập, vác lúa thu thuế... Tôi không dám nhìn khi thấy bà con nông dân
ai cũng đầy nước mắt khi bồ lúa vơi đi hơn phân nửa để đóng thuế. Nghe
nói lúa thuế được chở tiếp tế cho Miền Bắc.
Mỗi
tháng Cô Bí Thư đều đem nhiều khô mắm từ Cà Mau lên thăm Tôi và ở chơi 3
hay 4 ngày. Cô ta ngủ chung với mẹ tôi, vẫn có vẻ được bà thương mến,
tin cẩn. Tôi cũng không nói hay hỏi gì thêm ngoài việc cho mẹ biết là bà
đã vô tình đem sói vào nhà vì cô ta là bí thư trên 12 tuổi đảng.
Cũng
có lần cô ta biệt tăm luôn 3 tháng; rồi một hôm bỗng đến thăm với nhiều
quà từ miền Bắc. Cô cho biết vừa đi tập huấn ở Hà Nội về. Tôi hỏi:
- Em sáng mắt ra chưa?
Cô ta lườm và nói:
- Anh chưa thấy quan tài nên chưa biết đổ lệ!
Đầu năm 1980, Cô ta đến thăm và tối hôm đó có mặt mẹ của tôi. Cô ta nói:
-
Mẹ muốn em lo cho anh ra đi; nhưng em có điều kiện là anh phải nhận em
làm vợ cho đến khi định cư rồi sau đó tùy anh. Em cho anh một tháng để
nghĩ suy và trả lời em.
Mẹ
tôi khuyên tôi nên nhận cô ta làm vợ vì cô ta thương tôi thật sự. Tôi
thì nghĩ không hẳn. Cô ta bỏ nhiều công phu tìm tôi, giúp tôi và nay
gmuốn cùng tôi vượt biên với tư cách là vợ một sĩ quan hải quân để làm
gián điệp như bao trường hợp nằm vùng khác, có người làm tài xế, người
giúp việc trung thành tận tâm cả chục năm nhưng sau tháng tư đen thì mới
lòi mặt thật. Nhưng đâu còn đường nào khác để tính.
Chưa đầy một tháng sau cô ta lên và bảo tôi chỉ đem theo một bộ quần áo gọn nhẹ để mai đi. Tôi hỏi:
- Em chưa biết anh có đồng ý hay không mà bảo ra đi.
-
Thông minh như anh thì không bao giờ bỏ mất dịp may, vì anh không mất
gì cả, kẻ mất nhiều nhứt là em nhưng là em tự nguyện; Mọi chuyện ra sao
sau này anh sẽ biết.
Tôi hỏi cô ta có an toàn không.
- Anh có cần có tàu Hải Quân biên phòng hộ tống hay không? Nếu muốn em cũng có cho anh.
Tôi
nghe mà khiếp. Chẳng rõ cô ta nói đủa hay nói thật. Cỡ bí thư huyện ủy
cung không thể có quyền vào Bộ Tư Lệnh Hải quân xưa để tầm kẻ thù; Không
hiểu cô ta là thứ gì? Không ra hải ngoại để nằm vùng hay làm gián điệp
thì còn gì nữa? Nghĩ vậy nhưng thôi kệ. Cô ta làm gì hay là ai tính sau,
cứ thoát ra khỏi nước cái đã. Thế là chúng tôi từ giã mẹ ra đi.
Tàu
vượt biên dài 12 mét mới toanh, máy cũng mới và số người đi là 52 người
do một cựu hàng hải thương thuyền ngày xưa lái; nhưng cuối cùng 26
người bị rớt lại vì ghe nhỏ chuyển ra ghe lớn bị chận giữa đường mà
trong đó có gia đình tài công. Cô bí thư hỏi:
- Anh lái được chứ ?
-
Lái được nhưng không có bản đồ mà chỉ có la bàn thì phải chạy thẳng ra
hải phận quốc tế rồi theo hướng Tàu buôn mà lấy hướng đi thì sẽ sang
Singapore hay tấp vào các đảo của Indonesia.
Tôi
lái suốt 5 ngày đêm mới gặp một ghe đánh cá của Indonesian và hỏi thăm
thì được chỉ cho một chỗ cách đó không xa. Tôi lái vào và ở đó một ngày
một đêm thì được tàu của Indo đưa đến trại tỵ nạn Kuku. Một tháng sau
chúng tôi được đưa sang trại Galang và dĩ nhiên trong lý lịch của Hải
quân Trung úy VNCH nay có thêm cô vợ bí mật nhiều phần là gián điệp.
Trên
bước đường lưu vong quê người xứ lạ làm thân thất quốc, chúng tôi cô
đơn lạc lõng như nhau. Ngày qua ngày cả hai đứa đi học tiếng Anh về nấu
cơm chung rồi chung giường và thành vợ chồng thật.
Ở
Galang tôi gặp lại bạn bè quân ngũ xưa; vì gần như mỗi tàu là có đôi ba
hải quân xưa được đi không tốn tiền để lái tàu. Quán Trùng Dương là nơi
tụ họp để nhận ra nhau kể chuyện xưa và bàn chuyện tương lai. Các cựu
hải quân xưa làm sổ lưu niệm giống như thời học trò viết lưu bút ngày
xanh cho những tháng nghĩ hè. Lắm ông ghi cả số quân đơn vị xưa và dán
cả hình. Ôi các quan lính ơi Tôi mà đem cái sổ nầy về thì e rằng cô bí
thư mười mấy tuổi đảng sẽ lén ghi lại hết gởi về Bắc Bộ phủ thì gia đình
các ông cũng mà khó sống ở VN!. Tôi từ chối viếtsổ lưu niệm và cũng
không đến quán hội họp nữa.
Cũng
tại trại Galang, tôi có người bạn trước là thiếu úy ngành điện khí được
mướn làm người gác máy điện phụ cho một thợ điện người Indo. Anh Indo
nầy khá am tường về tình hình VN và có phân tích như sau:
-
Các anh vượt biên nghĩ rằng ra ngoại quốc rồi Mỹ sẽ giúp cho thành lập
một đoàn quân để trở về dành lại VN. Có lẽ các anh lầm rồi. Mỹ không bao
giờ giúp các Anh đâu vì giúp các Anh; Mỹ được lợi gì? Các anh đánh nhau
mà nhiều nữ tính quá. Nhân đạo với kẻ thù thì chỉ có con đường chết;
Phải như chúng tôi kìa. Chỉ một đêm thôi không một tiếng súng; toàn dùng
dao, búa, mã tấu mà giết cho tuyệt giống cộng sản. Chỉ một đêm là xong
gần triệu mạng...
Sáu
tháng sau chúng tôi được đi định cư. Tôi không tham gia đoàn thể nào,
không hội họp với cả hội đồng hương nhưng lúc nào cũng canh chừng cô vợ
bí thư đảng viên.
Cô
ta cũng như tôi chẳng quen ai; đến cả dùng điện thoại cô ta cũng không
sử dụng. Mẹ tôi mất năm 83. Mẹ cô ta mất năm 84. Năm 90 ba tôi và ba của
cô ta cùng mất trong một năm. Chúng tôi nhận thư nhưng không về và đến
nay cũng chưa về. Chúng tôi đồng ý không có con. Tôi 72 và vợ 70 tuổi;
nếu còn ở Việt Nam, cô ta nay đã 52 tuổi đảng, không biết làm tới chức
gì.
Mất
nước bốn mươi năm, lưu vong hơn 35 năm, chúng tôi chưa bao giờ có ý
định về thăm lại quê hương. Trong lòng tôi đã chôn một chế độ và trong
lòng vợ tôi cũng chôn một chế độ. Chúng tôi không con nối dòng nên khi
chúng tôi chết thì "cả hai chế độ" cũng tan thành tro bụi. Với tôi, vậy
là chôn xong hai chế độ. Ngày ấy không xa.
Kỹ niệm 40 năm
Trần Thiện Phi Hùng
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire